#7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Nhóc học sinh bị trượt chân tên Bảo, lớp 4, không phải học sinh lớp của tôi. Lúc chúng tôi chạy xuống phòng của quản lí kí túc xá, tôi tá hỏa nhìn thấy tay chân thằng bé máu me lem luốc. Nhưng may mắn thay tất cả các vết thương đều chỉ là xây xát ngoài da, vì lúc trượt ngã ma sát với đất đá nên trông khá nghiêm trọng nhưng thực chất đều khá nông. Sau ba mươi phút sờ nắn kiểm tra đủ kiểu, tôi nghe bác sĩ Trường nói:

_ Bị trật bàn chân trái rồi. Còn lại đều ổn. – Bác sĩ Trường lấy cặp nhiệt độ được kẹp trong người Bảo ra. – 38 độ, bởi vì bị té sau đó phải chịu lạnh một lúc lâu nên phát sốt. Liên lạc với giáo viên chủ nhiệm báo cho người nhà đi.

Một y tá khác nhanh chóng tiếp lời:

_ Lúc nãy em đã gọi được cho GVCN rồi ạ, cô gọi PH xong sẽ báo lại ngay.

Tôi đứng ở ngoài cửa sổ nghe ngóng liền thở phào. May mà không bị gãy tay chân hay sứt đầu mẻ trán gì. Phải nói đường ở đây mặc dù vách không cao chót vót nhưng cũng khá dốc, lại không có đèn đường nên tối đui tối mù, may là có người nhìn thấy thằng bé, nếu không có khi phải chịu lạnh cả một đêm. Ban đêm ở đây đặc biệt lạnh, nhất là bây giờ đang cuối tháng 11, có đêm sẽ rớt xuống 14 độ C, cộng thêm gió ào ào cảm giác như 12 13 độ C.

_ Bác sĩ Trường, cô giáo của Bảo vừa gọi lại, ba mẹ của bé đều đang ở Pleiku rồi. Bé ở nhà với chú họ, nhưng bây giờ ba mẹ của Bảo đều không gọi được cho chú họ. Giờ vẫn cố gọi điện. Cô giáo có gửi số điện thoại của ba bé đây ạ.

_ Gọi cho ba bé đi, đưa anh.

Điện thoại vừa kết nối, bác sĩ Trường liền mạch lạc chậm rãi thông báo triệu chứng của bé, hơn nữa còn trấn an phụ huynh không cần phải gấp gáp lo lắng, nếu gọi được cho chú họ bảo chú ấy lên đây gặp bé cho đỡ lo cũng được, nhưng nên để bé ở lại kí túc xá tối nay chứ không nên chở bé về nhà nữa.

_ Ở đây có một đoàn bác sĩ y tá chăm sóc, anh chị không cần phải lo đâu ạ. Ngày mai em sẽ đưa bé đến trạm y tế chụp X-quang một lần nữa để chắc chắn là chân không bị gãy xương. Nếu anh chị sắp xếp được thì sáng mai đón bé ở trạm y tế là được rồi. Bây giờ trời tối đường dốc cũng nguy hiểm, gió lớn, bé lại đang sốt, nên để bé ở lại kí túc xá cho bác sĩ chăm sóc.

Giọng của bác sĩ Trường trầm ổn mà kiên định, thật sự khiến người khác có cảm giác vừa đáng tin vừa trấn tĩnh. Sau khi bác sĩ Trường cúp máy, liền nói với quản lý:

_ Thằng bé sốt cao, cháu không an tâm để về cho chú chăm sóc, tối nay cho bé ngủ lại đây một đêm được không chú?

_ Được, được. Nhưng bác sĩ định để ở phòng nào? Hiện tại có đoàn bệnh viện rồi có cả nhân viên công ty vẽ vẽ kia nữa nên phòng nào cũng chật ních hết. Phải lấy thêm nệm chăn trải ra dưới sàn á rồi cho nó nằm mới ấm được!

Tôi nghe tới đây thì liền lên tiếng:

_ Dạ, phòng cháu mới có 2 chị nhân viên về thành phố, bây giờ còn mình cháu à! Bác sĩ Trường cũng cùng tầng, để Bảo ở phòng cháu đi có giường đệm sẵn hết!

Bác sĩ Trường nhìn tôi một cái rồi nói:

_ Không cần đâu. Buổi tối có thể sẽ sốt nặng hơn. Sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của cô. Cứ để ở phòng tôi được rồi.

_ Phòng anh không phải có 2 cái giường của anh với anh Nhật thôi ạ? Vậy phải trải thêm nệm. Ban đêm phải trải chiếu dưới sàn, sàn lạnh lắm chứ không đùa đâu. – Tùng Minh lúc này cũng lên tiếng.

Tôi gật gù đồng tình:

_ Đúng rồi ạ, sàn xi măng nên buổi tối khuya lạnh lắm. Phòng em còn trống giường mà. Mấy cái chuyện ngủ nghỉ có gì đâu mà.

_ Để ở phòng Kiều An đi anh Trường. Xong nhờ chị Quỳnh hay chị Thoảng qua ngủ với Kiều An rồi xem bé thế nào luôn, anh khỏi qua.

Bác sĩ Trường chưa trả lời, chỉ bảo Tùng Minh vào phụ anh xử lí nốt mấy vết trầy và băng lại cổ chân cho Bảo. Bảo là đứa trẻ ngoan, nãy giờ nhóc chỉ im lặng, lúc bác sĩ xử lí vết thương mặc dù đau thằng bé cũng nén nước mắt, mặt mũi đo đỏ phờ phạc đáng thương. Mẹ bé gọi lại một cuộc nữa, bảo đã liên lạc được với chú nhưng chú ấy đi nhậu ở nhà bạn nên bây giờ cũng không còn tỉnh táo mấy, cho nên sáng mai bố mẹ bé sẽ chạy từ Pleiku về đón bé. Bác sĩ Trường đưa điện thoại cho Bảo nói chuyện với mẹ, không biết bên kia nói gì, nhưng Bảo đáng yêu sụt sùi chùi nước mắt đáp:

_ Dạ con nhớ rồi. Con sẽ nghe lời bác sĩ ạ. Mẹ đừng lo nhiều nha mẹ. Mai mẹ đến đón con sớm sớm nha.

_ Con không đau gì hết á, bác sĩ xức thuốc cho con hết rồi á mẹ.

_ Mẹ đừng lo nha mẹ.

Thằng bé nói mẹ đừng lo mấy lần rồi mới cúp máy. Vừa cúp máy, thằng bé đã mệt lả, yếu xìu nói:

_ Bác sĩ ơi, sao người có nó nóng nực quá, mà tay con thì lạnh ngắt à!

_ Không sao, con sốt nhẹ thôi, đợi một lát con ăn cháo xong uống thuốc là khỏi à.Giờ bác sĩ bế con lên phòng nằm nghỉ trước nha.

Bác sĩ Trường nói vậy, rồi nhẹ nhàng cúi xuống bế Bảo lên. Trẻ con ở đây đứa nào cũng gầy nhom nhỏ người, Bảo đã học lớp 4 mà trông như lớp 2 lớp 1, bác sĩ Trường dễ dàng bế bé trên đôi tay chắc nịch của mình, vững vàng đứng dậy, nhìn qua cô y tá đang đứng kế bên:

_ Đơn thuốc mà anh viết đó em tới phòng dược lấy đi, gọi báo anh Khiêm một tiếng nếu ảnh chưa về. Xong thì mang lên lầu 2 cho anh, phòng bên trái. – Sau đó anh nhìn qua Tùng Minh. – Còn em thì đợi ở phòng bếp cháo xong mang lên, xin thêm một bình nước ấm to nữa nha.

Cả hai " dạ " một tiếng rồi ai đi làm việc nấy. Bác sĩ Trường chào chú quản lý rồi đi ra ngoài, nhìn tôi:

_ Vậy tối nay làm phiền cô rồi.

_ Không phiền, không phiền.

Tôi nhìn Bảo hai mắt nhỏ ướt mèm trong lòng bác sĩ Trường, không hiểu sao cũng thấy cay cay mũi, cố để giọng mình nhẹ nhàng dịu dàng nhất:

_ Mệt không em? Ráng lên nha, mai là gặp bố mẹ rồi, đừng lo nhiều nha. – Sau đó tôi rất nhanh nhẹn lấy ra một cái rau câu trái cây hình cá heo mà tôi cực kì thích ăn, lúc nào trong túi xách cũng có mấy cái ra đưa ngay cho Bảo cầm. – Cho em nè, cầm chơi thôi khi nào khỏe người lên rồi ăn nha.

Bảo nhận được hai con cá heo rau câu một đỏ một xanh thì mặt vui hơn hẳn:

_ Em cảm ơn chị!

Xong xuôi tôi mới chỉnh lại túi xách áo khoác, nhìn bác sĩ Trường:

_ Được rồi ạ, đi thôi.

Sau khi cho Bảo ăn cháo uống thuốc, hơn nữa còn chườm khăn nóng, lau mình sạch sẽ cho bé đến mười một giờ hơn, bác sĩ Trường còn ở cạnh xem chừng cho đến khi Bảo thiu thiu ngủ mới thôi. Mọi việc đều do bác sĩ Trường tự tay làm, mặc dù Tùng Minh có nói là gọi thêm chị y tá tới ngủ cùng tôi, nhưng bác sĩ Trường từ chối, bảo hôm nay đội y tá phải đi hỗ trợ việc xịt thuốc khử trùng cho cả thôn nên đã mệt lắm rồi, không nên làm phiền các chị ấy nữa. Tôi ở bên cạnh cũng tình nguyện giúp đỡ đun nước thay khăn. Sau khi uống thuốc hạ sốt thằng bé ra mồ hôi rất nhiều, lúc này rất cần lau sạch mồ hôi lẫn giữ ấm cơ thể cho bé. Xong xuôi mọi việc, thấy Bảo bắt đầu ngủ say rồi, kẹp nhiệt độ lúc này là 37.3 độ, bác sĩ Trường mới về phòng, ra cửa còn dặn dò tôi:

_ Thằng bé ra mồ hôi nhiều vậy là hạ sốt rồi, bây giờ cô không cần phải lo gì đâu. Cô cứ ngủ đi, nếu có chuyện gì thì sang gọi tôi.

Tôi gật đầu lia lịa, nhìn bác sĩ Trường lúc này mới toát ra vẻ mệt mỏi, quầng thâm dưới mắt bác sĩ Trường dưới ánh đèn vàng le lói không hiểu sao bây giờ lại đậm hơn hẳn. Mái tóc ướt rượt do mới gội đầu còn chưa kịp khô lúc nãy của bác sĩ Trường giờ cũng đã ráo hẳn. Nghĩ lại mới thấy lúc gặp bác sĩ Trường mới về ở dưới sân nhìn anh ấy trông phờ phạc cực kì, mới lên phòng tắm một chút đã phải chạy xuống lo chuyện của Bảo. Lúc nãy khi các bác sĩ và y tá khác về tới nơi nghe chuyện có ghé phòng tôi thăm hỏi, có người còn bảo bác sĩ Trường về nghỉ đi để người khác chăm sóc Bảo, nhưng bác sĩ chỉ cười bảo là bệnh nhân của anh ấy, anh ấy đã đảm bảo với phụ huynh của bé thì tất nhiên phải chính tay lo cho bé rồi, mọi người cứ về nghỉ ngơi đi.

Lúc này nhìn bác sĩ Trường chậm rãi quay về phòng, tôi không nhịn được lên tiếng:

_ Bác sĩ Trường, anh cũng vất vả rồi. Bác sĩ cứ ngủ đi ạ, có chuyện gì em sẽ báo ngay.

Không ngờ anh nghe vậy lại nhìn tôi, sau đó gật đầu nhẹ:

_ Cảm ơn.

Một lời cảm ơn nghe dịu dàng biết bao. Tim tôi không nhịn được đập thịch một cái. Bác sĩ Trường, anh quá đẹp trai rồi! 

***

Nhìn thấy Bảo nằm ngủ ngon trên giường, hai tay thò ra khỏi mền còn cầm chặt hai cái rau câu cá heo tôi tặng, tôi thấy thương gì đâu, lại gần đặt hai tay gầy nhỏ như que củi đó vào lại trong mền. Cửa sổ phải mở hé cho thông gió, nhưng cũng vì vậy mà gió đêm lạnh lẽo cũng tràn vào theo, trong phòng không bật quạt cũng chẳng cần máy lạnh mà cũng rất lạnh.

Buổi sáng căng thẳng vụ của bé Vân, sau đó lại lo lắng cho Bảo, bây giờ mắt tôi cũng đã nặng trĩu. Mặc dù buồn ngủ lắm nhưng trong tiềm thức vì vẫn lo cho Bảo nên tôi không ngủ sâu như bình thường, nhắm mắt ngủ mà cứ chập chờn, có lúc tự thức dậy để qua xem tình hình của Bảo rồi mới ngủ tiếp.

Lần tiếp theo tôi thức dậy cũng đã 2 giờ 30 sáng, ngoài trời tối mịt, lạnh ngắt, tôi mơ màng mò qua sờ trán Bảo, thấy bé không hề sốt, hơi thở cũng đều, ngủ rất ngon, tôi mới yên tâm bò lại ổ chăn của mình. Vừa thiêm thiếp được một chút, tự nhiên một tiếng gào khiến tôi giật thót:

_ Bảo, thằng Bảo đâu! Mày đi nhong nhong ở đâu cho té rồi không thèm về nhà luôn! Mày hay ha! Tao phải lết lên đón mày mới chịu. Bảo. Bảo....

Gào tới tiếng Bảo thứ tư thì tôi tỉnh hết cả người. Kèm theo tiếng la ó còn có tiếng nẹt bô rầm rộ. Phòng tôi cửa sổ hướng về phía rừng cây nên không biết có chuyện gì, tiếng la ó huyên náo hình như vọng tới từ trong sân kí túc xá. Tôi vớ áo khoác mặc vội, thấy Bảo vẫn ngủ ngon mới yên tâm ra ngoài xem thế nào. Từ tầng hai cũng không có cách nào nhìn ra sân, mà loáng thoáng vẫn nghe tiếng la kèm theo tiếng nẹt bô xe cực kì to. Ở dưới tầng 1 cũng có người bị đánh thức nên nghe tiếng nói chuyện râm ran, cho nên tôi đi xuống xem chuyện gì.

Tầng 1 có ban công có thể nhìn ra sân, một số người ở tầng 1 cũng thức vì tiếng ồn nên ra ban công ngó, Tùng Minh cũng ở tầng 1, tôi thấy cậu ấy chạy từ ban công vào. Nhìn thấy tôi, Tùng Minh liền nhăn nhó:

_ Hình như là ông chú của nhóc Bảo đó. Ổng xỉn rồi hay sao á, quậy tưng tưng ở dưới kìa.

_ Xuống xem sao.

Cả hai đều ngái ngủ chạy xuống sân. Ngoài sân chú quản lý ký túc xá cầm đèn pin rọi vào người đàn ông đang la ó, còn người nọ thì đang ngồi trên xe hừng hực khí thế nẹt bô la lối. Tôi nheo mắt nhìn cho kỹ, là một người khoảng 27, 28 tuổi, tóc tai bờm xờm, râu ria lún phún, mắt đỏ gay. Chú quản lý chửi mắng nhưng anh ta chẳng thèm đếm xỉa.

_ Này, anh ơi, tôi là hộ lý lúc nãy đã chăm sóc bé Bảo. Anh tắt máy xe đi rồi nói chuyện.

Tùng Minh chạy lại nói.

_ Rồi thằng Bảo đâu? Sao không dắt nó xuống? Lạnh thấy bà nội mà để tao đứng chờ vậy đó hả? Thứ con cháu mất nết này!

_ Lúc nãy bác sĩ đã liên hệ với ba mẹ của Bảo và anh chị ấy có nói ngày mai sẽ đón bé ở trạm y tế rồi mà anh! Sao anh không ở nhà nghỉ ngơi còn chạy lên đây? Bảo đã hạ sốt và đang ngủ rồi.

_ Gì? Tao chạy lên đón nó! Kêu nó xuống đi về.

Chú của Bảo gắt lên, vẫn ngồi trên xe rồi nẹt bô chẳng biết để làm gì. Ở chốn rừng rú lúc 3 giờ sáng này mọi thứ đều yên tĩnh cực độ, cho nên tiếng bô xe của anh ta như thể xé trời xé đất, làm tôi đau hết cả đầu. Chú quản lý ký túc xá cũng rất bực, mắng mỏ:

_ Mày bị điên à! Đã bảo nó bệnh ngủ rồi, ở đây la la quậy quậy cái gì vậy? Nhậu xong thì cút về nhà ngủ đi, lên đây quậy không cho ai ngủ. Mày có điên không?

_ Gì? Ai điên? Ông mới điên đó cha nội. Bảo...thằng Bảo...đi về với chú mày nè...

Tình hình căng thẳng, cả chú quản lý ký túc xá lẫn Tùng Minh nhìn cũng như muốn nhào vô đấm hội đồng ông chú say xỉn này, tôi đành chạy lên nhẹ nhàng nói:

_ Anh ơi, bây giờ cũng khuya lắm rồi, bé Bảo đi ngủ rồi ạ. Hay anh cũng về nghỉ ngơi, ngày mai đến trạm y tế thăm bé ạ. Đường đêm gió lớn anh chở bé về cũng nguy hiểm.

_ Bà mẹ, đường đêm nguy hiểm thì tao lội lên chở cháu tao về còn không cho hả? Mấy người điên rồi phải không?

_ Dạ hay là anh cất xe ở trong sảnh rồi nghỉ lại ở đây luôn ạ rồi sáng mai bé Bảo dậy hai chú cháu cùng đến trạm y tế. Anh về một mình giờ này cũng nguy hiểm... - Não tôi xoay vòng vòng, tiếp tục dùng giọng điệu ngọt nhạt nhẹ nhàng như mỗi lần dỗ thằng em họ trái tính trái nết học.

_ Chú cháu tao có bệnh gì đâu mà đi lên trạm y tế? Mày có điên không? Hay ý mày là tao bị bệnh? Con quỷ cái này.

Tới đây đã hết sự nhẫn nhịn cực độ của tôi. Tôi vốn là dân thiết kế, cả ngày chỉ cắm đầu vào máy tính vẽ vời, về phương diện ăn nói thuyết phục không bằng ai, về mặt tính cách tất nhiên cũng không phải dạng khom lưng uốn gối biết lùi biết nhu biết nhẫn nhục. Tôi bắt đầu quạu lên rồi, máu trong người nó cứ cuồn cuộn hết lên. Tôi nhìn người đàn ông chỉ cao ngang ngửa mình, còn khệnh kha khệnh khạng không tỉnh, tính xem bây giờ nhảy lên đá vào người hắn một cái rồi nhào vào solo luôn thì tỉ lệ thắng là bao nhiêu. Nhưng không đợi tôi quạu thì mọi người trong kí túc xá ai cũng quạu, tiếng chửi từ trên tầng vọng xuống, có mấy người cũng đã đi xuống sân giải quyết, trong đó có cả bác sĩ Trường lúc này đã đến gần sát bên cạnh tôi, sau đó đứng kế tôi lớn tiếng nói:

_ Anh ăn nói đàng hoàng một chút. Bây giờ một là anh im lặng cất xe, ở sảnh kí túc trải chiếu ra nằm ngủ. Hai là im lặng chạy xe về. Đừng làm ồn người khác nghỉ ngơi. Tôi là bác sĩ của Bảo, tôi không cho phép cho Bảo về với anh đâu. - Bác sĩ Trường nói xong, vừa nhanh vừa dứt khoát tiến lại giật chìa khóa xe, chiếc xe ngay lập tức im ru không nổ máy nữa.

_ Mày tưởng làm bác sĩ ngon lắm à mà nghênh ngáo? Mày bác sĩ hay cướp giật thế? - Anh ta chồm người lên muốn giật lại chìa khóa nhưng bác sĩ Trường đã nhanh chóng lùi lại. Anh ta nhảy chồm chồm xuống xe muốn giành với bác sĩ Trường, nhưng một vài người đàn ông khác đã ngăn lại, những tiếng chửi rủa trên tầng vọng xuống to hơn.

Chú quản lý nãy giờ không thấy đâu tự nhiên chạy ra từ phòng quản lý cầm theo cây chổi quất về phía ông chú say xỉn:

_ Cút về! Đêm hôm không cho người ta ngủ. Mai tao gọi báo công an trên xã xuống hốt mày nha thằng quỷ. Giờ mày có về không hay để tao quật tét háng mày hả thằng ma men!

Người đàn ông cay cú hậm hực chửi thề vài tiếng, trừng mắt nhìn bác sĩ Trường, mà nghịch cái là bác sĩ Trường cao hơn anh ta cả cái đầu nên phải nghểnh cả cổ lên để trừng.

_ Đưa chìa khóa đây tao về!

Bác sĩ Trường lạnh nhạt ném chìa khóa xe về phía hắn. Hắn ta loạng choạng không chụp được, chìa khóa rớt xuống chân.

_ Tôi khuyên anh nên ngủ lại đây. Anh say như vậy, đường thì dốc, coi chừng lao xuống vách núi đó. - Một người trong đám thấy anh ta hí hoáy cắm chìa khóa mãi không được, tốt bụng nhắc.

Anh ta thì thô lỗ cự lại:

_ Kệ mẹ tao, thứ lắm mồm.

Mọi người thấy tính nết anh ta như vậy cũng chẳng thèm quan tâm nữa.

Rồ máy xe xong rồi, anh ta còn hậm hực chỉ vào mặt bác sĩ Trường:

_ Thằng bác sĩ láo chó!

Nói vậy xong liền rồ ga chạy vụt ra khỏi sân kí túc xá. Những người ở đó ai cũng tức điên hết lên. Người dân ở thôn này ai mà không biết bác sĩ Trường vừa tận tâm vừa chu đáo, lúc nào hết giờ ở trạm y tế cũng đến tận nhà người này người kia thăm khám. Từ ngày đoàn bác sĩ y tá về đây chữa bệnh, đi tới đâu cũng chỉ nghe người ta cảm ơn rối rít, chứ đâu phải nghe những lời lẽ nhục mạ như vậy. Mấy người đàn ông tức không chịu được cũng chửi rủa, bác sĩ Trường thì lại trông chẳng thèm để tâm:

_ Kệ anh ta, mọi người về ngủ đi. Phiền mọi người quá.

Mọi người bắt đầu giải tán, vừa lục tục về phòng vừa không nhịn được chửi rủa chuyện vừa rồi.

Tôi với bác sĩ Trường tất nhiên là đi chung lên lầu hai, tôi thấy anh dụi dụi mắt, sau đó còn ngáp một cái. Thật sự là dễ thương quá đáng, tôi nhịn không được cười khúc khích. Bác sĩ Trường nhìn tôi:

_ Bị chửi mà cô vui quá nhỉ?

_ Em đâu có cười tại bị chửi! Nãy mọi người không xuống là em nhào vào giáp lá cà với cha nội đó rồi. May cho ổng đó.

_ Chứ không phải cô bị mắng đến suýt khóc hả?

_ Ai khóc? Em mà khóc á! Đối với hạng người như vậy chỉ cần...bụp bụp bụp...- Tôi vừa nói vừa phụ họa động tác đánh đấm.

_ Không khóc thì tốt. - Bác sĩ Trường vừa lên cầu thang vừa nói. - Hình như lần nào gặp cô cũng thấy cô khóc lóc.

Tôi ngượng chín cả người, nhớ lại hình như đúng là như vậy. Hình tượng của tôi trong lòng bác sĩ Trường chắc hẳn là một con bánh bèo mít ướt chính hiệu có thể khóc ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, hơn nữa lúc khóc còn phát điên! Tôi cười gượng:

_ Đó là trường hợp đặc biệt thôi. Chứ bình thường em ít khóc lắm! Xui cái là những lần em khóc đều bị bác sĩ Trường thấy thôi. Trùng hợp thôi.

Đến trước cửa phòng tôi, bác sĩ Trường hỏi:

_ Bảo sao rồi?

_ Khỏe re, ngủ ngon lắm ạ.

_ Vậy tốt, cô cũng ngủ đi. Có chuyện gì thì gọi tôi.

_ Dạ. - Tôi dạ rõ to, không hiểu sao lúc này tinh thần tôi phấn chấn lạ thường.

Bác sĩ Trường cũng cảm nhận được nguồn năng lượng vui vẻ dồi dào lạ lùng của tôi, anh cau mày:

_ Rõ ràng tôi thấy cô rất vui sau khi bị chửi.

_ Không phải vui vì bị chửi đâu mà. - Tôi phản kháng.

Bác sĩ Trường không trả lời nữa, chỉ hơi khó hiểu nhăn mày một cái, rồi cũng vào phòng mình nghỉ ngơi. Còn tôi mang tâm trạng hí hửng không hiểu lý do, kiểm tra Bảo thấy bé vẫn ngủ ngon, tôi thì chẳng ngủ được nữa. Tôi ngồi lên bàn, rút ra tờ giấy A3 đã vẽ trong giờ học của bọn nhỏ trải ra. Nhìn hình ảnh bác sĩ Trường được mình phác họa bằng bút chì trên giấy, trong lòng tôi tràn đầy cảm khái với anh. Chỉ mấy ngày ngắn ngủi mà tôi đã có quá nhiều ấn tượng tốt với bác sĩ Trường, tận mắt nhìn thấy sự chu đáo tận tâm của anh với từng bệnh nhân, nhìn thấy anh vững chãi bế những đứa bé gầy nhỏ trong lòng, nghe giọng anh nói với bệnh nhân trầm ổn mà đầy ấm áp. Trong lòng tôi đầy những cảm giác sùng kính, giống như lúc nhỏ khi yêu quý thầy cô giáo nào đó, chứng kiến tài năng và tình cảm của họ, lúc này đây bác sĩ Trường cũng như thế, vừa tài giỏi vừa tốt bụng, khiến tôi không ngừng nhớ lại từng hình ảnh của anh từ lúc mới gặp tới bây giờ.

Sau đó tôi cảm khái kết luận, đúng là một người đàn ông tài sắc vẹn toàn.

Và nhảy lên giường chui vào ổ chăn ngủ tiếp cho đến sáng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro