Chương 10 - 2: Tự cổ thường niên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Không ai nhắc đến lại chuyện sét đánh xuống điện Càn Nguyên nữa, nhưng Khanh vẫn thấy như người nào người nấy trong cung đều trầm hẳn đi. Xong lễ cúng tế cũng vừa lúc buổi trưa, nàng và phu nhân Thuần Đức theo hoàng hậu Đàm thị về cung Thúy Hoa dùng thiện.

"Bẩm lệnh bà, chúng tôi nghe lệnh bà dặn, nấu riêng cái này cho bà phủ thiếp ạ." Người cung nữ luống tuổi hầu cận của hoàng hậu vừa dọn chỗ trên bàn, vừa ra hiệu cho một nàng cung nữ trẻ măng đặt âu sứ men ngọc xuống, rồi lại tiện tay mở nắp đậy. Khanh hiếu kỳ nhìn bên trong, là chân giò tiềm thuốc bắc còn nóng hôi hổi. Nàng lén nuốt nước bọt, bụng hơi sôi lên.

"Ngày hôm qua trong Hoan châu dâng lên một con chim trĩ, thánh thượng ban cho ta, vốn định sai ngự thiện làm thành canh tiềm để nhà chị ăn. Hiềm nỗi đang lúc trì giới, kiêng sát sinh nên đành đổi sang chân giò. Nhà chị ăn xem có vừa miệng không." Hoàng hậu cười hiền. Đoạn bà quay sang nói với Thuần Đức. "Bữa này chỉ có mấy mẹ con chị em với nhau, nhà chị cũng phải ăn vào, ta trông nhà chị độ này gầy hơn dạo trước lắm."

"Bẩm lệnh bà, lệnh bà cho của ngon thì chị em chúng con quý lắm ạ." Thuần Đức đáp, nàng theo thói quen để Khanh múc thức ăn vào bát.

Khanh lằng lặng ăn. Hoàng hậu hỏi gì, nàng đáp nấy, không dám nói năng quá phận. Phu nhân Thuần Đức có lúc đỡ lời cho nàng. Đại để toàn chuyện lông gà vỏ tỏi của đàn bà, nhưng nàng chăm chú nghe ngóng một hồi, cũng vỡ ra nhiều cái trước giờ chưa từng nghe người trong cung Long Đức nhắc đến.

"Lương Cơ là người gốc Đọi Sơn nhỉ?" Đột nhiên, hoàng hậu nhìn nàng, bà hỏi.

"Bẩm lệnh bà, vâng ạ. Nhà thầy mẹ con cũng loanh quanh gần đấy ạ. Đúng ra đã sang đất Mai Xá rồi, từ ruộng tịch điền phải đi xa thêm một quãng nữa..." Khanh luống cuống, nàng vẫn nhớ ngày trước hoàng thái tử hay dặn nếu có ai hỏi thì sống chết gì cũng phải nhận là người làng Mai Xá.

"Duệ Văn ngày bé có lần theo thánh thượng về đấy sửa sang lại cổ tự, đến lúc hồi kinh cứ thấy nó khóc đòi ăn cá kho giống ở Đọi Sơn. Ta phải tìm mãi trong đám cung nữ mới có người biết nấu cho nó." Hoàng hậu Đàm thị thoáng cười khi nhớ ra chuyện cũ.

"Bẩm lệnh bà, thỉnh thoảng điện hạ kể với con là em Khanh kho cá khéo lắm đấy ạ. Có lần con ăn thử, vị hơi đậm nhưng cũng đưa cơm ạ." Thuần Đức tiếp lời, rồi nàng nói thêm. "Lúc em Khanh mang thai hoàng tôn, em ấy ốm nghén, chỉ thèm ăn cá. Dễ phải đến cả tháng em chỉ ăn mỗi cá thôi, Khanh nhỉ? Điện hạ cũng ăn theo em thành quen, sang chỗ ta là người nhắc mãi cá chuối kho khế chua đấy."

Nàng phủ thiếp bẽn lẽn gật đầu, vâng dạ đáp lại. Dẫu lúc chửa đẻ, ốm nghén là chuyện thường, nhưng nàng vẫn sợ bị hoàng hậu chê tham ăn nên hai tai nóng ran.

"Thế hử?" Đàm thị hỏi lại nàng. "Nhà chị thích ăn cá chuối hử?"

"Bẩm lệnh bà, con không ăn được ạ, nhưng có lần con nghe điện hạ nói thèm ăn nên mới làm cho ngài ấy." Nàng thật thà.

Thuần Đức phu nhân nghe thế chợt nảy lòng hiếu kỳ, đương lúc vui vẻ nên chẳng giữ ý mà gặng hỏi Khanh duyên cớ gì lại không ăn được cá chuối.

"Bẩm lệnh bà, bẩm phu nhân, ngày xưa ở quê, thầy mẹ hay bắt con ra đồng mò cua bắt ốc. Năm đấy con lên mười, nắng hạn to lắm, con thấy trên bờ ruộng có con cá chuối nằm phơi bụng, bị kiến bu kín. Gặp lúc đói kém, con định bắt đem về thì con cá đấy quẫy mạnh rồi nhảy luôn xuống nước." Nàng phủ thiếp ngập ngừng. "Thầy con nghe kể chuyện, hay dạy con nếu gặp nữa, chớ có bắt kẻo phải tội."

"Khanh ơi, thế là làm sao đấy? Sao lại kiêng không ăn?" Phu nhân Thuần Đức nhíu mày. Từ bé đến lớn, nàng chưa bước chân ra ruộng bao giờ, lề thói của dân quê nghe qua thì lấy làm lạ lẫm.

"Con cá đấy đem thân nhử kiến để nuôi con. Làm người thấy cảnh ấy, nếu vì tham miếng ăn mà bắt về là phạm vào đức hiếu sinh của trời. Ông ấy dạy con gái biết ăn ở tình nghĩa sâu xa như thế, ta xem cũng là người đức độ." Chẳng đợi Khanh kể nốt, hoàng hậu ôn tồn cắt nghĩa cho phu nhân Thuần Đức.

Ba người đàn bà đều lặng đi. Thuần Đức khẽ rũ mắt nhìn những sơn hào hải vị bày ê hề trên bàn, lòng chẳng còn muốn ăn thêm nữa. Nàng hay thương người thương vật, đường con cái còn không thuận nên nghe xong lại thoáng buồn mà trút ra một tiếng thở dài.

"Duệ Văn là đứa dễ nuôi, cá chép cá chuối đều thích ăn cả. Nó thích ăn cá, thế thì mấy hôm nữa ta sẽ cho người đưa sang niêu cá kho, ăn thử xem ngự trù chỗ ta nấu nướng có ngon không." Thấy Khanh cúi đầu ngượng nghịu, hoàng hậu ân cần giao hẹn. Ánh mắt thoáng có một nét thương cảm, bà tự tay múc canh tiềm vào bát ăn cho nàng. "Nhà chị ăn đi, chớ làm khách."

"Bẩm lệnh bà, con không dám ạ." Khanh luống cuống, nàng lắp bắp mãi mới thành lời. Nhưng lúc lén nhìn gương mặt hiền từ của hoàng hậu, biết bà không có ý trách phạt, thì nàng mới vững tâm lại.

Cơm nước xong xuôi, hoàng hậu ban cho Khanh và phu nhân Thuần Đức thêm vài thứ làm quà, rồi sai kẻ dưới chuẩn bị kiệu rước các nàng hồi cung Long Đức. Phu nhân biết nàng nhớ con nên trước khi lên kiệu liền trao hoàng tôn cho nàng bế. Suốt quãng đường rời khỏi cung thành, thằng bé nằm gọn trong lòng mẹ mà ngủ, Khanh nhìn nó mãi không thôi. Con ngủ ngon, nàng thấy vui trong lòng. Nhớ đến lời khen của hoàng hậu Đàm thị, nàng càng thêm mở mày mở mặt. Chao ôi, lệnh bà bảo nó giống hoàng thái tử lắm. Còn thánh thượng, hình như người cũng đã nhìn nó được một lần, lúc phu nhân bế nó đến hành lễ. Người không nói gì, nhưng nàng có lén nhìn, long nhan vẻ như là hài lòng. Trộm vía, Càn Nguyên vừa kháu lại vừa ngoan, ai cũng thích bế làm nàng cả mừng. Tận đến lúc hồi cung Long Đức, cái hả lòng hả dạ ấy vẫn còn khiến nàng lâng lâng.

*

* *

Sáng hôm sau, cung Long Đức bị đánh động từ sớm. Quan thượng phẩm phụng ngự họ Ngô vâng lệnh thánh thượng đưa chiếu chỉ đến. Hoàng thái tử cùng nữ quyến đều ra sân quỳ tiếp. Thánh thượng sợ sét đánh xuống điện Càn Nguyên là điềm gở cho hoàng tôn, bèn nghe theo lời can gián của tăng thống họ Phùng, tính toán bát tự và giải thiên tượng. Hoàng tôn khắc mệnh mẹ đẻ, nên hễ mẹ con gần nhau sẽ chịu tổn hại ít nhiều, ti thông giám trình lên rằng muốn cậu bé được khỏe mạnh, bình an thì phải để cho người khác nuôi. Trong số nữ quyến ở cung Long Đức, cũng chỉ còn lại phu nhân Đoàn thị, luận cả bát tự lẫn gia thế, đức hạnh đều đảm đương được việc trông nom hoàng tôn. Thánh chỉ truyền đến tỏ rõ ý thánh thượng muốn giao Càn Nguyên cho phu nhân Thuần Đức chăm bẵm như con đẻ. Hoàng thái tử nghe xong có ngoái nhìn nàng phủ thiếp đang quỳ phủ phục ở đằng sau, nét mặt chàng vẫn giữ vẻ thản nhiên, nhưng vừa thoáng thấy nàng lén ngước lên, chàng lại vội giơ tay đỡ lấy thánh chỉ mà quan thượng phẩm phụng ngự giao. Theo lời chàng, người trong cung đều cúi đầu tạ ơn.

"Bẩm điện hạ, thánh thượng còn có khẩu dụ cho điện hạ nữa ạ." Quan thượng phẩm phụng ngự cúi người cung kính, chắp tay thưa với Mục Huyền.

"Xin ông cứ nói." Hoàng thái tử đáp.

"Bẩm điện hạ, khẩu dụ của thánh thượng là 'điện hạ cứ tự quyết nấy, miễn sao đừng để sơ suất quốc sự'". Quan thượng phẩm phụng ngự đưa tay hướng về phía cung thành vái lấy lễ, tỏ lòng kính ngôi vạn thặng.

"Ta hiểu rồi, ông về thưa lại với người là 'Duệ Văn sẽ lo liệu ổn thỏa, chỉ xin thánh thượng thư thư cho mấy ngày"'. Chàng cẩn trọng.

Đoạn, hoàng thái tử tiễn quan thượng phẩm phụng ngự ra cửa lớn. Lúc trở vào, chàng dặn dò Thận sang phủ Đông Chinh hầu tìm Huy Vũ, rồi đóng cửa ở lì trong thư phòng cả ngày. Phu nhân Thuần Đức dắt theo Khanh đến xin thưa chuyện với chàng cũng bị viên tiểu hoàng môn mời về. Cả hai nàng ai nấy đều vừa lo vừa buồn, vì chẳng người nào rõ cớ gì thánh thượng lại bày ra chuyện trái khoáy, không để hoàng tôn gần mẹ đẻ thằng bé. Đến tận khuya, sau khi cung nữ đã đưa hết đồ đạc của Càn Nguyên sang Thường Xuân đường, chỉ còn lại Khanh ngồi thơ thẩn trong buồng ngủ ở Sùng Hoa đường. Nàng khóc đến sưng húp cả mắt, bỏ cả cơm nước. Người hầu kẻ hạ, từ con Mộc cho đến Nhài đều cố khuyên giải, nhưng rồi chúng cũng đành thôi mà đứng im như tượng nghe nàng thổn thức. Khanh khóc đến lả đi. Cả trong mơ, nàng cũng thấy Càn Nguyên. Thằng bé ngồi trên thềm đá ngoài cửa, nó cười khanh khách giống mỗi lần mẹ con nô đùa. Nàng gọi tên nó, nhưng cứ gọi mãi mà nó không nghe đến. Đột nhiên, nó đi mất khỏi tầm mắt của nàng. Còn nàng, nàng cứ quẩn quanh tìm nó. Giấc mơ ấy làm nàng hoảng hốt giật mình giữa đêm.

"Bẩm điện hạ, bà phủ thiếp vừa mới ngủ được một lúc thôi ạ." Tiếng cái Nhài vọng vào. Nàng biết, hoàng thái tử đến chỗ mình.

"Các ngươi lui đi. Sắc lấy cho nàng ấy ấm thuốc với nấu nồi cháo nữa." Chàng nhàn nhạt dặn dò mấy người cung nữ. Đoạn, bước vào buồng của nàng.

Vừa thoáng thấy bóng Mục Huyền, nàng vội vã mở màn loan, hớt hải lao đến quỳ mọp dưới chân chàng.

"Thiếp xin điện hạ, xin điện hạ tâu lên với thánh thượng, cho thiếp được nuôi con." Khanh mếu máo. Giọng lạc cả đi.

Hoàng thái tử nhìn Khanh, chàng không đáp, chỉ khẽ gỡ tay nàng ra. Chàng bước về phía giường, ngồi xuống. Nét mặt chàng trầm ngâm dưới ánh đèn dầu tù mù, mảng tối mảng sáng cài vào nhau. Khanh ngồi thẫn thờ dưới đất, nàng không dám khóc to, vì người đàn ông đang ngồi trước mắt nàng nom chẳng rõ nổi đang vui hay buồn, thiện hay ác.

"Lại gần đây." Chàng nói với nàng, nửa như ra lệnh nửa lại như mong cầu.

Khanh ngần ngừ. Linh cảm mơ hồ mách cho nàng hay, tai vạ còn chưa dứt hẳn, chỉ cần nàng làm theo mà đến gần, chàng sẽ ép nàng phải nghe thêm chuyện trái khoáy khác nữa. Nàng lắc đầu. Nhưng chàng không để tâm đến, lại nhắc lại lời vừa nói ra. Lần này, giọng chàng lạnh tanh, trầm hẳn đi, nghe có uy đến nỗi khiến nàng khiếp hãi, toàn thân mềm nhũn. Người đàn ông ấy giờ thuần là hoàng thái tử, không còn phải cái người chung chăn gối, mang nghĩa phu thê với nàng nữa, nên nàng không dám cãi lại. Khanh run rẩy đứng dậy, lê bước đến gần hoàng thái tử. Nàng không dám ngồi ngang hàng, nên lại quỳ xuống. Bàn tay ấm áp của chàng nâng cằm nàng lên, bắt nàng phải nhìn thẳng vào mắt rồng mắt phượng. Những tiếng nức nở trong họng nàng nín bặt.

"Nàng ngồi lên đây. Dưới đất lạnh lắm, quỳ lâu hại người." Chàng vỗ nhẹ tay xuống giường.

Nàng phủ thiếp dè dặt nhấc mình, ngồi bên cạnh chàng. Tóc nàng tuôn đổ, phủ kín hai bờ vai trần, thỉnh thoảng rung nhẹ theo cái nấc nghèn nghẹn của người đàn bà.

"Quay mặt ra đây." Mục Huyền vẫn nhát gừng ra lệnh. Thấy Khanh lặng thinh, vẻ như lì lợm, làm ngơ lời mình, chàng nhíu mày. "Còn ương ngạnh nữa là ta sẽ cho người lôi ra sân phạt gậy".

Câu đe làm Khanh chột dạ, nàng quay lại nhìn chàng, có sợ hãi, có giận hờn, nhưng cũng mang mấy phần van lơn.

"Càn Nguyên...," Chàng chậm rãi, cặp mắt xoáy vào dò ý tứ của nàng. "Tạm thời cứ để Thuần Đức chăm nom. Nàng ấy hiền lành, nuôi thằng bé cũng chẳng dám xử tệ với nó đâu."

"Bẩm điện hạ, thiếp không dám trách cứ, ngờ vực gì phu nhân. Hiềm nỗi con trẻ còn nhỏ, bấy lâu bén hơi mẹ, giờ đôi ngả đôi nơi, thiếp không yên lòng được. Thiếp chăm bẵm cho con bấy lâu, nào có chuyện gì quái gở để đến nỗi trời cao phải gieo điềm trách cứ. Thiếp cắn rơm cắn cỏ lạy điện hạ, xin điện hạ tấu lên với thánh thượng để Càn Nguyên về lại Sùng Hoa đường..." Khanh không kìm được cơn xúc động, nàng khóc òa, nấc lên từng hồi. "Điện hạ niệm tình thiếp hầu hạ sớm hôm, niệm nghĩa đầu gối tay ấp bao ngày... "

"Có nhớ ta nói gì lúc đặt cho con trai nàng hay không?" Đối trước cái sự ủy mị, khốn quẫn của nàng, chàng vẫn điềm nhiên. "Càn là trời. Nàng vẫn chưa biết mệnh của thằng bé lớn đến đâu à?"

Càn là trời. Khanh giật mình, nàng vỡ ra ý tứ của chàng.

"Ý điện hạ là con thiếp mệnh lớn, nên hạng khố rách áo ôm như thiếp không làm mẹ nó được?" Giọng Khanh run run, lời vừa nói xong, nàng khóc òa, chẳng kìm nổi nỗi tủi thân đầy ứ trong cổ họng. "Điện hạ đã khinh thiếp thì sao còn cho thiếp theo hầu người?"

Mục Huyền nhìn nàng phủ thiếp đang ôm mặt khóc nức nở. Mắt chàng ráo hoảnh, nhưng lòng chàng khẽ run lên. Chàng sợ mình sẽ vì những chuyện nhớ nhớ quên quên năm nào mà mủi lòng, không nỡ nói toạc ra cho nàng hay cái điều chàng đã nghĩ suốt mấy ngày nay. Nàng sáng dạ. Hiềm nỗi trần đời có những lúc càng sáng dạ bao nhiêu, càng khốn khổ bấy nhiêu. Vì khi ấy, người ta hiểu rõ nguồn cơn, người ta không còn đổ cho mệnh bạc, cho trời phạt để mà cam chịu mọi tủi nhục họ vô cớ gặp phải nữa. Khanh mười mươi đã đoán được mấy phần huyền cơ, cũng đoán ra nàng ắt phải chịu thua thiệt. Nhưng còn chưa kịp mở lời, chàng đã tiếp tục, giọng vẫn nhàn nhạt.

"Quan thái úy nắm trọng binh, các chúa động đều nể phục. Ông ấy theo thánh thượng xuất chinh, ta mới yên lòng được." Mục Huyền nói. Nàng phủ thiếp vẫn khóc nấc, nhưng chàng biết mấy lời này nàng sẽ để tâm đến. "Họ Đoàn cáo ốm, thoái thác việc quân, cũng chỉ vì sợ Thuần Đức chịu cảnh ghẻ lạnh, không có con cái để dựa vào."

"Thế còn thiếp? Các người hẩy thiếp ra. Các người bắt con thiếp đi. Các người ác lắm!" Nàng lui ra xa, đôi mắt đỏ hoe hướng về phía chàng, lớn tiếng trách cứ. Nỗi ai oán toát ra trong từng câu từng tiếng. "Giời cao đất dày ơi là giời cao đất dày, con biết vào chốn này khốn khổ khốn nạn nhường này thì thà cứ yên phận làm cọng rơm cọng cỏ ở quê cũng xong một đời".

"Hỗn xược!" Mục Huyền quát lên giận dữ. Chàng đứng dậy, bực dọc trước bộ dạng đang co rúm vào một góc của nàng. Từ lúc Khanh vào cung Long Đức, đấy là lần đầu nàng dám khi quân phạm thượng như thế.

Nàng phủ thiếp đứng bật dậy, bỏ chạy ra khỏi căn buồng, để lại chàng ngồi trơ trên giường. Đêm thanh tĩnh, bên tai chàng vẫn nghe được tiếng thút thít uất hận vọng vào từ bên kia cửa bức bàn. Điện hạ ác lắm. Lời khi nãy vẫn lởn vởn bên tai, làm chàng thất thần. Chàng ác à? Ác? Chữ ấy xoáy thẳng vào óc. Chàng khó chịu lắm, vì nó khơi lên nỗi sợ trong lòng người quân tử. Giằng đứa trẻ con còn ẵm ngửa khỏi tay mẹ nó, như thế chẳng ác thì là gì? Chàng... thật giống thánh thượng. Con nhà công chẳng giống lông cũng giống cánh, chàng ác giống người. Nhưng chàng ghét thế. Hai hàm răng hoàng thái tử nghiến chặt, đến nỗi tai chàng nghe được tiếng chúng miết vào nhau. Cớ gì chàng lại giống thánh thượng nhường này? Người đưa chàng về kinh, bỏ lại Trần thị ở Mai Xá. Người ép hoàng hậu Đàm thị phải nuôi nấng chàng. Người ép chàng phải lấy con gái nhà họ Đoàn. Cái nỗi bức bối này làm hàm răng chàng càng nghiến chặt thêm. Thánh thượng ép chàng, rồi đến lượt chàng lại đang ép Lương cơ. Một vòng cưỡng ép, kìm kẹp lẫn nhau truyền đời, không thoát nổi. Chàng thấy ngực mình nặng ngang với đá đè, không tài nào thở được.

Chung quy cũng chỉ vì cái ngôi vạn thặng này.

Hoàng thái tử nôn ra một ngụm máu tươi. Đột nhiên, chàng lại thấy trong người nhẹ nhõm. Ngôi vạn thặng. Ngôi vạn thặng. Đúng là cũng chỉ vì ngôi vạn thặng. Nỗi áy náy mới chớp mắt trước còn đang dày vò chàng, giờ đã tan thành mây thành khói. Tiếng khóc của Lương cơ nín bặt, nàng quay lại căn buồng, hoảng hốt khi nhìn thấy bụm máu tươi chàng nôn ra loang thành mảng trên tay áo buông rủ.

"Điện hạ, điện hạ, người làm sao thế? Thiếp đi sai cung nữ truyền thái y đến..." Nàng giật mình, khuôn mặt trái xoan trắng bệch vì sợ.

"Ta cấm nàng để lộ chuyện này ra ngoài." Chàng túm lấy tay ngọc, gằn giọng. Máu vương nơi khóe miệng vẫn chưa khô.

Khanh khẽ gật đầu, cặp mắt đang long sòng sọc lên của hoàng thái tử khiến nàng cả kinh.

"Ta không ác." Chàng tiếp tục, giọng dịu đi đôi phần. "Ta không giống thánh thượng".

Cổ tay Khanh bị siết chặt đến phát đau, nàng toan lùi mấy bước để thoát được thì chàng đã tự thả ra khiến nàng ngã. Hoàng thái tử lại ho liên tục, hơi thở nặng nề đầy mệt nhọc. Thế rồi cũng giống như cái đêm mà tơ duyên của hai người bện vào nhau, chàng ngồi trên cao rũ mắt nhìn nàng. Chỉ khác là lần này, tâm cao khí ngạo nơi chàng đã tan biến, để độc lại mỗi u uất với chán chường đến độ khiến cho nàng phải cảm thấy xót xa, dẫu chẳng rõ cớ gì ra như thế.

*
* *

Thân thế của hoàng thái tử vốn là chuyện dẫu ai cũng đã nghe phong thanh vài phần, nhưng tuyệt chẳng người nào trong cung dám nhắc đến. Khanh ngồi ở hiên ngoài, nàng nắn nót đưa bút, cố viết sao cho chữ nghĩa trong tờ thư gửi về lộ Hải Thanh thật dễ đọc. Chữ nàng không đẹp, phu nhân Nguyễn thị chê thế, nhưng giờ nàng chẳng còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện xấu đẹp nữa. Nàng đang rối lắm. Sùng Hoa đường mấy hôm nay im lìm một mảng, nàng thì vẫn khóc tấm tức nhớ con lúc đêm về, hoàng thái tử thỉnh thoảng vẫn ghé qua lại, còn Thuần Đức phu nhân... Có đôi lần người ẵm Càn Nguyên đến, hoặc không thì sai cái Xuyến sang vời, lúc viện cớ này khi mượn chuyện khác, đều chỉ để mẹ con nàng được gặp nhau chốc lát cho thỏa lòng. Mỗi bận như thế, phu nhân cứ tạ lỗi với nàng mãi không thôi, nom người cũng tiều tụy đi ít nhiều. Nhưng đàn bà chốn cung cấm, than vãn, khổ lụy có cất thành tiếng rồi cũng theo gió bay lên trời, nào ai nghe đến. Người ta đều đang mải ngóng tin thánh thượng chinh chiến ở trên lộ Thượng Nguyên. Nghe đâu vào mùa lạnh, quân triều đình đã vài lần sa vào đất hãm, đầu rơi máu chảy nguy khốn lắm, chúa động Giáp phải xuất binh giải vây mới thoát hiểm cảnh. Nếu không có quan thái úy theo hầu... Khanh dừng bút, nàng ngẩn ngơ nghĩ đến chuyện người trong cung rủ rỉ với nhau. Quan thái úy tả xung hữu đột, hộ giá để thánh thượng thoát khỏi trận hãm ở đất Hạ Lang, lại thọ thương thêm lần nữa. Ông ấy đem thân báo hoàng ân như thế, đều là để Thuần Đức phu nhân được nuôi nấng con trai của nàng. Khanh buồn rười rượi, nước mắt lăn dài trên má. So với công lao của quan thái úy, nàng chẳng bằng được, nên cũng không còn lý lẽ nào để giành thằng bé về. Khanh dừng bút, ngẩn nhơ nhìn về phía Thường Xuân đường của phu nhân Thuần Đức, rồi lại nhìn xuống mấy dòng vừa viết ra giấy. Hình như chữ "nuôi" (養) nhầm thành chữ "bệnh" (癢) mất rồi, nàng thẫn thờ, không rời mắt khỏi chữ viết sai ấy. Một hồi lâu sau, lúc cái Nhài đem thuốc sắc đến, nàng mới lúng túng đưa tay quẹt má, trải tờ giấy khác ra. Lần này, Khanh không dám kể hết mọi sự trong thư, chỉ viết mấy chữ hỏi thăm dì Miên và con Cầm độ này thế nào, kế đến báo tin chuyện sinh nở đã được mẹ tròn con vuông. Tờ thư cũ, nàng vò nát, tiện tay ném vào chậu than sưởi đặt gần đấy.

"Bẩm bà, mời bà xơi thuốc cho nóng ạ." Cái Nhài lễ phép đặt khay xuống bàn.

"Cứ để đấy. Ta chả có lòng dạ nào mà thuốc với thang." Nàng ai oán.

"Kìa.... bẩm bà, tôi vâng lệnh phu nhân sang bên này trông nom bà, bà không uống thuốc, phu nhân biết được thì kẻ dưới chúng tôi sẽ lại bị quở. Bà thương phận con sâu cái kiến như chúng tôi với ạ." Nhài vội quỳ mọp, lạy nàng mà khóc lóc sùi sụt.

Khanh nhìn cung nữ đang quỳ khóc mà mủi lòng. Nàng phủ thiếp gác bút, rồi chậm chạp cầm bát thuốc lên uống. Thuốc vừa đắng vừa chua làm nàng như muốn nôn ụa, nhưng bụng bảo dạ phải cố uống hết. Lúc bát thuốc đã cạn, nàng đặt lại lên bàn. Đoạn, nàng bỏ vào trong buồng, ôm mặt khóc thút thít.

"Bẩm bà..." Cái Nhài cuống cuồng đi theo. Nó quỳ xuống, rụt rè.

"Ta uống hết rồi, các người còn muốn gì nữa. Các người hành ta chưa đủ hay sao?" Khanh giận dữ, nàng quát lên.

"Bẩm bà, bà có cho tôi mới dám mở lời." Nhài điềm đạm. Thấy Khanh nén tiếng khóc, ngồi thẳng thớm lại, tỏ ý muốn nghe, cô cung nữ mới đánh bạo nói tiếp. "Tôi theo hầu phu nhân Thuần Đức từng đấy năm, thấy bà từ lúc vào cung đều nhún nhường nhẫn nhịn, đối đãi với kẻ dưới không bạc, nên tôi kính bà vài phần. Lệnh bà thương yêu hoàng tôn như con ruột nhưng cũng chỉ được công nuôi dưỡng. Bà dẫu sao cũng có công mang nặng đẻ đau ra hoàng tôn, sau này cậu ấy lớn khôn, còn điện hạ còn phu nhân ở đấy, làm sao cậu ấy không giữ hiếu đạo với bà được? Cớ gì bà lại thân làm tội đời, ôm rơm rặn bụng, chẳng những cái thân bà tổn hại, mà điện hạ cũng mất hứng, không muốn đến Sùng Hoa đường nữa".

Mấy lời của Nhài làm Khanh nín bặt. Nàng thở dài. Kỳ thật những điều này sao nàng lại chưa nghĩ đến cho được, nhưng nỗi ấm ức trong lòng làm nàng bí bách mà không biết tỏ cùng ai nên mới cư xử thất thố với người trên kẻ dưới như thế. Giờ nghe Nhài khuyên nhủ, nói lẽ thiệt hơn, cơ hồ nàng mới nguôi ngoai được đôi phần.

"Em đứng lên đi." Nàng ra lệnh.

Nhài tuân theo, lễ phép đứng nép sang một bên. Khanh nhìn đứa cung nữ chăm chú. So với Xuyến, Nhài ít nói hơn, nhưng cặp mắt lại rất sáng. Lúc trước, nàng nể mặt phu nhân, cũng là quen nết nhẫn nhịn nên đối đãi với cả hai đứa hậu hơn người khác, chẳng nghĩ đến có ngày lại được nghe mấy lời khuyên nhủ hợp tình hợp lý thế này. Nhưng nàng vẫn nhớ Nhài là cung nữ của Thường Xuân đường nên trong lòng còn mấy phần kiêng dè.

"Phu nhân dạy em nói mấy lời này với ta hử?" Nàng hỏi, thầm nghĩ cứ hồ nghi mãi chẳng bằng nói toạc cho xong.

"Bẩm bà, mấy lời này là tôi thương bà nên mới đánh liều... Tôi nom bà khổ sở vì chuyện của hoàng tôn, lại nghĩ đến phận mình, cũng đều là phận bọt bèo nổi trôi, thấp cổ bé họng." Nhài thật thà. Nét mặt nó buồn rầu, cơ hồ lúc tâu bày với nàng thế này, nó cũng nhớ lại lúc còn ở ngoài dân gian, tha hương cầu thực.

"Ta đã tỏ rồi." Nàng thở dài, lấy ra mấy đồng tiền đặt vào tay Nhài. "Cái này thưởng cho em".

"Bẩm bà, tôi không dám. Tôi..." Cái Nhài chối đây đẩy.

"Ta cho, cứ cầm lấy, giữ mà làm vốn liếng sau này." Khanh quả quyết, dúi tiền vào tay đứa cung nữ. "Ta ở trong cung, cô thân cô thế, nào có mấy ai giống em, đoái hoài đến mà thương xót ."

Khanh cười nhạt. Nàng tủi thân, thương cho chính mình. Giá thử ngày ấy biết trước được vào cung cấm sẽ phải sống đời khổ sở thế này, nàng đã không ướm chân vào hài làm gì. Điện hạ... giờ đã kết nghĩa phu thê, nàng nặng lòng với vị ấy, nhưng vị ấy nào để tâm đến. Vị ấy đưa nàng vào cung cốt chỉ vui thú trong chốc lát, chồng chúa vợ tôi chứ nào được duyên cầm sắt như nàng mong cầu.

"Trông người lại ngẫm đến mình, chỉ sợ ngày sau phận ta cũng đồng một thể với phu nhân Trần thị." Nàng buột miệng.

Cái Nhài cúi đầu không dám nói thêm gì. Trong cung này chẳng ai dám bàn về phu nhân Trần thị, bàn trước mặt nàng phủ thiếp lại càng không. Đấy là chuyện cấm kỵ người ta ngầm biết với nhau. Nhài lúng túng vì bỗng dưng Khanh nhắc đến, nhưng rồi nó chợt nhớ ra, nàng cùng quê với người đàn bà kia. Trần thị sinh ra hoàng thái tử, để rồi cuối cùng, cả đời vẫn mang danh phận là vợ một ông quản giáp quê mùa. Những chuyện oái oăm trong cung cấm, từ chuyện ngày trước, lúc còn đang ở ngôi trữ quân, thánh thượng phải lòng con gái quan ngự sử, cho đến chuyện sau khi người nối ngôi mới đi tìm người con gái ấy, cả cái danh con gái kẻ tội thần nàng ta gánh trên vai, cứ nửa kín nửa hở đến tai Nhài. Dẫu chỉ nghe điểm xuyết vu vơ, nhưng nó cũng mơ hồ nhận thấy điềm gở ẩn hiện trong lời Khanh vừa thốt ra.

*

* *

Độ nửa mùa trăng sau, kinh thành nhận được tin thắng trận. Quân triều đình đánh vào động Vật Ác, bắt sống được Can Lộc. Đại quân lưu lại lộ Thượng Nguyên thêm vài ngày dưỡng sức, rồi lên đường hồi kinh, kịp về trước Tết nguyên đán. Khắp nơi đều như mở hội, trong ngoài cung từ già đến trẻ, đàn ông, đàn bà, ở nhà lẫn ngoài chợ, ai ai cũng kể cho nhau nghe như thế.

"Hôm qua, thiếp có thấy người dưới thưa lại ạ." Phu nhân Thuần Đức tự tay rót nước chè vào chén quân, dâng lên hoàng thái tử. Vừa lúc ấy, Càn Nguyên cũng ọ ẹ tỉnh giấc.

"Ừ." Mục Huyền nhàn nhạt, nét mặt chàng nom không vui.

"Bẩm điện hạ, thiếp trông như chàng không vừa lòng." Nàng dè dặt.

"Thánh thượng bắt được họ Can kia thì cũng thọ thương." Chàng nhấp một ngụm nước chè rồi đáp.

"Chết nỗi, sao thiếp lại không nghe thấy ai nói gì?" Càn Nguyên khóc to hơn, xen cả vào cuộc chè nước của Thuần Đức với hoàng thái tử. Nàng toan gọi cái Xuyến vào trong buồng xem thằng bé thế nào, nhưng rồi nghe thấy giọng Khanh khẽ khẽ dỗ con, nàng lại thôi.

"Chuyện này hệ trọng, khu mật viện giữ kín như bưng. Nàng nghe rồi để đấy thôi, chớ hé răng cho người khác biết." Mục Huyền dặn dò. Kỳ thực là thánh thượng bị thương nặng nên đại quân mới phải hồi kinh chậm trễ tận mười ngày, nhưng chàng cũng không muốn bàn thêm với vợ. Đoạn, chàng uống thêm ngụm nước chè nữa. "Bệnh tình của Càn Nguyên sao rồi?"

"Bẩm điện hạ, đã đỡ sốt rồi ạ. May có em Khanh sang bên này trông nom mấy hôm." Thuần Đức nghĩ ngợi một hồi, nàng lén nhìn về phía buồng, sau đấy hạ giọng xin cho Càn Nguyên được sang Sùng Hoa đường vài ngày.

Mục Huyền gật đầu. Dạo này chàng bận bịu chính sự, lo toan việc giám quốc nên không đến Sùng Hoa đường nữa, người trong cung Long Đức cũng chẳng ai bẩm báo chuyện gì, thành ra chàng quên bẵng đi nàng phủ thiếp. Hoàng thái tử đặt chén quân xuống bàn, rồi chàng hắng giọng nói rằng muốn vào thăm con trai một lúc. Phu nhân Thuần Đức cũng thuận theo, sai cái Xuyến đỡ mình đứng dậy, nàng đưa phu quân vào buồng. Lúc ấy, Khanh đang ôm Càn Nguyên trong lòng, khe khẽ hát ru dỗ thằng bé ngủ ngoan. Thoáng thấy hai người, nàng cúi đầu toan hành lễ nhưng bị phu nhân ngăn lại. Đôi mắt nàng tránh không nhìn hoàng thái tử. Dường như chàng cũng nhận ra cái vẻ hờn mát này nên mới bước đến, tỏ ý muốn bế Càn Nguyên. Đứa trẻ hơi nhăn mày, tưởng sẽ khóc quấy thêm trận nữa, nhưng vừa nhìn thấy chàng, nó lại cười nhểu cả dãi. Chẳng biết có phải do tình phụ tử hay không, chàng chợt nhẹ lòng đi nhiều. Những lo toan, những chuyện triều chính đều tan biến hết ngay lúc ấy. Chàng cố giấu cái nhoẻn miệng, chỉ nhìn chằm chằm vào con, chê nó không biết điều mà khóc quấy phiền đến người lớn. Thằng bé vẫn cười toe toét tay bé tí khua khoắng chạm vào má chàng.

"Cậu ấy là cậu ấy khôn lắm đấy ạ. Ngày thường thiếp với em Khanh bế thì ngoan, mà cứ hễ giao cho cung nữ bế thì kiểu gì cũng phải quấy khóc một trận. Ấy thế lại để yên cho điện hạ bế." Phu nhân Thuần Đức biết Khanh khó xử nên mở lời.

"Ta bận bịu chuyện triều chính, đúng là đã nhãng đi chuyện nhà cửa con cái, may mà có các nàng thay nhau quán xuyến." Đang lúc vui vẻ nô đùa với con, lời lẽ của Mục Huyền cũng dịu đi vài phần. Chàng thuận miệng hỏi thăm Khanh. "Dạo này đã đỡ ốm đau hay chưa?"

Khanh ngần ngừ không muốn đáp lời, nhưng phu nhân Thuần Đức đứng bên đưa mắt có ý giục nàng làm hòa với chàng.

"Bẩm điện hạ, thiếp khỏe rồi ạ." Nàng ngập ngừng.

"Ừ. Mấy hôm nữa, thánh thượng hồi cung, e là cả ta và Thuần Đức lại đầu tắt mặt tối lo liệu chuyện cúng tế ở thái miếu, không trông nom Càn Nguyên được. Nàng đưa con nó về Sùng Hoa đường mấy hôm đi." Chàng hắng giọng.

Vừa nghe thế, Khanh ngây người, nàng ngơ ngác nhìn phu nhân rồi nhìn chàng. Nét mặt nàng hiện rõ vẻ vui mừng, đến nỗi nàng toan quỳ sụp xuống lạy tạ. Thuần Đức cười, vội đưa tay ngăn nàng làm thế. Vị phu nhân đỡ lấy đứa trẻ, dỗ cho nó thiu thiu ngủ để hoàng thái tử về thư phòng. Sau rốt, chỉ còn lại hai người đàn bà với nhau, Thuần Đức mới lựa lời an ủi Khanh.

"Ta biết em giận ta, giận điện hạ. Nhưng ý thánh thượng đã quyết như thế, hai chúng ta trước là phận làm tôi, sau lại là phận con cái, không cãi lời người được. Sau này, em nhớ con thì cứ sang thăm nó, đừng để mẹ con xa cách nhau." Thuần Đức dịu dàng khuyên nhủ. "Còn chỗ điện hạ, vợ chồng là nghĩa tào khang. Cả tháng nay chàng coi sóc việc nước, vất vả lắm nỗi. Em nhún nhường chàng một tí, chớ để già néo dứt dây, khổ thân mình đã đành, còn khổ cả đến con trẻ".

"Bẩm phu nhân..." Khanh lại ứa nước mắt, nức nở. "Em cảm tạ ân đức của phu nhân."

Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, Khanh chưa gặp ai là người dưng nước lã mà đối đãi với nàng tốt như phu nhân Thuần Đức. Nghe mấy lời của phu nhân, nàng chợt nhớ đến lúc vì hờn giận, buồn bực nên trót oán hận người. Dẫu phu nhân chẳng hay biết, nàng vẫn tự thấy thẹn, tự trách mình là kẻ quê mùa, chỉ nhìn sự trước mắt đã vội đem dạ tiểu nhân đi đo lòng quân tử. Thuần Đức vốn thấu hiểu lòng người, đoán được nàng phủ thiếp có vài phần trách cứ mình, nhưng cũng không bắt bẻ, chỉ lựa lời an ủi rồi lại kể chuyện vặt vãnh của hoàng tôn.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro