🪔Chương một. Quỷ tha ma bắt (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Ốm đau chạy chữa thuốc thang,
Đừng đi coi bói mua vàng cúng ma."

Một ngày bình thường vẫn như mọi thường, quán nước của lão Kình vẫn lắm người qua kẻ lại như mọi khi. Nào phú thương đào hát, nào học trò văn nhân, thôi thì kẻ bần người quý hạng người nào cũng có. Song lão chẳng thiết tha gì chuyện buôn bán, bao nhiêu là việc lão giao tất vào tay thằng con trai cả, còn mình thì lại phe phẩy cái quạt mo nằm đong đưa trên võng tre.

Hai mắt lão cứ trân trân nhìn lên cao xanh*, thi thoảng lại vuốt vuốt bộ râu bạc phơ ra điều đăm chiêu lắm. Hỏi rằng lão hàng nước đang trăn trở điều chi mà nom sầu não thế người khách qua đường chỉ nhận được cái tặc lưỡi chán chường. Không hỏi được thằng cha, vị khách nọ chẳng lấy đó làm mất hứng mà quay sang thắc mắc với ông con.

- Có đứa nào ăn hết của nhà cha mày đấy à?

Nghe thế thằng Ngự cười hềnh hệch nửa đùa nửa thật nói với ông khách quen.

- Cha cháu hôm nay thiếu bạn hiền, bác thông cảm.

- Bạn hiền ấy à? Lão ấy thì còn có ai làm bạn hiền? Chả có lẽ lại là...

Ông khách chưa kịp nói hết câu thì thình lình lão Kình đã bật dậy từ trên võng, hai tay lão chống nạnh gân cổ hướng về phía xa.

- Bồi! Thằng Bồi! Mày đi đâu mà hớt ha hớt hải thế hử?

Phóng tầm mắt về nơi xa xa, ông khách thấy một đứa trẻ tuổi trạc mười ba đương vắt chân lên cổ mà chạy, vừa nghe tiếng ai gọi với theo sau lưng thằng bé như giật thót quay đầu nhìn lại, cũng vì thế mà suýt chút nữa nó đã ngã bổ nhào ra đất.

- Cháu, cháu, cháu... Ôi giời ạ! - Rõ là Bồi muốn nói nhưng nó lại chẳng biết nói từ đâu, lời giục giã của tri huyện vẫn còn vang trong đầu khiến nó chẳng tài nào bình tĩnh nổi. - Cháu đi đón khách của quan huyện!

Lắp ba lắp bắp nửa ngày giời cuối cùng nó bỏ lại một câu không đầu không đuôi, lão Kình chưng hửng chỉ biết chậc một tiếng ngán ngẩm nhìn thằng bé con cắm đầu cắm cổ lao đi như tên bắn.

- Mẹ cha nó, làm cái gì mà cứ như ma đuổi, ở lại kể xong rồi hẵng đi xem nào.

Vâng, như lời ông khách nói, lão Kình chẳng có ai làm bạn hiền, ngoại trừ cái thằng ranh con ở đợ nhà tri huyện.

Chẳng là lão Kình có thói hóng hớt, lâu dần nó hóa thành tính rồi ngấm vào xương, lão mở cái hàng nước này âu cũng vì muốn canh me nghe lỏm thiên hạ đàm tiếu sự đời. Từ trăm chuyện oái oăm nơi miền quê hẻo lánh cho tới lắm tai tiếng của vua quan nơi kinh kì, toàn những chuyện xa xôi chẳng liên quan đến lão, ấy thế mà lão vẫn muốn nghe, và mỗi khi được dịp là lão lại nghe một cách chăm chú mê say. u cũng là cái thú của tuổi xế chiều.

Phàm đã là phường buôn thì hẳn đã có mối quen, cái mối của lão ấy chính là thằng Bồi. Cái đứa nổi tiếng ba hoa chích chòe nhất xã, miệng nó so với chiêng trống tù và còn có phần nhỉnh hơn, cứ hễ có chuyện gì nó biết thì cả cái làng cái tổng này phải biết theo. Cũng bởi thế mà nó được lão Kình quý y như con đẻ, khác chăng là lão chẳng chửi nó như chửi thằng Ngự con lão mà thôi.

Ngày thường thằng Bồi hay trốn việc nhà quan huyện ra hàng nước xum xoe ngồi tán gẫu với lão Kình, nó sẽ than thở với lão đủ thứ thói xấu của bà huyện, rồi lại kể lão nghe về dăm vụ kiện cáo nó nghe được miệng quan ông, lão đã quen thế rồi nên thành thử mấy ngày nay thằng Bồi không còn ra đây nữa, lão cứ thấy thiếu thiếu thế nào.

Nhưng kể cũng oái oăm, nhà tri huyện có gần chục đứa người ở có thấy đứa nào bận đến nỗi sớm nào cũng phải chạy sấp chạy ngửa như thằng Bồi mấy hôm nay đâu?

- Có cái chuyện gì mà nháo nhào hết lên thế kia chả biết. Hay là thằng huyện lại cưới con? - Lão Kình vuốt vuốt chòm râu tự hỏi.

Thằng con lão thấy cha như thế thì cũng chỉ cười xòa.

- Còn lâu cha ạ. Cậu Thắng còn mải chơi chán. - Nói đoạn Ngự đặt ấm chè xuống chõng, nghĩ ngợi. - Mà hình như con nghe bảo từ hôm đi đám cỗ về cậu ta đổ bệnh, ông huyện cho mời thầy lang cắt mấy thang thuốc sắc uống mà không đỡ...

Nghe thế lão Kình cười khẩy.

- Gớm, con nhà ấy béo như trâu mộng, khỏe như vâm thế mà còn học đòi ốm với chả đau.

Ngự gật gù coi như đáp lời cha, hắn đã quá quen với thái độ này của cha mình khi nói về tri huyện. Dẫu gì cũng là bạn cũ cùng một thầy dạy, lão Kình chẳng sợ thằng huyện chết dẫm ấy sẽ dám gô cổ lão vì tội báng bổ người nhà quan, vả lại đây cũng chẳng phải lần đầu lão chửi trên đầu bọn quan lại.

- Ờ, rồi như nào nữa?

- À thì, con thấy hình như ông huyện đang tìm thầy bói về xem bệnh cho cậu Thắng.

- Ai bảo mày thế? - Lão Kình cứ ngỡ tai mình nghễnh ngãng nên nghe nhầm.

Giá như bây giờ lão là thằng Ngự thì lão sẽ biết bản mặt già nua của mình có biết bao nhiêu tếu táo khi cái miệng đã há hốc đủ nhét vừa một chùm sung, còn đôi mắt thì trợn ngược lên như thể vừa nhìn thấy một thứ gì ghê gớm lắm.

- Con nghe mấy đứa người ở bên ấy nói chuyện. Chả phải chúng nó vẫn hay gánh nước đi qua ao nhà mình là gì.

Thế rồi chẳng được mấy chốc ngỡ ngàng, trước cả chục con mắt, lão Kình vỗ đùi đen đét, cười phá lên:

- Thằng già ấy cũng có ngày hôm nay cơ à? Chả phải chính nó là người triệt đường sống của mấy lão thầy bói đấy sao?

Khách khứa uống nước ở quán nhà lão người quen kẻ lạ đều có cả, ai ai cũng đều tròn mắt ngạc nhiên nhìn cha con thằng Ngự làm hắn ngại muốn độn thổ. Giời ạ, cha hắn chỉ chăm chăm đâm chọc ông huyện mà quên mất trong vụ này thằng con trai quan huyện là kẻ đáng thương.

Có bệnh thì vái tứ phương, hẳn là con trai tri huyện phải bệnh nặng lắm thì một người không thờ thần bái phật như ông huyện mới phải sai gia nhân đi xa mời thầy. Cả cái huyện Trường Hà này ai mà không biết quan huyện Ngô Thăng là người ghét trò mê tín dị đoan, từ cái lúc ông ta leo lên được cái chức tri huyện thì không thầy bói thầy bùa nào làm ăn được chi hết, thế là họ cứ thế bỏ xứ mà đi thôi. Bởi có mỗi cái nghề kiếm miếng ăn mà động chút là bị lính nhà quan bắt chẹt rồi thu tiền thì bố thằng nào mà sống cho nổi.

- Ơ thế thằng con lão bị cái gì mà đến nông nỗi ấy?

Sau khi cười cho thỏa cơn cuối cùng lão Kình cũng bày ra vẻ mặt đăm chiêu. Thằng Ngự cũng chỉ là nghe chuyện từ miệng người khác nên khi nghe cha hỏi chỉ đành lắc đầu tỏ ý không biết.

Khéo thế nào có một bà thím vừa buông gánh hàng dừng lại chợt nghe tiếng, bà ta thuận mồm bảo:

- Nghe đâu là bị vong hành đấy. Uống cho đẫy rượu vào xong nói năng bậy bạ thì ma nó theo về nhà, có vậy thôi.

Giọng điều hằn học của người đàn bà khiến lão Kình lấy làm lạ, cả cái làng thậm chí là cả huyện này được mấy người dám thái độ rành rành ra vậy với chuyện nhà quan huyện.

- Thế cớ sự đầu cua tai nheo nó ra làm sao, bà kể tôi nghe với xem nào. - Thằng Ngự thoáng thấy hai mắt cha mình sáng lên, đầu lão Kình rướn ra phía trước, chỉ thiếu nước viết lên mặt hai chữ "hớn hở". Ôi dào, cứ như là vớ được vàng không bằng.

Người đàn bà gánh hàng rong thở hắt ra một hơi mệt nhọc, bà ta vuốt tóc mai, xắn tay áo hùng hổ ngồi xuống.

- Đằng ấy cho đây xin ngụm nước, cuốc bộ cả quãng xa mệt bở hơi tai, cổ họng rã cả ra rồi thì kể lể cái gì được nữa?

Ấy thế là lão Kình đã tìm được mối buôn chuyện mới, lão chăm chú ngồi nghe bà thím kia kể chuyện, hăng say vô cùng. Mà chẳng riêng mình lão, đến ngay cả thằng Ngự và mấy vị khách bên cạnh cũng vểnh tai lên nghe lỏm. Phàm đã là chuyện ma cỏ thì có mấy người dằn xuống được cái tò mò đang sục sôi trong lòng?

Sự việc cậu cả nhà tri huyện bị vong hành qua lời người đàn bà nọ li kì như một câu chuyện cổ, nghe còn hay hơn thầy đồ dạy đám trẻ, ả đào hát kịch trong phường, chẳng một ai để ý ở nơi khuất bóng có kẻ đang nhìn họ một cách chăm chú.

- Thế nào? Cậu có đi không? Tôi nghe bọn cô hồn bảo lão tri huyện chuẩn bị sẵn lễ hậu tạ cho ai chữa được bệnh của con trai lão rồi đấy.

Cảnh cau mày chậc một tiếng.

- Chịu.

- Ô hay, có tiền đấy! Chẳng phải cậu thích tiền nhất còn gì. - Con quỷ nhỏ vắt vẻo trên cành đa dẩu môi cao giọng.

- Có thôi ngay không thì bảo. - Giọng chàng gắt gỏng.

Không biết con quỷ này từ đâu chui ra mà lắm mồm thế chả biết, nó đã theo Cảnh từ lúc chàng vừa rời Đông Kinh, hễ cứ đi qua chốn nào có chuyện là nó xúi chàng chen chân động tay vào, mỗi lần nó nói là Cảnh cứ như bị bỏ bùa mê thuốc lú mà làm theo.

Thế rồi túi tiền của chàng cứ rủng rỉnh luôn luôn. Song việc Cảnh lo chuyện bao đồng đã đem đến cho chàng không ít rắc rối. Đáng lẽ bây giờ chàng đã đặt chân đến phủ Xương Bình nhưng lại vì ba cái chuyện ma cỏ vặt vãnh trên đường níu chân nên cứ nấn ná mãi ở huyện Trường Hà. Nếu thầy chàng còn sống thì hẳn lão sẽ bảo rằng kiếp trước chàng có nợ ở đây nên kiếp này mới bị giữ lại để trả nợ.

Cũng chẳng biết là chàng nợ tình hay nợ tiền cái đất này mà cứ đi chục bước là lại gặp chuyện ma quỷ hoành hành, phải ở nơi khác là chúng nó đã hồn xiêu phách tán từ lâu vì mấy gã thầy pháp, mà ngặt nỗi bao nhiêu kẻ hành nghề ở Trường Hà đều bị lính nhà tri huyện dọa cho bỏ xứ đi biệt. Còn có mấy mống ở lại thì cũng toàn hạng thầy bùa thầy bói xoàng xĩnh, thoáng thấy cô hồn đã xám hồn vội ngất, bảo sao mà chả lắm ma nhiều quỷ.

- Nội trong một tuần nữa tao phải đến phủ Xương Bình, nếu không thì không kịp về làng trước một trăm ngày của thầy. Mày nói xem, giờ ngựa không có, cứ cuốc bộ mãi thế này thì chẳng phải cách. Tao còn tâm trí đi lo chuyện thiên hạ nữa à?

Bấy nhiêu phiền toái cũng chẳng phải là lí do chính để Cảnh trở nên cau có, nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc chàng tỏ ra cộc cằn với con quỷ nhỏ là về thầy chàng.

Nguyên quán của hai thầy trò vốn ở xã Vân Hà thuộc phủ Xương Bình, dẫu cho trước khi thầy mất không để lại di nguyện gì về nơi chôn cất nhưng Cảnh vẫn muốn đem một phần tro cốt và bài vị của người đã dạy dỗ nuôi nấng mình trở về quê cũ. Ấy thế mà bao nhiêu trù tính của chàng đã đổ sông đổ bể khi gặp vận ở đất Trường Hà, bao nhiêu mối lo cứ thế xoắn vào nhau hết lượt, mối nào mối nấy khó gỡ không thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro