6. Cựu thời vương khí mai thu thảo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Màn đêm trôi vùn vụt về phía sau. Những đốm đèn từ điếm canh đầu làng tù mù và lập lòe, chợt lóe lên như ngọn ma trơi ngoài đồng táng. Có khi thứ ánh sáng ấy mềm và dập dềnh như đom đóm, như đang trôi trong dòng mộng. Dải đèn đêm dài ra vô tận, chảy ngược về kinh thành Thăng Long những năm cuối cùng.

Đó là đêm khô hanh duy nhất trong đời Ngọc Hiền thấy rét run, cũng buộc phải khoác thêm nhiều áo. Nàng che kín nửa mặt dưới và vầng trán, chỉ để lộ đôi mắt chìm trong bàng hoàng. Từ năm ngoái khi nghe tin cung biến trên điện Thiên An, Nguyên Hoàng nhân giờ thiết triều buộc tội Lê Quý Ly hòng ép ông ta giao trả binh quyền nhưng bất thành, còn bị quân dưới trướng họ Lê vây bắt, Bạch Ngọc cung phi mẹ nàng đã âm thầm cho người liên lạc với bác cả Trần Đạt và bác hai Trần Duy đang ẩn náu ngoại thành, chuẩn bị kế hoạch chạy về Hoan Châu. Ngặt nỗi canh phòng của họ Lê ở Thăng Long quá gắt gao, phải chờ đến tháng ba, tháng tư năm nay khi Lê Quý Ly xuống Thanh Hoa xem kinh thành mới ở An Tôn và mở hội thề trên núi Đốn Sơn; quân lực để lại Thăng Long mỏng đi, canh phòng nới lỏng, đoàn người mới bắt đầu kế hoạch được.

Ngày đi dự định là mồng tám tháng tư, song rạng sáng mồng năm đột ngột có tin tông thất họ Trần ám sát Bình chương Phụ quốc ở hội thề bất thành, người có mặt bị tóm gọn, thân đảng bị truy lùng ráo riết, gia quyến cũng liên lụy theo. Kế hoạch bị ảnh hưởng, một đoàn gần sáu trăm người chia thành nhiều nhánh nhỏ, gấp rút rời khỏi Thăng Long trong ngày mồng sáu, trước khi việc lùng bắt lan rộng dẫn đến phong tỏa cả Hoàng thành.

Vụ ám sát lần này không nhỏ, nhưng kín như bưng, cả Ngọc Hiền thường qua lại với nhóm người đầu têu cũng không mảy may hay biết. Thượng tướng quân Trần Khát Chân, Thái bảo Trần Hãng, Đại hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu… hầu như toàn bộ những người phò Trần nàng biết đều tham gia. Có lẽ đây là hạ sách mà Thượng tướng từng mập mờ nhắc đến, sau khi nước cờ cung biến Thiên An của Nguyên Hoàng đại bại. Nếu không giết được Lê Quý Ly, sớm muộn cũng có chuyện cháu ngoại nhường ngôi cho ông. Ngoại thích tiếm ngôi dẫn đến triều đại sụp đổ là điều họ Trần đã lường từ thuở khai quốc, song không thể tránh được. Cuối cùng ngày này cũng đến, mà một công chúa họ Trần như nàng chẳng biết làm gì ngoài hoảng loạn trốn khỏi quê hương của mình.

Một ngọn đuốc ném vào, điện Bạch Ngọc bắt đầu lập lòe ánh lửa. Ngọc Hiền tay níu lấy mẹ, chân mải miết bước theo gia nô dẫn đường phía trước, không kìm được ngoảnh đầu lần cuối. Mắt nàng nhòe đi, tim như thắt lại, tay chân dại ra khiến nàng gần như bất động. Nỗi đau không tên cuộn lên trong ngực, một thoáng, nàng đã muốn giằng khỏi tay mẹ để quay trở lại với chốn điêu tàn này.

Trong sát na, nàng dường như lường được ngày hấp hối, trên đèn kéo quân mình sẽ nhìn thấy cảnh gì.

Có lẽ là bức họa phụ hoàng khoác chiến bào thường được mẹ giở ra xem những ngày đầu niên hiệu Quang Thái. Có lẽ là bóng cây xoan trước sân nở hoa tím ngát khi chuyển tiết xuân ấm, màu hoa hãn hữu lại hòa vào nền trời xanh trong dìu dịu. Có lẽ là những đêm trăng thanh, trên chiếc chõng tre trước nhà, mẹ hát ru nàng bằng một làn điệu nào mẹ học hồi còn con gái. Cũng có lẽ là đêm nay, khi mồi lửa lần lượt được vứt ở những nơi thưa người trong cung, cuối cùng là điện Bạch Ngọc, để nơi nơi bùng cháy, thành toàn cho sự hèn nhát của nàng.

Ngọc Hiền đờ đẫn nối gót mẹ. Đường nối đường quanh co, Cấm cung lặng tờ và xáo động, thâm u và rực sáng, yên bình và đầy sóng gió trong thời mạt vận của một dòng họ, cuối cùng, khép lại sau lưng nàng.

Xe ngựa, lẫn trong những chuyến xe mang nông phẩm từ ngoài cống vào cửa tây Cấm thành, đã chờ sẵn từ lâu. Bấy giờ nàng mới hồi thần, vụt phóng lên xe như con mồi trốn kẻ đi săn. Thình lình trong khoang xe có tiếng người ú ớ, giãy giụa, va vào vách gỗ kêu lạch cạch. Nàng và mẹ giật bắn người, cố kìm tiếng thét mà điếng hồn nhìn nhau. Nương theo ánh đuốc leo lét từ xa, nàng nhận ra có người bị trói gô trong xe mình: một người đàn ông trán nhễ nhại mồ hôi, mồm nhét đầy vải, hai mắt trợn to kinh hoàng nhìn mẹ con nàng.

Oái oăm thay, đấy chẳng phải ai ngoài chàng hai nhà Đại hành khiển, Cô Trung.

Từ trong ngực áo xộc xệch vì giãy giụa trồi ra một phong thư. Nàng cố bình tĩnh rút ra xem, thấy là lời cầu xin của người con trưởng nhà Đại hành khiển thì ngỡ ngàng ra mặt. Đại hành khiển vốn là trung thần, bấy lâu qua lại với Thượng tướng quân thông qua người con thứ hai. Riêng vụ ám sát Lê Quý Ly ở Đốn Sơn lần này, vì không muốn con trai mạo hiểm nên ông lộ diện tham gia. Ám sát thất bại, ông bị bắt. Người của họ Lê đã bắt đầu điều tra quan lại và gia quyến, sớm muộn cũng tra đến Cô Trung. Không biết nhờ đâu mà ông từ Thanh Hoa truyền tin về được cho con cả ở Thăng Long, xin mẹ con nàng vì giao tình của nàng và phía Thượng tướng bấy lâu, giúp đưa con thứ chạy trốn cùng. Cô Trung vì chống cự nên bị anh mình đánh ngất, trói lại. Nhân hỏi được tin tức từ bác cả và bác hai của nàng, hắn giao em trai cho hai người, thế nên mới có việc anh thình lình xuất hiện trên xe.

Xe ngựa theo kế hoạch, đúng giờ lăn bánh. Cô Trung vùng vẫy càng dữ, song vô ích, chỉ biết trừng đôi mắt đỏ ngầu nhìn nàng, vừa ai oán vừa cáu giận. Nàng vỗ tay mẹ trấn an, quay sang ra dấu “suỵt” rồi rứt mớ vải ra khỏi miệng anh. Anh thở nặng nhọc, không nói lời nào nhưng nom bình tĩnh hơn vừa nãy. Nàng lên tiếng:

– Anh phải đi cùng bọn ta rồi.

Cô Trung quay ngoắt, lấc cấc trả lời:

– Để tôi xuống! Tôi không làm lỡ đường các người.

– Thầy và anh cả anh đã nhờ vả… – Ngọc Hiền nhíu mày hết nhìn mẹ lại nhìn lá thư, ra chiều nghĩ ngợi. Đoạn nàng bỏ dở câu nói, nghiêm giọng. – Thôi, xe đã chạy rồi. Không đi cũng phải đi. Anh đừng quấy.

Xe đi đường mòn, đường càng đi càng tối, càng thêm xóc nảy. Nửa sườn mặt Cô Trung chìm trong đêm tối, thảng hoặc một vệt sáng mới trượt qua gò má, đuôi mắt, không biết là ánh đuốc làng từ ngoài chiếu vào hay đuốc đêm của quân lùng sục. Anh hệt như nàng nghĩ, thức thời giữ im lặng để đoàn người tránh được mấy điếm canh liền. Nhưng nàng biết, hoặc giả là lo, sáng trời sẽ không thấy anh trên xe nữa. Thế nên từ lúc khuya khoắt tĩnh mịch đến khi tờ mờ, trời đổ mưa to, nàng vẫn nghiêng đầu, hé mắt, nhìn người thanh niên như đang canh giữ.

Có những lúc mệt mỏi, Ngọc Hiền thiếp đi mất. Trong giấc ngủ chập chờn và chóng vánh, nàng lại thấy cỗ xe băng ngang qua cánh đồng đầy bia đá, nằm lẩn khuất dưới lau cỏ oằn mình trong gió đêm. Một rồi hai đám ma trơi bay lên, át cả ánh sao cuối chân trời, nối nhau thành một dải đèn vừa rực rỡ vừa âm u dài dằng dặc về tận Thăng Long những ngày sau cuối…

Trời lại lần nữa tuôn mưa trắng xoá. Tỉnh dậy từ giấc mộng, ta vén mành cửa sổ, vừa hay bắt gặp cảnh đồng lau. Nhưng không phải đồng lau đêm qua, cánh đồng này nhoà một màu với mưa, dưới nước trời xám xịt trông heo hút, cô quạnh hơn nhiều. Cũng chẳng có ngôi mộ nào lẩn khuất dưới tán lau, chỉ có đôi cánh cò vội vã bay đi tránh trú. Ta hỏi Vân đoàn đến đâu rồi, thị ngẫm rồi nhắc:

– Hôm trước Thân bảo đường đến Trang Kè có xuyên qua một đồng lau, chắc là đồng này rồi.

– Vân không nhớ ngày xưa chúng mình đi qua bao nhiêu đồng lau à? Nhưng tính đường đi thì áng chừng là nó thật.

Vừa dứt lời, đoàn xe rẽ ngoặt một cú sâu, chầm chậm tiến lên con đường đất rộng gấp đôi lối mòn ban nãy. Mưa cuối năm còn bay lất phất. Chợt nhận ra mấy ngày ta xuất cung, không hôm nào trời không đổ mưa, mà chính nhất vẫn là cái điệu mưa nhè nhẹ buồn, loãng ra trên nước trời ngầu xám. Chuyến này đi, cũng vì vậy mà hệt như chuyến đưa tang dài, ngóng một ngày ráo nắng thôi mà mỏi cả mắt.

Đi ngày đi đêm, cuối cùng đoàn người cũng đến nơi trước ngày hạ huyệt. Người đón chúng ta là con trai thứ của Thái bảo, tên Hưng, năm này đã ngoài bốn mươi. Dưới vành khăn tang là đôi mắt trũng sâu, thâm quầng. Hai gò má xương xương nhô cao khiến nửa phần mặt dưới nhỏ, gầy đến khắc khổ. Hưng lầm lì và có giọng nói rất đanh. Với Thân – người thường qua lại với Trang Kè, ông ta dễ thể hiện thịnh tình hơn; trong khi với họ hàng là ta thì lại xa cách, không vui thấy rõ.

Thế nhưng Hưng vẫn đưa ta đến trước linh cữu thầy mình. Suốt lúc lạy đáp lễ mày anh vẫn cau chặt, ánh nhìn vô hồn rơi dưới nền nhà hay đâu đó xa xăm. Mắt ông ta lúc mờ hơi nước, lúc sáng trong dưới ánh nến lập loè, có khi như hờn, như tủi. Nếu được, ta muốn nói cho ông ta hay ánh mắt ấy giống người thầy quá cố đến nhường nào.

Khói hương lượn lờ. Tiếng tụng niệm văng vẳng trong linh đường. Ngay cả khi hít lại một chút hơi đất, khí trời sau mưa, dễ người vừa phúng điếu xong vẫn thấy lồng ngực và tay chân nằng nặng, não nề. Hoặc chăng là sự xuất hiện của Hưng – người đang dẫn đường cho ta lúc này – khiến ta ngỡ người nằm trong quan không phải Thái bảo, hoặc chí ít không phải Trần Nguyên Hãng mà ta từng gặp. Ta ngỡ như ngài vẫn còn sống, như một sáng sớm nào đó ta bắt gặp ngài ngồi trên phố chợ rầu rĩ uống thứ rượu ngài từng chê nhạt nhẽo, bảo với chúng ta ngài sắp phải lấy vợ rồi.

Khi ấy Nguyên Hãng đã có vợ, cũng đã có một người con trai nữa và Hưng. Còn "vợ" ngài sắp lấy là Thái Dương công chúa, người tháng trước vừa bị Thượng hoàng Nghệ Tông bắt tội thông dâm với Phủ quân ty Nguyên Uyên – anh trai của ngài.

Thái Dương công chúa là con của ngài Nghệ Tông. Trước kia bà là Hoàng hậu của anh ta Giản Hoàng, cũng tức là chị dâu ta. Sau này Giản Hoàng bị Thượng hoàng Nghệ Tông bức tử, Hoàng hậu bị giáng thành Thái Dương công chúa. Từ những năm đó, Thái Dương hoàn toàn ngả về phía họ Trần, giúp thăm dò tình hình Thượng hoàng và Lê Quý Ly, rồi mang tin đến cho cánh Thượng tướng Khát Chân. Chúng ta thường hẹn gặp nhau trong vườn mơ phủ Thượng tướng, nhân những hôm ngài mở tiệc mời bách quan đến ngắm hoa, nghe hát.

Có lẽ vì năng gặp mặt, Thái Dương và Phủ quân ty Nguyên Uyên đã phải lòng nhau. Nguyên Uyên trong hình dung của ta là người bất tuân, bất kham, ít khi tỏ ra hoà nhã với họ Lê. Thái Dương tính vốn phóng khoáng, ở thế kìm kẹp lâu ngày, phải lòng một người như thế chẳng có gì lạ. Một ngày lúc họ Trần họp nhau trên thuyền ở Dâm Đàm, có nội gián mật báo với họ Lê. Một mặt để che giấu, một mặt muốn mang tình ý ra ánh sáng, Thái Dương và Nguyên Uyên ở lại thuyền vờ như hẹn nhau, còn những người khác hoặc cải trang trèo sang thuyền khác, hoặc trốn xuống nước. Thế nhưng Thái Dương không ngờ mình mắc tội thông dâm, lại còn bị phụ hoàng gả cho em trai của Nguyên Uyên để làm nhục.

Ý tứ sâu xa của Thượng hoàng không ai biết chính xác. Có lẽ ngài biết Nguyên Uyên bất kham, sớm muộn khó giữ mình, huống hồ là bảo vệ Thái Dương. Nguyên Hãng em của y thì ngược lại hoàn toàn, điềm tĩnh và ít để lộ yêu ghét. Kết cục đời thực cũng vậy: chỉ một năm sau Nguyên Uyên bị hãm hại, xử tử rồi xoá hoàng tịch, đổi thành họ Mai, trong khi Nguyên Hãng sống đến gần chín mươi tuổi. Chỉ là như đã định từ đầu, mối duyên oan này không khiến một ai hạnh phúc.

Thái Dương là công chúa, bởi thế Nguyên Hãng chỉ có thể hạ người vợ kết tóc xuống làm thiếp, để Thái Dương làm vợ cả. Ta nghe phong thanh rằng vì việc ấy, con cháu trong phủ Nguyên Hãng bất hoà đến tan tác, kể cả Hưng mới niên thiếu cũng không ngoại lệ. Bây giờ xem ra Hưng vẫn vậy. Nỗi đau không vơi đi, chỉ trải từ đời nọ sang đời kia. Ông ta giống thầy mình. Và thái độ khi ông ta nhìn thấy một người họ Trần là ta, cũng như khi nhìn vào linh cữu thầy mình mơ hồ cho ta biết ông ta ghét nhiều hơn yêu cái giống nhau ấy.

Nhà họ đương có hiếu sự, đoàn chúng ta không thể ở lại lâu, phải tìm khách trạm ngủ qua đêm nay. Thực ra ban đầu ta có ý nán lại hỏi thăm tung tích của Thái Dương, nhưng không hợp lắm. Ta cố hỏi Thân thêm lần nữa, ngay cả ông cũng đành chịu. Việc Thái Dương và con trai của bà với Giản Hoàng ra sao, liệu có theo đoàn gia quyến của Nguyên Hãng lánh về Diễn Châu, và những năm sau này bà ấy có còn ở Trang Kè hay không, không một ai biết cả.

Dự định thay đổi, có lẽ ta phải về La Giang sớm hơn. Ta tìm Thân nói ý định của mình, nhân tiện ngỏ ý:

– La Giang cách đây không xa, hay là ông cũng ghé, để ta mời một chén chè?

– Lệnh bà định về thẳng La Giang ạ?

Lần thứ hai nhận được câu hỏi này, ta hơi ngạc nhiên. Còn đang thắc mắc ta đã nghe Thân giải thích:

– Lệnh bà hỏi nhiều về Thái Dương công chúa vậy, không biết tung tích công chúa bà yên lòng được sao?

– Hỏi thăm mà người ta không biết đã đành. – Ta thở dài. – Đằng này họ không muốn nhắc đến. Không biết hồi ấy ông có hay việc anh em nhà Thái bảo không? Rắc rối lắm. Ta chỉ e hỏi nhiều khiến gia quyến Thái bảo không ưng. Mấy chục năm rồi ta có qua lại gì với họ đâu.

Thân nghiền ngẫm nói “thôi vậy”, nhưng hình như còn canh cánh việc này hơn cả ta, chỉ lát sau đã lại đề nghị:

– Kỳ thực ông Hưng cũng không khó gần. Nếu bà còn thắc mắc, chờ sau hiếu sự con sẽ gửi thư hỏi thăm, nhân tiện đưa chuyện rồi báo tin cho bà.

– Từ Đông Kinh gửi xuống Hoan Châu, về Đông Kinh rồi lại xuống Hoan Châu à? – Ta xua tay ngay. – Chẳng là chỗ họ hàng, ngày xưa quen thân nên muốn tìm tung tích lại vậy. Nếu muốn ta sẽ tự hỏi, ông đừng nhọc. Hoặc không thì vài năm nữa ta đi tìm ngài Thái bảo hỏi thăm là xong.

Nói đến đây Thân mới thôi, vái một vái, chúc ta ngày mai lên đường bình an. Ta hỏi lại việc đi La Giang, ông thưa không tiện đường vì phải về Đông Kinh sửa soạn ăn Tết. Giật mình ngẫm lại, hóa ra ta rời kinh thành đã gần nửa tháng rồi. Vốn định chỉ du ngoạn đây đó rồi tranh thủ về La Giang, để kịp gửi thư cho Ngọc Châu trước Tết, xem ra lại phải lỡ thì giờ.

Đoàn người mất hẳn một ngày để thong thả đến nơi. Hẳn vì xe đi chậm hoặc vì sắp đến nhà, ta như khỏe ra mươi tuổi, khắp người không còn nhức buốt, tâm tình cũng sáng sủa hẳn lên. Nhân lúc viết thư cho Ngọc Châu, ta nhờ vợ chồng chúng hỏi thăm quan lại trên kinh xem có ai hay tin gì của vị công chúa tiền triều kia không. Dù biết rõ sau ngày Thái Tổ lên ngôi dư âm tiền triều đã bị ngài âm thầm gột sạch, còn thời mạt vận, vua quan đày đọa con dân ấy của họ Trần chẳng ai buồn nhớ đến, ta vẫn ôm chút hi vọng nhỏ nhoi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro