[Ngoại truyện] Bình minh và hoàng hôn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[Ngoại truyện] Bình minh và hoàng hôn

Câu chuyện về “Dạ hàng điểu” là do Chỉ Di kể tôi nghe. Khi ấy chúng tôi nằm trên hai chiếc giường nhỏ xíu cách nhau không đến một mét, trong phòng tối thui, không thấy được rèm cửa sổ màu hồng và con búp bê vải trên kệ tủ đầu giường, con cá vàng bảo bối của Chỉ Di đang ve vẩy đuôi trong hồ cá thủy tinh, nó lộn người, nhả bong bóng…những bày trí trong bóng đêm này đều được sắp xếp dựa trên sở thích của chị ấy. Họ đều cảm thấy tôi không quan tâm những thứ này, vậy nên tôi cũng tỏ ra thật sự không xem trọng.

“Chỉ An, em ngủ chưa?”

Tôi dùng hành động lật người một cách mạnh bạo để thay cho câu trả lời, mỗi khi không thể chợp mắt trong bóng tối, tính nết của tôi cũng đều lệch về mặt xấu, nhưng Chỉ Di không sợ, chị ấy biết rõ, dẫu rằng bề ngoài trông tôi không mấy hợp tác, nhưng tôi nhất định sẽ làm thính giả của chị. Không cần phải mở mắt ra, tôi cũng có thể tượng tượng được dáng vẻ chị ấy bây giờ: tay ôm gối nằm ngửa người, mắt chớp chớp nhìn trần nhà --- Đương nhiên, Chỉ Di của khi ấy mắt vẫn còn sáng. Nội tâm của chị ấy, là thế giới huyền ảo mà tôi không cách nào hiểu được.

“Chị kể em nghe, sáng nay chị đọc thấy trong sách kể về một loài chim sống trên biển, bắt cá kiếm ăn, to hơn chim hải âu, bay rất cao, cũng rất hung hãn, nó chỉ xuất hiện vào ban đêm và những lúc sắp có giông bão. Nếu có ai nhìn thấy chúng vào buổi hoàng hôn, ắt hẳn chẳng bao lâu sẽ có bão táp ập đến. Song điều thú vị nhất, là chúng lúc nào cũng bay lượn trên trời, cả đời chỉ chạm xuống mặt đất một lần….”

Chỉ Di hạ giọng rất thấp. Sáng mai còn phải đến trường, người lớn đều tưởng chúng tôi đã ngủ, không thể để họ nghe thấy chúng tôi đang trò chuyện, dẫu rằng người mở lời đa phần là Chỉ Di. Chị ấy lúc thì kể lại câu chuyện tình yêu đọc được từ tiểu thuyết, khi lại chia sẻ với tôi những “Châm ngôn cuộc sống” tìm thấy trong sách, cũng sẽ nói về bí mật nhỏ trong lòng chị ấy, nhưng càng nhiều hơn nữa là nhắc về “người ấy”. Chỉ Di trong những “giây phút chia sẻ” này là vui vẻ, là hoạt bát, khác hẳn vẻ ngượng ngùng và hướng nội trong ngày thường, dẫu rằng với tôi, những lời ấy đều rất khờ. Cũng giống như truyền thuyết về “Dạ Hàng Điểu” vậy, ắt hẳn cũng xuất phát từ truyện tranh vớ vẩn nào đó mà Chỉ Di đọc vào buổi sáng.

“Tại sao cả đời chỉ xuống đất một lần?”

Khi tôi đặt câu hỏi này thì Chỉ Di đã rơi vào trạng thái nửa ngủ, đại khái là chị ấy đã quen với thái độ không ư hử gì của tôi trong những câu chuyện khờ khạo của chị, giờ đây đột nhiên nghe tôi hỏi thế, chị trái lại cảm thấy bất ngờ.

“Ừm…để chị nhớ lại đã. Phải rồi, trong sách nói, vì loài chim này cứ lượn lờ trên không trung, nên đôi chân sớm đã thoái hóa, một khi chúng xuống đất thì hành động sẽ trở nên chậm chạp, một lúc sơ ý sẽ dễ dàng bị ngư dân hoặc động vật khác ăn mất. Do đó những lúc chúng dừng lại, đồng thời cũng là lúc chúng chết đi. Chỉ An, em có hứng thú với nó à?”

“Chỉ hỏi vậy thôi, ngủ thôi.” Tôi lại trở mình.

Trước lúc chìm vào giấc mộng, tôi nghe Chỉ Di mơ hồ nói: “Nếu biết trước em thích, chị sẽ mượn từ thư viện quyển tạp chí đó về.”

Thích? Không, tôi không thích một chút nào. Câu chuyện này với Chỉ Di mà nói có lẽ mang đậm chất lãng mạn và truyền kỳ, nhưng ở tôi, nó bi thương đến nhường nào. Nhưng tôi không nói gì cả. Chẳng mấy chốc, hơi thở của Chỉ Di trở nên điều hòa. Chị sẽ có một mộng cảnh ngọt ngào, người sống lương thiện xứng đáng nhận được những điều này. Chỉ Di, chị của tôi, người luôn được bảo bọc săn sóc, người luôn được mọi người nâng niu trong lòng bàn tay, tâm sự duy nhất của chị cũng đơn giản và rõ ràng đến mức người ngoài nhìn vào là biết. Tôi biết chị ấy đang nghĩ gì, tôi cũng biết hoặc giả chị ấy là người thương yêu tôi nhất trên đời này, dẫu rằng những gì tôi nghĩ, chị chưa từng biết cũng chưa từng hiểu. Chị không bao giờ biết rằng tôi sợ hãi thậm chí là chán ghét câu chuyện “Dạ Hàng Điểu”, cũng giống như chị cứ mãi ngưỡng mộ tôi giỏi hơn chị về tất cả mọi mặt, duy chỉ không hiểu rằng, cái thật sự tôi muốn, chưa bao giờ tôi có được.

Tôi còn nhớ buổi trưa của một ngày hè năm tôi tám tuổi, hôm ấy tôi lẻn ra ngoài cùng thằng mập ở dưới nhà đi chọc phá những con ve trên cành cây, mồ hôi ướt đẫm toàn thân mà còn phải canh thời gian chạy về nhà trước lúc ba mẹ thức dậy, giả vờ như mình và Chỉ Di đều đã ngoan ngoãn ngủ trưa. Tôi rón rét bước đi trong phòng khách, cúi đầu nhìn chiếc váy hoa vừa bị nhánh cây làm rách một đường, trong lòng có hơi thấp thỏm, nếu để ba mẹ nhìn thấy, chắc hẳn lại sẽ bị rầy. Tôi không sợ bị mắng, thậm chí bị đánh, nhưng tôi sợ họ giận. Tôi hy vọng họ thích tôi, giống như họ thích Chỉ Di vậy, ánh mắt khi nhìn Chỉ Di bao giờ cũng chứa đầy tình thương và dịu dàng. Vì điều này, tôi đồng ý mặc váy hoa giống như Chỉ Di mặc, cột tóc kiểu công chúa giống như Chỉ Di cột, dẫu cho chiếc váy luôn bị vướng víu khi leo cây, chiếc kẹp bướm ngay ngắn trên đầu chẳng biết lại sẽ bị tôi làm rơi ra từ lúc nào. Khi đối mặt với tôi, ba luôn nửa cảm thán nửa lắc đầu, còn mẹ thì bao giờ cũng lạnh lùng. Lúc ấy tôi chỉ thấy giận, tất cả đều tại tôi, là tôi không tốt, tại sao cùng do một người sinh, chỉ là một người ra trước một người ra sau, mà tôi thì mãi mãi cũng không được đáng yêu như chị ấy.

Tôi đưa tay đẩy cửa phòng mình ra, nhưng lại bất ngờ nghe thấy tiếng tranh cãi từ phòng của ba mẹ. Trong ấn tượng của tôi, họ luôn luôn hòa thuận và yêu nhau. Nếu đổi lại là Chỉ Di, lúc này chắc sẽ ngoan ngoãn nấp vào phòng, nhưng tôi thì không, tôi đã làm một quyết định khiến tôi phải hối hận rất nhiều năm sau đó, khẽ khàng bước tới trước cửa phòng của ba mẹ, áp tai vào cánh cửa mỏng.

“Bà cũng đừng suốt ngày dùng sắc mặt này nhìn nó nữa, dẫu sao nó cũng còn là đứa trẻ.”

“Đứa trẻ? Đứa trẻ của ai? Tôi chỉ có một đứa con gái, đó chính là Chỉ Di!”

“Nhưng Chỉ An nói thế nào cũng là cốt nhục của tôi, tôi có nghĩa vụ nuôi dưỡng nó.”

“Đúng, đó là nghĩa vụ của ông, tôi cũng đã làm trọn nghĩa vụ của tôi. Tôi nuôi nó tám năm rồi, chăm sóc cuộc sống cho nó giống y như Chỉ Di vậy, Cố Duy Trinh, ông còn muốn tôi làm sao nữa, đối đãi với một nghiệt chủng….”

“Bà nhỏ tiếng một chút, cẩn thận để bọn trẻ nghe thấy!”

“Tôi đã chịu đủ rồi! Nếu đổi lại là ông thì ông sẽ làm sao? Mỗi ngày nhìn bằng chứng sống mà chồng mình đã phản bội mình? Tôi cho ông biết, cứ nhìn thấy nó một lần là như con dao cắt vào trái tim tôi một cái.”

“Bà có thể nào đừng hở chút lại mang chuyện cũ đó ra nói không, tôi thừa nhận là tôi đã làm sai, nhưng bà cũng đã hứa chúng ta sẽ xóa hết chuyện cũ, sống tốt những ngày tháng sau này còn đâu.”

“Tôi cũng muốn quên, nhưng ông nhìn gương mặt của nó kia kìa, càng lớn càng giống ai…. Đó là em họ ruột thịt của tôi, tôi tin tưởng hai người biết chừng nào….”

Sau đó họ còn nói rất nhiều rất nhiều nữa, tiếc rằng tôi đã không còn ghi nhớ, chỉ biết phía bên kia của cánh cửa rất hỗn loạn. Mẹ đã khóc -- nếu như tôi còn có thể gọi bà là “mẹ”. Tiếng khóc của bà và tiếng vỗ về hết lòng của ba nhỏ dần, rồi tắt hẳn… Tiếng ve kêu ngoài cửa sổ vẫn không ngớt, càng kêu không gian càng trống trải, càng khiến đầu tôi đau đớn.

“Tri liễu, tri liễu….” Tại sao phải biết, không biết thì hay biết mấy?  

(Tri liễu: con ve. Mà “Tri” có nghĩa là biết, “liễu” là rồi)

Tôi trở về phòng mình, gỡ chiếc kẹp bướm trên đầu xuống, lột váy hoa ra trong ánh mắt còn mơ màng ngủ của Chi Di, tôi vứt mạnh chúng xuống đất, giẫm đạp điên cuồng, một lần lại một lần. Bắt đầu từ lúc ấy tôi biết rằng, không phải vì tôi làm không tốt, mà là họ hận tôi, tôi vừa ra đời đã là một sai lầm. Cặp con song sinh cũng chỉ là lời nói dối gạt người gạt mình của họ, mắt của tôi và cả hình ảnh phản chiếu trong gương không hề lừa gạt tôi, chẳng qua là họ cứ kiên trì cho chúng tôi mặc trang phục giống nhau, ngày qua ngày mà nhấn mạnh tôi và chị là như nhau, là như nhau…. Và tôi cũng tự thôi miên mình mà tin như thật. Song sự thật là dẫu cho tôi có mặc váy hệt như Chỉ Di, tỏ vẻ ngoan ngoãn như chị, thậm chí làm tốt hơn chị về mọi mặt đi chăng nữa, họ cũng sẽ không thương yêu tôi như đã yêu thương chị, mãi mãi cũng không.

Bộ váy và chiếc kẹp bị tôi giẫm đạp đến không còn nhận ra hình dáng ban đầu, Chỉ Di bị hành động của tôi làm cho sững sờ. Thế nhưng, đến cuối cùng, tôi vẫn đã thay lại bộ váy trên người Chỉ Di trong nước mắt của chị. Chị sợ ba mẹ sẽ phạt tôi, vì thế ôm hết lỗi lầm về mình, dù cho người lớn đều hiểu rõ việc gì đã xảy ra, song họ sẽ không nhẫn tâm làm nghịch ý tốt và tấm lòng lương thiện của con gái mình, họ sẽ chỉ thừa lúc chị không chú ý mà dùng ánh mắt băng lạnh lườm tôi. Xem đấy, tôi chính là hư đốn vậy đấy, và chị luôn tốt đến thế.

Về sau tôi từng cố nghĩ lại, hôm ấy tôi đã trải qua như thế nào, lâu quá rồi, rất nhiều ký ức giờ đây chỉ còn lại một màu trắng, tôi có chống lại họ không? Họ có phạt tôi không? Sau đó tôi đã lại lẻn ra ngoài như thế nào? Tôi chỉ nhớ tôi lại mặc lên người chiếc váy hoa mới toanh và vừa khít, mang mái tóc công chúa được Chỉ Di buộc lại cho tôi, lảng vảng trong khuôn viên ký túc xá. Tôi từng nghĩ đến việc rời khỏi, rời khỏi nơi vốn không thuộc về mình, mãi mãi cũng không nhìn mặt họ nữa. Nhưng tôi không biết phải đi đâu. Ngày thường tôi thích nhất là trốn ra ngoài chơi, nhưng khi chơi mệt rồi tôi sẽ muốn về nhà. Giờ đây chẳng còn gì nữa, mẹ không phải là mẹ của tôi, ba không yêu tôi, tôi giống như một con động vật không nơi nương náu, không một nơi chịu thu nhận tôi.

Đợi đến khi tôi phát hiện mình đã đi quá xa thì màn đêm sớm đã buông xuống, xung quanh không còn trẻ con nhà nào chạy ra chơi nữa, Giữa màu đen cô đơn, tôi chỉ có một mình, và tôi khóc. Ở nhà, trước mặt họ, suốt chặng đường này tôi đều đã kìm nén nước mắt, nhưng lúc này đây, tôi khóc đến toàn thân đều run lên, không rõ là do sợ bóng đêm, hay là đang sợ hãi tương lai mà tôi không thể đoán được.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp Kỷ Đình, anh vô tình xông vào hoàn cảnh khốn đốn của tôi, ngồi xổm xuống bên cạnh tôi, rõ ràng chẳng lớn hơn tôi là bao nhưng lại làm ra vẻ chững chạc. Anh nói: “Em à, sao em lại khóc…..Có anh ở bên cạnh em, em không cần sợ gì cả.”

Dẫu rằng lúc ấy chỉ có tám tuổi, nhưng tôi cũng biết anh chỉ đang dụ tôi. Tôi biết nhìn thấu lời nói dối của con người từ rất sớm. Tôi không quen biết anh ấy, làm sao mà anh ấy có thể cứ ở bên cạnh tôi? Huống chi nhìn vẻ mặt cố gắng bắt mình bình tĩnh của anh trong bóng tối kìa, trông còn sợ hãi hơn cả tôi nữa.

Tuy nhiên, tôi không vạch trần anh. Có lẽ tôi đồng ý tin những lời anh nói. Bởi vì vào lúc ấy, tôi không còn ai có thể tin tưởng nữa.

Anh giống như một chàng ngốc ngồi xổm trong bóng tối với tôi rất lâu, mãi đến khi gió đêm làm khô dấu hằn nước mắt trên mặt tôi. Trước khi về nhà, tôi gạt anh rằng tôi tên “Cố Chỉ Di”. Vì sợ hãi nên náu trong bóng tối để khóc, đó là hành động chỉ có Chỉ Di mới làm. Tôi là Cố Chỉ An, cô gái hư hỏng rất ít khi khóc.

Sau khi trở về, tôi chùm mền ngủ thẳng cẳng, giả vờ quên đi tất cả những việc xảy ra trong ngày. Sáng sớm hôm sau, tôi lại lần nữa bắt gặp Kỷ Đình ở dưới nhà, anh bất ngờ gọi tôi “Chỉ Di”, tôi mắng anh là “Đồ ngốc”.

Sau đó, Chỉ Di tò mò hỏi tôi về chuyện này, tôi nói chị nghe đấy chỉ là một trò lừa bịp nghịch ngợm tôi bày ra cho chàng ngốc mới dọn đến mà thôi.

Lại sau đó, Kỷ Đình không chỉ một lần nhắc về quá khứ xấu hổ “nhận nhầm người” này trước mặt tôi và Chỉ Di, may thay Kỷ Đình cứ tin là thật. Lúc ấy tôi biết Chỉ Di thích anh, còn tôi? Tôi nghĩ tôi nên tiếp tục không quan tâm gì cả, giống như trước đây vậy.

Mười một tuổi, tôi lên lớp sáu. Năm này tôi có một “phát hiện” mới, chính là mỗi khi tôi làm sai việc gì, hoặc bày ra trò cay nghiệt nào đó, khiến cho ba nổi trận lôi đình, lúc ấy cũng chính là lúc ông quan tâm tôi nhất. Có lúc ba sẽ bắt tôi ở lại nhà một mình, rồi giáo huấn tôi suốt một buổi chiều. Ông mắng tôi nghịch ngợm, mắng tôi không nghe lời, giận đến mức đỏ mặt tía tai, quanh đi quẩn lại trong căn nhà nhỏ. Tôi không lên tiếng, cứ mãi cứng đầu, song trái tim lại bén lên một ngọn lửa nhỏ, mà vui. Lúc này ba sẽ không nghĩ đến Chỉ Di, miệng tuy trách mắng, nhưng trong mắt ba chỉ có tôi. Thời gian ba năm giúp tôi dần dần chấp nhận sự lạnh nhạt mà Uông Phàm dành cho tôi là sự thật không thể nào thay đổi. Bà không phải mẹ của tôi, tôi không trách bà. Chỉ là, ba vẫn là ba của tôi, ông đã đi lệch đường, do đó mới có tôi, có lẽ việc này là có lỗi với vợ ông, nhưng chắc chắn là ba đã từng yêu mẹ ruột của tôi, dẫu cho chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi cũng được, có như thế không chừng ông cũng sẽ yêu thương tôi, dù cho chỉ là một giây, đây là nguyện vọng ích kỷ nhất của tôi.

Trước kỳ thi cuối kỳ, tôi lại một lần nữa bị lôi cổ vào phòng làm việc của ban giám thị, nguyên nhân là tôi đã đánh cô bạn học ở lớp kế bên một trận đã đời vì cô ăn hiếp Chỉ Di. Thầy giám thị yêu cầu tôi viết bản kiểm điểm và phải khắc sâu việc này vào lòng, rồi đợi phụ huynh đến đón. Tôi chờ ba đến vừa mắng vừa đón tôi về nhà, chờ đến khi tất cả giáo viên đều ra về. Kỷ Đình đi ngang phòng, nhìn thấy tôi và thầy giám thị đang không ngừng xem đồng hồ, thế là quay lại. Anh nói với thầy, e là ba tôi sẽ không đến, trên đường đến đây anh trông thấy vợ chồng họ đã đưa Chỉ Di đến phòng y tế, đại khái là tay của Chi Di đã bị cô gái lớp kế bên đánh cho rách da. Đấy mới là việc quan trọng nhất với họ, tôi nghĩ, đương nhiên là họ sẽ không muốn vác mặt đến đón đứa con nghịch ngợm này.

Học sinh ở đây đa phần là con cái của giáo sư trong trường, thầy giám thị đương nhiên cũng biết đến giáo sư Cố Duy Trinh của khoa Thương mại, sau khi hiểu rõ sự tình, thầy cũng không làm khó tôi thêm, bảo tôi đọc lại bản kiểm điểm rồi cho tôi về nhà. Biết rõ là họ nhất định sẽ cùng Chỉ Di đến phòng y tế rất lâu, vậy mà khi ra khỏi khu văn phòng, tôi vẫn đã có hơi trông chờ được nhìn thấy hình bóng phẫn nộ của ba mình.

Kỷ Đình cứ giữ một khoảng cách không xa không gần mà đi theo tôi, tôi giả vờ như không nhìn thấy anh. Anh dọn đến đây gần ba năm rồi, trong ba năm qua anh đã không ít lần xuất hiện trước mặt tôi, không phải đến nhà tôi chơi cùng với ba mẹ anh thì là sánh bước cùng Chỉ Di, nếu nói anh và Cố gia qua lại thân mật cũng không quá đáng. Nhưng cũng giống như thường lệ, tôi dường như rất ít khi được cho vào phạm vi thành viên của Cố gia. Nhiều lúc tôi có thể cảm thấy anh đã thử cải thiện quan hệ giữa chúng tôi, khi mới bắt đầu còn định gia nhập vào đội nghịch phá của tôi và những đứa trẻ lì lợm trong ký túc xá, sau khi phát hiện mình căn bản không có năng khiếu về mặt đó, anh lại bắt đầu thường xuyên kiếm chuyện tiếp cận tôi. Tiếc rằng tôi không phải là Chỉ Di, tôi mới không gọi “anh Kỷ Đình” sởn tóc gáy như thế, càng không cần một người tháp tùng, vì vậy tôi rất ít nói chuyện với anh, tôi muốn anh hiểu rằng, tôi và anh không phải cùng một loại người.

Anh đi theo tôi được một đoạn, dường như vì ngại tiến quá gần, song cũng không để lạc mất tôi. Cho đến khi gần về tới nhà, anh mới như đã có định đoạt, bèn bước tới chặn đường tôi: “Rốt cuộc thì chân em bị sao thế?”

Tôi biết anh muốn nói gì. Lúc đánh nhau với lớp kế bên, cú đá của cô ta cũng không nhẹ chút nào, thêm vào bị đứng hơn một tiếng đồng hồ trong phòng giám thị, bây giờ đi bộ đương nhiên khó tránh khập khiểng, tôi không muốn bị người ta nhìn thấy, nhưng anh lại cứ thích nhiều chuyện.

“Tránh ra! Mắc mớ gì anh!”

Câu nói thô lỗ của tôi hiển nhiên đã khiến Kỷ Đình kinh ngạc và ngượng ngùng. Thật ra tôi nào không biết anh không có ác ý, tôi không nên trút giận vào người anh, nhưng cảm giác lạc lõng vô hình cứ đè nặng trong lòng tôi, đang không biết vứt ra như thế nào thì anh lại xông lên.

Một màu đỏ nhạt bò lên mang tai anh, tôi biết da mặt anh mỏng, đã thế thì nên sớm rời xa tôi thì hơn, nhưng anh lại không chịu buông tha mà đứng chặn trước mặt tôi, thấy tôi không trả lời, anh ngồi luôn xuống kiểm tra vết thương của tôi. Đồng phục của tôi là quần dài, một bên ống quần có dính dấu giày, anh muốn kéo ống quần đó lên, trong hoang mang tôi hích chân một cái, đúng lúc trúng ngay lồng ngực anh. Anh chao đảo một hồi suýt chút đã té phịch xuống đất, may là dùng tay chống xuống đất. Anh không nói gì cả, chỉ ngẩng mặt nhìn tôi.

“Đáng đời!” Tôi muốn che giấu sự khó xử từ đâu ập đến của mình, bèn liếc anh một cái. Bàn tay chống dưới đất của anh đang nắm giữ một tờ giấy, xem ra là vật rất quan trọng, anh lo sợ làm nó dơ, sau khi đứng dậy liền cẩn thận mở ra kiểm tra.

Tôi có hơi hối hận, nên không kìm được lòng mà nhìn một cái, hóa ra là đơn đăng ký nguyện vọng trung học phổ thông, nét chữ đoan chính viết rất rõ ràng trên dòng đầu tiên --- “Ngũ Trung”.

Đây quả là một chuyện lạ lùng, nếu tôi không nhớ lầm, Ngũ Trung là trường trọng điểm của cấp III, nhưng ở rất xa nhà, lại là trường nội trú, ba mẹ giữ con như ấp trứng ấy của anh sẽ đồng ý cho đứa con trai bảo bối của mình rời xa Phó Trung (trường cấp III trực thuộc Đại học G) mà vào Ngũ Trung sao? Chẳng mất bao nhiêu thời gian thì tôi đã hiểu ra, chả trách anh lại xuất hiện tại khu văn phòng giáo viên vào lúc này, ắt hẳn là trốn khỏi ba mẹ đến điền nguyện vọng rồi, muốn chơi chiêu “Tiền trảm hậu tấu” nhưng rốt cuộc lại không hạ được quyết tâm.

Kỷ Đình cảm nhận được tôi đang nhìn lỏm vật trong tay anh, đến khi một lần nữa nhìn tôi thì thần sắc ấy trở nên như đang xin ý kiến của tôi. Thật tức cười! Anh ấy là đứa trẻ ngoan trong lòng người lớn, cậu con trai vô cùng gương mẫu. Nhưng không hiểu tại sao, tôi chính là ghét vẻ mặt này của anh, rõ ràng là muốn, nhưng lại không chịu nói, trong lòng chống cự, nhưng lại không dám từ chối, do dự không quyết, không lên không xuống. Nếu như anh là loại người trời sinh đã không có chủ kiến như Chỉ Di thì thôi miễn bàn, nhưng rõ ràng không phải.

“Xệch ~” Tôi xịt ra một tiếng cười khinh bỉ từ kẽ răng.

Sau đó, tôi nghe Chỉ Di nói, Kỷ Đình tự ý đăng ký trường Ngũ Trung, kết quả bị ba mẹ anh biết được, âm thầm sửa lại. Chỉ Di còn nói, chị muốn an ủi anh, nhưng trong lòng lại cảm thấy vui mừng, nếu như anh thật sự thi vào Ngũ Trung, không biết phải bao lâu chị mới có thể thấy anh một lần. Chị ấy hỏi tôi, chị ấy nghĩ như vậy có phải rất ích kỷ không. Tôi không trả lời câu hỏi của chị, lúc ấy trong đầu tôi chỉ có gương mặt lạc lõng của Kỷ Đình, khi hai chúng tôi cùng sánh vai nằm dưới ánh hoàng hôn. Tôi đột nhiên có hơi hy vọng, mong anh có thể sống theo cách mình muốn một lần, có thể ngông cuồng một lần, nắm giữ thứ mà anh muốn, dù cho chỉ một lần thôi cũng được. Nhưng, điều này thì lại liên quan gì tôi?

Lần đầu tiên hôn anh ấy, là một ngày trước năm tôi 18 tuổi. Tôi cố tình khiêu khích cái chính nhân quân tự mà anh cố tạo ra, song đến khi anh ấy thật sự không trốn tránh nữa, trái tim tôi lại nhảy nhót rộn ràng.

Có lẽ ngay từ rất lâu tôi đã hiểu được ánh mắt mà anh nhìn tôi. Từ lúc bước vào tuổi thanh xuân, tôi đã quá quen thuộc với ánh mắt ấy của nam sinh, tôi không kháng cự, trái lại hưởng thụ trong ánh nhìn ấy, tôi nghĩ tôi cần có người yêu mình --- rất nhiều rất nhiều người, rất nhiều rất nhiều tình yêu. Phải nắm giữ vào lúc nào, và buông rơi vào lúc nào, đấy là trò chơi sở trường của tôi.

Nhưng trò chơi này suýt chốc đã thoát khỏi tầm kiểm soát. Hôm ấy, giữa không gian lấp đầy mùi nhựa thông, trong căn phòng chỉ có tôi và anh ấy, anh ấy thở hổn hển, ôm chặt lấy tôi, có hơi giận, cũng có hơi mừng. Tôi biết lần này chỉ cần tôi muốn, điều gì anh ấy cũng đồng ý. Đó là lần dũng cảm nhất của Kỷ Đình từ khi tôi quen biết anh, song trong lần ấy, người rút lui lại là tôi.

Anh nhặt lại và cất giữ “Dạ Hàng Điểu” mà tôi đã xé nát, nói rằng anh có thể là hòn đảo cho tôi nương náu. Cũng chính ngày hôm ấy, tôi cuối cùng cũng chịu thừa nhận, với tôi mà nói, anh ấy là đặc biệt, song cũng chính vì vậy mà càng không thể. Tôi nghĩ tôi luôn là một kẻ mâu thuẫn, tôi hy vọng anh ấy và Chỉ Di sẽ sống tốt, tôi cũng muốn Chỉ Di hạnh phúc. Nhưng một tâm niệm ác ôn lại cứ không phân thời điểm mà lượn lờ trong đầu tôi, tình yêu của ba, của mẹ, và của anh ấy, tại sao người nhận được cứ phải là Chỉ Di? Đại khái đây chính là một trong những lý do khiến cho tôi biết rõ vẫn phạm, thoắt xa thoắt gần anh ấy. Tôi muốn anh ấy lựa chọn, lại sợ anh ấy lựa chọn.

Họ đều không biết tôi sắp ra đi, ngay cả Kỷ Đình. Tạ Tư Niên đã đến tìm tôi, đồng thời mang đến cho tôi tin tức về mẹ mình. Uông Minh, người phụ nữ tôi chỉ biết tên gọi, nhưng lại chính là người đã ban cho tôi sinh mạng. Tạ Tư Niên nói với tôi, bà kinh doanh một tiệm tranh khá có danh tiếng trong làng. Một người kiêu ngạo như ông, mà khi nhắc đến cái tên ấy, dường như cũng đã dùng ngữ điệu sùng bái khi kể về Nữ Thần của mình. Trong tôi chợt trổi dậy một sự hiếu kỳ mãnh liệt đối với người phụ nữ chưa bao giờ gặp mặt này, tôi chuyên tâm vẽ tranh như thế cũng là vì có một ngày tôi có thể đứng trước mặt bà. Có lẽ suốt đời tôi cũng không tha thứ cho bà, nhưng tôi không ngăn được khát khao lao đến bên bà. Tạ Tư Niên đã vạch trần tôi, ông nói cái tôi khao khát không phải là tình yêu của mẹ, mà là một cái cớ để giằng khỏi hiện trạng.

Nếu như thế gian này thật sự có Dạ Hàng Điểu, tôi nghĩ tôi hiểu vì sao nó không dám nán lại.

Năm 20 tuổi, tôi và anh gặp lại tại thành phố G. Khi rời khỏi, tôi biết anh yêu tôi, trong ngày anh tìm đến Tả Ngạn, bị say rượu, anh vẫn yêu tôi, tôi chưa bao giờ chắc chắn anh ấy đang tỉnh táo như trong giây phút ấy. Bấy giờ tôi đã phiêu bạt một mình ngoài xã hội gần ba năm, một hòn đảo yên tĩnh chỉ thuộc về tôi mang một sức hút chí mạng. Vì thế, tôi đã toại nguyện cho anh, cũng là toại nguyện cho tôi.

Đó là khoảng thời gian thật sự thuộc về chúng tôi, anh từng cười nói với tôi, cứ mãi thế này thì bị thương mất thôi. Vậy mà khi nói những lời này, anh lại không chịu buông tôi ra. Những lúc ở bên nhau, chúng ta đa phần là quấn quýt sống chết với nhau, không ngày không đêm, không nói không rằng, phảng phất như sự dung hòa của cơ thể chính là thứ bảo chứng mạnh mẽ nhất, có thể giúp chúng tôi tạm thời quên đi cảm giác bất an ở chung quanh.

Tôi thích một bài hát, bài ấy hát rằng “Anh yêu em, anh yêu em đến cùng”. Nhưng không hiểu tại sao, tôi cứ luôn nghe thành “Anh yêu em, anh yêu em đến sáng”. Thật không ngờ buổi sáng ấy lại đến nhanh hơn tôi tưởng.

Ngày mà Chỉ Di và mẹ Kỷ Đình đến, tôi đã nghe lời anh đến náu trong căn phòng của đồng nghiệp anh. Tôi cho anh thời gian ba điếu thuốc, sau đó rời khỏi. Về sau anh ấy trách tôi quá hà khắc với anh, tôi vốn có thể chờ anh lâu hơn. Anh không biết rằng, thời gian ba điếu thuốc ấy thật ra là tôi đang tự kéo dài cho mình, nếu như tôi đủ tỉnh táo, thì sớm đã phải chia tay anh.

Cũng chính trong khoảng thời gian không dài không ngắn ấy, lần đầu tiên tôi trực diện vào vấn đề giữa tôi và Kỷ Đình, vấn đề mà lâu nay chúng tôi luôn né tránh một cách ăn ý, vấn đề mà cả hai đều đã quen chôn cất nó trong lòng.

Anh ấy yêu tôi, nhưng anh ấy luôn có quá nhiều thứ để bận tâm.

Tôi cũng yêu anh ấy, song tôi chỉ có anh ấy.

Cũng giống như hòn đảo, nhìn như chờ đợi trong cô độc, nhưng nếu một ngày nó chìm xuống đáy biển, thì vẫn còn nước biển bao bọc lấy nó, có cá ở bên nó, nó vẫn luôn tồn tại. Nhưng “Dạ Hàng Điểu” với đôi chân đã thoái hóa tuy có đất trời bao la, nhưng nó chỉ có thể dừng lại một lần, từ đó không còn lựa chọn nào nữa.

Tôi không quên được ánh mắt của mẹ ruột tôi khi bà qua đời, tôi chính là bản sao của bà, luôn bị vấp ngã tại nơi mà mình cho là an toàn nhất. Sau Kỷ Bồi Văn, bà đã gặp rất nhiều người đàn ông, một nửa cuộc đời sống trong vấp ngã, ngỡ rằng mình đã an toàn rút lui, kỳ thực lại chưa bao giờ thật sự ra khỏi. Để đến cuối đời bà vẫn không an lòng, tôi không muốn đi lại con đường ấy.

Nếu như người đó đủ yêu con, sẽ không giao vấn đề lại cho con.

Nếu như người đó do dự, cũng đồng nghĩa với việc lay động.

Nếu như có vật gì đó đến muộn, thôi thì chi bằng đừng đến.

Đây là tài sản duy nhất mà mẹ tôi bà Uông Minh đã để lại cho tôi trong giây phút hấp hối cuối đời, một bài học đẫm máu. Vì thế khi ấy, tôi từng hân hạnh vì mình đã không gập cánh lại.

Đến khi gặp lại Chỉ Di thì chúng tôi đều đã 26 tuổi. Tôi đồng ý cược với chị. Không phải một lúc nông nổi, mà là dây dưa đã mười mấy năm, tầm tầm mịch mịch, ly ly hợp hợp, tất cả đã đến lúc cần có một hồi kết. Thế nào chúng tôi cũng phải tìm cho mình một cách, cho bản thân một lối ra.

Chị bắt tôi cược Kỷ Đình có dám vứt bỏ tất cả bỏ đi với tôi không.

Suy cho cùng đây là một ván cược không có thắng thua.

Kỷ Đình nói anh không hối hận, nhưng những năm sau đó ít nhiều cũng có tiếc nuối.

Chỉ Di thắng được một lần tự giết chết con tim, nhưng đó nào không phải là một lần trùng sinh?

Còn tôi? Chỉ là cược hết tất cả.

Tôi và Kỷ Đình quay về đã là chuyện của bốn năm sau, khi ấy tôi vừa tròn 30. Cuộc hôn lễ vốn không dễ dàng của Chỉ Di và Lưu Quý An vốn dĩ chỉ nên có tiếng cười và chúc phúc, lại bởi vì sự trở về của chúng tôi, mà thêm vào vài phần nước mắt. Lúc ấy tôi đứng từ xa nhìn chị và Lưu Quý An đứng giữa vòng người, chần chừ không biết có nên tiến tới.

Chị ấy là người thân nhất của tôi, từng cho tôi hơi ấm không ai có thể thay thế. Tôi yêu thương chị, cũng từng hận chị. Khi còn nhỏ, tôi từng vì chị mà giật lại hồ cá người khác cướp từ chị, cũng từng lén lút thừa lúc không có người đập nát hồ cá.

Chị dùng nụ cười mỉm đáp lại lời chúc phúc của người thân và bạn bè, Chỉ Di ốm yếu nhút nhát trong ký ức của tôi, khi đứng trước người đàn ông yêu chị sâu đậm, nay chỉ còn nhẹ nhõm, sống động và vui vẻ. Khi tôi muốn thử tiến lên một bước thì, dường như chị ấy cũng cảm nhận được gì đó, chị không dám tin tưởng mà quay người lại. Lúc ấy khoang mắt của hai chúng tôi đều ướt. Cô dâu đi tới bên tôi dưới sự dìu dắt của chú rể, tà áo trắng thướt tha sau lưng chị, hệt như chiếc đuôi mềm mại của con cá vàng. Hóa ra sau khi thoát khỏi gông xiềng, chị đã có bầu trời riêng của mình.

Phía sau lưng Chỉ Di, có ba mẹ quá khứ của tôi, cũng có người nhà của Kỷ Đình. Lúc này đây sắc mặt của họ ắt hẳn cũng giống như chúng tôi, có kinh ngạc, có ngượng ngùng… hoặc giả còn có trông mong. Trong giây phút tôi hoang mang, anh ấy đã siết chặt tay tôi hơn.

Vết nứt từng tạo ra có thể được chữa lành hay không, chúng ta đều không biết, cũng giống như sự chờ đợi trong buổi hoàng hôn của bốn năm trước, khi ấy tôi không biết rằng người mà tôi trông chờ có chạy lên hay không.

Cuộc sống luôn chứa đầy những nhân tố không lường trước. Chính vì vậy, tôi không tin sẽ có hòn đảo mãi mãi không lún chìm. Chỉ là tôi đã do dự đủ lâu rồi, cuối cùng vẫn quyết định đặt chân lên rạn san hô ươn ướt lành lạnh của anh, nếu như nước biển lấn chìm qua đầu anh, tôi lựa chọn cùng anh chìm xuống đáy đại dương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro