Chương 7 - 2: Tiết sương giáng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đoàn Ngạn chỉ bị phạt mấy hèo. Đúng là tốt số hơn bố giàu, Huy Vũ lẩm bẩm, miệng vẫn nhai trầu, cả mình chàng lắc lư theo nhịp phu khuân võng bước đi. Đang yên đang lành, Can Lộc dấy binh làm loạn, để đám chúa động và dân giáp mạn bắc té nước theo mưa, cũng lật lọng chống lại triều đình. Cứ có can qua là họ Đoàn ắt được phen trở cờ, Vũ nhìn sang tay lái buôn đang trầm ngâm đi sóng bước với võng của chàng. Nãy giờ, mặc cho chàng chửi đổng thằng Ngạn, Nhữ Dương vẫn chẳng mở lời. Anh ta nom như không để tâm đến chuyện thiên hạ mà mải mê ngẫm nghĩ việc khác. Cũng phải, Vũ nhổ một bụm nước trầu xuống đường đất xiên xẹo đầy vệt nắng chiều, thằng đầy tớ bê tráp theo hầu vội đưa khăn lau, họ Chu có đi buôn xuôi ngược thì cũng là dân đen, chắc chẳng tránh được chuyện ngại đến chỗ cửa quyền. Võng kiệu dừng trước cửa cung Long Đức, viên nội thị độ mười ba mười bốn tuổi đợi sẵn từ sáng nhanh nhẹn dẫn đường cho Huy Vũ và Nhữ Dương đến thư phòng diện kiến hoàng thái tử.

"Anh đi sau ta, bao giờ điện hạ hỏi đến mới được đáp lời, tránh cho bị quở là phi lễ." Vừa bước lên bậc thềm, Vũ vừa hạ giọng nhắc.

Viên nội thị đã quen việc, đi đến cửa thư phòng thì dừng. Cậu khom lưng, chắp tay thưa với điện hạ, nghe có tiếng vọng ra cho vào, cậu mới dám bước sang một bên nhường lối cho Huy Vũ. Trời về chiều nắng đã nhạt bớt nhưng hơi oi ả vẫn chưa tan, sau một quãng dài đi từ phủ Đông Chính hầu sang cung Long Đức nóng như vỡ đầu đến nơi, bước vào gian nhà, cả hai chàng thanh niên đều thấy mát mẻ. Thư phòng của hoàng thái tử là chốn trang nhã nên chẳng ai bảo ai, thảy người ta đều nhẹ chân nhẹ tay, cả thở cũng không dám thở mạnh. Huy Vũ ngửi thấy mùi hoa bưởi thoang thoảng, chàng lấy làm lạ. Trước giờ anh họ chàng ưa dùng trầm hương để xông, lại còn phải là loại rõ mùi quả lê mà đám khách buôn người Tống hay dâng lên lúc chúng sắp đưa thuyền vào bến lớn. Hoàng thái tử thích của đấy, thích đến độ mỗi bận chàng được vời vào cung Long Đức, chẳng lần nào là không ngửi ra cái mùi gỗ trầm thơm đậm vương vít, dắt dìu theo hương lê ngòn ngọt, man mát dỗ cho người ta khoan khoái. Có chăng mỗi hôm nay lại chẳng thấy đâu. Chàng nhìn sang Nhữ Dương. Họ Chu đương dè dặt, len lén đưa mắt xem một lượt xung quanh. Trong cung nom cũng không khác mấy ngoài dân gian, mỗi cái là đồ đạc bày biện khéo hơn, lại được nương theo thiên tử mà đều trở thành thứ uy nghi. Cõi tĩnh lặng của chốn thư phòng bị tiếng bước chân xé toạc, Huy Vũ ngó nghiêng, nheo mắt nhìn qua tấm mành tre, chàng thấy bóng người thấp thoáng.

"Đến rồi đấy à?" Mục Huyền nhấc mành bước ra, vẻ như là đang hỏi Vũ, nhưng kỳ thực nhìn sang anh thương buôn.

"Tôi bái kiến điện hạ." Vũ cười, chắp tay cung kính bái chào đúng lễ. Đoạn, chàng ngó sang Nhữ Dương, ý muốn nhắc khéo anh ta học theo mình. "Bẩm điện hạ, người này là người tôi đã thưa với điện hạ dăm hôm trước. Họ Chu, tên Nhữ Dương, quê ở Hải Thanh."

"Tôi xin bái kiến điện hạ." Nhữ Dương kính cẩn. Chàng theo lời dặn của Vũ, không dám nhìn thẳng vào mặt hoàng thái tử, mắt đánh xuống dán chặt mấy ô đá lát dưới chân.

"Ra đây là người dâng tranh." Mục Huyền nói với cậu em họ, rồi chàng thả mình ngồi xuống ghế, đợi viên nội thị thân cận dâng chè nước, cau trầu. "Ta nghe Vũ bẩm lại, nhà anh có việc oan khuất, muốn nhờ cậy ta."

"Bẩm điện hạ, đúng là thế ạ." Chàng thương buôn vội đáp. "Chuyện này can hệ đến anh trai tôi, nay phận dân quê, áo ngắn rũ chẳng nên dài, may nhờ ông Vũ đây có lời mới gặp được điện hạ, cúi xin điện hạ đèn trời soi xét cho anh ấy."

"Thế hử?" Mục Huyền nâng chén nước chè, Thận đứng bên cạnh bổ cau têm trầu cho chàng.
Câu hỏi của Mục Huyền làm cả Nhữ Dương và Huy Vũ ngẩn người. Riêng anh thương buôn thì còn thêm chột dạ, vì không rõ có lỡ mồm câu nào chăng. Đợi mãi mà hoàng thái tử không nói gì thêm, Dương lại đâm nóng ruột, chàng len lén nhìn sắc mặt người đang ngồi trên ghế. Mãi lúc này, Dương mới rõ dung mạo trữ quân mặt ngang mũi dọc ra làm sao. Mục Huyền tuấn tú giống như lời đồn trong dân gian. Tuấn tú, chàng nghĩ, nhưng không phải người khoáng đạt, dễ kết thân giống Huy Vũ. Đôi mắt hẹp vừa, nom có thần và sáng, hiềm nỗi chẳng để lộ ra mảy may chút hỉ nộ ái ố nào, chỉ là một đôi tròng đen trắng chia rõ để người ta biết tâm địa vị ấy không xấu mà thôi. Lúc thoáng bắt gặp ánh nhìn lén lút của Dương, cặp mày kiếm nghiêm nghị khẽ nhíu rồi lại giãn ra, hoàng thái tử xoay người rót thêm chén nước chè nữa. Đoạn chàng hỏi quan chi hậu đang têm trầu về chuyện thuyền buôn gặp nạn ở cửa Kỳ Hoa. Loáng thoáng là thuyền đấy gặp cướp, nhưng sự thể thế nào thì quan chi hậu cũng chẳng rõ. Có khi do đám dân man mọi cấu kết với nhau mà ra... Dương lại cúi đầu, chàng ngẫm nghĩ một hồi. Hình như mấy tháng trước, mạn phía Nam có loạn. Cả trăm đứa cướp phá một hương trong Nghệ An, sau đấy được đà kéo ra đánh chiếm cửa biển, triều đình đã cho quan quân đi dẹp yên. Chàng thương buôn nghe phong thanh như thế. Nhưng dẹp yên rồi thì sao thuyền qua lại đám đấy vẫn gặp nạn? Nhữ Dương không lăn lộn chốn quan trường, chàng thích đi buôn hơn, dẫu thế, chàng chẳng phải kẻ ngu dại, mũ ni che tai để chuyện cửa quan cửa quyền thành gió thoảng qua. Cánh thương buôn các chàng, muốn yên ổn làm ăn thì cũng phải dựa vào ông quan ông tướng mới xong. Lưỡng lự một hồi, chàng đợi khi hoàng thái tử đã dặn ông chi hậu để ý tin báo về từ mạn Nam xong xuôi, mới ngần ngừ toan mở lời, nhưng lại bị Huy Vũ khẽ lắc đầu can ngăn.

"Nhữ Dương này, anh đi buôn chuyến xa nhất đến được đâu?" Đột nhiên, Mục Huyền nhấp một ngụm nước chè rồi hỏi.

"Bẩm điện hạ... bắc thì tôi đến châu Đặc Ma, nam thì xuôi xuống Tam Phật Tề." Chàng thương buôn đáp.

"Anh cũng là tay to gan lớn mật đấy." Hoàng thái tử bật cười khen.

"Bẩm điện hạ, có chí làm quan có gan làm giàu, tôi không có chí làm quan như anh Mân, thì đành phải có gan làm giàu." Nhữ Dương khéo léo nhắc đến anh trai chàng. "Kể cũng nhờ tổ tiên phù hộ, nơi đất khách quê người chẳng đến nỗi bơ vơ."

"Nhà anh ấy à, cái gan ấy mà còn có chí làm quan thì mấy ai bì kịp." Đoạn, Mục Huyền nói tiếp. "Nhưng đi khắp chốn buôn bán như anh, kể ra nghe cũng thú đấy. Hay là sang năm ta góp vốn cho anh đi một chuyến đến Phật Thành, anh thấy thế nào?"

Nhữ Dương khẽ giật mình. Hoàng thái tử hỏi, nhưng kỳ thực đang ướm xem chàng có nghe theo người sai bảo hay không. Phật Thành, Phật Thành... chàng nhẩm đi nhẩm lại trong đầu, chẳng lẽ mấy lời chị Thụy Khê dặn dò trước lúc chàng lên kinh là thật? Anh Mân chịu tội, bị giam trong ngục vì nghe ngóng từ mồm đám người man chuyện gì hệ trọng? Giờ điện hạ lại ngỏ ý muốn chàng đến Phật Thành, phải chăng để...

"Nhà anh không cho thì ta cũng không bắt tội như anh giai anh." Mục Huyền cười, chàng xua tay tỏ ý lời vừa rồi chỉ bâng quơ cho vui.

"Bẩm điện hạ, tôi là thương buôn sao dám chê tiền. Chẳng hay điện hạ muốn chia lỗ lãi thế nào? Tôi còn liệu đường tính toán mới dám quyết." Nhữ Dương khẽ hít sâu, chàng nói một hơi, đoạn ngẩng lên nhìn thẳng vào hoàng thái tử. Vị này nét mặt hòa nhã, nhưng trong mỗi câu đều ẩn tàng ý tứ sâu xa, chẳng trách chị Thụy Khê biết chàng đến cậy nhờ cung Long Đức lại vội sai người làm trong nhà vội vã đưa thư dặn chàng phải thận trọng.

"Thua lỗ thì ta chịu, lãi thì anh hưởng tất." Biết chàng thương buôn đang nhìn mình, hoàng thái tử càng lấy làm ưng ý với cái tính bạo gan này của chàng ta. "Chỉ cần anh về kinh thì vào cung kể cho ta nghe chuyện đi bán buôn, gọi là mua vui lúc ta nhàn rỗi."

Huy Vũ đứng một bên, chàng nghe đến đây mới vỡ ra ý của hoàng thái tử. Nhưng vỡ ra rồi lại đâm lo cho họ Chu kia. Chẳng rõ anh ta có biết đường ăn nói ra hồn hay không. Chàng toan góp lời đỡ mấy câu, lại chẳng ngờ chưa kịp mở mồm đã nghe thấy Nhữ Dương đối đáp chắc như đanh đóng cột. Anh ta đi. Chẳng những đi, mà còn quyết phải dâng cho hoàng thái tử ba phần lãi. Tựa hồ là cái người này nắm chắc chuyến xuôi Nam về Phật Thành ấy không có chuyện lỗ vốn, dẫu anh ta còn chưa dong buồm. Nhìn Nhữ Dương thưa bẩm chắc nịch với trữ quân, Huy Vũ đâm hiếu kỳ, nhưng cũng đành bấm bụng, đợi đến lúc rời cung Long Đức sẽ hỏi thêm. Đương khi cuộc đối đáp giữa hoàng thái tử và chàng thương buôn còn dang dở, quan chi hậu ban nãy được sai ra ngoài giờ trở vào thư phòng. Anh ta cầm tráp gỗ trên tay, đoạn cung kính trình lên trữ quân, của phu nhân Lương thị phụng lệnh hoàng hậu Đàm thị đem về. Đấy là chuyện nhà. Huy Vũ nghĩ thế, nên chàng giữ ý mà cáo lui trước, không quên đưa mắt ra hiệu cho Nhữ Dương làm theo. Trong một thoáng, chàng nhận ra cái tay thương buôn ấy cơ hồ vẫn còn ý muốn nấn ná thêm, nét mặt lúc trước còn hừng hực hùng tâm, giờ lại điểm vài phần ảo não. Nhữ Dương dùng dằng mãi mới quyết đứng lên cáo từ hoàng thái tử, nhưng bước chân của chàng chậm chạp hơn hẳn.

Lương thị...

Là Khanh, Khanh của chàng.

Nhữ Dương nửa mong nhìn được nàng một lần, nửa lại cầu không phải chạm mặt. Lúc trước ở Vọng Hương Lâu, chàng biết nàng đã kịp nhận ra mình, hôm nay vào cung diện kiến trữ quân, kỳ thực cũng thoáng nghĩ về nàng, nhưng chẳng dám tưởng đến chuyện đứng gần hay nghe hoàng thái tử nhắc tên nàng. Anh Mân có lần vu vơ kể rằng thánh thượng chỉ chiều ý con nên mới cho đón Khanh vào cung, trong lòng người vẫn còn ý chê trách mới không ban hiệu, khi nãy nghe quan chi hậu tâu trình chàng lại càng chắc lời anh nói chẳng sai. Hoàng thái tử dễ là bằng mặt không bằng lòng với nhà họ Đoàn. Khanh... còn Khanh, chàng buồn bã, nàng chẳng khác nào con sâu cái kiến lạc vào chốn này, cô thân cô thế mới bị thằng Ngạn kia khinh nhờn. Thấy Nhữ Dương chậm chạp, Huy Vũ sốt ruột, chàng ta mặc xác cái tay thương buôn này ảo não, cứ xăm xăm kéo tuột anh ta đi thẳng ra về. Nấn ná thêm, khéo lợn lành thành lợn què, hoàng thái tử mỗi bận xử trí chuyện nhà đều đá thúng đụng nia, thói đấy chàng còn lạ gì. Thế nên, chàng nghe anh họ nói một câu cho lui tức thì co giò dông thẳng.

"Lệnh bà trong cung độ này có khỏe không?" Đợi khi khách rời đi, Mục Huyền bước lại án thư, chàng đặt tráp gỗ sang một bên.

"Bẩm điện hạ, tôi hỏi phu nhân thì nghe chừng lệnh bà vẫn than đau đầu." Thận chắp tay thưa.

"Lệnh bà chắc cũng lo nghĩ nhiều mới ra thế." Hoàng thái tử thở dài.

"Bẩm... thư trong tráp là của viên ngoại trình lên lệnh bà. Tôi nghe lính thưa lại, độ này châu Nghệ An đã yên ắng. Điện hạ để họ Chu đến Phật Thành, có phải người dè chừng quân Chiêm?" Quan chi hậu nghĩ một lúc mới dám hỏi.

"Chẳng những là quân Chiêm mà còn cả quân Tống nữa." Cầm bút lông lên, Mục Huyền chấm vào nghiên mực vừa mài. "Tháng Chạp năm ngoái có tin truyền về, Chế Nan Đa đã cho sứ giả sang chầu vua Tống, lấy cớ dâng voi trắng. Vừa khéo lúc chúng rời đi thì Can thị làm loạn, Can thị vừa bị dẹp yên lại đến phiên Phù Nam. Nhiễu loạn liên miên. Cẩn tắc vô lo, ta để họ Chu đi Phật Thành cũng chỉ để xem Chế Nan Đà định làm gì".

Thận thở dài. Hoàng thái tử tính toán thiệt hơn như thế, kể cũng chẳng sai. Nhưng ngộ nhỡ vua Chiêm muốn dấy binh làm loạn thật, thì rồi sơn hà sẽ gặp phen nghiêng ngả. Quyền bính còn trong tay quan thái úy, mà hiềm khích giữa hoàng thái tử với họ Đoàn ngày một sâu, lâm vào cảnh ấy chỉ e... Đương lúc Thận nhủ thầm như thế, anh lại nghe trữ quân hỏi đến chuyện chọn thêm võ quan.

"Bẩm điện hạ, tôi đã trình sớ tấu lên thánh thượng. Người xem xong chỉ dạy nên lui lại dăm ngày để quan binh ở các lộ được ăn rằm rồi sai quan nội thị truyền chỉ cho binh bộ cứ y theo ý điện hạ trình trong sớ mà làm." Thận thuật lại.

"Thế là phải đợi sang cuối tháng Giêng mới mở hội được hử?" Mục Huyền hỏi. Đoạn, chàng cũng chẳng đợi nghe quan chi hậu đáp, lại nói thêm. "Thôi cũng đành".

Mục Huyền phẩy nốt một nét cuối lên giấy. Dẫu thi võ trạng phải đến thánh Giêng, nhưng như thế biết đâu lại là chuyện tốt? Chàng vừa nghĩ vừa thảo ra mấy chữ "Địa thắng di trần sự, thân nhàn niệm tuế hoa"(1). Ra Giêng rõ sẽ lắm chuyện hay, khuôn miệng chàng thoáng hiện ý cười. Ngày hôm ấy, vừa khéo vào tiết sương giáng, trong mấy thứ lệnh bà Đàm thị đưa sang cung Long Đức, có thêm một đĩa chè con ong. Mục Huyền nhìn qua đã hiểu ý bà gửi gắm, cũng nhân lúc trong lòng thư thái mà tự tay đem đến Thường Xuân đường cho Thuần Đức. Nàng thích ăn chè này giống chàng, thế nên bữa cơm tối hôm ấy nàng ăn được nhiều hơn ngày thường.

"Điện hạ, không còn sớm nữa." Nghe tiếng trống điểm canh đêm, Thuần Đức khẽ nói.

"Ừ, cũng nên đi nghỉ rồi." Mục Huyền gấp quyển sách trên tay lại, chàng đặt nó ở góc sập gỗ, toan bước xuống đất. Nhưng rồi thấy Thuần Đức vẫn ngồi im trên sập, nét mặt bồn chồn, chàng hỏi thêm. "Nàng có gì muốn thưa bẩm? Hay là trong mình không khỏe?"

"Thiếp... thiếp đang thai nghén, sợ hầu hạ không được chu đáo, chẳng bằng... chằng bằng điện hạ sang bên em Khanh." Nàng cúi đầu, tránh né ánh mắt chàng, giọng nàng nhỏ dần thành tiếng lí nhí chẳng rõ có lọt vào tai chàng được hay không.

Mục Huyền chau mày. Cái thư thái chàng đem theo lúc đến đây giờ bay biến, nỗi ngán ngẩm sống sượng lại ập vào thế chỗ, giống nhiều bận khác. Dáng vẻ phong tình của Lương thị thoáng lướt qua trong đầu Mục Huyền, như thể trêu ngươi chàng, để chàng đem ra so đo với Thuần Đức đang ngồi trước mặt dẫu hơn kém đã rõ như ban ngày. Chàng định chiều theo ý nàng mà đến Sùng Hoa đường, nhưng vào đúng lúc chàng vừa thầm quyết, tiếng ho húng hắng của nàng lại níu chân chàng. Thì thôi, chàng thở dài tự nhủ, trời sinh tính nàng khéo quá hóa vụng như thế mới hay làm chàng mất hứng, cứ chấp nhặt vào để lạnh nhạt với nàng cũng không phải nhẽ.

"Đã muộn rồi còn rình ranh bên này bên kia, bắt tội kẻ dưới làm gì? Chị em các nàng có thương nhau thì cũng thương cho phải lúc." Nói rồi, Mục Huyền vươn vai, chàng đi vào buồng ngủ, trong đấy giường nệm đã trải sẵn phẳng phiu. Mùi hoa thơm thoang thoảng lúc đậm lúc nhạt len qua khe cửa, mang theo cả hơi lạnh của tiết trời lúc đã giáng sương khiến chàng thấy dễ chịu.

Mục Huyền đặt lưng xuống giường nhưng chưa ngủ được ngay, chàng nắm nghĩ vẩn vơ những chuyện triều chính rối mù. Thi thoảng đầu buông lơi, không nghĩ đến quan thái úy, đến võ trạng, đến Phật Thành hay người Tống nữa, thì chàng sẽ nhìn về phía cửa buồng, chờ Thuần Đức. Chàng cứ nghĩ rồi lại chờ như thế, vần vò một lúc, mãi khi bên người cảm nhận được hơi ấm của nàng, chàng mới thiu thiu sa vào giấc nồng. Hình như lâu lắm rồi chàng mới nằm cạnh nàng mà lòng yên ả thế này. Trong khoảng chập chờn nửa mê nửa tỉnh, trước lúc hai mí mắt nặng trĩu khép chặt, chàng khẽ đặt tay lên bụng nàng, dịu dàng như chạm vào của trân bảo quý giá nhất trần đời. Là trai hay gái cũng có hề gì, chàng nghĩ thế, rồi ngủ thiếp đi, chẳng bận tâm Thuần Đức vẫn đang trằn trọc. Nàng không dám trở mình, đến cựa nhẹ cũng không dám, vì sợ làm chàng thức giấc. Cách một lớp chăn, nàng vẫn cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay chàng áp nhẹ lên bụng mình. Đấy là lần đầu tiên chàng chạm vào nàng, trừ những lúc chăn gối. Hoàng thái tử vốn nhạt tình với nàng, cố nhiên nàng biết duyên cớ. Vì biết nên đến cả khi ngủ nghê cũng không dám suồng sã. Nàng giữ lễ, yên phận làm vợ, hầu hạ chàng chu đáo, quán xuyến hết việc lớn nhỏ của đông cung, cốt chỉ để chàng không phải nhọc lòng thêm, tránh rầy rà liên lụy đến nhà đẻ. Thế nhưng, cũng có lắm bận nàng thấy tủi trong lòng, buồn cho cái danh vợ chồng nặng nghĩa mà nhẹ tình của mình. Hơi thở đều đều của chàng phả vào cổ nàng, làm cả người nàng khẽ run rẩy ngượng ngùng. Ngượng nhưng thích. Đàn bà ai chẳng thích được gần gũi chồng con? Môi nàng khẽ nở một nụ cười kín đáo, trong lòng len lói nỗi mừng vui. Chàng đến đây rồi nghỉ lại, thế có phải là chàng đã nguôi giận chuyện em trai nàng càn quấy ngoài chợ cửa đông, mạo phạm Khanh hay không? Thuần Đức khẽ thở dài. Nàng nghĩ miên man sang thầy nàng, ông cương liệt quá nên mới hay mất lòng người khác..., nhưng dẫu sao đi nữa, ông vẫn là thầy nàng, là cái người chịu cảnh ăn gió nằm sương, chinh chiến sa trường để chị em nàng được hưởng phú quý vinh hoa. Thầy nàng vâng lệnh thánh thượng dẫn quân đi lộ Thượng Nguyên dẹp phản loạn, trên ấy rừng thiêng nước độc, chẳng biết thằng Ngạn có chăm thầy ra hồn được hay không. Đột nhiên, nghĩ đến đây, Thuần Đức thấy bụng dưới đau thắt lại. Nàng co quắp người, nỗi bất an nhấm nhẳn mấy hôm nay nhân lúc này bùng lên như lửa bén rơm khô. Cơn đau lại nhói lên thêm lần nữa, giữa hai chân nàng tựa hồ tràn ra một dòng ấm nóng, cả căn buồng chớp mắt nhòe nhoẹt đi, mũi nàng ngửi ra mùi máu tanh tưởi. Thuần Đức càng thêm kinh hoảng, nàng đau đến bật ra thành tiếng, trán ướt đẫm mồ hôi. Con của nàng... Những ngón tay của nàng luồn xuống sờ phần nệm trải, để rồi lúc nhìn thấy tay mình nhuốm một màu đỏ tươi quái gở, nàng thét lên thất thanh.

Đêm ấy, cung Long Đức náo loạn, Thuần Đức phu nhân không giữ được thai. Sáng hôm sau, có tin từ lộ Thượng Nguyên truyền về kinh thành, quan thái úy họ Đoàn bị trọng thương.


(1) Trích bài "Xuân tiêu tự khiển" của Lý Thương Ẩn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro