Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trời nhá nhem tối, ở thôn quê là vậy đâu có được như trên thành phố, cả đoạn đường cũng chỉ có vài cái cột đèn. Ánh sáng yếu ớt đó hắt lên thân ảnh của hai dáng người một lớn, một nhỏ cứ thế mà vội vã. Nhớ hồi chín tuổi được cùng cô Bích lên Hà Nội, khi ấy nhiều cột đèn lắm chúng cứ trải đều giống như dải lụa vàng đẹp đến mê hồn. Khi ấy có một người bố lạc con mà hớt hải chạy dọc chạy ngang tìm đứa nhỏ, Thanh cứ như vậy mà nhìn theo ngưỡng mộ rằng đó là một người bố tốt. Đơn giản vì Thanh chưa bao giờ cảm nhận được điều đó, cứ một tuần thì ba bữa lại cùng mẹ chạy dọc chạy xuôi tìm người bố say xỉn.

- Đi về, ông phá như vậy đủ chưa. Tôi xin ông đấy, ông không thương tôi thì cũng phải thương con chứ.

Nghe thấy tiếng nói anh Hải quay lại với dáng bộ loạng choạng tay còn cầm cái đĩa đang lăm le định phang vỡ đầu cái thằng vừa hất đổ chén rượu của mình. Đúng là con dở, hơi tí là khóc với lóc vừa mới ăn tát xong mà giờ đã thấy nhớ rồi à, gớm nhỉ ?

Anh Hải nhếch mép nhìn vợ mình rồi gằn giọng nói.

- Á à mày... mày gân cổ quát ai đấy hả? Tao không về, về về cái gì.   

Dứt lời anh lại tiếp tục quay sang chỉ vào mặt tên kia.

- Thằng chó này hôm nay ông dần cho mày ra bã, mày dám hất đổ chén rượu là mày khinh ông chứ gì.

- Bỏ cái tay xuống, mày chỉ ai đấy. Láo nháo tao phang cho cái điếu cày chết cha mày bây giờ.

Rượu vào là nó thế điên lên là chỉ có đập phá. Nếu không có mấy thanh niên gần đấy ngăn lại chắc giờ hai người đó ngồi ăn chuối cả rồi. Dì Lan thì cũng chẳng vừa từ lúc bị gãy cái chân bàn đến mấy tuần sau cái miệng thỉnh thoảng lại quác lên chửi đổng. Theo như mấy bà hàng xóm tường thuật lại thì nguyên văn là. " Tiên sư nhà chúng nó chứ được ba đồng ba cộc mà phá nát quán nhà người ta. Đúng là cái lũ nát rượu, cũng hơn bốn mươi tuổi đầu rồi chứ ít gì, già mà không nên nết suốt ngày rượu chè. Chẳng qua là vì miếng cơm nên dì mới bán cho nhé không có mờ ở đấy cháo mà húp". Những người nghe được cũng chỉ biết ngao ngán thở dài.

Thoắt cái mà đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày nhận kết quả trúng tuyển. Thằng Hòa lạch cạch đạp xe đón Thanh đi học, mọi người vẫn bảo thằng Hòa nó ngố tàu nhưng được cái hiền lành dễ bảo, chỉ sợ sau này lấy vợ lại đội vợ lên đầu mà sống thì chết kẻo bố mẹ lại mất nhờ. Thanh thì được cái nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh mà kể ra điểm tốt chắc đến tết tây chả xong. Trái lại thì con Ngọc nhà cô Xuân lại chỉ thừa có đúng một điểm đỗ nên nó căm cái con nhà bán rau muống ghê lắm. Từ ngày biết điểm đến giờ cũng hơn chục lần nó phải nghe nào là mày nhìn con nhà người ta thủ khoa kìa, còn mày cả ngày chỉ biết dán mắt vào cái điện thoại. Mày giỏi mày ăn điện thoại thay cơm luôn đi. Nó là nó bực, nó điên tiết nên là nó phá luôn cái con nhà bán rau muống. Nhân lúc không có ai nó liền lấy cả cái cây đinh to tướng đâm một phát vào lốp xe rồi cười đắc ý. Khi về nhìn cái con đen xì phải dắt bộ dưới trời nắng mà lòng nó hả hê dễ sợ. Chỉ có điều nhìn ai kia cũng phải đi bộ dưới trời nắng mà lòng cứ thấy xon xót nên lại đạp nhanh về phía trước tiến đến gần cái dáng dấp uể oải.

- Hòa ơi lên đây Ngọc cho đi nhờ xe này chứ đi bộ thế kia tội lắm. Tiện Ngọc cũng đi qua nhà ông Hòa luôn mà nên không phải ngại đâu.

- Thôi Ngọc đi trước đi.

-Hòa thích đi cùng Thanh cơ nên Ngọc cứ về trước đi nhé. Mờ về nhanh đi không kẻo nắng nó chiếu cho khéo lại có làn da bánh mật thì toi đấy.

Nghe Thanh nói vậy Hòa cũng liền gật đầu. Dứt lời hai đứa chúng nó liền dắt xe đi một mạch về phía trước. Gớm thôi trông cái mặt con Ngọc rõ ghét, đừng tưởng Thanh không biết ai làm thủng lốp xe nhé, chưa vả cho cái là may ở đấy mờ làm bộ làm tình. Còn Ngọc thì không cam tâm, đôi mắt liếc xéo một cái mà như muốn bay ra khỏi hốc mắt, liền phóng nhanh về phía hai đứa chúng nó.

- Gớm chết, người Thanh như cái cọng rau muống ấy mà còn õng a õng ẽo trông gớm nhỉ Hòa nhỉ.

Hòa im lặng, còn Thanh nghe vậy thì cơn giận bắt đầu bộc phát.

- Ngọc còn quá đáng nữa là Thanh múc Ngọc luôn đấy Ngọc. Tên rõ đẹp mà miệng xấu thế.

- Tao nói không đúng chắc, mày giỏi mày múc liền đi. Tao lại sợ mày quá cơ.

- Ngọc đừng có mà qúa đáng.

Hòa quát, cả hai đứa kia cùng giật mình, chưa bao giờ Thanh thấy đứa bạn từ thời đóng bỉm cùng mình lớn lên lại nổi giận như vậy, mặt nó đỏ phừng phừng mắt trợn lên nhìn Ngọc. Cơ mà như thế Thanh lại thích nhìn ai kia mắt rơm rớm bỏ về trước mà sướng thế chứ nị. Chỉ tội Hòa vì Thanh mà phải đi bộ dưới trời nắng, mặt nó đỏ bừng có lẽ là say nắng mất rồi, tội nó nên Thanh xót lắm vì thế mà đưa nó về đến tận nhà. Từ nhỏ Hòa đã sống với ông bà, bố mẹ ở huyện khác vì bận việc dưới xưởng bia quanh năm nên đành gửi nó cho ông bà chăm, thỉnh thoảng lại được mẹ đón về. Mỗi lần như vậy mặt nó lại hiện nét buồn rõ rệt.

Cũng phải thôi, vừa đưa Hòa về đến cổng thì đã thấy bố nó trong sân tay còn cầm cành sấu. Trưa hôm đấy tiếng roi vun vút lẫn vào tiếng sụt sịt của thằng Hòa, đau đến buốt thịt.

Con với chả cái chỉ được cái lêu lổng là giỏi, lo cho nó nên phải sắp xếp công việc về thăm vậy mà giờ mới vác cái mặt về, còn cái xe nữa trông có xót không chứ nị, chưa chi đã thủng lốp, đúng là thằng phá hoại.

Thanh xót Hòa một thì chắc Ngọc phải xót mười, từ lúc nghe thấy tiếng quát tháo nó đã chạy ra lấp ló ở cổng. Cũng tại nó nhưng do nó một thì do con Thanh gấp một trăm à không phải là một nghìn lần. Nếu biết đấy là xe Hòa thì nó đã không dại dột mà làm thế, giờ nó mới thấy mình ngu. Nhà con Thanh nghèo xơ nghèo xác lấy đâu ra tiền mua xe xịn, đã thế cái con đen xì ấy còn bêu xấu bảo do nó làm thủng lốp, lại còn ra vẻ sốt ruột cứ ngóng ra ngoài cổng trông mà ngứa mắt.

Cũng bởi vì tình làng nghĩa xóm nên bố của Hòa không làm to chuyện, dù sao cũng chỉ là chuyện cỏn con có lẽ do bọn nhỏ ấm ức nhau. Ừ thì ấm ức, ừ thi cái xe nó hỏng nhưng đời thuở có ai lại bắt con mình giữa trưa nắng  như vậy quỳ ở sân rồi cầm cành sấu vun vút vào người nó. Ông Quý vừa về đến cổng tay còn cầm nắm ngọn bí nhìn thấy vậy liền cầm lấy chổi chỉ  thẳng vào mặt thằng con mất nết.

- Mày giỏi mày đánh cả tao luôn đi. Xe nó hỏng phải dắt bộ dưới trời nắng, cả tháng không gặp nó một lần giờ về không hỏi thăm nó thì thôi mày còn đành hanh cái gì, thằng trời đánh.

- Thầy nhìn lại xem, thầy cứ cầm chổi đuổi con mình như vậy thì còn đâu sĩ diện với làng xóm. Con cũng lớn tuổi rồi thầy phải để con còn mặt mũi ra đường chứ với cả thầy như này là dạy hư cháu đấy.

- Mày giỏi, giờ còn đòi dạy ngược lại tao cơ à. Thế nào, mày xem mất tí đất nào chưa.

- Cái Thanh nó còn ở đây, thầy nói như thế con cũng không hiểu ý thầy mờ thầy như vậy nhỡ người làng nghe thấy họ lại hiểu lầm có mà họ lại chả cười cho thối mũi.

-  Anh mà cũng sợ xấu hổ cơ đấy ?

Lão hỏi đểu, thằng con thì ra điều vẫn không hiểu ý lão. Ngẫm lại thì thấy mình cũng hơi quá đáng với thằng Hòa, nhìn nó mồ hôi chảy nhễ nhại kể ra cũng tội thôi thì lần này bỏ qua, coi như là để cho nó rút kinh nghiệm. Sau khi nhìn thằng con được Thanh đỡ dậy đưa vào nhà thì liền ra chõng dưới tán cây sấu ngồi rót trà uống. Chỉ là chưa kịp nhấp đến ngụm thứ hai đã liền bị lão đuổi. Lão bảo giờ đủ lông đủ cánh rồi đi đâu thì đi chứ nhà lão không chứa. Dứt lời lão quay bước vào trong để lại thằng con với cục tức to đùng mà bỏ về.

Nhớ năm xưa, khi cả bốn anh em còn là những đứa trẻ thì người được lão già chiều nhất là thằng út. Dù nó làm sai hay đúng vẫn luôn được bênh vực, mà đúng hơn chắc chỉ có mỗi thằng hai này là chịu thiệt. Trong khi anh em mỗi người đều được một củ khoai lang thì thằng hai lại phải ăn chung cùng lão một củ. Thằng cả thì không phải đụng tay vào việc gì còn thằng ba vì nhỏ hơn đúng một tuổi nên hầu như tất cả đều được thằng hai này làm tất. Cho đến ngày nhìn thấy anh cả của mình ra đi trong lòng lại bất giác có chút gì đó nhẹ nhõm. Hình ảnh đó cứ mập mờ đến bây giờ cũng chẳng còn muốn nhắc đến nữa.

Cũng trên con đường ấy, có dáng dấp của một thiếu niên trên người đeo một chiếc cặp chạy vi vu cùng chiếc xe CUB 81, hít hà cái hương của đồng quê khoan khoái đến lạ khác xa sự bức bối ở thành phố. Còn gì tuyệt hơn khi được về đến nơi yên bình. Chiếc xe ấy đỗ trước cổng nhà lão rồi từ từ được giắt vào trong. Nghe thấy tiếng xe máy, lão liền đi ra ngoài cửa.

- Con thằng út đấy phỏng ? Sao năm nay về trễ thế, ông cứ ngóng mày mãi.

- Con chỉ ở được một tuần thôi ông ạ. Tuần sau là con nhập học rồi. Mà ông vẫn khỏe chứ ạ. Anh Hòa đâu rồi, sao con không thấy ?

Lão liền chấp tay đằng sau, vẻ mặt của lão vẫn còn chút bực.

- Ông khỏe, thằng Hòa ở trong nhà ấy. Rửa tay đi rồi ông dọn cơm cả ba ông cháu cùng ăn.

Không khó để thấy được nét giận trên gương mặt ông nội. Nam cũng khá quen với việc này rồi ngoài bác hai ra thì chả còn ai có thể khiến ông nội tức giận đến vậy. Mà phải công nhận cơm ông nội nấu vẫn là ngon nhất dù chỉ là ngọn bí xào với canh mướp hương nấu cùng lạc thêm một bát thịt băm cũng khiến Nam phải ganh tị với Hòa vì được ở với ông nội từ bé. 

Nói là nhớ ông nội nhiều lắm nhưng cái tâm trí mười phần chắc cũng phải hết sáu phần là mong ngóng ai đó. Chiều đến nhìn thằng cháu ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc vuốt vát các kiểu mà lão chỉ biết thở dài. Còn Nam thì tự tin lắm, cứ vừa đi vừa cười. Đến trước cổng nhà người ta rồi vẫn phải đưa tay lên vuốt tóc một cái rồi mới cao giọng lên mà gọi.

- Thanh ơi, Nam này. Ra đây tôi biểu.

Sau một lúc chờ đợi thì Thanh cũng ra đứng trước mặt Nam với một gương mặt ngái ngủ. Nhìn cái đầu của Nam mà nó liền phải bặm môi lại không khéo lại cười phá lên mất.

- Ây dô, ông về khi nào đấy. Eo, ông làm gì với tóc mà trông nó là lạ thế nào ý.

Nghe vậy Nam liền hắng giọng, tay đưa lên vuốt mái tóc rồi nhích lông mày nhìn con dở hơi trước mặt.

- Bà thì làm sao mà hiểu được phong cách mới lạ của tuổi trẻ. Thôi không rườm rà nữa giờ tôi đến rước bà đây. Đi không?

- Đi đâu ?

- Sách.

Nghe đến từ sách thôi mà hai con mắt của Thanh liền sáng lên. Gật đầu lia lịa. Nam được thế đắc ý, đợi Thanh chuẩn bị xong thì huých tay ra hiệu lên xe. Từ nhỏ Thanh đã rất thích sách, thậm chí nghe lời kể lại của ông Quý thì hồi ba đứa mới hai tuổi, lão đặt ra bốn món đồ trước mặt là một quyển sách, một tờ hai mươi nghìn, một gói bim bim với một con gấu bông nhỏ bằng bàn tay thì thứ Thanh chọn lại là quyển sách còn Nam thì khỏi phải nói chắc chắn là tiền, duy nhất là tiền, Hòa thì lại là gói bim bim.

Nhiều năm như vậy đến giờ thứ mà Thanh thích vẫn là sách. Hơn nữa lần này còn có người trả tiền cho nên vui lắm.

Nam đi lòng vòng quanh tiệm sách, nhìn một hồi rồi quay lại chỗ con mọt sách đang đứng.

- Bà tính trở thành nhà bác học hay sao mà cứ như muốn nuốt hết tất cả sách trên đời này thế. Không sợ ngộ độc sách hả?

Thanh quay sang nhìn Nam, lắc đầu rồi chẹp miệng nói.

- Chúng là cả tương lai của tôi đấy. Ông không hiểu được đâu.

Nói xong Thanh đưa tay kéo Nam ra quầy thanh toán rồi trở về.

Trời cũng xẩm tối, cơn gió nhè nhẹ lùa qua, chiếc xe máy vẫn chạy chầm chậm đều đều. Thanh có hỏi thì Nam biện cớ rằng tối rồi đi chậm thôi không khéo lại được ngắm gà khỏa thân hàng năm định kì. Nghe vậy Thanh cũng sợ mà tin răm rắp, mà quả thật chiếc xe nó chạy rất chậm dù có nhanh hơn tí chắc cũng không chết được đâu. Nhưng Nam vẫn không nghe bảo an toàn là trên hết.

- Bà học nhiều như vậy không sợ sau này không có ai rước hả ?

- Thì lúc đó có ông chống ế cho rồi còn gì nữa.

Câu nói ấy vừa dứt thì ai kia bỗng đơ mất năm giây. Nhưng rồi cũng lấy lại trạng thái ổn định.

- Con gái con lứa, không biết giữ ý tứ gì cả sau này có mà cờ hó nó thèm lấy.

- Khéo sau này ông lại là cờ hó ấy nhỉ ?

Nói xong Thanh cười khanh khách, cũng chỉ là câu nói đùa mà khiến ai kia mặt nóng bừng, cái tính cọc cằn lại nổi lên.

- Vớ vẩn, lo mà học đi. Mới tí tuổi đầu chồng con cái gì.

- Ơ, ông là người nói trước mờ. Vô lý vừa thôi chứ.

Hai đứa cứ như vậy mà cãi qua cãi lại cuối cùng Nam đành chịu thua. Cơ mà tối hôm đấy khi trăng lên đỉnh đầu rồi vẫn có đứa bồn chồn không ngủ nổi. Tay áp lên ngực trái, thổn thức.












Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro