Chương 5 - Cuộc Trà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhành hoa trắng che ngang tầm mắt, hương thơm nồng chầm chậm vờn quanh, ngẩng đầu nhìn lên, trước mặt Nguyệt Cầm đã là bóng hình thân thuộc. Chỉ trong một khắc, ký ức về căn phòng gỗ lộng gió hơn mười năm trước bất chợt ùa về. Trong cái nắng hạ vàng ươm ngày ấy, lần đầu tiên nàng gặp gỡ hai người anh ruột thịt. Rồi từ đó, họ gắn bó, kề cạnh nhau suốt những tháng ngày ấu thơ.

Nhiều năm không gặp, hóa ra cậu hoàng thứ năm của Thượng hoàng - Trần Ích Tắc khi xưa giờ đã trưởng thành hơn rất nhiều. Vóc dáng cao lớn, gương mặt cương nghị, phong thái chững chạc. Duy chỉ có nụ cười mỉm ôn hòa, dịu nhẹ là chẳng hề thay đổi. Nàng nhận ra anh ngay trong một ánh nhìn cũng bởi nét đặc trưng ấy. Anh Tắc đối với nàng, dầu là thuở xưa hay hiện tại, bao giờ cũng thật nhẹ nhàng, ấm áp.

"Ơ kìa."

Nét mặt Chiêu Quốc Vương thoắt lộ vẻ ngạc nhiên, cành hoa đang hướng về em gái cũng từ từ hạ xuống. Vị vương gia trẻ tuổi xoay người cao giọng, vờ lo lắng hỏi vọng về sau.

"Thôi rồi Duật ơi, có phải vì chúng ta không thường xuyên về Thanh An điện, nên Nguyệt Cầm lại quên mất anh rồi không?"

Thiếu nữ tuổi vừa tròn đôi chín lúc bấy giờ mới ý thức được bản thân từ ban nãy cứ mãi đứng chôn chân tại chỗ, tròn xoe đôi mắt sững sờ. Cõi lòng nàng dần đầy ắp những nhịp đập rộn ràng, nhưng trên gương mặt vẫn cố giữ vẻ bình thản, điềm nhiên như không. Chỉ đến khi giọng nói tươi sáng, hào sảng cất lên đằng sau phiến đá xám, từng thước ảnh hồi ức thuở ngây thơ đã len lỏi khắp mọi ngóc ngách trong tâm trí nàng tự bao giờ.

"Không phải hoa sứ, e là lần này Cầm chẳng thể nhận ra anh Tắc đâu."

Từ phía sau hòn đá lớn sẫm màu, chàng trai chậm rãi bước ra, trên thân người khoác tà áo giao lĩnh tinh khôi, cao hứng buông lời trêu vui. Tay chàng che trán vì đôi sợi nắng trời, mắt nheo lại trông về phía nàng, cánh môi cong lên, nét cười càng lúc càng thêm phần rạng rỡ.

"Cầm, đã lâu không gặp."

Nguyệt Cầm chầm chậm tiến đến gần hai anh, những ngón tay bấu chặt vào nhau giấu sau lớp áo lụa. Khung cảnh trước mắt này đây, liệu có phải là sự thật. Hay chẳng qua chỉ là một ảo ảnh, là dư âm kéo dài của giấc mộng ban trưa. Chiêu Quốc Vương dời mắt nhìn sang đứa em gái thân yêu năm nào nay đã ra dáng một công chúa Đại Việt cao quý, bất giác nở nụ cười khó đoán.

Hương hoa ngọc bút ngọt ngào khiến nàng cầm chắc đây chẳng phải là cõi mộng. Che giấu đi sự mừng vui đang không ngừng dâng cao nơi ngực trái, Nguyệt Cầm chắp tay, hạ thấp đầu hành lễ trước hai vị vương tôn. Sau đó mới dịu dàng đáp chào.

"Anh Tắc. Anh Duật."

"Thế nào cô Cầm, món quà này của ta có phải rất đúng ý cô không?"

Chợt, thái tử không biết từ đâu xuất hiện, đứng sau lưng nàng hào hứng hỏi.

"Thái tử!"

Vừa trông thấy vị trữ quân, ngay tức khắc, cả Chiêu Quốc Vương lẫn Chiêu Văn Vương đều cung kính nghiêng mình. Trần Khâm vội bước đến đỡ lấy vai của hai vương, ôn tồn bảo.

"Ở đây không có người ngoài, không cần đa lễ."

Nhìn thấy cậu cháu trai thân thiết cùng hai người anh lớn của mình lời qua tiếng lại vui vẻ thăm hỏi nhau, Nguyệt Cầm bỗng chốc đã tỏ tường. Nếu nàng đoán chẳng sai, cuộc hội ngộ lần này hẳn là chủ ý của thái tử. Đánh mắt sang cậu trai đang vui vẻ nói cười, Nguyệt Cầm thầm nghĩ: dù ở vai tự quân hay đứng hàng thân thích, Trần Khâm quả thực vẫn thường nhìn thấu tâm tư nàng.

"Thái tử nắm rõ nhân tâm, lễ vật ban tặng cũng đặc biệt hơn người. Thụy Bảo vô cùng cảm kích."

Vừa thấy nàng khuỵu gối, bày ra dáng vẻ dốc lòng cảm tạ rồi nghiêm giọng nói mấy lời khách sáo, Trần Khâm liền bật cười. Chắp tay sau lưng, cậu vờ học theo dáng điệu của cha mỗi lần ngài đồng ý với cô em gái mình một điều gì đó.

"Công chúa vui là tốt rồi."

***

Khi vừa thoáng nhận ra vài sợi dịu ngọt của hương sen thoang thoảng, Trần Khâm bèn vội vã quay gót, đi một mạch đến bàn đá rồi vẫy tay cất giọng gọi to.

"Nào, trà thơm đã pha sẵn, mọi người mau đến đây."

Chiêu Quốc, Chiêu Văn thi nhau nhường người kia đi trước. Sau cùng, cả hai ngầm thống nhất hãy tạm vứt hết những lễ nghi khách sáo. Không còn là hai vị thân vương người kính ta mời, thời khắc này, bọn họ chỉ là một cặp anh em thân thiết cùng khoác vai nhau vui vẻ cười đùa. Nguyệt Cầm chầm chậm rảo bước, làn gió mát lành đưa đẩy hàng cây, có dải nắng chiều len lỏi qua kẽ lá, đổ lên mái tóc suôn mềm óng ả. Phút chốc nàng thấy mình đang trở về khoảng thời gian tất cả vẫn chỉ là những đứa trẻ con.

Khi mọi người đã yên vị dưới tán cây xanh, thái tử nâng bôi nhấp một ngụm trà ngon, vui vẻ buông lời cảm thán.

"Những năm qua, thật hiếm khi nào cả bốn người chúng ta được dịp tề tựu đông đủ nhỉ."

Trần Ích Tắc gật gù, không quên cảm tạ vị trữ quân đã giúp bọn họ có buổi sum vầy.

"Dẫu đôi lúc hoàng cung vẫn tổ chức yến tiệc, nhưng quả thực chẳng mấy khi được thoải mái thế này."

Trần Nhật Duật hướng mắt sang em gái, hồ hởi nói.

"Cầm, chúc mừng em đã đính ước."

Trên gương mặt anh tuấn của chàng vương tử trẻ hiện rõ nét vui tươi.

"Mới hôm nào, em vẫn là đứa em gái bé nhỏ đứng chỉ vừa đến vai anh. Vậy mà giờ đây, trước mặt anh đã là một Thụy Bảo công chúa sắp sửa hạ giá theo chồng rồi."

Nàng cười khẽ, nhận lấy lời lúc phúc của anh. Nhắc đến chuyện cao thấp, từ nơi chiếc hộp ký ức, nàng nhớ có một dạo anh Duật vô cùng ngưỡng mộ vóc dáng cao lớn của anh ba Khải. Lần nào đến chơi điện Thanh An, Nguyệt Cầm cũng nghe anh nói mãi rằng sẽ có ngày quyết tôi luyện được thân hình rắn rỏi y hệt như thế.

Anh phải mau chóng trưởng thành, có sức vóc khỏe mạnh để còn theo mọi người đánh Đông dẹp Bắc, phân ưu cùng với Quan gia.

Năm ấy, có một buổi hạ tàn anh lại đến tìm nàng. Mặc cho mấy lời trêu chọc của Ích Tắc, khoảnh khắc Nhật Duật nở nụ cười rạng rỡ tựa ánh ban mai, vỗ vai người bạn học đứng ngay sau mình rồi ngoảnh đầu nhìn lại, ánh mắt kiên định ngày đó của chàng vẫn chưa hề mờ phai trong ký ức Nguyệt Cầm.

Thế là, từ dạo ấy cậu anh trai trạc tuổi nàng càng ra sức ăn uống, ngày qua ngày luyện tập ở võ đường không quản gió sương, cuối cùng đã thành công cao hơn nàng hẳn một cái đầu. Rồi thì, thời gian dần trôi, bốn bức tường ngày bé bọn họ tưởng chừng có thể vươn tận chín tầng mây, giờ đây không còn đủ sức để giữ chân những đứa trẻ năm nào nữa. Anh Duật mang theo chí hướng của riêng mình, bắt đầu mơ về những vùng trời rộng lớn xa xăm. Anh Tắc nắm trong tay tước vương từ tuổi mười hai, hẳn đã sớm nuôi mộng dùng tài văn lược xuất chúng để lập nên nghiệp lớn.

Chỉ riêng nàng, duy nhất thế giới của nàng đến tận bây giờ vẫn còn gói trọn trong bốn góc Tử Cấm Thành vàng son rực rỡ.

"Khoảng thời gian qua không thể thường xuyên kề cận, một mình Cầm ở thành Đông có thấy buồn tẻ lắm không em?"

Nhật Duật dường như nhận ra chừng ấy thời gian cả hai xa cách quá đỗi dài, lo lắng nàng sẽ thấy cô quạnh khôn cùng. Ích Tắc ngồi bên cạnh cầm lấy tay em gái, chưa chi đã vội nói câu xin lỗi, sau cùng mới dịu giọng giãi bày.

"Nguyệt Cầm, thứ lỗi cho anh vì đã không đều đặn về Thanh An điện thăm em. Công vụ ở thái ấp quá đỗi bận rộn, hơn nữa với thân phận hiện giờ, anh cũng không còn có thể tự do vào chốn hậu cung như ngày trước."

Rồi chàng thoáng ngập ngừng.

"Em... không giận anh chứ?"

Nguyệt Cầm lắc đầu. Vẫn như lần đầu gặp nhau mười một năm về trước, ngày mà cơn gió Tây Nam đưa hương sứ trang nhã lan khắp sân chùa Phổ Minh, khi anh Duật nhìn nàng bằng ánh mắt trong trẻo, còn anh Tắc thì e dè đưa cho nàng nhành hoa còn đọng giọt mưa hè, nàng đã thưa rằng.

"Anh Tắc ngày đêm miệt mài chăm lo chính sự, đó là phúc của Đại Việt ta. Em sao lại mang lòng oán trách. Các anh đã nhận hai tiếng vương hầu, trách nhiệm giữ vững thái bình nặng nề đến độ nào, em đều hiểu cả."

Cả hai vị thân vương ngẩn người trong giây lát, xong lại đối mắt với nhau rồi cùng nở nụ cười. Đôi tiếng chim ca vang động nơi vòm cây xanh mát, thái tử phất tay áo rộng, say sưa kể cho nàng nghe những năm gần đây tiếng lành cặp anh em Chiêu Văn - Chiêu Quốc nổi danh tài trí truyền xa đến độ nào. Triều đình có thêm người tài phò trợ, văn võ bá quan trên dưới đồng lòng. Chuyện nước, chuyện nhà đều thuận hòa, êm ấm, Quan gia hết mực yên tâm. Nhờ vào tin tức mà Quỳnh vẫn thường hay nghe ngóng, ở chốn cấm cung Nguyệt Cầm cũng phần nào biết được ngoài kia có vô số người ngưỡng mộ các anh. Nổi bật nhất là người anh Chiêu Quốc của nàng, người được không ít văn nhân nhã sĩ hết mực nể nan, tôn kính.

"Em nghe nói văn sĩ bốn phương những năm nay khi tìm đến phủ đệ của anh Tắc đều lần lượt được thu nhận."

Trần Ích Tắc đang thổi đi cuộn khói trắng lơ lửng bay lên từ bôi trà ấm, nghe xong câu hỏi kia sực ngừng lại đôi chút. Trông sắc mặt chàng tựa hồ đang mãi suy nghĩ điều gì. Khắc sau, chàng mỉm cười rồi bình thản đáp.

"Chỉ là một vài nho sinh nuôi mộng tam khôi hay lui đến tìm hỏi tứ thư ngũ kinh. Anh thấy bọn họ có chút tài học nên mới giữ lại muốn chỉ bảo thêm đôi điều."

"Kìa! Chiêu Quốc Vương khiêm tốn quá rồi."

Vị tự quân trẻ ngẩng đầu, nhìn thẳng vào người chú đang ngồi đối diện, dứt khoát xua tay. Hướng về phía nàng, Trần Khâm bắt đầu vẽ nên khung trời riêng mà Chiêu Quốc đã gầy dựng suốt những tháng năm qua.

"Cô Cầm không biết đấy thôi. Hữu phủ đệ của ngài đây có hẳn một học đường tập hợp đến hai mươi người. Không những cấp cho lương thực, y trang, ngài ấy còn ngày ngày bảo ban họ sớm hôm đèn sách. Mọi người đều biết Vương vốn thông minh hiếu học, thông làu kinh sử. Hai mươi văn nhân ấy có một người thầy xuất chúng như thế, tương lai của bọn họ ta thấy rất đáng mong chờ. Triều ta sau này nếu như có lớp nhân tài đó phò trợ, thì luận công lao ắt hẳn chẳng thể thiếu tên ngài đâu[1]."

Trước tràng khen tặng của vị quân chủ tương lai, Ích Tắc chỉ cười xòa. Chàng đặt bôi trà xuống bàn đá, tay chắp lại cúi đầu tạ ơn.

"Thái tử ưu ái cho Chiêu Quốc nên mới ban lời vàng. Tôi và những môn sinh đó đồ rằng có chút duyên phận, gặp được kẻ tương đồng chí hướng nên mới dùng hai chữ thầy trò để cùng đàm đạo mấy câu thơ. Riêng chuyện có thành người tài hay không đều tùy thuộc vào chính bản thân họ và con đường dài phía trước."

Dứt lời, chàng bỗng đánh mắt sang người em trai bên cạnh, thốt ra một câu nửa đùa nửa thật.

"Nếu nói đến kỳ tài trăm năm có một, Chiêu Văn đồng tử[2] đây mới đích thực là tiên nhân được trời cao phái xuống giúp đỡ cho Đại Việt."

"Dân gian truyền thổi rằng ông hoàng sáu của họ Trần tinh thông nhiều thứ tiếng, lại hiểu biết sâu rộng về phong tục tập quán các nước lân bang. Chưa kể những tài lẻ khác như đàn ca múa hát hay võ nghệ uyên thâm càng khó ai bì kịp[3]. Muôn người kính nể, lời thán tụng không sao kể hết. Tôi nói thế có phải không chú Chiêu Văn?"

Nhật Duật suýt thì nuốt không trôi cái bánh cốm đang nhai dở. Chàng gấp gáp hớp một ít nước, sau đó quay phắt sang lườm anh mình.

"Dân chúng vốn ưa thích những câu chuyện liên quan đến hoàng gia. Lời từ miệng này sang tới miệng khác, đến tai chúng ta thì đều đã khuếch đại đến mức nào, anh không lẽ còn chưa biết?"

Ích Tắc cười lớn, để mặc cho Nhật Duật tay này vỗ vai tay kia hướng thẳng về hòn trời sáng rực.

"Chu du thiên hạ, ngắm nhìn non nước, thân hữu kết giao. Đó đều là những thú vui của Chiêu Văn từ thuở thiếu thời. Anh, thái tử, Cầm hay ngay cả Thiều Dương cũng đâu còn lạ lẫm. Theo em thấy, thứ muôn họ trầm trồ chính là lối sống tự do, rong ruổi bốn phương hiếm khi tìm được ở một thân vương mà thôi. Anh chớ có để bụng chi mấy lời đồn đoán ấy. Giữa hai chúng ta, Quan gia trọng tài của ai hơn, anh Chiêu Quốc hẳn đã cầm chắc đáp án rồi."

Trần Khâm gật gù, ngẫm thấy Nhật Duật nói câu cuối cùng thực ra không hề sai. Cha cậu là người trọng chữ, vẫn thường nhắc nhở cậu không nên để lỡ mất hiền tài. Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc từ nhỏ đã tinh thông văn chương, nên Quan gia tin yêu và giao cho không ít thực quyền. Được sự tín nhiệm của vua anh, chuyện mở học đường ở phủ đệ của Ích Tắc ngày ấy càng nhận được sự ủng hộ của bách quan và giúp sức từ triều đình.

Vén tay áo rót thêm một bôi trà, đôi mắt phượng của thái tử Đại Việt vô tình đảo qua gương mặt Nguyệt Cầm. Ngay tức khắc, cậu bắt gặp hình ảnh nàng đang thơ thẩn nhìn mãi lên cây bạch đào. Buông một tiếng thở nhẹ, Trần Khâm sớm thấu rõ lòng nàng mong mỏi điều gì. Cuộc hội ngộ hôm nay ngoài Chiêu Quốc Vương và Chiêu Văn Vương vốn dĩ còn có cả người chị gái cùng một mẹ thân sinh với nàng. Thiều Dương công chúa - người chủ nhân trước kia của Tây điện Thanh Minh. Vị hoàng nữ bốn mùa xuân hạ thu đông luôn quanh quẩn bên chuỗi hạt bồ đề và những trang kinh kệ. Dưới rừng dây hoa muồng hoàng yến, nhị hoàng nữ đã luôn cầu an cho Nguyệt Cầm, cho trên dưới họ Trần và cầu phúc cho cả muôn dân nước Việt.

Nói đến bạch đào, ấy lại là loài cây cứ vào tiết trời mùa xuân sẽ nở rộ những đóa hoa trang nhã hiếm có, khác hẳn so với màu hoa hồng thắm phổ thông. Người ở Cấm Thành vẫn hay rỉ tai nhau, xưa kia, chính Thượng hoàng đã cất công sai người mang nó từ vùng núi Tây Bắc về tận đất Thăng Long này. Nguyên nhân là bởi trong hậu cung ngài lúc bấy giờ có một cung tần trót đem lòng yêu sắc hoa thanh khiết lạ thường. Thuở ngài còn ở ngôi, cứ thi thoảng Thượng hoàng lại đến vườn ngự cùng vị phu nhân kia săn sóc cho cây. Trong ấn tượng của những tỳ nữ từng hầu hạ ở cung Thúy Hoa, thái tần năm đó nhận được thánh sủng là nhờ có đôi phần dáng dấp của một cố nhân. Thấm thoát đã hơn mười năm cây hoa quý sớm chiều đón nắng đợi sương ở vườn Thắng Cảnh, chẳng rõ tự bao giờ chỉ còn mỗi vị cung tần đó và cô con gái cả của bà đến thăm nom.

Mặt nước trà trong chung gốm khẽ gợn, Nguyệt Cầm vân vê vạt áo gấm, mắt dán mãi lên cành đào khẳng khiu. Nhìn thấy nó, sâu tận cõi lòng nàng lại hiện lên khoảnh khắc chị Thúy đứng trên bậc thang lát hoa thuở bé, đưa tay đợi nàng nắm lấy rồi cả hai cùng nhau sóng bước tới điện Thánh Từ tìm cha. Ký ức ấy dẫu chỉ là đôi thước ảnh khi tỏ khi mờ, nhưng cứ quẩn quanh nàng mãi chẳng thể nào quên được. Vậy là cứ chốc chốc Nguyệt Cầm lại vô thức trông ra đôi cửa lớn dẫn vào vườn ngự. Nào đâu hay biết, chỉ bằng một cái lướt mắt thật nhanh, tâm tình giấu kín của nàng đã bị người cháu trai hết mực tinh tường nhân tâm phát hiện.

"Mấy ngày trước ta có gửi lời mời đến phủ Văn Hưng hầu. Nhưng tiếc là sức khỏe của công chúa không tốt nên đành lỡ hẹn không thể đích thân vào cung chúc phúc cho cô Cầm. "

"Thân thể Thiều Dương từ nhỏ đã yếu ớt hơn người, cứ đôi tháng lại sinh bệnh. Vừa rồi phải trải qua cú sốc lớn, không tránh khỏi việc càng thêm suy nhược. Đợi đến khi về phủ, anh sẽ cho gia nô gửi ít lạc tiên[4] sang cho chị ấy tẩm bổ."

Ích Tắc thoáng trầm ngâm khi nghĩ đến sự cố không may xảy ra với Thiều Dương công chúa cách đây nửa tháng. Tuy đã tròn sáu năm kể từ khi nhị hoàng nữ gả đến Văn Hưng hầu phủ, nhưng phúc mỏng mệnh bạc hai vợ chồng họ vẫn chưa có nổi mụn con. Sau khoảng thời gian đằng đẵng ngóng trông, tin vui bất ngờ đến với công chúa cùng phu quân. Cứ ngỡ giấc mơ về một mái nhà ba người hạnh phúc từ đây sẽ sớm thành hiện thực. Có ai ngờ được, hoa thơm trái ngọt còn chưa trĩu, bọn họ phải đành ngậm đắng rồi. Ông trời cũng thật khéo trêu ngươi, chỉ vì một phút lơ là của kẻ hầu cận, công chúa không giữ được cái thai.

Nhắc đến tai nạn ấy, Nguyệt Cầm lại không khỏi nặng lòng xót xa. Nửa tuần trăng trôi đi, không biết chị đã phần nào vơi bớt nỗi muộn phiền. Ở chốn cung son, ngày tin dữ truyền đến bên tai nàng chẳng thể làm gì khác ngoài việc căn dặn Nga và Quỳnh nghe ngóng đó đây. Bao đêm dài trằn trọc, nàng cũng ôm muôn sầu não lắng lo. Mất mát lớn lao đấy, người ngoài cuộc như nàng và các anh còn vô vàn đau đớn, với chị Thúy thì nó còn chua chát đến độ nào.

Nhật Duật thấy sắc mặt em gái phút chốc nhuốm màu ưu thương bèn nhanh chóng lựa lời an ủi.

"Cầm, em chớ buồn lo quá độ. Chờ đến khi em trở thành Uy Văn Vương phi, cơ hội đến phủ Văn Hưng hầu chẳng ít, Thiều Dương và em muốn gặp nhau rồi cũng sẽ dễ dàng hơn."

Đón lấy ánh nhìn khích lệ từ anh, Nguyệt Cầm khẽ gật đầu tạm nén nỗi sầu bi.

Riêng phần Ích Tắc hình như lại rất để tâm đến ba chữ Uy Văn Vương. Sau một hồi mãi miết đăm chiêu, cuối cùng chàng cũng nhớ ra đôi nét về vị vương gia trẻ tuổi sắp tới sẽ trở thành tân phò mã Trần triều.

"Uy Văn Vương trước là Sầm Lâu danh sĩ, trong giới văn chương anh cũng từng nghe danh. Còn nhớ yến tiệc thường niên mấy năm trước, khi được hỏi ý nghĩa của hai tiếng Quan Gia, Uy Văn đã lý giải rất rành rọt và được khen là kiến thức sâu rộng lắm."

Thời ngũ đế lấy thiên hạ làm của công, thời tam vương lại coi thiên hạ là của nhà. Chiếu theo lẽ ấy, cho nên mới gọi là Quan Gia.

Trần Khâm hai mắt sáng rực, rành rọt đọc lại câu đối đáp từng khiến người ta không khỏi tấm tắc xuýt xoa.

"Là câu này phải không! Thú thật, khi ấy nghe xong lời Uy Văn nói ta đã thấy vô cùng tán thưởng. Phụ hoàng ngồi bên cạnh hết sức hài lòng, còn đích thân ngự khen."

Sau buổi tiệc ngày đó, sự uyên bác của vị danh sĩ tuổi đời còn chưa quá đôi mươi kia càng được dịp nức tiếng gần xa. Kẻ có học khắp đất kinh kỳ ai ai cũng lấy làm ngưỡng mộ.

"Một người tu chí học hành, tài văn xuất chúng, lại là dòng dõi Kiến Quốc đại vương[6], ban cho tước cao đã tỏ rõ ưu ái. Nay, quan gia giao chức phò mã tương lai vào tay người này cũng không phải là không có nguyên do."

Ánh mắt Ích Tắc xoáy sâu vào bôi trà đã vơi đi một nửa, ngón tay thon dài đều đặn gõ nhịp trên thạch bàn. Chàng không tiếc lời vàng dành cho vị vương tôn kia. Thế nên, mối hôn sự giai nhân sánh đôi anh tài mà Quan gia đã dày công sắp xếp, có lẽ chàng cũng như bao người khác nồng nhiệt tán dương.

Đó, là những gì mà Nhật Duật đã thầm nghĩ.

"Duy chỉ một điều..."

Âm thanh cạch cạch bất chợt tạm ngừng, thay vào đấy là câu nói chưa tròn của Chiêu Quốc. Trong một khắc ngắn ngủi, chiếc bánh vuông vức trong tay Chiêu Văn có phần nén lại, và đôi mắt phượng của Trần Khâm thoáng ngước lên, kín đáo quan sát người đối diện.

"Chỉ có điều nếu như Nguyệt Cầm có thể tự do chọn lấy một người ngoại tộc để nên duyên cầm sắt, anh Tắc sẽ càng thấy yên tâm hơn."

Khuỷu tay Chiêu Văn khẽ chạm vào anh trai đang ngồi cạnh.

"Anh."

Chàng cố tình thấp giọng sao cho chỉ hai người bọn họ nghe thấy.

Tuy nhiên, Ích Tắc dường như không hề để ý đến lời nhắc nhở thầm thì. Chàng vẫn tiếp tục miên man trong dòng hồi tưởng, nghĩ thế nào lại đề cập đến một người mà anh em chàng từng rất thân thiết, nhưng đã lâu rồi không gặp mặt.

"Anh nhớ Thái tử từng có một người bạn học họ Lê, thuở nhỏ cũng mấy lần theo chân đến Thanh An điện thưởng trà."

"Anh Tắc."

"Hình như vừa nhập ngũ trấn giữ ải Bắc một năm về trước. Em còn nhớ phỏng?"

"Này!"

Sau cái níu vai và tiếng gọi có phần hơi lớn giọng của Chiêu Văn, vườn ngự Thắng Cảnh vốn đang xao động bỗng dưng im bặt. Giây sau, Nguyệt Cầm trông thấy nụ cười hiền hòa trên cánh môi Ích Tắc dần tắt hẳn. Chàng từ từ xoay đầu, tia lạnh lẽo vừa loáng lên trong đôi mắt ấy như muốn xoáy thẳng vào tâm can Nhật Duật.

***

Chú thích:

[1]: Tài liệu chính sử chép: Trần Ích Tắc là vị hoàng tử được vua Trần Thái Tông yêu mến nhất. Ông vốn thông minh hiếu học, thông làu kinh sử, từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài. Một số nhân vật nổi bật như: Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu,... tất thảy gồm 20 người, tài hoa của bọn họ sau này đều giúp được cho đời.

[2]: Tại thần phả làng Miễu có một truyền thuyết kể về sự ra đời kỳ lạ của Trần Nhật Duật: "... Lúc bấy giờ, lễ cầu tự kéo dài 21 ngày, một đêm nọ Vũ phi nằm mộng thấy ngôi sao lớn từ trên không rơi xuống giường nằm của mình, từ đấy bà có mang. Đến giờ Ngọ ngày mồng 10 tháng 4 năm Ất Mão (1255) sinh được một hoàng tử, dung mạo khác thường, đặt tên là Nhật Duật."

Ngoài ra, theo sử sách ghi chép: "từ nhỏ ông đã nổi tiếng là hiếu học và sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết về các tiếng nói và các giống người. Truyền rằng khi mới sinh, trên tay Trần Nhật Duật có bốn chữ ℭ𝔥𝔦𝔢̂𝔲 𝔙𝔞̆𝔫 đ𝔬̂̀𝔫𝔤 𝔱𝔲̛̉ (昭文童子). Sau này, phong hiệu Chiêu Văn của ông được vua anh là vua Trần Thái Tông đặt cho cũng từ đó mà ra.

ℭ𝔥𝔦𝔢̂𝔲 𝔙𝔞̆𝔫 (昭文): nghĩa là đón gọi cái đẹp

[3]: Sử cũ cho hay Trần Nhật Duật nổi tiếng là người có vốn hiểu biết sâu rộng. Ông rất tôn sùng Đạo giáo và thâm sâu kinh điển Đạo gia. Bên cạnh đó, ông còn nổi danh vì thông thạo được nhiều ngoại ngữ và cực kỳ tường tận về các nước láng giềng. Chẳng những sử dụng thành thạo những ngôn ngữ như tiếng Tống hoặc tiếng Chiêm Thành, các phong tập tập quán của họ Trần Nhật Duật cũng tỏ ra am hiểu và thường xuyên giao du cùng người bản xứ. Ông rất biết cách đón tiếp khách theo đúng phong tục, tập quán của họ.

Tài ngoại ngữ thiên phú của ông đã khiến vua Trần Nhân Tông phải tấm tắc ngợi khen:

Chú Chiêu Văn có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc, nên giỏi tiếng các nước đó.

Ngoài ra, ông hoàng sáu của họ Trần cũng là người tinh thông âm nhạc, nhiều tiết tấu, giai điệu múa hát đã được sáng tác bởi ông.

[4]: Cây lạc tiên mọc hoang ở khắp nơi tại nước ta, rải rác từ trung du miền núi thấp, đến đồng bằng khắp 3 miền. Nhiều nhất ở Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Nó thường được sử dụng để làm thuốc an thần, chữa chứng mất ngủ, tim hồi hộp, thanh nhiệt. Có thể phối hợp với nhiều vị thuốc khác như tim sen (liên tâm) hoặc lá dâu,... Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc pha rượu.

[5]: Đại Việt sử ký toàn thư (Quyển V, tờ 37 a) có đoạn chép như sau:

"...Uy Văn Vương Toại lấy con gái thượng hoàng Trần Thái Tông là công chúa Thụy Bảo. Toại ham học, hay thơ,...tự hiệu là Sâm Lâu, có Sầm Lâu tập lưu hành ở đời.

Vua Trần Thánh Tông từng hỏi ông nghĩa chữ "Quan gia" (tiếng để mệnh danh nhà vua ở thời Trần). Ông đáp rằng: "Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia)". Vua khen ông (có) kiến thức rộng,...

[6]: Có giả thuyết cho rằng Uy Văn Vương là con trai của Thụy Bà công chúa, tức cháu nội Kiến Quốc đại vương Trần Tự Khánh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro