Chương 7 - Tuổi thơ ơi, tạm biệt!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi còn bé, con người ta thường không biết quý trọng những thứ quan trọng với mình, đáng buồn hơn là khi lớn lên, họ vẫn không hiểu được thế nào là quý trọng. Tôi chính là một người như vậy. Khi đó, tôi cho rằng tình bạn với Trần Hồng là quan trọng nhất, nhưng sau này lớn lên, tôi mới biết thực ra đó không hẳn là tình bạn.

Sau chuyện ngày hôm đó, Đỗ Dực vẫn không đến tìm tôi. Tôi ở nhà đứng ngồi không yên, rất muốn lấy cớ hỏi bài tập để qua nhà cậu ấy. Đến khi tôi mang theo quyết tâm cực kỳ lớn qua gõ cửa nhà Đỗ Dực thì dì Đỗ lại nói cậu ấy và chú Đỗ đang đi xem nhà mới. Bọn họ chuẩn bị chuyển nhà...

Về nhà, tôi nói cho mẹ nghe chuyện nhà hàng xóm muốn chuyển đi, năn nỉ mẹ cũng đi mua nhà mới. Mẹ tôi nghe vậy thì lập tức mắng tôi bị thần kinh, nói một căn nhà ít nhất cũng phải mười vạn, nhà chúng tôi không có nhiều tiền như vậy. Mẹ à, sau này chắc chắn mẹ sẽ phải hối hận vì hôm nay đã mắng con bị thần kinh, bởi vì mấy năm sau, cho dù có mười vạn thì cũng chỉ mua được một cái phòng nhỏ xíu.

Hôm sau, lúc đi học thì tôi gặp được Đỗ Dực ở cổng tiểu khu. Tôi vừa bận rộn nghĩ về chuyện hôm trước, vừa lẽo đẽo theo sau Đỗ Dực. Dường như phát hiện ra điều gì, Đỗ Dực chợt dừng lại, xoay người. Tôi vội vàng núp vào sau cột điện, tránh tầm mắt của Đỗ Dực, lầm rầm cầu nguyện, cậu ấy không thấy mình cậu ấy không thấy mình cậu ấy không thấy mình...

Đỗ Dực thở dài, tiếp tục đi về phía trước, tôi cũng tiếp tục lén lút bám theo sau. Đi không quá hai bước thì Đỗ Dực bất ngờ xoay người lại, nhìn thấy tôi rồi cười giễu một tiếng, sau đó xoay người lại tiếp tục đi thẳng. Tôi bị bắt tại trận, cảm thấy hơi quẫn bách và...thẹn quá hóa giận. Cắn răng, nhìn xung quanh mấy vòng, phát hiện vườn hoa ven đường có mấy viên gạch cũ, tôi đi qua nhặt một viên gạch, chạy về phía Đỗ Dực, vỗ lên vai cậu ấy một cái. Đỗ Dực kinh ngạc quay đầu lại nhìn thì thấy một cô bé vô cùng dữ tợn, trên tay còn cầm một viên gạch. Ngoài tôi ra thì còn ai trồng khoai đất này?

Nhìn thấy nụ cười âm trầm kinh khủng Đỗ Dực, tôi liền chìa tay ra: "Bạn học, cái này là do cậu làm rơi à?"

"Không phải." Đỗ Dực bình tĩnh trả lời.

"Ha ha, vậy hả?" Tôi bỏ viên gạch xuống đất, nhìn Đỗ Dực mấy lần, rồi làm bộ kinh ngạc nói: "A, Đỗ Dực, nhìn cậu rất quen mắt nha. Cậu học cùng trường với tớ đúng không? Cậu tên là gì? Học lớp nào vậy?"

"Tiểu Du, nói cậu bị chứng rối loạn nhiễm sắc thể thứ 21 là không sai mà." Bởi vì ba của Đỗ Dực là bác sĩ nên cậu ấy cũng biết chút ít về y khoa, có thể nói trôi chảy triệu chứng lâm sàng một số bệnh, và cũng chỉ có tôi là người mắc chứng rối loạn nhiễm sắc thể thứ 21 mà có thể hiểu được đó là thiểu năng trí tuệ!

Đỗ Dực cười cười, vươn tay: "Chúng ta cùng đi thôi"

Thế là tôi hết giận, nắm lấy tay Đỗ Dực, lắc lắc mấy cái, gật đầu như giã tỏi. Cuối cùng thì hai người chúng tôi lại giống như trước đây, cười nói nắm tay nhau đến trường. Tôi không nghĩ mình có nhiều chuyện muốn nói với Đỗ Dực như vậy, chuyện gì cũng muốn kể cho cậu ấy nghe. Vậy mà đi chưa tới mười bước chân thì phía sau vang lên một tiếng kêu kinh hãi. Tôi quay đầu lại nhìn thì thấy một ông chú đang nằm úp mặt dưới đất, bên cạnh là chiếc xe đạp nằm chổng chơ. Bỗng chú ấy ngước mặt lên, máu mũi chảy xuống cằm, bi phẫn nói: "Ai đem gạch ra để giữa đường vậy?"

Tôi lập tức thở dài, nói: "Ai lại bày ra trò đùa tai hại này thế?"

Ông chú ấy khó khăn bò dậy, che lỗ mũi, hùng hùng hổ hổ đẩy xe đi.

Tôi chợt nhớ ra một chuyện quan trọng: "Đỗ Dực, nhà cậu muốn chuyển đi chỗ khác ở sao?"

"Ừ" Đỗ Dực nói cậu ấy muốn thi vào Nhất Trung nên ba mẹ cậu ấy liền tính tới việc chuyển nhà đến gần trường Nhất Trung để tiện cho việc học hành của con trai. Nhà của chúng tôi hiện giờ cách mấy trường thuộc đại học sư phạm tương đối gần, nhưng lại khá xa trường Nhất Trung, đi xe cũng phải hơn 20 phút. Nghe Đỗ Dực nói vậy thì tôi lập tức oán thầm, sao cậu có thể tự tin là chắc chắn thi đậu vào trường Nhất Trung? Biết đâu cậu nhất thời sẩy chân, thi vào trường kém nhất nước, nơi đó không những vừa xa nhà, vừa xa trường Nhất Trung mà còn sát bên trung tâm hỏa táng, đã vậy chung quanh còn có vô số hố rác không rõ vị trí, khi đó cậu muốn khóc cũng không kịp!

"Tiểu Du, cậu cũng cố gắng thi vào Nhất Trung đi" Đỗ Dực nghiêm túc nói: "Nhất Trung là trường sơ trung tốt nhất, nếu tương lai có thể thi vào trường trung học Nhất Trung thì coi như đã bước một chân vào cánh cửa đại học. Học sinh bây giờ không thể không học đại học, bởi vì sau này lớn lên chúng ta còn phải tìm một công việc tốt, như vậy mới có thu nhập ổn định. Ba tôi nói hiện tại nhà nước đang thực hiện cải cách, vì thế, những người không đủ kiến thức sẽ rất khó đứng vững trong xã hội..."

Đỉnh đầu tôi như có mấy con quạ đen đang bay qua. Trong khi Đỗ Dực nói lên đề nghị này và vẽ ra những hoạch định trong tương lai, tôi vẫn không hiểu vấn đề sơ trung rồi cao trung mà cậu ấy đề cập là gì, rồi cái gì mà cải cách mở cửa... Cậu ấy nhắc đến mấy vấn đề như vậy lại làm tôi thêm phiền não. Nơi chúng tôi ở không phải là thành phố lớn, trường sơ trung cũng phân theo cấp, đó là Nhất Trung và hai trường sơ trung trực thuộc đại học sư phạm khác. Nhà tôi ở gần trường Tứ Trung, ba tôi cũng đang dạy ở đó. Vì vậy, nếu được chọn thì tôi sẽ suy xét trường trực thuộc đại học sư phạm, nhưng thực ra thì tôi lại muốn học trường Tứ Trung, vì như vậy có thể đi cửa sau.

Tôi đứng trong những cơn gió nhẹ của buổi sớm mai, tóc bị thổi rối mù, bắt lấy bả vai của Đỗ Dực lay mạnh, tiếp tục lay mạnh khiến tay cậu ấy suýt chút nữa là đến cầu Nại Hà, bắt chước giáo chủ gào thét Mã Cảnh Đào mỗi lần diễn cảnh gì xúc động với nữ chính hoặc khi ngửa mặt lên kêu trời: "Aaaaaa, tại sao cậu lại muốn một người còn nhỏ tuổi như tôi phải bắt đầu suy tính tương lai chứ?!"

Tạo hóa quả thật luôn trêu ngươi con người. Đôi khi tôi có một suy nghĩ quỷ dị, đó là con người ta thực sự có thể nắm giữ vận mệnh của cuộc đời mình, hay đến cuối đời mới đời mới bi ai phát hiện chẳng qua cả vũ trụ này chỉ là một cái rương thuộc về Thượng đế, mà chúng ta lại là những món đồ chơi trong cái rương ấy.

Hưởng ứng theo lời kêu gọi của chính phủ, bắt đầu từ năm của chúng tôi thì học sinh tiểu học không cần phải thi tốt nghiệp nữa mà chỉ cần thi cuối kỳ và áp dụng một chính sách làm cho người ta vừa hớn hở vừa lo lắng, đó là chọn học sinh một cách ngẫu nhiên bằng máy tính. Danh sách học sinh tiểu học đều được gửi đến đài truyền hình, từ đó hiệu trưởng trường Nhất Trung và hai trường trực thuộc đại học sư phạm kia sẽ chọn ngẫu nhiên 300 người vào trường mình, số học sinh còn lại sẽ được phân trường theo nơi ở, gần trường nào thì học trường đó.

Đối với những ai học tốt thì thông tin trên là một đả kích lớn, Đỗ Dực và lớp trưởng Tần Phong lớp tôi cũng thuộc vào hội những người bị đả kích. Còn với những ai không hiểu được sự tàn khốc của cuộc đời trong tương lai thì thông tin đó lại là tin vui động lòng người, hội này được thành lập bởi tôi và đám bạn xấu của mình.

Trong buổi tối diễn ra cuộc chọn lọc ngẫu nhiên bằng máy tính, cả nhà tôi căng thẳng canh chừng xem ti vi. Mặc dù tôi hơi muốn học trường Tứ Trung, nơi ba tôi đang giảng dạy, nhưng ba mẹ tôi lại muốn tôi được vào trường tốt hơn. Khi công bố xong danh sách trường Nhất Trung, cửa nhà đối diện truyền đến tiếng kêu hưng phấn của dì Đỗ, nguyên nhân chỉ có thể là tên của Đỗ Dực được nằm trong danh sách.

Tiếp đến là danh sách trường Nhị Trung. Mẹ tôi nhìn chằm chằm vào ti vi, mắt trừng lên như muốn rơi ra ngoài nhưng cũng không thấy tên tôi. Tôi coi như là mua 99 tờ vé số trong tổng số 100 tờ, tờ trúng thưởng là tờ còn lại. Điều này chứng tỏ không phải ai cũng được Thượng đế đối xử công bằng, và điều không công bằng chính là tôi nằm trong số không công bằng đó.

Đến khi danh sách trường Tam Trung công bố đến cái tên thứ 9 thì tôi rơi vào trạng thái vô thức vì cuối cùng màn hình ti vi cũng hiện lên dòng chữ "Chu Du – năm thứ sáu trường tiểu học trực thuộc đại học sư phạm."

Đây là lần đâu tiên trong đời tôi được "trúng thưởng", và những chuyện sau này đã chứng minh việc tôi vào Tam Trung là may mắn lớn nhất của cuộc đời. Đồng thời, đó cũng là nơi khởi đầu con đường hư hỏng của tôi, mà đi càng lúc càng xa, từ đó cái gì mà trong sáng, ngây thơ, chất phác đối với tôi cũng chỉ là dĩ vãng.

Số bạn học trong lớp được chọn ngẫu nhiên rất ít, ngoài tôi và Đỗ Dực ra thì còn có một cô bạn ít nói mà tôi không nhớ tên. Đa số các bạn trong lớp đều vào trường Tứ Trung, trừ khi các bạn ấy chấp nhận nộp một vạn để học nội trú ba trường kia.

"Cốc cốc" Hình như có ai đến nhà tôi. Mẹ tôi ra mở cửa thì thấy Đỗ Dực đang đứng ở bên ngoài. Vì tôi được chọn vào Tam Trung nên tâm tình bà mẹ già của tôi cực tốt, vì vậy đối diện với Đỗ Dực được vào Nhất Trung mà trong lòng không hề khó chịu. Thậm chí mẹ già nhà tôi còn thân thiết kéo Đỗ Dực vào nhà, bảo cậu ấy ngồi rồi còn lấy cây kem mắc tiền nhất trong tủ lạnh cho cậu ấy ăn, trong khi tôi đang yên lặng liếm cây kem quýt 5 hào! Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao hôm nay tôi lại hiểu chuyện như vậy? Ha ha, thật ra thì đáng lẽ là tôi không được ăn kem, bởi vì tôi không giống những đứa trẻ bình thường khác thích ăn đồ ngọt, chỉ cần đồ ngọt vào thì bụng tôi sẽ rất khó chịu, vậy nên những cây kem kia là do mẹ tôi mua về để bà tự ăn.

Bởi vậy mà răng tôi rất tốt, ha ha ha.

Đỗ Dực qua nhà tôi mà không nói gì cả, ánh mắt nhìn tôi như muốn nói gì đó, tiếc là khi đó tôi còn quá nhỏ nên không thể nào hiểu được. Bọn tôi im lặng ăn kem, ba tôi còn dặn Đỗ Dực vào Nhất Trung phải cố gắng trau dồi anh văn và số học, cậu ấy ngoan ngoãn gật đầu. Kỳ thực nhìn hai người bọn họ cũng rất giống cha con.

Mùa hè cuối cùng của tiểu học, nhà Đỗ Dực chuyển đi. Hai mẹ con tôi cũng sang giúp họ chuyển đồ đạc.

Đỗ Dực đưa lưng về phía tôi lục lọi gì đó trong thùng, sau đó cậu ấy quay lại nhét quả bóng rổ vào lòng tôi, nói: "Cho cậu."

Tôi há hốc mồm, ngồi dưới đất ôm quả bóng. Tôi còn nhớ lúc trước vì thích Mitsui Hisashi nên mới thích bóng rổ, vì vậy mà trong giờ thể dục đã mượn quả bóng này đánh một lát. Khi đó, Đỗ Dực vừa mắng tôi ngốc vừa dạy tôi đánh bóng, cuối cùng thì tôi cũng học được cách ném bóng bằng một tay, tư thế còn rất chuẩn. Có một lần các bạn nữ trong lớp chơi bóng với nhau, một mình tôi phải đấu với ba người nhưng cuối cùng tôi lại thắng, từ đó tôi tin mình chắc chắn cũng là một thiên tài bóng rổ bẩm sinh như Hanamichi Sakuragi.

Sau khi xác nhận mình là thiên tài, tôi đòi ba mua cho một quả bóng rổ nhưng bị cự tuyệt. Ba tôi nói nói tôi chỉ hứng thú nhất thời. Mà quả nhiên là tôi hứng thú nhất thời thật, từ trước tới nay ngoài vẽ ra thì tôi chưa kiên trì với việc gì cả.

Mặc dù quả bóng của Đỗ Dực hơi cũ nhưng tôi lại đánh rất thuận tay. Một đứa trẻ thì sao biết cách che giấu tâm tư, vì vậy chỉ cần đối phương cần gì mà mình đáp ứng được thì mình sẽ đáp ứng, nào để tâm chuyện vật đó có cũ hay không, người ta có trân trọng nó hay không. Thực sự lúc Đỗ Dực đưa quả bóng tôi cảm thấy rất hứng khởi, giả sử lúc đó cậu ấy móc trong túi lấy ra một viên kim cương 10 carat đưa tôi thì tôi cũng sẽ không vui vẻ như vậy.

Khi một đứa trẻ biết giá trị của viên kim cương trong suốt đủ màu sắc thì khi đó nghĩa là đứa trẻ ấy đã vĩnh viễn mất đi sự ngây thơ của mình.

Tôi ôm quả bóng vẫy tay chào tạm biệt Đỗ Dực. Lần chia tay này kéo dài tới 9 năm.

***

Dù muốn hay không thì ngày khai giảng cũng đã đến, và tôi phải đến trường sơ trung Tam Trung. Nhà tôi cách trường Tam Trung nói xa không xa, mà nói gần thì cũng không gần, khoảng mười mấy phút đi xe, nhưng vì tôi ham ngủ nên đã luyện "công phu" đạp xe đến trường trong vòng mười phút.

Tôi được chia vào học lớp 5 năm thứ nhất sơ trung (cũng giống như 6A5 bên mình vậy). Lúc ghi danh sách bỗng dưng tôi thấy một dáng người quen thuộc, là Lâm Phinh. Không biết mọi người còn nhớ không, Lâm Phinh chính là người bơi lội cực kỳ tốt lúc chúng tôi cùng học bơi, đạt giải nhất môn bơi tự do 800 cấp thành phố lứa tuổi nhi đồng. Khi mới vào năm học, chúng tôi không nói chuyện nhiều, vì ánh hào quang vô địch môn bơi thành phố của cô ấy quá lớn nên một người âm u như tôi không dám lại gần cô ấy.

Trong lớp, tôi với Chu Lâm Lâm, ngồi trên tôi một bàn, cấu kết với nhau làm chuyện xấu. Tất cả mọi người đều nói cô ấy rất quái lạ, nhưng tôi lại không thấy như vậy, ngược lại tôi thấy cô ấy rất nghĩa khí. Tôi dần bước vào thời kỳ phản nghịch, bắt đầu thay đổi trở thành thiếu nữ hư hỏng, chỉ là tôi muốn mình thiếu nữ hư hỏng thông minh nên thành tích học tập vẫn là ưu tiên hàng đầu của tôi.

Trong mắt của thầy cô, chỉ cần học giỏi thì sẽ là trò ngoan, vì vậy tôi vừa làm một học sinh giỏi, vừa làm loạn quậy phá. Vốn dĩ Chu Lâm Lâm phải học ở Thất Trung nhưng lại được chọn ngẫu nhiên vào Tam Trung. Lúc còn ở tiểu học, Chu Lâm Lâm cũng giống như Trần Hồng chơi với mấy người hư hỏng học sơ trung. Với tôi mà nói thì câu chuyện thời tiểu học của Chu Lâm Lâm và mấy cô bạn học của cô ấy vô cùng hấp dẫn và ly kỳ.

Trong lớp tôi, nữ sinh được chia là hai phe, một phe là những người học giỏi hoặc là cán sự lớp, luôn tỏ ra mình là siêu phàm, phách lối ngạo mạn, còn phe của chúng tôi là phe chuyên gia quậy phá, lực lượng hùng hậu hơn phe kia nhiều. Phe này cực kỳ cực kỳ ngứa mắt với những ai học giỏi hoặc làm cán sự lớp, mặc dù tôi học giỏi nhưng lại chơi với những bạn quậy phá nên mới không bị ghét.

Đi theo đám người phá phách, tôi biết được rất nhiều thứ, ví dụ như thế nào là giả vờ khiêm tốn, thế nào là khích bác ly gián, thế nào là xui khiến người khác giúp mình dạy dỗ kẻ đáng ghét. Cứ thế trong vòng hai năm, nhân phẩm tốt đẹp của tôi hoàn toàn biến mất.

Khi đến lớp, tôi mượn mấy quyển truyện tranh của Chu Lâm Lâm lén lút đọc dưới hộc bàn. Lúc mới bắt đầu đọc, thấy có hai người hôn nhau, thế là tôi đỏ mặt tía tai, tim đập loạn nhịp. Về sau, thấy hai người khỏa thân ôm nhau, tôi cũng mặt đỏ tim đập. Cuối cùng, tôi luyện được trình độ ngàn độc dược cũng không thể xâm nhập, cười đê tiện nhìn nam nữ trong truyện mây mưa.

Sự bỉ ổi của tôi bắt đầu như vậy đấy.

Năm thứ hai sơ trung, nhóm của tôi và Chu Lâm Lâm cực kỳ ghét một cô nàng bên lớp một, vì thế bọn tôi gọi cô nàng ấy vào nhà vệ sinh, hả hê nhìn cô nàng bị một chị năm ba giáng cho cái bạt tai.

Cũng trong năm hai, đa số bạn học trong lớp đồng tâm hợp lực làm chủ nhiệm mới hôn mê phải nhập viện ba ngày, cuối cùng hiệu trưởng và thư ký trường đã là đảng viên phải tự mình đến lớp lắng nghe nguyện vọng đổi giáo viên của chúng tôi.

Và cũng trong năm hai đó, tôi học hút thuốc lá. Vào giờ thể dục, dưới gốc cây phượng già, một đám con gái phá phách tụ tập cùng nhau hít vào rồi phả ra những làn khói thuốc trắng mù. Thật ra thì hút thuốc lá cũng chẳng có gì to tát, không hiểu sao lúc trước khi nhìn thấy Trần Hồng hút thuốc, tôi lại có phản ứng mạnh như vậy? Mà tôi cũng rất tiết chế, chỉ khi nào ở cạnh đám con gái quậy phá này tôi mới hút, còn những thời điểm khác thì không đụng vào điếu thuốc.

Hai năm đó, tôi đã thay đổi rất nhiều. Người ta lớn lên theo thói đời, thật sự chỉ trong một cái chớp mắt.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro