Chương 2: Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Bố tiên sư thằng nào đêm qua ho suốt mấy phút liền, hại tao mất ngủ đến sáng! Tao mà biết mày là ai, chớ nói đến người khác, tao sẽ cho mày nếm trải cảm giác muốn ngủ mà ngủ không nổi, muốn thức mà thức không xong, mày xem mà liệu cái thần hồn đấy nhá!

Chừng khoảng ba, bốn giờ, trời chưa hửng sáng, chỉ loáng thoáng thấy được một góc nho nhỏ nào đó cuối chân trời hiện lên một ánh xanh nhạt. Tuy còn sớm nhưng hầu như ai nấy đều đã dậy, đánh một cái ngáp và vươn vai. Khung cảnh yên bình diễn ra chưa được bao lâu thì đã bị một tiếng rú lên của anh nào đó phá tan hoàn toàn. Tiếng gào ấy chất chứa một sự giận dữ kìm nén đã lâu, hình như nén từ đêm qua tới giờ, đến lúc này bùng phát hết ra. Nghe qua liền biết cơn giận này thật khủng khiếp.

Có anh bình tĩnh dùng tay bịt tai, có anh chậm rãi dụi mắt, có anh thản nhiên cài khuy áo, cũng có anh bực bội càm ràm.

Sáo bị tiếng gào kia làm cho tỉnh ngủ, ngơ ngác nhìn sang người ngủ ở chiếc võng phía đối diện mình. Phải vậy, tiếng gào vừa rồi được phát ra từ đằng đó.

- Năng à, có chuyện gì thế?

Nhìn Năng với bộ dạng nhếch nhác, mặt trắng hếu, nước mũi chảy thò lò, bọng mắt thâm quầng và khuy áo cài lệch, Sáo nhịn không được mà hỏi han.

Năng khụt khịt, hiển nhiên anh bạn đã bị cảm lạnh rồi. Da mặt của Năng vốn có màu trắng bệch của người bệnh lâu năm, nếu không nhờ tiếng mũi khụt khịt kia thì sẽ không ai phát hiện ra anh ấy bị cảm. Năng gãi gãi mũi, hắt hơi hai, ba cái rồi mới đáp:

- Chả biết là cái thằng mẹ cha nào, đêm hôm đang yên lành thì ho sặc sụa mấy phút liền, hại tớ ngủ không nổi, mũi tớ lại thành như này.

Anh chỉ lên cái mũi đỏ chót, vài giây sau có dòng nước chảy xuống. Năng hít mũi, dùng tay lau lau. Mũi của Năng nhạy cảm lắm, chỉ thay đổi thời tiết thôi mà đã sụt sịt rồi. Hồi mới từ ngoài Bắc vào, chẳng mấy khi mũi của Năng để cho chủ nhân nó yên ổn. Đến giờ thì đỡ hơn, cơ mà bị lạnh thì vẫn sổ mũi như chơi.

Năng hay nói đùa rằng, hệ thống hô hấp của anh rất tệ, đôi lúc, việc thở đối với anh cũng khổ lắm đấy. Không rõ anh học được điều này từ đâu, kiểm chứng từ khi nào, chỉ thấy anh hay đi ngủ, rảnh cái là ngủ vì anh nghĩ chỉ khi đi ngủ, mũi anh mới giống mũi người ta, thế nên anh rất quý trọng giấc ngủ của mình, vô cùng căm ghét những ai phá bĩnh giấc ngủ của anh. Tiếng ho hôm qua làm Năng mất ngủ, hại anh "thở cũng không xong", khiến anh giận cũng phải.

Sáo nghe xong thì chột dạ, lặng lẽ lia mắt đi chỗ khác. Anh biết hiện tại có ba "thằng mẹ cha", trong đó, thủ phạm trực tiếp là anh Lơn, thủ phạm gián tiếp là chính mình và Thiều. Đáng lý ra anh nên bịt miệng anh Lơn rồi mang người đi chỗ khác mới phải. Lúc đó Sáo hoảng quá, đầu chỉ kịp hiện lên ý tưởng chạy và mặc kệ anh Lơn, coi đó như trêu anh ấy tí thôi. Giờ nghĩ lại thì thấy mình ác thật, chắc anh nên đi xin lỗi người ta, nhưng mở lời ra sao thì anh chịu.

- Năng này...

- Anh Sáo cứu em!

Đợi đến khi Sáo hạ quyết tâm khai thật thì bất chợt bị một tiếng kêu cứu cắt ngang. Sáo ngậm miệng lại, ngoảnh sang trái, thấy Thiều đang xách ống quần, để chân trần lao đến, núp sau lưng mình. Còn người đuổi theo cậu chàng là anh Lơn. Mặt anh Lơn đỏ bừng, thở hồng hộc, không biết bằng cách nào mà tay áo xắn đến tận vai, để lộ hai cái cẳng tay rắn chắc, trông đô hơn hẳn bao nhiêu anh lính gầy như que củi. Anh giơ nắm đấm lên, quơ quơ trước mặt Sáo, hàm ý đe dọa rõ rành rành. Anh Lơn không nói gì, chắc họng anh gặp vấn đề nên không dám mở miệng trước mặt Năng, sợ bị lộ.

Tiếc rằng Năng là người lõi đời, lập tức phát hiện ra có điều khác thường. Cái miệng của anh Lơn không phải ăn thì là nói, nay khép chặt thế là có gì đó rồi đây. Năng híp mắt, hai tay chống nạnh, nói bóng nói gió:

- Hôm nay trời lạ ghê nhỉ.

Lơn vẫn nín thinh, như là không hiểu ý của Năng, hoặc là bản thân anh cố tình làm lơ đi. Sáo nhìn biểu cảm của Năng, lại nhòm điệu bộ của Lơn, trong lòng có hơi sợ. Dù sao thì cũng tại mình cả, đi "đầu thú" còn có khả năng được khoan hồng. Nghĩ như thế, Sáo liền xen vào giữa, cất tiếng:

- Đêm hôm qua là...

- Á à, chú còn dám nhắc đến đêm qua nữa cơ à.

Lại một lần nữa bị ngắt lời, Sáo vẫn không có cách nào khác ngoài bảo trì im lặng. Anh thì trầm mặc được, cậu út Thiều thì không. Thiều vừa nghe Lơn mở miệng nói vậy, giọng không được tốt nhưng cậu nhóc không quan tâm, lập tức giở tính cáu kỉnh, vứt ngay dáng điệu chạy trối chết vừa rồi vào dĩ vãng. Thiều đứng thẳng lưng, vểnh mặt lên trời, ưỡn ngực, trông cái vẻ lùn lùn choai choai mà oai như cóc:

- Còn không phải tại anh cho anh Sáo ăn linh tinh ư? Anh ấy chỉ trả đũa thôi.

Sáo chớp thời cơ xen miệng:

- Hơi ác tí nhưng...

Lơn không để ý tới Sáo, cãi lại Thiều:

- Chỉ là anh thấy chú ấy có vẻ buồn, muốn chọc chút cho vui thôi mà.

Thiều vẫn không tin, cậy đang có chống lưng mà lớn tiếng chỉ trích Lơn đùa dai. Cậu nhóc kiên quyết cho rằng việc Sáo trả đũa là bình thường và việc Lơn hầm hố dọa đánh người là bất bình thường. Lơn thì bảo rằng, anh muốn làm Sáo vui chứ chẳng có ý gì khác, sự cố của đêm qua mới là trò đùa do Sáo bày ra, hại anh trời chưa sáng đã bị kỷ luật. Hai người hai ý trái ngược nhau, chẳng ai chịu ai cả. Mấy lần Sáo muốn chen vào giải thích đôi câu để làm hòa, nhưng liên tục bị hai người này cắt ngang giữa chừng. Sáo thở dài thườn thượt, định bụng thử thêm nốt một lần nữa xem sao.

Lơn lại không cho Sáo cơ hội đó. Anh nói:

- Chú ấy biết đùa thì cũng thôi, sao đến chú cũng hùa theo?

Thiều cũng không vừa. Cậu hất mặt lên trời, kênh kiệu đáp:

- Tôi thích đấy, kệ tôi!

Hai tên lớn người rồi vẫn còn trẻ con là Thiều và Lơn tiếp tục chí chóe nhau, khơi dậy bản chất hóng chuyện của các anh lính trẻ khác. Các anh lính rảnh rỗi kéo nhau vây xem, đứng thành vòng tròn, liên tục xì xào bàn tán xem nguyên nhân, thậm chí có người tường thuật trực tiếp diễn biến cuộc cãi cọ.

Ở giữa vòng tròn, ngoại trừ hai người Lơn, Thiều đang đấu khẩu ra thì còn Năng và Sáo. Năng nhíu mày nhăn mặt, không quá rõ chuyện đang và đã xảy ra. Còn Sáo, sau bao lần bị làm ngơ khiến anh nói một câu cũng không xong, anh nổi cơn thịnh nộ, gân cổ gầm lên:

- Mả cha chúng mày, im hết cho ông!

Mọi người ở đó hết hồn, nhanh chóng im bặt. Bao nhiêu con người, gấp đôi con mắt đều nhìn chăm chăm Sáo, có sửng sốt, có kinh ngạc, càng nhiều hơn là thắc mắc và khó hiểu.

Sáo bình tĩnh hít sâu, trước tiên nói lời xin lỗi với anh Lơn và Năng, sau đó nghiêm túc giải thích mọi chuyện theo góc nhìn cá nhân của mình. Anh thừa nhận:

- Hẳn mọi người cũng biết, dạo này tôi cảm thấy hơi buồn, đêm qua không vào giấc được. Anh Lơn đi ngang qua, rủ tôi qua một góc ngồi chơi cùng anh. Đúng là khi anh Lơn cho tôi nếm cái thứ 'mỹ vị' kia, tâm trạng của tôi thoải mái hơn rồi, chẳng qua vẫn còn ghi thù, muốn tìm cơ hội trêu lại anh ấy. Chỉ không ngờ trò này ác quá, ảnh hưởng tới mọi người. Thực xin lỗi.

Thiều bĩu môi, nói nhỏ:

- Chung quy cũng tại ông Lơn "thiếu nặng" cả.

Sáo lườm nguýt Thiều, cậu chàng ngậm miệng một cách không tình nguyện. Năng biết được nguyên cớ thế nào, cộng thêm mối quan hệ với Sáo cũng không tệ, liền bỏ qua. Anh đặt tay lên vai Sáo, vỗ nhẹ:

- Không sao, đều là anh em với nhau, Sáo đã thẳng thắn thế thì sao tớ trách Sáo được. - Năng dừng một thoáng, lại nói tiếp - Lần sau chú ý thời điểm là được.

Sáo thở phào nhẹ nhõm, đinh ninh rằng mọi việc đã ổn thỏa rồi. Nào ngờ anh chưa nhẹ nhõm được mấy giây, Năng đã nói:

- Đấy là với Sáo chứ không phải với ông Lơn "thiếu nặng" rồi.

Tóm lại là Năng vẫn ghim anh Lơn. Sáo hơi hãi hùng, âm thầm tụng ngàn câu xin lỗi anh Lơn.

Lơn nhăn mặt, cảm thấy rất bất công:

- Thiên vị, rõ ràng là thiên vị mà!

Năng khoanh tay, dựa vào thế mạnh chiều cao của mình, lườm Lơn một lượt từ đầu đến chân. Chắc do Năng ngủ nhiều nên dáng người anh cao vổng lên, cao hơn cả anh Lơn. Khỏi cần phải nói, động tác này của Năng có hiệu quả rõ rệt, làm anh Lơn bị lườm mà co rúm người lại. Anh Lơn lí nhí:

- Đúng là thiên vị còn gì nữa...

Thiều cậy mình có Sáo chống lưng, hất mặt nói:

- Đến lúc anh cũng được thiên vị thì cả bọn héo queo thành bò nhai cỏ hết rồi.

Anh Lơn không dám cãi lại Năng, người cao tồng ngồng, nhưng anh dám bật lại Thiều, người lùn nhất chỗ này ở hiện tại. Anh mặc kệ cái họng của mình, giãy nảy đấu võ mồm với Thiều. Hai bên lần nữa không ai chịu thua ai, cãi đến mức bắt đầu động tay chân. Họ không định đánh nhau thật, chỉ lấy tay phẩy phẩy người kia như vừa phủi bụi vừa đuổi ruồi, làm các anh khác nhìn mà nẫu cả ruột.

Người hóng chuyện thấy vậy đều chán nản rời đi, tập trung tiếp vào việc thu dọn chuẩn bị hành quân tiếp. Không hiểu sao, chợt có một anh lính đứng ngẩn ra, chưa chịu đeo ba lô lên. Đồng đội bên cạnh dọn xong rồi, nhìn anh lính nọ ngơ người một lúc, mới thắc mắc:

- Sao thế?

Anh lính nọ giật mình, lại hơi ngơ người một lát như để hiểu đồng đội vừa nói gì, trả lời:

- Chỉ là đang nghĩ Sáo "ốc luộc" thế mà bình thường lại rồi. Tôi còn nghĩ nó phải buồn thêm một đoạn thời gian nữa, như những năm trước ấy.

Đồng đội dừng động tác một lúc, cẩn thận suy nghĩ, hình như đúng thế thật. Trong mấy năm đi lính, từ sự kiện lần đó đến bây giờ đã bốn, năm năm rồi, năm nào Sáo cũng lặng người ít nhất hai tuần. Mà đợt này, nhờ có Lơn nên thời gian rút ngắn lại chỉ còn hơn một tuần thôi. Người đồng đội cười, nói một nẻo:

- Tự dưng muốn ăn ốc luộc quá, hay là mình bảo anh nuôi (1) bắt ốc đi luộc nhỉ. Không thì bọn mình cùng nhau bắt, mấy thằng tụ lại đi mò, kiểu gì cũng được cả rổ.

Những người bên cạnh cũng hùa theo:

- Ấy, được đấy, nếu có đi qua đồng thì mò thử xem. Nhưng dạo này mấy anh nuôi khó ở lắm, chắc Lơn "thiếu nặng" lại lấy lưỡi lê thó đồ ăn rồi.

Năng khoác ba lô, đi tới đứng bên cạnh Sáo, nhìn cách anh quen tay nhanh chóng sắp xếp đồ đạc. Năng cũng nghe thấy những người kia nói gì, chủ đề còn sang tận phương pháp bắt ốc chuẩn nhất rồi, chắc lúc sau là công thức pha nước chấm ốc mất. Anh khoanh tay cười hề hề, nói:

- Không ngờ Sáo điều chỉnh tâm lý nhanh hơn rồi.

Sáo cuộn võng lại, không mấy để ý mà trả lời:

- Nhờ ông Lơn "thiếu nặng" cả. Mà kể ra thì không thể chìm đắm mãi, phải không?

Năng gật đầu ngầm đồng ý. Chốc lát sau, anh hít hít mũi, vờ đáng thương nói với Sáo:

- Mấy thằng kia bắt đầu kể tên các món được làm từ ốc kìa, tớ thèm quá Sáo ơi.

Bởi mấy năm anh Én đi lính nên Sáo cũng có một khoảng thời gian trông em, tính tình trưởng thành hơn tuổi đôi chút, đâm ra những bạn cùng tuổi như Năng hay bé hơn như Thiều đều dựa dẫm vào anh cả. Tuy biết là họ hay giả vờ giả vịt đấy nhưng Sáo cũng kệ, cứ coi như cả bọn chơi trò gia đình đi, dĩ nhiên anh là người đóng giả làm phụ huynh rồi.

Sáo nhét nốt cái quần bẩn vào trong ba lô, ngầm liên tưởng đến một bàn toàn món ốc. Anh chép miệng, thèm thật đấy, tưởng tượng thôi mà như đã ngửi thấy mùi rồi. Anh lặng lẽ xua đi hết mọi hình ảnh trong đầu, bảo Năng:

- Thế Năng đi ngủ đi, trong mơ cái gì cũng có, đảm bảo Năng ngủ không chỉ được ăn một bàn toàn ốc, còn được thêm hẳn một mâm cầy tơ bảy món Năng thích nhất luôn.

Năng cười khằng khặc, vỗ lưng Sáo bôm bốp. Sáo than phiền:

- Đừng vỗ nữa, vỗ gãy lưng thì không vác nổi cái cục này đâu.

Anh trỏ vào cái ba lô màu xanh đã phình lên của mình, vừa nhìn đã biết cái ba lô này khá nặng. Năng chưa ngừng cười hẳn, nhưng không còn vỗ mạnh tay lên lưng của Sáo nữa.

Sáo đeo ba lô lên, xếp thành hàng cùng các đồng đội rời đi. Mọi người vừa đi vừa nói, thi thoảng chọc ghẹo lẫn nhau, dường như tiếng cười chưa từng dứt. Một tay cầm gậy chống lên mặt đất, tay kia vác súng trên vai, miệng ngân nga vài câu hát. Mà đột nhiên, ở xa xa, không rõ là hướng nào, tiếng bom đạn văng vẳng lại đây. Khói bốc lên, đứng ở chỗ này đã thấy loáng thoáng mấy cột khói xám mờ rồi. Chẳng qua trời kia lớn thế, khói lửa chiến tranh không tài nào che đậy được.

Vài ba chiếc máy bay ù ù bay qua bay lại, chốc chốc lại bổ nhào, trải một lớp thảm bom xuống đất. Bom nổ, mặt đất nổi lên tầng tầng khói bụi, tiếng nổ ầm ầm chưa dứt. Một đợt bom vừa qua không lâu, bọn chúng liền bắn đại bác. Đạn đại bác nã vào cánh rừng thăm thẳm, đánh bật thân cây gỗ già cỗi. Ở nơi cách một khoảng như này, bọn họ vẫn nghe phong thanh được tiếng vụn gỗ vỡ nát, âm thanh lửa bén trên gỗ, cháy khét, như thể góc rừng đó đang khóc trong nỗi đau khó tả. Sáo thoáng dừng bước chân, ngẩng đầu lên ngó quanh. Từ góc độ của Sáo, anh chẳng rõ chúng nó tính bắn đến chỗ nào.

Chắc chúng nó bắn nhầm, anh tự nhủ, chứ ở đó làm gì có quái gì.

- Chúng nó bắn vui hay gì mà lắm thế nhỉ. - Anh Lơn lầu bầu. Mặt anh nhăn nhó, nom khó chịu lắm, chắc lại bị đau bụng rồi.

Thiều vẫn bám theo bọn họ, mặc dù các đồng đội đã giục cậu mau quay về vị trí. Thiều ngang ngược như thế đấy, nếu không phải đồng đội bên đó cũng biết rõ tính cậu thì họ đã đột kích xách cậu về từ lâu rồi. Thiều đi ngay sau anh Lơn, nghịch cây gậy trong tay, hết chọc chọc lại quệt quệt xuống đất, rồi xoay xoay như đang múa mấy chiêu võ mèo. Nghe được lời anh Lơn, cậu cười cười, nói vu vơ:

- Bắn vui gì, bom của chúng nó khác gì nước trong bình đâu, đầy quá thì đổ bớt thôi.

Năng nghe vậy, cứ có cảm giác không thoải mái. Anh ủn ủn vai Thiều, chê cậu đi chậm, miệng mắng nhỏ:

- Cậu út à, trò đùa này không vui đâu đấy. Lần sau đừng nói những lời như này nữa, người ta lại tưởng cậu út là Ngụy thì dở rồi.

Nói vậy có hơi quá. Câu nói vu vơ của Thiều nhiều lắm thì bị coi là làm giảm sĩ khí quân ta. Nếu thủ trưởng nào nghe thấy, tất nhiên sẽ phạt Thiều, nhưng sẽ không khai trừ cậu đâu. Ai cũng hiểu Thiều đang đá xéo quân địch, chứ thằng ngố nào bảo Thiều là Ngụy thì có khướt mới tin vào. Trong từ điển của nhóm lính này, "Thiều" và "Ngụy" là hai từ trái nghĩa nhau.

Thiều bĩu môi, cậu chàng ngậm miệng lại, không đáp lời Năng. Có lẽ cậu chàng cũng biết bản thân nhỡ miệng, chỉ cúi gằm mặt, chăm chăm cầm gậy nghịch đất.

Sáo đang đi đằng sau, nghe thấy, cũng nhìn thấy hết mọi chuyện vừa diễn ra. Anh lắc đầu, lặng lẽ cất bước đi tiếp, vừa đi vừa suy nghĩ vẩn vơ. Chừng vài phút sau, đột nhiên có chiếc máy bay rú trên đỉnh đầu bọn họ. Cả đám hoảng hồn, từng sợi thần kinh trong cơ thể căng chặt, trái tim đập loạn không theo nhịp. Họ gắng sức bình ổn hơi thở, người chầm chậm cúi thấp, rụt xuống dưới những tán cây xum xuê, để lớp ngụy trang trên lưng và tàng cây rừng lấp lấy thân mình. Hết một phút, lại hai phút, máy bay vẫn rù rù trên đó. Nhóm người nhìn nhau, căng thẳng.

Lại thêm chừng ba phút nữa, hoặc là năm, sáu phút, chiếc máy bay kia mới rầm rì bay xa dần, bỏ lại khoảng trời lần nữa tĩnh lặng. May mắn làm sao, máy bay của địch cũng chỉ bay ngang qua, hẳn là làm nhiệm vụ trinh sát thôi. Nhưng nhóm lính vẫn chưa định đi tiếp, cẩn thận nghe ngóng thêm một lúc nữa. Quả nhiên, tiếng nổ rền vang như sấm trên đất lại lần nữa phát ra từ một góc rừng khác, không biết lại nhắm vào cái gì.

Sáo tặc lưỡi, nhỏ giọng lầm bầm, tựa như đã quen thuộc, lại như đã mỏi mệt:

- Chúng nó lại phá.

***

Đến tối muộn, đoàn quân dừng lại nghỉ ngơi, anh nuôi dựng bếp nấu cơm. Vận động gần nguyên ngày, ai nấy đều mệt bở hơi tai. Mệt là thế, lại không có anh nào than thở. Có hỏi thì các anh còn đùa rằng mệt quá, than thôi cũng mệt thêm nhiều lắm, thế là không than nữa. Thật ra, cuộc sống như này họ đã quen từ lâu rồi, muốn than cũng đã than xong hết.

Bát cơm trắng nóng hôi hổi cùng với một đĩa rau, một ít thịt săn được trong rừng, đơn giản nhưng lấp được cái bụng đói. Khi đói thì cái gì ăn cũng ngon hết, anh nào anh nấy đều lùa cơm mà ăn, miệng phồng lên, hạt cơm dính ở bên mép. Anh Lơn ăn còn quá đáng hơn, mọi người ai cũng dùng đũa ăn, chỉ có anh ụp thẳng mặt vào bát cơm, ăn ngấu nghiến. Những tưởng anh ăn như thế sẽ lãng phí lắm, ai dè anh ăn được hết, bát anh sạch bong chỉ trong chốc lát, sạch đến nỗi khỏi cần rửa.

Các đồng đội đồng loạt lắc đầu, thầm nhủ, đúng là Lơn "thiếu nặng" mà.

Sau bữa cơm, mọi người được nghỉ ngơi. Chưa đến ngày diễn ra chiến dịch, các anh đều khá thoải mái, còn rất lạc quan và tự tin, thậm chí là chủ quan. Hình như sự chủ quan đó khiến các cán bộ chỉ huy không hài lòng, họ luôn làm công tác tư tưởng, khuyên các chiến sĩ đừng vì chủ quan mà lơ là cảnh giác. Các anh chiến sĩ hiểu, cơ mà vẫn không che giấu được sự hào hứng, phấn khởi trước trận đánh.

Đêm nay, Sáo là một trong những người gác đêm. Đứng gác bên cạnh anh là chàng Sĩ, một người anh lớn hơn Sáo hai tuổi, cũng là chàng "tài tử" có tiếng trong đội. Sĩ lớn lên đẹp trai lai láng, dù cho sở hữu một mái tóc ngắn cụt lủn vì đi lính thì chàng vẫn rất đẹp, và chỉ riêng cái vẻ ngoài của chàng thôi cũng đã hớp hồn bao nhiêu cô thiếu nữ trẻ. Bấy lâu nay, có bao cô ngỏ ý, chàng đều từ chối cả. Hỏi tại sao thì chàng đáp:

- Nhà tôi sẽ không vui.

Biết Sĩ có vợ, không ít cô gái tiếc hùi hụi, rồi cũng đành từ bỏ. Chỉ có các anh em trong đơn vị cho rằng Sĩ chưa lấy vợ, cũng không rõ chàng đã từng có nổi một mảnh tình vắt vai nào chưa bởi chưa từng thấy Sĩ khoe khoang hay đọc thư trước mặt họ. Các anh em rất thắc mắc, chẳng lẽ Sĩ gặp phải vấn đề gì đó không dễ nói ra. Chàng Sĩ nghe xong chỉ cười, nói:

- Trong lòng có người, người đó là nhà.

Mỗi lần hỏi, chàng đều đáp như thế. Riết rồi không phân biệt được chàng đang nhớ nhà, hay là đang thật lòng thương một cô nào đó.

Sáo là người hướng nội nửa vời, tuy rằng có tò mò, song cũng không đến nỗi há miệng ra liền hỏi thẳng thừng. Anh cùng Sĩ đứng cạnh nhau, mắt nhìn vào màu đen thăm thẳm của núi rừng bạt ngàn, hứng cơn gió lạnh buổi đêm. Màn sương đêm lởn vởn lượn quanh, tựa như khu rừng này đang ăn diện, khoác lên một tấm lụa mỏng màu trắng. Không gian trong rừng yên ắng càng làm nổi bật tiếng máy bay địch ù ù trên đỉnh đầu. Dạo này chúng nó ít dùng đến máy bay rồi, nhưng không có nghĩa là không còn, chẳng qua không còn oanh tạc nhiều như trước nữa.

Đã bao lần nghe tiếng máy bay của địch, Sáo vẫn không cách nào giấu được sự căng thẳng của mình. Người anh cứng đờ, không dám nhúc nhích, sợ bị địch phát hiện mà bổ nhào xuống, cắt cho mấy quả bom. Sĩ thấy dáng đứng buồn cười nọ, bèn tìm một chủ đề để tán gẫu:

- Nếu chiến dịch lần này thành công, chắc chắn sớm thôi, mình sẽ không còn nhìn hay nghe thấy những chiếc máy bay đó nữa đâu nhỉ.

Được gợi chuyện, Sáo cũng đỡ căng thẳng phần nào. Anh gật gật đầu, trong lòng tràn đầy niềm tin chiến thắng, nói:

- Chứ sao nữa, đã cố gắng đến vậy rồi mà!

Hai người trò chuyện câu được câu chăng, một lát sau lại im lặng. Sáo đứng đến mỏi chân, liền ngồi phịch xuống đất, khoanh chân lại, một tay gác lên, chán nản chống cằm. Chốc sau, anh mò mấy cành cây cùng lá rụng ở xung quanh mình, định bụng dựng lên một ngôi nhà nhỏ. Đây là sở thích của Sáo, khi không có gì làm thì nhặt nhạnh mấy thứ linh tinh, xây dựng một cái gì đó. Có lần anh dựng được một ngôi trường lớn, làm đồng đội trố mắt nhìn, khen không dứt miệng.

Tuy nhiên, lúc này đang là đêm khuya, ánh trăng khuất sau đám mây dày, gần như không thấy gì cả. Chẳng qua anh đã làm quen được với bóng tối một lúc lâu, lại dựa vào chút ánh sáng nhạt nhòa của những vì sao nên giờ cũng không đến nỗi không nhìn được gì.

Sĩ bất chấp việc có thể bị coi là lơ là nhiệm vụ mà ngồi xuống theo, lom lom nhìn anh dựng nhà. Chàng đùa:

- Lại nhớ cái cửa hả?

Sáo từng mấy lần bâng quơ kể lại cái cửa nhà mình, cái cửa quanh năm suốt tháng kêu kẽo kẹt mà anh mãi vẫn chưa chịu sửa. Sĩ thấy Sáo khá thích cái cửa đó, thỉnh thoảng lại lôi ra trêu.

Sáo đáp:

- Không phải, tôi nhớ cái bếp ở nhà thôi.

Sĩ cười cười, nói tiếp:

- Ồ? Chú đói rồi à? Mấy nay ở với Lơn "thiếu nặng" nhiều quá nên học nó cách làm ma đói đấy hả.

Sáo cắm mấy cái que xuống đất, phủi bụi trên tay rồi mới trả lời:

- Có làm ma đói không thì tôi không biết, tôi chỉ biết cái Sẻ em tôi tự tìm được chồng, sắp cưới rồi, mà mẹ tôi thiếu hai đứa con dâu để nấu cỗ cùng.

Nói rồi, anh chuyển tầm nhìn sang Sĩ, nhớ đến tin đồn về việc chàng cũng chưa có người yêu, bèn nhân cơ hội nhỏ giọng hỏi:

- Tôi thế nào thì các anh biết đấy, còn anh, anh hay nói "trong lòng có người", thế có người thật không?

Sĩ sững sờ, bần thần một lúc thật lâu, hồi tưởng lại chuyện cũ đã qua. Mãi sau, chàng khẽ cười, hướng về nơi quê nhà, dịu dàng nói:

- Có một người.

***

Nhà hát "hài" kịch Nhân Vật:

Sĩ "tài tử": Lơn thiếu nặng, nghĩa là Lơn cần thêm dấu nặng. Cùng anh đánh vần nào mấy đứa. Ơ nờ ơn, lờ ơn lơn, lơn nặng...

Năng "cột điện": Lợn!

Chú thích:

(1) Anh nuôi là cách gọi tôi tìm thấy trong sách "Hồi ức lính" của Vũ Công Chiến. Trong một đại đội có một tổ anh nuôi. Theo những gì tôi hiểu thì có lẽ anh nuôi chỉ những anh lính nuôi quân, đứng bếp nấu cơm.

Tác giả tám nhảm:

Sách "Hồi ức lính" hay lắm, dù tôi chưa đọc hết. Sách có hơi dày và giá khá chát, nhưng đáng mua.

Cái chi tiết Lơn lấy lưỡi lê thó đồ ăn được tôi lấy ý tưởng từ câu chuyện của bố. Bố tôi cũng từng đi bộ đội, chẳng qua không phải ở thời chống Mỹ. Ông kể ngày xưa có đợt ông dùng lưỡi lê chọc miếng đậu phụ, mang đi ăn vụng. Tôi thấy cũng khá thú vị và hài hước nên cho vào truyện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro