Chương 4: Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trời khuya vắng lặng. Tấm vải nhung đen trên thiên không được điểm xuyết vài đốm sao nhỏ, lóng la lóng lánh tỏa sáng. Trong bụi cỏ gần nhà phát ra tiếng côn trùng kêu, giữa không gian yên ắng này lại thanh bình đến lạ.

Đèn dầu được đặt bên cửa sổ, yếu ớt chiếu sáng một góc phòng. Gần chiếc đèn dầu là một chồng sách vở bừa bộn, sắp xếp lung tung, chật kín hết chiếc bàn. Mà chủ nhân của chúng, cậu nhóc Sáo nhỏ tuổi, đang nằm bò lên bàn, ngủ chảy nước dãi.

Bỗng, một bàn chân đạp tung cánh cửa, đánh thức cậu nhóc Sáo còn đang say giấc nồng. Nhóc Sáo ngơ ngác nhìn lên, thoáng nhận ra người tới là ai. Nhóc ta sợ nhảy dựng, cuống quýt ngồi thẳng, cầm bút lên định viết bài, lại phát hiện ra giấy vở đã ướt nhẹp. Cậu nhóc lúng túng dùng áo lau lau, càng lau càng làm giấy vở rách ra. Người ngoài cửa nhìn không nổi nữa, chống nạnh mắng:

- Tao đến lạy mày luôn đấy Sáo ạ! Mày ngủ từ khuya tới sáng, từ trưa đến cuối chiều, từ tối đến bây giờ mà còn chưa đủ hả!

Nhóc Sáo túm chặt góc áo mình, bĩu môi làu bàu:

- Tại học bài buồn ngủ mà...

Người kia vẫn mắng:

- Mày vừa cãi tao đấy à?

Nhóc Sáo co rúm người, cúi gằm mặt nhìn chăm chăm vào trang giấy ướt. Tay nhóc căng thẳng vò vò áo, mãi sau mới chịu giải thích đàng hoàng:

- Em đâu có cãi anh đâu. Bài khó quá, em nghĩ không ra, càng nghĩ càng mệt, thế là ngủ luôn.

Người kia hòa hoãn lại, cố gắng dịu giọng:

- Bài nào?

Nhóc Sáo chỉ cái đề bài cuối cùng. Người kia đi tới, đọc qua đề bài vài lượt, chăm chú giảng bài cho nhóc Sáo. Nhóc ta còn hơi mơ màng, nghe chỗ thủng chỗ không, đành phải nhờ anh trai giảng lại thêm một lượt.

Anh trai nhóc giảng rất kiên nhẫn, giảng đến khi Sáo đã hiểu hết rồi mới thôi. Anh nhóc còn hỏi:

- Có chỗ nào không hiểu nữa không?

Nhóc Sáo lắc lắc đầu, nghiêm chỉnh cầm bút lên giải. Anh của nhóc lo rằng nhóc sẽ lại nằm bò ra ngủ, liền đứng bên cạnh canh nhóc làm xong bài tập mới thôi. Nhóc Sáo viết ra đáp án ở cuối bài giải, quay sang nhìn anh trai, mong được anh khen ngợi.

Anh của Sáo xoa xoa cái đầu tóc rối của nhóc, nói:

- Giờ đi ôm cái giường yêu dấu của mày được rồi đấy.

Nhóc Sáo cười hì hì, gấp gọn lại sách vở. Xong xuôi, cậu nhóc chuẩn bị tắt đèn lên giường, chợt nghĩ đến cái gì mà dừng lại. Cậu nhóc nhìn gương mặt giống hệt mình nhưng trưởng thành hơn trước mặt, nghiêm túc hỏi:

- Bao giờ em lớn được như anh Én đây?

Anh Én của nhóc là một người rất giỏi, học tập giỏi, thể lực tốt, nhận được không ít giải thưởng, chỉ phải mỗi cái tội là quá mức nghiêm khắc, nhất là đối với thằng em kém sáu tuổi thì càng nghiêm khắc đến đáng sợ. Sáo sợ anh, cũng rất ngưỡng mộ anh. Không ít lần, Sáo coi anh Én là hình mẫu mà bản thân theo đuổi. Dần dà, cậu nhóc không chỉ mong muốn trở thành một người học trò ưu tú, mà còn muốn được trải nghiệm cảm giác nghiêm mặt bắt nạt người khác, thành ra mới có tí tuổi đầu đã nhận được danh hiệu "ông tướng con".

Én suy ngẫm một lát, trả lời:

- Chừng nào cái Sẻ lớn bằng mày thì mày sẽ lớn được như anh.

Bố mẹ Sáo khéo đẻ, anh Én lớn hơn Sáo sáu tuổi, cái Sẻ nhỏ hơn Sáo sáu tuổi, nên đúng là khi Sẻ bằng tuổi Sáo, Sáo sẽ lớn bằng anh Én bây giờ.

Nhưng đó là khi tính về độ tuổi mà!

Én cười cười ngắm gương mặt nhỏ nhắn nhăn nhó của cậu nhóc Sáo, vươn tay lên, đẩy nhẹ vai nhóc về phía trước, dịu dàng nói:

- Đi ngủ thôi.

***

Rất lâu về trước, bố đã đi lính rồi. Sáo chưa thấy mặt bố được mấy lần, ngay cả cái Sẻ còn chưa biết mặt bố như thế nào. Từ ngày bé, mẹ thường xuyên phải đi làm lụng nuôi ba anh em. Anh Én ở nhà trông em nhỏ, vừa tập làm anh lớn, lại còn phải tập làm cha làm mẹ. Bởi vì cậy vào việc ở phía trước mình có một người anh trai che chở nên từ nhỏ nên Sáo sống rất thoải mái, đến nỗi mỗi ngày với cậu nhóc đều là những ngày tháng đẹp thật là đẹp.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, khi người ta lớn sẽ phải rời mái ấm gia đình. Năm Sáo mười bốn tuổi, anh Én nhập ngũ. Khi đó, Én đã hai mươi rồi, lòng ôm theo bao hoài bão cùng hăng hái mà theo đoàn quân đi đánh giặc. Ban đầu, Én thường hay gửi thư về nhà, cách mấy tháng lại có một lá, như thể anh chỉ ngồi viết thư thôi vậy. Thư anh viết đều là văn mô tả hoàn cảnh sống của anh, cũng kể ra một vài cái tên lạ lẫm, chắc hẳn là người đồng đội mới quen. Có một lần, anh viết ra tên của một người con gái, làm cả nhà mừng rỡ vì tìm được nàng dâu cả rồi.

Càng về sau, thư càng ít dần, lời trong thư cũng càng thưa thớt, dòng chữ càng khó đọc. Sáo biết hoàn cảnh sống giữa chiến tranh rất gian khổ, song lại không nghĩ khổ đến mức viết một bức thư hoàn chỉnh cũng không nổi.

Anh Én đi lính vài năm liền không về, đến khi Sáo nhập ngũ vẫn chưa được gặp lại anh. Lúc ấy, Sáo vẫn chưa biết ngày tiễn anh Én đi là lần cuối cùng được nhìn thấy anh còn sống.

Sáo đi lính năm mười chín tuổi. Dù đáy lòng còn hiện hữu nỗi sợ không tên, Sáo vẫn quyết tâm dứt áo ra đi, đuổi theo bước chân của bố và anh, nuôi dưỡng hi vọng về độc lập và hạnh phúc.

Đời lính vui mà khổ quá. Sáo sống, chiến đấu và tìm mãi, đuổi theo mãi mà chưa tìm thấy bố cùng anh Én đâu.

Cho đến một ngày kia, đơn vị của Sáo chạy đến một trận địa. Nơi ấy đã tạm ngưng pháo đạn, sắc trời đen nghịt, các chiến sĩ quân ta đang cùng khuân trên vai những vật dài dài, nhìn từ xa trông như những viên đạn lớn. Có tay lính trẻ lớn gan hỏi, người chỉ huy nghe xong, thở dài bảo với bọn họ:

- Xác người đấy.

Cả đám rùng mình, tim Sáo cũng thịch một cái. Nỗi sợ không tên lúc trước lần nữa trỗi dậy, lý trí của Sáo phải gắng gượng lắm mới át được nó xuống. Trán anh đổ mồ hôi đầm đìa, những cọng tóc ngắn củn ướt nhẹp hết cả. Anh đi đường không để ý nhiều, bất ngờ vấp chân ngã một cái. Sáo hoảng hốt quay người nhìn, mắt mở to, miệng há hốc vì sợ hãi, không cách nào thốt được nên lời.

Đó là một xác người, anh vấp phải một xác người, một cái xác đã lạnh.

Gương mặt của cái xác đó, anh quen đến không thể nào quen hơn được. Gương mặt ấy nhầy nhụa máu khô cùng khói bụi đen nhẻm, cặp mắt trợn trừng đầy vẻ không cam và đau đớn. Người ấy tương tự Sáo mấy phần, già dặn hơn Sáo, cũng gầy hơn Sáo.

Anh Én! Là anh Én!

Đồng đội thấy anh thất thần ra đó, vội kéo anh dậy, lại kéo anh chạy tiếp một đoạn. Sáo mặc cho bạn mình kéo, trong đầu không nghĩ nổi một điều gì cả, chỉ lặp lại hình ảnh thân xác của anh Én, rồi lặp lại những ký ức khi hai anh em còn ở nhà, cứ lặp lại mãi thôi.

Bỗng, phía trên đầu lóe sáng, người chỉ huy lập tức ra lệnh:

- Nằm xuống! Tất cả mau nằm xuống!

Những người lính trẻ vội vàng nằm úp sấp, bị động nghênh đón một trận bắn pháo của địch. Những quả pháo rơi xuống chỗ nào, chỗ đó nổ vang, đất đá văng tung tóe, nếu ở gần thì có khi còn cảm giác được mặt đất có sự rung chuyển không nhẹ.

Những người lính khuân xác đồng đội cũng chạy nhanh trong đợt bắn pháo này. Có người may mắn tránh thoát, có người thì không được may như vậy, bị pháo bắn trúng, cái xác trên vai cũng nổ tung. (1)

Đó là hiện thực.

Trong một khoảnh khắc ngắn, trái tim của Sáo đau đớn dữ dội, trợn mắt nhìn khu vực mình vừa đi qua bị bom đạn oanh tạc. Đất đá bay ra, văng khắp chốn, khói bụi mịt mùng, không khí thoảng mùi súng đạn và xác chết khó ngửi. Dưới bầu trời này, không ai thấy rõ được điều gì, nhưng với Sáo, dường như anh thấy thân xác của anh Én cũng như đám đất kia rồi. Sáo nắm chặt nắm đất dưới thân, để hòn đá nhọn hoắt cứa vào tay, máu nhỏ ra, thấm xuống đất. Anh nghiến răng nhẫn nhịn, đến khi chịu không được nỗi đau trong lòng này thì gào khóc, tiếng gào mỗi lúc một lớn hơn, càng lúc càng đau đến xé lòng:

- Anh Én! Anh Én ơi! Anh ơi!

Anh theo bản năng muốn lao về phía bom đạn tìm anh trai. Đồng đội bên cạnh bị dọa, gấp gáp giữ chặt lấy anh, vỗ vai an ủi, quyết không để anh trong cơn hoảng loạn mà chạy ra giữa trận địa. Các đồng đội khác cũng xúm lại, lo lắng hỏi han anh bị làm sao. Sáo không đáp lại lời họ, dùng hai tay ôm chặt lấy thân mình, vừa khóc vừa nói:

- Anh tôi, anh ấy mất rồi, anh tôi tan xác rồi!

***

Sáo ngồi bật dậy, thở hổn hển, tâm trí chưa hoàn toàn thoát khỏi nỗi đau trong giấc mơ vừa rồi. Anh đột ngột ngồi dậy như vậy, dọa cậu út Thiều, người vừa ghé qua chơi, giật nảy mình. Thiều ngã phịch xuống đất, nói:

- Anh Sáo, sao anh bật dậy thế, cứ như con ma đội mồ sống dậy ấy, dọa em sợ hết hồn.

Sáo trầm mặc, chầm rì rì quay qua nhìn Thiều. Thiều phát hiện tâm lý anh không ổn định, nhanh chóng phủi mông đứng dậy, đến bên cạnh Sáo, quan tâm hỏi anh:

- Anh sao thế? Cảm thấy không khỏe sao?

Năng ở phía đối diện đang cầm tờ lịch xem ngày, chợt nói:

- Hóa ra là thế.

Anh Lơn vác súng đi ngang qua, hẳn anh vừa kết thúc ca gác của mình. Anh nhìn tờ lịch trên tay Năng, hùa theo:

- Đã đến hôm nay rồi à.

Thiều hoang mang nhìn hai người bọn họ. Năng liếc qua Sáo, vẫy tay gọi Thiều lại gần. Thiều vẫn còn lo lắng, dù vậy, cậu cũng muốn biết nguyên do anh Sáo trở nên khác lạ.

Thiều là "thành viên ngoài biên chế" của đơn vị, đồng thời cũng là một người trẻ tuổi mới nhập ngũ được bốn năm. Cậu gặp Sáo ở bệnh xá trong một sự kiện hai năm trước đó, sau đó cũng không qua lại nữa bởi mỗi người mỗi đơn vị khác nhau, địa điểm thực hiện nhiệm vụ cũng khác. Nhưng ấn tượng của Thiều về Sáo rất tốt, tốt đến nỗi khi gặp lại lần này, cậu không ngần ngại chạy từ vị trí của mình tới vị trí của Sáo để chơi. Do khác đơn vị là một, tiếp xúc không nhiều là hai nên có nhiều thứ mà Thiều không biết, điển hình như "ngày hôm nay".

- Rốt cuộc là sao?

Năng ra hiệu để Thiều nhỏ giọng xuống, cẩn thận chỉ cho Thiều xem ngày hôm nay trên tờ lịch. Thiều gật gật đầu, ngỏ ý để Năng giải thích tiếp. Năng nói:

- Hôm nay là ngày giỗ anh trai của Sáo.

- Vậy sao?

Dường như Thiều không ngạc nhiên lắm. Đối với cái chết, Thiều quen thuộc không khác gì những người anh đi trước. Cậu là một người lính trẻ, cho dù có lái xe tăng thì cũng từng tận mắt chứng kiến đồng bạn bằng tuổi lần lượt ngã xuống trước mặt. Với cậu, một ngày mất mấy người thân thiết là điều bình thường, để giờ đây, tấm lòng này đã không còn đau đớn bao nhiêu, thay vào đó chỉ có chai sạn và những vết sẹo không cách nào xóa đi.

Và cả một nỗi tức giận bị kìm nén trong lòng.

Lơn ngầm oán trách Thiều lạnh lùng, kể thêm cho Thiều nghe những chuyện xảy ra năm năm trước đó, chuyện về một người lính trẻ chưa tới hai mươi tận mắt nhìn thân xác người anh máu mủ ruột rà không còn nguyên vẹn dưới làn mưa đạn.

Thiều nghe xong, im lặng. Dường như cậu chàng đã nhớ và hiểu ra cái gì. Hai người Lơn và Năng chỉ dặn cậu cứ để Sáo yên tĩnh trong không gian riêng của anh ấy rồi không nói thêm gì, tự trầm mình vào trong suy nghĩ. Người trong đơn vị đã nằm lòng ngày này, thống nhất với nhau rằng sẽ để Sáo được một mình. Đến cả anh Lơn cũng không có ý định đi an ủi Sáo bởi việc này sẽ chỉ làm tâm trạng Sáo càng thêm tệ hơn. Sáo tự có cách dỗ dành bản thân vào ngày này, mọi người tin chắc điều ấy.

Ba người đồng thời thở dài một hơi, bất chợt bên tai vang lên một giọng nói lạ lẫm:

- Nếu tôi mà là Sáo thì tôi cũng lặng người vào ngày này.

Năng cảnh giác quay sang nhìn, gằn giọng hỏi:

- Ai đây?

Miễn giơ chiếc máy ảnh đeo trên cổ lên, để nó thay mình giới thiệu. Ba người kia tự hiểu:

- Ra là nhà báo. Anh đến từ bao giờ đấy?

Đột nhiên, Sĩ xuất hiện từ đâu đó, xen miệng vào:

- Đêm qua.

Thiều nhăn mày, khó hiểu hỏi:

- Sao không để sáng nay hẵng tới? Làm gì có ai nửa đêm nửa hôm vào doanh trại người ta bao giờ.

Nghe lời này, cả Lơn, Năng và chàng Sĩ đều quay ra nhìn Thiều. Dưới ánh nhìn nghi ngờ của họ, Thiều chợt nhận ra điều gì đó. Chẳng phải cậu cũng là thành phần đêm hôm khuya khoắt ghé doanh trại của người ta sao. Nghĩ vậy, cậu ngậm miệng lại, ngoảnh đầu ra chỗ khác huýt sáo, giả đò bản thân không liên quan gì hết. Miễn không để ý, chàng chỉ mải mê vuốt ve cái máy ảnh trên cổ, mặt đỏ lựng như quả cà chua, lí nhí:

- Tôi sợ trong rừng có ma, ở một mình mà gặp ma thì chết ngắc.

- Thế sao ông làm lính được vậy?

Bốn người đồng thời hỏi làm Miễn đã ngượng càng thêm ngượng. Chàng ta cầm chiếc máy, đáy lòng tự an ủi chính mình, nói:

- Nếu tôi nói tôi nhập ngũ được là dựa vào một niềm tin cháy bỏng và lòng yêu nước nồng nàn thì mọi người có tin không?

Thiều thẳng thắn đáp:

- Có thể đấy, nhưng chưa chắc. Người như cậu thì ít lắm, đâu phải ông nào cũng sợ ma đâu, còn sợ đến mức phải đi tá túc ở nơi đóng quân của người ta ngay đêm khuya nữa chứ.

Miễn nói thầm:

- Không tin thì thôi.

Sáo yên lặng nhìn năm người bọn họ chụm đầu lại với nhau, tìm trong túi áo của mình một tấm ảnh nho nhỏ. Đó là một tấm ảnh đen trắng, to cỡ một bàn tay. Trong ảnh là ba người, chính là ba anh em Sáo. Họ đứng trước một ngôi nhà nhỏ, sân không lát gạch, xung quanh trồng vài cái cây nhỏ thưa thớt lá. Thời gian chụp ảnh là vào mùa đông, ba người trong ảnh bọc thành ba cục bánh trôi tròn tròn. Ba đứa trẻ ấy, người lớn nhất là anh Én năm mười lăm tuổi, bên cạnh là Sáo chín tuổi. Hai anh em cùng nhau ôm một bé gái nhỏ, là cái Sẻ ba tuổi.

Sáo trong hình cười tươi roi rói, cái Sẻ khóc ngoác miệng, để lộ ra hàm răng sún xinh xinh, còn anh Én thì nhăn mày, gượng gạo cười, kiểu cười đã xấu khủng khiếp rồi còn kinh dị khó tả. Sáo nhớ, khoảnh khắc người thợ chụp ảnh chuẩn bị bấm máy, cái Sẻ đột nhiên đái dầm, người hứng chịu trực tiếp là anh Én, Sáo chỉ bị dính một chút thôi. Sau khi chụp xong, Sáo nhìn bộ dạng thảm không tả nổi của anh Én mà cười đến đau cả bụng, bị anh dùng bàn tay dính dớp của mình bôi lên mặt lên đầu.

Quá đáng.

Sáo ngắm nghía tấm ảnh thật lâu, lầm bầm

- Anh là anh cả, kinh nghiệm chăm em bé đầy mình, thế mà chưa kịp để lại cho em một đứa cháu đã vội đi rồi. - Anh ngừng lại một chốc, lại nói - Muốn nhìn thấy cháu em trải nghiệm cảm giác bị anh đuổi theo dí sách vào đầu quá đi mất.

Nói rồi, Sáo hít hít mũi, gạt đi giọt nước mắt đọng trên mi, cẩn thận cất tấm ảnh vào túi áo trước ngực, vỗ về mấy cái. Anh đứng lên, thông qua tán cây nhìn lên vòm trời cao rộng, nhìn đàn chim chao liệng cành. Anh tự hỏi, không biết bản thân anh còn có cơ hội về nhà gặp mặt em rể không. Em gái anh đanh đá, không biết là ông tướng nào chịu được con nhóc này nữa. Còn có mẹ và cả cái cửa kẽo kẹt trong phòng...

Cứ hi vọng là có đi, dù sao cũng đã trải qua bao nhiêu chiến dịch rồi.

Sáo xoay người, dạm bước đi qua chỗ những người bạn đang tụm lại, thản nhiên ngồi xuống, nghe bọn họ tán gẫu. Đúng lúc này, cả bọn đang ép buộc Miễn khai thật về bản thân. Tính Miễn nhút nhát, lại thêm cái mặt trẻ con búng ra sữa, tất cả mọi người, kể cả Thiều, đều cho rằng chàng ta nhỏ tuổi nhất bọn. Chỉ có Sĩ là lắc đầu không đồng tình với họ. Cũng đúng thôi, vì Sĩ là người kiểm tra chứng minh thư của Miễn mà.

Sĩ thấy Sáo qua đây, thấp giọng hỏi:

- Không sao chứ?

Sáo mỉm cười, nhặt một cành cây lên nghịch:

- Không sao rồi, ngồi đần ra là ổn thôi.

Những người khác cũng để ý tới, lũ lượt hỏi thăm. Câu trả lời của Sáo vẫn y như lúc ban đầu, nói mãi thành thuận miệng, làm người ta dần tin tưởng hơn. Mọi người quay trở về vấn đề còn dang dở, tiếp tục dồn dập tra hỏi Miễn.

- Thật mà, mọi người phải tin tôi, tôi ba ba tuổi rồi!

Sáo kinh ngạc, lỡ tay bẻ gãy cành cây đang cầm. Anh không quan tâm đến dáng vẻ khẩn thiết cầu xin mọi người tin mình của Miễn ra sao, chỉ quay sang đòi hỏi đáp án chính xác từ phía Sĩ.

Sĩ biết anh muốn hỏi gì, không do dự mà gật đầu.

- Miễn đừng có điêu, Miễn trông trẻ hơn tớ đó!

Cậu út Thiều nhất quyết không tin, khăng khăng cho rằng Miễn bằng tuổi mình. Dường như Miễn đã quá quen thuộc với tình cảnh này, định giải thích cái bản mặt trẻ mãi không già của mình là do di truyền mà có, cuối cùng lại quyết định rút ra tờ chứng minh thư. Thiều nhìn qua, lại nhìn thêm một lần, vẫn tỏ vẻ không tin. Cậu chàng còn nói:

- Nhỡ đâu cái này làm giả được thì sao?

Miễn giơ tay chịu thua, cất tờ chứng minh thư đi, mặc kệ Thiều. Anh Lơn, người ngồi ngậm cỏ nãy giờ, cười hềnh hệch an ủi Miễn. Anh đưa cho Miễn một dúm cỏ nhỏ mới hái, bên trên còn đọng lại vài hạt sương mai, bảo:

- Tính bé "út tăng" là thế đấy, thích tự cho mình là đúng không khác nào cậu ấm. Thôi, kệ thằng nhỏ, ngậm cọng cỏ cho đỡ bực.

Miễn chần chừ nhìn nhúm cỏ nọ, chỉ nhìn qua chứ không động tới. Chàng không có thói ngậm cỏ như những chàng trai thơ mộng, đành khéo léo từ chối không nhận. Anh Lơn bị từ chối cũng không bực, tự mình lấy thêm một cọng ngậm chơi. Anh ngả lưng trên nền đất ẩm, tay gác lên khẩu súng bên cạnh, rung rung chân, trông thích chí cực kỳ. Năng ngồi bên cạnh nhìn anh ngứa mắt quá, đạp lên chân anh một cái rồi gối đầu lên đó, làm một giấc ngủ. Đùi của anh Lơn nhiều thịt, gối lên rất êm, làm Năng khen ngợi bằng cách gối trên đó ngủ say.

Thiều mò tới bên cạnh Sáo, thỉnh thoảng chạy qua chạy lại nhặt giúp Sáo mấy cành gỗ nhỏ, xem Sáo dựng lên một tòa tháp con. Sĩ thì ngáp ngắn ngáp dài, mở quyển sổ nhỏ mang theo bên người ra vẽ vời. Chàng nhìn những khuôn mặt quen thuộc bên cạnh, chăm chú phác họa lên trang giấy trắng từng nét.

- Đang chiến tranh mà mọi người vẫn thanh thản nhỉ.

Miễn nói, chàng thấy các chiến sĩ ở đây thoải mái như thế này là không ổn cho lắm, tính khuyên bọn họ một hồi. Dù cho bây giờ không có nhiệm vụ nào thì cũng không nên thả lỏng như vậy.

- Không đến nỗi như vậy, chúng tôi vẫn cần tập chiến thuật đó chứ, chẳng qua không phải lúc này thôi. Không tập đàng hoàng thì khi đi đánh nhau, có khi còn đánh không lại chúng nó, thế là toi cả lũ.

Người nói là anh Giàn, người anh "ba tá tuổi" thích nhất là khoe vợ. Anh Giàn nhập ngũ nhiều năm, đứng vào hàng thủ trưởng của bọn lính như Sáo. Mỗi khi ông anh này xuất hiện, không phải thông báo nhiệm vụ thì chính là đi khoe khoang câu chuyện tình yêu. Đám lính trẻ, trừ Sĩ thật sự đã có vợ và Sáo ế chổng mông đến mức buông bỏ sự đời ra, nghe xong đều tức điên người.

Dạo gần đây, anh Giàn hay nhắc nhở mọi người phải bình tĩnh, không được lơi lỏng cảnh giác, đồng thời phải giữ bí mật đến giờ G ngày N (2). Anh cứ nhắc mãi, thành ra ai cũng thuộc nằm lòng, sau này không còn thường xuyên nhắc tới nữa. Hôm nay anh đột nhiên xuất hiện, chắc chắn không phải thông báo, nhắc nhở hay "ăn giỗ" anh trai Sáo, mà dĩ nhiên là đi khoe vợ rồi.

***

Chú thích:

(1) Chi tiết này được mượn ý tưởng từ một phân đoạn ngắn trong phim "Mùi cỏ cháy". Thật lòng khuyên mọi người nên xem thử phim một lần.

(2) Theo như tôi tìm hiểu thì trước khi chiến dịch Trị - Thiên 1972 (bối cảnh trong truyện) bắt đầu, quân ta đã giữ bí mật về ngày giờ nổ súng nhằm tấn công quân địch bất ngờ.

Nhà hát "hài" kịch Nhân Vật:

Miễn "nhi đồng": Người ta thật sự ba mươi ba rồi mà :')

Thiều "út tăng": Éo tin.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro