Phần 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vào một ngày đẹp trời của tiết hạ, Chí Mẫn vừa nhảy chân sáo vừa hát hò trên đồng ruộng, hai tay bận bịu cầm lấy mấy bịch cơm muối vừng, chúng được nắm tròn rồi gói gém cẩn thận trong những tàu lá chuối xanh mướt, thỉnh thoảng cu cậu còn nghịch ngợm vung vẩy cái bịch trên không trung mấy vòng liền.

Dáng vẻ như vậy khỏi đoán cũng biết nó đang đi đâu, là đi đưa cơm chứ đi đâu nữaaaa. Thằng bé ở nhà cũng chỉ quanh quẩn mấy việc cỏn con từ sáng tới tối, nên đâm ra cuộc sống cũng khá tẻ nhạt. Nó chỉ háo hức tới ngày Tết thôi, với lại cũng chỉ có dịp như thế nó mới có cảm giác được giống như những đứa trẻ đồng trang lứa khác: được sắm quần áo mới thơm tho nuột nà, được đi chợ mua bánh kẹo thắp hương, còn được hàng xóm tới chúc Tết lì xì.
Mẫn được mẹ cho giữ tiền mừng tuổi, cũng chả đáng bao nhiêu nhưng nó cũng dành dụm rồi cất trong một cái hòm nhỏ xinh xinh ở góc nhà. Nó muốn tích tiền mua vé tàu, lên đường tìm cha, thăm cha.

Mang cơm ra đồng xong, nó lững thững về nhà, lại nhớ ra hình như sáng nay thằng Quốc được cô Trân đưa đi học, Mẫn nhìn thấy cô chở nó trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng sáng bóng, còn nó thì đeo cặp sau lưng, đội một cái mũ vành nhỏ, miệng te tởn cười, chắc là nó phấn khích lắm, cậu cũng vui lây. Hai người họ quẹo vào cái hẻm nhỏ khác nên không nhìn thấy Mẫn. Thằng bé lại thấy có chút tủi thân, hôm trước cu cậu nghe nói trưởng làng vừa mới cho mở một lớp học nhỏ, Chí Mẫn thích đi học nhưng chẳng biết kiếm tiền đâu ra, tự nhiên trong đầu nó nảy ra một ý tưởng- Nó sẽ học lén. Phải, nghĩ xong liền vặt lấy 2,3 tấm lá chuối bên đường với một cành cây cứng làm bút, hí hửng chạy tới lớp.

Tiết trời hôm nay gay gắt hơn những ngày trước, tiếng ve kêu inh ỏi cùng với những vệt nắng chiếu trên nền đất dát vàng óng cả một dãy đường làng.
Lưng Mẫn ướt đẫm cả mồ hôi rồi, nhưng nó không thấy mệt.

Bước chân của Mẫn ngày càng chậm, nó nghe thấy tiếng giảng bài của thầy đồ gần đó, từng tiếng từng tiếng một, nghe sao mà thích thế cơ chứ. Mẫn mỉm cười sải chân tới gần hơn nữa, chiếc nhà tranh được lợp ngói bằng rơm kia cứ rộn ràng tiếng dạy đọc bài và đồng thanh của bọn trẻ mới hay làm sao!

Nó chạy lại ô cửa sổ nhỏ gần đó, nhô 2 con mắt long lanh lên để ngó vào.

Ôi, các bạn bè trong làng đều được đi học kia kìa, chúng nó ngồi khoanh tay ngay ngắn trên mặt bàn gỗ, miệng cứ tròn ra đọc bài, kìa có đứa giơ tay lên phát biểu, nhìn ai cũng vui vẻ tươi cười. Đối với một đứa trẻ như Mẫn mà nói, đây chính là ước mơ của nó.
Cu cậu đặt lá chuối xuống nền đất nóng hầm hập, lặng lẽ ngồi nghe giảng bài, nó muốn viết chữ giống thầy trên bảng, nhưng đặt cái cành cây vào viết thử thì nét nào nét ấy nguệch ngoạc, xấu xí cả. Thế rồi có đoạn thầy kể về truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, nó đứng thẳng người chống tay ở cửa sổ chăm chú nghe, gật gù mà quên mất là mình đang học lén.

Thế rồi nó bị phát hiện.

"NÀY! Cậu bé kia, không đóng tiền thì không được học đâu nhé." -Thầy đồ cầm cây thước dài trong tay chỉ về phía cậu, lớn giọng.

Mẫn giật mình quay đầu lại, thấy trong lớp ai nấy cũng đang nhìn mình, thẹn tới không biết giấu mặt vào đâu, nó còn thấy thằng Quốc đang nhìn chằm chằm vào bản mặt lem luốc của nó, không chút cảm xúc. Mẫn nhìn lại thầy, xấu hổ, cúi đầu xin lỗi rồi chạy biến.

Nó vừa chạy vừa khóc, bỏ quên cả dép ở đấy. Mà tới trưa, đường làng nóng như lửa đốt. Trông thật tội nghiệp, Mẫn chạy ra đình làng, nó chán về nhà lắm. Ngồi khóc thút thít một hồi, lại chạy tới ao rửa tay lau mặt cho sạch sẽ. Đình làng trồng rất nhiều cây xanh nên không khí rất mát mẻ và trong lành, điều này khiến nó thoải mái hơn.

Mẫn nhớ tới câu chuyện vừa nãy thầy đồ giảng, cu cậu đứng lên trên một cái bậc rồi tự kể lại, từ đầu tới cuối không sai sót một chi tiết nào. Sau khi kết thúc câu chuyện, nó nghe thấy tiếng vỗ tay từ đằng sau.

Nó quay ra thì nhìn thấy thằng Quốc, giật bắn cả người, nghĩ lại tới sự việc xấu hổ ban nãy, nét mặt liền ỉu xìu: "Sao Quốc lại ở đây, giờ này tan học phải về nhà rồi chứ."

Thằng Quốc cứ khen lấy khen để: "Mẫn thuộc bài nhanh thật đó. À, tôi có mang dép cho Mẫn đây, xỏ vào đi cho khỏi rát chân."

Mẫn được khen thì cười hì hì, lấy ngón tay quẹt quẹt ngang mũi, sau đó nó thấp đầu cảm ơn Quốc đã mang đồ cho mình, vừa xỏ đôi dép vào vừa suy nghĩ, thằng Quốc không thấy nó đáng chê cười sao?? Cậu còn nhớ lúc bị thầy phát hiện, có một vài đứa còn phá lên ha ha xỉa xói. Mẫn vậy mà lại đi học lén, chắc người nghĩ nó bần hèn lắm. Nhưng cậu mặc kệ, chả muốn quan tâm đến bọn họ nữa rồi.

Mẫn biết nếu xin cho đi học thì mợ nó sẽ tạo điều kiện thôi, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc mợ nó phải đi làm thêm tăng giờ và chạy vạy nhiều tiền hết mức có thể, nó thương mợ vất vả nên bằng lòng chấp nhận mình thiệt thòi. Mẫn tự hứa với lòng mai sau sẽ kiếm nhiều tiền về cho mợ, cậu không muốn mợ bị coi thường hay dị nghị thêm nữa.

....

Tối hôm đó Mẫn ngồi nhặt ngô bên ánh đèn dầu, đang hì hục làm cho nhanh để đi ngủ thì nghe mợ nó bảo:

"Mẫn, con có muốn đi học không?"

"Thôi ạ, đi học để làm gì chứ, ở nhà còn làm đỡ việc vặt cho mợ."- Mẫn nó ngay lập tức trả lời, ngữ điệu gấp gáp để mợ khỏi suy nghĩ.

Người mợ hiền xoa đầu đứa trẻ nhỏ, mỉm cười dịu dàng. Mợ hiểu tính con trai mình mà, mợ biết thể nào nó kiếm ra mấy cái cớ vu vơ để từ chối. Mợ cũng buồn vì nó còn nhỏ như thế đã hiểu chuyện và biết suy nghĩ quá rồi.

"Việc ở nhà thì có mấy đâu con, mợ biết là con thích học lắm, mợ đi làm cả ngày cốt cũng để dành tiền cho con tới trường thôi, này đây, ngày mai con đem tới lớp đóng cho thầy, rồi học." - Nói xong, cô dúi vào tay nó mấy đồng.

Thằng Mẫn gục đầu vào vai mợ, nước mắt từ từ chảy ra trên đôi gò má hồng.

"Không, con chả muốn đâu, mợ đừng để tâm con làm gì."- Nó dãy nảy, đẩy mợ nó ra rồi chạy vào chiếc giường nhỏ, trốn sau tấm rèm mà nằm khóc thút thít.

"Có người nào sinh ra con rồi lại muốn để nó phải thiệt thòi đâu chứ. Nhà ta nghèo thì ăn ít làm nhiều. Bây giờ mợ muốn con tới lớp, đầu tiên là để biết vài ba con chữ vỡ lòng, sau này là để mang con chữ đã rèn luyện học tập mười mấy năm xây dựng xã hội con ạ. Đất nước hoà bình độc lập, người ta cứ trên đà mà tiến về nền văn minh phía trước, chẳng lẽ con chịu chấp nhận cái dốt cái đói suốt đời hả. Con đừng lo cho mợ, mợ tự biết cách để chèo trống nuôi gia đình."

Cô cứ tự trách bản thân, tự thấy thẹn rằng nếu không lo nổi cho con cái ăn cái học đàng hoàng, vậy thì còn xứng đáng làm mợ nữa không đây?

Nghĩ rồi, cô đặt mấy đồng lẻ lên bàn, thổi tắt ánh nến chập chờn trong đêm tối rồi đi ngủ.

Bên ngoài, vầng trăng êm ái rải những ánh sáng bàng bạc xuống hiên nhà tĩnh lặng, ánh sáng ấy toả ra một sự mát dịu nhè nhẹ, như ru con người chìm sâu hơn vào giấc ngủ sau một ngày lao động mệt nhoài, và ánh trăng bạc ấy còn thắp sáng một tương lai, hi vọng và niềm tin mãnh liệt chảy trong huyết quản, trái tim của cô Lan, và đứa con trai bé bỏng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro