2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kí ức của Oksana dừng lại ở âm vực sâu nhất của dây đô.

Tiếng vĩ chà vào mặt dây kim loại, mang theo âm hưởng dài và gần như trầm uất, khiến bóng tối rung lên từng đợt. Người giữ vĩ kéo thêm một nốt nhạc cuối cùng, dự đoán là để giai điệu rơi xuống trường vực thấp nhất; như cố tình vẽ lên một cái kết hụt hẫng giữa chừng và không kịp để người nghe hoàn hồn khỏi một nốt pha rất dài cài cắm ở đoạn nhạc quãng trước. Phải đến khi bản nhạc đã kết thúc quá một phút, và Oksana lúc này cũng phải mất thêm lưng chừng ba mươi giây có lẻ mới có thể thực sự nhận ra tiếng kéo vĩ không còn đi lên hay kéo xuống nữa. Mọi chuyện chóng vánh đến đáng nghi ngại.

Sự kết thúc đột ngột của màn trình diễn lại như một bản giao hưởng trong suốt cấu thành từ thủy tinh và kim cương, dễ dàng mang theo dụng ý của người cầm bút mà có những nét họa tương đối tương đồng với một phần ngắn ngủi trong cái lịch sử đằng đẵng của cái kết của văn học nước Nga. Ở một thời điểm cụ thể, giai điệu óng ánh lên hình hài nước Nga La Tư ở một đoạn thời gian bất kì không ai hiểu rõ, và không mất đến vài giây nữa khi bản nhạc dừng lại ở một cung thể sol giáng, hình dáng Ngự Lâm quân hào hùng hỗ trợ những vị lãnh đạo đời đầu để giành lấy một phần tốt đẹp hơn cho cuộc sống của người dân từ tay các công quốc xa bờ gần biển lại như có như không hiển hiện trước mặt người nghe. Mà đằng sau khoa học vốn là học, đằng sau trường sử vốn là trường nhạc; nên Oksana nhắm mắt và thầm nhủ; rõ ràng cái cách Dostoevsky điểm từ cao độ ngỡ ngàng đến khoảnh khắc gã ta để nhạc điệu rơi xuống tận cùng của đáy âm này rõ ràng không phản ánh hai dấu mốc niên đại kia, mà ít nhiều có lẽ là đang định hướng tới quá trình phản ánh thời kỳ Sa hoàng suy thoái, một chi tiết được khoanh tròn bằng bút đỏ rất chói mắt trong quyển sách đã được mở đi mở lại nhiều lần trên bàn làm việc của gã (1). Với giai điệu chông chênh của một bản nhạc không dấu chấm mà cứ thế tùy ý kết thúc, lá cờ quân chủ giữa bầu trời Nga không một gợn nắng bị xé rách bỗng cứ thế tự nhiên hiện ra trong một thoáng xa thoáng gần, khiến thế giới bị đảo lộn triệt để và đầy rẫy những bất an vô cớ; vì đi kèm với an toàn là đánh mất tự do, mà đi kèm với giải phóng là sự tự chăm lo cho chính mình.

Nguyên lí này càng được thể hiện rõ ràng hơn cả với nước Nga trong chiều dài lịch sử từ một quãng sông lạnh, cụ thể hơn cả, giống cái cách các quần thần đã gào khóc không thôi mỗi lúc không có người kế thừa nào của các Nguyên Đại công tước xa xưa có thể ngồi lên cái ghế Sa hoàng trống huơ trống hoác và chịu trách nhiệm cho cả một quốc gia, nên họ đã vạ vật chán chê và ném cho đoạn thời gian đó cái tên "thời kỳ vô cùng tận hỗn độn" khỉ không có ai sẵn sàng nói cho họ biết rốt cuộc mặt trời có tồn tại dưới nền tuyết thật hay không. Nhưng khi lá cờ mang chức danh đại diện cho nền quân chủ chuyên chế đã tồn tại ngót nghét những rơi xuống nền lót thạch đá cung điện Kremlin, cháy trong mồi lửa chất lên từ đủ loại xương xẩu và thịt da bầy nhầy, người ta hào phóng hơn cả và cắt ngang đoạn nhạc những tưởng là sẽ chẳng bao giờ kết thúc, hô hào một thế kỉ mới đầy tươi đẹp dù có người đã sớm biết nguyên lí lịch sử rồi sớm muộn cũng sẽ lặp lại. Có thể gã người Nga mang dụng ý, nếu một bản nhạc không có cái kết chu toàn thì có lẽ sẽ luôn luôn kéo thính giả xuống tận cùng của tuyệt vọng, cũng có thể chỉ là Dostoevsky tùy hứng vẽ lên một bức tranh từ mùi sơn dầu còn nồng trong chính tâm tưởng của gã, về một quá trình chỉ có thể không ngừng rơi xuống chứ tuyệt nhiên chẳng bao giờ đi lên (2).

Oksana nghĩ, và len lén nhìn Dostoevsky khi gã nhắm mắt, cố gắng đọc hiểu ý nghĩa của phong cách chơi đàn này và cũng cố gắng tự rút ra một kết luận khách quan để ấn định cái chủ quan, như muốn kiểm tra xem suy nghĩ của bản thân có đúng không. Nhưng rõ ràng với một bản nhạc vô danh được sáng tác bằng cảm quan và những cảm xúc chỉ có thời hạn tạm thời, thì Dostoevsky - một cách (có lẽ là) không có chủ ý, đã sớm từ từ thiết lập tình huống với hình thái như một phương trình nghịch biến sau cuối. Giống như nếu dừng lại thì chỉ có toàn vẹn tạm thời, còn nếu tiếp tục rơi xuống điểm âm vô cùng, thì bất luận dù là địch hay là ta cũng không thể sống sót. Nên Oksana cảm thấy bầu không khí lạnh đi. Có lẽ con bé nghĩ không sai, nhưng điều dễ thấy nhất ở hoàn cảnh trước mặt là tò mò giết chết con mèo, và nếu nó tiếp tục truy cầu ý định cuối cùng của Dostoevsky, thì bản thân cũng sẽ bị lực hút của hố đen kéo xuống nghĩa địa của các tinh tú đã chết.

Và trong bóng tối, Oksana thấy màu tím nhạt trong ánh mắt vẫn luôn luôn mờ mịt đi xuống điểm thấp nhất của bảng hòa sắc - rồi thêm năm giây nữa, Oksana không cách nào tìm lại được màu tím cũ kỹ "mới" tồn tại chưa đến một phút trước, chỉ còn thấy bóng đêm lạnh lùng mà hoà hoãn, đang mỉm cười không rõ ý tứ.

Tất cả đều dễ dàng lọt vào tầm mắt đứa trẻ của Chúa.

"Con người ấy à." Dostoevsky hơi cười. Gã; sau cùng; hạ cây vĩ xuống khi bắt gặp ánh nhìn của đối phương, đồng tử rời đến một điểm tụ bất định trong bóng tối còn phập phồng hơi thở của chính mình, rồi mới từ tốn quay về cá thể đã im lặng được rất lâu vẫn đang đứng trước mặt bản thân; giống như đã sắp xếp xong suy nghĩ của gã. Gã người Nga nhẹ giọng, trên viền mắt hơi tối còn xuất hiện nét cười sau những nếp nhăn mờ mờ của đôi mắt cười đặc trưng xứ Moskva. "Họ vốn không thiếu hụt trí tuệ đâu."

"Dạ?"

"Con người không thiếu hụt trí tuệ." Dostoevsky kiên nhẫn lặp lại, chất giọng vẫn bình bình như cũ, "Thứ họ thiếu là khả năng tự hiện thực hóa tư tưởng của bản thân." (3)

Oksana cảm thấy mờ mịt trước lời nói không xuất phát từ bất kể hoàn cảnh cụ thể nào của người trước mặt, nhưng vẫn đáp. "Nhưng trong lịch sử nhân loại đã tồn tại vô số tư tưởng rồi. Mà để hiện thực hóa tư tưởng thì không phải chỉ cần giấy và bút thôi ạ?" Con bé lẩm nhẩm, giống như đang đếm xem một chủ nghĩa triết học có bao nhiêu chi nhỏ nhánh nhỏ để tạo nên gần như cả một hệ thống lý thuyết khi tương đồng buổi khác biệt; và nhận định có vẻ tất cả đều được khái niệm hóa trong sách vở chứ không qua cần đến một điệu Flamenco như cách người Tây Ban Nha biểu tượng hóa nền âm nhạc của họ hay một cuộc hội họp cầu nguyện chóng vánh để hình thể hóa Đấng Duy Nhất trong mắt các con chiên ngoan đạo của tôn giáo xuất phát từ một bán đảo ở Ả Rập. Triết học có lẽ nặng tính ngôn ngữ hơn nhiều. "Vậy vẫn là thiếu hụt ạ?"

"Đúng rồi, Oksana nói không sai, nhưng tôi có thể bổ sung thêm cho em."

"Việc hiện thực hóa một tư tưởng, nói sao nhỉ, đúng là khởi nguồn từ mực và giấy; nhưng rõ ràng một tư tưởng sẽ không sống - cũng giống như cách người ta gọi tiếng La-tinh là ngôn ngữ chết ấy - nếu không ai biết, không ai để ý, và cũng không ai nhớ đến tư tưởng đó. Mọi thứ trên đời này, ít nhất là những thứ có tính trừu tượng hóa, đều tồn tại trong một quãng thời gian nhất định thôi. Người ta gọi đó là thời hạn sinh mệnh. Mà đối với một tư tưởng bất kỳ, hầu hết đều có thời hạn được tính bằng sinh mệnh của con người."

"Của con người ạ?"

"Ừ, của con người." Gã người Nga gật đầu, vẫn phảng phất vẻ dịu dàng lạ lùng khi cất cây vĩ lại vào hộp đàn bằng da. Có lẽ do đêm nay không sao, trời cũng buồn man mác. "Đây cũng là một kiểu vật chất hóa những gì mang tính biểu tượng. Giống như Hiệu kỳ xứ Oóc-lê-ăng, một trong chín thánh bảo trợ cho nước Pháp vậy. Để nuôi sống tư tưởng của cô ấy, chắc chắn trong mạch ngầm sinh dưỡng ấy có tồn tại hàng vạn cái chết của quân bình nước Pháp ở ngoài mặt trận Chiến tranh trăm năm. Bằng không thì không có lý gì một suy nghĩ yếu ớt đến vậy có thể vượt qua vòng vây của quân Anh, vượt qua những đợt đột kích khiến dân chúng phải tháo chạy, và vượt qua những cuộc thảm sát hàng loạt để giành lấy một mảnh đất giáp với vịnh Biscay có tuyến phòng thủ có miễn cưỡng nói cũng không thể gọi là vững mạnh được. Tư tưởng được nuôi sống bằng tính mạng con người. Đặc biệt là của người chết. Những cái chết như vậy là tử vì đạo." (4)

Oksana lặng yên, không đáp. Con bé chưa từng nghe ai trong Thiên Nhân Ngũ Suy đề cập đến có thật sự tồn tại vị thánh nào mà Dostoevsky gửi gắm đức tin không. Gogol chỉ từng kể rằng Dostoevsky giống như là đã mất đi tín ngưỡng duy nhất của gã từ rất lâu về trước, nên có lẽ cũng vì thế mà phải tự mình kiến thiết lên một thế giới mới và một vị thần mới để đáp ứng thời đại và cũng là nguyện vọng của chính bản thân gã. Nên nên nếu nói Dostoevsky là kẻ vô thần cũng không hẳn là đúng, mà gán cho gã cái danh người sùng đạo cũng sẽ tạo ra những sai lệch rành rành về mặt bản chất, và dù ít dù nhiều - lối suy nghĩ này có khi sẽ méo mó hóa hẳn căn nguyên ban đầu của vấn đề, khiến mọi thứ mất đi tính chất đặc trưng và đặc biệt khiến Dostoevsky "thao túng" được đối phương thông qua hình thái bản thân đã được "tặng" cho như vậy. Sau cùng, nếu như tử vì đạo đúng thật là những gì Dostoevsky vừa nói; Oksana kết luận; thì tính chất về tôn giáo tồn tại trong gã sẽ không đi quá ba chữ này. Là dấu chứng cho việc Dostoevsky trông cậy vào niềm tin của bản thân, vào thời hạn của mạng sống chẳng biết còn kéo dài được bao nhiêu với cái xác đang đi như của gã ta, và của một vị thánh vô danh không ai có thể biết mặt điểm tên đang lặng lẽ đứng sau khung cửa sổ, nghiêng đầu ngóng nhìn kết cục cuối cùng của con chiên ngoan đạo thờ phụng chính mình.

Dostoevsky để người trước mặt suy nghĩ một lúc rồi mới tiếp tục nói. "Nhưng có lẽ Oksana cũng thấy rồi, con người thì không đơn giản đến vậy. Những người muốn nuôi sống tư tưởng của họ thì hiếm khi nào tư duy một đường thẳng. Họ sẽ tìm ra cách để khiến người khác sẵn sàng đưa sinh mệnh của bản thân để duy trì tư tưởng đó đến khoảng chừng vài năm, vài trăm, hoặc vài ngàn năm sau, vì chính họ cũng không bất tử để nuôi sống thành quả của mình mãi mãi. Còn những người khác, khi họ không thể tư duy được nữa, thì những cá nhân đó sẽ trở lại khu vực an toàn và không thể rời đi. Và vào những lúc ý kiến cá nhân xung đột với quan điểm cộng đồng, họ đương nhiên sẽ đi vào rìa mép an toàn và thuận theo số đông. Đó là lý do tại sao Jeanne d'Arc bị thiêu sống." (5)

"Có lẽ do con người là một sinh vật sống theo tập thể."

Dostoevsky bật cười, "Ừ, có lẽ là thế. Mà cũng không chỉ riêng gì mỗi con người. Sigma... cũng gần như là một cá nhân như vậy."

"Anh Sigma ấy ạ?"

"Đúng rồi, là Sigma. Do thời hạn của cuộc đời cậu ấy không thể thấy, mong muốn của cuộc đời cậu ấy không thể nghe, ý nghĩa của cuộc đời cậu ấy không thể nói (6), thời lượng của sinh mệnh cậu ta vốn chỉ là trang giấy bất khởi nên bất kết; nên việc bắt Sigma bỗng dưng phải hòa nhập với xã hội đương thời như thế sẽ kéo tới hệ quả đương nhiên là cậu ấy chỉ có thể 'học tập', chứ không thể tạo lập 'cá tính'."

Dostoevsky để ánh mắt dừng lại ở một điểm xa hơn phía cửa sổ đằng sau Oksana, giống như nhà thiên văn học bấy giờ dửng dưng ngắm nhìn lại những mẩu kí ức đã cũ, ánh mắt càng không gợn lên tia cảm xúc cụ thể nào, và gã cũng không buồn đặt cho một hành tinh mà bản thân mới tìm ra một cái tên. Nếu một ngôi sao đã sắp hấp hối, thì điều nó nên làm là tìm một nơi hạ cánh ổn thỏa và cùng với hành tinh đó bồi táng, ít nhất là vùng vẫy và tuyệt vọng thêm vài giây để còn duy trì ý nghĩa của cuộc đời bản thân một cách rực rỡ nhất (7) - còn hơn trở về với nghĩa địa lạnh lẽo, xa vời trong không gian, và biến mất khỏi thiên hà vốn đã rộng lớn bao nhiêu mà chẳng lưu lại bất cứ dấu vết nào.

Dostoevsky đã và đang sống một cuộc đời như vậy, nên khi bắt gặp Sigma, gã sớm biết cậu ta không thể đơn thuần làm một con tốt thí mạng với tiềm năng của bản thân. Bất chợt nghĩ về người quản lý casino, có lẽ Sigma cũng là một ngôi sao sắp chết và đang đương đoạn hấp hối nhưng vẫn không nhận ra kết cục của bản thân mình, và Dostoevsky cũng nhìn ra sức sống của cậu ta là phương pháp mãnh liệt nhất để có thể đích xác tìm tới điểm kết hoàn hảo cho cái chết, và cái chết ấy nói ra từ miệng thì ngọt ngào tới mấy: vì phải đủ hạnh phúc thì mới có thể chết cho toàn vẹn, còn gã thì rõ ràng chưa bao giờ đạt đủ những "tiêu chuẩn" này mà tiếm đoạt được hạnh phúc từ số mạng trúc trắc. Màu mắt tím của Dostoevsky bỗng sáng lên giữa bóng đêm trong một khoảnh khắc, giống như hơi thở cuối cùng của tinh vân nào đã thắp sáng đêm đen mịt mù trước buổi tàn lụi, Sigma sắp chết, nhưng không phải trong tay gã, cũng không phải trong tay bất kể kẻ nào khác.

"Nên nói cho cậu ấy 'quyền hạn' để tự đặt tên cho bản thân, nơi cho cậu ấy không gian để hành động theo mong muốn, và nếu tồn tại một nơi - mà cậu ấy có thể tùy ý sử dụng năng lực của bản thân để đạt tới ngưỡng vọng trong góc khuất của chính mình... thay vì phải đi cùng quân cướp như khi trước và không biết bản thân có thể làm gì ngoài phục vụ cho nhu cầu của người khác, Sigma sẽ trở thành một phần của cộng đồng đó."

Dostoevsky kéo mũ xuống, Sigma sẽ chết trong bàn tay chính mình, và chính cậu ta sẽ là tụ điểm chứa nhiều sức mạnh nhất để kết thúc được một số vấn đề không ai có thể làm được. Một ngôi sao chết trong cú nổ siêu tân tinh khi đi đến tận cùng của tuyệt vọng sẽ "giãy dụa" mà kéo theo tất thảy cùng bồi táng ở nơi không ai biết tới; nên dù ít dù nhiều, Sigma cũng có thể sẽ khiến con hậu dưới lốt quân tốt của bên đối phương hoặc là bỏ mạng, hoặc là không còn đủ sức lực để tiếp tục đấu tranh được nữa. Dostoevsky khép mắt và để tóc mái hơi cọ cọ mi mắt bản thân, cuối cùng cũng thôi hẳn nụ cười không rõ nghĩa của chính mình. "Hoặc không, cậu ấy sẽ coi đó là khởi điểm và sẽ mỏi mong có thể trốn thoát khỏi nơi ấy nhất có thể." Gã hạ trọng tâm của tay, bắt chước hình ảnh thang máy bị cúp điện nên rơi xuống tự do ở đáy sâu hun hút, "Vì nơi đó là chốn đã cho cậu ấy 'tự do' ở hình thái sơ khai, nên cũng sẽ là nơi có thể kiềm hãm cậu ấy nhiều nhất. Và dù là cách này hay cách khác, Sigma cũng sẽ tìm cách trốn thoát."

Bỗng dòng kí ức về hôm đó trong Oksana dừng lại, con bé không nhớ nổi tiếp theo đã xảy ra chuyện gì nữa, nhưng những gì vẫn tồn đọng trong tâm trí sau cùng cũng đã từ tốn giải đáp được sự khó hiểu của Oksana đối với hành vi của Sigma: tại sao chịu liên tiếp phản bội mà vẫn sẵn sàng quay về, vẫn sẵn sàng đấu tranh cho điều gần như không thể đạt được đến thế.

Hình như hôm đó Dostoevsky đã thì thầm;

Đừng chết.

Oksana ngẩng mắt, và nhìn thấy vẫn là người đó - sống động bước ra từ trong trí nhớ của bản thân với bộ quần áo tù trắng và mái tóc ngang vai chưa bao giờ cắt đi, vẫn đương giọng tạo khẩu hình như một nốt đô trầm lặng kia, và vẫn với viền mắt còn hơi cong cong như lộ ra một ý cười bình ổn, nhè nhẹ nói.

Lần này cũng đừng chết.


------------------------------------------

Chú thích:

(1 ) Phần này liên hệ tới những tác phẩm nổi tiếng ngoài đời thực của văn hào Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky hầu hết đều phản ánh xã hội Nga trong thời kỳ Sa hoàng suy thoái.

(2) Với việc chơi đàn cello, nếu kéo dây vĩ đang ở nốt cao rồi rơi ngay xuống nốt thấp ngay lập tức là vô cùng hiếm gặp, nên Fyodor đã rất khéo léo thể hiện dụng ý của bản thân thông qua việc chơi đàn kiểu này: rằng với xã hội mà gã đang kiến thiết, Fyodor chấp nhận bản thân là nốt nhạc sẽ rơi xuống tận cùng của trường vực để đạt được mục đích, để khiến bản nhạc tiến lên được cao độ và đạt được hào quang cần có, cũng giống như lá cờ quân chủ bị kéo xuống từ nóc Cung điện Mùa Đông; mọi sự hy sinh là cần thiết cho đích đến sau cùng.

(3) Đây là đoạn dẫn dắt của Fyodor lý giải cho việc tại sao bản thân tin rằng Sigma sẽ "hiện thực hóa" lí tưởng của chính mình như trong diễn biến của mạch truyện bấy giờ.

(4) Đây là khi Fyodor đang giải thích về những tính toán của bản thân rằng mình sẽ nuôi sống "tư tưởng" và khát khao của Sigma như nào. Là ẩn dụ cho việc Sigma sẽ phải "chết tâm" nhiều lần mới có thể mang theo quyết tâm bất chấp vô số sự phản bội để đi được điểm đến bản thân mong muốn. Cũng giống như quân binh Pháp đã chết để tiếp lửa cho Jeanne d'Arc trở thành Hiệu kỳ xứ Orléans, việc Sigma bị phản bội như vậy cũng là cách đã trải qua tổn thất về tính mạng để được tôi luyện hóa tư tưởng.

(5) Chi tiết này cũng dùng để ám chỉ Sigma theo cả hai hướng: Sigma sẵn sàng giết người và nuôi sống khát khao của mình bằng mạng sống của họ, nhưng cũng sớm bị cuốn theo quan điểm số đông mà mất đi tâm sơ thuở ban đầu.

(6) Chi tiết này đang lồng ghép hình ảnh Sigma lên Khỉ ba không của đạo Phật: không nghe, không nhìn, không nói; giống như tự cô lập bản thân khỏi tính hỗn loạn của xã hội đương thời. Đây cũng là lý do vì sao Sigma sẽ bị "biến chất" về mặt bản chất, vì tờ giấy trắng thì luôn dễ nhuộm hơn giấy màu.

(7) Ngôi sao sắp chết này thể hiện một phần tư tưởng của Fyodor, rằng nếu đã chết, thì ít nhất cũng phải giúp kiến thiết xã hội bằng máu thịt của bản thân chứ không thể đơn thuần chết. Và nếu có chết, thì cũng phải từ địa ngục bò ngược lên để hoàn thành mục đích bản thân đã đặt ra cho cuộc đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro