4. Vãng sự tu du tế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hết mơ rồi đến trúc. Con đường dẫn vào phủ Vũ Tiết hầu xa xôi ngập trong cây cối. Một lối đi hẹp không đủ để xe ngựa lách qua khiến người ta buộc lòng phải cuốc bộ. Sang hơn thì ngồi võng, nhưng ngày thường hiếm thấy cảnh ấy. Một phần là vì Kẻ Mơ của ngài Thượng tướng chỉ toàn phường binh đao và con nhà võ biền, không ưa mang giáo vác gươm ngồi võng. Phần còn lại chắc vì chẳng ai muốn lấn lướt gia chủ, người sẵn sàng cầm quân ra chống giặc Chiêm khi toàn triều đình còn đang nơm nớp lo sợ, toan bỏ của chạy lấy người.

Thiếu nữ nhủ thầm, chân vẫn thoăn thoắt bước. Nàng đi qua một khóm trúc, lại một khóm trúc nữa, cuối cùng cũng đứng trước cổng phủ khang trang, thở hồng hộc. Cánh cổng bằng gỗ không khép kín, chừa một khe hẹp đủ để người ta tò mò ghé mắt. Nhưng nàng còn tò mò hơn cả nhìn trộm, và cũng dạn dĩ, minh bạch hơn việc nhìn trộm. Nàng đẩy cửa bước vào.

Kẽo kẹt…

Sân trước vắng lặng. Giàn mướp ngày xưa vẫn còn đó. Ao con vẫn thả những loài cá nhỏ, bèo dâu và mấy khóm hoa súng tím. Hồi ức đã chấp chới vỡ tan từ khi một chân ta bước qua ngưỡng cửa. Phủ Vũ Tiết hầu, ngoài màu thời gian, hồ như chẳng có gì đổi khác. Hỏi ra mới biết phủ đã bị quân họ Hồ lục soát và giặc Ngô tàn phá, cảnh tượng bây giờ do một tay Thân gầy dựng lại. Thân đứng cạnh ta, tay chắp sau lưng, chiêm ngưỡng biệt phủ như hoạ gia ngắm nghía bức tranh của mình. Ông nói với ta trừ nhà khách đã thành gian thờ Thượng tướng, còn lại nội thất các gian sau vẫn y nguyên. Thỉnh thoảng có người quyền quý ghé làng, nếu từng qua lại với họ Trần hay Thượng tướng năm xưa đều xin vào thắp nén hương. Ta hỏi:

– Ông có để ai nghỉ lại đây không?

Thân lắc đầu:

– Thượng tướng sẽ quở. Bởi thế dân làng muốn dỡ phủ để xây đền thờ, nhưng tôi thấy người đã thành Thành hoàng rồi, ngụ trong đình, phủ đệ để dành tưởng niệm thì hơn.

– Thế sao trưởng làng an bài ta nghỉ lại đây ông lại không từ chối?

Từ lúc trưởng làng đổi ý ta đã lấy làm lạ, nay càng thắc mắc hơn. Tuy ta có hướm vô thần nhưng cũng biết những điều kiêng kỵ. Năm đó khi bị xử trảm, Thượng tướng được táng ở Đốn Sơn mãi trong Thanh Hóa, song lại gần quê nhà Hà Lãng. Vốn nghĩ nếu chưa siêu thoát người sẽ về đấy, không ngờ vẫn ngụ ở trên kinh. Kinh thành có dây mơ rễ má với người, có ký ức, hoài bão và điều người khăng khăng bảo vệ, người về đây là điều dễ hiểu, phải được tôn trọng.

– Thôi vậy. Trời còn sớm, lát nữa Vân sai người sang xin cụ trưởng làng cho chúng mình nghỉ nhờ nhà cụ nhé. – Ta xua tay, dặn thị Vân. – Dù người không quở ta thì ở lại cũng không phải phép.

Nghe vậy, Thân cuống quýt:

– Bẩm bà, không đâu. Thầy tôi lúc thác có truyền lời, trước kia Thượng tướng dặn rằng nếu phủ ngài còn thì để lại cho người làm trong phủ và họ Trần tha hương. Nếu ngài tha hương, ngài cũng sẽ về đây.

Dừng một lát, ông tiếp:

– Vả lại cách đây mấy năm, có người vùng khác đến gửi đồ cho tôi, bảo là trả lại Thượng tướng. Tôi không rành rẽ vật trong phủ năm xưa lắm, nhân lúc lệnh bà ghé đến mạo muội nhờ bà xem xét hộ, vì nhận vơ quả thực không hay.

– Vậy còn việc chỗ ở… – Vân ngập ngừng ghé đầu hỏi ta.

Suy ngẫm lại lời Thân vừa kể một chốc, ta lấp lửng bảo thị, hay là cứ thôi.

Giúp đoàn người an bài xong chỗ nghỉ, Thân đưa ta vòng từ nội tẩm ra nhà khách thắp nhang, rồi về lại trung đường. Dưới ánh chiều nhàn nhạt vương, những quầng bụi sáng mờ tản mạn bay, bao phủ lấy gian nhà trầm mặc. Mùi cỏ cây, bùn đất sau mưa vẫn hệt như một ngày mùa hè của năm mươi mấy năm trước, ta bất chợt ghé thăm.

Thiếu nữ mười bảy rón rén nép ngoài ngưỡng cửa, thấy không có ai mới nhón chân vào nhà. Bên trong là những mười mấy giá gỗ cao, chất đầy trục quyển và sách vở. Sách có nơi được xếp ngay ngắn, có chỗ chất lung tung thành từng chồng cao thấp khác nhau, vượt quá đầu người. Thế nhưng từ sàn nhà đến giá gỗ không nơi nào bám bụi, mùi ẩm mốc vốn dĩ cũng thay bằng hương cúc nhạt thanh nhã, nghe khoan khoái lạ. Nàng lựa một quyển tạp lục khuyết danh viết từ những năm Hưng Long thịnh trị, ngồi tựa vào giá sách, say mê đọc đến chiều tà. Nhà trung đường vẫn chưa ai thắp đèn, chỉ le lói vài tia hoàng hôn rọi lên trang giấy bản ngả vàng, sờn mép. Yên tĩnh và tịch mịch, với một Đại Việt phồn thịnh trên giấy, một thoáng đã khiến thiếu nữ tưởng rằng triều chính bên ngoài không còn loạn lạc nữa.

Suy cho cùng chỉ là ảo tưởng. Tiếng cửa kẽo kẹt và giọng người thì thầm khiến nàng bừng tỉnh. Chưa kịp ngẫm đoán, bóng ba người thanh niên đã đổ dài theo ánh chiều tà, tràn đến cuối chân tường. Họ không hay biết sự có mặt của nàng, vẫn nhỏ giọng nghị sự. Một người trong đó khơi mào: “Họ Lê gần đây có động tĩnh gì chưa? Từ sau vụ phát hiện Thái Dương công chúa lấy trộm bã thuốc từ chỗ Thượng hoàng ấy?”

Sau khi phụ hoàng nàng là Duệ Tông Hoàng đế mất, Thượng hoàng mất ngủ suy nhược, bệnh tật liên miên. Giản Hoàng Xương Phù – anh hai nàng và Nguyên Hoàng hiện tại trẻ người non dạ, khiến Đại Việt nhiều lần khốn đốn với Chế Bồng Nga của Chiêm Thành. Thượng hoàng tin dùng ngoại thích Lê Quý Ly, họ Lê dần tiếm quyền từ hậu cung ra điện tiền, ngay cả việc thuốc thang của Thượng hoàng cũng do thái y dưới quyền họ Lê cầm trịch. Nàng tuy suốt ngày quanh quẩn ở điện Bạch Ngọc cùng mẹ nhưng vẫn nghe phong thanh, dạo gần đây ở Quốc Tử giám còn kết bạn với em trai của Thượng tướng là Trần Nguyên Hạng, được mời đến phủ Vũ Tiết hầu vài lần, thành ra biết được chút ít. Lần trước đi lạc trong vườn mơ, nàng vô tình nghe được nhóm ba người này bàn việc điều tra thuốc uống của Thượng hoàng. Hai người trong số đó, một là Thượng tướng quân từng sát phạt ngoài xa trường, một giữ chức Phủ quân ty nổi tiếng nóng tính. Nếu để họ biết có người nghe lén, lại nghe đến hai lần, dù vô tình hay cố ý nàng cũng khó bề yên thân.

Thiếu nữ dán mắt vào quyển tạp lục, nhưng chữ trước mắt cứ nhòe ra. Nàng không tập trung được, bên tai là giọng của vị Phủ quân ty trầm trầm: “Thái Dương công chúa bảo con hầu sắc thuốc đã bị đổi rồi. Hôm trước người đến, vừa lúc đứa mới đang mang thuốc lên, thấy tay và mặt ả ta hây hây đỏ. Công chúa mang bát thuốc nóng dâng cho Thượng hoàng xong, mặt cũng ngưa ngứa, ửng đỏ. Do nghi ngờ nên người không cho Thượng hoàng dùng thuốc, lén lút đem đổ đi.

Có tiếng giấy và vải vóc sột soạt vang lên. Qua khe sách, nàng liếc thấy Phủ quân ty mở ra một gói giấy, bảo:

– Bã thuốc lần này chỉ trộm được một ít, ta thấy không khác lần trước là mấy. Công chúa nhờ ta chuyển lời cho anh và cụ nhà ở Hà Lãng, để cụ xem xét triệu chứng, biết đâu chừng lại có manh mối.

– Còn nhớ lần trước cụ nói bài thuốc Thượng hoàng đang dùng có thể có chu sa, nhưng bã thuốc không có là vì chu sa phải cà thêm vào lúc thuốc nguội… – Một giọng thanh niên trẻ, người mà nàng không biết tên, lẩm bẩm. – Có thể liên quan đến vị thuốc này.

Thiếu nữ nín thở, chuyển thành ôm quyển tạp lục trong tay. Nàng nép người sát vào giá, không biết đang muốn náu mình cho kỹ hay định nghe ngóng gì thêm. Hai người thảo luận thêm mấy câu, Phủ quân ty chợt lấy làm lạ hỏi Thượng tướng vì sao không góp lời. Thượng tướng cười rộ lên. Ngài thình lình ghé mắt đến giá sách khuất trong bóng tối của nàng, cất giọng lanh lảnh như trêu:

– Con chuột con ngồi trong đấy có bị muỗi cắn không?

Tim nàng giật thót, đánh rơi cả quyển tạp lục trên tay. Quyển sách dày cộm phát ra tiếng động không nhỏ, buộc lòng nàng phải lộ diện. Vừa nhủ thầm phen này chết chắc nàng vừa đứng lên, nhích vài bước nhỏ đủ để dáng người thấp bé ló khỏi kệ sách sừng sững, chột dạ dán mắt trên nền nhà, lí nhí kêu Thượng tướng quân.

– Công chúa Huy Chân, khách của Hạng. Vị này là Phủ quân ty Nguyên Uyên, vị kia là nhị lang nhà Hành khiển tả ty Hà Đức Lân – Cô Trung. – Thượng tướng giải thích vắn tắt, miệng cười nhưng ánh mắt bình tĩnh dị thường. – Công chúa còn gì thắc mắc nữa không?

Thấy nàng tay chân luống cuống, hoảng loạn không thốt được lời nào, người tên Cô Trung trợn mắt nhướng mày:

– Người họ Trần à? Có muốn kết đồng đảng không đây?

Thượng tướng vẫn còn cong môi, đáp thay:

– Hình như không kết không được rồi.

– Vật được người kia đưa đến cất ở chái nhà. – Vừa chuyên chè cho ta Thân vừa nói. – Mời bà xơi chè trước. Tôi sang bên kia lấy, một chốc sẽ quay lại.

Hơi nóng tỏa lên, lượn lờ trong không khí, vờn quanh chiếc chén gốm hoa nâu. Trong cung đã chuộng dùng gốm men trắng hoa lam, hoặc vẽ nhiều màu và dát vàng từ lâu; bóng dáng bát đĩa men ngọc, hoa nâu thưa dần, sợ là ngoài dân gian cũng hiếm. Không ai bảo ai, vết tích tiền triều dần bị xóa sạch. Thịnh cực tất suy, sụp đổ là lẽ đương nhiên, bị lãng quên càng là tất yếu. Thế nhưng ngay cả danh phận của ta cũng vương bóng tiền triều, thỉnh thoảng nhớ mong là chuyện khó tránh. Còn Thân, vì sao Thân lại khắc cốt ghi tâm nhường ấy, thoạt nhìn còn nặng tình hơn cả ta.

Ta xoay chiếc chén trên tay, đôi mắt kèm nhèm không còn nhìn rõ hoa văn trên đó là gì. Lúc Thân quay trở lại với chiếc hộp gỗ to, ta hỏi:

– Ông mua bộ chén này ở đâu thế? Gốm hoa nâu đâu còn phổ biến nữa.

– Bẩm, tôi mua của thương lái thôi. Nghe nói đợt đấy là lô chén hoa nâu cuối cùng, không mua thì sau này mò kim đáy bể.

– Trên này khắc hoa văn gì? – Ta vẫn đang sờ kỹ thân ấm và chén. – Mắt ta mờ quá, không nhìn rõ họa tiết.

– Hoa cúc dây, thường thôi ạ. Mà cũng chẳng phải do mắt bà nhòe, do cúc dây sau này vẽ khang khác trước kia. Thợ vẽ chắc cũng không tinh, hồi mới mua đã không mấy gì rõ.

Bất giác, ta thấy chạnh lòng, cổ họng nghèn nghẹn. Chờ cho tâm tình bình thường lại ta mới quan sát chiếc hộp gỗ Thân vừa mang đến. Hộp rộng hơn gang tay, dài chừng hai thước rưỡi, bên ngoài không có hoa văn, lớp sơn phủ cũng đã mờ. Thân tra khoá, ổ khóa gỉ sét khiến ông giằng mạnh mấy hồi mới mở ra được, buột miệng lẩm bẩm, mới thêm dầu mấy hôm thôi mà.

Bên trong, hoá ra lại là hai món vũ khí.

Một món là một con dao găm, trên vỏ chạm hình hoa mơ. Món còn lại là mũi thương bát xà quấn cẩn thận bằng khăn vải, vẻ như thường được lau chùi nên đến giờ vẫn còn mới. Ngày xưa khi Thượng tướng trò chuyện với Hà Đức Lân, lúc bấy giờ còn chưa thăng đến Hành khiển tả ty, có nghe cụ nhắc đến đứa con thứ hai. Con trai đầu lòng của cụ là người chuộng văn nhưng không nối nghiệp quan trường, còn người con trai thứ hai hiếu động, thạo võ nghệ, tu chí làm võ quan. Thượng tướng lấy làm ưa, tặng cho cây thương bát xà để khuyến khích y luyện võ. Sau này y đầu quân dưới trướng Thượng tướng, ở lại phủ Vũ Tiết hầu làm môn khách chứ không dấn thân hẳn vào quan trường.

Y chính là Hà Cô Trung.

Ta giở khăn vải xem lại mũi thương, thấy sự đời lắm trớ trêu, chỉ biết cười trừ. Mới nửa ngày đã nhận được nhiều tin về Cô Trung như thế, trong khi trước buổi sáng, ngày hôm qua và nhiều hôm trước nữa, ta vẫn đinh ninh y đã tử trận cách đây mười mấy hai mươi năm.

Niềm vui cứ thế hoà lẫn vào hổ thẹn, bàng hoàng. Còn nhớ đêm trước ngày ra trận, Cô Trung ngồi ở hiên nhà lau chùi mũi thương, ngắm nghía đến thất thần hồi lâu. Khi đó ta tự hỏi y đang nghĩ gì, có phải đang nhớ Thượng tướng hay không, hay đang lo chuyện sinh tử tương lai. Bây giờ ngẫm lại, có khi y mải nghĩ “cuối cùng cũng được ra chiến trường rồi”. Mấy mươi năm qua ta và Hoan Châu đã giam cầm bước chân y, trong khi y vốn nên tung hoành sa trường, đuổi thù ngoại xâm, lập công báo quốc. Ta lấy chồng, phụ lòng y lại là một lẽ khác. Chuyện giữa ta và y nói cho cùng chỉ có bấy nhiêu thôi, mà tất thảy đã qua hết rồi.

Khép mảnh vải lại, ta nói với Thân:

– Thứ này ngày xưa Thượng tướng tặng cho môn khách họ Hà, con trai nhà Hà đại hành khiển, ông nhớ không?

– À...Vâng! Tôi nhớ rồi! – Thân tròn mắt ngạc nhiên. – Chừng mười năm trước tôi có hỏi thăm, mới biết ngày xưa ông ấy chạy vào Hoan Châu cùng gia quyến của lệnh bà và Bạch Ngọc cung phi. Bà cung phi và lệnh bà theo Lam Sơn, ông ấy cũng thế ạ?

Thấy ta gật đầu, Thân thở dài, nói thêm đôi câu:

– Thế cũng coi như xong nợ nước thù nhà. Không biết hiện giờ ông ấy ở đâu, có phải ở Hải Tây không? Thằng hầu đưa chiếc hộp cho tôi nói giọng vùng ấy. Có thể lắm. Nhưng từng ấy tuổi, biết đâu chừng đã về đoàn tụ với ngài Thượng tướng rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro