Ghi chú

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sự việc hôm nay vô cùng chấn động từ học sinh đến giáo viên và cả nhà trường. Nhà trường tiến hành tìm hiểu nguyên nhân và ngăn không để tin tức đi quá giới hạn, cô chủ nhiệm mở một cuộc trò chuyện với lớp để thu thập thông tin vào đầu giờ chiều.

Cô chủ nhiệm hỏi han về tình hình của Nhân Vỹ gần đây có gì bất thường không? Sau đó dặn dò các bạn đừng truyền tin tức ra ngoài và khuyên các bạn nếu có gặp chuyện gì có thể nói với cô, đừng làm ra hành động dại dột.

Vi nhặt được điện thoại của cậu thiếu niên Nhân Vỹ chẳng biết làm sao trả nên tạm thời cất vào balo đợi thời điểm thích hợp đưa lại. Trưa về nhà, Vi đang tranh thủ chợp mắt thì chiếc điện thoại trong balo phát ra âm thanh báo thức, lạ là báo thức này reo sớm hơn bình thường. Vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ nên hơi mơ hồ, cô quên chú ý xem đó có phải điện thoại của mình không, cứ thế ấn mở, điện thoại không cài mật khẩu đưa cô thẳng đến giao diện ghi chú. Vốn có kinh nghiệm đọc truyện nhiều năm nên Vi nhìn lướt qua đã nắm được nội dung chính từ những dòng đầu tiên.

Hết tiết, Vi cầm theo chiếc điện thoại di động của cậu thiếu niên đuổi theo cô: "Cô ơi!"

"Sao vậy Vi?"

"Dạ em có nhặt được điện thoại của bạn Nhân Vỹ." Vi đưa điện thoại cho cô.

Thấy cô giáo định trực tiếp bỏ điện thoại vào túi xách thì Vi ngập ngừng muốn nói: "Cô ơi!"

"Còn gì nữa hả Vi?"

"Điện thoại của bạn không khóa. Hay là... cô xem thử note của bạn đi."

"Được cô sẽ xem." Cô chủ nhiệm gật đầu.

Trở lại phòng giáo viên, sau khi xem xong ghi chú cô chủ nhiệm gọi cho mẹ của Nhân Vỹ để hỏi thăm tình hình của cậu và vị trí phòng bệnh để vào thăm sẵn tiện thay cậu chuyển bức thư trong mục ghi chú đến tận tay người nhận.

Khi cô giáo đến sảnh bệnh viện vừa hay thấy mẹ Nhân Vỹ đang tức giận đi ra, gặp cô giáo nên bà cũng kiềm chế cảm xúc lại đôi phần. Cô giáo không cùng mẹ cậu đi lên phòng bệnh mà di chuyển đến một băng ghế, tại đây cô trao đổi về tình hình của Nhân Vỹ trong lớp. Trong mắt giáo viên, cậu là một lớp trưởng gương mẫu; là một học sinh giỏi, có ý thức học tập cao; là cậu học trò ngoan hiền, chăm chỉ và lễ phép. Hầu như chẳng ai nghĩ đến học sinh tự tử trong nhà vệ sinh kia là cậu thiếu niên ôn hòa, luôn tươi cười đó cả. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, không nghĩ đến không có nghĩa là không xảy ra, không có việc gì là tự nhiên cả, phải có nguyên nhân thì mới có kết quả. Cô chủ nhiệm giao bức thư cho người mẹ rồi xin phép lên phòng bệnh thăm cậu, để lại không gian riêng cho bà.

"Gửi mẹ, lúc mẹ xem được những dòng này có lẽ con không còn trên đời này nữa. Con biết việc mình đang làm rất có lỗi với công sinh thành dưỡng dục của mẹ, con xin lỗi vì hành động ngu xuẩn của mình. Nó chẳng phải suy nghĩ bồng bột trong một lúc nhất thời, con chưa từng nghĩ đến cái chết dưới một lần, trước đây con muốn chết nhưng lại không dám con không đủ can đảm, đôi lúc chạy xe trên đường con muốn đâm đầu vào xe tải chết đi cho rồi nhưng con lại nghĩ làm vậy sẽ tội nghiệp cho tài xế. Mỗi ngày con chỉ được xoay vòng giữ nhà, trường, lớp học thêm mà ở nơi nào đi nữa thì con cũng đều phải học. Một ngày 24 giờ con học hết 15 16 tiếng chẳng biết ngày nghỉ là gì, đầu con đã quá tải không còn chứa được gì nữa đâu. Con cần được thư giãn, được nghỉ ngơi như người bình thường, con muốn có một giấc ngủ chỉ đơn giản là ngủ. Nhưng không! Kể cả lúc ngủ cũng phải học lúc nào cũng HỌC HỌC HỌC. HỌC NHIỀU NHƯ THẾ ĐỂ LÀM CÁI GÌ?

Con biết mẹ sẽ nói là muốn tốt cho con nhưng mẹ ơi mẹ có nghĩ đến con là con người chứ không phải là một cái máy không mẹ? Dù là cái máy đi chăng nữa thì có lúc cũng cần được nghỉ ngơi cần được bảo dưỡng phải không mẹ? Con không thể làm việc liên tục suốt ngày suốt đêm từ ngày này qua ngày nọ, từ tháng này qua tháng nọ, từ năm này qua năm nọ. Con mệt lắm mẹ à, cuộc sống này thật sự quá mệt mỏi quá áp lực. Con nghẹt thở, lồng ngực con rất đau con sắp không thể thở được nữa, đầu con nặng như muốn nổ tung ra.

Ký ức trong 17 năm cuộc đời của con chỉ gói gọn trong từ HỌC, con thèm có được tuổi thơ như bao người, con muốn có bạn, muốn chơi game điện tử, muốn được đi đá banh với tụi bạn cùng lớp. Các bạn trong lớp ghét con, chúng nó bảo vì con chăm học nên chúng nó bị bố mẹ lấy ra so sánh rồi cằn nhằn nhưng chúng nó đâu có biết con cũng bị so sánh như chúng nó đâu. Không thể trách chúng được, đến con còn cảm thấy ghét chính bản thân mình đây này.

Sau này khi con tìm được một người con muốn làm bạn, vì đưa cậu ấy đi bệnh viện nên trễ giờ thi, mẹ còn nhớ lúc đó mẹ đã nói với con điều gì không? Mẹ nói giúp người là chuyện tốt nhưng cũng phải biết phân biệt nặng nhẹ, mẹ ơi người ta bị tai nạn đó mẹ, có điều gì quan trọng bằng mạng sống của một con người đâu, luật pháp còn xét đến tình người đấy thôi.

Có một câu con muốn hỏi từ lâu rồi rốt cuộc con nhà người ta là ai? Là con nhà ai? Sao lúc nào cũng so sánh người ta với con vậy? Con không giỏi như con nhà người ta con cũng không phải họ, con là con, con không thể là họ được. Dù con có gắng thế nào cũng không được công nhận, 9 điểm 9.5 điểm là con số mơ ước của nhiều phụ huynh trong đó không bao gồm mẹ, con cảm thấy dường như con số 10 cũng không đủ làm mẹ vui lòng. Kỳ vọng mẹ đặt ở con quá lớn, con không còn đủ sức để thực hiện kỳ vọng của mẹ nữa rồi. Cuộc sống con không quá khổ sở không cần lo lắng vấn đề cơm ăn áo mặc mà chỉ là bản thân con đã quá tiêu cực, mẹ biết không cái cảm giác đau xác thịt này đây đang cho con sự nhẹ nhõm, con sắp được giải thoát. Chuyện này chả phải lỗi của ai ngoài con cả, con xin lỗi mẹ rất nhiều vì đã phụ sự kỳ vọng mẹ dành cho con. Xin mẹ đừng quá đau buồn vì đứa con bất hiếu này, con xin lỗi mẹ!"

Đọc xong bức thư, bà lặng người đi tay cầm chiếc điện thoại trở nên run rẩy, bà muốn đi thật nhanh đến chỗ cậu. Chẳng biết cảm xúc hiện tại là gì nhưng chắc chắn đó không phải là một điều dễ chịu. Đến phòng bệnh đã không thấy người đâu, chỉ có cô giáo đang hỏi y tá có gặp cậu thiếu niên không. Dòng ký ức tua ngược về thời khắc bà vứt hộp cơm vào thùng rác và buông lời cay nghiệt với cậu, bà trở nên hốt hoảng rồi chạy khắp nơi tìm cậu. Vừa đi vừa cầu nguyện cậu đừng xảy ra chuyện gì, nếu có chuyện gì thì chắc bà sẽ không thể sống nổi. Đi mãi đi mãi đến gần cầu thang bộ thì gặp một đám người xôn xao, linh cảm dẫn bà đi qua chỗ đó thì thấy có một cậu thiếu niên xanh xao nhất xỉu ở lối cầu thang dành cho người đi bộ đang được một anh y tá bế lên xe lăn.

"Đó là con tôi, con ơi con tỉnh lại đi con. Nó có bị làm sao không?" Bà cố chen qua đám đông nôn nóng hỏi.

Anh y tá hỏi: "Bệnh nhân nằm phòng nào?"

"Phòng B413, ở đằng kia."

Y tá đưa Nhân Vỹ về lại phòng bệnh đồng thời gọi bác sĩ đến kiểm tra nhưng may mắn không có gì nghiêm trọng, do cậu quá yếu nên mới bị ngất.

Bác sĩ rời đi, bà túc trực bên giường bệnh, tay nắm chặt tay cậu thiếu niên như thể buông ra cậu sẽ biến mất.

Đợi khi Nhân Vỹ tỉnh lại, bà lập tức hỏi: "Con có đói bụng không, có muốn ăn gì không để mẹ mua."

Nhân Vỹ nhắm mắt xoay mặt qua một bên.

Trong một thoáng, không gian lại rơi vào trạng thái im lặng.

"Mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi con." Mẹ Nhân Vỹ bỗng nói ra lời mà trước giờ hầu như chẳng có bậc cha mẹ nào nói với con mình. Con cái làm sai, ba mẹ bắt phải xin lỗi phải chịu phạt vậy còn ba mẹ thì sao? Trong lòng mỗi người sẽ tự có đáp án.

Lời nói này như giọt nước tràn ly, nước mắt của cả hai cũng vì vậy trào ra. Nhân Vỹ ngồi bật dậy ôm chầm lấy mẹ không ngừng nói lời xin lỗi: "Không, là lỗi của con... con sai rồi, con xin lỗi mẹ... con xin lỗi mẹ."

Hai mẹ con Nhân Vỹ ôm nhau khóc một lúc rồi mới tách nhau ra, khúc mắc cũng vì thế cũng được tháo gỡ.

Mẹ con mà, sẽ không có một chiếc cân công lý nào cân được đúng sai. Mẹ cũng là lần đầu làm mẹ, con cũng là lần đầu làm con làm con nếu nhất thiết phải phân biệt đúng sai thì chắc có lẽ sai ở điểm thiếu sự thấu hiểu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro