5. Bách tuế năng kham kỷ biệt ly

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm đó, ta nghỉ lại ở gian nhà phía trước nội tẩm cũ của Thượng tướng, trước kia cũng dành cho khách nghỉ chân. Có lẽ vì lạ chỗ hoặc do ngồi xe ngựa đường xa, ta trằn trọc đến tận canh ba mới bắt đầu thiêm thiếp. Giấc ngủ không sâu, lại thêm mộng mị quấy rầy, sáng ngày thấy tinh thần uể oải hẳn. Thân đến tìm ta rất muộn, tầm vào giờ thìn, bảo rằng sợ phiền ta nghỉ ngơi. Ta khoát tay, đã già cả như nhau, ông không ngủ sâu thì ta cũng chẳng hơn được.

Chuyện món đồ hôm qua, sau khi ta xác nhận là hai món Thượng tướng từng ban cho môn khách kể như đã xong. Thân không nhiều lời, có lẽ biết ý ta lảng tránh nên chỉ hỏi ta muốn đi đâu thăm thú không. Ta cười:

– Xương cốt giòn rồi, đi nhiều sợ gãy.

Nhưng sau nghĩ lại, ta lại nói:

– Hay là phiền ông dẫn đường ra vườn mơ. Vườn mơ sau phủ cũng được, không cần đi xa.

Thân giống như ông quản gia năm nào đưa ta đi tham quan phủ Vũ Tiết hầu, vào lần đầu ta về làm khách của Nguyên Hạng – em trai Thượng tướng. Ta dẫn theo Vân đi dọc hành lang, vốn định vào vườn ngắm mơ nở sớm nhưng mới đến đầu vườn đã thấm mệt. Vậy là Thân phải đưa ta vòng lại hàng hiên phía sau nội tẩm của Thượng tướng, tìm ghế nghỉ chân.

Nơi này cách vườn mơ ước chừng hai trượng, khoảng cách không xa, vừa đủ để thấy những chấm trắng xanh li ti điểm xuyết trên rừng nhánh cây mùa đông. Cảnh vật không khác trước kia lắm, nếu có chỉ là có cây cao hơn xưa, có cây mới mọc và nhiều cây cằn cỗi, khô héo rồi.

Ta hỏi Thân dạo chiến trận, vườn mơ không ai chăm bón sao vẫn còn tươi tốt thế kia. Giọng Thân có vẻ e dè. Ông kể, hồi ấy giặc Ngô chiếm đóng Đông Quan, có lẽ từng trưng dụng phủ này. Lúc ấy Thân phải lẩn trốn, không biết việc gì xảy ra. Bẵng mấy năm sau hoà bình khi mưa xối gốc mơ, đất trôi đi để lộ xương trắng hếu, ông mới lờ mờ đoán được việc năm xưa. Lời của Thân dường như khiến Vân nhớ lại cảnh kinh người năm ấy. Giọng thị trầm đi thấy rõ:

– Ở đâu chẳng thế…

Tám năm sau ngày bọn ta trốn về Hoan Châu, giặc Ngô bắt đầu tràn vào Đại Việt. Trước đó mẹ con ta nghe phong thanh, biết được trận ác chiến này khó tránh. Vốn đã sẵn tâm thế đối mặt với chiến trường, thế nhưng mỗi lần có việc đi khỏi làng, người trong làng bao gồm cả ta vẫn hãi hùng lắm. Nếu năm mươi ngày đêm trốn chạy khỏi Thăng Long đến Hoan Châu là ác mộng, thì những năm tháng giặc Ngô đô hộ là ác mộng ban ngày. Con người, dù ác tâm nhường nào, khi thấy loài vật bị xéo giày đến la hét, rên xiết còn rợn người, huống hồ là đồng loại. Mấy mươi năm rồi ta vẫn không hiểu được vì sao chúng lại man rợ đến vậy. Càng nghĩ, mùi thối rữa, cháy khét và tiếng kêu la thảm thiết như càng văng vẳng về đây. Ta rùng mình cố tảng lờ đi, song cảm giác ớn lạnh rét run vẫn không tan được.

Ký ức không vui khiến không khí chùng lặng lại. Cảm giác gai gai còn trên da thịt, gió tháng chạp ùa qua, ta khép vạt áo chặt hơn, thầm nghĩ nên quay vào nhà. Thế nhưng hiếm hoi mới có một bữa nắng, còn được ngồi ở phủ Thượng tướng ngắm hoa mơ, sau này e khó mà thấy được. Ta nán ngồi lại, hỏi Thân chuyện vặt vãnh mấy mươi năm qua. Thân đáp tuần tự, giọng điệu nhẹ nhàng, bớt được mấy phần cung kính xa cách so với người hầu trong cung. Ông kể nhiều, từ việc người ta tìm về phủ Vũ Tiết hầu hỏi thăm hậu duệ nhà Thượng tướng, có ý muốn phò Trần, đến việc ông về quê Thượng tướng ở Hà Lãng năm nào, ra sao. Một bận ông ghé Đốn Sơn, nơi xử tử Thượng tướng năm xưa, lại tình cờ gặp được gia quyến những người bị đồng lõa đến đốt vàng mã. Ông hỏi thăm được tin tức nhiều người, đã gần đủ số môn khách trong phủ Vũ Tiết hầu, duy chỉ Cô Trung là nhiều năm bặt vô âm tín. Nhớ đến bức thư của Thần phi, ta quyết định kể:

– Vừa khéo, ta mang tin tức đến cho ông đây. Trước kia ta nghe tin vị ấy tử trận, nhưng hình như còn sống. Hồi triều đình tra lại hộ tịch, có một người cũng tên Hà Cô Trung, sống ở Thanh Hóa. Trùng hợp là có người trả món đồ, đứa hầu đến trả lại nói giọng Hải Tây.

Nói đoạn, ta tặc lưỡi:

– Nhưng đã là chuyện mấy năm trước rồi, giờ khó rõ vị ấy ra sao.

Thân ậm ừ một lát, nói:

– Vậy… Lệnh bà có biết nhà ông ấy ở đâu ở Thanh Hóa không ạ?

– Ông muốn tìm y à?

– Vâng. Hôm qua tôi đã định thế, nhưng chưa biết bắt đầu tìm từ đâu. Vừa rồi nghe lệnh bà nhắc chuyện triều đình soát văn tự hộ tịch nên mạo muội hỏi vậy. – Thân thừa nhận ngay tắp lự, rồi lại phân vân. – Với cả… Tôi nghe cụ trưởng làng bảo lệnh bà đang xuôi nam, về Hoan Châu. Chỗ ấy gần Thanh Hóa, lại tiện đường, lệnh bà có muốn đến thăm ông ấy không?

– Thôi…

Ta khoát tay, định tìm lời từ chối thì bên hông nhà có tiếng bước chân gấp gáp. Thằng hầu chạy chậm đến, bảo Thân có khách, mà vị khách ấy nằng nặc đòi gặp ông. Ông nhíu mày hoài nghi, dặn thằng hầu dẫn đường cho ta và thị Vân về lớp nhà khách rồi mới cáo lui.

Ta ngoảnh đầu nhìn vườn mơ, cơn buốt lạnh vừa nãy không còn, thay vào đó là cảm giác nao nao khó tả. Nắng tắt rồi. Cỏ cây đìu hiu quá. Cả gió cũng không lồng lộng mà nhè nhẹ luồn giữa những cành mơ trơ trọi, len đến gian nhà, như một cử chỉ an ủi, hoặc kiệt sức thỉnh cầu. Cũng giống hệt như lần cuối nhìn điện Bạch Ngọc cháy bùng trong đêm đen, nhìn ngọn lửa dữ dội nuốt trọn kỷ niệm của mẹ con ta ở Thăng Long, ta cũng cảm giác gió đêm và hơi lửa nóng đang vỗ về mình, bảo hãy đi và đi thật xa.

Ta không nén nổi tiếng thở dài.

Vân vỗ nhẹ tay ta, ý như bảo đã đến lúc quay về. Hai ta dìu nhau đi ngược lại con đường vừa rồi. Chắc vì lúc này không còn phân tâm, ta nghe rất rõ tiếng chuông chùa thanh u đằng xa, tiếng lá trúc lá tre xào xạc, và tiếng bước chân mình đạp trên đất ẩm cơn mưa hôm trước.

Chiều tối, chập cơm nước xong, Thân lại đến tìm ta. Dáng điệu ông tần ngần, nét mặt tư lự hơn hai lần gặp mặt trước, trên tay còn cầm theo phong thư. Lúc chào ta giọng ông ồm khác thường, trầm và đục hơn như đang nén giữ thứ gì trong cổ họng. Dâng bức thư lên cho ta, ông thưa:

– Lệnh bà còn nhớ ban sáng tôi có kể, sau vụ ám sát năm Kiến Tân thứ hai, Thiếu bảo Trần Hãng đưa gia quyến lánh về Diễn Châu, rồi đổi tên thành Nguyễn Công Hàng…

Ta gật đầu, đột ngột thấy bất an, lặng người chờ nghe Thân nói tiếp. Thân làm thinh một quãng, đoạn quay người đi, ngửa mặt. Lúc quay lại ông đã khom lưng, nghẹn ngào:

– Thứ lỗi cho tôi vừa thất lễ. Sáng nay tôi đi vội, là do người ở Diễn Châu đến báo tin ngài Thiếu bảo mất rồi.

Ta giở xem phong thư trên tay, là thư hoả tốc gửi từ phủ Diễn Châu. Kỳ thật nếu hôm qua Thân không nói ta cũng không rõ vị Thái bảo ấy sinh tử thế nào. Hồi đêm ta vừa bàn với Vân trước khi về La Giang sẽ ghé Diễn Châu thăm ngài, không ngờ lần sau hay tin lại là nghe người đã khuất.

Dán kín thư lại, ta rũ vai, lòng có hơi mỏi mệt. Trước kia ngại núi e sông, không thăm thân nhân, đến lúc không còn gì đáng ngại lại phải lo tuổi cao sức yếu. Người gần đất xa trời như chúng ta tuy bình thường không sợ chết, song đôi khi cũng dè vì không cái chết nào tiên liệu được. Lo là lo người ở lại không xoay sở kịp, phải giam mình trong ân hận khổ đau.

Hoặc cũng có lẽ do ta nghĩ nhiều, vì ý thức tắt rồi nào ai quản được chuyện dương gian nữa. Ai có phúc phần người nấy, giam mình hay không còn phải xem phúc đức bao dày.

Chuyện gì nên làm vẫn phải làm. Ta không ở lại Kẻ Mơ thêm được, vì vội xuống Diễn Châu phúng điếu. Lần này Thân cũng đi cùng đoàn xe. Ban đầu ông muốn đi riêng, vì nếu đi chung phải đi bộ cho đúng tôn ti, nhưng ta nào phải quý nhân gì mà cần phân chia rạch ròi quá. Ta thuê thêm một chiếc xe ngựa cho Thân, một đoàn bốn chiếc xe đi ngày đêm, cuối cùng cũng đến được Trang Kè trước ngày hạ huyệt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro