Chương 1 - Mực và người Nhật Bản

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chào mọi người, tôi là Chu Du, nếu biết tôi thì xin mọi người cho tràng pháo tay, còn không biết thì cửa ở bên kia, cứ thong thả... Ơ? Mọi người đều đi hết rồi à? Đừng mà, mọi người quay lại, quay lại cả đi. Bây giờ chưa biết tôi là ai? Không sao cả, về sau ắt sẽ biết thôi. Bốn biển là nhà, khắp nơi đều là huynh đệ, cần gì phải có quan hệ máu mủ ruột rà mới là người một nhà, đúng không? Nếu thấy tôi nói đúng thì mọi người khích lệ cho tôi một tràng pháo tay nào! Mấy người bên tay trái tôi không đủ nhiệt tình nha. Mấy người bên tay phải tôi kia, xem những người trước mặt tôi nè, nhiệt tình biết bao, phải học hỏi! Nào mọi người, chúng ta cùng hợp lực vỗ tay, như sấm vang sét rền, cho núi dời biển lấp, cùng khích lệ tôi nào .

Để mọi người dễ hình dung ra tôi, thì phải kể chuyện lúc tôi còn nhỏ. Từ lúc ra đời, tôi đã là một người bất hạnh. Mặc dù không gãy tay thiếu chân, nhưng so với tiểu tử ra đời trước tôi nửa năm ở nhà đối diện thì cả đời tôi luôn bị cậu ta đè ở dưới, không ngóc đầu lên được.

Lúc nhỏ, không ai nói bộ dạng tôi xinh xắn, thậm chí cũng không nói tôi đáng yêu, chỉ có một chú cùng một dì rất gượng ép mà nói tôi có khí chất. Tôi vin vào cái "có khí chất" đó mà ngẩng đầu trưởng thành, sau đó tôi mới biết, ở chỗ tôi sống, nếu con gái nhà người ta không đáng yêu thì chỉ có thể an ủi cô ta có khí chất.

Tạm thời không bàn đến chuyện sau này tôi lớn lên như thế nào, chúng ta chỉ nói về những việc khi tôi còn bé thôi. Như đã nói ở trên, đối diện nhà tôi có một thằng nhãi ranh, tên cậu ta là Đỗ Dực, chỉ cần nghe tên thôi đã biết cậu ta không có nội hàm! Bình thường nếu không có nội hàm, người tài giỏi sẽ chọn cách ký "rồng bay phượng múa" tên của mình như bác sĩ, nhìn không hiểu gì cả. Cách này vừa gián tiếp vừa trực tiếp xâm hại đến lợi ích của tôi. Khi tôi 4 tuổi, một chữ bẻ đôi còn chưa biết, cậu ta đã nói tôi mắc chứng rối loạn nhiễm sắc thể thứ 21, thiểu năng trí tuệ bẩm sinh.

(Rối loạn NST thứ 21: còn được gọi là bệnh Down)

Tôi luôn nhớ về buổi chiều của một ngày nào đó, Đỗ Dực hưng phấn gõ cửa nhà tôi như biết tin Đài Loan đã thực sự trở thành một phần của tổ quốc(Umi: Đài Loan là một lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng có bộ máy nhà nước riêng), cậu ta hấp tấp nói: "Chu Du, cậu được cứu rồi, mau xem TV đi", rồi không nói thêm lời nào nữa, cứ vậy mà vào nhà tôi rồi mở TV. Khi cậu ta dò đến đài OX thì một hàng chữ loạt vào mắt tôi, cảm giác giống như "đi hết ngọn núi thì chỉ có một miếng vải rách là lọt vào mắt" vậy. Hàng chữ đó là: Hoan nghênh bạn đến với dịch vụ cải thiện linh khí và trí tuệ! Tâm hồn bé nhỏ của tôi chưa từng bị đả kích lớn đến vậy.

Đỗ Dực là người làm người khác phải ghen tị vì cậu ta rất đẹp trai. Trong khu chung cư, cứ hễ là con gái thì sẽ thích chơi với cậu ta, cho dù có bị cự tuyệt tàn nhẫn đến đâu thì họ vẫn cứ tìm cậu ta chơi. Tôi đặc biệt nhớ tới một việc, khi ấy, cô bé Tiểu Ngân e thẹn cắn khăn tay, đứng dưới lầu chờ cậu ta xuống chơi cùng. Cậu ta xuống thật. Vậy là hiện lên một màn mấy cô bé răng ngà cắn khăn tay, lòng ngổn ngang theo gió khi nhìn thấy cậu ta đến trước mặt, rồi xoay người đi đá cầu với các cậu trai khác.

Quan hệ hàng xóm của ba mẹ tôi và ba mẹ Đỗ Dực không tệ, nhưng vì cuộc sống vội vã nên không thể thường xuyên trò chuyện được. Ấy vậy mà mẹ tôi lại ghen tị một cách trần trụi với Đỗ Dực. Cổ văn có câu "Tiểu thì liễu liễu, đại vị tất giai". Khi đó tôi còn nhỏ, không biết câu này nghĩa là gì, đến khi hiểu được thì lại thấy không đúng lắm.

(Tiểu thì liễu liễu, đại vị tất giai: nghĩa là tuy thưở nhỏ rất thông minh nhưng sau khi trưởng thành chưa chắc trở thành người hữu dụng)

Thời gian cứ thế trôi qua...

Tôi và Đỗ Dực cùng học chung ở nhà trẻ Tiểu Thái Dương. Nhà trẻ này cũng giống như những nhà trẻ khác, phân ra làm hai ban là Đại Ban và Tiểu Ban. Tôi là một đứa trẻ chẳng có tiếng tăm gì, mỗi ngày lấy hai sợi dây có gắn hai hoa hồng nhỏ nhỏ, cột tóc lên thành hai bím tóc đuôi ngựa hoa hồng xinh xinh. Ở Đại Ban, Đỗ Dực luôn là đứa trẻ cao nhất, còn tôi lại là đứa lùn thứ hai, người lùn nhất là Tiểu Trương. Khi chúng tôi nghe cô giáo nói Tiểu Trương đã chết vì bị viêm phổi, cả lũ đều ngây ngốc, chỉ biết chết là sẽ không thể nào đi học nữa. Chỉ có tôi òa khóc, thậm chí là khóc tức tưởi. Thấy vậy, trước mặt các bạn, cô giáo còn khen tôi cái gì mà "Tâm hồn nhạy cảm, chan chứa yêu thương, biết quan tâm bạn học". Khi đó tôi 5 tuổi, chẳng hiểu cô giáo nói gì.

Tan học, tôi rầu rĩ về nhà, mắt sưng to như quả đào. Lúc lên cầu thang, tôi nghe Đỗ Dực gọi, hỏi tại sao tôi khóc. Tôi buồn bã dựa vào góc tường, hàm răng thiếu mất cái răng cửa cắn cắn khăn tay, hỏi lại: "Từ nay về sau Tiểu Trương sẽ không đi học nữa, đúng không?". Đỗ Dực không đổi sắc mặt nhìn tôi gật đầu. Vậy là tôi lại òa khóc, kêu to một tiếng "tê tâm liệt phế". Lúc ấy, có một dì đi ngang qua, nhìn tôi đang nước mắt nước mũi tèm lem với ánh mắt thương xót, mà chúng ta tạm thời gọi là "Cảnh tượng thê thảm", đồng thời dì ấy liếc qua tên Đỗ Dực cao hơn tôi nửa cái đầu đang đứng bên cạnh trách mắng "Mới tí tuổi đầu mà đã biết bắt nạt bạn học nữ, không khéo trưởng thành còn trở thành lưu manh", cái này chúng ta gọi là "Lời đồn đãi". Lỗ Tấn tiên sinh đã nói, cảnh tượng thê thảm làm mắt ta không đành lòng xem, còn lời đồn đãi thì càng làm tai ta không đành lòng nghe... Im lặng, vẫn là im lặng... Đây không phải là bộc phát trong im lặng, mà là tức chết trong lặng im.

"Đừng khóc!", Đỗ Dực nổi nóng, "Căn bản là cậu với Tiểu Trương không nói chuyện nhiều, cậu sẽ không khóc vì thương xót cho Tiểu Trương. Nói đi, vì sao cậu khóc?"

Trẻ con suy nghĩ rất đơn thuần. Nếu tôi 20 tuổi, xuyên không rồi nhập vào cơ thể 5 tuổi của đứa trẻ nào đó, tôi nhất định sẽ nói: "Mỗi lần nghĩ đến việc tôi sống 5 năm nhưng lại không cống hiến được gì cho Tổ quốc, tôi hối hận đến rơi nước mắt...". Nhưng khi đó, với hình hài và khối óc 5 tuổi, tôi đã nói: "Tiểu Trương không đi học thì tớ sẽ là người lùn nhất lớp..."

Tiểu Trương, cậu có biết cậu bỏ đi như vậy là đả kích rất lớn đối với tớ không? Lần đầu tiên trong đời, tớ biết cảm giác đau lòng vì một người đã khuất là như thế nào. Tứ tình nguyện mong muốn rằng người bị viêm phổi là Hiểu Linh – người thấp thứ ba của lớp, như vậy cậu vẫn sẽ là đệ nhất người lùn của lớp, còn tớ cũng sẽ giữ được cái ghế đệ nhị, như vậy không tốt hơn sao?

Vinh quang trở thành Đệ nhất người lùn của lớp, tôi đành phải kéo ghế vào hàng đầu mỗi khi cô giáo kể chuyện. Tình hình cứ như vậy cho đến khi chúng tôi học Tiểu ban, tôi may mắn được thăng hai cấp, trở thành người lùn đứng thứ ba của lớp. Mỗi lần mẹ dẫn tôi đi dâng hương Quan Thế Âm Bồ Tát, tôi đều vô cùng nghiêm túc cầm ba nén hương quỳ trên đất, mang theo lòng tin Đại Từ Đại Bi nơi cửa Phật, nhìn thẳng Quan Âm nương nương khấn cầu: "Bồ Tát phù hộ cho người lùn nhất và người lùn xếp thứ hai của lớp chúng con là Hiểu Vũ và Tiểu Anh ngàn vạn lần không được chết".

Nhưng trời lại không chiều lòng người. Qua kỳ nghỉ đông, đột nhiên Hiểu Vũ lại cao bằng tôi, mà bất hạnh thay là Tiểu Anh lại theo gia đình di cư sang Mỹ. Thế là tôi và Hiểu Vũ đồng hạng, lùn nhất lớp.

Khi nghe tin Tiểu Anh chuyển trường, tôi lại khóc lần nữa. Tôi vừa đi vừa khóc thẳng một mạch về nhà. Ở phía sau, Đỗ Dực gọi tôi, hỏi vì sao tôi khóc. Nếu cho tôi xuyên không lại lần nữa, tôi sẽ nói: "Tôi cứ giương mắt lên xem người Trung Quốc quay lưng với đất nước, rồi gia nhập chủ nghĩa tư bản dơ bẩn mà không có cách nào ngăn chặn. Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy có lỗi sâu sắc với Tổ quốc, vì vậy mà hối hận đến rơi lệ". Thế nhưng trên thế giới này, ai có thể thực sự xuyên không?

Không đợi tôi mở miệng, Đỗ Dực đã nói: "Không phải lần này cậu khóc lại là vì trở thành người lùn nhất lớp đấy chứ?".

Tôi nước mắt lưng tròng mà gật đầu, cảm thấy thực ra Đỗ Dực rất hiểu mình. Tôi nghĩ hoài nhưng không thể hình dung ra cái gì, nên đành trộm lấy một câu thơ mà tôi đã từng đọc được: "Người hiểu mình, lòng sẽ lo lắng. Người không biết mình, lòng êm như sông lặng sóng".

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Hơn một năm sau, tôi và Đỗ Dực cùng vào tiểu học. Vì nhà chúng tôi gần nhau nên mỗi ngày đều cùng đi học, nhưng khi tan trường thì tôi về một mình, cậu ấy sẽ đi đá cầu với các bạn nam khác một lát rồi mới về.

Tôi vô cùng sung sướng khi phát hiện lớp chúng tôi có bốn bạn khác còn lùn hơn tôi nữa. Phải chăng Quan Âm Bồ Tát đã hiển linh, thực hiện lời khấn vái của tôi? Thực ra, khi cách buổi khai giảng mấy ngày, mẹ dẫn tôi đến chùa cầu nguyện cho tôi học giỏi, ngày càng vươn lên. Hôm đó, sau khi nghe mẹ nói Như Lai Phật Tổ còn lợi hại hơn Quan Âm Bồ Tát thì tôi đã chạy đi ôm chân Phật Tổ Như Lai. Khi tôi đang bận khấn vái vị Phật Tổ kia thì có một sư thầy đến hỏi tôi đang khấn xin cái gì. Tôi đoán là sư thầy ấy nghĩ tôi còn nhỏ, không hiểu những việc "ôm chân phật" như này có ý nghĩa gì nên mới đến trêu tôi đây mà.

Tôi ngẩng đầu, giọng nói vô cùng thành kính, vô cùng nghiêm túc "Con cầu xin Như Lai Phật Tổ hiển linh, phù hộ bốn bạn học cùng lớp bình an, ba mẹ của các bạn ấy cũng có công việc ổn định".

Sư thầy nghe tôi nói xong thì giật nảy mình, đi quanh tôi ba vòng, luôn miệng nói "Thiện tai thiện tai", rồi hốc mắt đỏ hoe, nói với mẹ tôi rằng tôi rất có tuệ căn, tương lai nhất định sẽ rất xán lạn.

Thương Ương Gia Thố đã từng viết:

"Đời này thật khó vẹn cả hai

Không phụ Như Lai cũng phụ nàng"

Trong một năm, tôi trở thành kẻ lùn thứ ba của lớp. Nửa năm sau, tôi là người lùn thứ hai. Chưa được một năm sau nữa, Tiểu Hoa chuyển lớp, tôi lại vinh quang trở thành người có chiều cao khiêm tốn nhất lớp. Lần này tôi không khóc, bởi vì tôi biết, áp lực chính là tinh hoa!

Chủ nhiệm lớp tôi là cô giáo Cung, dạy môn Ngữ Văn và Tự Nhiên. Vào hoạt động khóa đầu tiên của lớp hai, cô cho chơi trò thi hiểu biết về loài cá. Mỗi tổ làm một đội tổng cộng có bốn đội. Cô Cung đưa ra câu hỏi "Ai có thể kể tên 5 loài cá lớn?". Tôi giơ tay, hồi hộp đứng lên, gương mặt hơi vặn vẹo vì hưng phấn. Khi đó, chương trình yêu thích nhất của tôi là "Thế giới động vật", giống như bây giờ tôi thích xem "Tối nay làm gì" nhất ấy. Tôi hít sâu một hơi, lớn tiếng trả lời "Cá chép, cá trắm cỏ, cá mập, mực...à, còn có cá răng đao"

"Tốt lắm, em ngồi xuống đi". Cô Cung gật đầu tán thưởng.

"Thưa cô..." Một giọng nói lành lạnh đột ngột bay vào tai, tôi quay đầu lại nhìn. Ở hàng ghế cuối cùng, Đỗ Dực giơ tay đứng lên. Cậu ấy rất gầy, trên người khoác một cái áo lông trắng, nói "Mực không phải là cá!"

"Tại sao mực lại không phải là cá?" Tôi căm phẫn, đứng lên mà không kịp giơ tay, giống như vị lãnh tụ nông dân Trần Thắng Ngô Quảng "Vương Hầu Tôn Ngộ Không cũng giống ông, đều không phải trời sinh ra đã ở địa vị cao quý". Tôi vừa "khởi nghĩa" đã nhận được sự ủng hộ của các bạn khác. Lý Nhược cũng đứng lên với tôi, nói "Nó sống trong nước, vậy sao lại không phải là cá chứ?". Lý Nhược chuyển trường khi chúng tôi lên lớp ba, tôi đã buồn rất lâu vì chuyện này. Tuổi thơ tươi đẹp luôn có khách qua đường vội vã.

Cô Cung chỉ cười mà không nói, thích thú nhìn Đỗ Dực sẽ phản bác lại như thế nào. Đỗ Dực im lặng một lúc lâu, trong lòng tôi như có con cá nào đó đang khiêu vũ. Hừ, xem cậu có thể ngông cuồng được bao lâu. Hừ, tại sao mực lại không phải là cá? Đừng tưởng nó dài hơn hơn mấy con cá khác thì nó không phải là cá! Hừ, đúng là nông cạn, thật đúng là đầu óc ngu si, tứ chi phát triển, hừ hừ hừ!!!

Nhưng nghiệt ngã thay, trong cái lớp ai nấy đều lùn tịt, thành tích trung trung thì việc cao xếp thứ ba của lớp, thành tích đứng nhất lớp thì cậu ta đúng là khiến người khác phải ghen tị.

Khi ghi điểm, lớp trưởng Tần Phong không gì là không biết ôn hòa nói: "Mặc dù mực có hình dáng không giống với nhiều loài cá khác nhưng nó vẫn là cá. Đỗ Dực, cậu nghĩ lại xem, nếu mực không phải là cá thì sao tên của nó lại có chữ "cá"?"

(鱼: Cá

章鱼: mực)

Đang lúc cô Cung chuẩn bị cho bọn tôi ngồi xuống thì Đỗ Dực khẽ nhếch đôi môi mỏng nhàn nhạt, phun ra một câu: "Người Nhật Bản cũng có chữ "người"."

Nghe thế, cô giáo kinh hãi, mắt kính cũng rơi xuống sống mũi. Trong mười năm cô dạy tiểu học, có lẽ Đỗ Dực là người đầu tiên dùng lý do này để chứng minh mặc dù mực có chữ "cá" nhưng không phải là cá. Không xét đến việc Đỗ Dực có đúng hay không, riêng việc một câu văn mang ý nghĩa thù nước hận nhà được nói ra bởi một học sinh tiểu học.

Đã từng có một người Nhật Bản hỏi người Trung Quốc, cuộc kháng chiến chống Nhật đã qua lâu như vậy nhưng tại sao người Trung Quốc vẫn không chào đón người Nhật Bản? Người Trung Quốc nọ đã nói, khi một đứa bé Trung Quốc chào đời, trong người nó đã chảy dòng máu chống Nhật, như người máy đã được lập trình vậy.

Nghĩ kỹ thì người Trung Quốc nọ nói cũng đúng. Khi còn nhỏ, chúng tôi chơi trò bắt người, thường căm phẫn gọi bạn đóng vai kẻ xấu là "Quý tử Nhật Bản". Trong khu chung cư, có một cậu con trai tên là Hoàng Quân, một cái tên cũng khá phổ biến. Nhưng bởi vì một bộ phim truyền hình Nhật Bản có một nhân vật Quý tử Nhật Bản thường tự xưng là "Hoàng quân" nên không ai dám chơi với cậu ta. Hoàng Quân kêu trời gọi đất, lăn lộn muốn ba cậu ta khi đó là trưởng đồn công an đổi tên lại thành Hoàng Quốc Cường. Bang hội Tiểu Quỷ Đầu chúng tôi biết được thì ra cậu ta là người Trung Quốc kéo cậu ta chơi cùng. Khi chơi trò bắt người, cậu ta thà bị đánh cũng không chịu đóng vai Quý tử Nhật Bản. Thế nhưng sau này, Hoàng Quốc Cường đi du học ở Nhật, nghe nói cậu ta còn cưới một cô nàng người Nhật làm vợ, rồi nhập quốc tịch Nhật Bản luôn. Mỗi lần nhớ đến chuyện này tôi đều cảm thán vô cùng, thế sự vô thường mà.

Lại nói đến việc của Đỗ Dực. Sau khi cậu ta nói xong, tất cả đều câm nín, không ai có thể phản bác. Sau một hồi lâu im lặng, lớp trưởng Tần Phong mới cẩn thận nói: "Vậy rốt cục mực có phải là cá không?"

"Mực không phải là cá. Mặc dù nó cũng sống dưới biển, nhưng nó là một loại động vật thân mềm", cô Cung giải thích, "Chu Du, kiến thức của các em còn hạn hẹp, cô sẽ cho em thêm một cơ hội, nói lại tên một loài cá."

Tôi cắn môi, tay nắm chặt vạt áo, đầu óc trống rỗng, dường như vẫn còn bị đả kích bởi Chương Ngư không phải là cá. Nhiều năm sau, khi nhớ lại chuyện này, Đỗ Dực vẫn lấy "chứng rối loạn tổng hợp 21 nhiễm sắc thể" làm ví dụ. Ấp úng nửa ngày, tôi mới miễn cưỡng nhớ lại tối hôm qua ăn cá hố kho tàu, lập tức thở phào nhẹ nhõm nói một câu "Cá hố", còn cảnh giác liếc mắt nhìn Đỗ Dực. Thật may là cậu ta không tiếp tục nói "Cá hố không phải là cá".

Quả nhiên Bacon nói chí lí, tri thức chính là sức mạnh!

(Francis Bacon (1561- 1626): Một triết gia nổi tiếng người Anh)


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro