#6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Buổi chiều sau giờ học, tôi mang mấy bức vẽ truyện tranh nghiệp dư của mình lên lớp tìm Lan, nhưng khung cảnh đông đúc làm tôi giật cả mình.

_ Ủa, mấy em làm gì ở đây đông thế?

Mấy đứa nhỏ ngước lên nhìn tôi rồi lại tiu nghỉu hí hoáy trên tập vở, hoặc nghịch những thứ đồ chơi của mình, không để tâm. Lan vẫy tay cười với tôi, cũng có mình con bé lên tiếng:

_ Hôm nay trên xã xuống kiểm tra vệ sinh với xịt thuốc chống muỗi nên tất cả tụi em phải ở lại trường đến tối mới về nhà ạ!

Tôi gật gù, nhận ra những lớp học khác cũng đều rất đông.

_ Ồ, vậy mấy em chơi đi, cần gì thì nói chị nha! – Sau buổi sáng nay bị chấn động bởi vòng kẽm gai, cộng thêm thái độ không mấy thân thiện của bọn nhỏ khiến tôi chẳng còn thấy hào hứng. Hơn nữa chính tôi cũng thấy việc bắt chúng phải học vẽ và tô màu ở hoàn cảnh này thật sự rất nực cười. Mấy bức tranh tôi vẽ cho Lan tạm thời không đưa được, bây giờ nhiều đứa nhỏ như vậy tôi lại chỉ đưa một mình Lan thì có vẻ không hay lắm.

Dù nghĩ vậy nhưng tôi vẫn lấy những hộp màu sáp được để trong góc lớp ra ngoài, hỏi:

_ Cái này là quà bên công ty chị. Mỗi em lấy một hộp về chơi nha, hoặc cho em các em chơi.

Tôi đi phát màu và giấy cho chúng. Có đứa cầm lên mở ra săm soi một chút lại vứt qua một bên. Có đứa không thèm động tới. Mấy bé gái có vẻ thích thú hơn, còn lấy ra tô tô vẽ vẽ một chút. Tôi trở lại bàn giáo viên, căng một tờ giấy A3 trên bàn, lấy bút chì ra bắt đầu vẽ vời. Tôi đã định sẵn nếu lên tới lớp học mà chẳng có đứa nhóc nào đi học, hoặc chỉ có mỗi Lan như ngày hôm qua, tôi sẽ ngồi lại vẽ tranh, cũng lâu rồi tôi không vẽ tay nên cảm thấy có chút cứng ngắc. Những nét phác họa đầu tiên, tôi bất tri bất giác vẽ lại cảnh tượng xuất hiện đầu tiên trong đầu mình, không ngờ lại là một người đang mặc áo blouse. Dần dần, tôi bị cuốn vào từng nét chì của mình, dáng người nọ lại càng lúc càng rõ nét, cao lớn vững chãi nhưng một cái cây to. Tôi đang tập trung cao độ, tự nhiên cảm thấy xung quanh mình hơi bí bách, ngẩng mặt lên lại thấy bốn năm đứa nhóc, có cả Lan, đang chăm chú nhìn vào bức vẽ của tôi.

_ Cô giáo, cô vẽ bác sĩ! Là các bác sĩ hay đến khám bệnh trong thôn nè! Cô vẽ bác sĩ nào vậy? – Một bé trai nhanh nhảu lên tiếng.

_ Lan biết đó, bác sĩ Trường nè, cô An thân với bác sĩ Trường lắm nè!

_ Chưa có mặt sao mày biết hả Lan?

_ Biết chứ, nhìn lại đi, y chang bác sĩ Trường luôn đó, tóc cũng giống nè! Cô An vẽ đẹp quá xá luôn.

Tôi giật mình nhìn lại, ngờ ngợ hình như mình trong vô thức thật sự đã vẽ bác sĩ Trường, vóc dáng cao lớn của anh, còn có chiếc cặp sách đựng đầy thuốc, một tay còn cầm đèn pin, dường như y hệt hình ảnh của anh ngày hôm đó cùng cô trở về trường từ nhà của Lan.

Tự nhiên tôi lại thấy hơi ngại, không hiểu tại sao mình lại đi vẽ bác sĩ Trường làm gì. Mấy đứa nhóc xung quanh vẫn còn đang đoán già đoán non, tôi nhanh chóng cuộn tờ giấy lại.

_ Cô định vẽ hết cả đoàn bác sĩ ấy mà, nhưng mới vẽ được có một người thôi. Mấy đứa muốn học vẽ không? Cô chỉ mấy đứa vẽ cái gì vui vui nhá!

Dù sao bọn nhỏ cũng bị bắt phải ở lì trong lớp tới tận tối, bây giờ bọn chúng đã bắt đầu thấy chán, cứ đi lòng vòng làm cái này cái kia, có vài đứa cũng bu quanh tôi nói nói cười cười, tôi phải nhân cơ hội mở đường cho hội họa xíu xíu để cứu vớt cái dự án từ thiện lệch lạc này mới được.

_ Chỉ bọn em vẽ con gấu đi cô! – Lan là người đầu tiên giơ tay nói.

_ Thôi, con cọp đi. Con cọp mới khó!

_ Con chó đi.

_ Con mèo.

_ Con ba ba...

Bọn nhỏ nhao nhao lên, tôi cười đến là hứng khởi, bảo:

_ Mấy đứa về chỗ đi, lấy giấy với bút màu hồi nãy chị phát để vẽ nha. Giờ chị vẽ lên bảng từng nét, mấy đứa ở dưới vẽ theo nha. Ai thích thì vẽ, ai không thích thì thôi nhe!

Mấy đứa nhỏ vây quanh tôi hí hửng trở về chỗ ngồi. Những bạn nhỏ khác có đứa thì lờ luôn, tụ tập nói chuyện, có đứa cũng tò mò nghểnh cổ lên xem.

Tôi bắt đầu dạy vẽ con gấu. Tất nhiên tôi đã đơn giản hóa nét vẽ lại chỉ còn chừng 5,6 nét là ra hình con gấu, tôi vẽ một nét lại nói huyên thuyên, vẽ được mấy nét lại đi lòng vòng chỉnh sửa từng đứa. Cuối cùng có 5 đứa nhỏ kiên trì theo tôi vẽ xong con gấu. Nét vẽ xiên xiên vẹo vẹo, nhưng tất nhiên là cực kì đáng yêu. Sau đó tôi để bọn nhỏ tô màu con gấu đó, còn mình thì tự đứng trên bảng vẽ thêm rừng cây, con suối, bầu trời xung quanh con gấu bằng phấn màu. Bọn nhỏ thích lắm, cũng cố gắng vẽ theo.

Ngày hôm đó với tôi kết thúc quá viên mãn, mặc dù không phải cả lớp cùng hưởng ứng, nhưng chỉ cần ba bốn đứa nhỏ trong đó cảm thấy thích thú với tô tô vẽ vẽ cũng đã khiến tôi cảm thấy như mình đã hoàn thành một nửa nhiệm vụ.

Bảy giờ tối bọn nhỏ mới được về. Tôi nhìn ngoài trời tối đen, không an tâm lắm, túm một đứa lại hỏi:

_ Đường tối thui à, mấy đứa tự về không sao chứ?

_ Dạ không sao đâu cô. Tụi con quen đường hết rồi, nhắm mắt còn đi được á!

Tôi nhớ đến con đường dốc tối thui thùi lùi không có đèn đường, lại nhìn bọn nhỏ lục tục đi về, có đứa có đèn pin, có đứa tay không, đứa nào đứa nấy ốm o gầy mò lần lần đi trong bóng tối, trong lòng tôi không lo không được. Nhưng một lớp gần ba mươi đứa, tôi muốn đích thân đưa về cũng là chuyện lực bất đồng tâm. Trường học xây trên một triền dốc, cách thôn một đoạn không xa, nhưng có nhiều đứa nhà ở ngoài thôn hoặc ở thôn khác xa hơn thì đoạn đường càng thêm khó khăn. Về phần giáo viên thì khác, kí túc xá ngay đằng sau trường, đi một lúc là tới.

Tôi đi lững thững tới dưới lầu kí túc xá, bụng đói meo cồn cào. Thấy một đồng nghiệp đi xuống từ trên lầu, nhận ra đồng nghiệp này chính là người đưa bé Vân vào bệnh viện ở Buôn Ma Thuột, tôi gọi lại để hỏi thăm tình trạng của bé Vân. May là con bé ổn, vết thương không bị nhiễm trùng, kết quả xét nghiệm máu cũng không có gì đáng ngại, nhưng hình như con bé sợ hãi quá, mặt mày cứ xanh mét, cấp trên đành khuyên con bé trở về thành phố.

_ Mình vừa mới từ phòng cậu ra nè, kiếm cậu với chị Hiền đó, mà không thấy hai người đâu. Tổ trưởng nói cậu hoặc chị Hiền đi theo đưa bé Vân về thành phố đi, rồi khỏi quay lại, lần này vẫn được tính công.

_ Mình với chị Hiền đều có lớp mà, một đứa về rồi ai thay?

_ Cần gì thay, cậu còn không rõ thái độ của mấy đứa nhỏ ở đây hả? Có đứa nào hứng thú gì đâu! Chủ yếu mình lên đây cho có thôi, rồi phát màu các kiểu, xong cuối tháng tổ chức lễ kỉ niệm, tặng học bổng cho bọn nhỏ là xong rồi. Có cơ hội về thì về đi, được tính công mà lo gì.

Tôi tất nhiên là không cần suy nghĩ gì cả, nói với đồng nghiệp là để chị Hiền về, mình ở lại. Đồng nghiệp còn suýt xoa khen ngợi tôi có tính hăng hái muốn cống hiến các kiểu, nhưng thật ra tôi biết rõ mình là đang trốn tránh không muốn gặp lại Hoàng Huân. Trốn trốn tránh tránh kiểu này thật sự rất mệt mỏi, nhưng còn hơn là nhìn vợ chồng son ân ân ái ái. Hơn nữa mấy ngày sống ở đây cũng ổn, không khí mát mẻ, điều kiện nơi ở vệ sinh cũng tương đối, ngoại trừ sáng nay bị một phen hú hồn thì tôi chẳng có gì để chê.

Chị Hiền nhận được thông báo, gói đồ đi Buôn MêThuột ngay buổi tối, để sáng mai cùng Vân về lại thành phố. Vậy là căn phòng vốnphải có ba người đông đúc xôm tụ thì giờ còn lại có mình tôi.

***

Giờ ăn cơm tối, tôi quyết định xuống phòng bếp ăn với mọi người. Để phục vụ cho đoàn bác sĩ lẫn đoàn tình nguyện cả công ty nên phòng bếp hoạt động gần như là cả ngày, một suất ăn 30 ngàn một món mặn một món rau một món canh, cơm lấy thoải mái, mùi vị so với khẩu vị người Sài Gòn hơn mặn một chút nhưng ăn cũng ngon. Một chị đồng nghiệp nghe tôi bảo cả Hiền với Vân đều trở về rồi, chị thốt lên:

_ Trời, vậy là tối nay em ngủ một mình! Ớn lắm nha. Cứ tối tới là gió hú ào ào. Phòng chị 2 đứa mà đứa nào đứa nấy sợ run bần bật. Em ngủ một mình được không đó?

_ Dạ được chị. Gì chứ mấy cái này em gan lắm.

_ Hay đứa nào chuyển qua phòng bé An đi.

_ Chuyến này đoàn mình đi có 7 nữ à. Vốn phòng bé An 3 người, hai phòng còn lại đều 2 người. Hay bé An chuyển qua hai phòng kia đi!

Tôi vội cười cười xua tay:

_ Thôi mọi người đừng lo cho em. Em không sợ gì đâu. Với lại phòng mấy chị hai người ở cũng ổn định mấy nay rồi, em vô lại tùm lum lên, 3 người cũng không thoải mái lắm.

Ăn cơm xong, tôi vác cái bụng no lủng lẳng ra ngoài sân hóng gió. Vốn dĩ cả phòng thiết kế F chỉ có một mình tôi đi nên tôi không thân thiết lắm với những người còn lại, ăn cơm xong ai về phòng nấy, tôi đành đi loanh quanh một mình. Chợt nhìn thấy cậu hộ lí sáng nay đưa Vân đi bệnh viện cũng đang ở trong sân bấm điện thoại, tôi lại gần trò chuyện rồi hỏi han tình hình luôn. Nói chuyện một hồi tôi biết cậu ấy tên Tùng Minh, bằng tuổi với tôi. Hai người đang nói luyên thuyên dần dà qua tới mấy chuyện khác với mục đích kết giao bạn hữu phương xa luôn thì Tùng Minh đột nhiên nhìn ra phía sau tôi, nói:

_ Anh Trường, anh ăn cơm chưa? Mới đi thăm bệnh về nữa đó hả?

Tôi ngoẹo cổ lại nhìn, ô hô, bác sĩ Trường đẹp trai lai láng nhưng mặt mũi hơi phờ phạc xách cái túi thuốc đi lại, anh trả lời:

_ Ừ, ăn ở nhà bác Diêu rồi.

_ Sướng quá sướng nha. Lần nào đi khám bệnh người ta cũng mời cơm. Toàn đồ ngon luôn. Mốt dẫn em theo cho em ké miếng nước canh! – Tùng Minh vui vẻ cười.

Bác sĩ Trường bĩu môi tỏ vẻ khinh bỉ:

_ Cứ 5 giờ chiều vừa hết giờ khám bệnh trạm y tế là xách đít chạy về trường nhanh nhất đoàn mà bây giờ kêu gào cái gì!

Tùng Minh gãi gãi đầu cười. Tự nhiên cậu ấy nhớ ra vừa mới quen tôi, chỉ ngay với bác sĩ Trường:

_ Anh, này là Kiều An bên Art K nè. Sáng nay là bạn cùng phòng của cổ bị thương, em đưa đi Buôn Mê Thuột đó.

Tôi cũng cười:

_ Tôi biết bác sĩ Trường mà. Trước đây còn là bệnh nhân của bác sĩ á! Xong lại trùng hợp gặp nhau ở đây.

_ Wow. Trùng hợp thiệt á. Trước cô bị bệnh hả? Bị gì thế? Bây giờ khỏi hẳn chưa?

Tôi đang định nói là bị rách đầu gãy chân, bây giờ tất nhiên đã hoàn toàn khỏe mạnh, thần kinh ổn định sức lực vô song thì đã nghe bác sĩ Trường nghiêm túc lên tiếng:

_ Bị đau tim, cần thay tim nhưng chưa thay được. Bây giờ có lẽ vẫn chưa khỏi hẳn.

Tôi câm nín nhìn bác sĩ Trường trân trối. Hơ, tôi biết anh là bác sĩ, não anh ghê gớm lắm, đến cả lời bệnh nhân nói lúc tinh thần bất ổn cũng nhớ rõ, nhưng mà lấy ra châm chọc như này có phải là làm sứt mẻ y đức của anh không vậy!

Cùng nhau đi lên cầu thang, tôi ấm ức không chịu nổi, mỉa mai:

_ Lời bệnh nhân nói ra lúc không tỉnh táo, anh có cần ghim sâu vậy không?

Bình thường tôi đối với bác sĩ Trường hết mực tôn trọng, một câu "Bác sĩ Trường", hai câu "Bác sĩ Trường", dạ dạ vâng vâng ngọt lịm, nhưng bây giờ tôi chẳng tha thiết gì nữa, cảm thấy hình tượng đứng đắn nghiêm chỉnh của anh sụp đổ không ít.

_ Không phải là ghim sâu, mà là nhớ kỹ.

_ Có nhớ kỹ cũng không nên lấy ra mỉa mai tôi. Chuyện đó có gì vui chứ? – Tôi dậm chân chắn trước mặt anh, đứng ở bậc thang cao hơn anh một bậc, muốn tạo hiệu ứng đàn áp từ trên cao liếc xuống, nhưng ôi giời, khoảng cách chiều cao quá lớn, bây giờ mới mắt đối mắt với anh, lùi lên một bậc còn kịp không?

Mắt đối mắt ở một độ cao bằng nhau, tôi càng thêm cảm thán màu mắt của bác sĩ Trường đẹp khỏi chê, dưới ánh đèn lập lòe vàng vọt ở cầu thang sự càng lay động lòng người.

Nhưng tất nhiên ngoài mặt tôi vẫn tức tối.

_ Không có gì vui. Là lỗi của tôi, sau này sẽ không nói như vậy nữa. - Anh nhẹ giọng thả một câu hững hờ, rồi né qua bên cạnh, thong thả tiếp tục bước lên cầu thang.

Tôi bị đứng hình vài giây trước sự thẳng thắn nhận lỗi của bác sĩ Trường, mặc dù thực chất tôi chẳng cảm thấy tí ti chân thành nào trong câu nói đó. Nhưng người ta đã nói xin lỗi, chẳng lẽ mình còn mặt nặng mày nhẹ, mà thật sự chuyện đó cũng không phải vấn đề đáng để làm lớn lên.

Tôi lại bắt kịp bước chân của bác sĩ Trường, nhưng chúng tôi không nói gì cho tới khi mạnh ai người nấy rẽ về phòng của mình. Vừa mở cửa phòng chưa kịp vào, điện thoại trong túi áo khoác tôi kêu không ngừng, tôi đứng ngay ở cửa phòng lấy ra xem, thấy là Quang Anh thì bắt máy liền.

_ Alo, sao đấy?

_ Alo bro, chết chưa vậy? - Cái giọng đáng ghét của Quang Anh vang lên.

_ Này, cần nhắc cho mày nhớ giờ mày là bác sĩ rồi không? Y đức của mày chó gặm à?

_ Trời, ai thồn thuốc nổ vào họng mày à? Nóng thế!

Tôi thở phào một hơi, quả thực lúc nãy vẫn còn một chút bực mình với bác sĩ Trường, nhưng thô lỗ với Quang Anh cái là trong người thấy thoải mái hơn hẳn.

_ Rồi mày gọi chi vậy?

_ À, tao hỏi thăm, xem mày thế nào, khỏe không, đại loại thế!

_ Màu mè, cúp máy đây.

_ Ê khoan...

_ An, là anh! - Giọng nói quen thuộc chen vào khiến tôi ngừng động tác ngắt máy, tim cũng ngừng mất một nhịp.

Tôi bấu nhẹ một chút vào tay mình, dặn lòng phải bình tĩnh.

_ Anh Huân, có chuyện gì không anh?

_ Anh có chuyện muốn nói. Sao em chẳng bao giờ để anh được nói đàng hoàng với em ấy nhỉ? Anh gọi điện thì không bắt máy, ai gọi em cũng bắt máy. Em né anh. Anh cần một lí do đàng hoàng cho sự lạnh nhạt của em chứ.

_ Này, ai lạnh nhạt? Công việc của em bận lắm! Em cũng không nghe máy nhiều người khác, làm sao anh biết được em nghe hay không? Em thật sự rất bận, không phải lúc nào cũng kè kè điện thoại. Với cả, nếu em có lạnh nhạt thật, thì anh cần biết lý do chi vậy, em cũng không phải bạn gái anh!

_ Hay nhỉ? Thế anh là người ngoài à? Anh gọi hỏi thăm em gái một chút cũng không được, muốn gặp mặt thì thôi khó hơn lên trời! Rồi em giận gì anh thì nói thẳng đi. Giữa anh với em còn xa lạ hay sao mà em cứ phải tránh với né.

Lần này tôi bực mình đến phát điên. Anh với em chính xác là người xa lạ, chúng ta làm gì có quan hệt huyết thống mà anh em! Đúng lúc tôi sắp gắt lên rồi thì lại thấy Tùng Minh chạy từ cầu thang vụt lên, mặt đầy hốt hoảng gấp gáp. Nhìn thấy tôi, cậu ấy liền hỏi:

_ Ủa Kiều An, cô cũng ở tầng này hả? Vậy bác sĩ Trường chắc ở phòng này đúng không?

Tôi đành hạ điện thoại xuống trả lời:

_ Đúng rồi, phòng bác sĩ Trường đó.

Tùng Minh ngay lập tức gõ cửa ầm ầm:

_ Anh Trường, anh Trường, có chuyện rồi! Nãy giờ em gọi cháy máy sao anh không bắt máy! Anh Trường...

Tôi thấy nét mặt nghiêm trọng của Tùng Minh, có vẻ là chuyện rất gấp, tôi cũng không muốn nói nhiều với Huân nữa, đành giả bộ nói:

_ Ở khu KTX có chuyện gấp, mình nói sau đi. - Sau đó nhanh chóng cúp máy.

Tôi chạy lại, hỏi thăm:

_ Sao thế? Có chuyện cần bác sĩ Trường hả? Anh ấy vừa mới vào thôi, sao không mở cửa nhỉ?

_ Một đứa nhóc bị trượt chân té xuống vách núi trên đường về nhà, người đi đường thấy mới cõng nó chạy tới đây. Hiện tại các bác sĩ đều đang đi thăm bệnh chưa về, chỉ còn mỗi bác sĩ Trường ở KTX thôi. Tôi gọi điện thì không thấy bắt máy, không biết ảnh làm gì...

Cạch.

Bác sĩ Trường đầu tóc ướt rượt, quần áo đã được thay thành áo thun và quần dài thoải mái, cầm theo cái cặp đựng đồ nghề của mình.

_ Đi thôi.

_ Ấy, nãy giờ anh làm gì vậy?

_ Tắm.

Bác sĩ Trường đi nhanh xuống cầu thang, Tùng Minh chạy theo sau, tôi cũng chạy theo. Nghe thấy là một học sinh trên đường về bị ngã, tôi ngay lập tức nghĩ đến đám học sinh lúc tối, chính tôi cũng đã lo lắng bọn chúng đi về trên đường sẽ gặp chuyện. Lòng tôi lúc này không hiểu sao cũng nóng bừng ngứa ran như kiến bò trên chảo lửa, im lặng chạy theo hai người, có khi còn giúp đỡ được chuyện gì đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro