Chương 1. Tôi sẽ sống cho chính tôi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Không tranh không giành.

Bắt đầu từ năm mười ba tuổi Minh Tuyên đã theo đuổi bốn chữ này, thế nhưng lớn hơn một chút, y nhận ra thế giới mình đang sống không có đủ chỗ cho câu châm ngôn đầy ngây thơ ấy.

Minh Tuyên bắt buộc phải tranh giành để đổi lấy mạng sống, đổi lấy tương lai. Để có thể tiếp tục hít thở, nhìn thấy ánh mặt trời, y thậm chí vứt bỏ sự yên bình mà bản thân vẫn luôn tìm kiếm.

Mùi máu và mùi súng đạn là thứ hiện diện nhiều nhất trong suốt ba mươi năm cuộc đời của Phạm Minh Tuyên.

Cuối cùng trận chiến ấy nổ ra, y đứng giữa một nơi những người là người không rõ địch ta, lắng nghe tiếng súng liên tục vang vọng trong tòa nhà bỏ hoang chẳng mấy rộng lớn.

Vài phút, vài tiếng, vài ngày, hai viên đạn chì ẩn mình đợi chờ thời cơ bấy lâu khéo léo lách qua đám đông, ghim thẳng vào lồng ngực của Minh Tuyên. Viên sau sâu hơn viên trước, nhanh nhẹn gặm nhấm trái tim đỏ tươi trốn dưới một tầng da thịt, chầm chậm nuốt mất toàn bộ sự sống trên cơ thể.

Bóng tối như vết mực loang lổ giữa mặt hồ nhỏ, bao phủ toàn bộ ý thức của Minh Tuyên, nhưng lát sau, y lại cảm nhận được ánh sáng.
Nhiệt độ xung quanh tăng cao, không còn chút dấu vết nào của khí hậu mùa đông miền Bắc nước Ý. Tiếng ve râm ran đâu đó chui vào bên tai, lẫn với tiếng giấy bút sột soạt cùng tiếng cạch cạch khe khẽ vang đều từ chiếc quạt máy treo tường đã cũ.

Minh Tuyên mở mắt, nhận ra mình đang ngồi bàn cuối trong một lớp học tầm ba mươi người. Bàn học dành cho hai học sinh chỉ có mỗi y chiếm đóng toàn bộ, sách vở môn Toán mở ra đặt trước mặt, tay phải còn đang cầm bút bi xanh.

Minh Tuyên nhìn quanh một lượt, ai cũng mặc đồng phục cấp ba, sơ mi trắng thắt cà vạt xanh đen. Nữ thì váy dài chấm gối, nam thì quần tây giản dị, cùng màu với cà vạt. Cả lớp im lặng cúi đầu làm bài, đôi khi vọng tới tiếng hỏi bài nho nhỏ của mấy cô cậu học trò bàn trên.

Tầm mắt y dừng ở quyển tập trước mặt, chữ số ngay ngắn dễ nhìn, trông khá đẹp mắt.

Nhưng đây không phải nét bút của Minh Tuyên, bàn tay thô ráp đầy vết chai sần này cũng chẳng thuộc về y.

Khi Minh Tuyên tự hỏi chuyện gì đang diễn ra, trong đầu đột nhiên xẹt qua hàng loạt khung tranh đen trắng. Chúng giống như những tờ giấy bị ai đó xé rách, thất lạc mỗi nơi một chỗ, tự tìm về rồi tự động hoàn thiện, lặng lẽ kể cho y nghe một câu chuyện tình giữa hai người con trai.

Qua vài phút lật giở ký ức, Minh Tuyên nhận thức được đây là thế giới trong một bộ truyện tranh mang tên 'Đường Về'. Thân phận hiện tại của y là Ngô Thúc Hòa, một nhân vật phụ ngây ngô xấu số.

Thúc Hòa sống ở cô nhi viện đến năm ba tuổi thì được nhà họ Ngô nhận nuôi, cậu trở thành con trai lớn của họ, có một người em trai bị bệnh tim, cũng chính là nhân vật chính trong nguyên tác - Ngô Lê Hồng Phúc. Thúc Hòa rất thương người em này, luôn hy sinh vì em trai và gia đình, từ nấu nướng đến quét dọn đều do một tay thiếu niên đảm nhận.

Năm mười chín tuổi Thúc Hòa gặp tai nạn, chết não rồi rơi vào trạng thái sống thực vật. Qua một thời gian, cha mẹ nuôi tìm thấy nhật ký của cậu ta, đọc được dòng mong em trai khỏe hơn, ước rằng phải chi có hai trái tim để tặng cho em trai một trái. Cha mẹ nuôi đau lòng khóc lóc nửa tiếng, sau đó xuôi theo những dòng nhật ký, giúp Thúc Hòa hoàn thành mong muốn cuối cùng.

Có điều Thúc Hòa chỉ có một trái tim, ước nguyện em trai khỏe mạnh biến thành hiện thực nhờ đánh đổi bằng cái chết của chính cậu ta.

Minh Tuyên nhíu mày trầm mặc, mất một khoảng thời gian không dài không ngắn để y thích ứng với tình hình hiện tại.

Minh Tuyên thử véo đùi mình, cảm nhận cơn đau nhức nhối, y cũng dần chấp nhận đây không phải một món quà hoang đường được Diêm Vương tặng cho trước buổi xét xử mà là hiện thực trăm phần trăm. Ký ức của Minh Tuyên và ký ức của Thúc Hòa tồn tại song song, nhất thời Minh Tuyên chẳng rõ y là Thúc Hòa vừa nhớ lại kiếp trước, đọc được tương lai, hay là bản thân y vừa xuyên tới trú ngụ trong thân thể này nữa.

Dành nửa ngày còn lại sắp xếp suy nghĩ, mãi đến khi chuông báo tan học vang lên, Minh Tuyên quả quyết xác nhận y vẫn là y, không phải Thúc Hòa.

Dựa theo ký ức của Thúc Hòa, Minh Tuyên biết cậu ta không học cùng trường với em trai. Trong nhà chỉ có hai tài xế, một đưa rước Hồng Phúc, một đưa rước cha mẹ nuôi, bởi thế Thúc Hòa phải tự bắt xe buýt đi đi về về.

Nhà họ Ngô sống tại khu biệt thự Eden River, một khu biệt thự ven sông cách trường khá xa. Ngày nào thiếu niên cũng ngồi qua hai chuyến xe buýt, mất gần một tiếng đồng hồ, xuống xe cuốc bộ thêm mười phút nữa mới chính thức tới nhà.

Khu biệt thự căn nào căn nấy giống hệt nhau, trải dài một hàng, chỉ khác mỗi vị trí và địa chỉ. Minh Tuyên theo trí nhớ của Thúc Hòa dừng trước một căn biệt thự có kiến trúc hình hộp chữ nhật gắn bảng số 11 trên tường ngoài, kéo balo đen lấy thẻ mở khóa cổng.

Biệt thự cao hai lầu, bên ngoài sơn màu xám khói, sát cạnh cổng xây một ga ra đủ cho hai chiếc ô tô bốn chỗ. Hiện giờ cửa cuốn ga ra đóng chặt, bên trong trống trơn nhưng Minh Tuyên vẫn biết nhà họ Ngô sở hữu một chiếc màu đen, một chiếc màu trắng.

Minh Tuyên không quan tâm lắm mà đi thẳng vào nhà, bước tới phòng của Thúc Hòa - hiện đã trở thành phòng của y.

Phòng ngủ nằm ở tầng trệt, đối diện nhà bếp. Hướng sáng tạm coi là tốt, giường tủ đầy đủ, bàn học đèn học không thiếu thứ gì, có thể thấy người sống trong căn phòng này được chăm lo về mặt vật chất khá tốt.

Minh Tuyên xem xét kỹ toàn bộ căn phòng, đối chiếu với ký ức của Thúc Hòa, y biết đứa nhỏ này không có thói quen viết nhật ký.

Đôi mắt tam bạch màu hổ phách khẽ híp lại, bàn tay dời từ bàn học sang tủ quần áo âm tường. Nhìn lướt một lượt, Minh Tuyên nhanh chóng nhận ra ngoài đồng phục thì số quần áo còn lại đều đã sờn cũ, kiểu dáng quê mùa. Vài chiếc quần giãn chun xếp gọn trong góc tủ, bên cạnh là hộp kim chỉ, hẳn là chủ nhân căn phòng chuẩn bị sửa lại rồi mặc tiếp.

Minh Tuyên khép cửa tủ, quay đầu liền bắt gặp gương mặt thiếu niên non nớt trên tấm gương treo tường. Đó là ảnh phản chiếu diện mạo hiện giờ của y, mắt hạnh mày dài, sống mũi thẳng tắp, đầu mũi hơi nhọn, cánh môi không dày không mỏng, nói chung là hồng hào đầy đặn. Gương mặt này so với kiếp trước giống nhau như đúc từ một khuôn, ngoài việc trẻ hơn và thư sinh hơn thì chẳng còn điểm nào khác biệt.

Nhớ lại chuyện Thúc Hòa được nhận nuôi sau một buổi lấy máu kiểm tra sức khỏe tài trợ bởi công ty của cha nuôi Ngô Phú Tuấn, Minh Tuyên mơ hồ hiểu ra lý do bọn họ chọn Thúc Hòa. Dù gì cũng đã lăn lộn ở cái thế giới kia hơn chục năm, lòng người sáng tối thế nào y liếc sơ là biết.

Minh Tuyên thở dài nhìn thiếu niên trong gương, sau đó cúi đầu xoa nhẹ lồng ngực.

"Đứa trẻ tội nghiệp."

Lúc xoay gót dợm bước, mũi chân Minh Tuyên chạm phải thứ gì đó dưới gầm giường, y ngồi xuống, kéo ra cái hộp thiết nhỏ phủ một lớp bụi mỏng.

Minh Tuyên phủi bụi, mở nắp hộp, bên trong có vài tấm ảnh cũ chụp đủ các loài hoa, kèm theo một mảnh giấy nhỏ chằng chịt hai chữ "chịu đựng" viết ở mặt trước lẫn sau. Chữ đỏ đậm màu, khi viết có vẻ mạnh tay nên dấu hằn đầu bút trên giấy rất rõ.

Minh Tuyên không nói gì, đặt chúng về vị trí cũ, chỉ lấy chiếc nhẫn inox trầy xước trong góc hộp, tìm một sợi dây chắc chắn xỏ qua nhẫn, đeo lên cổ.

Chiếc nhẫn này chính là kỉ vật gia đình của nhà họ Phạm, cũng chính là gia đình thật sự của Thúc Hòa. Nhà họ Phạm ban đầu làm ăn khó khăn, về sau phất lên, có điều kiện liền đi tìm đứa con trai út thất lạc khi xưa, không ngờ tìm lại được là một ngôi mộ nhỏ đơn giản cùng một tấm di ảnh của thiếu niên.

Nhà họ Phạm chỉ biết Thúc Hòa được nhà họ Ngô nhận nuôi rồi gặp tai nạn, biến thành người thực vật. Cha mẹ nuôi ôm hy vọng chăm sóc hai năm, cuối cùng đành phải theo mong muốn ghi lại trong nhật ký Thúc Hòa, hiến tim cậu cho người em trai Hồng Phúc.

Hai nhà Phạm - Ngô quen biết rồi hợp tác với nhau sau vụ này. Khi cốt truyện chính bắt đầu lăn bánh, Hồng Phúc nhờ trái tim của Thúc Hòa và hào quang nhân vật chính nên được nhà họ Phạm chống lưng, trở thành một nửa người nhà họ Phạm. Hồng Phúc thành công theo đuổi ước mơ diễn xuất, đồng thời trải qua một chuyện tình chông gai mà đẹp đẽ với vị chủ tịch trẻ tuổi của tập đoàn Noah, sống một đời viên mãn.

Nhưng đó là diễn biến và kết thúc trước khi Minh Tuyên chưa tới thế giới này.

Minh Tuyên vuốt ve chiếc nhẫn lành lạnh trên cổ. Nếu đứa trẻ này không thể tiếp tục chịu đựng, đã chọn cách rời đi nhường chỗ cho y, vậy thì y sẽ sống tiếp.

"Nhưng tôi không sống thay nhóc, tôi sẽ sống cho chính tôi." Minh Tuyên vươn tay lướt qua mặt gương, vuốt nhẹ đôi mắt màu hổ phách thiếu mất vẻ ngây ngô phản chiếu trên đấy. "Trước đó tôi sẽ giúp nhóc một chút thay lời cảm ơn nhé."

Dứt lời, y lại mở tủ chọn một bộ quần áo tạm ổn, tắm rửa xong không ăn cơm mà lấy bóp tiền và điện thoại, gọi xe taxi tới đường số 6.

Gia đình của Thúc Hòa nằm ở khu này, Minh Tuyên không vội tìm, xuống xe liền ghé vào cửa hàng tiện lợi mua một cái bánh sandwich cá ngừ, một chai nước ép táo, ăn xong bắt đầu đi dạo xung quanh.

Gần sáu giờ chiều, tia nắng cuối cùng trong ngày vừa tan, hàng quán hai bên đường lần lượt sáng đèn. Xe cộ ngược xuôi không ngừng nghỉ, tiếng bóp kèn xin đường cứ cách vài giây lại vang lên.

Xa xa phía đối diện có xe bán bắp nướng, bắp xào, mùi bắp ngọt thơm lừng theo gió lượn lờ khắp mọi ngóc ngách. Phóng tầm mắt thêm chút nữa sẽ thấy một khu chợ nhỏ đã đóng cửa, song trước chợ vẫn còn dựng xe bán hủ tiếu, bánh canh, hoành thánh... Có năm, mười người tấp lại ngồi ăn đêm, khung cảnh nhộn nhịp đông vui, khác hẳn khu biệt thự tĩnh mịch nào đó.

Minh Tuyên bước vào một quán ăn nhỏ đông khách dán giấy tuyển nhân viên, tiến thẳng đến quầy thanh toán hỏi người phụ nữ trung niên đã hai màu tóc, mặc tạp đề đen ám mùi dầu mỡ đang cúi đầu ghi chép gì đó: "Chào cô, con muốn hỏi xin việc làm bán thời gian ở đây, không biết cô còn nhận không ạ?"

Người phụ nữ nghe tiếng liền ngẩng đầu lên, gương mặt hiền hòa phúc hậu mỉm cười, nói: "Còn chứ."

Bà dừng một chút quan sát thiếu niên tuấn tú phía đối diện, có chút lưỡng lự hỏi: "Con có kinh nghiệm làm quán bao giờ chưa?"

"Từng làm rồi ạ." Minh Tuyên nói dối không chớp mắt, "Nếu cô không phiền thì bây giờ con thử việc trước, cô xem nếu thấy được thì nhận con."

Người phụ nữ nhìn bàn ăn sắp kín chỗ, gật đầu: "Vậy con giúp cô ghi món rồi bưng món ra cho khách nhé."

Thúc Hòa ở nhà họ Ngô chẳng khác gì người ăn kẻ ở, nấu nướng rửa chén bưng bê gì cũng từng làm, cơ thể vốn đã hình thành phản xạ tự nhiên từ lâu với mấy việc này. Minh Tuyên ban đầu hơi chết máy ở chỗ ghi món, nhưng qua khoảng mười phút, y nhanh chóng thích ứng ngay quen tay quen chân làm rất mượt mà. Thêm gương mặt ưa nhìn dễ mến của thiếu niên, quán ăn nhỏ dần náo nhiệt hơn mọi khi, khách kéo tới cũng ngày một nhiều, người vào người ra, hết bàn liên tục.

Trong thời gian thử việc hai tiếng đồng hồ, điện thoại bật chế độ im lặng nằm trong túi quần Minh Tuyên liên tục rung lên. Y mặc kệ, đợi khi quán bớt khách, có chút thời gian đứng nghỉ mới lấy ra xem, màn hình khóa hiển thị hai mươi cuộc gọi nhỡ từ 'Em trai đáng yêu'.

Điện thoại lại rung lên báo hiệu cuộc gọi tới, người gọi vẫn là 'Em trai đáng yêu'. Minh Tuyên đưa tay day nhẹ hai đầu mày, qua vài giây mới bắt máy.

"Anh đi chơi sao không nói em biết." Một giọng nam ngọt ngào dễ nghe vang lên, "Em mới học nhóm về, đói bụng quá, anh làm đồ ăn để ở đâu vậy? Sao không để trên bàn?"

"Hôm nay không nấu." Minh Tuyên nhận ly nước bà chủ đưa tới, gật nhẹ đầu tỏ ý cảm ơn, chất giọng lạnh nhạt hoàn toàn trái ngược với nụ cười dịu dàng đang nở trên môi: "Sau này cũng không nấu nữa."

Không chờ 'Em trai đáng yêu' trả lời, Minh Tuyên tắt máy, bật chế độ ban đêm không cho ai làm phiền.

Bà chủ canh thời điểm đi tới bắt chuyện: "Khi nào con bắt đầu làm được?"

"Mỗi chiều thứ Năm, thứ Sáu và hai ngày cuối tuần con ghé phụ cô, cô thấy ổn không?" Thứ Năm, tức hai ngày sau, là sinh nhật tròn mười tám tuổi của Thúc Hòa, thích hợp để đi làm thêm. Tuổi linh hồn hiện tại là Phạm Minh Tuyên ba mươi tuổi không liên quan, không thể sử dụng được.

Bà chủ nghe vậy vui vẻ vô cùng, luôn miệng nói "được", sau đó trao đổi số điện thoại với y: "Con tên gì?"

Minh Tuyên nở nụ cười lễ phép, đáp: "Tên Tuyên ạ."

———

Trẻ ngoan không nên nói dối nhé =))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro