10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nagireo au Việt Nam.

Bối cảnh thời kháng chiến.

.

Lang áo lính mũ cối đứng xếp hàng trong đội ngũ, ngáp ngắn ngáp dài. Mặt trời còn chưa lên đỉnh. Các chú đang điểm quân ngũ, giao việc cho trung đội trưởng, trung đội phó của từng tiểu đội. Đám lính trẻ đứng nối đuôi nhau, quay ngang quay dọc, tay bắt mặt mừng làm quen.

Tụi nó nhận lệnh tập quân sớm. Đáng ra là phải chiều hôm sau mới di chuyển từ thủ đô Hà thành vào miền Nam. Nhưng anh em đồng bào đang gọi, sao lỡ chậm trễ giây nào, chỉ đành chưa kịp gửi câu chào đến cha mẹ đã lên đường.

Lang liếc quanh, toàn lính trẻ, giống nó. Đương độ mười tám đôi mươi. Cậu trai xuất thân từ Đại học Tổng hợp. Mới nhận giấy báo nhập học đôi ba tháng trước, còn chưa kịp cầm ấm tay đã phải gác lại bút nghiên khoác áo lính.

Vương đến muộn. Thực ra chỉ muộn hơn Lang chút xíu. Chứ chưa đến nỗi muộn giờ tập kết. Cậu xin người ta nhường chỗ, cho được đứng chung với Lang.

- Chờ tớ lâu chưa?

- Chờ đến ê cả chân. Sao Vương đi muộn thế?

- Thông cảm. Thông cảm. - Vương gãi đầu cười hề hề. Rồi cậu bắt đầu kể. - Cha mẹ ở nhà khóa cửa chắc chắn quá. Tớ phải cố lắm mới phá khóa lẻn ra đây với Lang được đấy.

Vương được đặt cách không phải đi. Cha mẹ cậu thuộc tầng lớp tư sản dân tộc yêu nước, quyên nhiều tiền nhiều của cho cách mạng lắm. Nay chỉ có một bụm con, là thằng Vương, chỉ mong cậu bình yên mà lớn, không vướng khói bụi chiến tranh. Nhưng Vương cậu chí lớn, người ta hay bảo trai Bách Khoa chí lớn lắm, cậu khao khát được khoác màu xanh áo lính, được làm một anh bộ đội cụ Hồ, được nhìn thấy ngày độc lập thống nhất.

Nên cậu giấu cha giấu mẹ, viết đơn tình nguyện xin vào miền Nam kháng chiến.

Nay cậu cũng giấu cha giấu mẹ, lẻn khỏi nhà đi tìm ngày giải phóng.

Lang buồn cười. Nhiều người, mà người ta hèn, người ta mong được sống, được trốn khỏi tiếng gọi của tổ quốc dấu yêu, khỏi nghĩa vụ mà thời đại đặt lên vai. Ấy mà Vương, cậu được đặt cách, lại sẵn sàng từ bỏ cái đặt cách ấy.

Ngược đời.

- Tớ háo hức quá. Cả đêm không ngủ được.

- Còn tớ buồn ngủ lắm.

- Có bao giờ Lang không buồn ngủ đâu.

Hai lính trẻ nhìn nhau cười tủm tỉm. Ánh mắt sáng ngời. Sáng như sao trên lá cờ bay phất phới.

Ngày ấy tụi nó đi không biết ngày trở về. Nhưng lính trẻ mà. Ở tuổi trẻ ấy, đã quyết là phải làm. Có tiếc tuổi mười bảy, mười tám không? Tiếc. Có tiếc mối tình chưa kịp đơm hoa kết trái đã lụi tàn không? Tiếc. Nhưng có tiếc hy sinh mùa xuân của mình vì mùa xuân tổ quốc không? Không tiếc.

Nếu có thể đem sắc đỏ của mình để vẽ lên một tổ quốc cờ đỏ bay phất phới trên khắp mọi căn nhà, ngõ phố. Đấy người ta gọi là vinh quang.

Sao có thể sống yên khi mảnh kia đất nước còn đang khổ. Sao có thể sống yên khi máu đồng báo vẫn đang chảy. Sao có thể sống yên khi ngày thống nhất chưa đến.

- Khi nào thống nhất, tụi mình về chụp tấm ảnh đi.

- Hử?

- Tớ muốn xem dáng vẻ của tụi mình, xem tụi mình đã đi qua những năm tháng ấy như thế nào.

- Tớ tưởng tượng được rồi. Vương đẹp lắm.

- Hả? Lang nói lại đi.

- Không nói đâu.

.

Lang biết đời lính khổ. Nhưng nó không nghĩ đời lính khổ thế này. Mỗi lần nó nhìn các bác, các chú rồi lại nhìn sang các anh, nó càng khâm phục.

Nó không biết từ cái ngày đi lính, đã hôm nào tụi nó - cái đám nhỏ tuổi ngây ngô nhất trong đoàn lính này trông sạch sẽ hay chưa. Nó chỉ biết, mỗi lần nó và Vương nhìn nhau, mặt hai đứa đều lấm lem bùn đất.

Các chú bảo, cái khổ này là cái khổ sung sướng. Đám lính trẻ la ó than thở, đã khổ làm sao sung sướng. Các chú chỉ cười, như mấy đứa bay là quá sung sướng còn gì.

Vương hay thì thầm vào tai nó, biết cái khổ nhưng cống hiến cho tổ quốc là niềm sung sướng rồi, nhưng niềm sung sướng này đau chân quá. Lang gật gù. Hôm nào cũng vác cái balo 30 cân chạy trèo đèo, lội suối, vượt núi rừng, nó tưởng chân nó gãy luôn rồi ấy.

Chưa kể đến tập huấn dùng súng, ẩn nấp, gỡ bom, dò mìn...

Vui thì vui thật. Nhưng cứ mỗi lần đến lúc chợp mắt là cái thân già lại kêu khóc.

Vương và nó thích nhất là mỗi lần được ngồi xe địa hình đi dọc đường Bắc Nam, qua những miền quê đã giải phóng, khi tụi nó vô lo vô nghĩ, chẳng sợ đám Mỹ Ngụy dải mưa bom bão đạn. Những lúc ấy, Vương sẽ cầm sách ra học bài. Có vài đứa khác mở tập làm thơ. Có đứa lại viết thư gửi ngàn nỗi nhớ thương về cho mẹ, cho cha, cho đứa em thơ còn đang ngóng mong ngoài hiên nhà.

Lang ngồi cạnh Vương, chăm chú nhìn cậu giải bài, thi thoảng sẽ cùng cậu thảo luận, tìm ra những hướng giải mới.

Hoặc đôi khi đám lính trẻ, chỉ ngồi ngân nga, nghe đàn hát, ngắm quê hương dải xanh bất tận, thẳng cánh cò bay.

Thi thoảng, trong những đêm ngồi quây quần bên ánh lửa bập bùng, các bác các chú hay tâm sự, hỏi mấy đứa.

- Sau thống nhất, mấy đứa có ước mơ gì không?

Cả lũ trẻ ranh nhìn nhau, híp mắt cười hì hì tinh nghịch.

- Bọn cháu về học tiếp ạ. Chứ giấy nhập học đóng khung trong nhà, không dùng phí lắm.

- Lúc về sáu mươi vẫn học hả?

- Phải học chứ ạ. Phải học thì mới có thể tiếp tục cống hiến cho tổ quốc ngày càng giàu mạnh.

Các bác, các chú cười ha hả. Vỗ tay khen đám nhỏ giỏi. Đúng là học sinh đi từ đại học ra. Nói câu nào chỉ có thấm câu ấy.

Tụi nhỏ nhìn nhau òa cười. Kêu là không học để cống hiến cho tổ quốc thì xưa tụi nó thi đại học làm gì, các bác các chú cứ khéo đùa.

Bên ánh lửa, Vương khẽ gục đầu vào vai Lang, nó quay sang nhìn cậu, hai vành tai khẽ đỏ, trong lòng lắm ngổn ngang. Nó đặt tay lên tay Vương, cùng cậu đan năm ngón vào nhau, lén lút.

Hai đứa không dám nhìn nhau, chỉ ngượng ngùng phì cười.

Hai đứa có vô số lời muốn nói. Như sau ngày thống nhất, hai đứa về chung một nhà, chịu không. Nhưng không đứa nào dám nói. Đưa ra lời hứa hẹn lúc này là quá sớm. Tụi nó muốn chờ ngày thống nhất. Phải thống nhất nói ra thì mới thành sự thật. Còn giờ trái tim trẻ khờ chia ra ba nửa. Phần nhiều cho Tổ quốc, phần cuối mới dám dành tặng dáng hình người thương.

.

Từ đường Trường Sơn vào thành cổ Quảng Trị là một chặng hành trình gian nan hơn cả.

Đám trẻ mười tám đôi mươi, đã bao giờ nhìn thấy nhiều máu thế đâu. Ấy mà giờ đây, chúng nó nhận ra, trời Trường Sơn rực màu lửa đỏ. Khói Trường Sơn giăng kín mây mù. Những đồng chí mới hôm nào còn cùng ca hát, đánh đàn ngắm nhìn non sông, có khi mai đã nằm dưới lớp vải trắng, không còn vẹn nguyên.

Lang nhớ nó và Vương phải tự tay chôn những đồng đội xuống sỏi đá của dãy Trường Sơn kiêu hùng. Họ vẫn khoác trên mình màu xanh áo lính, mũ cối hiên ngang, nét mặt gan hùng. Họ đã sống vì Tổ quốc và đã chết vì tổ quốc. Họ đã ra đi chẳng tiếc đời xanh.

Nhưng khi hai đứa chôn họ, tụi nó lại chẳng thể lập cho họ một bia mộ. Để chứng minh rằng, tại nơi đây, có một anh lính - người mà có tên có tuổi - đã dâng đời mình cho tổ quốc.

- Có sợ không? - Lang hỏi, tay nó nắm chặt lấy tay Vương. Tay Vương run quá.

Vương nhìn nó. Ánh mắt vẫn kiên định, trong vắt như ngày viết đơn xin tình nguyện vào miền Nam chống giặc. À không, mắt cậu còn sáng hơn cái ngày ấy, sáng đến mức Lang có thể nhìn ra cái ngày giải phóng, cái ngày Bắc Nam trọn một chữ nhà.

- Tớ sợ. Sợ thế hệ sau sẽ khổ nếu thế hệ mình không giành lại được non sông trọn vẹn. - Vương cười, nụ cười đẹp mà nên để dành đến ngày thống nhất. - Tớ sợ. Nhưng nỗi căm ghét quân thù của tớ càng lớn hơn.

- Tớ hiểu.

Sau cùng, tụi nó vẫn phải đứng lên, vẫn phải bước tiếp.

Tụi nó còn cả một cuộc hành trình dài với màu xanh áo lính. Tụi nó không thể dừng bước ở nơi đây, dãy Trường Sơn rực đỏ này. Thành cổ Quảng Trị còn cần chúng nó, đồng bào còn cần chúng nó.

Chúng nó đã bước đến năm 1972. Chúng nó phải bước tiếp, phải bước qua cả năm 1972.

.

- Phải cởi đồ, bơi qua sông thôi.

Trong màn đêm, phía trên là tiếng vèo vèo từ động cơ máy bay của địch.

Trước mặt đám lính trẻ là một con sông, sông dài đằng đẵng, đen kịt, sâu không thấy đáy. Các bác, các chú bảo đây là sông Thạch Hãn, qua sông, là đi thẳng đến chiến trường chính Quảng Trị.

Vương nhìn Lang, cậu cười. Cười một lúc, mặt bỗng méo lại, cậu khóc.

Anh Thần, lớn hơn tụi nó vài tuổi, ra vỗ vai Vương an ủi.

- Không cần sợ. Sông nước ta, sông nhà ta, nhất định bảo vệ ta qua bên bờ lành lặn.

- Em không sợ chết.

- Thế sao đồng chí khóc?

- Em, em... - Vương ấp úng, sợ nói ra mọi người cười rồi cậu thở dài. - Thư mẹ gửi em chưa kịp đọc. Sợ bơi qua trôi mất chữ không đọc được.

Mọi người nghe xong đều phì cười, không khí dịu hơn hơn.

Anh Thần vỗ vai cười ha hả.

- Làm anh cứ tưởng. Đồng chí khỏi lo. Anh biết tỏng văn mẫu của các mẹ rồi. Qua sông anh đọc cho đồng chí. Đảm bảo không lệch được đâu.

Vương giấu mặt trong tay, ngượng ngùng gật đầu. Cậu liếc sang Lang, thấy nó đang cười, giận dỗi véo má nó thật đau, kệ nó kêu oai oái.

Tụi nó trút bỏ bộ áo xanh, đặt lại bên bờ. Vương nhìn nó lưu luyến lắm. Lang nắm tay cậu, an ủi cậu.

Bộ áo lính là tư liệu lịch sử hào hùng nhất của hai cậu lính trẻ. Của người con đất Hà thành hào hoa gác bút nghiên, khoác áo lính. Chả đứa nào lỡ bỏ bộ áo lính lại. Nó là linh hồn, là máu thịt của những cậu trai mười tám đôi mươi.

Là lời thề của người con ra đi theo tiếng gọi của non sông tổ quốc. Đám lính trẻ không tưởng tượng nổi, rồi mình là ai, có còn trọn vẹn không khi trên người không còn màu xanh cụ Hồ.

Nhưng, tụi trẻ đã thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Nếu đến bộ đồ còn không nỡ, thì sao đủ vững vàng hy sinh cho tổ quốc.

Sông lạnh, nước như cắt da thịt của những anh lính. Phía trên bầu trời, lính Mĩ lính Ngụy lái máy bay dải mưa bom bão đạn.

Những người đang bên cạnh, chỉ trong phút giây lơ là, sẽ chìm mãi dưới đáy hồ. Mang theo bao lý tưởng chôn vùi vào lòng sông lạnh lẽo. Lòng sông lay động, sóng vỗ dạt vào mạn bờ. Phải chăng chính Thạch Hãn cũng đang khóc, khóc cho những người con trung trinh của tổ quốc dừng mãi ở mùa xuân đẹp nhất của đời người.

Dưới làn nước, mắt Lang đã sớm đỏ hoe. Nó vờ như nước sông làm cay mắt nó. Dù nó biết, mắt nó cay vì màu máu đỏ đã nhuộm cả màu sông. Nó là con người có máu thịt, tim nó nhói lên khi những đồng đội, chiến hữu của mình nằm mãi dưới lòng sông.

Nhưng, nó nhớ lời Vương. Nếu thế hệ nó không đi qua được những năm tháng này, thì thế hệ sau sẽ là thế hệ phải chịu.

Tụi nó cố gắng nhiều như thế vì thế hệ sau.

Phải sống.

Lúc trồi lên được mặt bờ bên kia, Lang nó giật mình khi Vương nhào đến vào ôm chặt lấy nó trong vòng tay. Hóa ra Vương đã sang trước, còn sang được lúc lâu rồi. Vương tìm nó, tìm nó trong dòng người.

Dù Vương không phải đứa yếu đuối, nhưng cậu sợ mất nó. Sợ đến mức lệ rơi đầy mặt.

- Tớ ở đây. - Lang đáp lấy cái ôm của Vương, vỗ vỗ an ủi cậu. - Tớ vẫn sống, tim vẫn đập, máu vẫn chảy.

Vương rúc vào người Lang, nức nở.

Chẳng ai lúc này buồn bận tâm đến hai đứa nó. Người ta chỉ biết rằng, còn sống là tốt, còn sống là đáng quý rồi.

- Mình sẽ đi được đến ngày thống nhất.

- Tớ tin.

.

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm

.

- Mặt Vương lem nhem quá.

Vương cười khi Lang lau mặt cậu. Cậu biết mình đen hơn nhiều. Trước kia là trai Hà thành, con nhà thương buôn, cậu được nâng niu trong vòng tay mà lớn. Nắng mưa chẳng chạm tới đầu.

Nay cậu là lính cụ Hồ. Đã nếm qua mùi khói lửa. Đã đi qua sống chết. Cậu không còn là đứa trẻ ngày nào còn được che chở. Cậu giờ là người che chở cho người khác, cho dân, cho đồng bào, đồng chí.

- Ngày nào cũng hít khói mà sống. Sao sạch được?

Lang không vui. Nó nhăn mặt, búng trán cậu một cái rõ đau.

- Vương. Sẽ sớm qua thôi.

- Tớ biết. - Vương cười. Cậu dựa đầu vào vai nó, khẽ thở dài. - Tớ mệt quá.

Lang mắt đỏ hoe. Nó cũng mệt. Chiến tranh bào mòn tụi nó đến tận linh hồn.

Lý tưởng nó vẫn ở đó. Nhưng tinh thần nó đã mệt. Tụi nó nhớ nhà. Nhớ nhà da diết. Nhớ cha, nhớ mẹ. Nó biết nó lớn rồi. Nhưng đôi khi, nó chỉ ước thôi, rằng mẹ cha đang ở bên, dang tay ra ôm nó vào lòng. Để nó có thể vùi trong lòng cha, lòng mẹ, trút hết những khổ sở nó phải chịu suốt thời gian qua, như những đứa trẻ thơ.

Nhưng giờ mà có ai dám mở mồm ra kêu nó về. Nó sẽ tức, sẽ khóc, sẽ gào lên với người ta.

Nó không đi để trở về. Nó đi để tìm ngày giải phóng.

- Ước gì có sách ngay lúc này. - Vương nói.

- Muốn học à.

- Ừ. - Vương gật đầu. - Không thì sao sau làm sao theo kịp. Tụi nhỏ giờ giỏi lắm. Tụi nó cười tớ mất.

- Vương lo gì. Tụi mình có áo lính mà. Đố đứa nào oách bằng.

Vương phì cười.

- Hứa với tớ. Phải sống. - Vương thì thầm. - Nếu tớ ra sao, phải dùng đôi mắt này nhìn ngắm ngày toàn thắng thay tớ.

- Tớ không hứa đâu. Vương phải tự nhìn đi.

Lang không dám hứa hẹn. Nó không muốn nghe Vương nói những lời bi quan như thế. Nhưng nó còn chẳng lạc quan bằng Vương.

Nó thở khẽ.

- Trong mắt tớ, ngày toàn thắng có tên hai đứa.

Thành cổ Quảng Trị không thể che chở đám lính trẻ. Mà chính tụi nó phải bảo vệ thành cổ. Non sông đất nước đã từng ôm ấp tụi nó, cho tụi nó một ngôi nhà để về, cho tụi nó một gia đình để nhớ, một quê hương để yêu.

Giờ đến lượt tụi nó trả ơn nghĩa này cho tổ quốc.

Đám lính trẻ không hối hận. Khi đứng giữa chiến trường khói lửa, mưa bom bão đạn, máu đỏ thành sông. Tụi nó có run không? Có.

Sách vở dạy tụi nó trân trọng con người, trân trọng cuộc sống. Nhưng tay tụi nó cầm súng, tay tụi nó dính máu quân thù. Tụi nó có hối hận không? Không hối hận.

Tụi nó không muốn giết người. Nếu để chọn, chẳng ai muốn chọn phải giết người cả.

Nhưng đây là quân thù. Đây là vì tổ quốc.

Nếu như phải ngã xuống. Nó muốn ngã xuống ở đây. Muốn được chôn vào đất, được hóa thành non sông, hóa thành máu thịt của tổ quốc.

Để hóa thành bất tử.

- Vương, tớ biết là hơi muộn. Nhưng sau toàn thắng, tụi mình về chung một nhà, chịu không?

Vương đặt một nụ hôn lên khóe môi Lang, mắt rưng rưng.

- Tớ chờ câu này của mình lâu lắm rồi.

.

[ Ta đã đi đến ngày thống nhất chưa?

Ta đã đi đến rồi, qua vô số con mắt của thế hệ tiếp nối.]

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro