Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có lẽ đây là mùa hè nóng kỉ lục nhất từ trước tới nay. Khu chợ trên huyện mới hơn sáu giờ sáng đã nườm nượp người chở hàng buôn bán, cái bức bối, oi bức cộng với hơi người cũng đủ để phát hỏa. Ấy thế mà, nhìn kìa cả đám người còn túm năm tụm ba mà chỉ chỉ chỏ chỏ về người đàn bà béo phệ đang cố chen qua cái đường chật chội. Đám người ấy chẹp miệng chắc hẳn một bữa phải chén cả cái nồi cơm điện.

Phía xa chút, rẽ vào phía tay phải là một ngõ chợ nơi bán cả rau và hoa quả, ngồi một góc nhỏ là gánh rau của người phụ nữ gầy xạm, làn da nhuốm màu của sương nắng. Mới sớm mà cái sức nóng của mặt trời cứ hầm hập xuống mái tôn che nắng che mưa cho người buôn bán.

- Nhiêu tiền mớ ?

Cái giọng ngoa ngoắt của mụ đàn bà béo phệ vang lên. Bộ mặt khinh khỉnh, chân cứ thế mà đá hai cái vào chiếc xọt rau đã xỉn theo năm tháng.

- Bốn nghìn mớ, chị lấy hai mớ nhé rau em vừa mới cắt tươi lắm.

Mụ chẹp miệng, bốn nghìn mớ ấy thế mà đắt, nhìn cái mặt trông rõ điêu ngoa. Tay chống ngang hông, mụ liền kì kèo rau héo thế này ai mua, ba nghìn là lãi lắm rồi. Cô xem cả cái chợ này có ai bán đắt như cô không.

Cái giọng thì chua lè, bộ dạng lại không khác gì con lợn xề đến ngày xuất chuồng trông ngứa cả mắt. Cô Tâm hàng quả bên cạnh cứ thế xả một hồi vào mặt mụ

- Này nhá, ăn ở phải để đức để phúc cho con cháu nhá. Muốn rẻ thì ra ngoài kia mà rẻ, rau héo có mà nó để cho ú ụ từ ngày kia ngày kìa. Chứ cái ngưỡng chị không đến lượt được rau tươi nhá.

- Con này, mày giỏi lo chuyện bao đồng nhỉ, tin tao vả vỡ mồm mày ra không.

Máu nóng dồn lên tận não đời thuở nhà ai chưa bao giờ thấy cái loại người đã xấu mà cái nết lại y như phân chó. Cô Tâm hùng hổ cầm cái đĩa cân định vả cho mụ vài cái tội dám gọi mình là con thì bị chị Liên ôm lại. Còn mụ kia ba hồn bảy vía lượn mất. Chị Liên ơi là chị Liên đã bảo rồi lành quá thì khó sống, gặp đứa nào bố láo thì cứ vả vỡ mồm nó ra. Những lời cô Tâm nói giống như nước đổ lá khoai vậy, đến bực, bảo sao cái số nó khổ đến nỗi thằng chồng cũng không ra gì.

- Thôi cô bán tiếp đi, cô cứ thế người ta lại thù cho.

- Ơ hay, lạ chửa, nó bố láo bố lếu là mình phải duỗi ngay để nó làm càn thế à, chán chị thật đấy. Thôi giấy đây cầm giấy mà đốt đuổi xui, em cũng phải đốt một tờ kẻo cả ngày lại chả bán được gì. Mới sáng ra đã gặp thứ gì không đâu đen thế không biết!

Chị Liên thì chỉ biết cười khổ, người ta thường bảo bố mẹ sinh con trời sinh tính, từ nhỏ chị đã lành như đất đến giờ vẫn vậy. Còn cái Tâm khác từ nhỏ đã đanh đá cá cày, vừa hay kém chị đúng hai tuổi tròn trĩnh. Cái con bé ngày nào đầu hai bím tóc chị vớt dưới ao lên, cả người ướt sũng, mặt trắng toát xém nữa là đi gặp ông bà. Khi tỉnh lại thì nắm tay chị cảm ơn rối rít thề cả đời sẽ bảo vệ chị. Không ngờ nó làm thật, nhìn thế mà giờ đã là mẹ của hai đứa con rồi vậy mà tính nết vẫn không chịu đổi.

Con gái chị năm nay thi vào cấp ba, chị cũng chỉ có một đứa duy nhất còn chồng có cũng như không.

Hôm nay là ngày nhà trường dán kết quả trúng tuyển, chị lo quá từ sáng tới giờ cứ sốt hết cả ruột. Cái Thanh từ nhỏ đã có tiếng trong làng là học giỏi, dù thế nào cũng không khỏi lo lắng. Cô Tâm thì cứ giục chị về sớm xem nó thế nào nhưng chị lại chẳng dám nghỉ bán, nếu nghỉ chắc cả ngày cũng chỉ có cơm trắng với muối.

Âu cũng là cái số từ nhỏ chị đã lam lũ vất vất, nghỉ học khi hết lớp ba gọi là biết cái chữ. Sau này lấy chồng cũng chả khá hơn, cả ngày chồng chị cũng chỉ biết rượu chè cờ bạc, kiếm một đồng thì phá ba đồng. May sao ông trời thương cho chị đứa con gái ngoan ngoãn không thì cả đời này chắc chị cũng chẳng biểt dựa vào ai. Có lẽ do trời nóng nên hôm nay người ta cũng mua rau nhiều hơn hẳn, ai cũng xuýt xoa rau muống luộc sấu dầm ra ăn với mắm ngon phải biết.

Hết hàng sớm, chị liền dắt vội con xe' phượng hoàng 'mà thầy u tặng cho khi về nhà chồng, cũ kĩ thì cũ kĩ thật nhưng là bây giờ chứ hồi đó mới lắm cũng cỡ một triệu bấy giờ, hồi ấy đâu phải ai cũng có. Thấy chị về cô Tâm liền dúi cho chị túi ổi bảo là mang về cho cái Thanh. Cũng chả có gì nhưng cứ có cái gì ngon là cô Tâm lại dúi cho ít, bị chị mắng bao nhiêu lần nào có chịu nghe nhà có hai đứa không để cho nó ăn cứ mang đi cho. Chị thì cũng biết cô Tâm ưng cái Thanh lắm, thằng cả nhà cô Tâm năm nay đang năm hai đại học còn học hẳn đại học Bách khoa Hà Nội nhé, lại ngoãn ngoãn hiền lành. Nếu hai đứa mà nên duyên thì tốt biết mấy. Nghĩ thôi đã thấy mừng cho con gái rồi, gương mặt chị liền rạng rỡ hơn hẳn.

Nhanh thật đấy, nghĩ đến chuyện vui cái mà đạp xe cũng không thấy mỏi như mọi khi nữa, vừa về đến nhà giọng con gái chị đã vọng ra. Nó nói là đỗ rồi, đạt thủ khoa của trường luôn. Nó khóc chị cũng khóc chưa bao giờ chị thấy mừng đến vậy. Đây là kết quả đáng nhận được cho bao ngày miệt mài cố gắng của Thanh cũng cho những ngày chị dầm mưa dãi nắng kiếm từng hạt gạo nuôi lớn con bé. Chị quyết định rồi tối nay sẽ làm một bữa lẩu cho nó, từ nhỏ đến lớn một bữa ngon của con bé chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Tính ra cũng ngót nghét hết bảy trăm nghìn. Chiều tối đợi khi chồng không có nhà chị liền lấy tiền ra đếm đi đếm lại từng tờ một. Thì ngoài cửa có tiếng bước chân, thấy bọc tiền chồng chị mắt liền sáng hơn cả sao trời vội lao đến giựt lấy. Chắc mẩm sẽ được một bữa mát mày mát mặt với mấy ông bạn rượu.

- Mày trông thế mà giỏi nhỉ, kiếm cũng được kha khá phết nhể ?

- Ông làm cái gì đấy, tiền này ông không được lấy.

- Mày nói lại lần nữa tao nghe coi. Tao nói cho mày biết, mày sống ở nhà tao thì tiền của mày là tiền của tao mà tiền của tao thì là của tao. Thích lằng nhằng ông lại vả cho rơi răng ra bây giờ.

Chát một tiếng, cánh tay của người đàn ông to khỏe dáng một cái tát xuống gương mặt hốc hác của chị. Năm xưa khi mới về làm dâu mọi chuyện êm đẹp lắm, ngoài cái tính trẻ danh thì chồng chị vẫn luôn đối tốt với chị. Vậy mà chỉ sau một năm thì liền bộc lộ bản chất. Cứ bốn ngày thì ba ngày lại đập phá, đến nỗi bây giờ chị cũng không thể nhớ trên người có bao nhiêu vết bầm. Ở làng quê là vậy, người ta vẫn khẳng định rằng vợ mà bỏ chồng là vứt, chị cũng sợ nếu ly dị rồi thì không biết dúc mặt vào đâu, Thanh nó cũng cần có bố. Nghĩ như vậy nên cứ thế mà tiếp tục chịu đựng.
Cho đến ngày hôm nay nhìn số tiền mình tích góp khổ cực để cho con gái một bữa ăn tử tế bị cướp mất, lòng chị xót quặn lại. Trần đời chắc chỉ có một người bố như vậy.

- Ông có phải con người không đấy hả, ông nhìn cái Thanh như vậy ông không thấy xót sao. Nó đỗ cấp ba rồi lại là thủ khoa nữa... Tôi chỉ muốn cho nó một bữa ngon...vậy mà ông cũng đành lòng lấy sao hả?

- Úiiiii giời ơi, con gái học giỏi thì để làm gì, cũng như gáo nước đổ đi, sau này lấy chồng nó hầu nhà chồng nó cũng chả đến lượt nó hầu mày. Mày cứ chiều nó có ngày nó leo lên đầu mày mà ngồi đấy, hiểu chửa.

Mới tát cho có cái mà nước mắt đã chảy dòng chảy dãi, thấy gớm. Làm vợ mà không biết phép tắc, dám gân cổ lên cãi chồng là chỉ có ăn đập. Mà con này nó ngu, ngu thật nó đưa tiền cho chồng thì có phải là được mát mày mát mặt không rồi người ta sẽ bảo nó quý chồng thương con đến lúc ấy lại chả sướng ngất ra. Càng nghĩ anh Hải càng thấy mình đúng, đúng quá chứ nị. Vừa đi anh Hải vừa cười nham nhở, trong người vốn sẵn men say nên đi thế nào đâm xừ nó vào cái ổ gà sâu hoắm. Lúc này mới sực nhớ ra từ lúc mười lăm giờ sai con Thanh sang nhà ông Quý xin ít sấu về ngâm đường uống mà giờ vẫn chưa thấy vác mặt về. Máu nóng dồn nên tận não.

Anh Hải liền lẩm bẩm chửi với giọng lè nhè của một thằng nát rượu.

- Con mất nết chắc lại la cà ở đâu rồi. Đợi lát nữa tao nhậu về cứ xác định no đòn.

Người ta vẫn bảo hoàng hôn là thời gian đẹp nhất trong ngày, đặc biệt là vào mùa hạ, bầu trời ửng hồng, cái nóng bắt đầu hạ nhiệt và cũng là thời điểm kết thúc một ngày dài với đống công việc chồng chất ngổn ngang. Ở xa xa chút là cánh đồng cỏ lau trắng muốt chúng lay động từng nhịp theo cơn gió cuối ngày. Cách một đọan phía cuối làng là ngôi nhà cấp bốn với một khoảng sân kha khá cũng đủ để trồng một cái cây lớn. Nhưng cuộc sống lại cô độc đến lạ thường. Có lẽ đối với một ông lão đang ở lưỡng cửa gần đất xa trời thì chẳng còn gì để hối tiếc nữa, chỉ là ngày ngày vẫn chăm sóc từng li từng tí cho hai cây đỗ quyên trước cửa nhà,cứ như vậy cho đến mùa xuân chắc chắn sẽ nhuộm sắc đỏ.

- Bà ấy về nhất định sẽ ra thích!

Ông Quý cảm thán, đôi mắt thoáng đượm buồn. Hồi trước người luôn tỉa cành tưới nước cho nó vẫn luôn là bà ấy chỉ cần nó nở hoa thì gương mặt liền rạng rỡ giống như cái thời còn trẻ là một thiếu nữ tuổi hai mươi nhuận sắc lỡ làm tim một người lệch nhịp mà nguyện theo cả một đời. Nhưng đối với hai người liệu một kiếp phải chăng là chưa trọn vẹn ?

Ông Quý tổng cộng có bốn người con nhưng lại chả có lấy một đứa con gái chỉ toàn thằng trời đánh, thằng út thì cả năm mới có một hai lần ngó cái mặt về còn thằng hai cứ về là xác định bị lão cầm chổi đuổi hốt ra tận ngõ. Cái ngữ con mất nết lão chẳng cần. Càng nghĩ càng bực, lão ném xừ cái chổi đang cầm trong tay lại lỡ chúng ngay thằng cháu đang luyên thuyên đủ thứ với cái đứa con gái đang bận hái sấu. Nó liền xuýt xoa cái chân rồi quay lại nói.

- Ông lại bực bố cháu rồi ạ? Dạo này hình như bố thấy có lỗi nên bảo mấy hôm nữa về thăm ông tại bố bảo dạo trước dưới xưởng nhiều việc quá nên không về được ạ.

- Chả biết là về thăm cái lão già sắp xuống lỗ hay là thăm cái đất này.

Ừ thì có thăm nhưng thằng hai có bao giờ hỏi thăm lão được một câu đâu, cứ về là ngó ngang ngó dọc. Lão nhìn là lão ngứa mắt mà cứ ngứa mắt là lão lại cầm chổi đuổi. Chỉ tội thằng cháu cứ làm gì không vừa ý nó là nó lại tẩn thành ra có chút không nhanh nhẹn. May sao vẫn đỗ được vào trường loại A của tỉnh cùng trường với cái Thanh.

Hai đứa chúng nó ngồi cạo cả thúng sấu cũng hết gần hai tiếng đồng hồ, thằng Hòa thì mải ngâm đường, cái Thanh thì được lão cho cả túi sấu mang về với mấy cái bánh trứng. Cũng chả có gì coi như là phẩn thưởng đỗ cấp ba cho con bé. Nó cảm ơn rối rít rồi cũng vội về. Chết dở đi lâu quá nó cứ lo nơm nớp, thể nào về cũng nhừ đòn. Bước chân của nó cứ thế thoăn thoắt dưới buổi chiều muộn hôm ấy, vừa bước vào nhà thì đã thấy mắt mẹ xưng húp miệng còn dính chút máu. Chưa kịp hoàn hồn thì đã có tiếng cô Xuân vọng từ ngoài cổng vào.

- Chết dở, Liên ơi...mày chạy ngay ra quán nhà con Lan...thằng Hải nó đánh nhau...đập bàn...đập ghế ở đấy kìa. Nó say rồi...nó... nó đòi giết người, chạy ra lôi nó về mau không to chuyện bây giờ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro