Chương 6: Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Oái, các anh ơi, anh Sáo ơi, cứu em!

Thiều hốt hoảng la toáng lên kêu cứu. Cậu chàng lại cởi dép, xách quần lên, để chân trần lao đến chỗ Sáo, đuổi theo sau cậu là hai chàng trai lạ mặt, còn đám người anh Giàn lại đứng tụm lại ở một bên, ló đầu ra hóng. Sáo cũng đang vội theo chân các anh em, suýt thì đâm vào Thiều, cũng may anh dừng lại kịp lúc, giữ được thăng bằng nên không bị ngã dập mặt. Thiều nhanh nhảu chạy đến trốn sau lưng anh, cảnh tượng này làm anh ngờ ngợ, thấy quen đến lạ.

Hai chàng trai lạ đuổi tới, tẩn ngần dừng trước mặt anh. Một người gãi cổ nhìn người còn lại, người kia thì ngượng ngập không nói ra lời.

Sáo cau mày, nhìn trang phục của họ, chắc mẩm cả hai đều là người mình. Anh đưa tay phải lên làm tư thế chào của quân đội, hai người kia cũng vội làm theo. Thấy họ chỉ chào mình thế, anh lấy làm lạ, hỏi dò:

- Các cậu là?

Chàng trai bên phải, cũng là người vừa rồi không nói ra lời lại láu táu mở lời đáp trước. Không biết có phải do ngượng hay không mà cậu chàng cứ lúng ta lúng túng, nói nhanh đến mức bị vấp mấy lần:

- Em... em xào, à, chào anh. Bọn em là tồng... đồng đội của Thiều, đến đón Thiều về. Em tên Nữ, ý nhầm, Lữ ạ. Còn thằng này là Đào.

Người còn lại lườm Lữ, gắt gỏng sửa lại, hẳn cậu này phải làm vậy nhiều lần rồi nên mới nóng nảy đến vậy:

- Lạy bố, là Đảo ạ! Đảo! Đờ ao đao hỏi đảo! - Nói rồi, Đảo quay sang phía Sáo, nghiêm túc nói. - Chào anh ạ, bọn em đều chung tiểu đội với Thiều. Chuyện là mấy nay Thiều thường hay ra ngoài, một lần đi là đi khá lâu, đến nỗi cả đám ba người chúng em sắp bao che hết nổi rồi. Nếu Thiều còn chạy đi chơi nữa thì thủ trưởng sẽ nghi thằng này đi làm đào binh mất.

Lúc này Lữ đã bình tĩnh hơn, gật gật đầu hùa theo bạn mình. Tuy mặt cậu vẫn đỏ chín như quả cà chua nhưng cậu không còn nói lắp nữa. Cậu chàng nói thêm:

- Giờ mọi người chỉ nghĩ nó bị bệnh tiêu hóa, chứ không sao suốt ngày đi ngoài rõ lâu. Nhưng sắp tới chiến dịch rồi, nó không thể tiếp tục lơ là được nữa đâu ạ.

Sáo hiểu ra vấn đề. Hóa ra dạo này Thiều toàn lén chạy đến chỗ các anh chơi, chỉ có đồng đội chung tiểu đội biết Thiều đi đâu, cùng nhau nghĩ cớ bao che cho cậu. Nhưng Thiều ham chơi, lén đi nhiều lần, đến nỗi các bạn cũng bắt đầu phát hoảng, người khác sinh nghi. Vả lại cũng sắp đến chiến dịch thật, Thiều cứ bỏ bê thế này thì cũng không ổn cho lắm. Chẳng qua anh không quen hai người kia, không biết có nên tin họ hay không.

Anh ngoái đầu, liếc nhìn Thiều đang huýt sáo giả ngu. Nom cái điệu bộ này của Thiều thì chắc Lữ và Đảo nói đúng sự thật rồi. Nghĩ vậy, anh bèn vươn tay đẩy "trả" cậu cho đồng đội. Anh nói:

- Ca này anh không bảo kê cho chú được. Chú đi đi, đừng có rảnh cái là chạy đến đây, thực sự không tốt đâu.

Mặt Thiều xị xuống, cậu mặc kệ hai đồng đội hết kéo tay rồi lại nói đến hết nước hết cái mà vẫn chẳng chịu nhích chân rời đi. Cậu chẳng nói chẳng rằng, đặt mông ngồi bệt xuống đất, dùng hành động bày tỏ rằng, cậu sẽ không đi đâu đâu. Sáo đanh mặt lại, nghiêm giọng mắng:

- Thiều, chơi thế chưa chán à, chú có biết bây giờ là lúc nào rồi không? Lúc trước chú vẫn đi theo các anh thì thôi đi, giờ đang là lúc quan trọng mà vẫn thích làm theo ý mình là thế nào? Chú bao nhiêu tuổi rồi, có phải trẻ con nữa đâu, tự động có ý thức một chút đi chứ, chú chỉ về đơn vị thôi mà cứ làm như sắp chia xa là sao?

Thiều nhăn mày, định cãi lại thì Sáo đã cất bước rời đi, kéo theo cả bọn anh Giàn cũng quay người đi khỏi. Chỉ có anh Lơn không đành lòng, quay lại nói nhỏ với Thiều:

- Trước mắt cứ đi về đi, chừng nào rảnh rỗi thì hãy đi tìm các anh nhé. Thằng Sáo có vẻ bực rồi, đừng chọc nó nữa kẻo nó nói còn khó nghe hơn. Thế nhé, bọn anh đi trước.

Rồi anh gọi với theo đồng đội, nhanh chóng đuổi kịp bước chân của họ. Cả bọn khoác vai nhau, cười cười nói nói, chọc cho Sáo cũng phải nhoẻn miệng cười. Bọn họ sóng vai đi cạnh nhau, giọng nói càng lúc càng xa, khuất dần trong mảnh rừng mướt mát tháng ba.

Thiều dõi mắt theo bóng lưng bọn họ, đáy lòng khó chịu khôn tả. Cậu rầu rĩ cúi gằm, miệng lẩm bẩm:

- Mấy anh đâu hiểu, mấy anh có biết được đâu...

Cậu đột ngột đứng dậy, dọa hai người Lữ và Đảo giật nảy người, xém thì ngã sõng soài dưới đất. Thiều kệ hai người họ, bỏ đi trước, chỉ uể oải quẳng lại một câu:

- Về thôi.

Lữ và Đảo liếc nhau, Đảo buồn rầu lắc đầu, rồi cả hai cũng chậm rãi bước theo sau Thiều.

***

Ngày 30 tháng 3 năm 1972.

Hôm nay là ngày N.

Sáo đứng dưới tàng cây, để từng cành lá rậm rạp chắn đi làn mưa lất phất. Trời có chút âm u ẩm ướt, làm anh nhớ đến những cơn mưa phùn của cái tiết trời mùa xuân se se ngoài Bắc.

Anh tựa lưng vào thân cây, âm thầm rút chiếc đồng hồ cũ từ trong túi ra, nhẩm đếm từng giây từng phút một. Càng gần đến mười giờ, cũng tức là giờ G trong kế hoạch (1), anh càng cảm thấy căng thẳng, thay đổi tư thế đứng tại chỗ liên tục. Lúc nào cũng thế, mỗi khi chuẩn bị chiến đấu, tim anh đều đập nhanh như trống bỏi, hô hấp anh nặng nề, nỗi lo lắng cứ thế bủa vây lấy tâm trí anh.

Anh uể oải ngồi thụp xuống đất, đặt chiếc đồng hồ cũ ở bên tai, lắng nghe tiếng kim giây kêu tích tắc. Chừng vài giây trôi qua, hoặc có khi là cả mấy phút đồng hồ, Sáo mới bình tĩnh trở lại. Anh cũng không rõ cái tật xấu này từ đâu ra, chỉ biết rằng từ hồi còn quắn đít ngồi trên ghế nhà trường, anh đều có biểu hiện như vậy trước mỗi kỳ thi. Cách giải quyết vấn đề nhanh nhất là nghe tiếng kim đồng hồ chạy, do đó anh mới hay mang theo đồng hồ bên người.

Xem giờ cũng là một nguyên nhân khác.

Anh Lơn bước tới, ngồi phịch xuống bên cạnh Sáo. Anh đảo mắt nhìn xung quanh, dường như đang rất vui vẻ, thoải mái. Sáo thấy anh lại bắt đầu tưng tửng, cho là anh vừa được ăn no xong, nên Sáo chỉ ngoái sang nhìn một cái, sau đó tiếp tục ngồi trầm ngâm đếm giờ. Anh Lơn ngồi rung đùi, lắc lư cái đầu, nom phởn đời lắm. Mãi không thấy Sáo nói gì, mà anh Lơn ngồi không đến chán rồi, bèn quay sang mở lời:

- Lâu rồi chưa thấy Thiều "út tăng" nhỉ.

Sáo gật đầu, thành thực nói:

- Chắc thằng bé dỗi tôi, dẫu sao hôm đó tôi hơi nặng lời, còn bỏ đi trước mặt nó nữa. Nhưng như thế là tốt nhất, giờ tiến vào giai đoạn quan trọng rồi còn đâu.

Anh Lơn ngửa người ra sau, dùng hai tay gối đầu, nằm xuống. Anh "hừm" một tiếng dài, như là đang suy ngẫm triết lý nhân sinh. Sáo nghe tiếng "hừm" của anh, không khỏi suy nghĩ miên man theo. Anh quen Thiều một năm có lẻ rồi, thời gian gặp nhau không nhiều nhưng mối quan hệ lại khăng khít đến lạ. Chính ra, anh không rõ vì sao Thiều lại bám anh đến vậy. Khi hỏi, Thiều chỉ đáp rằng, anh và một người bạn cũ của cậu khá giống nhau. Sáo không biết người bạn cũ đó, chưa từng gặp bao giờ, lại đã từng nghe Thiều nhắc tới vào lần đầu nói chuyện.

Lần đầu anh gặp Thiều, cả hai cùng nằm trong một cái bệnh viện dã chiến. Thiều là người nằm trên cái giường bệnh cạnh giường của anh, hôn mê mấy ngày mới tỉnh. Lúc anh được đồng đội dìu đến, Thiều đã nằm ở đó được hai hôm rồi. Gương mặt Thiều lúc ấy xanh xao hốc hác, đôi mày lúc nào cũng nhíu lại, hơi thở khi chậm khi nhanh. Cánh tay lẫn cẳng chân đều nhỏ khỏi nói, lính nào cũng gầy cả, điều đáng nói là Thiều hay gặp ác mộng rồi nói mớ. Mãi đến khi tỉnh lại, Thiều cũng không yên ổn chút nào.

Lại nói, hồi ấy anh vừa trải qua một trận chiến căng thẳng, bị một viên đạn bắn trúng chân. May sao các cụ phù hộ cho vết thương không nặng, anh lại được đồng đội xách đi kịp thời, quân y cũng bảo anh nghỉ ngơi một thời gian là vác súng đi tiếp được rồi.

Anh nhàm chán nằm trên giường, cằn nhằn về sự nhàm chán của mình cho Năng nghe. Năng nghe anh càm ràm được một ngày tròn, ngày hôm sau liền thậm thà thậm thụt đến xem anh, tay cứ che đậy cái túi áo trước ngực, không biết là đang giấu cái gì. Thấy anh tò mò, Năng làm động tác "suỵt" rồi nhìn ngang ngó dọc, sau đó rón rén đến cạnh anh, dùng thân mình che đi tầm nhìn của những quân y ở đằng sau. Năng móc ra một con dế từ trong túi, để vào tay Sáo cho Sáo chơi.

Sáo bất ngờ, thấp giọng hỏi:

- Bắt được từ bao giờ đấy?

Năng nháy mắt, cười khì, không có trả lời. Sáo biết anh lại rảnh rỗi không muốn ngủ nên đi chơi long nhong, tiện thể kiếm gì đó để chơi.

Rồi bọn anh Giàn cũng nghe nói đến, nhao nhao đi bắt dế, đem đến bệnh xá để Sáo chiêm ngưỡng. Ban đầu là thi thố xem con dế nào đẹp nhất, kêu hay nhất, dần dần biến thành những cuộc chọi dế gay cấn. Sáo hứng khởi xem chọi dế cùng những người đồng đội, đôi khi sẽ cổ vũ cho con dế "chiến tướng" thắng liền mấy trận nào đó. Ngay cả các chiến hữu nằm trên giường bệnh gần đó cũng góp vui, tổ chức thành một nhóm bình luận chuyên nghiệp, vừa nghe đã biết đây đều là những tay chọi dế già đời.

Khi đồng đội phải rời đi, anh lại buồn chán nằm trên giường, cầm đồng hồ lên đếm xem kim giây có chạy đúng sáu mươi lần trong vòng một phút không. Tối muộn, khi anh mơ màng sắp vào giấc ngủ, Sáo lại bị đánh thức bởi những âm thanh hỗn độn từ giường bên cạnh. Thế nào gọi là những âm thanh hỗn độn? Nếu phải miêu tả, Sáo sẽ kể ra những âm thanh như tiếng sột soạt của vải vóc, tiếng kẽo kẹt của giường bệnh, tiếng thùm thụp của nắm đấm nện mạnh lên giường, và cả tiếng khóc rấm rứt không ngơi.

Sáo vừa bực vừa thấy lạ. Người nằm trên giường lăn qua lộn lại tạo ra tiếng sột soạt và tiếng kẽo kẹt, điều này là bình thường rồi. Nhưng còn tiếng nện thùm thụp và tiếng khóc thì sao? Nghe cứ như một ai đó cực kỳ tức giận, đồng thời cũng cực kỳ buồn bã vậy. Anh nghe những âm thanh hỗn độn đó một hồi, chợt phát hiện hồi anh Én mới mất, anh cũng làm mấy hành động giống như người anh em giường bên vậy.

Đương khi anh hồi tưởng lại chuyện xưa, anh Lơn ngồi dậy từ lúc nào, lắc lắc tay anh hòng lấy lại sự chú ý. Sáo giật mình, quay sang hỏi:

- Sao vậy?

Anh Lơn chỉ vào chiếc đồng hồ mà Sáo chưa kịp cất vào túi, giọng nói đầy vẻ lo lắng:

- Đã mười giờ rồi đó mà anh vẫn chưa nghe thấy gì cả.

Sáo nhìn đồng hồ trên tay, quả đúng đã mười giờ hơn rồi. Anh lấy làm lạ, muộn rồi mà sao vẫn chưa có tiếng pháo tấn công. Sáo lắc đầu tỏ vẻ bản thân cũng không biết, rồi nhổm người dậy, đi tìm vị trí của anh Giàn.

Anh Giàn đang ngồi thu lu một mình một góc, tay cầm một xấp giấy mỏng ghi chi chít chữ, có vẻ là thư nhà của anh. Dường như gia đình anh Giàn yêu thương nhau nhiều lắm, cũng rất nhớ anh, vậy nên người nhà anh Giàn thường xuyên gửi thư tới, kể dông dài những chi tiết dù là vụn vặt nhất trong cuộc sống của họ.

Anh Giàn chăm chú đọc thư, tay vuốt ve từng con chữ, thi thoảng lại nhoẻn miệng cười. Nhìn khung cảnh ấm áp của tình thân gia đình như vậy, Sáo không nỡ làm phiền anh, đành đứng như trời trồng tại chỗ. Chẳng qua tiếng bước chân của Sáo đã gây được sự chú ý của anh Giàn. Anh ngẩng đầu lên khỏi những dòng thư, hỏi Sáo có chuyện gì.

Sáo nói:

- Đã quá giờ theo kế hoạch rồi mà sao vẫn chưa thấy tấn công hả anh?

Anh Giàn trầm ngâm giây lát, nom như đang nhớ lại gì đó. Anh chỉ tay lên trời, đáp:

- Trời như này thì bắn kiểu gì, nên hoãn chứ sao.

Sáo nhìn sắc trời, mờ mờ xam xám, đúng là không thích hợp để tấn công. Dưới trời này, dù mắt tinh cách mấy cũng không thể ngắm rõ bất kỳ một mục tiêu nào được. Anh gật đầu đã hiểu, định quay người về chỗ cũ. Song không biết anh nghĩ đến điều gì, vẫn đứng yên tại vị trí, nhìn chăm chăm bức thư trên tay anh Giàn, muốn hỏi lại thôi.

Anh Giàn thấy Sáo ngập ngừng mãi, giục Sáo muốn hỏi tiếp cái gì thì hỏi nhanh lên.

Sáo chẹp miệng, chần chừ một lát mới nói ra thắc mắc của mình:

- Đó không phải là thư chị nhà gửi đúng không?

- Hở? Sao chú biết?

Anh Giàn ngạc nhiên lắm, có vẻ như anh ấy hoàn toàn không biết tại sao Sáo đoán ra được hay vậy. Sáo ngoảnh mặt đi, lặng lẽ bĩu môi. Anh dám chắc cả đơn vị này không ai không đoán được điều đó, chẳng phải nó đã quá hiển nhiên rồi hay sao. Mỗi khi anh Giàn nhận được thư của vợ, anh đều phải "thong dong" mở ra trước mặt tất cả mọi người, hai tay cầm bức thư đi dạo quanh khu này hai vòng, chắc chắn tất cả mọi người đã đọc được câu sến rện nhất thì anh mới hài lòng ngồi một góc đọc nốt.

Dù cho bức thư hôm nay nhận được không phải do vợ gửi, anh Giàn vẫn vui vẻ khoe khoang với Sáo – người đã chủ động hỏi thăm:

- Anh không cần biết tại sao chú lại biết. Anh chỉ biết được giai cả nhà anh biết quan tâm bố nó, đạt được danh hiệu học sinh giỏi trong kỳ học vừa qua. Thậm chí anh cu này cũng phụ mẹ gánh hàng, trông em, chăm sóc ông bà nữa đấy. Còn cô gái bé nhỏ nhà anh bắt đầu học lớp vỡ lòng rồi đấy, biết cầm bút đánh vần rồi đấy. Ôi chao, hai đứa nó thật giỏi giang ngoan ngoãn làm sao! Cứ thế này thì dù anh đang ở tiền tuyến cũng thấy vui lòng như đang ở nhà quá. Bao giờ vụ này mới kết thúc nhỉ? À chú có nhớ anh nghỉ phép mấy lần rồi không? Anh còn lần nghỉ nào nữa không nhỉ? Hôm nay ngày mấy nhỉ? Thằng Năng cầm lịch, thế chú có thấy thằng Năng đâu không, chú thân với nó lắm mà.

Ban đầu anh Giàn khen con không dứt miệng, câu nào câu nấy đều luyến láy đầy cảm tình lớn lao của một người cha xa con đã lâu. Sáo đờ người đứng một bên, cam chịu nghe anh Giàn nói liên miên không ngừng, chẳng hiểu sao chủ đề lại bị kéo qua vấn đề huyên thuyên nào. Sáo chán nản, nhân vì anh Giàn không chú ý đến, anh dùng tay bụm mặt mình, than dài:

- Dại quá tôi ơi. Khi không đi hỏi làm gì cơ chứ!

***

11 giờ trưa.

Gió thổi mây tan, từng hạt mưa tí tách trút xuống giờ chỉ còn đọng lại trên cành lá. Tiết trời không còn nhờ nhờ như một tiếng trước đó, không gian thoáng đãng khiến nhiều mục tiêu của bên địch hiện ra rõ hơn, thuận tiện cho quân ta ngắm bắn. Ngay sau lệnh "Bão táp I" của Tư lệnh Lê Trọng Tấn (2), pháo bắt đầu nổ vang, lại thêm một chiến dịch mới được mở màn.

Âm thanh pháo vang cắt ngang lời lải nhải dong dài của anh Giàn, cả anh cùng Sáo đều nghiêm túc lắng nghe, mắt dõi theo hướng pháo được đặt. Anh Giàn cất lá thư trên tay đi, đứng dậy, vỗ vai Sáo rồi hỏi:

- Cũng sắp đến lượt chúng ta rồi đấy, chú đã sẵn sàng chưa?

Một tay Sáo lục tìm chiếc đồng hồ con con, nắm chặt lấy. Anh gắng sức giữ lấy vẻ bình tĩnh của mình, gật đầu, chắc nịch đáp một tiếng:

- Sẵn sàng!

Sau đợt bắn pháo đầu tiên, liên tiếp những khẩu pháo khác cũng lên nòng. Bên tai dồn dập những tiếng pháo. Pháo quân ta bắn liên tiếp, thi thoảng xem lẫn những tiếng ở phía xa hơn, có lẽ là tiếng đáp trả của bên địch. Những anh lính quây lại một chỗ, chen chúc nhau ngóng cổ xem pháo bắn ở chỗ nào, rồi lại tụm đầu bàn tán xem liệu trận này chắc thắng không.

Sáo lại thầm nhẩm đếm từng phút, giữ bình tĩnh chờ đến lúc mình ra trận. Không biết sao anh lại có một linh cảm lạ lùng, rằng anh không còn nhiều thời gian nữa. Anh xua đi ý nghĩ đó, tự mắng mình, chuẩn bị đánh nhau mà cứ nghĩ linh tinh gì đâu, mà nghĩ gì không nghĩ lại toàn nghĩ điềm xấu không.

Pháo của quân ta bất ngờ, đánh cho bên địch tá hỏa, hoảng loạn, sau đó lại đáp trả một cách yếu ớt. Hình như bên chúng nó cũng dùng pháo đấy, cơ mà mọi người mãi cũng chỉ nghe được vài tiếng lẻ tẻ.

- Khéo chúng nó cam chịu rồi cũng nên.

Anh Lơn nói, vài anh đứng gần cũng hùa theo hưởng ứng. Nhưng cũng có người không cho là phải, điển hình như Sĩ với Miễn. Dù sao cũng đang ở giữa lúc chiến trận căng thẳng, vả lại chiến dịch này mới bắt đầu có vài phút, huống chi đã qua bao nhiêu năm rồi, bên lãnh đạo của quân địch còn chưa chịu từ bỏ thì sao đám lính bên dưới lại nhận thua nhanh như vậy cho được.

Anh Sĩ lại bảo:

- Có khi pháo nó có vấn đề hoặc tịt luôn rồi ấy.

Điều này lại có khả năng hơn rất nhiều. Bởi vì quân ta nã pháo quá đỗi bất ngờ, quân địch không kịp phản ứng, dẫn tới rối loạn và xuất hiện vài vấn đề với mấy khẩu pháo cũng phải thôi.

***

11 giờ 10 phút trưa.

Lúc này đây, tất cả các trận địa pháo của quân ta với tổng cộng 247 khẩu pháo, súng cối các loại đều bắn vào mục tiêu là 19 căn cứ trên tuyến phòng thủ vòng ngoài của quân địch (3). Tiếng pháo rền vang như tiếng trống trận, từng đợt từng đợt làm lòng người sục sôi. Không ít người tại nơi đóng quân đều đứng dậy, hi vọng bản thân không bỏ lỡ bất cứ tin tức mới nhất từ tiền tuyến.

- Được rồi, mấy thằng chúng mày còn đứng đó làm gì, có gì để ngóng đâu, kể cả có cô nào thì cũng cấm được nhìn. Nhanh chân lên, nhanh cái chân lên, chuẩn bị súng đi, chúng ta sẽ tập hợp sau hai phút nữa.

Đột nhiên anh Giàn vỗ tay bồm bộp, vừa vỗ vừa hô thật lớn, dọa mấy anh lính xung quanh giật cả mình. Có anh xoa ngực kêu hết hồn hết vía, có anh lại thở dài thườn thượt, cả người xìu xuống như cọng bún thiu. Thiều dẩu môi, nom trẻ con hết sức, mà cậu chàng chẳng nói chẳng rằng nhanh chóng đi chuẩn bị súng. Năng thì lại há miệng ngáp một cái, mệt mỏi cằn nhằn:

- Gớm quá cơ, cứ làm như ai cũng có vợ như ông anh vậy. Có con gái mà không ngắm thế ngắm gì? Ngắm anh à?

Anh Giàn trợn mắt, nhưng không có vẻ tức giận gì. Anh khoanh tay ưỡn ngực, cất giọng sang sảng:

- Được chiêm ngưỡng dung nhan trời ban của anh là vinh hạnh của mấy đứa còn gì.

Anh nào ở gần đều nghe thấy câu đấy hết, mấy đôi mắt ngờ vực đảo quanh anh Giàn và Sĩ, vuốt cằm hoài nghi gu thẩm mỹ của anh Giàn. Riêng Năng thì ôm ngực, giả đò như mình vừa bị trúng đạn ngay vị trí ấy, "đau đớn" ngả người ra phía sau, đúng lúc đụng trúng Sáo đang đi tới. Sáo nhanh tay khoác súng lên vai, đỡ lấy Năng, tưởng Năng bị sao nên lo lắng hỏi:

- Sao thế Năng, lại đau ở đâu à, hay thay đổi thời tiết nên khó chịu?

Có anh lính phì cười, ôm súng đứng một bên, trêu ghẹo:

- Thằng Năng có làm sao đâu, chắc là đau mắt ý mà.

Sáo nhăn mày, khó hiểu hỏi lại:

- Đau mắt thì ôm ngực làm gì?

- Tớ chịu. – Người đó nhún nhún vai, nói tiếp. – Cơn đau từ mắt theo đường nào đó lan xuống tim chăng.

- Hả? Đường nào thế? Sao anh không biết? Rốt cuộc là sao thế?

Anh Lơn cũng đi tới, miệng lại ngậm một cọng cỏ lạ lùng nào đó. Có điều cọng cỏ này không còn bị dính đất, thay vào đó là những hạt nước nhỏ li ti, có vẻ như anh Lơn mới hái nó sau khi mưa tạnh. Anh nghe được những lời của anh lính nọ, mặt hoang mang lắm, hỏi liên tục, đến mức ngay cả Năng đang giả ngất cũng không chịu được nữa.

Năng bật dậy, mặt đỏ choét, hằm hè rời đi, chỉ bỏ lại một câu gắt gỏng:

- Tôi bị hạ đường huyết! Được chưa!

Sáo ngơ người, anh lính kia và anh Lơn cũng ngơ người. Miễn ghé đầu sang, chốt một câu mà hầu như ai cũng thắc mắc:

- Thế sao nó khỏe re vậy ta, đi đường thẳng tưng luôn kìa?

Anh Giàn gãi đầu, cũng không hiểu cuộc hội thoại vừa rồi nói về điều gì nữa. Anh bảo:

- Thôi, kệ nó đi. – Sau đó anh dùng tay làm loa, hét lên với mọi người. – Tất cả chú ý, tập hợp!

***

Khoảng 12 giờ trưa.

Bên dòng Bến Hải, dập dìu sóng vỗ.

Sáo lướt qua những người đứng phía trước mình, lặng người trông ngắm dòng sông yên ả, lại nhìn đến ranh giới đang chia cắt hai miền – khu phi quân sự vĩ tuyến 17 (4). Cạnh anh là những người lính, những đồng đội cùng nhau băng qua bao trận chiến. Họ nhìn nhau, mặc dù nét mặt hãy còn căng thẳng, nhưng họ vẫn cười một cái thật tươi, bông đùa một câu nhạt nhẽo, rồi lại quay đầu hướng về phía trước.

Chợt nghe tiếng pháo vang lên lần nữa, đạn xẹt ngang đầu, lao về phía bên kia. Khói nổi lên, xám xịt một góc trời con, lửa chập chờn bùng cháy trong tiếng thét khản đặc. Không biết là ai hô hào trước tiên, những người lính ấy bắt đầu cất bước, chạy nhanh trong cơn mưa đạn ngập trời. Dưới sự hỗ trợ của xe tăng và pháo binh, các anh vượt sông Bến Hải, qua vĩ tuyến 17, tấn công vào các căn cứ của địch. (5)

Vì Tổ quốc vĩ đại! Vì Hồ Chủ tịch vĩ đại!

Xung phong!

***

Chú thích:

(1) Ngày N là ngày 30/03/1972. Tuy nhiên, trên Wikipedia của chiến dịch Trị - Thiên ghi giờ G là 16 giờ chiều, còn trong quyển "Nhật ký Quảng Trị 1972" (Lê Quang Đạo) lại ghi giờ G là 10 giờ. Trong quyển này còn ghi rõ lý do không tấn công vào đúng giờ G mà đổi sang một tiếng sau (tức 11 giờ thay vì 11 giờ 30 như trên Wiki) là vì trời mù, có mưa nhỏ, không nhìn rõ mục tiêu.

(2) Lê Trọng Tấn (1914 – 1986) là một . Năm 1972, ông được cử làm Tư lệnh chiến dịch Trị - Thiên.

(3) Trong "Nhật ký Quảng Trị 1972" chỉ nói đến 11h10, tất cả các trận địa pháo đều bắn. Trên Wikipedia mới kể rõ là bao nhiêu pháo, bao nhiêu mục tiêu.

(4) Khu phi quân sự vĩ tuyến 17: Theo Hiệp định Genève về Đông Dương 1954, khu phi quân sự vĩ tuyến 17 dọc theo hai bờ sông Bến Hải được lập ra nhằm làm một giới tuyến quân sự tạm thời ngăn cách các cùng tập kết giữa một bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với một bên là Pháp và đồng minh, sau này là Mỹ.

(5) Cùng là trưa 30/03/1972, theo trang Wikipedia của chiến dịch Xuân – Hè 1972, ở Mặt trận Trị Thiên Huế (cũng là chiến dịch Trị - Thiên), sư 308 cùng với sư 304 vượt qua giới tuyến 17 với sự hỗ trợ của trung đoàn pháo binh và trung đoàn xe tăng. Nhưng theo trang Wiki của chiến dịch Trị - Thiên 1972, cánh Tây (cánh quan trọng nhất) do sư 304 đảm nhiệm, ngoài ra tôi không thấy các đơn vị khác được nhắc tới trong cánh này. Còn Wiki của Mặt trận Trị Thiên Huế lại ghi đầy đủ hơn, do khá dài nên tôi không viết vào đây.

Tác giả tám nhảm: Diễn biến chi tiết các trận chiến được tôi tham khảo từ trên Wikipedia là chủ yếu và một vài tài liệu khác về thời đó. Dù vậy thì tôi vẫn không chắc chắn mình viết đúng hoàn toàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro