ntac nhân dân tham gia quản lý nhà nước

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


a) Cơ sở pháp lý

Ðiều 2 - Hiến pháp 1992 nêu rõ: Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

b) Nội dung nguyên tắc

Việc tham gia đông đảo của nhân dân lao động vào quản lý hành chính nhà nước thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp tương ứng như sau:

1. Tham gia gián tiếp:

* Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước

Các cơ quan trong bộ máy nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước, việc nhân dân tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là hình thức tham gia tích cực, trực tiếp và có hiệu quả nhất trong quản lý hành chính nhà nước. Người lao động nếu đáp ứng các yêu cầu của pháp luật đều có thể tham gia một cách trực tiếp hay gián tiếp vào công việc quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Người lao động có thể tham gia trực tiếp vào cơ quan quyền lực nhà nước với tư cách là thành viên của cơ quan này - họ là những đại biểu được lựa chọn thông qua bầu cử hoặc với tư cách là các viên chức nhà nước trong các cơ quan nhà nước. Khi ở cương vị là thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước, người lãnh đạo trực tiếp xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương trong đó có các vấn đề quản lý hành chính nhà nước. Khi ở cương vị là cán bộ viên chức nhà nước thì người lao động sẽ sử dụng quyền lực nhà nước một cách trực tiếp để thực hiện vai trò người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, có điều kiện biến những ý chí, nguyện vọng của mình thành hiện thực nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh.

- Ngoài ra, người lao động có thể tham gia gián tiếp vào hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua việc thực hiện quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương hay địa phương. Ðây là hình thức tham gia rộng rãi nhất của nhân dân vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

* Tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội

- Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân lao động tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội là công cụ đắc lực của nhân dân lao động trong việc thực hiện quyền tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Thông qua các hoạt động của các tổ chức xã hội, vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân lao động được phát huy. Ðây là một hình thức hoạt động có ý nghĩa đối với việc bảo đảm dân chủ và mở rộng nền dân chủ ở nước ta.

2. Tham gia trực tiếp

* Tham gia vào hoạt động tự quản ở cơ sở

- Ðây là hoạt động do chính nhân dân lao động tự thực hiện, các hoạt động này gần gủi và thiết thực đối với cuộc sống của người dân như hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,...Những hoạt động này xảy ra ở nơi cư trú, làm việc, sinh hoạt nên mang tính chất tự quản của nhân dân.

- Thông qua những hoạt động mang tính chất tự quản này người lao động là những chủ thể tham gia tích cực nhất, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của họ được tôn trọng và bảo đảm thực hiện.

* Trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước

- Ðiều 53-Hiến pháp 1992 quy định công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận những vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hay chính người dân trực tiếp thực hiện.

- Kiểm tra các cơ quan quản lý nhà nước.

- Tham gia trực tiếp với tư cách là thanh viên không chuyên trách trong hoạt động cơ quan quản lý, các cơ quan xã hội.

- Tham gia với tư cách là thành viên của tập thể lao động trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng của cơ quan...

Việc trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước là một hình thức có ý nghĩa quan trọng để nhân dân lao động phát huy vai trò làm chủ của mình.

Ðây là nguyên tắc được nhà nước ta thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Nguyên tắc này thể hiện bản chất dân chủ sâu sắc giữ vai trò quan trọng thiết yếu trong quản lý hành chính nhà nước. Nhân dân không chỉ có quyền giám sát đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện khiếu nại tố cáo nếu cho rắng cán bộ hành chính nhà nước vi phạm quyền lợi của họ hoặc thực hiện không đúng đắn, mà còn có quyền tự mình tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động. Ðiều này này khẳng định vai trò hết sức đặc biệt của nhân dân lao động trong quản lý hành chính nhà nước, đồng thời xác định những nhiệm vụ mà nhà nước phải thực hiện trong việc đảm bảo những điều kiện cơ bản để nhân dân lao động được tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Ðiểm thú vị về mặt lý luận của nguyên tắc vì vậy chỉ có ý nghĩa khi được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Có thể mở rộng, tăng cường quyền của công dân trong hoạt động quản lý, nhưng không được phép hạn chế, thu hẹp những gì mà Hiến pháp đã định.

Thực trạng vận dụng nguyên tắc

Có thể nói, các phương thức, hình thức để người dân tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, chính sách, vào công việc quản lý của Nhà nước đã được quy định rất đa dạng, phong phú. Nó cho phép người dân có thể biểu đạt được ý chí, nguyện vọng của mình với các cơ quan nhà nước trong việc hình thành nên các chính sách, pháp luật cũng như việc quyết định và thi hành pháp luật. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, sự tham gia của người dân vào quá trình này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đối với hình thức tham gia gián tiếp, sự tham gia của nhân dân vào việc quản lý nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào phương thức lựa chọn người đại diện và vào phương thức hoạt động của các cơ quan đó. Theo quy định hiện hành, mối quan hệ giữa người đại diện với nhân dân vẫn còn khoảng cách khá xa và lỏng lẻo. Những người được bầu vẫn đại diện cho nhân dân một cách chung chung, mà không phải là cho những cộng đồng lợi ích cụ thể, nên chưa có sự gắn bó giữa người được bầu với cử tri. Nó thể hiện ở chỗ người được bầu không cần đi vận động, không cần hứa hẹn với cử tri vẫn được bầu và khi đã trúng họ không rõ những nguyện vọng mà người bầu ra họ là những gì. Trong thời gian đảm nhiệm trọng trách đại biểu của dân, theo quy định, họ phải tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp để nắm bắt ý kiến của nhân dân, nhưng cơ chế bắt buộc họ phải tiếp nhận và trực tiếp xử lý những vấn đề cụ thể của người dân yêu cầu là không có. Chính vì vậy, trong các kỳ họp, nhiều đại biểu của các cơ quan dân cử không có nội dung để phát biểu và cũng không phát biểu lần nào. Ngoài sự hạn chế từ những cơ chế quy định hiện hành, bản thân người dân, do trình độ nhận thức, nhất là trình độ pháp lý, cũng chưa thấy hết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với việc tham gia quản lý nhà nước, chưa làm hết sức mình khi tham gia quản lý nhà nước ở hình thức này. Nó thể hiện ở sự bỏ phiếu lấy lệ, cho xong của nhiều người trong các lần bầu cử. Trong sự tham gia gián tiếp của nhân dân với hoạt động quản lý nhà nước còn có một hình thức nữa là tham gia thông qua các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp mà họ là thành viên. Theo hình thức này, những nguyện vọng, ý kiến của người dân được các tổ chức đó tập hợp lại để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xem xét, giải quyết.

Những ý kiến nguyện vọng của nhân dân chủ yếu thực hiện thông qua các tổ chức chính trị – xã hội. Tuy nhiên, do nhiều lý do, các tổ chức này tổ chức và hoạt động như những cơ quan nhà nước, xơ cứng, hành chính hóa cả về tổ chức và phương thức hoạt động, nên chức năng đại diện cho dân trước cơ quan nhà nước bị hạn chế.

Mặc dù cải cách hành chính đã đạt nhiều kết quả quan trọng, song người dân, các tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phàn nàn nhiều về lối làm việc quan liêu, cửa quyền; về thủ tục hành chính rườm rà, phiền toái.

Ở cấp cơ sở, phần lớn người dân đều cho rằng công tác quản lí thuộc về những nhà chức trách, họ không có nghĩa vụ phải thực hiện. Bên cạnh đó, có một số cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong công tác quản lí, làm hạn chế vai trò làm chủ của nhân dân.

Nguyên nhân của những hạn chế trên

Những quy định pháp lý chưa đủ mạnh và rõ để các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan đại biểu phải thực hiện các nhiệm vụ mà nhân dân ủy quyền và để nhân dân kiểm soát sự ủy quyền của mình, cũng như để nhân dân tham gia trực tiếp nhiều hơn vào các công việc của Nhà nước. Cơ chế đại biểu phải gắn với cử tri bầu ra mình, cơ chế bắt buộc phải tiếp nhận và phản ánh các ý kiến, nguyện vọng của cử tri, hoặc cơ chế công khai, minh bạch vẫn còn chưa được quy định đủ rõ, đủ mạnh.

Ảnh hưởng của văn hóa hành chính cũ còn khá nặng. Đã có một thời gian dài ở Việt Nam, bộ máy nhà nước được xây dựng và hoạt động theo cơ chế tập trung, bao cấp. Các cơ quan nhà nước được xây dựng theo một mô hình thống nhất chung, đứng ra làm tất cả mọi việc cho nhân dân theo sự chỉ huy tập trung từ bên trên và đã mang lại nhiều kết quả cho người dân, vì thế nhân dân tin tưởng vào Nhà nước. Nhưng cũng từ thực tế đó, lâu dần đã hình thành nên tâm lý và văn hóa hành chính mà theo đó, các cơ quan, công chức coi việc xây dựng luật pháp, chính sách như là đặc quyền riêng của mình và vì thế các công việc của Nhà nước luôn khép kín, còn nhân dân ỷ lại, coi đó là công việc của Nhà nước, ít có quan tâm chung tới hoạt động của Nhà nước và các chính sách, nếu không có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích cá nhân.

Trình độ về pháp luật của người dân còn rất hạn chế. Hiện nay không chỉ kiến thức pháp luật của người dân còn thấp mà sự chấp hành, ý thức, tinh thần pháp luật của người dân không cao. Chính vì vậy, khi tham gia vào các công việc quản lý nhà nước, người dân rất lúng túng.

Giải pháp khắc phục những hạn chế trên

Tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở. Đối với chính quyền cấp cơ sở càng phải tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp, phải thực hiện phương thức trưng cầu ý dân khi quyết định các vấn đề quan trọng như sáp nhập, chia tách các đơn vị hành chính - lãnh thổ, phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định các nhiệm vụ có tính chất tự quản của cộng đồng như các công trình dự án do nhân dân đóng góp xây dựng, các công việc tôn tạo di tích lịch sử, phong tục tập quán, truyền thống, lễ nghi. Khuyến khích người dân bày tỏ ý kiến với chính quyền theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và người dân tộc thiểu số.

Đi liền với việc phát huy, tăng cường các hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, cần tiếp tục hoàn thiện các hình thức dân chủ đại diện trong hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, cụ thể là hoàn thiện thể chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân, khắc phục những biểu hiện hình thức trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cũng như của mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân. Đề cao vai trò của pháp luật, pháp chế trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị Xã hội chủ nghĩa ở mỗi cấp địa phương, mọi tổ chức và cán bộ thuộc hệ thống chính trị đều phải tuân thủ pháp luật và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Tạo lập cơ chế hữu hiệu để các tổ chức chính trị-xã hội là người bảo vệ quyền lợi của mỗi tầng lớp dân cư và là người đại diện cho họ tham gia một cách thiết thực, hiệu quả vào công việc quản lý nhà nước và quản lý xã hội ở địa phương.

Tăng cường hiệu quả phản hồi, đối thoại của người dân đối với chính quyền địa phương Mở rộng đối thoại giữa chính quyền địa phương với người dân thông qua gặp gỡ trực tiếp hoặc trực tuyến. Trau dồi kiến thức pháp luật để người dân có thêm hiểu biết pháp lý trong công tác tham gia quản lý hành chính nhà nước.

Nói tóm lại, nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước là một trong những nguyên tắc cơ bản, quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước. Với bản chất dân chủ của Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì việc tham gia của quần chúng nhân dân trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước là thật sự cần thiết và cần được chú trọng hơn nữa. Nhân dân có thể trực tiếp tham gia hoạt động quản lý hành chính nhà nước thông qua việc trực tiếp tham gia làm việc tại các cơ quan nhà nước hoặc thông qua việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Nhân dân cũng có thể gián tiếp thực hiện việc quản lý hành chính của mình thông qua việc tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội, các hoạt động tự quản ở cơ sở. Với các cách thức tham gia quản lý hành chính như trên đã góp phần đảm bảo việc phát huy dân chủ của Nhà nước ta, đảm bảo quyền của nhân dân trong hoạt động quản lý hành chính, góp phần khẳng định bản chất của Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

'



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro