P1: Hoa chanh nở giữa đô thành phồn hoa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê(*)

Một thi sĩ đã từng thốt lên lời tâm tình đầy tha thiết với cô gái mình yêu như thế, rằng cô hãy giữ cái gốc gác chân quê...

Nhưng ở cái buổi giao thời Tây Tàu lẫn lộn này, muốn tìm được một đóa hoa chanh mộc mạc chân chất, thật chẳng dễ dàng gì.

Trước sự đổ bộ như cơn lốc của những phong trào Âu hóa văn minh, biết bao con người bị cuốn theo, bị tha hóa, bị biến chất, trở nên lố lăng, sang trọng nửa mùa mà chẳng mảy may hay biết. Ở ngoài vòng, kẻ thì phẫn uất trách móc, lớn tiếng bài trừ; người thì ngán ngẩm lắc đầu, thở dài thườn thượt; những văn nhân thi sĩ thì chọn gửi cái tiếng lòng đang gào thét muốn níu giữ cái văn hóa như cỗ xe trên đà tuột dốc không phanh vào những câu từ vần điệu, để rồi đổi lại vẫn chỉ là uất ức càng thêm sâu.

Kẻ chạy theo điên cuồng say đắm, người muốn giữ bất lực mệt nhoài.

Nhưng cũng có những người chọn cách không quan tâm, ai suy đồi ai trụy lạc mặc ai, mình ta giữ tâm ta trong sáng, cốt cách thanh cao, như thế là đủ. Những đóa hoa chanh nở giữa thành thị phồn hoa mà hỗn loạn...

Giống như một tiệm may áo dài truyền thống nằm lạc lõng giữa vô vàn cửa hàng may váy bán đầm đủ mốt Tây Tàu, hở trên lộ dưới vậy.

Tiệm may này tên là Chân Phương. Người chủ trước kia là một cô gái, về sau cô đi lấy chồng xa, tiệm may để lại cho người em trai làm chủ.

Trước kia khi còn nữ chủ nhân, tiệm may ngày nào cũng đông khách, vì tay nghề cô thực sự rất giỏi mà tính tình cô lại niềm nở, khéo léo và biết chiều ý người khác. Bây giờ thì hoàn toàn trái ngược. Người chủ mới vô cùng khó tính, thậm chí là cộc cằn, hơn nữa không phải khách nào cũng nhận. Anh ta chỉ nhận may áo cho những người đứng đắn, đoan trang, không thái độ hách dịch và cũng không đòi sửa cái này cái kia cho hợp thời hợp mốt. Nếu khách hàng là mấy bà mệnh phụ, mấy cô tiểu thư đỏng đảnh, kệch cỡm, ăn mặc hở hang thì dù có đánh chết anh ta cũng không nhận. Nếu không vì những chiếc áo anh ta may ra còn đẹp hơn cả áo cô chị gái may trước đây nên giữ chân được một lượng khách hàng quen thuộc, thì có lẽ tiệm may này đã sớm đóng cửa từ lâu rồi.

Một trong số những vị khách lui tới tiệm may Chân Phương thường xuyên hơn cả là chủ của nhà trò Thanh Cầm nổi tiếng Hà thành.

Tại sao lại là chủ nhà trò? Nhà trò chẳng phải cái nơi mà những người đứng đắn vẫn hay chỉ trích lên án rằng trong đó đàn hát thì ít mà giai gái thì nhiều hay sao? Chẳng phải cái nơi đã phá tan nát hạnh phúc bao gia đình hay sao? Chẳng phải những người làm việc ở đó đều bị khinh miệt lắm hay sao? Một người khó tính như ông chủ Chân Phương, sao lại chịu nhận may áo dài cho chủ nhà trò?

Ấy thế mà chẳng phải vô lý đâu.

Nếu là những nhà trò khác thì ắt hẳn ông chủ Chân Phương đã chẳng thèm nhìn bằng nửa con mắt rồi, nhưng nhà trò Thanh Cầm này thì không giống như vậy. Bởi vì Thanh Cầm đặc biệt, đặc biệt như cái sự đặc biệt của tiệm may Chân Phương vậy.

Thanh Cầm nổi danh đất Hà thành là nhà trò chỉ đơn thuần mang đúng nghĩa một nơi để khách đến nghe đàn, nghe hát, xem diễn trò, chứ tuyệt đối không có chuyện buôn phấn bán hương. Mới đầu, có một vài người còn không tin, đến Thanh Cầm nghe hát, thấy cô đào xinh tươi liền giở trò động tay động chân, nghĩ chỉ cần đưa tiền là sẽ chẳng sao cả. Nhưng không! Các cô đào vừa bị khách đụng chạm là la lên ầm trời, kép đàn đi theo cũng lập tức ngăn cản khách với một thái độ vô cùng quyết liệt, hoàn toàn không có ý đùa giỡn. Và khi mà chủ nhà trò tới giải quyết, thì những vị khách làm sai quy tắc này sẽ bị đuổi thẳng ra ngoài, có khi còn bị đánh một trận nhừ tử nếu như cố tình chống cự.

Có người hỏi, làm ăn như thế, lỡ đụng trúng người có chức có quyền thì phải làm sao?

Chuyện này cũng không phải chưa từng xảy ra, thậm chí chủ nhân của Thanh Cầm đã phải lên sở cẩm(**) không chỉ một lần vì những vụ như thế. Nhưng bằng một cách nào hay có ai che chở cho thì người ngoài không ai biết, chỉ biết lần nào vụ việc cũng được giải quyết êm thấm, và Thanh Cầm thì vẫn ở đó, yên ổn tới tận bây giờ cũng đã ba năm rồi.

Chính bởi vì cái tinh thần giữ gìn một hình thức hát ả đào trong sáng đến khó tin như thế mà những người làm việc ở nhà trò Thanh Cầm mới trở thành khách quen của tiệm may Chân Phương. Và nghe người ta nói, hình như chủ nhân của hai nơi này còn là bạn bè thân thiết...

...

Hôm nay, một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, Thạch theo thói quen đẩy cửa sổ, thò đầu ra ngó nghiêng đánh giá thời tiết một phen rồi mới lạch cạch đi mở cửa chính. Tiếp đó, anh khệ nệ bê cái biển đề "Tiệm may Chân Phương" ra dựng ngoài cửa, lại vòng vào trong bày thêm mấy bộ áo dài làm mẫu ra gian ngoài cửa hàng, hoàn tất việc mở cửa buổi sáng như anh vẫn thường làm mỗi ngày.

Vài phút sau, một chiếc xe kéo kẽo kẹt dừng lại trước cửa tiệm may. Từ trên xe, một chàng trai trẻ tuổi mặc áo dài xanh thẫm, tóc búi củ hành, chân đi đôi guốc mộc bước xuống.

Anh móc tiền từ cái hầu bao đeo bên hông, trả cho thằng nhỏ kéo xe, nói:

- Đây có năm hào, tôi cho cả, không phải giả lại đâu nhé.

Thằng nhỏ mắt sáng rực, run run xòe tay nhận tiền rồi cúi người vái tạ chàng trai:

- Con đội ơn ông! Con đội ơn ông! Ông tốt quá! Con đội ơn ông!

Chàng trai ngăn thằng nhỏ đang gật lên gật xuống lia lịa như gà mổ thóc lại, cười bảo:

- Cũng chỉ cho dư có ba hào thôi, làm gì mà như tế sống tôi thế? Thôi đi đi, chốc nữa quay lại đón tôi. Chừng một tiếng nhé.

Thằng nhỏ nhanh nhảu đáp:

- Vâng ạ! Con sẽ quay lại. Con có đến muộn một tí thì xin ông chờ cho, ông đừng gọi xe khác ông nhé.

Chàng trai bật cười:

- Ừ, biết rồi. Gớm, cũng tham lắm đấy. Lại muốn ba hào thêm nữa chứ gì?

Thằng nhỏ gãi gãi đầu, cười hì hì, cúi chào vị khách tốt bụng một lần nữa rồi mới tất tả kéo xe chạy đi.

Thạch đứng trong nhà từ nãy đến giờ, quan sát hết câu chuyện, khóe môi cũng bất giác cong lên theo.

Đến khi thằng nhỏ chạy được một quãng rồi, Thạch mới đi ra:

- Hôm nào cũng cho phu xe dư tiền như thế, rồi thỉnh thoảng gặp ăn xin ăn mày cũng cho đến mấy đồng, nhỡ mà có hôm không đủ tiền trả tiền áo dài cho tôi thì sao?

Nghe tiếng anh, chàng trai quay đầu lại, gương mặt thanh tú đẹp hơn cả con gái nở nụ cười trêu chọc:

- Ấy cha, hình như hôm nay đem không đủ tiền thật đây này. Làm sao bây giờ nhỉ? Hay tôi gán tôi cho anh bù vào nhé?




(*) Trích bài thơ "Chân quê" của nhà thơ Nguyễn Bính.

(**) Sở cẩm: Cơ quan tương đương sở cảnh sát ngày nay dưới thời Pháp thuộc, được đặt ở các thành phố. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro