Chương 16 - KFC bóp chết Newton

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Khoan đã, Tiểu Du", Đỗ Dực gác tay lên vô lăng, có vẻ như không quan tâm tôi sẽ sờ mó chỗ nào trên người cậu ta. Vì đã được cậu ta phê chuẩn, nên tôi cũng vui vẻ dừng lại một lát, cười thô bỉ:

"Cậu có điều gì muốn trăn trối thì mau nói một lần cho xong luôn đi, tránh để bà đây mất hứng."

Đỗ Dực lãnh đạm: "Sau này mới được kiểm hàng."

"Cậu có ý gì?" Tôi mất hứng. Không ngờ người này lại nói điều kiện với tôi, thật không nể tình hàng xóm bao năm mà, uổng công khi xưa tôi còn quan tâm đến cậu ta như vậy.

"Một trong những nguyên tắc làm người của Đỗ Dực tôi là danh không chính ngôn không thuận mà muốn tôi cam tâm tình nguyện để cậu động tay động chân, không có cửa đâu."

Tôi hận! Không ngờ cậu ta lại tỏ ra có cốt khí, thấy chết không sờn mà nói ra những lời như vậy, không lẽ không sợ tôi đem bí mật của cậu ra nói với thím Trương và dì Lưu? Đã vậy cậu ta còn thâm ý nhìn tôi:

"Muốn kiểm hàng? Vậy phải lấy cậu ra đổi."

"Không được." Tôi cự tuyệt, "Vừa rồi rõ ràng danh không chính ngôn không thuận cậu đã sờ soạng tôi đấy thôi!"

"Tôi không xem cậu là người ngoài." Vẫn câu nói cũ, Đỗ Dực nói xong còn hết sức thân thiết: "Người trong nhà yêu thương người trong nhà, danh chính ngôn thuận."

Tôi á khẩu, vội vã tìm lấy điện thoại tìm số của thím Trương và dì Lưu thì lại bị Đỗ Dực chặn lại. Tôi suy nghĩ một lát rồi nói:

"Tôi cũng không xem cậu là người ngoài."

"Vậy đối với cậu, tôi có thân phận gì?" Đỗ Dực nổi hứng thú, gian tà nhìn thẳng vào mắt tôi.

"Tôi có thận phận gì với cậu thì đối với tôi, cậu cũng vậy." Dù gì tôi cũng là người có học, tất nhiên phải thông minh hơn hồi bé rồi.

"Thật không?" Đỗ Dực cười rất vui vẻ, lần đầu tiên tôi thấy cậu ta cười rạng rỡ như vậy. Nụ cười mê hồn của của Đỗ Dực làm tôi không khỏi nghĩ đến việc trước kia, lúc còn nhỏ mỗi khi mẹ già đánh tôi đều nói: "Giỏi lắm, cho con chút ánh nắng mặt trời con liền rực rỡ, cho con cái ổ gà con liền đẻ trứng, cho con ít màu thì con liền mở tiệm nhuộm vải!"

"Tiểu Du." Đỗ Dực kéo tôi ôm vào lòng cậu ta làm tôi mù mờ chả hiểu gì, chỉ cảm thấy mùi đàn hương trên người cậu ta xộc thẳng vào mũi, eo được hai cánh tay săn chắc siết chặt. Tôi nghi ngờ nghĩ lại vừa rồi mình đã nói gì khiến Đỗ Dực phấn khởi và biến thái như vậy, à không, là thất thố mới đúng.

"Không ngờ Tiểu Du cũng thích anh." Mắt Đỗ Dực lộ rõ vẻ vui mừng khi âm mưu đã được thực hiện, trong phim truyền hình thì chỉ có nhân vật phản diện mới có ánh mắt này.

"Tôi thích cậu?" Tôi hoảng. Sao cậu ta biết? Ngoài việc muốn sờ soạng lung tung cậu ta ra thì tôi có nói gì hay làm gì đâu?

Rõ ràng câu nói của tôi là một câu nghi vấn, thế mà không hiểu sao khi vào tai của Đỗ Dực thì lại biến thành câu khẳng định. Cậu ta híp mắt, cọ cằm vào gáy tôi, nói một câu mà sau này mỗi khi nhớ lại tôi đều muốn lấy gạch chọi vào đầu cậu ta: "Quả nhiên em thích anh, đúng lúc lắm, anh cũng rất thích chúng mình."

Tôi sửng sốt hồi lâu mới hiểu được, Đỗ Dực đang thú nhận cậu ấy thích tôi!

Tôi vội vàng đẩy Đỗ Dực ra, tim đập thình thịch, trong lòng mâu thuẫn mãnh liệt, có hai luồng ý kiến đang đấu tranh kịch liệt với nhau, mà tôi thì không muốn mạo hiểm. Tôi không thể cùng cậu ấy phát triển tiếp mối quan hệ này, không thể hẹn hò yêu đương với cậu ấy, chỉ muốn là bạn bè bình thường mà thôi. Không phải tôi làm cao mà thực sự là không thể.

"Cậu đừng hiểu nhầm, tôi không thích cậu, tuyệt đối không hề thích cậu." Tôi cúi mặt, tay hơi run tháo dây an toàn, khi nhìn thấy Đỗ Dực ngừng cười, tay tôi càng thêm run rẩy.

Cậu ấy chẳng qua chỉ là bạn tốt, giữa bạn bè với nhau thì trêu đùa một chút có là gì. Mày có quyền thích cậu ấy, nhưng mày không thể cùng cậu ấy phát triển thêm mối quan hệ này, không thể phát triển đến câu "danh chính ngôn thuận".

Tôi mở cửa xe, vẻ mặt vô cảm nói: "Cậu đến chỗ hẹn một mình đi, tôi muốn về nhà."

"Chu Du" Đi được mấy bước thì sau lưng truyền đến giọng nói tức giận Đỗ Dực, tôi dừng lại, nghe Đỗ Dực lúc này đã xuống xe nói tiếp: "Em sao vậy?"

"Tôi động tay động chân với cậu trước là tôi không đúng, sau này tuyệt đối tôi sẽ không làm như vậy nữa. Tôi cũng sẽ không đem bí mật của cậu nói cho người khác biết." Nói xong tôi co giò chạy, Đỗ Dực ở đằng sau nói gì đó tôi đều không nghe rõ.

Chạy đến trạm xe buýt, tôi thở hổn hển, có lẽ ngay cả chó hoang khi chạy trốn mấy người bắt chó cũng không chạy bán mạng như tôi. Chỉ một lát sau xe buýt tới, tôi lên xe thì thấy không còn chỗ ngồi nên đành phải đứng, điều đáng nói là ánh mắt mọi người trên xe buýt nhìn tôi rất kỳ quái, chẳng lẽ họ chưa thấy ai mặc váy công sở đi xe buýt bao giờ sao? Khi tôi còn đang nghi hoặc thì di động rung lên, báo có tin nhắn, là tin nhắn của Đỗ Dực: "Vừa rồi vì ngồi lê lết dưới đất nên váy của em bị rách một mảng phía sau."

Sét giữa trời quang!

Tôi lập tức che mông, trong lòng vừa khóc vừa gào thét, đúng là nhà dột còn gặp mưa dầm mà! Tên Đỗ Dực chết tiệt chắc chơi cờ tướng dở tệ mới có thể lúc nào cũng mã hậu pháo như thế này.

(Mã hậu pháo: một thuật ngữ trong cờ tướng, nghĩa là hành động không kịp thời, chẳng thể giúp ích được gì)

Khó khăn lắm mới chật vật về được đến nhà, ba mẹ tôi đang ăn cơm nhìn thấy tôi thì ngạc nhiên: "Ơ, quái lạ, hôm nay Đỗ Dực không mời con ăn cơm à?"

Nghe vậy tôi mới phát hiện thì ra gần một tháng thực tập này, trừ chủ nhật ra thì mỗi buổi tối tôi đều được Đỗ Dực dắt đi ăn, ăn nhiều bữa miễn phí như vậy hèn chi mà gần đây tôi đã mập lên một chút. Tôi ủ rũ cúi đầu, vào phòng thay quần áo rồi ra bàn ăn cơm.

Mẹ già: "Hai đứa cãi nhau à?"

"Hai cái gì mà hai, con cùng với ai mà hai với cặp chứ?" Tôi biết rõ mà còn giả vờ, ngây ngô thuần khiết nhìn ba mẹ.

"Quả nhiên là cãi nhau." Phụ thân đại nhân đưa ra kết luận, thấy tôi trừng mắt thì liền cúi đầu và cơm, cứ như dân tị nạn châu Phi bị nhịn đói mấy ngày rồi vậy.

"Đỗ Dực là đứa trẻ tốt, ba mẹ biết nó từ lúc mới đẻ cho đến cấp hai, mặc dù xa cách mấy năm nhưng giờ gặp lại vẫn thấy thằng bé này rất được, vả lại điều kiện của nó cũng tốt hơn con nhiều." Mẹ tôi đã không còn ghen tị với Đỗ Dực từ lâu, kể từ khi nghe tôi nói ba mẹ của cậu ấy đã ly hôn thì có vẻ như mẹ già đã lấy lại được thăng bằng. Quả nhiên phụ nữ luôn đem bất hạnh của người khác làm niềm vui sống của mình.

"Ba mẹ cậu ấy đã ly hôn, số phận cũng đã đủ bi thảm rồi, không cần con phải hại cậu ta thêm nữa." Tôi đặt đũa xuống bàn, nói trịnh trọng.

"Con nói gì vậy? Cái gì mà hại Đỗ Dực chứ?" Mẹ già cũng đặt đũa xuống, mặt hiện rõ hai chữ mất hứng. Ba tôi thấy vậy thì cũng đặt đũa xuống nhưng mắt thì vẫn nhìn chằm chằm vào đĩa thịt kho tàu, đó là món ăn ông thích nhất, cũng là món tôi không thích nhất.

"Dù sao thì tám đời nữa cũng không ai thèm lấy con." Tôi đột nhiên la ầm lên.

Mẹ tôi như nhớ ra chuyện gì, im lặng không nói.

"Ăn cơm, ăn cơm thôi." Tôi cầm đũa lên bắt đầu càn quét bàn ăn, ngoại trừ món thịt kho tàu kia ra

***

Hôm sau là chủ nhật, không cần đi làm nên tôi yên tâm ngủ thẳng một giấc đến khi mặt trời lên cao mới chịu dậy, xem điện thoại thì thấy một loạt tin nhắn hỏi thăm của đồng nghiệp, trùng hợp là mỗi tin nhắn đều giới thiệu tên một loại thuốc tiêu chảy, như vậy có thể suy ra được lý do tôi vắng mặt từ miệng người nào đó.

Đỗ Dực không nhắn tin, cũng không gọi điện.

Gần tới giờ cơm trưa, bên dưới có tiếng rao mua phế liệu quen thuộc. Mẹ tôi từ trong bếp thò đầu ra, nói: "Tiểu Du, mau gọi người phế liệu lại, nhà mình có mấy thứ để bán đó."

"Mẹ, phải gọi là người mua phế liệu, không phải là người phế liệu." Tôi đặt cái điều khiển tivi xuống, ngẩng đầu giải thích cho mẹ già: "Ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào cũng có người tài giỏi, đến cả ăn mày cũng là đệ tử của một trong tám môn phái lớn, vì thế mua phế liệu cũng có thể sẽ trở thành nghề mọi người phải ngước nhìn đấy."

Mẹ già cầm dao xông ra khỏi bếp, đẩy tôi qua một bên, chạy ra ban công gọi to: "Mua phế liệu, đừng đi vội, tôi có đồ muốn bán."

"Được, chị nhanh lên một chút." Bên dưới vọng lên giọng nói của ông chú mua phế liệu, nụ cười trên môi rạng rỡ không chút mệt mỏi, bi thương. Đúng vậy, nhân dân lao động Trung Quốc luôn đơn giản, chất phác thế đấy.

"Tiểu Du, ra ban công lấy hai chồng sách với thùng giấy mang xuống đó đi. Tối qua ba con mới xếp lại gọn gàng, đừng làm lộn xộn đấy." Mẹ già vung dao chỉ chỉ vào tôi làm tôi thấu hiểu sâu sắc câu nói của chủ tịch Mao: "Chính quyền nằm dưới cán dao."

Tôi cúi đầu khom lưng chạy ra ban công, dùng cơ thể mỏng manh yếu đuối của mình vừa ôm vừa kéo hai chồng sách và thùng sách to đùng, cố gắng bò lê bò lết tới cửa mới quay lại hỏi một câu: "Sao có nhiều thứ phải bán thế?"

"Tất cả đều là sách vở hồi cấp một với cấp hai của con cả đấy, ngoài ra còn có một vài tờ báo cũ của ba con nữa."

"Tại sao sách vở cấp ba của con lại không bán?" Tôi bất mãn, hỏi.

"Con bé ngốc, vừa mới thi xong tốt nghiệp là con đã đem sách vở cấp ba vứt đi hết rồi. Mấy quyển sách này là do trước kia mẹ nghĩ có khi con cần nên giữ lại. Bây giờ thì chắc con không thèm nhìn đến chứ đừng nói là lấy ra đọc nên mẹ mới quyết định bán." Mẹ già vừa nói vừa tiếc, điều này có thể hiểu được, nhưng với một người tay đang cầm con dao mà lại bày ra vẻ mặt này thì thật sự rất dọa người.

Trong đầu tôi bỗng hiện lên một đoạn phim quay chậm. Hình như cách đây ba năm sáu tháng chín ngày, một cô mua phế liệu vừa vui mừng vừa nói: "Đứa nào ngu thế không biết? Đống sách này bán cũng được khối tiền, thế mà lại đem vứt. Cũng may hôm nay bà đây có mang theo bao bố loại lớn."

Một tay xách hai chồng sách, tay kia ôm thùng giấy, tôi lảo đảo lắc lư đi ra cửa. Chưa được mấy bước thì mẹ già vội vàng chạy ra, trong tay cầm một chai dầu ăn đã sử dụng hết cùng tôi xuống dưới nhà. Tôi không nói gì, cơ thể lắc lư đi xuống lầu. Trong phim hoặc tiểu thuyết đều nói, khi nữ chính tay xách nách mang thì sẽ giữa đường sẽ có bạch mã hoàng tử xuất hiện xách hết giùm nữ chính, tại sao tới lượt tôi lại gặp phải một ông chú, mà ông chú ấy lại lấy đồ từ tay tôi nhưng không phải là mục đích giúp đỡ?

Chú mua phế liệu cởi dây trói làm sách rơi đầy ra đất. Tôi ngồi chồm hỗm, tùy tiện lật một đống sách báo ngổn ngang trên mặt đất thì thấy một tờ giấy thi rách bươm hồi tiểu học, hoàn toàn đối lập với tờ giấy ghi toàn những câu chữ thô tục mới tinh lúc học đại học. Bới lung tung một lát thì tôi thấy mấy quyển vở văn do tôi viết hồi năm thứ ba tiểu học, tùy tiện mở một quyển ra xem thì thấy mấy chữ xấu hoắc "Ước mơ của em".

Đây là bài văn cuối cùng của tôi hồi năm ba tiểu học, cũng là bài văn giã từ sự nghiệp sáng tác tự do, bước vào con đường viết văn bình thường của nhân loại. Khi đó, bài văn này của tôi và Dỗ Dực được giáo viên đọc mẫu trước lớp, chỉ là tính chất có hơi khác nhau một chút. Bài văn của Đỗ Dực là bài mẫu để mọi người học hỏi cách viết, còn bài văn của tôi cũng là bài mẫu, nhưng là bài mẫu để mọi người tránh viết giống vậy.

Tôi đã viết thế này: "Ước mơ của em là kiếm thật nhiều tiền để ăn KFC, nếu mơ ước này không thể thực hiện thì em muốn sẽ được gả cho người bán KFC. Ba em nói bán KFC mỗi ngày có thể kiếm được năm nghìn, hằng ngày có thể ăn cơm cùng em, hơn nữa còn giúp em rửa chén. Vì thực hiện nguyện vọng này, em thường nhờ ba dẫn đi ăn KFC. Nhưng em lại phát hiện ra một điều, đó là những người bán ở KFC đều là các cô các thím. Vì vậy, em hy vọng KFC sẽ có nhiều người chú là nam giới để em có thể thực hiện nguyện vọng của mình", mấy chữ "có nhiều chú là nam giới" còn được cô giáo dùng mực đỏ khoanh tròn.

Còn nhớ khi ấy, Đỗ Dực đã viết ước mơ của cậu ấy là trở thành một nhà khoa học giống như Newton để góp sức mình vào sự phát triển của Trung Quốc. Cô giáo khen cậu ấy có chí hướng, phê bình tôi chỉ biết những thứ trần tục mà không hề nhận ra rằng thực chất là Đỗ Dực nằm mơ giữa ban ngày, còn tôi đây sống rất thực tế. Từ đó về sau, tôi học cách viết văn của người bình thường, đó chính là luôn đứng ở góc độ vĩ nhân để nhìn thế giới, chỉ ra những điểm chưa tốt, rồi luôn khuyến khích sửa đổi.

Hiện tại thì sao? Chẳng phải ước mơ muốn giống như Newton của Đỗ Dực đã trở thành một tháng kiếm được năm nghìn giống tôi sao?!

Khoan đã! Kiếm được năm nghìn... Tôi nhìn bài văn của mình, rồi trở nên đờ đẫn. Năm đó tôi nói muốn gả cho một người có thể kiếm được năm nghìn mỗi tháng, mỗi ngày ăn cơm cùng tôi, giúp tôi rửa chén... Chu Du ơi là Chu Du, không ngờ ý tưởng trần tục hồi tiểu học của mày lại có thể khiến người khác tình nguyện cả đời, Newton Trung Quốc lại bị một bữa KFC của mày bóp chết!

"Cháu gái, quyển vở đó có bán không?" Chú mua phế liệu chỉ vào quyển vở trên tay tôi, trong lúc tôi còn đang chìm trong hồi ức thì chú ấy đã gom hết vào một bao tải to.

"Không bán, quyển này không bán!" Tôi giấu quyển vở ra sau lưng, hoảng sợ nhìn chằm chằm vào người trước mặt.

Chú mua phế liệu khẽ mỉm cười làm lộ ra hàm răng vàng khè, nói với vẻ bí ẩn: "Tôi không phải người mua phế liệu, mà là sứ giả gợi nhớ hồi ức."

Chú à, chú xem phim nhiều quá rồi đó...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro