Chương 5: Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông mặt trời lên, chậm chạp đi trên nền trời. Nắng tháng ba vàng dịu, hiền hòa mà vẫn rực rỡ chiếu rọi xuống mảnh rừng đang dần hồi sinh. Không thấy những thân cây gãy đổ, không có những giọt nhựa rỉ ra, chỉ thấy những gốc cây nhỏ, cành lá thưa thớt nhưng lại tựa như đám trẻ thơ đang mơ ước làm người lớn. Qua mấy ngày mưa, đường đi ẩm ướt, đều là bùn đất cả. Nay được dịp nắng lên, từng mảng đất thấm đẫm nước mưa mau chóng khô ráo, những nhánh cây hùa nhau đi đón nắng, còn những anh lính cũng được dịp phơi áo.

Anh Giàn mặc một cái áo cộc tay màu xanh lá đậm, chiếc áo có vẻ hơi rộng, khiến phần cánh tay lộ ra ngoài của anh càng nhìn càng thấy giống một cái que. "Cái que" loe ngoe đong đưa, phe phẩy trước mặt những anh lính khác một tờ giấy trắng ghi chi chít chữ. Nội dung ra sao thì nhìn không rõ, song ai cũng để ý thấy dòng chữ cuối cùng, trước phần ký tên của người gửi.

"Trao anh ngàn cái hôn."

Trời ơi, ra đây mà xem này, nó sến quá đi thôi.

Có mấy anh lính, những người chưa từng vắt vai một mảnh tình, đều lộ ra biểu tình đau đớn vì tâm hồn bị tổn thương nặng nề, trừ Sáo ra. Mặc dù Sáo chưa yêu ai bao giờ, anh lại không cảm thấy quá khó chịu, chắc do anh nhìn nhiều nên quen rồi, hoặc do anh chỉ thích ngồi nhìn người ta hú hí với nhau thay vì tự mình yêu đương. Anh xem thường liếc anh Giàn một cái, chê trách anh Giàn không khoe ra cái gì thú vị hơn:

- Dào ôi, tưởng gì chứ.

Anh Giàn bỏ ngoài tai lời của Sáo, lăm le đến gần Sĩ, nhất quyết cho chàng xem những lời lẽ tâm tình trong thư. Những người khác thấy vậy thì chỉ chép miệng, tỏ vẻ ghét bỏ vô cùng. Ai ai cũng biết anh Giàn không hề thích cái mặt của Sĩ chút nào, nói trắng ra thì là ghen tị, thế nên anh hay so đo đủ kiểu với Sĩ. Tiếc rằng Sĩ là "tài tử" có tiếng, biết viết văn làm thơ, biết ngân nga sáng tác nhạc, biết vẽ tranh, cũng biết một vài ngoại ngữ, thành ra anh Giàn không có nổi một mẩu cửa để mà so, ngay cả bản lề cũng không. Anh Giàn ức lắm, tìm đủ mọi khía cạnh để có thể chứng minh mình vẫn có chỗ hơn. Sau đó, bởi vì Sĩ liên tục từ chối các cô gái mà anh Giàn đã cầm đầu một vài anh em, tin chắc rằng Sĩ chưa có người yêu. Kể từ đấy, mỗi khi anh Giàn nhận thư từ vợ, anh liền đem đi khoe với các anh em một phần, để dành chín phần còn lại tặng cho Sĩ.

Sáo hết nói nổi, thầm suy đoán nếu như anh Giàn biết Sĩ lấy vợ rồi, còn lấy từ mấy năm trước nữa thì chắc anh sẽ nổi điên mất, hoặc là ngay lập tức đi tìm hiểu xem Sĩ có con chưa.

Sĩ không thèm quan tâm đến anh Giàn, tập chung vẽ phác họa trên tờ giấy nhỏ. Anh Giàn hoàn toàn không hài lòng về thái độ này, bắt đầu bô bô kể về câu chuyện đôi lứa của anh cùng vợ:

- Hồi đó ấy à, vợ anh nghèo lắm, cũng chẳng đẹp lắm đâu, nhưng được cái chịu thương chịu khó, cần cù chăm chỉ, có tiếng hiền dịu ở làng anh. Trai làng rõ đông, nghe tiếng vợ anh nên xếp hàng dài dằng dặc hỏi cưới, thế mà vợ anh chẳng chịu ưng ý ai, khăng khăng đòi gả cho anh cơ.

Anh Giàn say sưa kể lại, mặt bày vẻ tự hào thôi rồi, làm các anh lính xung quanh nghe xong mà khinh thường. Dù sao thì cái đoạn kia ai cũng nghe đến chai cả tai, nói là thuộc nằm lòng luôn cũng không ngoa. Ban đầu mọi người còn tin ráo, ghen tị lắm, nghe nhiều rồi liền nhận ra điểm bất thường, đoán được ngay là anh Giàn lại dùng biện pháp tu từ phóng đại lung tung.

Có anh hô lớn:

- Cả bọn thuộc hết rồi anh ơi, không cần nhắc lại bài cũ đâu!

Các anh còn lại đồng loạt cười lớn, hùa theo giục anh Giàn:

- Đúng đấy, anh ơi, giảng bài mới đi, bài cũ thuộc làu rồi.

Bởi anh Giàn cứ hay nhắc đến vợ của mình, tuy là trắng trợn khoe khoang mà cảm giác lại cứ như là mở lớp dạy "kế sách sống cùng vợ" vậy, thành ra không ít người đùa rằng mỗi lần anh Giàn khoe vợ là một lần lên lớp dạy học.

Cặp mắt ếch lồi của anh Giàn đảo qua một lượt, hằm hè dọa các anh lính một trận. Mấy anh kia không những không sợ, còn cười hềnh hệch, rặt một vẻ nhơn nhơn thiếu đánh. Anh Giàn tức cái mình, thật sự đi tìm một câu chuyện cũ nào đó để chọc cả bọn luôn.

Anh cẩn thận hồi tưởng lại, bất giác tìm về một ngày trời đông lạnh giá, kể lại cho các anh em nghe cùng.

Mùa đông năm đó, cái rét cắt da cắt thịt, gió lạnh thổi từng đợt xuyên qua những lớp áo mỏng manh. Không gian âm u, tưởng chừng như sẽ sập tối lúc nào không hay. Mùa đông năm nào cũng thế, rét, tối và có chút gì đó cô đơn.

Anh Giàn bọc cho mình một lớp quần áo thật dày, ngồi co ro trong góc lều lụp xụp chỗ thủng chỗ dột, hứng hết mọi cái rét mướt của mùa đông Bắc Bộ. Nhà anh nghèo nhất nhì làng, một viên gạch để xây nhà cũng không có, phải dùng tranh dùng lá để lợp làm một túp lều nhỏ. Những thứ này rất dễ cháy mà mùa đông còn là mùa khô, thế nên anh không dám nhóm lửa sưởi ấm.

Không lâu sau, vợ anh, chị Thùy, hùng dũng đá tấm phên rách bước vào sân. Người chị tay xách nách mang, ôm đồm một đống thứ chầm chậm vào lều. Anh Giàn tò mò gặng hỏi, anh chỉ biết buổi sáng chị ra chợ chứ đâu có ngờ được chị mang nhiều đồ về thế, còn không rõ tiền đào đâu ra mà mua được.

Chị Thùy đặt đống đồ xuống, không nói không rằng lựa đồ. Bấy giờ anh Giàn mới nhìn kỹ, hóa ra những món đồ này đều là đồ cũ, không phải hỏng rồi thì chính là phế một nửa. Chị Thùy lấy ra một cái áo rách, ném qua cho anh Giàn chùm lên.

- Áo ở đâu ra thế?

Cái áo rách là một cái áo mùa đông dày và ấm, nhìn chất liệu đã biết là hàng tốt rồi. Anh Giàn không muốn dùng đến, định để dành cho vợ. Chị Thùy không để ý tới, vẫn đang mải lục đồ, nghe hỏi thì đáp:

- Của cụ ông Khải đấy. Áo do cháu gái trên thành phố mua cho, dùng được mấy năm thì bị con chó giời đánh gặm nát, tiếc quá nên cho nhà mình.

Anh Giàn vuốt ve cái áo, thấy chị Thùy bận quá, liền hỏi liệu anh có thể giúp được gì. Chị Thùy từ chối thẳng thừng, mãi sau mới kéo được một cái khăn quàng ra, nom nó sạch sẽ hơn cái áo trên tay anh Giàn nhiều.

Chị Thùy quay người, thấy anh Giàn chưa khoác áo lên, nhăn mặt quở trách:

- Mình bị sao đấy, đang ốm còn cố chịu rét cho ai xem. Có phải anh hùng đâu mà học đòi.

Chị vừa mắng, vừa đanh đá thít cho anh cái khăn quàng. Chẳng là mấy hôm liền lạnh quá, anh Giàn bị sốt không làm được việc gì, khiến chị lo lắng lắm. Anh Giàn bị ăn mắng cũng không buồn, cười cười kéo tay chị, để chị ngồi cạnh mình rồi chùm áo cho cả hai vợ chồng. Anh nói:

- Mình lo anh lạnh, anh lại không lo mình lạnh sao? Mình đi cả sáng, về cũng mệt rồi, ngồi xuống đây cho ấm.

Chị Thùy giơ tay, chọc chọc mái tóc lưa thưa của chồng, trách yêu:

- Mình chỉ được cái bày vẽ thôi.

Anh Giàn nắm lấy tay chị. Hai người tựa sát vào nhau, chen chúc trong chiếc áo rách rưới, tâm sự đôi câu chuyện nhà.

Kỳ thực, khi bên cạnh có một người, dù chỉ một thôi thì mùa đông cũng không rét thế, càng không cô đơn đến vậy.

***

Anh Giàn không hề sử dụng sở trường "biện pháp tu từ phóng đại" của mình, chỉ thành thật thuật lại một đoạn ngắn trong hồi ức. Ấy vậy mà sự thành thật này lại khiến cả bọn xung quanh nháo nhào hết lên, khóc than số trời bất công. Anh Giàn không ngờ phản ứng của mọi người thảm thiết thế, nói không hớn hở là sai mà nói hớn hở thì cũng không hẳn là đúng.

Nguyên nhân vì Sĩ vẫn rất ung dung rung đùi quẹt vẽ trên sổ.

Anh Giàn xị mặt, đặt mông ngồi ngay bên cạnh Sĩ, nghía sang nhìn bức tranh trong quyển sổ nọ. Bức tranh kia mới chỉ quệt được mấy đường, nhìn qua cũng chỉ mang máng nhận ra một người là cậu út Thiều đang lon ton làm chân chạy vặt cho Sáo.

Ba cái hình còn lại thì không biết là cái gì luôn.

Anh Giàn tặc lưỡi, giở giọng chê bai Sĩ. Sĩ vẫn chẳng xi nhê gì, thong thả hoàn thành nốt hình vẽ, khiến anh Giàn lại buồn bực một chặp.

Sau cùng, anh Giàn buồn chán thở dài, nói:

- Chú đâu cần phải cất công vẽ thế, tìm một anh nhà báo 'tách' một cái, thế là xong.

Sĩ tán thành, song vẫn nói:

- Ảnh thì vẫn phải rửa xong in ra, còn tranh của tôi thì được thấy thành quả luôn.

Anh Giàn nhún vai, kệ vậy. Chẳng qua trong lòng anh vẫn rất không vui, tại sao Sĩ lại lắm tài đến thế, không phải người ta hay nói "lắm tài nhiều tật" sao, vậy mà càng nhìn Sĩ lại càng thấy chàng ta hoàn hảo là thế nào.

Miễn ngồi ở bên kia, vừa nghe đến việc chụp ảnh cái là hớn hở ngay. Chàng ta đứng phắt dậy, hào hứng giơ chiếc máy ảnh yêu dấu của mình lên cao, bảo nhóm người xung quanh:

- Này các anh, tôi chụp cho các anh một bức nhé?

Anh Giàn sáng mắt, gật đầu lia lịa:

- Được đấy, được đấy!

Nói đoạn, anh quay người hô hào:

- Mấy đứa ơi, chân đâu nhanh lên, qua đây chụp ảnh cả bọn cái nào!

Mấy cái đầu vội vã ngóc dậy, nhanh chóng xúm lại vây quanh chỗ anh Giàn. Sáo và Thiều cũng bỏ những thứ trên tay xuống, nhích người dịch lại gần. Lơn rung chân gọi Năng dậy, túm cổ áo Năng ngồi sát vào Sĩ.

- Bé "út tăng" xen vào làm gì?

- Kệ thằng bé đi, lát đồng đội nó tìm đến thì mách.

- Các anh quá đáng thế. - Thiều hậm hực bĩu môi, dù sao cũng quen nhau mấy hôm rồi chứ ít gì đâu, cho cậu chụp ké thì làm gì có vấn đề gì, còn bày đặt châm chước xong mách lẻo đồng đội của cậu nữa cơ. Trẻ con thế không biết.

Các anh xung quanh hí hửng cười cười, lại có thêm vài anh nghe tiếng gió tới chen vào.

- Ê, xê ra cái, chỗ này tôi xí trước rồi.

- Ái ôi, thằng nào vừa dẫm vào chân tôi đấy?

- Nhích ra nữa, nhích ra cho tớ chen vào với.

Các anh lính cố gắng đứng dí sát vào nhau, cật lực làm cho tất cả mọi người cùng xuất hiện chung trong một khung hình. Tuy vậy, các anh vẫn xô đẩy, hòng tìm cho mình vị trí đẹp nhất, thi đua làm người đẹp trai nhất.

Miễn đợi bọn họ ổn định rồi mới bắt đầu đếm ngược. Ngay khoảnh khắc tiếng "tách" được vang lên, bức hình trong máy ảnh hiện ra một nhóm người, vài người có tư thế tạo dáng rất kỳ quặc, vài người thì ngồi bệt dưới đất, còn có vài người chân ngắn phải kiễng lên, cố hết sức khiến bản thân cao thêm ít nhất vài centimet cho bằng bạn bằng bè. Nhưng tất cả bọn họ đều có một điểm chung duy nhất, đó là gương mặt cười tươi roi rói, tràn ngập niềm vui cùng sự tự tin của những chàng trai trẻ tuổi.

Miền hài lòng nhìn chiếc máy ảnh của mình, thầm nhủ nhất định phải giữ nó thật kỹ mới được.

Các anh lính lần lượt tản ra, bá vai nhau nói lời tìm chủ đề tán gẫu. Bỗng, Thiều vỗ vai Sáo, bày đặt vẻ thần bí, hỏi dò:

- Anh ơi, anh ngửi thấy mùi thum thủm đâu đây không?

Sáo nghe vậy, cẩn thận ngửi thử, sau đó lập tức dùng tay bịt mũi mình lại. Anh bức xúc:

- Đứa nào làm ra tác phẩm tiếng 'thơm' vang xa thế nhỉ?

Dường như không chỉ có mỗi Sáo và Thiều ngửi được, mà còn có không ít người ở gần đó cũng ngửi thấy. Ai nấy đều méo xị mặt che mũi, âm thầm đưa mắt tìm kiếm "tác giả". Mỗi người nhìn ai cũng thấy khả nghi, chẳng hiểu sao khi nhìn đến Lơn liền chắc chắn "tác giả" chính là anh ta.

Có lẽ nguyên do lớn nhất là vì Lơn thiếu nặng là người duy nhất không bịt mũi giữa đám người.

Lơn để ý đến ánh mắt của mọi người, ngơ ngác hỏi:

- Có chuyện gì thế?

Anh Giàn dùng hai ngón tay bóp mũi mình, hành động này của anh khiến giọng nói của anh ồm ồm hơn bình thường. Anh hất mặt, làm ra vẻ câng câng bố đời của một thằng ranh đầu đường xó chợ:

- Thằng kia, sáng nay mày cho cái gì vào bụng đấy?

Lơn chớp chớp mắt, dường như anh không hiểu vì sao anh Giàn lại hỏi như vậy. Lơn cố gắng nhớ lại xem từ sáng tới giờ mình đã ăn những gì, nhưng dù có làm cách nào đi chăng nữa thì anh cũng chẳng thể nhớ nổi. Vậy nên anh thành thật trả lời:

- Không giấu gì anh, em không nhớ.

Nhìn cái mặt ngây thơ lắm tội của Lơn, không ít người vừa bịt mũi vừa lắc đầu ngán ngẩm, định bụng thôi thì tạm thời bỏ qua. Nào ngờ ý nghĩ này vừa hiện lên trong đầu chưa đầy ba giây, một thứ âm thanh không khác mấy một quả napalm chạm vào mặt đất vang lên. Dĩ nhiên đó không phải là napalm thật rồi, bởi vì tiếng nhỏ hơn rất nhiều. Âm thanh đó do anh Lơn tạo ra, từ vị trí nào thì chắc ai cũng biết hết cả.

Sáo yên lặng xê người dịch ra xa, tiện tay kéo theo Thiều còn đang đứng đực người bên cạnh, tự nhủ bản thân chỉ đi tìm không khí thôi. Anh Giàn không có lời để nói, mặt mày tối sầm lại, nhìn anh như thể đang có tính toán độc ác nào đó. Những anh khác cũng trầm mặc, lục tục kéo nhau rời khỏi đó. Thậm chí có một anh rỉ tai nói nhỏ với người bạn bên cạnh:

- Tớ thấy kèo này khéo phải bảo mấy anh nuôi trông chừng, không thì Lơn "thiếu nặng" lại đi ăn vụng rồi ăn linh tinh.

Người bạn trầm ngâm một lúc, đáp:

- Ừ, cứ canh luôn thằng cha này cho chắc ăn, dù có khi tầm này Lơn không đi ăn vụng trong bếp đâu.

Chỉ có chàng Sĩ không có phản ứng quá gay gắt, chàng xé một trang giấy trắng từ cuốn sổ nhỏ, lại xé trang giấy ấy làm đôi, nhét vào trong mũi của mình. Sau đó chàng lại mở trang đang vẽ dở, quẹt quẹt vẽ tiếp.

Còn Năng ngồi gần anh Lơn nhất cũng bị cái mùi này hun cho tỉnh cả ngủ, nước mũi lại bắt đầu chảy thòng lòng. Năng bực bội cau có, cởi chiếc dép cao su dưới chân ra, dọa anh Lơn sợ đến mức lập tức chạy té khói. Năng không chậm một giây nào, nhanh tay cởi nốt chiếc còn lại, hai tay hai dép hùng hổ đuổi theo anh Lơn sát nút.

- Anh đứng lại đấy, anh mà chạy tiếp thì coi chừng tôi.

Năng hét lên, hùng hục đuổi theo Lơn khắp cả doanh trại. Thân hình Lơn đô vậy mà chạy nhanh khiếp, làm Năng đuổi được hai vòng (đã làm tròn) thì bắt đầu thở không ra hơi. Thấy vậy, Lơn thả chậm tốc độ, cực kỳ tủi thân nói:

- Kết cục của việc anh chạy hay không chạy thì có khác gì nhau mấy đâu...

Năng bực cái mình lắm mà không còn sức để lia dép. Anh cúi người, chống đầu gối thở hồng hộc. Đợi khi nhịp thở trở lại bình thường, Năng mới miễn cưỡng đứng thẳng người, dùng vạt áo quệt mồ hôi trên mặt. Anh than:

- Khiếp, bẩn quá, đi tắm đây. - Nói đoạn, anh lại chỉ vào anh Lơn - Anh cũng đi tắm đi, cái mùi tởm chết được, mũi tôi điếc luôn rồi này.

Đợi Năng xỏ dép rồi quay người đi trước, anh Lơn bĩu môi, bắt chước bộ dáng cọc cằn vừa rồi của Năng, chọc mấy người khác nhịn cười đến đau cả ruột. Hình như Năng tự cảm thấy có điềm nên đột ngột xoay người, lườm anh Lơn một cái. Lơn rụt vai lại, chầm chậm đi theo Năng, vừa đi vừa huýt sáo.

Anh huýt sáo giai điệu của một bài nhạc do Sĩ sáng tác. Ấy là một giai điệu hào hùng, tráng lệ mà cũng có phần bi ai. Giai điệu này vừa vang lên, có người nhịn không được mà ngân nga theo, rồi hai người, rồi ba, rồi tất cả bọn họ cùng nhau hát.

"Ta cất tiếng ca

Giữa trận địa

Lửa lại bùng cháy

Ta ngân vang trong khóm lửa tro tàn

Hóa mình thành người chiến sĩ..." (1)

Năng cùng anh Lơn đi bộ tìm dòng nước nào đó gần vị trí đóng quân. Đi mãi, không biết đi bao lâu rồi mới thấy một dòng suối. Nhìn dòng nước trong vắt trước mặt, anh Lơn, người đang khát nước vì vừa bị rượt đuổi, vội vã muốn dùng tay vốc nước lên hớp vài hụm. Năng để ý không gian xung quanh một chút rồi ngăn anh lại, không cho anh uống nước:

- Không được đâu, mình không dùng nước này được đâu.

- Tại sao?

Anh Lơn không hiểu, rõ ràng nước trong như thế, khi bọn họ hành quân cũng thường dùng nước suối tắm rửa ăn uống mà có bị ngăn lại bao giờ đâu.

- Bởi vì chỗ này quá trống.

Giọng của anh Giàn vang lên từ phía sau. Hóa ra bọn anh Giàn thấy cái mùi nào đó bám trên người ghê quá nên cũng muốn đi tắm, bèn lon ton đi theo hai người Năng và anh Lơn.

Khi càng đến gần suối, anh Giàn thấy cây cỏ xung quanh ngày càng thưa thớt, hầu như cây nào cây nấy đều héo rũ chết sạch. Cây cối chết hết, không còn những tán lá rộng lớn phủ lấy bọn họ che đi bầu trời. Không trung thoáng đãng lộ ra trước mắt bọn họ, đẹp thì đẹp đấy, mà không có tiếng ù ù thì càng đẹp hơn.

- Không giống như bị bom phá.

Sáo lên tiếng nhận xét. Anh từng thấy khu vực bị bom phá như thế nào. Đó là mặt đất loang lổ những chiếc hố, cây cối gãy đổ ngổn ngang như vừa bị một cơn bão lớn tàn phá, thậm chí có cả những thân cây bị cháy xém. Nhưng dù vậy, bằng cách thần kỳ nào đó, bên cạnh từng cái cây gãy đổ có chồi non xanh mướt mọc lên, cố gắng trưởng thành từng chút một. Ở đây thì khác, nó giống như một mảnh rừng chết không tồn tại sự sống nào khác ngoài mấy người bọn họ.

Anh Giàn lắc đầu, khẳng định:

- Không phải bom phá, là chất diệt cỏ. - Anh ngừng lại một lúc, rồi dặn mọi người - Nhanh chóng về đi, chịu khó ở bẩn chứ không khéo bị chúng nó thấy thì hỏng.

Nghe đến cụm "chất diệt cỏ" (2), những người lính trẻ đều trở nên căng thẳng. Họ từng nghe nói đến loại hóa chất này, càng được phổ cập rất rõ về tác hại của nó đối với con người.

- Thôi mình đàn ông đàn ang, bẩn tí thì có hề gì, nên về thôi các anh ơi.

Thiều muốn xoa dịu lại bầu không khí sượng ngắt này, bèn thốt lên một câu nói vui vui. Những người khác gật gật đầu hùa theo, kéo nhau trở lại khu vực đóng quân.

Chỉ có mình Sáo vẫn đứng yên, nhìn lại mảnh rừng chết chóc kia. Thời gian đã trôi qua lâu vậy rồi, quân giặc cũng không còn sử dụng chất diệt cỏ nữa, nhưng những sự sống của rừng lại không thể quay về như xưa. Anh ngước nhìn dòng suối trong veo phản chiếu lại nền trời xanh thẳm, nhìn nắng tháng ba rải xuống mặt đất khô cằn, trong đầu miên man đôi điều.

Một nơi đẹp như thế, lại nguy hiểm đến vậy.

- Đi thôi Sáo ơi!

Anh Giàn lớn tiếng gọi. Sáo giật mình, vội cất bước đuổi theo đồng đội. Sau lưng anh, những đám mây dày lũ lượt kéo đến, phủ kín nền trời, dường như sắp đổ một cơn mưa.

***

Chú thích:

(1) Cái đoạn này là tôi dùng hết óc nghệ thuật của mình để viết, là bản original của tôi, không sao chép hay tham khảo ở đâu hết.

(2) Chất diệt cỏ: cách gọi thân quen hơn là "chất độc màu da cam", được quân Mĩ sử dụng quy mô lớn trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971. Theo như những gì tôi tìm hiểu thì ban đầu chất độc này bị rải ở các tuyến đường giao thông và quanh các căn cứ quân sự của Mĩ và Nam Việt Nam, sau này thì mở rộng ra các vùng nghi ngờ có Quân Giải phóng và các khu vực đồng ruộng ở vùng tranh chấp.

Nhà hát "hài" kịch Nhân Vật:

Năng "cột điện": Sao thằng Thiều vẫn còn ở đây, có thấy vô lý không?

Thiều "út tăng": Tại bà tác giả thích thế :)

Đồng đội của Thiều: Không sao, chúng tớ sắp lên sân rồi ;)

Thiều "út tăng": Oh nooo

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro