3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dostoevsky cảm giác như đang nghe được đối phương bật cười, rất rõ ràng, dù căn phòng vẫn lặng thinh.

Ta đã nghe Kolya kể rất nhiều về anh, giọng nói vô thanh lại một lần nữa đều đều vang lên giữa gian phòng trống hoác, khiến gã người Nga chăm chú hơn cả trong việc lắng nghe tiếng động không có hình thể cố định kia, gần như cố gắng mường tượng hình ảnh đối phương trong đầu mình với đường nét rành mạch nhất, rồi mới từ tốn viết lời hồi đáp.

"Ồ." Gã ra chiều đồng ý, đồng tử hơi dao động khi thấy mặt sách phút trước còn kín chữ mà bấy giờ lại sớm có thể trở thành một tờ giấy trắng tinh tươm. " Đúng là cậu ấy vẫn luôn là một người thích trò chuyện như vậy." Ba chữ vô hạn lưu lại chậm rãi chờn vờn trong tâm thức Dostoevsky, như đang khẳng định đây chính là lời giải đáp hợp lý nhất cho tình huống trước mắt.

Gã hơi khép mắt, cũng không phản bác chính mình. Có lẽ là giả định của gã không sai, mà cũng chẳng hẳn là đúng. Dostoevsky day day đầu ngón út bằng viền môi khô ran như thể gã luôn trong tình trạng thiếu nước này đã rất lâu, dự đoán rằng bản thân rồi sẽ phải tự mình kiểm chứng và xác thực vấn đề trước mắt - hoặc là, rất nhiều vấn đề về sau nữa. Sau cùng, gã người Nga cũng đã sớm hình thành thói quen rằng mọi chuyện đều luôn cần có bằng chứng xác thực đi kèm hay minh chứng thành hình như một kiểu phương án củng cố thì tiền đề mới có tính hiệu lực chính thức. Giống như một nhiệm vụ thành công thì đương nhiên phải có người chết, một phương án mang tính khống chế tâm lý và thao túng cá nhân để có thời lực lâu dài thì lại càng nhất định phải sót lại những mảnh hồn vỡ trong đáy mắt đối phương - để Dostoevsky còn nương theo tình huống mà xem xét rằng bản thân, rốt cuộc, có thể đem những mảnh kiếng nát tái chế làm một vì sao xa, hay chỉ có thể rải đầy mặt đường như một quả bom nổ chậm đồng quy vô tận cùng với kẻ đối địch bên kia đầu chiến tuyến, chôn lấp tất cả hi vọng và tự do đã từng tồn tại trong một khoảnh khắc tạm thời mà rồi sẽ sớm bị lãng quên.

Dostoevsky vẽ lên mặt sàn, ngôn, chuy, thí, khẩu, không ai hay biết.

Nên gã nghiêng đầu, miết nhẹ mặt giấy đã hơi sờn cong vì những vết ố vàng của một mảnh thời gian đủng đỉnh, nhìn thấy đường vân nhàn nhạt rõ ràng hơn dưới lực tác động của bản thân, "Vậy người đã nghe được gì về tôi từ cậu ấy thế?"

Lương thực màu đen. Hình như là bánh mì à? Dostoevsky như thấy được đối phương đang ngồi trước mặt mình, bật cười khúc khích, không ăn kèm thịt. Không có... đồ ăn đi kèm. Và cũng được đặt tên, vô danh. Loại không có nhãn hiệu? (1)

"Ồ" Gã viết, không đi kèm một dấu chấm gọn gàng mà chỉ kết thúc với dấu phẩy nửa chừng khi nhận thấy tính nghi vấn lửng lơ kia.

Dostoevsky lại không mất quá lâu để suy nghĩ xem bản thân nên trả lời thế nào với lời đáp đa nghĩa này. Việc trao đổi thông tin là cần thiết để hiểu thấu cảm quan của một người, và để có được thông tin thì trước hết cần tạo lập sự uy tín của tính chất tạm thời nhưng mang tiềm năng dài lâu. Vài lọn tóc rủ xuống trước mắt Dostoevsky; nên việc chọn đúng thời điểm, chọn chuẩn đối tượng và chọn đủ thông tin để mại mãi lại luôn là thứ cần được ưu tiên hàng đầu, và với một cá thể - đặc biệt là kiểu cá thể có thể giao tiếp trôi chảy với Nikolai Gogol - thì gã càng cần biết về cô ta, gã ta, hoặc bất kỳ danh xưng nào có thể sử dụng (Dostoevsky vẫn luôn cho rằng thực thể thì sẽ không có giới tính cố định như con người bình thường), ở hạn mức nhiều nhất có thể để luôn giữ được mọi thứ trong vực khống chế của bản thân. Nên gã vén lọn tóc lòa xòa đang che khuất mắt mình lên, chăm chú hơn một chút vào cuộc trò chuyện giữa cả hai, dù tay thám tử ở thành phố cảng kia có vẻ đang rất hào hứng muốn ném thêm một quả trứng onsen nữa vào cửa kính như hôm qua. "Tôi biết một chỗ làm bánh mì đen rất ngon ở quê hương tôi. Là đồi Valda với lượng nước thiên nhiên từ suối khoáng trong lành, nơi có những vựa lúa dồi dào và trù phú, bởi vậy nên lúa mạch được giao thương ra ngoài để làm thành những ổ bánh mì đen ở đó có hương vị rất đặc biệt, ngon theo một cách không thể nhầm lẫn." Gã viết câu trả lời thông qua việc từ tốn vẽ lại những câu chuyện bước ra từ không biết là của lời kể bất kỳ, của sách vở lạ xa, của tác giả vô danh, hay chính là từ thời thơ ấu không ai hay biết của gã, "Nhưng bánh mì đen có nhiều xuất thân hơn chúng ta vẫn tưởng. Giả dụ như, ở những trũng đất thấp như của biển Đen cũng có thể trồng được loại lúa mạch ấy, bởi những người dân ở đó có các phương pháp rất đặc biệt, hệt như cá tính của biển Đen vậy. Các tầng nước không bao giờ trộn lẫn với nhau."

Ồ, bánh mì đen được làm từ đại dương có danh hiệu tương đồng như vậy luôn sao? Nghe thực thú vị làm sao; Gã im lặng đọc lời hồi đáp, nếu đối phương ở đây, có lẽ sẽ đang híp mắt cười; nhưng cũng rất ít màu sắc nhỉ.

"Con người là sinh vật tài giỏi nhất địa cầu này, vì họ đứng đầu chuỗi thức ăn và có quyền điều khiển mắt xích của mọi sự vật mang tính hữu hạn. Và trong hoàn cảnh khắc nghiệt thì khả năng thích ứng của một cá nhân lại sớm càng được thể hiện rõ ràng." Gã hơi cong môi, dường như rất tự hào. "Cũng giống như giới hạn trong toán học, không có một số tự nhiên nào lớn nhất, cũng không có số tự nhiên nào nhỏ nhất. Mọi thứ chỉ tạm thời dừng lại ở một điểm bất định. Và nếu bị ngắt quãng, cũng chỉ là một thời điểm mang tính tạm thời thôi. Khả năng của con người chính là như vậy. Hoặc là tiến tới điểm cực đại không ai nhìn thấy, hoặc là ngược về điểm cực tiểu không ai biết tới. Năng lực của họ là vô cùng, vô hạn và không thể ngăn cản. Thế nên quá khứ cũng chưa thể ghi hết tội ác con người, và tương lai càng không ai dự đoán được sẽ có quả bom nguyên tử nào nữa tiếp tục được phóng ra không."

Nên không thể tồn tại những người sinh ra với đặc quyền riêng. Để tìm ra một cá thể thực sự tài năng thì môi trường nuôi dưỡng cần được duy trì tính công bằng chứ và không được phép có ngoại lệ bao hàm (2).

"Người có biết không," Gã vẫn như thường lệ sử dụng kính ngữ, trang trọng hệt như mỗi lúc bản thân giao tiếp, "Trải qua hàng ngàn năm kiến tạo, biển Đen đã được đặt vô số giả thuyết để minh chứng cho việc vỏ ốc nước ngọt xuất hiện ở bờ bãi đó, trong đó có thuyết Đại hồng thủy là tương đối nổi tiếng."

"Những người dân ở đó có lẽ cũng giống như thánh Noah. Họ bất chấp quy luật và sự sắp đặt của số mệnh để truy cầu những gì họ cần chứ nhất định không bỏ đi bản chất chính mình trong thảm họa ấy. (3)" Dostoevsky đặt bút để chấm câu, rồi lại tiếp tục viết ở lề ở trang giấy dưới "Tội lỗi là cần thiết, là không thể tách rời. Vậy nên bấy giờ đầy rẫy những người vô thần và không tin vào Đấng Duy Nhất. Họ may mắn và bất hạnh cùng một lúc."

Nhưng không phải những người tin vào thần thánh thì sẽ được Ngài xá tội sao? Là cái vị ở tít tít trên cao và được khắc đầy trong các lăng kính ở nhà thờ ấy, người đó thường được biết đến với quyền năng và lòng vị tha vô hạn mà? Người ta kể với ta rằng, khi có niềm tin vào thần linh, thì ắt sẽ được Ngài chở che và bảo vệ. Vậy thú tội với những bức tường thạch cao và những vòm kính bán cầu ở nhà thờ ấy thực sự có thể biến việc bản thân đã sa lầy vào bùn đen vẫn có thể trở thành con cừu trắng ngoan đạo, như họ vẫn nói không? Như thể rất phiền não, những lời được viết ra phía sau đều tiếp tục mang tính chất nghi vấn, liên tục không ngừng nghỉ, khiến việc vẽ ra hình ảnh người bên kia quyển sách trước mặt Dostoevsky lại sống động thêm vài phần. Gã chống cằm, hơi nghiền ngẫm để đưa ra dự đoán tiếp theo. Đây có lẽ không phải là thái độ của những kẻ chống thần, mà rõ ràng là sự hiếu kì đơn thuần, mang dáng dấp vài phần giống như một đứa trẻ mới được học thêm về điều gì đó thật mới mẻ, hoặc là lần đầu tiên được thấy ánh sáng mà không phải từ mặt trời. Nên gã lặng lẽ chờ người kia viết tiếp, ngón tay không theo nhịp điệu nào cố định mà gõ khẽ lên mặt sàn bên cạnh. Chắc sẽ chỉ bao hàm trong việc tô đậm hơn sự hiếu kì của chính mình thôi.

Đối phương viết gì đó, rồi lại gạch đi. Có vẻ thần linh chỉ tồn tại trong tâm tưởng của họ thôi nhỉ?

Gã nhanh chóng nắm bắt tia dao động trong tâm tưởng này của thực thể vô hình đang hiện diện trước mặt bản thân, nhẹ nhàng viết tiếp như cách người ta hạ tông giọng để giảng giải điều gì, "Đối với vấn đề này, câu trả lời chắc sẽ dao động trong cả triệu khả năng có phần trăm xảy ra, dù là về mặt lý tính hay về mặt cảm tính. Vì trong khía cạnh khoa học, thuyết vũ trụ song song càng ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội của bản thân khi các nhà nghiên cứu đang ra sức tìm những mệnh đề đã được chứng minh thành công để đáp ứng tiền đề của họ. Mà xét về mặt cảm xúc, thần linh có thể có tồn tại, có thể không tồn tại, có thể có quyền lực, có thể không có quyền lực, tùy vào tình huống trong cuộc sống của mỗi cá nhân, vì thần linh vốn được tạo dựng từ khái niệm niềm tin, và niềm tin của con người lại có thể vật chất hóa mọi thứ. Thứ quan trọng nhất là họ có tin hay không thôi."

Xem chừng thần linh cũng chỉ là thực thể sinh ra từ con người, và cũng chỉ là nơi để treo lên những suy tưởng của mình thôi ha?

Dostoevsky hơi cười, "Người tin và nghe theo Chúa đều được gọi là con chiên."

Chẳng khác nào nhãn dán và tự giới hạn bản thân vậy. Nghe ngột ngạt muốn chết.

"Đó có lẽ là cách họ biểu thị quyền lợi riêng của mình khi chung thủy với đức tin và lập lời thề rằng sẽ cống hiến cả đời cho một khái niệm duy nhất."

Ta thấy chẳng phải như vậy. Tiếng chiếc quạt giấy gõ xuống, và Dostoevsky lại như nghe được tiếng mặt cốc trà xanh dao động vì một làn gió xuân đi qua hang động của sự mịt mù đã đóng cặn lâu năm. Họ như đang tự cho mình đặc quyền bằng cách sống dựa vào niềm tin và sự ngưỡng vọng quá thái của bản thân thì đúng hơn. Tự thấy chính mình là người đặc biệt, là duy nhất trong tất cả, nên cũng tự phong cho bản thân danh hiệu và sự chở che vô hình như vậy giữa thế giới đáng ra ai cũng bình đẳng.

"Có lẽ lời này cũng không sai." Gã gần như cong môi khi đối phương đã bị cuốn theo ý đồ của bản thân, tiếp tục viết nét cuối của chữ cái tượng âm, "Khi một khả năng vượt trên người thường được trao cho một cá nhân, họ sẽ nghiễm nhiên có khả năng cao sẽ tư duy theo đường lối rằng bản thân chính là người đặc biệt nên cần yếu tố đặc biệt và sự đối đãi đặc biệt. Tư duy thông thường cả, nhưng chính điều này lại sẽ làm đảo loạn trật tự và tính bình đẳng vốn có của xã hội. Đây cũng là lý do vì sao Sa hoàng I đã đưa ra quyết định như vậy ở mùa đông nước Nga năm 1849."

Ồ, quyết định gì thế? Người đó phát động chiến tranh để diệt chủng hết con chiên của Chúa à?

"Người Nga thường có những quy củ đặc biệt về niềm tin. Chiến tranh vì đức tin thì thường xuất hiện ở các quốc gia Nam Á hơn, Ấn Độ ấy. Người đã từng nghe qua chưa?" Dostoevsky không nhận được câu trả lời nào từ đối phương thì tiếp tục cúi đầu, không rõ tâm trạng, chờ vài giây rồi mới viết tiếp, "Vậy sau này, chúng ta sẽ cùng nói thêm về Ấn Độ nhé?"

Người kia có lẽ sẽ vui vẻ đáp lời, âm sắc tựa chiếc chuông bạc ngân vang, nhất định rồi.

Nhưng Dostoevsky không thấy câu trả lời nào ngoài một bông hoa nho nhỏ ở dấu chấm cuối câu, nên gã tiếp tục câu thoại của mình, "Còn về Nikolai I giữa mùa đông năm ấy, ngài đã thi hành những lần xử bắn giả với các tri thức có tư tưởng chống lại chính quyền đến từ Hội Petrashevsky, áp chế ngay thái độ của những người cho rằng bản thân vượt trội hơn so với đồng bạn."

"Nhìn ở khía cạnh khái quát thì chỉ giống như ngài ấy đang bảo vệ quyền lợi giai cấp, nhưng phân tích kĩ càng thì đó lại là phương cách hoàn hảo nhất để bình định xã hội. Dùng lửa để đốt mực trên giấy suông, và không cho phép dây leo rút sạch sinh dưỡng của cây đại cổ thụ."

Nghe có vẻ lớn lao ghê ha.

"Là công dân của đất nước thì việc đóng góp cho Tổ quốc là lẽ đương nhiên. Nhưng vị trí càng cao thì trọng trách càng nhiều và càng nặng nề gấp bội."

Gã thấy những dòng chữ đáp lời vốn đã hiện lên với màu đen huyền của bút lông thượng hạng, nhưng cuối cùng vẫn biến mất trong chớp nhoáng. Dostoevsky lại cúi xuống nhìn cây bút mực mà bản thân đã xin được từ quản giáo hôm qua. Gã ngước mắt nhìn lên bóng đèn huỳnh quang bên trên, song lại tiếp tục nhìn xuống chiếc bút trên tay, động tác lặp lại vài lần trong ba giây đổ lại. Cuối cùng, Dostoevsky để cây bút nhận lấy ánh đèn chiếu xuống, cũng vì thế mà dễ dàng nhìn ra được rằng ống dẫn đã có vài vết xước thành hình, cùng hệ thống pít-xtông của ngòi mực dự trữ lại thi thoảng rò mực mà nhỏ vài vệt xanh đen tong tong xuống sàn nhà trắng toát. Gã vòng tay ôm chân, thấy mực bút theo hướng của trọng lực rỉ rả những ảnh thẫm đen làm bẩn áo bản thân, và chuyển màu cả trang sách đã ố. Nhưng chỉ có duy nhất bộ quần áo tù nhân của Dostoevsky là đổi màu, còn bản giấy trước mặt lại sớm chuyển về tông màu gốc như đang ra dấu hiệu cho gã người Nga rằng, Dostoevsky đã đúng nhiều hơn là sai, và hiện tại lại cũng chỉ là tiền đề để minh chứng cho quá khứ.

Gã mím môi, chà chà ngón tay dính mực lên sàn nhà, không biểu hiện rõ ràng gì mà viết tiếp, "Nên khi chỉ là văn sĩ trên giấy mà không có khả năng mang tư tưởng của mình ra để thực sự giúp kiến thiết cho đất nước, cần ưu tiên trấn áp nhiều hơn là nhân nhượng."

"Nếu bản thân vốn chỉ là một công dân thông thường, một doanh nhân bình dân, hoặc là một người học hành nhưng lại sở hữu những kiểu suy nghĩ không có tính thực tế, thì việc bày ra suy nghĩ của bản thân một cách công khai và lộ liễu, khẳng định rằng chính quyền cần thay đổi nhưng không đi kèm những dẫn chứng thực tế - thì hành vi này rồi sẽ chỉ làm lung lay lòng dân chứ không thể làm giàu đẹp tư tưởng."

Cũng giống như năng lực gia.

Cũng giống như những kẻ tự cho mình danh hiệu riêng và có vị trí cao hơn mọi thứ.

"Nên trước khi bày ra sự khoan dùng cần có, việc định đoạt tính đúng sai là cần thiết, và việc cho biết ai là người cầm quyền mới là phương pháp đúng nhất, đặc biệt là khi cần khống chế những cá thể có tư tưởng phản động." Dostoevsky tỉ mỉ lựa chọn từ ngữ, sau vài giây mới viết tiếp sau khi đã tìm ra trường câu thích hợp nhất. "Khiến cho họ cảm thấy tuyệt vọng trong một vòng tuần hoàn liên tục, tước đi tất thảy ánh sáng của họ theo một phương cách liền mạch và rõ ràng nhất, làm cho một người mất đi tất cả mục đích và lẽ sống, và chôn lấp hết những quá khứ và hiện tại, rồi nhanh chóng cắt đứt cả tương lai không để lại dấu vết; nhưng nhớ là chỉ cần cất những thứ ấy hết về một góc, chứ đừng bỏ hẳn đi hết. Rồi đến lúc đã khiến đối phương nhận thức được vị trí của mình, thì từ từ trả lại từng thứ như thể hiện sự khoan dung và lòng hiểu thấu của mình."

Gã tìm lại thành ngữ mà bản thân đã sớm đặt vào vùng trời lãng quên trong ngôn ngữ nước mẹ, song cuối cùng vẫn sử dụng bản dịch thông dụng nhất trên toàn thế giới. "Như dùng cây gậy và cà rốt ấy."

Chà, ta thấy anh giảng giải những đạo lí này rất ra dáng người có thâm niên của thời cuộc lịch sử đấy.

Mà... đúng là đã từng trải qua thật, nhỉ. Là phương cách mà anh khống chế cậu trai bước ra từ ta. Thực sự rất ấn tượng.

Dostoevsky vẽ một cái mặt cười nho nhỏ ở bản lề bên cạnh những dòng chữ của đối phương, tỏ ý vô tội. Hoặc thành thật hơn một chút, gã lại như đang mơ hồ khẳng định rằng bản thân sẽ không nhận định gì quá chủ quan về những nhận xét đến từ phía bên kia.

Ta vẫn luôn biết một đứa trẻ không có ý nghĩ thì thường sẽ bị định đoạt về ước mơ, nhưng cũng không ngờ kĩ năng của anh còn cao tay hơn cả thế. Cho cậu ta tự do ở ngưỡng gần như là vô hạn, cung cấp đầy đủ cả phương tiện trong vật chất và đáp ứng toàn vẹn nhất về mặt tinh thần, xong sau đó lại tự hạ thủ để xuất huyết đối phương. Cái này tựa như xử trảm giả lập trong năm một tám bao nhiêu mà anh vừa kể vậy. Anh là Sa hoàng đó tái thế à?

"Đã có ai nói với người rằng người rất hài hước chưa?" Gã chống má, đáy mắt màu ban đã trở về với tụ điểm là quyển sách trước mặt sau vài giây quan sát người ở căn phòng đối diện vẫn đang vạ vật kêu chán, lại tự cảm thấy trong lòng có gì đó vui thích lạ thường vì bản thân vẫn đang xúc tiến được ý đồ của chính mình suôn sẻ đến vậy. Dù vẫn biết rằng bốn bức tường này đương nhiên không thể ngăn cản kế hoạch của người bạn đối địch kia, nhưng ít nhất gã có thể trò chuyện với ai đó khác ngoài quản ngục và Dazai. Dostoevsky lẩm nhảm, trò đoán số chán muốn chết. "Tôi chỉ là làm những gì cần làm thôi, không thể nào là quân chủ đất nước thay trời xử trí được."

Vậy thì ta sẽ cho rằng anh đang phụng thiên thừa vận để kéo rèm một bức màn của vở bi hài kịch đại tài này, được chứ? Rũ bức bình phong đó xuống đi, chàng trai trẻ. Vốn danh xưng Fyodor đó của anh ngay từ đầu đã mang nghĩa rằng anh là món quà Thiên Chúa, con trai của Người.

"Ồ, Fyodor... Đứa con của Chúa..." Dostoevsky mở to mắt trong một chốc, vì chính gã cũng đã sớm quên mất điều này từ rất lâu rồi. "Nhưng dù người có nói vậy đi chăng nữa, thì cái tên... cũng chỉ là một từ ngữ thôi mà. Con người thường vì không biết mình là ai nên mới đặt tên. Ngoài tác dụng về mặt hình thức và pháp lý, hầu hết những cái tên đều không đóng vai trò gì mấy trong cuộc đời của một người."

Cái này người ta thường gán danh là cá thể có xu hướng phản xã hội đúng không?

Dostoevsky lại vẽ thêm một cái mặt cười nho nhỏ nữa, "Phải để lại quá khứ mới xúc tiến đến được tương lai chứ. Cái tên cũng chỉ là một điểm bắt đầu thôi mà. Nếu nương níu mãi thì sau này sẽ rất khó khăn."

Rất khó khăn sao?

"Rất khó khăn. Bởi vì càng có nhiều thứ định hình giá trị cá nhân, thì bản thân sẽ càng bị nhiều xiềng xích trói buộc. Giống như có hiến kế bao nhiêu mưu chước để bảo toàn quân doanh cũng không thể đốt cháy một doanh trại bên đối địch nhanh như cách cho tử sĩ đánh bom cùng chết. Trong xã hội đầy những mối quan hệ như bây giờ, việc sở hữu giá trị cộng đồng là điều cần thiết, nhưng để tạo ra vũ khí tối thượng, thì một tờ giấy trắng hai lớp sẽ là khởi điểm tốt nhất."

Viết lên lớp đầu tiên những nguyện vọng thật đẹp đẽ, đặt dưới nắng đủ lâu để mực khô lại, rồi gỡ lớp giấy đó ra và đặt xuống nước mưa để bột giấy rã nát, nhìn từng mảng lớn của tờ giấy cố gắng gắn kết vào nhau một cách lỏng lẻo và tả tơi hơn cả - như hy vọng trộn cùng với ước mơ, thẫm bẩn dưới thực tại trước mặt. Mà vì sắp nát bươm nên rõ ràng không thể trông rõ hình dạng, lại càng không thể đọc được những vệt mực cũ, ép buộc đối phương quên đi tâm sơ ban đầu. Không trực tiếp hủy hoại tờ giấy, nhưng cũng không chừa lại một đường sống nào cho kiếp đời đầu tiên mỏng manh ấy. Chỉ gián tiếp tác động chứ không nên trực tiếp ảnh hưởng, chỉ nên biến đổi môi trường chứ không nên tự mình kết liễu.

Rồi trả lại hy vọng ấy và để đối phương tình nguyện dùng linh hồn tuyệt vọng để đổi lấy một giây hy vọng.

Phải như thế, phải đến tờ giấy thứ hai, nguyện vọng mới được trở thành sự thực, Dostoevsky hơi nhắm mắt và lại thấy mùi hương quen thuộc đang chờn vờn quanh sống mũi, là tuyệt vọng, là ngọn lửa rực rỡ nhất cho mọi kế hoạch phía trước. (4)

Ôi chao... Một quyển sách trống rỗng sao? Xem chừng anh đang có ý hướng tới ta chăng? Đây là một lời khen à?

Khóe mắt gã người Nga cong lên trong thoáng chốc, "Một lời khẳng định mang tính khách quan thì không phải lời khen, mà là sự thật. Và tôi chỉ đang tường thuật lại sự thật ấy thôi. Còn việc xem xét và nhận định tính chất của lời nói này như thế nào lại phụ thuộc vào người rồi."

Nụ cười đậm hơn, nhưng trong mắt Dostoevsky vẫn là sự bình lặng thường thấy.

Dostoevsky thấy cổ họng hơi run run, hình như là cơn ho trào đến đột ngột, rồi lại sớm bị gã dìm xuống đáy họng thật sâu. Gã từ tốn trở về trạng thái ban đầu, nhắm hờ mắt và chống tay như muốn cố định vị trí của bản thân sau những nhịp thở nặng làm chao đảo vị trí ngồi đầu tiên của mình. Rõ ràng, nếu thông tin không tồn tại thì không thể trao đổi, và nếu giá trị vốn từ đầu không có để quan sát và nắm bắt, thì việc tìm cách để khống chế đối phương bằng cách biến tấu tư tưởng ban đầu gần như là đào hố để đi tìm mặt trăng in ảnh trên nước.

Gã cong môi.

Vậy thì tự tạo ra tư tưởng cho người bạn mới này là được thôi.

"Hãy để tôi giúp người xem trông thế giới này trong một cái nhìn khác hơn, mới hơn, và cũng... sống động hơn."


---------------------------------------

Chú thích:

(1) Bánh mì đen ở đây là ý chỉ về giai đoạn văn chương mà Nikolai Gogol và Dostoevsky. Dostoevsky có những tác phẩm nổi tiếng nhất - thời kỳ nước Nga biến loạn sau sự sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế. Nikolai ví Dostoevsky như bánh mì đen vì trong thời kỳ hỗn loạn như vậy, vì khi đó người dân nếu đã mơ ước thì sẽ mơ ước những thứ cao xa hẳn như tiền bạc, sự xa hoa và đời sống thượng lưu - những thứ đã dẫn đến sự băng hoại đạo đức của con người (điển hình trong tác phẩm "Anh em nhà Karamazov"). Nhưng nếu mơ ước một ổ bánh mì đen thì lại đại diện cho sự cân bằng giữa mong muốn cá nhân và tính chất đạo đức vẫn được lưu giữ. Dostoyevsky ở đây - được đặc biệt khắc họa là mang trong mình mong muốn mang tính chất phù hợp với tính chất của xã hội bấy giờ và đáp ứng được các nhu cầu cần có cho một thời đại đang chuyển mình.

(2) Đây là về lí tưởng của Dostoevsky về việc thanh trừng "năng lực gia", để duy trì tính công bằng của xã hội chứ không xuất hiện những ngoại lệ mang tài năng thiên bẩm từ trước.

(3) Đây là truyền thuyết về con thuyền cứu thế của Noah, có tính chất tương đồng với thuyết Đại hồng thủy nói về tính chất của biển Đen. Chúa đã cho mưa xuống mặt đất 40 ngày không ngừng nghỉ để tiêu trừ tội tác, trời cũng đã để lũ dâng lên nhấn chìm biển Đen; tuy nhiên sau mưa thì mọi thứ đều được tái xây dựng. Tội ác vẫn trở lại, và lúa vẫn trồng được eo biển năm xưa.

(4) Câu này một lần nữa khẳng định tư tưởng đầu tiên của Fyodor về phương thức tốt nhất để đạt được chiến thắng, đó là đánh bom cảm tử còn hơn dùng kế để bảo toàn lực lượng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro