Làm gì cũng phải có nghề!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Lịch triều hiến chương loại chí" chép:

LÊ KHÔI

Ông người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên [Thanh Hóa], con người anh thứ hai của Lê Thái Tổ, sinh ra có dáng lạ, người thanh nhã, trọng hậu, ít nói cười, đàn bà trẻ con trong làng xóm đều biết tiếng.

Mùa xuân Mậu Tuất [1418], ông theo đầu tiên dưới lá cờ khởi nghĩa, mình đeo bên tả túi tên, bên hữu túi cung, theo vua ra hàng trận; công lao rực rỡ.

...

Vì có công, ông được phong Kỳ lân hổ vệ Thượng tướng quân, Tổng quản hành quân, Nhập nội Thiếu úy; sau lại thăng Tư mã, đeo kim phù rất vinh hiển.

Năm thứ 3 Thuận Thiên [1430], vua thấy nước nhà mới định, miền người Man chưa theo, đất châu Hóa lại giáp nước Chiêm, muốn ủy cho một chức quan trọng yếu trấn thủ, mới sai ông cầm quân tới trấn.


Suốt cả ngàn năm nay, Hoá châu chưa từng yên ổn.

Xưa kia vùng đất này thuộc miền Ô Lý(1) của Chiêm Thành, tiếp giáp với bờ cõi Đại Việt, chiến sự liên miên. Hoá châu chứng kiến những lần trao trả tù binh và cả những máu đổ nơi biên thuỳ, những lúc sứ thần Chiêm dùng quân phong thủy mà vượt biển, cướp bóc nhân dân lành(2). Thời điểm vó ngựa quân Nguyên dày xéo khắp cõi trời Nam cũng là khi Hoá châu trở thành địa điểm tập kết của hơn 50 vạn quân giặc, tràn vào hẹn trong ba năm sẽ san phẳng Đại Việt(3).

Hơn trăm năm trước, vua Chế Mân của Chiêm Thành dâng đất làm lễ vật dẫn cưới để nên duyên cùng công chúa Huyền Trân. Châu Lý được đổi tên là Hoá châu, chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Vậy nhưng kể từ đây về sau đánh dấu biên cương phía Nam chìm trong chiến sự. Liên tục nhiều lần Chiêm thành đòi lại đất, hoặc mang quân tràn sang. Trấn giữ Hoá châu chưa bao giờ là chuyện đơn giản.

Là vì giặc giữ luôn nhăm nhe đêm ngày chăng?

Có lẽ không chỉ vậy!

Từ thuở ban sơ, trăm năm, ngàn năm hoặc lâu hơn thế nữa, người dân Chiêm Thành đã sinh sống trên mảnh đất này. Hoá châu mang đậm hơi thở văn hoá, sắc tộc và tôn giáo ông bà, tổ tiên truyền lại. Việc sáp nhập với một quốc gia mới, dù là nước lớn như Đại Việt bấy giờ cũng khó lòng tránh khỏi những điều nghi kỵ, bất mãn. Đặc biệt hơn, Hoá châu có nhiều châu ki mi(4). Trên danh nghĩa, họ thần phục và dưới quyền Đại Việt. Vậy nhưng ai ai cũng rõ một điều, kể từ khi lập quốc đến nay, trải nhiều triều đại, các châu ki mi bao giờ cũng là nỗi lo canh cánh của bậc đế vương, khiến những người một bồ kinh luân(5) phải đêm ngày suy tính. Chưa kể, chốn biên viễn xa xôi là nơi đi đày của những kẻ tù tội. Chính vì vậy người được cử tới trấn thủ đều là trọng thần triều đình, nhất mực được vua tin tưởng.

Nhất mực được vua tin tưởng?

Cát Đằng đang làm mắm tôm chua, nghĩ tới đây cũng thoáng rùng mình. Không biết trời xui quỷ khiến thế nào mà nàng lại đi đắc tội với một vị quan lớn như thế được?

"Em xem, hũ này là mắm chị muối chỉ vài ngày trước thôi." Thanh Phù miệng nói tay mở hũ sành ra "Còn bên này là mắm còn sót từ lần muối trước nữa."

    Mắm cũ dù có chua hơn đôi chút song hương vị không bị ảnh hưởng quá nhiều. Dưới ánh nắng ban trưa, thịt tôm trong suốt, đỏ au và chắc nịch. Nếu đem so với mắm mới thì chỉ nhìn bên ngoài hoàn toàn không có lấy nửa điểm khác biệt. Ấy vậy mà khi nếm thử, chỉ cần người tinh tế một chút sẽ nhận ra ngay vị mặn rất gắt, hậu vị để lại có phần chát chứ chẳng phải là thịt tôm dai ngọt như thường lệ.

"Vấn đề ở đâu nhỉ?" Thanh Phù vén tóc mai đang rũ ra "Cách làm chị vẫn giữ nguyên. Vả lại cả mắm mới lẫn mắm cũ chị đều phơi đủ ngày, còn chẳng có lấy một hôm mưa nữa."

    Mắm tôm chua là đặc sản vùng Hoá châu. Chọn tôm vừa được kéo lên từ bè, hãy còn nhảy tanh tách đem về làm sạch rồi rửa qua với nước muối pha loãng. Nhân khi tôm tươi đem ngâm với rượu trắng cho đến khi từng thớ thịt chắc nịch chỉ vừa chớm sang màu đỏ. Bấy giờ mang tôm đi muối ngay sẽ có vị cay nồng, càng nhai càng ra mùi rượu, mất đi hương thơm vốn có và vị ngọt tự nhiên của thức quà vùng sông biển . Vậy nên người muối tôm chua thành thạo thường đổ ra mẹt lớn, đem hong dưới gió trời chờ khi tôm ráo hết, hai mặt hơi se lại một chút thì mới sắng sửa bếp chưng. Măng non trên rừng đem về được thái mỏng, thêm vào gừng, riềng và đôi ba lát tỏi, gia giảm mắm đường và bột gạo đã chưng từ trước, cuối cùng đem đựng vào hũ sành, đậy sao cho thật kín. Ở Hoá châu đợi qua dăm bảy ngày nắng vàng ươm là mắm tôm chua đã ngon lắm. Làm mắm này không khó, cốt cái là nguyên liệu thật tươi và tỉ mẩn. Vậy rốt cục đã xảy ra sơ sót ở đâu?

    Để mà nói thì mấy mẻ mới muối này cùng lắm cũng chỉ có thể xem là mắm loại hai, loại ba. Muốn trở thành món mà bày trên mỗi bàn ăn, khách nào tới cũng tấm tắc gật gù khen ngon thì quả thực hơi khiên cưỡng. Dù gì thì quán ăn tại khách trọ này cũng nổi tiếng nhất nhì Hoá châu. Đừng nói là người Đại Việt, ngay cả Chiêm Thành hay ki mi cũng từng nghe tiếng.

"Hay bởi tôm nhỉ? Mà cũng không đúng, quán ta xưa nay dùng tôm bể. Tôm bể đã mặn sẵn, chị cũng đã cân lượng đường rồi mà."

    Mắt Cát Đằng khẽ ánh lên, dường như phát giác điều gì đó. Lúc này hai người Trương Bồng và Tề, một lớn một bé đi vào bên trong.

"Sao không ai ra tiếp khách quý thế này?"

    Cát Đằng lười biếng liếc mắt nhìn Trương Bồng. Làn da bánh mật, mái tóc được tết chặt một bên, bên kia những sợi tóc xoăn bông xù xoã tung trên vai, kết hợp với điệu bộ khinh khỉnh bất cần cực kỳ tương phản với chiếc áo lục hồng hắn đang mặc. Nhìn tên Trương Bồng này nàng có hơi chút nhức mắt, Cát Đằng đưa hai tay lên khẽ ấn nhẹ vào thái dương:

"Ngươi không lo cướp biển đi à?"

"Nếu ta chuyên tâm cướp biển chẳng phải người thấp thỏm đêm ngày sẽ là nàng ư?"

    Cát Đằng cười:

"Thấp thỏm không biết hôm nào trăng tròn với mùng một ấy hả?"

"Để làm gì cơ?" Trương Bồng ngẩn mặt.

    Cát Đằng không đáp còn Thanh Phù tủm tỉm, đi về trước hiên vẩy rổ tôm vừa mới vớt ra, bảo:

"Cướp biển mà còn được về mùng một với ngày rằm là nhiều ấy chứ!"

    Trương Bồng giận lắm nhưng thấy nụ cười trên môi người đẹp lại nguôi ngoai đi mấy phần, giành lấy rổ tôm từ chỗ Thanh Phù, ra sức vỗ vỗ hai bên hông làm mấy giọt rượu còn đọng bắn ra tứ bề:

"Nào! Ta làm ăn lương thiện mà."Cát Đằng liếc mắt nhìn, Trương Bồng hắng giọng,  chỉnh lời mình "Cũng... hơi lương thiện. Nàng thấy đấy, đã nửa tháng nay ta ở đất liền rồi."

    Chuyện lênh đênh trên bể của Trương Bồng thì nàng nào có lạ gì? Chỉ lạ một nỗi là hắn ôm mộng làm cướp biển đấy thôi, nào đã cướp được của ai bao giờ? Mà cũng chẳng rõ Trương Bồng cùng bè lũ thi thoảng kéo nhau ra biển rồi ngược lên mạn trên có chuyện gì, tập luyện tay chèo trước khi cướp thật chăng? Cũng có thể lắm! Cướp bóc cũng phải có nghề của cướp bóc. Ở Hoá châu chẳng phải cứ tập trung đại một lũ ô hợp mà thành. Nơi này giao nhau giữa hai nước, đành rằng dễ khiến cho những kẻ lòng không ngay thẳng sinh việc phản trắc song một phần địa thế Hoá châu cực kỳ phức tạp, một phần là nơi biên thuỳ nên binh lính đều thiện chiến, tinh nhuệ. Đặc biệt, kể từ sau Trịnh Hoà hạ Tây Dương(6) việc cướp bóc muôn phần khó khăn. Trong hơn hai mươi năm liền, Trịnh Hoà liên tục mang hàng trăm thuyền, mấy mươi vạn người tuần du khắp các vùng biển, đặc biệt tràn xuống phía Nam, ngang qua Chiêm Thành. Đừng nói đến đám cướp biển nhỏ nhoi, ngay cả quan quân của nhiều cường quốc cũng không khỏi khiếp sợ. Chính vì vậy mà kể từ lần gần nhất tức năm Minh Vĩnh Lạc thứ 19 (7) tới nay, đám giặc cỏ trên biển sạch bóng. Hơn mười năm, cướp biển đa phần là những kẻ vang danh giang hồ, hoặc là lão luyện kinh qua nhiều chiến trường hiểm hóc mới dám lộng hành. Trong tất cả những điều ấy Trương Bồng không có gì cả. Hắn có cái tên, Trương Bồng 張篷!

Trương Bồng là giương (張) buồm (篷). Hắn chưa cướp được có lẽ bởi thuyền còn thiếu gió Đông? "Vạn sự câu bị, chỉ khiếm Đông phong"(8). Hắn tin rằng không lâu nữa, tên của hắn sẽ vang danh một cõi, bất kể ai nghe thấy đều phải khiếp sợ. Vậy mà Cát Đằng cho rằng cái tên đấy, sớm thôi, sẽ xuất hiện trên bảng tróc nã tội phạm.

"Cô! Trời ơi là trời! Cô nghe tin gì chưa?" Tề nhảy tót tới, xen vào giữa ba người "Sét đánh giữa trời quang!"

"Sét đâu? Sét đâu?" Thanh Phù hớt hải.

"Không phải thế!" Tề thở không ra hơi "Có người người tới áp giải cô kia kìa!"

"Có chắc là Cát Đằng không? Không phải ta à?" Trương Bồng níu tay áo Tề, hỏi.

"Là cô chủ... Là cô chủ! Quan quân đã đứng trước cửa kín đen cả."

    Cát Đằng ngồi thụp xuống, bỗng dưng thấy đất trời đảo điên. Sao nàng lại bị bắt? Vì tội làm lật xe Tư mã hay vì tội bỉ bai quan phụ mẫu? Rõ ràng rằng hôm đó ngài Tư mã cứ vậy mà rời đi, không trách tội cũng chẳng nói thêm một lời. Vậy mà sao hôm nay lại giở mặt? Sao hôm nay lại bớ nàng đi thế này?

______

Chú thích:

(1) Ô Lý: tên hai châu của nước Chiêm Thành, thời Trần (năm 1306) đổi gọi châu Ô là Thuận Châu, Châu Lý gọi là Hoá Châu - nay là phần phía nam tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên. (Đại Việt sử ký Toàn thư)

(2) Bính Tuất, [Chính Long Bảo Ứng] năm thứ 4 [1166], (Tống Càn Đạo năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, sứ Chiêm Thành đi đến miền Ô Lý, dùng quân phong thủy (ma thuật của thầy tăng) mà vượt biển, cướp bóc nhân dân ven biển nước ta rồi về. (Đại Việt sử ký Toàn thư)

(3) Nguyên soái Toa Đô đem 50 vạn quân từ Vân Nam qua nước Lão Qua, thẳng đến Chiêm Thành, hội với quân Nguyên ở Châu Ô Lý rồi cướp châu Hoan, châu Ái, tiến đóng ở Tây Kết, hẹn trong ba năm sẽ san phẳng nước ta. (Đại Việt sử ký Toàn thư)

(4) châu ki mi: khu vực tự trị. Trong chế độ ki mi, "quyền lực thực sự của một số nơi không phải nằm trong tay triều đình trung ương mà thuộc về Thổ tù - như cách gọi ngày nay là người cầm đầu (tù trưởng) một cộng đồng dân tộc thiểu số". (Theo Như Tô)

*Ghi chú tác giả:

ki mi: ràng buộc một cách lỏng lẻo (Đại Nam Nhất Thống Chí)

(5) kinh luân (經綸): công việc của người kéo tơ, kéo tơ ra là Kinh (), sắp xếp các mối tơ là Luân (). Chỉ sự sắp đặt việc nước cũng rắc rối phức tạp như vậy. (Từ điển Nguyễn Quốc Hùng)

(6) Trịnh Hoà hạ Tây Dương: Trịnh Hoà đi xuống vùng biển phía Tây.

Trịnh Hoà (1371 - 1433): thái giám phục vụ bên cạnh Minh Thành Tổ (Hoàng đế thứ ba nhà Minh).

*Chú thích từ tác giả: Trịnh Hoà là người thực hiện bảy chuyến thám hiểm của nhà Minh (1405-1433) nhằm "phô trương sức mạnh kinh tế, quân sự của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, Nam Á, làm cho các nước này phải nể, sợ Trung Quốc, khiến họ phải thiết lập quan hệ với nhà Minh, thần phục và triều cống nhà Minh". (Những lợi ích của nhà Minh trong quan hệ triều cống qua trường hợp Đại Việt và một số nước Đông Nam Á khác - Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Trang)

(7) Minh Vĩnh Lạc thứ 19: năm 1421.

(8)

Vạn sự câu bị, chỉ khiếm Đông phong: Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió đông. (Lưu Bị)

Chú thích từ tác giả: Đại ý mọi chuyện dù đã toàn vẹn, đủ đầy nhưng vẫn còn dở dang, bế tắc bởi thiếu đi yếu tố thời cơ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro