Chương 1:

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Ông mất rồi con." - Cái sms má Chi nhắn sau năm cuộc gọi nhỡ.

Sáng nay, Chi dạy ca đầu nên vội cũng chẳng lấy điện thoại từ cốp xe. Dạy xong chuyển ca Chi mới nhớ tới cái điện thoại.

Chi thẩn người ra, biết ông bị bệnh hiểm nghèo nhưng chắc chắn Chi và mọi người vẫn nghĩ còn nước còn tát. Nước mắt tự nhòe làm đôi mắt híp sung húp lên.

- Má ơi! Ông mất bao giờ?

- Ông mất sớm nay, Con về chưa?

- Dạ, giờ con về.

- Con đi xe về hay đi xe ngoài?

- Dạ giờ con ra bến xe miền Tây.

- Uhm, về tới đầu cống thì gọi ba ra đón.

- Dạ.

Dứt máy thì Chi chạy lên phòng giáo vụ nhưng không thấy ai, quẹt tay áo lau hết những giọt nước mắt còn vương trên má. Chi lục lại số điện thoại của thầy quản lý. – Thầy ơi! Nhà em có tang, thầy sắp lại lịch chiều nay giúp em ạ!

- Uhm, em cứ nghỉ lo việc đi. Chiều thầy nhờ người khác đứng lớp giúp cho.

- Dạ, em cảm ơn thầy, em chào thầy.

***

Từ trường ra bến xe, nước mắt Chi cứ tự nhiên chảy, Chi chẳng thể dừng lại. Đội chiếc nón lưỡi trai, đeo thêm chiếc khẩu trang to sụ nhưng cái kiếng cận của Chi cứ dăm giây thì lại phải gỡ ra để lau lại.

Tới 4g chiều thì Chi cũng về tới Đại Hải, đôi mắt đã sưng húp vẫn mọng nước, Chi bước xuống xe, rồi chạy vội qua đường, có một anh xe ôm chạy về phía Chi: - Em về đám ma đúng không? Lên anh chở vào.

Chi giật mình, ngoảnh lại, lấy tay quệt nước mắt rồi chỉnh lại gọng kính, lom lm nhìn anh trai đưa cái nón bảo hiểm về phía Chi, Chi xác định lại và chắc chắn là Chi không hề quen hoặc đã từng gặp người này.

- Dạ, anh quen em ạ?

- Uhm, ở cái huyện này bé xíu sao anh không biết em được.

- Dạ,.. hả??? Nhưng em không biết anh. – Chi vừa nói, lắc đầu rồi quay về phía đầu cống để vào nhà nội, Chi sẽ gọi điện cho ba.

- Em lên đi,anh chở tới nhà, đường này đi thẳng vào nhà nội em chứ có đường vòng đâu mà em lo anh bắt cóc.

Chi dừng lại gọi điện thoại, vừa muốn leo lên xe khỏi làm phiên ba ra đón mà cũng tranh thủ về luôn cho kịp giờ liệm nội. – Dạ, vậy anh chở em về luôn ạ.

- Anh tên Đan, em tên gì? Ngày trước về toàn gọi em là bé Ba. – Anh vừa chạy vừa liến thoắng.

Còn Chi, từ lúc lên xe, mắt Chi lại nhạt nhòa mờ mờ với con đường quen thuộc vào nhà nội phía trước, với con sông đang chảy êm đềm bên phải, bên trái là những ngôi nhà mái lá nền đất với các khoảng sân rộng phía trước đã được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang lơp tôn, dọc bên mé sông ngày xưa là những khoảnh rau lang, rau muống xanh ngát đã được thay thế bằng những cây mít sai trĩu quả, hoặc những ngôi nhà dựng lấn ra sông...

Những ngày hè năm cũ tái hiện, nội vẫn ra đầu lộ, chờ đón từng đứa cháu về chơi, rồi lại cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ đưa cháu về nhà giữa trưa nắng với quãng đường gập ghềnh hơn 3 cây số.

Rồi cũng những trưa hè ấy, ông lại đi tìm cháu giữa những cánh đồng để tìm cháu về ăn cơm, gọi cháu về ngủ trưa, hay đơn giản chỉ là đưa cho nó cái nón lá của bà kẻo lại say nắng...

Rồi có những chiều hè nắng chưa kịp tắt nhưng mưa đã về, bọn bạn ở quê thì nhảy cầu khỉ tắm sông ùm ùm, nhưng đứa cháu gái có xin xỏ hay mè nheo hết cỡ thì vẫn không tìm được sự đồng cảm của chú thím, nhưng nội thì lẳng lặng khoác cái bao nilon sau lưng và đội cái nón lá bước trên bờ ruộng trơn trượt vác dao rựa dưới màn mưa đi chặt thân chuối cho cháu gái tập bơi.

- Cái Ba đâu? Ra đây ông bảo? – Ông lôi cái thân chuối vừa cắt ra ven sông, tước hết vỏ sần sùi bên ngoài gọi vọng vào trong nhà.

- Dạ. – Chi vừa hét lớn vừa phi từ mái hiên ra ngoài sân, băng băng về phía nội, thích thú nhìn đám bạn quê đang bì bõm dưới sông.

- Đây nhé! Con ôm cái thân chuối như vầy nè. Chân con đập lên xuống. Không được thả tay ra nghe chưa? – Ông vừa nói vừa quơ tay quơ chân hướng dẫn cho nó.

- Dạ. – Chi háo hức nên lời nội nói nó chẳng tập trung lắng nghe được.

Ông đưa cây chuối cho Chi ôm rồi thả từ từ thân chuối xuống sông. Cái vòng tay bé xíu của Chi chẳng thể ôm trọn được cái phao tự chế của nội. Trượt tay, Chi chưa kịp hô hoán thì nước đã vào miệng vào mũi, mắt thì cay xè. Chi hoảng sợ, nhưng lúc ấy lại có 1 người kéo nó lên, lấy tay lau mặt cho nó, rồi đưa nó lên chiếc tàu mắt đỏ của chú Tư đang neo gần đó.

Ông luýnh quýnh nhảy từ bờ xuống tàu ôm cháu, Chi hoảng khóc thét lên. – Ông ơi con không bơi nữa? Ông đưa con lên đi. Con muốn về với má.

Ông thương cháu xoa xoa lưng, rồi lại lấy tay vuốt mặt cho cháu – Ngoan nào, Ba của ông giỏi nín khóc, rồi ông tập bơi cho nhé!

- Không! Con không bơi đâu, ông kẹ sông bắt con. (Bà hay đe cháu không được ra sông chơi, kẻo ông kẹ sông bắt.)

- Ú uầy, có ông đây, không ai bắt được cháu cưng của ông nhé!

Dù ông có vỗ về, có nói gì đi nữa thì Chi cũng chẳng buông ông ra, Chi ôm ghì lấy ông, nó cũng chẳng màng ai đã cứu nó, mấy đứa bạn được phen cũng hoảng theo con bé. Lớp ba lớp bốn rồi làm gì mà còn không biết bơi, nhưng thấy Chi khóc thét lên thì chẳng đứa nào chọc ghẹo. Ông bế nó lên cho bà tắm, chú thím đi hái ít lá lốt đun cho nó ấm nước, bà dỗ dành, nhưng cũng vẫn còn giận, chẳng trách được cháu nên đành quay sang trách ông.

- Đã bảo là mưa đầu mùa dễ bệnh, ông cứ chiều hư, nhỡ có gì rồi sao ăn nói với ba má nó. – Thôi nín nào, bà thương.

Từ ngày ấy, nó chẳng dám bước gần đến bờ sông. Có quay về phố, họa hoằn lắm như cấp 2 trường bắt học bơi thì nó cũng chỉ bì bõm ở độ sâu an toàn. Bất kể môn gì nó cũng có thể dẫn đầu, tự tìm tòi tự học, nhưng riêng những gì đụng đến sông nước như bơi, chèo thuyền, chèo thúng thì nó chịu.

...

***

Qua chiếc cầu bê tông thì chiếc cờ tím đang tung bay trước sân nhà nội hiện ra, nó òa khóc lớn tiếng, mọi cảm xúc dồn nén từ lúc biết tin đến giờ như vỡ òa. – Nội đi thật rồi. Nội bỏ con rồi nội ơi.

Anh dừng xe bên cái vó nội dựng để bắt cá trên sông, chẳng màng đến cái túi hay lời cảm ơn anh, Chi nhảy xuống chạy vội vào trong nhà, nội vẫn đang nằm trên giường, cái giường bao nhiêu năm vẫn ở vị trí cũ, đầu nội quay về phía cửa sổ. Nó vẫn hy vọng đây chỉ là một sự nhầm lẫn, nhưng chiếc hòm đang đặt giữa nhà, nội nằm một chỗ nhắm mắt, tay chân lạnh ngắt, còn đâu như ngày nào cũng cái giường này nội ngồi vá lưới dòm ra cửa sổ, chỉ cần thấy bóng cháu về là gọi bà.

Chi ngồi sụp xuống bên cạnh, chẳng còn khóc được nữa, nó chỉ yên lặng ngồi nắm tay ông. Má ra lay lay nó: - Đồ con để đâu rồi, ra đằng sau cất nón bảo hiểm rồi rửa mặt đi.

Lúc này, Chi mới nhớ đến anh, gỡ nón bảo hiểm rồi chạy ra ngoài, anh đang nói chuyện với ba, trên tay ba là cái túi của nó.

- Dạ, em xin lỗi à... không...em cảm ơn. Của em hết bao nhiêu ạ? – Nó đưa cái nón trả anh, rồi ngập ngừng hỏi anh.

- À, Cha em đưa rồi. Cố gắng lên nha em, ông về với Chúa ông sẽ không đau nữa.

- Dạ, em cảm ơn. – Nó cúi đầu chào anh rồi lững thững bước vào trong sân, ngồi bệt bên mái hiên nhìn về cái vó trên sông trước nhà của nội. Chi nhớ những chiều quấn rịt lấy nội chỉ để được cầm cái sào vớt cá từ vó bỏ vào giỏ lưới. Chi nhớ những sáng nhưng nắng hè gắt năn nỉ mãi để được theo nội đi bắt cua, mót lúa. Nước mắt cứ thế lại trực trào ra từ đôi mắt hí đã sưng đỏ.

Bác Hai gọi mọi người vào chụp tấm hình với ông rồi liệm ông vào hòm. Nó khóc nấc lên gọi ông như những ngày hè năm cũ, nhưng ông không còn xoa lưng cho nó nữa, nó hối hận bao nhiêu mùa hè nó không về thăm ông, nó bận theo bạn bè đi đó đi đây, nó hối hận vì cứ lần lữa mãi với lời hẹn về với ông. Út nhà nó ra ôm nó, nó chẳng thể đứng lên nữa, Boo đỡ nó vào giường với nội.

Sau khi liệm nội, con cháu và hàng xóm ngồi đọc kinh cho nội, nó ngồi ở một góc, nó tị nạnh với Hai, chắc bây giờ Hai, ông ngoại và ông nội đã được gặp nhau. Ông nội ông ngoại thương các cháu như nhau, nhưng Hai nó bị liệt từ nhỏ nên có phần hơn, nó mơ màng với cái suy nghĩ ở thiên đàng nội sẽ không còn đau, hai sẽ không bị liệt, và ngoại sẽ cùng chơi đánh cờ với nội.

...

Trời tối nhanh, các ông bà cô chú bác họ hàng thay nhau tới thắp nhang chung lời nguyện. Má nó lại kéo nó xuống nhà sau, đưa cho nó cái khăn tay đã nhúng nước ấm.

- Lau mặt đi, nghỉ một lát, ăn gì rồi ngủ sớm đi con, khuya rồi. – Nó cầm lấy khăn cảm ơn má rồi nhìn qua đồng hồ. 11g rồi, nhưng đằng trước vẫn đông. Đằng sau bếp ông Hoàng nhà bên sông đang nấu cháo khuya. Mấy anh chị con bác Hai, mấy em con cô con chú người ẵm ru con nhỏ, người rảnh tay thì châm trà cho khách. Đã lâu lắm rồi mới gặp đông đủ thì lại là vào ngày ông mất.

- Em ổn chứ? – Có tiếng hỏi khẽ sau lưng, nó quay lại, ngạc nhiên nhìn thấy anh xe ôm. Khẽ gật đầu thay cho câu trả lời bởi cổ họng nó khô khốc, nó chợt nhớ ra, từ sáng giờ nó chưa uống ngụm nước nào. Mỉm cười chào anh rồi nó ra cái lu nước mưa của nội ngay cửa bếp, tay cầm lấy cái gáo dừa, tay nhấc khẽ cái mâm nhôm che miệng lu, múc một gáo uống vội, quả là nước mưa nội hấng, chảy tới đâu mát lạnh mà còn ngọt đến đó. Chẳng hiếu sao, nước mắt nó lại chảy. Cứ nghĩ không ai để ý nên nó ngồi thụp xuống híc híc thì thầm: "Nội ơi, con nhớ nội."

- Lớn rồi mà vẫn nhõng nhẽo như ngày nào vậy cô bé. – Giọng của anh cất lên, nó gỡ kiếng lấy tay quệt vội ngang mắt, rồi chỉnh kiếng quay lại ngạc nhiên dòm về phía anh. Đang cái đà nên vẫn chưa thể ngưng khóc hẳn, nước mắt vẫn chảy và tiếng nấc ngày càng to.

- Ơh, em nín đi, chứ người nhà em lại tưởng anh bắt nạt em. – Anh vừa nói vừa đưa tay ra sau gáy kéo cái khăn tang, gấp ngay ngắn lại đưa về phía nó. – Em lau đỡ đi, đừng lấy tay quệt nữa kẻo mai mắt sưng lên là không thấy đường được đâu.

- Dạ... Dạ cảm ơn anh. – Nó cúi đầu chào anh, rồi lại đi lên ngồi bên cạnh nội.

***

Sáng hôm sau, nó chẳng biết nó đã ngủ từ lúc nào, nó vẫn nằm cạnh nội, nhưng trên đầu nó đã được kê thêm cái áo khoác của ai đó. Nhìn quanh thì mọi người cũng đang ngủ. Ngoài sân, bác hai, ba và hai chú đang ngồi uống cà phê sáng với một vài người nữa. Thím Tư đang quét sân. Chi bước ra phía sau cây nước, kéo cần, nước chảy xối ra, nó vốc lấy táp lên mặt. Nếu nội còn sống, nội sẽ là người đẩy cây nước cho nó rửa mặt chứ chẳng cho nó tự làm. Nội vẫn hay khen nó là đứa cháu ham học, thông minh nhưng lại cũng khuyên nó, con gái thì biết thế thôi chứ đừng làm, con phải biết nhường việc cho nam nhi con ạ.

Chẳng biết các anh chị em con bác cô chú thì thế nào, nhưng sao Chi nhớ nội quá, biết là nội đi về với hai thì nội sẽ không đau, nhưng nó vẫn chẳng thể tin được những ngày sắp tới nó về chỉ còn mình bà.

***

- Em lên ăn bát cháo cho ấm bụng. – Lại cái giọng quen quen ấy.

- Dạ... hả??? – Nó mỉm cười quay lại nhưng lập tức ngạc nhiên khi anh xe ôm, đúng là anh xe ôm... Nó tự nhủ trong đầu, anh có họ hàng xa gì với nó không, chứ chắc chắn những người hàng xóm quanh nhà nội nó đều nhớ mặt và nhớ tên vanh vách cơ.

- Anh múc đặt trên bàn đá bên trái nhà rồi đấy. Không hành lá nhiều hành phi, không thịt không xương nhiều dồi đúng không? – Anh mỉm cười nhìn cái miệng he hé ngạc nhiên chưa kịp ngậm lại.

- Dạ, đúng rồi... Hả??? Mà sao anh biết. Anh biết em hả?... À không, anh từng tiếp xúc với em rồi hả??? ... À, cũng không phải... Em chắc chắn là em không biết anh. – Nó vừa nói đầu gục gặc suy nghĩ, tay quờ quạng lộn xộn. – À, không. Em phải hỏi tên anh trước... Đúng rồi, anh tên gì? – Sau hồi bĩnh tĩnh được chút thì nó chỉ thẳng tay về phía anh và nhấn mạnh câu hỏi cuối.

- Anh tên Đan. – Anh bình tĩnh hơn nó, vừa cười vừa chậm rãi trả lời.

- À,... - Nhưng em vẫn chắc chắn là không biết anh.

- Uhm, vậy để từ từ rồi em sẽ biết. Em lên ăn cháo đi. Anh về đây. – Nói xong, anh quay lưng đi lên lấy cái áo khoác mà nó gối cả đêm trong ánh mắt ngỡ ngàng của nó.

***

Nó bước ra hiên trái nhà, vừa cầm bát cháo nóng lên thì thấy bác Huỳnh gái bước về phía nó. Nó đứng dậy, mỉm cười ôm bác. – Con chào bác, lâu lắm rồi con không gặp bác.

Bác mỉm cười hiền hậu ôm nó vào lòng xoa lưng nó.Rồi bác kéo nó xuống ghế, vừa nói vừa bưng bát cháo đặt vào tay nó. – Bác tưởng con quên bác rồi. Mấy dịp hè con về mà ngóng mãi chẳng thấy con ra chơi. Thôi con ăn đi kẻo nguội.

- Con làm sao mà quên được ạ! Ngày xưa con ăn dầm ở dề nhà bác mà. Con nhớ nồi bún riêu này, bánh lọt đường thốt nốt, bánh canh ngọt,... ôi túm lại, bác nấu cái gì cũng ngon. Con nhớ những ngày hè ấy bác à, con nhớ nội hay đi từ đầu kênh đến cuối kênh chỉ để tìm cháu, dù lần nào cháu cũng chỉ ở mỗi nhà bác với nhà bác Loan. – Nước mắt nó lại chảy dài.

- Thôi cháu à. Ông đi cũng khỏe cho ông, bớt đau đớn. Ngày còn sống, ông là ông thương hai anh em con nhất đấy. Con cứ khóc suốt làm sao ông yên tâm đi được.

- Dạ, con biết nhưng con vẫn nhớ ông. Con không khóc nhưng nước mắt nó tự chảy mà. – Nó kéo cái khăn tang trắng xuống lau mắt. Rồi nhoẻn miệng cười cho bác yên tâm.

- Bác nghe má bay nói dạo này con dạy ở trường hả? Con quen ai chưa? Bay cũng hăm sáu hăm bảy rồi nhỉ?

- Dạ, con hậu đậu ai thèm ưng mà quen bác. À, mà anh Cua dạo này sao rồi bác, chắc cũng cả hơn hai chục năm rồi con không gặp. Mấy dịp con về được có 1-2 ngày thì anh lại đi học trên PH.

- Ủa, thằng Cua nó vừa ở đây, con chưa gặp nó à. – Bác vừa nói vừa dáo dác nhìn ra phía sân.

- Dạ con không thấy ạ. Nãy giờ con chưa ra đằng trước, hồi trước con có nghe ba kể anh làm trên CT ạ?

- Uhm, nó học rồi ở lại trường làm hai năm, giờ thì về nhà làm con à. Hai bác giờ cũng yếu, có nó ở nhà việc khó việc nặng nó đỡ cũng tốt.

- Hihihi anh Cua với chị Bống cưới chưa bác? Ngày xưa hai anh chị cứ đóng vai cha mẹ la con với chị Phương suốt. – Nó vừa ăn cháo, tủm tỉm cười vừa nói.

- Chuyện hệ trọng cả đời mà con bé này cứ đùa như ngày xưa chơi hàng vậy con. Chị Bống mi lên CT làm rồi quen người trên đó. Anh Cua mi thì cứ đợi con bé trẻ trâu lớn thành cô Tấm. – Bác vừa đùa vừa nhìn nó lom lom, nhưng nó chẳng để ý nên cũng cười đùa đáp lại. – Hahaha, anh Cua khoái gặm cỏ non hả bác? – Nhưng nó nghĩ hoài cũng chẳng đoán ra được ai, vì bằng tuổi nó cũng chỉ có chị Phương con bác Loan, nhỏ hơn thì có cái Hường, cái Thúy nhưng hai đứa này lên Sài Gòn làm rồi mà. Hay là anh thích ai ở ngoài cống nhỉ? – Bác ơi! Con thua, anh quen ai vậy ạ? – Nó ngước lên nhìn bác với cái biểu cảm khó hiểu, nhưng rất ư là tò mò đương đợi giải thích. – Bác cũng không biết, sáng con gặp nó con hỏi thử xem. – Bác vẫn dịu dàng mỉm cười từ tốn trả lời nó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro