Chương 7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sinh nhật năm nay, bố mua tặng Vy một chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ nhắn, trông có vẻ khá đắt tiền. Vy đoán năm nay ông làm ăn phát đạt. Sau khi học vẽ một thời gian, Vy nhận ra bản thân thích vẽ phong cảnh, cũng như thích chụp lại phong cảnh. Cô thích chụp giàn hoa giấy trước ngõ, thích chụp chiếc cầu thang gỗ cũ kĩ dẫn lên lớp học, thích chụp những chậu cỏ dại được tái chế từ chai nhựa treo lủng lẳng trên dãy ban công tầng thượng, thích chụp cả những đám đông có dính người đó.

Số lần gặp gỡ không nhiều, cho nên mỗi khi nhìn thoáng qua, Vy đều muốn chụp lại cảnh học sinh toàn trường chào cờ hoặc là lao động tập thể, hoặc chỉ đơn giản là tụ tập trước canteen. Anh lúc thì cười đểu, lúc thì phì phèo ngậm thuốc lá, lúc lại ngả ngớn đạp xe đạp. Điều đó dần trở thành một bí mật bé nhỏ trong lòng Vy.

Vy nghe lớp trưởng lại lên án cô bạn gái mới của anh, cũng là một hotgirl xinh đẹp. Quen không bao lâu thì vì cô bạn gái mới đó mà gây sự với trường bên cạnh, cuối cùng đương nhiên là bọn Nguyên thắng, nhưng hậu quả là đều bị mời lên phòng giám thị, bị đình chỉ học và hạ hạnh kiểm. Đối với Nguyên, như thế đâu có hề gì, anh còn vui vẻ đón nhận.

- Mắt bà mờ quá, ai là cái cậu mà bé Cam của bà thích vậy?

- Sao ạ? - Vy giật mình, thu lại máy ảnh, cười gượng gạo - Ngoại đừng đoán bậy, không có đâu mà.

- Không có thì cháu giấu đi làm gì, bà còn chưa xem xong đâu. - Bà ngoại biết tỏng mà còn tàn nhẫn vạch trần cô.

- Lưng ngoại không tốt, đừng ngồi lâu quá. Ngoại nằm xuống nghỉ chút đi ạ.

- Lại đánh trống lãng. - Bà ngoại buồn cười lẩm bẩm - Nhanh dẫn người ta về cho bà xem đi, bà sợ không chờ được tới lúc đó nữa.

- Ngoại! Ngoại đừng nói gở!

- Bà nói thật đấy, linh cảm của người già thường đến sớm mà...

Có lẽ bà ngoại nói đúng thật. Vài ngày sau, bà bắt đầu nói mê sảng. Bà nói chuyện với những người không hề nhìn thấy, mà những người đó đều đã mất rất nhiều năm trước. Bố mẹ Vy thì dường như đã biết, còn Vy thì hoảng loạn cực kì, cô quỳ bên giường bà khóc rất nhiều, cô sợ bà sẽ quên mất mình. Mẹ Vy nói, trước khi đến đó, người ta thường làm quen với những người bạn cũ.

Thầy coi số dưới quê không hiểu sao lại phán bà có thể sống thêm ít nhất một năm nữa. Vy xưa nay không tin vào chuyện bói toán chợt nảy sinh một niềm tin mãnh liệt, chắc ông thầy này nói đúng thôi.

Đội chuyên văn mỗi một kì học trôi qua sẽ có một kỳ sát hạch để kiểm tra trình độ của học sinh. Cho nên cùng với việc ôn thi cuối kì thì Vy còn phải ôn kĩ môn văn hơn nữa. Bận rộn đến không còn đầu óc để ý đến mấy chuyện tầm phào, ví dụ như cả lớp cũ và lớp mới đồng loạt tụt hạng khỏi bảng nhận giải văn nghệ, ví dụ như Nguyên vừa kết thúc mối tình gần đây nhất của mình - đề tài mà mọi cô gái trong trường đều mong ngóng.

Cuối tuần, như thường lệ, Vy lại chăm chỉ mang giấy vẽ và màu đến lớp học. Hôm nay là tiết học cuối của khoá học nâng cao, Vy tưởng rằng cô Tâm sẽ tiếp tục dạy một trường phái khác nhưng lại đột nhiên thông báo giải tán lớp học. Mấy bạn nhỏ trong lớp nghe cô Tâm sắp rời đi thì khóc oà cả lên, ồn ào cả một phòng, Vy lo lắng ôm lấy một cô bé nom nhỏ tuổi nhất bên cạnh dỗ dành.

- Cảm ơn các em đã học cùng cô trong thời gian qua, cô trò mình đã có những kỷ niệm thật đẹp. Càng tốt hơn khi cô có thể trở thành người dẫn đường cho những người khác. - Nói đến đây, cô Tâm tràn đầy tự hào nhìn sang Vy. Vy hoang mang không biết nên đáp lại như thế nào - Nếu sau này có bạn nào thích vẽ nữa thì với nền tảng tốt bây giờ, các bạn có thể tiếp tục học ở bất kì lớp nào.

- Nhưng mà, nhưng mà em chỉ thích học với cô thôi!

- Đúng ạ! Đúng ạ!

Cả lớp lại một lần nữa được dịp nhao nhao hết cả lên. Cũng may là hoạ cụ đã thu dọn sạch sẽ rồi, nếu không đã chẳng biết phải nên làm sao. Phụ cô Tâm tiễn hết đám học viên về, đứng cạnh người cô mà ngang tuổi xem như chị mình, người cô trưởng thành, tốt bụng và xinh đẹp, một nỗi buồn lan toả khắp tứ chi. Vy lắp bắp:

- Cô có việc gấp phải đi ạ?

- Đúng rồi, gọi bằng chị đi, cô nghe già quá. - Chị Tâm bật cười, đôi mắt mãi dõi theo tàn dương - Chị tốt nghiệp, nhưng mãi vẫn chưa có việc làm. Chị thích vẽ lắm, thật đấy, nhưng nghề này vốn ít cơ hội. Việt Nam mà. Suốt ngày vẽ vời, bị bố mẹ mắng, cho nên giận dỗi chạy về đây thuê nhà, tự dạy học. Cuối cùng thì, phận làm con cũng phải trở về tìm một công việc đàng hoàng, chí ít suốt ngày ngồi ở văn phòng, dán mắt vào màn hình, nhập chứng từ, đúng giờ hành chính thì tan tầm.

Vy chỉ hỏi đơn giản một câu nhưng chị Tâm trả lời rất nhiều, gần như là khái quát cả cuộc đời của chị. Lớp mỹ thuật giống như hơi thở nhiệt huyết tuổi trẻ của chị, trở về nhà, chị lại trở về là người con hiếu thảo, là cô gái nhân viên văn phòng buồn tẻ. Mẹ thường nói, đời người vô thường, mình chọn nghề nhưng chưa chắc nghề đã chọn mình, rốt cuộc vẫn phải tìm một công việc có thể kiếm được cơm nuôi sống bản thân.

- Trong quá trình học cùng nhau, chị phát hiện em thật sự có tài. Em có định theo nghề này không?

- Em cũng không biết nữa...

Vy nhìn ra tia hụt hẫng trong mắt chị. Có lẽ chị mong có người nào đó sẽ có duyên hơn, tiếp tục cuộc đời dở dang đầy tiếc nuối của mình. Tuổi xuân mà chị dành cho nó đã cạn kiệt rồi. Chị tiết lộ đây từng là nơi mà gia đình chị đi du lịch cùng nhau, cũng là một lần duy nhất, rồi một ngày nào đó chị sẽ quay lại đây.

Đợi chị Tâm đi xa rồi, Vy mới chầm chậm rơi nước mắt, mặt cúi gằm đỏ bừng vì nghẹn ngào. Không có bữa tiệc nào không tàn. Mọi người dường như dần dần rời xa cô, My, chị Tâm và sớm thôi, ngay cả bà ngoại cũng bỏ cô mà đi. Vy không biết tại sao cô có thể chịu đựng giỏi như vậy, lấy việc học làm xiềng xích tự cột chặt mình.

Tỉnh táo lại đã quá giờ tan học nửa tiếng, Vy khịt khịt mũi, chậm chạp dắt xe, còn chưa kịp gạt chân chống thì dưới nhà phát ra âm thanh đổ vỡ thật to. Vy theo bản năng không muốn lo chuyện nhà người khác, đặc biệt còn là nhà của Nguyên, nhưng kéo theo sau đó là một tràng im ắng. Không có tiếng người, cũng không có tiếng quét dọn.

Mẹ Nguyên mắc chứng viêm dạ dày cấp tính, bởi vì quá đau, bà không để tự mình đi tìm thuốc nên liền làm vỡ một số đồ trong nhà. Lúc đó trong nhà không có ai, cũng may Vy xuất hiện kịp thời, xe đạp cũng không thèm lấy, bắt ngay taxi tới bệnh viện gần nhất. Mẹ Nguyên còn may là vẫn trong tình trạng tỉnh táo, chỉ có điều vì quá đau mà mắt mờ tay run.

Nhà chỉ có ba người. Bố Nguyên đi làm, còn Nguyên thì hầu như không phải đi học thì là chơi bời lêu lổng, chẳng mấy khi thấy mặt. Vy dựa vào điện thoại của mẹ Nguyên, gọi một cuộc cho bố Nguyên, chỉ là không ngờ Nguyên lại là người đến trước. Có lẽ anh đang ở gần đây.

Vy cầm tờ biên lai đóng tiền viện phí và đơn thuốc trong tay, lần đầu tiên chứng kiến bộ dạng lo sốt vó của người đó. Cô từng nhìn thấy anh cười, anh giận dữ, anh đùa bỡn, anh thờ ơ, cho dù là trong bất kì tình huống nào, đầu lông mày của anh cũng không nhuốm màu bồn chồn như bây giờ. Trên người Nguyên vẫn còn mặc nguyên đồng phục thể dục, ống quần cũng không che nổi mắt cá chân gồ lên của anh, cao đến làm người khác ghen tỵ.

Vy lục đục lấy máy ảnh trong túi xách, lén lút chụp một tấm sau lưng, giữ làm kỷ niệm. Cũng là lần đầu tiên, Vy chính thức chụp cụ thể một người nào đó, chỉ là cảm thấy khoảnh khắc này rất đáng để lưu giữ. Vy không đủ can đảm để vào chào mẹ Nguyên một tiếng, cô sợ chạm mặt anh, sợ anh nhận ra mình - một kẻ luôn hèn mọn bám đuôi. Vy gửi giấy tờ lại cho cô y tá nhờ giúp đỡ rồi bỏ về.

Cuối cùng, bọn họ không còn lý do gì để gặp nhau được nữa.

Vy dùng tiền tiết kiệm mua thật nhiều giấy vẽ và màu, bắt đầu tự nghiên cứu vẽ phong cảnh. Dùng trí nhớ ngắn ngủi của mình, vẽ lại hành lang ở bệnh viện lúc nãy, hành lang trống vắng không có bóng dáng của một ai, vẽ tiệm bánh bao nổi tiếng ở cuối phố buổi sáng luôn có một hàng xe đạp địa hình đến ủng hộ, vẽ bãi giữ xe giữa ban trưa nắng gắt, vẽ dãy cầu thang dẫn đến lớp học.

Mọi nơi đều có anh, nhưng lại không có anh.

Đầu năm lớp mười hai, bệnh tình bà ngoại trở nên nghiêm trọng, bố mẹ Vy quyết định nhập viện luôn cho bà. Bác sĩ bảo nếu may mắn, bà có thể chống cự đến đầu năm sau. Căn nhà giờ đây, phòng ngủ của bà ngoại, khoảng sân ngoài vườn, toàn bộ đều không còn hình bóng già nua lom khom của bà nữa. Căn phòng đầy màu sắc nhưng không có chủ, Vy nghẹn ngào tháo dỡ những bức tranh giấy trên tường, luồn vào một cuốn album, để trong ngăn kéo tủ cạnh đầu giường bệnh của bà, để khi rảnh rỗi bà có thể mang ra xem.

Mà bà cũng chẳng xem được, bởi vì không có sức lực. Mỗi ngày bà phải truyền thuốc, ngồi dậy được xem như là may mắn rồi, đừng nói cầm một cuốn album vừa dày vừa lớn để lật. Vy đem tất cả tranh vẽ nhét dưới gầm giường của mình mang lên bệnh viện, đây là việc duy nhất mà Vy có thể làm được để an ủi bà, cô nhớ bà rất vui khi xem những bức tranh của mình. Có những đêm Vy nằm khóc lả cả người đi.

- Tranh của ai mà vẽ đẹp thế này. - Bà ngoại mò mẫm sờ soạng lung tung trên giấy vẽ.

- Là của bé Cam nhà ngoại vẽ đấy ạ. - Vy cong môi khoe khoang. Đây là bức tranh mới nhất mà cô vẽ, vẽ một cây cổ thụ với đầy những con đom đóm xung quanh, ánh trăng sáng sủa bao trùm khắp nơi, vậy mà chẳng soi đường cho trái tim cô.

- Bé Cam nào?

Bà ngoại mờ mịt hỏi. Ngực Vy thắt lại dữ dội, bao nhiêu cảm xúc chưa từng bộc lộ rõ ràng đến thế. Bác sĩ bảo trí nhớ người già ngày một giảm sút, không phải bà đã quên, mà là bà bị đãng trí. Vy luôn biết, cũng luôn không đối mặt được với chuyện này. Vy thều thào:

- Là bé Cam thương bà ngoại nhất trên đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro