Chương 10 - 1: Tự cổ thường niên (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

À ơi, à ơi...

Tiếng trẻ con khóc giữa đêm làm Khanh đang thiu thiu giấc cũng vội ngồi bật dậy. Người hầu kẻ hạ ở lại hầu ngủ cho mẹ con nàng có độ dăm người, cứ chia thành tốp hai tốp ba mà đổi phiên với nhau. Chớm sang đông, trời càng về khuya càng lạnh, phải chùng chình một lúc hai cung nữ trẻ măng mới đến bên giường của nàng đợi lệnh.

"Bẩm bà, hoàng tôn lại khóc ạ?" Đứa lớn tuổi hơn đứa ở ngoài màn, khẽ thưa.

"Chả biết thế nào, thằng bé giật mình một cái rồi khóc ầm ĩ. Chị đi lấy cho ta chậu nước ấm với cái khăn sạch, ngộ nhỡ tí nữa nó bú xong lại chớ ra." Khanh uể oải bế đứa con, đoán là nó đang khát sữa, nàng nói với người cung nữ.

Đứa trẻ khóc càng to hơn, Khanh thở dài, nàng xoay người vào trong, khéo léo lật tấm yếm để cho nó ăn. Hoàng tôn quen hơi mẹ, vừa ngậm vào bầu sữa thì tức thì thôi khóc, thun thút nuốt từng ngụm. Nàng phủ thiếp vỗ về con. Đoạn, nàng lại nói vọng ra, hỏi người cung nữ trẻ tuổi hơn đang đứng ngoài màn, xem hoàng thái tử và phu nhân Thuần Đức đã hồi cung hay chưa. Rồi đứa trẻ cũng no sữa, nó cười khúc khích với Khanh lúc được nàng lau mồm lau má cho, hai người cung nữ cũng được lui ra. Khanh đặt đứa trẻ xuống giường, mẹ con nàng thiếp dần đi. Đến giờ Tý, tấm màn che được nhấc lên khẽ khàng, êm nhẹ đến nỗi cả nàng lẫn đứa trẻ đều chẳng hề hay biết. Hoàng thái tử đứng lặng hồi lâu nhìn nàng phủ thiếp đang ôm con ngủ say, gương mặt nàng nhuốm màu mỏi mệt, còn hoàng tôn lại thỏa mãn phủ phê. Chàng toan xoay người đi về thư phòng thì nàng tỉnh giấc.

"Điện hạ..." Nàng lúng túng, hạ giọng vì sợ làm động đến con trẻ.

"Con ngủ lâu chưa?" Mục Huyền ngồi xuống mép giường, chàng ngắm đứa trẻ nằm lọt thỏm giữa đống chăn.

Khanh vội ngồi dậy, nàng khẽ gật đầu. Nét mặt chàng thư thái đi vài phần, rồi chàng tự cởi y phục đang mặc trên người, chỉ giữ lại một lớp áo quần mỏng.

"Điện hạ... Hay là điện hạ sang bên phu nhân. Giường chiếu thiếp nằm đều lôi thôi thế này, con trẻ còn hay khóc đêm... sợ làm phiền đến điện hạ nghỉ ngơi." Khanh ngập ngừng, hơi xấu hổ.

"Ta đẻ ra nó, nằm với nó thì có gì mà phiền hà. Nàng nằm lui vào trong, để ta nằm bên ngoài này." Mấy lời của Khanh làm chàng bực bội, thế là chàng càng quyết ngủ lại ở Sùng Hoa đường.

Đứa trẻ nằm giữa Mục Huyền và Khanh, nhưng chỉ vừa thấy có hơi người cha, nó tức thì xoay đầu về phía chàng. Hơi thở của nó nhè nhẹ, đều đặn. Còn Khanh, nàng nằm ngay đơ như khúc gỗ, không ngủ được nổi vì mải lo bị hoàng thái tử chê trách. Nàng vừa qua cữ, dẫu khỏe lại được vài phần nhưng con mọn đèo bòng, tóc tai quần áo đều chẳng ra làm sao, người luôn ám mùi sữa. Hoàng thái tử ưa sạch sẽ, ngày thường y phục đến giường nằm thường phải xông hương thơm, không thì là ướp hoa, chàng mới ngủ được sâu giấc. Thế nên đêm nay chàng ở lại Sùng Hoa đường, Khanh lại đâm vừa lo vừa sợ. Nàng lo chàng chê cái sự lôi thôi của nàng, còn sợ là sợ con trẻ khóc quấy khiến chàng phiền não mà đâm ra ghét bỏ nó. Khanh đưa tay vỗ về khe khẽ để đứa trẻ ngủ ngon giấc, không dám đến cả thở mạnh. Đột nhiên, trong bóng tối, nàng cảm nhận được bàn tay chàng cũng đang đưa đến, toan ôm hờ lấy cái hình hài bé tí tẹo ấy. Cơ hồ chàng đang còn thức giống nàng.

"Nàng còn chưa ngủ đi?" Chàng nghiêm giọng.

"Thiếp... tưởng điện hạ ngủ rồi... Mấy hôm nay hoàng tôn hay khóc đêm, thiếp không dám ngủ." Khanh mím môi, rồi nàng thành thật.

"Nó hay khóc đêm lắm à?" Đường nét mờ nhạt trong bóng tối khẽ động, Khanh đoán là chàng cúi đầu nhìn con như thể để xem có thật nó quấy hay không.

"Trở trời nên hoàng tôn khó chịu, chứ bình thường hoàng tôn ngoan lắm ạ." Sợ chàng ghét đứa trẻ, nàng vội thanh minh.

"Con thì cứ gọi là con, việc gì phải tránh đi thế." Mục Huyền nhận ra nàng không gọi đứa trẻ như bình thường mà một điều hai điều đều nhắc đến hoàng tôn.

"Xin điện hạ đừng chê trách thiếp, trong cung phàm là tiếng cười cũng còn phải theo lễ, huống hồ..." Nàng ngồi dậy, giọng run run như sắp khóc. "Mẹ nào mẹ chẳng thương con, nhưng phận thiếp hèn kém, thánh thượng vốn đã không ưa, thiếp không giữ lễ thì thằng bé rồi cũng sẽ chịu khổ theo."

Mục Huyền cũng ngồi dậy. Dẫu không nhìn rõ mặt nàng nhưng chàng cũng đoán được nàng đang khóc. Mấy lời nàng vừa nói làm chàng sững người một lúc. Trước đây, chàng thấy Lương thị tháo vát những chuyện bán buôn tủn mủn nên chỉ cho rằng nàng là hạng đàn bà khôn khéo thế thôi, mãi đến giờ biết nàng vì lo chuyện thánh thượng yêu ghét con nên cố giữ ngôn hành từng li từng tí, mới hay nàng chẳng những khôn khéo mà còn suy tính sâu xa, cẩn trọng hơn cả mình. Phàm người như thế, chàng thầm nghĩ, dẫu đàn ông hay đàn bà, bị đẩy vào đường cùng đều gan hơn cóc tía. Chàng thở dài, theo đường nét mờ mờ ảo ảo trong bóng tối mà đưa tay lau nước mắt trên má nàng. Cái giật mình sợ hãi của nàng gợi cho chàng nhớ đến người đàn bà ở Mai Xá năm xưa, mỗi bận bà bị đứa con trai bắt gặp đang ngồi khóc lúc đêm vắng. Nét mặt bà nơi tâm trí chàng giờ đã mờ nhạt đi nhiều, nhưng cái giật mình hoảng hốt thì chàng vẫn còn nhớ rõ. Người đàn bà ấy cũng giống Lương thị, cũng sợ sệt con mình bị người ta ghét bỏ, khinh miệt. Vào ngày cậu con trai của bà được đón về kinh, bà không gọi nó là con nữa. Chàng sớm đã chẳng nhớ đến chuyện này, vì so với những chính sự, nó không đáng. Hoặc giả là nỗi giận dỗi thuở thơ bé làm chàng không muốn nhớ. Mục Huyền chợt thấy sượng sùng, chàng trách oan cho Lương Cơ, và có lẽ oan cho cả người đàn bà kia nữa. Tay chàng cố chạm vào má nàng phủ thiếp, ve vuốt dịu dàng để dỗ dành nàng.

"Chẳng gì cũng là con đầu cháu sớm, thánh thượng đã mấy lần hỏi đến nó rồi." Chàng nói. "Nàng tĩnh dưỡng cho thật tốt, đợi khi con cứng cáp, ta sẽ đưa nó đi diện thánh."

Khanh không đáp, nàng vẫn thút thít khóc lóc, giọng nàng vốn êm nhẹ, giờ nửa nỉ non nửa như nuốt phẫn uất lại, nghe thật não nề.

"Nàng khóc nữa lại làm thằng bé tỉnh giấc đấy." Mục Huyền dỗ ngọt nàng.

"Bẩm điện hạ, thiếp biết mẹ con thiếp phúc mỏng nên chả dám than thân trách phận với ai." Khanh vẫn chưa nguôi cơn hờn dỗi, nàng nghẹn ngào. "Điện hạ ghét bỏ, thiếp cũng cam, nhưng xin điện hạ đoái nghĩ đến máu mủ mà xót thương cho con của thiếp."

"Nói năng hàm hồ. Con của ta, cớ gì ta lại không thương xót nó?" Chàng rút tay, nghiêm giọng.

"Điện hạ... hoàng tôn đến giờ vẫn chưa có tên." Vừa nghe như thế, Khanh tức thì bộc bạch chuyện nàng canh cánh trong lòng mấy hôm nay. "Đấy chẳng phải là người không thích thằng bé nên mới không ban chữ cho nó ạ?"

"Nàng... đúng là đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu, chỉ giỏi cả nghĩ." Hoàng thái tử bĩu môi. Đoạn, chàng bắt nàng xòe bàn tay ra. Ngón trỏ của chàng di mấy đường ngoằn ngoèo vào đấy. "Theo học phu nhân Nguyễn thị cũng được già nửa năm rồi, nàng có đoán ra chữ gì không?"

"Chữ này... thiếp biết." Nàng hạ giọng, trong lòng sửng sốt đến níu cả lưỡi.

"Ta chọn cho nó cái tên này, thế đã đủ thương nó hay chưa?" Mục Huyền cười, chàng lại thả mình nằm xuống giường, tay vòng sang ôm lấy đứa trẻ.

Nàng vẫn ngồi thừ trong bóng tối, bàn tay đang xòe rộng chậm chạp nắm chặt lại như thể sợ mấy nét chữ chàng vừa viết ra sẽ bay biến vào hư không. Càn là trời. Nguyên là nguồn. Chàng chọn hai chữ này đặt tên cho đứa trẻ, chẳng biết vì cớ gì lại khiến lòng nàng dấy lên nỗi bất an.

*
* *

Cái hẹn mười ngày trôi qua tựa chớp mắt, ngày nhà vua ngự giá thân chinh càng cận kề, trong triều càng có lắm lời bàn tán. Bá quan văn võ đều nửa kín nửa hở mà nghị luận đủ mọi điều. Có người lo cho long thể của đức vạn thặng, sợ nơi rừng thiêng nước độc làm tổn hại đến đấng cửu ngũ chí tôn. Lại có kẻ ái ngại vì nghe đến chuyện hoàng thái tử được giao giám quốc, trông nom triều chính lúc thánh thượng vắng mặt. Cũng còn cả lời bất mãn, bóng gió đàn hặc quan thái úy mượn cớ dưỡng thương để trốn tránh việc nước cứ râm ran khắp chốn. Trước ngày xuất chinh ba hôm, thánh thượng cùng các hoàng hậu đến cung Thái Thanh và Cảnh Linh làm lễ tế cáo, hoàng thái tử theo ý của lệnh bà Đàm thị cũng phải đưa vợ con vào dự. Khanh vẫn còn trong cữ, dù phu nhân Thuần Đức đã có lời nói đỡ, nhưng nàng cũng không dám ỷ y mà xin ở lại cung Long Đức. Cách một hôm nữa mới đến ngày tế lễ, nàng phủ thiếp sai người dìu sang Thường Xuân đường để cùng sửa soạn, lo liệu những thủ tục, phẩm vật sẽ đem đi theo. Phu nhân Thuần Đức nhìn bộ dạng nhợt nhạt của nàng mà xót lòng, khuyên nàng về Sùng Hoa đường mãi không được nên chốc chốc lại giục nàng ngồi xuống ghế nghỉ ngơi. Kỳ thực, Thuần Đức cũng đã lo trước, sắm sửa mọi thứ đầy đủ, định bụng để Khanh không phải nhọc lòng thêm, nhưng rồi thấy nàng phủ thiếp cố tính đếm, ghi chép từng tệp cơm nếp, con gà, miếng cau lá trầu... vị phu nhân lại đổi ý, cẩn thận chỉ dạy từng tí một. Năm vừa rồi thủy tai nặng nên không lấy nếp thu từ ruộng ở Ứng Phong nữa, mà đổi sang nếp thu từ ruộng ở Đọi Sơn. Ngày mùng 1 đầu tháng, có chúa động Giáp dâng tặng đôi gà lôi trắng, dùng làm gà cúng cũng khéo. Còn cau trầu, phu nhân cười hiền, quả quyết giao cho Khanh lo liệu, vì nàng têm trầu cánh phượng đẹp có tiếng. Những chuyện này vốn là do các lệnh bà trong cung sắm sửa, nhưng năm nay lệnh bà Đàm thị không được khỏe nên người căn dặn Thuần Đức đứng mũi chịu sào, gánh vác thay mình.

"Lệnh bà còn dặn đi dặn lại ta với điện hạ phải đưa theo em vào cung đấy." Thuần Đức ra hiệu cho cung nữ dọn mấy tờ giấy ghi chép phẩm vật ban nãy gọn lại. Nàng ngồi xuống bên kia cái bàn gỗ, khuôn mặt tươi tỉnh, háo hức kể với Khanh.

"Thế ạ? Em chưa vào cung thành bao giờ, em ngại lắm ạ. Hay là điện hạ với phu nhân cứ để em ở lại cung Long Đức..." Nàng phủ thiếp rụt rè, dẫu trong lòng thấp thoáng nỗi mừng vui lẫn tí ti đắc ý.

"Thế sao được. Chốc nữa ta sai cái Nhài, cái Xuyến sang hầu em mấy ngày. Hai đứa ấy đều theo hầu ta từ ngày ta chưa xuất giá, lễ nghi thế nào, đi đứng ăn mặc ra làm sao chúng nó đều tỏ tường hết rồi." Vị phu nhân cầm cái quạt trên tay, khẽ phe phẩy. Đoạn, nàng nghĩ ngợi một lúc rồi nói thêm. "Em thức đêm hôm chăm bẵm hoàng tôn cũng mệt, hay là cho nó sang bên này tạm một hai tối, ta trông hộ."

"Em sợ con trẻ quấy khóc làm nhọc lòng phu nhân..." Nàng ngần ngừ.

"Cứ khéo lo, ta cũng là mẹ nó, sao lại thấy nhọc lòng được." Thuần Đức vui vẻ.

Nghe thế, Khanh không khướt từ được Thuần Đức phu nhân nữa. Nàng đành xuôi theo, dẫu trong lòng vẫn còn chưa yên. Chẳng gì thì từ lúc sinh đẻ đến giờ, nàng chưa dám rời con đến nửa bước. Phu nhân là người nhân đức, bồng bế chăm nom mẹ con nàng chẳng câu nệ, kể cũng có ơn sâu nghĩa nặng với nàng. Ngày trước phu nhân thai nghén không thành, buồn thương đến giờ vẫn chưa nguôi nên mới quý con trai Khanh chẳng khác nào con đẻ. Ví thử nàng cứ thoái thác mà khư khư giữ lấy con, thì lại ra là người không biết điều. Nghĩ thế, nàng phủ thiếp sai cung nữ theo hầu về Sùng Hoa đường bế hoàng tôn sang giao cho Thuần Đức phu nhân. Nàng nán lại dùng xong thiện, đùa vui với thằng bé cả buổi trưa rồi mới bịn rịn lui đi. Lúc bước đến cửa, nàng vẫn còn ngoái lại nhìn phu nhân đang ẵm đứa trẻ, bụng bảo dạ qua hết hôm nay, sang chiều mai sẽ lựa lời xin đón nó. Tối đấy, Khanh nhớ con đến mất ngủ, nàng lên giường từ đầu giờ Tuất, nhưng nằm trằn trọc một lúc rồi cũng phải trở dậy. Nàng cứ ngồi trên giường, hai bầu ngực căng tức, sữa thấm ướt cả tấm yếm, tay nàng sờ soạng cái gối cái chăn mà thường ngày hay đắp cho hoàng tôn.

Càn Nguyên. Càn Nguyên.

Khanh xòe bàn tay trái, thơ thẩn dùng ngón trỏ tay còn lại mà bắt chước hoàng thái tử, di di mấy nét bút, viết ra hai chữ kia. Con nàng tên là Càn Nguyên, chẳng biết sau này có được học theo thói trong dân gian mà gọi thành cu Nguyên không nhỉ? Nàng vừa nghĩ vừa khẽ cười, rồi nghĩ sang chuyện ngày kia ngày kìa mẹ con nàng vào cung diện thánh, nàng lại thấy bối rối. Tiếng là theo hầu hoàng thái tử lâu nay, nhưng kỳ thực nàng chỉ quẩn quanh trong Sùng Hoa đường với vài bận ra thăm điền trang chứ nào đã được đặt chân vào long phượng thành. Mấy lần hoàng hậu Đàm thị đến cung Long Đức, bà không chê trách nàng điều gì, nhưng khen cũng chỉ như lời đãi bôi. Rốt cuộc, trước người trên, nàng chỉ còn biết nương tựa vào phu nhân Thuần Đức và hoàng thái tử. Cũng may, nàng phủ thiếp ngẫm nghĩ, may mà nàng sinh được hoàng tôn, làm đẹp lòng cả hai vị ấy. Phu nhân đức độ vẫn xem nàng như chị em trong nhà, trước giờ đều đỡ lời, lo nghĩ cho nàng chu đáo. Còn hoàng thái tử, Khanh thấy má hơi râm ran, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nàng vẫn giữ vài phần kính sợ, nhưng từ ngày có với nhau mụn con thì chàng càng lúc càng thân quen hơn. Mấy lần nàng giận dỗi, trách móc, làm mình làm mẩy, chàng cũng mắt nhắm mắt mở cho qua, nhiều lúc lại hùa theo dỗ dành. Đàn bà con gái như nàng, lấy được tấm chồng văn nhã, yêu chiều giống thế thì thật đã mãn nguyện lắm rồi. Thánh thượng không ưa nàng là chuyện rõ như ban ngày, nhưng người ngự ngôi trời, mắt rộng trí lớn lo nghĩ chuyện thiên hạ, hẳn chưa đến nỗi sẽ xét nét cay nghiệt để làm khó cho cái đứa dân đen như nàng. Ngồi vẩn vơ một hồi, Khanh buồn ngủ, nàng đành gác lại những lo âu mà nằm xuống giường. Chẳng mấy chốc, nàng thiếp đi. Sau hàng tháng trời, nàng mới lại được ngủ ngon giấc như thế.

Sáng hôm tế lễ, Khanh dậy từ sớm, mấy ả cung nữ hầu nàng sửa soạn xiêm áo, chải đầu búi tóc, làm đến đâu Nhài và Xuyến đều tỉ mẩn cắt nghĩa cặn kẽ cho nàng cớ gì phải thế này, không được thế kia. Lúc chủ tớ chuyện trò, nàng cũng hỏi thăm gia cảnh cả hai nàng cung nữ. Xuyến lớn tuổi hơn, vốn là con một người họ hàng xa đến bảy đời với phu nhân Phạm thị, vợ quan thái úy, độ lên tám lên chín, đầu còn để tóc trái đào đã được đưa vào phủ hầu hạ cô cả nhà họ Đoàn. Nhài nhỏ hơn Xuyến hai tuổi, quê ở tận Đại Hoàng, năm thủy tai đói kém, con bé theo thầy mẹ tha hương cầu thực, đi đến bến sông Vân lại lạc mất nhau. Năm ấy, Nhài đang lang thang xin ăn ở cảng Phúc Thành vừa hay gặp được quan thái úy từ châu Ái trở ra, ông cưu mang nó rồi đưa theo về kinh. Cả Nhài lẫn Xuyến đều lớn lên cùng phu nhân Thuần Đức, được học chữ đàng hoàng, nên tiếng là người hầu nhưng phong thái lễ nghi am tường chẳng kém gì con gái nhà thế gia. Khi sửa soạn cho Khanh xong xuôi, Nhài lấy ra một miếng vỏ quế, gói vào khăn tay, đưa cho nàng. Thấy nàng ngần ngừ không cầm, Xuyến che miệng, nở một nụ cười. Đoạn, nó mới từ tốn cắt nghĩa, quế đấy để nàng ngậm lúc vào lễ, các vị trong cung đều sùng tín thần Phật nên phàm những dịp cúng tế đều phải theo lệ mà giữ thân tâm thanh tịnh. Trên người thoa sáp thơm, áo quần xông hương tẩy uế là một nhẽ, hơi thở cũng phải thơm tho thì lời kêu cầu mới thấu được đến Phật trời. Khanh à lên, ngày còn ở quê, sang làng bên cạnh xem hội, phải vào đền khấn vái, dì Miên cũng hay bắt nàng dùng khăn che nửa mặt. Nhận miếng vỏ quế từ tay Nhài, Khanh thầm tán thưởng hai nàng cung nữ mà phu nhân Thuần Đức cho sang này. Đúng là cẩn thận từng li từng tí, lo nghĩ đến cả cái nhỏ nhặt nhất để chủ không thất thố. Nàng lấy một xâu tiền thưởng cho hai cung nữ. Lúc đi ra cửa cung, Khanh đã thấy hoàng thái tử cùng phu nhân đứng đợi sẵn, phu nhân đang bế hoàng tôn trên tay. Tiết trời vào cuối thu hơi lạnh, thằng bé được bọc trong tã lụa dày, mình mặc áo lót bông, nom càng thêm kháu khỉnh. Vừa thấy nàng định dang tay ra đón con, hoàng thái tử đã xoay người đi ra kiệu khiến cả mấy tiểu hoàng môn và cung nhân theo hầu phải tất tả nối gót. Phu nhân Thuần Đức thấy thế không dám nán lại nên ôm ghì lấy hoàng tôn mà vội vã rời đi. Khanh ngẩn người, nhưng nghe Nhài khẽ giục, nàng cũng rảo bước. Từ cung Long Đức đến cửa Tường Phù chùng chình mất hơn nửa canh giờ, Khanh ngồi kiệu nhỏ đi sau chót, cách kiệu lớn của Thuần Đức một đoạn, nhưng thi thoảng vẫn nghe được tiếng Càn Nguyên lúc thì o e lúc lại chớm khóc quấy. Lặp đi lặp lại như thế, nàng càng nhớ con mà thêm nóng ruột, chẳng còn lòng dạ để ý xung quanh. Mãi đến khi qua cửa Tường Phù, nghe tiếng quan quân hành lễ với hoàng thái tử rồi cả tiếng cửa lớn từ từ hé mở, nàng mới nhận ra trước mắt mình là long phượng thành. Cung điện lầu các sơn son thếp vàng hiện ra đều bề thế uy nghiêm, sân rồng lát kín bằng đá xẻ, vuông vức, sạch sẽ. Nghe có tiếng chuông văng vẳng từ chốn xa, Khanh giật mình ngước lên nhìn về phía thanh âm phát ra, ánh mắt nàng vô tình lướt qua những lá đề gắn trên mái ngói. Có một thoáng, cơ hồ như mấy ông rồng cuộn mình trong ấy khẽ cựa thân mà liếc xuống. Nàng hơi luống cuống, vội cụp mắt nhìn xuống những ô đá ngang dọc. Nơi này rộng rãi nhưng chẳng biết vì đâu lại làm nàng thấy ngột ngạt. Khanh được dìu xuống kiệu, người cung nữ hầu cận bên cạnh hoàng hậu Đàm thị đã chờ sẵn tự bao giờ. Trời hẵng còn sớm, lệnh bà cho vời cả Thuần Đức và nàng sang cung Thúy Hoa. Khanh vâng dạ nghe theo. Đường đi lối lại trong Long Phượng thành quanh co hơn bên ngoài, qua mấy cửa mở thông rồi điện lớn điện nhỏ mới đến nơi. Hoàng hậu Đàm thị lúc ấy đang xem kẻ dưới chăm nom mấy chậu đào, thoáng trông thấy phu nhân Thuần Đức và nàng, bà quay về ngồi lại trên ghế, nhổ bã trầu vào ống, sau đấy đưa khăn chấm khóe miệng.

"Bẩm lệnh bà, chị em chúng con xin bái kiến lệnh bà ạ." Thuần Đức bế hoàng tôn trên tay nên chỉ hơi cúi người. Nhưng Khanh biết ý, nàng quỳ gối hành lễ.

"Miễn lễ. Kia là hoàng tôn đấy hử?" Hoàng hậu gật gù hài lòng, bà nhìn qua nàng phủ thiếp, sau đấy hỏi Thuần Đức.

"Bẩm lệnh bà, vâng ạ." Vị phu nhân vui vẻ.

"Bế lại gần đây để ta xem nào." Đàm thị ra hiệu cho cung nữ đi lấy ra vòng bạc đã chuẩn bị sẵn làm quà cho đứa trẻ.

Thuần Đức nghe lời, nàng bế thằng bé đang ngủ ngon đến trước mặt hoàng hậu. Đàm thị thấy đứa trẻ giống hoàng thái tử thì nét mặt càng hiện rõ nét mừng vui. Bà nhìn ngắm một hồi lâu, thi thoảng hạ giọng hỏi Thuần Đức về nết ăn nết ngủ của nó.

"Trộm vía, ngoan quá cơ, mặt mũi giống Duệ Văn như lột thế này." Hoàng hậu bồng đứa bé đang ngủ mà khen. Đoạn, bà nhìn đến mẹ nó, giọng điệu mềm mỏng hơn một tí. "Nhà chị nom thế lại đẻ khéo. Chẳng trách lúc trước điện hạ cứ nhất quyết bênh nhà chị chằm chặp. Chốc nữa chớ xuất cung ngay, mấy mẹ con chị em cứ ở lại dùng thiện với ta."

"Bẩm, con tạ ơn lệnh bà ạ." Khanh e dè, nàng lại quỳ gối dập đầu.

"Ừ, nhà chị cũng ngoan ngoãn, biết lễ nghĩa đấy. Thuần Đức hay khen chị, kể ra chả phải chỉ do nó thương người. Thôi, sắp đến giờ làm lễ rồi, hai chị đi theo ta sang cung Thái Thanh cho kịp, kẻo thánh thượng lại trách tội." Nói rồi hoàng hậu Đàm thị trao hoàng tôn cho Thuần Đức phu nhân. Đoạn, bà đứng dậy bước ra kiệu, các cung nữ cùng nội quan cũng vội vã theo sau.

Khanh chật vật đứng dậy. Nàng đang trong cữ, thân thể yếu ớt nên chỉ quỳ một lúc đã thấy gai người vì lạnh. Nhài thoáng thấy nét mặt nàng tái xanh, bèn đưa tay cho nàng vịn. Thuần Đức khẽ vỗ về, dỗ đứa trẻ ngoan, rồi nàng ta hạ giọng hỏi thăm. Nghe Khanh đáp không sao, Thuần Đức mới yên tâm bế con đi. Lúc Nhài dìu Khanh đến cung Thái Thanh, các hoàng thân quốc thích, các quan đại thần đều đã tề tựu đông đủ theo thứ lớp, vai vế rõ ràng. Nàng là đàn bà con gái nên được xếp về chung chỗ với nữ quyến hoàng thất, cách phu nhân Thuần Đức và hoàng hậu Đàm thị một quãng nhưng lại gần chỗ phu nhân của Bảo Quốc hầu nên vững tâm hơn. Lần này tế lễ lớn, thánh thượng vời vị tăng thống họ Phùng đến trì tụng kinh chú suốt ba ngày ở cung Thái Thanh, còn người cũng giữ trai giới nghiêm cẩn trong bảy ngày. Trống và chuông được đánh lên, thánh thượng làm lễ quán tẩy, người nhúng tay vào chậu nước đặt trên giá chạm hình rồng mà rửa ráy thật sạch sẽ, sau đấy lau khô tay bằng khăn lụa rồi nhận mấy nén hương mà tăng thống đã châm sẵn cho chủ tế. Lại một hồi chuông trống, thánh thượng dâng hương nghênh thần, dâng rượu, dâng phẩm vật... lần lượt, tuần tự, lễ này nối lễ kia trơn tru như bao năm nay vẫn làm. Quần thần lẫn quyến thuộc hoàng thất đều đứng nghiêm trang, kính cẩn vái lạy theo chủ tế. Khanh lén nhìn hoàng thái tử, chàng đứng sau thánh thượng, ăn vận triều phục, nom uy nghi hơn ngày thường ở trong đông cung. Dân đen như nàng có được dự vào cuộc tế lễ thế này, mới hay các vị ăn trên ngồi trốc cái thiên hạ này mặt ngang mũi dọc ra làm sao. Họ khác với người quê nàng nhiều quá, mà chẳng phải chỉ vì họ đắp lên người quần là áo lụa hay đủ thứ vàng bạc nên khác. Ai nấy quanh nàng đều có uy phong riêng của kẻ bề trên, đến cả mấy cô công chúa tuổi mới lên tám lên chín đứng bên các hoàng hậu cũng toát ra một vẻ hơn người. Chợt, nàng nghĩ đến con trai mình, mắt nàng lén nhìn về phía phu nhân Thuần Đức. Nếu ngày sau thằng bé lớn khôn, nó cũng đứng ở nơi này, thì nó có giống những vị ấy hay không? Trong lòng nàng thoáng buồn, nàng thèm được bế nó quá. Đương lúc Khanh ngẩn ngơ vu vơ, đột nhiên nàng nghe thấy có tiếng ầm ầm vọng từ ngoài vào làm vua quan đều nhốn nháo. Viên tiểu hoàng môn hớt hải chạy đến tâu với thánh thượng, sét vừa đánh xuống điện Càn Nguyên, làm vỡ mất một mảng ngói to. Điềm trời. Nhất định trời đang gieo điềm. Thánh thượng nhìn tăng thống, người nheo mắt như thể đang chờ nghe ý vị sư. Thế nhưng vị sư lại giữ im lặng, chỉ cúi đầu niệm một tiếng "Mô Phật!", rồi nhắm mắt lần chuỗi hạt trên tay. Lễ tế vẫn tiếp tục, có chăng là lòng người mỗi mỗi đều như mặt nước, dậy sóng vì bị người ta ném xuống viên đá to.

Chú thích: 

(1) Tự cổ thường niên: Một câu trong bài "Thị tịch kệ" của Diệu Nhân ni sư, có nghĩa là "lẽ xưa nay vẫn thế".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro