phan 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

hồi ức lính pháo binh
Vasily F. Davidenko

Trung uý pháo binh, trung đội trưởng trung đội trinh sát tiền phương, trung đoàn 7, sư đoàn xạ thủ số 24 Samara - Ulyanovsk "Thép".
Tôi sinh ngày 7-7-1911. Tôi gia nhập Hồng quân năm 1933 - vào thời điểm đó, những năm 1933-1936, lính quân dịch có tuổi đời 22. Vì thế khi gia nhập quân đội tôi đã là một người trưởng thành. Tôi được điều về làm một người lính của sư đoàn xạ thủ số 24 Samara – Ulyanovsk "Thép", trung đoàn 70. Phiên hiệu của trung đoàn được đổi sang trung đoàn 7 năm 1937. Tôi được điều sang Ukraine, Vinnitsa. Người ta di chuyển luân phiên các đơn vị khắp đất nước và thay đổi phiên hiệu của chúng– hình như đối phương đã có một số thông tin về chúng ta. Từ Vinnitsa chúng tôi được điều đến Leningrad. Hai trung đoàn đóng quân ở Leningrad, trong khi trung đoàn còn lại ở Pesochnoe. Năm 1939 tôi tốt nghiệp khoá học đào tạo trung uý ở Học viện pháo binh Leningrad số 1. Thật thú vị, 60 năm sau cháu trai của tôi cũng học tập ở chính nơi đó. Tôi được gửi đi học ở Học viện vì đã từng tốt nghiệp trung học và đã hoàn tất khoá học về kế toán. Tôi đã từng làm nhân viên kế toán ở một nông trang tập thể. Thời kì đó như vậy được coi là có trình độ học vấn cao. Và tôi đã được gửi tới Học viện.
Sau khi tốt nghiệp, tôi được thăng cấp trung uý pháo binh và trở thành trung đội trưởng trung đội trinh sát tiền phương của một khẩu đội trong trung đoàn. Mỗi trung đoàn xạ thủ có một khẩu đội pháo nhỏ 45mm và một khẩu đội pháo 76mm. Cùng với sư đoàn, tôi đã tham gia Chiến tranh Mùa Đông. Nếu anh muốn được nghe nhiều hơn, thì nó rất phức tạp. Đầu tiên mọi chuyện diễn biến tốt đẹp. Sau đợt pháo kích, chúng tôi tiến về sông Đen và mọi thứ có vẻ trôi chảy, nhưng sau đó nó bắt đầu trở nên tệ hại. Vì sao vậy ? Vì tôi, một trung đội trưởng trinh sát tiền phương thậm chí không có nổi một tấm bản đồ ! Chúng tôi tiến tới phòng tuyến Mannerheim và dừng lại. Đầu tiên chúng tôi tiến dọc con đường, tiêu diệt và đánh bại những đơn vị nhỏ của Phần Lan gây cản trở, tới gần phòng tuyến Mannerheim mà không biết chuyện gì đang ở phía trước. Khi chúng tôi đóng quân trong một khu rừng, máy bay trinh sát Phần Lan bay qua và chụp một bức ảnh. Sau đó quân Phần Lan tiến hành một đòn pháo kích bằng tất cả những vũ khí mà họ có trong tay. Họ chỉ có một lực lượng không quân rất nhỏ bé. Tuy nhiên những thiệt hại của chúng tôi rất nặng nề.
Chúng tôi mở những cuộc trinh sát cùng với trinh sát bộ binh của sư đoàn. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm vị trí những hoả điểm trong những công sự bằng bê tông và bằng đất. Tình hình như sau : quân Phần Lan có một hàng rào dây thép gai, 6 lớp và sau đó là hàng rào bằng đá và một bãi mìn. Chúng tôi phải dùng pháo bắn tạo ra một cửa mở trên hàng rào. Chỉ huy của chúng tôi sẽ thức dậy vào buổi sáng, cầm ống nhòm xem xét những chướng ngại vật và cửa mở của chúng tôi không hề tồn tại ! Quân Phần Lan đã sửa hàng rào trong đêm. Tất cả là do chúng tôi không hề biết phải chiến đấu như thế nào. Lẽ ra phải làm gì ? Chúng tôi lẽ ra phải tiến hành bắn phá quấy rối ở khu vực hàng rào suốt cả đêm ! Và khi đó quân Phần Lan sẽ không thể liều lĩnh đến gần hàng rào. Nhưng chúng tôi bắn xong rồi đi ngủ, trong khi quân Phần Lan sửa lại hàng rào của họ. Chuyện đó lặp lại ngày này qua ngày khác. Sau đó người ta quyết định cử tôi tham gia một cuộc trinh sát - tôi cũng không biết vì sao họ chọn tôi. Chúng tôi dùng hoả lực tạo ra 4 cửa mở và thâm nhập lúc trời tối. Mặc dù chúng tôi bò qua hàng rào dây thép gai vào ngay lúc tối nhưng các cửa mở đã bị bịt xong ! Nghĩa là quân Phần Lan đã kịp cài mìn tạm thời quanh đây – đơn giản là một ống bằng băng nhồi đầy thuốc nổ, và chúng tôi đang mắc kẹt trên bãi mìn đó. Có 12 người đi cùng tôi và ai đó đã vấp phải mìn. Tiếng nổ dậy lên, quân Phần Lan phát hiện và chúng tôi phải rút lui. Họ bắn phá tập trung vào đường rút lui và chúng tôi đã mất nhiều người ở đây. Tôi mất 7 người. Thông tin duy nhất có được là quân Phần Lan rất tích cực sửa chữa những hàng rào dây thép gai của họ.
Tôi đã bị thương trong cuộc chiến nhưng từ chối đến bệnh viện. Tương tự 5 năm sau đó trong chiến dịch đánh phá vòng vây của quân Đức ở Leningrad. Đơn giản là tôi tới trung đội quân y cách mặt trận khoảng 3km và nghỉ ngơi chút ít ở đó.
Chúng tôi mở một cuộc tiến công vào phòng tuyến Mannerheim và chịu nhiều thiệt hại ở đây. Chúng ta nên biết về sự phòng thủ của quân Phần Lan trước. Chúng tôi ở bên phải hồ Muolaanjarvi, trên đó có một hòn đảo. Chúng tôi có một công sự trên mặt tuyết. Hàng sáng chúng tôi thấy một con chó với một cái túi nhỏ chạy từ những vị trí Phần Lan đến phía sau trận địa ta rồi quay về. Quân Phần Lan dùng chó để chuyển những thông tin tình báo ! Người ta giao nhiệm vụ cho chúng tôi phải bắt con chó. Chúng tôi tóm được nó, và đọc lá thư từ một trinh sát Phần Lan đã thâm nhập vào sau lưng quân ta. Bức thư nói về việc chúng ta đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công.
Tôi còn có thể kể thêm gì với anh ? Ban đầu chúng tôi chịu tổn thất nặng vì đã không chuẩn bị. Chúng tôi không được chuẩn bị cho cuộc chiến. Ngoài ra, nếu anh so sánh quân Đức và Phần Lan, quân Đức chiến đấu rất tốt nếu có không quân, xe tăng và pháo binh. Nhưng cũng nhanh không kém người Nga, lính Đức sẽ hét lên "Hitler kaput" khi bộ đội Soviet xuất hiện ở bên sườn hay sau lưng chúng. Quân Phần Lan không hề như vậy. Họ là những chiến binh rất tuyệt vời. Ví dụ, vào ngày kỉ niệm Hồng quân họ tiến hành một cuộc phản kích. Họ là những người trượt tuyết rất giỏi, và có thể trượt mà không cần gậy trượt. Họ đã tiến được 5km trong khu vực của sư đoàn chúng tôi ! Họ hầu như cũng đã làm thế với sở chỉ huy sư đoàn. Chúng tôi phải chống đỡ những cuộc tấn công trong 3 ngày. Thật tệ hại là chúng tôi đã phải phòng ngự trong những ngày đó. (Hình như Davidenko đang nói về cuộc phản kích của quân Phần Lan vào ngày 23-12-1939).
Chúng tôi được trang bị tốt về quân trang và vũ khí. Mỗi người có một áo khoác lông cừu và ủng nỉ. Khi thâm nhập phòng tuyến Phần Lan, tôi mang theo 1 súng trường và 1 súng ngắn. Tôi cũng mặc áo khoác lông cừu. Tuyết ngập tới tận cổ, nên chúng tôi đào những hố trên mặt tuyết để bí mật tiếp cận vị trí địch. Nói chung về vấn đề quân trang và tiếp tế thì sư đoàn 24 của chúng tôi đã thực hiện tương tối tốt.
Làm cách nào để vượt qua được giá rét? Chúng tôi đào một cái hố trên mặt tuyết, lót ít cành lá xuống đáy, trải áo choàng lên đó. Thế là 2 người có thể ngủ quay lưng vào nhau, mình đắp bằng chiếc áo choàng còn lại. Mỗi người có thể ngủ khoảng một tiếng rưỡi, sau đó thay phiên cho nhau. Đại loại như vậy.
Sư đoàn trưởng của chúng tôi, Veschev, đã hy sinh. Ông bị quân Phần Lan phục kích. Tất cả chúng tôi đều buồn vì chuyện đó. Suốt cuộc chiến mọi người đều rất buồn mỗi khi mất đi ai đó. Trung đoàn trưởng của chúng tôi cũng đã hy sinh. Một lần Veschev đến trung đoàn chúng tôi. Ông đến, ra vài mệnh lệnh và sau đó phải trở về. Có một thung lũng nhỏ với con suối ở đó, nó nằm dưới hoả lực của Phần Lan. Chúng tôi phải quay lại. Veschev ra lệnh cho chúng tôi tìm một con đường an toàn hơn. Chúng tôi cố gắng tìm hai con đường khác nhưng chúng đều bị hoả lực đối phương đe doạ.
Tôi có một con ngựa tên là Lyubimchik (“bé cưng” trong tiếng Nga – LTD). Khi chúng tôi ở Hanko và được lệnh bắn tất cả ngựa, tôi đã không thể giết "người bạn" đó. Tôi đã tự mình nuôi nó, cho nó ăn và dắt ra đồng cỏ. Con ngựa hiểu tôi khá rõ, không ai có thể điều khiển nó trừ tôi ra. Tôi giúp sư đoàn trưởng trèo lên con ngựa và ông sẽ phải phi nước đại qua thung lũng. Tôi cũng cử 2 trinh sát đi theo bảo vệ ông. Cả 2 người này đều bị thương và sư đoàn trưởng đã phải vượt lên. Anh có thể hình dung một sư đoàn trưởng cưỡi một con ngựa đen chỉ với 2 người lính ? Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được sau này, trong Chiến tranh Vệ quốc. Một sư đoàn trưởng - không có sĩ quan cần vụ, không có bất kì phương tiện thông tin, không có bảo vệ - cưỡi ngựa đi tới trung đoàn. Không ngạc nhiên là ông đã bị giết. Mặt khác, anh có biết không, sư đoàn trưởng của chúng tôi không phải là một sĩ quan bộ binh hay pháo binh. Ông là một phi công. Trong một chuyến bay tập ông đã bay qua phía dưới đường dây cao thế. Ông bị giáng cấp và chuyển khỏi không quân. Ông hoàn tất vài khoá huấn luyện và trở thành tư lệnh một sư đoàn xạ thủ. Ít nhất đó là những gì tôi được nghe kể.
Sau khi quân ta chọc thủng trận địa địch ở cánh trái, tôi đã vào xem một lô cốt bằng bê tông của Phần Lan. Có những vết nứt vỡ trên tường do pháo của ta. Tôi không thấy một lô cốt lẻ nào bị trúng bom. Thời kì đó chúng ta chưa có máy bay ném bom bổ nhào, và máy bay ném bom không thể đánh trúng những mục tiêu nhỏ. Khi pháo binh ta bắn vào lô cốt, đầu tiên họ phải phá hủy những lớp ngụy trang để sau đó có thể quan sát lô cốt rõ ràng hơn. Bộ binh xung phong trong Chiến tranh Mùa Đông cũng rất khác với xung phong trong Chiến tranh Vệ Quốc. Trong Chiến tranh Vệ Quốc quân ta xung phong sát sau những đợt pháo bắn chuẩn bị chuyển làn. Trong chiến tranh Mùa Đông quân ta cũng có một cuộc pháo bắn chuẩn bị nhưng sẽ có rất nhiều lớp bộ binh xung phong, hết lớp này đến lớp khác. Lớp đầu tiên có thể bị đẩy lui, lớp thứ hai sẽ thiệt hại ít hơn, và lớp thứ ba hoặc thứ tư sẽ hoàn thành công việc.
Sau khi Chiến tranh Mùa Đông kết thúc, chúng tôi đã được chào đón nồng nhiệt ở Leningrad. Chúng tôi không phải xếp hàng mỗi khi vào cửa hàng, mọi người đều vui vẻ để chúng tôi đi trước.
Dịch từ Anh sang Việt: Phan Trường Sơn
Hiệu đính bản tiếng Việt: Lý Thế Dân


HỒI ỨC LÍNH PHÁO BINH
Ivan A. Yakushin

Thiếu uý, chỉ huy trung đội pháo chống tăng thuộc Trung đoàn Cận vệ 24,
Sư đoàn Kỵ binh Cận vệ số 5.

Thiếu uý Ivan A. Yakushin, 1945

Phần 1

Trung đoàn Kỵ binh Cận vệ số 24 chúng tôi tiến sâu vào hậu phương địch vào ngày 20 tháng Giêng năm 1945, và tới 21 tháng Giêng chúng tôi đã vượt qua biên giới Đông Phổ tại vùng  Brauchwalde. Chúng tôi hành quân suốt tám cây số mà không phải nổ một phát súng nào, nhưng rồi bị chặn lại tại một cứ điểm kiên cố của địch. Quân địch đang cố thủ trong một ngôi làng lớn.  Một trận đấu súng diễn ra. Lực lượng bảo vệ tiền tiêu của Trung đoàn (gồm một chi đội kỵ binh cùng một số đơn vị hỗ trợ) cũng tham gia vào trận đánh. Đối phương, quân số lên tới 2 tiểu đoàn bộ binh có thiết giáp yểm trợ, tổ chức kháng cự dữ dội. Ngôi làng này nằm trên đỉnh một ngọn đồi. Tôi dừng khẩu pháo chống tăng ZIS-2 của mình lại trên đường lộ dưới sự che chở của bóng đêm. Tôi gửi một người liên lạc tới gặp chi đội trưởng để nhận chỉ thị hướng dẫn chỗ bố trí. Con đường mà chúng tôi dừng lại dẫn tới một thung lũng dốc đứng và chạy thẳng lên ngọn đồi, nơi có những ngôi nhà ở rìa làng. Đội bảo vệ tiền tiêu của Trung đoàn đang cố hết sức để đột kích vào ngôi làng. Rất nhiều ngôi nhà đang bốc cháy, chúng chiếu sáng những căn nhà còn lại trong làng. Tôi trông thấy ba chiếc xe tăng Đức đang tiến vào ngôi làng, bóng của chúng được các đám cháy soi rõ. Chúng tôi lại đang ở trong bóng tối. Theo người chi đội trưởng cho biết, bọn họ đã chiếm được hơn nửa ngôi làng, do đó chúng tôi không phải lo sẽ bị phục kích. Tôi liền quyết định – tiêu diệt đám xe tăng, chúng đang được soi rọi bởi những đám cháy, vị trí đặt pháo nằm ngay trên con đường, do tôi không tìm được một vị trí bắn khác tốt hơn. Các pháo thủ trong tổ pháo của tôi còn thiếu kinh nghiệm và chưa từng đối đầu với xe tăng Đức, mặc dù họ đạt kết quả bắn tập rất tốt. Có thể trông thấy đám xe tăng Đức từ cách xa chúng tôi đến cả 500-600 mét, được chiếu sáng rõ, trong khi khẩu pháo chống tăng của chúng tôi đang được bóng tối che phủ. Bằng ngay quả đạn đầu tiên chúng tôi đã hạ được một chiếc xe tăng. Nhưng trước khi có thể nạp lại đạn, khẩu pháo của chúng tôi đã bị lộ bởi ánh sáng từ một ngôi nhà phía sau chúng tôi vừa bị bắt lửa. Những chiếc tăng Đức lập tức đáp trả. Chúng tôi phải mau chóng rút khỏi đây và thay đổi vị trí bắn. Ngay khi quả đạn đầu tiên của bọn tăng Đức bắn tới, đám lính đã chạy khỏi khẩu pháo mà không có lệnh của tôi và nấp vào một cái rãnh ven đường. Tôi hét lớn: “Khẩu đội chạy tới pháo!” Chỉ cần mất khoảng vài giây để gập càng khẩu pháo lại và kéo xuống đồi để tới một “vị trí an toàn”.  Nhưng các pháo thủ của tôi, những người mới lần đầu trạm chán với xe tăng, đang tản ra trong cái rãnh.  Họ chỉ phản ứng khi tôi một mình chạy tới khẩu pháo và cố gắng tự gập càng pháo lại, miệng lặp lại mệnh lệnh “Các pháo thủ về chỗ pháo, đồ chết tiệt!” Đám pháo thủ vội chạy tới khẩu pháo và bắt đầu gập càng pháo lại. Thật lạ rằng, những lời lẽ chửi mắng vốn không hề có trong Cẩm nang dã chiến của chúng tôi, lại rất hữu ích trong những trường hợp như thế này.

Tôi bước tới cái rãnh, hét lớn: “Nhấc nòng pháo!” và giơ cánh tay trái của mình lên để chỉ hướng kéo pháo. Nhưng thời cơ đã qua đi. Trước khi nhóm pháo thủ kịp làm theo mệnh lệnh của tôi, khẩu pháo đã bị bắn trúng và phá huỷ bởi một phát đạn từ chiếc xe tăng Đức. Có ba người trong nhóm bị thương vì mảnh đạn. Tôi cũng bị một mảnh đạn bắn trúng cổ tay phải. 

Đám cứu thương chạy tới và sơ tán thương binh về tuyến sau. Tôi cố tự băng bó vết thương bằng cuộn băng cá nhân, nhưng không tài nào làm nổi với chỉ mình cánh tay trái. Rất khó để cầm máu trong giá rét, trong khi tay tôi bị thương khá nặng. Mấy người cứu thương tới giúp tôi. Chỉ tới khi chúng tôi phải dùng tới cuộn băng thứ hai thì máu mới ngừng chảy. Mấy ngụm vodka do chính uỷ đưa cho làm tôi ấm người còn hơn bất cứ thứ áo ấm nào. Sau này, mỗi khi nhớ lại trận đánh đó, tôi lại càng thấy rõ kinh nghiệm và sự dũng cảm của tổ pháo thủ có tính quyết định như thế nào. Chỉ cần tôi có một tay lính cựu trong nhóm thôi, khẩu pháo lẽ ra đã được thoát khỏi vị trí nguy hiểm mà không chịu chút tổn thất gì. Những pháo thủ sống sót sẽ không bao giờ sợ hãi và sẽ luôn có mặt cạnh pháo trong khi chiến đấu với đám xe tăng sau này. Những trận đánh của chúng tôi chống lại xe tăng Đức hầu như luôn nổ ra bất ngờ, giữa những lần tao ngộ chiến, khi chúng tôi không đủ thời gian để chọn một vị trí bắn tốt và kịp ngụy trang pháo, do đó chúng tôi phải nổ súng càng nhanh càng tốt.

Những trận đánh đó tựa như những cuộc đấu tay đôi, nhưng thường chúng tôi luôn là những kẻ được nổ súng trước. Nhưng nếu anh không kịp tiêu diệt chiếc xe tăng, chúng sẽ không bắn trượt mà sẽ giết anh ngay cùng với khẩu pháo. Có một điều không ai có thể phủ nhận – các tổ lái tăng Đức là những xạ thủ cừ khôi. Nhưng chúng tôi cũng có một lợi điểm khác: chúng tôi đang bảo vệ tổ quốc mình, trong khi chúng đang tiến hành một cuộc chiến tranh ăn cướp; chúng tôi đứng vững trên mặt đất, còn chúng ngồi trong một chiếc hộp sắt, chứa đầy dầu xăng và chất nổ; chúng tôi rất khó bị phát hiện, trong khi chúng có thể bị nhận rõ từ cách xa hàng dặm.

Phần 2
Cuối tháng Tư năm 1945 Lữ đoàn kỵ binh của chúng tôi vượt qua sông Oder, tiến qua đột phá khẩu và tới được sông Elba, phía Bắc Berlin. Những đơn vị Đức tụt hậu lẻ tẻ và những đồn lũy đơn độc bị tiêu diệt trong những trận đánh chớp nhoáng, còn những cứ điểm mạnh của chúng bị vượt qua và bỏ lại ở phía sau, và chúng tôi tiếp tục hành quân vào sâu trong đất Đức. Mặc cho sự thật là chiến tranh đang sắp kết thúc, vẫn có những cuộc đối đầu ác liệt xảy ra. Một lần đơn vị chúng tôi lọt vào giữa một nhóm lính Đức tụt hậu và bị chặn đứng bởi những loạt đạn dày đặc. Trung đội tiếp viện tới nơi nhưng vẫn không đủ sức để giúp đội hình vượt qua được bọn Đức. Trung đoàn trưởng của chúng tôi gọi tới một nhóm xe tăng -  sau một trận chiến ngắn tất cả các xe tăng của chúng tôi đều bị tiêu diệt bởi Panzerfausts (súng chống tăng cá nhân). Thời gian trôi qua, chúng tôi bắt buộc phải tiến quân, và chúng tôi đã nghĩ tới việc đơn giản là bỏ qua cái cứ điểm này để đi tiếp. Những chàng trinh sát của chúng tôi, thật đúng lúc, bắt sống được một tên Đức và dẫn hắn tới Bộ chỉ huy trung đoàn. Đó là một tên nhóc mười lăm tuổi, đang sụt sùi và nức nở. Trung đoàn trưởng đẩy tên tù binh ra trước mặt các chi đội trưởng và nói: “Các anh có thấy ai đang chống lại chúng ta không? Chỉ là mấy thằng nhóc! Nào, hãy tiến lên đuổi hết bọn chúng đi! Chiến thắng đã gần lắm rồi!”  

Sau một đợt pháo và cối bắn chuẩn bị ngắn và dữ dội, những chiến sĩ của một trong những chi đội đó chạy ào lên trước với một tiếng hô lớn Hurrah và ngay khi họ tiến tới được chiến hào bọn Đức, đám Volkssturm (dân quân vũ trang) lập tức ném vũ khí và bỏ chạy hoặc đầu hàng. Tất cả bọn chúng đều là những thằng nhóc khoảng mười sáu tuổi. Dù còn trẻ, chúng vẫn rất thành công trong việc tiêu diệt các chiến xa của chúng tôi bằng Panzerfaust bắn từ những hố cá nhân đào nông choẹt. Đó thật là một thứ vũ khí đáng sợ – chỉ cần một tên lính bộ binh cũng có thể tiêu diệt gọn một chiếc xe tăng!

Dù bị thiệt hại ít, chúng tôi vẫn thiếu người trong các trung đội chống tăng, đặc biệt là trong các tổ pháo thủ chống tăng. Giữa một đợt nghỉ chân, khi tổ pháo thủ của khẩu pháo số 3 đang ăn những thức ăn đạm bạc do đầu bêp nấu, một tên lính Đức không mang vũ khí, mặt trẻ măng, tiến tới và hỏi xin thức ăn. Mọi người xếp cho hắn một chỗ ngồi trên cái thùng đạn, đưa hắn một cà mèn đầy cháo, một ít bánh mì và một chiếc thìa. Fritz (tên mà tổ pháo thủ đặt cho hắn) nói “danke, danke, gut” (cám ơn, cám ơn, tốt) và vục đầu vào chỗ thức ăn. Sau khi cái cà mèn đã cạn, mọi người cho thêm hắn chút cháo, và hắn lại chén hết nhẵn. Đưa cho tên Fritz một ít thuốc lá, người khẩu đội trưởng đề nghị hắn ở lại với khẩu đội. Sau một tràng dài giảng giải bằng thứ hỗn hợp giữa tiếng Nga và tiếng Đức, cộng thêm cả cách ra hiệu bằng tay, tên Đức cuối cùng cũng hiểu ra điều họ muốn. Hắn không cần nghĩ ngợi lâu và lập tức đồng ý. Khi đó tôi đang vắng mặt và lúc quay về chỗ khẩu pháo số 3, tôi thấy tên Đức đang ngồi giữa mọi người. Tôi lập tức hỏi khẩu đội trưởng: “Anh nghĩ anh đang làm cái quái gì thế hả? Thằng Đức này đang làm cái gì ở đây?” Tay khẩu đội trưởng trả lời:  “Đừng lo, đồng chí thiếu uý, hắn là một thằøng Đức tốt” Tôi nói: “Ít nhất anh có biết tên hắn là gì không đã?” - “Hắn tên là Fritz” – “Được, thế anh đã hỏi tên hắn chưa? Lỡ hắn không phải là Fritz thì sao?” – “Hắn vẫn đáp lại mỗi khi chúng tôi gọi hắn là Fritz”. Tôi hỏi lại thằng Fritz, hắn xác nhận là hắn rất vui nếu được ở lại cùng với khẩu đội.

Những người lính đi lạc vẫn thường ở lại với khẩu đội chúng tôi trong một thời gian. Nhưng đó là người của ta, là người Xôviết, là bộ binh hoặc kỵ binh, những người đã bị lạc mất đơn vị của mình, còn đây là lần đầu tiên chúng tôi phải cho một tên lính Đức nương nhờ. Tôi không biết việc này có vi phạm hay không Thoả ước quốc tế về tù binh chiến tranh, nhưng chuyện tên Fritz ở lại với khẩu đội của chúng tôi được sự đồng thuận của cả hai bên mà không gặp bất kỳ chống đối nào về phía ta. Tôi không hề phản đối một “vị khách“ như thế. Do đó, vài ngày sau tên Fritz đã trở thành một thành viên tình nguyện của khẩu đội, cố gắng tìm cách giúp đỡ mọi người. Có lẽ hắn xuất thân từ một gia đình nông dân, do hắn điều khiển lũ ngựa rất giỏi.

…Ngày mùng Một tháng Năm đã tới. Trước khi tất cả các đơn vị của Trung đoàn tiến quân, một mệnh lệnh truyền xuống suốt dọc đoàn quân:

- Thiếu uý Cận vệ Yakushin đưa một khẩu pháo lên hàng đầu đội hình hành quân!

Trung đoàn trưởng giao cho chúng tôi một nhiệm vụ: chi đội hai, được bổ sung thêm khẩu pháo chống tăng của tôi và một trung đội trọng liên, phải tiến về phía đường lộ dẫn tới Wittenberg. Chúng tôi phải cắt đứt con đường đó và chặn không cho đoàn xe quân sự của bọn Đức đi qua về phía Tây để đầu hàng những Đồng minh Phương Tây của chúng ta. Trung đoàn trưởng bảo tôi khi chúng tôi khởi hành: “Hãy làm đi, thiếu uý. Ngôi Sao vàng đang chờ anh ở chỗ đó đấy”. Anh ta cho là từ vị trí phục kích chúng tôi sẽ có thể hạ gục cả tá xe tăng. Dù vậy, sự việc diễn ra không phải như thế.

Chi đội tổ chức tuyến phòng thủ ở rìa một khu rừng. Tình hình diễn ra như sau: phía bên trái chúng tôi, chỉ cách khoảng ba mươi mét, một khẩu đội Đức đang nổ súng bắn vào những đơn vị hậu bị của chúng tôi. Kẻ địch không trông thấy chúng tôi, do chúng tôi ở phía sau chúng. Phía trước chúng tôi, cách khoảng một cây số, một đội hình lớn xe tăng và pháo binh Đức đang di chuyển về phía Tây. Chúng tôi quyết định hạ gục một trong những chiếc xe tăng và tạo nên một vụ kẹt xe trên tuyến đường lộ. Chúng tôi chuẩn bị khẩu pháo sẵn sàng để bắn. 

Sau một khẩu lệnh ngắn gọn: “Chuẩn bị chiến đấu!” mọi người lập tức sẵn sàng. Thậm chí ngay cả tên tù binh Đức, kẻ vẫn ở cùng khẩu đội, cũng hiểu rõ tầm quan trọng của sự việc và chuyển những thùng đạn rất nhanh gọn và chính xác. Tôi ra lệnh: “Bắn vào chiếc xe tăng đi giữa đội hình! Đạn xuyên thép, bắn!” Loại đạn này tạo ra một đuôi lửa, và chúng tôi có thể nhìn rõ đường đi của nó. Phát đầu tiên vọt lên hơi cao hơn mục tiêu. Phát thứ hai bắn trúng chiếc xe tăng.  Chiếc xe quay ngang 180 độ trên đường và dừng lại. Đội hình của chúng cũng dừng lại. Vài chiếc cố gắng vượt qua chiếc xe tăng đã bị hạ gục, những chiếc khác cố gắng quay lại. Tất cả công việc chúng tôi phải làm bây giờ là mau chóng và kín đáo thay đổi vị trí nổ súng của mình. Chúng tôi biết rằng ngay khi chúng tôi nổ súng, khẩu đội pháo Đức sẽ quay về phía chúng tôi và nã đạn trực tiếp. Nhưng điều này đã không xảy ra. Những tổ pháo thủ Đức chạy khỏi các khẩu đại bác của chúng ngay từ phát đạn đầu tiên của chúng tôi – thậm chí không có ai bắn một phát nào về phía chúng tôi! Tuy nhiên, đằng sau khẩu đội này có một khẩu pháo tự hành của Đức được nguỵ trang kín đáo đang phục kích. Nó nhận ra chúng tôi từ phát đạn đầu và nổ súng. Viên đạn đầu tiên của nó nổ về phía bên phải chúng tôi, cách khoảng mười mét. Phát thứ hai của khẩu pháo tự hành phá hủy khẩu pháo của chúng tôi. Chỉ huy pháo bị giết, người xạ thủ bị thương nhẹ. Chỉ có người nạp đạn và tên giữ ngựa là nguyên vẹn, còn tôi cũng bị thương. Đó là vết thương thứ ba của tôi tại chiến trường. Người nạp đạn đặt tôi lên lưng của tay Fritz và dưới làn đạn yểm hộ của chi đội, tay giữ ngựa mang tất cả những người bị thương tới nơi an toàn, tại đó tất cả chúng tôi đều được băng bó.

Nhờ người nạp đạn giúp đỡ, tôi tới được một con đường mòn trong rừng. Trung đoàn chúng tôi, dẫn đầu là trung đoàn trưởng và bộ tham mưu của mình, đang tiến về phía tôi. Những lá cờ của Trung đoàn đang bay cao sau lưng trung đoàn trưởng. Một trong số chúng có gắn tấm Huân chương Cờ đỏ mà Trung đoàn được nhận từ thời Nội chiến trong Lữ đoàn của Kotovski, lá thứ hai – Lá cờ Cận vệ mà Trung đoàn được nhận trong chiến dịch Yelets vào tháng Chạp năm 1941. Đó là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến tranh chúng tôi được thấy cảnh tượng như vậy – trên đồng rộng, giữa ban ngày trung đoàn trưởng và bộ tham mưu của mình cùng những lá cờ mở rộng đang đi về phía chiến trường. Tôi báo cáo lên trung đoàn trưởng về số phận khẩu pháo của mình. Nhóm chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và chặn không cho bọn Đức đột phá về phía tây cho tới khi Trung đoàn đến kịp. Về sau, khi quay lại đúng con đường này, tôi trông thấy chiếc xe tăng mà mình đã bắn hạ. Viên đạn xuyên qua vỏ thép bên hông xe tăng và có lẽ đã trúng chỗ chứa đạn. Tháp pháo chiếc xe tăng bị bật qua một bên, nòng pháo của nó gục xuống thấp. Đằng sau chiếc xe tăng là những xe cộ bị bọn Đức bỏ lại. Đó là kết cục trận đánh cuối cùng của tôi.

Dịch từ Nga sang Anh: Bair Irincheev
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân

HỒI ỨC CỦA LÍNH PHÁO BINH
Mikhail Lukinov
Phần 1: Ba Lan

Những ghi chép về biến cố Ba Lan và cuộc chiến Phần Lan 1939-1940
Được viết bởi người đã trải qua những biến cố trên, một sĩ quan Quân đội Xô-viết,
M. I. Lukinov

Trong lịch sử và văn học, các sự kiện diễn ra ở Ba Lan và Phần Lan trong thời kỳ 1939 - 1940 được thuật lại rất ngắn gọn. Có thể do chúng bị che khuất bởi tầm vóc to lớn của Cuộc Chiến tranh Vệ quốc sau đó. Dù vậy, việc ký kết Hiệp ước Không xâm lược với nước Đức, sự hủy diệt và chia cắt nhất thời pan Ba Lan (pan tiếng Ba Lan nghĩa là “ngài” hay “ông chủ”; bằng cách này những người ta muốn ám chỉ rằng không phải nhân dân Ba Lan mà chính giai cấp thống trị Ba Lan mới là kẻ thù. Một số ví dụ khác: phát xít Đức, samurai Nhật Bản, bôia Romania - Oleg Sheremet) và chiến tranh Phần Lan cũng là những sự kiện không thể để chìm vào lãng quên. Tác giả của những dòng hồi ký dưới đây đã vinh dự được trực tiếp tham gia chiến dịch Ba Lan cũng như cuộc chiến chống Bạch vệ Phần Lan (cụm từ này bắt nguồn từ thời Nội chiến, khi Phần Lan sát cánh với phe Bạch vệ chống lại Hồng quân - Oleg Sheremet), và đã cố gắng thuật lại tất cả những gì ông đã từng sống, nhìn thấy và nếm trải qua. 

Đó là năm 1939 đầy bất ổn. Tại Châu Âu đang có chiến tranh, bóng ma của nó đã lan dần tới biên giới nước ta. Lúc đó tôi mới 32 tuổi và, là một sĩ quan dự bị, có thể bị động viên vào quân đội bất cứ lúc nào. Nhưng vì lẽ gì đó tôi không muốn tin rằng chiến tranh sẽ nổ ra. Tôi đang làm việc, như thường lệ, với chức vụ kỹ sư tại Viện Thiết kế xí nghiệp Vật liệu xây dựng. Tôi đã được hứa thưởng một kỳ nghỉ vào cuối hè năm 1939, dự định sẽ đi nghỉ ở miền nam, trên bờ biển Hắc Hải hiền hoà. Nhưng kế hoạch của tôi bị phá nát bởi lời hiệu triệu từ dân uỷ : “Lên đường với các vật dụng cá nhân”. Thật là một cú sốc. Tôi chạy tới Trụ sở Dân uỷ Quận Bauman chỗ tôi và trước tiên là hỏi về giấy phép đi nghỉ, rồi kế tiếp là về “Lên đường với các vật dụng cá nhân”. Họ nghiêm khắc bảo tôi: “Kỳ nghỉ nào? Anh đã bị động viên. Anh không biết là chiến tranh đã bắt đầu rồi ư?!” Chiến tranh nào? Với ai? Tôi không thể hiểu nổi. Sang hôm sau tôi đã cưỡi trên chuyến tàu Maskva-Kiev với các “vật dụng cá nhân.”

Mikhail Lukinov, tháng Giêng 1939.

Vào thời đó các chuyến tàu chạy khá chậm và được kéo bởi các đầu máy hơi nước. Các toa được gắn giường ngủ ba tầng bằng gỗ sơn xanh lá cây. Tại các ga, hành khách ùa xuống lấy nước nóng vào bình toong thiếc và tín hiệu khởi hành của đoàn tàu phát ra từ cái chuông kéo tay. Mới đây thôi mà như ở thời cổ đại vậy.

Toa tàu rất đông người, để ngủ yên tôi phải leo lên giá gỗ tầng ba, treo mình vào ống hơi nước bằng thắt lưng để khỏi ngã vì rung lắc. Nhóm sĩ quan chúng tôi được đưa từ Kiev tới Bêlaia Tserkov, thị trấn được biết tới qua trường ca “Poltava” của Pushkin. Nhưng chúng tôi không được thấy “đêm Ukraina yên tĩnh” (thơ Pushkin - LTD) nơi đây. Ngược lại, chúng tôi bị bao vây bởi sự hối hả bận rộn kinh khủng. Một sư đoàn bộ binh đang được thành lập vội vã từ những “ông cậu”, lính dự bị Ukraina. Là sĩ quan pháo binh, tôi bị chuyển về một khẩu đội pháo cấp trung đoàn của trung đoàn súng máy 306. Một pháo thủ, lại ở trong trung đoàn bộ binh! Thật khó cho tôi, nhưng đâu thể làm gì khác được? Tôi phải tháo cái phù hiệu màu đen khỏi quân phục, và thêu cái màu đỏ với hai khẩu pháo bắt chéo thế vào. Có chín sĩ quan trong khẩu đội, tất cả trong đó, trừ tôi là sĩ quan dự bị, đều là quân nhân chuyên nghiệp, và trong thời gian đầu tôi không được nhận bất cứ nhiệm vụ cụ thể nào. Tôi phục vụ đại loại như một sĩ quan phụ tá cho khẩu đội trưởng. Vào thời gian đó các sĩ quan cấp thấp trong quân đội có trình độ học vấn không cao. Thậm chí hiếm có người học hết trung học. Họ chủ yếu là những người đã phục vụ ở cấp thấp trong nhiều năm, được huấn luyện trực tiếp hay gián tiếp về tác xạ trong những trường lớp đào tạo khác nhau. Nhưng họ luôn thuộc làu quân lệnh và kỷ luật quân sự. Nói chung họ là những người dễ mến, hầu hết đeo lon thiếu úy. Khi thấy tôi có hai khối vuông trên cổ áo (trung uý) nhưng không tỏ vẻ kênh kiệu, họ liền chấp nhận tôi vào cái gia đình chung ấy. Khẩu đội trưởng cũng cùng xuất thân như họ, nhưng đã có trên vai ba khối vuông (thượng uý). Nhằm làm cho mình trông giống chỉ huy hơn, anh ta tự tạo ra một bề ngoài khác biệt với mọi người. Gương mặt anh ta dài như mặt ngựa, bị bệnh đậu mùa hủy hoại và luôn tỏ vẻ lạnh lùng. Anh ta sợ bất cứ biểu hiện nào của sự thân thiện vì anh ta cho rằng điều đấy dẫn tới vô kỷ luật. Anh ta cư xử với tôi dè dặt cảnh giác, như thể thấy trong tôi một cái gì xa lạ, một người có học thức. Chúng tôi cũng gặp chủ nhiệm pháo binh trung đoàn, chịu trách nhiệm về các khẩu đội pháo và súng cối. Ông ta đối xử với tôi có thiện chí hơn. Chúng tôi được nhận những khẩu pháo 76 mm nhưng là loại nòng ngắn, kiểu 1927, được kéo bởi hai đôi ngựa. Chúng tôi cũng được cấp ngựa cưỡi. Tôi được nhận một con ngựa cao lớn, lông xám có tên là Búp Bê. Chúng tôi bắt đầu tổ chức thành các trung đội, triển khai ngoài cánh đồng, tập bắn đạn thật, huấn luyện cho binh lính. Trung đoàn trưởng luôn giục giã chúng tôi gấp rút hoàn tất công việc huấn luyện nhưng tới khi chúng tôi nhận lệnh hành quân, công tác huấn luyện vẫn chưa xong. Mệnh lệnh tương tự như sau : “Lập đội hình hành quân ! Trung đội chỉ huy dẫn đầu! Bước!” Và chúng tôi xuất phát. Đi đâu? Tại sao? Có lẽ chỉ cấp trên mới biết. Hay thậm chí chính họ cũng không được biết? Mau chóng chúng tôi nhận ra mình đang được đưa về phía tây, hướng biên giới Ba Lan.  

Trong khi đó, các diễn biến chính trị phức tạp vẫn tiếp diễn. Nước Đức tiến công Ba Lan và chiếm được một phần lãnh thổ rộng lớn. Chính phủ chúng ta đã ký Hiệp ước Không xâm phạm với Đức. Molotov, trong bài diễn văn nổi tiếng của ông ta, gọi Ba Lan là “cái quái thai của Hiệp ước Versailles”. Hiệp ước ấy đã giải phóng vùng Tây Ukraina và Tây Belorussia, trước đây bị Bạch vệ Ba Lan chiếm đóng. Quân đội Xô viết phải mau chóng tiến về đường ranh giới chia cắt có trong thỏa thuận với nước Đức. Trước đó chúng tôi đã tiến rất gần tới lãnh thổ Ba Lan; còn bây giờ, với một lệnh báo động, chúng tôi bắt đầu vượt cái đường biên giới mà nay đã là của quá khứ. 

Các đơn vị bộ binh của trung đoàn chúng tôi hành quân phía trước, còn chúng tôi kéo pháo theo sau. Tôi còn nhớ hình ảnh một cột mốc biên giới có sơn sọc trắng với con đại bàng Ba Lan bị xô ngã xuống đất, một làng biên giới Ba Lan với những ngôi nhà trắng tinh theo một kiểu kiến trúc xa lạ thời Trung cổ cùng một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Những người Ba Lan theo dõi cuộc xâm chiếm của chúng tôi một cách rầu rĩ và lo lắng. Thật sự thì họ đang nghĩ gì nhỉ?

Những con đường lầy lội và các làng xóm Ukraina nghèo khổ với mái rạ và những nông dân đi chân trần dần lộ ra sau cái làng Ba Lan giàu có và tinh khiết ấy, hiển nhiên là một sự hào nhoáng bề ngoài. Người Ukraina sống rất khốn khổ dưới ách cai trị của các pan. Chúng tôi có dịp nhận ra tất cả những cái đó, sau khi chúng tôi trú chân tại một ngôi làng Ukraina. Rồi chúng tôi tiếp tục tiến qua vùng đất Ba Lan cũ về phía Tây. Lần nghỉ đêm đầu tiên. Một căn nhà Ukraina nghèo khổ : sàn bẩn, rác rưởi, gián, trẻ con ăn bận trần truồng. Tôi bắt chuyện với một bé gái khoảng 10 tuổi, lục tìm 20 kopeck trong túi và đưa tặng cô bé như một vật lưu niệm. Em nghẹn thở bởi món quà giá trị đó và kêu lên : “Mẹ ơi, con có hai mươi kopeck đây này!” Hình như lần đầu tiên trong đời cô bé được cầm một số tiền lớn như vậy. 

Chúng tôi được lệnh mau chóng chuyển tất cả binh sĩ đi bộ của trung đoàn lên xe tải và đưa họ tới đường ranh giới chia đôi Ba Lan. Ngựa kéo xe, đoàn tàu chở hàng tiếp tế và đại bác tiếp tục hành quân với tốc độ như cũ. Chúng tôi lập ra một chi đội từ các binh lính đi bộ trong các khẩu đội có trách nhiệm hành quân cùng cánh bộ binh. Tất nhiên, tôi cũng có trong số ấy. Tới đêm, trên đường cái, tôi chặn những xe tải chở bộ binh lại và chuyển lính của mình lên sau khi bị chửi rủa hết lời. Tôi lên chiếc xe cuối cùng. Chúng tôi đi trong nhiều ngày suốt dọc Miền Tây Ukraina bằng cách đấy. Trong thời gian đó, nhiều cuộc gặp gỡ và nhiều ấn tượng đã xảy đến mà tới nay, bất hạnh thay, đã tuột khỏi trí nhớ của tôi.  

Tôi nhớ lại chúng tôi đã đến một thị trấn và dừng chân giữa một khu chợ. Những người bán rong đeo khay hàng chạy tới các xe tải từ mọi phía, chào mời chúng tôi. (Cần lưu ý rằng khi chúng tôi tiến vào vùng lãnh thổ cũ của Ba Lan, một tỷ giá trao đổi ngoại tệ tức khắc được lập ra: một zloty ăn một rúp.) Một người bán hàng rong bưng cái khay bánh pierogi tới chỗ xe chúng tôi. Tay bộ binh ngồi cạnh tôi liền hỏi giá. “Ba kopeck, thưa pan. Tôi không thể bán rẻ hơn, đang chiến tranh mà.” Người lính rút ra một tờ ba rúp màu xanh và nói : “Cho tôi một trăm cái.” “Sao anh mua nhiều thế ?” Tôi hỏi. “Không sao đâu, thưa đồng chí trung uý, tôi sẽ có cách dùng chúng.” Anh ta quả thật đã dùng hết tất cả số bánh đó. Anh ta ăn gần hết một trăm cái, phớt lờ những ánh mắt ghen tị và những lời đề nghị của đồng đội. Đúng là một gã kulak Ukraina.

Những người bán hàng nhanh chóng nắm bắt thị trường và sau mười lăm phút giá bánh pierogi đã là 15 kopeck. Bếp dã chiến cho chúng tôi ăn chủ yếu là cháo kiều mạch, bánh mì đen và trà. Có vài đơn vị kỹ thuật đi sau chúng tôi, họ được cấp gạo, bánh mì trắng và ca cao. Không thể làm gì hơn, chúng tôi là bộ binh, luôn tấn công đầu tiên và lãnh thực phẩm sau cùng. Một lần, vào cuối ngày, chúng tôi dừng lại nghỉ đêm tại một thị trấn. Chiếc xe tải chạy vào sân trường và chúng tôi nghỉ lại cho tới sáng trong các phòng học. Lúc đấy tôi đói như cào. Tôi lấy theo hai người lính (các sĩ quan bị cấm đi ra ngoài một mình) và đi kiếm một nhà hàng. Chúng tôi mau chóng tìm thấy một cái bar nhỏ dưới tầng hầm với cửa sổ sáng rực và dàn nhạc đang chơi. Vừa thấy ba người chúng tôi mặc quân phục, đội mũ sắt, đi ủng có gắn đinh thúc ngựa và mang vũ khí bước vào chỗ sảnh đón, một cơn chấn động nhẹ xảy ra. Dàn nhạc ngừng chơi. Vài thực khách sợ hãi đứng dậy. Có lẽ đây là lần đầu trong đời họ nhìn thấy những người Xô viết. Tôi lịch sự chào mọi người và đề nghị dàn nhạc tiếp tục chơi. Những người trong quán tò mò theo dõi chúng tôi. Chủ quán đứng sau quầy bar, một người to béo mặc bộ vest không cài khuy với điếu xì gà trên miệng. Tôi thấy mình như đang đóng trong một cuốn phim về thời trước Cách mạng. “Vodka hay rượu snap?” - ông béo hỏi tôi. “Không,” – tôi trả lời – “cho ba cà phê và ba sandwich.” Đồng hồ của tôi đã là 12 giờ, nhưng cái đồng hồ to mặt tròn trên quầy bar mới chỉ có 10 giờ. Tôi không nhận ra ngay sự khác biệt về thời gian nên ngạc nhiên bảo chủ quán rằng hiện đã 12 giờ rồi. Ông ta mỉm cười, nhấc điếu xì gà khỏi miệng và kiêu ngạo đáp lời tôi: “Chúng tôi thuộc Châu Aâu !” Tại đất nước Ba Lan Bạch vệ khốn khổ đồng hồ chỉ lấy theo giờ London. “Lúc này ông nên chỉnh lại đồng hồ theo giờ Maskva,” – Tôi đáp lại. Người chủ quán nhún vai như thể nói “Chúng tôi sẽ xem lại.” Sau khi uống xong cà phê và thanh toán tiền, chúng tôi rời “những người Châu Aâu” đấy. 

Tới đây tôi xin phép lạc đề một chút để kể lại một giai thoại khác xảy ra nhiều năm sau Chiến tranh Vệ quốc, khi nước Ba Lan đã được tái thiết và Nguyên soái Xô viết Rokossovskiy, một người gốc Ba Lan, được chỉ định làm Tổng chỉ huy quân đội Ba Lan. Ông tới Ba Lan. Đầu tiên ông được cho tham quan Varsava và một vị tướng Ba Lan hỏi ông : “Thưa ngài Nguyên soái, ngài có thích Châu Âu không ?” Nguyên soái đã trả lời : “Rõ ràng ông không rành địa lý học.” 

Chúng tôi hành quân nốt chặng cuối của hành trình. Một lần nữa, lại xuất hiện những ngôi làng Ukraina cùng những thị trấn nhỏ với cộng đồng người Do Thái và Ba Lan. Người Đức đã có mặt ở đây. Trước khi rút quân, chúng tiến hành cướp bóc. Nhưng chúng là một dân tộc có văn hóa nên không chĩa súng đe dọa hay đốt phá các cửa hàng. Chúng cướp bóc một cách “có văn hóa”. Chúng bước vào một cửa hiệu, chọn những thứ hàng hóa tốt nhất, ra lệnh gói nó lại (“raskep, raskep”) và mang những thứ vừa “tậu được” bỏ đi : “Bọn Nga đi sau sẽ trả tiền cho tất cả.”  

Tôi bước vào một cửa hiệu để mua vài thứ đồ lặt vặt. Vải dệt được trải ra trên mặt quầy, họ đang trao đổi với mấy người lính bộ binh đã vào trước đó. Tôi vuốt lên tấm vải và chợt nhận ra có cái gì đó nằm dưới mặt quầy. Một khẩu súng bị bỏ quên dưới lớp vải, có lẽ là của mấy “ông chú” Ukraina kia. Tôi buộc phải đem khẩu súng về. 

Binh lính Hồng quân. Luga, 1938

Cuối cùng chúng tôi cũng đến được đường ranh giới theo thỏa ước, vạch ra bởi sông Bug. Có thể thấy ánh loé lên của những chiếc xẻng bên kia bờ sông. Đấy là lính Đức đang củng cố vị trí phòng thủ của mình và đào các chiến hào. Tại chỗ này con sông không rộng lắm, có mấy cây cầu nằm vắt qua bờ bên kia. Có thể thấy vài bóng người đang qua cầu : một số đến phía chúng tôi, một số khác từ phía chúng tôi qua bờ bên kia. Lạ là trong những ngày đầu tiên không có ai ngăn trở điều đó. Một trong số những sĩ quan chúng tôi kể anh ta đã chứng kiến có người tiến tới các lính gác Đức và nói rằng cần qua bờ bên kia, phía chúng tôi. Tên lính gác chỉ đơn giản là đá vào mông anh ta và người đàn ông chạy qua cây cầu về phía chúng tôi. Đấy là vào ban ngày, ban đêm việc qua lại còn nhộn nhịp hơn nữa. Những tiếng la hét và tiếng súng bắt đầu vang lên.

Họ kể rằng một người lính của chúng tôi, một “ông cậu” Ukraina, trong khi đứng gác gần cây cầu đã lầm bầm những lời như sau: “Hãy để những người tốt đi về phía chúng tao, còn thì đưa bọn xấu qua đi cho khuất mắt.” 

Ba, bốn ngày sau khi chúng tôi tới, những lính biên phòng đội mũ lưỡi trai màu xanh cuối cùng cũng tới, mang theo chó. Họ đóng cửa biên giới và canh phòng một cách nghiêm ngặt. Chúng tôi rút lui về phía sau khoảng vài cây số, nhưng vẫn thường bị dựng dậy bởi báo động đêm. Một đêm nọ có hai người đàn ông chạy qua phía Đức. Có một đầm nước nhỏ ở gần chỗ chúng tôi đóng quân, nơi dân chài địa phương thường ra đánh cá. Lúc này dây kẽm gai vẫn còn chăng phía trước đầm. Hai người kia tiến gần cái đầm vào ban đêm, họ cho rằng sông Bug đang ở trước mặt mình nên đã cắt rào kẽm gai và bơi qua sông. Họ bị mất phương hướng và chìm dần. Một người đánh cá nghe tiếng họ kêu cứu đã chèo thuyền tới kéo họ lên. Một trong hai người hỏi bằng tiếng Ba Lan: “đây có phải là bên phía Đức không ?” Người đánh cá trả lời: “Phải.” Anh ta kéo mạnh họ lên và đưa họ, gần chết đuối, về nhà anh ta. Vì vụ đó mà lại một lần nữa chúng tôi bị lệnh báo động dựng dậy vào ban đêm, với suy nghĩ cho rằng có hai tên do thám. Khi trời sáng, tôi trông thấy hai con người ướt sũng ấy bị dồn lên một chiếc xe để đưa về nơi quản lý họ. Hoá ra đó là những sĩ quan Ba Lan vừa trốn khỏi trại tù binh.

Vùng biên giới không lúc nào yên tĩnh. Trong đêm, có ai đó phía bờ chúng tôi dùng đèn chiếu vẽ những đường khó hiểu lên những đám mây xám thấp. Bờ bên kia đáp lại họ cũng bằng cách thức tương tự. Vậy mà chúng tôi không bắt được ai. Các sĩ quan Đức qua bên chúng tôi, mục đích để tìm kiếm và chôn cất những người của mình, nhưng thật ra là dọ thám vị trí đóng quân và lực lượng chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng tìm ra cách để việc ấy không thực hiện được.  

Sau đó sư đoàn chúng tôi được rút về sâu trong hậu phương. Trung đoàn tôi đóng quân tại một thị trấn nhỏ bé bẩn thỉu ở Starưi Sambor. Ở đây gần như toàn là người Do Thái, họ làm nghề thủ công và buôn bán, cung cấp cho các làng Ukraina. Nhưng không có đủ phòng cho khẩu đội  tôi cùng với pháo, xe chở đạn dược và ngựa, thậm chí ở ngay chính Starưi Sambor. Chúng tôi đóng tại làng Blazhow, cách Starưi Sambor 7 tới 8 km. Để định chỗ đóng quân, chỉ huy trưởng ra lệnh cho tôi vào làng và vẽ lại sơ đồ vị trí của nó. Một thượng sĩ đi cùng tôi với mục đích tìm nguồn tiếp tế. Hai chúng tôi cùng đi ngựa. 

Cái làng hóa ra trải rất dài. Nó có một nhà thờ thuộc giáo hội Uniate và một lãnh địa nhỏ. Người chủ của nó, một người Ba Lan, đã chạy sang phía Đức. Tôi vẽ sơ đồ của nó và, khi trở về khẩu đội, vẽ lại sạch sẽ bằng chì màu, ghi chú tất cả, thậm chí họa lại một vài ngôi nhà chính. Các chỉ huy cấp trên rất hài lòng, tuy họ không biểu lộ trên nét mặt. Họ không muốn làm hư cấp dưới: điều đó có thể làm cho cấp dưới trở nên kiêu ngạo. Nhưng tay thượng sĩ (mà tôi đã kể ở trên), khi ngồi bên đống lửa vào ban đêm, quanh đại đội của mình, ngạc nhiên kể với mọi người rằng trung uý chỉ cần đi ngang qua làng, ghi chú đôi điều lên một mảnh giấy là về vẽ lại được cả cái bản đồ tuyệt như thế: “Các cậu ạ, tay này khi ở nhà hẳn không phải hạng tầm thường như chúng ta.”

Kế đó chúng tôi chuyển tới Blazhow. Chúng tôi chọn cái lãnh địa nằm giữa khu vực đóng quân và bố trí pháo bên trong sân của nó. Các sĩ quan đóng tại căn nhà của tay chúa đất, còn binh lính – trong những làng nông dân xung quanh. Chúng tôi nhốt ngựa trong trang trại của lãnh địa. Dinh thự của chúa đất đã bị cướp phá sạch bởùi bọn Đức và sau đó là bởi nông dân, giờ chỉ còn lại những bức tường trần trụi. Chỉ có sĩ quan lâu năm mới được nhận một bàn làm việc vớiø những ngăn kéo rỗng. Cái bàn không thể mang đi được bởi nó không lọt qua cửa hẹp của căn phòng. Lúc đầu chúng tôi phải trải rơm thay cho các đồ gỗ, chúng được dùng để thay cho cả ghế lẫn giường. Chúng tôi đặt những máy điện thoại dã chiến trên cái bàn duy nhất, nối chúng với sở chỉ huy tại Starưi Sambor. 
 
Tình hình lúc đó không yên tĩnh. Bọn phỉ thường bắn lén chúng tôi trong đêm khuya. Có kẻ nào đó cắt đứt đường dây điện thoại, thế là cả khẩu đội bị dựng dậy bởi lệnh báo động đêm. Chúng tôi thiết lập những biện pháp phòng vệ khắp lãnh địa khi trời bắt đầu tối, ngăn ngừa những đợt đột kích có thể xảy ra. Khi bình minh lên, sự sợ hãi của chúng tôi liền tan biến. 

Tuy vậy, chúng tôi nhận được cảnh báo từ sở chỉ huy trung đoàn yêu cầu phải luôn cảnh giác, đã có những trường hợp binh lính Xô viết bị giết chết trong ngõ tối, bị đâm trong tiệm cắt tóc và những vụ khác tương tự. Đóng quân trong một ngôi làng Ukraina, chúng tôi có điều kiện hiểu được những người dân Tây Ukraina sống nghèo khổ thế nào dưới chế độ của các pan Ba Lan. Chỉ người Ba Lan mới có quyền quyếtù định tại đất nước này. Chỉ có họ mới được làm việc trong bộ máy chính quyền. Một người Ukraina thậm chí không thể làm thợ trải nhựa đường, bởi đó là công việc của nhà nước. Một người Ukraina có thể trở thành người Ba Lan, nhưng anh ta phải cải theo Gia tô giáo. Mục đích chuyện này là chuyển dần người Ukraina sang Gia tô giáo. Đức tin Chính thống giáo bị thay thế bởi Giáo hội Uniate, một trung gian giữa Chính thống giáo và Gia tô giáo. Người Ukraina bị đè nặng bởi các thứ thuế. Thậm chí có cả loại thuế đánh lên mỗi ống khói, đến nỗi sau khi vượt qua biên giới, chúng tôi rất ngạc nhiên thấy các nóc nhà ở đây đều thiếu ống khói. Khói từ bếp lò thoát thẳng lên cái gác dưới mái nhà. Nạn cháy nhà thường xuyên xảy ra.    

Đôi lúc người dân hỏi chúng tôi là chính quyền mới có cho phép xây ống khói không. Chúng tôi trả lời không chỉ cho phép mà còn cần thiết phải xây. Vào dịp cuối thu các nông dân thường đi chân trần tới nhà thờ. Họ chùi sạch chân bẩn lên đám cỏ phía trước, xỏ giầy và bước vào nhà thờ. Khi về, họ tháo giầy ra và đeo chúng quanh cổ. Một đôi giầy được người nông dân dùng trọn đời, tới khi chết anh ta để lại nó cho con trai mình. Có một trạm bưu điện bỏ không trong làng. Nhưng vẫn còn một điện thoại viên ở lại – một cô gái Ba Lan rất đẹp và kênh kiệu. Luôn có một đám những anh chàng cầu hôn chạy theo cô ta. Không chỉ những binh lính và hạ sĩ quan của chúng tôi mà có cả vài tay sĩ quan độc thân cũng ở trong số đó. Giữa những kẻ cầu hôn luôn có xích mích. Người ta nói rằng một số chỉ huy cao cấp cũng từng cầu hôn cô ta. Rồi tất cả những điều đó đột ngột kết thúc theo cái cách ít được trông đợi nhất.    

Một đêm, trong khi đang thi hành nhiệm vụ tại chốt điện thoại dã chiến, một điện tín viên của chúng tôi nhận thấy rằng một trong các ngăn kéo bảo mật nông hơn những cái còn lại. Tại sao vậy nhỉ? Hóa ra có một ngăn kéo bí mật khác ở mặt sau bàn, quay về phía tường. Trong có những tờ tiền Ba Lan đã hết giá trị và một cuốn album ảnh. Những tấm ảnh cho thấy cô điện thoại viên xinh đẹp đang vui vẻ với tay chủ lãnh địa thế nào. Trong vài tấm ảnh có cảnh cô ta trần truồng nhảy múa quanh một cái bàn đầy chai lọ, còn trong các tấm khác là cảnh cô ta đang quấn chặt lấy những gã để ria mép hay những cảnh tương tự thế. Cuốn album được các binh lính chúng tôi chuyền tay nhau. Vài tay lính đang yêu trách cứ cô gái, và cô ta mau chóng biến mất khỏi ngôi làng. Khẩu đội trưởng tước cuốn album của đám lính và sau đấy đánh mất nó. Tôi không được xem cuốn album đó.   

Một tối giao lưu với dân địa phương được tổ chức. Toàn thể dân làng Blazhow tụ tập lại trong một ngôi nhà rộng. Chính uỷ của chúng tôi đọc một bài diễn văn nói về sự chấm dứt thời của các pan Ba Lan và về trách nhiệm giải phóng của Hồng quân. Vị linh mục địa phương đáp lời, nhân danh toàn thể dân làng, cám ơn chúng tôi vì đã giải phóng họ và nhấn mạnh rằng “chúng ta cùng một chủng tộc, chúng ta cùng một đức tin.” Ban nhạc địa phương gồm một người kéo violon, một người thổi sáo bị và một tay trống bắt đầu chơi, vũ hội bắt đầu. Mọi người hỏi chúng tôi về cuộc sống ở Liên Bang Xô viết, về những tin đồn thất thiệt họ được nghe từ Ba Lan. Ông thượng sĩ cũng nhân dịp này tìm cách chơi nổi. Vào thời điểm ấy, đám sĩ quan chúng tôi ăn mặc rất giản dị, khoác áo choàng tunic hệt như binh lính, chỉ khác là có các khối vuông gắn ở phù hiệu trên cổ áo và các vạch vải đỏ thêu ở ống tay áo. Thượng sĩ của chúng tôi mặc bộ quân phục thắt  cái dây lưng màu vàng luôn kêu cót két. Trên phù hiệu ở cổ áo, cạnh những hình vuông, ông ta gắn những vạch màu vàng đã bị quân đội bỏ từ lâu. Trong mắt dân làng ông ta hẳn là chỉ huy cao cấp nhất nên họ hỏi ông ta rất nhiều. Các cô gái hỏi ông rằng có phải ở nước Nga bây giờ không còn tổ chức các đám cưới, rằng chúng đã bị huỷ bỏ và mọi người được quyền sống với bất cứ ai mà họ thích. Ông thượng sĩ trả lời một cách tự đắc: “Người ta hay nói này nọ, nhưng rận chỉ thích cắn những ai luôn nhắc đến chuyện đi tắm.” Tất nhiên, câu nói đó làm mọi người xung quanh cười rộ và làm cả một số khác thẹn thùng. 

Có lần tại Starưi Sambor, tôi tới một lò rèn nhỏ đặt làm cây thông nòng cho khẩu súng ngắn của mình và tình cờ gặp các em gái của ông chủ, người Do Thái. Họ đã tốt nghiệp một trường học Ba Lan tại Nôvưi Sambor và rất thích Liên Bang Xô viết. Họ mơ được tới đó để học đại học, “ở nơi mà – họ nói – việc học là miễn phí.” Khi tôi còn ở Starưi Sambor, tôi thường tới thăm hai chị em và dạy họ tiếng Nga, thứ tiếng mà theo họ là đơn giản và dễ hiểu. Nhưng có một lần, để chứng tỏ điều đó không đúng sự thật, tôi đọc phần đầu vở “Evgênhi Ônêgin” cho họ nghe, và tất nhiên là họ chẳng hiểu gì cả. Những cô gái đáng thương ấy sau này chắc bị giết hại cả. Năm 1941, khi Tây Ukraina bị bọn Đức chiếm đóng, chúng giết tất cả những người Do Thái tại đó.     

Đôi khi tôi phải tới Nôvưi Sambor vì mục đích công việc. Đó là một thị trấn Ba Lan thanh nhã, có một nhà hàng và các cửa hiệu đẹp. Có lần tôi bước vào một cửa hiệu quần áo đàn ông và yêu cầu họ cho xem vài kiểu cà vạt. Người chủ hiệu, nháy mắt với người phụ nữ Ba Lan đứng sau tôi như thể muốn nói “cái tay man rợ mặc áo choàng xám này thì hiểu gì về cà vạt nhỉ”, đưa cho tôi cái hộp bên trong có món gì đó thật thô kệch và rẻ tiền. Tôi gạt cái hộp sang bên và yêu cầu cô ta đưa cho tôi thứ gì khác khá hơn. Gương mặt người chủ hiệu lộ vẻ ngạc nhiên khi tên man rợ đó chọn ra một tá cà vạt đẹp và tao nhã nhất. Sau này, cửa hiệu của ông ta đã tiếp tục phục vụ tôi trong một thời gian dài. 

Mikhail Lukinov, 1939

Các đường phố ở đây đầy những người sẵn sàng bán nào đồng hồ, dao cạo, sôcôla, bít tất và các loại hàng hóa khác cho binh lính Xô viết. Một trong những tay năng nổ đó cứ bám chặt lấy tôi, đòi bán những bộ com lê thứ thiệt. Tôi tìm mọi cách xua đi, nhưng hắn vẫn không để tôi yên. Lúc ấy kiểu com lê màu xanh Boston đang thịnh hành ở Moscow. Cuối cùng tôi hỏi xem hắn có bộ Boston xanh nào không. “Có ạ, có chứ, thưa pan đồng chí.” Và đề nghị tôi đi theo hắn. Hắn dẫn tôi qua mấy cái sân thông với nhau, hết cái này đến cái khác làm tôi mất hết phương hướng, không xác định được đâu là phố chính nữa. Hắn dừng lại ở một tầng hầm, từ đấy dẫn tôi sang một cái khác rồi bảo tôi đứng chờ. Tôi nhìn quanh và thấy có vài khối nhà bê tông không có cửa sổ. Bóng đèn trên trần đang sáng lờ mờ. Đột nhiên, đằng sau cánh cửa mà người đàn ông kia vừa biến mất, tôi nghe tiếng kim loại chạm nhẹ, tựa như tiếng ai đó đang lên đạn, mở và đóng chốt cửa. Tôi mở nút bao da đựng súng và chạy ra sân. Tới đó tôi dừng lại nghe ngóng xem chuyện gì xảy ra tiếp theo. Nhưng mọi thứ vẫn yên lặng, còn tay bán bộ vest Boston thì biệt tăm. Tôi mau chóng thoát khỏi cái mê cung đó để ra phố chính an toàn hơn. Đến giờ, tôi vẫn không biết được lúc ấy tôi đã tránh khỏi một mối nguy hiểm chết người hay đơn giản là đánh mất cơ hội có được một bộ vest màu xanh Boston.  

Đất nước của các pan Ba Lan đã tan rã. Đồng tiền Ba Lan đang sống nốt những ngày cuối cùng của nó. Người dân địa phương cố gắng bán mọi thứ để đổi lấy đồng rúp Xô viết và đổi đi đồng tiền Ba Lan. Các cô gái Ba Lan xinh đẹp dạo trên các con phố của Nôvưi Sambor, miệng nở những nụ cười quyến rũ, đề nghị các sĩ quan Xô viết đổi giấy bạc Ba Lan có mệnh giá lớn ra tiền Xô viết. Đấy thật là một mánh khoé ngờ nghệch, ngay cả khi người đổi tiền là những người đẹp rất quyến rũ. Có cô chỉ đơn giản khoác tay tôi và hỏi xem tôi có thể đổi một trăm zloty hay không. Tôi đáp rằng tôi không đủ giàu để tặng cô món tiền cả trăm rúp.  

Giấy bạc Ba Lan được trang trí bởi chân dung của vô số đức vua và hoàng hậu Ba Lan. Có lần tôi nghe một người lính, khi đang mua thuốc lá của người bán rong bên đường, la lên: “Tao đưa mày tờ tiền Xô viết tốt đẹp mà mày tráo (hay từ gì đó đại loại thế) lại một hoàng hậu Ba Lan như thế à?!”   

Tôi có mối quan hệ phức tạp với tham mưu trưởng trung đoàn, đại úy Severin. Anh ta là người kiêu căng, luôn yêu cầu mọi người phải tuân theo các quân lệ chính xác tới từng chữ một; anh ta không ưa chúng tôi, những sĩ quan dự bị. Có lần tôi nhận một cú điện thoại từ Starưi Sambor yêu cầu phải lên gặp Severin. Tôi báo cáo lại cho khẩu đội trưởng, đem một người lính đi theo, thắng ngựa và phóng đi dưới mưa trên con đường lầy lội. Khi tới nơi, chúng tôi ngoài áo thì ướt sũng còn bên trong lại đầm đìa mồ hôi. Sở chỉ huy đóng tại nơi trước kia là một trường học. Bên trong gian phòng lớn nóng bức, mấy cái đèn dầu hỏa đang bốc khói; Severin đang đi lại trong phòng, đọc điều gì đó cho người thư ký ghi chép. Nước mưa từ mũ ròng ròng chảy xuống, do đó tôi bỏ mũ ra và cầm nó nằm ngang trên tay trái gập lại. Cuối cùng đại uý cũng quay sang tôi, nghe tôi báo cáo có mặt. Đột nhiên Severin công kích: “Anh đang ở đâu vậy? Trong quán rượu hay tại chiến trường? Tại sao anh lại xử sự như thế?“ và mấy câu khác tương tự. Tôi đứng đấy mà không hiểu chuyện gì xảy ra. Người thư ký đứng sau lưng Severin, nhìn thẳng vào mặt tôi mà cười khúc khích. Đại uý tiếp tục hét lên. Mọi thứ trong người tôi sôi sục cả lên. Cuối cùng, Severin nói rõ lý do mình nổi nóng: “Tại sao anh bước vào mà lại bỏ mũ ra? Sao anh có thể báo cáo được trong tư thế đó? Anh không thấy là các cấp trên của anh đều đang đội mũ sao ? Tại sao anh báo cáo mà không đội mũ?!” Tôi không thể giữ được nữa và buột miệng: “Đấy là thói quen của một người có văn hóa, phải bỏ mũ ra khi bước vào phòng.” “Thế…ế à ?!” – đại uý gầm lên, “Vâng, thế đấy,” – tôi đáp lại. “Đằng sau quay ! Đi đều, bước !” – anh ta ra lệnh. Tôi quay lại theo đúng điều lệ quân đội, giẫm loảng xoảng đôi cựa thúc ngựa và bước ra ngoài hành lang. Tôi đứng đó, chờ một lúc lâu – không có gì xảy ra. Rồi chúng tôi thắt chặt đai yên ngựa và phóng trở về. Cuối cùng vẫn không biết được là tại sao Severin cho gọi tôi. Có thể là anh ta thích cái bản đồ màu mè tôi đã vẽ và muốn giao cho tôi tất cả công việc đồ họa của sở chỉ huy trung đoàn. Hoặc có thể là anh ta muốn chuyển hẳn tôi lên làm tại sở chỉ huy chăng. Tất nhiên làm việc ở đó thì nhẹ nhàng và an toàn hơn ở khẩu đội nhưng ở dưới một ông chủ như Severin cũng chẳng ngọt ngào gì. Câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Severin không bao giờ quên lần gặp mặt ấy và từ sau anh ta luôn tìm cách nhắc lại với tôi khi có dịp.   

Trong khi đó, tình hình Châu Âu ngày càng căng thẳng. Hiển nhiên chúng tôi đang ở trong trình trạng sẵn sàng chiến tranh. Các đợt huấn luyện khắc nghiệt bắt đầu, có cả bắn đạn thật. Tôi được lệnh phải giảng cho anh em trong toàn khẩu đội về chủ nghĩa yêu nước, về trách nhiệm bảo vệ Đất Mẹ của chúng tôi. Tôi không có trong tay tài liệu cụ thể nào nên phải lục óc ra để kể cho họ nghe về lịch sử nước Nga, bắt đầu từ thời giặc Tatar xâm lược. Họ bảo rằng tôi dạy tốt, dù trình độ các giám khảo không cao lắm. Họ bắt đầu thay vũ khí của chúng tôi bằng những thứ hiện đại hơn. Nhưng khi được nhận quần áo ấm, chuẩn bị gắn thanh trượt cho pháo, xe cộ và các rơ moóc thì chúng tôi nhận ra mình đang được chuẩn bị để chiến đấu ở Phần Lan, nơi chiến tranh đã nổ ra. Nhưng đấy chỉ là giả thiết bởi thậm chí họ chẳng thông báo điều gì cho đám sĩ quan chúng tôi.

Mọi chuyện trở nên khó khăn khi bắt đầu bước qua năm mới, năm 1940. Chúng tôi, các sĩ quan cấp dưới, quyết định tổ chức Lễ Giao thừa. Chúng tôi mua một chai rượu nhỏ, loại khai vị. Chính uỷ biết được chuyện đó và tập hợp tất cả chúng tôi lại họp chính trị buổi cuối trước Giao thừa. Trước tiên anh ta trình bày với chúng tôi về tình hình chính trị hiện tại, và rồi tuyên bố rằng Lễ Giao thừa là thói quen của bọn tư sản, không phù hợp với người Xô viết, lại càng không hợp với sĩ quan Hồng quân. Anh ta mời chúng tôi uống sữa với bánh mì đen và chỉ thả chúng tôi ra khi trời đã sáng, lúc giao thừa đã qua từ lâu.

Mùa đông tới, tuyết bắt đầu rơi và chúng tôi đã sẵn sàng để ra trận. Tôi được phân công vào trung đội thông tin, vô tuyến điện và điện thoại. Trung đội có nhiều trang thiết bị còn binh lính thì rất ương bướng ngang ngạnh. Chúng tôi đóng lại móng ngựa, tra dầu mỡ vào súng và chất các trang thiết bị lên xe ngựa. 

Một lần, trong buổi điểm danh cuối ngày của trung đội, tôi tiến lại một người lính đứng trong hàng  và chỉ cho xem đôi ủng của anh ta bẩn như thế nào. Anh ta cúi nhanh người xuống, cái lưỡi lê cắm trên khẩu súng anh ta đeo trên vai xé toạc trán và gò má tôi. Giá đứng gần người lính ấy thêm độ một hai xăngtimét nữa thì hẳn tôi đã bị khoét mất một con mắt rồi!   

Tình trạng khó khăn và u ám không chỉ ở mình khẩu đội tôi. Xung quanh chúng tôi tất cả đều như thế. Trong làng đang bước vào mùa gặt. Cuộc “thanh trừng” bắt đầu xuất hiện trong thành phố. Bất cứ ai có lý lịch thuộc thành phần tư sản, chủ cửa hàng, thương nhân đều bị bắt và đưa đi đày. Vậy mà phần lớn cộng đồng Do Thái lại sống bằng nghề buôn bán. 

Đến giữa tháng Giêng năm 1940 chúng tôi nhận lệnh hành quân tới ga xe lửa gần nhất để lên tàu. Chúng tôi lập thành đội hình hành quân. Những con đường vào thời điểm ấy phủ đầy tuyết giá. Chúng tôi khởi hành vào sáng sớm và dự định sẽ tới nhà ga vào ban đêm để bắt đầu lên tàu. Ngày mùa đông rất ngắn và trời tối rất sớm. Chúng tôi đi ngang vài thị trấn nhỏ, bên trong hình như đang tổ chức một lễ hội địa phương. Tiếng nhạc vang lên từ nhiều ngôi nhà cửa sổ sáng đèn. Một người lính của chúng tôi, đang lạnh và đói, từ trên lưng ngựa nhòm vào một cửa sổ đang mở và la lên : “Yến tiệc đi, lũ cặn bã, rồi chờ cho tới lúc chúng đến trừng phạt chúng mày.” Có lẽ đây là những lời tiên tri chính xác đến khủng khiếp.  

Vận rủi bất chợt vồ lấy tôi. Hai người lính thông tin của tôi bỗng biến mất. Tôi báo cáo điều đó cho khẩu đội trưởng. Anh ta nổi giận và ra lệnh tôi phải quay lại tìm đằng sau trung đội chứ không đi phía trước nữa. Nhưng không thấy ai đi tụt hậu cả. Anh ta lại ra lệnh cho tôi phi ngược về phía sau để tự tìm họ cho bằng được. Tôi quành con ngựa đã mệt mỏi của mình lại, nhưng không cách nào kiếm được những gã tụt hậu ấy. Tôi tới hỏi một vài đơn vị thuộc ban chỉ huy nhưng họ không biết thêm được điều gì. Tôi cũng ghé vào mấy cái làng. Con ngựa của tôi đang khát nước. Tôi lấy nước ở một cái ao cho nó, đựng bằng cái áo mưa tẩm nhựa mà tôi để trong túi trên yên ngựa. Sương mù dày đặc và trời đã bắt đầu tối. Tôi đành quay ngựa lại. Con ngựa bị trượt ở một khúc quanh và tôi, phần vì mệt và phần vì ngồi không vững, văng từ trên yên cắm xuống tuyết. Con ngựa vẫn chạy tiếp. Tôi đứng dậy từ đống tuyết, khắp mình trắng xoá, bụng nghĩ rằng chuyến này mình chắc tiêu rồi. Tôi sắp lạc mất con ngựa rồi. Ồ không, con Búp Bê yêu quí chỉ phóng đi chừng 10 mét, đang đứng lại nhìn tôi. Tôi chạy đến bên nó, vuốt ve và áp má mình vào cổ nó. Lấy một phong sôcôla khỏi túi, chúng tôi cùng chia cho nhau. Búp Bê khụt khịt và lấy môi ngoạm phần của nó từ tay tôi. Tôi lại dắt nó đi dọc con đường phủ tuyết. Tối hôm ấy trời rất tối và dày đặc sương mù. Tôi chỉ có một mình mà sức lực thì đã cạn kiệt. Bỗng tôi thấy một cái trại lẻ loi, có lẽ là trại của bọn “kulak”, trên một ngọn đồi nằm cạnh dải rừng hoang. Không còn chọn lựa nào khác, tôi tiến lại cánh cổng và gõ cửa. Một lúc lâu không có ai đáp lại. Cuối cùng, có ai đó hỏi bằng tiếng Ba Lan rằng tôi cần gì. Tôi đáp mình là một sĩ quan Nga và xin họ cho nghỉ qua đêm. Các cửa sổ bật sáng, bên trong có vài cái bóng đi qua đi lại. Chắc họ đang cân nhắc xem có nên cho tôi vào hay không. Hay có thể họ định cho tôi vào để giết chết cũng nên…. Cuối cùng, một người đàn ông xách cái đèn lồng ra mở cửa cho tôi. Tôi dắt con ngựa của mình vào trong căn nhà kho ấm áp, nơi có mấy con bò đang rống lên, buộc con Búp Bê vào ngăn chuồng còn trống. Tôi xoay sở một cách khó nhọc để tháo cái yên khỏi lưng nó, thay cái dây cương bằng một dây thừng buộc vào cột, trải cho một nắm rơm, rắc chút yến mạch trong túi cho nó rồi lót rơm dưới chân nó.  
 
Tôi bước vào căn nhà. Một ngọn đèn dầu với cái bấc cuộn xuống đang cháy lập lòe. Những người chủ nhà đang yên lặng quan sát tôi. Tôi nói rằng mình cần nghỉ ở đây cho tới sáng và hỏi xem có chút gì ăn không. Họ mang ra cái ca thiếc đựng sữa và một ít khoai tây luộc. Tôi dùng bữa ăn khiêm tốn ấy, đặt ba rúp lên bàn và ra thăm lại con ngựa của mình. Bây giờ tôi đã có thể cho nó uống nước. Uống xong, Búp Bê nằm dài xuống đám rơm. Tôi rất muốn chợp mắt, nhưng lấy gì bảo đảm là tôi sẽ thức dậy? Đã có nhiều trường hợp binh lính Xô viết bị giết một cách lặng lẽ. Không ai biết là tôi đang ở đây. Thật dễ dàng để những người đó, những người có đủ lý do để nghĩ rằng tôi là một kẻ thù hơn một người bạn, giết tôi khi đang ngủ. Con ngựa, bộ yên cương, khẩu súng ngắn, ống nhòm, giầy bốt, quần áo – tất cả những cái ấy đều rất có giá trị và rất dễ lấy. Và lấy ai để trông chừng cho tôi? Khẩu đội của tôi thì đang lên tàu và có lẽ đã khởi hành, xem tôi như một kẻ lạc đơn vị. Tôi cởi áo choàng và đôi giày ra, nhét hết đồ đạc vào túi áo quân phục của mình và nằm dài trên giường sau khi đã nhét khẩu súng ngắn và cái bao da xuống dưới bụng. Rồi lăn ra ngủ như chết trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Trời bắt đầu sáng dần. Tôi phải đi bởi có thể bị trễ lên tàu, lúc ấy biết đi đâu với con ngựa bây giờ? Làm thế nào để đuổi cho kịp tàu với con ngựa của mình đây?   

Tôi mặc áo choàng vào, gác yên con Búp Bê và lên đường. Mặt trời đang mọc. Có vài người đang dọn tuyết trên đường. Ở đấy chính là đường ray xe lửa và nhà ga! Nhưng trời ơi, tất cả đều trống trơn. Tim tôi như đông cứng lại. Phải chăng tôi đã tới trễ và tất cả khẩu đội đều đã lên đường? Tôi đi kiếm trưởng ga và người chỉ huy an ninh. Hoá ra khẩu đội của tôi vẫn chưa tới được đây và đang dừng lại nghỉ đêm ở ngôi làng kế cận. Việc chuyển quân lên tàu chỉ được tiến hành vào lúc chiều tối. Và rồi những người lính thông tin của tôi xuất hiện. Hóa ra những tên vô lại ấy thay vì hành quân với mọi người thì lại quyết định tự đi tới nhà ga bằng cách quá giang một chiếc xe tải cùng đường. Tôi có thể phạt giam họ mười ngày cấm cố chỉ có bánh mì và nước lã. Nhưng do đang chuyển quân nên chúng tôi không có thời giờ để làm việc ấy. Trò ranh ma đê tiện của chúng dã không bị trừng trị. 

Chúng tôi được chất lên những “teplushkas”, các toa trần có gắn giường ngủ và cái bếp lò nhỏ bằng sắt - các chỉ huy đi chung với trung đội của mình. Khi đốt lò lên, ở trên thì nóng mà ở dưới lại lạnh. Họ đưa chúng tôi về phía bắc. Lúc này thì không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là chúng tôi đang bị đưa đi đánh nhau ở Phần Lan. Vào thời điểm này trong năm thời tiết rất lạnh, tàu chúng tôi càng đi xa thì sương giá càng dày đặc. Chỗ tôi ở là giường tầng hai, gần một cửa kính băng giá phủ kín. Một đêm, khi đang ngủ, một nhúm tóc của tôi bị dính chặt vào lớp băng trên kính cửa. Tàu đi rất chậm nhưng điều đó không làm chúng tôi buồn chán. Chúng tôi không muốn nhanh chóng đi gặp chiến tranh. Tôi hướng dẫn anh em trong các khóa học về trang thiết bị thông tin, giảng về các chủ đề chính của tình hình chính trị hiện đại. Tại các ga chúng tôi thường được hỏi mua lại số makhorka (một loại thuốc lá Nga nặng và rẻ tiền) mà chúng tôi được phát. Tôi là người không hút thuốc nên thường phân phát hết suất makhorka của mình cho anh em binh sĩ. Nhưng có lần, tại một ga nọ, một công nhân đường sắt lớn tuổi lại gần tôi hỏi mua makhorka. Tôi đưa cái gói phần mình cho ông nhưng từ chối lấy tiền. Ông già nói với tôi một cách chân thành và tự tin “Chúa hãy ban cho anh sống sót mà trở về.” Thật lòng, sau này tôi thường nhớ lại lời cầu phước đó, bởi sau chiến tranh bạn thường trở nên mê tín. Mỗi khi thoát khỏi những tình huống hiểm nguy mà vẫn còn nguyên vẹn, tôi lại vô tình nghĩ rằng đã mua lấy mạng mình bằng một gói makhorka.
   
Bologoye nằm giữa chặng đường từ Maskva tới Leningrad. Chúng tôi tới đây từ sáng sớm, mọi người vẫn còn đang ngủ trên các toa. Mọi nhánh đường đều kẹt cứng các đoàn tàu chất đầy trang thiết bị quân sự. Chúng tôi tới một trạm dừng gần một đoàn tàu chở các máy bay đã tháo rời. Tôi là sĩ quan chịu trách nhiệm tới gặp người chỉ huy quân sự ở đây để báo cáo về sự có mặt của chúng tôi. Nhìn những khẩu pháo trên phù hiệu của tôi, người chỉ huy cho rằng tôi thuộc trung đoàn pháo binh vừa tới nên mỉm cười thân mật: “Vừa đến hả? Nào, bây giờ anh phải ở lại với chúng tôi một lúc đã. Chúng tôi sẽ xếp cho các anh sang tuyến tránh ngay bây giờ. Hãy đưa cho tôi xem giấy tờ nào.” Tôi đưa cho anh ta. Đọc xong số hiệu đoàn tàu, trong đó cái từ “bộ binh” khắc nghiệt được viết dưới dạng mật mã, tay chỉ huy liền cau mày. Nụ cười biến mất trên gương mặt và anh ta đổi sang một giọng khác, lạnh lùng : “Về bảo với mọi người không được ra khỏi các toa xe. Chúng tôi sẽ gửi các anh đi ngay lập tức.” Và tàu chúng tôi chuyển bánh đi Leningrad ngay lập tức. Chúng tôi cho rằng trong các khu rừng và đầm lầy Phần Lan thì bộ binh chắc hẳn phải là lực lượng được sử dụng chủ yếu và sẽ chịu những tổn thất to lớn. Do đó chúng tôi không ngạc nhiên khi bị chuyển thẳng tới tuyến đường sắt chính dẫn ra mặt trận. Nơi đấy cần có bộ binh ở tuyến đầu. Bộ binh – đấy là chúng tôi.    …


Hồi ức của Mikhail Lukinov
Phần 2: Chiến dịch Băng giá

Và chúng tôi đã tới Leningrad – thành phố vĩ đại của Piotr Đại đế và Lenin, thành phố của cuộc cách mạng làm kinh động thế giới, thành phố của những dinh thự, bảo tàng và các công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Vậy nhưng lúc này ta không cách nào nhận ra được tất cả những thứ ấy. Đây là một Leningrad khác, lạnh lẽo, thô lỗ, thành phố tiền tuyến, ảm đạm, u ám, dày đặc sương mù và phủ đầy tuyết. Đoàn tàu chở chúng tôi dừng tại một ga chở hàng. Súng ống, đạn dược, xe ngựa, xe goòng và tất cả những phương tiện giao thông sử dụng ngựa kéo được chuyển tới đây xuyên qua thành phố dưới màn sương dày. Các chuyến xe điện, kính bám đầy tuyết, đổ về đây đón người và đưa họ đi qua những con phố tối tăm lạnh lẽo để tới phía bắc thành phố. Chúng tôi đi qua thành phố và tập trung tại một ngôi làng ngoại ô, nơi chúng tôi được vào trú chân trong những ngôi nhà nông dân lèn chật ních người. Nhưng giờ đây, chúng tôi hài lòng với bất cứ chỗ trú thân nào trong cái giá lạnh khắc nghiệt ấy. Các sĩ quan được gọi lên để nhận chỉ thị. Chúng tôi được lệnh sáng mai bắt đầu hành quân, xuyên qua biên giới Phần Lan để tiến vào khu vực đang xảy ra chiến sự. Phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra trong chiến tranh.

Trung đoàn bộ binh 306 tham gia chiến dịch Phần Lan trong thành phần của Sư đoàn bộ binh 62. Sư đoàn này được thành lập tại Belaya Tserkov và Fastov thuộc Quân khu Kiev. Sư đoàn được biên chế trong Tập đoàn quân 13 tại bán đảo Karelia theo Mật lệnh quân sự 18.01.1940. Sư đoàn nhận lệnh tập trung quanh làng Lipola vào ngày 30 tháng Giêng năm 1940. Sư đoàn đã hành quân tới mặt trận ngày 3 tháng Hai năm 1940 và tới 17 tháng Hai được chuyển tới biên chế cho Binh đoàn Bộ binh 23 từ lực lượng dự bị của Tập đoàn quân 13. Hành quân từ Lipola tới Kangaspelto từ 17 tới 20 tháng Hai 1940. Tham gia tấn công Volossula ngày 19 tháng Hai 1940, Kelya ngày 20 tháng Hai, sau đó đóng quân tại khu vực Mutaranta trong thời gian từ 21 tới 23 tháng Hai 1940. Lên xe lửa ngày 21 tháng Ba năm 1940 và di chuyển tới Quân khu Kiev từ Leningrad. Các thông tin trên lấy từ tập 1 bộ “Hãy đón chào chúng tôi, hỡi Phần Lan xinh đẹp”. St.Petersburg 1999, ISBN 5-8172-0022-8, chủ bút - Yevgeniy Balashov, NXB OOO Galea Print. (Theo Bair Irincheev).  

Vào lúc tảng sáng, chúng tôi lập thành một đội hình hành quân và tiến về biên giới Phần Lan, cái biên giới hóa ra rất gần với ngoại ô Leningrad. Chúng tôi rất ngạc nhiên: một thành phố to lớn, là một trong những trung tâm quan trọng nhất nước ta, lại nằm gần như thế cạnh biên giới một nước thù địch. Vượt qua các cột mốc biên giới và khu “vành đai trắng”. Về phía biên giới của ta, các chốt canh không che bằng ván gỗ mà chăng lưới kẽm gai xen lẫn những bó cành thông và linh sam bện lại. Đó là cách nguỵ trang của lính biên phòng để chống bọn bắn tỉa của Phần Lan. Và thế là, sau khi đã vượt qua biên giới Ba Lan, chúng tôi đã vượt tiếp một dải biên giới nữa của tổ quốc. Bởi điều đó là cần thiết.

Đất nước Phần Lan. Nhà cửa bị đốt cháy khi rút lui, cầu cống nổ tung, đó đây lỗ chỗ hố đạn và hố mìn đen ngòm. Đôi chỗ có những biển báo, yêu cầu tất cả hoạt động vận chuyển chỉ được thực hiện trên đường lộ do hai bên đường đều bị cài mìn, nguỵ trang dưới lớp tuyết.  Dây điện thoại dã chiến, bị bọn Phần Lan bỏ lại, lộ ra rất rõ dưới tuyết, mảnh, nhẹ, bọc trong vỏ nhựa màu. Dây thông tin của chúng ta thì nặng, làm bằng thép và bọc lớp cách điện màu đen rất dày. Ống quấn dây cũng bằng sắt, rất nặng và rất khó cuộn lại hay rải ra. 

Chiến tuyến tại bán đảo Karelia ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1940.

Sương giá thật khủng khiếp. Không tài nào cưỡi ngựa được. Chúng tôi phải đi bộ, ngựa dắt theo sau. Sương giá bám đầy trên những bộ lông ngựa. Các kỹ sư công binh phải đốt lên những đống lửa dọc hai bên đường hành quân. Bạn có thể dừng lại sưởi ấm đôi chút, mặc cho khói bốc vào mũi làm nghẹt thở. Tới cuối ngày đầu tiên chúng tôi dừng lại nghỉ đêm tại điểm trú quân của một đơn vị công binh, trông ra con đường có mấy cây cầu lắp ghép. Đó là cái kho thóc và chuồng ngựa còn lại của một trang trại, các dãy nhà chính và nhà phụ đã bị chính tay người Phần Lan đốt bỏ khi rút lui. Kho thóc và chuồng ngựa đó giờ đây chẳng khác nào cung điện đối với chúng tôi. Sự hiếu khách của đám công binh, điều hiếm khi xảy ra, thật đáng cảm động.

Ngày hôm sau chúng tôi bắt đầu tới gần mặt trận. Điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những xác chết đông cứng của binh lính và sĩ quan ta nằm rải rác, bị tuyết phủ kín. Họ nằm lại ngay nơi họ bị thần chết túm lấy, trong các tư thế khác nhau. Trước đây chúng tôi đối xử với người chết rất tôn trọng. Có áo quan, lễ tang, lễ tiễn biệt, mọi người dừng lại xung quanh để tưởng niệm, che đi những tấm gương, vặn cho đồng hồ dừng lại. Nhưng giờ đây dường như chẳng còn ai quan tâm tới những điều ấy nữa. Cứ như thể họ, những người đã đi trước, đang nói với chúng tôi rằng cái chết là điều vẫn thường xuất hiện nơi đây. Họ đã bị giết, nên cứ để họ lại, như vậy cũng là bình thường thôi. Đấy chính là chiến tranh, và mọi chuyện ở đây tất nhiên là phải khác với trong cuộc sống thời bình. Ở đây bạn phải làm quen với chuyện đó.

Chúng tôi đã tới chiến tuyến, đằng sau là tuyến phòng thủ cuối cùng của Phần Lan. Những đơn vị phía cánh phải và cánh trái vui vẻ sắp xếp chỗ ở cho chúng tôi, giao cho sư đoàn chúng tôi phụ trách một khu vực đơn lập. Sau này tôi nghe kể các sĩ quan bộ binh đã phát biểu một cách ác ý rằng cánh “hàng xóm” đã giao cho chúng tôi đảm trách khu vực khốc liệt nhất để mình được rút tới nơi dễ thở hơn. 

Vâng, chúng tôi đã tới “Phòng tuyến Mannerheim". Những dãy lô cốt bêtông, tua tủa các họng đại bác và súng máy, nằm trên những ngọn đồi được che khuất bởi những khu rừng rậm rạp. Những “cửa sổ” không đóng băng khoét trên mặt băng của các đầm lầy trũng xen giữa các lô cốt, luôn được kiểm tra thường xuyên, đổ đầy dầu và rắc tuyết lên trên. Ngã vào những “cửa sổ” đó nghĩa là cầm chắc cái chết. Thêm vào đó, những khoảng đất trống giữa các lô cốt luôn nằm trong tầm hỏa lực chéo cánh sẻ bắn ra từ các lô cốt. 

Chúng tôi dừng lại. Trung đoàn 306 chúng tôi được đưa lên tuyến đầu, hai trung đoàn còn lại của sư đoàn chúng tôi được bố trí dự bị ở phía sau. Như thường lệ, chúng tôi lại là những kẻ “may mắn”. Bắt tay vào đào các công sự chiến đấu. Mặt đất bị đông cứng, chúng tôi phải cho nổ chúng lên bằng thuốc nổ TNT. Chúng tôi chặt gỗ thông để lợp mái do nơi đây có rất nhiều rừng. 

Vì lý do gì đó phải gặp chính trị viên nên tôi đi hỏi tìm anh ta. Mọi người bảo anh ta đang đi lấy vodka cho khẩu đội. Tôi không tin vào tai mình nữa. Hắn, một tay chống rượu, người đã phá hỏng bữa tiệc mừng Giao thừa của chúng tôi chỉ vì sợ chúng tôi sẽ uống một cốc rượu vang. Vậy màø bây giờ chính hắn lại là người đi lấy vodka đem về. Nhưng đời là vậy đấy. Người ta phát cho chúng tôi 100 gram vodka mỗi ngày. Nó giúp chúng tôi nóng người và cảm thấy phấn chấn trong giá rét, đồng thời nó làm chúng tôi thêm can đảm khi tấn công. Khoảng hai ngày sau khi chúng tôi tới mặt trận, chủ nhiệm pháo binh trung đoàn gọi tất cả sĩ quan của các khẩu đội lên gặp mặt. Ông thông báo rằng đợt tấn công vào các vị trí của đối phương sẽ bắt đầu vào ngày hôm sau. Hôm nay sẽ có vài sĩ quan cao cấp của ban tham mưu sư đoàn dẫn một nhóm sĩ quan chúng tôi đi trinh sát. Tôi trở về khẩu đội để bố trí người thay tôi chỉ huy trung đội trong khi tôi vắng mặt. Có hai cậu lính thông tin đề nghị tôi cho phép đi cùng để “xem bọn Phần Lan thế nào”. Tôi đồng ý một cách bất đắc dĩ. 

Và thế là một nhóm gồm những sĩ quan bộ binh và pháo binh, khoảng 12 tới 15 người, rời khỏi doanh trại để tiến theo hướng Bắc vào khu rừng. Chúng tôi đi theo hàng một, vượt qua lối mòn tạo bởi một rãnh tuyết sâu. Người sĩ quan cấp cao dẫn đầu, chúng tôi theo sau. Mấy tay lính thông tin hiếu kỳ của tôi đi chặn hậu. Tay phải chúng tôi là một dãy đồi, còn phía tay trái là một khoảng dốc trống trải. Buổi sáng hôm đó trời rất đẹp: sương giá, trời xanh trong, mặt trời chiếu sáng và xung quanh rất yên tĩnh. Tiếng động duy nhất là tiếng tuyết kêu cót két dưới chân.  Chúng tôi tiến sâu dần vào rừng. Tôi nhìn quanh và không thể nhận ra đâu là vị trí chúng tôi, đâu là chỗ bố trí bộ binh và đâu là chỗ bố trí các đơn vị tiền tiêu nữa, dù chúng tôi vừa mới rời doanh trại được không xa. Xung quanh chỉ thấy toàn rừng thông, rãnh tuyết và một sự yên tĩnh giả tạo. Một cảm giác lo sợ và cảnh giác dần dần xuất hiện. Mấy cậu thông tin đi sau chúng tôi bắt đầu bị tụt lại. Hiển nhiên họ hiểu là chúng tôi đang được dẫn thẳng tới thăm bọn Phần Lan. Đột nhiên, khu rừng kết thúc bởi một hẻm núi dốc đứng, và chúng tôi cảm thấy phấn khởi trước sự quang đãng ấy. Một con suối nhỏ đóng băng chảy dọc theo đáy hẻm núi đó. Một cây cầu bắc ngang qua nó, bị chặn bởi một đống đá to. Ở bờ bên kia của hẻm núi, ngay trước mặt chúng tôi khoảng không hơn 100 mét, chễm chệ một ụ lô cốt bê tông, chĩa thẳng những nòng đại bác và súng máy qua lỗ châu mai vào chúng tôi. Sau lô cốt thấp thoáng mấy bóng người đang đào những rãnh chiến hào sâu trong tuyết. Tôi không thể tin vào mắt mình nữa. Chúng tôi được dẫn ra giữa khoảng đất trống, ngay trước họng súng của bọn Phần Lan. Tất cả bọn tôi sẽ bị quét sạch lập tức bởi một loạt súng máy. Vài chiếc xe trượt nằm cạnh chỗ chúng tôi, trên có một chiếc chậu tráng men xanh nhạt, trông thật tương phản với màu tuyết trắng. Tất nhiên, đấy chính là cái mốc đặt sẵn làm điểm chuẩn ngắm bắn.

Trong khi đó, ông sĩ quan chỉ huy vẫn đang lên lớp, tay khoa trong không khí: “Phải bố trí đại bác ở vị trí này để tăng rộng góc xạ kích, còn bộ binh thì phải tiến quân dọc theo đáy khe núi.” – và nói thêm mấy câu gì đó tương tự. Đầu óc tôi quýnh cả lên: “Tại sao bọn Phần Lan không nổ súng ngay? Chúng có trông rõ chúng ta không?” Hai người trong bọn tôi, phấn khởi vì sự im lặng từ phía cái lô cốt, bắt đầu tụt xuống và ném vài hòn đá về phía cây cầu. Viên sĩ quan chỉ huy đang tiếp tục bài hướng dẫn của mình, nhưng phía địch vẫn im lặng, tại sao vậy?

Và rồi, thình lình mấy phát súng vang lên sau lưng chúng tôi, phá vỡ sự yên tĩnh. Tôi quay lại: mấy cậu lính thông tin, đứng trên con đường mòn cách chỗ chúng tôi một quãng xa, đang nã súng về phía tay trái, vào cái khe núi. Tại đấy, giữa đám rừng, xuất hiện mấy bóng người trượt tuyết mặc đồ trắng đang phóng ra sau chúng tôi, cố gắng cắt đứt đường rút lui. “Bọn Phần Lan” – tôi hét lớn, và toàn nhóm chúng tôi hốt hoảng thối lui, chân lún trong lớp tuyết dày. Thế là đã rõ lý do tại sao chúng tôi không ăn đạn từ phía lô cốt: chúng muốn bắt sống chúng tôi bằng cách chặn đường rút lui. Làm thế nào mà chúng tôi có thể xoay sở được với mấy khẩu súng ngắn, chân thì lún sâu trong tuyết, trong khi có cả một toán Phần Lan trang bị đầy đủ súng máy bao vây xung quanh? Một nửa bọn tôi sẽ bị giết, nửa còn lại sẽ bị bắt làm tù binh. Quân địch cần biết thông tin về lực lượng đối phương, và chúng sẵn sàng tra tấn những người còn sống để moi lấy nó. Thật may mắn là bọn lính trượt tuyết Phần Lan lại tiến thẳng tới chỗ mấy người lính thông tin, và họ đã nổ súng vào chúng. Tất nhiên phía Phần Lan không thể ngờ rằng chỉ có mỗi hai người đi đằng sau nhóm chúng tôi (mà ngay điều đó cũng chỉ do tình cờ), chứ không phải cả một trung đội cảnh vệ. Đấy là lý do tại sao chúng không dám khép kín vòng vây.  

Nhóm chúng tôi mau chóng quay trở về. Một vài người chửi rủa không cần giấu diếm, những người còn lại thì im lặng và buồn rầu, trong bụng hiểu rõ chuyến mạo hiểm này đáng lẽ đã kết thúc không hay thế nào. Một người trong nhóm cất tiếng cười nhạo những gì đã xảy ra, cố gắng che giấu nỗi sợ hãi của bản thân. Người sĩ quan chỉ huy cũng thử bắt chuyện sang một vấn đề khác, nhưng không còn ai lắng nghe ông ta, mọi người đều đang cố thoát khỏi khu rừng nguy hiểm này càng nhanh càng tốt. Cuối cùng chúng tôi cũng về tới doanh trại của mình. Nhưng điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy không phải những đội tiền tiêu hay những tuyến lính bộ binh mà là một xe nhà bếp cùng một tay anh nuôi đang trút tuyết vào nồi. Có ai đó trong nhóm bảo với tay anh nuôi rằng đang lẽ chúng tôi không nên đi xa đến thế, và rằng bọn Phần Lan đang ở rất gần. “Bọn Phần Lan nào? Tôi mà gặp thì sẽ lấy cái muôi này choảng chúng một trận nên thân!” Thái độ lạc quan đó còn phổ biến trong phần lớn binh sĩ, cho tới khi chúng tôi phải thực sự tắm mình trong máu. Tất nhiên, không một ai ngỏ lời cám ơn tôi vì đã đem theo mấy cậu lính đã cứu mạng cả nhóm. Những trận chiến và mối hiểm nguy thực sự vẫn còn ở phía trước.

Phần còn lại trong ngày là dành cho việc chuẩn bị cho trận đánh diễn ra vào hôm sau: tôi phải đi kiểm tra lại radio và máy điện thoại. Tới xế chiều chúng tôi gọi một lần nữa cho cấp trên để xin chỉ thị hướng dẫn. Khi về tới hầm trú ẩn vào chập tối, cởi cái áo khoác ngoài cửa và bật đèn pin lên, tôi bỗng phát hoảng. Bên trong đầy binh lính ngủ chồng chất lên nhau, cát không ngừng rơi từ nóc hầm xuống – căn hầm quá nhỏ. Tôi phải tới ngủ nhờ hầm của chính trị viên. Anh ta dùng một cái lều tròn xinh xinh cho riêng mình, bên trong trang bị cả lò sưởi. Tay chính trị viên đang “sửa soạn” cho trận đánh ngày mai bằng cách khâu một cái cổ áo trắng vào bộ quân phục của mình. Tôi lăn ra ngủ tại chỗ anh ta, không cởi quần áo mà nằm ngay trên sàn làm bằng tuyết nện kỹ trên lớp cành thông. 

Buổi sáng diễn ra trận chiến đầu tiên, tôi cùng với mấy cậu lính thông tin của mình được lệnh đi theo các trung đội hỏa lực để tháp tùng một xe giàn chất radio và các thiết bị điện thoại liên lạc, khẩn trương thiết lập đường dây thông tin chỉ huy. Chúng tôi đi vào rừng, theo sau đám bộ binh. Người lính hy sinh đầu tiên của trung đoàn chúng tôi nằm đó, trên khoảng đất trống. Điều đó có nghĩa là bọn Phần Lan đã chủ động phục sẵn ở khoảng trống này từ hồi đêm để phục kích các đơn vị tấn công của chúng tôi. Một cái mũ sắt bị một viên đạn xuyên thủng và một mặt nạ phòng độc, ống thở bê bết máu, nằm lăn lóc cạnh xác người lính.

Chúng tôi di chuyển dọc theo khu rừng về phía cái lô cốt đã trinh sát ngày hôm qua. Từ phía đó vang lên những tiếng hô "Hurrah!", tiếng nổ và tiếng súng máy. Người thương binh đầu tiên xuất hiện, mình băng trắng và đang rên rỉ. Theo cẩm nang dã chiến thì việc di chuyển thương binh phải được thực hiện trên một con đường không trùng với tuyến chuyển quân tiếp viện, nhằm không làm suy giảm ý chí chiến đấu của họ.  Nhưng ai mà còn hơi sức nghĩ tới những chuyện như thế trong khi đánh nhau?  Đạn cối đang bay về phía chúng tôi, nổ tung lên hàng cột đất và tuyết. Tôi đang đi bên trái của chiếc xe giàn, chân ngập trong tuyết. Đột nhiên, có một điều gì đó thúc tôi băng sang bên phải, dù đường bên đó khó đi hơn. Tôi vừa đi được mấy bước thì một quả đạn cối rít tới cắm đúng vào khoảng đất phía bên trái chiếc xe, nơi hồi nãy tôi vừa bước đi. Nó chui sâu vào tuyết nhưng không phát nổ. Nếu tôi không băng qua phía bên kia xe giàn, rất có thể tôi đã mất mạng. Nhưng ngay cả việc bước sang phía bên kia chiếc xe cũng không thể cứu mạng tôi trong trường hợp quả đạn phát nổ. May mắn thay, không phải tất cả đạn pháo của quân Phần Lan đều nổ. Về sau tôi được biết rằng có một số đạn dược được chuyển cho Phần Lan bởi chính những đồng minh phương Tây từ kho vũ khí quá hạn của họ: “Lạy Chúa, hãy nhận lấy những thứ mà chúng tôi không dùng nữa”.

Điều gì đã khiến tôi đổi chỗ đúng một phút trước khi quả đạn bay tới? Hình như đó là bản năng, thứ giúp một con thú rời bỏ chỗ trú ngay trước khi viên đạn bắn tới. Thôi đành cứ tạm nghĩ như vậy.  

Lính bộ binh tấn công lô cốt ngay từ chính diện, chịu tổn thất nặng. Nhưng cũng có thể đi vòng qua và tấn công từ sau lại, bởi đằng sau không có các lỗ châu mai gắn đại bác và súng máy. Nhưng anh không thể đứng ra phê phán các vị chỉ huy. Họ không thể mắc sai lầm, chẳng khác nào chính vợ của Xêda. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm cách chiếm được cái lô cốt. Một chiếc xe tăng phun lửa tiến tới và phụt vài cột lửa vào mấy lỗ châu mai (có thể khẳng định đó là loại tăng T-26 có gắn súng phun lửa - Valera Potapov). Bọn Phần Lan rút chạy. Đường rút của chúng được yểm trợ bởi một xạ thủ trung liên, hắn kéo khẩu súng của mình lên nóc lô cốt và đã hy sinh một cách anh hùng trong khi bắn trả quân tấn công. Khi lính bộ binh của chúng tôi đang tiến lên truy kích, tôi chạy tới thử nhìn vào trong cái lô cốt vừa chiếm được. Và sự tò mò của tôi đã được đền đáp xứng đáng. Khi lô cốt này thất thủ thì những lô cốt lân cận, vẫn còn nằm trong tay quân Phần Lan, lập tức nã pháo vào nó. Nhiều quả đạn nổ tung, nhưng may mắn là không gây tổn thất gì cho chúng tôi. Những lớp tường bê tông dày được bọc bằng nhiều tấm giáp kim loại chống chấn động. Đó là lý do tại sao các loạt đạn xuyên thép không thể bắn thủng tường mà chỉ bật đi. Xác binh lính của chúng tôi nằm ngổn ngang phía trước lô cốt, vài cái trong số đó bị cháy nám vì lửa phun ra từ chiếc xe tăng và bị xích của nó nghiền nát. Đó là vì chiếc xe tăng đã tới lô cốt sau họ (Tại sao họ không đưa nó tới sớm hơn?) và lăn lên trên mấy xác chết. Một cảnh tượng thật kinh khủng.

Cái xác nhỏ bé của tay xạ thủ súng máy nằm lăn lóc ngay trước lối vào lô cốt, và lính của chúng tôi mỗi khi bước vào lô cốt đều căm giận đá nó một cái. Khẩu súng cũng nằm cạnh đó. Đó là một khẩu Maxim kiểu cũ. Tôi nhìn thấy trên lá chắn có dòng chữ: "Xưởng vũ khí Hoàng gia Tula. 1915." Thật là một sự trớ trêu của số phận. Vũ khí Nga được sử dụng để chống lại chính người Nga.

Xe tăng phun lửa OT-26 đang tiến công.

Vài thứ đồ đạc bên trong lô cốt cũng bị đốt cháy bởi họng súng phun lửa. Tôi nhìn thấy một đồng tiền kim loại nằm trên bàn, có lẽ là bùa khước của một trong những lính phòng thủ lô cốt. Tôi vội vã cầm lên. Đó là một đồng tiền cổ Thụy Điển mệnh giá ba crown. Khi rời lô cốt, tôi chạy tới khoe với khẩu đội trưởng: “Nhìn này,” – tôi la lên, - "Xem tôi tìm được gì đây! Đây là đồng tiền cổ Thuỵ Điển, có lẽ từ thế kỷ XVI, rất có thể thuộc vương triều Vaaza." Tay khẩu đội trưởng giằng lấy đồng tiền, ngắm nghía rồi thình lình vung tay ném mạnh vào một đám tuyết. “Anh không được phép sử dụng ngoại tệ,” – hắn lên lớp và ngạo mạn bỏ đi. Tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Đã hơn bốn mươi năm kể từ ngày ấy, rất nhiều sự kiện đã qua đi, vậy mà tôi vẫn thấy điên người mỗi lần nhớ tới tay khẩu đội trưởng ngu xuẩn nọ, và vẫn còn tiếc đồng tiền ấy, đáng ra có thể trở thành một vật bổ sung có giá trị cho bộ sưu tập tiền cổ của tôi, gắn với những kỷ niệm đáng nhớ tới vậy.

Trong suốt ngày đầu tiên, cùng với những bộ binh tấn công lô cốt còn có rất nhiều người đã cố tới để "xem bọn Phần Lan thế nào" cũng thiệt mạng. Kỹ thuật viên pháo binh của khẩu đội, người hoàn toàn không có trách nhiệm gì ngoài chiến trường, cũng chết theo kiểu ấy. Khi người ta mang anh ta, bị thương nặng, ngang qua chỗ chúng tôi, anh ta hét lên với khẩu đội trưởng rằng người anh đang bị đông cứng lại. Thực ra, băng giá dữ dội không chỉ huỷ hoại những vết thương, mà còn bởi anh sẽ phải cởi quần áo để băng bó trong giá tuyết. Người chuyên viên kỹ thuật chết vào ngày hôm sau, tại trạm quân y. Rất nhiều người trong khẩu đội tôi cũng bị trúng đạn trong khi đang cố lăn khẩu pháo tới chỗ trống để nổ súng.

Người ta kể rằng trước trận đánh đầu tiên, một chính trị viên tới nói chuyện với những binh lính sẽ đi tấn công cái lô cốt và kêu gọi họ hãy thể hiện xuất sắc chủ nghĩa anh hùng. Tới sát giờ tiến công, tay chính trị viên chuẩn bị rút lui, có mấy người lính lên tiếng: “Hãy cùng đi với chúng tôi, đồng chí chính uỷ.” Tôi có thấy xác viên chính uỷ ấy. Anh ta nằm úp mặt xuống đất cùng mấy xác chết khác và nổi bật giữa đám xác ấy bởi những nút mạ vàng đính trên thắt lưng áo khoác quân phục của mình. 

Trong ngày hôm đó, sau trận đánh, chỉ còn đám bộ binh là tiếp tục truy kích quân Phần Lan, khẩu đội pháo của chúng tôi đóng lại đấy một thời gian nữa. Lần đầu tiên chúng tôi qua đêm ngay dưới bầu trời rộng lớn, giữa màn sương, ngồi quanh đống lửa bởi các hầm trú ẩn đều chứa đầy thương binh. Điều đó nghĩa là trạm quân y cũng đã quá tải. Khó mà ngủ được khi đang ngồi quanh đống lửa giữa sương giá. Bạn bị cháy bỏng trước mặt, nhưng lưng bạn lại lạnh cóng. Trong lúc ngủ gà ngủ gật bạn chúi người về trước và thế là quần áo sẽ bắt lửa. Thật là một cuộc chiến tranh đáng nguyền rủa.

Chúng tôi bắt đầu triển khai tấn công. Khi rút lui, quân Phần Lan đánh trả rất ác, đốt bỏ tất cả nhà cửa, gài mìn lại khắp mọi nơi. Trong một lần tháo chạy vội vã chúng thậm chí còn đốt bỏ cả chuồng trại còn nguyên gia súc bên trong. Chúng giết chết lũ chó không muốn rời bỏ những căn nhà đang cháy của mình. Chúng đặt mìn bên cạnh các lối mòn mà chúng sử dụng để rút lui. Khi con đường đó được sử dụng làm tuyến giao thông cho ôtô và xe tăng thì mìn phát nổ. Các đơn vị trượt tuyết trang bị nhẹ với những khẩu súng cối kéo trên những xe trượt gọn nhẹ, liên tục tấn công chúng tôi. Họ dựa vào rừng rậm và bất cứ chướng ngại vật tự nhiên nào, ví dụ như các mỏm đá granite mà ở đây rất thường gặp. Họ nã súng máy từ những vị trí được che chắn và gây thương vong rất nhiều cho các đội tiên phong của chúng tôi. Nhưng khi chúng tôi đem được pháo tới và bắt đầu nã đạn thì họ lập tức thay đổi vị trí, mò sang hai bên sườn, và tất cả mọi chuyện lặp lại từ đầu. Rồi họ bất ngờ biến mất để tiếp tục rình đánh chúng tôi cũng trên con đường đó nhưng tại một vị trí thuận lợi khác.  

Quân địch rút lui, bỏ lại cho chúng tôi không chỉ mìn mà cả những tờ truyền đơn sặc sỡ, chúng tương phản rõ nét so với tuyết trắng. Nội dung của chúng rất ngây ngô, chỉ hợp với những người kém phát triển. Vài cái thì đe dọa cả thế giới sẽ cùng dồn lại tấn công chúng tôi, những tờ khác khuyên hãy bỏ vũ khí và trở về nhà với gia đình, nơi mọi người đang chờ đợi chúng tôi, đại loại như vậy. Hiển nhiên những thứ ấy được sáng tác bởi đám Bạch vệ di tản, những kẻ tin rằng binh lính chúng tôi vẫn còn ở trình độ nông thôn trước cách mạng. 

Chiến trận diễn ra chủ yếu vào ban ngày. Mọi chuyện dừng lại khi đêm xuống, và đấy là lúc công việc của cánh lính thông tin bắt đầu. Dưới sự che chở của bóng tối, chúng tôi phải lăn cuộn dây điện thoại cũ kỹ đi, đưa thông tin tới vị trí đặt pháo mới bằng cách nối chúng tới các chốt quan trắc, nối tới sở chỉ huy trung đoàn và tới chỗ tư lệnh pháo binh. Mọi thứ phải sẵn sàng vào lúc rạng sáng. Suốt đêm không ngủ để làm những việc ấy, và khi trận chiến bắt đầu vào sáng hôm sau, thử hỏi làm cách nào anh có thể ngủ nếu việc liên lạc bị ngắt quãng chỗ này chỗ khác?  Tất nhiên cũng có những tối anh có thể ngủ yên, ngồi bên đống lửa (thật tuyệt) hay cạnh đám tro của một ngôi nhà bị đốt cháy. Ở những chỗ đấy mặt đất bị hun nóng bởi đám lửa sẽ giữ được nhiệt độ ấm áp trong khoảng hai ngày, không lâu hơn. 

Chúng tôi chỉ liên lạc chủ yếu bằng điện thoại. Liên lạc bằng vô tuyến điện không ổn định. Những máy thu vô tuyến điện của chúng tôi (loại 6PK) rất cồng kềnh, khả năng thu phát kém, khoảng cách truyền tin ngắn, thường bị ngắt quãng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Thêm vào đó tất cả thông tin truyền đi phải được mã hóa, điều đó cản trở sự linh hoạt trong quá trình sử dụng chúng.
Một vấn đề nữa đang chờ chúng tôi. Các cuộn dây điện thoại của chúng tôi bắt đầu hư hụt đi nhanh chóng, đứt gẫy và thậm chí hỏng nát. Dần dần lượng dây có thể dùng còn lại rất ít. Trưởng ban thông tin trung đoàn cũng rất cần dây điện thoại nên không thể giúp gì được cho chúng tôi.  Số dây còn lại ít tới nỗi trong một số khu vực bố trí pháo, do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, đã phải kéo pháo từ vị trí ngụy trang ra chỗ trống để nổ súng, ngay dưới làn đạn súng máy của lính Phần Lan, và rất nhiều người đã chết một cách vô ích. Chúng tôi chỉ còn phải đặt một đường liên lạc: kéo từ vị trí chỉ huy của khẩu đội trưởng cho tới chỗ đặt pháo. Do đó, ngày càng ít công việc dành cho lính thông tin. Nhưng khẩu đội trưởng cũng nhanh chóng tìm được việc gì đó để chúng tôi luôn bận rộn. Khẩu đội pháo phải chịu rất nhiều tổn thất trong thời gian đó. Cả hai trung đội hỏa lực phải nhập làm một bởi chỉ còn hai khẩu pháo trong số bốn khẩu là còn hoạt động được. Những đơn vị khác cũng tổn thất nhiều. Lực lượng của chúng tôi tổng cộng cũng chỉ còn phân nửa so với ban đầu. Trung đội hỏa lực mới nhập lại được giao cho trung uý Kapshuk, một cậu Ukraina trẻ tuổi và là quân nhân chuyên nghiệp. Một lần tôi bị đánh thức vào ban đêm bởi cậu trực điện thoại: khẩu đội trưởng muốn gặp. Tôi nhấc máy. “Cậu đã biết Kapshuk vừa bị giết chưa?” “Chưa.” “Hãy lãnh trách nhiệm chỉ huy trung đội hỏa lực, ngay sáng mai họ phải sẵn sàng để chiến đấu. Sẽ có người thay cậu phụ trách bộ phận thông tin.” Sáng hôm sau tôi đã có mặt tại điểm đặt pháo để điều khiển việc xạ kích. Khẩu đội trưởng đang điều chỉnh đường đạn tại trạm quan trắc của anh ta thông qua điện thoại. Trong khi chỉ huy, tôi đứng trước mấy phẩu pháo, tại ngay nơi Kapshuk vừa đứng cách đấy vài tiếng đồng hồ và bị giết. Còn anh chàng Kapshuk đáng thương, ngày hôm qua vẫn còn khoẻ mạnh và vui vẻ, giờ đang nằm kia, trên mặt đất sũng máu, đang chờ để được đặt lên xe trượt và đưa về trạm quân y của tiểu đoàn, nơi người ta cho nổ tung một khoảnh đất Phần Lan băng giá bằng thuốc nổ và mai táng xác chết trong những cái hố đó. Mọi chuyện trở nên đơn giản tột cùng, và số phận thì không thể trốn tránh...

Đại bác 76.2 mm model 1927 cấp trung đoàn, đang tham gia chiến đấu.

Những người lính trong trung đội hỏa lực trở nên u ám, tuân lệnh tôi một cách máy móc, cố tránh không nhìn về phía có cái xác người chỉ huy quá cố của họ đang nằm. Cũng cần nói thêm là sự “thăng tiến” của tôi không chỉ dừng lại đây. Chúng tôi phải chịu nhiều tốn thất về binh lính và sĩ quan, nên về cuối cuộc chiến tôi đã được chỉ định làm quyền khẩu đội trưởng, sẵn sàng thay thế trong trường hợp người chỉ huy bị mất khả năng điều khiển khẩu đội. May thay, điều đó cuối cùng đã không xảy ra. Khó có gì hạ gục nổi người khẩu đội trưởng sắt thép của chúng tôi. 

Trong thời gian chiến đấu tôi nhận được một lá thư của mẹ gửi từ nhà qua. Bà viết rằng có một lệnh điều động được gửi cho tôi từ trụ sở quân uỷ với lệnh phải lên đuờng “với các vật dụng cá nhân”. Mẹ tôi cầm lệnh điều động lên trụ sở dân ủy và than phiền rằng con trai mình đã bị động viên được nửa năm rồi. Người ta thu lại tờ lệnh điều động và bảo rằng đó chỉ là một lầm lẫn. Nhưng vài ngày sau họ tiến hành khám xét căn hộ của chúng tôi vào ban đêm, lôi mẹ già của tôi khỏi giường, tra hỏi bà nơi trốn của con trai. Cùng lúc có những người khác thô lỗ cúi xuống lục soát dưới gầm giường, nhòm vào nhà vệ sinh và phòng tắm. Mẹ tôi nổi giận: “Chính tôi mới phải hỏi các anh là con tôi đang ở đâu ! Các anh đã động viên nó mùa thu vừa rồi. Nó đang chiến đấu một cách trung thực ngoài chiến trường chứ không phải đang đêm đi nhòm vào gậm giường người khác.” Rồi họ nhìn thấy tấm ảnh chụp tôi đang mặc quân phục và những bức thư với con dấu quân bưu dã chiến nằm trên tủ buýp phê. Đám dạ khách bối rối rút lui, tất nhiên là quên cả xin lỗi. Cung cách hoạt động của Dân uỷ quận Bauman thành phố Maskva là thế đó.

Một sáng nọ tôi rời khẩu đội để lên vị trí tiền tiêu, nơi đóng trạm quan trắc của khẩu đội trưởng. Đường đi phải băng qua một khu rừng mà vào giờ đấy rất vắng vẻ. Dọc đường tôi chạm mặt một tay lính lạ. Tôi không biết anh ta mang cấp bậc gì, do trước đó chúng tôi có lệnh phải tháo bỏ mọi cấp hiệu khỏi quân phục. Khi đi ngang, tôi hỏi anh ta một cách thân mật: "Thế nào, tình hình chỗ ấy ra sao, yên tĩnh chứ?” Hắn tỏ vẻ khinh miệt ra mặt và đáp trả: "Sao vậy, anh sợ à?” Tôi phát cáu và cũng hỏi lại: "Tôi không biết ai sợ hơn ai: người đang đi ra mặt trận hay kẻ đang cố chạy cho xa.” Đáp lại tôi là mấy câu chửi thề tục tĩu. Kẻ lạ mặt cuối cùng cũng lộ nguyên hình.

Tôi cũng từng xung đột với khẩu đội trưởng của mình. Một lần, khi tôi đang ở chỗ đóng quân trong rừng của khẩu đội, anh ta gọi điện thoại và bảo tôi phải chuyển quân ra một chỗ trống. Phía trước chúng tôi, giữa một địa hình trống trải, có một quả đồi đang bị bộ binh ta tấn công. "Hãy kéo dây liên lạc tới ngọn đồi,” – khẩu đội trưởng nói. - "Anh hãy đích thân tới và chỉ huy pháo kích từ vị trí đó.” "Nhưng chỗ đó vẫn còn bọn Phần Lan,” – Tôi trả lời, mắt quan sát qua ống nhòm dã chiến. - "Khi chúng ta chiếm được ngọn đồi ấy, tôi sẽ tới cùng một điện thoại viên và kéo dây theo sau.” “Hãy đi ngay bây giờ”, - tay khẩu đội trưởng lạnh lùng dáp, và tay hắn đột ngột hạ xuống bao súng lục đã mở sẵn. Điều đó làm tôi nổi giận. Hắn đe dọa tôi trong khi khắp khu rừng bao quanh đều vang lên tiếng đạn réo và tiếng rít rú của đạn cối. "Đồng chí thượng uý,” – Tôi đáp - "Tôi xin nhắc lại là tôi sẽ tuân lệnh đồng chí ngay sau khi bộ binh chiếm được ngọn đồi đó. Còn về khẩu súng của anh thì tôi cũng có một khẩu tương tự. Nếu anh không thể chờ được,” – Tôi tiếp tục - "thì hãy cùng đi với tôi. Mấy khẩu súng lục của chúng ta đem lên trên đó sẽ có ích hơn đấy.” Vì lẽ nào đấy, khẩu đội trưởng không thích đề nghị của tôi, và hắn ta nín thinh. “Hãy cho phép tôi trước tiên là ra lệnh cho khẩu đội tiến ra chỗ trống, nếu không chúng ta sẽ không thể bắn yểm trợ cho quân tấn công được.” "Làm đi," – khẩu đội trưởng trả lời, hình như hắn ta đã bình tĩnh lại và nhận ra là mình đã đi quá xa, rồi ưỡn ngực bỏ đi.

Đối phương gần như không có không quân, hay chúng không hoạt động trong khu vực mặt trận chúng tôi. Chỉ có một lần tôi thấy vị trí chúng tôi bị oanh kích bởi nhiều máy bay Phần Lan trông giống loại U-2 của chúng ta, thả xuống nhiều bó lựu đạn buộc thành túm. Chúng sơn chữ thập đen trên nền xanh ở hai bên cánh máy bay. Nhưng chúng tôi cũng chưa khi nào được thấy lúc máy bay ta hoạt động.

"Cúc cu" – bọn bắn tỉa nấp trên cây – gây cản trở chúng tôi rất nhiều. Trong khi rút lui, người Phần Lan bố trí chúng núp lại trên cây với một khẩu súng và rất nhiều đạn. Một số trong chúng mỗi khi có dịp là nổ súng rồi chạy trốn bằng ván trượt tuyết để sẵn dưới gốc cây. Những tên khác thậm chí cứ bắn cho tới khi bị hạ tại chỗ, và khi rơi xuống chúng bị giết chết một cách căm hờn. Đôi khi có tới bốn tên “cúc cu” cùng bố trí ở bốn góc rừng, ai chẳng may đi vào khu vực đó thì cầm chắc cái chết. Rất khó để hạ gục chúng, nhất là khi chúng tập trung hỏa lực của cả bốn khẩu súng vào một mục tiêu trong trường hợp như trên. Chúng luôn thay đổi vị trí mỗi khi đêm xuống, chuyển tới một khoảnh rừng khác. Quân Phần Lan lấy đi giầy ủng khỏi một số xạ thủ khi đưa chúng lên cây để họ khỏi chạy xa, thay vào đó chúng để lại một cái chăn đắp chân. Có một trường hợp ở trung đoàn tôi khi binh lính, phát hiện ra một tên “cúc cu” nấp trên cây, đã bắn vào hắn. Hắn lập tức ném khẩu súng xuống và chiếc chăn rơi khỏi chân. Hóa ra tên “cúc cu” lại là một cô gái tóc đỏ còn trẻ, đang trắng bệch ra như sắp chết. Mọi người thương hại cô ta, và khi họ đưa cô ta mấy cái bánh valenki cháy thì cô ta đã hiểu là mình sẽ không bị giết, bèn rũ ra khóc nức nở. Người ta mủi lòng và cô được an toàn đưa về hậu phương với lính canh đi theo. 

Sự đề cập tới các nữ xạ thủ “cúc cu” và chuyện một lô cốt trang bị các tấm giáp kim loại để đạn pháo bắn vào bị bật ra thật đáng quan tâm và hết sức thú vị. Nó cho thấy thậm chí những người có trình độ ở thời kỳ đấy vẫn tin và tiếp tục tin vào những câu chuyện hoang đường như thế. Như trong trường hợp cái lô cốt nơi người sĩ quan này tiến công – nơi đây không chỉ có một triệu cái lô cốt như vậy, tất cả các lô cốt đó đều trang bị 1 tới 2 khẩu đại liên, được xây trong những năm 1930, rất chắc chắn, chất lượng rất tốt. Chuyện đề cập tới những chiếc xe tăng phun lửa là đáng tin vì xe tăng phun lửa được sử dụng nhiều để tấn công tại hai cứ điểm đó - Salmenkaita và Muolaa. Tại một ụ lô cốt thuộc phòng tuyến Muolaa, nơi tôi đã tới tham quan, toàn bộ nơi đồn trú đó đều bị thiêu rụi do xe tăng phun lửa. Bair Irincheev.

Nhìn chung, trong khi chiến đấu người ta cho chúng tôi ăn uống khá tốt. Có xe nhà bếp chở súp và cháo kasha tới chiến tuyến, họ múc cho bất cứ ai lại gần. Đám đầu bếp quân nhu vội vàng phân phát cho hết thức ăn và quay về theo đúng con đường mà từ đó họ đi tới dưới làn đạn súng cối. Họ không được phép quay về khi trong thùng vẫn còn thức ăn. Người ta kể rằng có một tay đầu bếp bị bắn tại chỗ chỉ vì anh ta đã trút hết cái nồi trên xe xuống tuyết để mau chóng được rời xa chiến tuyến. Tất nhiên, cũng có những ngày chúng tôi phải đun tan tuyết để pha chè, hâm nóng lớp băng đá bao quanh bánh mì trên làn khói của đống lửa, và tự nấu cháo lúa mì trong một cái gà mèn thiếc dùng chung.
 
Trung đoàn chúng tôi tiến công, khoét sâu thành hình mũi tên vào tuyến phòng thủ của đối phương. Những lô cốt còn chưa bị hạ vẫn hoạt động hai bên sườn, và chúng tôi thường lọt vào vùng hỏa lực bắn chéo cánh sẻ. Hai bên sườn chúng tôi được bảo vệ kém, chỉ có vài khẩu trung liên bố trí tại một số vị trí. Một đêm, khi tôi cùng các binh sĩ dưới quyền đang ngủ say trên lớp rơm trải lên tuyết, đột nhiên một khẩu súng máy khạc đạn ngay bên cạnh. Tôi bật dậy và chạy tới chỗ tay xạ thủ súng máy. Trời lúc đó tối đen. Tôi lên tiếng hỏi lý do tại sao anh ta nổ súng. Ban đầu anh ta im lặng, rồi càu nhàu: "Nếu anh không bắn, chúng sẽ mò tới đây ngay thôi.”

Trong giá rét dữ dội, các sĩ quan chúng tôi được cấp cho những áo khoác lông cừu. Nhưng ngay lập tức chúng tôi phải cởi bỏ nó. Bọn bắn tỉa Phần Lan bắn hạ ngay các sĩ quan. Không chỉ có xạ thủ bắn tỉa, mà ngay bọn lính trượt tuyết Phần Lan cũng làm vậy, chúng bận vào quân phục Xô viết, mò tới vị trí đóng quân, đâm chết các sĩ quan rồi trốn mất. Đó là lý do chúng tôi được lệnh phải cởi bỏ không chỉ áo khoác lông cừu, mà cả những cấp hiệu trên cầu vai, những “vạch” đỏ trên ống tay áo, và phải thắt thắt lưng vào dưới áo choàng. Có lần tôi được lệnh đem theo một điện thoại viên và rải một đường điện thoại tới chốt chỉ huy của một đơn vị bộ binh, bản thân tôi phải ở lại đó, sẵn sàng gọi pháo bắn tới lúc cần thiết. Trạm chỉ huy bố trí trong một công sự thấp, nền rải rơm. Mọi người đều ngồi phệt trên sàn. Được một lát thì khẩu đội trưởng gọi cho tôi qua đường điện thoại của đơn vị bộ binh. Cho dù tôi đang ăn mặc như một lính trơn, anh chàng trực điện thoại của đơn vị bộ binh vẫn quay lại phía tôi: "Thưa đồng chí trung úy, có điện thoại.” "Tại sao anh lại nghĩ tôi là trung uý?” - "Tôi biết đồng chí là trung uý bởi đồng chí ăn nói khác bọn tôi.” Quả là câu tục ngữ “Trông mặt mà bắt hình dong” thật chính xác (Nguyên văn: Chỉ cần qua mảnh áo rách anh cũng có thể nhận ra ông thầy tu - LTD).

Có trường hợp tại một đơn vị kế cận khi một tên Phần Lan, mặc quân phục Xô viết, trượt tới một bếp dã chiến. Đầu bếp nói rằng anh ta không biết mặt hắn và chỉ có thể cho hắn ăn nếu chính ủy cho phép. “Thế chính uỷ ở đâu?” – tên Phần Lan hỏi lại. Tay đầu bếp chỉ ra chính ủy, người đang khoác một cái áo choàng của lính. Gã Phần Lan lại gần người chính ủy, đâm anh ta rồi bỏ chạy.

Có nhiều trường hợp tàn nhẫn rất thương tâm, khi bọn Phần Lan dùng dao giết chết những thương binh của chúng tôi, những người còn kẹt lại ở chiến trường chưa đem đi được. Tôi cũng đã tận mắt chứng kiến cảnh rất nhiều xác lính ta nằm tại một vị trí trống trải không thể bò tới vì bị bọn xạ thủ “cúc cu” ngắm bắn. Và khi một người trong bọn họ thử đứng lên thì đạn lập tức nã vào anh ta từ những ngọn cây ven rừng. Một thương binh kể lại rằng anh ta đã phải nằm lại trên tuyết vì bị thương sau trận chiến, và rồi một tên Phần Lan trượt tuyết tới chỗ anh ta và nói bằng tiếng Nga: "Còn nằm đấy à, Ivan? Thôi được rồi, đi đi!” Thật may là hắn không giết chết anh ta, có lẽ vì đã quá nhiều những vụ như thế rồi.

Tổn thất của khẩu đội chúng tôi thật đáng kể. Tôi nhớ lại một trong các lính thông tin dưới quyền mình, một anh chàng trẻ tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông.  Anh ta vẽ rất đẹp, thực sự có tài, luôn mơ sẽ được vào Học viện Mỹ thuật. Tôi thường trò chuyện với anh ta, xem các bức tranh của anh, khuyên bảo anh. Tôi đã thương tiếc khôn nguôi khi anh chết tại trạm quân y tiểu đoàn vì một vết thương. Tổn thất của bộ binh còn nghiêm trọng hơn nhiều. Đã có quá nhiều thảm kịch xảy ra. Người ta kể rằng có một trung uý còn trẻ bị thương vào mặt, mất cả hai mắt. Người ta không có thời gian để lấy đi khẩu súng của anh, nên anh đã tự sát ngay trong chiến hào, khi vừa nhận ra mình đã bị mù. 

Một đêm tôi phải băng qua khu rừng để kiểm tra lại đường dây điện thoại. Tôi vượt qua một khoảng đất trống để tới một khu rừng kế tiếp. Địa điểm cần tới nằm rất gần đâu đây thôi. Ánh trăng rực rỡ rọi vào mặt tôi, làm chói cả mắt, phản chiếu lấp loáng lên tuyết. Lại qua một khu rừng nữa, tôi bắt gặp một người vận áo choàng trắng, sát gần và đột ngột tới nỗi tôi vung tay về phía trước và đẩy vào ngực anh ta. Tôi cảm thấy tim mình như ngừng đập vì sợ. Lập tức một tiếng chửi rủa tục tĩu chọc vào tai tôi nghe tựa như một điệu nhạc tuyệt diệu: “Quân ta, người Nga.” Đấy là một lính trinh sát của ta, thấy tôi băng qua bãi trống từ xa, bèn quyết định ẩn vào màn sương để chờ xem. Quân địch sẽ không nã súng cối vào một người, nhưng nếu là hai người thì chúng có thể bắn ngay.

Trong một lần khác, sau khi chiếm giữ vị trí chỉ huy mới, khẩu đội trưởng gọi điện cho tôi và yêu cầu tôi rời khẩu đội để tới chỗ anh ta. Anh ta đã tới đấy vào ban đêm, đi cùng cánh bộ binh. Nhưng sang ngày hôm sau tình hình đã thay đổi. Đường đi phải vượt qua một dòng sông đã đóng băng, và điểm vượt sông đó lại bị một tên bắn tỉa Phần Lan chốt giữ. Hắn ta núp trên một mỏm đá nhỏ giữa dòng sông và nã tiểu liên vào bất cứ ai cố gắng vượt qua lớp băng. Không có cách nào để lén băng qua chỗ hắn, tên bắn tỉa có một tầm xạ kích rất rộng, gần như thành một vòng tròn. Những tảng đá lớn chắn cho hắn khỏi trúng đạn. Rất nhiều binh lính và sĩ quan cần vượt qua sông đang phải nép vào cánh rừng ở hai bên bờ. Chốc chốc lại có người quyết định chạy nhanh qua bên kia dưới làn đạn, và đã thành công. Nhưng cũng có đôi người trúng đạn ngã gục trên lớp băng. Họ cố trườn sang bờ đối diện. Cái che chắn duy nhất cho những người băng qua là xác một chiếc xe tăng Xô viết bị cháy rụi nằm giữa dòng sông. Tất nhiên, nếu có trong tay một khẩu súng cối thì chúng tôi đã nhanh chóng bắt hắn câm họng. Nhưng lúc đấy không có súng cối, mà lại chẳng ai nghĩ ra điều đó cả.

Tôi cũng bắt buộc phải vượt qua sông. Tên bắn tỉa nã hai phát và dừng lại từng chặp. Tôi nấp sau một cái cây gần bờ và chờ đợi. Sau mỗi lần súng nổ, tôi lại chạy thật nhanh tới chỗ cái xe tăng. Ngay khi tôi bám được vào nó, những viên đạn lại nã loảng xoảng vào vỏ thép xe. Chờ một chút để lấy lại hơi, tôi chờ tới loạt đạn kế tiếp, và khi chúng vừa dứt thì chạy thục mạng. Quãng đường này xa hơn, và rồi thế là tôi đã an toàn nấp mình sau đám cành lá của cái cây đầu tiên nơi bờ sông bên kia. Phù … nhiều ngày sau, khi bọn Phần Lan đã bị đẩy lùi và chúng tôi kéo pháo ngang qua địa điểm đáng nguyền rủa đó, tôi tới nhòm xem cái mỏm đá nọ ra sao. Chỗ đó có một cái hố đào giữa những tảng đá lớn, phủ đầy cành thông, với một lỗ châu mai chĩa vào các lối qua lại. Những vỏ bao thuốc lá có in dòng chữ "Sport" nằm rải rác cùng rất nhiều vỏ đạn rỗng. Những vỏ đạn mà tên bắn tỉa đã dùng để bắn vào tôi chắc hẳn nằm lẫn lộn đâu đó chỗ này. 

Vào thời điểm trước khi bắt đầu giao chiến, họ thông báo cho chúng tôi, các sĩ quan, rằng ba trung đoàn của mỗi sư đoàn sẽ tham chiến trong vòng mười ngày rồi được rút ra. Chúng tôi đã khát khao chờ đợi cho mười ngày đó kết thúc biết bao nhiêu. Chúng tôi chờ, ngập ngụa trong máu của chính mình, lần lượt gửi các đồng đội của mình hết về trạm quân y lại ra nghĩa địa. Nhưng, lạy trời chứng giám, chúng tôi đã không được thay ra thậm chí sau cả hơn chục ngày. Khi sư đoàn trưởng phát hiện ra tổn thất quá lớn của trung đoàn 306, ông ta quyết định rằng sẽ không huỷ diệt nốt hai trung đoàn còn lại theo cách đó nữa. Sau khi thay đổi quyết định chính thức của mình, ông ta phát biểu: "Khi nào tôi sử dụng tới kiệt hết trung đoàn 306, tôi sẽ nghĩ tới chuyện thay nó ra.” Thật ra, chúng tôi đã không được thế chỗ cho tới tận cuối cuộc chiến, và đã kiệt lực tới mức chỉ còn sót lại có "móng với sừng” mà thôi.

Điều khủng khiếp ấy, những trận chiến liên miên ấy, diễn ra trong suốt 22 ngày đêm. Chúng tôi trở thành những loại nửa người nửa thú: bị sương giá ăn cháy da cháy thịt, bẩn thỉu, lúc nhúc chấy rận, râu ria xồm xoàm, quần áo cháy sém lỗ chỗ, câu nào nói ra cũng kèm thêm mấy lời chửi rủa tục tằn. Và luôn ngập chìm trong nỗi lo sợ sẽ bị thương hay bị giết chết.

Rồi bất ngờ, nếu tôi nhớ không lầm, vào buổi chiều ngày 11 tháng Ba, một trong những cậu nhân viên vô tuyến điện dưới quyền chạy tới chỗ tôi, mang theo một tin đáng quan tâm. Anh ta tình cờ nhận được một điện tín: một hiệp định đình chiến đã được ký. Tôi chạy tới chỗ chính ủy, nhưng anh ta hét lên với tôi, bảo rằng tôi luôn tin vào mọi thứ tin đồn thất thiệt và lan truyền chúng đi. Nhưng những tin như thế không thể giữ bí mật được lâu. Dựa trên thái độ của binh lính, tôi hiểu rằng tin đó sẽ lan nhanh. Vài người đến gặp để xin tôi xác nhận tin đó, nhưng tôi đáp là không có trong tay những thông tin chính thức. Rồi tới buổi sáng ngày hôm sau. Đấy là ngày 12 tháng Ba năm 1940. Mọi người cùng chờ đợi một điều gì đó. Nhưng rồi tay khẩu đội trưởng gọi tới từ chốt quan trắc tiền tiêu: “Khẩu đội, sẵn sàng nhả đạn !” Tôi truyền lệnh đi: “Tất cả vào vị trí, sẵn sàng bắn, đem đạn tới và chùi sạch!” Quân lính thực hiện một cách miễn cưỡng. Có ai đó càu nhàu: "Cái thứ hoà bình của ông như thế đó.” Khẩu đội trưởng thông báo tọa độ mục tiêu, tôi điều chỉnh các khẩu pháo và hô: “Bắn !”, rồøi lại “Bắn !”. Quân Phần Lan bắt đầu đáp trả bằng súng cối hạng nặng. Đạn rơi sang phía bên trái, vào ngay trước mặt, rồi xuống ngã tư đường. Một con ngựa kéo xe bị trúng đạn, con vật đáng thương bụng bị xé toạc giẫy dụa trong đống ruột của chính nó: thật là một cảnh tượng kinh khủng. Nhưng khẩu đội trưởng vẫn tiếp tục ra lệnh từ vị trí quan trắc: “Bắn !” và “Bắn !”.

Chiến tuyến trên bán đảo Karelia ngày 13 tháng Ba năm 1940.
Tới khoảng 10 giờ sáng, có một người cưỡi ngựa xuất hiện trên con đường dẫn về hậu phương, anh ta đang la hét điều gì đó và vung vẩy một cái phong bì trên tay. Mỗi lúc một gần hơn. Chúng tôi nhận ra đó là một người đưa tin của sở chỉ huy trung đoàn, một anh lính nhỏ bé vui tính, đã tới khẩu đội chúng tôi rất nhiều lần. Anh ta đang hét: "Ngừng bắn!" Điều gì xảy ra thế này! Có vài người kêu to "Hurrah!", có mấy người ôm hôn nhau, một số người thì khóc, và số khác chỉ đơn giản là ngã lăn ra tuyết. Tôi cầm lấy cái phong bì bằng bàn tay run lẩy bẩy. Nó không có niêm phong. Bên trong là mệnh lệnh yêu cầu khẩu đội trưởng ngưng bắn. Người điện thoại viên gọi tôi tới bên điện thoại. Khẩu đội trưởng đang hét lên với tôi: “Tại sao anh lại ngừng bắn?” Tôi cũng hét lại rằng đó là do lệnh từ sở chỉ huy, họ nói là đã hoà bình rồi. “Hòa bình cái gì? Anh mất trí rồi à !”  Nhưng lúc này tiếng pháo đã yên ắng trên suốt chiều dài mặt trận. Còn nếu nghe thấy phát đạn nào nổ muộn màng, binh lính phản ứng rất giận dữ: "Bọn chúng bị làm sao vậy, chúng không biết chuyện gì đã xảy ra sao?!” Sau cơn vui mừng bột phát ban đầu là một tình trạng phản cảm diễn ra. Rũ người vì mệt, tất cả đều trở nên im lặng và cứng đờ, không biết phải làm gì tiếp theo. Một số người đã chứng kiến sau này kể lại về cảnh tin ngừng bắn được đón tiếp tại các vị trí bộ binh đóng trên tuyến đầu: những người lính lạnh cóng và kiệt sức, cả phía Phần Lan và phía quân ta, bò khỏi những hố trú ẩn của họ từ hai phía chiến tuyến, nhìn nhau một cách nghi ngờ và cùng ngạc nhiên trước những kẻ mới đây hãy còn là đối thủ của nhau. Và họ không thể hiểu nổi điều gì đã xảy ra. Chuyện gì vậy? Họ im lặng, đi đốt lửa để tự sưởi ấm. Vài người lính Phần Lan leo lên đỉnh một phiến đá lớn và hét về phía lính ta: "Ê, bọn Nga kia, chúng mày đãø từng bắn vào tao trong khi tao đang ngồi ngay dưới tảng đá này đây !” Một người lính Phần Lan khác hét qua khoảng đất chết giữa hai chiến hào: “Đừng đi sang phía bên phải, chúng tôi đã gài mìn chỗ ấy đấy.” 

Và thế là hoà bình. Chúng tôi rút về phía sau một chút và được lệnh đào công sự. Người ta tổ chức một nhà tắm dã chiến với một căn phòng khử chấy rận. Điều đó hết sức cần thiết. Không có gì phải giấu diếm cả, lũ rận đang ăn sống chúng tôi. Chúng tôi tắm rửa trong ba cái lều dựng liên tục sát nhau. Cái nền đầy tuyết của lều được rải một lớp cành cây còn nguyên lá xanh. Chúng tôi cởi bỏ lớp đồ lót bẩn thỉu của mình trong cái lều đầu tiên. Tại cái lều thứ hai, một hệ thống ống phun nước nóng, gần như còn đang sôi sùng sục, lên mình chúng tôi. Rồi chúng tôi chạy qua cái lều thứ ba để nhận đồ lót sạch, mặc vội lên thân người hãy còn ướt lướt thướt bởi chẳng có gì để lau mình cả. Rồi chúng tôi đứng chờ, người bị luộc chín nhừ và chỉ vận độc có đồ lót, cho tới khi quân phục của chúng tôi được hơ lửa xong. Tất cả mọi chuyện đều diễn ra trong cái lạnh cắt da, nhiệt độ ở trong cũng như ngoài lều đều gần như nhau. Tôi cũng không hiểu tại sao chúng tôi có thể chịu được mà không bị cảm lạnh hay viêm phổi. Nhưng chúng tôi cũng rất mừng vì được cho đi tắm như thế.

Khoảng hai tuần sau khi kết thúc đánh nhau, sau khi đã nghỉ ngơi được một chút, lấy lại sức lực và lau chùi vũ khí, chúng tôi được lệnh hành quân trở về. Toàn trung đoàn lập thành một đội hình hành quân. Chỉ khi ấy chúng tôi mới thấy được chính xác những tổn thất mà trung đoàn phải chịu đựng. Trung đoàn tới đây với đầy đủ quân số thời chiến. Bộ binh bao gồm ba tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 700 tay lê. Giờ đây cả trung đoàn không còn đủ lính để lập thành một tiểu đoàn duy nhất. Các đại đội được giao cho các trung sĩ chỉ huy. Chúng tôi, lính pháo binh, cũng chịu tổn thất nặng. Trong số chín sĩ quan của khẩu đội chúng tôi, giờ chỉ còn có bốn. Hai người bị giết và ba bị thương. Ngay như tôi, một sĩ quan dự bị, cũng được chỉ định làm quyền khẩu đội trưởng trong trường hợp người đương nhiệm mất khả năng điều khiển khẩu đội. Tôi không nhớ nổi có bao nhiêu binh lính và hạ sĩ quan đã thiệt mạng nữa. Chúng tôi đi tới đây trong nhiều tốp, quân số trung đoàn rất đông. Bây giờ đây toàn trung đoàn chỉ còn là một đội hình duy nhất, có thể thấy và nghe tiếng ban nhạc đang chơi bài hành khúc ở phía trước. Chúng tôi hành quân ngược lại nơi trạm quân y đã đóng và nơi đặt các nghĩa trang. Trạm quân y đã dời đi nhưng nghĩa trang thì vẫn còn đó. 

Nếu chúng tôi không phải trông thấy những xác chết, chúng như những manơcanh đáng sợ làm bằng sáp bị đông cứng, thì cái chết đối với chúng tôi đã không khủng khiếp đến thế. Trong thời bình, cái chết của một người bệnh không ập tới bất thình lình. Nhưng thật là phi lý khi phải thấy cái chết đến với một người trẻ trai khoẻ mạnh, tự dưng lại ngã vào tay ta như một cái bị, gương mặt anh ta chuyển dần sang vàng ệch, hai bên mép và mi mắt của anh trễ xuống. Và ta phải quan sát toàn bộ cái diễn tiến kinh khủng ấy, sự chuyển từ một người sống sang một xác chết, cuối cùng là thành một gò đất nhỏ băng giá trên mảnh đất Phần Lan đáng nguyền rủa.

Thật khó mà diễn tả nổi thành lời những cảm xúc xảy ra trong đầu chúng tôi khi hành quân ngang qua cái nghĩa địa ấy. Cách đây không lâu những con người ấy, những đồng chí của chúng tôi, khoẻ mạnh và trai tráng, còn ở cùng đội ngũ và trông chẳng khác gì chúng tôi. Thậm chí cho tới khi người ta đưa họ ra tới đây, vì bất kỳ người nào trong chúng tôi cũng có thể phải ra nằm đây bất cứ lúc nào, thì chúng tôi cũng vẫn chưa cảm thấy mình xa lạ đối với họ. Giờ đây chúng tôi đang rời xa họ mãi mãi, còn họ sẽ vĩnh viễn nằm lại chỗ này. Có một vực thẳm đã ngăn cách giữa chúng tôi và họ, mà chúng tôi không thể hình dung được bằng cách nào và vì sao điều đó đã xảy ra.

Hiển nhiên chúng tôi hiểu rằng cuộc chiến này là cần thiết. Chúng ta phải bảo vệ Leningrad, cách ly nó xa khỏi đường biên giới nguy hiểm kia bằng một vùng đất Xô viết rộng lớn hơn. Chúng tôi cũng biết rằng người Phần Lan đã từ chối lời đề nghị của Chính phủ Xô viết đổi vùng đất ấy lấy bất cứ một chỗ nào khác dọc theo biên giới. Nhưng chúng tôi không hiểu nổi một điều – đó là cách thức mà người ta đã tiến hành chiến tranh. Tại sao chúng ta không ném bom trước những lô cốt công sự của Phần Lan, cô lập chúng, vượt qua chúng và bỏ chúng lại phía sau?! Như cách người Đức đã làm với phòng tuyến Maginot chẳng hạn? Tại sao chúng ta không thả lính nhảy dù xuống hậu phương Phần Lan, và sử dụng xe tăng nhiều hơn nữa? (Thực ra, trong chiến tranh Phần Lan người Nga đã đưa vào sử dụng rất nhiều xe tăng. Tuy vậy phần lớn chúng là loại T-26 và BT-7 đã lạc hậu, không phù hợp điều kiện chiến trường và bị bộ binh đốt cháy khá dễ dàng - LTD) Chúng tôi đã trông thấy rất nhiều những trang thiết bị quân sự ấy nằm lại tại Bologoye. Không, họ đã chọn cách ném mọi người thẳng vào làn đạn súng máy và đại bác bắn ra từ các lô cốt, dưới ánh sáng mặt trời rõ mồn một. Và thế là hàng ngàn chàng trai bị đưa thẳng xuống mồ. Tại sao vậy? Hay có lẽ họ cũng cùng kiểu suy nghĩ như "nhà chiến lược quân sự" nọ đã đưa chúng tôi tiến thẳng tới cái lô cốt ngay trước trận đánh, cũng cho rằng đó chỉ là những pháo đài bằng cát cùng những chú lính chì trong tay họ, và bản thân họ đang tập đánh trận giả chăng. Tất cả những điều đó thật không hiểu nổi và thật đáng phẫn nộ.

Sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết, trên báo chí người ta viết rằng thiệt hại của chúng tôi cả chết lẫn bị thương tổng cộng là khoảng năm mươi ngàn người. (Ngày nay, thống kê chính thức của cả phía Nga và Phần Lan cho biết trong chiến tranh Phần Lan quân đội Xô viết có khoảng từ 200.000 – 400.000 người chết và bị thương, phía Phần Lan là khoảng 66.000 người chết và bị thương - LTD) Có biết bao nhiêu bi kịch ẩn giấu đằng sau những con số ấy! Những tổn thất ấy đáng ra đã có thể giảm thiểu một cách đáng kể!

Các trung đoàn còn lại thuộc sư đoàn chúng tôi, được bố trí dự bị phía sau trong suốt thời gian giao tranh, đã quay về từ trước và là những đơn vị đầu tiên diễu qua Leningrad như những anh hùng. Họ được nhận một lễ đón tiếp long trọng, những lời chúc mừng và quà tặng từ nhân dân Leningrad. Còn khi trung đoàn 306 chúng tôi, hay đúng hơn là phần còn lại của nó, một đơn vị đã thực sự tham chiến và phải gánh trên vai toàn bộ sức nặng của chiến tranh, đi qua thành phố, thì những lễ chào mừng đã kết thúc, và chúng tôi chẳng nhận được quà tặng lẫn những lời chúc mừng nào. Cuộc đời là thế đó.

Sau này chúng tôi được biết rằng trung đoàn chúng tôi đã được tặng Huân chương Cờ Đỏ vì đã công phá được phòng tuyến Mannerheim. Nhiều sĩ quan của các đơn vị bộ binh của trung đoàn cũng được nhận huân chương. Phần thưởng và huân chương thời đó hãy còn rất hiếm. Cánh pháo binh chúng tôi không được nhận bất cứ thứ gì, dù danh sách khen thưởng của chúng tôi cũng được gửi đồng thời với họ. Nhưng còn được sống với nguyên vẹn cái đầu trên cổ cũng đã là một phần thưởng đáng kể rồi.

Khi chúng tôi rời Leningrad và lên tàu ở một nhà ga, chúng tôi được mục kích một cảnh tượng khác hẳn. Rất nhiều toa tàu chở hàng, cửa sổ chăng kín dây kẽm gai, nằm tách rời trên một tuyến đường rày riêng biệt. Lính gác mang súng có gắn lưỡi lê không để bất cứ ai lại gần những toa xe ấy. Một thợ đường sắt thì thầm với tôi rằng những toa ấy tới từ Phần Lan, chở những binh lính đã từng bị bắt làm tù binh. Cho tới trước lới lúc ấy chúng tôi mới chỉ nghĩ là những người trải qua cuộc chiến được chia thành ba loại: một số người may mắn thì đã tránh đi cho xa; những người khác, bị sương giá thui chột và đầy thương tật thì được đưa tới bệnh viện; còn loại thứ ba thì vùi xương trên mảnh đất Phần Lan tuyết phủ. Nhưng hóa ra vẫn còn loại người kém may mắn thứ tư, những người còn đang chờ bị thẩm vấn và xét xử trong các nhà tù di động bằng gỗ lạnh cóng ấy. Ai đứng ra quyết định số phận của mỗi con người  trong chiến tranh và phân họ thành những loại khác nhau bằng một bàn tay tàn nhẫn đến như vậy? Và dễ biết bao để có thể chuyển một con người từ loại số phận này sang loại số phận khác. Điều gì là quyết định và điều gì là tình cờ? (Ngay sau khi chiến tranh Phần Lan vừa kết thúc, khoảng 5.500 tù binh Xô viết được Phần Lan trao trả lại cho Liên Xô. Tất cả đều bị đưa vào trại tập trung để thẩm vấn. Khoảng 500 người trong số đó bị xử bắn và 4.354 người bị đưa đi lao động khổ sai từ 5-8 năm. - LTD)

Một trong những đặc điểm của cuộc chiến tranh này là cái sự thực rằng chúng tôi chỉ chiến đấu bởi vì chúng tôi đã được ra lệnh như thế. Nó khác với cuộc Chiến tranh Vệ quốc sau này, khi chúng tôi thực sự căm thù bọn xâm lược đã tấn công quê hương chúng tôi. Lúc đó người ta chỉ cần  hô: “Xung phong !” – thậm chí không phải giải thích chúng tôi cần tiến lên phía nào. Chúng tôi đã chỉ đơn giản là thực hiện nghĩa vụ quân nhân của mình trong cuộc chiến Phần Lan, trong khi lại ý thức rõ sự cần thiết của cuộc chiến sau đó (Chiến tranh Vệ quốc). Từ đầu chúng tôi không thấy thù ghét người Phần Lan, mà chỉ sau này, khi đã tận mắt chứng kiến nhiều hành động tàn nhẫn của đối phương, binh lính của chúng tôi mới bắt đầu cảm thấy căm giận họ. Ví dụ như họ đã điên cuồng giết chết bọn “cúc cu”, những kẻ gây rất nhiều tội ác. Nhưng nhìn chung, một người Nga, một người lính Xô viết thật ra là một người có bản tính tốt, anh phải cố gắng rất nhiều mới có thể làm cho hắn nổi giận.

Câu chuyện của tôi về thiên anh hùng ca Ba Lan – Phần Lan đã tới hồi kết. Tôi được phục viên vào mùa thu năm 1945, sau khi Chiến tranh Vệ quốc kết thúc. Một cô gái nào đó đứng ra điền vào tờ lý lịch quân nhân của tôi tại Trụ sở Quân uỷ quận Bauman. Cô ta ghi lại trên đó tất cả những rủi ro mà tôi đã gặp phải. "Xin hãy viết vào đây là tôi đã từng tham gia cuộc chiến chống lại bọn Bạch vệ Phần Lan.” "Ở đây chúng tôi không ghi lại về chiến tranh Phần Lan,” – cô gái nói và, rướn người qua bàn làm việc, hét về phía cô bạn bên cạnh: "Svetka, cậu có cùng đi ăn trưa không?” Đoạn kết là thế đó. Thật ra, tại sao anh lại phải “viết về cuộc chiến Phần Lan”, trong khi tình hình đã hoàn toàn đổi khác, và anh phải quên đi những gì về cái cuộc chiến đó càng nhanh càng tốt, vờ như nó thậm chí không hề xảy ra với một người láng giềng tốt bụng như người Phần Lan.

Những dòng hồi ký trên hầu hết được tác giả viết khi ông phải vào bệnh viện điều trị bệnh viêm phổi vào tháng Mười năm 1981. Việc này đã giúp ông khuây khỏa qua những buổi chiều tẻ ngắt và những đêm mất ngủ tại nơi bệnh viện ảm đạm. Trong những năm về sau, tác giả chỉ phải hiệu chỉnh, bổ sung và biên tập lại những ghi chép trên.

Dịch từ Nga sang Anh: Bair Irincheev
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân


Hồi ức của Mikhail Lukinov
Phần 3: Bị giam cầm

Ngày 15 tháng Bảy năm 1942 (tôi nhớ rất rõ cái ngày đáng nguyền rủa này), chúng tôi bắt gặp mấy người nông dân trong một khu rừng và hỏi xin họ một ít thức ăn. Chúng tôi đang gần như sắp chết vì đói. Mấy người nông dân không cho chúng tôi thứ gì, nhưng họ bảo rằng cư dân ở làng bên (làng Kolodezi hay Istruby gì đó) có nhiều đồ ăn do cướp được từ kho của nông trang. Họ cũng bảo chúng tôi là trong làng không có bọn Đức. Đó là một làng nhỏ với một ngôi nhà đơn độc có một dãy kho thóc nằm án đằng trước. Chúng tôi vẫn biết là bọn Đức luôn đưa lính gác tới đóng ở những ngôi làng chúng đã chiếm giữ. Phục trong rừng, chúng tôi quan sát rất lâu ngôi làng nhưng không phát hiện thấy tên lính gác nào. Một người lính dưới quyền tôi lặng lẽ lẻn tới dọc theo hàng rào của ngôi nhà đầu tiên rồi quay về báo cáo rằng nhà hoàn toàn bỏ trống. Thế là chúng tôi cẩn trọng bước ra khỏi khu rừng và hướng về phía làng. Vừa tới được ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi cho rằng bị bỏ trống, một đám lính Đức lập tức ùa ra, la hét và nã tiểu liên liên hồi. Chúng chặn mất đường rút của chúng tôi vào rừng. Chúng tôi đã lọt vào một cái bẫy. Tôi chỉ kịp nổ một phát súng lục thì bị một người trong nhóm túm lấy tay và quát lớn: “Đừng bắn, chúng sẽ giết hết chúng ta mất!” Bọn Đức nắm lấy tôi, lấy báng súng giáng tôi thật mạnh, đánh bật khẩu súng lục khỏi tay tôi, và khi tôi ngã xuống thì chúng dùng đế giầy đạp tôi liên hồi. Tôi không hiểu hết những gì chúng đang nói bởi chúng nói quá nhanh mà không phát âm cho hết từ; chúng luôn nuốt mất âm cuối. Nhưng nhờ trời, tôi vẫn hiểu được những ý chính: “Đấy chính là thằng vừa mới nổ súng! Phải giết chết đồ lợn này! Nhưng không phải ở đây, hãy ra sau nhà kho kia mà làm, ở đó có sẵn một cái hố.” Tôi có một cái áo khoác lính bình thường – tôi mặc nó bên ngoài đồng phục sĩ quan để có thể gần gũi với binh sĩ hơn. Giờ đây chúng nắm lấy cái áo khoác kéo tôi đi. Tới đâu? Có lẽ tới cái hố đằng sau nhà kho. Cái áo khoác bị bung nút. Bọn Đức trông thấy bộ đồng phục sĩ quan của tôi, cái thắt lưng sĩ quan, cấp hiệu trung uý của tôi và cái xà cột đựng bản đồ bằng da màu vàng. Chúng thôi kéo tôi và bắt đầu chằm chằm quan sát.

"Du bist Komissar?" ("Mày có phải là chính trị viên không?“ - LTD) Tôi cố gắng trả lời thật rõ ràng: "Nein, ich bin Oberleitenant" ("Không, tôi là thượng uý” - LTD). Bọn Đức cúi xuống và tiếp tục khám xét tôi, trong lúc đó tôi nằm trên mặt đất, yếu ớt và bàn quan với số phận của chính mình. Bọn Đức lặng lẽ trao đổi với nhau. Thế rồi một tên trong bọn, một hạ sĩ quan, nói: “Hắn không nói dối đâu. Hắn là sĩ quan đấy. Chúng ta nên đưa hắn về Sở chỉ huy. Đã có lệnh nếu bắt được sĩ quan thì phải đưa về sở chỉ huy”. Chúng ngưng đánh, kéo tôi đứng dậy và đưa tôi đi, chốc chốc lại thúc báng súng vào lưng. Tôi bước đi, mặc dù rất khó khăn, người yếu lả vì đói và bi đánh. Mọi thứ trước mặt đều như trong làn sương mù và tôi cảm thấy rất chóng mặt. Mọi việc như trong một cơn ác mộng, và như đang xảy ra không phải với tôi mà với một người nào khác. Dường như tôi không còn tồn tại mà đang nằm chết ngoài rìa làng rồi. Tôi cảm thấy như bọn Đức đang dắt một ai khác về sở chỉ huy của chúng vậy.

Tôi không còn nhớ phải mất bao lâu để tới được sở chỉ huy của chúng. Tôi cũng không nhớ nổi mình đã phải đi bộ bao xa. Lính của tôi không được đi chung với tôi. Họ bị đưa tới một chỗ nào đó và tôi không gặp lại họ nữa. Chúng đem tôi tới một ngôi làng khác. Sau này như tôi được biết, đó là làng Razboynya (Nơi trú của lũ trộm) – một cái tên rất hợp. Gần làng, trên một bãi đất trống, tôi trông thấy san sát nhau nhiều dãy lán trại của một đơn vị lính Đức.

Bọn lính đưa tôi (hay đúng hơn là kéo lê tôi đi) vào một cái lán, có lẽ đó là trạm chỉ huy, trong có một bàn rộng và nhiều ghế ngồi. Chúng lột áo khoác và dây nịt của tôi, lấy mọi thứ trong túi và để tất cả lên bàn. Bọn sĩ quan Đức kéo tới. Chúng quan sát kỹ càng mọi vật dụng của tôi, các giấy tờ và mấy tấm ảnh. May thay, thẻ Đảng và thẻ sĩ quan cùng số hiệu trung đoàn đã được giấu trong ủng của tôi, bọn Đức không tìm được chúng. Đầu tiên chúng hỏi xem tôi có phải chính uỷ không. Để kiểm tra câu trả lời của tôi, chúng xăm soi thật kỹ ống tay áo quân phục của tôi, chỗ thêu ngôi sao của các chính trị viên. Ở chỗ ấy có dấu thêu của ngôi sao nào không, hay tôi chỉ vừa mới xé nó đi thôi? Rồi chúng hỏi xem tôi có phải Đảng viên Cộng sản không, tôi là sĩ quan chuyên nghiệp hay chỉ là lính quân dịch; tôi thuộc dân tộc nào, và tôi là người Nga thuần chủng phải không; vị tướng sư đoàn trưởng của tôi ở đâu. Ở chỗ nào làm sao mà tôi biết được? Tôi chật vật trả lời những câu hỏi của chúng. Tôi cảm thấy rất yếu và chóng mặt. Bọn chúng tỏ vẻ tò mò trước mấy bức ảnh của tôi. Chúng đặc biệt chú ý tới bức ảnh chụp vợ tôi đang ngồi cạnh cửa sổ. Tôi bảo chúng rằng bức ảnh ấy chụp tại căn hộ của tôi ở Matskva. Chúng hỏi lại tôi một cách giễu cợt: "Đấy có phải cái cửa sổ độc nhất trong căn hộ của mày không?” Tôi trả lời rằng ở đấy còn nhiều cửa sổ khác nữa. Chúng lấy đi tất cả trang bị của tôi, cái thắt lưng, cái bao trong có khẩu súng lục, cái xà cột đựng bản đồ và cái la bàn. Sau khi thẩm vấn chúng đưa tôi tới một nơi nào đấy, xung quanh rào đầy kẽm gai. Sau lớp kẽm gai tôi trông thấy những cái lán thảm hại làm bằng thùng và những tấm sắt rỉ sét. Tù binh Nga, những người phải làm việc phục dịch cho những đơn vị lính Đức, sống trong đó. Những con người ấy đón tiếp tôi rất nồng hậu. Họ đi tới nhà ăn của bọn Đức và đem về cho tôi một ca đầy cháo và một ổ bánh mì. Họ cũng cảnh báo tôi nên thận trọng. Ở đấy có một tên lính gác Đức luôn dò xét trong đám tù binh xem ai trông giống người Do Thái. Rồi hắn đem họ ra ngoài rừng và bắn chết họ. Những thằng Đức khác cũng không ưa hắn nhưng không ngăn hắn làm chuyện đó. Hóa ra thằng gác ấy cũng đã hỏi những tù binh khác về tôi, do mái tóc sẫm của tôi làm hắn nghi ngờ. Mọi người đã cố gắng thuyết phục hắn rằng tôi là người Nga. Sau đó thằng khốn nạn ấy lại tìm tôi sau hàng rào kẽm gai và hỏi mấy câu khiêu khích. Chật vật lắm tôi mới thoát khỏi hắn.

Tôi rất biết ơn những tù binh Nga đã cho tôi ăn và để tôi ở lại qua đêm tại một trong những cái lán. Sáng hôm sau tôi thức dậy và trước tiên là tự hỏi không hiểu mình đang ở đâu. Nhưng những vết đánh khắp người từ trận đòn hôm qua nhắc tôi nhớ ra sự thật đáng buồn -  tôi đang là tù binh! Những vị chủ nhà hiếu khách, những người lính bị bắt làm tù binh, đã bị đưa đi làm việc đâu đó từ lúc sáng sớm. Tuy vậy, họ vẫn không quên để lại cho tôi một âu cháo cùng một mẩu bánh mì. Xin cám ơn các bạn, các đồng chí của tôi!

Qua hàng rào kẽm gai, tôi trông thấy một phần doanh trại quân Đức. Những cái lán rất đẹp được dựng thành từng hàng thẳng tắp. Trước lán trồng cả mấy luống hoa, còn những chiếc mũ sắt thì đặt thành hàng ngay ngắn trước lều. Cờ xí và các quân hiệu sặc sỡ treo khắp nơi. Như thể không hề có chiến tranh mà đang ở thời bình trong một doanh trại quân đội vậy. Chúng không thèm động một ngón tay để nguỵ trang doanh trại của mình. Chúng đủ khả năng tạo dựng một cuộc sống hòa bình như vậy chỉ vì quân đội ta không còn không quân hay xe tăng tại khu vực này của mặt trận, trong khi các lực lượng kiệt sức của ta tại vùng này đã bị bao vây hoàn toàn. Tất cả vẻ đẹp rực rỡ và thứ trật tự ngăn nắp này hoàn toàn tương phản với cảnh vật đất Nga bao quanh: những cánh rừng, những cánh đồng, những túp lều thôn quê nước Nga. Tôi cảm thấy rằng tất cả những thứ “kỷ luật Đức” này, những thứ được đưa tới đây bằng bạo lực, sẽ không thể tồn tại lâu ở đây. 

Tôi nhanh chóng được nhập chung với một đoàn tù binh bị áp giải về phía tây. Trước khi khởi hành tôi tình cờ trông thấy một tên trong nhóm sĩ quan Đức đã tham gia hỏi cung tôi đêm trước. Hắn đeo cái xà cột đựng bản đồ bằng da vàng ưa thích của tôi bên thắt lưng – cái xà cột tôi đã đem theo từ kho quân trang Hồng quân ở Matskva. Tôi có thể làm gì bây giờ? Tôi hiện đang trong hoàn cảnh mà bất kỳ tên Đức nào cũng có thể tước đi bất cứ thứ gì hắn muốn, thậm chí cả mạng sống của tôi. Có người nói rằng bọn Đức thường đi săn lùng những xà cột da Xô viết. Bọn Polizei khốn nạn hèn hạ (Polizei – tên gọi mà người Nga dùng để chỉ những kẻ Ukraina-Nga gian tham gia lực lượng cảnh sát làm việc cho người Đức – LTD.), những kẻ luôn cố gắng hết sức để chứng tỏ lòng trung thành với những ông chủ mới của chúng, đặc biệt biết rõ điều đó. 

Vậy đấy, bị bắt làm tù binh. Chúng tôi bước đi dưới sự áp tải chặt chẽ. Những người bị thương hay kiệt sức và không thể bước đi luôn bị đe dọa xử bắn dọc đường. Tại vài nơi, trong những rãnh hai bên đường, chúng tôi trông thấy thi thể đã thối rữa của nhiều binh lính Xô viết. Bị bắt vào mùa hè là còn may cho chúng tôi. Những người bị bắt vào mùa đông kể lại rằng, trong khi đi đường bọn lính Đức áp giải thường tìm cách tước ủng dạ của mọi người. Chúng thường đánh một tù binh ngã xuống rồi lột ủng khỏi chân anh ta. Đồng đội phải đưa anh ta một mảnh giẻ để quấn chân, nhưng điều này cũng không giúp gì nhiều. Những tù binh như thế thường sẽ lạnh cóng, tụt dần lại sau, và bọn lính áp tải sẽ bắn gục anh ta. Bọn Đức cũng cướp cả những nón lông còn tốt và áo khoác lông cừu. Đi mình trần trong giá lạnh cũng đồng nghĩa với bệnh viêm phổi và cái chết. Sau nhiều chặng nghỉ chân, chúng tôi bị đưa tới một trại tù binh lớn ở thị trấn Sychevka. 

Đã đến trại tù binh ở Sychevka. Hàng đám đông những người đàn ông đói khát, râu ria lởm chởm tụ tập sau hàng rào thép gai. Những doanh trại và nhà kho, trong đó những người bị thương, người ốm và người khoẻ mạnh nằm chung với nhau trên những dãy giường tầng làm vội vàng tạm bợ. Trong trại, chúng tôi trông thấy những giá treo cổ, trên vẫn còn lủng lẳng vài đoạn thừng. Những người tù đã ở lâu trong trại kể rằng đã có một đợt hành hình xảy ra không lâu trước lúc chúng tôi tới. Điều đầu tiên chúng làm với chúng tôi là lục soát mọi người. Chúng lấy đi tất cả những giấy tờ còn lại và đốt chúng ngay trước mặt chúng tôi. Tại sao vậy? Để cho tất cả đều cảm thấy mình chỉ còn là một thằng “Ivan vô danh”, một thứ sinh vật không còn quyền hạn gì, hoàn toàn nằm trong tay bọn Kulturtraeger (giám ngục) Đức. Cùng lúc chúng cũng lấy đi đồng hồ, dao nhíp bỏ túi, băng gạc, tiền, nhẫn – tất cả những gì bọn Polizei (cảnh binh) thích. Cùng ngày chúng tôi tới trại, vào ban đêm, một dãy giường nằm hai tầng đổ sụp dưới sức nặng của những tù binh đang ngủ, nghiền nát những ai nằm ở dưới cùng. Tất cả những điều đó diễn ra trong bóng tối mịt mù, hoàn toàn không chút đèn đóm. Những người bị đè nghiến và ngạt thở bị để mặc cho chết dần trong bóng tối mà không nhận được bất cứ sự hỗ trợ thuốc men nào. Tại đây tôi tình cờ gặp lại một người lính cũ của mình. Toán chúng tôi bị đưa đi dọc một dãy nhà kho, nơi ở của những người lính bị bắt. Bất ngờ một người lính hét về phía tôi, anh ta rất mừng là tôi còn sống và cám ơn tôi vì đã không bỏ rơi binh sĩ của mình như những sĩ quan khác mà ở lại cho tới lúc kết thúc. Tôi cũng nhận ra người lính. Tôi thường đối xử nghiêm khắc với anh ta vì tính vô kỷ luật, nhưng những lời anh nói ở đây, trong trại tù của Đức, thực sự đã làm tôi hết sức xúc động.

Tình trạng ở đây thật man rợ và khủng khiếp. Đó là một thứ tự do tối thượng để bọn tội phạm hoành hành. Nạn trộm cướp và cảnh cậy mạnh hiếp yếu lan tràn khắp nơi. Hầu hết các tù nhân đều suy nhược vì giam cầm và không thể chống nổi các đợt tấn công của lũ trộm cướp và bọn Polizei. Trong tình thế như vậy mọi người bắt đầu tìm kiếm anh em đồng chí để cùng nhau chống lại lũ khốn kia. Đến đây tôi gặp được Boris Smirnov, người cũng không thể thoát khỏi vòng vây. Tôi cũng gặp Nikolai Loktev và Nikolai Semenov. Tôi chú ý đến Smirnov vì anh là một sĩ quan chuyên nghiệp. Loktev lại là một sĩ quan dự bị và đang phục vụ trong Bộ tham mưu Tập đoàn quân. Nghề nghiệp trong thời bình của anh là kỹ sư trắc đạc. Semenov cũng là sĩ quan dự bị, trước là hiệu trưởng một trường học ở Kursk. Chúng tôi đều thuộc cùng một quân đoàn pháo binh và đều là thượng úy. Chúng tôi quyết định sẽ giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau tới cùng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Những người vừa bị bắt làm tù binh cũng không biết rõ điều gì đang xảy ra. Thảm họa phải chăng chỉ xảy ra trong khu vực mặt trận chúng tôi hay ở khắp mọi nơi? Tất cả những điều này nghĩa là gì? Quân đội ta đã thua trong cuộc chiến này chăng? Bọn Đức sẽ thống trị chúng ta chăng? Tại sao người ta lại bỏ rơi chúng tôi trong vòng vây và để mặc cho bọn Đức tàn sát? Những câu hỏi này quay cuồng trong đầu tất cả mọi người, hạ gục dần ý chí của họ. Những cuộc tranh luận căng thẳng liên tục đưa ra nhiều quan điểm và lý lẽ sắc bén. Chúng tôi cố gắng nhận ra tình thế của quân ta, đưa ra một số quan điểm lý giải cho các sự kiện. Chúng tôi chỉ trích những chỉ huy của mình và sự thiếu kỷ luật của quân đội ta.

Một gã có râu quai nón phát biểu nhiều câu chống lại Chính quyền Xô viết. Hình như hắn là cựu thành viên thuộc phe Cách mạng Xã hội còn sót lại (phe này đã chấm dứt tồn tại kể từ cuộc chiến trong nội bộ Đảng những năm 20 – Bair Irincheev), cố sức rao giảng về cái gọi là “sức mạnh của quần chúng nông dân”. Hắn la lối rằng chỉ ở đây, sau hàng rào thép gai, hắn mới có được quyền tự do ngôn luận. Tôi không thể chịu nổi và bắt đầu tranh cãi với hắn. Các đồng chí ở gần đấy vội nhắc rằng tôi nên im miệng và đi chỗ khác càng nhanh càng tốt, bởi gã kia đã bắt đầu gọi tôi là “một thằng chính uỷ Bolshevik”.

Bọn do thám của Đức sục sạo khắp nơi. Một vài kẻ lắm mồm đi mọi nơi, cố tìm ra những người trước chiến tranh đã từng làm trong ngành công nghiệp quốc phòng. Trong khi tìm kiếm, chúng rêu rao là những chuyên gia quốc phòng có thể tìm được những chỗ làm tốt trong ngành công nghiệp quân sự Đức, được cấp một lượng thực phẩm phong phú và ở trong những điều kiện sinh hoạt tốt hơn nhiều so với những tù nhân khác. Một vài người đã bị chúng lừa gạt. Các thông tin cá nhân của họ bị ghi lại, và rồi những người tù đó bị đưa đi chỗ khác thẩm vấn, ở nơi đó họ sẽ bị buộc phải tiết lộ những thông tin chi tiết về nhà máy của mình, vẽ lại các bản đồ và sơ đồ bố trí của nhà máy, điểm chỉ các vị trí trên bản đồ địa hình. Các thông tin đó có lẽ phục vụ cho các đợt oanh tạc phá hoại. Một vài người tù bị đánh nhừ tử  sau những cuộc thẩm vấn như thế, trong khi những người còn lại biến mất không còn một dấu vết. 

Đôi khi có một người lớn tuổi mặc quân phục sĩ quan Đức xuất hiện giữa những người tù, nhưng qua giọng nói chúng tôi nhận ra hắn là một người Nga chính cống. Trên áo khoác tunic của hắn, ngoài con đại bàng Đức và chữ thập ngoặc như thường lệ, còn có một dải băng lạ mắt với chữ cái “D” viết theo kiểu chữ Slavơ cổ. Điều đó có nghĩa là gì? Một cựu sĩ quan Bạch vệ trong quân đội của Denikin chăng? Người đàn ông ấy trò chuyện thân mật với các tù binh, hỏi han mọi thứ, tỏ vẻ thông cảm trên mặt, viết vội vài điều gì đó, nói rằng để cải thiện tình trạng sinh hoạt cho các tù nhân. Có lẽ, đó là một cách đặc biệt để thu thập các tin tức tình báo. Bọn Đức không đơn giản đưa tên sĩ quan Bạch vệ này tới chỉ để tỏ ra thông cảm với những người đồng hương của hắn. Bản thân tôi không được gặp người này.

Nếu tình trạng của hầu hết tù nhân là tồi tệ cả về thể chất lẫn tinh thần thì điều kiện sống của các tù nhân Do Thái còn tồi tệ hơn nhiều lần. Họ coi như đã lãnh án tử. Tại trại Sychevka họ là mục tiêu của mọi loại hành hạ, lăng nhục và tra tấn. Một phần trong số họ bị lùa xuống ở dưới những dãy giường trong các căn phòng của bọn Polizei và Ukraina. Khi bị đưa từ trại tù tới nhà giam của thị trấn, họ bị lột trần chỉ còn đồ lót, trong khi quần áo của họ bị ném vào giữa đám đông tù nhân, và một cuộc chiến đáng xấu hổ để giành giật mớ quần áo ấy diễn ra. Tôi đã tận mắt thấy những con người đáng thương ấy bị dẫn tới nhà giam, đi chân trần và trên mình còn độc có đồ lót. Đi phía trước đoàn người là hai cô gái trẻ, đang nép vào nhau – có lẽ trước đây họ là những y tá Hồng quân. Bọn người thi hành có lẽ cũng ngượng không dám lột quần áo và tước giầy của hai cô gái. Hay có thể vài tên sĩ quan Đức còn chút lương tâm đã ra lệnh đó chăng?

Tại đây chúng tôi được nghe câu chuyện buồn về giờ phút cuối cùng của Ban tham mưu Tập đoàn quân 39 của chúng tôi. Họ bị bao vây trong một khoảnh rừng nhỏ hoàn toàn lọt trong tầm đạn cối của bọn Đức. Khu rừng được phòng thủ bởi những xạ thủ súng máy, những người đã nghe hứa là sẽ được sơ tán bằng máy bay (tất nhiên lời hứa này không được thực hiện). Mỗi đêm đều có máy bay chở tới đạn dược, thức ăn và chuyển đi những người bị thương nặng. Nhưng họ cũng chuyển đi hầu hết những chỉ huy cao cấp. Chỉ huy trưởng Tập đoàn quân Maslennikov hứa rằng ông ta sẽ ở lại với tập đoàn quân tới phút chót, dù trên thực tế điều đó không thể xảy ra. Tuy nhiên, theo lệnh của tướng Konev, chỉ huy trưởng Phương diện quân, ông ta là một trong những người đầu tiên bay tới Kalinin để báo cáo về tình hình của Tập đoàn quân và không bao giờ quay lại. Đêm trở nên ngắn lại và ngày càng ít máy bay bay tới. Khi một viên tướng lên máy bay bay đi, ông ta chỉ định một đại tá ở lại thay mình chỉ huy. Vị đại tá cố gắng để lên chuyến máy bay kế tiếp, chỉ định một trung tá lên thay mình và cứ tiếp tục tuần tự như thế. Tất cả bọn họ đều tìm cách cứu mạng mình trước tiên. Họ nhận ra là tình hình hoàn toàn vô vọng, và máy bay chỉ có thể bay tới vào ban đêm. Có thể chuyến máy bay ấy sẽ là cơ hội cuối cùng để cứu mạng họ, bọn Đức sẽ xuyên thủng tuyến phóng thủ vào ngày hôm sau. Khi những chỉ huy cao cấp rút hết, kỷ luật và trật tự cũng biến mất. Mọi người chỉ còn nghĩ tới lối thoát cho riêng mình. Chúng tôi được nghe câu chuyện về những hồi tiếp theo. Theo yêu cầu của bác sĩ, một thương binh nặng đang được đưa lên máy bay. Một sĩ quan tiến tới, láo xược kéo người bị thương khỏi máy bay và thế chỗ anh ta. Hắn dúi một nắm tem phiếu vào tay phi công, cầm súng đe dọa mọi người và chiếc máy bay cất cánh bay đi. Những người khác, thấy “có người làm được thế”, cũng bắt đầu dùng vũ lực chiếm chỗ trên máy bay. Họ nổ súng bắn lẫn nhau để giành quyền lên máy bay. Dần dần những xạ thủ súng máy cũng bắt đầu rời bỏ vị trí, ngay khi họ nhận ra mình đã bị lừa. Kết cục chuyện này là tuyến phòng thủ đổ sụp và tất cả đều bị giết hay bị bắt làm tù binh.

Chúng tôi bị chuyển tới chuyển lui từ trại này qua trại khác. Từ Sychevka chúng tôi tới Smolensk, từ Smolensk tới Lesnaya – ngày càng xa về phía Tây. Khủng khiếp nhất là một trại gần ga Lesnaya thuộc vùng Molodechno. Chúng tôi bị chuyển tới đây ngày mùng 4 tháng Tám năm 1942. Trước chiến tranh nơi đây là một kho nông phẩm với các nhà kho gỗ chạy dài, âm một nửa dưới mặt đất. Các nhà kho được chuyển thành nhà giam. Mỗi nhà giam được rào kín bằng dây thép gai và thuộc một khu vực độc lập của trại tù. Tại cổng vào trại tù có một chốt gác và một trạm gác nhỏ có hầm chứa rất sâu, mà vì lý do nào đó được gọi là “boongke”. Những người tù chạy trốn bị bắt lại được nhốt trong boongke. Những phòng phục vụ, nhà bếp, nhà kho và nhà tắm (cũng không còn sử dụng được nữa) nằm bên ngoài trại tù. Luật lệ chính trong trại tù là: “chia để trị”. Một vài nhà giam chỉ chứa người Ukraina, vài cái khác – chỉ người Tatar. Hai nhóm dân tộc này chiếm đặc quyền so với số đông tù nhân người Nga. Họ được cho ăn tốt hơn và được quyền lao động bên ngoài trại giam.  Chúng tôi, những người Nga, được cho ăn rất tồi. Hai lần một ngày chúng tôi được phát một muôi cháo lúa mạch dở sống dở chín. Mỗi ngày một lần chúng mang tới một thùng nước lạnh, thùng này mau chóng bị uống cạn. Trời thì nóng mà chúng tôi tất cả đều khát khô cổ. Đừng nghĩ tới chuyện tắm, điều đó đơn thuần là không thể được. Trại được canh gác bởi cả lính Đức lẫn cảnh binh Ukraina. Điều khủng khiếp nhất ở trại giam này là số phận mọi người được quyết định tại đây: những người được sống và những người phải chết. Phải trải qua một đợt kiểm tra tổng thể. Chúng tìm ra những người Do Thái, các chính trị viên, các đảng viên lao động. Các cuộc thẩm vấn và điều tra được tiến hành tại phòng gác bởi một Sonderfuerer, một đặc phái viên Gestapo. Hắn có thể nói tiếng Nga khá tốt và không cần phiên dịch. Tù nhân từng người một bị lôi vào boongke để thẩm vấn và hầu hết mọi trường hợp đều kết thúc trong boongke. Những người bị đưa vào boongke thì bị cởi quần áo, chỉ còn mặc mỗi đồ lót. Giày và quần áo của họ bị bọn Polizei (cảnh binh) lấy đi. Vài người khác, ăn mặc cũng như tù nhân và được phép lang thang ngoài trại, sẽ vào đấy trò chuyện với họ, đặt ra vài câu hỏi khiêu khích. Sau đó chúng chạy tới chỗ tên Sonderfuerer và huýt sáo hỏi xin thuốc lá, cũng có nghĩa là những người trong kia sẽ bị kết án tử. Một người không cần phải là Do Thái hay chính trị viên cũng có thể bị đưa vào boongke – chỉ cần một báo cáo miệng của thằng khiêu khích kia là đủ. Chúng tìm kiếm người Do Thái không chỉ dựa theo giọng nói hay dáng vẻ, mà cả theo những phương thức đặc biệt khác, ví dụ như xem người ấy có cắt da quy đầu hay không.

Khi boongke đã chật, một chiếc xe đặc biệt từ Molodechno tới trại. Đó là một chuyến xe tải đến theo thường lệ, trên lắp một thùng lớn kín mít có gắn cửa. Bọn Đức và lũ Polizei kéo những tù nhân chân đất mình trần từ boongke ra, dùng báng súng tống họ vào trong thùng xe. Toàn bộ tù nhân trong trại đứng cạnh hàng rào thép gai, mắt dõi xem chiếc xe tải đi về hướng nào. Nếu nó đi về phía trái thì sẽ tới Molodechno, tới nhà tù. Nếu nó đi về phía phải thì là tới khu rừng. Những người Tatar ở nhà giam cạnh chúng tôi kể qua lưới kẽm gai rằng họ thường bị đưa tới khu rừng đào những hố lớn để chôn người chết. Nếu chiếc xe tải đi tới khu rừng, khói từ máy xe sẽ được phun thẳng vào thùng chứa tù nhân. Khi xe tải tới nơi, mọi người trên xe đều đã chết. Họ mau chóng được ném vào hố chôn và lấp đất vội vã. Những người Tatar cũng kể rằng xảy ra vài trường hợp vẫn còn tù nhân sống sót khi được kéo khỏi xe tải, nhưng cuối cùng vẫn bị chôn sống với những người chết. Do đó, tên Sonderfuerer tự quyết định rằng ai sẽ bị giết ngay lập tức trong chiếc xe giết người ấy và ai phải được đưa tới nhà tù để thẩm vấn và tra tấn tiếp. Ở đấy có một tên mặc đồng phục Đức làm phuÏ tá cho thằng Sonderfuerer. Hắn là loại người luôn luôn kín đáo, nhút nhát, rất lịch sự với tù nhân và nói tiếng Nga rất giỏi. Tôi nghe đồn rằng hắn là một trong những người Đức từng sống ở Liên Xô trước chiến tranh, từng là công dân Xô viết. Có lẽ hắn tự xấu hổ với bản thân vì tất cả những gì đang diễn ra trong trại tù. 

Nếu trong những trại trước đấy giữa chúng tôi có nổ ra những cuộc tranh luận chính trị gay gắt thì tại trại Lesnaya mọi người đều trở nên kín tiếng. Thậm chí những người từng chỉ trích Liên bang Xô viết nay cũng im lặng. Tất cả chúng tôi đều thấy rõ một thực tế đang đe dọa mạng sống của mình, thần chết đang lôi chúng tôi đi dần dần từng người một, không cần đếm xỉa gì tới vấn đề mà anh ta đang tranh cãi. Hắn là một tên “khiêu khích” và thế là đã đủ để người đó bị đưa vào trong boongke và xa hơn nữa là về thế giới bên kia. Khi trại giam trở nên hoàn toàn câm lặng, thằng Sonderfuerer nghĩ ra một kế mới để bắt mọi người phải nói. Vài kẻ khiêu khích lại gần một người trong khu nhà giam sĩ quan và đưa ra một câu hỏi có vẻ thân mật: “Chúng ta đã thực sự thua trong cuộc chiến này sao? Nước Nga đã tiêu ma rồi chăng?" và đại loại như thế. Kết quả là mọi việc lại như cũ, cái boong ke vẫn luôn luôn chật người.

Những mối liên hệ giữa tù nhân ở các nhà giam khác nhau bị cấm tuyệt đối. Việc vận chuyển hay trao đổi đồ dùng giữa các nhà giam cũng bị cấm. Bọn Đức sợ điều gì – âm mưu, chaÏy trốn hay bệnh dịch? Vi phạm các điều cấm ấy bị trừng phạt cực kỳ tàn nhẫn, cao nhất là đánh đòn công khai, việc thi hành thường được giao cho đám người Tatar. Tù nhân ở khám phạt phải đứng “nghiêm” trong nhiều giờ liền.

Trong một lần tập hợp toàn thể trại tù, thằng Sonderfuerer đột ngột hỏi: “Thằng Do Thái … và … đâu rồi (hắn xướng họ những người ấy lên)? Tao đã cảnh cáo những tên này rằng chúng phải chấm dứt việc tuyên truyền độc hại, nhưng chúng đã không nghe theo lời răn đe của tao.” Những người đáng thương kia tiến lên trước hàng và lúng búng điều gì đó, cố bào chữa cho bản thân, và trong lúc luống cuống đã nói “thưa đồng chí”. Thằng Sonderfuerer hét lên: “Không có đồng chí nào ở đây! Bắt lấy nó!” Hai tên Polizei tóm lấy con người bất hạnh kia và kéo anh ta vào boongke.

Lại có lần một tên tướng cao cấp của Quân đội Đức tới thăm trại chúng tôi. Thằng phiên dịch nói với chúng tôi rằng tên kia là chỉ huy trưởng một đơn vị hậu cần. Tên tướng tới trại chúng tôi, vào khu sinh hoạt của các sĩ quan. Hắn được hộ tống và bảo vệ bởi bọn quản lý trại giam của chúng tôi. Hắn chăm chú quan sát nét mặt chúng tôi, có lẽ nhằm tìm hiểu cái “tâm hồn Nga” bí hiểm và hung bạo. Hắn hỏi vài người về cấp bậc, tên họ, nơi sinh sống. Sau đó hắn tóm tắt vài lời về tình hình hiện nay ngoài mặt trận, thông báo rằng Quân đội Đức đang chiến thắng trên mọi mặt trận và chiến tranh sẽ mau chóng kết thúc bằng thắng lợi của nước Đức. Tôi còn nhớ trong đó có một câu: “Sông Đông đã bị chiếm và bị vượt qua ở nhiều nơi”.

Những tên lính Đức thường đi tới vòng rào kẽm gai bên ngoài và đề nghị đổi những vật dụng có giá trị cuối cùng của tù binh lấy mấy mẩu bánh mì. Chúng hay đòi đồng hồ, nhẫn, tiền cổ, trà và dao nhíp bỏ túi. Các đồng đội đôi khi cũng nhờ tôi làm phiên dịch cho những cuộc đổi chác bất nhân ấy. Tôi còn một đồng 50 kopek bằng bạc có in chân dung Alexander Đệ Tam do khẩu đội trưởng của tôi (anh ấy đã bị giết hại sau đấy) tặng. Tôi quyết định đổi đồng tiền ấy lấy bánh mì, dù nó rất quý giá đối với tôi. Tên Đức, thằng mà tôi tìm cách trao đổi, bảo tôi:  “ném đồng bạc qua hàng rào cho tao. Tao phải được thấy nó trước". "Tại sao tôi lại phải tin ông?” "Tao không phải là Do Thái", - hắn đáp một cách kiêu ngạo. Thực vậy, hắn chẳng phải là Do Thái. Để đổi lấy đồng tiền bạc, hắn ném lại cho tôi một khúc bánh mì đen. Tuy nhiên, sau khi xác nhận là đồng tiền làm bằng bạc thật, hắn hứa là ngày mai sẽ đem tới thêm ít bánh mì nữa. Giá như bạn biết nổi tôi đã mong đợi cho tới sáng hôm sau đến thế nào! Vậy mà trời ạ, sáng hôm sau, ngày 24 tháng Chín năm 1942, chúng tôi bị dựng dậy từ mờ sáng và bị đưa tới nhà ga để lên tàu tới nước Đức.

Một cuộc kiểm tra kéo dài diễn ra trước khi chúng tôi khởi hành. Việc khám xét tưởng như bất tận với việc phải đứng nghiêm thật lâu và lục soát kỹ lưỡng. Lo sợ bị xử bắn, chúng tôi phải tuân lệnh lộn trái túi quần túi áo để đưa nộp mọi loại dao nhíp, dao cạo và kéo. Khi chúng xét tới tôi, tôi chìa ra một cái kéo nhỏ và hỏi xin được đem theo. Tên lính Đức thô lỗ giật cái kéo khỏi tay tôi, lầm bầm rằng chúng tôi được đưa tới Đức để làm việc chứ không phải để “cắt móng tay”. Thế rồi chúng lấy đi tất cả thắt lưng và giầy da còn sót lại. Chúng tôi phải đi thế bằng những đôi guốc gỗ mà bọn Đức đem tới và chất đống trước sân. Người ta không thể chạy và đi bộ lâu với cái thứ giày dép như thế. Đấy cũng là lúc những kẻ đã phản bội lộ mặt. Những ai có trong tay một tờ “giấy phép” bằng tiếng Đức, ví dụ như một tờ chứng nhận đã tự nguyện đầu hàng thì có quyền được giữ lại những đôi giày da. Cũng cần phải nói rằng trong cả đám tù nhân thì chỉ có hai hoặc ba kẻ là phản bội.

Trên đường tới nhà ga, chúng tôi được áp tải bởi một đơn vị lính Đức rất đông, trang bị không chỉ tiểu liên mà thậm chí cả trung liên. Có lẽ vì chúng sợ một cuộc nổi loạn hay chạy trốn tập thể. Chúng tôi được đưa về phía tây, trong khi mặt trời đang mọc từ hướng đông và chiếu vào lưng chúng tôi, như thể đang nói lời vĩnh biệt. Tới gần Molodechno chúng tôi đi ngang một khu ghetto Do Thái. Đó là cả một khối những túp lều tồi tàn, chăng kín bởi hàng rào thép gai. Có một gã tóc đỏ khổng lồ đứng bên cổng vào khu ghetto, một kẻ rõ ràng là trí não kém phát triển – hắn trông như một con vượn người. Hắn cầm trong tay một ngọn roi. Một cô gái Do Thái đang quét dọn nền sân. Trước ngực và sau lưng cô có khâu hình ngôi sao David bằng vải màu vàng – một dấu hiệu mà mọi người Do Thái bắt buộc phải mang.

Chúng tôi được chất lên những toa hàng bẩn thỉu, không trang bị chút tiện nghi gì cho mục đích chở người. Do đó, chúng tôi phải ngồi nghỉ và nằm ngủ thẳng trên sàn toa. Những cửa sổ nhỏ được chằng kín dây thép gai, cửa toa luôn đóng chặt và bị khóa kín phía bên ngoài. Tôi không nhớ có bao nhiêu người chúng tôi dồn trong một toa, nhưng chúng tôi không thể tất cả nằm trên sàn cùng một lượt. Loktev, Semenov, Smirnov và tôi luôn sát cánh bên nhau, và thậm chí tại đây, trong cái toa tàu nhồi nhét chật chội khủng khiếp này, cũng vẫn vai kề vai hỗ trợ lẫn nhau cả về thể chất lẫn tinh thần. Đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh. Chúng đưa chúng tôi tới một nơi xa lạ. Số phận thật trớ trêu! Đã bao lần tôi mơ ước được ra nước ngoài đi du lịch hay đi công tác. Và giờ đây, tôi bị đưa ra nước ngoài bằng vũ lực dưới thân phận một tù nhân!

Một tai nạn xảy ra khi chúng tôi mới khởi đầu chuyến hành trình. Đoàn tàu chở chúng tôi đang băng ngang một khu rừng thì có tiếng súng nổ. Tàu dừng lại đột ngột. Bọn lính Đức chạy ngược chạy xuôi dọc đoàn tàu, miệng văng tục ầm ĩ. Quãng một lúc sau, một tiếng súng đơn độc vang lên và đoàn tàu tiếp tục chuyển bánh. Về sau chúng tôi được biết một số tù nhân đã đục một lỗ trên sàn toa và nhiều người đã trốn qua cái lỗ đó trước khi tên lính tuần tra đang đứng ở toa cuối phát hiện và nổ súng. Tất cả những người còn lại trong toa đó đều bị lục soát. Chúng tìm thấy một con dao trên người một tù nhân. Chúng lôi anh ta ra khỏi toa và bắn anh ngay lập tức. Đó chính là phát súng đơn độc mà chúng tôi nghe thấy. Chúng tôi khâm phục những con người dũng cảm kia, ghen tỵ với họ và thầm chúc họ may mắn.

Chúng tôi không biết mình bị đang đưa đi đâu. Để xác định địa điểm chúng tôi đang tới, chúng tôi vẽ bản đồ Ba Lan và nước Đức lên mảnh gỗ dán bằng một mẩu bút chì. Dựa theo tên các thành phố chúng tôi đã đi qua, chúng tôi thử vẽ lại lộ trình của mình. Dần dần, chúng tôi nhận ra mình đang bị đưa qua Ba Lan để tới miền Tây Nam nước Đức. Một hay hai lần mỗi ngày, tại các ga chính, chúng tôi được phép rời tàu để đi lấy thực phẩm. Bọn chúng đổ một ít súp vào cà mèn cho chúng tôi – chỉ vừa đủ để chúng tôi không chết hết vì đói. Trong lúc chúng tôi ra khỏi toa, toàn đoàn tàu đều bị kiểm tra. Tôi thấy một tên Đức bắt gặp cái bản đồ của chúng tôi và mang nó lên cho đội trưởng của hắn. Tôi nghe tên đội nói rằng: “Lũ lợn này cũng có thể làm việc cần cù đấy nhỉ.” Tôi còn nhớ lúc tới ga Volkovyssk. Tại nhà ga này, tên Đức đầu bếp chịu trách nhiệm phân phát thức ăn kiêm luôn vai trò của một đứa “phân loại viên”. Nếu một tù nhân có mái tóc vàng, anh ta sẽ được nhận một cà mèn súp đầy. Nếu tù nhân tóc sẫm màu, anh ta sẽ chỉ nhận được nửa cà mèn hay thậm chí ít hơn nữa. Lúc ấy tóc tôi sậm màu nên tôi cũng chỉ được nhận nửa cà mèn súp. Thuyết phân biệt chủng tộc thể hiện theo cách hiểu của tên Đức nấu bếp là như vậy đó. Đoàn tàu chúng tôi thường phải dừng lại ở mỗi ga hay ngay giữa đồng trống. Có lần một đoàn tàu chở một đơn vị lính Ý dừng lại trên tuyến đường sắt đối diện. Đoàn tàu ấy đang đi về phía đông. Đám lính Ý mở cửa toa của họ về phía chúng tôi và thân thiện nói chuyện với chúng tôi. Chúng tôi cũng vẫy tay qua các cửa sổ nhỏ trên tàu để đáp lại họ. Rồi những người Ý sắp xếp một buổi hòa nhạc cho chúng tôi, có cả măngđôlin và ghitar. Rõ ràng là họ không thù ghét đất nước Xô viết, đất nước mà họ sắp phải tham chiến chống lại. Nói cách khác, họ tỏ thái độ thân thiện với chúng tôi. Buổi hòa nhạc bị cắt đứt bởi một sĩ quan Ý, hắn la mắng đám lính và hình như ra lệnh cho họ đóng hết cửa lại. Hắn đeo một dải băng xanh chéo qua vai, có lẽ đó là một tên sĩ quan trực nhật. Chúng tôi cũng thấy lính Ý đang dắt mấy con lừa để đi lấy nước. Phía Ý sử dụng những cái xô làm bằng nhựa trong suốt mà chúng tôi được trông thấy lần đầu tiên trong đời.

Chúng tôi bị chở xuyên qua Ba Lan. Chúng tôi cũng được chiêm ngưỡng một phần của Warsaw. Những lá cờ thập ngoặc được treo khắp nơi trên các ban công nhà. Nhưng rồi đoàn tàu chở chúng tôi nhanh chóng chui vào những đoạn đường hầm. Một công nhân đường sắt Ba Lan, thận trọng đưa mắt quan sát xung quanh, lại gần chỗ chúng tôi trong đoạn hầm khuất và cất tiếng hỏi xem chúng tôi bị bắt từ đâu tới. Trên đoạn đường trước khi tới Warsaw, những ngôi làng Ba Lan trông có vẻ nghèo nàn, toàn là những túp lều gỗ lợp tranh. Sau khi rời Warsaw, một khung cảnh “Châu Âu” xuất hiện: những ngôi nhà gạch sạch sẽ có mái ngói tử tế. Và rồi đã tới nước Đức. Trong số nhiều thành phố, tôi nhớ nhất là Chemnitz.

Tôi còn nhớ một đêm khuya, khi trời đã tối sẫm và đoàn tàu chúng tôi đang dừng tại một ga xép ở Đức. Chúng tôi đều đang ngủ, mình quấn trong áo khoác, nằm ngồi ngổn ngang trên sàn tàu chật chội khủng khiếp. Có thể nghe tiếng người đi bộ ngoài sân ga, thậm chí chúng tôi còn nghe cả tiếng cười phụ nữ. Chúng tôi nghe thấy tiếng nhạc xa xa. Một cơn gió ấm áp đưa lại mùi hương của thảo mộc mọc mùa hè. Tất cả những cái đó như thật gần gụi, đồng thời lại thật xa vời đối với chúng tôi, đang bị khóa nhốt kín trong cái nhà tù có bánh xe của mình.

Đến ngày thứ sáu của chuyến hành trình, ngày 30 tháng Chín năm 1942, chúng tôi tới điểm dừng cuối cùng, thị trấn nhỏ bé Muensingen thuộc miềân Tây Nam nước Đức. Chúng tôi đã kiệt sức bởi chuyến đi và đói khát tới mức chỉ có thể khó nhọc lê bước. Vậy mà hóa ra chúng tôi còn may mắn hơn nhiều những người vừa tới trước đó. Những người tới sớm hơn kể rằng chuyến xe lửa đó phải đi đường hết hơn mười ngày, và trên xe chật chội tới mức tù nhân phải đứng trong gần hết thời gian di chuyển. Họ cũng không được rời tàu ra ngoài và gần như không được cấp chút thức ăn nào. Khi tàu tới nơi, một “màn trình diễn” ngoạn mục được dàn sẵn: những tù nhân đói khát, kiệt sức, bẩn thỉu và lởm chởm râu ria bị bắt xếp hàng trên sân ga để ra mắt một tên tướng Đức giữ chức vụ quan trọng. Khi nhìn thấy các tù nhân, hắn thốt lên: "Lũ người thế này mà lại muốn đặt văn hóa của chúng lên trên chủng tộc German chúng ta sao?”

Thị trấn trung cổ nhỏ bé Muensingen với những ngôi nhà xinh xinh kiểu Gothic và mái ngói nhọn có thể làm phông nền hoàn hảo cho một vở ca kịch Faust. Dường như tất cả đều hấp dẫn và thú vị, ngoại trừ việc nó quá buồn tẻ. Chúng tôi được thấy một cảnh của quá khứ diễn ra tại nhà ga, có vẻ khá hợp với những kiến trúc cổ xung quanh. Một xe ngựa được kéo bởi một đôi ngựa mập mạp đi tới nhà ga. Những con ngựa được điều khiển bởi người đánh xe mặc bộ đồ thêu chỉ vàng. Một mệnh phụ kiêu kỳ ngồi trên xe, chăm chú dò xét chúng tôi qua đôi mục kỉnh một cách thành thạo. Như sau này chúng tôi nghe kể lại, bà ta là một địa chủ giàu có, tới để chọn lấy số “nô lệ Phương Đông” phần mình.

Nơi này thực sự là một thị trấn trung cổ trong chuyện cổ tích. Dường như kia là một nhân vật đang vận trang phục sân khấu sắp bước khỏi căn nhà và cất giọng hát một đoạn trong vở opera. Nhưng cái trại tù mà chúng tôi sắp bị đưa vào thì không phải là sân khấu opera. Trại bao gồm những dãy nhà dơ dáy đầy gián rào lưới kẽm gai. Đó cũng là nơi đói khát khủng khiếp. Bọn chúng phát cho chúng tôi mỗi ngày một ít súp bắp cải sống sít và một khoanh nhỏ bánh mì. Bánh mì đỏ quạch vì làm từ rễ củ cải đường. Khắp trại nhan nhản lũ phản bội, những cảnh binh Nga và Ukraina, điệu bộ như một lũ tội phạm. Nhằm giải trí, hàng ngày chúng tìm mọi cách để đánh đập đám tù nhân khốn khổ. Để làm chuyện đó, chúng đem tới khoảng nửa nồi súp rồi thông báo rằng mọi người được phép đến lấy “súp phụ cấp”. Những con người đang điên dại vì đói khát đổ xô về phía cái nồi súp. Một trận chiến giành thức ăn diễn ra và thế là bọn cảnh binh bắt đầu quất mọi người bằng những cây gậy dài đã chuẩn bị sẵn từ trước. Chân phồng rộp và chảy máu vì đi guốc gỗ nên tôi tìm cách để kiếm một thứ khác thay thế. Tôi nhờ một cảnh binh chuyện ấy – một tên trông có vẻ đỡ lưu manh hơn cả. Tôi vẫn còn một đôi đồng hồ đeo tay, giữ được chúng cũng là cả một phép lạ, và đề nghị đổi một trong số đó lấy một đôi giầy. Để đổi lấy cái đồng hồ, tên cảnh binh đem tới cho tôi một đôi giày lính cũ bằng da màu nâu đỏ đã nứt đế. Nhưng đôi giày như thế với tôi cũng đã là một niềm vui sướng tột cùng rồi.

Ở đây bọn chúng cấp cho mỗi người một cái thẻ xanh lá cây, trên ghi những thông tin về cá nhân từng người. Chiều cao, màu tóc và mắt, họ tên và nhóm chủng tộc đều ghi rõ trên thẻ. Chúng tìm kiếm lọc ra những người có chút máu Do Thái hay Di gan trong mình. Những người như thế sẽ bị thủ tiêu lập tức. Chúng dán hai tấm ảnh và các dấu vân tay lên thẻ. Có lẽ đó cũng là cách thức chúng tiến hành trong các nhà tù ở Đức. Mỗi người trong chúng tôi phải đeo một cái lập lắc cổ chó hình chữ nhật bằng nhôm. Trên đó có khắc số 5 và số tù cá nhân mỗi người (5 là mã số của trại giam - Stalag 5a. Cái lập lắc được phân làm đôi bởi nhiều lỗ đục sẵn. Khi người tù chết, một nửa sẽ để lại trên cổ cái xác và nửa kia được giữ lại để vào sổ. Mọi thứ được sắp xếp với độ chính xác theo kiểu Đức. Người ta nói rằng lính Đức cũng đeo một cái lập lắc có khắc số y như vậy, chỉ có điều cái của chúng có hình ô van. Những tù nhân về sau gia nhập Quân đội Giải phóng Nga ROA (tức đội quân phản bội của Vlasov) cũng được phát cái lập lắc cổ chó hình ô van. Đấy chính là lý do tại sao chúng tôi giữ mãi cái lập lắc hình chữ nhật như một bằng chứng xác thực rằng mình không có gì liên hệ với các đơn vị của Vlasov.

Vì các thức ăn tồi tệ trong trại nên chúng tôi bắt đầu mắc bệnh ỉa chảy. Mỗi tối tôi phải thức dậy nhiều lần để tới nhà vệ sinh, nằm rất xa nhà giam. Một tối nọ tôi đang đi tới đó. Bất ngờ, một tên gác, một thằng Đức lùn và béo, bước chắn ngang đường đi của tôi.  Tôi dừng lại và hỏi một cách máy móc: "Was wollen Sie?" (Anh muốn gì?) Hắn chửi tôi, và tôi bắt buộc phải vòng qua hắn để đi tiếp. Khi tôi quay về, tôi nghe tên gác ấy đang nói với một thằng khác: "Mày thấy thế nào? Lũ lợn đó dám hỏi chúng ta rằng chúng ta muốn cái gì! Chúng ta chỉ muốn chúng nó chết hết đi cho rồi!”

Sau khi chúng tôi được “vô sổ” như thế và số tù được treo lủng lủng trên cổ, bọn chúng bắt đầu phân chúng tôi thành từng đội để đưa đi làm những công việc khác nhau. Tất cả mọi người đều muốn thoát khỏi cái trại chết đói đáng nguyền rủa đó càng nhanh càng tốt. Một số người mơ được tới làm tại một nhà máy sản xuất đường, nơi ít nhất họ cũng sẽ được nhá rễ củ cải đường. Bốn người chúng tôi cùng gắn bó với nhau trong suốt quá trình phân công công việc, và tất cả chúng tôi được đưa vào chung một đội công tác khoảng ba mươi người. Có thể xem đó là một đội công tác sĩ quan, dù chỉ phân nửa trong số họ là sĩ quan. Những người khác là binh nhì và hạ sĩ quan, những người cho rằng sẽ được ưu đãi hơn khi ở chung với một nhóm sĩ quan. Dù sao cũng không ai có thể kiểm tra cấp hiệu của họ – tất cả giấy tờ của chúng tôi đều đã bị tiêu hủy.
Ngày 16 tháng Mười năm 1942, đội chúng tôi được đưa khỏi trại, áp giải tới nhà ga và bị chất lên một toa hàng. Chúng tôi mừng rỡ khi thấy có sự thay đổi, nhất là bởi chúng tôi tin rằng không còn nơi nào có thể tệ hơn Muensingen. Ngày hôm sau chúng tôi xuống một ga nhỏ tên là Lorch, cách Stuttgart khoảng 35 km về phía đông. Một thị trấn nhỏ cùng tên với nhà ga nằm bên cạnh đường tàu. Ở đó có một nhà kho bằng gỗ cạnh đường sắt với hàng rào dây thép gai. Một biển quảng cáo to tướng nằm trên mái nhà kho, trên viết: “Công ty Lutz, chuyên xây dựng các công trình trên và dưới mặt đất”. Con sông Rems nhỏ bé nằm sau nhà kho, về sau chúng tôi được biết nó chảy về phía Tây để đổ vào sông Rhine. Phía bên kia đường tàu nhấp nhô một chỏm núi và các bức tường của một tu viện.

Cái nhà kho gỗ được chia làm hai phần. Một phần dành cho các tù nhân và phần thứ hai cho đám lính gác. Cửa sổ trong phòng tù nhân chằng kín song sắt và các tấm chớp gỗ. Các dãy giường sắt hai tầng được xếp sát tường, trải những tấm đệm độn rơm. Mỗi chiếc giường phủ hai tấm chăn cũ, một làm tấm trải và cái còn lại làm chăn đắp. Một lò sưởi bằng sắt đứng giữa phòng. Ở đấy cũng có những chiếc bàn dài và các băng ghế bằng gỗ. Có một tờ thông báo treo trên tường, đánh bằng tiếng Nga trên một máy đánh chữ (nhưng là thứ tiếng Nga rất tồi). Đó là bảng liệt kê những gì tù nhân bị cấm không được làm. Bảng liệt kê bắt đầu bởi dòng chữ: "bất cứ tù nhân nào dám đụng vào một người Đức đều sẽ bị xử bắn”. Tất cả những mục còn lại đều tương tự như điều đầu tiên kể trên.

Khu dành cho bọn Đức là một phòng ở rộng, ấm áp và sáng sủa cho đám lính gác (đội gác gồm một hạ sĩ quan và bốn lính Đức). Chúng có một lò sưởi, những chiếc giường một tầng, chỗ để súng và một máy thu thanh. Vào mùa đông, trong khi ở chỗ chúng tôi mái nhà phủ đầy tuyết thì khu của bọn Đức không hề có tuyết trên mái. Chúng luôn đốt lửa sưởi ấm phòng khi trời rét. Một biển báo trên cánh cửa thông từ phòng của chúng sang phòng chúng tôi, ghi bằng tiếng Đức: “Cấm vào”. Dù vậy chúng tôi cũng không bao giờ vào đấy. Ở đây cũng có nhà xí và nhà tắm (một căn phòng để chúng tôi tắm rửa và thay quần áo) nằm trong sân của khu nhà kho. Ở đó có một bồn nước đặt trên nóc nhà tắm, tự động đưa nước từ sông lên nhờ một máy bơm điện. Lúc đầu chúng tôi được phép tắm rửa mỗi tuần một lần. Thế rồi một tên chỉ huy cao cấp tới, la mắng tên hạ sĩ, và sau đó chúng tôi chỉ còn được phép tắm hai tuần một lần. Chúng cấp cho chúng tôi những bộ quần áo sẫm màu trên có sơn hai chữ cái bằng sơn trắng: SU (Liên Xô – Soviet Union). Những chữ này cũng được viết lên chỗ đầu gối phải, chỗ ngực trái, phía lưng bên phải và trên mũ. Không thể trốn thoát trong thứ trang phục như thế được.  Chúng tôi cũng đi đôi giày công tác có đế gỗ rất dầy, đẽo tròn phía mũi và phía sau. Dựa theo những dấu hiệu trên nút áo, chúng tôi hiểu rằng đây là một loại quân phục –từ quân đội Tiệp Khắc và Pháp – nhuộm màu xanh lam-xanh lục sẫm. 

Chúng thường đánh thức chúng tôi dậy từ sáu giờ sáng. Hai tù nhân trực nhật và một lính gác sẽ vác một cái nồi lên xe ngựa để tới chỗ nhà bếp gần nhất, nơi chúng đang nấu súp rau cho chúng tôi. Nhà bếp được điều hành bởi một tên Đức béo mập tên là Bromer. Trong thời gian đó chúng tôi phải dọn xong giường và quét dọn khu trại. Kế đến chúng mở khóa cổng để chúng tôi vệ sinh rồi mặc quần dài và đi giầy cùng cất ở đấy. Súp và một mẩu bánh mì quết bơ nhân tạo cũng vừa kịp tới. Mỗi súc bánh phải chia làm hai phần. Chúng tôi cắt chúng làm hai và thậm chí đem cân trên một chiếc cân tự tạo bằng gỗ sao cho hai phần thật đều nhau. Mẩu bánh nhỏ đó là phần ăn cho cả một ngày trời. Thế rồi chúng tôi lên đường đi làm việc. Nếu nơi làm không xa thì chúng tôi xếp hàng đi bộ tới. Nếu quãng đường phải đi  quá dài thì chúng tôi sẽ lên một toa tàu, được gắn vào một đoàn tàu đi ngang qua. Hai người có thông báo ốm được phép ở lại trong trại. Chúng tôi lên một kế hoạch có sắp xếp phân công rõ ràng. Những người bị bệnh nặng sẽ được gửi tới bác sĩ để đưa về bệnh viện tại trại giam Stalag 5a ở Ludwigsburg. Không ai muốn phải tới đó, tù nhân ở đấy thường xuyên bị bỏ đói. Chúng tôi lao động trên đường sắt được cấp thức ăn đầy đủ hơn, do đó là một công việc tay chân nặng nhọc. Chúng tôi làm từ 10 tới 12 tiếng mỗi ngày. Công việc là tháo lên những thanh ray và tà vẹt đã cũ. Kế đó là thay những thanh ray thép còn mới vào, đặt tà vẹt mới lên rồi tán đinh vào tà vẹt. Sau đó chúng tôi phải nhét đá lót đường mới xuống dưới tà vẹt, nện bằng đầu tù của cái cuốc chim. Bốn người phải đứng lên trên thanh tà vẹt và nện xuống đá lót đường ở dưới tà vẹt từ cả hai phía. Tên Meister sẽ kiểm tra độ đầm chặt của lớp đá lót dưới tà vẹt bằng cách cuốc thử xuống bằng đầu nhọn của cái cuốc chim. Công việc nặng nhọc nhất là mang vác những thanh ray bằng loại kìm Zanga đặc biệt. Việc mang vác những thanh tà vẹt bôi đầy dầu mỡ bảo quản cũng rất khó khăn. Chất lên và dỡ đá lót đường xuống cũng là một công việc rất mệt. 

Viên quản lý công ty Lutz là một người thon chắc đầy sức lực, một người Tiệp gốc Đức mà được mọi người gọi ngắn gọn là Meister (đốc công). Chúng tôi không biết tên thật của hắn, có lẽ hắn có lý do để không nói nó ra với chúng tôi. Các bạn tôi đặt tên cho hắn là Riwa, do hắn rất hay dùng cái từ này. Theo tiếng Schwab nó có nghĩa là (khi dùng chung với một động từ khác) “đặt” hay “ném cái gì đó qua một bên”. Vào mọi thời tiết trong năm hắn đều đội một chiếc mũ lông đỏ và gắn một phù hiệu kỹ thuật viên trên ve áo: một cái bánh răng và một chữ thập Đức nằm ở giữa. Chúng tôi bắt đầu và kết thúc công việc khi nghe hiệu lệnh phát ra từ cái còi do Riwa thổi. Trong lúc chúng tôi làm việc hắn thường la hét chúng tôi: "Los, los! (tương tự như “Davai, davai!” trong tiếng Nga – “Làm đi, làm đi !”)". Thậm chí khi chỉ còn hai phút nữa là hết ngày làm việc, khi hắn đã chợm rút chiếc còi và cái đồng hồ trong túi ra, hắn vẫn tiếp tục hét: “Los, los!” Hắn không chấp nhận bất cứ thái độ thân tình hay đùa cợt nào, luôn luôn tỏ ra lạnh lùng thực dụng và yêu cầu một tinh thần lao động có trách nhiệm cao ở chúng tôi. Đồng thời hắn tỏ ra rất nguy hiểm, bởi hắn là người Tiệp và có thể hiểu tiếng Nga, dù hắn không bao giờ nói với chúng tôi về chuyện đó. Các bạn của tôi, những người ban đầu cho hắn là người Đức nên không hiểu tiếng Nga, đã nguyền rủa bằng tiếng Nga để đáp lại những mệnh lệnh của hắn. Sau đó tôi phải nói gỡ cho họ khỏi bị rắc rối, bằng cách giải thích cho Riwa rằng những từ thô tục đó trong tiếng Nga có nhiều nghĩa và hắn đã hiểu nhầm nó hay đại loại như thế.

Gần như trọn ngày chúng tôi phải ở ngoài tuyến đường sắt. Mặc cho nắng chiếu cháy da, mặc cho răng cỏ chúng tôi lung lay trong giá lạnh mùa đông – chúng tôi phải làm việc trong bất cứ điều kiện thời tiết nào. May mắn cho chúng tôi, thời tiết miền Nam nước Đức cũng khá ôn hòa. Từ mùa thu và cuối mùa đông cho tới dịp đầu năm mới mây đen thường tới từ Đại Tây Dương, lúc này thường xuyên có mưa. Vào tháng Giêng và tháng Hai trời có tuyết, theo sau là một mùa đông trời lạnh và khô ráo. Tuyết phủ trên mặt đất chỉ trong vòng một tháng, đôi khi còn ngắn hơn. Khi đó trời suốt ngày ấm áp, mặt trời chiếu sáng và đôi lúc có muỗi bay vo ve. Phụ nữ Đức mở toang cửa sổ để giũ sạch nệm trải giường. Nhưng khoảng bốn hay năm giờ chiều, khi mặt trời lặn trên dãy Alps thì trời bắt đầu se lạnh. Tới lúc đó cánh phụ nữ Đức đi khép kín cửa sổ lại. Về đêm có sương giá buông xuống mặt đất. Mùa xuân chỉ tới sớm nhất là vào tháng Ba.

Có lẽ chúng tôi đã may mắn khi được làm việc ngoài trời suốt ngày. Rất nhiều tù nhân bị đưa đi lao động dưới các mỏ muối hay mỏ than hoặc các xí nghiệp quân đội nằm ngầm dưới mặt đất. Đấy là chưa kể tới những người phải đi xây dựng những nhà máy hay công trình bí mật và sẽ bị giết hết sau khi công trình hoàn thành vì bị coi như những nhân chứng nguy hiểm. Có rất nhiều người Đức và người Ý cùng làm việc với chúng tôi, họ không đủ tiêu chuẩn để phục vụ trong quân đội do có khuyết tật tâm thần hay thể xác. Trong số đó có ông già Sadori người Ý đến từ Sicily, người suốt đời đã làm việc ở Đức. Tôi hỏi ông tại sao lại rời bỏ một quê hương xinh đẹp như thế. Ông trả lời rằng làm một người nghèo thì không thể hạnh phúc thậm chí ngay khi sống trên một đất nước xinh đẹp. Ông cũng bảo tôi rằng ông cũng chỉ là một tù nhân như chúng tôi mà thôi. Trợ lý đốc công là một gã Đức râu mép to lớn và đần độn, rất thù ghét chúng tôi. Những người chuyên đặt biệt hiệu trong nhóm đặt cho hắn cái tên “chó săn”.  Tôi luôn cố tránh phải tranh luận với gã ngốc đó, nhưng không hiểu vì lý do gì đó hắn vẫn tìm cách nói chuyện với tôi, tán dương các chiến thắng của người Đức. Tới khi hắn bảo tôi rằng vũ khí của quân đội Đức có chất lượng tốt hơn của người Nga thì tôi không thể nhịn được nữa và trả lời rằng với điều đó thực tế chiến tranh sẽ trả lời.  Hắn nổi giận và giơ nắm đấm trước mặt tôi. Một lần có người ném một cái ghế nặng bằng gỗ từ đoàn tàu vào chúng tôi. Chiếc ghế được nhắm vào những tù nhân, nhưng lại trúng vào tên chó săn. Hắn chửi thề như điên, làm tất cả chúng tôi đều thấy khoái trá. Vào buổi chiều, khi chúng tôi quay về khu trại, bọn chúng lục soát chúng tôi, nhưng không cẩn thận lắm. Một người trong bọn tôi luôn thủ về một tờ báo mới tiếng Đức với những tin tức nóng hổi nhất từ mặt trận, được nhặt lên từ đường tàu. Mọi người chuyển báo tới cho tôi để dịch lại. Chúng tôi đi rửa ráy ở nhà tắm, tại đó chúng tôi cởi bỏ giày và quần dài để đi ngủ, xỏ đôi guốc gỗ vào và ăn bữa súp tối trong nhà trại. Kế đó một tên lính gác đem tới cái thùng rác cũng dùng làm thùng xí, cửa phòng được khóa lại cho tới sáng, còn bên ngoài sân một con chó canh được thả ra. Chẳng khác gì nhà tù!

Trong những ngày đầu tiên làm việc ngoài tuyến đường sắt, tôi đã cố gắng thử bắt chuyện với những công nhân Đức. Họ phá lên cười. “Tôi đã nói cái gì không đúng chăng?” - "Anh nói rất chuẩn, nhưng chỉ có những quý ông và các ông chủ mới nói cái kiểu như anh mà thôi. Chúng tôi nói năng đơn giản hơn nhiều.” Rồi họ hỏi tôi về nghề nghiệp của mình hồi còn ở Nga. Tôi không muốn thú nhận mình là một kỹ sư, bởi trong tiếng Đức cái từ “Diplom-Engineur” chỉ có nghĩa đơn giản là kỹ thuật viên. Tôi bèn nói mình là một nhà thiết kế. Họ nghi ngờ tôi: “Hãy vẽ cho chúng tôi xem một cái bu lông và một cái đai ốc”. Bằng một mẩu phấn tôi mau chóng vẽ ra một bu lông có xãnh xoắn và cái đai ốc. Những người công nhân lộ vẻ ngạc nhiên. Một người trong bọn họ nói: “Anh ta không nói dối đâu. Anh ta đúng là một nhà thiết kế đấy. Anh ta hẳn là một quý ông.” Những điều đó nghe vừa khôi hài lại vừa đáng buồn.

Chúng tôi được canh gác bởi những lính Đức được gọi là Wachman, những người lính có nhiệm vụ theo dõi hay canh gác. Chúng thường bị thay đổi liên tục, do chúng chỉ làm việc với chúng tôi trong một thời gian ngắn khi vừa rời bệnh viện để kịp hồi sức, sau đó chúng lại phải ra mặt trận.  Những tên lính đó có tính cách khác nhau và đối xử với chúng tôi cũng rất khác nhau. Những tên còn trẻ bị đầu độc quá nhiều bởi sự tuyên truyền của bọn Quốc xã, coi chúng tôi như kẻ thù và đối xử với chúng tôi rất tàn nhẫn. Những đứa già hơn, đã từng chiến đấu ngoài mặt trận, coi chúng tôi cũng là người lính như mình và đối xử tốt với chúng tôi mà không tỏ vẻ thù ghét. Trong số đó cũng có những thằng tàn bạo (mắc bệnh xađích) thường tìm mọi dịp để đánh đập tù nhân. Có lần một thằng xađích thực thụ lọt vào trong đội gác-hắn thích lấy móng tay rạch mặt tù nhân chỉ vì những lỗi nhỏ nhất. Tôi khiếu nại chuyện đó với tên hạ sĩ quan, người chỉ huy của nhóm gác. Tên hạ sĩ mắng tôi rằng ngoài chiến trường còn phải đổ máu nhiều hơn mà đâu có ai kêu ca. Nhưng có lẽ hắn cũng có nói với tên thú vật kia nên về sau tên kia thôi không hành hạ tù nhân nữa. Bọn Đức trước hết coi tù nhân như súc vật thồ, phù hợp với lao động chân tay nặng nhọc, nên chúng cũng không muốn đánh đập chúng tôi để đến nỗi không làm việc nặng được nữa. Ngoài ra chúng còn những lý do khác. Thực ra tham gia trong đội cảnh vệ tại hậu phương luôn an toàn hơn đi đánh nhau ngoài mặt trận, nên bọn Đức tìm mọi cách để giữ chỗ đứng của mình ở đây. Chúng biết là nếu để chúng tôi than phiền lên tên thiếu tá, chỉ huy trưởng của khu đồn trú, người vẫn hay tới đây kiểm tra, thì chúng rất dễ bị đưa ra ngoài mặt trận. Không phải vì chúng thông cảm cho chúng tôi, mà chỉ vì mặt trận luôn thiếu lính tiếp viện.

Bọn Đức cũng sợ lẫn nhau. Tên hạ sĩ sợ tên chỉ huy đồn trú; bọn lính thì sợ tên hạ sĩ và sợ cả lẫn nhau. Khi chỉ có một tên lính canh áp giải chúng tôi đi làm, hắn thường không bao giờ giơ chân đá chúng tôi, đôi khi còn trò chuyện khá thân mật nữa. Nhưng khi có hai tên cùng đi áp giải thì, thậm chí là những tên trước đó có thiện cảm nhất, cũng sẵn sàng la hét chúng tôi, thúc giục chúng tôi làm nhanh hơn nữa, như thể cố ganh nhau xem đứa nào làm tích cực hơn vậy. Cũng có những tên lính đôi lúc cố tỏ ra mình là người có học. Một tên trong số đó có thái độ rất kiêu ngạo trịch thượng. Thêm vào đó hắn đối xử với chúng tôi rất tàn nhẫn. Hắn vênh váo nói với tôi rằng mình đã tốt nghiệp một trường thể dục thể thao. Rồi hắn hỏi tôi như một giáo sư hỏi học trò tên những người Đức kiệt xuất mà tôi biết. Khi tôi nêu tên Henrich Heine trong số những nhà thơ Đức, hắn sửa lưng tôi với một cái nhìn khinh miệt, bảo rằng không hề có một nhà thơ Đức nào với cái tên như thế. Tới lượt mình, tôi đề nghị hắn kể tên những nhà văn Nga mà hắn biết. "Bá tước Leo Tolstoi và Dostoyevski là linh hồn Nga.” Đã bao giờ hắn được nghe về Pushkin chưa nhỉ? "Pushkin, Pushkin, - tên Đức hỏi lại tôi, phát âm nhấn mạnh âm tiết cuối. “Ông ta là ai, một người theo chủ nghĩa quốc tế hay là một người theo chủ nghĩa dân tộc?”  Tôi không biết trả lời câu hỏi đó như thế nào mà chỉ đáp rằng ông là một nhà thơ Nga vĩ đại. “Thế có nghĩa hắn là một người theo dân tộc chủ nghĩa” gã Đức đáp và kiêu ngạo nói thêm: "Nếu hắn nổi tiếng thì tao đã phải biết tên hắn rồi.” Một tên lính khác từng là sinh viên đại học, việc học của hắn bị gián đoạn bởi chiến tranh. Khi nói chuyện với tôi, hắn bảo: "Tao là một người trung lập. Tao không bênh vực mà cũng không thù ghét chúng mày. Nhưng tao vẫn tin rằng chúng tao đối xử với chúng mày như thế là quá mức nhân đạo”. Thật là một nhân vật trung lập đáng mến!

Dù đã rất cố gắng, nhóm bạn bốn người chúng tôi vẫn để mất đi một đồng chí. Một tên lính canh quấy rối Boris Smirnov vì một lý do gì đó và đánh anh. Để phản ứng Boris liền ngưng làm việc. Lát sau tôi tìm cách lại gần anh và khẽ bảo: “Cậu phải cố vượt qua chuyện này để sống sót, Boris. Quay trở lại làm việc; nếu không cậu sẽ gặp rắc rối đó.” Anh trả lời: "Giờ thì đã quá muộn. Tớ chịu hết nổi rồi. Cứ để chuyện ấy tới.” Bọn Đức lôi anh đi một nơi nào đó và chúng tôi không bao giờ còn gặp anh nữa. Chuyện đó xảy ra vào cuối năm 1942. Về sau, tới năm 1944, khi tình thế của bọn Đức đã thay đổi, chúng tôi cùng sát cánh chặt chẽ với nhau và trở nên táo bạo hơn. Nếu có ai trong đội bị bọn Đức làm phiền, tất cả chúng tôi liền dừng làm việc, mặc cho chúng la hét và dọa nạt.

Thậm chí chúng tôi còn được trả một khoản “tiền công” do làm việc cho công ty Lutz. Vào dịp cuối tháng, tên Meister (đốc công) phát cho mỗi người một món tiền, nhờ đó chúng tôi có thể mua nước giải khát, dao cạo râu hay bột đánh răng tại cửa hàng của tên mập Bromer. Đôi lúc chúng tôi hùn tiền lại và mua được của Bromer một túi khoai tây luộc, và mỗi người nhờ thế có thêm một đĩa thức ăn cải thiện. Ban đầu chúng trả chúng tôi bằng loại tem phiếu đặc biệt, chỉ có giá trị cho tù nhân. Rồi sau chúng tôi được bảo đổi lại các tem phiếu đó và bắt đầu được trả bằng tiền mặt. Chúng không trả công đồng đều cho mọi người. Tên đốc công chăm chú quan sát chúng tôi làm việc và những ai làm tốt hơn sẽ nhận được nhiều tiền hơn.

Khi tên Vlasov mở rộng các hoạt động phản bội của hắn và bắt đầu thành lập cái gọi là Quân đội Giải phóng Nga (ROA), chúng tôi thường được những gã tuyên truyền viên của hắn tới thăm. Chúng nói với chúng tôi rằng Stalin đã từ chối ký hiệp định quốc tế về tù binh với Hội Chữ thập Đỏ, bởi cho rằng không có tù binh chiến tranh Xô viết mà đó chỉ là những kẻ phản bội. Viện cớ đó ông ta đã đưa chúng tôi tới tình thế không còn bất cứ quyền lợi nào. Trong khi tù binh các quốc gia khác được Hội Chữ thập Đỏ bảo vệ, được nhận thực phẩm từ nhà gửi sang và thậm chí được báo tin về gia đình, thì những công dân Xô viết bị bắt chỉ được coi là những nô lệ. Bọn Đức có thể làm bất cứ điều gì đối với chúng tôi mà không ai có thể đứng ra bảo vệ chúng tôi. Sau những lời đó, tên tuyên truyền viên đưa ra kết luận rằng cách duy nhất để giảm bớt tình trạng nô lệ đó là gia nhập ROA. Sử dụng một lượng lớn tù binh Xô viết cho lao động cưỡng bức, bọn trùm sỏ nước Đức cũng bắt đầu tiến hành tẩy não họ. Chúng cho in những tờ báo dành riêng cho tù binh viết bằng tiếng Nga, Ukraina và nhiều thứ tiếng các dân tộc khác thuộc Liên bang Xô viết. Tôi thậm chí còn được thấy một tờ báo in bằng tiếng Kalmyk. Dù tờ báo tiếng Nga ấy (tôi đã quên mất tên của nó) in bằng giấy tốt và thiết kế khá đẹp, nội dung tuyên truyền chống Xô viết bên trong thật bẩn thỉu và báng bổ. Tác giả những tờ báo ấy gồm những tên Bạch vệ di tản, những tên phản bội mới đầu hàng, tất cả những loại tự xưng là dân tộc chủ nghĩa và “trí thức”. Chúng tán dương văn hóa Đức, ca ngợi những chiến thắng của nước Đức, kêu gọi chúng tôi gia nhập ROA và chỉ trích mọi điều liên quan tới chính quyền Xô viết. Chúng tôi thường vẫn rất tôn trọng và tin tưởng những gì được in trên giấy, nhưng những dòng chữ in trong tờ báo ấy thật gây sốc bởi lời lẽ chống Xô viết, bài Do Thái, thái độ thô lỗ, khiếm nhã và những lời nói dối trắng trợn của nó. Những tên bồi bút đó có bao giờ nghĩ tới số phận đất nước chúng ta trong trường hợp nước Đức chiến thắng không?  Trong các bài viết của chúng chỉ có vài đoạn đề cập mơ hồ về nước Nga “gia nhập cộng đồng các quốc gia Châu Âu dưới sự lãnh đạo của Đức quốc”. Chúng không viết về sự thật rằng đất nước ta sẽ có thể trở thành một thuộc địa cho bọn Đức khai thác bóc lột. Tờ báo cố gắng ca ngợi rằng phần chiến quả của nước Đức chỉ là giúp nước Nga thoát khỏi “nền độc tài của chủ nghĩa cộng sản”. Làm thế nào có người ngây thơ nhẹ dạ đi tin vào cái luận điệu ấy? Khi chúng tôi được nhận những tờ báo ấy, tên hạ sĩ thường nghiên cứu kỹ chúng thật lâu. Có một lần tờ báo được chuyển tới đúng dịp tên hạ sĩ đi vắng và bọn lính không dám phát chúng cho chúng tôi mà không có sự đồng ý của hắn. Tôi nghe được một lính Đức nói với bạn của hắn: “Hãy đưa chúng nó cái thứ rác rưởi kia của Goebbels đi cho rồi!”

Tuy nhiên, vào nửa cuối cuộc chiến tranh những tờ báo trên bắt đầu cho in những bài viết khách quan hơn và chúng tôi có thể đọc thấy những ẩn ý đằng sau nội dung của nó. Có lẽ đã xuất hiện những người từng sống dưới thời Xô viết đồng ý làm việc cho tờ báo ấy. Ví dụ, họ đưa ra một bài phóng sự về diễn biến của cuộc chiến, trong đó mô tả rõ rệt là bọn Đức đã thất bại trên tất cả các mặt trận. Nhưng để nguỵ trang, bài báo thường kết thúc bởi một lời tuyên bố hoàn toàn lố bịch rằng chiến thắng của vũ khí Đức là điều hiển nhiên. Khi quốc ca mới của Liên bang Xô viết xuất hiện, tờ báo ấy in một bài phóng sự chỉ trích, nhưng lại đăng cả lời bài hát mà khi ấy đối với chúng tôi là hết sức quan trọng. Đáng tiếc thay, khi ấy chúng tôi lại không biết được giai điệu của nó. Họ cũng đăng bài thơ “Đợi anh về” của Simonov. Một bài báo còn thông tin cho chúng tôi rằng binh lính Xô viết không bắt bọn Vlasov làm tù binh mà xử bắn chúng ngay tại chiến trường. Đó là một thông điệp rõ ràng cho những ai sắp sửa đi phục vụ cho ROA. Tất nhiên, những thông tin ủng hộ Xô viết như thế là rất hiếm giữa một lượng lớn những lời lẽ dối trá và chống Xô viết, nhưng chúng vẫn tồn tại và chúng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm chúng. Khi thần chiến tranh đã quay lưng lại với bọn Đức trên mặt trận phía Đông, hầu hết các đơn vị của ROA bắt đầu tìm cách đầu hàng quân đội Xô viết. Do đó, bọn Đức tái bố trí chúng ở mặt trận phía Tây để chống lại quân Mỹ. Thậm chí chúng còn thiết lập các đơn vị chặn hậu lấy từ những người của ROA để ngăn chặn binh lính Đức rút lui. Tôi sẽ đề cập tới điều này ở đoạn sau.

Những tờ báo của Đức viết khá trung thực về tất cả những thay đổi ngoài mặt trận, đưa ra những bình luận rõ ràng về những thay đổi đó. Chúng tôi bị cấm không được giữ và đọc báo chí của Đức. Nhưng chúng tôi vẫn tìm cách “xoay sở” được. Hành khách trên những chuyến tàu đi ngang qua thường vứt báo ra ngoài cửa sổ. Chúng tôi nhặt chúng lên, giấu dưới quần áo của mình và mang về khu trại. Tới buổi chiều tôi bí mật dịch những tin tức chiến sự ra tiếng Nga, viết lại lên một mảnh giấy lấy từ vỏ bao ximăng và chuyền mẩu tin ấy đi. Đấy là cách mà chúng tôi có được tờ báo bí mật riêng của mình. 

Một công nhân đường sắt già (Sicherpost) canh giúp chúng tôi khi có tàu hỏa chạy qua. Ông ta thường đứng ở trên cao và khi thấy một đoàn tàu sắp tới, ông sẽ thổi cái còi của mình để chúng tôi ngừng làm việc và rời khỏi đường ray. Đấy là một ông già đáng mến; có thể trò chuyện với ông những lúc tên đốc công và lính canh bỏ đi chỗ khác. Có lần tôi chú ý tới đôi ủng đặc biệt của ông. Chúng ngắn và trông rất lạ mắt. "Đấy là đôi ủng của ông nội tôi”, ông già kể với tôi. “Chúng đã được hơn trăm tuổi rồi. Tôi giữ chúng trong hòm như một thánh tích. Nhưng thời bây giờ không tài nào mua được giày ủng nên tôi vẫn phải dùng chúng.” Tôi vẫn để ý tìm hiểu tình hình của tổ quốc nên lên tiếng hỏi ông già xem ông đã tới thăm vùng lãnh thổ đang bị Đức chiếm đóng của nước Nga chưa. "Chưa,” ông già đáp, “Tôi chưa từng tới nước Nga. Người ta đưa tôi tới Romania. Tôi đã tới thăm Odessa, đó là một thành phố xinh đẹp.” “Nhưng Odessa chính là nước Nga,” Tôi phản đối. "Không, bây giờ nó là của Romania”. Thật là đau khổ và cay đắng khi phải nghe thấy điều đấy. Có lần tôi hỏi ông già xem ông ta nghĩ về cuộc chiến tranh này như thế nào. "Công việc của tôi là thổi cái còi của mình để các anh không bị đoàn tàu cán phải”, ông già trả lời. Rồi sau một lúc im lặng, ông nói thêm: "Những ông lớn, những người ở Berlin, mới biết chuyện đó.” Một câu trả lời điển hình kiểu Đức.

Có lần chúng tôi được thấy một cảnh khá khôi hài trong lúc làm việc. Một đoàn xiếc đột nhiên tới cắm trại trên bãi đất trống gần đường tàu. Có hai chiếc ôtô nhỏ với các lồng thú và các hình vẽ trang trí. Một người đàn ông cụt tay, có lẽ là một thương binh, đang cho một con khỉ nhỏ ăn và một phụ nữ đang chăm sóc lũ thú trong chuồng. Có những áp phích quảng cáo sặc sỡ dán trên hai bên thành xe. Một trong những áp phích ấy mô tả một chiếc dù đang thả xuống những con khỉ, vận quân phục lính Đức. Dòng chữ viết: “Bọn Mỹ đã bị bắt, chúng ta chiến thắng. Một chương trình xiếc độc đáo.” Đấy là cái gì: là sự mỉa mai hay sự ngu ngốc của một đế quốc? Đấy đúng là thứ thức ăn tinh thần phù hợp với một người Đức trung bình.

Dù thực phẩm được phát cho chúng tôi rất tệ, nó vẫn có chút giá trị, do chúng tôi được xếp vào hạng lao động nặng. Tất cả chúng tôi đều sợ bị ốm, nếu ốm chúng tôi sẽ bị đưa về trại trung tâm Stalag 5a ở Ludwigsburg, nơi tù nhân bị bỏ cho chết đói. Đấy là lý do tại sao nếu bị bệnh thì chúng tôi phải giấu đi. Sau khi hồi phục rất có thể sẽ phải đi làm việc ở một chỗ nào khác – vào hầm mỏ hay trong các xí nghiệp quân sự, nơi tù nhân bị xử bắn chỉ vì những lý do vụn vặt nhất. Nhưng thậm chí chỉ với một lượng thực phẩm ít ỏi và lao động nặng chúng tôi cũng vẫn phải làm việc hết sức lực của mình. Có vài người không chịu nổi, họ bị đưa đi và thay bằng những tù nhân mới. Những người trở về từ bệnh viện kể cho chúng tôi câu chuyện về “toà án binh bí mật”, đi thu thập thông tin từ những tù nhân ốm mới nhập viện về bọn cảnh binh, bọn phản bội và tất cả những kẻ cộng tác với quân Đức. Nếu có một kẻ như thế phải vào bệnh viện, “toà án binh” sẽ tổ chức một cuộc xét xử. Những kẻ bị chứng minh là có tội sẽ bị xử theo một kiểu khủng khiếp: nhiều người sẽ tóm lấy nạn nhân, bẻ cong người anh ta lại đến mức đầu chạm tới chân, rồi ném anh ta trong tình trạng như thế xuống sàn bê tông. Cách đó sẽ làm gẫy xương sống, xương cụt và gây ra những đau đớn khủng khiếp thường xuyên, cũng có thể gây liệt chi. Một người cũng có thể thành người què. Anh ta sẽ không còn đi được nữa mà chỉ có thể bò trườn. Đó thật là một câu hỏi phức tạp, rằng cái “tòa án binh” ấy về mặt đạo đức có quyền làm như vậy hay chăng.

Giữ gìn được trong một thời gian dài, nhưng cuối cùng cũng tới lượt tôi. Do điều kiện dinh dưỡng kém nên tay tôi bị nổi mụn nhọt. Tôi hỏi chỉ huy nhóm lính canh, một tên hạ sĩ, xin đưa tôi tới khám bác sĩ. Vào một sáng, khi toàn trại bỏ đi làm việc, một tay lính gác già tốt bụng cầm súng dẫn tôi tới chỗ bác sĩ. Bác sĩ là người địa phương và rất ít khi mặc bộ đồng phục bác sĩ quân y của mình. Ông ta thường nhận bệnh nhân tại nhà mình, tại đó ông có một căn phòng dành riêng để khám. Hai tên lính Đức đã tới đăng ký trước chúng tôi, trong khi tay lính canh và tôi chờ ở ngoài sảnh tiếp nhận. Thình lình chúng tôi nghe thấy tiếng hét giận dữ của viên bác sĩ. Cửa phòng mở và mấy tên lính đi ra ngoài, vẫn quay mặt về viên bác sĩ và đứng lại ở tư thế “nghiêm” (trong quân đội Đức, lính không được phép đứng quay lưng lại đối với sĩ quan cấp trên). Tay lính gác và tôi bật dậy. Đằng sau hai tên lính viên bác sĩ bước ra khỏi phòng làm việc, hét lớn: "Đồng đội của các anh đang tưới máu mình để bảo vệ tổ quốc, vậy mà các anh dám khai giả bệnh để tránh phải ra mặt trận! Khi họ giả bệnh (ông ta chỉ vào tôi) thì tôi còn thông cảm được. Tôi cũng sẽ làm như thế nếu tôi bị bắt làm tù binh”. Tay lính gác tôi lúng búng: "Thưa bác sĩ, tù nhân này có thể hiểu được tiếng Đức”. Viên bác sĩ trả lời: "Tôi không cần quan tâm tới việc anh ta biết tiếng Đức. Tôi nói để bọn kia hiểu được ý tôi!” Rồi ông ta ra lệnh cho tôi vào phòng mình. Ông ta đeo găng tay cao su vào, khám những cái nhọt của tôi và băng chúng lại bằng những miếng băng giấy. Ông ta cho tôi biết thời gian có thể quay tới tái khám. Tôi hỏi ông về nguyên nhân căn bệnh của mình. Ôâng ta nghiêm nghị trả lời: "Đừng ngốc như thế, nguyên nhân chính là chiến tranh.” Vị bác sĩ ấy thường tới chỗ chúng tôi ba tháng một lần và khám cho tất cả chúng tôi. Trong trường hợp ấy tôi làm việc như một thông dịch viên cho mọi người. Có lần tôi mắc bệnh cúm và sợ rằng sau khi khám vị bác sĩ sẽ đưa tôi tới bệnh viện ở Ludwigsbur. Do đó tôi bảo ông ta rằng đấy chỉ là cảm lạnh sơ sơ thôi. Nhưng thay vì nói là "Kleine verkaltung" tôi lại nói "Kleine Kalt", có nghĩa là “lạnh ít”. Ông bác sĩ mỉm cười, hiểu ra và đồng ý với tôi. Bao giờ cuối buổi khám ông ta cũng thường cho tôi một điếu xì gà quấn bằng thuốc lá thật như để trả công tôi phiên dịch. Để chia sẻ hạnh phúc với các bạn nghiện thuốc, tôi đưa điếu xì gà cho họ và họ đem cắt nó ra từng mẩu nhỏ để chia với nhau. Các tù nhân nghiện thuốc đôi khi được phát makhorka – những mẩu vụn một loại lá cây gì đó tẩm dung dịch thuốc lá nguyên chất. Đám lính canh không hút loại makhorka đó và gọi chúng là "Holz" (củi đốt). Đám bác sĩ Đức cũng rất khác nhau. Có vài kẻ mắc bệnh xađích và thường tiến hành những thí nghiệm vô nhân tính trên cơ thể tù nhân. Nhưng trong số đó cũng có những người rất đứng đắn giống như ông bác sĩ của trại chúng tôi.

Đôi khi chúng tôi được gặp tù nhân thuộc các quốc tịch khác: Pháp, Ba Lan, Bỉ, Ấn Độ. Những cuộc gặp ấy diễn ra tại tơi làm việc hay trên tàu hỏa khi di chuyển. Chúng tôi trao đổi với nhau thông tin từ các mặt trận, tất cả chúng tôi đều rất vui mừng khi nghe bọn Đức bị thua trận. Chúng tôi nói với nhau bằng thứ tiếng Đức đơn giản, nhưng vẫn có thể hiểu nhau rất rõ. Tôi từng được nghe một câu chuyện kể rằng có hai tù nhân, một người Nga và một người Pháp, trò chuyện với nhau bằng thứ tiếng Đức phát âm sai bét và đầy lỗi như thế, trong khi có một tên lính Đức đang đứng ngay sát cạnh mà vẫn không thể hiểu nổi một lời.

Không phải tất cả bọn Đức đều giống nhau hay tỏ ra thù địch với chúng tôi. Tôi nhớ có một hôm trời mưa và rất lạnh, khi chúng tôi, lạnh và ướt tới tận xương, đang làm việc trên đường tàu. Người thợ máy lái tàu, người được chúng tôi phục vụ, khi thấy chúng tôi trong tình trạng đáng thương như thế đã ném rất nhiều bánh than cám cho chúng tôi để có thể tự sưởi ấm sau khi trở về khu trại. Chúng tôi nhặt những bánh than đó lên và nói lời cảm ơn ông ta. Tôi trông thấy những giọt nước trong mắt ông. Để giấu chúng đi, ông ta quay lưng lại rồi vẫy tay với chúng tôi và ném thêm xuống vài bánh than nữa. Có lẽ con trai ông đã mất tích khi đang chiến đấu trên mặt trận phía Đông và ông nghĩ con mình cũng đang phải chịu giam cầm. Có lần chúng tôi phải đi sửa đoạn đường ray nằm cạnh một ngôi nhà nhỏ, có lẽ đó là nhà của một công nhân đường sắt. Một người đàn bà cùng đám con nhỏ sống ở đó. Cô ta kéo lũ trẻ lại khi chúng cố chạy tới chỗ chúng tôi, và nhìn chúng tôi với ánh mắt căm thù. Tên lính canh bảo với tôi rằng đó là một "Kriegswitwe", một góa phụ vì chiến tranh, có chồng bị giết tại mặt trận phía Đông. Cô ta nói với viên đốc công của chúng tôi và hắn ra lệnh cho chúng tôi mang tới cho cô ta một thanh tà vẹt gỗ đã cũ để làm củi đốt. Mọi người mang tới cho cô ta hai thanh tà vẹt. Dù cô ta ghét chúng tôi, chúng tôi vẫn cảm thấy thương hại người phụ nữ đó, dù chồng cô ta là kẻ thù của chúng tôi và đã phải trả giá đời mình vì điều đó.

Tại một trong những cửa hàng bán lẻ ở Lorch (tại thị trấn đấy có rất ít hàng hóa Đức được bán công khai) có một tấm áp phích lớn sặc sỡ dán trên cửa sổ. Trên áp phích vẽ một khẩu đại bác của Đức. Ở hậu cảnh là một tên lính pháo binh Đức đang vươn dài cánh tay của hắn về phía người xem. Dòng chữ trên đó đề: “Hãy trao đạn cho chúng tôi!” Khi chúng tôi có dịp phải đi ngang cửa hàng, một vài tù nhân kín đáo làm mấy cử chỉ lăng mạ với tên lính pháo binh Đức. Điều đó thật ngô nghê nhưng là một phản ứng rất chân thật.

Tất cả mọi con đường trong khu vực chúng tôi sống đều được viền hai bên bằng những hàng cây táo. Vào mùa thu, khi táo chín, những rãnh đất dọc bên đường đều chất đầy táo, cuối cùng phải vứt cho súc vật ăn. Đôi lần chúng tôi đề nghị bọn lính và tên hạ sĩ cho phép chúng tôi lấy một chiếc xe ngựa ở chỗ Bromer cùng với hai người đi nhặt táo rụng cho cả nhóm, có một lính gác áp giải. Đấy thực sự là một dịp lễ đối với chúng tôi. Khi làm việc dọc đường tàu, chúng tôi có dịp tận mắt thấy bọn Đức đã cướp bóc các quốc gia Châu Âu như thế nào. Các toa xe mang các dấu hiệu của Ba Lan, Áo, Pháp, Ý, Bỉ, Đan Mạch, Nam Tư và nhiều nước khác. Chỉ có một lần chúng tôi được thấy toa chở hàng của đất nước mình, của nước Nga Xô viết. Có lẽ nó đã được sửa lại cho hợp với tuyến đường sắt hẹp hơn kiểu Châu Âu. Nó đứng lẻ loi trên một tuyến đường tránh, và chúng tôi âu yếm vuốt ve hai bên sườn cũ mòn của nó như một phần của tổ quốc xa xôi và mến thương của mình!

Có lần tên hạ sĩ, chỉ huy nhóm gác, một tay hăng máu khác thường, giống như đám thượng sĩ Nga, quyết định gây ấn tượng với tôi bằng kiến thức của mình và đồng thời để chứng tỏ sự ưu việt về chủng tộc. Làm vẻ mặt đặc biệt nghiêm nghị, hắn hỏi tôi đã bao giờ được nghe về những cuộc chiến tranh Punic chưa. Dựa theo nét mặt hắn tôi có thể thấy rõ rằng hắn chắc chắn tôi sẽ trả lời là “không”. Tôi quyết định mình sẽ không cho hắn niềm vui thích đấy và trả lời rằng đó là các cuộc chiến giữa La Mã và Carthage vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, rằng đã diễn ra ba cuộc chiến để giành quyền kiểm soát Địa Trung Hải và rằng Carthage cuối cùng đã thua trận. Gã hạ sĩ tỏ ra bị sốc và rất thất vọng. Hắn suy nghĩ trong chốc lát, rồi mỉm một nụ cười láu cá và bảo: “Thế thì tôi sẽ hỏi anh một câu hỏi mà anh cũng không cần phải trả lời, bởi rất ít người biết điều đó. Đấy là một cuộc chiến tranh giữa La Mã và Carthage, thế tại sao người ta lại gọi đó là cuộc chiến Punic?” “Bởi vì người La Mã gọi người Carthage là Pune.” Thế là tên hạ sĩ càu nhàu và câm họng. Có lẽ, kiến thức về lịch sử của hắn đã cạn kiệt. Hắn phẩy tay và quay trở vào phòng gác, quên cả đóng cửa phía sau lưng. Tôi nghe tiếng hắn thất vọng nói với tên lính bên cạnh: “Thì ra lũ Nga hèn hạ đó cũng biết về cuộc chiến Punic”. “Vậy có thêm cuộc chiến nào nữa nổ ra hay sao?” – bọn lính lo lắng hỏi. “Ôi lũ con nhà nông dân chúng mày,” – tên hạ sĩ khinh bỉ nói. “Những cuộc chiến đó diễn ra từ thời cổ đại!” “Nếu các cuộc chiến đó diễn ra từ lâu rồi thì tại sao chúng ta lại phải nhớ tới chúng? Tôi chỉ muốn biết lúc nào thì cuộc chiến tranh này kết thúc.” – tên lính phản đối. “Đi làm nhiệm vụ của mày đi và đừng hỏi những câu hỏi ngu ngốc nữa,” – tên hạ sĩ kiêu căng đáp, không hề nghi ngờ rằng những lời đó cũng rất hợp với hắn. Sau đó hắn đóng sầm cánh cửa phòng lại. 

Chạy trốn! Quay trở về với Hồng quân, cầm lấy vũ khí và trả thù cho tất cả những nhục nhã, xúc phạm và đánh đập. Chúng tôi tất cả đều quan tậm tới vấn đề đấy và bàn bạc với nhau rất nhiều về nó. Chạy trốn, nhưng chạy đi đâu? Chúng tôi đang ở phía Tây Nam nước Đức. Hàng ngàn dặm đường đất thù nghịch ngăn trở giữa chúng tôi với Đất Mẹ. Đi về phía Đông qua những vùng đất đầy người Đức sinh sống, kế đó là vùng đất Ba lan bị chiếm đóng, rồi cuối cùng là qua mảnh đất của chúng ta, vẫn còn nằm dưới ách phát xít – điều đó là không thể thực hiện được! Chạy trốn về phía Tây, tới nước Pháp chăng? Nước Pháp chỉ cách chúng tôi 150 kilômét. Nhưng Pháp cũng đang bị bọn Đức thống trị, và cũng bị chia cách với chúng tôi bởi sông Rein. Cách 200 kilômét về phía Nam là vùng đất Thụy Sĩ trung lập. Tại một vị trí đường biên giới khuất sau cái hồ rộng tên là Bodensee và tại nhiều nơi khác biên giới nằm sau các rặng núi. Ở trại tập trung Ludwigsburg chúng tôi đã nghe những câu chuyện về các cuộc đào thoát tới Thuỵ Sĩ. Các tù nhân chạy trốn thường trộm những chiếc xe đạp của dân địa phương, đạp tới hồ Bodensee vào ban đêm, rồi tròng vào người những cái ruột xe đã bơm căng và cố gắng bơi qua hồ. Những ai không bị giết bởi bọn lính biên phòng Đức và không chết đuối thì qua được tới Thụy Sĩ và được đưa tới một trại giam khác. Nên tất cả cũng chỉ là sự thay đổi nhà tù. Tôi có nghe câu chuyện về một người tù như thế, đã vượt qua được biên giới nhưng lại bị bọn Đức bắn bị thương. Anh ta ngã xuống ngay trên đường biên giới. Lính biên phòng Đức và Thụy Sĩ chạy tới chỗ anh ta. Người tù van xin phía Thụy Sĩ đem anh đi, nhưng họ sợ bọn Đức và từ chối. Con người tội nghiệp đó bị đưa trở lại Ludwigsburg và bị xử bắn.

Dù vậy, hai người trong đội chúng tôi vẫn trốn đi. Tôi không còn nhớ nổi tên của họ. Không một ai trong chúng tôi biết là họ đang chuẩn bị chạy trốn. Một hôm họ đi lấy bữa sáng tại nhà bếp cùng với tên lính gác và rồi biến mất. Tên lính gác giận dữ quay về; hắn la lối rằng bây giờ hắn sẽ bị đưa ra mặt trận, rằng tất cả chúng tôi sẽ bị xử bắn và đại loại thế. Ngày hôm sau chúng tôi không được đưa đi làm. Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Nhanh chóng, toàn bộ cảnh sát từ thị trấn Lorch đổ tới lục soát chúng tôi, xới tung toàn bộ khu trại. Thậm chí chúng còn ra lệnh cho chúng tôi phải rút cả rơm độn các tấm nện giường lên. Chúng la mắng chúng tôi và đối xử rất thô lỗ. Nhưng tất nhiên chúng không tìm thấy bất cứ thứ gì. Khoảng một tuần sau chúng tôi được thông báo là hai người kia đã bị bắt lại. Có lẽ, chúng đã thông báo sự thật – dù sao họ cũng không thể đi xa được. Không có thức ăn, không có bản đồ, không có la bàn, trên người mặc bộ quần áo tù, lại không biết ngôn ngữ giữa một khu vực dân cư sinh sống đông đúc nên sự đào thoát của họ dẫn tới sự thất bại tất yếu. Tôi không nghe nói điều gì về số phận của họ, nhưng những ai thử trốn mà bị bắt lại đều bị đưa đi thủ tiêu.

Cuộc đời của chúng tôi trong đội lao động ấy như thế nào? Làm việc nặng nhọc và thiếu thốn thức ăn, sống trong tình trạng như trong nhà tù, chịu sự cư xử thô bạo của bọn lính canh, và điều chủ yếu là một tương lai hoàn toàn không xác định. Chúng tôi không được có chút quyền hạn gì. Bọn lính canh có thể đánh nhừ tử hay thậm chí giết chết bất cứ người nào trong số chúng tôi. Đối với tổ quốc, chúng tôi là những kẻ phản bội, và khi chúng tôi trở về có lẽ sẽ phải đối diện với một toà án và sẽ bị đày đi làm việc trong các hầm mỏ ở Siberia. Chúng tôi cảm thấy mình có tội mà không phạm phải bất cứ tội nào. Chúng tôi sống trong một tình trạng tồi tệ, không quan tâm tới việc người ta trông chúng tôi như thế nào. Tôi còn nhớ rằng mình đã ghi lại những dòng nhật ký dưới đây, mà sau này đã bị tiêu hủy: "Như lũ súc vật thồ, tôi kéo cái ách của mình mà không còn nhớ tới quá khứ và cũng không còn chút hy vọng vào tương lai.” Không một ai có thể hiểu nổi cuộc sống như thế. Một số người bị đưa đi, và những tù nhận mới được gửi tới nhóm chúng tôi để thay thế họ, và qua những người mới đến chúng tôi biết được những gì đang xảy ra trên thế giới. Đây là một sự thật đáng ngạc nhiên, nhưng những người sống ở thành phố, dù có thể trạng yếu hơn, lại chịu đựng cái điều kiện tồi tệ đó tốt hơn những người nông dân.

Vào cuối năm 1944, khi Mặt trận thứ hai được mở và nước Đức phải chiến đấu trên hai mặt trận, cả phía đông lẫn phía tây, thái độ của binh lính Đức, những kẻ canh giữ chúng tôi, bắt đầu thay đổi hoàn toàn. Như người ta vẫn nói, đôi khi ăn đòn làm cho người ta tỉnh ra. Có vài tên lính bắt đầu tuyên bố một cách thận trọng: "Cả anh lẫn tôi đều là những người tốt. Vậy sao chúng ta lại phải đánh nhau? Nước Nga có thể bán cho chúng tôi dầu hỏa và bánh mì, trong khi chúng tôi sẽ sản xuất máy móc cho nước Nga.” Tôi trả lời với hắn là sự cân nhắc ấy đáng lý phải được thực hiện từ trước chiến tranh, và hắn buồn rầu đồng ý với tôi. 

Tình hình càng ngày càng trở nên đáng báo động hơn. Không quân Mỹ bắt đầu ném bom những thành phố gần chỗ chúng tôi, và thường phá hủy các tuyến đường sắt. Chúng tôi bị bắt buộc phải đi sửa lại chúng. Những tuyên truyền viên tới từ ROA (Quân đội Giải phóng nước Nga) bắt đầu tới thăm chúng tôi thường xuyên hơn, khuyến khích chúng tôi gia nhập quân đội của Vlasov. Chúng cũng bảo chúng tôi là “trong trường hợp xấu nhất, toàn thể Châu Âu sẽ mở cửa đón chúng ta”. Chúng lái chúng tôi tới chuyện nhét vũ khí Đức vào tay chúng tôi, “trước khi điều đấy thành quá muộn”. Những tin đồn gây hoang mang bay tới từ trại tù binh Ludwigsburg nói rằng bọn chúng đang dùng vũ lực ép buộc mọi người gia nhập vào quân đội của chúng. Tuy nhiên, còn lâu mới tìm được những kẻ ngu ngốc hay phản bội trong nhóm của chúng tôi. Vào một ngày làm việc chúng tôi không được đưa tới công trường mà ở lại trong khu trại. Chúng tôi được yêu cầu ngồi xuống quanh chiếc bàn và chờ đợi. Tất cả chúng tôi đều mất bình tĩnh vì những phỏng đoán đầy lo âu. Cuối cùng, cánh cửa thông sang phòng bọn gác mở ra, một tên hạ sĩ quan xuất hiện và ra lệnh tất cả chú ý. Chúng tôi đứng dậy. Một gã sĩ quan Đức lạ mặt bước vào phòng. Hắn khẽ nói điều gì đó với tên hạ sĩ. Tên kia chào và đi ra khỏi phòng. Tên sĩ quan đi tới giữa nhà và bắt đầu nhìn thẳng vào chúng tôi. Hắn là một người thấp, khoẻ mạnh và đã đứng tuổi, có một bộ râu mép đỏ đã bắt đầu điểm bạc, lông mày đậm và cái nhìn như khoan thẳng vào người đối diện. Sự mâu thuẫn giữa tuổi tác và chức vụ của hắn lộ rõ. Hắn chỉ được đeo lon trung uý. Các sọc vàng trên quân phục của hắn cho biết hắn là một sĩ quan kỵ binh. Nhiều phút trôi qua trong im lặng. Bất ngờ tên sĩ quan thốt lên bằng tiếng Nga rõ ràng rành mạch: “Nghỉ, xin ngồi xuống, thưa các ngài!” Các “quý ngài” ngạc nhiên ngồi xuống. Tên sĩ quan bước dọc theo cái bàn và bắt đầu nói: "Thưa các ngài, tôi cũng là người Nga như các ngài, nhưng lớn tuổi hơn, và theo ý muốn của số mệnh tôi đã phải rời tổ quốc của mình. Tôi là một trung uý thuộc trung đoàn Astrakhanski, từng tham gia Thế chiến thứ nhất và cả thời kỳ Nội chiến. Như các ngài có thể đoán, tôi chiến đấu bên phe Bạch vệ.” “Thưa các ngài,” hắn tiếp tục, “Thế chiến thứ hai đã tiến tới giai đoạn quyết định, và không ai có thể tránh không tham gia vào đó. Các ngài cũng có thể tham dự, nhưng lần này là ở phe những người văn minh và chính nghĩa. Các ngài sẽ sớm được tuyển vào Quân đội Giải phóng nước Nga của tướng Vlasov và sẽ phục vụ vào làm lính bộ binh. Hiện tôi đang thành lập một đơn vị kỵ binh Cossack có đặc quyền và tới đây để tuyển lựa những ai từng phục vụ trong những đơn vị kỵ binh hay Cossack, những ai là người Cossack hoặc những ai mong muốn phục vụ trong một đơn vị ưu tú thay vì phải vào bộ binh.” Chúng tôi lặng người đi vì những thông tin và những lời đề nghị như thế. Sau khi dừng lại một lúc, tên sĩ quan hỏi: "Thế nào, các ngài, ai muốn gia nhập đây?" Tất cả chúng tôi đều giữ im lặng. Tên sĩ quan tiếp tục: "nếu ở đây không có người tình nguyện, tôi sẽ tự chỉ định những người mà tôi thấy là phù hợp. Nhưng tôi cảnh báo các anh là tôi sẽ chuyển những ai từ chối cho Gestapo. Các anh cũng tự biết điều đó có nghĩa gì rồi. Không ai còn sống sót và khoẻ mạnh quay về từ chỗ đấy đâu.” Sau những lời đấy hắn bắt đầu gọi lần lượt từng người, hỏi tên, chức vụ, nghề nghiệp của gia đình và v.v. Tôi muốn đứng lên và nói: “Thưa ngài! Chúng tôi đã chiến đấu một cách trung thực, bảo vệ tổ quốc của mình và chúng tôi bị bắt làm tù binh không phải là do lỗi của bản thân. Phân nửa đất nước chúng tôi bị tàn phá bởi chiến tranh. Hàng triệu người dân nước tôi bị chết. Chúng tôi đang bị sử dụng như những nô lệ, chúng tôi bị bỏ đói, chúng tôi bị đánh đập và hạ nhục. Còn bây giờ, khi nước Đức bị đánh bại từ cả hai phía, khi chúng tôi có được hy vọng sẽ kết thúc chiến tranh, được giải phóng và quay về tổ quốc, thì ông lại ở đây và đề nghị chúng tôi mặc vào bộ quân phục Đức, cầm lấy vũ khí Đức và bảo vệ nước Đức. Ông đang đề nghị chúng tôi chiến đấu chống lại những người anh em của mình, những người đang đến để giải phóng chúng tôi. Có lẽ, ông nghĩ tất cả chúng tôi ở đây đều là lũ khờ để ông đưa ra một lời đề nghị như vậy. Ông đã từng đánh lại chính đồng bào của ông, đánh mất quê hương của ông và tự hạ mình tới mức đi mặc vào người bộ quân phục của Đức, trở thành một kẻ phản bội. Giờ đây ông muốn chúng tôi cũng làm như vậy, để cho chúng tôi (nếu chúng tôi không bị giết bởi chính những anh em của mình) sẽ lặp lại số phận của chính ông.” Mỗi người trong chúng tôi đều muốn nói như vậy, nhưng chúng tôi không thể. Chúng tôi phải đứng im lặng, bởi tên Bạch vệ mặc quân phục Đức đó có thể bắn bất cứ người nào trong số chúng tôi. Sau khi thẩm vấn, tên sĩ quan chọn ra ba người và đưa họ đi. Một trong số họ là Lisnevski, một chàng trai dễ thương thuộc gia đình trí thức; người thứ hai là Yurkin, một kẻ khó ưa đã bị mất gốc. Tôi không còn nhớ tên của người thứ ba. Một thời gian sau Lisnevski tìm được cách thoát khỏi câu chuyện bẩn thỉu đó và quay trở về nhóm chúng tôi. Chúng tôi không biết được điều gì đã xảy ra với hai người còn lại. Những lời đe dọa sẽ động viên vào quân đội của Vlasov không bao giờ trở thành sự thật. Hoặc là chúng không có đủ thời gian hoặc bọn Đức không đồng ý vũ trang cho những ai công khai tỏ ra thù địch với chúng. Hoặc tên Bạch vệ kia chỉ nói dối tất cả mọi chuyện với chúng tôi để dọa nạt mà thôi. 

Trong khi ấy, tình hình ngày càng trở nên đáng lo. Chiến tranh nhanh chóng tiến về phía chúng tôi từ hướng tây. Đấy là những tin tức vừa tốt lành lại vừa đáng lo ngại. Trước khi thất trận, bọn Đức có thể sẽ “đóng cửa lại” tàn sát tất cả chúng tôi. Những máy bay ném bom của người Mỹ oanh tạc các thành phố, các tuyến đường sắt và các xa lộ lân cận. Máy bay ném bom bay hàng đàn tới Stuttgart và tiến hành “ném bom rải thảm”, thả hàng trăm quả bom cùng một lúc dựa theo các tín hiệu vô tuyến. Nhằm làm vô hiệu hóa hỏa lực phòng không của Đức, người Mỹ thả xuống từ các máy bay ném bom rất nhiều những dải kim loại. Tôi nghe những người nông dân Đức nói rằng những dải kim loại ấy được thả xuống để đầu độc tất cả các gia súc.

Mùng một tháng Tư năm 1945 là ngày cuối cùng chúng tôi còn làm việc trên tuyến đường sắt. Sau đó chúng tôi chỉ còn ngồi trong nhà kho, bị khóa kín cửa, chờ cho mọi việc xảy đến. Tất cả chúng tôi đều rất căng thẳng. Trong một ngày như thế một máy bay tiêm kích của Mỹ đã tấn công khu trại chúng tôi và nã xuống một loạt đạn từ khẩu đại liên cỡ lớn của nó, nhưng may mắn thay, trong chúng tôi không có ai bị thương cả. Chúng tôi sớm nghe thấy tiếng đại bác nổ từ phía xa. Chúng tôi lắng nghe nó như thể đó là tiếng nhạc mừng cho sự giải thoát chính mình. Vào một trong những ngày đó chúng nhìn thấy từ cửa sổ của mình một đoàn tù binh rất đông có lính áp giải dừng lại nghỉ đêm trên cánh đồng đằng sau con sông. Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng súng nổ. Trả lời câu hỏi của tôi về lý do tiếng súng nổ, tên hạ sĩ nói rằng một tù nhân trong đám đó cố gắng bỏ trốn, nhưng bị bắn chết.

Cuối cùng, tới ngày thứ năm thì vụ “ngồi trại” đó kết thúc. Trong bữa sáng ngày mùng 6 tháng Tư chúng tôi được lệnh phải sắp hàng để hành quân với hành trang cá nhân. Chúng tôi không được biết mình bị dẫn đi đâu và tại sao. Chúng tôi nghĩ ra đủ thứ – từ tình huống tốt nhất tới tình huống xấu nhất có thể tưởng tượng ra được. Chúng tôi sắp xếp đồ đạc nhanh chóng. Mỗi người chúng tôi có một túi xách, bên trong bỏ những vật dụng thiết yếu nhất của mình. Tôi có một quyển sách, một cuốn từ điển tiếng Đức mà tôi tự làm từ những mảnh giấy của bao đựng ximăng. Cái bìa làm từ mảnh len màu xanh lá cây sẫm được phát cho chúng tôi để vá quần áo. Cuốn sách to và nặng, trong khi tôi lại yếu sức nên tôi phải bỏ lại trong trại.  Tôi vẫn còn rất tiếc vì điều đó. Chỉ huy khu đồn trú tới nói lời tạm biệt với chúng tôi, hắn ta vốn là một bác sĩ, một người thấp bé và kiêu căng. Hắn nói tạm biệt với đám lính, và chỉ ngạo mạn nhìn chúng tôi, không thèm nói một lời. Và rồi chúng đưa chúng tôi đi. ??? Vĩnh biệt công ty Lutz, Meister Riwa và cái khu trại nằm sau hàng rào dây thép gai! Chúng tôi mau chóng nhận ra rằng mình đang bị đưa về phía đông. Điều đó có nghĩa là chúng đang đưa chúng tôi rời xa mặt trận, đang ngày một tiến lại gần. Ban đầu chúng tôi đi với rất đông lính áp giải và thậm chí có cả chó canh. Nhưng sau một thời gian số lượng lính canh giảm dần, và chó thì biến mất ở một quãng nào đó. Tên hạ sĩ, chỉ huy nhóm áp giải chúng tôi, cũng biến mất. Một tên đội già (Feldwebel) được chỉ định lên thay hắn. Quân phục của hắn bốc đầy mùi nấm mốc rất khó chịu. Chúng tôi dừng lại nghỉ đêm trong những ngôi làng, ở đó chúng tôi thường bị nhốt lại trong những nhà kho, có lính Đức đứng gác. Chúng tôi được cho ăn khoai tây luộc, do bọn lính gác Đức lấy từ các nông dân. Các nông dân Đức trồng rất nhiều khoai tây. Dù tình hình rất khó khăn và sự bất lường của tương lai phía trước, chúng tôi vẫn tò mò quan sát đời sống người nông dân Đức và những ngôi nhà họ ở. Chiến tranh tới gần đưa sự hoảng loạn vào vùng hậu phương nước Đức. Chúng tôi trông thấy bọn phát xít địa phương khẩn trương sơ tán về khu vực trung tâm đất nước, và chúng tôi cũng thấy sự tổng động viên tất cả người già và trẻ em. Một lần chúng tôi trông thấy bọn lính đang áp giải những tân binh mới bị động viên, trong số đó có cả một cậu gypsy còn rất trẻ, mặc chiếc áo vét quân phục Đức choàng ra ngoài bộ quần áo dân thường.

Nhiều ngày trôi qua trong cuộc hành trình. Nhưng một lần chúng tôi bị đánh thức bởi những dấu hiệu khác lạ vào giữa đêm khuya. Cửa nhà kho nơi chúng tôi đang nằm không bị khóa, và ở xung quanh lính gác hoàn toàn biến mất. Tất cả chúng tôi đều đứng lên vì kích động. Điều này có nghĩa gì? Chúng tôi phải làm gì đây? Vài người hăng hái đòi bỏ trốn ngay lập tức! Những người khác cho rằng đây là trò khiêu khích của bọn Đức, chúng sẽ viện cớ bỏ trốn để bắn chết tất cả mọi người. Chạy trốn trên đồng trống không có rừng rậm, giữa những cộng đồng thù địch và hàng đoàn lính địch là một việc vô vọng. Sau khi thảo luận hồi lâu chúng tôi quyết định hẵng cứ chờ đợi đã. Sáng hôm sau viên đội nọ bước vào căn nhà kho của chúng tôi. Hắn nói rằng đám lính gác bị chuyển lên mặt trận, trong khi chính hắn đứng ra bảo đảm với cấp trên là chúng tôi sẽ không trốn chạy. Hắn cũng nói rằng từ giờ phút này hắn sẽ là người gác duy nhất. Tới lúc sáng rõ, chúng tôi ra ngoài sắp hàng lại. Tên đội đi đằng trước, chúng tôi theo sau, và tất cả cùng hành quân về phía đông. Các ngả đường đều kẹt cứng các đơn vị hậu cần và dự bị của Đức đang rút lui. Lính Đức thuộc các đơn vị ấy hét với theo tên lính canh của chúng tôi: “Việc quái gì mà mày phải áp giải chúng nó đi như vậy? Bắn sạch chúng nó đi, trước khi chúng nó kịp bắn vào chúng ta!” Tay lính canh của chúng tôi cứ giả vờ như không nghe gì hết. Mọi người hỏi tôi xem bọn Đức đang la hét điều gì. Tôi không muốn làm họ lo lắng thêm nên trả lời: "Ồ, không có gì đâu, chỉ là trò chuyện vớ vẩn thôi, đừng để ý đến".

Đột nhiên một nỗi sợ hãi lan đi trong khắp cái khối người ngựa và xe cộ đang rút lui ấy. Tiếng súng, sự hỗn loạn và tháo chạy vẫn tiếp tục. Chúng tôi tìm cách vượt qua đám đông đó và tiến xa hơn trên con đường. Rồi chúng tôi dừng lại ở một khoảng rừng nhỏ. Tên lính gác của chúng tôi đã hoàn toàn mất phương hướng. Để trả lời cho câu hỏi của tôi xem hắn định dẫn chúng tôi đi đâu, hắn đáp: “Tôi chỉ là một cai đội, còn tất cả các anh đều là sĩ quan, vậy các anh tự quyết định đi!” Từ lúc đó, giữa tên gác và chúng tôi có một sự thỏa hiệp ngầm, cùng đóng giả sao cho có vẻ như chúng tôi vẫn là những tù nhân. Sau khi tham khảo ý kiến, chúng tôi quyết định đi tới một ngôi làng nhỏ, cách xa đường lớn và dừng ở đó chờ người Mỹ tới. Tay lính gác đích thân đi tìm giúp chúng tôi một ngôi làng như thế. Đấy là làng Stetten. Chúng tôi trú trong nhà kho của một nông dân giàu có. Ở đấy có một hầm chứa khoai tây nằm dưới căn nhà kho. Người Đức chủ của cái kho im lặng, không phản đối việc chúng tôi chiếm đóng tài sản của anh ta. Có lẽ anh ta sợ chúng tôi. Viên đội của chúng tôi có lẽ cũng trở nên sợ chúng tôi hơn, dù chúng tôi luôn tỏ ra rất biết điều với anh ta. Anh ta trốn trong một căn nhà trên phố và không ló mặt ra ngoài nữa. Chúng tôi sống như thế trong suốt nhiều ngày, cắt người canh gác ban đêm để tránh bị bất ngờ trước bất cứ tình huống nào xảy ra. Chúng tôi luộc khoai tây lấy trong hầm nhà bằng một cái nồi. Vài người trong chúng tôi đi vòng quanh làng và cưa cây rồi bổ củi cho nông dân để đổi lấy những thức ăn khác.

Lính Đức, bọn cảnh binh cùng chó canh, những thường dân (có lẽ là các thành viên của Đảng Quốc xã) và thậm chí là vài tên lính đi lẻ lục đục rút qua trước mặt chúng tôi theo con đường làng. Đôi khi bọn lính Đức có bước vào cái nhà kho của chúng tôi để ở lại qua đêm hay để nghỉ chân. Tôi cũng nói chuyện với chúng. Hầu hết chúng đều đã đào ngũ và ngang nhiên nói về thất bại của nước Đức. Vài tên trong bọn chúng hy vọng rằng vào ngày 20 tháng Tư, ngày sinh nhật của Hitler, một hiệp định hòa bình sẽ được ký kết. Chúng cũng nói rằng những đơn vị chặn hậu đặc biệt được thành lập từ những binh lính của Vlasov, chúng hành quyết tất cả những binh lính rút chạy và những người tụt hậu lạc đơn vị. “Nếu không có bọn đồng hương của chúng mày thì chúng tao đã thôi đánh nhau từ lâu rồi.” Chúng cũng cảnh báo chúng tôi rằng bọn Vlasov là những đứa rút lui cuối cùng và bắn chết tất cả mọi người, thậm chí cả tù binh Nga. “Cho nên hãy cẩn thận với đám đồng hương của chúng mày đấy.” Sẽ là thật đáng buồn lúc này nếu phải chết dưới tay lũ kẻ cướp đó, khi giờ giải phóng đã gần kề. Chúng tôi quyết định sẽ trốn vào trong một hầm chứa bê tông chờ cho bọn Đức rút đi.

Suốt đêm ngày 25 tháng Tư năm 1945 chúng tôi hoàn toàn không ngủ. Dựa theo tiếng pháo và tiếng đại liên nổ thì chiến trận đang diễn ra ở rất gần. Nhiều lính Đức đang say chếnh choáng đi vào cái nhà kho của chúng tôi. Tôi nghe tiếng chúng bảo rằng phải chuồn đi càng nhanh càng tốt. Một tên lính Đức trông thấy chúng tôi và hỏi đồng bọn của hắn: “Chúng ta phải làm gì với lũ lợn Nga này bây giờ? Chẳng lẽ chúng ta lại bỏ mặc chúng thế kia? Tao sẽ ném một quả lựu đạn vào đấy”. May thay, một tên Đức khác phản đối: “Đừng làm vậy, đã có quá nhiều máu đổ ra rồi”. Tranh cãi với nhau một hồi, chúng bỏ đi. Tôi nhận ra đó là những tên lính Đức cuối cùng rút lui, và bọn Vlasov sẽ có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào. Tôi hét: “Các đồng chí, đã tới lúc phải rút xuống hầm thôi!” Tấùt cả mọi người đều chạy nhanh xuống hầm kho bằng bê tông.

Chúng tôi đã sẵn sàng chờ lũ cướp ấy đến bất cứ lúc nào, chúng tôi cho rằng chúng sẽ bắn chết chúng tôi hay ném lựu đạn vào trong hầm chứa. Chúng tôi ước gì mình có vũ khí trong tay. Chỉ cần hai hay ba khẩu súng có kèm đạn dược. Khi đó chúng tôi sẽ không lẩn trốn nữa mà sẵn sàng đón tiếp lũ phản bội kia thật cẩn thận. Nhưng chúng tôi chẳng có gì trong tay cả. Nhiều giờ trôi qua trong căng thẳng chờ đợi, trong thời gian đó chúng tôi cảm thấy mình như đang lơ lửng giữa sống và chết vậy. Đám cháy bên ngoài tắt dần, và cuối cùng bình minh đã đến.

Một người trong bọn tôi cẩn thận luồn ra ngoài cái sân để xem điều gì đang xảy ra bên ngoài. Lập tức anh quay lại hét lên đầy vui sướng: “Người Mỹ đang ở đây, chúng ta được tự do rồi !” Tất cả chúng tôi đều chạy ùa ra ngoài. Những người lính mặc quân phục màu xanh lá cây nhạt, trông như thể những bộ đồ thể thao, đang đứng trên đường phố. Vài người trong bọn họ là da trắng, vài người khác da đen. Chúng tôi chạy tới chỗ họ, lắc tay họ, nói những lời cảm ơn với họ. Không ai trong chúng tôi biết tiếng Anh, còn những người đã giải phóng chúng tôi lại không nói được tiếng Nga, nhưng chúng tôi hiểu nhau rất rõ. Những người Mỹ cười rạng rỡ, miệng nói: “Rasen, rasen - Russian, Russian!”, tặng chúng tôi thịt hộp, sôcôla và thuốc lá. Đấy là vào 5 giờ 30, buổi sáng ngày 25 tháng Tư năm 1945. Thật hạnh phúc làm sao !

Dịch từ Nga sang Anh: Bair Irincheev
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân


ZHURAVLEV ALEXANDER GRIGORYEVICH
Zhuravlev Alexander Grigoryevich, Anh hùng Liên Xô, trung úy và là trung đội trưởng, tham gia các trận Stalingrad và Kursk, trận vượt sông Dnieper, giải phóng Ba Lan, đánh chiếm Sandomierz, Berlin và Prague. Alexander Zhuravlev ra mặt trận khi ở tuổi 30; trong thời gian hòa bình trước chiến tranh ông giữ một chức vụ tại một xưởng máy tại Maskva. Hẳn là vì thế nên ông được tin cậy giao cho chức vụ khẩu đội trưởng chứ không chỉ là một trung đội. Hiện nay thị lực của ông đã hòan tòan mất hẳn. Tuy nhiên, điều này đã cho phép ông hồi tưởng kỹ càng về thời kỳ khó khăn trong chiến tranh, sắp xếp lại cho chính xác và phân tích nguyên nhân và kết quả của mỗi sự kiện xảy ra trong chiến tranh. Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, ông đáp: “Tôi phải sống!” 

Khi chiến tranh nổ ra ông đang ở Maskva. Vậy chuyện chiến tranh xảy ra có phải là một điều hòan tòan bất ngờ không? Cảm xúc nào phổ biến trong cộng đồng dân cư thủ đô?
 
Khi chiến tranh nổ ra tôi đang làm việc trong một nhà máy ở Maskva chuyên sản xuất máy biến thế. Tôi giữ chức vụ quản đốc một xưởng thực nghiệm. Chúng tôi làm ba ca một ngày mà không có ngày nghỉ kể từ chiến tranh chống Phần Lan năm 1939-1940 trở đi. Chúng tôi làm việc như thế cho tới năm 1941. Ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu từ 8 giờ sáng. Vào ngày chiến tranh chống phát xít Đức nổ ra, tôi đang đi tới nhà máy như thường lệ. Đó là một ngày Chủ nhật như bình thường. Một số người đi về nhà nghỉ ở quê, những người khác đi câu cá. Bất ngờ một nhân việc thuộc văn phòng giám đốc chạy tới hét lớn: “Chiến tranh nổ ra rồi”. Một tay trong số chúng tôi đáp lại: "Tốt, giờ thì chúng ta sẽ cho chúng biết tay”.

Tại sao anh ấy lại trả lời như vậy? Chúng tôi đã được dạy như thế, chúng tôi được bảo rằng những thành phố quan trọng được bao vệ chắc chắn, rằng chúng tôi không muốn chiếm bất kỳ một mẩu đất nào của nước khác nhưng chúng tôi cũng không giao lãnh thổ mình cho ai. Chúng tôi tin chắc rằng các lãnh tụ của mình biết rõ mọi chuyện và họ sẽ làm tất cả những gì cần thiết. Thật thú vị khi nhớ lại khi ấy có một tranh cổ động vẽ ba nhân vật trên nền là một cánh đồng Nga: M.M. Litvinov, Bộ trưởng Bộ Ngọai giao, N.I. Yezhov, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và Bộ trưởng Quốc phòng K.Ye. Voroshilov. N.I Yezhov được mô tả như một người chỉ huy với một chiếc roi sắt kiểm sóat mọi kẻ thù của mình. Bức tranh viết: "Chúng tôi biết rõ mình phải bảo vệ ai và bảo vệ cái gì, và chúng tôi có tất cả những gì cần thiết để bảo vệ những điều đó”. Vào thời đó có những cuộc diễn thuyết liên tục tuyên bố rằng nền ngọai giao của chúng ta là thật tài ba, quân đội ta vô cùng mạnh, và chúng ta có thể dễ dàng kiềm chế kẻ thù của mình.

Chúng tôi, đám thanh niên, không thể ngồi yên, tinh thần hăng hái chiến đấu thôi thúc chúng tôi. Chúng tôi tham gia những câu lạc bộ xạ thủ Voroshilov. Chúng tôi tập bắn trên trường bắn, chúng tôi tập nhảy dù.

Một tháp để tập nhảy dù nằm tại Công viên Văn hóa Gorky. Tôi, ngòai ra, tham gia một cuộc đua xe đạp có đeo mặt nạ phòng độc. Có rất nhiều sách vở viết về thời kỳ nội chiến. Phim ảnh mô tả cho chúng tôi cảnh các chiến sĩ biên phòng của ta dễ dàng phát hiện bọn gián điệp trên biên giới. Cũng rất thú vị khi nhớ lại có một bài hát yêu nước tựa đề “Nếu ngày mai chiến tranh xảy ra” ... Đấy là l‏‎ý‏‎ do tại sao chúng tôi đều tin tưởng rằng Hồng quân sẽ “cho tất cả chúng nó biết tay”. 

Vậy mà điều trái ngược đã xảy ra. Một cụ già, nhân vật trong bộ phim "Những người sống và những người chết”, đã cay đắng thốt lên: “Tại sao các anh không nói cho chúng tôi từ trước là quân đội ta còn thiếu quá nhiều thứ? Chúng tôi có thể tiết kiệm mọi thứ nhưng chúng tôi cũng sẽ hiến mọi thứ cho Hồng quân.” Quân đội đã yếu kém hơn nhiều so với những gì chúng tôi được biết. Lực lượng chính đóng sâu cách vùng biên giới hàng trăm cây số trong khi biên giới chỉ được bảo vệ bởi lính biên phòng. Bọn họ được trang bị những gì? Đương nhiên, lính biên phòng đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh, và một số biện phòng cần thiết đã được thực hiện. Về sau này chúng tôi được biết rằng binh lính luôn đi ngủ không cởi bỏ quân phục và sĩ quan luôn ở lại trong doanh trại. Tới ngày thứ hai của chiến tranh tờ Pravda (Sự Thật) in một bài viết nói rằng trong vòng sáu tháng trước (chiến tranh - LTD) máy bay Phát xít đã xâm nhập vùng biên giới 180 lần, và gần như trong mỗi ngày. Trong khi đó, một tuần trước chiến tranh, Thông tấn xã TASS công bố một báo cáo nói rằng mọi tin đồn về một cuộc tấn công của Quốc xã cần được xem như và một sự khiêu khích.

Và chiến tranh đã nổ ra. Tòan thể nhân dân đều bất ngờ. Tin tức bay tới làm người dân Maskva vô cùng đau buồn. Vẫn chưa bị ném bom. Buổi sáng ngày thứ hai và thứ ba (của chiến tranh – LTD), chúng tôi trông thấy một đòan máy bay trên bầu trời. Phòng không bắn lên rất nhiều. Không có chiếc nào bị bắn hạ.

Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc. Tới ngày thứ hai của chiến tranh tôi được thông báo rằng mình sẽ vẫn chưa được nhập ngũ. Mãi tới ngày 10 tháng Bảy, tôi mới nhận được lệnh yêu cầu tới trụ sở tuyển quân khi nào có thời gian rảnh rỗi. Tôi mà cũng có thời gian rảnh rỗi sao? Tôi rời nhà máy và lên chuyến xe điện cuối cùng để về nhà. Khi tới được trụ sở tuyển quân, tôi được cho hay là mình không được gia nhập tình nguyện vào bất cứ lữ đòan khẩn cấp nào và không được phép rời thành phố mà không được dân ủy cho phép. Tôi phải đợi để được gọi nhập ngũ. Tới ngày 17 tháng Bảy, họ điện thọai tới phân xưởng: "Zhuravlev?" - "Vâng". "Anh phải tới trụ sở tuyển quân ngay lập tức”  

Họ đang tuyển những pháo thủ pháo hạng nặng. Một trung đòan được thành lập tại ga Alabino gần Maskva. Nhưng tôi vẫn chưa đủ may mắn để được chiến đấu trong một trung đòan trang bị cối phản lực hạng nặng Katyusha. Không bao lâu sau, chúng tôi được nhận quân phục và đạn dược. Những trung úy, tốt nghiệp tại học viện ở Leningrad, cũng vừa tới. Còn chúng tôi, đám tân binh, được chuyển về lực lượng dự bị trực thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao và sau đó là về Quân khu Maskva. Ban đầu chúng tôi đóng tại ga Kolomna gần Maskva. Sau đó chúng tôi nhận được lệnh phải chiếm lĩnh vị trí tại địa điểm phòng thủ gần Maskva nhất, trong Công viên Fili. Đó là tuyến phòng thủ cuối cùng của Maskva. Sau lưng chúng tôi không còn ai. Tháng Chạp 1941, khi cuộc phản công của quân đội Xôviết bắt đầu, chúng tôi đã được chứng kiến những đòan xe tăng bất tận chạy hết tốc lực trên đường quốc lộ Rublevskoye ban đêm. 

Tháng Giêng 1942, chúng tôi đóng quân tại vùng Dmitrov, phía Bắc Maskva. Chúng tôi ở lại đó cho tới tháng Năm. Các trận đánh ở đó không ác liệt lắm. Chúng tôi chiếm giữ một điểm cao. Đạn dược thiếu thốn. Thời kỳ đầu chiến tranh chúng tôi thường ngồi trong chiến hào mà nhìn lên bầu trời. chúng tôi mong cho máy bay quân ta xuất hiện. Tại đó cho tới lúc này vẫn không hề thấy máy bay Xôviết trên bầu trời.
 
Trung đòan của ông trực thuộc sự sắp xếp của Quân khu Maskva. Ông đã chứng kiến Maskva trong thời kỳ đen tối ác liệt nhất của trận đánh khi nó đang tới gần. Maskva thời kỳ đó như thế nào?   
 
Tôi đã chứng kiến cuộc không kích đầu tiên vào Maskva khi đang ở Alabino. Chúng tôi trông thấy một chuỗi liên tục máy bay phát xít tiến về Maskva. Chúng tôi thấy bầu trời chớp sáng và nghĩ bụng chớp sáng đó có nghĩa là một chiếc máy bay nào đó đã bị bắn hạ. Chúng tôi hét lớn: "Hurrah!" Hóa ra đó lại là chiến thuật của bọn phát xít. Đầu tiên chúng ném bom cháy và kế đó là pháo sáng. Chúng cũng dùng chính chiến thuật ấy khi vượt sông Đông và sông Đơnhiép (Dnieper). 

Tháng Mười là lúc tình thế trở nên phức tạp nhất. Ngày 16 tháng Mười năm 1941, tại Maskva xuất hiện một cuộc hỏang lọan thực sự. Đại lộ Những người Nhiệt tình dẫn về phía đông đất nước tràn ngập những xe cộ. Người ta đang chạy khỏi Maskva. Khi đó chúng tôi đang đóng tại Kolomna và không biết gì về chuyện này. Tới ngày 17 tháng Mười, chúng tôi được tập trung tại sở chỉ huy trung đòan dự bị của mình. Khi đi ngang qua Kolomna chúng tôi không hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Mọi thứ thật hỗn lọan, trông như cả thành phố đang gồng gánh đồ đạc của mình ra đi. Trung đòan trưởng khi trao đổi với chúng tôi không cho biết gì nhiều; ông chỉ đơn giản là ra lệnh cho chúng tôi phải vác tất cả vũ khí và đạn dược để lên đường tới nhà ga và lên chuyến xe lửa về Maskva. Chúng tôi ngồi đợi ở nhà ga tới tận khuya. Không có chuyến tàu nào về Maskva. Tất cà các chuyến tàu đều đã rời Maskva đi, chúng chất đầy người và trang thiết bị. Chúng tôi nhận thấy nhiều nhà máy quan trọng của Maskva đã lên đường sơ tán. Chúng tôi nhận thấy có một điều đáng sợ nào đó đã xảy ra.

Chúng tôi về tới Maskva ngày 17 tháng Mười. Ban đêm, trong doanh trại gần khu chợ Danilovsky chúng tôi đã súyt chết hụt sau một trận bom dữ dội. Sáng hôm sau chúng tôi nhận được lệnh phải chiếm lĩnh vị trí bên rìa Công viên Fili. Chúng tôi đi bộ tới đó và trông thấy rõ Maskva thời kỳ đó như thế nào. Chúng tôi vượt qua Cầu Krymsky. Nó đã bị gài mìn. Gần Công viên Văn hóa Gorky, nhà ga tàu điện ngầm, những túi đựng đường được thành đống giữa những cửa hàng thực phẩm tạo nên một bức tường cao ngang đầu người. Những chiến lũy tương tự cũng xuất hiện trên Quảng trường Dorogomilogskaya. Ban đêm các xe điện và xe hơi phải tắt bớt đèn. Bọn phát xít ném bom một khu chợ trên Quảng trường Arbat phía sau rạp chiếu phim Khudozhestvenny, nhà ga xe lửa Kiev và rạp chiếu phim Mossovet gần nhà ga xe lửa Paveletskaya. Bom rơi trúng nhà hát Vakhtangov và Nhà hát Bolshoi. Quảng trường Cách Mạng được ngụy trang bằng các tấm giả mái các công trình. Xuất hiện những túi đường tại cửa sổ những cửa hàng mới xây dựng trên phố Gorky. Tôi cũng nhìn thấy một căn nhà mất hẳn một mặt tường; có thể trông rõ mọi thứ bên trong. 

Ông bắt đầu tham gia các chiến dịch quân sự khi nào? 
 
Đó là ở gần Stalingrad. Trung đòan tôi được chuyển tới đây vào tháng Năm 1942. Trận đánh dữ dội tột cùng. Mặt đất cứng đến nỗi ta chỉ có thể chật vật đào xuống bằng xẻng vào mùa hè, còn mùa đông thì đành bó tay. Chúng tôi phải dùng đến cuốc và rìu. 

Tôi còn nhớ có lần chúng tôi đang đóng tại một vị trí yểm trợ dự bị. Khi đó tôi đang là trung đội trưởng. Đột nhiên cối địch nã xuống dữ dội. Một quả rơi xuống ngay gần khẩu pháo của chúng tôi. Khẩu pháo kẹt đầy đất và không thể khai hỏa được. Ngay khi đó một chiếc tăng phát xít xuất hiện, nó di chuyển trên cánh đồng giữa hai bãi mìn của chúng tôi. Tên lái xe không thể trông thấy mìn chúng tôi gài do trời đã tối. Một sự ngẫu nhiên may mắn. Chiếc tăng băng qua chỗ chúng tôi, chạy tới bờ khe cạn, quay lại và lại chạy ngang qua chỗ chúng tôi lần nữa. Cuối cùng khẩu pháo của chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi nổ súng và bắn hỏng phần trước ụ pháo chiếc xe tăng phát xít. Chiếc tăng quay lui và phóng về trước. Chúng tôi bắn một phát nữa làm đứt xích. Chiếc tăng xoay tròn và khựng lại. Chúng tôi bắt tay vào lăn các khẩu pháo của mình vào vị trí sẵn sàng. Đột nhiên chúng tôi nghe tiếng ai đó nói: "Hitler kaputt". Chúng tôi quay lại và trông thấy bốn tên lính xe tăng Đức. Cánh tay tên chỉ huy phát xít bị thương khá nặng. Chúng tôi không biết phải làm gì tiếp. Trận đánh đang diễn ra khắp nơi xung quanh nên chúng tôi phải tiếp tục bắn. May thay đám bộ binh xuất hiện, và chúng tôi giao ngay bốn tên phát xít cho họ. 
 
Ông kể rằng trong trận Maskva quân đội thiếu thốn đạn dược. Tới khi nào thì vấn đề đó được thực sự giải quyết?
 
Trong thời gian trận Kursk diễn ra thì không gặp vấn đề thiếu thốn đạn dược. Cụ thể, trong ngày đầu tiên của cuộc tiến công của chúng tôi tại Kursk, mùng 5 tháng Bảy, 1943, chúng tôi bắn 1.800 phát đạn cho tới trước 2 giờ chiều – ba cơ số đạn cho bốn khẩu pháo của trung đội tôi. Chúng tôi bị phản pháo. Có người chết, bị thương và bị sức ép. Hầm trú ẩn của chúng tôi bị hư hại nặng. Chúng tôi phải xây lại nó trong đêm. Tới sáng chúng tôi được lệnh phải chuyển đi chiếm lĩnh vị trí khác.  

Tại Kursk chúng tôi cũng từng nhận lệnh sau: "25 phát, bắn nhanh". Chúng tôi bắn thật vội vàng, cố gắng giữ đúng mục tiêu. Chúng tôi đã hòan thành tới ba lần những lệnh như thế: mỗi khẩu pháo bắn ra 75 phát. Sau đó tất cả các nòng pháo đều nóng rực. Tôi nhổ một bãi nước bọt, lập tức nó sôi sủi bong bóng.

Trong trận Kursk các tuyến phòng thủ đặc biệt mạnh. Rất nhiều chiến hào đã được đào. Tại đây chỉ có một sự thần kỳ đã cứu tôi khỏi chết. Trong chiến hào của tôi, có nhiều bậc tam cấp dẫn tới hầm trú ẩn bị bắn tan. Trong hầm có điện đài viên, chỉ huy khẩu pháo và chỉ huy trạm thu phát vô tuyến. Tôi nấp trong một vách hàm ếch tự khóet vào vách chiến hào. Tại đó tôi tiếp nhận qua điện đài viên các mệnh lệnh của khẩu đội trưởng và truyền lệnh cho các pháo thủ. Trong các cuộc không kích tôi ngồi trên những bậc thềm dẫn tới hầm trú ẩn ấy. Có lần trong một dịp tạm yên, tôi qua thăm hầm của tiểu đội 4. Bất ngờ tôi nghe thấy tiếng một quả đạn đang bay tới. Dây đeo vai trên áo tôi đứt tung, cả một tảng đất rơi trúng vai. Viên đạn đó đã rơi trúng hầm trú ẩn của chúng tôi. Viên chỉ huy trạm thu phát vô tuyến và tay điện đài viên bị thương nặng. Chỉ huy pháo cũng bị thương nhẹ. Nếu lúc đó tôi đang ngồi trên những bậc thềm nọ như vẫn thường làm thì chắc cũng tan xác ra rồi.
 
Thời điểm nào đơn vị của ông chịu thương vong nặng nề nhất?
 
Tôi vẫn nhớ cái ngày bất hạnh nhất ấy. Chúng tôi thiệt hại tới 50 người. Đó là vào tháng Bảy 1944, ở gần thành phố Lvov. Mọi chuyện bắt đầu lúc rạng đông. Xung quanh chúng tôi là một cánh đồng lúa mạch. Những thân lúa đã mọc rất cao. Khi sương mù bắt đầu tan, bọn phát xít đã xuất hiện phía sau lưng chúng tôi. Chúng tiến thẳng tới các khẩu đội chúng tôi. Chúng tôi quay pháo lại và bắn tan bọn phát xít. Rồi chúng tôi ăn bữa sáng và nhận lệnh đi chiếm lĩnh vị trí mới. Thông thường khẩu đội một của tôi sẽ dẫn đầu đòan khi hành quân, tiếp theo là các khẩu đội hai và ba. Trung đội tôi có cả thảy bốn chiếc studebaker (xe kéo pháo do Mỹ viện trợ - LTD) và mỗi chiếc phải kéo một khẩu đại bác. Chiếc xe thứ tư của chúng tôi chạy lọt vào một hố đạn và bị gãy trục xe. Chúng tôi phải dừng lại. Các khẩu đội đi sau đã vượt lên trước. Khi tiến tới ngôi làng kế tiếp, họ trở thành mồi cho một trận không kích dữ dội chưa từng thấy. Xe cộ cháy trụi, đạn pháo nổ tung, tất cả mọi người chạy trốn vào một kho chứa rơm. Một quả bom rơi trúng vào đấy. Khi trận bom kết thúc, chúng tôi đào bới cái kho rơm và tìm thấy những bộ xương cháy đen. Chúng tôi nhận ra được viên tham mưu trưởng qua đôi ủng của anh ấy. Không thể nhận ra những người còn lại. Nếu xe của chúng tôi không vấp vào cái hố đạn thì khẩu đội tôi hẳn đã là khẩu đội đầu tiên hứng cái họa ấy. Chúng tôi đổ biết bao công sức để sửa chiếc xe hỏng ấy rồi buộc phải bỏ nó lại. Tại một bìa rừng bọn phát xít nã đạn vào chúng tôi. Chúng t6oi quay lại đường quốc lộ và đi tiếp trên cánh đồng. Trong khi chúng tôi ngụy trang, tôi phát hiện thấy thiếu mất chiếc xe thứ ba. Tôi đi tìm và thấy nó trên cánh đồng. Người lái bị thương, tay chỉ huy đang băng bó cho anh ta. Tôi không thể để lại chiếc studebaker ở đây, làm vậy có nghĩa là giết chết tổ lái. Vì tôi có thể lái xe nên tôi phóng chiếc xe ấy với hết tốc lực. Động cơ gầm lên ầm ầm, vì thế tôi không thể nghe tiếng đạn bắn: bọn phát xít nã súng máy vào tôi. Chỉ về sau, tôi chú ‏‎ thấy khi mình đánh tay lái sang trái thì chiếc studebaker lại nghiêng sang phải. Chật vật lắm tôi mới về được đến địa điểm ngụy trang của ta. Có một lỗ thủng to ở phía sau xe. Nhưng chẳng sao, tôi không hề bị thương. Và chúng tôi tiếp tục lên đường. Trên đường đi chúng tôi bị rơi vào một cơn bão dữ dội và nhận lệnh phải lập tuyến phòng thủ tại bìa rừng. Chúng tôi nghe tiếng xe của bọn Đức gầm rú ngay gần và tiếng xích của chúng kêu lỏang xỏang. Chúng tôi vội vã kéo pháo và đào hầm bằng tay suốt đêm ấy. Sáng hôm sau tất cả đều yên tĩnh. Cánh trinh sát của chúng tôi báo cáo rằng bọn Đức đã rút lui, không hề bắn lại một phát nào.
 
Các ông có thường phải kéo pháo bằng tay không?
 
Khi còn ở trong trung đòan bộ binh 225 thuộc sư đòan 23, chúng tôi dùng ngựa để kéo pháo. Tất cả đều là ngựa già yếu. Thường là chúng tôi tháo ách cho chúng và tự mình kéo pháo. Trong Trung đòan Cận vệ số 1 nơi tôi phục vụ trong trận Kursk, pháo được kéo bằng các xe studebaker, trong khi pháo thủ đi bộ. Có lần tại Kursk chúng tôi lạc đường, chúng tôi chạy xe suốt đêm nhưng cuối cùng lại tới đúng cái làng mình vừa khởi hành, chỉ có điều tiến vào nó từ hướng khác. Khi đó không có đường, chúng tôi chỉ tòan chạy trên cánh đồng. Lần đầu tiên chúng tôi hành quân trên một đường quốc lộ là sau trận vượt sông Dnieper. Tại đấy, gần thị trấn Zhitomir chúng tôi đã đi suốt đêm vượt qua 150 kilômét.
 
Khi nào thì các ông được nghỉ?
 
Chúng tôi chỉ được ngủ thành từng chặng ngắn. Năm 1942 chúng tôi được lệnh phải quấy rối bọn phát xít, không cho chúng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Vâng, khi chúng tôi quấy rối chúng thì chúng tôi cũng không được ngủ. Luôn luôn có một điện đài viên bên cạnh tôi trong hầm trú ẩn, anh ta phải ngồi nghe suốt đêm để chờ các mệnh lệnh có thể đột xuất ban xuống. Đôi khi anh ta cũng ngủ quên. Khi tôi nghe có tiếng máy kêu, tôi đánh thức anh ta bằng cách hét lên: "Cậu ngủ đấy à?" và dùng chân thúc anh ta. Anh ta chồm dậy nói: "Ồ, không". Một lần tôi lăn ra ngủ như chết và thức dậy khi trời sáng, trèo lên khỏi chiến hào. Ban đêm tuyết thật trắng và tinh khiết. Tới sáng đã có vô số hố đạn rải rác trên đó. Mọi người bảo tôi rằng đó là do một cuộc không kích vào lúc đêm khuya. Vậy mà tôi chẳng nghe thấy gì. Có lẽ, cô thể chúng tôi có một cơ chế phòng vệ nào đó. Đôi lần tôi thức dậy và một vạt áo chòang của tôi đã đóng băng dính chặt xuống đất. Vâng, vậy mà tôi không hề bị ốm. Tuy thế, khi tôi phải vào bệnh viện, cơ thể của tôi chùng xuống và tôi lăn ra ốm.
 
Ông đã phải vào bệnh viện lần nào chưa?

Vâng, hai lần. Lần đầu tiên, tôi được đưa vào một bệnh viện dã chiến khi chân tôi bị thương. Chúng tôi được cho ăn cháo lúa mì, thậm chí không được nghiền kỹ. Thứ này rất khó nấu chín và tiêu hóa. Còn về thuốc thì có món thuốc mỡ Vishnevsky. Vết thương của tôi không lành lại được, và các bác sĩ quyết định phải làm một điều gì đó. Họ rạch da tôi mà không cho tôi chút thuốc tê nào, tôi phải tự chịu đau. Khi tôi được băng lần thứ hai, tôi nhớ lại sự đau đớn đã trải qua và lăn ra bất tỉnh. Khi tỉnh lại, vết thương của tôi đã được băng, và tôi thấy mình đang nằm trên một chiếc bàn ướt sũng.

Tới trước trận Kursk chúng tôi có các hướng dẫn viên quân y trong mỗi khẩu đội. Số lượng họ giảm dần, nhưng chẳng có hướng dẫn viên nào được gửi tới bổ sung nữa. Cuối cùng, chúng tôi còn lại một hướng dẫn viên quân y cho mỗi ba khẩu đội. Tôi cũng có một túi sơ cứu cá nhân. Có lần tôi đã tự băng bó cho một điện đài viên bị thương. Điều đó đã cứu mạng tôi. Lúc đó là năm 1944. Cuộc tấn công của ta đã được lên kế họach. Bọn phát xít phát hiện ra vị trí chúng tôi, và chúng tôi phải rời đi chỗ khác. Chúng tôi tìm thấy một địa điểm mới vắng vẻ để làm vị trí bắn pháo, chỗ đó cao và tuyết xung quanh rất sạch. Khi trời tối chúng tôi lên đường chuyển tới vị trí mới. Ngay khi bắt đầu dỡ đồ đạc xuống đột nhiên chúng tôi nghe tiếng đạn pháo bay tới. Nó rơi đằng sau chúng tôi. Rồi mọi thứ lại trở về im lặng. Chúng tôi tiếp tục dỡ đồ, và một phát đạn thứ hai bắn về phía chúng tôi. Nó không rơi tới vị trí chúng tôi. Chúng tôi biết kỹ thuật bắn này – phát thứ ba sẽ được bắn vào giữa hai vị trí đầu tiên và sẽ trúng mục tiêu. Và thật vậy, viên thứ ba rơi sát khẩu pháo thứ ba của chúng tôi. Pháo thủ hét lên với tôi: “Trung úy, điện đài viên bị thương rồi!” Tôi vội chạy đi lấy túi sơ cứu cá nhân của mình. Viên đạn thứ tư rơi đúng vị trí mà tôi vừa mới rời đi. Chỉ huy pháo bị trúng luồng hơi nổ, anh ta bị sức ép và chết mà không tỉnh lại lần nào. Một pháo thủ khác cũng bị dập thương nhẹ. Anh ta nằm trong bệnh viện ba tùân rồi quay lại đơn vị. Thời gian trôi qua và anh ta bị nhũn não.
 
Ông đã được tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì đã vượt sông Dnieper. Tới đây ta nên nhắc lại một đọan trích trong bài thơ "Vasily Terkin" của Tvardovsky: 

"Ôi vượt sông, vượt sông.
Hữu ngạn tựa như bức tường dốc".

Tình thế cũng tương tự vậy trên con sông Dnieper. Hồng quân phải vượt từ phía bờ trái thấp hơn sang bờ phải dốc và đầy vật cản. Dòng sông rộng không dưới một kilômét. Chiến dịch này kéo dài suốt từ tháng Chín cho tới tháng Chạp 1943. Ông có thể kể lại về chiến dịch này không? Sư đòan ông tiến hành vượt sông khi nào?

Trong tháng Chín - tháng Mười. Cánh bộ binh là những người đầu tiên chiếm được một đầu cầu, nhưng họ không thiết lập được liên lạc với đám pháo binh. Và thế là bọn phát xít nống họ ra, và họ phải nhào xuống sông bơi về. Một số trong bọn họ chìm nghỉm giữa dòng. Quá nửa đêm nhiều khẩu đội pháo tìm cách qua được hữu ngạn, trong số đó có cả chúng tôi. Tới sáng bọn phát xít bắt đầu thả bom. Trận ném bọm rất dữ dội. Một chỉ huy pháo bị giết, một số người khác bị thương và bị sức ép. Một quả bom rơi trúng một đống thùng đạn pháo. Chúng bắt lửa. Tôi bị bắn sang bên vì cú nổ. Tôi tiếp đất bằng cả hai chân hai tay và cảm thấy như phía dưới mình trống rỗng chẳng có gì. Thế rồi tôi bắt đầu quay người lại bị cát mềm bao kín. Không thể thở được. Nghẹn thở, tôi không tài nào nhúc nhích. Tôi nhận thấy có ai đó chạy về phía mình. Tôi hiểu rằng họ sẽ không thể trông thấy tôi dưới lớp cát, cho nên tôi thu hết sức ngẩng đầu lên. Ai đó trông thấy tôi và bới tôi lên. Tới chiều các đơn vị quân ta cũng tới. Chúng tôi rời vị trí và tiến về phía trước. 
 
Có người bạn nào của ông sống sót không?
 
Tôi có rất nhiều bạn nhưng tất cả bọn họ đều hy sinh trong chiến tranh. Sau trận vượt sông Dnieper, những trận đánh dữ dội khác đã tiếp diễn gần thành phố Zhitomir. Chúng tôi chịu thiệt hại nặng nề. Trung đòan tôi mất 50 phần trăm quân binh lính và sĩ quan cùng trang bị chiến đấu. Nó được tổ chức lại và chúng tôi được bổ sung một khẩu đội trưởng mới. Nhưng anh ấy cũng không ở được lâu, bị một viên đạn lạc giết chết. Những binh lính và sĩ quan có kinh nghiệm thì lập tức nằm xuống nhưng anh ấy cứ đứng nguyên. Anh chết ngay lập tức.
 
Vượt qua nỗi sợ chết có khó khăn lắm không?
 
Anh chỉ có thể chết một lần. Đám bộ binh dường như phải chịu đựng những điều kiện còn tồi tệ hơn nhiều. Vì thế họ tránh không đóng quá gần pháo binh. Họ bảo rằng ngay khi chúng tôi nổ súng một phát, chúng tôi liền bị đáp trả gấp ba lần. Vâng, cái chết có mặt khắp nơi. Khi ngồi trong chiến hào binh lính chỉ suy nghĩ làm sao tìm một chỗ an tòan hơn và luôn bồn chồn lo lắng. Một quả đạn có thể rơi trúng bất cứ đâu, và mảnh văng tung tóe khắp nơi giết chết mọi người. Một lần tôi ngồi trong chiến hào, pháo bắn liên tục suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Cứ một phút rưỡi là lại có một viên bắn về phía chúng tôi. Thần kinh tôi căng thẳng tột độ, tôi muốn nhảy bật ra ngòai, nhưng cố gắng giữ mình ở nguyên tại chỗ. Mảnh pháo không thể bắn trúng người trong chiến hào,  còn nếu viên đạn rơi thẳng vào chỗ anh ta thì anh ta sẽ chẳng còn đủ thời gian để nói một lời. Người nào mất tinh thần thì cũng đồng nghĩa với đi gặp cái chết. 

Người ta thường đóan trước được cái chết của mình. Có lần chúng tôi đang hành quân ban đêm và đi ngang một ngôi làng. Chúng tôi phải rẽ ngoặt chỗ gần cái nhà thờ. Ngôi nhà thờ này đã được đánh dấu trên bản đồ và thường bị pháo hạng nặng nã vào. Chúng tôi chọn lấy một thời điểm thuận lợi và mau chóng băng vượt qua nó. Khi chúng tôi đi qua, con đường ngày càng trở nên hẹp hơn. Cuối cùng, chúng tôi đã đứng bên rìa của vách đá. Một người lính nhảy khỏi chiến hào và hét lớn với chúng tôi: "Các anh đang đi đâu vậy? Bọn phát xít đang ở phía bên kia đấy”. Anh ta chửi thề ỏm tỏi. Chúng tôi nhận ra rằng đáng ra mình phải rẽ ngoặt từ chỗ gần nhà thờ. Quay lại, chúng tôi nhận thấy đội trinh sát của mình đã biến mất. Họ lạc mất chúng tôi như một ơn huệ của số phận. Khi chúng tôi bắt kịp họ, tôi hỏi một tay trinh sát: “Tại sao anh không cho chúng tôi biết mình đã đi sai đường?” Anh ta đáp: “Vâng, đó là lỗi của tôi. Tôi không biết cái gì đã xảy ra với mình nữa. Tôi cũng vừa chạy thóat đây.” Tôi nhận thấy mặt anh ta đã thất thần. Ngay khi vừa tới chỗ nhà thờ, chúng tôi nghe thấy một quả đạn cối bay đến gần. Một người nghe thấy tiếng rú đó khi quả đạn đang rơi xuống trúng chỗ anh ta. Tôi lập tức tìm chỗ ẩn nấp, nhưng anh ấy cứ chạy luống cuống và đã bị giết. Đối với tất cả những người còn lại thì mọi chuyện đã kết thúc an tòan.
 
Ông kể rằng thật đau xót khi phải chứng kiến những thất bại của quân ta hồi đầu chiến tranh. Về sau tâm trạng này đã thay đổi phải không?

Đúng vậy. Sau trận vượt sông Dnieper, Hồng quân bắt tay vào giải phóng Ukraina. Thường thường bộ binh luôn là người đầu tiên tiến vào giải phóng các thị trấn. Chúng, cánh pháo binh hạng nặng, rất ít khi tiếp xúc với dân địa phương vì thường đóng quân ngòai cánh đồng. Nhưng do ngẫu nhiên, đám pháo binh hạng nặng lại là người đầu tiên tiến vào thành phố Ukrania Shostka. Chúng tôi được tiếp đón thật nồng ấm. Mọi người đổ ra ôm hôn chúng tôi. Tôi cũng nhớ lần ở ngôi làng Ukraina Divochki. Làng vừa mới được giải phóng. Không một căn nhà nào trong làng bị hư hại hay phá hủy. Những dân làng trẻ tuổi đón chào những người giải phóng, nhưng đám thanh nữ không thèm quan tâm tới chúng tôi. Một tay lính trong bọn tôi thốt lên: “Mình cảm thấy như bị đạn bắn vậy!” Vâng, điều ấy đã làm tổn thương chúng tôi. (Có lẽ họ sợ bị lính Nga cưỡng hiếp, một điều thường xảy ra thời kỳ này – LTD)
 
Ông ở đâu khi chiến tranh kết thúc?
 
Tôi kết thúc chiến tranh tại Prague. Sư đòan tôi được rút khỏi Berlin khi nó vẫn chưa được giải phóng hòan tòan và chuyển về Prague. Chúng tôi dừng chân tại một ngôi làng. Đó là vào tháng Năm. Dân làng đem táo chín tới cho chúng tôi. Đó là sự đón tiếp nồng ấm chúng tôi được nhận khi tiến vào Prague hồi đầu tháng Năm!. 

Prague. 1945. Alexander Zhuravlev (ngồi giữa)

Nguồn: © 2003 The Voice of Russia
Dịch từ Anh sang Việt: Lý‏‎ Thế Dân

Aleksandr Alekseevich Goncharov
17.12.1918 - 14.12.2000

Lý lịch quân sự trích đoạn :
Trung đoàn lựu pháo 330        Học viên 10.1938-9.1939
Trung đoàn lựu pháo 330        Trung đội phó trung đội hiệu chỉnh 9.1939-7.1941*
Lữ đoàn chống tăng số 1         Bộ binh 7.1941*-10.1941
Trung đoàn bộ binh 188          Bộ binh 9.1943-10.1943
Trung đoàn xe tải số 12           Trung đội trưởng trung đội huấn luyện 10.1943-5.1945
Trung đoàn xe tải số 15           Hạ sĩ nhất đại đội xe tải 5.1945-6.1946

* Hồ sơ quân đội ghi tháng 6-1941, nhưng theo tư liệu phát hành năm 1964, phù hợp với hồi ức của A. A. Goncharov là vào tháng 6 đơn vị của ông được trang bị lựu pháo 203mm: hồ sơ quân đội đã có sai sót.

Học viên Aleksandr Goncharov, vùng Zhitomir. 1939.

Uỷ ban quân sự Dzerzhinski thành phố Baku triệu tập tôi vào Hồng quân tháng 10-1938. Ban đầu tôi được bố trí làm học viên trường Pháo binh, và tháng 9-1939 tôi trở thành trung đội phó trung đội hiệu chỉnh. Vì nhiệm vụ của trung đội bao gồm cả sửa chữa và điều chỉnh cho pháo bắn, nên đôi khi chúng tôi được gọi là "trung đội trinh sát và hiệu chỉnh".  Nhưng thực tế chúng tôi không tham gia trinh sát và không bao giờ tới gần khu giới tuyến. Chúng tôi tìm những vị trí quán sát tốt, ngụy trang cẩn thận và sử dụng thiết bị thông tin hướng dẫn, hiệu chỉnh cho pháo bắn. Đó là những gì người ta dạy chúng tôi ở trường Pháo binh. Thực thà mà nói, việc tính toán cũng tương đối phức tạp, bao gồm nhiều công thức toán học và lượng giác.

Thậm chí trước chiến tranh tôi đã tham gia đóng giữ miền Tây Ukraine [Cuộc xâm chiếm miền Đông Ba Lan - James F. Gebhardt]. Một lần tôi được chính trị viên (politruck) [sĩ quan chính trị trong Hồng quân, tương đương thượng uý- V. Potapov] gọi đến để cùng lao động với người dân địa phương. Hình như đã có mệnh lệnh yêu cầu phải quan tâm đến việc tái định cư cho một bộ phận đặc biệt dân chúng ra khỏi khu vực này. Chính trị viên, tôi và nhiều binh lính có lập trường kiên định được cử đến để thiết lập kiểm soát tại địa phương. Chính trị viên của chúng tôi là một người rất khó chịu, học vấn thấp và rất trơ tráo. Tôi không ưa lắm những người cộng sản và luôn giữ một khoảng cách đối với họ. Nhưng bởi được đánh giá tốt nên tôi đã bị động viên ngoài ý muốn. Tôi nhớ lại một lần nhận được thư của anh trai tôi. Không giống tôi, anh ấy là một đoàn viên Komsomol tích cực và là thành viên uỷ ban Komsomol thành phố Baku. Trong thư anh ấy rất sôi nổi và nhiệt thành khuyên bảo, hướng dẫn tôi về sự trong sạch và tinh thần yêu nước. Khi tôi đang ngồi đọc thư thì bất ngờ chính trị viên, đứng sau và đã đọc được vài đoạn, giật lấy lá thư khỏi tay tôi. Tập hợp đơn vị lại, anh ta đọc to lá thư cho tất cả cùng nghe. Đương nhiên là tôi không hề thích chuyện này bởi đó là một lá thư riêng.

Về sau tôi có dịp phải xung đột với “cách thức” làm việc của anh ta và (do đó) tôi lại còn không ưa bọn họ hơn trước. Tôi nhớ có lần trong một ngôi nhà đang lúc người ta trục xuất một người nông dân Ba Lan khá giả. Do không biết chuyện gì đang xảy ra bên trong, tôi bước tới căn nhà và ngay lập tức thấy chính trị viên, tay vung khẩu súng lục ổ quay Nagant Model-1895, đang chửi rủa và dí nó vào mặt người nông dân, đòi phải nộp vàng và tiền. Tôi lập tức dừng lại, quay đi và rời khỏi nơi đó, quên luôn cả việc chuyển bản báo cáo, lí do mà tôi phải đến đấy.

Tôi cũng nhớ có lần chúng tôi đi hộ tống một nhóm dân chúng phải chuyển đi (để tái định cư). Họ chở theo những tài sản đơn giản trên xe ngựa, đột nhiên một trong những phụ nữ Ba Lan cất tiếng hát. Bài hát bằng tiếng Ba Lan và rất hay, nghe tựa như Anna German [Anna German là một trong những ca sĩ Xôviết nổi tiếng nhất thời bấy giờ - V. Potapov]. Tôi không biết cô ấy đang hát điều gì, nhưng dường như nó như được cất lên từ đáy lòng, và tôi trông thấy mắt nhiều người Ba Lan rơi lệ.

Tôi phải nếm mùi của thực tế chiến tranh ngay từ những ngày đầu, với tư cách là một quân nhân thường trực ở miền Tây Ukraine. Trung đoàn lựu pháo số 330 của chúng tôi bố trí ở Zhitomir và đang trong dịp đóng trại mùa hè. Vào đêm 22 tháng Sáu người ta đặt chúng tôi trong tình trạng báo động và nhanh chóng di tản chúng tôi ra khỏi doanh trại khi nó bị oanh tạc. Trinh sát Đức đã làm việc rất tốt, dường như họ có đầy đủ thông tin về vị trí của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã may mắn thu xếp di tản khẩn trương nên hầu như không bị thiệt hại. Chúng tôi được trang bị những khẩu lựu pháo 203mm trên giá đỡ tự hành, được kéo bởi một máy kéo rất khoẻ.

Chiến tranh bắt đầu với chúng tôi như thế đó.

Hạ sĩ nhất A.A.Goncharov, 1943

Trận đánh đầu tiên của chúng tôi diễn ra tương đối sớm ngay khi chiến tranh vừa bắt đầu. Chúng tôi đến một địa điểm đã được cấp trên lựa chọn, khẩn trương bố trí pháo, sau đó phát hiện một đơn vị xe tăng và bộ binh Đức đang hành quân. Chúng tôi bắn tập trung vào đó và làm tiêu tan cả một ngày của quân Đức. Lựu pháo 203mm là một vũ khí đầy uy lực! Đạn pháo của chúng tôi bắn tung những tháp pháo xe tăng, ta thấy rõ ánh mắt đám bộ binh Đức thấp thoáng cùng những tiếng nổ, xác chúng văng xa hàng mét trong không trung. Nhìn chung, trận đánh đầu tiên phần thắng nghiêng về chúng tôi. Nó chứng tỏ sự huấn luyện và chuẩn bị tốt của đơn vị.

Tuy nhiên, quân Đức tiến công rất hiệu quả nhờ những đơn vị cơ giới, chọc thủng những khu vực lớn. Tiếp tế đạn dược và nhiên liệu cho xe kéo của chúng tôi bị cắt đứt, và sau khi dự trữ trong tay đã cạn kiệt, chúng tôi phải nhanh chóng bỏ lại pháo và xe cộ, sau khi đã phá huỷ chúng.

Không quân Đức không hề bị ngăn trở trong giai đoạn đầu của chiến tranh. Những cuộc không kích của Đức phá huỷ những sân bay mà chúng ta bố trí tập trung gần biên giới, do đó chúng tôi không hề được không quân yểm trợ. Máy bay ném bom của ta có lẽ được bố trí sâu hơn trong hậu phương, vì trong thời kì đầu, tôi thường xuyên thấy máy bay ném bom của ta bay không có tiêm kích hộ tống. Điều đó khiến chúng trở thành những mục tiêu ngon lành cho quân Đức. Những chiếc "Ishachki" [biệt danh của tiêm kích I-16 - V. Potapov] của ta, theo tôi, vô dụng trước không quân Đức và cháy bùng như gỗ dán. Thường là chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ và máy bay ném bom của ta bay qua đầu trong đội hình chiến đấu như đang diễu binh, lên tới khoảng 50 chiếc, không hề có tiêm kích yểm trợ. Thường chỉ có 5 tới 7 chiếc quay về. Thật đáng thương và đau xót cho phi công của chúng ta. Nhưng thời kỳ đầu chiến tranh là như thế đó.

Chúng tôi rút lui và quân địch liên tục ném bom. Ban đầu, khi bị không kích, rất nhiều binh lính nấp vào dưới những chiếc xe. Nhưng về sau, khi đã chứng kiến những phương tiện và tất cả những ai nấp dưới đó bị tiêu diệt sau những cú oanh tạc chính xác như thế nào, họ đã biết cách chạy xa khỏi chúng. Mọi khe, hố trên mặt đất là những nơi trú ẩn rất tốt. Đôi khi có đến 5-7 binh sĩ nấp chung trong một đoạn hào. Những ai không kịp tìm chỗ trú hoặc đến chậm và phải nằm trên cùng là những người chịu thương vong nhiều nhất.

Có lần trong một cuộc không kích tôi bị mất định hướng, nhưng rồi phát hiện ra một cái hố và nhảy vào đó. Bên trong đã có 2 hay 3 người đang nấp. Tôi ngã xuống đầu họ và quay người lại nên hướng mặt lên trên. Sau cùng ai đó cũng đã nhảy lên người tôi, mặt úp xuống. Chiếc máy bay ném bom bổ nhào lướt qua chậm đến mức tôi có thể thấy rõ ánh mắt của tên phi công Đức đang ngồi trong buồng lái!

Hoàn toàn có thể đoán được chỗ mà quả bom rơi xuống : nếu anh thấy đuôi của trái bom, điều đó có nghĩa là nó sẽ không rơi trúng anh; nếu anh thấy mũi của quả bom, rồi sau đó là đuôi bom, cũng có nghĩa là nó không rơi trúng anh. Trong trường hợp quả bom là một chấm tròn lớn dần - một cú trời giáng ! Tôi đã không có đủ thời gian phản ứng trước khi có một tiếng nổ inh tai và mặt đất rung chuyển. Sau đó mọi thứ trở nên im ắng và chỉ còn tiếng vo vo trong tai. Người lính nằm trên tôi bị thương. Khi cuộc không kích chấm dứt, mọi người bắt đầu ra khỏi nơi ẩn nấp. Nhưng người lính đó, tôi có thể hiểu qua những từ ngữ và cử chỉ của anh ta, đang đề nghị được băng bó. Anh ta cởi chiếc áo đưa cho tôi. Anh ta quay lưng lại nhưng tôi không biết làm sao để băng bó. Xương vai của anh bị vỡ, và tôi có thể thấy lá phổi giật giật. Tôi nói với anh ta, nhưng không thể nghe nổi giọng nói của chính mình, rằng anh cần một y sĩ và tôi bắt đầu tìm kiếm họ. Người lính vẫn bình tĩnh và nói không có gì đáng sợ. Làm sao anh ta lại không cảm thấy đau đớn ? Có lẽ anh ta vẫn đang bị sốc. Mấy phút sau khi bác sĩ đến anh ta đã tái đi và bất tỉnh. Tất nhiên, anh ấy đã bị một vết thương khủng khiếp. Tôi chỉ bị giập nhẹ và khỏi sau đó một hay hai tuần.

Thông thường, chúng tôi thiệt hại nhiều vì không quân địch. Đôi khi máy bay Đức ném xuống cùng với những trái bom là những thùng rỗng được chọc thủng. Âm thanh do chúng phát ra khủng khiếp đến mức mạch máu của chúng tôi như đông cứng lại. Thật là một thứ vũ khí tâm lý đầy uy lực !

Những đơn vị quân Đức liên tục phá vỡ trận tuyến quân ta ở nhiều quân khu. Điều đó gây cho tôi cảm giác về sự lẫn lộn, không có tin tức gì chuẩn xác. Lúc đó quân Đức tiến nhanh hơn các đơn vị quân ta đang phải rút lui, và dễ dàng chọc thủng tuyến phòng ngự. Nhưng khó có thể hiểu một cách đơn giản cảm giác của tôi. Tôi không có cách nào để xác thực.

Một lần người ta bố trí tôi ở ngã ba để hỗ trợ việc điều hành đội hình giao thông tại đó. Họ nói khi tất cả đã qua hết, một chiếc xe sẽ quay lại đón tôi. Nửa ngày trôi qua nhanh chóng và những gì đi qua chỗ tôi không phải là những đội hình nghiêm chỉnh mà là những toán binh lính đông đúc. Sau cùng con đường trở nên vắng vẻ, và vài người lính trinh sát đến. Họ bảo tôi rút đi vì ngay sau lưng họ là quân Đức. Họ là những người cuối cùng, không còn ai rút qua đây. Tôi trả lời rằng tôi vẫn nhớ là sẽ có một chiếc xe quay lại đón tôi. Họ mau chóng biến khỏi tầm mắt nhưng vẫn không có chiếc xe nào chạy tới đón. Mặt trời đang lặn. Không xa đó là một ngôi làng. Tôi quyết định đến đó xem xét. Có thể có một bộ phận của sở chỉ huy còn đó. Tôi hy vọng sẽ hỏi họ xem tôi có thể rút đi chưa. Hoặc tôi có thể nhìn thấy người của ta ở đó và sẽ quay về vị trí. Khi anh biết mình không cô độc, anh sẽ thấy bình tĩnh hơn. 

Tôi nghĩ rằng tôi đã chạy tới ngôi làng. Khi đi qua một khu vườn, tôi nhìn về phía trước và thấy cách đó 100m, một tên lính Đức, tay áo xắn lên, lăm lăm khẩu tiểu liên đang tiến lại. Hắn vừa đi vừa nhìn quanh. Tôi vội nằm xuống, đưa đường ngắm vào hắn. Chờ giây lát khi hắn dừng lại, tôi nhẹ nhàng bóp cò. Hắn đổ gục xuống, tay vung lên. Tôi chạy vòng vèo như một con ong khỏi ngôi làng, phóng bừa qua những đám cây cối và bụi rậm !

Chạy khoảng 800m, tôi quay lại ngã ba mà tôi đã đứng cả ngày hôm đó. Tôi thấy cách đó một quãng là chiếc xe đã đến đón tôi trong khi tôi tới ngôi làng. Không tìm thấy tôi, chiếc xe đang quay lại. Tôi đuổi theo nó. Tôi không dám nổ súng, điều đó sẽ làm bọn Đức đang ở quanh đây chú ý. May mắn cho tôi, một người ngồi cuối xe đã nhìn thấy. Họ dừng lại và đón tôi.

Còn những gì mà tôi nhớ trong những tháng đầu tiên của chiến tranh? Rất nhiều xác chết của bộ đội và dân chúng nằm dọc những con đường rút lui... Những cánh đồng lúa bốc cháy... Khói đen hoàn toàn che kín bầu trời, mặt trời chỉ còn thấy được lấp ló. Người ta vẫn thường chiếu cảnh tương tự những phim chiến tranh và có người bảo rằng đó không đúng sự thực. Nhưng tôi xin khẳng định rằng đó chính là những gì đã xảy ra!

Tôi nhớ chuyện trên một cây cầu nhỏ, trong một chiếc xe bị phá huỷ, một người lính gần như bị cắt làm đôi và nửa thân còn sống của anh ta treo trên thành cầu nhờ bộ ruột. Tôi nhớ một người lính biên phòng nằm sấp trên vũng máu tuôn ra từ con ngựa chết gần đó. Qua những bọt khí trên vũng máu tôi có thể nói rằng anh ta còn sống. Tôi lật người anh lại để anh có thể thở dễ hơn. Sau đó bác sĩ có đến giúp anh ta không? Không ai biết.

Thị trấn Galats, 1945.

Một lần tôi và người đồng đội suýt bị giết bởi một chiếc xe tăng nhẹ của Đức. Chúng tôi được cử đi trinh sát khu vực đóng quân của Đức. Chúng tôi chạy trốn chiếc xe tăng. Vì lí do nào đó nó đã không nổ súng, có thể vì bị che mắt hoặc do nó muốn dùng xích nghiền nát chúng tôi. Chúng tôi chạy trên cánh đồng một lúc lâu rồi lọt vào một cánh đồng hoa bia. Những chiếc cọc đỡ giàn trông rất giống cọc dây điện thoại. Sợi dây treo trên đó khá to so với dây leo. Chúng tôi đã may mắn vượt qua cánh đồng, và trong khi chiếc xe tăng bị vướng vào những giàn đỡ thì chúng tôi tiếp tục chạy xa. Đến giờ tôi vẫn ngạc nhiên tại sao khi ấy chân tôi đã không bị vấp vướng. Nếu điều đó xảy ra, chúng hẳn đã là màn liệm cho chúng tôi rồi! Bất kỳ ai từng trông thấy các giàn hoa bia hẳn đều hiểu điều tôi đang nói. Tôi cũng nhớ rằng những xe bọc thép của ta là những mục tiêu ngon lành cho quân Đức và bùng cháy tựa như những que diêm. Chúng bị bắn thủng dễ dàng bởi súng máy cỡ lớn của Đức.

Có ba lần tôi đã thoát khỏi bị bao vây. Trong hai lần mọi chuyện đều ổn, và trong lần thứ ba địch bao vây chúng tôi ở khu vực Kiev - trong khi chạy trốn tôi đã bị thương ở chân vì một mảnh cối. Tôi bị thương vào chân trái. Mảnh cối cắt đứt bàn chân ngay chỗ dưới các ngón chân, làm gãy tất cả các xương ngoại trừ ngón cái. Đó là tháng 10 và chúng tôi đã hành quân bộ về phòng tuyến của ta suốt 1 tháng. Đồng đội của tôi - những người lính trinh sát cắt rời chiếc ủng, lúc đó đã nhanh chóng đầy máu, băng bó vết thương và kéo tôi trên chiếc áo choàng đến một gian nhà kho. Họ tìm ra một bác sĩ, anh ta khâu vết thương và nẹp lại xương. Anh ta cũng thay băng và cho tôi ít thức ăn, nước uống. Một thương binh khác có thể đi được ở lại cùng tôi. 

Ngay khi quân Đức tiến vào làng, chúng đặt loa phóng thanh trên xe, thông báo rằng những binh sĩ Nga ẩn nấp ở đây không cần sợ hãi. Chúng hứa hẹn sẽ đảm bảo mạng sống cho họ. Người thương binh ở lại cùng tôi quyết định đầu hàng. Anh ta khuyên tôi cũng làm vậy nhưng tôi từ chối. Tôi bảo anh ta giúp tôi trốn vào một đống rơm để quân Đức không tìm thấy. Anh ta giúp tôi rồi đi. Tôi không bao giờ gặp lại anh ta. Quân Đức liếc nhìn vào bên trong nhà kho, bắn một loạt vào nhưng không có chuyện gì.  Sau đó chúng tập trung tù binh và chuyển đi. Tôi nghỉ một lát cho lại sức rồi bắt đầu đi về hướng đông nam, tới Dnepropetrovsk, tạm thời bằng một cái nạng. May mắn, thành phố đó không xa và đó là quê hương của tôi. Tôi đã sinh ra ở làng Troitskoe, vùng Dnepropetrovsk, tỉnh Petropavlovsk.

Tôi có rất nhiều họ hàng ở đây, mặc dù sau cuộc Nội chiến gia đình tôi đã buộc phải rời đến Baku để khỏi bị trục xuất và tránh nạn đói. Họ đã tịch thu tài sản của ông ngoại tôi (nguyên văn : họ đã "diệt kulak" ông ngoại tôi - PTS) [Những người Bolsheviks gọi những phú nông là "kulak"; "diệt kulak" có nghĩa là tịch thu mọi tài sản, tiền bạc, thực phẩm, nhà cửa, gia súc... - V.Potapov]. Ông có một nông trại xoàng xoàng và đã rất hổ thẹn khi bị tịch thu tài sản bởi chính những kẻ nát rượu trong làng mình. Hiện giờ ông chỉ còn là một người nghiện rượu bét nhè, nhưng vào thời đó ông từng là “một nhân vật có vai vế”!

Khung cảnh mà tôi đang đi qua rất quen thuộc, tôi hỏi thăm người ta về những họ hàng của mình. Nói chung họ đã giúp tôi đến nơi, mặc dù ban đầu ông tôi thậm chí đã không nhận ra tôi ! Rất khó khăn để ông nhận ra người cháu trai trong vóc dáng trưởng thành và mái tóc rối bời. Sau đó thân phận của tôi trở nên thú vị vì không ai giao tôi cho quân Đức, kể cả cảnh sát địa phương, thậm chí họ đối xử tốt với tôi ! Không có quân Đức đóng trong làng, mặc dù thỉnh thoảng chúng hành quân qua. Mỗi khi đó tôi cố gắng để không phải nhìn chúng. Chân tôi đã dần đỡ hơn.

Tháng 10-1943, sau khi vùng này được giải phóng, một lần nữa tôi gia nhập quân đội. Uỷ ban quân sự sau khi xem xét vết thương của tôi đã loại tôi khỏi quân chính quy, gửi tôi tới một khoá học lái xe và sau đó làm trung đội phó trung đội huấn luyện của trung đoàn xe tải số 12. Nhiệm vụ của tôi không chỉ là huấn luyện mà còn cả chở hàng ra mặt trận. chúng tôi được coi là một đơn vị phụ trợ, mặc dù với những thùng đạn dược và thuốc nổ thì cũng không gặp nguy hiểm ít hơn nếu người ta xem xét những lần chúng tôi phải chở chúng tới sát mặt trận dưới hoả lực pháo binh và không quân Đức.

Phi công Đức rất cẩn thận. Khi chúng phát hiện ra điều gì khả nghi, chúng lượn vòng bên trên và xem xét mục tiêu. chúng có thể bay qua đầu chúng tôi, biến mất vào khoảng không rồi sau đó trở lại. Tôi có thị giác rất tốt, có thể thấy chúng từ xe nên trung đoàn trưởng thường xuyên mang tôi đi cùng. Nếu tình hình không ổn, chúng tôi sẽ nhanh chóng dừng xe và bố trí sao cho trông chúng như là đã bị bỏ lại. Chúng tôi vứt vài thứ xung quanh đó rồi ẩn mình ở chỗ nào có thể... Dù thế nào, máy bay Đức cũng sẽ lượn vài vòng rồi trở lại, đôi khi chúng dùng pháo hoặc súng máy bắn một loạt.

Theo cách đó, khi chở hàng cho đơn vị tiền tiêu của phương diện quân Ukraina số 2, tôi đã tham gia chiến dịch Kishenev và sau đó là chiến dịch Budapest. Đặc biệt khó khăn là chiến dịch đánh chiếm Budapest. Ở đây phải vận chuyển đạn dược thẳng tới các đơn vị tiền tuyến, dưới làn hoả lực dữ dội. Người ta không tặng huân chương cho chúng tôi vì chúng tôi chỉ là một đơn vị phụ trợ. Nhưng Chúa phù hộ chúng tôi, và chúng tôi đã được nhận tấm huân chương quý giá nhất - mạng sống của mình !

Ở Romania, vì phải đi liên tục nên tôi đã tới nhiều thành phố và thị trấn. Thật ngạc nhiên là tôi đã nhanh chóng nắm bắt được tiếng Romania, và sau 3 hoặc 4 tuần tôi đã có thể nói chuyện được với người Romania. Tôi nói tốt đến mức khi đó người Romania coi tôi là một thành viên trong bọn họ. Thỉnh thoảng tôi còn xây dựng quan hệ “thương mại” với đám dân địa phương. Nếu tôi phải đi xe không tới chỗ nào đó, có thể chở giúp ít hàng và những người Romania trả ơn bằng những thùng rượu đầy.

Thỉnh thoảng chúng tôi tiến hành tìm thứ gì đó trong những đống đồ của quân Đức. Tôi nhớ là đã rất thích những chiếc áo choàng ngụy trang của quân Đức. Bên trong trắng và bên ngoài rằn ri. Người mặc nó sẽ khó bị phát hiện ngoài tuyết hoặc trong tình huống ngược lại. Người Đức rất giỏi trong lĩnh vực xe cộ và trang bị!

Về khía cạnh con người, dân Romania khá hiếu khách mặc dù binh lính của họ chiến đấu chống lại chúng ta. Còn hạnh kiểm của quân ta, những người đi giải phóng họ thế nào ? Cũng tùy chỗ này chỗ khác. Nói chung, kỉ luật được giữ tốt. SMERSH [NKVD - James F. Gebhardt] đã không ngủ gật. Kỉ luật xuống đột ngột khi họ bắt đầu gửi cả những tội phạm ra mặt trận. Nhiều hành động trộm cắp từ cả những quân nhân và dân địa phương lập tức gia tăng và từ nhóm này, hiện tượng dedovshina [cảnh binh sĩ này ức hiếp, bắt nạt những binh sĩ khác, dựa theo thâm niên phục vụ - James F. Gebhardt] đã mau chóng phát triển.

Nhiều kẻ tội phạm như vậy, những người được phép chuộc tội trước tổ quốc bằng máu mình, được bố trí vào trung đội tôi. Nhưng họ không chịu thừa nhận tội lỗi và trong thâm tâm họ không chịu thay đổi. Sau nhiều ví dụ về trộm cắp và bạo lực, gồm cả những trường hợp tồi tệ, chúng tôi phải "tái giáo dục" họ bằng cách mà họ hiểu rõ nhất. Sau khi được "tái giáo dục", tôi không còn nghe thấy trường hợp phạm tội nào nữa trong trung đội.

Chúng tôi không hay va chạm với những đơn vị khác. Chỉ trong một lần kiểm tra tôi được thông báo là một người lính của tôi đã bị nện nhừ tử. Sau khi hỏi tôi biết rằng anh ta đứng về phía mấy người Romania bị quấy rầy bởi những thủy thủ của Hải đoàn Danube chúng ta. Đương nhiên, những thủy thủ đó say rượu. Tập trung một nhóm bạn bè, đồng đội cùng với người lính bị hành hung, chúng tôi đi tìm đám thủy thủ. Chúng tôi thấy họ trong một nhà hàng. Chúng tôi đã nói chuyện một cách nóng nảy. Dĩ nhiên, họ có cả một vốn từ vựng của thủy thủ để đáp lại. Bất ngờ một trong bọn họ rút ra một khẩu súng lục. Một đồng đội của tôi cố gắng tước vũ khí của tay thủy thủ đó, còn tôi và một đồng đội khác lao tới giúp anh ấy. Bạn tôi bị bắn vào tay còn tay thủy thủ bị thương vào chân. Cánh thủy thủ trở nên tỉnh táo hơn ngay lập tức, họ đưa người bị thương biến mất về chỗ của mình với sự đe doạ. Sau đó chúng tôi được biết họ đã đem sự đe doạ tới những người Romania ở vụ xung đột đầu tiên. Họ bắn vào cửa sổ trong đêm. May thay, cửa sổ rất chắc nên không ai trong nhà bị thương. Cả gia đình chạy xuống và thấy trần nhà bị đạn bắn thủng. Gia đình người Romania đã rời khỏi vùng để tránh những phiền phức khác. Chuyện như thế đó.

Tôi còn nhớ có lần lái xe quanh Budapest và thấy những mảnh xác của một máy bay Đức bị bắn hạ nhô ra từ tầng trên một ngôi nhà.
Chụp ảnh cùng những đồng đội (tôi thứ hai tính từ trái sang). Rumania, 1945.

Khi cuộc tấn công thành phố mở màn, tôi phải sơ tán con cái những nhà ngoại giao ở sứ quán Italia. Tôi đưa chúng ra khỏi khu vực chiến sự. Tôi đặt đứa nhỏ nhất lên cabin và những đứa còn lại trên thùng xe. Lúc đó là mùa đông và vì sợ chúng rét, tôi trải rơm lên sàn xe. Khi chúng tôi đang đi thì một chiếc "lapotnik" [biệt danh của Nga đặt cho máy bay FW-190 của Đức - V.Potapov] bay qua, bắn một loạt súng máy. Tôi vội lái xe vào bên đường, dừng lại và kéo lũ trẻ xuống. Sau đó tôi mở cửa thùng xe và bọn trẻ ngồi trong đó nhảy ra. Tôi nhỡ rõ một bé gái khoảng 4 tuổi đã bám chặt lấy cổ tôi ! Tôi bế nó trên tay. Chúng tôi nhanh chóng tung khỏ khô ra xung quanh, cố làm ra vẻ chiếc xe đã bị hỏng rồi chạy tới hàng cây cùng lũ trẻ. Tôi đang bế bé gái và những đứa khác vây quanh tôi giống như đàn gà con vây quanh mẹ. Chúng tôi có thể dễ dàng bị phát hiện trên mặt tuyết và là những mục tiêu ngon lành.

Thông thường mọi người phải chạy tản ra, nhưng trong tình huống này chúng là những đứa trẻ đang hoảng sợ, thậm chí không hiểu tiếng Nga. May là viên phi công Đức lượn vòng rất rộng. Máy bay của hắn trở thành một chấm nhỏ trên bầu trời. Chúng tôi đã ở dưới hàng cây, nhưng tôi sợ rằng viên phi công Đức sẽ phát hiện và thương vong là khó tránh khỏi. Tôi nằm xuống và bọn trẻ túm tụm xung quanh. Tôi che cho bé gái vẫn đang bám chặt vào cổ tôi. Tên phi công bắn vài loạt đạn vào chiếc xe và rừng cây nhưng không kết quả gì. Hắn không phát hiện chúng tôi và không ai bị thương. Chúng tôi đi tiếp cuộc hành trình mà không gặp trở ngại gì, sau đó tôi lại quay lại sứ quán để đưa tiếp những đợt khác. May là không đứa nào bị cóng giá. Đó là một nỗi lo lớn của tôi, với lũ trẻ, muà đông và chiếc xe. Đôi lúc tôi tự hỏi bây giờ lũ trẻ ở đâu và chuyện gì đã xảy ra với chúng.

Sứ quán Italia cấp cho tôi một chứng nhận để cảm ơn vì sự giúp đỡ. Tôi đã để tờ chứng nhận trên mặt cây đàn piano và đi. Chắc chắn đó là một món quà lớn đáng nhớ, nhưng vào thời điểm đó SMERSH có thể bỏ tù bạn vì những lỗi lầm nhỏ, và tờ chứng nhận đó là từ một nước phát xít. Ngoài ra họ còn tặng tôi 2 cuốn sách dày viết về lịch sử văn hoá Italia. Nó chứa đựng những hình minh họa rất đẹp và tôi đã mang nó theo. Người ta có thể để ý ngay tức thì. Tôi không muốn xúc phạm tới họ và tôi đã nhận. Rời sứ quán, tôi lo rằng SMERSH sẽ gây khó khăn cho tôi, vì người Italia đã viết lời đề tặng trong quyển sách. Tôi mang quyển sách về doanh trại. Tôi đã phải xé trang sách có lời đề tặng và giấu cuốn sách dưới gầm giường. Sau đó đã có người tìm thấy và mọi người đều ngắm chúng với vẻ thích thú.  

Tôi đã ở Bulgaria, Nam Tư, và Áo. Trong một chuyến đi tôi đã thấy họ chở rất nhiều sĩ quan và binh sĩ ta từ Nam Tư. Nhiều người mặc quân phục và đeo huân chương, nhưng không có huy hiệu và bị canh gác. Họ bị bắt vì khi ở Nam Tư đã kết hôn với những cô gái bản xứ. Đó đã là vào năm 1946.

Ở Vienna tôi dừng lại ở một toà nhà, tư gia của thị trưởng. Cửa sổ bị vỡ và mảnh kính kêu lạo xạo dưới chân tôi. Toà nhà bị hư hỏng vì chiến sự. Trên tường có nhiều tấm thảm trang trí và những bức tranh lớn. Từ nhỏ tôi đã thích vẽ vời và xem những điều thú vị. Tôi có cảm giác đang đi thăm một viện bảo tàng.  

Một lần, ở Budapest, sau khi đã chiếm được hoàn toàn thành phố, tôi đang chở bộ binh thì bất thình lình một quả lựu đạn phát nổ ! Chiếc xe đi trước xe tôi dừng lại, những người lính nhảy ra, ai đó đã bị thương còn người lái xe bị chết vì mảnh đạn. Kẻ nào đó đã ném quả lựu đạn từ trên cao xuống, trên mái nhà. Quân ta nhanh chóng tìm ra hắn, một tên lính SS. Thành phố đã hoàn toàn nằm trong tay quân ta, và thay vì rút đi thì hắn tiếp tục chiến đấu. Khi hắn bắn hết đạn, họ đã bắt được hắn. Trong một phút tức giận, họ tống hắn vào một hầm phân. Chiến tranh là chiến tranh. 

Dân Bulgaria và Nam Tư khá thân thiện với chúng tôi. Thời gian đó ta hay đi qua những ngôi làng của họ. Họ chặn xe của chúng tôi ở bất cứ đâu và chiêu đãi chúng tôi. Rượu của họ rất tuyệt và người dân khá thân thiện. Chúng tôi là những người anh em của họ. Sự thật là sau đó Staline đã mâu thuẫn với Tito.

Thật thú vị là ở nước nào, tôi cũng nhanh chóng học được ngôn ngữ địa phương. Trong một hay hai tuần tôi đã có thể tán gẫu với dân địa phương. Dễ dàng nhất là học tiếng Romania, vì tôi đã ở đây phần lớn thời gian. Khi tôi trở về, những người Romania quen tôi đã khuyên tôi ở lại. Tôi biết tiếng của họ và họ hứa sẽ bù đắp lại cho tôi. Nhưng Romania không phải quê hương của tôi.
"Chiếc xe tải và là bạn chiến đấu của tôi". Thị trấn Silistra, Bulgaria, 1945.[Đây là một chiếc Mercedes-Bentz L4500S với cabin bằng gỗ].

Tôi giải ngũ tháng 6-1946 với cấp bậc thượng sĩ của trung đoàn xe tải số 15. Tôi đã 28 tuổi. Tôi gia nhập quân đội năm 1938 khi tôi 20 tuổi. Tám năm tuổi trẻ của tôi đã trôi qua trong quân ngũ, trong chiến tranh và đấu tranh để sống sót. Bất kể thế nào, nhiều người đã kém may mắn hơn tôi. Rất nhiều người đã chết trong chiến tranh !

Tôi có hai khẩu súng lục Đức, một khẩu Walther nhỏ lúc đó thường được gọi là "của các quý bà" và một khẩu Parabellum. Đó là một khẩu súng rất mạnh, chế tạo tốt, chính xác, có thể bắn trúng một chiếc mũ sắt ở khoảng cách 100m ! Tôi cũng có một khẩu tiểu liên Đức nhưng tôi không thích lắm và đã đổi nó lấy một khẩu súng bắn tỉa. Tôi đã vứt cả 2 khẩu súng lục khi trở về nhà. Có lẽ nên giữ chúng lại làm kỉ niệm nhưng lúc đó tôi rất muốn về nhà và không muốn gặp thêm rắc rối nào. Vì thế tôi đã bỏ lại từng khẩu một. Tôi thậm chí còn không nhớ đã làm gì với khẩu súng bắn tỉa.

Người ta nói tàu hỏa chở bộ đội sẽ bị khám xét kĩ lưỡng nhưng điều đó đã không xảy ra. Tôi gần như không mang gì theo người. Có những ví dụ không hay về những sĩ quan đã kéo theo những vali to chiến lợi phẩm. Tất nhiên, tôi gửi hành lí về nhà cho những người bà con, áo choàng hoặc vải dù. Tôi hầu như không có tấm ảnh nào, và chỉ giữ được những tấm đã gửi về nhà cùng thư.

Có thời điểm tôi có rất nhiều ảnh, nhưng không lâu trước khi giải ngũ chúng đã bị lấy cắp hết. Tôi để chúng trong xà cột đựng bản đồ và đặt trên cabin. Chuyện xảy ra khi tôi chuyển hàng tới một vùng có rất nhiều kẻ trộm cắp. Chúng gần như tự do ở đây. Khi dỡ hàng khỏi xe, kẻ nào đó đã làm tôi sao lãng. Tôi ra khỏi cabin và khi quay lại thì những gì còn lại trong xà cột đựng bản đồ chỉ còn là dây buộc. Chúng đã cắt nó bằng dao cạo và chuồn. Tôi không trông thấy. Chúng lấy đi mọi thứ. Nhưng đối với tôi cuộc chiến vẫn in đậm trong kí ức trong suốt quãng đời còn lại. Nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình đang tham gia cuộc chiến. 

Câu chuyện được ghi bởi Arkadiy Goncharov,
dựa theo những hồi ức do cha của ông kể lại.

Soạn thành bài viết: Valeriy Potapov
Dịch từ Nga sang Anh: James F. Gebhardt
Dịch từ Anh sang Việt: Phan Trường Sơn
Hiệu đính bản tiếng Việt: Lý Thế Dân


HỒI ỨC CỦA LÍNH XE TĂNGAleksandr Bodnar'

Aleksandr Vasilevich Bondar'. Trường Ulianovsk 1940.
Giờ tôi đã gần 80 tuổi. Tôi mang quốc tịch Ukraina, sinh ra tại Hữu ngạn Ukraina (Bờ Tây sông Dnieper, ranh giới tự nhiên phân chia Ukraina) thuộc vùng Vinnitsa. Năm 1940, tôi tốt nghiệp lớp 10 và trong cùng năm đó tôi vào học Trường Huấn luyện Chiến xa Ulyanovsk. Tại sao tôi lại trở thành một chiến sĩ lái tăng? Tôi cần phải kể rằng trong những năm tháng khi tôi còn đang học, mọi công việc đều nhằm mục đích chuẩn bị tinh thần cho mọi người sẵn sàng với cuộc chiến hiển nhiên sẽ xảy ra với phát xít Đức. Vậy là tôi quyết định sẽ mình trở thành một chiến binh trong tương lai. Thêm vào đó, chú tôi cũng là một quân nhân, năm ‘39 ông bảo tôi: “Sasha, cháu sắp tốt nghiệp trung học. Chú khuyên cháu nên học tiếp trong một học viện quân sự. Chúng ta không thể tránh khỏi có chiến tranh, vậy tốt hơn hết là trở thành một chỉ huy trên chiến trường – cháu sẽ làm được nhiều việc hơn khi đã được huấn luyện cẩn thận.” Những lời nói đó tác động một phần tới quyết định của tôi, và tôi tham gia vào một trong những trường tốt nhất - Trường Huấn luyện Chiến xa Ulyanovsk. Nhưng tôi đã không kịp kết thúc toàn bộ khóa học – cần học hết hai năm trong khi tôi mới học được một năm rưỡi.
- A.D. Công việc huấn luyện tại trường này có định hướng chuẩn bị cho ông trở thành một xa trưởng không?
Không chỉ làm xa trưởng. Ở đó người ta huấn luyện chúng tôi để thành những sĩ quan chỉ huy lực lượng xe tăng, và một sĩ quan như vậy có thể trở thành cả xa trưởng, trung đội trưởng, hay trong trường hợp khá nhất, làm đại đội trưởng. Không hơn không kém. Có thể nói người ta đã huấn luyện cho chúng tôi để trở thành trung đội trưởng trung đội xe tăng hạng nhẹ. Năm ‘39 tại Leningrad, khi xuất hiện loại xe tăng hạng nặng KV (Klim Voroshilov), họ bắt đầu bố trí không phải hạ sĩ, mà là thiếu uý làm các xa trưởng. Đó là tại sao tôi đã trở thành xa trưởng chỉ huy xe tăng hạng nặng trong trận Maskva. Và sau trận đánh đó tôi đã là trung đội trưởng. Vị trí cao nhất tôi được giữ trong chiến tranh là đại đội trưởng một đại đội xe tăng.
- A.D. Chương trình học trong trường gồm những gì? Loại xe nào được dùng để thực tập : T-26 hay BT-5?
Khóa học bao gồm ba đại đội 100 học viên; mỗi đại đội có bốn lớp 25 người. Do đó, 600 người học tập luân phiên thành hai khóa. Mỗi năm trường có 300 học viên tốt nghiệp. Trường được bố trí thêm một tiểu đoàn đặc biệt, nó cung cấp tất cả các loại máy móc thiết bị chúng tôi cần phải học. Tiểu đoàn này đóng tại doanh trại cách sông Volga hai mươi kilômét. Chúng tôi tới đó vào mùa đông và mùa hè. Chúng tôi lái xe tăng và tác xạ, vận hành và sửa chữa chúng, v.v. Chúng tôi học cả loại T-26 lẫn BT-5. Nói chung trường này đào tạo ra sĩ quan cho xe tăng BT. Loại xe tăng này rất phổ biến vào thời gian đó.
- A.D. Ông có được huấn luyện lái loại xe gắn bánh hơi không (loại BT gắn bánh hơi để chạy nhanh hơn - LTD)?
Vâng, tất nhiên. Rất bất tiện bởi bánh lái phải được lắp ráp rất phức tạp. Một trục lái nối từ hộp số tới các bánh phụ phía sau (nó có bốn bánh phụ), một cần “ghita” đặc biệt được cài để truyền động không phải tới các bánh xe cuốn xích, mà tới những bánh hỗ trợ phía sau, nhưng chúng quá lớn nên việc giữ tay lái trở nên vô cùng khó khăn. Chiếc xe có thể chạy tới 90 km/h, nhưng người khỏe nhất cũng chỉ lái được tới 20-30 km/h, bằng không anh ta sẽ không thể giữ vững tay lái. Di chuyển trên bánh hơi được thiết kế chỉ cho chạy trên mặt đường nhựa hay lát đá, nên khả năng chạy mọi địa hình trên những chiếc bánh xe đó hầu như là không tưởng.
- A.D. Ông đã từng bắn loại pháo 45 mm chưa?
Tất nhiên là rồi.
- A.D. Bắn vào loại mục tiêu nào? Di chuyển hay cố định?
Cả cố định và di động. Chúng tôi thực hiện nhiều loại bài tập khác nhau. “Bắn khi phòng thủ” – là khi xe tăng được chôn dưới đất, cự ly bắn đã được tính sẵn, điểm ngắm đã được cung cấp trước nhằm có được khả năng tác xạ tốt nhất, chiếc xe tăng được nấp kín. Khi mục tiêu xuất hiện trong khu vực đã đặt điểm ngắm, nó sẽ bị bắn trúng ngay từ phát đạn đầu tiên.
Trong khi tấn công, tác xạ được thực hiện cả trong lúc di chuyển lẫn khi dừng xe trong thời gian ngắn. Khi ta bắn khi dừng trong thời gian ngắn, xa trưởng sẽ ra lệnh cho người lái: “Dừng ngắn.” Người lái dừng xe lại, và người xa trưởng sẽ tự đếm: “hai mươi mốt, hai mươi hai, hai mươi ba.” Trong lúc đó anh ta phải ngắm được khẩu pháo vào mục tiêu, xác định tốc độ di chuyển của mục tiêu, nếu như nó đang di chuyển, điều chỉnh trong kính ngắm của khẩu pháo và nã đạn. Nếu anh dừng lại lâu hơn 3-4 giây tại cùng một điểm – chính anh sẽ bị trúng đạn của kẻ địch. Tác xạ khi đang di chuyển không hiệu quả chút nào và thường chỉ được ngắm vào xung quanh mục tiêu.
- A.D. Việc thực hành trên xe tăng kéo dài bao lâu?
Thực hành đủ để biết cách điều khiển một chiếc BT. Chúng tôi phải học kỹ tới từng chi tiết nhỏ. Động cơ M-17 (của xe BT) vô cùng phức tạp, nhưng chúng tôi đã thuộc lòng chúng tới con ốc cuối cùng. Khẩu pháo, súng máy - chúng tôi đã tháo rời chúng ra rồi lắp trở lại, tổ lái phải nắm vững chiếc xe tăng. Ngày nay tổ lái không cần thiết phải nghiên cứu kỹ xe tăng. Xe tăng hiện đại rất chính xác và hoàn hảo, điều duy nhất mà tổ lái phải làm là nhấn nút điều khiển. Ngày nay tổ lái chang phải động chân động tay gì hết. Nếu chiếc xe bị hỏng - thế là chẳng còn gì để nói nữa.
- A.D. Lái xe, tác xạ, điều khiển và chỉ huy – điều gì cần tập trung nhiều hơn?
Là hai mục – tác xạ và lái xe.
- A.D. Trường ông học có chiếc T-34 hay KV nào không?
Chúng cũng được chuyển tới trường của tôi. Ở đấy có loại T-34 và KV, nhưng chúng tôi chỉ nắm vững được chúng trong thời kỳ chiến tranh. Có ba chiếc KV được lái tới Ulianovsk, tại Quảng trường Lenin bên bờ sông Volga. Người ta cho chúng tôi chui vào trong chiếc xe tăng hạng nặng ấy và lái tới chỗ tượng đài Lenin, gài số lùi và chạy ngược lại, rồi lại chạy một lần nữa tới bên tượng đài Lenin, rồi chuyển từ số một sang số hai và quay về. Van’ka chui ra, Mishka lại chui vào. Với mức kinh nghiệm thực tiễn như vậy tôi đã được giao cho chiếc KV của mình và chuyển tới Lữ đoàn 20 chiến đấu trên Cánh đồng Borodino. Chiến tranh đã dạy tôi phần còn lại …
- A.D. Chiến tranh xảy đến với ông như thế nào?
Chiến tranh bắt đầu khi tôi đang ở trường, tại trại huấn luyện dã chiến. Ông hiệu trưởng, một cựu lữ đoàn trưởng trong Chiến tranh Phần Lan, bị cụt một chân, bước lên bục diễn thuyết và nói: “Các con của ta, chiến tranh đã bắt đầu. Nó sẽ kéo dài và rất ác liệt. Hãy học tập chăm chỉ và đừng để ta phải đưa các con ra chiến trường khi kinh nghiệm vẫn còn non nớt. Hãy cố gắng học với tất cả khả năng của mình. Tới khi cần thiết, chúng ta sẽ đưa các con đi chiến đấu. Đừng lo, người nào cũng sẽ được chiến đấu đủ phần.”
Tháng Mười năm ’41, tôi tốt nghiệp với hàm thiếu uý và có mặt tại thành phố Vladimir nơi Lữ đoàn tăng 20 đang được thành lập. Tôi được giao một chiếc KV và ngày mùng 1 tháng Mười năm 1941 tôi đã tới Cánh đồng Borodino trong thành phần của lữ đoàn. Tại thời điểm này, trên Cánh đồng Borodino có mặt Lữ đoàn xe tăng 18, 19, 20 và Sư đoàn Bộ binh 32 dưới sự chỉ huy của Đại tá Polosukhin, vừa chuyển tới từ Mặt trận Viễn Đông. Nếu lúc ấy không có ba lữ đoàn tăng và sư đoàn bộ binh Polosukhin thì bọn Đức hẳn sẽ thẳng tiến tới tận Naro-Fominsk, bởi sau khi quân ta bị bao vây gần Viazma, tất cả mọi nẻo đường tới Maskva đều đã bị bỏ ngỏ. Phía Bắc, bọn Đức tập trung tấn công theo hướng Klin, phía Nam theo hướng Tula. Nhưng đó là một tính toán hết sức sai lầm vì thực tế cánh cửa mở toang lại nằm ở phía Đông.
- A.D. Lữ đoàn có được trang bị đầy đủ khi bắt đầu tham chiến tại Maskva không?
Lữ đoàn chúng tôi tới Maskva với rất nhiều loại tăng. Nhưng tăng hạng nặng, loại KV, thì chỉ có 7 chiếc, ngoài ra toàn lữ đoàn có gần 20 chiếc T-34 và số còn lại là T-60. Với trang bị như thế có thể nói chúng tôi khá yếu. Điều này cũng dễ hiểu vì các lữ đoàn này được tổ chức rất gấp rút. Người ta vơ lấy mọi thứ có thể và lữ đoàn của chúng tôi ra đời trong vỏn vẹn có 1 tuần. Sau 9 ngày tập đội ngũ, chúng tôi được chất lên những chiếc xe tải. Chúng tôi đón Nguyên soái Fedorenko tới tặng cho lữ đoàn lá cờ danh dự, diễu một lượt quanh thị trấn nhỏ trong sự chào mừng của nhân dân rồi họ đẩy chúng tôi lên xe, cứ thế tiến thẳng tới Matxcơva. Những chiếc xe tăng đã tới trước, chúng nằm rải rác tại Golitsyno, Dorokhovo. Khi tới nơi chúng tôi được giao xe ngay và lập tức lên đường tới Borodino.
- A.D. Xin hãy kể về trận đánh đầu tiên của ông.
Trận đầu rất khó khăn. Lữ đoàn của chúng tôi được bố trí trên Cánh đồng Borodino thuộc thê đội hai của Tập đoàn quân số 5 dưới sự chỉ huy của tướng Leliusenko. Lữ đoàn xe tăng 18 và 19 cùng Sư đoàn bộ binh 32 bị rải dài trên thê đội một, còn chúng tôi là thê đội hai. Nhưng vào ngày 15 tháng 10, khi kẻ thù chọc thủng trận tuyến của Sư đoàn 32 ở làng Artemkino trên Cánh đồng Borodino, lữ đoàn của chúng tôi được triển khai ngay để chặn bước quân thù. Lính tăng được lệnh chôn xe xuống đất, chiếc KV của tôi chỉ nhô lên mỗi chiếc tháp pháo 76mm. Chẳng có gì phải lo ngại nữa, tôi đã dễ dàng diệt được 2 chiếc xe chở lính từ khoảng cách 500-600 m. Khi những tên Đức lố nhố nhảy ra khỏi các xác xe, tôi dùng súng máy quét nốt.
Trước đó 5 ngày, chúng tôi đã tới Cánh đồng Borodino. Lữ đoàn trưởng, Đại tá Orlenko, đi thị sát đường Starưi Smolensk để quyết định sẽ bố trí xe tăng ở nơi nào. Lúc đó đang là đêm, trời tối đen như mực. Bất ngờ một chiếc xe quân sự với ánh đèn pha rọi sáng chạy nhanh tới chỗ chúng tôi từ hướng Gzhatsk. Tôi thấy Đại tá rút súng lục ra, chặn chiếc xe - bên trong là những lính Hồng quân - và hỏi người thiếu úy, sĩ quan cao nhất trên xe : "Sao các đồng chí dám vi phạm luật cấm đèn khi chạy xe ban đêm?" Liền đó một tiếng súng nổ vang, Lữ đoàn trưởng đổ vật xuống còn chiếc xe tăng ga chạy mất. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra để chặn chiếc xe lại và để cho nó trốn được theo hướng Vereya. Đó là thất bại nghiêm trọng đầu tiên của chúng tôi. Lữ đoàn trưởng hy sinh, người phó của ông là Antonov lên thay. Và thế là chúng tôi tham gia trận đánh đầu tiên. Trận đó Lữ đoàn tăng số 20 của chúng tôi đã bắn cháy 10 xe tăng Đức, 1 xe bọc thép, bắn hỏng 15 khẩu pháo và 7 súng máy ngay trong trận đầu ra quân. Ngôi làng an toàn nằm trong tay chúng tôi. Chiếc KV do tôi điều khiển bắn cháy hai chiếc xe chở lính và tiêu diệt sạch chỗ bộ binh còn sống sót. Tôi không biết các cánh khác làm ăn như thế nào, nhưng ngay khi mọi việc tưởng như đang theo chiều hướng tốt đẹp thì tôi nhận lệnh rút lui, về hướng Akulovo.
Tăng KV tấn công tại Mặt trận Karelia năm 1944
Tăng KV tạo cho tôi rất nhiều ấn tượng, đặc biệt khi chúng tôi bắt đầu phản công. Lữ đoàn tôi tìm cách đánh chiếm Ruza. Chúng tôi tới thị trấn này ngày 21 tháng 1. Cả thị trấn nằm trên một quả đồi, quả đồi này gối lên một quả đồi khác liền với bờ tây của con sông cũng tên là Ruza. Hỏa lực địch khiến cánh bộ binh phải chui vào hầm trú ẩn suốt ngày và không thể nhích thêm một bước nào. Lúc này lữ đoàn chúng tôi đang có trong tay 4 chiếc KV, số còn lại toàn là tăng nhẹ T-26 và BT. Thật sự lúc đó tôi thấy mình như một trụ cột trong đội hình chiến đấu. Những chiếc tăng nhẹ chẳng làm được trò chống gì, chúng bốc cháy dễ dàng như những bó đuốc mỗi khi trúng đạn của địch. Nhưng với KV thì khác, người Đức vẫn chưa biết cách để hạ tăng KV từ phía trước. Vì thế sư đoàn trưởng, Lữ đoàn tăng 20 của chúng tôi cũng nằm dưới sự quản lý của ông, đã ra lệnh "Đưa những chiếc KV lên phía trước để bảo vệ bộ binh, chúng ta sẽ vượt qua mặt băng và tấn công Ruza." Và lữ đoàn trưởng đã truyền lại mệnh lệnh cho tôi :
"Này con trai, anh sẽ phải lái xe đi trên băng."
"Vâng, nhưng thủ trưởng biết rằng chiếc KV nặng tới 48 tấn và bây giờ là ngày 21 tháng Giêng, nghĩa là băng chỉ còn dày có 40cm thôi, tôi sợ nó quá mỏng để giữ nổi chiếc xe", tôi trả lời.
"Con trai ạ, cứ tin một điều thế này này, đảm bảo anh sẽ không đi được xa đâu, nên khi xe bắt đầu chìm thì anh vẫn còn ối thời gian để nhảy ra ngoài."
Thế là chúng tôi phải thi hành mệnh lệnh, bằng không bộ binh sẽ không thể tiến lên và Ruza vẫn nằm yên trong tay quân thù. Tôi nói với tay lái xe Miroshnikov, vốn là một cựu diễn viên của nhà hát Voroshilovograd hơn tôi 4 tuổi (anh không bao giờ gọi tôi là "Đồng chí thiếu úy" mà chỉ gọi lỏn: "Tới đây, thiếu úy, tới đây". Tôi cho chuyện đó là bình thường vì tôi là lính mới trong khi anh ấy từng chiến đấu ở biên giới phía Tây và đã được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ).
"Miroshnikov, anh phải đảm bảo rằng sẽ đẩy số xe về số không nếu chúng ta chìm để khi người ta tìm cách kéo cái xe lên, nó sẽ không bị mắc kẹt lại dưới lòng sông.
"Tôi biết rồi, thiếu úy ạ, tôi biết rồi"
Tôi cũng nhắc nhở những người còn lại trên xe:
"Đừng đóng cửa nắp phía trên tháp pháo. Nếu xe chìm, chúng ta vẫn có thể thoát ra ngoài nhanh chóng.
Và rồi mọi chuyện diễn ra đúng như dự tính. Chúng tôi chỉ tiến được độ 7-8 m thì chiếc xe chìm nghỉm xuống đáy sông. Khổ sở lắm chúng tôi mới lên bờ được. Bộ binh đã chiếm được bờ sông của quân địch, vì thế chẳng có loạt súng máy nào từ phía đó nhằm vào chúng tôi. Họ lột chúng tôi trần như nhộng ngay trên bờ sông, cuốn cho mỗi anh một cái áo khoác da cừu, nhét vào tay chúng tôi mỗi người một ly vodka và ra lệnh :"Ngủ đi!" Chúng tôi ngủ suốt đêm. Tới sáng, chỉ huy bộ phận sửa chữa của Lữ đoàn đánh thức tôi dậy và nói : "Bondar', hãy phóng tới Maskva, lấy về đây ít dây cáp để kéo cái xe lên”.
Họ cho chúng tôi một chiếc xe tải và chúng tôi về Maskva, kiếm được mấy đoạn cáp nhỏ của Mỹ - loại cáp này rất nhẹ và bền. Ngay chiều hôm đó chúng tôi trở về Ruza, lòng nhẹ nhõm vui mừng. Cánh sửa chữa lôi chiếc tăng lên bờ, lau khô nó, thay thế các bộ ắc quy (dùng để khởi động xe) và chỉ sau 3 ngày tôi lại có thể tiếp tục tham chiến."
- A.D. Ông còn nhớ trận đánh nào khác diễn ra giữa tháng Mười và tháng Giêng không?
Một trong những kỷ niệm buồn là việc chúng tôi phải rút lui vì quân Đức đã thọc một lực lượng mạnh vào khu vực giữa Cánh đồng Borodino. Chúng tôi buộc phải bỏ vành đai phòng thủ đầu tiên để rút về vành đai thứ hai ở Vereya. Trung đoàn chúng tôi băng qua đường cao tốc Starưi Minsk. Dọc đường rất nhiều binh lính đã hy sinh. Bây giờ vẫn còn nhiều ngôi mộ vô danh ở các nghĩa trang trong vùng Vereya và những khu khác nữa, nơi các chiến sĩ của chúng ta yên nghỉ. Trong trận ấy tôi không bị thương. Tuy nhiên cũng chẳng có gì đặc biệt để nhớ cả.
- A.D. Thế là họ cho ông nghỉ ngơi có 3 ngày và sau đó lại tiếp tục chiến đấu?
Đúng, quan trọng là anh lái xe đã tin lời tôi, đẩy số xe về số không trước khi chúng tôi nhảy ra ngoài. Khi chúng tôi dùng đoạn cáp Mỹ kéo chiếc xe lên, nó đã chuyển động một cách dễ dàng. Tuy nhiên quan trọng nhất là anh tài đã nhanh tay tắt động cơ xe. Nếu không làm như thế, động cơ sẽ hút nước vào thay vì không khí và sự giãn nở nhiệt sẽ phá vỡ những xi lanh xe.
- A.D. Rồi sao nữa?
Chúng tôi tiến tới Gzhatsk, địa điểm ngày nay được gọi là Gagarin và tổ chức phòng ngự ở đây. Khi đó đã là tháng Tư, nhiệm vụ của chúng tôi là chặn đứng đợt phản công mới của quân Đức. Tại Bộ Tổng tư lệnh, ở Phương diện quân Tây dưới quyền chỉ huy của Nguyên soái Zhukov, đã có những lo ngại cho rằng quân Đức sẽ trả đũa chúng tôi vì cắt đứt sợi dây liên hệ giữa Cụm quân phía Nam và Cụm quân phía Bắc của chúng sau khi chiếm Kalinin và Tula, không những thế còn đẩy quân Đức từ Naro-Fominsk tới tận Gzhatsk. Thông tin tình báo cho biết quân đội Hitle đang điều nhiều sư đoàn, lữ đoàn từ Pháp sang mặt trận phía Đông để chuẩn bị cho một đợt tấn công mới. Biết rằng chúng tôi đã thiệt hại nặng sau khi tổ chức phản công, chúng sẽ càng quyết tâm phản công, từ đó tiến thẳng tới đánh chiếm Matxcơva.
Tình hình đó buộc Lữ đoàn của chúng tôi cùng các sư, lữ đoàn khác cấp tốc tiến tới Gzhatsk. Khu vực Uvarovka nằm phía sau vùng này cũng được lệnh sẵn sàn phòng ngự, để khi kẻ thù chọc thủng phòng tuyến của chúng tôi sẽ vấp ngay phải sức kháng cự của Uvarovka. Chúng tôi được phân tới mặt trận Kalinin, tăng viện cho nhà ga Shakovskaia.
- A.D. Ông nói rằng ông từng bị thương nhẹ?
À, tôi bị thương trong một lần đi trinh sát để tìm chỗ bố trí xe tăng. Chúng tôi đang đi phía trước đội hình bộ binh thì tôi trúng một viên đạn vào tay phải. Người ta đã băng bó cho tôi. Một tuần sau tôi được về với chiếc xe yêu quý của mình, mọi việc lại bình thường. Thật ra tôi chỉ bị thương nặng khi tham chiến tại Rzhev. Mùa xuân năm '42, Mặt trận phía Tây đã tiến thêm gần 250 km. Lúc này Matxcơva đã được an toàn, nhưng Stalin và Bộ chỉ huy vẫn e ngại khả năng quân Đức sẽ tổ chức tiến công một lần nữa vào Maskva, vì thế họ vẫn đưa mặt trận này lên hàng quan tâm số 1. Họ tổ chức phòng ngự và ra lệnh toàn mặt trận chuyển sang phòng ngự. Mặc dù thế, mặt trận này vẫn thiếu thốn đạn dược, pháo nhỏ và quan trọng là Bộ chỉ huy không hay biết gì về kế hoạch mùa hè của quân Đức. Stalin và Zhukov bị thuyết phục rằng trong mùa hè, quân Đức sẽ cố gắng đánh chiếm Maskva. Nhưng người Đức không phải những thằng ngốc, họ hiểu rằng khi âm mưu đánh chiếm Maskva bị thất bại, người Nga sẽ phòng ngự cẩn thận. Quân Đức quyết định tấn công từ hướng Nam. Zhukov, khi đó đã đồng ý với Stalin, bắt đầu cho phản công từ giới tuyến mà chúng tôi giành được trong đợt phản công mùa đông năm 1941 để ngăn cản quân Đức không chuyển thêm quân tới Stalingrad.
Họ chuyển chúng tôi tới mặt trận Kalinin. Chúng tôi hành quân mất 150 km. Khi đó tôi đã là chỉ huy một trung đội thuộc Lữ đoàn tăng của đại tá Medvedev. Lữ đoàn này trang bị chủ yếu là T-34. Trong một lần thiếu may mắn, chiếc KV của tôi vấp phải mìn chống tăng, nổ tung. Khi đó tôi không ở trên xe và cũng từ đó tôi không biết gì về số phận của những người còn lại nữa.
Chúng tôi bắt đầu đợt phản công tháng 8 năm 1942 từ nhà ga Shakovskaia, ở Pogoreloe Gorodishe, theo hướng Rzhev. Zhukov đã tính toán rằng chúng tôi sẽ chiếm được Rzhev và cắt đứt cái gọi là "Ban công Rzhev " - một trong những điểm mấu chốt quan trọng để từ đó quân Đức làm bàn đạp đánh chiếm Maskva. Tuy nhiên dự định không thành - chúng tôi đã không thể chiếm "ban công" cho tới tận năm 1943. Nói thực, chúng tôi quá yếu để có thể làm một cuộc tấn công ra trò. Tôi nhớ khi đó Lữ đoàn trưởng Medvedev đã tập trung chúng tôi - các trung đội trưởng và đại đội trưởng - rồi truyền đạt: "Trong đợt tấn công này, người Đức chắc chắn sẽ tìm mọi cách tới Smolensk. (Đó sẽ là cái đích tới của chúng ta). Hãy tiến lên. Hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ của các anh”. Nhưng nhìn chung chúng tôi tiến công khá chậm. Dù vậy, sau 5 hay 6 ngày giao tranh đầu tiên kết quả tương đối khả quan, thậm chí có nơi chúng tôi đã đẩy lùi quân Đức tới 70km. Phải thừa nhận rằng đây là đợt phản công đầu tiên của Hồng quân trong mùa hè, nếu không tính tới chiến dịch Elnha năm 1941. Cho đến tận khi này chúng tôi vẫn không biết cách tấn công quân Đức trong mùa hè. Tôi nhận thấy khi phản công chúng tôi đã ở điểm xuất phát cách xa mặt trận tới 3km. Tất nhiên điều này là không đúng, lẽ ra bộ binh chỉ được ở cách mặt trận trên dưới 1km mà thôi. Tới mùa thu, sau khi tôi bị thương, lữ đoàn của tôi đã tới Karmanovo, nhưng những gì lữ đoàn trưởng nói đã không xảy ra, quân Đức đã không tới Smolensk.
Thời kỳ đầu, chúng ta yếu cả lực lượng và phương thức chiến đấu. Khi tấn công vào các tuyến phòng ngự của người Đức tôi nhận thấy họ không rải ra thành một hàng dài mà quy về các cụm phòng ngự. Chiến tranh dạy chúng ta khôn ra. Chúng ta đã học cách xây dựng phòng ngự từ phía họ, và ở Stalingrad người ta đã xây dựng phòng ngự theo cụm tập đoàn quân. Trong quá khứ, cách phòng ngự của ta là rải ra trên một chiến hào dài 3km, trang bị nhiều súng máy, tiểu liên. Hồi đầu chiến tranh, chúng ta có 150 sư đoàn, rải thành một tuyến nối suốt từ Murmansk tới Odessa, trong khi người Đức chia quân đội họ ra 3 cánh quân: Trung tâm, Nam và Bắc. Mỗi cánh quân đó được trang bị hỏa lực cực mạnh và họ không hề rải quân ra như chúng ta. Tôi đã hiểu ra điều này rất rõ khi chúng tôi phản công Rzhev.
- A.D. Sau trận Maskva, người ta có bổ sung xe tăng cho các ông không?
Vâng, tất nhiên. Bổ sung loại T-34, không may đó lại là loại T-34 Stalingrad, không có vành trên các bánh phụ. Chúng gây ồn khủng khiếp. Tôi đã phải chiến đấu trong cái thứ máy móc thế đó. Cũng được bổ sung nhiều T-60, chế tạo tại Gorky. Lúc này vẫn còn rất ít tăng KV bởi Leningrad đã ngừng sản xuất KV, còn Chelyabinsk vẫn chưa bắt tay vào sản xuất chúng, nên xe KV chỉ đơn giản là lắp lại từ các bộ phận của những chiếc đã hư hỏng. Có rất nhiều T-34, tiểu đoàn của tôi có đến 30 chiếc, do đó chúng tôi trở thành một tiểu đoàn toàn T-34.
Tôi nhận ra nhiều điều sau đợt phản công tháng 8 năm 42. Tôi nhớ lại khi đó tiểu đoàn chỉ huy chỉ còn một xe T-34 của lữ đoàn trưởng và hai tăng nhẹ loại T-60. Vì thế tiểu đoàn trưởng lấy một chiếc tăng nhẹ và giao cho tôi chiếc còn lại - "Anh sẽ theo sau tôi. Nhớ duy trì liên lạc với tôi. Khi tôi gọi, anh mới được tới." Tôi thực hiện đúng mệnh lệnh. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi biết sức mạnh khủng khiếp của các trận pháo bắn chuẩn bị. Rất ấn tượng. Sau đó chúng tôi tiến hành tấn công. Lúc này tôi đang ở cách đội hình tấn công khoảng một hay nửa cây số gì đó, đột nhiên tôi thấy một cánh đồng đầy binh lính ta chết và bị thương. Những chàng trai trẻ đó là lính Cận vệ, hầu như toàn là lính mới. Và tôi cũng thấy nguyên nhân: quân Đức đã đặt một công sự có súng máy ở trên cánh đồng, từ đó quét sạch lính của chúng ta. Binh lính thì luôn sẵn sàng cho cái chết, nhưng các sĩ quan chỉ huy đã phung phí sinh mạng của họ. Lẽ ra phải mang pháo, súng cối tới để bắn át khẩu súng máy đó, họ chỉ ra lệnh : "Tiến lên, tiến lên". Đó là một ngày nóng nực. Tôi thấy một y tá chạy quanh cánh đồng và khóc : "Ôi những con người tốt bụng, hãy giúp tôi! Giúp tôi với! Giúp tôi đưa họ tới bóng râm." Tôi giúp cô y tá cáng những người bị thương đi. Phần lớn số họ đều bất tỉnh nên không thể biết được ai đang bị thương hoặc ai đã chết. Khi đó tôi thấy chiến tranh thật khốc liệt. Quá nhiều chàng trai trẻ đã chết và chiến tranh còn khiến bao nhiêu người ngã xuống nữa. Và thật đáng tiếc khi những con người trẻ tuổi phải hy sinh vì những mệnh lệnh ngớ ngẩn. Có nhiều vấn đề trong những ngày đầu của chiến tranh, khi chúng ta không biết cách tiến hành chiến tranh hợp lý. Nhưng chúng tôi đã học cách chiến đấu, như Piotr Đại đế học từ người Thụy Điển, và chúng tôi đã học người Đức cho tới tận trận Stalingrad. Sau trận Stalingrad chúng tôi chẳng còn gì để học từ họ nữa vì tự chúng tôi đã biết cách để chiến đấu.Tôi nhớ rằng mình đã chạy 15 km liền trong xe - quân Đức bỏ lại bao nhiêu trang thiết bị: xe hậu cần, xe sửa chữa. Tôi dừng lại tại một trong số những chiếc xe như thế và nhìn thấy những chiếc khăn tắm to màu trắng. Tôi có thể dùng chúng để lau mũi, nhưng có ai đó đã dùng trước, đem toàn bộ số khăn trắng còn nguyên trong hộp ra lau phụ tùng. Tôi nghĩ bụng: "Ừ, các người chắc là sống quá khỏe rồi" Rồi tôi bước ra ngoài và nhìn thấy một chiếc xe môtô hiệu BMW. Chưa bao giời nhìn thấy loại xe tương tự nên tôi cũng chẳng biết lái. Khi tôi cưỡi lên xe cũng chẳng biết cách chuyển số vì tôi không biết khớp ly hợp nằm ở đâu. Phải khi sờ sang tay số tôi mới thấy khớp ly hợp chuyển vị trí, bèn tự nhủ : "Ổn rồi, ta chỉ cần điều chỉnh tốc độ bằng tay gas là xong.". Đồng đội lái chiếc T-60, còn tôi cưỡi xe máy chạy ngay đằng sau. Tôi lái xe như thế cho tới tận tối thì bị một sĩ quan phản gián thu xe vì “nhiệm vụ của anh là chiến đấu, chứ không phải cưỡi xe máy”, anh ta nói.
Và cứ thế tới ngày mùng 7, chúng tôi tới gần làng Krivtsy. Thời điểm này, tiểu đoàn chỉ còn lại có 3 chiếc tăng: hai T-34 và một T-60, tất cả những xe còn lại đều đã bị bắn cháy. Trong chiến tranh có một luật lệ ngầm thế này: Lữ đoàn nhận lệnh từ trên và chiến đấu cho tới chiếc tăng cuối cùng, nếu chiếc tăng cuối cùng bị bắn cháy, lữ đoàn sẽ bị xóa sổ khỏi trận chiến và bị chuyển về hậu phương để tái thành lập khi có xe mới về. Bây giờ tôi mới biết chuyện này nhưng khi đó thì không. Tiểu đoàn trưởng gọi tôi lại và nói rằng "Con trai, ta không còn gì để chỉ huy nữa. Anh sẽ chiến đấu độc lập từ đây. Có hai chiếc T-34 dưới quyền anh - xe của tôi và xe của thiếu úy Dolgushin, bạn học với tôi từ trường Ulianovsk và chiếc T-60 kia. Hãy cố gắng tới Krivtsy vào đêm và giữ lấy cứ điểm này, đợi cho tới sáng để bộ binh tới."
Đó là toàn bộ nhiệm vụ. Trước mặt tôi lúc này là một dòng sông, và để qua sông chỉ có mỗi chiếc cầu. Theo quy ước trong chiến đấu, quân Đức có thể đã gài đầy mìn trên cái cầu đó và đi qua cầu sẽ rất nguy hiểm. Còn một hướng đi khác nhưng phải băng qua đầm lầy và anh có thể sẽ bị mắc kẹt lại trong đầm lầy, không thể thực hiện được nhiệm vụ. Vì thế tôi đã chọn cách nguy hiểm : "hy sinh" chiếc T-60, vì nếu chiếc T-60 đi qua an toàn có nghĩa cây cầu không bị gài mìn. Sự liều mạng đó đã được đền bù xứng đáng, chúng tôi đã đi qua sông an toàn trong niềm phấn khích cực độ. Tiến qua sông là vào tới vào làng. Quân Đức nện chúng tôi bằng súng máy và chúng tôi bắn trả. Tôi muốn bắn đạn pháo, nhưng ngay lúc đó chiếc xe của Dolgushin bùng cháy. Tôi nhủ thầm : "Sao không nhảy ra? Nhảy ra đi!" Và họ nhảy ra thật, còn tôi thở phào "Cám ơn Chúa!" Tôi thậm chí cũng chẳng để ‏‎y tới tình hình bi đát của mình lúc này nữa. Chúng tôi chỉ còn lại một chiếc T-34 và một chiếc T-60 ở rìa ngôi làng.Tới sáng sớm, trong khi trời còn rất lạnh, quân Đức tiến hành phản công. Khi đó là 6 giờ. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy hàng đám đông lính Đức tấn công, chúng mặc quần áo ban đêm, đeo áo khoác, mang súng máy và súng trường. Tôi thấy khuôn mặt của chúng đỏ lên vì rượu. Và tôi nhấn cò súng máy, chúng đổ sụm xuống từng cụm, áo choàng trùm kín lên thân. Tôi thấy mình giống một gã đao phủ, xử bắn hết lớp này đến lớp nọ. Dùng pháo chính, tôi đã bắn cháy 5 chiếc tăng chôn dưới đất. Chúng không thể làm gì nổi tôi vì đều là loại tăng Pz.III, Pz.IV, còn tôi lái xe T-34 với lớp vỏ giáp trước rất dày mà pháo của chúng không thể xuyên thủng.
- A.D. Nhưng chúng đã bắn trúng ông?
Tất nhiên là có. Sau buổi trưa, có tiếng động vang lên từ đáy xe tăng và một người lính nói với tôi, "Thiếu úy Bondar', có lệnh cho đồng chí từ Tiểu đoàn trưởng". Ông viết rằng "Con trai, tối nay người ta sẽ “trình diễn” Katyusha ở hướng 5 giờ. Ngay khi họ bắn, cố gắng cùng bộ binh tiến lên tới cuối làng". Đó là toàn bộ mệnh lệnh. Mọi thứ đều rõ ràng: không có thông tin chi tiết về phạm vi khu vực tấn công, điểm hội quân. Chỉ gọn lỏn mấy từ: "Con trai, cố gắng đi tới hết làng."
Tôi lệnh cho xe chuẩn bị, rồi cho xe chồm lên phía trước. Tôi nhìn thấy một khu rừng nằm yên bình dưới nắng ở phía bên kia làng và trong đầu hình thành một khao khát mãnh liệt: chạy tới khu rừng đó. Nếu khu rừng không có cụm phòng ngự nào, ngôi làng sẽ thuộc về chúng tôi và ngay khi chiếm được làng tôi sẽ không tiến thêm tí nào nữa. Tôi đã thực hiện xong mệnh lệnh và tôi muốn sống. Ngay khi nghĩ tới từ “sống”, tôi nhìn vào kính ngắm và thấy…một khẩu pháo xe tăng Đức. Rồi kế đó có tiếng anh lính lái xe khóc ầm lên: "Đồng chí chỉ huy! Chúng giết điện báo viên Tarasov rồi!" Tôi trườn tới bên Tarasov - người anh ấy đã đen lại, quả đạn pháo xuyên qua người. Thêm một chấn động nữa, chiếc xe tắt máy và bắt lửa. Chúng tôi phải tự cứu mình vì xe đang cháy. Tôi nhảy ra cửa sau và hét với đồng đội: "Chạy ra ngoài ngay". Anh lính lái xe và người nạp đạn nhảy ra theo. Chúng tôi chạy vào một cánh đồng khoai tây, đạn rít bên tai. Bất ngờ tôi trúng đạn, máu túa ra từ chân trái. Anh lái xe bò tới bên tôi nói : "Thiếu úy, đưa tôi khẩu súng lục, tôi sẽ bảo vệ cả hai chúng ta". "Thế khẩu của cậu đâu?" Tôi hỏi. "À, tôi đã làm rớt nó lại trong lúc nhảy ra ngoài xe rồi". Nhưng tôi biết anh ta luôn tháo khẩu súng ra, đặt nó trên ghế vì sợ vướng víu trong khi điều khiển xe. Cái tính đuểnh đoảng đó lần này đã hại anh ta. "Không", tôi trả lời, "Mình không thể làm thế vì đang bị thương. Với lại nếu có chuyện xấu xảy ra, mình không thể tự sát được bởi mình không muốn đầu hàng như một tên tù binh, để rồi bị tra tấn. Mà tại sao cái xe lại chết máy? " Anh ta liền kể với tôi rằng trước khi viên đạn pháo thứ 2 bắn vào xe, hộc ắcquy dùng cho khởi động máy đã bị hỏng. "Thế sao cậu không khởi động nó bằng khí?" Tôi giận giữ. "Ồ, tôi quên béng mất”, anh ta trả lời gọn lỏn.
Trong khi chúng tôi núp ở đó, trao đổi với nhau, chiếc xe dần ngừng bốc cháy. Tôi nằm yên lẩm nhẩm "Sao không cháy đi, cháy đi?" Nếu lửa tắt, tôi sẽ phải ra tòa án binh của tiểu đoàn vì tôi chỉ có quyền bỏ xe trong hai trường hợp: thứ nhất, xe bốc lửa và thứ hai, hệ thống vũ khí bị hỏng. Nhưng giờ chiếc xe hầu như vẫn còn nguyên vẹn, khẩu pháo vẫn nhả đạn tốt trong khi lửa đã tắt hết. Té ra, chiếc xe không hề bốc cháy, cái chúng tôi tưởng là lửa chỉ là hơi nước và khói dầu đã bốc lên từ trong xe. Tôi nằm yên, nghĩ tới những trách nhiệm khi tự ý bỏ rơi chiếc xe, điều gì sẽ xảy đến với tôi nếu tôi còn sống, rồi nói với anh lính lái xe. "Cậu bò tới đó một mình đi, bọn Đức nghĩ rằng chúng ta đã chuồn rồi. Vì thế hãy bò lại phía chiếc xe và tìm cách khởi động nó. Rồi cho xe chạy qua chỗ bọn mình, bọn mình sẽ lên xe theo đường cửa dưới". Tôi nói như vậy khi trong người tôi cảm giác thèm sống đang bùng lên dữ dội. Khi đó tôi nghĩ rằng việc lấy lại cái xe là hoàn toàn có thể vì tôi muốn được sống, giờ tôi thấy chuyện đó là không tưởng. Cứ thử xét ra thì thấy người lính lái tăng phải là loại nào mới đủ can đảm chạy xe về phía chúng tôi và dừng lại, trong khi đạn đang bắn xối xả về phía chiếc xe của anh, sau đó lại chạy xuống mở cửa dưới của xe, đón tôi, đang bị thương, và anh lính nạp đạn lên? Hoàn toàn không thể.
Người lính lái xe sau khi nhận lệnh đã chạy về phía chiếc tăng. Một lát sau chiếc xe gầm lên, quay mình chuyển hướng như một chú chó nhỏ đang tìm cách gặm cái đuôi của nó, rồi chạy thẳng về phía giới tuyến quân ta. Giờ nghĩ lại tôi mới thấy anh ấy làm đúng. Nếu anh ấy quay lại đón chúng tôi, cả đội có thể đã bị bắn chết. Bằng cách đó người lính đã cứu được chiếc xe. Tình cờ sau đó tôi đọc được một bài báo trên tờ Sự thật Komsomol viết về trận chiến này. Trong bài có đoạn: " 7 lần giặc Đức tìm cách đốt cháy chiếc xe và cả 7 lần chiến sĩ lái xe tăng đã dập tắt nó". Chà, tất nhiên toàn bộ điều này là dối trá. Không ai có thể làm như thế được. Người thư ký tiểu đoàn là đoàn viên Komsomol đã viết bài báo ấy, nên có thể tha thứ được cho anh ta.
Xe chạy đi, anh lính nạp đạn Slepov và tôi nằm lại trên cánh đồng khoai tây. Trời bắt đầu tối, khi tiếng súng ngưng dần, chúng tôi bắt đầu bò đi. Chúng tôi tìm thấy một trong những chiến hào của quân ta được xây dựng từ năm 1941 và may mắn là không có tên Đức nào ở đó, bèn trườn vào trên trong. Lưng dựa vào tường, tôi nói với Slepov: "Băng cho tớ với, phía trên đầu gối ấy ". Anh liền tháo chiếc thắt lưng và buộc trên chân tôi, nhưng máu đã ngừng chảy từ trước rồi. Rồi chúng tôi nghe thấy tiếng bọn Đức. Chúng đã lần theo vết bò của bọn tôi, theo những vết khoai tây bị dẫm nát. Hình như một tên trung sĩ chỉ huy đội này, và cả bọn đều không muốn xông vào bên trong công sự. Thế là những tên lính nhát gan thi nhau vãi đạn súng máy vào chiếc công sự tội nghiệp, đất đá rơi đầy đầu tôi, nhưng đạn thì không thể chạm tới người. Slepov ra hiệu cho tôi chuyển tới chỗ khác an toàn hơn, nhưng tôi xua tay - yên tâm đi, đạn súng máy không thể xuyên thủng được tường. Tôi cảm thấy buồn ngủ ghê gớm vì mất nhiều máu. Nhưng điều quan trọng là phải bắt mình tình táo để nếu bọn Đức xông vào chúng tôi có thể bắn trả. Bởi nếu chúng bắt được bọn tôi, chuyện tra tấn chắc chắn sẽ xẩy. Tôi nhặt lấy một cục đất lạnh, xát nó vào trán để giữ tỉnh táo.
- A.D. (Ông) Có thông tin gì về cách lính Đức tra tấn tù nhân không??
Có chứ, tất nhiên rồi, có nhiều thông tin về cách bọn Đức tra tấn chúng ta. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh ấy, nhưng đã đọc chúng trên báo chí. Tôi có 7 viên đạn trong khẩu súng ngắn kiểu côn xoay cỡ ''38 của mình. Nhưng cứ cách một viên đạn tốt lại có một viên tịt, nên thực sự chỉ có 4 viên dùng được. Nắm chặt khẩu súng trong tay tôi hình dung mình sẽ bắn 3 phát súng vào những tên Đức nào cả gan chui vào trong công sự và viên thứ 4 sẽ dành cho bản thân. Nằm im trong yên lặng, tôi tự nhủ: “Chúa ơi, hãy cứu con. Nếu người cứu con, con sẽ luôn tin người” Và mọi chuyện xảy ra đúng như lời thỉnh cầu của tôi. Tôi nghe thấy tiếng rít lên của pháo phản lực "Katyusha". Những tên Đức trúng đạn lập tức. Chúng hét lên kinh hoàng "Vai, Vai, Vai" và chạy thục mạng. Giờ thì chúng đã có mối lo khác ngoài việc truy bắt chúng tôi. Tôi nghe thấy tiếng chúng kéo một đồng đội bị thương đi.
Nhưng ngay lúc đó, một tên Đức loạng choạng đi vào trong công sự và lăn ra ngủ. Thật là kỳ lạ. Trong ngày thứ 8 của đợt phản công, đa phần lính Đức đã say khướt, mệt mỏi và họ không thể cưỡng lại được giấc ngủ. Tôi không thể nghĩ rằng một tên Đức có thể chui vào trong công sự - hắn đã chui vào vì nghĩ rằng không có ai ở bên trong. Tôi ra hiệu với Slepov - hãy đâm tên kia bằng dao. Và anh ra hiệu lại - Tôi không biết cách xài dao. Thế là tôi chỉ cho anh cách người ta vẫn dùng dao trong các thánh đường. Anh hiểu, bò đi mang theo con dao. Tôi nghe thấy tên Đức oé lên đúng một lần duy nhất, nhưng Slepov vẫn tiếp tục cắt cổ hắn thêm một lúc.
Chúng tôi bò ra ngoài. Đêm đã xuống, sao lấp lánh trên đầu và sương đêm đang rơi nhè nhẹ. Slepov không bị thương, còn tôi thì có. Chúng tôi phải bò về phía mình và một lần nữa tôi lại ra một mệnh lệnh hết sức vớ vẩn. "Bò đi", tôi nói, “một mình cậu thôi, bò về phía quân ta và chỉ chạy nếu bọn Đức bắn. Tới nơi hãy bảo người ta theo dấu cũ tới cứu tôi”. Tôi không biết Slepov có đến được phía ta không. Anh ấy bò đi, tôi thì trườn tới một căn nhà, mang theo hy vọng rằng khi bình minh lên tôi sẽ tới được phía quân mình. Khi tới gần ngôi nhà, tôi nghe thấy tiếng bọn Đức xì xồ bên trong, một tên Đức say cất giọng gào thét. Bên cạnh nhà, một người đàn bà đang ngồi khóc. Tôi chĩa khẩu súng về phía cô ta, ra lệnh: "Bò về phía tôi". "Tại sao cô lại ở đây?!" "Bọn Đức đang ở trong nhà tôi, lũ con tôi trốn trong rừng, tôi phải làm gì với anh đây?". "Bò đi ", tôi nói, "nếu không tôi giết". Cô ta chạc tuổi mẹ tôi, tầm 37 hay 38. Cô ta bò, còn tôi ra lệnh "Hãy bò tới phía quân ta". Cô biết phía quân ta ở đâu và tới sáng thì chúng tôi chạm vị trí tiền tiêu, nghe lào xào tiếng Nga vang lên. "Nào, bây giờ cô muốn ở lại hay bò về?" Tôi hỏi. "Về thôi, con tôi đang ở phía đó." Tới giờ tôi cứ ân hận mãi vì không cám ơn cô ấy.
Còn lại một mình, tôi hét về phía quân ta : "Các bạn ơi, tôi là một thiếu úy xe tăng bị thương và tôi đã chiến đấu với các bạn trong buổi sáng nay đây". Tôi nghe thấy một giọng nói của một người đứng tuổi: "Tất nhiên rồi, tất cả những loại như mày đều bị thương vì trườn đi lung tung nghe ngóng. Đồ gián điệp Đức...". Tôi tiếp tục: "Tôi là một thiếu úy, tôi đã chiến đấu cùng anh trên một chiếc xe tăng"."Rồi tôi nghe thấy giọng trẻ hơn: " Các bạn bình tĩnh. Anh ấy là thiếu úy của ta thật đấy, anh ấy kia kìa". Và tôi nghe thấy mệnh lệnh: "Đứng dậy, giơ tay lên!". Tôi đáp "Tôi không đứng được, chân đang bị thương mà". Có tiếng họ trao đổi với người lính trẻ "thử bò tới chỗ hắn, nếu có chuyện gì xảy ra hãy bắn lên một loạt." Họ bò về phía tôi, nhấc tôi đứng dậy và tôi hỏi:"Còn chiếc tăng nào không?" "Còn một xe nhỏ đấy" "Hãy đưa tôi tới gặp chỉ huy". Người chỉ huy chạy tới gọi "Đồng chí thiếu úy, đồng chí thiếu úy" - "Hãy đưa tôi tới địa điểm xuất phát." Anh lính lập tức tỏ ra vui vẻ vì nhờ việc này anh có thể tới vùng hậu phương và quan trọng hơn là đã cứu được một thiếu úy; nói chung việc này có lợi cho cả hai chúng tôi. Họ đưa tôi tới điểm xuất phát, nơi hôm trước tôi đã từ đó tiến công. Người tiểu đoàn trưởng nhìn thấy tôi mừng rỡ: “Con trai ạ, ta biết mọi chuyện sẽ kết thúc như thế này, nhưng nó kết thúc tốt hơn ta nghĩ. Và giờ đây con vẫn còn sống sót sau khi trải qua chiến trận, cám ơn Chúa” . Rồi họ đưa tôi vào trong công sự. Vợ Lữ đoàn trưởng ra lệnh cho họ : "Cắt cái ủng của anh ta ra" rồi thốt lên “Trông các anh tệ quá, vodka nhé”. Họ cho tôi một ly vodka rồi tiến hành phẫu thuật. Ngày hôm sau tôi được đưa tới ga Shakhovskaia. Tôi không bao giờ gặp lại anh lính lái xe hoặc anh lính nạp đạn nữa. Họ chở tôi trên một cái cáng: một người lính nhỏ thó đi trước, một người cao, hơi già khiêng phía sau. Tôi nói với họ: “Hãy đổi vị trí cáng nhé, nếu có chuyện gì xảy ra” - "Yên tâm đi thiếu uý, chúng tôi sẽ đưa anh tới nơi. " Liền đó những chiếc máy bay ném bom Junker bắt đầu tàn phá Pogoreloe Gorodishe và Shakhovskaia, họ liền thả tôi giữa đường, phóng ngay vào một chiếc hầm ở bên rìa đường. Tôi buộc phải nói với họ: “Sao các anh không đưa tôi vào hầm? Việc đó không cần thiết à?" - Lúc đó họ mới miễn cưỡng ra nhấc tôi lên, đặt vào bãi cỏ gần đó. Rồi từ đâu đó túa ra các cô gái trẻ tốt bụng. Họ giúp khiêng tôi lên một con tàu đi Maskva, không quên dặn với theo "Hãy nhanh chân lên trước khi máy bay Đức tới Maskva.” Khi tàu chuyển bánh, tôi nghe họ hát ở toa bên cạnh, bèn quay đầu hỏi một người lính già: “Cái gì vậy nhỉ?" "À, các cô gái đã đưa chúng ta lên tàu ấy mà." - "Sao họ lại về Matxcơva?" "Để sinh con." "Anh nói để sinh con?" "À, hồi tháng 10, khi họ động viên toàn dân, các bà mẹ đã nói rằng, ‘Đi đi, để rồi chửa hoang và vác cái bụng về nhà’” Và mọi việc diễn ra đúng như vậy. Đó là quy luật của cuộc sống, tôi không trách gì các cô gái cả.
- A.D. Những ngày đó, tiểu đoàn đã thiệt hại những gì?
Nói thật, trong vòng 8 ngày chiến đấu tiểu đoàn chúng tôi chỉ còn lại có 4 chiếc tăng: xe của tiểu đoàn trưởng, thiếu uý Dolgushin và hai tăng nhẹ T-60. Tiểu đoàn trưởng khi đó đã phải nói với tôi rằng "Con trai, ta không thể tiếp tục chiến đấu được nữa. Từ giờ anh sẽ là chỉ huy.” Chúng tôi đã thiệt hại rất nặng,phần lớn là do pháo chống tăng. Quân địch cũng trong tình trạng tương tự. Khi trên đường đuổi theo lữ đoàn, ngồi trong chiếc T-60 tôi nhìn thấy 8 chiếc tăng địch bị bắn cháy, toàn loại Pz.II và Pz.III. Binh sĩ của chúng ta dùng súng chống tăng đã bắn hạ chúng. Điều ngạc nhiên là những chiếc xe sau không hề rút lui khi xe trước bị bắn cháy. Có vẻ không giống với quân Đức vì những tay lái đi khá ngốc - Chúng chạy theo một đường thẳng vào đội hình tấn công của bộ đội ta và khi bị bắn cháy vẫn nằm nguyên trên một đường thẳng.
- A.D. Rồi điều gì đã xảy ra?
Thì 9 tháng nằm liệt trong các bệnh viện. Vết thương khá nghiêm trọng và lành thì rõ lâu. Đầu tiên tôi nằm ở bệnh viện dã chiến Bobylskaia, rồi tới bệnh viện thành phố Zlatoust. Sau khi hồi phục tôi phải đi bằng nạng, không thể chiến đấu được nữa. Thế là người ta điều tôi về đội huấn luyện lái tăng vì tôi biết công việc của người lái là gì và biết cách đào tạo họ.
- A.D. Ông có được thưởng cho trận đó không??
Có chứ, trận đó tôi được Huân chương Cờ đỏ trong khi còn đang nằm viện. Bạn tôi cho tôi biết : "Sasha! Họ viết về cậu trên tờ Sự thật Komsomolskaia đấy!" Tôi đọc thấy có đoạn :" Chiếc tăng dưới quyền chỉ huy của Thiếu úy Bondar'' là chiếc xe đầu tiên phóng tới ngôi làng". Đó là một số báo giá trị, và mọi việc đã diễn ra như một định mệnh.
Ghi âm: Artem DrabkinHiệu đính: Artem Drabkin và Ekaterina KorbutDịch từ Nga sang Anh: Alyssa NicholsDịch từ Anh sang Việt: Võ Hoàng Long - Lý Thế Dân

HỒI ỨC LÍNH XE TĂNG
Dmitriy Loza
Chỉ huy trên xe "Emcha"
Dmitriy Loza thời gian ở Hungary, tháng Ba 1945.
- Dmitriy Fedorovich, ông đã chiến đấu trên loại xe tăng Mỹ nào?
- Loại Shermans. Chúng tôi gọi chúng là "Emchas", do tên đúng của chúng là M4 [tiếng Nga đọc là “em chetyrye”]. Ban đầu là loại gắn pháo nòng ngắn, và về sau người ta bắt đầu chuyển tới loại có pháo nòng dài có gắn mũi giảm chấn. Trên tấm giáp nghiêng phía trước xe có gắn một bộ phận gài để khóa bảo vệ nòng súng trong quá trình di chuyển hành quân. Khẩu pháo chính trên xe có nòng khá dài. Nói chung, đó là xe tốt nhưng, cũng như bất cứ loại xe tăng nào, nó có cả ưu điểm lẫn nhược điểm. Khi có ai đó nói với tôi đó là loại tăng tồi, tôi luôn trả lời: “Xin lỗi nhé!”. Không ai có thể nói đó là loại tăng tồi được. Tồi khi so với cái gì? 
- Dmitriy Fedorovich, trong đơn vị các ông chỉ có loại tăng của Mỹ thôi sao?
- Tập đoàn quân xe tăng số 6 chúng tôi (vâng, chúng ta có 6 tập đoàn quân xe tăng) đã chiến đấu tại Ukraine, Romania, Hungary, Tiệp Khắc và Áo. Chúng tôi đã kết thúc chiến tranh tại Tiệp Khắc. Và rồi ngừơi ta vội vã chuyển chúng tôi về Viễn Đông và chúng tôi đã đánh nhau với Nhật Bản. Tôi cần nhắc cho anh rõ là tập đoàn quân này bao gồm hai lữ đoàn: Lữ đoàn xe tăng Cận vệ Stalingrad số 5 trang bị loại T-34 của ta và Lữ đoàn cơ giới số 5 mà tôi chiến đấu trong biên chế của nó. Ban đầu lữ đoàn này trang bị loại tăng Anh Matilda, Valentine và Churchill.
- Sau này họ mới chuyển tới loại Churchill.
- Đúng, một thời gian sau. Sau năm 1943 chúng ta ngưng dùng toàn bộ xe tăng của Anh bởi chúng có quá nhìều nhược điểm. Nhất là chúng chỉ có công suất 12-14 mã lực trên một tấn trọng lượng trong thời điểm mà một chiếc tăng được gọi là tốt, hiệu quả cần có công suất 18-20 mã lực trên một tấn. Trong số ba loại tăng Anh nói trên, loại tốt nhất là chiếc Valentine sản xuất tại Canada. Vỏ thép của nó được thiết kế nghiêng nhưng quan trọng hơn là nó gắn loại pháo nòng dài 57mm. Đơn vị chúng tôi chuyển sang dùng loại tăng Sherman của mỹ vào cuối năm 1943. Sau chiến dịch Kishinev lữ đoàn tôi được đổi tên thành Lữ đoàn cơ giới Cận vệ số 9. Tôi quên chưa nói với anh rằng mỗi lữ đoàn gồm có bốn binh đoàn. Lữ đoàn cơ giới chúng tôi gồm ba binh đoàn cơ giới và một binh đoàn xe tăng (tôi chiến đấu trong binh đoàn tăng này). Vâng, thế là chúng tôi có loại tăng Sherman trong binh đoàn bắt đầu từ cuối năm 1943. 
- Nhưng các xe tăng do Anh chế tạo vẫn không bị rút ra khỏi biên chế, chúng phải chiến đấu cho tới khi nào hư hỏng hết. Có khi nào lữ đoàn của ông gồm một hỗn hợp nhiều loại tăng, cả của Anh lẫn Mỹ không? Có vấn đề gỉ xảy ra khi phải phối hợp nhiều loại khí cụ do nhiều nước sản xuất như vậy không? Ví dụ như vấn đề về tiếp liệu và bảo trì chẳng hạn?
- Vâng, luôn luôn có vấn đề xảy ra. Nói chung, không còn nghi ngờ gì nữa, Matilda là một loại xe tăng rất vô dụng! Tôi xin ví dụ một nhược điểm của xe Matilda đã gây rất nhiều rắc rối cho chúng tôi. Có một thằng dở người nào đó ở Sở chỉ huy đã lập kế hoạch một chiến dịch tấn công và chuyển lữ đoàn chúng tôi tới vùng Yelnya, Smolensk và Roslavl. Địa hình ở đây rất nhiều đầm lầy và rừng rậm. Xe Matilda lại có giáp che hai bên bánh xích. Chúng được thiết kế giành cho các chiến dịch tại vùng sa mạc. Những tấm giáp này hữu dụng tại sa mạc-cát sẽ luồn gọn qua cái khe giữa giáp và bánh xích. Nhưng giữa vùng rừng đầm lầy nước Nga, bùn sẽ mắc kẹt vào cái khe đó. Bộ truyền động của xe Matilda có một phần phụ để dễ sang số. Trong điều kiện địa hình này bộ phận đ1o trở nên rất yếu, thường bị quá tải, nóng lên rồi hỏng. Chuyện này đối với người Anh thì khá dễ. Năm 1943 họ đã lập ra những bộ phận sửa chữa mà chỉ cần đơn giản là tháo 4 cái chốt sắt, lôi bộ phận máy cũ ra rồi lắp bộ mới vào. Trò này không phải lúc nào cũng phù hợp với chúng tôi. Trong tiểu đoàn tôi có tay thượng sĩ (tiếng Nga: Starshina) Nesterov, một cựu tài xế lái máy cày nông trang, chịu trách nhiệm chuyên viên cơ khí của tiểu đoàn. Ở cấp lữ đoàn chúng tôi cũng có một người đại diện (tôi đã quên mất tên anh ta rồi) của cái công ty Anh đã sản xuất ra những chiếc xe tăng này. Đã có lần tôi ghi lại tất cả những điều này, nhưng rồi khi xe tăng của tôi bị trúng đạn, tất cả vật dụng của tôi trong đó đều cháy sạch - ảnh chụp, giấy tờ tài liệu và cả quyển sổ ghi chép. Chúng tôi bị cấm giữ những sổ ghi chép khi ra chiến trường, nhưng tôi vẫn ranh mãnh tìm cách đem theo. Dù sao, tay đại diện người Anh đấy cũng thường xuyên can thiệp vào các cố gắng của chúng tôi nhằm sửa chữa cac bộ phận riêng biệt của chiếc tăng. Anh ta nói: "Ở đây có dấu niêm phong của xưởng chế tạo. Các anh không nên mó tay vào nó!” Chúng tôi đã tìm được cách tháo ra một chiếc và rồi lắp lại thành một cái mới. Nesterov đã sửa được một cách dễ dàng tất cả những bộ truyển động ấy. Một lần tay đại diện Ăng lê kia tới bên Nesterov rồi hỏi: "Anh đã từng học ở Đại học nào vậy?” Nesterov trả lời: "Ở nông trang đấy!"
Loại tăng Sherman được đánh giá cao hơn. Anh có biết rằng một trong những người thiết kế xe Sherman là một kỹ sư người Nga, tên là Timoshenko không? Anh ta còn có họ hàng xa với Nguyên soái S. K. Timoshenko đấy.
Xe Sherman cũng có những điểm yếu của nó, nhất là nó có trọng tâm rất cao. Nó thường hay lật nghiêng qua một bên như búp bê Matryoshka. Nhưng tôi còn sống sót tới ngày nay cũng là nhờ chính cái nhược điểm ấy. Tháng Mười Hai năm 1944 chúng tôi đang chiến đấu ở Hungary. Tôi đang dẫn đầu tiểu đoàn và khi tới một khúc rẽ, người lái xe của tôi lái trượt lên trên lề đường. Chiếc tăng của tôi đổ nghiêng một bên. Chúng tôi bị bắn tung lên nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Trong khi đó bốn chiếc xe tăng của chúng tôi vẫn đi tiếp và bị lọt vào một ổ phục kích. Tất cả bọn họ đều bị tiêu diệt. 
- Dmitriy Fedorovich, xe Sherman có các mắt xích xe bọc cao su. Vài nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng đó là một điều bất lợi do trong chiến đấu cao su rất dễ bắt lửa. Khi chiếc tăng bị lột lớp cao su ấy ra thì không thể di chuyển được nữa. Ông có nhận xét gì về điều này?
- Xét về mặt khác các mắt xích có bọc cao su lại là một lợi điểm lớn. Trước tiên, các mắt xích này có tuổi thọ gấp khoảng tới hai lần mắt xích thép bình thường. Có thể tôi không chính xác lắm, nhưng tôi tin rằng tuổi thọ của xích xe T-34 là 2500 cây số. Tuổi thọ xích xe Sherman lên tới 5000 kilômét. Thứ đến, xe Sherman chạy như một chiếc ôtô trên những bề mặt cứng, trong khi xe T-34 của ta kêu ồn tới mức có quỷ mới biết cách xa bao nhiêu cây số đã nghe thấy tiếng ầm ầm của nó rồi. Còn nhược điểm của xích xe Sherman là gì? Trong cuốn sách của tôi, cuốn “Commanding the Red Army's Sherman Tanks”, có hẳn một chương nhan đề là "Đi chân trần". Trong đó tôi viết về một sự cố xảy ra vào tháng Tám năm 1944 tại Romania, trong Chiến dịch Jassy-Kishinev. Trời nóng ghê gớm, có nơi lên tới khoảng 30° C. Chúng tôi đã phải chạy gần 100 km trên đường nhựa trong chỉ một ngày. Lớp cao su bọc các bánh xích phụ nóng đến nỗi cao su chảy ra và dính xuống thành những vệt dài. Lữ đoàn của chúng tôi phải dừng lại khi chỉ còn cách Bucharest không xa. Lớp cao su chảy hết, bánh xích bắt đầu kẹt lại, tiếng động phát ra thật khủng khiếp, và cuối cùng chúng tôi phải dừng lại hẳn. Chuyện này được báo cáo lập tức về Maskva. Có phải là chuyện đùa không hử, cả một lữ đoàn phải dừng lại? Thật ngạc nhiên là sau đó người ta đã lập tức chuyển tới cho chúng tôi những bánh xích mới và chúng tôi chỉ mất có ba ngày để lắp chúng vào. Tôi không biết họ tìm đâu ra nhiều bánh xích trong một thời gian ngắn đến vậy. Và còn một tiểu tiết nữa về loại xích bọc cao su ấy. Thậm chí cả khi đi trên đất có phủ một lớp tuyết mỏng thôi chiếc tăng cũng bị trượt cứ như một con bò mập ị. Khi trò này diễn ra, chúng tôi đã phải buộc dây kẽm gai quanh xích xe hoặc buộc thêm những dây cáp và chốt sắt vào, từc làm bất cứ thứ gì để xe không bị trượt. Nhưng đó chỉ là đợt tăng chuyển tới đầu tiên thôi. Sau khi phát hiện chuyện đó, tay đại diện người Mỹ đã báo cáo về công ty của anh ta và đợt chuyển tăng kế tiếp đã có kèm những xích xe có gắn thêm chông và chốt sắt. Theo như tôi nhớ, có tới bảy bộ chốt cho mỗi bên xích, tổng cộng có mười bốn bộ cho mỗi chiếc tăng. Chúng tôi đem theo chúng trong thùng phụ tùng trên xe. Nhìn chung viên đại diện Mỹ làm việc rất hiệu quả. Bất cứ nhược điểm nào biết được anh ta đều lập tức báo cáo và chúng đều được sửa chữa ngon lành.
Một nhược điểm khác của tăng Sherman là cấu tạo của nắp cửa cho vị trí của người lái xe. Nắp cửa của loạt xe Sherman thuộc đợt hàng tàu đầu tiên bố trí nằm trên nóc của thân trước xe và được mở thẳng lên phía trên. Thường người thợ lái hay mở nó ra để quan sát được tốt hơn. Đã có rất nhiều trường hợp trong khi tháp pháo đang quay thì nòng pháo va vào cái nắp này và đập lên đầu người lái. Đơn vị tôi cũng gặp phải trường hợp này một hoặc hai lần rồi. Về sau người Mỹ đã sửa được nhược điểm này. Giờ thì cái nắp được đẩy lên và gạt một cách gọn gàng sang một bên, giống như trên những xe tăng hiện đại ngày nay.
Tuy nhiên có một ưu điểm lớn của chiếc Sherman là việc sạc ắcquy cho xe. Trên xe T-34 của ta, để làm việc này cần phải mở máy và cho chạy hết tất cả công suất 500 mã lực của nó để sạc ắcquy. Trong khoang lái của chiếc Sherman có một động cơ phụ dùng xăng, nhỏ chỉ bằng bộ máy của xe môtô. Cứ bật nó lên và để kệ cho nó tự sặc ắcquy là xong. Vụ này quả là vô cùng tiện lợi cho chúng tôi!
Suốt một thời gian dài sau chiến tranh, tôi đi tìm câu trả lời cho một thắc mắc. Tại sao khi xe T-34 bốc cháy, chúng tôi phải cố chạy thật xa khỏi xe càng tốt, ngay cả khi điều đó vẫn bị cấm ngặt. Đạn trên xe lập tức phát nổ. Trong một thời gian khoảng 6 tuần, tôi đã chiến đấu trên một chiếc T-34 quanh vùng Smolensk. Xe của một đại đội trưởng của một trong những đại đội của chúng tôi bị trúng đạn. Tổ lái nhảy khỏi xe nhưng không thể chạy ra xa bởi bọn Đức dúi đầu họ xuống bằng súng máy. Họ phải nằm lại trên cánh đồng lúa mì trong khi chiếc tăng bốc cháy và nổ tung. Tới chiều, khi trận đánh đã kết thúc, chúng tôi tìm tới chỗ họ. Tôi nhận ra người đại đội trưởng nằm gục trên mặt đất cùng một mảnh vỏ thép xe cắm trên đầu. Khi chiếc Sherman cháy, đạn pháo không khi nào phát nổ. Sao vậy nhỉ?
Một trường hợp tương tự đã xảy ra với tôi tại Ukraina. Xe tăng của tôi bị trúng đạn. Chúng tôi nhảy khỏi xe nhưng bọn Đức nã cối như mưa quanh chúng tôi. Chúng tôi đang nằm dưới gầm xe tăng trong khi nó phát hỏa và bùng cháy. Chúng tôi nằm đó rất lâu mà không biết phải chạy đi đâu. Quân Đức nã súng máy và đạn cối vung vãi khắp cánh đồng trống xung quanh chiếc xe tăng. Chúng tôi buộc phải nằm đó. Lớp quân phục trên lưng tôi bắt đầu nóng bỏng lên do sức nóng từ chiếc xe đang bốc lửa. Chúng tôi đều cho mình chắc là tiêu phen này! Chúng tôi chờ nghe thấy tiếng nổ lớn và thế là tất cả chấm hết! Một nấm mồ chung cho anh em tổ lái! Chúng tôi nghe thấy rất nhiều thùm thụp rất lớn phát ra từ trong tháp pháo. Đó là số đạn xuyên thép bị bung ra khỏi thùng đạn. Lửa sẽ lan tới tiếp chỗ đạn phá (HE) và địa ngục sắp sụp xuống ngay bây giờ đây này! Nhưng không có chuyện gì xảy ra hết. Tại sao vậy nhỉ? Do loại đạn phá của ta thì phát nổ còn đạn của Mỹ thì không chăng? Hóa ra đó là do đạn của người Mỹ chứa loại thuốc nổ tinh khiết hơn. Đạn của ta chứa thêm thành phần gì đó làm tăng sức công phá của cú nổ lên gấp một lần rưỡi, nhưng đồng thời lại tăng độ nguy hiểm khi đạn phát nổ.
Dmitriy Loza cùng cha mình là ông Fedor Loza
- Có ý kiến đáng chú ý rằng trang bị bên trong của tăng Sherman rất tuyệt. Có thật vậy không?
- Đúng vậy. Không thể tả được! Chúng thật đẹp mắt! Với chúng tôi thì rất đáng kể. Như ngày nay người ta thường nói, “tiêu chuẩn Âu Châu”. Nó như một bức tranh ảnh Tây Âu vậy! Trướt hết, bên trong xe được sơn màu sắc rất đẹp. Kế đến, ghế ngồi rất thoải mái, bọc bằng thứ da nhân tạo rất tuyệt. Nếu một xe tăng loại này bị bắn tan hay bị phá hỏng, và nếu nó không được canh chừng thì đúng là chỉ cần vài phút sau là đám bộ binh đã lột sạch mọi thứ đồ đạc trong xe. Thứ đó để đóng giày thì tuyệt! Đẹp vô cùng!
- Dmitriy Fedorovich, ông suy nghĩ thế nào về quân Đức? Có coi họ như bọn phát xít và là quân xâm lược hay không?
- Khi có kẻ nào đứng trước mặt anh với vũ khí trong tay, và nếu vấn đề là ai sẽ giết ai, thì chỉ có một câu trả lời. Hắn chắc chắn là kẻ thù. Ngay khi tên Đức buông vũ khí hoặc bị chúng tôi bắt làm tù binh, thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn đổi khác. Tôi chưa từng đặt chân đến nước Đức. Tôi đã kể cho anh nhưng nơi tôi từng chiến đấu rồi. Có lần có một vụ xảy ra ở Hungary. Chúng tôi đang dùng loại xe tải chiến lợi phẩm Đức "letuchka" (một loại xe tải nhẹ). Chúng tôi đang đột phá sâu vào hậu phương quân Đức. Chúng tôi hành quân dọc một con đường và một chiếc xe tải nhẹ của chúng tôi bị tụt lại phía sau. Và rồi có một chiếc xe tải Đức, cùng loại với chiếc của chúng tôi, chạy nối đuôi vào sau đội hình hành quân. Đi được một quãng thì cả đoàn dừng lại. Tôi đi bộ dọc xuống cuối đoàn, kiểm tra từng chiếc xe một. “Mọi chuyện ổn không?” Mọi chuyện đều ổn cả. Tôi tiến tới chiêc xe cuối cùng trong đoàn và cất tiếng hỏi: “Sasha, mọi chuyện ổn chứ?” Tôi nghe thấy tiếng đáp: "Vas?" (“Gì vậy” tiếng Đức – LTD) Bọn Đức! Tôi lập tức nhảy sang một bên và hô lớn “Bọn Đức!” Chúng tôi bao vây chúng, gồm một lái xe và hai tên nữa. Chúng tôi tước vũ khí chúng và rồi chiếc xe tải nhẹ của ta xuất hiện trên đường. Tôi hỏi: "Sasha, cậu đã ở đâu vậy?" Cậu ta trả lời: “Chúng tôi đi lạc”. “Tốt, hãy xem đây,” tôi nói với cậu ta, "Ở đây có một chiếc xe tải khác cho cậu đây!”
- Vậy ông không cảm thấy căm thù binh lính đối phương sao?
- Không, tất nhiên. Chúng tôi hiểu rằng họ cũng là con người cả thôi.
- Quan hệ giữa các ông đối với cộng đồng cư dân địa phương thế nào?
- Khi Phương diện quân Ukraina số 2 tiến tới biên giới Rumani tháng Ba năm 1944, chúng tôi dừng bước và đóng quân lại đó cho tới tận tháng Tám. Theo luật thời chiến, toàn bộ cư dân địa phương phải bị di tản từ khu vực chiến sự về phía sau khoảng 100 km. Những người này lại vừa mới gieo trồng cho các khu vườn của mình. Chính quyền thông báo thông tin của cuộc di tản cư dân qua radio và đưa phương tiện vận chuyển tới tập hợp họ vào sáng hôm sau. Nước mắt vòng quanh, những người Moldavia đó chỉ còn biết lắc đầu. Làm sao có thể như vậy được? Họ phải bỏ lại các khu vườn của mình! Cái gì sẽ còn lại sau khi họ trở về? Và rồi cuộc di tản đã được tiến hành như yêu cầu, chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với cộng đồng cư dân đó. Thời điểm đó tôi đang là người phụ trách công tác tiếp đạn cho cả tiểu đoàn. Binh đoàn trưởng gọi tôi lên và bảo: "Loza, nghe nói anh trước kia xuất thân là nông dân phải không?” Tôi gật đầu. "Tốt, tôi cũng nghĩ vậy. Tôi chỉ định anh làm chỉ huy việc này. Anh phải chịu trách nhiệm coi sóc các khu vườn kia và phải đảm bảo rằng mọi thứ phải được chăm sóc đúng cách. Và Chúa sẽ giáng họa nếu chỉ cần có một quả dưa chuột nhỏ thôi bị phá hoại! Không được đụng vào bất cứ thứ gì! Nếu quá cần thì hãy tự đi mà trồng lấy cho riêng mình”. Những đội công tác được thành lập; trong binh đoàn của tôi chúng tôi có 25 người. Suốt mùa xuân và mùa hè chúng tôi nhặng xị xung quanh những khu vườn nọ. Tới mùa thu, khi quân đội phải rút về, chúng tôi được lệnh phải mời người giám đốc nông trang tới làm đại diện và chính thức chuyển giao cho ông ta tất cả những cánh đồng và khu vườn đó. Khi các bà chủ nhà trở về nơi tôi từng ở lại, bà ta lập tức chạy tới vườn của mình và lặng người không nói nên lời.  Bà ta trông thấy vô số bí ngô, cà chua và dưa hấu. Bà chạy như bay về nhà, quỳ xuống chân tôi và cố hôn lên đôi ủng. "Con yêu quý! Chúng ta đã nghĩ rằng mọi thứ đều bị bỏ mặc và phá nát đi rồi. Nhưng hóa ra là mọi thứ vẫn còn nguyên, và tất cả những chuyện chúng ta phải làm là đi thu hoạch chúng!” Đấy là một ví dụ về cách chúng tôi quan hệ với cư dân địa phương.
Trong chiến tranh quân y hoạt động tốt, nhưng có những trường hợp và quân y cũng không thể gíup gì khác mà chỉ còn biết nhún vai! Anh bạn ạ, Rumani thời gian đó đúng là cái ổ điếm bậu thỉu dơ dáy nhất toàn Châu Âu! Chúng tôi có một câu như sau: "Nếu anh có 100 Lei (tiền Rumani), anh có thể ngủ với một nữ hoàng!” Khi bắt được tù binh Đức, trong túi chúng lúc nào cũng chứa đầy bao cao su, tới 5-10 chiếc. Chính trị viên của chúng tôi hết sức đắc ý: "Hãy xem đấy! Chúng đem theo những thứ này để có thể tha hồ cưỡng hiếp phụ nữ của chúng ta!” Nhưng bọn Đức thông minh hơn ta nhiều và hiểu rõ những bệnh qua đường tình dục có thể gây tác hại thế nào với một quân đội.  Giá mà quân y chúng ta chỉ cần cảnh báo chúng tôi về những căn bệnh đó! Dù chỉ ở lại không lâu tại Rumani, các bệnh này đã lây lan khủng khiếp trong những đơn vị chúng tôi. Quân đội ta vẫn có hai bệnh viện: một dành cho những ca phẫu thuật và một để chữa trị những vết thương nhẹ. Và người ta đã phải lập riêng ra một khu cho các bệnh tình dục, dù không được chính thức tổ chức quản lý và cung cấp trang thiết bị.
Dưới đây là cách mà chúng tôi quan hệ với cư dân Hungary. Khi tiến vào Hungary tháng Mười năm 1944, chúng tôi chỉ gặp toàn những ngôi làng bỏ hoang. Khi chúng tôi bước vào những ngôi nhà, các bếp lò vẫn còn ấm, trên đó bày những món ăn nóng hổi, nhưng trong nhà chẳng còn ai. Tôi còn nhớ tại một thị trấn có treo một bức tranh tuyên truyền khổng lồ trên tường một căn nhà. Bức tranh mô tả cảnh một người lính Nga đang ăn thịt một đứa trẻ con. Những con người đó đã quá sợ hãi đến nỗi chỉ nghe thấy hơi chúng tôi là họ đã bỏ trốn mất tiêu! Họ bỏ lại toàn bộ tài sản của mình. Sau này, thời gian trôi đi, khi đã hiểu rằng tất cả những chuyện đó đều là tuyên truyền và hết sức phi lý, họ bắt đầu quay trở về nhà mình.
Tôi còn nhớ cái lần chúng tôi dừng chân tại miền bắc Hung, gần biên giới với Tiệp Khắc. Lúc này tôi đã là tham mưu trưởng của tiểu đoàn. Một sáng nọ người ta báo cáo với tôi rằng một bà già người Hung đã đột nhập vào một kho thóc trong đêm hôm trước. Chúng tôi có một nhân viên phản gián trong đơn vị, thuộc lực lượng SMERSH (tiếng Nga là "Smert Shpionam" hay "cái chết cho bọn gián điệp", thành phần của NKVD trong cơ cấu Hồng quân). Mỗi tiểu đoàn cơ giới đều có một sĩ quan SMERSH, còn ở các đơn vị bộ binh thì chỉ ở cấp trung đoàn trở lên mới có. Tôi đề nghị viên sĩ quan SMERSH chỗ chúng tôi đi kiểm tra xem sao. Họ xục xạo quanh cái kho và phát hiện ra một cô gái chỉ độ 18 hay 19 tuổi. Khi bọn họ lôi cô ta ra, khắp người cô đầy ghẻ lở và cô ho liên hồi. Bà già kia khóc như mưa, chắc bà ta nghĩ rằng chúng tôi sắp cưỡng hiếp cháu gái mình. Thật là phi lý! Không ai đụng một ngón tay lên cô ấy! Ngược lại, chúng tôi đã chữa chạy cho cô ấy. Sau này cô tới chỗ chúng tôi thường xuyên hơn, thậm chí có mặt quanh chúng tôi còn nhiều hơn ở chính nhà cô. Hai mươi năm sau chiền tranh, khi có dịp ghé thăm Hungary, tôi đã gặp lại cô. Đã là một người phụ nữ vô cùng xinh đẹp! Cô đã lập gia đình và đã có con.
- Do đó, ông không thấy có bất cứ sự lộng hành nào với cộng đồng địa phương đúng không?
- Không, chúng tôi không hề làm thế. Có lần tôi phải đi tới đâu đó ở Hungary. Chúng tôi đem theo một người Hung làm hướng đạo để khỏi lạc đường – dầu sao thì đây cũng là tại xứ người. Anh ta làm tốt và chúng tôi tặng anh tiền cùng thịt hộp rồi chia tay nhau. 
- Trong cuốn sách của ông "Chỉ huy những chiếc tăng Sherman Hồng quân”, ông có viết rằng Binh đoàn tăng Sherman M4A2 số 233 được trang bị không phải loại tăng nòng ngắn 75 mm mà là loại nòng dài 76 mm kể từ tháng Giêng 1944. Như thế có sớm quá không? Chẳng phải những xe loại đó chỉ sau này mới được chuyển tới hay sao? Xin hãy giải thích kỹ lại lần nữa là loại pháo nào được gắn trên xe Sherman của Binh đoàn tăng 233?
- Hừm, tôi cũng chẳng chắc nữa. Chúng tôi chỉ có rất ít xe Sherman gắn pháo nòng ngắn. Hầu hết là loại nòng dài. Và không chỉ có binh đoàn của tôi chiến đấu trên xe Sherman. Có lẽ loại xe đó được trang bị cho các binh đoàn khác. Trong lữ đoàn tôi cũng có thấy xe loại đó, nhưng đơn vị chúng tôi thì chỉ trang bi xe nòng dài.
- Dmitriy Fedorovich, vũ khí cá nhân cho mỗi chiếc tăng Sherman cũng được cung cấp cho Liên xô, là loại tiểu liên Thompson (thường được biết dưới tên Tommy gun). Tôi đọc thấy rằng ở hậu phương có kẻ ăn cắp những khẩu súng đó và có rất ít xe tăng tới được các đơn vị chiến đấu mà vẫn còn những khẩu tiểu liên. Còn các ông sử dụng loại vũ khí gì, của Mỹ hay của Xôviết? 
- Mỗi chiếc Sherman được chuyển tới kèm theo hai khẩu tiểu liên Thompson, cỡ nòng 11.43mm (.45 cal), băng đạn có sức chứa khá lớn! Nhưng khẩu tiểu liên này thật vô dụng. Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm không tốt về nó. Một vài tay đang tranh cãi với nhau trong lúc đang mặc áo bông trấn thủ. Rút cục bọn họ xách súng ra nã vào nhau và viên đạn bắn ra mắc kẹt lại, không xuyên nổi lớp áo bông. Thật là một khẩu súng quá sức vô dụng. Cứ thử lấy khẩu tiểu liên báng gấp của Đức ra mà xem (khẩu MP-40 SMG do Erma thiết kế - Valera Potapov). Chúng tôi khoái nó vì nó rất gọn. Khẩu Thompson quá cồng kềnh. Anh không thể xoay trở trong xe tăng với cái của ấy.
- Xe Sherman có gắn khẩu đại liên chống máy bay Browning M2 .50 caliber. Các ông có thường sử dụng nó không?
- Tôi không biết tại sao, nhưng có đợt tàu biển chở tới loại tăng có gắn đại liên, có đợt thì không. Chúng tôi dùng khẩu súng đó chống lại cả máy bay lẫn các mục tiêu trên mặt đất. Ít khi chúng tôi dùng chúng để bắn mục tiêu trên không bởi bọn Đức đâu có ngu. Chúng thường thả bom ở độ cao an toàn hặc ném bom bổ nhào. Khẩu đại liên chỉ bắn hiệu quả ở tầm cao 400-600 mét. Bọn Đức lại ưa bỏ bom ở cao độ 800 mét hoặc thậm chí cao hơn. Chúng cắt bom rồi lập tức bay đi. Cứ thử mà bắn cái lũ con hoang ấy mà xem! Do đó, chúng tôi có sử dụng chúng (để bắn máy bay), nhưng không hiệu quả lắm. Chúng tôi thậm chí dùng pháo chính để chống máy bay. Chúng tôi dừng tăng trên một bờ dốc và nã đạn. Nhưng nhận xét chung của tôi về khẩu súng máy đó là khá tốt. Những khẩu súng đó khá hữu dụng với chúng tôi trong chiến tranh với quân Nhật để chống bọn Kamikaze. Chúng tôi bắn chúng tới nỗi nòng nóng đỏ lên. Tới tận bây giờ tôi vẫn còn một mảnh đạn súng máy phòng không găm trong đầu. 
- Trong cuốn sách của ông có viết về trận Tynovka của các đơn vị của Lữ đoàn cơ giới số 5. Ông viết rằng trận đánh diễn ra ngày 26 tháng Giêng năm 1944. Có người đã tới đó và đào được tấm bản đồ của quân Đức, theo đó Tynovka đã ở trong tay quân đội Xôviết vào ngày 26 tháng Giêng 1944. Thêm nữa, người đó cũng đào được một báo cáo trinh sát của Đức, dựa trên cuộc thẩm vấn một trung uý Xôviết thuộc tiểu đoàn chống tăng thuộc Sư đoàn bô binh 359. Báo cáo này cho biết các xe tăng T-34 và xe tăng hạng trung do Mỹ sản xuất, cùng vài chiếc KV có nguỵ trang các mái rơm đã được bố trí tại Tynovka. Nhà khai quật này đang muốn hỏi xem ông có mắc sai lầm nào khi viết về thời gian trận đánh không. Anh ta cho biết rằng đúng ra phải một tuần trước đó thì Tynovka mới còn nằm trong tay quân Đức.
- Cũng rất có thể. Xin nhớ rằng tình thế khi đó vốn rất hỗn loạn! Anh bạn à, lúc đó mọi chuyện thật rối beng lên! Tình thế thay đổi không phải là từng ngày, mà là từng giờ một. Chúng ta đã bao vây quân Đức trong cái túi Korsun-Shevchenko. Chúng đã tìm cách đột phá ngay khi bọn Đức bên ngoài vừa tấn công chúng tôi để cứu đồng bọn bên trong. Những trận chiến đó vô cùng ác liệt đến nỗi Tynovka đổi chủ liên tục trong chỉ một ngày.
- Ông có viết rằng ngày 29 tháng Giêng Lữ đoàn Cơ giới số 5 đã tiến về phía tây để hỗ trợ các đơn vị của Phương diện quân Ukraina 1 đang phải kìm chân cuộc phản công của quân Đức. Nhiều ngày sau lữ đoàn cơ giới đã có mặt tại khu vực Vinograd. Sau đó, ngày mùng Một tháng Hai lữ đoàn đã ở trên hướng chính tấn công Sư đoàn xe tăng 16 và 17, Lữ đoàn xe tăng số 3 (của Đức). Cuộc tấn công này xuất phát từ khu vực Rusakovka và Novay Greblya về phía bắc và đông bắc. Sau đó nhiều ngày quân Đức đã chiếm lại Vinograd và Tynovka, tới tận sông Gniloy Tikich, và rồi tới tận Antonovka. Ông có thể kể lại vai trò của lữ đoàn cơ giới của ông trong diễn tiến trận đánh đó không?
- Chúng tôi bao vây bọn Đức và khép kín cái túi đó lại. Chúng lập tức đẩy lùi chúng tôi về vành đai bao vây ngoài cùng. Thời tiết thật tồi tệ; bùn đất oàm oạp suốt ngày. Tôi nhảy khỏi xe tăng xuống một đám bùn. Lúc đó việc rút chân ra khỏi ủng còn dễ hơn nhiều việc nhấc ủng khỏi lớp bùn. Ban đêm nhiệt độ tụt xuống dưới âm và bùn đông cứng lại. Chúng tôi phải chiến đấu với đám bùn đó ở vành đai bao vây ngoài cùng. Chúng tôi chỉ còn lại vài chiếc xe tăng. Để tăng cường lực lượng, ban đêm chúng tôi bật hết đèn trên xe tăng và xe tải lên rồi di chuyển. Toàn bộ lữ đoàn của tôi chuyển sang thế phòng ngự. Bọn Đức cho là tuyến phòng thủ của chúng tôi đã được bố trự công sự và vũ khí rất vững chắc rồi. Trong thực tế, lữ đoàn chỉ còn khoảng 30 % lực lượng xe tăng. Trận đánh dữ dội tới mức nòng pháo nóng đỏ cả lên. Lúc đó thậm chí cả đạn pháo cũng chảy cả ra. Anh nổ súng và đạn bay văng ra đám bụi cách phía trước xe tăng chỉ vài trăm mét. Bọn Đức chiến đấu cật lực để sống sót, không cần biết tới tình thế thực tế và không còn cái gì để mất. Vài tên đã thoát được ra ngoài theo từng tốp nhỏ.
- Máy bay Đức có gây tổn thất đáng kể cho trang thiết bị của ta không? Đặc biệt, ông có thể nói gì về loại Henschel Hs-129?
- Không phải lần nào cũng vậy, nhưng có. Tôi không nhớ có phải loại Henschel hay không; có lẽ có loại máy bay đó. Đôi khi chúng tôi tìm cách tránh được bị trúng bom. Anh có thể trông thấy chúng bay về phía anh cơ mà, anh biết đấy. Chúng tôi mở nắp tháp pháo, ló đầu ra và hướng dẫn cho người lái xe qua bộ đàm intercom: "Bom sẽ rơi xuống phía trước chúng ta”. Nhưng nói chung vẫn có những trường hợp xe tăng bị trúng bom và bốc cháy. Thiệt hại do không kích thường không quá 3 tới 5 xe tăng trong mỗi tiểu đoàn. Thường là chỉ có một chiếc bị thương hay bị phá huỷ. Chúng tôi bị đe dọa chủ yếu là từ đám xạ thủ chống tăng panzerfaust nấp trong các vị trí phòng thủ. Ở Hungary tôi nhớ có lần tôi mệt mỏi tới nỗi tôi yêu cầu người khác thay thế mình chỉ huy tiểu đoàn rồi lăn ra ngủ. Tôi nằm ngủ ngay trong khoang lái của chiếc Sherman của mình. Ở vùng Beltsy người ta thả dù đạn dược cho chúng tôi. Chúng tôi mỗi người tự lấy cho mình một cái dù như thế. Tôi dùng cái dù đó để làm gối ngủ. Dù được làm từ lụa và rận không thể sống trong đó được. Và tôi ngủ say như chết! Đột nhiên tôi thức dậy. Chuyện gì vậy nhỉ? Tôi tỉnh dậy mà xung quanh hoàn toàn yên lặng. Tại sao lại yên lặng nhỉ? Hoá ra là máy bay địch tấn công đã đốt cháy hai chiếc xe tăng. Trong khi hành quân mọi thứ đều được chất lên xe tăng: thùng chứa, vải bạt. Tiểu đoàn đã dừng lại, tắt hết máy xe, và tất cả trở nên yên tĩnh. Và thế là tôi thức dậy. 
- Các ông có khóa nắp tháp pháo trong khi chiến đấu giữa các khu vực có xây dựng không?
- Chúng tôi luôn khóa nắp tháp pháo từ phía trong. Theo như tôi nhớ, khi chúng tôi tấn công vào Vienna, bọn chúng ném lựa đạn vào chúng tôi từ những tầng gác trên. Tôi hạ lệnh cho tất cả các xe tăng đều phải đậu dưới các mái vòm nhà hay dưới các cây cầu. Hết lần này đến lần khác tôi phải chui ra ngoài để kéo theo dây ăngten và gửi hay nhận điện liên lạc từ chỉ huy. Có một lần, một điện đài viên và người thợ lái đang làm cái gì đó trong xe tăng và để cửa xe mở. Có kẻ nào đó ném một quả lựa đạn từ bên trên vào trong xe. Nó rơi trúng lưng người điện đài viên và nổ tung. Cả hai đều bị giết. Từ đó chúng tôi luôn khóa nắp cửa khi vào những khu vực có xây dựng.
- Cơ cấu cơ bản của đầu đạn lõm HEAT (hollow-charge), trong đó panzerfaust là một ví dụ, là tạo một sức ép rất lớn bên trong xe tăng, làm vô hiệu hóa tổ lái. Nếu nắp xe được mở hé ra thì có giúp tránh được chuyện đó không? Có một mệnh lệnh đặc biệt được ban hành như vậy trước khi quân ta bắt đầu tiến vào nước Đức.
- Đúng vậy, nhưng chúng tôi vẫn luôn khóa nắp xe. Có thể ở các đơn vị khác thì không vậy. Đám xạ thủ panzerfaust thường lại bắn vào phần máy xe. Nếu chúng đốt cháy được xe thì gì đi nữa tổ lái cũng phải chui ra ngoài. Và thế là bọn Đức sẽ nã súng máy vào tổ lái.
- Nếu xe tăng bị trúng đạn thì cơ hội sống sót là bao nhiêu?
- Xe tăng của tôi bị trúng đạn ngày 19 tháng Tư 1945 tại Áo. Một chiếc Tiger nã một phát đạn xuyên qua xe tôi. viên đạn xuyên qua suốt bộ phận hỏa lực và bộ phận động cơ. Trong xe lúc đó đang có ba sĩ quan: tôi là tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng Sasha Ionov (xe tăng anh ta trước đó đã bị trúng đạn), và xa trưởng. Ba sĩ quan, một thợ lái, và một điện đài viên. Khi chiếc Tiger bắn trúng xe tôi, người thợ lái bị giết ngay lập tức. Khắp trân trái của tôi bị thương; bên phải tôi, Sasha Ionov bị cắt rời chân phải. Người xa trưởng cũng bị thương, và ngồi phía dưới tôi là người pháo thủ. Lesha Romashkin. Cả hai chân anh ta đều bị cắt đứt. Không lâu trước trận đó, chúng tôi đã cùng ngồi ăn với nhau và Lesha đã bảo tôi: "Nếu tôi bị cụt chân, tôi sẽ tự cho mình một phát đạn. Còn ai mà cần tôi nữa?” Anh ấy là một đứa trẻ rơi và không còn người thân nào. Trong cái vòng xoắn kỳ lạ của số mệnh, chính điều đó đã xảy ra với anh. Chúng tôi kéo Sasha khỏi xe và kế đó là Lesha, và rồi bắt tay vào sơ tán những người còn lại. Ngay khi đó Lesha đã tự sát.
Nói chung, khi xe bị trúng đạn thì luôn có một hoặc hai người chết hay bị thương. Tuỳ theo vị trí bị trúng đạn.
- Binh lính hay hạ sĩ quan có được nhận thứ tiền túi nào không? Lương hay trợ cấp chẳng hạn?
- Nếu so với các đơn vị lính thường (không phải là quân Cận vệ), trong đơn vị Cận vệ binh nhất và trung sĩ cho tới thượng sĩ đều được trả lương gấp đôi, còn sĩ quan thì nhận gấp một lần rưỡi. Lấy ví dụ, khi tôi làm đại đội trưởng thì được nhận tới 800 rúp. Khi lên chức tiểu đoàn trưởng, tôi được nhận 1200 hay 1500 rúp gì đó. Tôi không nhớ chính xác. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi cũng không bao giờ được nhận hết số tiền này. Chúng được giữ lại trong một ngân hàng tiết kiệm dã chiến để tránh việc tích trữ tài sản tư hữu. Chúng tôi dành giụm tiền ở đó và gửi chúng về gia đình. Chúng tôi không đút tiền của mình vào túi áo mà đi vòng vòng. Chính phủ đã có lý trong chuyện này. Chúng tôi thì cần dùng tiền làm gì ở ngoài mặt trận? 
- Các ông sử dụng số tiền trong túi mình như thế nào?
- Vâng, lấy ví dụ lần chúng tôi tập hợp huấn luyện tại Gorkiy, tôi đi ra chợ cùng bạn mình, Kolya Averkiev. Anh ta là một anh chàng tốt, nhưng đã hy sinh từ đúng ngay trận đánh đầu tiên! Chúng tôi đi bộ lòng vòng và tới gần một tay đầu cơ đang rao bán bánh mì đen. Hắn đang ôm trong tay một ổ bánh và có hai ổ khác trong cái túi trên vai. Kolya hỏi hắn: "Ổ bánh giá bao nhiêu vậy?” Hắn ta trả lời: "Ba kosykh" (Kosaya là một từ lóng tiếng Nga, có nghĩa là 100 rúp; do đó người đầu cơ kia đã đòi tới 300 rúp – Valera Potapov). Kolya không hiểu "kosaya" nghĩa là gì, rút túi ba rúp và chìa ra. Gã đàn ông đáp: "Cái gì, anh có điên không?" Kolya phản ứng: "Gì vậy? Anh đòi kosykh và tôi đã đưa anh ba rúp!” Tên đầu cơ trả lời: "Ba kosykh tức là ba trăm rúp!" Kolya đáp lại: "Mày là đồ thổ tả! Mày trốn ở đây mà đầu cơ còn chúng tao thì đang đổ máu cho chúng mày ngoài chiến trường!" Là sĩ quan nên chúng tôi luôn mang vũ khí theo bên mình. Kolya rút khẩu súng lục của mình ra. Tay kia túm lấy ba rúp và ba chân bốn cẳng rút lui.
Để thêm vào tiền lương, mỗi tháng một lần các sĩ quan được nhận một gói phụ cấp. Nó bao gồm 200 gram bơ, một hộp bích quy, một gói bánh khô, và, theo tôi, còn có thêm một ít phô mai nữa. Vài ngày sau sự kiện diễn ra ngoài chợ, chúng tôi nhận được gói thực phẩm phụ cấp của mình. Chúng tôi cắt ổ bánh đó ra, trét bơ lên trên và kẹp thêm phô mai. Thật là một bữa thịnh soạn!
- Thực phẩm các ông được nhận trong gói phụ cấp đó là của nước nào? Của Liên Xô hay Mỹ?
- Cả hai. Đôi khi chỉ của một nước và đôi khi từ cả hai.
- Nếu bị thương binh lính và hạ sĩ quan có được cấp thêm thứ gì không? Tiền, thức ăn, nghỉ phép hay một hình thức đền bù gì đó chẳng hạn?
- Không có sự trợ cấp đặc biệt nào thêm.
- Nếu tiêu diệt được một xe tăng, một khẩu pháo v.v. thì phần thưởng sẽ làm gì? Ai sẽ quyết định điều đó hay nó đã thành một điều lệ nghiêm túc để khuyến khích và khen thưởng? Khi hạ được một chiếc xe tăng thì toàn bộ tổ lái đều được thưởng hay chỉ một cá nhân nào đó thôi? 
- Tiền thưởng được trao cho tổ lái và được các thành viên chia đều ra cho tất cả.
Hồi ở Hungary, vào giữa năm 1944, trong một cuộc họp, chúng tôi quyết định là sẽ tập trung tất cả tiền thưởng về thành tích diệt địch của chung thành một món và gửi số tiền đó về gia đình những đồng dội đã hy sinh. Sau chiến tranh, khi tổng kết tài liệu, tôi có dịp xem lướt qua một danh sách mà bản thân mình đã ký nhận để gửi tiền về cho gia đình các bạn đồng đội: chỗ này ba ngàn rúp, chỗ kia năm ngàn, v.v.
Tại khu vực Hồ Balaton, chúng tôi đột phá tới hậu phương quân Đức và kết cục là đã tiêu diệt cả một đoàn xe tăng của Đức, phá huỷ 19 tăng, trong đó có 11 chiếc hạng nặng. Và thêm vô số xe bánh hơi khác. Tổng cộng chúng tôi đếm được là đã phá huỷ 29 phương tiện cơ giới chiến đấu của địch. Chúng tôi được thưởng cho cứ mỗi chiếc là 1000 rúp.
Trong binh đoàn tôi, có một số lớn anh em tổ lái là người Maskva, do binh đoàn vốn được thành lập tại vùng Naro-Fominsk (một thị trấn nhỏ gần Maskva – Valera Potapov), và lính bổ sung cũng đến từ các đơn vị tuyển quân ở Maskva. Do đó, sau chiến tranh, khi tôi về học tại Học viện Quân sự Frunze, tôi đã tìm mọi cách có thể để đến gặp gia đình những người đã khuất. Tất nhiên, những cuộc gặp mặt đó rất đau sót, nhưng là vô cùng cần thiết đối với họ bởi họ đã gặp được một người  từng sống với những người con, người cha hay anh em họ đã hy sinh. Tôi phải liên tục kể lại cho họ từng chi tiết nhỏ, thậm chí kể cả tới chi tiết ngày tháng. Họ nhớ lại thời điểm mà họ được chính quyền thông báo, và sự kiện đó thay đổi vĩnh viễn đời họ. Rồi họ nhận tiền. Có trường hợp chúng tôi còn có thể trao cho họ không chỉ tiền mà cả những gói chiến lợi phẩm nữa.
- Vậy tóm lại là một chiếc tăng bị hạ thì được tính ông cho toàn bộ thành viên tổ lái.
- Đúng.
- Ai là người xác nhận thiệt hại của đối phương?
- Ban tham mưu, cùng tiểu đoàn trưởng và đại đội trưởng. Chỉ huy trưởng đơn vị bảo trì cũng lãnh trách nhiệm này. Thêm vào đó, chúng tôi lập một đội chuyên đi tập trung các xe tăng bị hư hỏng lại. Đừng lầm họ với những đơn vị ở hậu tuyến! Đội đó thường gồm 3 tới 5 người cùng một chiếc xe đã được sửa chữa lại (thường là một chiếc tăng không có tháp pháo – Valera Potapov), do vị sếp đơn vị bảo trì chỉ huy. Họ đi sau đội hình chiến đấu, quan sát cả thiệt hại của ta lẫn của bọn Đức rồi ghi nhận tất cả lại.
- Bằng cách nào xác định được ai là người đã tiêu diệt chiếc xe tăng hay khẩu pháo đó? Điều gì xảy ra nếu nhiều tổ lái cùng tuyên bố là đã tiêu diệt đúng cùng một chiếc tăng Đức?
- Điều này vẫn xảy ra, dù không thường xuyên. Thông thường, người ta sẽ công nhận cả hai tổ lái và ghi chú thêm là “cùng hợp sức”. Trong báo cáo sẽ chỉ ghi là có một xe tăng dịch bị tiêu diệt. Tiền thưởng được chia làm đôi: 500 rúp cho mỗi tổ lái.
- Tổ lái của chiếc tăng đã bị phá huỷ hành động tiếp thế nào trong một trận đánh?
- Cố cứu chiếc tăng hay cố sửa chữa nó. Nếu tổ lái không đủ phương tiện cần thiết để sửa chữa, họ sẽ lập một tuyến phòng thủ quanh chiếc xe của mình. Việc bỏ xe lại dứt khoát bị cấm. Tôi đã kể rằng trong mỗi tiểu đoàn chúng tôi đều có một viên sĩ quan SMERSH. Thượng đế sẽ giáng cơn thịnh nộ nếu anh dám bỏ lại một chiếc tăng! Chúng tôi đã có vài trường hợp khi trước trận chiến một người đã cố tình làm lỏng bớt xích xe chiếc tăng của mình. Không quá khó cho một người thợ lái để làm đứt một bên xích đã bị lỏng. Nhưng tay sĩ quan SMERSH của đơn vị tôi đã chú ý ngay điều đó và tổ chức ngay một toà án cho kẻ có tội. Tất nhiên, hắn đúng là một thằng hèn nhát vô liêm sỉ!
- Điều gì xảy ra nếu do bất cẩn tổ lái đã không để ý căng xích xe tăng, người đó có bị kết tội hèn nhát không?
- Vâng, cũng có thể. Tổ lái phải chịu trách nhiệm coi sóc xe của mình. Hoặc đơn giản là một sáng nọ họ sẽ được thức dậy trong một tiểu đoàn trừng giới. Do đó có một lệ giữa các xa trưởng và đại đội trưởng đi kiểm tra độ căng của xích trước mỗi trận đánh.
- Có bao giờ ông phải bắn vào chính binh lính hay xe tăng phe mình không?
- Anh bạn ạ, trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy ra. Một vụ như thế đã xảy ra ở phía tây Yukhnov. Binh đoàn tôi đã tiến tới thị trấn đó và dừng lại trong một khu rừng. Một trận đánh đã nổ ra cách phía trước chúng tôi khoảng ba cây số. Bọn Đức đã chiếm một đầu cầu bắc qua một dòng nước và bắt đầu mở rộng nó. Lữ đoàn trưởng hạ lệnh cho đại đội xe Matilda của binh đoàn bạn phản công quân Đức. Bọn Đức không có tăng; đám Matilda đã diệt gọn đầu cầu đó, và quân Đức rút lui qua sông. Thế là đám Matilda ngưng bắn và rút về. Một lát sau, do sợ bị bọn Đức đột kích, chỉ huy của chúng tôi đã tiến lên và bố trí một tiểu đoàn pháo chống tăng. Bọn họ bố trí 300 mét phía trước chúng tôi và đào công sự. Cánh pháo binh không hề biết rằng tăng của ta đang ở đấy mà cho họ là những xe lạ. Do đó, khi thấy những chiếc Matilda, họ nổ súng vào chúng và tiêu diệt ba trong số bốn chiếc. Chiếc còn lại mau chóng quay đầu và tìm chỗ ẩn nấp. Tiểu đoàn trưởng, là một pháo thủ, chạy ngay tới một trong những xe tăng bị phá huỷ và nhìn vào trong. Anh ta trông thấy ở đấy những lính của ta. Một trong bọn họ ngực đeo đầy huân chương. Anh ta như phát cuồng, dằn vặt mãi bản thân.
Một lần khác, khi Phương diện quân Ukraina 1 và 2 gặp nhau ở Zvenigorodka và khép kin vòng vây quanh túi địch Korsun-Shevchenko, Tập đoàn quân số 5 trang bị T-34 tiến tới từ phía nam cánh Sherman chúng tôi từ phía bắc. Quân ta trên xe T-34 không được thông báo rằng có xe Sherman trong khu vực và bắn vào tăng của tiểu đoàn trưởng chúng tôi, Nikolay Nikolaevich Malyukov. Anh ấy chết trong ngay xe của mình.
- Người ta có trừng phạt ai vì chuyện đó không?
- Tôi không biết. Có lẽ người ta đã trị tội ai đó. Mội vụ đều do nhưng đơn vị hậu tuyến điều tra.
- Các ông phối hợp với bộ binh trong chiến đấu như thế nào?
- Theo yếu lĩnh, một binh đoàn tăng gồm ba tiểu đoàn tăng, mỗi tiểu đoàn 21 xe tăng, và một tiểu đoàn xạ thủ tiểu liên. Một tiểu đoàn tiểu liên gồm ba đại đội, chia ra cho ba tiểu đoàn tăng. Chúng tôi thực hiện theo biên chế ba tiểu đoàn đó chỉ trong thời kỳ cuối năm 1943 và đầu 1944. Những thời gian còn lại chúng tôi chỉ có hai tiểu đoàn tăng trong binh đoàn. Cánh xạ thủ tiểu liên như những anh em của chúng tôi. Khi tiến quân họ ngồi trên tăng chúng tôi. Họ hơ ấm người trên đó, hong khô đồ đạc và ngủ. Chúng tôi đi rồi dừng lại đâu đó. Tới lượt cánh lính tăng ngủ còn đám xạ thủ thì canh chừng cho cả xe lẫn người. Theo thời gian rất nhiều xạ thủ tiểu liên trở thành thành viên các tổ lái, ban đầu là người tiếp đạn và dần thì thành điện đài viên. Chúng tôi chia đều chiến lợi phẩm với họ: bọn họ và chúng tôi luôn bên nhau. Do đó họ được dễ thở hơn so với đám bộ binh thường.
Trong chiến đấu họ ngồi trên xe tăng cho tới khi bắt đầu nổ súng. Ngay khi bọn Đức vừa nã pháo vào tăng của ta, họ liền nhảy xuống và chạy sau xe tăng, nấp sau vỏ thép để tránh đạn trung liên địch.
- Điều gì xảy ra khi xe tăng bị giới hạn bởi tính cơ động và tốc độ, ông có đứng ra điều động họ hay giữ họ lại không?
- Không hề như thế. Chúng tôi không cần quan tâm tới họ. Chúng tôi vận động còn họ tự vận động theo sau chúng tôi. Không hề có vấn đề gì. Sẽ còn tệ hơn cho họ nếu chúng tôi bị hạ, vì thế cứ để mặc họ chạy phía sau chúng tôi.
- Tốc độ xe tăng trong chiến đấu có bị giới hạn không? Vì lý do gì?
- Tất nhiên! Chúng tôi còn phải bắn nữa mà!
- Các ông tác xạ thế nào, trong các cú dừng ngắn hay trong khi chạy?
- Cả hai cách. Nếu chúng tôi bắn khi đang chạy, tốc độ xe tăng không được quá 12 km/h. Nhưng chúng tôi ít khi tác xạ trong lúc hành tiến, bởi việc này chỉ nhằm gây cho địch hoảng sợ. Chủ yếu là tác xạ trong những chặng dừng ngắn. Chúng tôi phóng nhanh tới một vị trí thuận tiện, dừng lại vài giây, nổ súng rồi chạy tiếp.
- Ông nhận xét thế nào về loại tăng Tiger của Đức?
- Đó là một chiếc xe cực kỳ nặng nề. Xe Sherman sẽ không thể nào hạ được một chiếc Tiger với chỉ một phát đạn vào tấm giáp phía trước. Chúng tôi phải buộc cho chiếc Tiger phơi sườn của nó ra. Nếu chúng tôi đang phòng ngự và bọn Đức đang tấn công, chúng tôi dùng một chiến thuật đặc biệt. Hai chiếc Sherman dùng để đánh một chiếc Tiger. Chiếc Sherman đầu tiên nã đạn vào xích xe và bắn đứt nó. Chiếc tăng hạng nặng kia vẫn tiếp tục lăn được một quãng nữa bằng một bên bánh xích, do đó nó sẽ quay ngang ra. Ngay lúc đó chiếc Sherman thứ hai sẽ bắn vào sườn nó, cố gắng bắn sao cho trúng vị trí thùng xăng. Cách làm của chúng tôi là vậy đó. Một chiếc tăng Đức bị hạ bởi hai chiếc của ta, do đó chiến công được ghi nhận cho cả hai tổ lái. Đó là câu chuyện có tựa đề "Đi săn với chó Borzois" trong cuốn sách của tôi.
- Chiếc mũi giảm chấn đầu nòng pháo có một nhược điểm đáng kể: một đám bụi sẽ xuất hiện quanh loại khí tài có trang bị thứ này khi khai hỏa, làm lộ nơi bố trí. Vài pháo thủ đã tìm cách khắc phục điều này, ví dụ như tưới ướt mặt đất phía trước khẩu pháo của mình. Vậy biện pháp đối phó của ông là gì?
- Anh nói đúng đó! Chúng tôi thường phủ vải bạt lên đám đất xung quanh. Tôi không nhớ còn có vấn đề đặc biệt nào nữa không.
- Tầm nhìn trong xe tăng có bị che khuất do bụi, đất bẩn hay mưa tuyết không?
- Không có khác biệt gì cụ thể. Tuyết, tất nhiên, sẽ làm cản tầm nhìn chúng tôi. Nhưng bụi thì không. Bộ phận quan sát trên xe Sherman không nhô ra ngoài. Ngược lại, nó được làm lõm vào tháp pháo. Do đó nó được bảo vệ rất tốt khỏi các tác nhân trên.
- Dmitriy Fedorovich, những lính xe tăng của ta từng chiến đấu trên loại xe Churchill của Anh sản xuất có nói rằng bộ phận sưởi rất yếu bên trong khoang lái là một nhược điểm. Bộ máy sưởi điện tiêu chuẩn đã tỏ ra không phù hợp với điều kiện khí hậu của mùa đông nước Nga. Vậy bộ phận đó trong xe Sherman thì thế nào?
- Xe Sherman có hai động cơ được nối với nhau qua một khớp. Cấu tạo này vừa có ưu điểm vừa có nhược điểm. Đã có những trường hợp những động cơ đó bị hỏng ngay trong chiến đấu. Khi đó cái khớp nối phải được tháo từ trong khoang lái và chiếc tăng sẽ chỉ còn trườn đi với chỉ một động cơ. Mặt khác, ở đấy có gắn cả những chiếc quạt rất mạnh bên trên cả hai động cơ. Chúng tôi thường nói với nhau: “Ta cứ mở miệng là sẽ phun gió ra từ lỗ đít!” Làm cách quái nào mà ta có thể làm ấm trong đó được? Luồng gió từ đó quá mạnh! Có lẽ cũng có hơi nóng bốc từ động cơ, nhưng tôi không thể nói với anh là nó ấm được. Khi dừng lại, chúng tôi lập tức phủ vải bạt lên phần động cơ. Và nó sẽ giữ ấm cho chiếc xe tăng trong chừng vài tiếng đồng hồ; chúng tôi sẽ ngủ lại trong xe tăng. Không phải vô cớ mà người Mỹ đã cấp cho chúng tôi những tấm choàng lông như vậy.
- Có quy định nào cho việc tiêu thụ đạn cho xe tăng không?
- Có chứ. Chúng tôi lấy theo một cơ số cơ bản (BK - boekomplekt - một cơ số đạn đầy đủ. Ví dụ cho IS-2 BK = 28 viên. – Valera Potapov) trước khi vào trận đánh. Chúng tôi đem theo một BK nữa để bên ngoài xe tăng nếu phải tiến công dài ngày. Ví dụ như khi tiến vào Vienna, chỉ huy của tôi đích thân ra lệnh cho chúng tôi phải lấy theo hai BK: một cơ số bình thường để bên trong và cơ số thứ hai để ngoài xe. Thêm vào đ, chúng tôi mang theo tới hai thùng sôcôla chiến lợi phẩm trên mỗi tăng và tự trang bị thêm đồ dự trữ khác cho mỗi người. Chúng tôi phải “tự thân vận động”, như người ta thường nói. Có nghĩa là nếu chúng tôi phải tiến hành một cuộc đột kích sâu vào đâu đ1o trong hậu phương địch, chúng tôi phải bỏ bớt khẩu phần mang theo để lấy chỗ chứa thêm đạn. Tất cả phương tiện tiếp vận của chúng tôi chỉ là những chiếc xe tải Studebaker của Mỹ. Chúng luôn phải dùng để chở đạn cho tiểu đoàn.
Tôi cũng muốn nói thêm một chút ở đây. Quân ta bảo quản đạn ra sao nhỉ? Nhiều viên đạn bọc một lớp dầu mỡ dày đặt trong cái thùng gỗ. Ta phải ngồi hàng giờ để lau chùi cho hết chỗ dầu mỡ đó khỏi viên đạn. Đạn của Mỹ sản xuất xếp trong hộp đựng hình ống bằng bìa carton, ba viên bó chặt với nhau làm một. Những viên đạn sạch bóng bên trong cái ống giấy bảo vệ! Chúng tôi lôi nó ra và đưa ngay được vào trong xe tăng. 
- Ông đem theo loại đạn nào trên xe tăng?
- Đạn xuyên thép và đạn trái phá. Không còn loại nào khác. Tỷ lệ là khoảng một phần ba đạn phá và hai phần ba là đạn xuyên.
- Nói chung có lẽ điều này tuỳ thuộc theo loại xe tăng. Chúng tôi tính được rằng loại tăng hạng nặng JS của ta sử dụng đạn hơi khác. 
- Anh nói đúng. Nhưng phát đạn của xe JS quá uy lực đến nỗi chỉ trúng một phát là đủ. Khi chúng tôi tiến vào Vienna, người ta bố trí thêm cho chúng tôi một khẩu đội JSU-152 hạng nặng, gồm ba chiếc (trong cuốn sách của mình, Loza gọi chúng là SAU-152, tôi đã hỏi riêng ông về tên những chiếc xe này và ông trả lời rằng chúng được đặt trên khung loại xe JS, do đó theo tôi chúng hẳn là loại JSU-152. – Valera Potapov). Chúng làm chậm bước chúng tôi biết bao! Trên xa lộ chúng tôi có thể chạy tới 70 km/h trên chiếc Sherman còn đám JSU chỉ bò như rùa. Khi tiến vào Vienna, có một sự cố xảy ra mà tôi cũng đã kể lại trong cuốn sách của mình. Bọn Đức phản công chúng tôi bằng nhiều chiếc Panther. Panther là một loại tăng hạng nặng. Tôi ra lệnh đưa một chiếc JSU lên phía trước để chọi với đám tăng Đức. “Tốt, bắn chúng nó đi!”. Và ú ù, cú bắn đáng đồng tiền bát gạo! Tôi muốn nói thêm là phố xá ở Vienna rất chật hẹp, các tòa nhà thì cao, và rất nhiều người muốn ra mục kích cảnh đối đầu giữa một chiếc Panther và một chiếc JSU. Chúng gặp nhau trên đường. Chiếc JSU nã đạn và sức nổ tống chiếc Panther bật lùi về sau (bắn từ khoảng cách 400-500 mét). Tháp pháo của nó văng khỏi thân rồi rơi xuống cách đó mấy mét. Nhưng kết quả của phát đạn là cửa kính vỡ rơi rầm rầm từ trên đầu xuống. Thành Vienna có vô số cửa sổ kính màu khung chì (cửa kính ghép những mảnh kính màu nhờ các dải chì, tạo thành các hoa văn, họa tiết và hình vẽ, như trong các nhà thờ - LTD) và tất cả những thứ đó trút như mưa lên đầu chúng tôi. Tới tận giờ này tôi vẫn tự trách mình rằng tại sao đã không thấy trước điều đó! Rất nhiều người trong chúng tôi bị thương vì thế! Còn may là chúng tôi đang đội mũ sắt, nhưng tay và vai thì bị rạch đứt hết lượt. Đấy, kinh nghiệm đầu tiên của tôi về đánh nhau trong một thành phố lớn thê thảm vậy đó. Chúng tôi vẫn nói với nhau: "Một người khôn ngoan không bao giờ chui vào trong thành phố mà nên bỏ qua nó.” Nhưng trong vụ này tôi được đặc lệnh phải tiến được vào thành phố.
- Nói chung, thành phố Vienna có bị tàn phá nặng nề không?
- Không, không nặng lắm. Không so được với như Vácsava. Nhiệm vụ chính của tôi là phải chiếm trung tâm Vienna và ngân hàng. Ở đó chúng tôi chiếm được mười tám tấn vàng, mà lại không được “thuổng” chút gì. Người của tôi đùa với tôi: “Giá mà ta chỉ xách về một túi thế này thôi nhỉ!” Và tôi trả lời: “Anh chàng ơi, thế thì tớ sẽ phải đi đập đá hàng bao nhiều năm cho cái túi đấy?”
- Các ông tiếp nhiên liệu như thế nào?
- Mỗi tiểu đoàn có nhiều xe chở xăng. Trước trận đánh các xe tăng đều phải đổ cho đầy. Nếu chúng tôi phải hành quân hay đột kích, các thùng xăng phụ sẽ được gắn lên tăng và chúng tôi sẽ tháo nó ra trước trận chiến. Các xe chở xăng đi về hậu phương tiểu đoàn và mang nhiên liệu tới cho chúng tôi. Không phải tất cả xe chở xăng đều cùng đi một lúc. Ngay khi một xe đã tiếp xong thì chiếc khác chạy tới, và cứ như thế. Khi một xe trút xong xăng thì lập tức quay đầu và trở về binh đoàn để nhận thêm nhiên liệu. Ở Ukraina chng tôi đã phải kéo những xe tải đó sau xe tăng do đường xá quá lầy lội. Bùn lầy kinh khủng. Tại Rumani chúng tôi đột phá vào tới hậu phương quân Đức bằng xe tăng và bọn chúng đã cắt đứt chúng tôi khỏi tuyến hậu cần. Chúng tôi phải chế ra một loại cocktail hỗn hợp, pha giữa xăng và dầu hỏa (xe M4A2 Sherman là loại động cơ diesel), tỷ lệ thế nào thì tôi không nhớ rõ nữa. Xe tăng chạy được bằng thứ cocktail đó, nhưng động cơ sẽ rất nóng. 
- Các ông có lính tăng “mất ngựa”, tức lính tăng không có xe tăng, trong đơn vị của mình hay không? Ông làm gì đối với họ?
- Trong chúng tôi có chứ. Thường là chiếm một phần ba tổng số lính. Họ làm tất cả mọi việc. Họ giúp bảo trì, tiếp đạn, tiếp xăng và tất cả những gì cần phải làm. Họ làm những việc như thế đấy.
- Ông có nguỵ trang xe cộ trong đơn vị mình không? 
- Cũng có đôi chút, nhưng tôi không nhớ rõ lắm. Chúng tôi có tất. Vào mùa đông chúng tôi sơn xe tăng theo một lệnh định sẵn, bằng cả sơn lẫn vôi.
- Có một quy định nào cho việc nguỵ trang không? Ông có cần giấy phép của ai để sơn bất cứ khẩu hiệu nào lên xe, ví dụ như "Za Rodinu" (Vì tổ quốc), chẳng hạn?
- Không, không cần xin phép gì cả. Đó là tuỳ anh – anh muốn thì cứ sơn thôi. Nếu anh không muốn ngụy trang thì anh không sơn. Còn về những câu viết trên thì tôi tin là chúng phải được cho phép của đại diện chính uỷ. Đó là một cách tuyên truyền, một tuyên bố có tính chính trị.
- Quân Đức áp dụng rộng rãi việc nguỵ trang. Điều đó có giúp họ không?
- Có, điều đó có hiệu quả. Đôi khi mang tính chất quyết định với họ!
- Vậy sao các ông không làm điều đó?
- Chúng tôi thiếu vật liệu. Chúng tôi không có nhiều màu để lựa chọn. Chỉ có một màu để bảo vệ và chúng tôi dùng nó. Cần biết bao nhiêu sơn để phủ hết một chiếc xe tăng! Giá như chúng tôi có thể nhận được thêm những màu khác thì có lẽ chúng ti cũng nguỵ trang xe mình như thế rồi. Nhìn chung, còn bao nhiêu nhiệm vụ khác để làm như sửa chữa, đổ xăng v.v.
Bọn Đức giàu có hơn chúng ta. Chúng không chỉ được ngụy trang mà còn biết sử dụng zimmerit bọc vỏ xe tăng hạng nặng. (Để mìn chống tăng có nam châm không dính được vào vỏ thép xe tăng – LTD)
Thêm vào đó bọn chúng đeo thêm những đoạn xích xe lên ngoài vỏ xe. Đôi khi trò này tỏ ra rất hiệu quả! Đạn pháo đâm vào đoạn xích là lập tức bật lia thia sang hướng khác.
- Tổ lái có cảm thấy chấn động khi một viên đạn đâm trúng xe tăng? Thậm chí cả khi nó không xuyên qua vỏ thép?
- Nói chung thì là không. Điều này tuỳ theo viên đạn bắn trúng chỗ nào trên xe tăng. Có lần tôi đang ngồi trong khoang bên trái của tháp pháo và một viên bắn trúng gần chỗ tôi. Tôi nghe thấy tiếng va chạm nhưng nó không gây hại cho tôi. Nếu nó trúng chỗ nào khác ở thân xe thì tôi thậm chí còn không thể nghe thấy tiếng động gì. Chuyện này diễn ra rất nhiều. Chúng tôi chui ra ngoài và xem xét chiếc xe. Tại nhiều vị trí trên vỏ thép ta thấy rất ấn tượng, tựa như cảnh một con dao nóng cắt ngọt một miếng bơ vậy. Nhưng tôi không hề nghe thấy tiếng va chạm của viên đạn. Đôi khi người thợ lái hô lên: “Chúng đang bắn vào bên trái ta!” Nhưng tiếng động cũng không dữ dội lắm. Tất nhiên, nếu một khẩu pháo uy lực như chiếc JSU-152 bắn trúng anh thì anh sẽ nghe thấy ngay! Và nó sẽ bắn bay luôn sọ anh văng đi cùng với tháp pháo.
Tôi cũng muốn kể thêm rằng vỏ thép chiếc Sherman rất bền dẻo. Có rất nhiều trường hợp xảy ra với loại T-34 của ta khi một viên đạn bắn trúng nhưng không thể xuyên qua xe. Nhưng tổ lái vẫn bị thương vì mảnh vách thép trong xe văng tứ tung bắn vào tay và mắt họ. Điều này không bao giờ xảy ra với xe Sherman.
- Theo ông loại đối thủ nào là nguy hiểm nhất? Pháo? Xe tăng? Hay máy bay địch?
- Tất cả chúng đều nguy hiểm nếu được khai hỏa trước. Nhưng nói chung thì pháo chống tăng là nguy hiểm hơn cả. Chúng rất khó bị phát hiện và hạ gục. Bọn pháo thủ đào công sự sao cho nòng pháo của chúng gần như nằm sát ngang mặt đất. Ta sẽ chỉ trông thấy được có vài xăngtimét lá chắn của chúng. Khẩu pháo khai hỏa. Sẽ là may mắn nếu nó có gắn mũi giảm chấn và bụi sẽ bay tung lên! Nhưng nếu đang là mùa đông hay trời có mưa thì sao nhỉ?
- Có trường hợp nào khi ông ngồi trong xe tăng nên không trông thấy vị trí địch vừa nổ súng nhưng đám xạ thủ tiểu liên hộ tống thì thấy không? Họ sẽ làm cách nào để cho ông biết vị trí của chúng?
- Đôi khi họ nện lên tháp pháo và hét lên. Đôi khi họ nổ súng về hướng có luồng đạn địch hoặc bắn một phát pháo hiệu về hướng đó. Thêm nữa, anh biết đó, khi chúng tôi bắt đầu chiến đấu, ngừơi chỉ huy thường nhô khỏi tháp pháo để quan sát. Không có thứ kính ngắm nào, thậm chí ngay cả tháp quan sát trên xe cho chỉ huy cũng có thể đem lại tầm quan sát tốt hơn. 
- Các ông duy trì liên lạc với chỉ huy và các xe tăng khác như thế nào?
- Qua điện đài. Xe Sherman có hai máy radio, băng HF and UHF, chất lượng rất tốt. Chúng tôi thường sử dụng sóng HF để liên lạc với chỉ huy cấp cao, với binh đoàn, còn sóng UHF để liên lạc trong đại đội và tiểu đoàn. Để trao đổi với nhau bên trong xe, chúng tôi sử dụng bộ đàm intercom của xe. Nó hoạt động rất tốt! Nhưng khi xe vừa bị trúng đạn thì việc đầu tiên lính tăng phải làm là lột bỏ mũ trùm đầu và microphone đeo cổ. Nếu anh ta quên chuyện này mà cứ nhảy ra ngoài xe thì sẽ bị treo cổ lủng lẳng ngay.
Phỏng vấn: Valera Potapov-Artem DrabkinGhi lại:Valera PotapovDịch từ Nga sang Anh: James F. Gebhardt
Dịh từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân

HỒI ỨC LÍNH XE TĂNG
Rem Ulanov
"Colombina"
Tôi có một tấm ảnh chụp chiếc SU-76 đặt trên bàn làm việc của mình, nó nhắc tôi nhớ về thời trai trẻ của mình, thời kỳ gắn liền với chiếc xe đó, về những bạn chiến đấu và các sự kiện xảy ra, về quá trình công tác của tôi tại bãi thử nghiệm Kubinka và tất cả những gì liên quan tới chúng.
Tôi xin được phép kể mọi chuyện từ đầu. Tháng Ba 1943, sau khi rời bệnh viện, tôi được đưa đi cùng những người lính khác tới Trung đoàn pháo tự hành huấn luyện 15, đóng tại ga Iksha trên tuyến đường sắt Savelovskaya. Trung đoàn bố trí trong khuôn viên của nhà máy "Gidroprivod" đang xây dở dang. Trật tự và sự ngăn nắp sạch sẽ của doanh trại làm tôi rất bất ngờ. Tôi còn bất ngờ hơn khi đứng gác cùng tổ lính gác dưới lá cờ trung đoàn. Bọn họ cùng mặc áo liền quần màu xanh dương sẫm và đội mũ chụp đầu của lính tăng. Có một chiếc xe lạ đậu cạnh Sở chỉ huy. Nó có bộ khung của chiếc tăng Đức Pz-III, nhưng thay vì có tháp pháo, nó lại có một thứ kết cấu kỳ lạ bọc thép, tương tự đoàn tàu bọc thép tự chế thời kỳ Nội chiến. Nó gắn một khẩu pháo ZIS-3, vô cùng quen thuộc với mọi người lính ngoài chiến trường (khẩu ZIS-3 không hề được lắp trên những khung xe tăng Đức, thực ra đó là khẩu S-1, một phiên bản của khẩu F-34 dành cho xe tăng – Bair Irincheev)
Khát vọng làm cho cái khẩu pháo tuyệt vời và đáng tin cậy ấy di chuyển trên chiến trường đã cho chào đời cái vật lai kỳ lạ đó. Quyết định này đưa ra thật vừa đúng lúc, cho phép khẩu pháo tự hành đời đầu của ta lắp ráp dựa trên những xe tăng chiến lợi phẩm. Nhiều trung đoàn sử dụng loại xe này đã được gửi ra chiến trường. Nhưng nhiệm vụ sắp tới của tôi sẽ là gì? Là người lái, làm pháo thủ hay làm lính xe tăng? Trước khi bị thương vào tháng Giêng 1943, tôi đang kéo một khẩu cối 120mm cấp trung đoàn đằng sau chiếc xe tải 1,5 tấn GAZ-AA của mình, có cái cabin tài xế thường được mệnh danh là “hãy từ giã sức khoẻ của mình” (Khi mùa đông, những con ngựa, dù quả là một loại sức kéo rất cổ xưa, còn có hiệu quả hơn nhiều so với xe tải). Trung đoàn 15, trực thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh, huấn luyện trước hết là các tài xế xe tải và lính lái xe tăng. Sau ba tháng huấn luyện, các tài xế được cấp một giấy chứng chỉ viết tay, theo đó người này, người kia đã đạt tiêu chuẩn để lái các loại xe tải ZIS-5 và GAZ-AA. Tờ chứng chỉ được ký bởi tham mưu trưởng và người thư ký, có đóng dấu xác nhận. Có thể kiếm được tờ chứng chỉ này qua viên thư ký bằng một cốc "makhorka" (loại thuốc lá nhà trồng, rất phổ biến trong Hồng quân) nếu tay thư ký có cảm tình với ta…
Đám lính lái tăng (theo lệ là những người được tuyển từ các tài xế xe tải và người lái máy kéo) nhận được giấy chứng chỉ chuyên viên quân sự sau khi hoàn tất khóa học và khi tốt nghiệp được thăng cấp trung sĩ. Những bài giảng lý thuyết trên lớp học có nội dung về động cơ và bộ truyền động của SU-76 – bao gồm cả phần tháo ráp chúng.
Mẫu đầu tiên của SU-76 (SU-12) gắn các động cơ 26 xi lanh had GAZ-202, công suất mỗi chiếc là 75 mã lực. Hai động cơ này mỗi cái có riêng một bộ tản nhiệt, khớp ly hợp, hộp số và bộ truyền động. Tất cả những máy móc này đều gắn phía trước thân xe, giữa chúng là ghế ngồi của người lái. Ta có thể dễ dàng hình dung ra vận hành những chiếc xe có những hai hộp số và khớp ly hợp thế này khó khăn và phức tạp đến thế nào.
Hai công trình sư Xôviết nổi tiếng - Lipgart và Astrov, đã biến đổi số phận của những khẩu pháo tự hành này. Tới năm 1942 họ đã thiết kế lại nó dựa trên bộ động cơ GAZ-202. Giờ đây động cơ kháo tự hành gồm hai động cơ với bộ trục quay nối liên hợp nhau. Chiếc động cơ này, gắn trên một bộ khung duy nhất, chỉ có một khớp kéo hình đĩa và một hộp số bốn tốc độ, ban đầu sản xuất tại Maskva, rồi về sau là tại nhà máy ZIS ở Ural. Động cơ có 150 mã lực, bố trí ở bên phải của thân xe và, mặc cho chiều dài của nó, khá gọn gàng và dễ dàng bảo trì. Một hệ thống làm mát thông thường với một bộ tản nhiệt và chiếc quạt sáu chong chóng đảm nhiệm rất tốt yêu cầu làm mát. Bộ truyền động cũng rất đơn giản, trong nhiều chi tiết có bắt chước lại bộ truyền động của loại tăng T-26 vốn được sản xuất với số lượng lớn trước chiến tranh.
Đấy là cụ thể về chuyện chiếc SU-76 (SU-15) ra đời như thế nào. Thân xe rộng và khoang vũ khí thụt về phía sau tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho tổ lái khi nã đạn cấp tập. Loại pháo tự hành Đức "Artshturm" gắn pháo 75 mm gun (tên ký hiệu của Liên Xô đặt cho loại pháo tự hành StuG 40) có bề ngoài khá đẹp, nhưng điều kiện hoạt động cho tổ lái rất bất tiện và làm suy kiệt thể lực họ vì mùi xăng và các thùng đạn cheo chúc bên trong rất chật chội.
Khóa huấn luyện lái tăng của tôi đã sắp kết thúc. Theo quy định, nó bao gồm 18 giờ thực hành lái tăng. Thật ra chúng tôi chỉ được lái không quá 3 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, tôi đã được may mắn hơn. Vào cuối tháng Tám 1943, trung đoàn tôi chuyển vị trí đóng quân  từ ga Iksha tới Ivanteevka. Tôi ở trong số những người được lái những khẩu pháo tự hành mà chúng tôi dùng để huấn luyện đi qua những con đường lầy lội của khu vực Maskva. Đó chính là lúc mà tôi hiểu ra được các tính năng lái tuyệt vời và khả năng cơ động rất tốt của chiếc "Colombina" - tất cả những xe SU-76 đều tới được điểm tập kết mà không bị hỏng hóc trục trặc gì. Những khẩu pháo tự hành gắn pháo 122 mm trên khung xe T-34 (SU-122) mãi một ngày sau mới tới nơi do gặp những trục trặc kỹ thuật. Chúng tôi dừng lại tại nhà ga Mamonovka, nơi trung đoàn pháo tự hành 999 đang trong quá trình thành lập. Chúng tôi nhận được tiếp 21 chiếc khác tại Kirov. Tới đây hẳn những chuyên gia lại đang lầm bầm: đáng ra chúng tôi nên lấy những xe do Nhà máy Gorki sản xuất, mấy thằng cha ở Vyatka thì biết làm gì khác ngoài làm đồ chơi đâu cơ chứ? Nhưng xe sản xuất tại Kirov thực ra không tồi hơn chút nào so với những chiếc sản xuất tại Gorki hay Mytischi. Ngoài những chiếc SU-76, chúng tôi còn nhận thêm hai mươi xe tải ZIS-5, hai mươi xe tải GAZ-AA cùng đầy đủ phụ tùng, mặc dù là loại có cabin gỗ, hai xưởng sửa chữa lưu động đặt trên khung xe GAZ-M, và những bếp lò đốt dầu kiểu Antonov. Sở chỉ huy nhận được những xe "Dodge" và hai xe jeep Willis. Để tăng khả năng độc lập của các khẩu đội, mỗi khẩu đội được cấp thêm một máy kéo "Komsomolets", một xe jeep Willis và một môtô kiểu "Tháng Mười Đỏ". Tuy nhiên, trước khi lên đường ra mặt trận, tất cả những trang bị bổ sung đó đều bị lấy đi cho nơi khác.
Toàn trung đoàn có khoảng dưới 180 người. Chúng tôi lên tàu ở Mytischi vào cuối tháng Mười Một năm 1943. Ngay khi lên đường, khẩu phần số ba thảm hại lập tức được chuyển sang thành khẩu phần lính số hai giàu chất hơn. Chúng tôi được ăn súp nấu với cá trích đóng hộp. Nhưng người ta đưa chúng tôi đi đâu vậy nhỉ? Chẳng một ai biết cả. Sau chuyến hành trình dài 10 ngày, chạy qua chỉ toàn những cảnh đổ nát - cầu cống bị nổ tung, nhà cửa cháy rụi, những toa tàu bị lật nhào, những mảnh kim loại méo mó ngổn ngang, chúng tôi vượt sông Dnieper qua một cây cầu gỗ ọp ẹp và trông thấy thành Kiev đã chịu nhiều đau khổ. Thêm 100 kilômét nữa về phía Tây, chúng tôi xuống tàu tại ga Irsha dưới mưa bom của đám "Junker", chúng cứ như vừa chui ra khỏi bầu trời xanh thẳm vậy. Từ Iksha tới Irsha.
Tuy nhiên thiệt hại do bom không đáng kể. Khẩu phần số hai lại được thay bằng khẩu phần số một. Giờ chúng tôi được phát 900 gram bánh mì và 100 gram vodka. Hồi phục sau khi bị oanh tạc, chúng tôi sắp xếp thành đội hình hành quân và tiến về phía tây trên con đường mùa đông tuyết phủ. Đến một ngôi làng có tên là Chelovichi, chúng tôi sơn lại tất cả pháo tự hành và xe tải bằng vôi trắng, theo một mệnh lệnh của chỉ huy. Nơi đây có rất nhiều vôi – Ukraina vốn nổi tiếng vì thế.
Tới tối khẩu đội tôi tắt đèn xe tiến vào một ngôi làng lạ. Những ống xả khí phun lập lòe phía bên phải của thân xe. Những con số và mũi tên phát thứ ánh sáng lân tinh chiếu sáng bảng điều khiển trước mặt tôi.
Đôi chân tôi đi ủng và bọc xà cạp đã lạnh cóng tới mức hoàn toàn không còn cảm giác gì nữa. Vai phải tôi thì nóng rát; vai trái lại lạnh, ngay sát cái thùng xăng chứa 400 lít xăng B-70. Chất chống đông được dùng trong hệ thống làm mát và điều nguy hiểm nhất là lơ đăng để cho nhiệt độ (sau khi đã tắt động cơ) tụt xuống dưới âm 35 độ C - nếu để nhiệt độ thấp hơn, ta sẽ gặp vấn đề khi muốn khởi động lại động cơ xe.
Một trong số ít những thiếu sót của chiếc xe này là bộ ắc quy yếu của nó gồm hai bộ 6 chiếc ắc quy V 6ST-140. Nếu người lái quên hoặc ngủ gật qua cái thời điểm mà động cơ bị hạ nhiệt độ xuống dưới nhiệt độ nguy hiểm nói trên, ta vẫn còn một cơ hội nữa để khởi động lại bằng điện. Để làm thao tác đó, hệ thống điện phải được sắp xếp lại sao cho một trong những bộ khởi động phải nhận được gấp đôi cường độ điện và quay mạnh hơn bình thường cái trục quay. Nếu cách này cũng không xong, vẫn còn một hy vọng để khởi động nhờ dùng một cái tay quay maniven khổng lồ, nó cần sự hợp sức của hai hay thậm chí ba người cùng quay. Hy vọng cuối cùng để khởi động động cơ là dùng một chiếc SU-76 khác để kéo chiếc xe của mình. Nhưng đó là cách man rợ nhất ta có thể làm bởi như thế bộ truyền động sẽ bị quá tải.
Để được co duỗi chân và sưởi ấm đôi chút, tôi chui qua chiếc cửa nắp ra khỏi xe, đi rảo quanh chiếc xe và kiểm tra xem xích xe có bị lỏng không. Chiếc "Colombina" vô cùng dễ điều khiển lại rất dễ tổn thương khi chỉ cần có một mắt xích căng không đều. Để kiểm tra xem xích căng có đúng không rất dễ - chỉ cần một người dẫm lên đoạn xích phía dưới cái bánh xích lái - cần có hai mắt xích chạm được xuống đất. Nếu chạm đất nhiều hơn hai mắt thì tức là xích quá chùng. Ít hơn hai mắt chạm đất có nghĩa xích đã bị căng quá mức.
Khung cảnh xung quanh rất yên tĩnh. Về phía phải và phía trái tôi có thể trông thấy những túp nhà nông dân với mái nhà lợp rơm. Quay trở lại ghế lái của mình, tôi nhìn vào chiếc nhiệt kế và, sau khi nhận ra nhiệt độ xe cho phép tôi có thể chợp mắt thêm được nửa tiếng, tôi đóng cửa nắp xe lại. Tôi thức dậy khi có tiếng đập mạnh lên thân trước xe và tiếng chửi thề inh ỏi. Mở hé cửa nắp, tôi trông thấy hai sĩ quan mặc bộ áo khoác lông cừu trắng tinh. Một trong hai người, lùn và béo, đội một chiếc mũ lông papakha. Tay còn lại, cao và gầy, đang cầm trong tay chiếc đèn lin và chiếu cho người kia. “Tại sao anh đỗ xe ở đây? Chỉ huy của anh đâu?” – ông đội papakha hét lên, cố gắng chọc chiếc gậy của mình vào tôi. Tôi đóng sập chiếc cửa nắp, kẹp lấy cây gậy. “Bỏ chiếc gậy ra!” – ông đội papakha ra lệnh. Mở hé cửa nắp, tôi buông cây gậy ra. Ông béo và ông gầy đi vòng quanh chiếc xe, gõ lên tháp pháo, gọi người chỉ huy ra gặp. Thiếu uý Karginov, lồm cồm chui khỏi tấm vải bạt phủ trên phần sau xe, nhảy xuống đất và lãnh nhiều phát gậy vào lưng. Khẩu đội trưởng.vừa chạy tới nơi cũng bị ăn chửi – hóa ra chúng tôi đã đậu xe nhầm chỗ.
Khẩu đội trưởng và viên sĩ quan chỉ huy đi đằng trước, yêu cầu chúng tôi lái theo sau. Ở tốc độ một và nhận ga ít chiếc xe hầu như di chuyển không phát ra tiếng ồn, thậm chí cả khi chạy trên mặt đất đóng băng cứng. Một chiếc T-34 sẽ đánh thức tất cả trong bán kính ba cây số bằng tiếng xủng xoẻng của xích xe. Tới bình minh đám bộ binh của chúng tôi bắt đầu tiến lên chiếm ngôi làng. Nhiều lần những chiếc áo choàng Nga màu xám đứng lên, nhưng bọn họ không thể chiếm được ngôi làng. Bên ngoài khu làng có một xe thiết giáp 8 bánh gắn pháo của bọn Đức, nó dùng hỏa lực gìm đầu đám bộ binh của ta xuống đất. Thiếu uý Karginov bảo tôi quay khẩu pháo tự hành sang phải và phát đạn thứ hai của chúng tôi bắn bay tháp pháo của chiếc thiết giáp Đức. Đó là chiến thắng đầu tiên và, thật bất hạnh, cũng là cuối cùng của chúng tôi. Hai ngày sau một khẩu pháo tự hành Đức cỡ lớn xuyên thủng giáp trước chiếc "Colombina" của tôi bằng một phát đạn xuyên giáp (AP) từ khoảng cách 1500 mét. Theo lời khuyên của những lái xe có kinh nghiệm, tôi không dùng đến xăng trong thùng xăng phía trước mà dùng ở thùng xăng phía sau. Đó là lý do mà chúng tôi không bị nổ tung ngay sau khi bị trúng đạn. 
Tôi đã xé bỏ túi áo khoác ngay từ khi còn ở trên tàu. Tôi cũng đã nhét thắt lưng và khẩu súng lục TT của mình xuống dưới áo khoác - tất cả những điều cần thiết để có thể nhảy ngay khỏi xe mà không bị kẹt lại. Tôi cảm thấy xe bị bắn trúng ngay khi vừa trông thấy chớp lửa đạn. Tôi vọt ra khỏi cửa nắp mà mình vốn đã mở sẵn, rồi bỏ chạy, cố gắng càng xa chiếc xe càng tốt. Tôi bị vấp và ngã vào một chiến hào. Nằm trong đó, tôi nghe thấy tiếng nổ của xăng chứa trong xe. Sau đó là đạn pháo phát nổ. Khi tất cả đã kết thúc, tôi quay trở lại chiếc "Colombina" của mình, giờ trông như một mụ phù thuỷ, chẳng còn chút gì vẻ đẹp xưa kia. Tôi sợ hãi liếc nhìn vào khoang vũ khí. Trong lòng, tôi cảm thấy thật cay đắng, buồn bã và cô đơn. 
Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng kêu: "Ulanov, chạy lại đây!" Có ba người đang quan sát từ sau một nhà kho. Tôi chạy tới họ - đó là tổ lái của tôi! Tất cả vẫn còn sống!
Suốt nhiều ngày trời tay sĩ quan NKVD dò xét chúng tôi – có lẽ chúng tôi đã tự đốt cháy chiếc xe của mình chăng? Và rồi anh ta cũng để chúng tôi yên, sau khi hiểu rõ là chúng tôi vô tội. Viên sĩ quan phụ trách kỹ thuật của trung đoàn ra lệnh cho tôi lái xe tải chở những binh lính bị ốm. Đầu tiên tôi phải vận chuyển những người bị thương nằm trên lớp rơm trong xe tải, còn sau đó thì là viên sĩ quan liên lạc của trung đoàn.
Tới cuối tháng Chạp tôi chở chỉ huy của mình và một sĩ quan tham mưu khác tới thành phố. Khi tới gần một chiếc cầu bị phá huỷ bắc ngang sông Uzh, chiếc xe của tôi phát nổ khi bánh trái phía trước của nó chạm vào một quả mìn chống tăng. Cú nổ quá mạnh làm tôi tối sầm cả mắt. Nhưng trong đầu tôi lại có một suy nghĩ ngu ngốc: chắc máy xe bị nổ. Sau khi tỉnh lại, tôi mở mắt ra nhưng không thể trông thấy gì. Tôi thử cào lên mắt, nhưng tay tôi chạm vào lớp vải đang phủ lên mặt. Toy lột nó ra và, vô cùng vui mừng rằng mắt mình vẫn không sao, bắt đầu sờ lên tấm chắn gió. Nó quá trong suốt và sạch sẽ - đơn giản là nó không còn ở đó nữa! Bộ tản nhiệt, nắp động cơ và cửa cabin bên trái cũng đã biến mất.
Khi vừa chui khỏi cabin, tôi trông thấy bánh xe cũng biến mất và trục xe đang cắm xuống mặt đất đóng băng. Đại uý Semenov, người ngồi sát bên tôi, bị thương vào bụng và chân. Còn viên sĩ quan liên lạc thì bị chiếc đèn xe văng trúng và bắn tung khỏi thùng xe. Chúng tôi chờ trong sương giá suốt hai giờ, trước khi anh ta đưa được cứu thương tới. Tôi bị chấn thương vì cú nổ, bị một vết bỏng do hóa chất, bị giá ăn trên tay, mũi và tai, cùng nhiều vết sước trên tay và chân trái. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra sau đó với viên đại uý. Bản thân tôi mất ba tuần nằm ổ rơm tại quân y viện và sau đó được chuyển lên điều dưỡng tiểu đoàn. 
Trên đường tới thị trấn có tên là Ovruch, tôi trông thấy một đoàn SU-76 mới cáu vừa xuất xưởng. Tim tôi bắt đầu đập rộn lên – “nếu mình không thể lái nó trong trung đoàn mình nữa, mình sẽ đề nghị đám kia cho mình đi theo” – tôi nghĩ vậy. Viên tham mưu trưởng, mặc một chiếc áo vét lông đắt tiền, nhìn tôi đầy nghi ngờ. Tôi trông bề ngoài tồi tàn, khoác chiếc áo choàng mất dây buộc, râu ria không cạo, mặt mũi đầy vết giá ăn và mái đầu bù xù đội chiếc mũ lính tăng nhàu nát. Ông ta yêu cầu tôi chờ cho tới lúc hồi phục lại, có đầy đủ sức khoẻ và lấy lại được vẻ ngoài cho phù hợp với một trung sĩ Hồng quân. Tôi cho là ông ấy đã đúng. Ở Ovruch, sau khi biết được tôi là lái xe và còn là lính lái tăng nữa, đại diện của Đại đội Bảo vệ Độc lập 26 trực thuộc Sở Chỉ huy Tập đoàn quân 13 đã “tuyển dụng” tôi. Ở đó tôi được bố trí lái chiếc tăng chiến lợi phẩm duy nhất mà họ có - một chiếc Pz. IV. Sau khi đã chạy được hàng chũc cây số trên chiếc xe ấy, tôi đã có điều kiện để xác định được các đặc điểm và khả năng điều khiển của nó. Cả hai đều kém hơn so với của SU-76.
Cái hộp số đồ sộ 7 tốc độ, gắn ở bên phải của ghế lái, làm tôi khó chịu vì sức nóng, tiếng rú và cái mùi kỳ lạ của nó. Nhíp xe cứng hơn của chiếc SU-76. Tiếng ồn và sự rung động của động cơ "Maybach" liên tục làm cho tôi nhức cả đầu. Chiếc tăng ngốn ngấu một lượng lớn nhiên liệu. Hàng chục xô phải đổ cho nó chỉ qua một cái phễu, thật là bất tiện. Người lái cũ của nó, sau khi trở về từ bệnh viện, muốn tìm cách lấy lại công việc của mình. Hắn ta bắt đầu đơn đặt cả một kế hoạch để chống lại tôi, nào là Ulanov quá lười, ngủ suốt ngày, chiếc xe không được bảo trì đúng cách và nói chung hắn ta là một tay hay ghen tị. (Về sau Rem Ulanov trở thành người lái tăng thử nghiệm tại Kubinka - LTD) Và cuối cùng hắn cũng đạt được ước nguyện. Đó là một vị trí rất an toàn - Sở chỉ huy Tập đoàn quân chẳng bao giờ lại gần khu chiến sự hơn 20 km, và chiếc tăng chỉ phải mang có năm viên đạn. Vì thế tôi được tái bố trí vào lái một xe thiết giáp nhỏ loại BA-64.
Tháng Năm năm 1944 chúng tôi được đề nghị chuyển về học tại trường huấn luyện thiết giáp ở Maskva. Tôi vui mừng đồng ý lời đề nghị này. Tuy nhiên, thay vì Maskva, chúng tôi, gồm nhiều học viên, lại có mặt trong khóa học huấn luyện thiếu uý của Tập đoàn quân 13 tại thị trấn Kremenets vùng Tây Ukraina. Tất cả những chống đối của chúng tôi đều vô ích. Họ dọa sẽ khai trừ chúng tôi khỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản Komsomol. Chúng tôi đành phải khuất phục bản thân mình.
Tốt nghiệp cái khoá học ba tháng ấy là các trung đội trưởng trung đội bộ binh và đại liên. Toy chui vào học khóa huấn luyện tung đội trưởng trung đội đại liên. Các môn học chính là giáo dục chính trị, chiến thuật và khí tài. Yêu cầu cơ bản là nhắm mắt tháo và ráp các loại đại liên Maxim, DP, kiểu trung liên cho bộ binh Degtyarev và đại liên Đức MG-34. Cuối tháng Tám 1944 tôi tốt nghiệp ra thành thiếu uý, chỉ huy một trung đội đại liên. Tên tôi đứng thứ 232 trong danh sách tốt nghiệp.
Khi đơn vị trong quá trình thành lập ở thị trấn Dembe tại Poland, một sĩ quan xuất hiện trong trung đoàn. Anh ta mặc áo jacket da và đeo an quân hiệu Lữ đoàn Thiết giáp – theo lệnh của Ban Tham mưu Phương diện quân anh ta đi tìm những pháo thủ pháo tự hành vì lý do nào đấy đang có mặt trong bộ binh.
Tôi tới gặp anh ta và báo cáo rằng tôi là một lính lái SU-76 đã được đào tạo đàng hoàng.
- Thế anh có thể chỉ huy một khẩu pháo tự hành không?
- Tôi có thể làm được.
Mười lăm phút sau, khi đã bàn giao trung đội cho người kế nhiệm, tôi ngồi trên chiếc xe tải chở những pháo thủ pháo tự hành đang lăn bánh lên đường. Tại Trung đoàn Pháo tự hành 1228 tôi được nhận một chiếc xe đã cũ nhưng vẫn còn chạy tốt. Lái xe của tôi là Pisanko người Kharkov (sinh năm 1928). Cậu ấy là người cao và sức khoẻ kém, có cái mũi đỏ, nhưng rất đáng tin cậy.
Pisanko yêu quý! Cậu đã cứu mạng tôi, dừng chiếc xe đúng lúc khi tôi, đang bước đằng trước xe, đột nhiên ngã vào cái kẽ hở trên mặt cầu lát gỗ trong lúc vượt sông Visla ban đêm...
Pháo thủ của tôi là già Migalatiev, người đã phục vụ trong binh chủng pháo binh suốt từ hồi Đệ nhất Thế chiến. Người tiếp đạn là Tsarev, trước kia phục vụ trên một khẩu pháo tự hành hạng nặng 152 mm – anh ta rất vui vì mình sẽ không còn phải bê vác những viên đạn pháo nặng 40 kg nữa - đạn của chúng tôi chỉ nặng có 12,5 kg. Cùng hôm đó chúng tôi được hướng dẫn cách thức đối phó với tăng Tiger. Hai khẩu pháo tự hành cùng phối hợp với nhau. Một khẩu nổ súng, và, sau khi lùi lại, vận động như một mồi để nhử chiếc Tiger. Khi chiếc Tiger phơi sườn của nó ra, khẩu pháo tự hành thứ hai nã đạn vào nó từ khoảng cách 300m trở xuống. Mánh khoé này thật đơn giản!
Sau chặng hành quân dài 80 km và vượt qua sông Visla trong đêm, chúng tôi đào công sự cho năm chiếc xe của khẩu đội mình,  lãnh phần yểm trợ cho đoạn chiến tuyến dài khoảng 1km. Pháo binh Đức bắt đầu nã đạn vào vị trí chúng tôi khi bình minh lên. Đợt bắn phá kéo dài cho tới khi trời tối. Trò này diễn ra liên tiếp trong ba ngày nữa. Tôi chú ý tới thực tế rằng có rất nhiều quả đạn bay tới nhưng không nổ. Tôi không đếm, còn nhiều chuyện khác phải làm, nhưng tôi tin rằng có khoảng hai trên mười quả là không phát nổ. Một quả đạn rơi xuống công sự phía trước hầm trú của chúng tôi và không phát nổ. Ban đầu chúng tôi cảm thấy hơi bất tiện, nhưng rồi thì cũng chẳng thèm để ý tới nó nữa.
Tới ngày thứ ba xe tăng Đức đột kích vào vị trí chúng tôi. Trong số chúng không thấy có tăng Tiger. Về phía cánh phải chúng tôi có những khẩu pháo của đơn vị IPTAP (viết tắt của "Istrebitel’no Protivotankovy Artilleriiski Polk" – Trung đoàn Pháo chống tăng) đang phòng ngự. Cùng phối hợp với nhau, chúng tôi đánh lui được nhiều đợt tấn công của địch. Những chiếc tăng Đức sống sót vội vã chạy giật lùi và rút lui. Đám cường kích mặt đất Il-2 của ta đã giúp chúng tôi rất nhiều! Bổ nhào từ độ cao thấp, họ bắn rốckét vào chúng, đôi khi chút nữa thì trúng chúng tôi. Khi điều chỉnh khẩu pháo, thời gian đầu tôi dùng kính trắc thủ để quan sát, nhưng nó quá bất tiện, luôn rung lắc theo chiếc xe khi chúng tôi khai hỏa. Migalatiev khuyên tôi hãy quên của nợ bằng sắt ấy đi và quan sát mục tiêu trực tiếp mà không dùng bất cứ thứ kính ngắm nào. Ban đầu mắt tôi hay nhắm lại vì chớp lửa phụt ra từ đầu nòng giảm chấn, nhưng sau rồi tôi quen dần và đã có thể điều chỉnh chính xác hơn nhiều.
Vị trí của chúng tôi cũng không ngon lành gì lắm – chúng tôi đào công sự ngay trên đồng trống. Để tránh thiệt hại, chúng tôi rút về bố trí trong một ngôi làng Ba Lan. Cư dân của nó đã rời bỏ khu vực này hoặc ẩn nấp đâu đó, và hàng đàn ngỗng nhà hoảng sợ bay tung toé mỗi khi có đạn nỗ, tựa như những đám lông trắng. Chiếc xe của tôi đậu dưới một gốc mận và tôi, thậm chí không cần chui ra khỏi khoang chiến đấu, chén và chén liên tục món trái cây ngon ngọt. Ngày hôm sau bụng tôi phát đau quặn. Bốn ngày liền tôi phải nằm bệnh viện. Các bác sĩ bảo rằng đó là bệnh kiết lỵ. Ngốn quá nhiều đồ ngon cũng thành ra không ngon lành gì!
Mười hai ngày sau tôi quay lại trung đoàn và báo cáo với viên trợ lý của tham mưu trưởng. Anh ta nói: “Chỗ chúng tôi đã có một người cùng tên với anh rồi.” Tôi đáp: “Đó là chính tôi chứ ai.” Anh ta nhìn chằm chằm vào tôi, hiểu ra chuyện gì đã xảy đến và ra lệnh cho tôi đi nhận phần thực phẩm từ cả bếp lính lẫn bếp sĩ quan. của mình. Tôi cám ơn anh ta và hỏi lại xem khi nào tôi quay lại chỉ huy khẩu pháo tự hành được. Câu trả lời thật đơn giản – khi có xa trưởng của một khẩu pháo nào đó bị giết.  
Tôi không phải chờ lâu. May thay, đã không có ai bị giết hết. Trung đoàn trưởng muốn có một trung uý từ khẩu đội 4 trong ban tham mưu của mình. Tôi bèn lên thay chỗ anh ta. 
Tổ lái mới của tôi, đều là cựu binh, nhìn tôi đầy nghi ngờ và thiếu tin tưởng. Pháo thủ Schukin và lái xe Perepelitsa đều đáng tuổi cha tôi: họ đã trên dưới bốn mươi, trong khi tôi chưa đầy hai mươi. Còn người tiếp đạn, Yaschka Vorontsov, già hơn tôi tới năm tuổi.
Tới đây tôi xin lưu ý một chút, là một người tiếp đạn, hay người “thụt đạn’ như người ta hay gọi, là vị trí thấp nhất trong cơ cấu tổ lái. Xa trưởng, với cương vị một sĩ quan chỉ huy, nắm toàn quyền trên xe và với tổ lái. Lý tưởng ở đây là có một tay nghiêm khắc, hơi thô lỗ, nhưng vẫn là một trung uý. Những kẻ yếu đuối và nhu nhược, những người cố gắng làm vui lòng tổ lái, không tồn tại được lâu trên cương vị chỉ huy. Pháo thủ, người mà công việc là bảo trì pháo, hệ thống quan trắc, là phân loại và sắp xếp đạn pháo, và, quan trọng nhất, là bắn cho chính xác, là người thay thế cho chỉ huy. Người lái chịu trách nhiệm về động cơ, bộ truyền động, bộ hộp số, phối hợp cùng tổ lái khi tiếp nhiên liệu hay chống băng giá cho xe, kiểm tra các ắc quy. Anh  ta có thể tranh cãi với chỉ huy về hành trình qua các địa hình và cách vượt các vật cản. Vị trí thấp nhất là người tiếp đạn, phải lau chùi dầu mỡ trên các viên đạn, phải gõ cho đất bùn bám trên xích xe rơi hết, phải chạy tới nhà bếp để lấy bữa ăn cho cả tổ lái và làm mọi công việc nặng nhọc khác.
Perepelitsa và Schukin thích đưa ra những câu hỏi để kiểm tra kiến thức của tôi về chiếc xe và khẩu pháo. Khi nhận ra thực tế là tôi nắm rất vững chiếc xe, Perepelitsa lên tiếng hỏi xem trước kia tôi đã từng làm lái xe SU-76 chưa. Sau khi nhận được câu trả lời xác thực, ông ta liền trở nên thân thiện. Lát sau, ông mời tôi ăn chung một cà mèn với mình, và bằng cách đó để tỏ lòng tôn trọng tôi. Schukin và Vorontsov ăn chung trong một cà mèn khác. Tôi luôn chia đều khẩu phần sĩ quan bổ sung của mình cho tất cả tổ lái. Tôi cùng làm tất cả những công việc nặng nhọc với mọi người. Sau nhiều lần giao chiến thành công, có lần chúng tôi hạ được một xe thiết giáp bánh xích half-track của Đức và chiếm được rất nhiều chiến lợi phẩm, bao gồm cả một áo choàng thầy tu, một súc nhung rất đẹp, đá lửa dành cho bật lửa - mối quan hệ giữa tôi với tổ lái đã trở nên rất thân thiết. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy thái độ bề trên của các thành viên tổ lái đối với mình.
Tới giữa tháng Mười Một năm 1944 có một khoảng thời gian yên tĩnh tại đầu cầu Sandomier. Pháo bắn thưa thớt. Bầu trời trở nên trong xanh. Chỉ có chiếc khí cầu quan trắc xuất hiện lơ lửng ở hậu phương, phía sau khu rừng. Thời gian ngưng chiến bắt đầu. Chúng tôi phải tìm cách lo giữ nhiệt độ cho xe. Với chiếc T-34 chuyện này dễ hơn nhiều - chỉ cần đốt hai hay ba khúc củi dưới xe, và củi, cháy âm ỉ, sẽ hâm nóng cho xe. Dầu dưới gầm xe sẽ sôi xèo xèo và sủi bong bóng, tỏa ra mùi hôi thối, nhưng bên trong giữ được hơi ấm. 
Trò đấy không có tác dụng đối với chiếc "Colombina" chạy bằng xăng. Chúng tôi được lệnh từ ban chỉ huy: để giữ ắc quy luôn ấm, phải bọc bằng dạ hay cất trong lỗ chó đào. Nói thì dễ, lỗ chó đào! Tất cả lũ chó trong vùng đều chết ngoẻo hoặc chạy biến đi đâu từ lâu rồi.
Chúng tôi bắt tay vào đào hầm cho sâu hơn, lót gỗ lên nóc hầm rồi phủ lên trên một lớp đất. Mỗi lần phải đổi địa điểm đóng quân luôn kèm theo việc xây dựng một hầm trú ẩn mới. Chuyện này tốn công sức đến nỗi chúng tôi buộc phải làm như sau: ép đám nông dân Ba Lan đem xẻng tới dưỡi áp lực của mũi súng. Thật ngạc nhiên, đám nông dân Ba Lan ngoan ngoãn làm cái công việc nặng nhọc đó, hoàn tất nó và nhắm món rượu tự nấu với chỗ đồ nhắm thịnh soạn của chúng tôi, và rồi quay về nhà họ mà không tỏ ra chút chống đối nào. 
Ở nhiệt độ ngoài trời âm 5, thậm chí âm 8, nước cũng không thể đông lại quanh khu công sự mà chiếc "Colombina" của chúng tôi đang đậu. Trong khoang sinh hoạt của hầm trú ẩn, tuỳ theo vị trí của lò sưởi mà nó ấm hay thậm chí là hơi bức, chúng tôi có thể cởi bớt áo choàng và áo khoác độn bông. Tới cuối tháng Chạp năm 1944, một tuần trước Lễ Đón Năm Mới, tay cần vụ nát rượu của trung đoàn trưởng mò tới xục xạo khắp nơi và thông báo cho chúng tôi rằng trong một giờ tới sẽ có một đoàn chỉ huy cao cấp tới thăm chúng tôi – sư đoàn trưởng, tư lệnh tập đoàn quân và cả tư lệnh Phương diện quân. Chúng tôi hơi e ngại, bởi đang giấu một thùng sắt lớn cái món chế biến từ củ cải đường lên men trong hầm trú ẩn của mình. Khắp vùng này đầy những cánh đồng trồng củ cải đường chưa được thu hoạch do đang có đánh nhau. Trong thực tế, tên gọi chính của vùng này là vùng sản xuất đường.
Không thể lôi cái thùng chứ đầy món brazhka tự nấu (một loại rượu tự chưng cất dạng thô, thường từ 10 tới 15° độ cồn – Valera Potapov) ra khỏi hầm qua cái lối đi hẹp, mà làm sánh nó ra chỉ một chút thôi cũng thật là phí hoài. Chúng tôi quyết định cứ đút cái thùng vào góc tối nhất, phủ lên tấm vải bạt, mấy cái áo choàng và những đồ đạc khác. Chúng tôi cũng hy vọng là mấy ông tướng sẽ không dám đi qua cái lối hẹp để vào trong hầm bởi bụng to quá khổ.
Đoàn chỉ huy cao cấp, gồm ít nhất mười vị sĩ quan cao cấp, xuất hiện một tiếng sau đó. Tôi báo cáo với họ ngay tại lối vào hầm. Trung đoàn trưởng yêu cầu tôi đưa chiếc xe ra khỏi công sự và chuẩn bị sẵn sàng bắn. Động cơ xe đã được làm nóng từ trước và khởi động được ngay lập tức. Chiếc "Colombina", nhấc phần thân sau lên khỏi đường dốc, mau chóng nhưng bình thản xuất hiện trên mặt đất. Ra lệnh cho Schukin nâng nòng pháo lên vị trí bắn tầm xa (17 km), tôi nhảy ra khỏi khoang chiến đấu và báo cáo đã sẵn sàng.
Đám chỉ huy thích sự nhanh nhẹn và dứt khoát trong thao tác của chúng tôi, nhưng tất cả bọn họ, đúng như tôi đã lo sợ, đều quay đầu lại về phía hầm trú ẩn. Tôi vượt lên trước họ, chạy vào trong hầm và cố lấy lưng mình che cái thùng. Khi mùi xăng nồng của động cơ xe bay hết, mùi chua của củ cải lên men lan tỏa khắp trong không khí. Cái mùi chết tiệt đấy xuyên qua cả lớp vải bạt và tất cả mớ đồ đạc phía trên. Một vị tướng tuyên bố rằng có mùi chua gì đó trong hầm. 
Trung đoàn trưởng, để cứu vãn tình thế, vội nói:
- Đấy là lính của tôi đang ủ món brazhka của họ.
- Brazhka?
- Vâng ạ.
- Tốt, chuyện này hình như cũng được phép mà. Nhưng hình như anh có rượu mạnh phải không?
- Vâng, chỉ một chút thôi, thưa tướng quân.
- Đó hẳn là một món tệ lắm nhỉ?
Cảm nhận đó thì vua chế rượu của tổ chúng tôi là Leshka Perepelitsa không khoái chút nào, tay nghề của anh ấy đã bị xúc phạm, và anh ta đề nghị mọi người hãy thử một chút. Viên chỉ huy đồng ý. Perepelitsa lôi ra hai hai 800g từ một góc bí mật, rót đầy những cốc và vại trên bàn.. Schukin mở một hộp thịt lợn hộp. Nào, chúc mừng chiến thắng đang tới gần!
Chỗ rượu ở trong chai năng tới 60° độ cồn ... Tất cả đều choếnh choáng, gạt nước mắt và bắt đầu đùa cợt: món brazhka là thế này đây! Vì đã bảo trì một cách gương mẫu chiếc xe và những thao tác dứt khoát, tổ lái được nhận một lời tuyên dương. Trung đoàn trưởng rất hài lòng. Rời khỏi chỗ chúng tôi, những vị tướng tuyên bố rằng món rượu rất ngon nhưng khuyên không nên lạm dụng nó. Và một giờ sau tay cần vụ chạy trở lại và thừa lệnh trung đoàn trưởng yêu cầu đưa thêm một ít cái chất lỏng bốc lửa ấy.
Sau Lễ Đón Năm Mới tất cả chúng tôi đều đón chờ một đợt tấn công quy mô lớn. Lực lượng thiết giáp được bố trí khắp nơi tại tuyến bàn đạp. Đằng sau họ là những khẩu pháo tự hành hạng nặng được bố trí công sự. Đám lính thông tin làm việc khẩn trương trên hệ thống liên lạc hữu tuyến.
Mùng 4 tháng Giêng năm 1945 tôi được lệnh đi lên sở chỉ huy trung đoàn, tại đó tôi được thông báo là tôi được chuyển về Trường Kỹ thuật thiết giáp cho sĩ quan Hồng quân, về khoa sĩ quan kỹ thuật chỉ huy khẩu đội SU-76. Tôi cố gắng phản đối, viện rằng tôi chưa sẵn sàng rời bỏ đồng đội của mình, và cuộc tấn công đang sắp tới. Chỉ còn có 600 km từ Berlin tới chỗ chúng tôi! Viên tham mưu trưởng, một sĩ quan có tuổi, bảo tôi: "Hãy đi theo lệnh đi, con trai. Chính trung đoàn trưởng đã gửi con đi đấy. Anh ta thực sự rất thích cái hầm của con. Còn về chiến tranh – chúng ta có thể kết thúc được nó mà chẳng cần đến con.”
Mỗi bước đi về phía Đông, tôi lại rời xa dần khỏi các bạn đồng đội của mình, khỏi chiếc "Colombina" thân thương. Khi đã vượt qua mặt băng sông Visla trên một chiếc xe đi nhờ, tôi nhận ra rằng chiến tranh đã thực sự kết thúc đối với tôi. Tôi không hề biết rằng tới tháng Sáu năm 1945, sáu tháng sau, tôi sẽ quay lại nước Đức để thử nghiệm kiểu pháo tự hành mới của nhà máy Gorki, tôi cũng không biết rằng tôi sẽ lái xe tăng thử nghiệm tại Kubinka từ 1946 tới 1950. Tôi vẫn còn chưa biết rất nhiều điều nữa. Cả cuộc đời tôi đang còn nằm ở phía trước …
Tác giả:Rem UlanovDịch từ Nga sang Anh:Bair Irincheev
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân

HỒI ỨC LÍNH XE TĂNG
Câu chuyện của Semion Aria

Semion Aria

Những người sống sót trở về từ chiến tranh thưởng trở nên mê tín hoặc tin vào định mệnh, cố gắng tìm kiếm niềm tin nơi Đức Chúa. Không nơi nào mà bàn tay của Định Mệnh lại xuất hiện rành rành đến vậy, không thể thay đổi và không tài nào tránh khỏi, như trong chiến tranh. Tôi đã có kinh nghiệm bản thân về điều này, và không chỉ là một lần. 
Mùa đông những năm 1942-43 binh đoàn tăng nơi tôi có vinh dự được phục vụ đã phải chịu tổn thất rất lớn trong trận đánh tại Mozdok. Tôi đã không phải chịu làm một trong những người hy sinh tại đó do một trường hợp đặc biệt sau đây. Số mệnh, như đã thấy trước được diễn tiến của sự kiện nọ, theo như tôi hiểu, đã có một quyết định cứng rắn ngay lập tức đúng thời điểm đó để chuyển tôi từ vị trí cũ làm thợ lái tăng thành sang một vị trí khác, ít nguy hiểm tính mạng hơn. Bằng một giá không thể tưởng tượng ra nổi. Bà mụ Số mệnh lúc đầu đã không thành công lắm, nhưng Bà hành xử thật cương quyết và bển bỉ để đạt tới mục đích đã đặt ra.
Vào một ngày đông ảm đạm một đoàn xe tăng, trong đó có chiếc T-34 của chúng tôi, kéo vào khu làng Côdắc Levokumskaya sau một chặng dài hành quân. Quân Đức đang rút lui đã cho nổ tung chiếc cầu bắc qua sông Kuma đằng sau lưng chúng, và một kết cấu gỗ bắc ngang thay thế do những kỹ sư công binh làm từ bất cứ thứ gì họ có thể tìm ra xuất hiện trước chúng tôi vừa kịp lúc chúng tôi tiến được tới bờ sông. Sau khi liếc nhìn nó đầy ngờ vực, tiểu đoàn trưởng của tôi hỏi người kỹ sư công binh: 
"Xe tăng có thể băng qua cái thứ này được không? Loại hai mươi lăm tấn?”
"Hoàn toàn có thể tin tưởng!" người kỹ sư đáp. "Được bàn tay của một đơn vị Cận vệ làm mà! Nhưng chỉ được đi từng chiếc một lần thôi.”
Chiếc tăng đầu tiên lăn chậm rãi và cẩn trọng qua những tấm ván lát tạm. Chiếc thứ hai tiến vào chỗ vượt sông cũng rất cẩn thận, từ từ chuyển hướng khỏi lối đi, lăn lên giữa cầu, và đột nhiên, ngay trước mắt mọi người, nó bắt đầu di chuyển không phải băng ngang qua mà là đi dọc dòng sông, và rồi nhào xuống giòng nước cùng với cây cầu, chỉ còn ló có mỗi mấy cái bánh xích khỏi mặt nước.  Tổ lái được lôi ngay khỏi mặt nước đóng băng không phải là không có một chút trở ngại. Chúng tôi đã phải nhào xuống mới kéo được người lái lên. Tăng của tôi là chiếc thứ ba, kế tiếp.
Sau một hồi nổi xung thiên thịnh nộ với đám kỹ sư, thậm chí còn dọa lôi ra xử bắn, tiểu đoàn trưởng tìm được một người địa phương đã luống tuổi để ông ta chỉ cho một chỗ nước cạn. Sau khi nhét được ông già vào trong chiếc Willy của mình, và sau khi đã giải thích cho tôi về trách nhiệm phải làm người lái chiếc xe dẫn đầu, viên tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho chúng tôi lên đường đi theo ông ta.
"Đừng chạy quá nhanh, nhưng cũng đừng có tụt lại phía sau” ông ta nói. "Nếu có chuyện gì trục trặc, tôi sẽ ra hiệu cho anh bằng đèn pin.”
Và thế là chúng tôi khởi hành trên con đường đất dọc bờ sông. Trong khi đó, bóng tối đã hoàn toàn bao phủ khung cảnh. Chúng tôi đã không còn một chiếc đèn pha nào ngay từ sau trận đánh đầu tiên, và thậm chí nếu chúng tôi có thì chúng tôi cũng không thể sử dụng do sợ bị máy bay địch phát hiện. Do đó tôi chỉ còn biết chạy theo ánh đèn xanh lè nhảy nhót liên tục của chiếc xe jeep chỉ huy trong bóng đêm, được phụ thêm bởi ánh trăng lờ mờ đang lúc lộ lúc khuất sau bóng mây, mắt không hề thấy rõ con đường đang chạy. Đoàn xe chạy nối đuôi sau xe tôi.
Chúng tôi cứ chạy theo kiểu ấy thêm khoảng mười cây số nữa. Như sau này mới biết, ông tiểu đoàn trưởng đã không chú ý tới một cây cầu khuất bé bắc qua một cái khe cạn và lái thẳng qua nó mà không hề chạy chậm lại hoặc kịp ra tín hiệu. Vì thế chiếc tăng của tôi đã phóng hết tốc lực vào cây cầu với tất cả sức nặng nhiều tấn của nó. Cây cầu không do dự, đổ sập ngay lập tức. Chiếc tăng đập mặt giáp thép phía trước xuống sườn khe, lật úp chổng hết xích lên trời rồi trượt xuống tận đáy khe. 
Choáng váng vì va đập, tôi nhận ra mình đang bị vùi dưới một đống đạn 76mm vừa rơi khỏi thùng chứa, cùng với những băng đạn súng máy, các dụng cụ, phụ tùng dự trữ, thức ăn chiến lợi phẩm, một cái cưa, một chiếc rìu và vô số vật dụng khác trong xe tăng. Axít trong bộ ắcquy bị lật tuôn ra phùn phụt thành tia. Tất cả được soi sáng dưới thứ ánh sáng mang điềm gở phát ra do các vật dụng va chạm nhau. Tôi thì không sao, nhưng khắp người bị bầm dập. Suy nghĩ đầu tiên hiện trong đầu là: tôi đã nghiền nát mất tổ lái rồi... Lý do là trong khi hành quân tổ lái thường không ngồi trong xe, mà là ngồi phía trên bộ phận hộp số - một điểm rất ấm áp nằm ngoài phía sau tháp pháo – và phủ vải bạt lên người. Nhưng hóa ra là tất cả bọn họ vẫn còn sống - họ chỉ bị ném văng ra đất khi chiếc xe tăng lật nhào, như thề được bắn ra từ chiếc máy bắn đá. Giờ đây người xa trưởng, trung uý Kuts, đang la hét vọng tới từ bên ngoài:
"Aria! Cậu còn sống chứ?"
"Dường như thế," tôi đáp. "Những người khác có sao không?"
Và tôi trườn ra ngoài qua cái cửa nắp ở dưới (mà giờ đã là ở phía trên) rồi quan sát xung quanh. Quanh cảnh thật vô cùng ấn tượng. Chiếc tăng đang nằm trên tháp pháo của mình với toàn bộ xích xe chổng lên trời. Cái nòng pháo chọc thẳng xuống dưới đất. Chưa lần nào trong suốt cuộc chiến tranh tôi được trông thấy cảnh một chiếc xe tăng trong tư thế bất tự nhiên như thế này. Chúng tôi cùng lặng yên đứng nhìn Người Bạn chiến đấu đã ngã xuống của mình.
Tiểu đoàn trưởng xuất hiện ngay lập tức, tựa như một con quỷ vụt chui ra khỏi chiếc hộp. Ông ta giảng giải cho tôi một hồi theo đúng kiểu Nga la tư mọi thứ ông ta đang nghĩ về tôi, rồi hạ lệnh:
"Tôi để lại đây cho anh một chiếc xe để kéo anh lên. Anh phải kéo chiếc xe dậy, sắp đặt tất cả trở lại trật tự rồi có mặt kịp cùng chúng tôi vào sáng mai. Nếu không làm được – Tôi sẽ xử bắn anh!”
Chúng tôi không mất thời giờ để giải thích những gì chúng tôi đang nghĩ về ông ta mà lập tức bắt tay vào việc. Chúng tôi mất suốt đêm để đào một lối ra khỏi cái khe, dùng chiếc tăng kéo để trước tiên là lật ngang chiếc tăng của mình lại, rồi lật tiếp cho nó đứng đàng hoàng trên hai hàng xích – cùng một chuỗi tiếng động rầm rầm khủng khiếp, rợn hồn phát ra từ mọi bộ phận trên xe mỗi lần chúng tôi nỗ lực để lật nó lại. Rồi chúng tôi tháo gỡ tất cả đống sắt vụn bên trong rồi cố gắng khởi động nó bằng bộ khởi động khẩn cấp, dùng hơi nén. Và chiếc xe tăng, loại tăng tốt nhất của Thế chiến thứ 2, đã bắt đầu nổ máy ngay sau khi vừa trải qua cái tai nạn ghê gớm nhường ấy!
Chúng tôi chỉ còn lại một giờ đồng hồ để nghỉ ngơi và ăn uống. V à rồi chúng tôi tiếp tục lên đường khi bình minh vừa ló dạng. Nỗ lực đầu tiên của Số mệnh nhằm lôi tôi ra khỏi quân chủng xe tăng đã hoàn toàn thất bại... 
Chúng tôi tăng tốc và vượt qua thành công con sông tại đúng vị trí đã định sẵn, rồi bắt kịp đoàn quân của mình vào giữa ngày, báo cáo tất cả lên tiểu đoàn trưởng và nhập vào trong đội hình. Tất cả bốn người chúng tôi đều đã sức cùng lực kiệt, nhưng trong đó tôi là người mệt nhất. Tôi chìm dần vào cơn ngủ không thể cưỡng lại được trên chiếc ghế lái của mình và mơ thấy chiếc xe tăng ẩn hiện trước mắt. Điều đó thật nguy hiểm hết sức. Trung uý, khi nhận ra tình trạng của tôi, ráng ở lại trong xe, cố gắng khích lệ, đá vào lưng tôi từ trên chiếc ghế của anh gắn trong tháp pháo (trong xe T-34, chỗ của xa trưởng nằm trong tháp pháo nhưng bố trí phía trên chỗ của người lái nằm hơi thụt xuống thân xe – LTD) hết lần này đến lần khác. Không còn ai khác có thể thay thế cho tôi. Xa trưởng lấy lý do là kiến thức thực tiễn về lái xe qua khóa huấn luyện thời chiến của mình quá ít ỏi,  còn pháo thủ Kolia Rylin và người điện đài viên kiêm xạ thủ súng máy Vereschagin thì hoàn toàn không được học chút gì về lái xe. Khả năng thay thế của các thành viên tổ lái còn lại là hoàn toàn không có - thế là họ cứ tiếp tục nằm dài trên chỗ ấm áp của bộ phận động cơ. Trong khi đó tôi đang phải một mình chịu đựng với mức độ căng thẳng tột cùng, trên hết là phải lãnh nhận luồng khí lạnh rát như băng bị hút mạnh từ bộ quạt thông gió đang gầm rú đằng sau lưng tôi, phụt thẳng vào ngực. 
Ngay trong chặng nghỉ chân đầu tiên, sau khi ăn xong món kasha (cháo lúa mạch – LTD) với xuất Lend-Lease tushonka (thịt hộp Mỹ viện trợ - LTD), chúng tôi phát hiện ra có một chỗ rò rỉ dầu ở động cơ xe. Cú lộn nhào xuống đáy khe cạn không phải là không có hậu quả. Chúng tôi xác định rằng vết rò không đáng kể và tiếp tục lên đường sau khi đã quấn chặt vết nứt bằng nhiều lớp băng vải rồi lấy dây buộc lại.
Sau khi đi thêm được năm mươi cây số thì có chuyện gì đó xảy ra: sau một chặng dừng ngắn máy xe không chịu nổ nữa. Không, chỉ là không khởi động được mà thôi. Chúng tôi đi tìm người kỹ thuật viên. Anh ta bò vào trong một lát để cố xem xét động cơ bằng một cái xà beng rồi tuyên bố:
"Chỉ có một thằng đần độn mới nghĩ cái thứ băng garô như vậy là đủ để giữ cho dầu khỏi chảy ra! Nó chảy hết tiệt ra rồi! Động cơ của các cậu bị nghẹt rồi...”
"Chúng tôi phải làm gì bây giờ?" trung uý hỏi.
"Binh đoàn trưởng sẽ quyết định xem các anh sẽ phải làm gì. Nhưng xe tăng không thể đem ra sửa ngoài đồng trống được, cần phải thay cái động cơ, chúng tôi cần các dụng cụ cần thiết để làm chuyện đó. Bây giờ thì ngồi chờ đây đã, tôi sẽ đi báo cáo chuyện này, sáng mai chúng tôi sẽ gửi xe tới kéo các anh đi."
Đoàn quân lên đường và để chúng tôi lại một mình. Bão tuyết quay cuồng trên thảo nguyên trần trụi phủ đầy tuyết. Không một bóng cây, không một bụi rậm, chỉ thấy xa xa trên đường vài mái nhà thấp lè tè - một khu trại ven đường.
Không thể ngồi lại bên trong chiếc xe tăng đang đóng băng. Chúng tôi cố dựng tạm một thứ từa tựa túp lều bằng cách quàng tấm vải bạt qua nòng khẩu pháo. Chúng tôi đốt lên bên trong đó một xô dầu xăng để cố sưởi ấm và ăn chút gì đó. Vài giờ sau tất cả đều không thể nhận ra nhau vì đã nhuộm đầy muội bồ hóng.
"Thế này," trung uý thốt lên, "chúng ta không thể ngồi đến chết ở đây được... Hãy ra nghỉ đêm ở ngoài kia thôi," anh ta hất tay về phía mấy căn nhà ngoài xa. "Ở đấy có một ống khói, nghĩa là có lò sưởi. Có lẽ lại còn cả ít rơm sót lại nữa. Chúng ta sẽ để lại một người gác chiếc xe này. Cậu cũng cần phải ngủ một chút (anh ta hất đầu về phía tôi). Do đó cậu sẽ là người trực trước đúng một tiếng rưỡi đồng hồ - kế đó tôi sẽ phái người khác đến thay. Nhưng bù lại sau đó cậu sẽ được ngủ trọn giấc.”
Thế là tôi ở lại với chiếc xe tăng cùng một khẩu tiểu liên đeo trên vai. Thời gian từ từ trôi qua trong bóng đêm. Bước tới bước lui. Bước tới bước lui. Tôi không thể dựa lưng vào chiếc xe – mí mắt tôi luôn chỉ chực sụp xuống. Nhưng sau một tiếng rưỡi người thay thế vẫn không thấy tới, thậm chí sau cả hai tiếng đồng hồ. Quỵ xuống vì kiệt sức, bọn họ chắc đã lăn ra ngủ như chết. Tôi nã một phát tiểu liên – không có kết quả. Tôi cần phải làm một điều gì đó, nếu không đơn giản là tôi sẽ bị lạnh cóng cho tới chết. Đôi chân tôi không thể đứng vững được nữa. Tôi đóng kín cửa chiếc tăng lại và bắt đầu mò mẫm qua lớp tuyết dày trên thảo nguyên để tới chỗ mấy căn nhà. Tôi chật vật đánh thức tay trung uý, anh ta đang ngủ trên đống rơm, và cho anh ta biết về sự tồi tệ khi để cho tình thế diễn ra như vậy... Rylin, chật vật lắm mới hiểu được chuyện gì đã xảy ra, bò dậy từ chiếc giường ấm áp của mình và bước ra ngoài với khẩu tiểu liên. Tôi ngã vật xuống ngay chỗ của anh ta mà không cần suy nghĩ và ngủ như chết ngay lập tức.
Rylin đứng trong giá lạnh được một chốc – và rồi đã phá vỡ lời thề khi nhập ngũ của mình...
Chúng tôi bước ra khỏi căn nhà khi trời vừa hừng sáng, miệng lầm bầm nguyền rủa Vereschagin vì đã ngủ quên mất phiên trực của mình. Nhìn lại trên đường - chiếc xe tăng đã biến mất. Nó không có ở đó. Bị lấy mất rồi. Cũng không thấy cả Rylin. Chúng tôi tìm thấy hắn ta trong căn nhà kế bên nơi hắn đang ngủ ngon lành, tay ôm đang lấy khẩu tiểu liên. Khi chúng tôi giải thích tình hình cho hắn, hắn vội chạy ra ngoài như thể muốn chua xót đi kiểm tra lại. Sau khi tận mắt nhìn thấy điều gì đã xảy ra, hắn tuyên bố rằng thật ra đêm qua, ngay sau khi hắn tới nơi chiếc xe và nhận ra cái mà hắn phải canh gác đã biến mất, hắn đã quay trở lại và đi ngủ. Để trả lời cho câu hỏi rất hợp lý rằng tại sao hắn không đánh thức chúng tôi dậy và tại sao hắn lại đi ngủ trong một căn nhà khác, hắn ta trả lời rằng hắn đã không muốn quấy rầy chúng tôi... 
Câu chuyện này, mặc dầu thật vô cùng phi lý, hoàn toàn có thể cứu hắn thoát cái tội trạng mà thực ra không phải là nhỏ. Đấy là lý do vì sao hắn lại đang đàng hoàng đứng trên mặt đất mà dối trá không chút xấu hổ, mắt nhìn thẳng vào cả ba người chúng tôi. Do lập luận của chúng tôi chẳng có gì hợp lý hơn để bẻ lại câu chuyện dối trá của hắn, tôi, kẻ đã tự động rời bỏ vị trí gác, hóa ra lại chính là vật hy sinh. Đồng thời người chỉ huy là trung uý Kuts, người luôn phải chịu trách nhiệm cho tất cả, cũng vậy. 
Và thế là chúng tôi bắt đầu thất thểu trên con đường thênh thang vùng Kuban, dẫm trên những vết rãnh bánh xe đóng băng, lòng tràn ngập cảm giác bất hạnh và kiệt quệ. Sau khi đi bộ khoảng mười cây số trong cái im lặng như tờ, chúng tôi tới được ngoại vi một khu làng Côdắc khá lớn, tại đó chúng tôi nhận ra vệt xích chiếc xe tăng rủi ro của mình. Hóa ra đám kỹ thuật viên khôn ngoan kia đã tới đây hồi đêm và tìm thấy chiếc xe tăng không được canh gác. Họ mở khóa cửa chiếc xe bằng chìa khóa riêng của mình rồi kéo nó đi. Tất nhiên, họ trông thấy khu trại và hiểu rằng tổ lái đang ở đâu, nhưng đã quyết định đùa một chút cho vui...
Trò đùa đó, cộng với việc khăng khăng dối trá của người bạn và đồng đội của chúng tôi, Rylin, đã bắt chúng tôi trả giá khá đắt. Binh đoàn trưởng, do tất cả tội lỗi của chúng tôi, đã ra lệnh đưa trung uý Kuts và tôi ra trước tòa án binh và xử với hình thức nghiêm khắc nhất của luật thời chiến. Quyết định này được đưa ra chỉ sau một cuộc thảo luận ngắn.
Đó là một câu chuyện không vui vẻ gì, sau sự việc này tôi không bao giờ quay trở lại quân chủng xe tăng lần nữa. Mặc dù tôi đã thoát khỏi tai nạn này mà toàn mạng.
Ví dụ trên cho thấy sức sáng tạo vô bờ mà Số mệnh dựng nên khi Bà muốn chuyển một con người được Bà nâng đỡ sang một quân chủng khác. Còn ai nữa ngoại trừ chính Số mệnh có thể tạo ra một loạt những tai nạn kỳ lạ như vậy nhằm thực hiện được mục đích đó? 
Cũng cần kể thêm rằng nhiều năm sau chiến tranh tôi đã cố gắng để tìm ra số phận của những thành viên còn lại của tổ lái. Nhưng Cục lưu trữ về khu vực Trung Á của Bộ Quốc phòng không giữ những thông tin như thế trong kho của họ. Những con người đó đã tan biến trong quá khứ mà không để lại một vết tích, và chỉ còn bóng dáng của họ lang thang trong mớ ký ức lộn xộn của tôi...
Thêm một điều nữa, Rylin hẳn đã chủ ý thí mạng tôi, hắn hoàn toàn biết thừa rằng như thế là hại tôi. Nhưng chẳng phải hắn cũng chỉ là một công cụ mù quáng của Số mệnh, người đang bảo vệ cho tôi, đấy sao? Mọi chuyện xảy ra đều tuyệt đối khắng khít với nhau trong cái thế giới xảo trá này.
Dịch từ Nga sang Anh:  Oleg Sheremet
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân

Phỏng vấn Semion Aria
Semion Lvovich, chiến tranh đã bắt đầu với ông như thế nào?
Tôi là sinh viên ngành kỹ sư vận tải quân sự tại Học viện Novosibirsk. Khi chiến tranh nổ ra, toàn thể lớp tôi đều được động viên. Người ta đưa chúng tôi tới Maskva, nhưng tôi không phải ra mặt trận bởi đoàn tàu chở chúng tôi bị trúng bom, tôi bị sức ép và nằm lại trong bệnh viện.
Sau khi ra viện người ta chuyển tôi tới Trung đoàn tăng huấn luyện số 19 đóng tại Nizhniy Tagil. Trung đoàn này gồm nhiều tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn huấn luyện cho lính tăng một chuyên môn riêng – có nơi thì huấn luyện thành xa trưởng, tiểu đoàn khác lại làm người tiếp đạn v.v. Tôi được đưa vào tiểu đoàn đào tạo ra thợ máy – lái tăng.
Việc huấn luyện được thục hiện trên xe thật: có xe tăng ngay trong tiểu đoàn, ch1ng tôi được dạy cách lái, cách liên lạc với chỉ huy, các bộ phận máy móc, cách vận hành chúng. Tôi cũng xin lưu ý là rất khó để có thể khởi động máy xe trong điều kiện mùa đông. Anh phải làm nóng nó trong suốt hai giờ trước khi chạy, nghĩa là phải đút một cái vỉ kích thước nhỏ hơn chiếc xe một chút xuống dưới gầm xe, đổ dầu vào đó rồi châm lửa. Sau khoảng một tiếng rưỡi, chiếc xe tăng, và cả chúng tôi nữa, đều phủ đầy một lớp muội bồ hóng, chính là lúc chúng tôi đã có thể nổ máy được rồi.
Kỹ năng thế chỗ cho nhau được yêu cầu đối với toàn bộ thành viên tổ lái. Trong thực tế điều này không thực hiện nổi - thời gian huấn luyện quá ngắn. Tuy vậy tôi cũng đã bắn pháo của tăng được rất nhiều lần. Người ta cũng chở chúng tôi tới thao trường, nhét chúng tôi vào xe tăng, cho chúng tôi lái thử qua một chướng ngại vật, tập thay các mắt xích xe (sửa xích xe là một công tác vô cùng khó). Trong hai hoặc ba tháng, tức toàn bộ thời gian huấn luyện, chúng tôi cũng đã tham gia lắp ráp xe tăng trong dây chuyền lắp ráp chính tại nhà máy. 
Người ta có dạy các ông cách bò ra khỏi xe tăng không?
Không, người ta việc gì phải dạy cái đó? Anh chỉ cần đơn giản là mở cái cửa nắp và nhảy ra ngoài. Hơn nữa, còn có một cửa nắp ở dưới đáy xe, anh cũng có thể thoát qua cửa đó mà không sợ bị địch phát hiện. Nói chung chuyện này không cần phải huấn luyện.
Tôi được đọc rằng lính tăng của ta thường cắt bỏ túi áo khỏi quân phục áo vét để không bị mắc kẹt lại khi trườn khỏi cửa nắp xe.
Chúng tôi chẳng cắt cái gì cả, áo vét của tôi rất tốt. Làm sao ta lại có thể bị kẹt vì lý do đó được? Chiếc cửa nắp rất nhẵn nhụi, gờ được bo tròn, chui ra chui vào rất dễ dàng. Hơn nữa, khi ta đứng thẳng trên chiếc ghế của người lái, anh đã thoát ra ngoài xe cho tới eo lưng rồi. 
Sau thời kỳ huấn luyện, người ta chất chúng tôi lên một đoàn tàu cùng những chiếc T-34 của mình, rồi chuyển chúng tôi ra mặt trận. Vì một lý do gì đó, lộ trình có chặng đi ngang qua vùng Trung Á. Chúng tôi đang đi từ Krasnovodsk tới vùng Kavkaz băng qua Biển Caspian Sea, trên một chiếc phà. Trên đường đi, gió mạnh thổi tung tấm vải bạt che chiếc xe tăng. Tôi xin kể thêm rằng sống trên xe tăng mà thiếu tấm vải bạt thì thật khổ vô cùng. Nó thật hữu ích – chúng tôi dùng nó để che chắn bản thân khi ngủ, dùng trải ra khi ăn, dùng để phủ lên xe tăng khi di chuyển trên xe lửa, nếu không bên trong xe sẽ mau chóng ngập đầy nước mưa. Đó là những chiếc xe tăng được sản xuất trong thời chiến. Không có thứ gì để che cho cái nắp cửa phía trên tháp pháo, còn nắp cửa của khoang thợ lái thì có tấm che nhưng vẫn không thể ngăn nước chảy vào được. Cho nên khi bị mất tấm vải bạt thì thật tồi tệ. Thế là tôi phải đi chôm một tấm vải buồm từ một cái kho quân đội, nhưng chắc chẳng cần kể thêm gì ra ở đây – đó không phải là chuyện chiến đấu, mà là một tội vi phạm kỷ luật quân sự.
Chúng tôi đi tới vùng Bắc Kavkaz. Tại đó chúng tôi tham gia trận chiếm Mozdok trong thành phần của Binh đoàn tăng số 2. Rồi chúng tôi được chuyển tới Trung đoàn tăng 225 để tham chiến tại khu vực Mineral'nye Vody (tiếng Nga: Mỏ nước khoáng- LTD) và tiếp đó là tại Kuban.
Bộ phận truyền động của xe tăng hoạt động có ổn định không?
Bộ truyền động của T-34 khá khác thường. Nó không có trục lái. Cần lái được gắn trực tiếp vào trục phụ của hộp số. Đó là lý do tại sao hộp số lại phải đặt ở giữa để ưu tiên cho trục quay - được thực hiện với những bộ phận đặc biệt. Nó phải được liên kết rất chắc chắn bởi chỉ một xung động nhỏ cũng dẫn tới sự phá huỷ của toàn bộ hộp số. Nói chung, thiết kế của chiếc tăng này đã rất thành công. Lấy ví dụ là việc chúng tôi đã sống sót sau cái tạn nạn kinh khủng như trên - chiếc tăng bị lật úp trên tháp pháo, nhưng sau đó vẫn khởi động lại được.
Trên xe của ông có gắn radio không?
Vâng, một máy điện đài được gắn ngay góc phải của thân xe, dùng để liên lạc với chỉ huy đơn vị. Liên lạc bên trong xe thực hiện qua máy bộ đàm, nhưng hoạt động rất tồi, tương tự như tất cả những thiết bị được sản xuất ra trong thời gian chiến tranh. Đó là lý do chúng tôi phải liên lạc với nhau bằng chân, tức là ủng của xa trưởng gác lên vai tôi, anh ta sẽ nhấn vào vai phải hoặc vai trái của tôi, thế là tôi sẽ theo đó mà lái chiếc xe sang trái hoặc sang phải. Sau này khi tôi hành nghề luật sư, sếp văn phòng của tôi là Krapivin, một Anh hùng Liên Xô, cựu trung đoàn trưởng một trung đoàn tăng. Khi tôi nói với anh ta là chúng tôi đã chiến đấu với quân thù bằng đôi ủng của mình, anh ta liền bảo: “Ồ! Giờ thì tớ tin chắc cậu đúng là lính tăng thực thụ rồi.” Ngoài ra, có một bộ kính quan sát ba góc thật khủng khiếp gắn trên cửa nắp cho thợ lái. Chúng được làm từ thứ nhựa đáng ghét màu xanh hoặc vàng gì đó và đem lại một tầm quan sát hoàn toàn méo mó, dợn sóng. Không thể nhìn rõ bất cứ thứ gì từ cái kính đó được, nhất là khi xe đang bị xóc. Đó là lý do tại sao chúng tôi thường chiến đấu với nắp xe mở sẵn để tiện quan sát.
Theo ý kiến của ông, vị trí dễ bị tổn thương nhất đối với pháo binh địch của xe T-34 là gì?
Phần giáp hông.
Nếu xích xe bị hỏng đứt trong khi chiến đấu, ông sẽ phảm làm gì: rời xe tăng, cố sửa lại xích hay sao?
Cố mà sửa lại xích. Đấy không phải là tình huống hư hỏng nghiêm trọng gì. Chúng tôi luôn đem theo sẵn những đoạn xích dự trữ, chúng được gắn bên hông xe và thực ra còn là thứ giáp bổ sung cho xe. Sửa xích không phải là công tác gì đó quá phức tạp.
Ông có thể chỉ ra điểm yếu nhất trong một chiếc T-34 không?
Hoàn toàn thiếu tiện nghi cho tổ lái. Tôi từng vào trong xe tăng Mỹ và Anh. Tổ lái trong đó thao tác ở điều kiện thật thoải mái: trong xe được sơn những màu sáng, ghế ngồi khá êm, có cả tay vịn. Khác hẳn với T-34. Trong đó tiện nghi cho tổ lái chỉ ở mức tối thiểu. Thật khó để tôi bình luận gì thêm, tôi đâu có phải là kỹ sư thiết kế.
Có lẽ ông cũng từng tham gia sửa chữa bên trong xe tăng? Bộ phận nào là kém ổn định nhất: hộp số, hay bộ truyền động?
Tôi chưa gặp phải bất cứ thiếu sót nghiêm trọng nào trong thiết kế hay kỹ thuật của chiếc xe tăng (T-34). Xe này rất tốt, đáng tin cậy.
Có ý kiến cho rằng xe Matilda của Anh dùng động cơ xăng nên dễ bốc cháy hơn xe của ta dùng động cơ chạy dầu diesel? 
Xe tăng Mỹ cũng dùng động cơ xăng. Chúng bốc cháy tựa những bó đuốc. Thế đấy, một mặt - rất quan tâm tới tiện nghi cho tổ lái, mặt khác - lại không thèm bảo vệ cho họ. GIải thích điều này thế nào? Tôi thật khó mà nói được. Hơn nữa, mặt chân đế xe của họ rất hẹp, do đó xe hay đổ sang một bên khi chạy trên các sườn dốc. Chúng có những sai sót kỳ lạ, không thể hiểu nổi.
Thiết bị điện của T-34 có ổn định không?
Ổn định. Vũ khí của xe hơi thiếu bởi hai khẩu súng máy trên xe tăng không tạo được một hỏa lực có tầm hoạt động đủ rộng, do cả hai khẩu đều chĩa về phía trước. Tuy thế, ta cũng có thể quay tháp pháo để tăng tầm sát thương, nhưng như vậy thì quá mất công.
Súng máy của xe tăng có hiệu quả không? Nó có được sử dụng thường xuyên không?
Rất thường xuyên. Một khẩu súng máy gắn trên tháp pháo, người tiếp đạn sử dụng nó, khẩu kia gắn vào một ụ tròn trên thân trước xe. Khẩu này được sử dụng bởi người điện đài viên kiêm xạ thủ súng máy. Khẩu trên tháp pháo cũng gắn vào một ụ tròn, nhưng ụ này có góc tác xạ theo phương ngang rất nhỏ, tuy vậy khẩu ở dưới có góc tác xạ rất tốt – nó xoay được tới 45, thậm chí có thể tới 60 độ, hơn nữa tháo nó ra rất dễ.
Ông có sử dụng vũ khí cá nhân không?
Không, người ta không cấp thứ đó cho chúng tôi. Tôi đành phải tháo khẩu súng máy ra khỏi ụ để dùng. Ừ, hình như chúng tôi không có bất cứ thứ vũ khí cá nhân nào cả. Nếu không tôi đã nhớ ra rồi.
Nưgời ta có hướng dẫn gì cho các ông trong trường hợp đối đầu với xe tăng địch không? Giao chiến hay né tránh chúng?
Giờ thì tôi không thể nói về điều đó được.
Nhưng không lẽ ông chưa bao giờ đối đầu với xe tăng hay pháo tự hành của địch hay sao?
Không, tôi chưa bao giờ đối đầu với chúng. Chúng tôi chiến đấu với pháo chống tăng, ụ đại liên, thậm chí cả pháo phòng không. Trung đoàn tôi, trong suốt thời gian tôi phục vụ tại đó, có lẽ có khoảng 12 xe tăng bị tiêu diệt.
Khi xe tăng bị phá huỷ, tổ lái có kịp bò ra ngoài không?
Khoảng 50/50. Nếu viên đạn lọt vào trong xe thì tất cả sẽ cháy thành than, nhưng nếu viên đạn bắn chệch văng ra, hoặc nếu viên đạn bắn trúng khoang động cơ và xe tăng bốc cháy thì tổ lái có thể bò ra ngoài được. Thiệt hại cũng rất lớn, hiếm khi một người lính xe tăng có thể chiến đấu suốt cuộc chiến mà vẫn còn sống. Thiệt hại tương tự như đối với phi công tiêm kích chiến đấu. Tuổi thọ một phi công tiêm kích ngoài mặt trận thường tối đa là 40-60 ngày. Tương tự như vậy đối với các đơn vị xe tăng, nhưng vẫn có những người từng chiến đấu suốt một hoặc hai năm.
Có những tay Át như vậy trong đơn vị của ông không?
Có. Tôi còn nhớ một người - Sustavniov. Anh ấy là thợ lái, khắp người phủ đầy huân chương. Anh ta được công nhận là một lính tăng xuất sắc và cực may mắn.
Phẩm chất nào của một chiếc xe tăng là quan trọng nhất trong hoàn cảnh chiến trường?
Ô, tất cả đều quan trọng, khả năng cơ động, tốc độ, thật khó để chọn ra cái nào là quan trọng hơn. Trước tiên, tất nhiên, phải là sức bền, khả năng chống đạn, khả năng phòng thủ. 
Điều kiện phòng thủ chống tăng của bộ binh Đức có tốt không?
Cũng như bộ binh Nga thôi. Người lính bộ binh thì có những gì nào? Chiến hào. Anh ta đào cho mình một cái hố và ngồi trong đó. Nếu anh ta bỏ chạy thì sẽ không thể làm gì để chống lại xe tăng được. Trang phục của chúng (lính Đức – LTD) và trang bị của chúng thì đáng kể hơn, chúng đã chuẩn bị rất kỹ cho chiến tranh. Nhưng đối với chúng tôi thì mọi thứ đều trong tình trạng rất tồi tệ, quân đội chưa sẵn sàng để tham chiến, cả về lực lượng lẫn trang thiết bị. Mọi thứ đều được thực hiện trong chiến đấu, trên những đống thây người. Tôi đã tận mắt trông thấy chúng ta hành động ngu xuẩn thế nào trong suốt nửa đầu của cuộc chiến tranh. Dân số ta rất đông - mồi thịt cho đại bác quá nhiều. Nếu đất nước ta không rộng đến vậy, bọn Đức hẳn đã dễ dàng thắng cuộc chiến này rồi.
Người ta nói rằng xe tăng chỉ chiến đấu dọc các con đường, có đúng thế không?
Tôi chưa bao giờ thực sự để ý về chuyện này, nhưng nói chung, tất nhiên xe tăng luôn tìm cách tránh những địa hình khó vượt qua. Tất cả những câu chuyện kể về xe tăng chạy xuyên tường ra sao, ủi đổ cây cối – tất cả đều là thứ rác rưởi. Có lẽ điều này là phù hợp thực tế - xe tăng thường chiến đấu dọc các con đường. Bởi vì một chiếc xe tăng có thể bị lật úp giữa một cái khe hoặc bị mắc kẹt trong đầm lầy. Không có chuyện xe tăng chạy ầm ầm trong rừng, nó có thể húc đổ cây cối mọc thưa thớt, tất nhiên, nhưng tôi chưa bao giờ trông thấy một chiếc tăng húc xuyên qua tường gạch như người ta vẫn chiếu trên phim ảnh.
Ông có quan tâm tới điều kiện địa hình khi lái xe không?
Tôi xin tuyên bố rằng rất không nên chạy qua một khe cạn! Tôi có thể kể cho anh một trường hợp xảy ra với tôi tại Bắc Kavkaz. Tôi đang lái xe dọc một con đường núi, nhưng khi tới một quãng hẹp, một bên xích xe của tôi chạy trật một chút sang phía phải đường và thế là cả chiếc xe tăng bắt đầu trượt dài xuống dốc. May là không có đoạn dốc nào dựng đứng, chỉ là một sườn đồi toàn đá nghiêng 45 độ. Tôi trượt trên đoạn dốc đó cho tới tận đáy hẻm núi. Và người ta đã phải rất chật vật để kéo được tôi lên. Nếu ở đấy có một đoạn dốc đứng thì sẽ ra sao nhỉ? 
Quân Đức có gài mìn trên mặt đường không?
Có.
Các ông có dụng cụ dò mìn không?
Không, thời kỳ đó trong các đơn vị xe tăng không có dụng cụ dò mìn.
Quân Đức có lựu đạn chống tăng không?
Mìn chống tăng thì có, tôi đã từng gặp loại đó; nhưng tôi chưa bao giờ trông thấy bộ binh sử dụng lựu đạn chống tăng. Lựu đạn chống tăng Xôviết của ta – chỉ đơn giản là những chùm lựu đạn thường buộc túm lại.
Còn mìn? Ông gặp chúng thế nào, hay chỉ trông thấy chúng thôi?
Vâng, tôi không chạy lên trên chúng, tôi chỉ trông thấy chúng. Chúng cũng gần giống như bây giờ, tựa như những cái đĩa.
Có bao giờ xe ông bị trúng đạn chưa?
Có, nhưng giáp xe không bị xuyên thủng. Khi một viên đạn bắn trúng, có một tiếng leng keng vang lên như trong một cái chuông, và rồi tai bạn sẽ điếc tịt.
Vỏ thép xe có bị móp méo khi bị trúng đạn như thế không?
Không, vỏ thép khá đàn hồi.
Làm thế nào ông xác định được một chiếc tăng có thể chạy qua một cây cầu hay không? Ai sẽ chịu trách nhiệm về điều đó?
Ồ, ai đi xác định chuyện đó? Một chuyên viên trong đơn vị công binh sẽ quyết định được rằng chiếc xe phải có tải trọng bao nhiêu, có thể chạy qua đó được không, nhưng ngoài chiến trường thì mọi điều kiện đều là tối thiểu, mọi thứ đều chỉ có thể phỏng tính. 
Có thể nói là ông đã may mắn khi được chiến đấu trên một chiếc T-34 không?
Đúng, anh có thể nói như thế.
Ông có thể nói gì với chúng tôi về loại xe KV?
Có rất ít xe tăng loại KV. Chúng rất nặng nề, tất cả cầu cống đều đổ sập dưới sức nặng của chúng. Chúng là những chiếc tăng rất không thành công.
Trong năm 42, khẩu pháo 76mm của xe T-34 có thể xử lý được tất cả các loại mục tiêu trên chiến trường không?
Trong thời kỳ đó thì đúng thế. 
Ông đã viết là xe ông không còn đèn pha ngay sau trận chiến đầu tiên. Có phải đơn giản là do chúng bị đạn bắn hỏng không?
Tất nhiên, chúng bị quét sạch vì mảnh đạn.
Ông có trình độ học vấn khá cao. Xét cho cùng, ông đã từng học tại một học viện trước khi chiến tranh nổ ra. Tại sao ông chỉ trở thành thợ lái mà không phải là xa trưởng? 
Tôi không có được lon sĩ quan.
Ông tác xạ như thế nào, khi đang di chuyển hay trong những chặng dừng ngắn?
Trong những chặng dừng ngắn.
Ai sẽ theo dõi luợng đạn trong xe tăng? Có phải thông qua thủ tục gì để bổ sung đạn không? Có một thứ định lượng tiêu thụ gì không?
Định lượng gì? Không, anh chỉ đơn giản là bắn theo nhu cầu của mình. Tôi không biết ai theo dõi điều đó, có lẽ là xa trưởng. Mà anh phải theo dõi cái gì? Đơn giản là đạn sẽ được bổ sung sau khi bắn hết. Thế thôi. Không có bất cứ thứ định lượng tiêu thụ nào hết.
Nhiệm vụ nào là thường xuyên nhất: yểm trợ cho bộ binh, chống tăng địch, uy hiếp tiêu diệt hỏa lực pháo đối phương?
Cần xét tới thực tế rằng bộ binh luôn đi cùng chúng tôi, có lẽ có bộ binh yểm trợ ngồi trên nóc xe tăng chúng tôi. Không có một chiến tuyến liên tục ở vùng Bắc Kavkaz mà chiến trận nổ ra theo từng đòn dột kích. Nhưng nói chung, nhưng câu hỏi như vậy nên để dành cho các sĩ quan. Lính trơn thực ra không được biết tất cả những vấn đề về chiến thuật như vậy. Lính tráng chỉ thực hiện chức năng kỹ thuật thuần tuý.
Nhờ Trời xe tăng của ông chưa từng bị phá huỷ đúng không?
Chưa hề.
Tốc độ chạy khi chiến đấu của ông là bao nhiêu?
Chúng tôi chạy với tốc độ bình thường trong chiến đấu, luôn khoảng 45-50 kilômét một giờ.
Có bao giờ ông bắn cầu vồng không?
Không.
Có bao giờ ông phải đào ụ chiến hào cho xe tăng không?
Có.
Người ta có bố trí lính bộ binh cho ông để làm chuyện đó không?
Chúng tôi tự đào lấy. Chúng tôi làm trong khoảng ba tiếng đồng hồ bởi theo lệ, chúng tôi không khi nào đào trên đất bằng mà cố gắng đào sau một thứ vách đất để có thể giảm thiểu khối lượng phải thực hiện. Dàn hỏa tiễn "Katiushas" cũng được lái vào các chiến hào tại vị trí chuẩn bị, nhưng không phải tại vị trí khai hỏa.
Dàn "Katiushas" luôn phải có một vị trí chuẩn bị ban đầu, và rồi là chạy tới vị trí bắn. Có phải thế không?
Đúng. Bắn một loạt rồi quay trở về.
Có bao giờ ông bị máy bay địch tấn công không?
Không phải trong thời gian chúng tôi ở Bắc Kavkaz. Tôi gặp máy bay địch khi đang chiến đấu trong một đơn vị "Katiusha". Tôi đã nhận được cấp bậc cao nhất khi phải đối phó với máy bay địch. Nhưng tại đấy, tại vùng Bắc Kavkaz, không quân Đức có số lượng không đáng kể. 
Ông nói cấp bậc cao nhất là có nghĩa gì?
À, tôi bị thương vì bom rải thảm và oanh tạc. Tôi trông thấy máy bay địch, không phải loại "Messers" mà là "Heinkels" thì đúng hơn, chúng bay qua đội hình chúng tôi đóng gần một thị trấn, bay thấp gần đụng với ông khói. 
Chúng có bị bắn như người ta chiếu trên phim ảnh không?
Vâng, nếu nó bay thấp thì anh sẽ không có đủ thời gian để bắn – nó sẽ bay ào qua đầu anh với một tốc độ chóng mặt. Nhưng chúng tôi vẫn bắn.
Tôi không phục vụ lâu trong quân chủng xe tăng - chỉ từ tháng Mười năm 42 tới tháng Hai, hay khoảng tháng Giêng năm 43. Sau đó tôi bị ra tòa án binh vì tai nạn với chiếc xe của mình và tôi không quay trở lại quân chủng đó lần nào nữa. Sau khi trải qua đại đội trừng giới, tôi có mặt trong một đơn vị hỏa tiễn “Katiusha", tại đó tôi phục vụ cho hết chiến tranh với vị trí quan trắc mục tiêu cho tiểu đoàn hỏa lực.
Sau khi tham gia đơn vị súng cối Cận vệ, ông có trở thành người quan trắc mục tiêu ngay lập tức không?
Tôi làm tài xế môtô một thời gian, tức là người liên lạc với sở chỉ huy trung đoàn. Thực ra, người ta đã bỏ qua lý lịch không phù hợp của tôi bởi họ có một chiếc môtô, nhưng lại không có ai biết chạy. Thế là họ giao cho tôi lái chiếc môtô, nhưng sau hai-ba tháng thì chiếc môtô tiêu tùng -  nó bị bắn hạ khi đang chạy, nhưng lúc đó không phải do tôi lái. Sau đó tôi được chuyển sang làm người quan trắc cho tiểu đoàn.
Nhiệm vụ người quan trắc mục tiêu cho tiểu đoàn là gì?
Chúng tôi chọn ra trong những đỉnh đồi, xây dựng một chốt quan sát, bố trí ở đấy một ống quan sát lập thể, quan sát quân địch, chuẩn bị số liệu tọa độ cho các sĩ quan. Chúng tôi không phải đi ra sau phòng tuyến địch.
Ông có phải làm những con tính cần thiết không?
Không, người quan trắc chỉ có trách nhiệm xác định mục tiêu, đo góc, chuẩn bị số liệu rồi hô nó lên cho người sĩ quan nghe thấy, anh ta ngồi đó với cái cặp bản đồ và một tờ giấy can, tính toán lượng giác (có những phép tính lượng giác rất phức tạp) để chuẩn bị bắn. Nhưng tôi cũng biết cách làm chuyện đó, và có thể thay thế anh ta nếu cần thiết.
Nhìn chung, đài quan sát được bố trí bên trong vùng quân ta kiểm soát hay tại khu vực giữa chiến tuyến?
Trong vùng ta kiểm soát, đằng sau lực lượng quân ta. Chúng tôi ít khi leo lên các ống khói hay cối xay gió – như thế thật nguy hiểm vì những điểm đó, theo lệ thường, luôn bị quân địch theo dõi chặt chẽ. Chúng sẽ cố bắn sập chúng để phòng hờ mà không phải là do bắn lầm.
Đám xạ thủ súng trường có làm phiền ông không?
Tất nhiên ở đấy có bọn xạ thủ súng trường. Chúng sử dụng bọn xạ thủ và pháo, bắn hạ những điểm chúng nghi ngờ bằng bất cứ giá nào. Do đó chúng tôi luôn tự đào hầm tránh xuống dưới ngọn đồi của mình.
Đơn vị ông có loại vũ khí gì?
Chúng tôi có loại M-8 và M-16, gắn trên xe Studebaker.
Ông đã gặp súng cối phản lực của Đức chưa?
Bọn Đức bắt đầu sử dụng thứ này chỉ vào cuối chiến tranh. Chúng tôi chỉ gặp súng cối phản lực Đức lần đầu tiên tại Hungary. Thứ vũ khí này, được gọi là "Vaniusha", có nhiều nòng, chúng phát ra một tiếng hú nghe lạnh cả người. Và chúng tôi chỉ được tận mắt nhìn thấy chúng lần đầu khi ở Áo. Chúng bắt chước loại "Katiusha" của ta, nhưng thiết kế để phát ra thứ âm thanh kiểu Đức. Dàn phóng được lắp trên một xe tăng hạng nhẹ. Một người ngồi trong đó và lái chiếc xe này vào vị trí bắn tực tiếp, hắn ta không cần số liệu tác xạ nào hết, việc ngắm bắn được thực hiện bằng quan sát trực tiếp, hắn tự mình ngắm mục tiêu, nã đạn, quay vòng xe lại rồi bỏ đi. Nhưng loại "Katiusha" của ta thì tầm bắn rất xa, ngắm bắn như pháo binh bình thường. Thông số bắn được tính bằng bảng tính lượng giác rất phức tạp, điều chỉnh theo địa hình thực tế. Do đó bọn Đức kém xa ta trong chuyện này.
Độ tán xạ của đạn có lớn không?
Độ tán xạ khá lớn, nhưng chúng tôi biết cách khắc phục. Viên đạn có phần đuôi để có thể xoay tròn khi bay. Nhưng độ tán xạ vẫn lớn hơn pháo thường, vì thế chúng tôi phải bắn theo cung phần tư góc và không nhắm vào mục tiêu cụ thể. Hoặc chúng tôi tính toán để khi bắn nhiều viên đạn thì ít nhất một phát sẽ trúng mục tiêu được chọn.
Ông đã trông thấy "Katiusha" bắn từ ngoài khoảng trống chưa?
Có, nhưng rất hiếm vì như thế rất nguy hiểm, và Katiusha thì rất đắt tiền. Hơn nữa, một dàn Katiusha hoàn toàn lộ diện khi bắn bởi nó tuôn ra một cột khói lớn. Vì thế chúng tôi cố bắn chỉ khi trời tối. Nếu bắn ban ngày, khả năng quân địch phản pháo trúng chúng tôi sẽ tăng cao. Vì thế Katiusha không có vị trí bắn cố định. Chúng đóng trú tại ụ trú ẩn, từ đó chúng chạy ra ngoài vị trí bắn. Chúng phải chuyển đi ngay sau mỗi loạt đạn để không có đủ thời gian cho quân địch phản pháo. Thêm nữa, theo một thông lệ, chúng tôi bắn trực tiếp trên bánh xe, không cần sử dụng bộ phận càng chống hỗ trợ như yêu cầu.
Khi ở trong đơn vị súng cối Cận vệ, các ông có được bảo vệ phòng không không? 
Không.
Còn máy bay chiến đấu của ta?
Vâng, máy bay tiêm kích không bảo vệ hay chia ra một phi đội cho thậm chí cả một trung đoàn Katiusha. Họ bảo vệ một khu vực của mặt trận, bảo vệ những vị trí chiến thuật quan trọng, còn chúng tôi là một trung đoàn độc lập. Nó luôn di chuyển hướng này hướng khác. Thậm chí đôi khi người ta chỉ điều đi cả các tiểu đoàn độc lập. Katiusha có uy lực rất mạnh, do đó thậm chí người ta sử dụng cả những khẩu đội độc lập để bắn từng loạt một.
Cần bao nhiêu thời gian giữa hai loạt đạn để nạp lại đạn cho một dàn Katiusha?
Không nhiều đâu. Khoảng 15-20 phút. Một tổ lái Katiusha bao gồm 5 người. Họ thao tác rất nhanh chóng -  nạp đạn, và ngay trước khi bắn, đút ngòi nổ vào trong viên đạn.
Giấy thông hành
Trung đoàn Súng cối Cận vệ 51
15 tháng Chạp 1943
Giấy thông hành cấp cho thượng sĩ Cận vệ S.L. Aria
Do nhận được giấy này, anh ta được phép tới Malaya Belozubka, Briansk,
Veseloe, Melitopol' theo nhiệm vụ công tác được giao
Lý do: theo lệnh của chỉ huy đơn vị
Thời gian chuyến đi là 15 ngày, từ 15 tháng Chạp 1943 tới 30 tháng Chạp 1943.
Báo cáo khởi hành
Chỉ có giá trị khi xuất trình cùng giấy tờ xác minh tuỳ thân /giấy căn cước Hồng quân /
Chỉ huy đơn vị GKMP 51 Thiếu tá Cận vệ Gribovskiy

Đã bao giờ ông phải bắn loạt đạn thứ hai tại cùng một địa điểm chưa?
Cũng có, nhưng rất hiếm khi. Thường là chúng tôi bắn rồi chuyển đi ngay. Chúng tôi quen lái xe đi và nạp lại đạn ở đâu đó khuất sau đồi ụ hơn là lại bắn tiếp tại cùng một chỗ.
Các ông bị thiệt hại có nặng không?
Trong trung đoàn tôi à? Còn tuỳ theo anh so sánh với ở đâu. Nếu so với các đơn vị xe tăng hay tiêm kích chiến đấu thì tổn thất của chúng tôi không lớn lắm. Nhưng nói chung thì chúng tôi luôn bị tổn thất về người. Trong hai năm tôi phục vụ trong trong đoàn này, quân số được bổ sung chiếm tới khoảng 50 phần trăm. Chỗ chúng tôi luôn có người bị chết hoặc bị thương. Tổn thất nhiều nhất là do máy bay oanh kích.
Trong khi hành quân ông có luôn thực hiện đúng quy định về công tác nguỵ trang (tiếng Nga: maskirovka - LTD) không?
Có, tuân thủ tuyệt đối. Lấy ví dụ, lúc trời tối xe cộ chỉ được bật đèn xanh khi di chuyển. Kế đó, đơn vị phải nguỵ trang bằng cành lá và lưới nguỵ trang mà không được phép sai sót. Chúng tôi thường dừng xe lại ở những vườn trồng cây ăn quả nếu quanh đó không có rừng. Nói chung, quy định về nguỵ trang maskirovka luôn được tuân thủ, người ta giám sát chuyện đó rất chặt chẽ.
Có nhân viên đặc biệt nào được cử riêng để giám sát việc thực hiện quy định nguỵ trang maskirovka không, hay các ông tự mình làm điều ?
Không, các chỉ huy thông thường có trách nhiệm giám sát chuyện đó, không có nhân viên đặc biệt nào cả. Chỉ huy phải tự giám sát vì nếu bị phát hiện vi phạm maskirovka thì chính họ sẽ phải gặp rắc rối. 
Khi ông làm công tác quan trắc mục tiêu, có khi nào ông phải mã hóa thông tin truyền đi chưa?
Chuyện đó là rất cơ bản, cũng hệt như mọi chỗ khác thôi. Người chỉ huy được gọi theo con số thay vì tên thật, đạn dược - lấy theo vài loại rau quả. Nhưng liên lạc qua điện đài thì được mã hóa, tất nhiên rồi. Anh sẽ không biết được nhiều từ tôi bởi tôi chỉ là lính trơn, những thứ đến được tay tôi đều không trực tiếp. Tôi xin kể cho anh một câu chuyện vui xảy ra trong thời bình. Sau chiến tranh tôi hành nghề luật sư tại quận Krasnopolianskiy, và người ta cấp cho tôi, một tay lính phục viên, một mảnh đất để xây nhà. Mảnh lớn trong khu đất ấy đã được cấp cho những ông tướng để họ tuỳ ý xây dựng, và những mảnh nhỏ còn lại được phân phối cho đám dân thường. Vì thế tôi bị vây quanh bởi các lô đất của toàn những ông tướng và do đó, tôi được biết nhiều điều về cánh hàng xóm tướng tá của mình. Có lần tôi được mời đến ăn tối tại nhà một ông tướng. Chúng tôi ngồi cùng bàn, và người ngồi cạnh bên phải tôi là một vị trông rất oai vệ, phong độ và đẫy đà. Thế đấy, tôi thì rót vodka cho ông ta, còn ông ta sẻ salad vào đĩa cho tôi, câu chuyện bàn nhậu bắt đầu, bàn qua tán lại.  Và như thường xảy ra, chúng tôi lan tới đề tài chiến tranh, hóa ra là cả hai chúng tôi đã cùng chiến đấu với nhau, hơn thế nữa, chúng tôi đã luôn cùng hành quân theo đúng lộ trình của nhau. Ông ta hỏi tôi: “Anh chiến đấu ở tập đoàn quân nào?” Tôi đáp: “Tôi ở Tập đoàn quân số 44”. Ông ta nói: “Tôi cũng ở Tập đoàn quân 44. Anh đóng lon gì ở đó?” Tôi đáp: “Ờ, tôi là lính trơn. Còn ông?” “Tôi là tư lệnh tập đoàn quân”. Đấy chính là Trung tướng Mel'nik, Tư lệnh Tập đoàn quân số 44. Tôi mới bảo ông ta: "Kondrat Semenych, thật tiếc là chúng ta đã không được cùng uống với nhau ngay từ hồi ấy!”
Ông có hỏi ông ấy về trận Balaton không?
Không, lúc ấy ông ta không còn chỉ huy ở đó nữa. Ông ta đã gặp rắc rối gì đó khi chiến đấu ở Ukraina, tôi cho là ông ấy đã bị giáng chức. Tuy vẫn ở lại trong Phương diện quân Ukraina số 3, ông ta không bao giờ còn được làm tư lệnh tập đoàn quân nữa.
Quan hệ giữa ông và cư dân tại các nước vừa được giải phóng như thế nào?
Rất khác biệt. Biến thiên từ tình cảm anh em thắm thiết ví dụ như tại Bulgaria cho tới cực kỳ thù  oán như tại Hungary. Người Hung căm hờn sâu sắc chúng ta và hay bắn vào sau lưng quân ta. Tất nhiên, chuyện đó không phải là vô lý do, dù trong thời kỳ này trong Hồng quân chưa phổ biến tình trạng cướp phá như ta thấy ngày nay, nhưng dấu hiệu của nó cũng vẫn dễ dàng nhận thấy.
Còn trong trung đoàn ông?
Vâng, trung đoàn tôi dù gì đi nữa cũng có văn hóa hơn, vậy mà thậm chí vẫn xảy ra những chuyện lộng hành tương tự như thế.
Những tay đó là người Slave hay dân Trung Á?
Dân Slav, luôn là dân Slav! Đám Côdắc là đặc biệt man rợ hung ác.
Điều gì khiến ông sợ nhất ngoài mặt trận?
Chúng tôi sợ cái chết. Thần chết luôn quanh quẩn chúng tôi mỗi ngày, mỗi giờ và từ mọi phía. Anh có thể đang ngồi yên ổn uống trà và đột nhiên một viên đạc lạc rơi đòm ngay bên cạnh. Không thể quen với điều đó được. Điều đó không có nghĩa là tất cả chúng tôi đều liên tục bị kích động, rằng mọi người đều ngồi hay đi đấy chờ đợi cái chết đến mọi lúc mọi nơi. Đơn giản là cái chết có tới hay không thôi. Thật đáng sợ trong những cuộc oanh tạc ồ ạt bằng máy bay. Con người ta mất trí đi vì sợ. Cảm giác như thể mỗi quả bom đều đang rơi thẳng vào đầu ta vậy. Thật khủng khiếp! Bầy máy bay lượn tròn trên bầu trời, hai hoặc ba trăn chiếc, và bom rơi xuống như mưa, tất cả chúng đều hú rít khủng khiếp. Kinh hoàng! Tôi còn nhớ có một tay Nekrasov – anh ta thậm chí đã phát điên. Khi cuộc oanh kích kết thúc không cách nào tìm ra anh ta. Và rồi người ta tìm thấy anh ta trong một chiến hào. Anh ta từ chối chui ra! Và nỗi sợ hãi kinh khủng ngập đầy trong ánh mắt anh... !
Binh lính có tin vào những dấu hiệu hay bùa chú có thể bảo vệ họ khỏi chết không?
Người ta hay đeo theo bùa hoặc thánh giá. Có những người có thể dự cảm thấy điềm xấu về nguy hiểm chết người. Ví dụ có tay Kondrat Hugulava trong đơn vị tôi, một người Grudia, miệng rất rộng. Chúng tôi là đồng đội với nhau, anh ấy đã cứu mạng tôi hai lần, và tất nhiên, cả mạng anh ấy nữa. Lần đầu tiên là khi người ta yêu cầu chúng tôi đi lập đường dây liên lạc với một trung đoàn bộ binh. Chúng tôi đang đi trong chiến hào trục thì anh ta thốt lên: “Chúng ta hãy dừng lại.” Tôi hỏi lại: “Tại sao thế?” “Đừng đi, chúng ta hãy dừng lại đây!” Chúng tôi dừng lại, và vài giây sau một viên đạn đại bác rơi đúng vào chiến hào ngay sau một khúc quanh! Đáng lẽ chúng tôi đã bỏ mạng  tại đó! Lần thứ hai chúng tôi đang trú bom trong một ngôi nhà đổ nát. Anh ấy lại bảo tôi: “Hãy ra ngay khỏi đây và chạy tới một góc nhà khác.” Chúng tôi dời đi - một quả bom rơi sầm ngay vào góc nhà nơi chúng tôi vừa trú. Những điều kỳ lạ như thế vẫn xảy ra. Linh cảm... Tôi thì không có được. 
Các ông chôn cất đồng đội hy sinh như thế nào?
Rất chu đáo ở nửa sau chiến tranh. Có ghi cả bia mộ nữa.
Ông có thứ vũ khí cá nhân gì?
Tôi từng có một khẩu carbine, một khẩu tiểu liên, một khẩu tiểu liên Đức, tôi đem theo chúng cho tới tận cuối chiến tranh, nhưng tôi chưa giết ai bằng vũ khí cá nhân của mình cả. Tất nhiên, tôi cũng có sử dụng chúng, bắn vào đâu đó...
Ngay lúc này anh đang cầm trong tay một cái dù pháo sáng của Đức. Các cô gái ở Ukraina may áo choàng cho họ bằng những mảnh lụa như thế này đấy. Khi đó không có nguồn cung cấp vải may. Khi một hộp những quả pháo sáng như thế này lọt được vào tay chúng tôi, bọn họ liền cắt chỗ lựa này ra, may nó lại và thế là nó trở thành một cái áo blouse.
Có người phụ nữ nào trong đơn vị của ông không?
Trong đơn vị của tôi thì không. Chỉ thấy xuất hiện mấy cô lính thông tin, về sau tất cả cánh sĩ quan đều kết hôn với họ. Khi sau này có một cuộc họp mặt các cựu chiến binh của trung đoàn ở Maskva, tôi có gặp lại những cô gái ấy, giờ đã là vợ của các sĩ quan trung đoàn tôi. Hồi đó tôi đã nghĩ rằng bọn họ vốn đĩ thoã, nhưng hóa ra mối quan hệ của họ kéo dài cho tới suốt cuộc đời. 
Ông được nhận huân chương vì chuyện gì?
Tôi kết thúc chiến tranh tại đây. Nước Áo.
Huân chương tôi nhận được là vì đã tham gia chiến đấu để giải phóng Vienna. Trận đánh ở đó không phá huỷ nhiều nhưng thiệt hại nhân mạng khá nặng nề.
Thế cụ thể là do chuyện gì? Vì thành tích thế nào?
Anh biết đấy, phần thưởng vì những chiến công xuất sắc rất ít khi kiếm được ngoài chiến trường. Đặc biệt trong những đơn vị pháo binh, không thể có mối liên hệ giữa một cá nhân với thành công của một phát đạn, do đó nếu một người đã tham gia chiến đấu, bộc lộ sự kiên cường, dũng cảm, thì tới lúc nào đó người ta sẽ xem xét, viết một điều đặc biệt gì đấy vào tờ giấy đề nghị khen thưởng, nhưng trong thực tế tất cả đều là tưởng tượng. Và do tôi được đánh giá tốt trong trung đoàn, tới một lúc người ta điền tên tôi vào danh sách khen thưởng. Và bắt đầu ghi ra: “Trong chiến đấu, vì đã bộc lộ lòng dũng cảm kiên cường và xem thường hiểm nguy chết chóc như thế như thế...” Đấy, những truyện cổ tích như vậy đấy.
Ông đã từng chiến đấu trong một tiểu đoàn trừng giới phải không? Cơ cấu của nó thế nào? Ông đã “trả nợ” như thế nào?
Tôi bị đưa vào một đại đội trừng giới, trong đó có khoảng 150 người. Chúng tôi chỉ được vũ trang bằng súng trường. Không có thêm bất cứ khẩu tiểu liên hay đại liên nào. Tất  cả sĩ quan chỉ huy đều là sĩ quan thường, nhưng lính tráng và hạ sĩ quan thì là toàn phạm binh. Anh chỉ có thể sống sót thoát khỏi tiểu đoàn trừng giới khi hoặc là đã bị thương, hoặc nếu anh nhận được sự phê chuẩn của chỉ huy trong chiến đấu, và anh ta (chỉ huy) sẽ đề nghị lên trên là bản án của anh được xóa bỏ.
Làm cách nào ông thoát ra được? Bản án của ông được đề nghị xóa bỏ sao?
Giấy chứng nhận của Tòa án binh Sư đoàn bộ binh 151
Cấp cho trung sĩ Semion Lvovich Aria, xác nhận rằng do đã bộc lộ sự dũng cảm và gan dạ trong chiến đấu chống bọn phát xít, bản án của anh ta đã được Toà án binh của Sư đoàn bộ binh 151 huỷ bỏ ngày 17 tháng Ba năm 1943.
Chủ tịch Toà án binh
Luật sư quân sự cấp 3
Sorokin
Vâng. Đó là tại Taganrog trong Phương diện quân Miền Nam. Tôi tham gia một trận đánh trinh sát. Do tình thế là đi hay chết, tôi hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Và thành công. Ngay sau đó có đề nghị huỷ bỏ bản án cho tôi, và sau vài ngày tôi được gọi lên Sở chỉ huy Sư đoàn, tới tòa án binh, tại đó người ta huỷ án cho tôi. Sau đó tôi được chuyển sang một đơn vị lính thường.
Ông ở trong đại đội trừng giới trong bao lâu?
Ba tuần.
Ông kể về thời kỳ này rất sơ sài. Tại sao vậy?
Tôi đã kể rất nhiều về chuyện này cho Yuriy Ivanovich Koriakin, và rất nhiều lần anh ấy nài ép tôi mô tả lại nó. Nhưng cứ mỗi lần tôi thử làm, tôi lại nhận ra chuyện đó là quá sức mình, bởi tôi sẽ phải kể lại cả những gì trong đại đội trừng giới và tất cả những gì liên quan tới nó, và để làm được việc đó anh phải có khiếu về văn chương. Có lần, cách đây đã nhiều năm, một nhà văn chuyên nghiệp rất nổi tiếng, sau khi nghe tôi kể, đã nài nỉ tôi viết nó lại. Tôi viết, ông ta xem qua rồi bảo rằng nó thật rác rưởi, là một thứ cứt đái của đám trí thức intelligentsia [trong xã hội Nga (và cả trong xã hội Xôviết), intelligentsia là một tầng lớp gồm những người kiếm sống bằng lao động trí óc và khác biệt với mọi người về văn hóa và lối sống – Oleg Sheremet]. Sau đó tôi không bao giờ thử làm thế lần nữa. Vấn đề ở những câu chuyện lòng thòng tẻ ngắt quanh vùng Kuban diễn ra trước khi tôi có mặt ở đại đội trừng giới. Sự việc ngẫu nhiên xảy đến với tôi: tôi bị mất hoàn toàn các giấy tờ và hồ sơ bản án. Chúng tôi có một bộ hồ sơ chung cho cả ba người, nhưng hai người kia bị chuyển đi xa mà thiếu tôi, và tôi phải ở lại một mình mà không còn chút giấy tờ gì. Mọi chuyện diễn ra tiếp theo tựa như một cuộc hành trình vào nơi hoang dại với quang cảnh xáo động tột cùng. Và khoảng thời gian bước khi ra tòa án binh, khi tôi nằm trong một phòng giam chờ ra thi hành án tử hình, cũng cần được mô tả lại, không thể né tránh được, nhưng thật khó để mô tả nó thành văn viết. Cho tới giờ tôi vẫn chưa quyết định được phải làm việc đó như thế nào.
Vậy điều đáng sợ nhất là gì?
Một đợt xung phong tấn công – đó là cuộc thử thách khốc liệt nhất. Anh biết rằng rất có thể mình sẽ trúng đạn, nhưng anh vẫn bắt buộc phải tiến về phía trước - điều đó thật khủng khiếp! Rất khó để ngóc đầu dậy, có cảm giác gần như chắc chắn rằng anh sẽ không thể quay trở về, điều này cũng thật khó khăn. Đạn cối bắn dữ dội và súng máy quét cật lực. Quá đủ cho mọi thứ. Đường đạn bắn, bắt đầu nã xuống từ phía trên, trong khi anh chỉ trông thấy cái luồng sáng hạ xuống thấp dần, thấp dần, từ từ quét về phía anh, rồi nó sắp sửa tới gần và cắt anh ra làm đôi. Vâng, tóm lại, chiến tranh là chiến tranh, có gì để nói nữa đâu. 
Thế rồi ông có mặt trong một đơn vị súng cối Cận vệ?
Không, không phải ngay sau đấy đâu. Tôi được chuyển từ đại đội trừng giới tới một đơn vị bộ binh, từ đơn vị bộ binh tôi chuyển qua Trung đoàn Dự bị số 2, đóng tại thành phố Azov, từ đấy tôi rời khỏi chiến trường. Tại đó người ta đưa tôi qua một nhóm dự bị đi học trường sĩ quan, chỗ đó sẽ dạy tôi trở thành một xa trưởng thiết giáp. Nhưng tôi đã quá rõ làm một xa trưởng là thế nào rồi nên tôi bỏ trốn khỏi đó. Chỉ đơn giản là tôi chuồn đi chỗ khác. 
Làm một xa trưởng thì phải như thế nào?
Thật đáng sợ. Cũng cực nhọc tương tự lính thường, nhưng trên tất cả anh lại phải chịu trách nhiệm đối với mọi người. Tôi không ham làm sĩ quan một chút nào hết. Đó là lý do tại sao khi người ta tới tuyển người vào đơn vị pháo binh, tôi đã mau chóng cùng đi với họ. Lập tức quẳng balô lên xe tải và bỏ đi. Thời đó tôi rất có thể sẽ bị ra tòa án binh vì làm như thế, nhưng mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ. Và tôi vẫn được ở lại với trung đoàn pháo. Thế rồi khi tới được mặt trận, hóa ra đó lại là một trung đoàn Katiusha. Thật là may mắn! Ở đó người ta cho chúng tôi ăn uống đầy đủ, quân phục thật tuyệt vời, thương vong xảy ra không đáng kể. Tôi vô cùng hạnh phúc vì đã được làm thành viên của một đơn vị tuyệt vời như vậy.
Phỏng vấn: Artem Drabkin
Dịch từ Nga sang Anh: Oleg Sheremet
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân


HỒI ỨC LÍNH XE TĂNG
Nikolai Zheleznov

Nikolai Zheleznov
- A. D.: Xin hãy kể cho chúng tôi về chiến tranh đã xảy đến với ông như thế nào.
Khi chiến tranh nổ ra, tôi chỉ là, nói thật với anh nhé, một chú nhóc mới có mười bảy tuổi rưỡi. Khi chiến tranh xảy ra, tất cả chúng tôi đều hy vọng với tất cả tấm lòng yêu tổ quốc, cái tinh thần mà vào thời đó luôn cuồn cuộn trong lòng mỗi chúng tôi, chúng tôi tin tưởng rằng chiến tranh sẽ kết thúc chóng vánh trong vòng 2-3 tháng, rằng kẻ thù sẽ bị đánh bại và chiến thắng sẽ thuộc về chúng tôi. Đấy thật sự là những gì mà tất cả chúng tôi đều suy nghĩ. Nhưng kẻ thù hóa ra lại mạnh mẽ và khôn ngoan xảo quyệt hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng tôi, và tới khi bọn Đức chiếm được Minsk, cha tôi liền bảo tôi: “Con trai ạ, hãy tìm cách chuẩn bị cho tương lai của con đi,” bởi mùa hè đó tôi vừa tốt nghiệp xong lớp Mười. (giáo dục phổ thông Liên Xô lúc đó là hệ mười năm – LTD)
- A. D.: Ông là dân Maskva chứ?
Đúng, tôi sinh ra và lớn lên tại Maskva. Suốt thời niên thiếu tôi sống tại khu Zastava Il'icha, trước đây vẫn có tên là Rogozhskaia Zastava. Chỗ này ngay sát với Nhà máy Búa Liềm. Cuộc sống ở khu tôi tựa như diễn ra trong một vườn hoa: đây là Nhà máy Búa Liềm, chỗ nọ là xưởng cơ khí, còn xưởng xẻ gỗ thì ở kia… Cửa sổ nhà tôi trông ra sân của Cung Lao động Trung ương (TsIT) và xưởng nghiên cứu hỗ trợ của nhà máy, nơi những thiết bị máy móc tiên tiến nhất đang được nghiên cứu. Chúng tôi đúng là “chạy nhông” suốt trên bãi rác của TsIT: ở đấy có rất nhiều dụng cụ thí nghiệm và máy móc không qua được thử nghiệm vứt vung vãi.
Trong số chúng tôi có cậu Iasha [Iakov] Manokhin, lớn tuổi hơn đám chúng tôi, sinh năm 1920. Cậu ấy là một chuyên gia giỏi, làm việc tại TsIT. Câu ta không bị gọi đi nghĩa vụ quân sự. Không hiểu tại sao? Có nhiều tin đồn khác nhau: có thể bởi cậu ta là một chuyên gia đáng quý và nhận được giấy miễn nghĩa vụ, hoặc bởi cậu ấy được xác nhận là không đủ điều kiện về thể lực. 
Ngay sau khi chiến tranh bắt đầu, cha tôi bảo tôi: “Con ơi, hãy cố mà đi làm ở nhà máy, nếu không cuộc đời rồi sẽ rất khó khắn đấy.” Vì thế tôi tới chỗ bác hàng xóm, bác Kostia [Konstantin]. Bác ta làm việc trong xí nghiệp quân sự No.205, chuyên sản xuất thiết bị chỉnh bắn của pháo phòng không - PUAZO. Tôi kể chuyện, và bác ấy đã tìm cho tôi một chỗ trong xí nghiệp mình, tức đứng thợ phụ cho bác. Tôi cần cù thực hiện tốt tất cả những công việc được giao, và sau ba tháng bác nói với tôi: “Tốt, tại sao bây giờ cháu không thử tự đứng máy nhỉ! Ngay bây giờ người ta sẽ đến kiểm tra cháu tại xưởng lắp ráp và cấp cho cháu chứng chỉ bậc thợ.” Tôi sốt sắng thực hiện bài kiểm tra và người ta cấp cho tôi chứng chỉ thợ bậc bốn (có từ bậc một tới bậc sáu tùy theo tay nghề của người thợ - bậc sáu được cấp cho những người thợ xuất sắc nhất – Valera Potapov).
- A. D. Ông sản xuất ra sản phẩm gì?
PUAZO – đó là bộ phận rất phức tạp để chỉnh ngắm cho một khẩu đội phòng không. Vinh dự thiết kế ra thiết bị này thuộc về người Tiệp Khắc (Czechoslovakia), tình báo của ta đã đánh cắp nó. Bộ thiết bị gồm nhiều phần: phần chính là thiết bị quan trắc, một người ngồi vào đó và ngắm vào thấu kính. Anh ta chĩa thiết bị vào mục tiêu, nó sẽ tự động tính toán độ cao, tốc độ và khoảng cách tới mục tiêu, rồi chuyển những số liệu đó qua dây dẫn tới bộ phận tiếp nhận gắn trên mỗi khẩu pháo của khẩu đội. Chúng tôi sản xuất loại PUAZO-6, gắn cho loại pháo phòng không kiểu mới 85mm (loại pháo nội địa 85mm lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong quân đội năm 1939, do đó tới năm 1941 thực tế nó cũng vẫn là rất mới – Valera Potapov). PUAZO thực hiện nhiệm vụ của mình rất tốt, những khẩu pháo phòng không có gắn chúng bắn trúng mục tiêu rất chính xác. Cách thức người ta thử nghiệm bộ PUAZO rất thú vị: một chiếc tàu lượn được kéo đằng sau máy bay, và một khẩu đội bốn pháo phòng không được bố trí để tiêu diệt nó.
Mikhail Zheleznov.
Và thế là tôi có được tấm giấy chứng nhận thợ cơ khí/lắp ráp lành nghề bộ thiết bị PUAZO. Khi này quân Đức đã tiến được tới Smolensk. Gia đình tôi nhận được một giấy thông báo là anh cả tôi, Mikhail, đã hy sinh trong chiến đấu. Anh ấy rất tài làm thơ, đối với tôi anh là một Esenhin tái thế. Thơ của Misha đã được in trên tờ báo của Quận Pervomaiskii và  trên tờ báo “Martenovka” của Nhà máy Búa Liềm (Misha là tên gọi thâm mật của Mikhail, Pervomaiskii tiếng Nga là Mùng Một tháng Năm – LTD). Khi gia đình tôi nhận được tờ giấy báo tử của anh, đó trở thành một mất mát to lớn mà giờ anh không thể hiểu được đâu!
Tới khoảng 16 tháng Mười bọn Đức đã tới sát Maskva. Lúc này có một quyết định là cần sơ tán Nhà máy No.205 của chúng tôi từ Maskva tới Saratov. Tôi chuẩn bị ở lại Maskva, nhưng hóa ra chuyện này không đơn giản chút nào. Khi tôi nói với quản đốc xưởng về ý định của mình, ông ta đã trả lời: "Không ai muốn hỏi ý kiến của anh hết, chàng trai ạ! Còn nếu anh không đồng ý thì hãy đi tới phòng nhân sự mà thắc mắc.” Thế là tôi tới hỏi phòng nhân sự. Mọi lần tôi vẫn thường tới đây chơi, thường thấy bác Vanhia (Ivan) ngồi trong phòng với bộ đồ dân sự trên mình. Nhưng lần này thì khác hẳn, tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp bác Vanhia đã biến đổi hoàn toàn: ông khoác một bộ quân phục với bốn sọc trên ống tay áo, tức cấp đại tá, mà không phải là một đại tá thường, mà là với thanh gươm và con dao găm trên huy hiệu - biểu tượng của NVKD. Bác Vanhia của ta là thế đấy! Ban đầu tôi hơi rụt rè, do trước mặt mình là một quân nhân thứ thật, cho nên tôi đành đứng im không dám nói gì.
"Cháu muốn gì?" bác ấy hỏi. Tất cả đám con trai chúng tôi đều rất kính trọng bác Vanhia. Bác ấy đã từng tham gia kỵ binh, chỉ huy một chi đội của Tập đoàn quân Kỵ binh Số 1, đột kích thẳng tới Vácsava, nơi quân ta đã bị đánh bại. Nhìn chung, chúng tôi luôn rất kính trọng các thế hệ đi trước. Bác than phiền với tôi là hiện giờ tình hình rất khó khăn, do đó sẽ không chấp nhận bất cứ sự phản đối nào.
"Giờ quay trở lại làm việc đi, và trong vòng một tuần, trên chuyến hai mươi hai, đoàn tàu của chúng ta sẽ khởi hành. Cậu sẽ cùng đi sơ tán trên chuyến tàu đó. Nếu cậu cứ quyết định làm theo ý mình, thì, mặc dù tôi rất quý mến cậu, tôi sẽ phải báo cáo trường hơp của cậu lên cấp trên. Cậu sẽ phải ra toà và sẽ khó mà tránh khỏi đại đội trừng giới, bởi vì giờ đang là chiến tranh, luật thời chiến đang có hiệu lực, vậy mà cậu lại bất tuân lệnh.”
Thế là tôi tới chỗ cha tôi, nói rằng tôi phải đi về Saratov. Cha cũng hỏi rằng có cách nào để tôi ở lại không. Tôi kể cho ông cuộc trò chuyện của mình với trưởng phòng nhân sự. Chúng tôi không thể làm gì khác, do đó gia đình bắt tay vào chuẩn bị cho tôi lên đường. Khâu một chiếc ba lô bằng vải bạt. Thời kỳ này người ta rất ít dùng balô, chúng rất đắt trong khi lương lậu thì thấp. Và thế là tôi đã sẵn sàng, và vào 4 giờ chiều ngày 22 tháng Mười tôi đã có mặt tại nhà máy, tới 8 giờ chiều thì đoàn tàu khởi hành đi Saratov.
- A. D. Ông còn nhớ tình trạng hoảng loạn ở Maskva gây ra bởi cuộc tấn công của quân Đức không?
Vâng, điều đó xảy ra ngay khi tôi còn ở đấy (Maskva – LTD). Hoảng loạn bắt đầu từ ngày 15 tháng Mười. Tôi đã tận mắt trông thấy cảnh các công nhân của Nhà máy Búa Liềm chạy xô tới Quảng trường Il'ich, nơi từ đó bắt đầu Đại lộ Vladimirskii nổi tiếng – nay là đại lộ Những người nhiệt tình – như thế nào. Dọc theo con đường đó rất nhiều viên chức các loại chạy trốn khỏi Maskva, bỏ mặc các xí nghiệp và công nhân dưới quyền mình cho số phận định đoạt. Bọn họ bỏ chạy cùng gia đình và tất cả tài sản của họ. Vì mục đích đó rất nhiều người cướp lấy các xe tải không phải của mình mà là tài sản xí nghiệp, đổ đầy xăng cho nó, chở thêm theo mình càng nhiều thùng xăng càng tốt, chất lên đó tất cả tài sản của mình, và rồi chuồn về phía đông.
Nhưng các công nhân đã chặn chuyện đó lại: “Chuyện như thế mà được à? Đám quản lý thì bỏ trốn, bỏ mặc chúng ta lại không có người chỉ huy?!” Các công nhân bắt đầu chặn các xe tải đó lại, quẳng đám quan chức đó cùng các gia đình đang gào thét của họ ra ngoài, vứt đồ đạc của họ ra giữa đường, ở đó chúng mau chóng bị cướp phá hết.
Rất nhanh tình trạng hỗn loạn đó lan ra khắp thành phố. Người ta bắt đầu cướp phá các cửa hàng. Tôi đã được chứng kiến đám trộm cướp vô tổ chức cướp bóc một cửa hiệu ba tầng trên Quảng trường Il'ich. Bọn họ chộp lấy mọi thứ và mang chúng về nhà.
Tiếp đó, bạn học của tôi, Zhorka Prarokov, nhận được một giấy gọi nhập ngũ gửi tới từ trụ sở dân uỷ: cậu ấy lớn tuổi hơn mọi người một chút, đã được 18 rồi. Chúng tôi, bạn bè của Zhorka, quyết định tiễn chân cậu ấy theo đúng phép tắc, nhưng không tài nào tìm ra được món vodka. Vì thế cha của Zhorka khuyên chúng tôi kiếm lấy ít verni, một thứ chất lỏng dùng để đánh bóng đồ gỗ có chứa cồn, hay được bán thành từng chai nửa lít một. Ta phải đổ thêm khoảng hai thìa muối vào mỗi chai, đút vào ít bông gòn rồi lắc đều để muối tan ra hết. Làm như thế, muối sẽ kết tủa các chất độc lại và thấm vào bông gòn, chỉ còn lại cồn trắng. Và thế là trong buổi tiễn chân Zhorka, chúng tôi đã uống món cồn đó. Nhưng chúng tôi vẫn còn là trẻ con, cơ thể chưa đủ cứng cáp, và có lẽ chúng tôi đã uống quá nhiều. Do đó cả đám bị ngộ độc. Thêm vào đó là hàng đám mề đay đỏ nổi đầy khắp người tôi.
Chính đám mề đay đó đã cứu thân tôi! Tất nhiên, các lãnh đạo Maskva không muốn để chuyện cướp phá xảy ra mà không bị trừng trị, rất nhiều bạn bè tôi có vụ tham gia cướp phá cửa hàng tại Quảng trường Il’ich kể trên đã bị bắt. Người ta cũng có đến kiếm tôi, nhưng sau khi trông thấy tình trạng của tôi thì bọn họ đã đổi ý. Cha mẹ tôi nói rằng tôi bị ngộ độc khi đang tiễn chân một người bạn và nằm bẹp ở nhà suốt cái ngày diễn ra vụ cướp phá. Mấy vết mề đay đã giúp tôi thoát nạn. Như người ta vẫn nói, tôi không phải là gặp may, nhưng một điều không may xảy ra đã cứu tôi thoát khỏi một rắc rối đáng sợ như thế đó!
Sau đó, tới ngày 22, tôi lên đường đi Saratov trên đoàn sơ tán. Về sau, hồi tháng Mười năm 1941, tôi đọc thấy trên một tờ báo Maskva một bài viết về vụ đó. Đám bạn tôi bị đưa ra tòa và lãnh mỗi người 10 năm tù. Người ta viết trên báo đại loại như sau: “tại đây, trên ghế bị cáo, đang ngồi 10 tên súc sinh, những kẻ đã bất chấp mọi luật lệ Xôviết và thoái hóa thành một lũ trộm cắp,” v.v. Bài báo nghe thật chối tai. Bạn tôi, Sashka Prytkin, người bạn vẫn cùng tôi tới trường, cũng nằm trong số mười kẻ bị kết án. Cậu ấy không có mặt trong thành phố vào cái ngày chúng tôi tiễn Zhorka, do đó không bị ngộ độc rượu, và đã bị bắt. Về sau, án tù của họ bị chuyển thành một năm trong một tiểu đoàn trừng giới ngoài mặt trận. Sasha Prytkin đã sống sót trở về một cách thần kỳ, nhưng trở thành một phế binh, cậu ta chỉ sống thêm được một thời gian ngắn, khoảng mười năm, rồi cũng chết. Vết thương của cậu ấy rất nặng: cánh tay bị gãy làm sao mà các ngón tay vẫn cử động được nhưng phần xương gãy không liền lại được, cánh tay chỉ dính vào thân nhờ các thớ thịt. Số phận của cậu ta như vậy đấy. 
Khi tới Saratov, chúng tôi mau chóng sắp xếp tổ chức lại Nhà máy No.205 của mình. Để anh hiểu được tất cả chuyện ấy được thực hiện nhanh đến thế nào, tôi xin kể thêm rằng vào ngày thứ năm sau khi chúng tôi tới nơi, chúng tôi đã lắp ráp được bộ máy thành phẩm đầu tiên! Tất nhiên, chúng tôi không xây thêm bất cứ bức tường bao nào, chúng tôi trú tại một căn nhà trước kia là của một viện nông nghiệp. Chỗ chúng tôi sát gần Học viện Xe tăng số 1 và 2, nằm ngay bên kia đường! Chúng tôi làm việc và sinh hoạt ngay tại nhà máy. 
Không nói ngoa gì, chúng tôi đã làm việc cả ngày lẫn đêm. Khoảng cuối tháng Hai hay đầu tháng Ba năm 1942, một chỉ thị yêu cầu bố trí giường ngủ ngay trong xưởng máy được ban ra. Chúng tôi chỉ ra ngoài để ăn uống trong nhà ăn hay đi tắm. Chúng tôi làm việc khoảng 14-16 tiếng mỗi ngày, thậm chí có thể nhiều hơn. Không có ngày nghỉ. Anh có thể ngủ trong vòng bốn hay năm tiếng đồng hồ, thế rồi người ta sẽ đánh thức anh dậy, anh thức dậy và đi làm việc. Chúng tôi sống và làm việc với mong muốn cống hiến cho mặt trận mọi thứ cần thiết, càng nhanh càng tốt. Và đó không phải là một khẩu hiệu hay tuyên truyền gì hết! Chúng tôi đã thực sự sống như thế, và mặc dù ngày nay điều này có thể là vô lý, nhưng sức chịu đựng và thích nghi của một con người thật là phi thường.
- A. D. Sản phẩm các ông làm ra có bị kiểm tra không? Ở đó có tồn tại những bộ phận chuyên trách kiểm tra kỹ thuật không?
Tất nhiên rồi! Có tất cả những thứ như thế! Trước tháng Tư 1942 việc này thậm chí còn nghiêm ngặt hơn về sau nhiều, chúng tôi phải qua kiểm tra chất lượng quân sự, tiến hành bởi người đại diện quân sự cao cấp, Đại tá Fokht. Ngoài ông ấy ra, còn nhiều vị đại diện quân sự khác mà tôi không nhớ tên, ngoại trừ Karpinskii. Vào tháng Tư 1942, khi Karpinskii chuyển về Maskva theo sự bố trí của GAU (Bộ tư lệnh Pháo binh hạng nặng – Valera Potapov), tôi nhờ anh ta mang hộ cái áo khoác và áo vét của mình về cho mẹ và chị tôi, do khi ấy tôi đã quyết tâm sẽ xin nhập ngũ. Những thứ đấy vô dụng trong quân đội, gì thì tôi cũng sẽ phải bỏ chúng lại, và làm như trên thì gia đình tôi còn có thể dùng được chúng. Tôi cũng gửi về đôi giày của mình. Chúng vô cùng đáng giá, khi ấy là thứ rất mốt. Thậm chí tôi còn nhớ là tôi mua chúng tới 10 rúp. Để anh có thể hiểu được như thế là đắt thế nào, tôi kể cho anh biết là thời ấy tôi được nhận lương khoảng 400 tới 450 rúp [một tháng]. Cái đôi giày đắt khủng khiếp! Mẹ tôi nhận được tất cả những thứ đó và đem đổi chúng lấy thức ăn và bánh mì trong thời kỳ thiếu đói. Khi đó một ổ bánh mì ngoài chợ giá tới 300 rúp.
- A. D. Ở Saratov ông có được phát tem bánh mì không? 
Có chứ, tất nhiên! Tất cả thực phẩm đều được phân phối chặt chẽ thông qua hệ thống tem phiếu. Bất cứ ai đánh mất chúng thì thật là tai họa! Tất nhiên, mọi người được ăn miễn phí trong nhà ăn tập thể, nhưng đó chỉ là thứ đồ thừa! Đôi khi thậm chí đồ thừa cũng không có mà ăn! Trong bất cứ trường hợp nào, như thế cũng hoàn toàn không đủ để sống sót và giữ sức mà làm việc trong nhà máy. Cả xà phòng cũng phân phối bằng tem phiếu. Nếu anh đánh mất phần phiếu của mình và do đó không có xà phòng – thì anh chỉ còn cách tự xoay sở. Thậm chí khi đó anh không thể tắm rửa trong cả tháng trời thì cũng không ai giúp anh được.
- A. D. Ông đã bao giờ bị mất tem thực phẩm chưa?
Không, tôi thì không, nhưng bạn thân của tôi – Kolia [Nikolai] Volkov (Kolia là tên thân mật của Nikolai – LTD) thì có. Chúng tôi từng cùng học chung với nhau, lại cùng làm việc ở chung một nhà máy, và rồi cùng đi sơ tán với nhau. Thực ra, chính tôi là người đưa cậu ta vào nhà máy, đưa tới gặp bác Vanhia. Tôi bảo rằng đây này, đây là bạn cháu, một người tốt, cháu xin đảm bảo cho cậu ấy. Người ta chấp nhận cho cậu ta vào làm thợ cơ khí. Chúng tôi cũng được nhận chứng chỉ tay nghề cùng một lúc. Ban đầu cậu ấy được nhận chứng chỉ bậc ba, nhưng rồi mau chóng nhận ra rằng tiền lương của mình tuỳ thuộc vào bậc tay nghề nên cậu ta lại tiếp tục thi kiểm tra và lên được bậc bốn. Hoặc cũng bởi người ta không giám sát cậu ta chặt bằng tôi. Bác Kolia, người chấp nhận tôi làm thợ học việc, giám sát tôi chặt chẽ, và nếu có chuyện gì xảy ra thì lập tức báo cho cha tôi hay. Cha tôi, cầu cho linh hồn ông luôn bình an, quật tôi thẳng cánh! Ông rất nghiêm khắc. Nói chung, cha tôi rất hiền từ, nhưng đôi khi ông buộc phải dùng đến những biện pháp cứng rắn như vậy. Xét cho cùng, ông có tới năm đứa con: Mikhail, Vera, tôi, Ania [Anna], và Valentina. Tới giờ tôi vẫn luôn khâm phục cha.
- A. D. Cha ông là người thế nào?
Ông là cửa hàng trưởng một cửa hàng ăn uống của nhà máy động cơ máy bay TsAGI. Do là một cửa hàng trưởng có năng lực, cha tôi thường được người ta mời tới trong mọi dịp lễ lạt chè chén. Ví dụ như có lần đích thân Sergo Ordzhonikidze gọi điện thoại tới nhà tôi, yêu cầu ông đến Điện Kremlin để phục vụ những vị khách tại đấy. Cha tôi thường xuyên được gọi tới Kremlin và đôi khi ở lại đó làm việc tới cả tháng trời. Ngoài đồng lương chính thức của TsAGI, ở Kremlin người ta còn cho ông một hộp sữa đặc, một gói thuốc lá "Kushka", một phong sôcôla lớn, một hộp thịt hộp, một hộp súp thịt và lúa mạch mà hồi đó mọi người hay gọi là “mảnh đạn phá”.
- A. D. Nhưng đó là hồi trước chiến tranh chăng?
Không, kể cả trong chiến tranh. Mỗi ngày cha làm việc ở bếp của Kremlin, người ta cấp cho ông một khẩu phần bổ sung và 20 rúp. Nói chung, đó là một chỗ làm béo bở. Lần nào được gọi tới Kremlin ông cũng rất sốt sắng và vui vẻ đi ngay. Anh biết không, cha tôi hút thuốc rất ít, chỉ hai ba điếu mỗi ngày, và một gói là đủ cho ông hút cả nửa tháng. Ông bỏ số thuốc còn lại vào một chiếc hòm nhỏ trong nhà tôi. Và thế là, sau một hoặc hai tháng làm việc ở Kremlin, chiếc hòm của ông đã đầy một nửa những gói thuốc lá đó. Anh biết không, trước chiến tranh thuốc lá luôn được bán từng điếu một chứ không phải là từng bao. Lũ nhóc bán rong lang thang trên phố và bán chúng. Kể từ khi chúng phát hiện ra điều này, chúng luôn lui tới gặp ông:
"Bác Iasha [Iakov] (Iasha là tên thân mật của Iakov – LTD), bán cho chúng cháu mấy điếu thuốc đi!”
Và cha bèn bán cho chúng. Một gói thuốc lá như thế khi ấy có giá một rúp hai mươi hai kôpếch, và đó là khá nhiều tiền! Để so sánh, tôi xin kể rằng Mẹ tôi hàng ngày chỉ tiêu ba tới bốn rúp cho cả gia đình, vậy mà chúng tôi đã có món thịt trên bàn ăn hầu như trong mỗi ngày: súp, cháo thịt. Luôn luôn có sữa tươi…
Quay lại câu chuyện chính. Vậy là tôi làm việc ở Saratov trong nhà máy. Mùa xuân năm 1942 tôi được phép có tem chất lượng của riêng mình. Đó là trên mỗi thiết bị tôi làm ra, tôi sẽ đóng lên cái dấu riêng của tôi, một thứ gần như chữ ký trên văn bản vậy. Tới tháng Tư, Đại tá Fokht gọi tôi, Kolia Volkov, Tolia [Anatolii] Smirnov và Mukhamedzha Sharidzhanovich lên, rồi thông báo:
"Các cậu có muốn trở thành các đại diện quân sự không? Các cậu sẽ được làm công tác kiểm tra chất lượng thiết bị quân sự xuất xưởng, chúng tôi sẽ cấp cho các cậu chứng nhận chuyên viên quân sự kiểm tra kỹ thuật.” 
Tôi phải đối rằng chúng tôi không đủ trình độ học vấn, nhưng ông đại tá đáp rằng do chúng tôi đã có chứng chỉ bậc thợ, chúng tôi rất thích hợp với công việc này. Tôi hỏi ông về chuyện lương bổng. Ông đáp rằng chúng tôi có thể nhận được tương đương lương bản thân trước đây. Vào thời điểm này tôi đã được nhận lương hơn một ngàn rúp, thậm chí có lẽ tới 1500 [một tháng].
- A. D. Có lẽ do lạm phát leo thang chăng?
Lạm phát có lẽ chỉ ở giá cả ngoài chợ đen thôi, trong các cửa hàng nhà nước thì giá cả thực tế không thay đổi.
- A. D. Nhưng ta chẳng thể mua được gì từ những cửa hàng đó, chúng luôn trống rỗng?
Ờ, không hoàn toàn trống rỗng, nhưng rất ít để chọn lựa, anh chỉ có thể mua những gì có trong sổ thực phẩm của mình. Hơn nữa, một cái tem nhu yếu phẩm không phải là một cái vé, đó chỉ đơn giản là quyền được mua một thứ gì đó với một số lượng rất giới hạn, nhưng để mua được, anh cần có cả tiền lẫn tem phiếu. Thế đấy, chính thức thì không có lạm phát, nhưng mặt khác nó vẫn tồn tại, bởi mọi người vẫn phải ra ngoài chợ trời do không đủ thực phẩm bán theo tem phiếu.
Dù gì đi nữa thì chúng tôi cũng đã chấp nhận đề nghị của ông đại tá, và sau này chúng tôi hiểu ra mình đã mắc sai lầm khi làm như thế. Hóa ra để thử nghiệm kiểm tra các thiết bị, chúng tôi đã phải lái nó đi hết tầm hoạt động thiết kế, khoảng gần 500 km. Đường đi thì rất xấu, toàn những ổ voi và khe rãnh. Chúng tôi đã phải chịu đựng tiết mục đó trong suốt vài tháng liền. 
Tới tháng Năm, tôi bàn với đám bạn cùng làm: "Phải tìm cách chuồn ra mặt trận thôi, nuôi béo lũ rận ở đây như thế này là đủ lắm rồi!" Khi đó tinh thần yêu nước không giống như bây giờ! Thời nay không ai lại mong được phục vụ trong quân đội, nhưng khi đó mọi người đều khao khát được gia nhập quân đội! Và nhất là, người ta muốn thế không phải bởi đời sống ở hậu phương quá tồi, mà bởi họ muốn chóng tiêu diệt được lũ phát xít! Những gì chúng tôi được đọc, được xem trên tranh ảnh, nhưng nhất là những gì mà đoàn người tản cư kể lại cho chúng tôi, thật là khủng khiếp và đau xót!
Và thế là tới tháng Năm, tất cả đám chúng tôi nhất trí sẽ cùng nhau đi tới trụ sở dân uỷ. Ở đó, đại tá Smirnov lắng nghe câu chuyện của chúng tôi rồi bảo:
"Ta hãy thỏa thuận với nhau thế này, các chàng trai ạ. Tôi đã xem qua hồ sơ cá nhân của các cậu, chúng được ký bởi Scherbakov (Bí thư Đảng uỷ Thành phố Maskva – Valera Potapov), vì thế tôi không thể cho động viên các cậu được, tôi sẽ phải ra tòa án binh nếu làm thế. Do đó các cậu cần quay trở lại phòng quản lý nhà máy, tìm cách để họ cấp cho giấy đồng ý.”
Vậy là chúng tôi quay lại chỗ đại tá Fokht, kể cho ông nghe về tình hình của chúng tôi. Ông ta hỏi lại:
"Tôi biết gửi các cậu đi đâu bây giờ? Lúc này đang không có chương trình tuyển quân, phải chờ cho tới tháng Sáu.”
Nhưng ông rất thông cảm với chúng tôi và cùng chúng tôi đi tới trụ sở dân uỷ. Thì ra đang có một khóa huấn luyện cấp tốc làm hạ sĩ quan bộ binh, và người ta đã bố trí chúng tôi vào đấy.
Sau một tháng rưỡi, chúng tôi hoàn tất khóa học và người ta cấp cho chúng tôi lon trung sĩ, có hai tam giác trên cổ áo.
Vào ngày tốt nghiệp chúng tôi tập hợp lại trên bãi đất duyệt quân, có vài vị sĩ quan xuất hiện, mang lon đại tá. Chỉ huy khóa học của chúng tôi đứng trên bục diễn văn đọc tờ lệnh phong chức trung sĩ cho mọi người, và rồi bước xuống và ra lệnh:
"Tất cả tuân lệnh tôi! Chú ý! Những ai có trình độ đại học hoặc đang học đại học - bước lên trước mười bước! Những ai có trình độ kỹ thuật trung cấp hoặc đang học trung cấp kỹ thuật - bước lên trước năm bước! Những ai đã tốt nghiệp mười năm phổ thông - bước lên ba bước! Bước!” 
Tất cả chúng tôi dãn ra, người bước lên ba, người bước năm và vài người bước lên trước mười bước. Người ta tập hợp chúng tôi thành hàng rồi dẫn chúng tôi về trụ sở dân uỷ. Những người “tuyển dụng” bọn tôi đang đứng chờ ở đó: một sĩ quan quân chủng thiết giáp, một sĩ quan của học viện chính trị quân sự (VPU) và một sĩ quan không quân. Tất cả bọn họ đều có bốn “sọc” trên cổ áo - tức đều là đại tá. Trước tiên họ hỏi những người tình nguyện: muốn vào quân chủng nào? Ổn thôi, Mukhamedzha Sharidzhanovich quay về phía bọn tôi và bảo:
"Các cậu ơi, ta hãy gia nhập binh chủng xe tăng đi! Oai lắm! Ta cứ nhấn ga, và cả đất nước rộng lớn sẽ trải dài dưới chân ta! Ta sẽ được cưỡi trên con chiến mã thép!”
Ừ, tôi đồng ý. Vừa ngay khi chúng tôi hướng về phía người sĩ quan xe tăng, tôi nghe thấy người sĩ quan VPU cất tiếng gọi tôi. Tôi tiến lại, báo cáo – “Hạ sĩ Zheleznov xin trình diện đồng chí”. Ông ta bảo tôi:
"Đồng chí hạ sĩ, đồng chí có muốn bước vào học viện chính trị quân sự không?” 
Tôi đáp rằng không, tôi không muốn thế, tôi đã quyết định phải trở thành lính xe tăng rồi. Ông ta nói: "Anh sẽ hối tiếc thôi! Sẽ rất vất vả, tôi đang nói nghiêm túc đấy, đời lính xe tăng rất gian khổ. Hãy trở thành một chính trị viên! Anh sẽ tốt nghiệp học viện, trở thành một chính uỷ đại đội, và nếu anh chứng tỏ được năng lực, thậm chí anh có thể trở thành chính trị viên tiểu đoàn!”
Nhưng tôi không màng tới lời mời chào ấy của anh ta:
"Thưa đồng chí đại tá, tôi đã có quyết định rồi. Tôi sẽ trở thành một lính xe tăng cùng với các bạn của mình.”
Và tôi bỏ đi. Ngừơi ta đưa chúng tôi vào Học viện Thiết giáp số 1 Saratov. Khi đó là khoảng 25 tháng Sáu năm 1942. Ngay khi chúng tôi vừa tới đó, tất cả những người vừa tới đều phải trải qua kiểm tra kỹ càng. Và thế là tôi đi.
Nói chung, vào thời gian đó, trình độ văn hóa lớp mười được coi là rất khá, rất có giá do hầu hết thanh niên chỉ có trình độ lớp 4 tới lớp 7. Nhiều người vào học các trường kỹ thuật sau khi tốt nghiệp lớp bảy, hoặc vào làm trong các nhà máy, hoặc, từ sau năm 1940, vào các trường thương mại (nổi tiếng dưới tên gọi các trường FZO – Valera Potapov), từ đó, chỉ sau sáu tháng, họ đã có thể tốt nghiệp với tờ giấy chứng chỉ bậc thợ trong tay.
Và thế là tôi có mặt trong Học viện Xe tăng Saratov. Tới khoảng tháng Sáu học viện tiếp nhận những chiếc T-34, trước đó chúng tôi được huấn luyện trên những xe Matilda của Anh và Valentine Canada trang bị pháo 57mm. Nhân đây xin nói, khẩu pháo trên xe Valentine thật rất tuyệt! Nó có thể dễ dàng xuyên thủng giáp hông của chiếc Tiger! Và bản thân xe Valentine hoá ra lại là một chiếc tăng rất thành công, dáng thấp, chỉ khoảng bằng tầm cao người bình thường.
- A. D. Nói chung lính xe tăng của ta không ưa xe Matilda, đúng thế không?
Tăng Matilda đơn giản chỉ là một cái đích ngắm khổng lồ! Nó có giáp dày, nhưng pháo trên xe chỉ là khẩu 42mm với tầm nhìn hẹp. Loại tăng này nói chung kém cơ động, do máy xe gồm hai động cơ loại Layland quá yếu, 90 mã lực, tức tổng cộng có 180 mã lực cho trọng lượng xe là 15 tấn. Xe rất chật vật mới đạt được 25 kilômét/giờ trên đường nhựa, và trên đường đất thì thậm chí còn chậm hơn nhiều!
Valentine là chiếc tăng thành công hơn, kích thước nhỏ, khả năng cơ động rất tốt. Đôi khi ta có thể tiến lại gần một Tiger trên xe Valentine mà không hề bị phát hiện. Có một trường hợp như thế đã xảy ra trong Chiến dịch Kamenets-Padol’skii. Một trung đội xe tăng tiến hành trinh sát – ba chiếc T-34. Len lỏi giữa các bụi rậm, chúng chạy thẳng vào tầm một chiếc Tiger Đức đang phục kích, nó bắn hạ tất cả sau khi để chúng tiến gần tới khoảng cách dưới 500 mét. Thế rồi chúng tôi đưa tới một chiếc Valentine 57mm, nó đánh tạt sườn chiếc Tiger, lặng lẽ di chuyển qua những bụi cây tới khoảng cách 250-300 mét, rồi tiêu diệt đối thủ với chỉ một phát đạn. Chiếc Tiger cháy bùng lên, và đường đi của chúng tôi thế là đã thông! Nếu không, cả một binh đoàn xe tăng đã bị chặn đứng trong ba bốn tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận rằng tình cờ đôi khi xe Valentine, theo một cách nào đó, bị chuyển vào tiểu đoàn môtô của binh đoàn, đi cùng đám trinh sát. 
- A. D. Ông được huấn luyện trên tăng T-34 hay Valentine?
Kể từ cuối tháng Sáu cho tới tháng Tám chúng tôi được học trên xe T-34.
- A. D. Ông có được huấn luyện thành một xa trưởng không?
Thành một trung đội trưởng xe tăng, chỉ huy không phải một, mà là ba xe tăng.
- A. D. Việc huấn luyện bao gồm những gì?
Trước tiên là học nắm vững các trang thiết bị - pháo, bộ phận truyền động, động cơ. Chúng tôi cũng học một số kiến thức về tháp pháo, thân xe, v.v. nhưng chúng tôi không biết gì về động cơ chạy dầu diesel của xe. Động cơ của T-34 rất mạnh, loại V-2V, 450 mã lực, còn loại V-2K – 500 mã lực. Loại sau có đầu xi lanh hơi khác, độ nén hơi của nó cao hơn đáng kể so với của loại V-2V. Vì lẽ đó, mức độ tiêu thụ nhiên liệu cũng khác. Với loại V-2V chúng tôi dùng hết 50-60 lít (nếu tôi nhớ không lầm) cho 100 km, trong khi loại V-2K tốn tới 70 lít.
- A. D. Ông có được huấn luyện “đa năng”, tức là khả năng thay thế khi những thành viên khác của tổ lái hy sinh không?
Chúng tôi được huấn luyện để trở thành những trung đội trưởng. Khi chúng tôi bắt tay vào huấn luyện các thành viên tổ lái, tôi, với tư cách một trung đội trưởng, phải đảm bảo chắc chắn rằng mỗi thành viên tổ lái đều phải thay thế được cho nhau. Cũng bắt buộc phải thế thôi, bởi người tiếp đạn phải thay được cho người điều khiển pháo.
- A. D. Có phải có hai người ngồi trong tháp pháo không?
Không, có ba người: xa trưởng, pháo thủ kiêm điều khiển pháo, người tiếp đạn.
- A. D. Thế là ông đang nói về loại T-34 đời sau rồi. Hồi 1942 chưa có tăng với tháp pháo kiểu đấy.
Vâng, đúng thế! Có năm người trong tháp pháo khi loại tăng T-34-85 xuất hiện, nhưng chúng tôi được huấn luyện trên loại tăng gắn pháo 76mm, chỉ có người điều khiển pháo kiêm xa trưởng và người tiếp đạn kiêm pháo thủ ngồi trong tháp pháo. Và hai người nữa ngồi đằng trước: người lái tăng và thứ hai là xạ thủ súng máy kiêm điện đài viên. Xạ thủ súng máy điều khiển khẩu súng máy gắn phía trước, mặc dù anh ta không thể thấy gì qua vị trí này, nhưng anh ta sẽ bắn theo hướng người xa trưởng chỉ. 
- A. D. Trên những xe tăng ông nhận được có gắn máy điện đài không?
Có. Có các loại 71-TK-3, 9R hay 9RM gắn trên tăng T-34-76, còn T-34-85 thì hoặc loại 9RM hoặc loại 9RS. Điện đài rất cần thiết trong chiến trận, việc chỉ huy và điều khiển là yêu cầu cơ bản trong trận đánh. Trung đội trưởng quan sát toàn chiến trường và ra lệnh cho các xa trưởng của trung đội mình. Ví dụ như: "Ponomarev, hãy tiến theo hướng này, hướng này và nã đạn lên ngọn đồi, vào ngôi nhà, hay vào cái cây hay một cụm cây kia, bằng một phát đạn phá (HE) hay bằng một phát đạn xuyên (AP)”. Nhưng nhìn chung tất cả thành viên tổ lái đều cùng quan sát và thường tự mình chủ động nổ súng vì đôi khi không có đủ thời gian để ra lệnh. Còn nếu anh tốn quá nhiều thời gian để ra lệnh, rất có thể anh sẽ bị bắn hạ.
- A. D. Công tác huấn luyện cho các trung đội trưởng cụ thể gồm những gì?
Trước hết, chúng tôi phải học các nguyên tắc trên chiến trường và cuốn cẩm nang dã chiến cùng các chiến thuật. Tiếp theo là thực hành cơ động chiến đấu, khai thác các khả năng của xe tăng, và rồi là lái xe tăng.
- A. D. Và cả bắn đạn thật nữa chứ?
Cả bắn đạn thật, tất nhiên!
- A. D. Ông có được học đặc điểm của các loại tăng Đức không?
Không, chúng tôi không được học đặc điểm của các loại tăng Đức, không cần thiết phải thế. Những bức tranh lớn được treo trên hành lang dọc khắp học viện. Những tranh này vẽ các loại tăng Đức và tất cả những điểm dể tổn thương của chúng. Có các loại tăng Đức Pz.III, Pz.IV, Pz.V Panther, Pz.VI Tiger, pháo tự hành Ferdinand, StuG. Do vậy dù muốn dù không chúng tôi đều thuộc được tất cả những điều đó.
Lịch học của học viện như sau: lên lớp từ 9 giờ sáng tới 14 chiều. Rồi từ 16 giờ chiều - bữa chiều và làm chuyện cá nhân. Chúng tôi mặc quân phục đi dạo quanh học viện, anh phải trông sao cho gọn gàng ngăn nắp, mặt sau cổ áo phải trắng, tất cả khuy áo cài ngay ngắn. Anh sẽ rất dễ bị phạt trực thêm vì tội ăn mặc cẩu thả. Và mặc dù có cùng cấp bậc, anh không được phép tỏ ra bỗ bã với tiểu đội trưởng.
Tôi được chỉ định làm tiểu đội trưởng của Đại đội học viên số 7 thuộc Tiểu đoàn xe tăng số 2. Vào thời điểm này, các học viên của Đại đội 5 và 6 đã được phong cấp thiếu uý và đã được gửi ra mặt trận.
Tôi tốt nghiệp học viện với kết quả xuất sắc. Ngay khi mệnh lệnh về việc huỷ bỏ học viện chính uỷ quân sự được ban bố (mệnh lệnh này được ban hành ngày 9 tháng Mười năm 1942 – Valera Potapov). Trước lúc ấy tất cả các chính trị viên đều có lon chuẩn chính trị viên, chính trị viên (politruk), chính uỷ tiểu đoàn v.v. Giờ đây tất cả họ đều phải bị phân loại lại và chuyển sang đeo lon bình thường của quân đội. Lễ cấp bằng tốt nghiệp cho chúng tôi diễn ra ngay khi việc tái đánh gía chính trị viên kia bắt đầu. Tất cả những ai  tốt nghiệp với bằng “xuất sắc” đều được phép ở lại thêm ba tháng nữa để có thể trở thành tiểu đoàn trưởng dự bị hay chính trị viên. Người ta đề nghị điều đó với tôi. Và tôi đồng ý.
Các chính trị viên được tái đánh giá cùng với tôi, mà tôi lúc ấy chỉ mới 19 tuổi. Hãy còn là một đứa trẻ con! Và ngay sát tôi là những người đàn ông đã trưởng thành với cấp bậc cao ngồi đằng sau bàn học của họ. Thậm chí người ta còn cho tôi làm trung đội trưởng! Giờ đây trong trung đội của tôi là những người có hai hoặc ba “hình thoi”, và thậm chí có cả “sọc”! ("hình thoi" và "sọc" là phù hiệu cấp bậc của Hồng quân cho tới năm 1943. Ba "thoi" - thượng uý, một "sọc" - đại uý, hai “sọc” - thiếu tá v.v. – Valera Potapov) Họ đáng tuổi cha chú của tôi cả. Tôi còn nhớ có lần mình được chỉ định làm sĩ quan trực nhật tiểu đoàn, và khi bước vào doanh trại, ở đấy chỉ có ba người trong sĩ số toàn bộ trung đội là còn đang ngủ (quân số tổng cộng toàn trung đội tôi có 42 người). Tôi lên tiếng hỏi những người còn lại ở đâu. Hóa ra là ba mươi chín người kia đang đi mò gái. Các ông chồng đang ngoài mặt trận, còn họ thì mò tới đú đởn với mấy cô vợ. Thế là tôi đi gặp thượng uý Bochastyi, báo cáo rằng tôi phát hiện ra những trò như thế khi tôi đang trực nhật. Ông ta hỏi tôi rằng tôi còn báo cáo việc ấy cho ai khác không. Tôi đáp rằng không, tôi chưa báo cáo cho ai hết. Ông ta đáp: “Tốt đấy, đừng báo cáo chuyện này!”
Sau đó, khi mọi người quay về trại, Bochastyi tập hợp trung đội tôi lại và tuyên bố: "Như thế này không ổn, chúng tôi cho các anh nghỉ vào ngày Chủ nhật như thế này là đủ lắm rồi. Và  để  cho nhận thức đúng trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ thực hiện như sau: mỗi tuần, một người trong số các anh sẽ thay phiên giữ nhiệm vụ trung đội trưởng. Bởi nếu không thì sớm hay muộn cũng sẽ có một đợt thanh tra, khi ấy người ta sẽ phát hiện ra cái vụ mò gái, và người trung đội trưởng sẽ bị kết luận không làm tròn trách nhiệm. Như thế sẽ là chấm hết cho sự nghiệp quân nhân của anh ta.” Câu chuyện là như thế đấy, và tới giờ tôi vẫn tự hào rằng mình đã đủ dũng cảm để báo cáo chuyện đó, bởi trước đấy mọi người vẫn hay đi mò gái, nhưng chẳng có ai dám báo cáo. 
Một thời gian sau người ta đưa chúng tôi tới Gor'kii, nơi Binh đoàn Xe tăng thao luyện số 3 đóng quân. Trung đoàn Xe tăng thao luyện dự bị số 3, nơi tôi phục vụ, đóng tại Bolokhna. Đó cũng là nơi chúng tôi nhận được các trang bị cá nhân và khí tài – xe T-34 – và bắt tay vào huấn luyện chiến đấu, học chiến thuật cho đội hình trung đội và đại đội.
Các bài tập chiến thuật được thực hiện trên thao trường. Ví dụ như, trong một bài tập trung đội, chúng tôi thực hành một nhiệm vụ như tấn công theo đội hình trung đội, lập đội hình phòng thủ trung đội, lập đội hình trung đội khi hành quân. Thao tập đội hình đại đội cũng tương tự, chỉ khác là thực hiện với toàn thể đại đội xe tăng. Sau khi học các bài tập chiến thuật, chúng tôi tập bắn đạn thật trên xe tăng theo cự ly bắn thực tiễn.
Tôi cũng xin lưu ý rằng chúng tôi được học trên những chiếc xe tăng huấn luyện. Khi chúng tôi được chuyển ra mặt trận, người ta cấp cho chúng tôi những xe tăng mới. Dường như cũng chính là những chiếc tăng T-34 đó,  nhưng chỉ là cảm giác ban đầu của những kẻ không chuyên thôi. Mỗi chiếc xe, mỗi chiếc tăng, mỗi khẩu pháo xe tăng, mỗi động cơ đều có những tính năng rất riêng biệt. Anh không thể nhận ra chúng ngay từ đầu, anh chỉ có thể hiểu ra tất cả khi sử dụng chúng hàng ngày. Thế là rốt cục chúng tôi đã ra trận với những chiếc xe tăng hoàn toàn xa lạ. Người pháo thủ không hiểu rõ khẩu pháo của mình, người lái xe không biết rõ khả năng cái động cơ chạy dầu của xe mình có thể và không thể làm được chuyện gì, và v.v. Cần phải điều chỉnh thế nào, và chỉnh bao nhiêu là đủ: khẩu pháo, kính ngắm, rồi còn những gì nữa đây? Chúng tôi phải bước vào chiến đấu với những chiếc xe xa lạ. Tất nhiên, ở nhà máy người ta đã điều chỉnh các khẩu pháo trên xe và chạy thử được 50 km, nhưng như thế hoàn toàn chưa đủ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố gắng tự làm quen với những chiếc xe tăng của mình trước trận đánh, tận dụng mọi cơ hội có được.
Và rồi chúng tôi được đưa tới mặt trận để bổ sung cho Trung đoàn Xe tăng Cận vệ tình nguyện vùng Ural số 3…
Phỏng vấn: Artem DrabkinGhi âm: Valera PotapovDịch từ Nga sang Anh: Oleg Sheremet
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân


Quân nhân thuộc các binh chủng khác
Hồi ức của Vladimir Dolmatov

Tháng Mười năm 1941, tôi tham gia vào tổ chức narodnoye opolchenie (lực lượng dân vệ) Matskva. Tôi đang học lớp Tám và sống ở khu Arbat. Vào một hôm toàn thể lớp chúng tôi được tập hợp lại ở Potylikha, một nơi gần phố Mosfilm, trong sân một trường trung học. Họ phát cho chúng tôi những khẩu súng săn, cứ năm người một khẩu, và súng trường cỡ nòng nhỏ – cũng cứ một khẩu năm người, đồng thời giao cho chúng tôi 5 thanh gươm. Thế đấy! Không có đồng phục – mỗi người tự mặc những gì mình đem theo, và đi chiến đấu cũng trong cùng một thứ trang phục như vậy. Thầy giáo dạy văn trở thành chỉ huy của chúng tôi – một người đẹp trai, rất tốt với học sinh. Họ dẫn chúng tôi hành quân dọc theo đường Mozhaysk tới Zhukovka, nơi bọn Đức đã xuất hiện, cách Maskva khoảng 15 kilômét. Chúng tôi bố trí trong một khu rừng cạnh đó, cách đường lộ khoảng 2-3 kilômét. Đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng động của xe tăng. Những người trinh sát được phái đi tìm hiểu. Khi họ quay về, hóa ra là quân Đức đã kéo xe tăng cúa chúng băng ngang vị trí chúng tôi và dừng lại, các đơn vị của chúng đang bao vây những ngôi làng lân cận. Chỉ huy gọi tôi ra và bảo: “Valodia, em hãy vọt tới Matskva và báo cáo lại là chúng ta đang bị bao vây, và rằng chúng ta không thể chống lại do không có vũ khí. Hãy lấy cái xe mô tô và phóng tới chỗ trụ sở dân uỷ khu ta.” Chúng tôi có một chiếc mô tô “Tháng Mười Đỏ” và tôi là người duy nhất trong trường có thể lái nó.

Hóa ra ngôi làng tôi phải lái xe băng qua đã bị quân Đức chiếm giữ. Tôi đang chạy xe bỗng thấy một nhóm lính Đức, khoảng năm hoặc sáu tên, đang đứng và trò chuyện gì đó. Đã quá muộn để dừng lại, do đó tôi cứ giữ cứng tay lái chạy xuyên qua chúng. Chúng quay đầu lại, nhìn thấy tôi nhưng không phản ứng gì. Rồi có một tên hét lên cái gì đó làm tôi phát hoảng thực sự, nhấn mạnh ga và bắt đầu lái xe chạy ngoằn ngoèo. Chúng bắn theo một loạt đạn nhưng trượt. Tôi phóng như bay khỏi cái làng đó và lập tức đâm thẳng vào một cái cây. Khi đâm vào thân cây, khung xe bị cong lại và tôi phải lội bộ về Maskva. Tôi tới được trụ sở dân ủy khi trời đã tối: 

"Tôi là thành viên dân vệ (opolchenie). Chúng tôi đang bị bao vây. Không có vũ khí để chiến đấu,” tôi nói.

"Anh thuộc khu nào?” họ hỏi tôi.

"Khu Arbat."

"Thế bố mẹ anh ở đâu?”

"Ở nhà.”

"Vậy thì về nhà đi.”

Tất cả chỉ có vậy, tôi đành đi về nhà. Mẹ rất mừng là tôi vẫn còn sống quay về. Thực tế là không còn ai trong nhóm dân vệ ấy quay trở về! Họ đã chết sạch!

Cha tôi làm việc với tư cách là một người tư vấn pháp luật tại nhà máy "Medkhimprom", và từ khi trường của chúng tôi đóng cửa, ông đã tìm được cho tôi một chân tại nhà máy của mình, nơi mà, cộng với sự hỗ trợ của nhiều yếu tố khác, đã có một mạng lưới cửa hàng sửa chữa cơ khí trên khắp Matskva. Họ gửi tôi tới một cửa hàng ở khu Krasnaya Presnia làm thợ học nghề cơ khí. Tôi đã làm việc ở đó được khoảng hai tuần và người quản lý cửa hàng bảo: "Anh biết đấy, thằng bé này có thể làm được mọi việc. Hãy cho nó một cửa hàng, nó sẽ quản lý ở đấy.” Và họ giao cho tôi một ngôi nhà trống trên phố Vorovsky, nơi trước kia từng là cửa hàng bán xe đạp của một tổ chức khác. Chúng tôi bố trí cửa hàng trên tầng một, do sân khu nhà bị ngập nước. Tôi tập hợp lũ trẻ trong khu nhà mình lại: một đứa 12 tuổi, một đứa khác 14, và tôi đã 17, rồi cả ba chúng tôi bắt đầu làm việc tại cửa hàng đó. Một hôm, như trong câu chuyện thần thoại về con cá vàng, chúng tôi thò một cái gậy xuống mảnh sân ngập nước, do chúng tôi không có lưới, và kéo lên một đống trục quay xe đạp. Lần khác – kéo lên một đống bánh xe. Tôi tìm được một cái bơm máy và bơm nước ra ngoài, hóa ra cái sân chất đầy những phụ tùng xe đạp – khung xe, bánh xe, dây xích. Và do chúng tôi không hề ký nhận những thứ này, tất cả những món đó đều không được tính công. Chúng tôi trao đổi chúng với những cửa hàng khác và bắt tay vào lắp ráp những chiếc xe đạp. Trước tiên chúng tôi ráp xe cho chính mình, kế đó là lắp để bán ngoài chợ tại Malakhovka. Nhưng chúng tôi cũng sửa những thứ đồ sắt, xe đạp, nhiều món thiết bị khác, và tính chúng vào sổ công của mình. Và chúng tôi cũng nộp một phần tiền bán xe vào sổ của cửa hàng, ghi vào “sửa đồ sắt”, “sửa ấm đun nước”, v.v. lên các hoá đơn. Bằng cách đó chúng tôi hoàn thành được 115% kế hoạch hàng tháng. Họ gọi cha tôi lên và bảo: “Nghe đây, con trai anh là một thiên tài. Không có cửa hàng nào của chúng ta hoàn tất được kế hoạch, trong khi nó giao nộp được 115%. Chúng ta phải tặng cho nó một phần thưởng.” Và họ đã làm đúng như vậy.

Đồng thời với công việc ở cửa hàng, tôi cũng tham gia một lớp dạy lái xe, và sau khi lấy được bằng lái tôi vào làm tài xế tại Xí nghiệp Liên hiệp Ôtô số 1, nơi một lần nữa cha tôi lại tìm được cho tôi một chỗ. Lúc ấy đã là mùa đông năm 1941. Tôi làm việc từ 8 giờ sáng cho tới 12 giờ khuya. Tôi và một người nữa chở mỗi người hai mét khối gỗ từ Krasnaya Pakhra về, nơi này cách Matskva 50 kilômét. Không chỉ chở về, mà còn phải chặt cây, đốn trụi cành lá, cưa xẻ chúng rồi chất lên xe và chở về. Chúng tôi làm hai chuyến một ngày - 8 mét khối gỗ. Anh có thể tưởng tượng được không? Tôi quay về văn phòng vào lúc đã 12 giờ khuya và họ bảo tôi:

"Valodia, anh phải đem củi tới chỗ cửa hàng trưởng cửa hàng sách tại Hot'kovo (cách Matskva 50 kilômét). Ông ấy đang bị rét cóng.”

"Tôi không thể đi được. Hôm nay tôi đã đi hai chuyến rồi. Tôi mệt lắm, không làm được đâu.”

"Người ta đang đổ máu mình ngoài mặt trận, trong khi anh lại ngồi nhà! “Mệt lắm”! Người ta đang hy sinh, còn anh lại than mệt!” – tay quản lý nổi nóng.

Hắn ta gọi cha tôi lên. Tôi nói:

"Cha ơi, con không thể lái tới đó.”

"Con thấy đấy – trời thì lạnh. Ông ta có thể chết cóng mất. Hãy mang củi tới, cha xin con đấy,” ông nói.

Thế là tôi lái tới đấy. Chở theo củi đốt. Và khi tôi quay về, một chiếc xe điện đánh một vòng cua ở gần ga đường sắt Riga, trong khi đang tắt đèn để ngụy trang chống không kích, và tôi đâm vào hông nó. Chiếc xe của tôi bật nẩy lên, tôi choáng váng vọt ra ngoài. Nắm lấy cái tay quay, nó bị kẹt vào chỗ nào đó – nhưng mọi thứ đã bị vỡ nát, bộ tản nhiệt chảy nước. Tôi bắt đầu sửa nó. Một tay công an tóm lấy cổ tôi: “Anh đang làm gì vậy? Chiếc xe của anh vỡ tan rồi!” Tôi bắt đầu tỉnh lại. “Hãy đi gọi tới một chiếc xe tải kéo.” Tôi đi và gọi điện thoại, rồi bảo họ rằng tôi đang ở ga đường sắt Savelovskiy. Kể lẫn lộn tất cả ... (Hai nhà ga này thật ra khá gần nhau - Artem Drabkin) Và rồi tôi ngồi đó – chờ một, hai rồi ba tiếng đồng hồ. Trời rất lạnh. Chiếc xe kéo không tới. Tôi chặn một chiếc xe chạy ngang: "Hãy nghe này, anh có thể đưa tôi tới Quảng trường Arbat được không?” “Đó chính là nơi tôi đang đi tới.” Tôi về tới nhà. Cha tôi đang lo lắng – con trai ông đã mất tích. Rồi tôi nhớ ra là mình đã chỉ sai địa điểm cho phòng trực. Tôi gọi lại cho họ – chịu nghe họ chửi rủa tục tằn. Tôi thức dậy vào buổi sáng. Đi lấy cái xe đạp. Đạp tới nhà ga – chiếc xe không còn ở đó. Tôi đạp tới văn phòng, hỏi họ:

"Cái xe tải của tôi đâu?”

"Xe nào?”

"Xe của tôi.”

"Xe của anh không có ở đây. Thế anh đã ở đâu?”

"Ở nhà.”

"Thế xe của anh ở đâu?”

"Đậu tại nhà ga.”

"Ở đấy không có chiếc xe nào cả.”

Hóa ra họ đang đùa tôi, họ đã kéo chiếc xe của tôi về. Tóm lại, vì chuyện đó họ gửi tôi tới cửa hàng máy móc để làm thợ sắt, lắp ráp môtơ. Thế rồi một chính trị viên tới và bảo anh ta cần sửa 5 chiếc xe môtô chiến lợi phẩm. Người ta bảo anh rằng họ không làm những chuyện như thế, nhưng ở đây có Valodia, người thường sửa chữa những chiếc xe máy. Họ gọi tôi:

"Cậu có thể sửa một chiếc môtô không?”

"Tôi làm được.”

"Tốt, hãy nhận lấy 5 chiếc môtô và sửa chúng.”

"Được thôi,” tôi nói và đến gặp tay chính trị viên.

"Nếu tôi sửa được những chiếc môtô này cho anh, anh sẽ gửi tôi ra mặt trận chứ?” 

"Để làm gì? Cậu không thích ở đây sao?! Cậu được miễn động viên rồi mà?!”

"Tôi không muốn được miễn! Tôi chịu hết nổi rồi! Tôi muốn ra mặt trận!”

"Không hề gì: hãy sửa xe môtô đi và cậu sẽ được ra mặt trận.”

Tôi sửa những chiếc môtô. Anh ta đưa tôi tờ lệnh điều động. Tôi đi về nhà:

"Bố ơi, mẹ ơi, con đi đây.” 

"Con đi đâu?”

"Con đã được động viên vào quân đội, ra mặt trận.”

"Mặt trận nào?! Con có mất trí không, hở đồ ngốc!”

Một cuộc tranh cãi trong gia đình nổi lên, nhưng không còn gì có thể thay đổi được nữa rồi – tôi đã có lệnh triệu tập. Tất nhiên, tôi bảo mình bị động viên vì đã phá hỏng chiếc xe tải, chứ không phải do chính tôi đề nghị.

Người ta gửi tôi tới làm hướng dẫn viên cho một trung đoàn huấn luyện lái xe ở Nizhniy Novgorod. Trung đoàn này nằm ngay phía đối diện với nhà máy ôtô GAZ. Một thời gian trôi qua. Cha tôi kiếm được một giấy phép và tới nhờ ai đó ở Nizhniy Novgorod, rồi đem theo cả một chiếc cặp xách chứa đầy vodka tới chỗ đơn vị tôi. Ông biếu một chai cho người chỉ huy. Ông chỉ huy nói: “Tuyệt. Chúng tôi sẽ tìm ra ngay con trai anh.” Tôi tới. Cha ôm chầm lấy tôi, đưa tôi quà: bánh ngọt, kẹo và cái cặp xách, rồi thì thầm vào tai tôi: “Vodka đấy.” Tôi cầm lấy cái cặp và lui ra. Cha tôi quay về, bảo rằng hôm sau ông sẽ trở lại. Tôi tới gặp tay trung sĩ và bảo:

"Cha tôi đem cho tôi cả một cặp đầy vodka.”

"Cậu có bị làm sao không? Đem ra uống chứ! Hãy tới phòng học nào!”

Thế là chúng tôi tới đó. Có những cái khoang ở trong phòng học sâu khoảng một mét, dùng để chứa dụng cụ học tập. Chúng tôi bò vào trong đó, rót khoảng một lít vodka vào gà mèn của mỗi người, uống cạn cho tới giọt cuối cùng và lập tức lăn ra ngủ như chết. Khi chúng tôi thức dậy – đang có lớp học. Chúng tôi đành nằm yên đó. Lớp học này kết thúc thì lại lớp khác tới. Thế là chúng tôi nằm đó cho tới tận chiều, nhưng không dám uống thêm bởi đã quá sợ. Tới buổi chiều, chúng tôi bò ra, và tôi đi về chỗ mình. Nhét cái cặp xuống dưới giường ngủ và đi gặp chỉ huy đơn vị. Anh ta nói:

"Cậu đã ở đâu vậy? Cậu đã không có mặt khi điểm danh!”

"Tôi ở trong phòng.”

"Cậu muốn nói gì, ở trong phòng?!”

"Tôi uống rượu và lăn ra ngủ.”

"Hả? Ngủ suốt hai ngày trời?”

"Tôi cũng không biết nữa.”

"Cha cậu đang phát hoảng kia kìa! Ông ấy sẽ quay lại vào ngày mai.”

Hôm sau cha tới và cho tôi một bài thuyết giảng.

Chỉ huy kỹ thuật của đơn vị chúng tôi là Đại úy Mirtov – một người rất tốt, nhưng hoàn toàn thiếu tác phong quân sự. Bức ảnh này được chụp tại một trong những buổi giao ban của chúng tôi tại Matskva vào năm 1943.

Một hôm vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè, chúng tôi được chuyển tới Gorodets, ở gần Gorky – những đợt không kích của bọn Đức sắp tới gần. Chỉ huy đơn vị chọn lấy nhiều người, trong đó có tôi, và ra lệnh cho chúng tôi lái xe tới Gorki để thu nhặt đồ đạc còn bỏ lại đó. Chúng tôi tới đó và thấy chẳng còn gì sót lại ở doanh trại của đơn vị chúng tôi – chỉ còn những hố bom và một nửa nhà máy bị bom phá huỷ. 

Vào giữa năm 1943, đơn vị chúng tôi được tổ chức thành một tiểu đoàn ôtô độc lập thuộc lực lượng phòng vệ hóa học và chuyển tới Tập đoàn quân Ukraina số 1. Chúng tôi tới Kiev và thấy toàn bộ các công trình ở đây đã bị phá hủy. Nhà cửa không còn cửa sổ, những cái hốc trên mái có thể nhìn xuyên tới tận trời xanh, những chiếc xe điện chở khách bị lật ngược. Còn đám lái xe chúng tôi, những thằng nhóc, thường dừng xe lại, hạ khẩu súng xuống và bắn vào bóng đèn đường: “Bang!” – rồi lại lái tiếp. Tôi không có đủ đạn nên không bắn vào bóng đèn, nhưng tôi cũng rất muốn làm thế. 

Nhiệm vụ của chúng tôi là thiết lập một đầu cầu vượt sông giả trên sông Dnieper và đốt lên những màn khói mù, vì việc đó chúng tôi được cấp những thùng xăng chở trên một chiếc polutorka (loại xe tải 1,5 tấn). Chúng tôi kéo lên chiếc Lavra Kievo-Pecherskaya những tấm ván và lăn những cái thùng xuống đất, sau đó bắt đầu thả khói mù. Bọn Đức ném bom chúng tôi vài lần, thế thôi. Vài người trong đám lính chúng tôi sinh trưởng ở bờ sông, vài người khác ở trên những hòn đảo, thế là họ dựng lên một trại nuôi lợn và gia cầm ở đây. Chỉ huy đơn vị tới, la mắng: “Chúng mày đang làm gì ở đây vậy! Lập tức tống tất cả những thứ này đi!” Vâng, tất nhiên bọn nó rất bực dọc, nhưng không thể làm trái được – đành phải bỏ tất cả. Thế rồi chúng nghĩ ra một cách để bắt cá. Chúng tôi không có thuyền, nhưng có những ván trượt bằng chất dẻo, chúng tôi dùng để đặt lên một khẩu súng máy và kéo sau xe tăng khi tiến quân trong mùa đông. Kích thước của chúng vào khoảng 2 mét dài, 1 mét rộng và cao khoảng 40 xăngtimét. Và thế là bọn tôi chèo nó ra xa bờ và làm choáng cá bằng những thỏi thuốc nổ. Chúng ném thuốc nổ xuống giữa dòng nước để có đủ thời gian chèo ra xa và thu nhặt cá. Nhưng do tính sai khoảng cách và bị trúng sức ép, hai hay ba thằng bị chết đuối. Hiển nhiên điều này cũng bị cấm. Chỉ huy của chúng tôi quả là ngốc đặc. Anh ta đã đọc quá nhiều sách viết về chiến tranh và bắt đầu làm tình làm tội chúng tôi! Thậm chí còn bắt chúng tôi xây dựng một câu lạc bộ, mặc dù biết rõ chúng tôi sắp bị chuyển đi chỗ khác. 

Bất ngờ những tay lái mới từ một trung đoàn dự bị tới đơn vị chúng tôi, những người trước đó đã từng phục vụ trong những đơn vị không quân. Và ở đâu có lính không quân, ở đó có vô kỷ luật. Ở đó tài xế là chủ của bản thân mình. Không ai để lên lớp anh ta. Họ bảo: "Chúng ta tới không phải để phục vụ ở đây! Lão chỉ huy là một thằng ngốc! Lão cứ việc cút xuống địa ngục! Chúng ta đi chỗ khác thôi!” Và họ đi thật. Viên chỉ huy rống lên một tiếng khủng khiếp! Khắp Kiev đều tiến hành truy lùng họ. Họ bị bắt và đưa vào một tiểu đoàn trừng giới sau khi bị ra tòa án binh. Nhưng họ đã gợi nên một mơ ước bỏ trốn thầm kín nơi tôi, tôi không muốn chối bỏ nó mà quyết định sẽ thực hiện. Tôi hiểu rằng không thể chỉ đơn giản là bỏ đi – họ sẽ bắt được tôi ngay. Tôi tới trụ sở chỉ huy nhà ga gặp một trung sĩ và nói: “Trung sĩ này, chỉ huy đơn vị chúng tớ là một đống phân. Tớ muốn bỏ đi, nhưng không muốn bị bắt. Vậy chúng ta hãy thỏa thuận với nhau – cậu đưa tớ ra mặt trận, nhưng đừng báo với ai là tớ bỏ trốn, đổi lại tớ sẽ tặng cậu một chai vodka "Tarhun" và một lốc thuốc lá "Kazbek”". Anh ta nói: "Thỏa thuận nhé. Tôi sẽ đưa mọi người đi vào những ngày này và ngày này. Nếu cậu có 8 tiếng đồng hồ rảnh thì cứ coi như 100% là tớ sẽ đưa cậu đi được.” Tôi vẫn còn những món từ nhà gửi tới. Tôi có một giấy báo phép cũ và đem điền ngày tháng vào đó. Tới gặp chỉ huy phiên trực, đưa cho anh ta tờ giấy và xin phép đi tới thành phố. Anh ta đồng ý. Phiên trực sau tôi cũng do một tay Maskva khác đảm nhận, Lesha Rostunov, hắn hoàn toàn điếc đặc. Tôi viết cho hắn trên một mẩu giấy: "Lesha, tớ muốn bỏ đi. Vậy xin hãy trực thế tớ trong phiên kế tiếp.” Hắn nói: “Cậu phát điên rồi! Họ sẽ bắt cậu lại thôi!” Tôi đáp: “Đừng bỏ đi, cứ đơn giản là đứng gác, họ sẽ không chú ý đâu.” Họ sẽ chẳng moi được gì ở hắn – hắn điếc mà! Hắn chỉ cần trợn tròn mắt và cứ đứng như thế mà thôi. Thế rồi tôi xách tờ giấy phép và tới trụ sở chỉ huy tại nhà ga. Rút một chai "Tarhun" và thuốc lá ra. Cầm lấy giấy tờ quân nhân của tôi và thay vì họ là 'Kapeleovich' thì viết là 'Kopylov', thay vì 'Adolfovich' – thì là 'Anufrievich'. (Tôi cần phải nói là cái họ theo cha này của tôi đã gây nên khá nhiều rắc rối và trò gọi giật "Ê! Hitler! Lại đây!" đã thành cái lệ trong đám bạn của tôi.) Với những giấy tờ như thế tay trung sĩ đã gửi tôi tới Phương diện quân Ukraina số 1.

Và tôi có mặt trong một tiểu đoàn xe tải độc lập lãnh nhiệm vụ chuyên chở tù binh chiến tranh, đặt dưới quyền điều hành của NKVD. Chỉ huy đơn vị chúng tôi trước đây là một người Côdắk miền Terek. Anh ta chẳng thèm quan tâm chút nào tới mấy chiếc xe tải.  Anh ta muốn có một con chiến mã, một cái vengerka và một thanh gươm. Lúc này chúng tôi đã cách Krakow khoảng một trăm kilômét.

Lúc này, mỗi khi đi tới chỗ tập trung tù binh, tôi phải chạy ngang qua một trạm thú y. Có lần tôi bắt chuyện được với các bác sĩ ở đây. Họ nói:

"Đi săn ở đây thật tuyệt, nhưng chúng tôi chẳng có gì để bắn cả! Giá chúng tôi có đạn và một khẩu súng có kính ngắm. Cậu có thể kiếm ra chúng không?”

"Không thành vấn đề, nhưng tôi cần một con ngựa tốt.”

"Thỏa thuận nhé: nếu cậu đem cho chúng tớ một khẩu súng, chúng tớ sẽ kiếm ngựa cho cậu.”

Có một trạm sửa chữa pháo binh dã chiến gần chỗ đơn vị chúng tôi, ở đó sửa chữa mọi thứ vũ khí từ đại bác cho tới súng lục. Tôi đi tới đó. Tay lính gác hét:

"Halt! Ai đó?”

"Này các cậu, có chuyện gì vậy?! Tôi mang tiểu liên tới cho các cậu sửa đây,” tôi đáp.

"Thế giấy tờ đâu?”

Tôi phải quay về. Thế rồi tôi tới đơn vị của mình và nói với viên đại úy:

"Tôi sẽ kiếm cho anh một con ngựa tốt, nhưng tôi cần tờ giấy có ghi rằng tôi cần sửa 3 khẩu carbine bắn tỉa có gắn ống ngắm.”

"Cậu điên rồi!”

"Điên là thế nào? Có hàng đống súng ống đủ loại nằm rải rác quanh con đường, chẳng ai canh chúng cả. Tôi sẽ lắp lấy mấy khẩu súng.”

Anh ta đưa tôi tờ giấy và tôi đi dọc theo con đường sắt dẫn qua khu rừng tới trạm sửa chữa. Có một toa xe nằm trên đường ray, trên có mấy tay lính đang ngồi vui đùa, ca hát và kéo đàn gió. Có một thằng nhóc, bề ngoài chỉ khoảng 10 tuổi, đang tỳ một khẩu tiểu liên vào bụng mình và bắn lên mấy ngọn cây, cành lá rơi lả tả. Tôi lại gần – có một khẩu súng trong thùng, trông như một khẩu tiểu liên của Ý. Băng đạn có lẽ cắm vào ngang bên hông súng. Báng bằng gỗ khá dài. Nếu tôi cưa nó đi thì sẽ thành một thứ tương tự khẩu Mauser. Giá mà tôi có được một khẩu súng ngắn như thế! Tôi quật cái báng xuống đường tàu – nó không gãy. Lần thứ hai – bang! Đám lính trên toa tàu bắt đầu cười nhạo. Tôi nói: “Các cậu cười cái gì vậy?!” “Tại sao cậu không thử quay đầu lại hả, đồ ngốc, nhìn kia kìa!” Và ở kia là ba khẩu tiểu liên nằm lăn lóc với báng bị gãy, bên trong báng có một cái lò xo. Tôi bỏ đi. Lấy bốn khẩu súng và ráp chúng lại. Đi tới chỗ bắn thử, họ điều chỉnh chúng ở đó cho tôi. Thu nhặt rất nhiều đạn – tôi phải chật vật lê bước! Quay về đơn vị. Tay chỉ huy nói: "Cậu thật là đồ bịp bợm!” Tôi trả lời: “Hãy đưa tôi một tờ giấy nữa, chúng ta hiện chỉ có súng trường, hãy đổi chúng lấy PPSh.” Anh ta đưa tôi giấy phép và tôi lắp thêm 3 khẩu PPSh nữa, kiếm luôn cho chúng vài băng đạn. Và khi tôi đem về những khẩu súng ấy, đám bạn lập tức gạ gẫm  tôi – “để tớ bắn, hãy để cho tớ.” Tôi giao khẩu súng cho một cậu, hắn và một người nữa đi ra cánh đồng nơi có một quả bom chưa nổ và nã đạn vào kíp nổ của nó. Nó nổ mạnh tới mức chúng tôi không tìm được chút mảnh nào của họ nữa. Chỉ huy bảo: “Valodia, chấm dứt với mấy khẩu súng được rồi đó.” Tôi đáp: "Bây giờ tôi sẽ đi chở tù binh và đổi súng lấy một con ngựa.” Đúng lúc đó quân đội chúng ta bắt đầu tiến vào Krakow và có lệnh xuống yêu cầu đi chở tù binh. Tôi, trung uý Sidorov và hai lính gác nữa lên đường. Trung uý nói: “Hãy khoan đi lấy con ngựa vội, để làm sau đi.” Tôi đồng ý. Chúng tôi đi tới thị trấn Gzesow và vào một tiệm giải khát để ăn bánh ngọt. Các anh có thể tưởng tượng được không – chiến tranh, không có gì để ăn, và anh còn muốn gì ở Ba Lan nữa chứ! Chúng tôi ngồi xuống. Một pan (tiếng Ba Lan có nghĩa là “ông” hay “ngài”) lại gần:

"Thưa pan lính, các ông có chiếc xe. Tôi cần chở tới một ít củi. Tôi có thể biếu các ông vodka, thuốc lá và thức ăn.”

"Thế chúng tôi có thể kiếm củi ở đâu?”

"Trong rừng. Tôi sẽ đưa cho các anh một cái cưa và một chiếc rìu. Cứ chặt lấy một ít.”

Tôi nói với trung uý:

"Hãy đi lấy tù binh và chặt củi trên đường về.”

"Được thôi.”

Chúng tôi cầm cái rìu và đi lấy tù binh. Chúng tôi tới chỗ đơn vị vừa giải phóng xong một thị trấn. Ở đó họ giao cho chúng tôi khoảng 15 tù binh. Chúng tôi chất chúng lên xe tải và quay về. Tới gần một khu rừng, tôi bảo:

"Đã tới lúc chặt củi.”

Và nói với đám lính gác:

"Hãy đưa bọn Đức ra khỏi xe tải.”

Tất cả bọn chúng đều hoảng sợ:

"Aaah! Kamerad! Kamerad! Nicht schiessen!" (A! Đồng chí! Đồng chí! Đừng bắn! - LTD)

"Ra ngoài!” Tôi ra lệnh cho chúng.

"Tập hợp lại!” và dẫn chúng đi vào rừng.

Một số tên la hét, số khác khóc lóc, còn một số chỉ đơn giản là cúi đầu tiến bước. Viên trung uý bảo tôi:

"Hãy giải thích cho chúng là chúng ta cần chúng để làm việc.”

"Kamerad, arbeiten!" Tôi nói và chỉ vào cái cưa.

Chúng vui hẳn lên và mau chóng chặt đủ gỗ để chất đầy chiếc xe tải. Chúng tôi chạy tới chỗ tay Ba Lan. Anh ta đưa chúng tôi vodka, khoảng hai mét xúc xích và một thùng thuốc lá. Tôi hết sức kinh ngạc! Tôi đưa một ít vodka, thuốc lá và thức ăn cho bọn Đức. Chúng tôi đi được khoảng 5 kilômét – chúng lại gõ vào thùng xe: "Kamerad, arbeiten!" Tôi bảo: “Tôi không có cưa và rìu!” Chúng tôi dừng lại ở một tiệm cafe khác. Tôi tới gặp tay quản lý:

"Có cần củi không?”

"Cần chứ.”

"Đưa cho chúng tôi một cái cưa!”

Thế là chúng tôi đi. Thực ra, chúng tôi chỉ quay về đơn vị sau khoảng ba ngày. Tôi bị tiểu đoàn trưởng khiển trách:

"Cậu đã ở đâu vậy!? Đồ con lợn! Tôi sẽ đưa cậu ra tòa án binh!”

Tôi đưa cho anh ta một thùng vodka, thuốc lá và xúc xích. Anh ta tiếp tục:

"Cậu có điên không!? Cậu lấy những thứ này ở đâu?! Ăn cắp hả!?”

"Tại sao lại ăn cắp – kiếm được chứ! Chúng tôi đi chặt củi.”

Thế rồi tôi tới chỗ bệnh viện và đem về một con ngựa và một thanh gươm. Làm thêm cho anh ta cái vengerka, một cái mũ lông papakha. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tải leo lên lưng con chiến mã của mình, trang phục tề chỉnh và cưỡi nó chạy quanh: “Các cậu đã sẵn sàng chưa? Sẵn sàng chưa? Mau tiến lên bắt lấy tù binh!”

Tôi đã kể về chuyện này chưa, khi tôi đã biến việc đi chặt gỗ trở thành thường xuyên, mỗi lần tôi tới một trại tù binh là bọn Đức lại gọi tôi "Kamerad! Kamerad!”. Lính gác liên tục hỏi tôi: “Tại sao bọn Đức kia lại chào đón cậu? Có chuyện gì vậy?! Cậu có họ hàng gì với chúng không?” Tôi trả lời: “Vâng, chỉ vì tớ có đem cho chúng chút vodka và thuốc lá thôi.” Thế đấy. Nhưng đối với chuyện đi săn của tôi thì thật là thất bại. Tôi bắn vào lũ thỏ và hươu nhưng lúc nào cũng về tay không. Có lần tôi đuổi theo một con thỏ với một khẩu PPSh. Đuổi miệt mài cho tới khi tôi bắn hết cả băng đạn, vậy mà chẳng trúng nó được phát nào.

Một lần tôi phải đi chở tù binh, đám Ba Lan chỉ tôi đi thẳng vào một con đường bị gài mìn. Một kỹ sư công binh chạy tới xe tôi, tay khua chiếc máy dò mìn của mình, miệng chửi thề tục tĩu. Tôi dừng lại:

"Anh đang đi đâu vậy! Ở kia có cái biển chỉ rõ con đường này đã bị gài mìn mà!”

"Làm gì có cái biển như thế.”

"Quay lại mà xem."

Tôi đang dừng ở một bên đường, còn người kỹ sư công binh đang ở sau cái rãnh cạnh đường. Tôi quay xe sang bên phải một chút và đụng phải một quả mìn. Một tiếng nổ lớn. Người kỹ sư không còn lại gì, còn tất cả chúng tôi đều bị sức ép. Chúng tôi hãy còn may là chiếc xe đang chạy chậm và quả mìn nổ ngay dưới máy xe. Tôi bị trúng mảnh khắp người – một vào cánh tay và một vào bụng. Tôi lấy tất cả chúng ra bằng một cái vặn vít. Người ta đưa chúng tôi về đơn vị và ở đó họ băng lại tất cả. Do đó tôi không phải tới bệnh viện. Bụng thì lành lại, nhưng cánh tay thì sưng lên và đỏ tấy. Tôi được chở tới bệnh viện và ở lại đấy một tuần. Do tôi phục vụ trong lực lượng NKVD, người ta không đưa tôi vào một trung đoàn dự bị sau khi ra viện như những người khác mà cho tôi tờ giấy, trên chỉ có con số của bệnh viện và của đơn vị, rồi để tôi đi. Những tờ giấy ấy, dù không có dấu, cho phép tôi đi khắp đất nước, và tôi quyết định đi tới Maskva.

Những phi công thường xuyên tới bệnh viện và chở những người bị thương về tuyến sau. Tôi nói: "Này các bạn, tôi có thể đi cùng tới Kiev được không? Các cậu có thể chở tôi được không?” Được thôi. Họ nhét tôi vào một cái thùng đan, được gắn vào cánh của chiếc U-2. Khóa chặt lại, chở tôi tới Kiev và thả tôi đi. Tôi đi ra khu chợ, mua một miếng sắt và cái kìm rồi làm ra một cái chìa để mở khóa toa xe lửa. Tôi tới nhà ga nhưng không thể chui vào trong toa tàu, bởi vì những người coi tàu khóa cửa toa không chỉ bằng chìa khóa mà còn bằng cả một thanh sắt, thế là tôi đành phải cuốc bộ một thời gian dài. Tôi tới gặp một kỹ sư và đề nghị cho tôi đi nhờ. Anh ta nói: “Xúc than đi.” Không hề gì. Anh ta đưa tôi tới một nhà ga nơi có xe lửa đi Maskva. Tôi chui được vào một toa như thế, bò vào dưới giường ngủ. Và đi tới "Maskva-2". Tôi không được để cho lính gác trông thấy bởi họ có thể đóng dấu vào giấy tờ của mình, trong khi tôi phải có được những giấy tờ hợp pháp tại Matskva. Tôi nhảy ra khỏi đoàn tàu đang chạy, lột ngôi sao và cái dây da đeo vai, cố gắng làm cho mình trông thật giống thường dân. Thật là ngốc! Thật ngốc đau ngốc đớn! Bởi vì tôi vẫn còn mặc cái áo khoác quân đội! Tôi lọt vào một chuyến xe điện và đi tới Quảng trường Arbat. Từ đó tôi trườn dọc theo những bức tường để về nhà. Cha tôi trông thấy tôi:

"Mày ở đâu ra vậy, đồ chó?!” Tôi kể cho ông mọi chuyện.

"Mày là ai?! Mày không phải con tao! Mày là một thằng Kopylov Anufrievich nào đó. Tại sao mày lại tới gặp tao? Đi mà gặp thằng Anufrievich nhà mày!"

"Cha."

"Tao không phải cha mày, mày đối với tao hoàn toàn xa lạ! Mày là một thằng ngốc! Mày có nhận ra mình đã làm điều gì không?! Lập tức chạy tới nhà ga và quay về đơn vị của mày đi!”

Mẹ đưa tôi quay lại khu nhà ga "Maskva-2". Tôi nhảy lên bậc thềm toa – cửa toa đã bị khóa. Lúc này đã là tháng Chạp năm 1944. Giá rét kinh khủng. Và tôi đã phải đứng trên cái bậc thềm đó tới tận quãng gần Kolomna (khoảng 100 kilômét). Tôi đã hoàn toàn bị đông cứng. Khi dừng lại ở gần Kolomna tôi bò vào một toa trong có tay trung sĩ xe tăng đang đứng. Anh ta nói:

"Cậu từ đâu tới?”

"Từ bệnh viện. Thế còn cậu?”

"Tớ bị đi lạc sau tàu của mình.”

"Tàu nào?”

"À, có những chuyến tàu chở xe tăng đi từ Urals, và tớ bị bỏ rơi lại phía sau.”

"Thế còn bây giờ thì thế nào?”

"Bây giờ chúng ta sẽ tới Kolomna, tớ sẽ đi gặp chỉ huy và họ sẽ gửi tớ quay lại Urals lần nữa để lấy một chiếc xe tăng. Tớ đã chiến đấu đủ lắm rồi. Đây này, tớ đã có hai Huân chương Sao Đỏ đây.”

"Ừ, nhưng họ sẽ bắt cậu và đưa cậu vào một tiểu đoàn trừng giới.”

"Nhưng tớ đâu có chạy trốn, tớ bị tàu bỏ lại phía sau, và tự mình đi tới gặp chỉ huy. Và sau đó tớ lại trở thành kẻ đi lạc lần nữa.”

Tôi kể cho anh ta rằng mình là một tài xế. Anh ta nói:

"Cậu có muốn đi tới chỗ tuyển quân với tớ không?”

"Được thôi,” tôi bảo.

Thế là chúng tôi cùng tới chỉ huy sở, và họ đưa chúng tôi tới nơi tuyển quân. Đột nhiên hắn biến mất lúc giữa ban ngày. Mất tăm! “Những người tuyển dụng” tới vào buổi sáng, yêu cầu tìm một lái xe. Tôi tới và nhận ra là mình không còn cái bằng lái xe. Thằng lái tăng kia đã ăn cắp bằng lái của tôi! Tôi nói: “Tôi không có bằng lái.” Họ trả lời rằng nếu tôi không có bằng lái thì họ chẳng thể làm được gì. Tôi bắt đầu viết ra rằng tôi có thể làm thợ sửa máy xe, thợ hàn, thợ mộc. Rồi một người tuyển dụng tới để chọn người đi Chkalovsk, thành phố ở gần Maskva, vào trường dạy thợ may và thợ đóng giày:

"Tôi là thợ may.”

"Anh có thể làm được gì?”

"Tôi có thể làm bất cứ việc gì.”

Họ gửi tôi tới Chkalovsk. Ở đó có một hội đồng tuyển chọn kiểm tra xem anh có thể làm được những gì. Một thợ may mang quân hàm cấp tướng ngồi đó và yêu cầu anh xỏ chỉ vào kim, khâu, vá.

Tôi lập tức đi tới một cửa hàng và nói với đám thợ may ở đó: “Các anh, tôi muốn họ chọn lấy tôi vào đây. Hãy chỉ cho tôi cách khâu và luồn chỉ vào kim.”  Thế là họ chỉ tôi cách xỏ ngón tay vào đê khâu, cách luồn chỉ. Tôi học những động tác cơ bản và vượt qua đợt kiểm tra. Sau đó tôi tới gần vị tướng và nói:

"Tôi cũng là người Maskva, tôi muốn xin về gặp gia đình.”

"Được, anh chẳng ở đây rồi là gì!”

"Nhưng tôi đã không gặp họ trong 4 năm rồi,” tôi trình bày.

Ông ta cho tôi giấy phép. Và thế là ngày 25 tháng Chạp tôi quay về Maskva. Cha tôi nói:

"Mày lại về đây hả, đồ du côn!”

"Bây giờ con là thợ may,” tôi nói.

"Không, mày hãy kể cho ông tướng sự thực như thế nào, và rằng bằng lái của mày bị mất cắp. Ông ấy sẽ thông cảm.”

Tôi quay về và nói với vị tướng:

"Thưa đồng chí tướng quân, tôi đã nói dối với ông, tôi không phải là thợ may mà là một lái xe, nhưng bằng lái của tôi bị mất cắp. Tôi muốn quay về Maskva để gặp lại gia đình, cho nên tôi đã tới đây.” 

"Tôi không cần một tài xế. Tôi sẽ gửi anh về nơi tuyển quân.”

Ông ta đưa tôi tờ chỉ dẫn tới chỗ tuyển quân, trong có ghi: "Một tài xế bị mất bằng lái.” Tôi tới gặp người quản lý. Anh ta bảo:

"Từ khi cậu không còn bằng lái thì cậu không phải là tài xế.”

"Tôi có thể kiếm được một bản sao,” tôi nói.

"Bản sao không phải chuyện của tôi. Không có bằng lái, anh sẽ phải phục vụ trong một đơn vị khác.”

Thế rồi một thượng uý đi tới và tôi nghe anh ta trao đổi với người quản lý đằng sau tấm vách ván ép:

"Tôi cần tuyển tài xế cho một vị tướng,” viên thượng uý nói.

"Mệnh lệnh của Stalin là phải đưa tất cả tài xế tới để khôi phục thành phố Stalingrad. Anh cũng có tài xế trong đơn vị của mình, vậy thì chọn họ đi.”

Khi thượng uý ra ngoài, tôi tới gặp anh ta:

"Thưa đồng chí thượng uý, tôi là một tài xế. Bằng lái của tôi bị mất cắp, vì thế có thể tuyển tôi như một thợ mộc hay một thợ rèn. Nếu anh chọn tôi, tôi sẽ kiếm được ngay lập tức bản sao bằng lái của mình cho anh.” 

"Làm thế nào tôi có thể chọn anh được? Tôi không có lệnh phải tuyển thợ mộc. Hãy chờ tôi thêm ba ngày, tôi sẽ kiếm được lệnh tuyển một thợ rèn.”

Thế là, việc mua chuộc tiếp tục. Mọi người đều có thể bị mua chuộc. Cảnh sát cần tuyển một thợ mộc. Tôi bảo:

"Tôi không đi đâu!”

"Anh không đi nghĩa là thế nào? Ra tòa án binh nhé. Đi lấy đồ đạc của mình đi.”

Tôi trườn vào tuốt sâu trong gầm giường và yên lặng nằm đó.

"Kopylov! Kopylov!" họ chạy quanh tìm tôi.

"Cái thằng khốn đó đâu rồi!?”

"Chạy mất rồi chứ còn đâu!”

Trong lần điểm danh buổi chiều tôi đứng vào hàng, như thể không có chuyện gì xảy ra cả:

"Anh đã ở đâu?”

"Tôi ngủ quên.”

"Ngủ ở đâu?”

"Thì trên giường tôi.”

Ngày thứ hai tôi cũng trốn ở đâu đó. Tới ngày thứ ba thì viên thượng uý tới. Người quản lý điểm tuyển quân đích thân bước ra:

"Kopylov – thượng uý đang tìm anh đó. Cần làm lái xe.”

Tôi chui ra từ dưới giường bằng cả bốn chân:

"Đồ chó chết! Đồ khốn ranh ma!” anh ta cười phá lên.

Thế là chúng tôi đi, về tới địa điểm của mình.

"Đây, đồng chí tướng quân. Anh ta cần một giấy chứng nhận để lấy lại bằng lái của mình,” viên thượng uý nói.

"Đồng chí tướng quân, có một vấn đề nhỏ ở đây. Họ của tôi được viết không đúng, và cả tên cha nữa,” tôi nói.

"Anh nói “không đúng” nghĩa là thế nào?”

"Ở bệnh viện họ bị lẫn lộn, mà tôi thì không chú ý, và khi nhận ra thì đã quá muộn. Tôi không phải là Kopylov mà là Kopylovich, và không phải là Vladimir Anufrievich, mà là Vladimir Adolfovich."

Ông ta cầm lấy giấy tờ của tôi, gạch đi cái họ và viết vào: Kopylovich, Vladimir Adolfovich. Trong thực tế tôi là Kapeleovich, nhưng như thế là quá nhiều, đặc biệt là do tất cả anh em của cha tôi đều có những cái họ khác nhau: Kapeliovich, Kapel'novich, Kapelevich. Tóm lại, họ sửa lại tất cả, giao cho tôi một chiếc Ford 6, và thế là tôi lái xe cho người thanh tra và kiểm soát viên quân đội Xô viết, hai lần Anh hùng Liên Xô, thiếu tướng Slitz cho tới khi ông hy sinh một cách bi thảm vào năm 1945. Còn bây giờ tôi phải lãnh hậu quả – không có được giấy chứng nhận đã tham gia chiến tranh. Tôi gửi một giấy đề nghị tới bệnh viện để hỏi về Kopylov, Vladimir Anuvriefich. Tôi nhận được một tờ giấy hồi âm, trong đó vết thương của tôi được ghi là một”mụn nhọt”.

Người phỏng vấn: Artem Drabkin
Dịch từ Nga sang Anh: Oleg Sheremet
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân

Viktor Leonov
Tôi nói bằng tiếng Nga với bọn Đức

Hai lần được tặng thưởng Ngôi Sao vàng Anh hùng Liên Xô
Chỉ huy trưởng đội biệt động Hạm đội Biển Bắc
Chỉ huy trưởng đội biệt động Hạm đội Thái Bình Dương

"Đơn vị của chúng tôi, hoạt động đằng sau phòng tuyến quân địch, luôn phải chống lại số quân địch đông hơn nhiều lần và đối phương luôn luôn vượt trội chúng tôi về mặt hỏa lực,”  Leonov nói, "Nhưng chúng tôi luôn chiến thắng trong các cuộc chiến tay đôi. Cả bọn Đức lẫn bọn Nhật đều không thể hành động kiên quyết mạnh mẽ như chúng tôi. Đó là quy luật về tâm lý: trong một trận chiến, luôn có một bên phải bỏ cuộc.”

Một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất của đơn vị Leonov là việc bắt được 3.500 tù binh và sĩ quan Nhật tại cảng Vonsan, Triều Tiên.

Đội chúng tôi có 140 người. Chúng tôi hạ cánh hoàn toàn bất ngờ xuống một sân bay của bọn Nhậvà bắt đầu đàm phán. Mười người trong chúng tôi bị bọn Nhật đưa tới gặp tên đại tá tại sở chỉ huy. Hắn là chỉ huy trưởng của đơn vị không quân Nhật, và hắn muốn bắt giữ chúng tôi làm con tin. Tôi tham gia cuộc đàm phán khi cảm thấy rằng đại diện của sở chỉ huy chúng tôi, Đại uý chuyên nghiệp bậc 3 Kulebyakin, đã, như người ta vẫn nói, bị đưa vào thế kẹt. Tôi nhìn thẳng vào mắt bọn Nhật. Tôi nói với chúng rằng chúng tôi đã chiến đấu ở Mặt trận phía Tây trong suốt cuộc chiến, và ĐÃ có đầy đủ kinh nghiệm để tự đánh giá tình thế thực tế của mình. Chúng tôi không tới đây để bị bắt làm con tin. Chúng tôi thà chết, tôi nói, cùng với tất cả những người còn lại ởï sở chỉ huy này. Điều khác biệt duy nhất, tôi bảo hắn ta, rằng tất cả chúng sẽ chết như những con chuột trong khi chúng tôi sẽ cố gắng để thoát khỏi đây! Ngay lúc đó Mitya Sokolov, một Anh hùng Liên Xô, đến đứng sau lưng chiếc ghế của tên đại tá Nhật. Những người khác cũng đã biết phải làm gì. Andrey Pshenichnych khóa cửa phòng, nhét chìa khóa vào túi mình và ngồi xuống một chiếc ghế. Volodya Olyashin, người sau chiến tranh đã trở thành một lực sĩ chuyên nghiệp, nhấc bổng Andrey – cùng với chiếc ghế – và đặt anh ấy xuống ngay trước mặt tên đại tá. Ivan Guzenkov đi tới cửa sổ và thông báo rằng chúng không đến nỗi quá cao, trong khi một Anh hùng Liên Xô khác, Semen Agafonov, đứng về phía gần cửa và bắt đầu tung tung trong không khí một quả lựu đạn chống tăng (Bọn Nhật không hề biết rằng quả lựu đạn này đã bị tháo kíp nổ). Viên đại tá, quên mất mình vẫn có khăn tay, đưa bàn tay lên lau mồ hôi trán, và một lát sau hắn đặt bút ký giấy ra lệnh cho pháo đài đầu hàng. 

Chúng tôi tập hợp 3.500 tù binh thành một đội hình, cứ tám người một hàng. Từ lúc này chúng hoàn toàn làm theo lệnh tôi. Chúng tôi không có đủ người để áp giải một đội hình đông như thế, do đó tôi kéo tên đại tá và tên tham mưu trưởng của hắn lên ngồi cùng xe với mình. Tôi nói, “Nếu chỉ một tên lính cố gắng chạy trốn, anh sẽ phải tự mình chịu tất cả trách nhiệm...” Đúng lúc đó chúng tôi cũng bắt gặp một nhóm đồng đội đang áp giải khoảng gần 5.000 tù binh Nhật. 

Con sói biển già dặn Viktor Leonov đã được trao tặng Huy chương “Dũng Cảm” sau trận chiến mùa hè năm 1941, tại đó ông bị thương nặng bởi một mảnh mìn. Ngay sau trận chiến đầu tiên đó, khi bạn của ông (họ đã cùng nhập ngũ vào một đơn vị) hy sinh, Leonov bắt đầu suy nghĩ – làm thế nào để mình tiếp tục chiến đấu?

Mùa thu năm 1942 chúng tôi tiến hành một cuộc đột kích vào pháo đài của bọn Đức ở mũi Mogilny, nơi chúng dùng để theo dõi tàu biển và máy bay của ta. Chiến dịch khởi đầu không suôn sẻ. Cả sĩ quan chỉ huy lẫn chính trị viên của đơn vị bộ binh yểm trợ sau đó đều bị ra tòa án binh và hành quyết do tội cẩu thả tắc trách. Hạ sĩ quan bậc 2 Leonov đã dẫn đầu đợt tấn công của một nhóm nhỏ lính trinh sát. Đợt tấn công thành công, và vị trí hỏa điểm của bọn Đức bị phá huỷ, nhưng 15 thủy binh cuối cùng bị khóa chặt tại một chốt nhỏ (phần rộng nhất của mũi đất này cũng chưa tới 150 mét). Bọn Gebirgsjaeger của Đức (lính sơn cước được huấn luyện và trang bị đặc biệt) bao vây họ bằng hai gọng kìm, cắt đứt đường rút bằng hai khẩu đại liên. Những mỏm đá xung quanh họ bị đạn cối nã liên tục.

Bọn Đức vội vã cố gắng kết thúc công việc trước khi trời tối. Một trong những thủy binh, người biết tiếng Đức, đã nghe được điều này. Nhưng các thủy binh đang hết dần đạn. Một trong số họ hét lên, “Hết rồi! Chúng ta không thể thoát ra khỏi đây!” – và tự cho mình nổ tung bằng một quả lựu đạn. Một người khác cũng định làm chuyện tương tự. “Đồ hèn!” Leonov nói với anh ta. “Đặt quả lựu đạn xuống nếu không tôi sẽ bắn chết anh!”

Chúng tôi bị ghìm chặt bởi hai khẩu súng máy đó, chúng bắn liên tục không ngơi nghỉ. Tôi quyết định phải làm điều gì đó. Tôi nhảy ra và bắn những viên đạn cuối cùng vào mỏm đá mà những tên xạ thủ súng máy dùng làm vật che chắn. Tôi hy vọng chúng chúi đầu xuống và ngừng bắn. Kế đó một trong những người giỏi nhất của chúng tôi, Semen Agafonov lao nhanh về phía mỏm đá, nằm cách đó khoảng 20 mét. Anh cố gắng nhảy lên trên mỏm đá và đã nhảy vào đúng giữa bọn Đức! Khi tôi, đang bị thương vào chân, tới được để chứng kiến thì một tên xạ thủ đã chết, còn Semen đang lăn tròn trên mặt đất, vật lộn với tên còn lại. Tôi dùng báng súng nện liên hồi lên đầu tên Đức. Chúng tôi chiếm được những khẩu súng máy ấy và thoát đi.

Agafonov được coi là một người không biết sợ là gì. Khi được hỏi về chiến công trên, anh ấy thường cười lớn và trả lời rằng khi anh trông thấy bàn tay của bọn Đức đang run rẩy, anh hiểu ngay rằng bọn chúng sẽ bắn trượt. Nhưng khi trò chuyện với các bạn thân, anh ấy thú nhận rằng khi anh nhận mệnh lệnh của Leonov, anh đã cho rằng đời lính của mình chắc kết thúc ở đây rồi... Ai ai cũng đều biết sợ, nhưng cái chính là anh phải hành động thật nhanh và kiên quyết. 

Sau đó, Yuri Micheev làm nổ tung một lô cốt của bọn Đức bằng một chùm lựu đạn ném xa và chính xác một cách đáng kinh ngạc từ khoảng cách 20 mét. Đó cũng là chùm lựu đạn cuối cùng của chúng tôi. Trong khi chùm lựu đạn vẫn còn trên không thì Yuri đã hy sinh, bị một khẩu trọng liên xả ngang người. Nhưng chúng tôi đã vượt được tuyến phòng thủ thứ hai và lọt qua một hẻm núi để tới bờ biển. Tuyết rơi dày đã xóa hết dấu chân của chúng tôi. Agafonov đi bọc hậu, anh chỉ còn ba viên đạn trong khẩu súng lục của mình, và súng của tôi cũng thế... Chúng tôi ẩn mình trong những bụi rậm ven bờ biển. Rất nhiều lần một toán lính sơn cước Đức (Gebirgsjaeger) đi ngang qua ngay trước chỗ chúng tôi đang náu mình, tay nắm chặt đốc dao găm. Chúng tôi phải đợi rất lâu cho tới khi có tàu tới đón. Cuối cùng hai tàu vận tải tới nơi, nhận ra tín hiệu của chúng tôi và đón chúng tôi ở Mogilny.

Leonov được phong chức thiếu uý, được chỉ định làm chính trị viên đơn vị, và sau đó là chỉ huy trưởng của đơn vị. Ông nhận Ngôi Sao vàng Anh hùng Liên Xô đầu tiên của mình sau chiến dịch quy mô nhất của đơn vị, được tiến hành vào tháng Mười Một năm 1944. Trước khi chiến dịch tấn công chính ở mặt trận phía Bắc khởi đầu, đơn vị được lệnh phải tiêu diệt cứ điểm của quân Đức ở một vị trí chiến lược trên Mũi Krestovy.

Lần đó chúng tôi không tiến hành khớp được với giai đoạn canh gác lơ đãng của đối phương. Ngay vào phút chót, khi chúng tôi chỉ còn 30 hoặc 40 mét nữa là tới được boongke của bọn Đức thì hệ thống báo động của chúng kêu inh ỏi. Bọn Đức phát hiện ra, nã súng máy và đại bác vào chúng tôi. Khung cảnh xung quanh đều sáng rực, trong khi trước mặt chúng tôi là những bãi chướng ngại vật dày đặc hàng rào kẽm gai. Tôi đưa ra mệnh lệnh: mỗi người làm bất cứ điều gì có thể, phân thành những nhóm nhỏ. Nhưng tôi muốn TẤT CẢ các anh trong vòng một phút nữa có mặt tại vị trí khẩu đội pháo chỗ kia...

Ivan Lysenko, nhà vô địch môn đấu vật đến từ Urals và là người khỏe nhất đơn vị, trở thành người đã cứu chúng tôi tránh khỏi tổn thất nặng nề. Anh giật tung cái cự mã kiểu sừng hươu đang giữ mớ dây thép gai lên khỏi mặt đất và nhấc nó lên vai mình. Chúng tôi ùa qua lối thoát hiểm do anh vừa tạo ra. Khi Lysenko đã không thể đứng vững được nữa – thân mình anh đã bị trúng hơn hai mươi vết đạn – người cứu thương của chúng tôi Alexey Lupov liền tới giúp anh. (Xin đừng tỏ ý hoài nghi mỉa mai... anh ấy tới để giúp Ivan giữ vững cái cự mã...). Cả hai đều hy sinh, nhưng chúng tôi đã lọt tới chỗ đặt pháo và, sau khi chiếm được những khẩu pháo, liền dùng chúng nã đạn vào đối phương, bởi chúng tôi nắm rất vững cách sử dụng vũ khí nặng của Đức.

Kẻ địch cảm nhận rõ sức mạnh của chúng tôi. Tôi còn nhớ, vào những ngày đầu chiến tranh, có lần chúng tôi bắt được một tên sĩ quan Đức. Sau đó tôi về vị trí và đã thay đổi quần áo của mình. Rồi tôi chợt thấy người sĩ quan tình báo của chúng tôi chạy ra khỏi phòng, nơi họ đang thẩm vấn tên tù binh Đức, và tới nói với tôi: “Thật là một thằng chó chết! Nó không thèm nói lấy một lời, chỉ cười nhạo chúng ta.” “Nó sẽ phải nói...” Tôi bảo. Tôi quay đi và thay lại bộ quân phục đã mặc khi tôi bắt sống thằng giặc đó. Tôi bước vào phòng và nhìn thấy tên Đức đang ngồi bắt chéo chân hút thuốc lá. Tôi nói với người phiên dịch: “Hãy nói với thằng khốn nạn này (Tôi cho rằng thật ra ông ấy đã dùng một từ có nghĩa mạnh hơn nhiều -Valera) rằng những vị đô đốc kia sẽ bỏ ra ngoài, và ổn thôi nếu bây giờ họ chưa biết được những gì họ cần biết... bởi vì hắn sẽ phải ở lại đây một mình với tôi.” Và tôi quay đi rồi bước ra khỏi phòng. Thằng Đức lập tức khai ngay... Tôi đã nói với bọn Đức bằng tiếng Nga, và chúng có thể hiểu tôi còn rõ hơn là chúng có thể hiểu những người khác nói tiếng Đức. 

Đô đốc Golovko đưa ra một mệnh lệnh - "Chỉ huy đơn vị có toàn quyền tự chọn những người trinh sát cho riêng mình.” Do đó người ta không thể chỉ định bất cứ ai vào đơn vị của tôi. Tôi có mối liên lạc tốt với bộ phận nhân sự, và ở đó người ta gửi xuống những anh chàng rất phù hợp với nhiệm vụ. Tôi nói chuyện với họ và theo dõi xem họ phản ứng thế nào với những câu hỏi của tôi. Điều chủ yếu đối với tôi nằm ở đôi tay và ánh mắt của người được kiểm tra. Khi anh nhìn vào đôi tay của một người chính là anh đang nhìn sâu vào thực trạng tâm lý và nhân cách của anh ta. Tôi cần những người có đôi tay không cầm nắm những đồ vật trên bàn... luôn sẵn sàng hành động, đồng thời tỏ ra lạnh lùng bình tĩnh...

Mệnh lệnh đầu tiên của tôi sau khi trở thành chỉ huy đơn vị là chuyển người đại diện của Uỷ ban Đặc biệt (sĩ quan NKVD) ra khỏi đơn vị. Bởi nếu không thì mọi chuyện có thể sẽ diễn ra như sau: chúng tôi quay về từ một cuộc đột kích, còn anh ta ngồi ở sở chỉ huy và bắt đầu dò xét tất cả thành viên trong đội từng người một, hỏi xem những người còn lại đã hành động thế nào trong trận đánh. Nếu anh ta muốn biết thì cứ tham gia cùng chúng tôi! Trong trận đánh mọi người đều bộc lộ rõ bản chất của mình.

Sau đó tôi ra mệnh lệnh thứ hai. Vào thời điểm đó tôi biết rõ tất cả những kẻ chỉ điểm trong đơn vị, bởi vì họ đều tới gạ gẫm tuyển lựa tôi, và tôi đã nói “không” với sự dụ dỗ đó. Tôi tập hợp tất cả họ lại và bảo: "Hãy viết lên cấp trên tất cả những gì các anh muốn, cứ nghĩ ra bất kỳ thứ bệnh hoạn nào có thể tưởng tượng được... nhưng tôi muốn tất cả các anh biến khỏi đây trong vòng hai mươi bốn giờ.” Đấy là cách tôi đã dùng để tống khứ họ. Sau đó có một thành viên của Ủy Ban Quân sự tới nói với tôi, "Họ sẽ sớm bắt giữ anh vào bất cứ lúc nào”. Tôi trả lời, “Thế anh có mặt ở đây để làm gì?”  Anh ta nói, “Họ có thể tự quyết định mà không cần thông qua tôi...” Bây giờ thì tôi đã biết. Đấy cũng là cách mà chính những kẻ đó đã đẩy Lunin, sau này trở thành một thuyền trưởng hạm ngầm rất nổi tiếng, vào nhà giam. Tôi nói, “Tôi không cần anh bảo vệ cho tôi. Cứ cho tôi biết khoảng lúc nào thì việc đó xảy ra – và thả tôi tới Na Uy, tôi có thể chỉ huy đơn vị của mình từ chỗ đó. Cứ để họ thử lôi tôi ra khỏi đấy mà xem!” Anh ta chỉ cười và bảo, “Ồ, anh thật là một tay thích phiêu lưu.” Nhưng mỗi khi đơn vị cần hỗ trợ, anh ấy luôn giúp đỡ hết sức mình.

Thật ra, chúng tôi luôn là một đại gia đình. Ví dụ như lần chúng tôi đưa được trung uý Fedor Shelavin ra khỏi Mũi Mogilny... Anh ấy là lý do buộc chúng tôi phải dừng lại đó; cả hai chân anh đều bị thương. Anh ấy muốn tự bắn vào mình... để giảm bớt gánh nặng cho đồng đội. Nhưng tôi biết – nếu chúng tôi bỏ lại Shelavin, vào lần đột kích kế tiếp sẽ có ai đó nghĩ, “Thế đấy, nếu chúng ta đã bỏ rơi một sĩ quan chỉ huy bị thương thì trường hợp của mình chắc chắc cũng vậy.” Nếu ý nghĩ đó rơi vào đầu của một người lính, anh ta sẽ không thể chiến đấu được. Anh ta sẽ không bao giờ còn là một chiến binh thực thụ nữa. Ý nghĩ đó sẽ hành hạ và làm anh ngã lòng, bất kể anh có muốn thế hay không. 

Kể từ ngày Leonov trở thành chỉ huy đơn vị cho tới hết cuộc chiến, đơn vị của ông chỉ có 9 chiến sĩ hy sinh trong chiến đấu – 7 trong số họ là tại hàng rào kẽm gai trước Mũi Krestovy.

Tôi luôn đau khổ khi để mất đồng đội. Hãy hỏi bất cứ ai mà xem. Họ đều biết rằng tôi có thể chiến đấu vì bất cứ ai tới giọt máu cuối cùng. 

Dịch sang tiếng Anh: Alexander Ivanov (Donetsk)
Hiệu đính tiếng Anh: Michael J. Redd
Dịch sang tiếng Việt: Lý Thế Dân

Nikolai Dupak

Tháng Sáu năm 1941, lúc này tôi 19 tuổi, tôi đang đóng vai Andrei trong bộ phim "Taras Bulba" của đạo diễn Dovzhenko. Đại diện của trường quay đã tới Trường Sân khấu Rostov chỗ chúng tôi vào khoảng cuối tháng Ba. Tôi đã vượt qua được buổi diễn thử, và đúng một tuần sau thì nhận được bức điện tín: "Xin mời tới Phim trường Ukrfilm để diễn thử vai Andrei trong bộ phim 'Taras Bulba’. Aleksandr Dovzhenko." Một lời đề nghị tuyệt vời! Đó là một sự kiện đối với toàn trường: Dovzhenko! Ông đạo diễn đã làm những bộ phim "Shchors", "Bài thơ Đất mẹ", "Aerograd", người đạo diễn xuất sắc đứng đầu tất cả. Vậy mà đột nhiên ông ấy lại mời đến một tay Dupak nào đó.
Tôi bay tới nơi. Người ta đón tôi, sắp xếp cho tôi ở Khách sạn Continental trong một phòng sang trọng với cả bồn tắm. Không thể tưởng tượng được! Trước đây tôi chỉ được thấy người ta sống trong những cảnh thế này trên phim ảnh mà thôi. Và tiếp theo là: “Giờ hãy đi nghỉ đi, sáng mai một chiếc ôtô sẽ tới đón anh.” Chiếc xe tới đón vào buổi chiều, người ta chọn Đại lộ Brest-Litovsk để đưa tôi tới phim trường. Chúng tôi bước vào trong phim trường, người ta đưa tôi tới gặp một người đàn ông đang lúi húi bên một luống rau, mình mặc áo sơmi, quần dài và chân đi săngđan: "Aleksandr Petrovich, đây là Dupak đến từ Rostov." Ông ta nhìn tôi, chìa tay ra: "Dovzhenko." "Dupak." "Cậu đã đọc 'Taras Bulba' chưa?" "Rồi ạ." "Nó nói về cái gì nhỉ?" “À..." "Cậu có để ý khi những người Côdắc hy sinh, họ thường luôn nguyền rủa quân thù, và đồng thời ca ngợi tinh thần anh em đồng đội của họ không?” Tóm lại, ông bắt đầu kể cho tôi chuyện ông sắp sửa làm một bộ về tình bạn, lòng yêu nước, về những con người chân thật yêu đời. Tôi cảm thấy choáng váng! Dovzhenko đang bàn bạc những điều như vậy với tôi! Chúng tôi cùng đi dạo trong khoảng một giờ. Và rồi - diễn thử, và người ta chở tôi quay về khách sạn. Việc đóng phim bắt đầu với tôi như thế đấy. 
Chúng tôi không làm việc vào thứ bảy và chủ nhật. Người ta bảo rằng chúng tôi sẽ phải xem một cuốn phim nước ngoài và chúng tôi được yêu cầu tới phim trường vào 12 giờ ngày chủ nhật. Tôi đọc đi đọc lại một cuốn gì đấy, lên giường ngủ khá muộn, và giật mình thức dậy vì những tiếng súng nổ. Tôi bước ra ngoài bancông, cùng lúc người ở phòng kế bên cũng ló ra. "Cái gì vậy nhỉ?" – “Có lẽ Quân khu Kiev đang diễn tập”, và ngay khi anh ta vừa nói câu ấy - bất thình lình, cách đó khoảng 100 mét, một chiếc máy bay sơn dấu thập ngoặc quay vòng lại và nhào xuống ném bom cây cầu bắc ngang sông Dnieper. Lần đầu tiên trong đời tôi được trông thấy điều đó. Khi này là khoảng 5 giờ sáng. Trời nóng khủng khiếp, khoảng 30 độ. Tất cả các cửa sổ đều đang mở toang. Người hàng xóm mặt trắng bệch ra – hình như không có vẻ là một cuộc diễn tập. Chúng tôi đi xuống nhà. Chẳng một ai biết được chuyện gì đang xảy ra. Tôi đi bộ ra một trạm dừng xe buýt. Đột nhiên một đợt oanh kích nữa diễn ra. Bọn chúng ném một quả bom vào Chợ Do Thái, ngay vị trí mà ngày nay có một rạp xiếc. Đấy cũng là lúc tôi được lần đầu tiên trông thấy người chết. Tôi vội đi tới phim trường. Chúng tôi cùng nghe bài diễn văn của Molotov. Sự việc đã rõ ràng. Chúng tôi tổ chức một buổi mítting. Aleksandr Petrovich lên phát biểu và nói rằng thay vì dự định làm bộ phim trong một năm rưỡi, chúng tôi sẽ quay nó trong vòng nửa năm, và rồi quân ta sẽ đánh bại kẻ thù trên mảnh đất của chúng. Khí thế như thế đấy! Nhưng ngay ngày hôm sau, khi chúng tôi chuẩn bị bắt tay vào làm phim, cảnh đám đông do những người lính đóng được chuẩn bị từ trước đã không thể thực hiện được. Đấy cũng là lúc chúng tôi nhận ra một điều – đáng tiếc, chiến tranh sẽ kéo dài và khó khăn. Ném bom tiếp tục trong nhiều ngày tiếp theo, hàng đoàn người tản cư từ khắp nơi ở Ukraina đổ về. Tới ngày thứ hai hoặc thứ ba của chiến tranh, người ta đặt thêm mấy chiếc giường vào phòng của tôi, tìm cách tạo thêm chỗ trú cho những người lánh nạn. Người ta cũng bắt đầu đào các hầm trú bom bên trong phim trường. Chúng tôi đã chuẩn bị quay phim trong mấy ngày tới, nhưng rồi các đơn vị dân quân bắt đầu được thành lập. Ngoài tôi ra, Aleksandr Petrovich, Andreev và Oleinikov cũng gia nhập. Người ta chuyển chúng tôi tới Novograd-Volynskii. Khi chúng tôi tới đấy, tôi không gặp lại bất cứ ai trong bọn họ nữa, chỉ thấy toàn là công nhân và thợ máy. Đám chúng tôi tập hợp lại: "Những ai có trình độ học vấn đại học - bước lên hai bước, trung học - lên trước một bước.” Tôi không nghĩ rằng mình có trình độ đại học, do đó tôi chỉ bước lên một bước, và rồi cảm thấy tiếc, nên bước thêm lên một chút nữa. “Quay phải, quay!” – và chúng tôi được dẫn về doanh trại. Ở đấy người bắt đầu phân loại chúng tôi - chọn nơi gửi chúng tôi tới để huấn luyện. Người ta hỏi tôi xem có thể cưỡi ngựa được không. Tôi đáp “được”, và thế là họ đưa tôi vào một trường huấn luyện kỵ binh.
Chúng tôi đặc biệt bị tác động khi nghe bài diễn văn của Stalin phát ngày Mùng 3 tháng Bảy. Chúng tôi thực sự hiểu rằng tình trạng thất bại vừa rồi sẽ trôi qua. Người ta đưa chúng tôi lên tàu đi tới Kharkov. Từ đấy, chúng tôi tới Học viện huấn luyện Kỵ binh Novocherkassk. Người ta đào tạo chúng tôi trở thành các thiếu uý và trung đội trưởng. Chúng tôi phải học cách chiến đấu và kiến thức về ngựa. Tự chúng tôi phải chăm sóc cho ngựa - huấn luyện chúng, tắm rửa và cho chúng ăn. Trên hết, chúng tôi phải học kỹ thuật cưỡi, lên ngựa, ngồi trên ngựa chém đứt cành cây. Học cách nhảy lên ngựa khi đang chạy. Con ngựa của tôi có tên là Quả Mâm xôi - một con thú có tính cách rất bực mình. Giám đốc học viện quyết định lập ra hai đại đội, mỗi đại đội 150 người, và để chúng tôi không bị lần lẫn, ông ta phân phối ngựa cho các đại đội theo màu – ngựa hồng và ngựa đen.  Đấy là khi người ta lấy đi con Quả Mâm xôi của tôi và thay vào đó là con ngựa thần kỳ Orsik, về sau nó đã cứu mạng tôi. Cần lưu ý rằng tôi đã thoát chết tới ba lần nhờ những con vật cưỡi của mình. Người ta huấn luyện chúng tôi từ tháng Mười cho tới tháng Giêng. Tới tháng Mười Một hoặc đầu tháng Mười Hai, khi quân Đức đột kích tới Donbass, người chuyển chúng tôi tới trám một lỗ hổng tại mặt trận. Chúng tôi đổ xuống tại một ga nọ, và rồi đi ngựa suốt hai đêm để truy tìm kẻ thù. Tới cách nhà ga khoảng 50 kilômét, đội tiền tiêu đã bắt gặp bọn đi môtô, và đại tá Artemiev, chỉ huy trưởng, đã quyết định tấn công. Nhưng hóa ra ở đó không chỉ có bọn cưỡi môtô, chúng có cả xe tăng nữa. Chúng tôi bị đánh tan tác, thiệt hại mất hai mươi người. Tôi bị thương vào cổ họng, đành ôm chặt lấy bờm ngựa, và nó cõng tôi chạy mười một cây số tới sông Kal'mus, nơi có bệnh viện dã chiến của quân ta. Con ngựa đã cứu mạng tôi. Lúc đó tôi gần như đã bất tỉnh nhân sự. Người ta lôi tôi khỏi mình ngựa, phẫu thuật cho tôi, nhét vào đó một cái ống. Chúng tôi khẩn cấp quay về Novocherkassk, từ đó chúng tôi hành quân tới Piatigorsk để tiếp tục việc huấn luyện.
Mùng 2 tháng Giêng chúng tôi được tốt nghiệp, nhận hàm thiếu uý. Tôi cũng được thưởng huy chương vì trận đánh trên. Nhiều người trong bọn tôi - những học viên giỏi nhất - được gửi về Maskva, vào đại đội dự bị của Uỷ viên Công tố của Kỵ binh Hồng quân, Oka Ivanovich Gorodovikov. Người ta cho chúng tôi ăn uống không đầy đủ. Chúng tôi tiếp tục yêu cầu được đưa ra mặt trận. Tình cảm yêu tổ quốc trào dâng, đòi hỏi anh phải đi bảo vệ Đất Mẹ.
Nikolai Dupak
Cuối cùng người ta đã chỉ định tôi làm trung đội trưởng của Trung đoàn Kỵ binh Cận vệ 250, sau này đổi thành Cận vệ 29, thuộc Sư đoàn Morozov Cờ Đỏ số 11 mới thành lập ở Orenburg, thuộc Tập đoàn quân Kỵ binh số 1. (Sư đoàn Kỵ binh số 11 được thành lập tháng Chín năm 1941 tại Orenburg, tới cuối chiến tranh được đổi tên thành Sư đoàn Kỵ binh Cận vệ Morozov số 8, Cờ Đỏ Rovno, Huân chương Suvorov. Vào thời điểm vừa thành lập, sư đoàn được chỉ huy bởi Đại tá Mikhail Iosifovich Surzhikov. Tái biên chế thành Sư đoàn Kỵ binh Cận vệ số 8 ngày 19 tháng Giêng 1943. Ban đầu nó là một bộ phận của Tập đoàn quân (dự bị) số 60, sau đó được chuyển tới Maskva, vào Vành đai phòng thủ Maskva, tới mùng 4 tháng Giêng 1942 nó trở thành bộ phận của của Lữ đoàn Kỵ binh 16 (Riazan). Ngày 16 tháng Ba 1942 nó được chuyển về Lữ đoàn Kỵ binh 7 và chiến đấu trong Phương diện quân Briansk. - Aleksandr Kiian, RKKA web site) Chúng tôi được cấp mọi thứ. Nhân dân Orenburg trang bị cho chúng tôi rất đầy đủ: mũ lông, áo choàng dạ. Ăn vận đầy đủ lệ bộ, chúng tôi trông thật khác những đơn vị còn lại. Thậm chí chúng tôi còn được cấp sôcôla khi đã được phong tặng đơn vị Cận vệ. Hậu cầu rất đầy đủ, Chúng tôi được cấp 50g bơ, 500g bột ngũ cốc, 800g bánh mì, còn ngựa thì yến mạch hay cỏ khô. Cỏ khô được phân phối tập trung khi ở học viện, nhưng ngoài mặt trận chúng tôi phải tự đi kiếm những khi chúng không được chuyển đến. Anh phải cho ngựa ăn thậm chí trước cả khi chính anh được ăn.
Lần đầu tiên trong đời tôi được trông thấy súng chống tăng là trong trung đoàn kỵ binh. Một tuần sau khi tôi tới, chúng tôi khởi hành từ Maskva tới Phương diện quân Briansk. Ban đầu chúng tôi đặt những khẩu súng ấy trên yên ngựa và tất nhiên, như thế làm trầy xước sống vai của chúng và khiến chúng không thể đi tiếp được. Đề nghị hợp lý đầu tiên của tôi là đặt những khẩu súng kia trên xe trượt và kéo bởi hai kỵ binh. Khi ở Phương diện quân Briansk chúng tôi bị bao vây, và tôi được ban chỉ huy tuyên dương nhờ đã tổ chức sản xuất được hắc ín. Hắc ín rất cần cho bộ yên cương, và chúng mau chóng bị khô nếu không được thường xuyên được bổ sung. Tôi vẫn còn nhớ một tấm ảnh trong một quyển sách giáo khoa vật lý hay hóa học gì đó, tấm ảnh mô tả cách sản xuất hắc ín. 
Ngoài mặt trận tôi được chỉ định làm phụ tá cho trung đoàn trưởng. Thế rồi tôi bị thương, và khi quay trở về, tôi yêu cầu được chuyển vào một đơn vị chiến đấu. Tôi muốn tự mình trở thành một chỉ huy. Người ta cho tôi làm trung đội trưởng trung đội trinh sát. Không bao lâu sau tôi bị chấn thương vì sức nổ, nhưng sau đó tôi lại trở về được trung đội của mình. Tháng Giêng 1943 đại đội trưởng bị tử thương, và tôi được chỉ định lên thay vị trí anh ấy. Tôi kết thúc chiến tranh tại Merefa, nơi tôi bị thương, với chức vụ thượng uý, đại đội trưởng. Giờ nhớ lại tôi thấy thật ngạc nhiên, làm sao mình có thể chỉ huy một đại đội trong khi chỉ mới 20 tuổi? Đại đội có khoảng 120 người, cộng thêm một trung đội đại liên và một khẩu đội pháo 45mm. Tổng cộng 250 người cả thảy. Anh phải cho họ uống, cho họ ăn, và kiếm được cỏ khô cho ngựa của họ! Tất nhiên, tôi cũng được hỗ trợ bởi thực tế rằng trong kỵ binh chỉ có ít người trẻ tuổi. Bởi vì anh phải biết yêu con ngựa của mình, hiểu được nó, biết cách chăm sóc nó. Chúng tôi phải chăm sóc ngựa của mình, bởi nếu ngựa cưỡi không chạy được thì anh sẽ không còn là kỵ binh nữa. Sau một chặng hành quân dài anh không được cho ngựa uống ngay. Anh phải phủ cho ngựa một tấm chăn để mình nó nguội dần. Đó là cả một khoa học! Không có ngựa dự trữ, do chúng tôi luôn phải tiếp nhận lính bổ sung.
Kỵ binh trinh sát
Tháng Ba năm 1943 là mùa mà đường xá ở trong tình trạng cực xấu. Tập đoàn quân Rybalko (Tập đoàn quân xe tăng số 3 – Oleg Sheremet.) chọc thủng tuyến phòng ngự của địch ở Kantemirovka, và chúng tôi được chuyển tới trám vào đột phá khẩu. Chúng tôi chiếm được một nhà ga đầu mối trung tâm ở Valuiki. Tại đây, chúng tôi thu được nhiều toa tàu chất đầy thực phẩm và vũ khí đang chuẩn bị để vận chuyển về phía đông. Có lẽ, bọn Đức đã không mong chờ có một đòn đột phá sâu như thế.  Có khoảng sáu toa chất hàng đầy ắp tại ga này, gồm đủ thứ hàng, kể cả rượu. Vài tay lính nã súng vào một xitéc chứa rượu, hứng đầy một gà mèn và rồi chẳng còn gì trên đời này có thể làm cho họ chú ý được nữa. Người ta phong danh hiệu Cận vệ cho chúng tôi vì chiến công ở Valuiki, còn tôi được nhận một Huân chương Cờ Đỏ.
Chúng tôi tiến tiếp, và tại Merefa đã đối đầu với Sư đoàn "Wiking" vừa được chuyển tới. Chúng là những chiến binh hung tợn, cả về tầm vóc lẫn sự cuồng tín. Chúng không chịu rút lui. Tôi đã bị thương tại đây và được chuyển từ tiểu đoàn quân y về một bệnh viện ở Taranovka. Mọi giấy tờ của tôi đã được chuyển tới đấy, nhưng người quản mã của tôi đã nẫng tôi về đơn vị của mình. Bọn họ luôn tìm cách chăm sóc cho chỉ huy của mình. Chính điều đó đã cứu mạng tôi. Bọn Đức đột kích tới Taranovka và giết sạch mọi người – y tá, người bị thương và bị ốm. Ngoài ra, khi chúng tôi chiếm được Valuiki, ở đấy có điều kiện để chúng tôi chọn lấy ngựa cưỡi mới. Tôi ưng một con ngựa thồ, con này tôi đặt tên là "German". Tôi cũng tìm được ở đấy một xe trượt tuyết. Kovalenko, cần vụ của tôi, nhận trách nhiệm chăm sóc cả chiếc xe và con ngựa. Khi cậu ấy tới bệnh viện, chúng tôi vẫn chưa biết bọn Đức đang ở chỗ nào. Tóm lại, chúng tôi đang phi ngựa thì đột nhiên có mấy ngừơi lính xuất hiện ở rìa ngôi làng chúng tôi đang tiến tới, cách khoảng 150-200 mét. Chúng tôi muốn phóng băng qua ngôi làng, nhưng tôi nhận ra đó là lính Đức. Kovalenko mau chóng hiểu ra chuyện gì và lập tức quành con ngựa lại và bắt đầu phóng như bay. Tôi thật đúng là một thằng ngốc thiếu suy nghĩ. Khi con ngựa bị thương ở tai, nó sẽ hóa thành một con thú dữ thật sự - đó là vị trí nhạy cảm nhất của ngựa. Thế là tôi bắn một phát ngang tai con vật và có lẽ là trúng nó. Nó phóng mới nhanh làm sao! Băng qua những khe rãnh và xuyên qua cánh rừng. Sau lưng bọn chúng nã tiểu liên theo chúng tôi. Đấy là cảnh một con ngựa Đức đã cứu sống một sĩ quan Xôviết như tếh nào. Tuy nhiên, các vết thương ở chân và tay tôi hóa ra lại nghiêm trọng hơn tôi tưởng. Ban đầu người ta chuyển tôi tới Michurinsk. Tôi nằm một tuần ở đó, và rồi họ chuyển tôi về Bệnh viện Burdenko tại Maskva. 10 ngày ở đấy. Và rồi là Kuibyshev. Ở đấy khoảng 2-3 ngày. Rồi lại tới Chapaevsk, rồi Aktiubinsk. Có suy nghĩ rằng nếu anh có thể sớm quay lại chiến đấu thì người ta sẽ không đưa anh đi xa đến thế đâu.  Và rồi tôi được giải ngũ.
A.D. Có bao giờ ông tấn công trên lưng ngựa không?
Tấn công trên ngựa chỉ có ở trong học viện, chúng tôi chẳng bao giờ dùng tới gươm của mình, và thậm chí chẳng bao giờ đối đầu với kỵ binh địch. Đám ngựa ở học viện cũng được huấn luyện, đến nỗi thậm chí sau khi nghe tiếng hô "Ura!" thì chúng phóng tới, và t6át cả những gì bạn phải làm là gìm chúng dừng lại… Không, chúng tôi không tấn công trên ngựa. Chúng tôi xuống ngựa để đánh nhau. Những giám mã ở lại để nấp sau lũ ngựa. Tuy nhiên, đôi khi họ phải trả vì điều đó, do bọn Đức đôi khi nã súng cối vào họ. Cứ một tiểu đội 11 người thì có một giám mã. 
A.D. Các ông được trang bị ra sao?
Chúng tôi trang bị chủ yếu là súng carbine, nhưng tới đầu năm 43 thì người ta đã cấp cho chúng tôi súng tiểu liên.

Từ trái sang phải: tôi, trung đoàn trưởng Evgenii Leonidovich Korbus, tham mưu trưởng và chính uỷ. Tôi không nhớ tên những người này.
A.D. Ông có kể là ông đã được cứu mạng ba lần bởi con ngựa của mình.
Vâng, tôi đã kể cho anh rằng tôi được cứu sống bởi con Orsik và German. Sau con Orsik, ngựa cưỡi của tôi là con Cavalier. Một con ngựa tuyệt đẹp! Năm 1942, buổi lễ kỷ niệm một năm thành lập của sư đoàn tôi được tổ chức. Người tổ chức là Đại tá Surzhikov, trước đây từng là sĩ quan phụ tá của Voroshilov. Chúng tôi nêu lại những thành tích của Trung đoàn Kỵ binh 250, nơi tôi phục vụ. Sư đoàn trưởng cưỡi ngựa ra ngoài làng để gặp Rokossovskii – tư lệnh mặt trận, còn chúng tôi tập hợp thành đội hình và chờ đợi. Đột nhiên, tôi trông thấy một chiếc xe jeep chạy tới và Rokossovskii chui ra khỏi xe. Tôi ra lệnh: "Toàn trung đoàn! Chú ý!" Ngay khi tôi bắt đầu hô:  "Thưa đồng chí tư lệnh...", thì Surzhikov phi ngựa trở về! Tôi không dám báo cáo tiếp là chúng tôi đã sẵn sàng duyệt binh. Sau buổi duyệt binh trung đoàn trưởng, đại tá Evgenii Leonidovich Korbus, nói: "Tớ sẽ không đi tới Trung đoàn 253 để chúc mừng họ, tớ giao trách nhiệm lại cho cậu đấy.” Và thế là chúng tôi đi tới cùng Seryshev, trung đoàn trưởng Trung đoàn 253, và chúc mừng họ. Chỗ ấy cách chiến tuyến khoảng hai kilômét, tại vùng Bezhin Lug, Belev, Michurin. Đó là nơi Turgenev từng sống. Chúng tôi quay về. Đột nhiên, pháo kích bắt đầu. Chúng tôi có sáu người, và phát đạn cối đầu tiên rơi trúng ngay dưới bụng con Cavalier. Nó ngã vật ra như một cái bao tải, bụng bị xé toang hoác, nhưng tôi chỉ bị sức ép, và quân phục của tôi thì thủng lỗ chỗ. Nó đã chắn và nhận tất cả mảnh đạn vào người. 
A.D. Các ông có sử dụng các xe giàn tachanka không?
(Tachanka là một chiếc xe ngựa bốn bánh có gắn một khẩu đại liên phía sau, phổ biến với kỵ binh Nga trong thời Nội chiến – Oleg Sheremet.) Xe tachanka cũng được sử dụng. Chúng tôi có 4 chiếc, có gắn đại liên, hệt như của Vasilii Ivanovich [Chapaev, một anh hùng Nội chiến].
A.D. Chúng được sử dụng như thế nào?
Giống hệt như trong phim. Trong lần chạm trán với đám trinh sát địch nói trên, chiếc tachanka của chúng tôi chật vật quay ngược lại về phía bọn đi môtô và một chiếc xe tăng nổ súng vào nó! Mọi thứ tung thành từng mảnh – dây cương, người, ngựa… 
A.D. Mọi người có hay bị bệnh không?
Tôi không nhớ có ai bị bệnh không, nhưng lũ ngựa thì có.
A.D. Loại ngựa nào là thích hợp nhất cho nhiệm vụ? 
Chúng tôi lấy đi mọi loại ngựa. Vài con hoàn toàn không được huấn luyện. Xin nhắc thêm là ngựa có thể dạy được. Chúng cũng như con người, chỉ có khác là không biết nói. Lấy ví dụ, anh biết được một con ngựa đang giận dữ. Anh sẽ mang cho nó chút đường. Thậm chí nếu nó không muốn ăn, anh vẫn phải chìa ra cho nó, và nó sẽ sẵn sàng phục vụ anh. Anh càng quan tâm tới nó thì nó càng nghe lời anh. Tại Valuiki chúng tôi chiếm được những con ngựa kỳ lạ của một lữ đoàn bộ binh sơn dã Alp Italia (Alp là dãy núi nổi tiếng phía Bắc Ý – LTD). Tất cả chúng tôi đều vồ lấy chúng, nhưng về sau phải bỏ lại cả, bởi chúng không hợp cho hành quân dài hơi. Nói chung, đôi khi chúng tôi phải hành quân liên tục 120-150 kilômét chỉ trong một đêm. Chúng đơn giản là chết sạch.
A.D. Khi trời mưa thì hành quân như thế nào?
Trong mưa thì nước sẽ chà xát lên sống bả vai ngựa. Ngựa có thể bị thương và sẽ cần được chữa trị.  Đã có một tai nạn xảy ra làm chết chính uỷ của chúng tôi. Anh ta đang đi ngựa bên lề đường và dẫm trúng một quả mìn. Chân con ngựa của anh ta bị thương: nó đứng đó nhìn chúng tôi và khóc… Còn chúng tôi thì hiểu rằng con ngựa này không thể cứu được nữa, chỉ nhảy trên ba chân… Đó là sự kiện khủng khiếp nhất đời tôi.
A.D. Các ông đối xử với tù binh như thế nào?
Cũng khác nhau. Một lần tôi đi trinh sát và nhân tiện đi tìm cỏ khô. Bất ngờ tôi trông thấy một đoàn lính không vũ trang đang hành quân. Tôi phái hai trinh sát tới. Hóa ra đó là những người lính Italia đã trốn khỏi chiến tuyến và đang trở về nhà. Thế là chúng tôi bắt toàn bộ bọn họ đi cùng, khoảng gần 500 người. Thậm chí có hai tay lính Ý làm việc cho nhà bếp của đại đội tôi, nhưng rồi có một lệnh ban ra yêu cầu phải gửi tất cả tù binh về hậu phương. Bọn họ kể cho chúng tôi rằng tất cả đám sĩ quan của họ có đeo gươm, và khi chỉ huy của họ hô lệnh cho họ tấn công, anh ta vung gươm lên. Bọn họ hoan nghênh anh ta và hét lên "Bravo. Bravissimo." Tất nhiên, bọn họ không muốn đánh nhau. Và nói chung, người Ý không phải là những chiến binh. Họ là những con người tốt bụng hiền hậu. Một lần khác chúng tôi phải xử bắn sáu tên lính thuộc Sư đoàn "Wiking". Có lẽ chúng là đội tiền tiêu của một nhóm 12-15 tên, vậy mà bọn chúng giết gần hết một trung đội của chúng tôi tại một ngôi làng, kể cả anh trung uý, một người rất tuyệt vời. Rồi chúng tôi tìm cách bao vây chúng và giết một số, bắt sống sáu tên. Chúng được trang bị rất đầy đủ. Là những tên rất to lớn vạm vỡ. Có gia đình, có con cái. Đó là thời khắc rất khó chịu và tôi chẳng muốn nhớ tới nó, nhưng như thế là để trả thù cho những đồng đội vừa khuất. Về sau chuyện này đã bị khiển trách, nhưng không có ai bị ra tòa án binh. Nói chung là không có xét xử nếu chỉ bởi chúng là tù binh. Chúng tôi đã bắn những kẻ mà chúng tôi bắt sống ngay tại nơi chúng vừa gây tội ác. Chiến tranh và một điều thật tàn bạo. 
A.D. Ông nghĩ về quân Đức thế nào?
Quân Đức là đối thủ mạnh nhất. Đó là điều chúng tôi nghĩ về chúng. Rất quân nhân, chiến đấu thành thạo, nhưng lại là những kẻ vô cảm. Chúng giết chúng tôi nhiều hơn. Tất nhiên, chúng tôi dành được chiến thắng mà không quan tâm tới những tổn thất. Quan trọng là giữ vững được và rồi chiến thắng. Lũ hung ác nhất là bọn Vlasovite (Quân đoàn Giải phóng Nga của Vlasov – LTD). Khi chúng tôi giải phóng những ngôi làng, dân địa phương kể lại rằng họ có thể thương lượng với bọn Đức, nhưng không thể với lũ đó - "Mày là thằng Đỏ, đồ cặn bã Bolshevik". Rồi cướp đi mọi thứ.
A.D. Trong chiến tranh điều gì là khó khăn nhất?
Điều khó khăn vất vả nhất là khi chúng tôi phải hành quân 100 kilômét suốt một đêm. Chạy nước kiệu - rồi phi, chạy nước kiệu - rồi lại phi. Mệnh lệnh ban xuống liên tục: "Đừng tiếc ngựa! Đừng tiếc ngựa!” Bởi vì tới sáng chúng tôi đã phải có mặt tại một nơi khác. Trong điều kiện thời bình anh có thể bị ra tòa án binh vì đã cưỡi làm chết ngựa, nhưng trong trường hợp này thì anh lại phải thúc chúng chạy tới giới hạn tột cùng. Thời gian! Thời gian! Người ta ngủ gật và lăn xuống từ trên lưng ngựa. Còn ngựa thì gục xuống vì vỡ tim. Tôi cần nhấn mạnh là tôi thương hại lũ ngựa hơn những người khác. Con người có thể nằm xuống, nấp mình đâu đó. Họ có khả năng tránh né được những tình huống nguy hiểm. Anh là người có trách nhiệm ngồi trên yên, nhưng ngựa thì không thể làm tất cả những điều đó.
Ghi âm và hiệu đính: Artem Drabkin
Dịch từ Nga sang Anh: Oleg Sheremet
Ảnh lấy từ tư liệu của N. Dupak và Hồ sơ Cựu chiến binh Karelian
Dịch từ Anh sang Việt: Lý Thế Dân
280

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lich