Chương 21: Tuổi thơ cơ cực thời hậu chiến

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Các web lậu đều đăng sai nội dung truyện. Đến w.a.t.t.p.a.d để ủng hộ tác giả và đọc được phiên bản chính xác, đầy đủ nhất.

____________________

Tôi từng vẽ giấc mơ của mình về thời sau chiến tranh, cái thời mà gạo không đủ ăn, áo không đủ mặc. Tôi nhìn thấy bóng dáng ai đó tần tảo trong sương khói lượn lờ sớm ban mai; ai đó cặm cụi giữa tầng tầng lớp lớp cây cối rậm rạp trên núi cao; ai đó xoa xoa thái dương trên ghế lái phà giữa con sông dài rộng trong đêm tối; ai đó nhọ nhem bẩn thỉu giữa bãi than, bị chửi, bị đánh, bị đẩy ngã. Tôi không biết vì sao lại mơ thấy những khung cảnh đó, mỗi lần nhìn lại bức tranh kia, tôi chỉ cảm thấy lồng ngực nhức nhối, cảm thấy bản thân thấp bé như sâu bọ. Nhưng tôi vẫn giữ lại nó. Mặc cho nó luôn nhắc nhở tôi rằng: "Cố gắng cũng vô dụng. Có cố gắng đến chết thì mày cũng không xứng đâu."

**

Một lúc sau, bà ngoại đang trầm mặc bỗng lên tiếng:

- Ngày xưa nhà mình nghèo nhất làng.

Huyền hồi thần, vội tập trung vào lời bà ngoại đang nói. Bà chỉ dừng ba giây rồi lại tiếp tục:

- Ông con đi làm ở bến phà, tiền kiếm về có vài chục đồng. Bà ở nhà làm ruộng, cũng chỉ làm ra chưa đến mười đồng. Ngày đấy không khá hơn năm bốn lăm là bao, ông bà còn có bốn đứa con, cực kì vất vả.

Huyền tuy rằng không hiểu hết toàn bộ nhưng vẫn hiểu được đại ý, hai bàn tay nhỏ bó gối xòe ra rồi lại nắm vào. Bà ngoại vẫn hướng ánh mắt ra xa, tựa như đang nhìn về thời quá khứ cực nhọc lam lũ.

Bà kể lại thời xưa, khi chiến tranh trong miền Nam còn chưa dứt, miền Bắc rối ren trong sự tàn phá nặng nề của bom đạn. Những năm 1950, ông là bộ đội từng lái xe tăng ra trận, thời hậu chiến xin được một chân lái tàu ở bến phà, công việc căng thẳng áp lực. Bà ở nhà lo việc đồng áng vườn tược, thức khuya dậy sớm. Cả gia đình sống trong mái nhà vách đất lụp xụp, bữa đực bữa cái, hoàn cảnh khổ cực trăm bề. Ông bà dành dụm được bao nhiêu đều để cho con đi học, mong con mình có tri thức, có cơ may đổi đời. Có những ngày đói kém không có cả sắn để ăn, bà phải đi bộ xa thật xa, vào sau mùa gặt còn có thể mót ít lúa sót lại ở đồng ngoài, không vào mùa gặt chỉ có thể đi vay gạo, có lúc vay không được còn bị đánh. Bác cả hơn mẹ mười tuổi, cùng ông ngoại ra bến phà học lái tàu, bốc vác. Bác hai theo ông trẻ đi buôn than cho người Pháp, bác ba đi chăn trâu cho người ta trên sườn núi chênh vênh. Mẹ lên bốn tuổi đã phải đi cuốc nương, lên năm tuổi theo bà ra chợ bán sắn, lên bảy tuổi gánh hai xảo dứa lớn đi bộ sáu cây số đến bán ở chợ ngoài, lên tám tuổi đi gặt thuê cho người ta, lúc ở nhà lại cùng các anh thay phiên nhau chẻ củi, nấu nước, băm bèo, nấu cháo lợn, duôi sắn, chăn bò... Làm đủ loại việc như thế mới miễn cưỡng đủ tiền cho cả bốn anh em đi học. Năm mẹ lên sáu, thời bao cấp chấm dứt, chính sách thưởng cho bộ đội thời kháng chiến chống Pháp - Mỹ của Nhà nước được thực hiện ở làng ông ngoại, cả gia đình chuyển từ quê bà ngoại đến quê ông, được cấp một căn nhà gạch son ngói đỏ khang trang. Ông được hưởng trợ cấp của quân nhân, tuy rằng ít ỏi nhưng cũng trang trải tốt hơn cho gia đình.

Cho đến năm mẹ mười hai tuổi, cả làng bỗng mất mùa. Khi trước có phiếu thịt, sổ gạo, ít ra mỗi tháng có thể có vài ngày được ăn gạo trắng. Nhưng mất mùa rồi, ruộng vườn của gia đình tan hoang, công việc làm thuê làm mướn sau mùa thu hoạch không còn, giá lương thực lại tăng chóng mặt. Từng đồng từng đồng tích cóp trong bao nhiêu năm nhanh chóng vơi dần, tiền lương của bác cả và ông bà không đủ nuôi sống sáu miệng ăn và cho ba đứa trẻ đi học. Mẹ lúc đó là học sinh giỏi nhất cả xã, làng trên làng dưới không ai bằng, thế nhưng học xong lớp chín liền bỏ học.

- Năm mẹ con học lớp tám, có một thời gian bà đổ bệnh nặng. Tiền thuốc thang cho bà làm cả nhà phải nhịn đói hai ngày, sau đó ăn sắn thay cơm mấy tháng. Lúc nào cũng ăn không đủ no, thế nên một bông hoa gạo nhạt nhẽo nhớt nhát cũng được coi là sơn hào hải vị. Mẹ con sau đó nói, nó đi làm thuê làm mướn còn kiếm được hơn tiền thưởng rất nhiều, thà nghỉ học cho đỡ vất vả.

Giọng bà ngoại có chút chua xót, không biết là chua xót vì cả bốn đứa con chỉ có một đứa không được học cấp ba, hay chua xót vì con gái tuổi còn nhỏ đã phải bươn chải lo nghĩ cho gia đình. Hoàng Gia Tâm quả thực có một tuổi thơ cực nhọc đến đau lòng, nhưng xét cho cùng trong cái thời bấy giờ, những đứa trẻ phải trưởng thành sớm như vậy không hề ít. Tuy nói sau năm 1975 là thời kì Đổi mới, đất nước như thay da đổi thịt; con người lại vẫn sống khổ sở, chật vật như thế. Đến hai mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống của nhiều người vẫn tăm tối mù mịt. Hoàng Gia Tâm là thành quả của hoàn cảnh túng quẫn đói nghèo thời hậu chiến, quan điểm về cái khổ đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thức, chẳng trách mẹ lại khắt khe như vậy trong việc giáo dục con gái.

- Thế nên Huyền à. - Bà ngoại quay đầu nhìn Huyền, đưa đôi tay thô ráp khẽ sờ mặt con bé - Mẹ con sống khổ quen rồi. Từ khi ba tuổi mẹ con đã khổ, nên mẹ con mới yêu cầu con nhiều như thế. Đừng trách mẹ con, cố gắng làm hài lòng mẹ, làm mẹ vui và yêu mẹ thật nhiều nhé.

Huyền "dạ" một tiếng, nghiêng đầu dụi dụi vào tay bà ngoại, âm thầm ghi nhớ những lời bà nói. Bà ngoại cong cong mắt, nụ cười hiền từ như Bụt:

- Mẹ con có làm ra hành động gì cũng đều có lý do riêng, dù mẹ có làm gì, con cũng đừng trách mẹ con, được không?

Thấy cháu gái gật đầu, ánh mắt bà ngoại ánh lên một tia đau lòng. Bà cúi đầu cụng trán con bé, giọng nói hơi nghẹn ngào:

- Huyền ngoan, cháu gái ngoan của bà. Mẹ con thương con nhiều lắm, nhiều gấp trăm ngàn lần bà thương con. Dù mẹ có làm gì cũng đừng oán trách mẹ, mẹ lúc nào cũng thương yêu con hết. Ba con cũng thương con, ba mẹ con đều yêu thương con...

Suy cho cùng, mục đích của bà ngoại khi kể lại chuyện quá khứ tăm tối ngày xưa chính là để cho phụ trợ cho câu "dù mẹ có làm gì cũng đừng oán trách mẹ", là tiền đề nâng đỡ cho câu "ba mẹ con đều yêu thương con". Huyền còn nhỏ, lại cực kỳ nghe lời, thế nên mỗi một câu nói mà người thân nói ra, con bé đều có thể thuộc nằm lòng, thậm chí đến chết vẫn nghe theo dù rằng lúc nghe câu nói đó, con bé chưa chắc đã hiểu được hết.

Huyền tin tưởng bà vô điều kiện, thế nên một chút thái độ tủi thân trước yêu cầu làm việc nhà của mẹ đều bay biến sạch. Con bé vừa bê chậu quần áo nhỏ đến van nước, trong đầu nhớ lại lời dặn của bà, những gì bà kể con bé đã quên một vài chỗ, những điều còn đọng lại chắp vá vào nhau, tạo thành một câu chuyện càng ngày càng hợp lý hơn. Cuối cùng nó tự tạo cho cả ba và mẹ mình một lý do vững chắc, cảm thấy làm việc nhà từ nhỏ là nghĩa vụ và việc bị đánh là bình thường.

Một cô bé sáu tuổi cầm theo túi bột giặt, nhanh chóng bước tới ngồi cạnh Huyền, vừa đổ bột giặt ra vừa hỏi:

- Sao mẹ bảo mày giặt quần áo mà mày không gọi tao?

- Mẹ bảo em giặt mà, hình như mẹ dặn chị rửa ấm chén hay sao ý.

- Rửa ấm chén một tí là xong, giặt quần áo khó hơn chứ. Tao là chị nên việc này phải để tao!

Trâm đanh đá trừng mắt. Huyền hơi rụt cổ, thắc mắc:

- Đâu có đâu, chị là chị nên mẹ để chị làm việc khó hơn rồi mà.

- Đồ ngu!

Bị chị mắng một câu, con bé lại rụt cổ thêm một ít. Trâm mắng xong, thấy có vẻ không thuyết phục được em gái liền thở dài.

- Tao giặt nước đầu, mày giặt nước hai.

Đúng lúc đó, có tiếng dép loẹt quẹt ở ngoài cổng. Mẹ đội nón, tay bê một thúng vòi voi[1], nhác thấy hai đứa trẻ đang ngồi chỗ van nước liền hỏi:

- Hai đứa đang làm gì đấy?

- Dạ giặt quần áo.

Trâm vừa xả nước vào chậu vừa trả lời mẹ. Mẹ bỗng chau mày nhìn Huyền, con bé hơi ngẩn ra, sau đó liền nghe thấy mẹ nói:

- Trâm đi vào nhà rửa ấm chén đi. Để Huyền nó giặt quần áo.

- Ơ nhưng giặt quần áo khó hơn rửa ấm chén ý, mẹ để con giặt còn con Huyền vào rửa đi.

Trâm kì kèo, mẹ vẫn kiên quyết bảo:

- Giặt quần áo thì có gì mà khó. Ngày xưa mẹ bốn tuổi đã bê hai thau quần áo đầy ra bờ giếng, tự kéo nước lên mà giặt rồi. Bây giờ có sẵn xà phòng với van nước, tiện quá rồi còn khó gì nữa? Có tí việc có gì mà Huyền nó không làm được? Có nghe lời mẹ không?

Huyền lấm lét nhìn chị, nói nhỏ:

- Mẹ nói đúng ý, việc này có khó đâu, chị cứ vào nhà rửa chén đi.

Trâm nghe em gái nói vậy cũng chỉ đành đứng dậy đi vào nhà. Mẹ đem thúng vòi voi đến đặt cạnh giếng, đoạn bảo:

- Giặt quần áo xong con rửa cho mẹ chỗ vòi voi này, rửa xong ra nương sắn nhổ thêm cho mẹ. Sắn mới lôi hết rồi, đi vài vòng cũng được nhiều nhiều đấy.

Huyền "vâng ạ" rồi tiếp tục chăm chú vào chậu quần áo. Mẹ đứng nhìn con bé mấy giây rồi bỏ vào nhà. Con bé đúng như lời mẹ dặn giặt quần áo thật cẩn thận, sau đó rửa sạch chỗ vòi voi mẹ nhổ về, vẩy ráo nước rồi đặt tạm trước cửa bếp. Trời nắng, nó lấy nón của mẹ đội lên đầu, rảo bước ra cổng đi lên nương sắn.

Nương của xóm Bọ Rùa trải dài dọc con dốc, sắn mới được lôi hết lên, khắp nương toàn là thân sắn nằm ngang dọc lộn xộn. Vòi voi mọc khắp nương, lá có lông nhìn từ xa mềm như nhung. Huyền nhớ tới từng có một lần hiếm hoi Vũ nhân lúc cô giáo có việc đi vắng rủ con bé trốn ra ngoài vào giờ ăn chiều. Hai đứa chạy tới nương sắn rậm rạp, bẻ lá sắn làm vòng cổ và vòng tay, tết nhiều lá sắn với nhau thành cây chổi nhỏ, thành bím tóc... Cây sắn cây nào cây nấy đều cao vút, hai đứa trẻ bốn tuổi nhìn lên chỉ thấy những dải lá xanh mướt khẽ đu đưa trong gió, che khuất ánh nắng mặt trời đang chiếu rọi.

Thật lòng Huyền rất thích chơi với Vũ. Con bé chưa từng có bạn cùng tuổi, Vũ là người đầu tiên, nó vô cùng quý mến cậu. Đột nhiên cậu trở nên nóng nảy hung dữ, nó vẫn kiên trì muốn làm cậu vui lên, như cái cách cậu mang đến niềm vui cho nó. Nhưng còn chưa kịp làm cậu cười, cậu đã đột ngột nghỉ học, không nói lại với nó câu nào.

Huyền chọt chọt cành hoa tim tím cong cong như cái vòi voi nhỏ, hơi ngẩn người.

Mùa hoa gạo sắp hết, liệu con bé có thể dẫn Vũ đi xem đúng lúc hoa nở đẹp nhất hay không?

#hnld

[1] có nhiều tên khác như Dền voi, Cẩu vĩ trùng, Đại vĩ đao, Nam độc hoạt; có tác dụng thông huyết, trừ phong thấp, thanh nhiệt, tiêu viêm, được dùng theo kinh nghiệm dân gian để chữa phong thấp, sưng khớp, đau lưng, mỏi gối, viêm họng, nhọt sưng tấy, bong gân, tụ máu... (Nguồn tham khảo: youmed.vn). Còn mẹ tui thì hay dùng vòi voi để chữa đau răng.

Ảnh minh họa cây vòi voi:

Nguồn ảnh: youmed.vn, namlinhxanh.vn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro