4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Nè."

"Gì?"

"Hồi nhỏ ngươi muốn làm nhà văn à?"

Dostoevsky không ngẩng mắt khỏi quyển sách, nhưng vẫn bình tĩnh trả lời câu hỏi của đối phương. "Tại sao ngươi lại hỏi như thế?"

"Vì con người thường hay ước mơ nhưng không luôn luôn đủ cớ để vin vào mà trốn tránh việc thực hiện những ước mơ ấy. Ranpo bảo đó đều là những người thiếu dũng khí. Cũng chẳng sai." Gã thám tử nhún vai, lại hất hất sợi tóc lòa xòa trước mặt, ngón trỏ và ngón giữa vờ như làm thành chiếc kéo nhỏ để cắt phần mái vướng víu, khóe môi lại kéo một đường thật dài như không muốn để lộ cảm xúc gì. "Anh ấy nói, rồi nhiều khi họ quên luôn chúng, chôn sống chúng - chôn hết ấy, tất cả những gì vẫn còn đẹp đẽ dưới dạng những kí ức ấu thơ, vẫn còn đang thở và vẫn còn đang sống, trong những yếu hèn lầm than, và rồi cũng tự chôn cất chính mình, trong một cách không thể ngớ ngẩn và hèn nhát hơn hơn."

Dazai nhắm mắt, đáy họng lại ngân nga một điệu nhạc nhỏ. "Và chỉ đến lúc tự do của cá nhân bất kì đó thực sự bị tước đoạt, và họ không có cách nào khác ngoài trơ mắt chờ cái chết đang đến, thì lúc đó người cũ quay về; và kí ức mới lại như vong linh không thể siêu thoát mà toan tính những cách để nương níu trần thế, trở về cánh đồng hoang ở Yorkshire với khao khát lặp lại bi kịch như trong sách truyện của một thế kỉ cũ, trở về ngôi mộ không tên với khao khát dằn vặt một người đến chết vì đã dám quên đi cảm xúc cũ xưa. (1)" Dazai ngừng lại, bấy giờ mới ngẩng mắt và nhanh gọn bỏ xuống khuôn mặt ban nãy vẫn còn nhuộm đặc cái lãnh cảm khó lường. Tay thám tử bỗng nở nụ cười như đang rất vui vẻ, tựa hồ cố tình để Dostoevsky thấy được mí mắt hắn ta đang cong cong tựa vầng trăng mảnh trên nền trời kịt đen, như đang toan tính điều gì đó xấu xa mà gã lại tạm thời chưa thể đọc thấu.

"Đều là song phương cầu bồi táng."

"Ồ, nghe tri thức ghê." Dostoevsky lại cúi mắt, tiếp tục đọc trang sách thứ một trăm mười lăm của quyển sách đã sớm bạc sờn từng vết chữ, ngôn từ mờ nhòe đến mức đến cả tựa đề sách cũng khó để đọc cho rõ ràng.

Gã hơi nhíu mày và lật mặt trước của quyển sách lại; thế giới vốn có hơn hai ngàn bảy trăm thứ tiếng, và một tác giả đương đại lại luôn có thể mở đại một quyển từ điển bất kì nào để chọn đại một từ sao cho thật lạ mà cũng thật hay. Thông qua đó, họ sẽ dễ dàng định hình được một kiểu ấn tượng tùy ý mang tính sâu sắc tương đôi trong ý thức người đọc, và từ việc đặt từ ngữ ngẫu nhiên ấy vào một tình tiết bất kể trong tác phẩm của bản thân, tác giả lại có thể "mềm mại" cưỡng chế biến mọi ý tứ của bản thân trở nên hòa ái dưới sức mạnh của bút lực và quyền hạn tối cao của người "tạo" quyển sách, mà lại không mất quá nhiều thời gian để cân nhắc đến tính chất đúng sai của từ ngữ đó với tình huống truyện, hay xem thử rằng phong cách ấy có thực sự hợp lí với hoàn cảnh thực tế hay không.

Cái tên là khởi điểm cho tất cả, cái tên là định hướng rõ ràng nhất cho tất thảy mọi thứ có-thể-xảy-ra sau này.

Nên Dostoevsky xoa xoa cằm, trong một số trường hợp nhất định - kiểu kĩ thuật trên vừa có thể làm cho tác phẩm độc đáo về mặt tổng thể mà cũng vừa mập mờ về chi tiết cụ thể thuộc về nội dung, giống như Bên kia phía Tây không có gì lạ hay Truy giữ - Mã số 22; ấn tượng ban đầu rõ ràng mà mơ hồ có thể cản trở độc giả nắm bắt được tình hình, và cũng luôn là một trong những cách tốt nhất để tác giả chiếm thế thượng phong, qua đó khống chế tiềm thức người đọc và định hình được đường lối của chính mình một cách trực tiếp mà lại âm thầm hơn cả gián tiếp. (2) Đây cũng lại là phương pháp mà cá nhân Dostoevsky cảm thấy rất hữu dụng trong việc tìm cách bẻ hướng một cá thể ngẫu nhiên theo đường quẹo số ba mà không cần phân loại hay cân nhắc đến từng kiểu tính chất của đối tượng đó. Gã chống má và nghĩ thêm một lúc khi nhìn qua Dazai vẫn đang tủm tỉm cười, lại nhìn xuống quyển sách trên tay, lướt nhìn tiêu đề đã bạc màu của nó, cuối cùng bất chợt nhớ ra dường như ấy hẳn là công cụ hữu hiệu để giúp Dostoevsky có thể nắm bắt được "người" phía bên kia trang sách. Nên gã hơi khép hờ mắt; thể chất suy yếu về máu, bệnh tình đặc biệt và những cơn động kinh bất chợt đến rồi cũng bất chợt đi (3), là những viên kim cương nhỏ rồi đi tới cả những đồng xu bạc, A B C E F G H hay Alpha Beta Delta Omega (4); tất cả đều là những cái tên để định dạng ấn tượng cho người đọc mà thôi.

Thế nên với một cá thể trắng trơn như Sigma, Dostoevsky đã thực sự mong đợi nhiều hơn bình thường. Cũng như quyển sách trong tay gã bấy giờ - gần như tinh tươm, không từ ngữ, và đã bạc cả tâm tư tác giả từng muốn truyền đạt qua lời văn câu chữ như thể đã triệt để bỏ cuộc, sau cùng hoàn toàn thoả hiệp và nhường lại cuộc chơi để Dostoevsky tùy hứng bẻ cong, gã cần làm gì đó để bồi đáp lại điều này, cần làm gì đó để phóng thích nó khỏi hơi thở của tội ác và sự sống của tội ác.

Tội ác là quà tặng của Chúa, Dostoevsky lẩm bẩm, ngón tay nghịch nghịch mép giấy ố màu, nếu Chúa không tồn tại.

Nên đối với gã người Nga, dù cho nội dung chính thức trên từng mặt giấy kéo dài từ trang một tới trang bốn trăm lẻ hai (trong trường hợp này) có đã từng được viết bằng tiếng Nhật chính thống, hay bằng câu từ của mảnh đất đủng đỉnh nằm bên kia bờ tây dương, hay thậm chí bởi ngôn ngữ đang suýt soát mà cận kề cái chết đã từng nổi danh một thời của cựu đế quốc Nam Âu; gã lại cảm giác chút tiếng Nhật cổ còn lưu lại trong kí ức của bản thân ở hành trình chính gã khi từng trông qua Cung điện Heian hay Hoàng thành Tokyo - xem chừng vẫn có vẻ là thứ hợp lí nhất, nếu gã cần bồi đáp tâm tư đã chết theo thời gian của vị tác giả vô danh này.

Mỗi ngôn ngữ luôn có nhiệm vụ cùng câu chuyện riêng, và vừa khéo thay thứ duy nhất Dostoevsky nhớ được về Đế quốc La Mã cổ đại ngày ấy (cái mà không hề Thần thánh) - lại chỉ còn sót mỗi một quân K rô hùng tráng như viên kim cương nhuốm máu còn lưu trữ hình ảnh của Julius Caeser năm xưa, người đã đốt cháy thảo nguyên để lấy mạng kẻ địch và bồi lên đế chế của chính mình từ nước Cộng Hòa yếu kém cũ kĩ, lại cũng nhất quyết cho rằng chỉ có chính bản thân ngài mới là kẻ xứng đáng để đội lên mũ miện, hôn vòng nguyệt quế, uống rượu nho chát và tự phong mình chính là kẻ giữ miếng xúc xắc để xắc xem bờ sông Rubicon rồi sẽ bị đốt cháy theo mặt chẵn hay mặt lẻ (5). Dostoevsky chống cằm, và tiếp tục mân mê tiêu đề sờn cũ - gã vốn không có eo biển dài với cát vàng đầy nắng, lại càng không có điền trang màu mỡ dưới nắng cùng vô vàn thành trì để mang những trò vui cho giới thượng lưu, nhưng từ tro tàn của Marius-không-biết-gì-ngoài-đánh-nhau và Sulla lại chẳng biết cách nắm bắt tình hình cho lắm (rất thuận tiện mà bỏ lỡ cả cơ hội sử dụng tối đa tác dụng của cái gọi là nhiệm kì vô hạn), Julius chính là sản phẩm hoàn hảo nhất mà Dostoevsky vẫn luôn mong muốn thiết lập trên các quân bài tây trắng bóc chỉ được ghi nguệch ngoạc vài cái tên vô nghĩa; (6) vì gã vốn cũng chỉ cần những quân cờ trong tay mình sống đủ lâu để chết đủ dài, tàn xác đủ nhanh để tái sinh chớp nhoáng. Bởi trong những hỗn loạn của thời cuộc ấy, Dostoevsky lại cũng chỉ cần người đó muốn bảo vệ tư tưởng của chính mình nhưng cũng lại chẳng rõ suy nghĩ của bản thân rốt cuộc là rõ ràng đến đâu, hay là có thể viết ra rõ ràng một cách lí tính rằng mình có thể đi đến tận đâu trên con đường hành hương này tới miền đất hứa trong thế giới của ý thức vật chất.

Nói đến đây, gã từ tốn ngẩng mắt rồi nhìn bất định vào một dòng thoại không có ý nghĩa gì sâu xa, lại thở hắt, thế mới bảo - nếu bây giờ có ba Sigma thì sẽ tốt làm sao. Như thế thì gã sẽ không cần làm rơi cả Sky Casino rồi. "Vậy ý ngài thám tử đây là ta muốn làm một nhà văn, nhưng vì tình cảm bị phản bội nên mới bỏ quên ước mơ này à?"

"Ta đúng là nghĩ ngươi muốn thành một nhà văn, nhưng không phải là bởi nguyên do vớ vẩn như vậy." Dazai, có vẻ là, chẳng cố gắng đọc ẩn ý trong đáy mắt Dostoevsky, lại cũng chẳng hoài sức dò đoán để trêu chọc như thông thường. Gã thấy đối phương có chăng là còn mất tập trung hơn ban nãy. Nên Dostoevsky  ngồi thẳng người và quan sát chăm chú Dazai hơn một chút, bởi con mèo thì luôn thường giả vờ duỗi mình trước khi lao vào tấn công.

"Vậy là vì?"

"Là vì ta thấy ngươi vẽ bậy vào sách mấy ngày nay."

"...?"

Gã còn chưa kịp đáp lại câu trả lời chưng hửng tùy hứng của đối phương, thì Dazai đã gục xuống mặt đất và ngủ trưa giữa giờ chiều với tư thế ngôi sao năm cánh hệt như một nhân vật hoạt hình mà Oksana đã mua làm quà lưu niệm tặng gã trong chuyến đi tới Tokyo lần trước. Dostoevsky chớp mắt, không mất quá nhiều thời gian để sốc trước phản ứng đầy ngẫu hứng của tay thám tử ở phía Nam Nhật Bản kia, lại tiếp tục suy nghĩ xem bản thân có thể làm gì để giết thời gian thì quyển sách trên tay đã tiếp tục loạt xoạt như nhận được cơn gió của biển lớn thổi vào. Không ngoài dự đoán, khi gã mở một trang sách còn nhòe cả số trang và tiêu đề phụ lục ra (một cách hoàn toàn không có chủ ý và được chính chuyển động của quyển sách dẫn dắt), những gì Dostoevsky nhận được lại vô cùng rõ ràng, lúc-đi-bộ-đọc-văn-để-nghỉ-ngơi, là Hành thư từ Hentaigana, rõ ràng, mềm mại và cũng cực kì gọn ghẽ như nét chữ của tiểu thư năm xưa trong bài thứ một ngàn năm mấy của Vạn Diệp Tập. Gã hơi nghiêng đầu, có vẻ như đối phương cũng sớm chẳng hề dè dặt với xuất thân đã đi qua trăm năm mùa xuân của chính bản thân mình, tâm hồn có khi vẫn còn quá giang ở cung điện Rokujo-in với đèn lồng lấp lánh ánh đỏ hay lửng lơ giữa trời để ngắm cuộc diễu hành của yêu quái dưới ánh trăng sáng nơi không rặng mây đen.

Dostoevsky bỗng cong môi. Hóa ra đây là mặt chữ trên giấy bọc đũa ở mấy quán mì soba à.

Người đó... có điều gì đó... Nét chữ mềm mại lại thanh thoát, chẳng khác mấy tiếng nói dịu dàng của một quý tộc còn giữ nguyên được cái tươi trẻ bất diệt, lại kín đáo giấu mình sau lớp quạt giấy dạt vàng để che đi một nửa dung nhan. Gã nghiêng vai, trong chốc tựa hồ như thấy được bóng người ngồi bên cạnh mình.

"Liệu tôi có thể thoáng nhìn qua điều khiến người ưu tư?"

Ta đoán rằng cậu trai đó cũng đã gây rất nhiều khó khăn cho anh. Dostoevsky như tưởng tượng ra được đối phương đang đảo mắt đầy chán ghét một cách rất hợp lí, lại không cảm thấy bất ngờ. Chính gã cũng chẳng thích Dazai là mấy. Và Dostoevsky nheo mắt khi cố đọc cho lưu loát phần tiếng Nhật kia, lộ ra một chữ "cũng" rất rõ nét. Gã tự hỏi rốt cuộc ngoài tác dụng về mặt diễn đạt, thì từ ngữ này có mang tính chất gì sâu sắc hơn mà gã không biết không. Vì cả hai làm ta cảm giác đều mang... trách nhiệm của một điều gì đó thật khái quát, thật rộng lớn, và thật cao xa so với hình thái của cả hai người.

"Ồ, trách nhiệm." Dostoevsky suy nghĩ một chút, lại dễ dàng đọc hiểu được rằng cảm xúc của người kia đang xuất phát từ động cơ gì. "Tôi sẽ không phủ nhận điều này."

Điều này chứng tỏ ta có cái nhìn của một độc giả toàn trí đó chứ. Anh không hề phủ quyết lời nhận định của ta với tư cách một người trong cuộc.

"Haha, hẳn do bởi cảm xúc dẫn lối." Dostoevsky nhún vai, tóc mái lại rũ xuống trước đồng tử màu hoa ban. "Và cũng bởi cậu ta vốn luôn vậy... Vốn là trang giấy nhuộm đen, việc dễ dàng nhất mà cậu ta có thể làm là đồng bộ hóa thế giới giống bản thân, nhưng Dazai Osamu đã không chọn dốc thoải ấy mà cứ kiên quyết đi vào lối mòn. Sâu trong tâm hồn mòn rữa của cựu quản lí năm xưa, cậu ta đã từng âm thầm truy cầu một tia sáng nào đó, một tia sáng không thuộc về thế giới của chính mình. Và khi nhận được giấc mơ của người khác, chở trên vai mình hoài khát của người khác, thì Dazai lại kiên quyết tự đeo lên xiềng xích đối lập với cảm quan của bản thân cậu ta với thế giới này."

"Dazai Osamu đã luôn đi tìm cái chết, nhưng lại không thể chết." Gã nhún vai, trong một giây lại liếc nhanh sang đối phương đã sớm gà gật chìm vào giấc ngủ, "Trong bốn triệu khả năng tồn tại, ai cũng biết rõ, và cậu ta lại càng biết rõ, những cái kết viên mãn nhất, tròn vẹn nhất có thể xảy đến chỉ có thể là khi cậu ta trút hơi thở cuối cùng. Nên cậu ta cứ mãi chênh vênh giữa ranh giới của việc có tội hay không tội, và cũng vì năng lực của cậu ta... quả thực độc đáo."

"Nhưng trong một quyển sách, nếu chỉ giải quyết mâu thuẫn của duy nhất nhân vật chính - đặc biệt là loại hình nhân vật được xây dựng gần như hoàn toàn tách biệt với thiết lập gốc của thế giới, thì quyển sách đó sẽ hiếm bao giờ được đánh giá là một quyển sách hay. Nếu như Alissa không bị thế giới xô đẩy mà điên cuồng đi tìm một khung cửa hẹp còn chẳng ai biết là có thực sự tồn tại hay không, hoặc nếu như Jérôme không yêu cô chị ấy đến mê muội mà đánh mất tỉnh táo, hay là giả định rằng Juliette không yêu lấy người tình của chị ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên và bất chấp thực tại để chạy theo tình ái, thì mâu thuẫn giữa những trường nhân vật ấy đã không được khắc họa đẹp đẽ và rõ ràng đến thế."

"Khi giữ trong tay quyền sáng tạo và khi muốn đạt được điều gì, thì việc sắp xếp vai trò cho mỗi cá nhân trên tuyến đường ấy là cần thiết. Nên dù cho Dazai Osamu có khao khát chết đi, thì con đường dẫn tới cái chết của cậu ta bấy giờ sẽ phức tạp hơn nhiều so với năm cậu ta tròn mười lăm. Năm đó cậu ta đã thử tự viết ra tiền đề của bản thân, và chẳng biết là may mắn cho cuộc đời cứ tưởng sẽ mãi mãi nhuộm đen đó, hay là xui rủi với cơn khát cái chết vốn vĩnh cửu của cậu ta, phép thử của Dazai cuối cùng lại nhận được nhiều hệ quả hơn cả định lí Ta-lét." Dostoevsky giơ tay như nhẩm đếm, "Trụ sở Thám tử Vũ trang bây giờ, hay là niềm tin của những người còn sống chứ không chỉ những cá nhân đã nằm xuống đất đen... Tôi không có đủ dữ kiện để khẳng định cậu ta 'yêu thích' trách nhiệm hay không, nhưng rõ ràng hành vi của cậu ta đã sớm thể hiện rất rõ ý chí của Dazai trong việc lựa chọn đi theo tuyến đường này rồi."

Ồ. Dostoevsky như nghe được tiếng người cười khúc khích đầy bất ngờ, nhỏ nhẹ như tiếng mưa rơi sau bức bình phong có thêu tranh thủy mặc khi xưa. Anh nói như vậy làm ta cũng nghĩ rằng anh là người rất có kinh nghiệm đấy. Đó có phải lý do tại sao vị cha xứ đó lại được chỉ định là người phụ trách kết liễu mạng sống của đứa trẻ đầu tiên bước ra từ những trang sách của ta không?

"Đặc thù công việc của một cha xứ mà (7). Xá tội và tẩy trần mọi thứ còn sót lại mà được xét là tàn dư ma quỷ. Dục vọng cũng chỉnh là đại diện lớn nhất cho con rắn thần và chiếc hộp Pandora. Và tôi cũng không phải người tài giỏi đến độ đi một đường thẳng cũng có thể đến đích. Để vượt thác thì suy cho cùng cũng không thể tự mình bơi ngược hướng dòng nước mà đi đến cao độ đã được định sẵn được."

Tư duy dị thường thật. Bất thượng điếu, chẳng giống chim én năm xưa bay vào lâu đài.

Dostoevsky chớp mắt trước cách dùng từ của đối phương, song vẫn từ tốn viết lời đáp. "Nếu như tôi đoán không sai, thì có lẽ đây là lời khen của người dành cho tôi, dù cho chuyện này cũng chẳng đáng để ngợi ca gì. Vốn mọi quyển sách đều đi theo con đường như vậy, nên tôi cũng không thể làm khác đi. Chính 'Quyển sách' cũng đã đi theo con đường này mà."

Gã thấy đối phương định viết gì, rồi lại thôi.

"Vậy nên, để loại bỏ Trụ sở Thám tử, một trang giấy đó đã được sử dụng để tạc họa lên một câu chuyện chi tiết, rõ ràng và lành mạch hơn cả. Hay thậm chí việc tôi đang ở đây để hít thở không khí và trò chuyện với người cũng có thể là sự kiện ở trong 'Quyển sách', dù cho phải nói rằng, tôi không thực sự mong tình huống đó có thể xảy ra. Bởi nếu có, chúng tôi đều sẽ giống như đang vùng vẫy vô nghĩa vậy."

Anh nói vậy là khống họa ta đấy. Ta có tư duy độc lập nhưng vẫn chịu một số ràng buộc nhất định. Việc ta tự viết nên một câu chuyện là điều không tưởng, vì ta cơ bản không biết ai ngoài anh và Thiên Nhân Ngũ Suy, và ta càng không có đủ kiến thức về xã hội đương đại để sáng tác nên bất kể điều gì. Ta chỉ có thể quan sát được những đối tượng khác thông qua tầm nhìn của những trang sách thôi.

"Qua... những trang sách?" Ý cười trong mắt Dostoevsky rõ hơn. "Qua Oksana?"

Phải. Qua Oksana chẳng hạn, như anh đã nhận ra. Ta có thể nhìn được mọi thứ mà đứa trẻ đó nhìn thấy, cảm nhận được mọi thứ mà đứa trẻ đó cảm nhận thấy, và gián tiếp phân tích thế giới thông qua cách đứa trẻ đó nhìn nhận về mọi vật xung quanh.

Cái tên Oksana bỗng hiện về trong tâm thức gã, vừa xa lạ và cũng vừa quen thân, vừa tưởng như hiểu thấu mà giờ đây trở thành một nút kết thắt chặt Dostoevsky đã quên mất việc phải gỡ ra bằng hết, lại phức tạp hơn cá thể khi nãy đã mua đồ lưu niệm cho Dostoevsky với nụ cười từ đáy lòng. Và gã người Nga miết nhẹ trang sách vẫn còn trắng trơn ở góc phải, không nghĩ rằng bản thân đã sót mất một nhân vật lớn như vậy trong đại cục gã đã biên soạn từ rất lâu, song lại cho rằng có lẽ Oksana cũng không biết chính mình lại là đôi mắt của Chúa trời, thay mặt người ở trên cao nhất để cho gã thấy một trong hàng triệu khả năng có thể xảy ra ở một vũ trụ duy nhất Dostoevsky đang tuần hoàn liên tục và không ngừng nghỉ.

Sau cùng, gã quyết định từ chối việc suy nghĩ quá nhiều về vấn đề này - bởi thực thể nằm bên quyển sách Dostoevsky đang cầm trên tay đã vốn chẳng có tính đe dọa mấy tới kế hoạch của gã. Có tư duy riêng nhưng chẳng màng đến tư tưởng người khác, là một độc giả ngoài lề nhìn nhận mọi thứ với cảm quan khách quan nhất có thể, và có lẽ chỉ tìm đến gã bởi vì Oksana đã bắt đầu tập chơi cello. Như hệ quả tương ứng, Dostoevsky lại bỗng thấy màn đêm hôm ấy tựa hồ tấm rèm chùng xuống bên khung cửa sổ ngoài kia như một chi tiết định sẵn trong một trang truyện trinh thám thông thường nào, nhắc nhở Dostoevsky về việc bản thân cần xúc tiến cho kịch bản trước mắt nhanh hơn nữa, trước khi rơi xuống quyền hạn vỏn vẹn trong vai trò của một phụ tá đạo diễn, hoặc thấp hơn hẳn một bậc, là một thực tập biên kịch không có quyền hạn, và cũng không có bài viết nào được đưa lên tạp chí Nguyệt san. Gã thở hắt một lần, chuyện chẳng phức tạp nhưng cũng có sự phiền toái nhất định khi các sự kiện giờ đây lại rất có khả năng chệch khỏi tuyến tính ban đầu, và với người bạn cùng tổ chức luôn luôn như một quả bom nổ chậm, hay với một thực thể luôn giấu mình sau hàng vạn đôi mắt chòng chọc có thể sẽ cứ dõi theo từng bước gã đi trong bóng đêm vạn dặm; thì Dostoevsky lại  nghĩ; dù có phải tự tay đốt cháy chính mình, gã cũng sẽ làm như vậy để bản thân cùng tuẫn táng với những cá thể ngoại đạo trong trăm triệu khả năng bất kể kia.

Vì nếu không mở chiếc hộp ra, thì làm sao biết được con mèo đã chết hay chưa? (8)

"Vậy người có tin vào những điều Oksana tin không?"

Chà, anh làm ta có chút tò mò về đức tin của đứa bé đó đấy.

"Gỗ của cello thì dễ cháy hơn dây thừng bện từ cỏ và rơm là điều mà cô bé tin vào."

-------------------------------------

Chú giải:

(1) Đây là tác phẩm "Đồi gió hú" của nữ nhà văn Emily Brontë, kể về hồn ma của Catherine trở về đồi gió năm xưa sau khi bỏ lại đoạn tình cảm của bản thân với Heathcliff để cưới Edgar.

(2) Là ẩn dụ cho việc Fyodor thường tạo dựng hình tượng của bản thân hay của người khác để thao túng tâm lí của chính người đó.

(3) Là hình tượng Fyodor tự tạo dựng cho chính mình, thông qua đó thiết lập và "điều khiển" ấn tượng của người khác về gã một cách có chủ ý.

(4) Liên hệ tới "Ace" (cố quản lý của Mafia cảng) cùng sự kiện bị Fyodor gián tiếp giết chết trong căn phòng thông qua một chuỗi hành động Fyodor đã tính toán từ trước để thao túng gã: lộ thông tin cho kẻ bắt cóc, tạo lập căn phòng như ý thức giả của mình...

(5) Câu nói nổi tiếng của Julius Caesar năm xưa khi băng qua bờ sông Rubicon để thách thức Viện Nguyên Lão rằng ông sẽ đốt cháy tàn dư cũ kĩ của họ, ""Alea iacta est." (Con xúc xắc đã được ném).

(6) Julius, Marius và Sulla vốn hiểu rõ về tư tưởng và ý đồ của nhau, nên khi Julius buộc phải giết đi hai người kia, bản thân ông đã trải qua được sự trưởng thành mang giá trị trăm năm chỉ trong chớp nhoáng. Fyodor cũng lại muốn Sigma gặp xung đột với tư tưởng của chính mình để có sức mạnh lớn lao hơn, bằng chứng rõ ràng nhất là khi Sigma sẵn sàng treo phần thưởng triệu đô để ép con người lấy mạng chính "đồng loại" của mình vì mong muốn vị kỷ của chính anh.

(7) Khi cha xứ thực hiện nghi thức trừ tà, quỷ dữ sẽ bị trục xuất xuống địa ngục, hoặc nói theo một cách khác, bị tước đi "sự sống" nó tiếm đoạt được từ con người. Fyodor đã từng nói rằng việc Ace chết đi là một cách được phóng thích khỏi tội ác, nên cha xứ - mang trọng trách và nhiệm vụ được giao bởi Chúa - cũng cần xá tội cho những con "quỷ" bằng cách tước đi sự sống từ họ.

(8) Thí nghiệm về con mèo trong cái hộp của Schrödinger.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro