Chương 1: Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[Tháng 6/2022]

"Tôi ra đi khi hồn còn tươi trẻ

Chói như nắng hạ, nóng tựa gió hè

Tôi ra đi khi hai mươi tuổi tròn

Tuổi của mùa hạ, tuổi để yêu em"

***

Ngày mùa xuân, mưa rơi lất phất, khe khẽ rả rích ngoài hiên nhà, rưới thêm sức sống cho từng nhánh cỏ cây trong vườn. Gió lướt qua thật nhẹ, mang theo một ít lành lạnh còn vương lại từ mùa đông.

Có một người thanh niên trẻ, người mặc vài lớp áo khoác cũ mèm, ngồi viết giấy trên bàn gỗ trước cửa sổ đã rỉ sắt, thi thoảng ngẩng đầu lên nhìn khung cảnh bên ngoài. Vườn cây mới nhú lá, xanh mướt, đâu đó trong không khí thoang thoảng mùi hương tươi mới. Anh đặt bút xuống, chống cằm nhìn ngắm, miên man suy nghĩ những điều xa thật xa.

Bỗng, một người phụ nữ, nom đã sắp tới tuổi năm mươi, đẩy cửa phòng, tiếng cửa kẽo kẹt phá tan bầu không khí tĩnh lặng. Người phụ nữ đó thấy anh vẫn ngồi bất động bên bàn gỗ ngẩn người, mỉm cười, nói:

- Ôi ông tướng ạ, trưa trầy trưa trật rồi, ra ăn cơm thôi.

Anh giật mình, lập tức quay đầu nhìn ra phía cửa. Thấy người tới, anh thở dài một hơi, sau đó đáp:

- Vâng. Mà lần sau mẹ gọi con, làm ơn gõ cửa một cái được không. Mẹ tự dưng đẩy cửa xong đứng ở đấy, dọa con hết hồn.

Người phụ nữ mắng:

- Nỡm ạ, hồn vía anh có mấy khi ở nhà đâu. Mà anh không thấy cái cửa yêu dấu của anh kẽo ca kẽo kẹt rồi à.

Người thanh niên không nghe thấy thật, mà cũng không cãi lại được. Anh cười cười, đứng lên, đẩy vai người phụ nữ ra ngoài:

- Vâng, vâng, vâng. Rồi con sẽ tìm cách sửa nó sau. Giờ con đói rồi, mẹ cho con ăn gì thế.

Người phụ nữ lườm nguýt anh, lầu bầu:

- Cơm trắng chan với nước mắm. Ăn thì ăn, không ăn thì bắt phải ăn cho hết.

Người thanh niên cười hớn hở, dường như anh rất đỗi hứng thú với mâm cơm đạm bạc kia. Thực ra, anh biết mẹ anh chỉ nói thế, chứ mâm cơm vẫn còn đĩa thịt luộc nhỏ, một đĩa rau luộc đầy ụ và tí mắm muối chấm, cùng với một bát củ kiệu muối con con.

Anh gắp lấy gắp để, chất lên bát mình một ụ thức ăn đầy ự, rồi cũng gắp một đống đặt vào bát của mẹ. Anh bảo:

- Mẹ phải ăn thật nhiều, ăn nhiều sống lâu, kịp chờ con về.

Người phụ nữ hết nói nổi, chốc lát sau liền nạt lại anh:

- Lý lẽ vớ vẩn học ở đâu thế không biết.

Anh cười hì hì, tiếp tục gắp thịt cho vào bát của mẹ. Người phụ nữ chậm rãi ăn, ăn được mấy miếng, bà lại không nuốt trôi được nữa. Bà đặt bát đũa xuống, vẻ mặt tràn đầy lo lắng, hỏi:

- Con... tính đi thật à?

Người thanh niên biết mẹ anh đang nói về vấn đề gì. Anh cúi đầu nhìn chăm chăm bát cơm tẻ, bàn tay phải nắm chặt đôi đũa. Trong một khoảnh khắc kia, anh nghĩ đến rất nhiều thứ. Đâu chỉ có mẹ, gia đình của anh, mà còn có cả ngôi nhà, cái bếp trong góc, cái cây trước sân vườn. Rồi anh nghĩ đến tuổi thơ anh với sân trường lộng gió, lớp học lụp xụp, bảng đen, phấn trắng, chiếc khăn quàng đỏ và nhóm trẻ con đùa nghịch dưới cột cờ. Những khung cảnh quen thuộc ấy, sau này anh chắc gì được nhìn thêm một lần, trừ phi may mắn lắm. Và sau cuối anh nghĩ đến những nấm mồ, chẳng vì gì cả, đột nhiên nghĩ tới thôi. Con người ai mà không thích "lá rụng về cội", anh cũng không khác mấy. Lần này anh đi xa, khả năng bỏ mình cao hơn trở về nhà. Anh sợ lắm chứ, sợ chết là một chuyện, sợ mình không thể về nhà là chuyện khác.

Anh hoang mang trước lựa chọn của mình. Liệu có đáng để anh bỏ hết tất cả, kể cả mạng sống để đến một nơi xa lạ không? Tương lai chẳng ai biết tới, không ai gọi tên, có khi còn không được ra đi một cách đàng hoàng, có đáng để anh bỏ hiện tại nữa không?

Đáng chứ.

Anh bình tĩnh trở lại, chậm rãi đối diện với gương mặt của mẹ. Nơi khóe mắt bà có vài vết chân chim nho nhỏ, làn da bà đã sạm màu bấy lâu mà anh vẫn chưa từng để ý đến. Họa chăng, khi con người ở gần một ai đó trong khoảng thời gian dài, họ sẽ rất khó để nhận ra sự thay đổi nho nhỏ của đối phương. Thật vậy, giờ đây anh cũng chỉ mới nhận ra, hai bên tóc mai của bà đã bạc màu sương khói tự bao giờ. Tất cả chúng như đang kể cho anh một câu chuyện dài về một người phụ nữ, một người phụ nữ của thời buổi chiến tranh. Rồi chúng khẳng định một điều: mẹ anh đã già. Và hình như, mẹ anh vẫn luôn u buồn, chỉ khi đối diện với anh và đứa em gái, bà mới lộ ra chút khiếu hài hước trời sinh của mình. Anh nhìn mà lòng đau quặn thắt, song cũng không chắc nên nói sao cho phải.

Im lặng thật lâu, đến mức người mẹ tưởng rằng con mình không muốn nhắc tới chuyện này nữa, anh mới mở miệng, không trả lời câu trên mà lại dặn dò:

- Con không ở nhà, mẹ phải trông em con thật kỹ. Với cái bản tính của nó, lúc con không ở đây, có khi nó quậy cái xóm làng này đến gà bay chó sủa mất thôi.

Tuy rằng anh vẫn giữ nụ cười trên môi, nhưng không hiểu sao, giọng anh nghẹn ngào như đang giấu một thứ cảm xúc vào trong lòng. Anh mím môi, cắm đầu lùa cơm vào miệng ăn tiếp, mắt nhìn ra phía ngoài sân.

Trời đã ngớt mưa phùn rồi, chỉ còn lại gió se. Hương hoa mới nở thơm phức, chắc hẳn nhà hàng xóm sẽ mừng lắm đây. Chậu đào nhỏ vẫn ở trong vườn, từ hồi Tết đến giờ vẫn chưa trang trí hay cắt tỉa gì mà nó vẫn nở bung ra, tựa như những đốm lửa hồng tràn trề sức sống mới, nhìn qua thấy đẹp biết mấy.

Người phụ nữ hơi sững người, chậm chạp bưng bát cơm lên. Hai người kết thúc bữa cơm trong im lặng, rồi người thanh niên đứng dậy, phụ mẹ dọn mâm cơm.

- Đã quyết định đi thì anh đừng mong trở về. Anh mà về trước khi đất nước độc lập thì liệu hồn đấy!

Người phụ nữ ở đằng sau, dõi theo anh đang bê mâm xuống bếp. Anh khựng lại, không có quay đầu, chỉ nói:

- Vâng, con biết rồi. Còn mẹ đấy, mẹ phải giữ gìn, cố đợi con về.

Nói rồi, anh tiếp tục bê mâm cơm bước đi, mãi vẫn không quay lại để thấy được gương mặt khi đó của mẹ. Anh xuống tới bếp, thoáng liếc thấy cái ấm nước đang sôi ùng ục. Dưới ấm là một nhúm rơm rạ cùng củi khô đang cháy, ánh lửa không lớn là bao nhưng lại dấy lên trong anh một cảm giác thật lạ. Anh không biết mô tả như thế nào, càng không biết nó tên là gì.

Một ngày kia, ngày anh rời khỏi, cô em gái há to miệng khóc bù lu bù loa, nức nở:

- Anh... Anh nhớ, nhớ mang chồng về cho em!

Khoảnh khắc cô bé nói xong câu ấy, bao cảm xúc buồn tủi vì sắp sửa đi xa của anh bỗng bay biến đâu hết. Anh chọt chọt trán cô, trêu đùa:

- Ô hay cái con này, anh mày đi đánh giặc chứ có phải kén rể cho mày đâu.

- Ứ biết đâu, ứ biết đâu! Hu hu...

Cô nhóc giãy đành đạch lên, gào một tiếng rồi chạy đi mất. Anh bất đắc dĩ nhìn theo, kêu cô bé chạy chậm chút kẻo ngã. Người mẹ mang từ trong nhà ra một chiếc khăn quàng cũ sờn, cẩn thận quàng lên cổ anh, dù cho bây giờ không phải là mùa lạnh. Tuy rằng bà đã nghe thấy hết từng câu nói của cô con gái nhỏ, miệng nhoẻn cười nhưng vẫn không cầm được những giọt nước chực trào nơi đáy mắt. Bà cầm chặt tay anh, dặn dò thật nhiều điều.

Anh rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào đáp ứng từng lời một. Sau cùng, trước khi quay lưng rời đi, anh nói:

- Thưa mẹ, con đi.

Mọi thứ xung quanh dần hòa lại với nhau, hóa thành một màu trắng nhạt nhòa. Chỉ có một âm thanh hiền hòa, quyến luyến còn vang vọng bên tai:

- Mẹ chờ con, sẽ luôn chờ. Chỉ mong con cùng bố, cùng anh, cả ba người đều mạnh khỏe về với mẹ.

***

Sáo tỉnh lại sau giấc ngủ ngắn. Anh bần thần đưa đôi tay đen nhẻm lên mặt sờ soạng, phát hiện ra cả gương mặt đã ướt nhẹp.

Anh không ngạc nhiên mấy, bởi anh xa nhà bấy lâu nay, đã quen với việc thi thoảng nằm mơ, thường là những ký ức khi còn ở nhà. Giấc mơ vừa rồi là những ngày cuối cùng trước khi anh ra lính.

Lời của mẹ ở đoạn cuối cùng vẫn đọng lại trong trí óc, vang lên không ngừng. Anh nằm thừ người, lẩm bẩm:

- Bố không về được, anh con cũng thế. Chỉ có con, không biết có còn thời gian đi sửa cửa nữa hay không. Lỡ để cửa kẽo kẹt mãi thế, mẹ nhìn xong lại mắng con.

Anh ngồi bật dậy, dùng vai áo lau khô nước mắt trên mặt, rồi đờ người ra, nhìn thật sâu vào bóng đêm đen ngòm. Thực ra, nhìn thì nhìn, anh lại không thể thấy được cái gì thú vị. Anh chỉ cảm thấy lòng mình thiếu thốn rất nhiều, nhiều đến vô tận, như là đêm đen kia.

- Ô kìa, chú không ngủ à?

Có tiếng bước chân nhẹ nhàng lại gần, có vẻ người nọ cũng không vào giấc được. Sáo ngẩng đầu, nheo mắt nhìn thật kỹ, đến khi nhận ra người kia là ai thì trả lời:

- Vừa tỉnh thôi, giờ chưa muốn ngủ lại. Anh đó, lại đi kiếm ăn hả?

Bóng đêm thăm thẳm không một gợn đèn làm Sáo không nhìn rõ biểu cảm của Lơn, chỉ nghe được anh nói bâng quơ:

- Chú và các anh em đều hiểu tính anh mà, lúc rảnh không có gì nhai thì ngứa miệng lắm. Mà này, không ngủ được tiếp thì qua đây chơi với anh.

Lơn xoay người, hướng đến một góc không ai nằm rồi ngồi xuống. Sáo chần chừ giây lát, xong cũng đi theo. Đêm khuya, loáng thoáng nghe thấy tiếng ai đó ho khan, chắc là bị lạnh rồi. Hai anh em biết thế, ngồi sít sịt lại với nhau, vừa để ấm, vừa để tiện thì thầm trò chuyện.

Lơn móc ra một nhúm cỏ từ trong cái túi áo rách của mình, không biết là đào được từ chỗ nào. Sáo nhìn lom lom nhúm cỏ dại trên tay anh, có chút băn khoăn liệu cho thứ kia vào miệng có ổn hay không.

- Ngậm đi, không sao đâu, anh thử rồi.

Lơn nói một cách chắc chắn, dúi vào tay Sáo một cọng nhỏ. Sáo vẫn còn hoài nghi, liếc anh mấy cái, thấp giọng quở trách:

- Sớm muộn gì anh cũng đi đời nhà ma vì ngộ độc thực phẩm.

Lơn toét miệng cười, chính ra anh thôi học khi vừa học xong cấp một, không hiểu cụm "ngộ độc thực phẩm" trong lời của Sáo cho lắm, nhưng chắc không phải điều tốt.

Sáo nheo nheo mắt, trông cái bộ dạng ngờ nghệch của Lơn liền biết anh ấy chỗ hiểu chỗ không lời mình nói. Sáo thở hắt ra, thôi kệ vậy, anh không phải là anh Sĩ, không giỏi việc kiên nhẫn giảng cho người khác ngữ nghĩa.

Sáo chậm rì rì đưa cọng cỏ kia lên miệng, ngậm lấy. Ngay sau đó, anh nhăn mặt, nhè ra. Anh gắt gỏng hỏi:

- Cái gì đây?

Lơn giơ bàn tay lấm đất của mình, bịt miệng Sáo lại, nói:

- Nhỏ giọng thôi, chú định đánh thức cả đơn vị à.

Sáo biết mình lỡ miệng, nhưng vẫn kéo mạnh bàn tay của Lơn ra, đè thấp giọng xuống, than vãn:

- Eo ôi, anh dùng tay không đào đất đấy hả, bẩn khiếp còn đưa lên miệng tôi. Còn nữa, thứ của nợ gì kia?

Thứ của nợ mà anh muốn nói đến là cọng cỏ quý báu của Lơn. Anh Lơn liếc trước liếc sau, mãi mới chịu ghé vào tai Sáo:

- À thì... vị nó hơi lạ tí. Chú quen rồi thì sẽ không sao đâu.

- Tí? Tí chỗ nào? Với cả, anh bảo tôi quen, quen thế quái nào được mùi vị đáng quên này!

Sáo nhỏ giọng giãy nảy lên. Thức cỏ kia vốn không có mùi gì, vừa cho vào miệng lại nếm ra hương vị khó quên của nước cắm hoa cùng với vị chua loét của quả quýt xanh, còn đề thêm chút vị đắng của quả mướp, ấy là còn chưa kể đến vị hăng hắc của mấy con kiến đang bám trên thân cỏ nữa. Sáo nhai lần này liền biết, cái vị kia anh nếm được một lần là nhớ mãi một đời.

- Thì không quên được, vậy cứ quen đi thôi... - Anh Lơn nói. Giọng anh càng lúc càng nhỏ lại, hệt như một đứa trẻ biết sai và chẳng thể nào cãi nổi cha mẹ nhưng vẫn không chịu thừa nhận ngoài miệng rằng, mình đã sai.

Sáo lườm Lơn, hít sâu một hơi, sau đó gắt giọng:

- Sao không nói sớm để tôi còn kịp chuẩn bị tinh thần!

- Hả? Anh vẫn chưa nói cho chú?

Giọng điệu bất ngờ, ngạc nhiên, hoang mang và ngơ ngác như con nai tơ của Lơn chính thức khiến Sáo, một chàng trai vốn nổi danh trầm tính, vừa nghe đã muốn đấm cho cái. Ấy là còn chưa kể cái giọng điệu đó vô cùng sượng sùng và giả tạo.

Cái miệng của anh Lơn là như thế đấy, đã ăn thì thôi, mà khi không ăn thì người khác chỉ ước trong tay có một miếng thịt thật to, nhanh chóng đốp ngay vào mặt anh, để anh luôn miệng nhai chóp chép và không nói được gì nữa. Bây giờ, Sáo cũng mong rằng trên tay mình có một cái gì đó ăn được, dùng để nhét vào miệng và mũi của Lơn. Nhiều khi, Sáo và các anh em khác cũng thắc mắc, phải chăng mấy lời vớ vẩn được nhả ra từ miệng của Lơn là vì anh ấy đang đòi ăn hay không?

- Ăn gì đấy? Xin miếng.

Một người nhỏ con nhảy xổ ra từ thân cây cạnh đó, cà lơ cà phất chen vào giữa Lơn và Sáo. Lần này Lơn bất ngờ thật, bị dọa cho ngã bẹp xuống đất. Còn Sáo thì như đã biết trước, thản nhiên xê người ra chừa chỗ.

- "Út tăng", đêm hôm không ai làm thế cả! Hơn nữa, chỗ này có phải vị trí đội chú đâu?

Thiều không cùng đội với bọn Lơn và Sáo, cậu ấy còn không phải là bộ binh. Thiều là chiến sĩ của một tiểu đoàn xe tăng, chẳng qua trước đó cậu có quen biết với Sáo, hai đứa khá thân thiết với nhau nên từ khi ngẫu nhiên gặp lại vào mấy hôm trước, biết cả hai cùng tham gia một chiến dịch, Thiều cứ bám lấy Sáo không thôi, lượn qua lượn lại từ đơn vị của mình cho tới đơn vị của Sáo. Gặp nhiều rồi cũng mến, và bởi vì tuổi Thiều nhỏ nhất đám nên đơn vị của Sáo cũng ưu ái tặng cậu biệt danh "út tăng", coi như là "thành viên ngoài biên chế".

Cậu Thiều "út tăng" bĩu môi, mỉa mai:

- Biết rồi mà, qua chơi tí thôi, có gì đâu chứ. Với lại, anh nhìn anh kìa, làm như người khác cho vào mồm cái gì cũng được ấy.

Lơn nhăn mặt, phủi mông đứng dậy, không hề có ý định cãi, mà có cãi thì chắc cũng sẽ bị bắt bẻ ngược lại. Dù anh không sợ không cãi lại được, nhưng đêm rồi mà, anh sợ phiền lắm.

- Thế hai anh đang ăn gì đấy, cho em ăn với.

Lơn nghe thế liền cười niềm nở, đưa cho Thiều một nắm cỏ thật to, dâng bằng cả hai tay lên luôn. Sáo nhìn không nổi, vươn tay ra ngăn lại:

- Ai vừa nói "không phải ai cho vào mồm cái gì cũng được" thế hả? Tên kia vừa cho thứ gì liền ăn là sao?

Dù móc mỉa một vài thành phần dở dở ương ương là sở thích thường nhật của Thiều, song nhóc ta tôn trọng những người khác lắm. Được Sáo nhắc nhở, cậu nhóc nhanh chóng rụt tay về, kiên quyết không nhận đống cỏ kia. Lơn bực bội vì mục đích trả thù không thành, hỏi tại sao. Thiều đáp:

- Không giấu gì anh, em vừa đi toa-lét xong.

Lơn vừa nhai một nhánh cỏ, vừa nói:

- Thế liên quan gì đâu.

- Đúng là sẽ không liên quan nếu em chỉ đi nhẹ. - Thiều nói. Cậu chàng cảm thấy có hơi thiêu thiếu gì đó, bèn bổ sung thêm cho đầy đủ. - À, em còn chưa rửa tay nữa.

Thiều nhún vai, còn nhấn mạnh ở bốn tiếng cuối cùng. Dường như cậu chàng cố ý chờ đến khoảnh khắc này để nói như vậy. Cậu nhóc vừa dứt lời, phía của anh Lơn truyền đến tiếng ho sặc sụa không dứt, rất nổi bật trong không gian vắng lặng của doanh trại. Sáo đang thẩn thơ ngồi tại chỗ, tay vuốt cằm như đang tính toán cái gì. Vừa nghe thấy tiếng ho, anh giật mình, sợ tái cả mặt, vội vàng kéo theo Thiều đang hoang mang lủi đi mất, bỏ lại tiếng gọi không ra hơi của Lơn ở sau lưng:

- Hai, khụ khụ, thằng kia, khụ, đợi anh với, khụ khụ khụ...

Thiều chuẩn bị lén lút trở về đơn vị trước khi bị bắt quả tang trốn đi chơi. Cậu chàng do dự mãi, cuối cùng vẫn đi qua chỗ của Sáo, hỏi nhỏ:

- Bỏ anh ý ở lại liệu có ổn không thế?

Sáo cau mày, suy nghĩ một lúc, lắc đầu:

- Chắc không sao.

Thiều không chắc chắn lắm:

- Thật không sao chứ?

- Thật! Đây có phải lần đầu tiên có người ho giữa đêm trong đơn vị đâu.

Thiều ngồi xổm, vuốt cằm nghĩ ngợi, đột nhiên thấy hợp lý đến lạ. Đã là người thì ai mà chẳng phải ho. Nhỡ đâu trời lạnh quá, họng khó chịu thì ho thôi, cũng đâu phải chuyện lạ gì. Thiều nghĩ thế, rồi gật đầu cái rụp, rất đồng tình với lời của Sáo.

Sáo cười khì. Anh vỗ vỗ vai Thiều, bảo:

- Đừng để ý, anh nói thế thôi chứ tất nhiên ông anh kia của chú rất có sao rồi, kiểu gì cũng bị mắng té tát cho xem.

Thiều thở phào nhẹ nhõm, rồi lập tức nhận ra có điều gì đó không đúng. Cậu chàng không giấu giếm sự khó tin và nghi ngờ của mình:

- Anh vừa cười đó hả? Anh vừa đùa em đúng không? Thật luôn à? Lúc này á?

Cũng không thể trách Thiều thắc mắc thẳng thừng như thế được. Bình thường tính của Sáo hiền lắm, có thể nói là trầm lặng, ít nói. Nếu là ngày khác thì anh còn bông đùa đôi câu, nhưng không phải câu nào cũng gây cười. Chẳng qua một tuần nay Sáo đột nhiên trầm hơn trước nhiều, ngày nào cũng trưng một mặt ủ rũ chán chường. Thiều lấy làm lạ lắm, đi hỏi những anh lính khác. Các anh liếc qua Sáo đang ngẩn người, lắc đầu thủ thỉ bảo Thiều:

- Cứ tầm thời gian này lại thế, mấy năm rồi. Chú kệ Sáo đi, nó không sao đâu.

Thiều vẫn hiếu kỳ, mà mọi người đã nói thế rồi thì cậu đành thôi. Cậu cứ tưởng Sáo sẽ trầm thêm một thời gian, ai ngờ hôm nay lại làm cái trò quái ác này. Sự việc đột ngột quá khiến cậu bất ngờ, buột miệng nói luôn.

Nụ cười của Sáo chợt tắt, tựa như ký ức vừa chợt hiện lên một hình ảnh nào đó. Anh lặng mình một thoáng, rất nhanh liền tỉnh táo lại. Sáo giấu đi thứ cảm xúc vừa rồi, bày ra một gương mặt nhăn nhó, dỗi nói:

- Anh nói này, dù anh có ít nói đi chăng nữa thì thi thoảng vẫn nên hiện tí khiếu hài hước để đùa với mọi người chứ.

Bóng đêm che đi từng biểu cảm thay đổi trên mặt anh, Thiều chỉ nghe thấy giọng điệu hờn dỗi trẻ con đó. Cậu biết bản thân lỡ miệng, càng không tiện nhắc lại vấn đề tầm này tầm nọ gì nữa, vội vàng nói:

- Cái đó cũng đúng, chẳng qua mọi người thấy anh trầm tính, trò đùa còn nhạt toẹt nên toàn gọi anh là 'ốc luộc' ở sau lưng anh thôi.

- Gì cơ?

Thiều nhanh tay bụm miệng mình lại, chết chửa, miệng nhanh hơn não lúc nào cũng là một nỗi đau. Chuyện các đồng đội đặt cho Sáo một cái biệt danh 'ốc luộc' là chuyện mà anh chị em cô dì chú bác nào cũng biết, chỉ mình Sáo không biết. Thực ra, có không ít lần các anh em tí nữa thì gọi Sáo bằng biệt danh ấy, nhưng chẳng biết thằng ranh nào phao tin đồn nhảm (thấy tự xưng là đồng hương của Sáo), rằng mấy người lầm lì, tầm ngẩm tầm ngầm như Sáo thường là kẻ đáng gờm, có phong cách người xấu, cộng thêm dẫn chứng là cái "chiến tích" từ thời xưa xửa xừa xưa của anh, khiến không ít người tin anh là thành phần nguy hiểm nên không dám trêu chọc hay gọi anh bằng cái tên buồn cười đó.

Thấy Sáo định hỏi thêm, Thiều liền đứng phắt dậy, chạy biến về chỗ đơn vị của mình. Nửa đường thì bị tuột dép, ngã dập mặt, sau đó đứng dậy đi nhanh, mất dạng trong màn đêm thăm thẳm.

Sáo làu bà làu bàu gì đó, song vẫn bỏ qua, chuẩn bị vào giấc lần nữa.

Lại là một đêm thật dài.

***

Nhà hát "hài" kịch Nhân Vật:

Sáo "ốc luộc": Người ít nói cũng có khiếu hài hước mà!

Thiều "út tăng": Are you sure about that?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro