Chương 1: Thợ xăm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau lần chứng kiến vụ tự sát đó, cô chủ động xin nghỉ việc ở khách sạn Tử Hoàng. Trước khi cô nghĩ, trưởng bộ phận buồng phòng còn dặn đi dặn lại, bảo cô phải biết giữ mồm giữ miệng. Bởi vậy ngoài tường trình với cảnh sát về những gì mình chứng kiến trong vụ án, cô không hề kể chuyện này cho ai. Sở Công an và Ban Lãnh đạo khách sạn cũng ngầm phối hợp với nhau tìm cách ỉm thông tin có người chết một cách bí hiểm trong khách sạn. Hơn nữa, quả thực cô cũng chẳng hề muốn nhắc lại chuyện này chút nào. Mỗi lần bước qua phòng 606, cô lại mơ hồ cảm thấy phía sau cánh cửa kia có ai đó đang dòm qua mắt thần nhìn trộm cô với ánh mắt độc địa. Kẻ đó có hàm răng vàng khè khấp kha khấp khểnh nhuốm đầy máu, gã hưng phấn nghiến răng ken két mỗi khi thấy cô. Tiểu Na sợ cảm giác này đến hoang mang, suốt quãng thời gian đó ngay cả tiếng loạt soạt phát ra khi đánh răng cũng khiến cô nổi da gà. Cô không thể tiếp tục sống trong chuỗi hồi ức đáng sợ ấy, bởi vậy cô nghĩ việc là điều đương nhiên.

Song trước tiên cô cần tìm ngay một công việc mới, bởi chẳng mấy chốc tài khoản tiền tiết kiệm ít ỏi của cô sẽ chẳng còn xu nào. Bây giờ vật giá càng ngày càng leo thang, mà số tiền trong tài khoản của cô chỉ còn năm con số, dẫu tiêu xài hết sức tiết kiệm cũng khó có thể trụ nổi. Sống trong thành phố phát triển với tốc độ chóng mặt từng ngày từng giờ này, cô chỉ là kẻ thấp cổ bé họng ở tầng đáy xã hội. Vì không có tiền đóng học phí nên cô đã nghĩ học giữa chừng ngay từ năm hai đại học. Không lấy nổi tấm bằng, cô chỉ còn biết ngước mắt thầm ngưỡng mộ cuộc sống tươi đẹp, hào nhoáng của những viên chức cổ cồn trắng. Buổi tối, cô cắt tất cả khung quảng cáo "Việc cần người" trên tờ Quảng Châu Nhật Báo, chọn những khung có nội dung công việc phù hợp với mình và đóng thành một tập. Hôm sau, cô lần lượt đi xin việc theo địa chỉ ghi trên báo. Loáng một cái đã bốn ngày trôi qua mà chẳng công ty nào gọi điện báo cô trúng tuyển.

Cô tính lại số tiền trung bình phải chi tiêu trong tuần đầu thất nghiệp, cô phát hiện con số này cao đến mức đáng lo. Cô liền đi siêu thị bắt đầu mua đồ giảm giá. Để giảm chi phí đi lại, cô dồn hai lần đi xe buýt thành một, thế là cô tay xách nách mang túi lớn túi bé chen lên xe buýt. Cô giá ăn diện đúng mốt ngồi cạnh lườm cô một cái, cố tình lấy tay che mũi rồi quay sang hướng khác như thể thứ mùi hỗn tạp khó chịu toả ra trong xe đều do cô mang lên vậy. Cô ta thò cẳng chân thon dài ra ngăn không cho cô đặt đồ xuống khoảng trống bé tin hin.

Suốt dọc đường cô chỉ cảm thấy hành khách trên xe đều giống như viên há cảo bị ném vào nồi nước sôi, mặc cho tài xế lắc kỉu gì thì lắc. Mãi mới chen xuống được xe, cô xốc lại mấy túi đồ nặng trịch trong tay, liêu xiêu đi về phía trạm xe.

Trời hôm nay hơi lạnh và ẩm, những tia nắng yếu ớt rọi qua kẽ mây khiến người ta uể oải, ngay cả bước chân cũng bắt đầu rệu rã. Lúc đi ngang qua cầu dành cho người đi bộ, cô thực sự cảm thấy mệt muốn chết, cô tạm quẳng đồ sang một bên nghỉ ngơi trong chốc lát. Vừa mới thở hắt ra, cô chợt thấy một chùm sáng cực nhỏ vụt lóe qua. Cô tò mò liếc mắt nhìn sang, bên đó là sạp hàng xăm mình được bày biện hết sức đơn giản, chủ sạp nom ra sao cô không nhìn rõ, nhưng đốm sáng phát ra từ chiếc khuyên tai bằng pha lê lấp ló sau mái tóc của anh. Dưới ánh sáng mặt trời, chiếc khuyên tai trông vô cùng bắt mắc, nó rực rỡ, lấp lánh.

Tiểu Na nghiêng đầu muốn nhìn lại cho rõ, nhưng gã khách mập ú vừa khéo chắn ngay khuôn mặt anh. Cô chỉ biết anh có dáng người cao lớn. Cô lén nhìn được chiếc khuyên tai hình tam giác và mái tóc tạo kiểu màu nâu sậm. Khuỷu tay anh đưa lên đưa xuống đều đều, nhịp nhàng, cô bất giác ngây người ra nhìn, mãi đến khi chuông điện thoại trong túi reo vang mấy hồi, cô mới sực tỉnh. Cô lấy điện thoại ra xem thì thấy mẹ gọi đến.

"A lô, mẹ ạ? Có chuyện gì thế ạ?"

Gia đình cô sống ở thành phố khác, thường ngày cô và người nhà chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại. Có điều hôm nay giọng của mẹ nghe là lạ, bà thì thào như đang tiết lộ chuyện bí mật: "Con gái, mẹ có chuyện gấp muốn bàn với con. Mấy hôm trước, mẹ và bố đã đi xem nhà, hai bố mẹ rất ưng một căn, rẻ lắm, tiền nộp kỳ đầu chỉ mấy chục ngàn tệ thôi! Gia đình ta vất vả suốt bao năm, giờ cũng đến lúc phải mua một chỗ chui ra chui vào cho tử tế."

"Mẹ và bố thấy được thì cứ mua đi." Cô cũng biết bố mẹ rất nhọc công tìm nhà nên cô không hề phản đối.

Mẹ lại nói: "Năm ngoái con về đưa bốn mươi ngàn tệ cho mẹ giữ hộ, bây giờ mẹ còn thiếu một ít tiền, con cho bố mẹ mượn tạm để nộp kỳ đầu nhé!"

"Sao mẹ không bảo em con? Nó đi làm rồi còn gì, nó cũng phải góp tiền vào chứ."

"Em con thì được mấy đồng lương, bây giờ ngày nào nó cũng làm thêm đến nữa đêm mới về, vất lắm."

"Con không phản đối bố mẹ mua nhà, nhưng nếu đã mua thì để lại cho con căn nhà cũ bố mẹ đang ở. Mà dạo này con cũng bí lắm, nên chỉ đưa bố mẹ mười ngàn tệ thôi, số còn lại mẹ trả cho con."

Cô không dám kể thật mình đang thất nghiệp, đành nói tránh đi để lấy tiền về trang trải chi tiêu. Vậy mà mẹ cô còn trách móc: "Mẹ bảo mày vay ít tiền chứ có xin mày đâu. Thế mà mày lại đòi tiền về. Cho mày ở nhà này thì bố mẹ ra đường à?"

"Bố mẹ mua nhà mới rồi còn gì. Không phải bố mẹ mua để dành cho em con cưới vợ chứ?" Cô ngửi thấy mùi đáng ngờ, thảo nào mẹ ép cô phải lấy tiền tiết kiệm ra mua nhà. Từ nhỏ tới giờ, bố mẹ luôn quan tâm đến em trai hơn cô. Hồi em trai học đại học, cô còn phải nhịn ăn tiêu tiết kiệm tiền nộp học phí cho em, nhưng dường như cả nhà cô đều cảm thấy những hy sinh của cô là đương nhiên.

"Ôi dào. Chị em lọt sàng xuống nia, mày bì tị cái gì. Bây giờ mà không có nhà thì đứa nào nó thèm ngó đến em mầy? Mày là chị mà không nghĩ cho em à? Hơn nữa sau này mầy cũng đi lấy chồng còn gì..."

"Mẹ... Con nghĩ cho nó thì ai nghĩ cho con? Con đầu tắt mặt tối suốt ngày ngoài đường mãi mới kiếm được chút tiền phòng thân, thế mà mẹ lại muốn mang ra cho nó. Mẹ thiên vị nó thì cũng vừa phải thôi chứ. Thậm chí khi nó muốn du lịch nước ngoài, biết rõ lúc ấy con phải nộp học phí mà mẹ vẫn đưa tiền cho nó làm con phải nghĩ học từ năm hai. Bây giờ mẹ còn muốn dùng tiền của con mua nhà cho nó, lỡ sau này con rời Quảng Châu về quê làm việc, con biết sống ở đâu? Mẹ toàn nói nó sẽ trả, nhưng từ khi nó ra trường làm việc đến giờ nó nợ con bao nhiêu tiền rồi? Có lần nào nó trả cho con không? Mẹ bảo con đừng so bì với nó, nhưng giờ con thất nghiệp rồi, hết tiền rồi, chẳng lẽ ngồi đợi nó nuôi con chắt? Chẳng lẽ vì con gái sẽ đi lấy chồng nên con gái chỉ là món hàng rẻ mạt của bố mẹ thôi sao?" Cuối cùng cô hét lên trong điện thoại. "Tiền đang ở trong tay mẹ, mẹ muốn làm gì thì làm, con mặc kệ." Cô phẫn nộ tắt điện thoại, nước mắt thi nhau tuôn ra như mưa.

Cô gập người lên thành lan can, quay lưng về phía dòng người đang xuôi ngược như mắc cửi, cố gắng không để ai nhìn thấy nước mắt của mình, nhưng vẫn không kiềm được tiếng nức nở. Tiếng nấc của cô khiến gã xăm mình cạnh đó điên tiết, gã trừng đôi mắt trắng dã, vung cánh tay lực lưỡng chỉ về phía cô xua đuổi: "Con mẹ mày.Muốn khóc thì biến về nhà mà khóc. Hôm nay ông mày chơi đỏ đen, vừa ra cửa đã đụng ngay phải ả đàn bà xui tận mạng này." Gã béo còn đang chửi như hát hay thì cô đã quệt nước mắt đứng dậy xách đồ định bỏ đi.

"Mau biến đi."

"Này anh mà còn ngọ ngoạy là lệch đường xăm đấy nhé! Không khéo "Mãnh hổ hạ sơn" của anh biến thành con hổ thiến cũng nên. Anh không muốn tôi vẽ sai đấy chứ?" Anh thợ xăm đột nhiên mở miệng, giọng nói trong trẻo nhưng ẩn chứa uy lực khó diễn tả thành lời. Gã béo lập tức ngậm miệng, ngoan ngoãn ngồi im không dám nhúc nhích nữa.

Khi Bao Tiểu Na đi ngang qua chỗ gã béo, con hổ uy nghiêm dũng mãnh sau lưng gã lập tức đập vào mắt cô. Bức hình xăm sống động, tươi tắn như thật, cô không thể tin nổi một thợ xăm hè phố lại có tài đến mức này. Mười Ngón tay sạch sẽ, thon dài của anh thợ xăm như mang linh hồn, thậm chí nom còn đẹp hơn cả bàn tay của nghệ sĩ dương cầm. Điều khiến cô ngạc nhiên hơn là không ngờ anh ta đang nhắm mắt xăm cho khách, ấy vậy mà nét bút không hề sai lệch nửa li.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro