4.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ngày rời hà nội và trước khi về pleiku, tôi đi một mạch xuống mũi cực nam của đất nước.

từ đầm thị tường nắng đổ cháy da đến cánh rừng u minh thượng mịt mù, tôi đều tự hỏi liệu mẫn tích đã đặt chân đến chưa, và nếu chưa, tôi phải chụp lại và gửi cho em chứ.

thật ra thì, tôi vẫn giữ liên lạc với mẫn tích, phần tin nhắn của chúng tôi tràn ngập là hình ảnh mà đa số là do mẫn tích gửi, kèm những câu hỏi, "anh đang ở đâu, có cần người đồng hành thì cứ gọi em." nhưng tôi đã không dám gọi em bước theo.

mẫn tích có thể bảo tôi xấu tính và ích kỉ vì đi một mình, có thể nghĩ tôi không nhớ đến em. mà không phải, mỗi lần nhìn dãy số hiện lên trên màn hình, không phải là nhớ nhung tràn về thì cũng là sự nuối tiếc.

tôi là phóng viên ảnh, dăm bữa nửa tháng lại phải chui rúc vào ngõ ngách nào đó và chụp tanh tách những bức ảnh thế này thế nọ. lúc mới vào nghề, có những khoảng phải đi đến những nơi rất xa hà nội, điều kiện thời tiết khắc nghiệt khủng khiếp. mấy lần mưa to gió lớn phải che cho máy ảnh còn bản thân thì dấp dính, đêm về sốt run người - ấy là lúc tôi ở một cái thôn nhỏ cách sông đà hơi xa. đã từng có suy nghĩ bỏ cuộc rồi chứ nhưng những câu chuyện được kể lại qua những ánh mắt của người làm tôi tha thiết biết bao.

như lần này là ở u minh thượng.

có vài đêm ngồi lại với một bác lớn tuổi làm nghề nuôi tôm, trên cái bàn chông chênh kê dưới căn chòi lợp lá, mùi nhang muỗi và khói thì cùng khắp. cái này thì tôi không biết, có lẽ là khói do nhang nhưng cũng có thể là từ điếu thuốc cháy đỏ bên miệng của một khuôn mặt đen nhám, gai góc.

mà, cái gai góc lần này vẫn đang ôm mối tình một mình giấu diếm.

bác thấy tôi buồn, bỗng dưng đằng hắng rồi nhấp ngụm trà được hãm đặc quẹo.

"tôi nhìn cậu mệt quá, sao không vào buồng nằm đi cậu?"

ông bác hỏi tôi, ngón tay ông kẹp lấy điếu thuốc gảy mạnh để tàn rơi xuống chân bàn. gió mằn mặn thổi khô môi và mắt, tôi lắc đầu, "cháu không mệt đâu bác. với cả, cháu đến để làm phóng sự này kia, bác chưa ngủ thì sao cháu dám ngả lưng."

tôi đùa một câu, rồi đổi tư thế ngồi, hai bàn tay đặt lên nhau nằm im trên đùi. thú thật thì tôi có mệt, mệt đến mức đôi lúc muốn dẹp quách hết mọi thứ đi dù cho tôi là người đã từng hừng hực muốn bắt đầu.

trong lần đầu xem một đoạn ghi hình của một nhóm bạn trẻ lấy tên "wabi-sabi" về những người bình thường dám xé bỏ vùng an toàn, về những cuộc đời bình dị đến thương, tôi bỗng dưng cũng muốn được làm thế, cũng muốn được nghe kể lại câu chuyện của những khuôn mặt xa lạ.

khi quyết định bỏ công việc bàn giấy để cùng với vài ba đứa bạn bên nhiếp ảnh thiết kế làm đoạn phim đầu tiên, tôi run rẩy lo sợ khủng khiếp. sẽ ra sao nếu việc không thành, vỡ lở ra cả và không đứa nào trong chúng tôi đủ sức thu dọn tàn cuộc? nhưng lúc ấy tôi còn rất trẻ và sức nặng của việc phải chịu trách nhiệm đứng sau cả tá thứ khác phải lo, tôi không quan tâm và chỉ làm những gì mình muốn, và tôi đã làm.

chúng tôi, tổng tất cả là năm người làm thước phim đầu tiên dài hai mươi phút có lẻ ở hà nội, về một họa sĩ với món nghề vẽ tranh rất điên, thước phim thứ hai ở đà nẵng và thứ ba, chúng tôi quay lại với hà nội, đón thêm một cô gái dễ thương đến với đoàn.

để rồi lần này tôi không ngờ tôi phải chịu trách nhiệm cho chính trái tim mình. tôi thích cô gái đó, miên, tên cô là miên. khuôn mặt lúc nào cũng mơ màng và trái tim lúc nào cũng để trên đầu, tóc dài qua eo và là người hà nội gốc. miên là nguồn cơn của tất cả những phế tích phủ rêu xanh và là người làm tôi chẳng còn thiết tha mong nhớ ai nữa khi chúng tôi chia xa. và miên, miên man kí ức.

dạo chia tay, tôi vừa mới hoàn thành dự án ở tây bắc. tôi suy sụp quá mà chỉ biết dựa vào trốn tránh và tìm đến an, tôi khóc nhiều tưởng như hai mắt đã mù đi, tôi không sao quên được miên.

mãi cho đến hiện tại, tôi thấy một khuôn mặt gai góc và già cỗi, ngồi đối diện tôi, bắt đầu kể về người con gái mà ông nhớ mãi tới bây giờ. vợ ông, mất trong chiến tranh biên giới tây nam năm 1976 ở long an, người ta không tìm thấy xác của vợ ông vì người vợ chết do bom mìn của bọn khmer đỏ. tôi nhìn người đàn ông lưng cong cong, những nếp nhăn ở khóe mắt ông đong đầy nước, chúng rơi xuống và dập tắt đóm lửa nhập nhèm của cây thuốc đã cháy gần hết. ông nói, tôi chỉ có mỗi một tấm hình của người lúc chúng tôi chụp nhờ quân giải phóng, nhưng có nhiêu đó thôi, một tấm ảnh mà gần một kiếp người tôi không quên được.

một kiếp người cũng không quên được.

trong vài đêm tôi ngồi lại với mấy anh em trên tây bắc, chúng tôi buồn miệng mà ngân nga lên mấy bài hát không còn thịnh hành mấy nữa, trong đó có bài "để gió cuốn đi" của trịnh công sơn mà tôi đã để nhạc chờ điện thoại hai câu hát rất hay "hãy nghiêng đời xuống, nhìn suốt một mối tình." tôi chưa từng nghiêng mình hay nhìn chăm chăm vào một mối tình nào, nhưng giờ tôi ngồi đây, như một con chim nhỏ nép vào cánh mẹ, nghiêng đời và trút hết nỗi đau riêng để nghe một tiếng gọi tình yêu vang lên giữa lòng thế giới.

.

"thế đi cà mau về thấy sao?"

"muỗi, nhiều muỗi chứ sao, đúng không huân?"

anh hưởng hỏi tôi vào buổi sáng ở một hàng ăn sáng nhưng chị quyên đã nhanh nhảu trả lời, tôi cười cười. "đúng rồi anh ạ, nhiều muỗi mà toàn là muỗi to không thôi."

tôi ngồi đối diện anh hưởng, bàn thấp nên chân tôi đã hơi mỏi khi phải gập lại để ngồi gọn gàng.

pleiku sáng mùa đông gió và lạnh, nếu tối hôm qua chị quyên không đóng cửa sổ lại chắc tôi đã chết cóng. nắng sớm có màu như lá úa đâm xuống mặt bàn kim loại rồi hắt lên mắt tôi.

tôi nhớ lại thế này, anh hưởng ngày trước với mái tóc nhuộm nham nhở chân đen, dài đến độ dùng dây chun buộc được một nhúm tóc bé tí sau đầu, anh với mái tóc nham nhở và cái máy ảnh leica cũ mèm nhưng đắt, anh phải dốc sức tiết kiệm để mua. chạy theo chị quyên trên con đường màu vàng của hoa ngân hạnh, anh hưởng nói với chị, anh thích em lắm, anh chưa bao giờ thích ai nhiều như thế cả. lúc đó chí huân đang ở gia lai lần đầu tiên, lúc lắc đi theo hai trái tim bừng sáng.

lúc đó ai cũng non dại và nắm trong tay bỏng cháy của tuổi trẻ. giờ ngồi đây nhìn lại, chưa được mấy năm nhưng đã thành tàn tro, con đường ngân hạnh vàng in bước chân cũng không còn nữa. tôi ngồi đây, nhìn anh hưởng chỉ thấy quen thuộc chứ không tài nào nhớ được sâu hơn tuổi trẻ của anh, tôi chỉ nhớ được anh hưởng với mái tóc nham nhở, chỉ có thế.

"tự dưng về gia lai em thấy lạ quá anh ạ." tôi xuýt xoa, "giống như, anh, em chơi vơi."

"có gì mà lạ." anh hưởng dụi tắt điếu thuốc.

"không còn buồn mấy."

khi mới đến lần đầu tiên, kéo dài theo con đường ngân hạnh vàng là một bức tường cũ mèm màu vàng cháy, nắng vươn qua tán cây rọi vào thì lấp lánh rất đẹp. tôi đứng tồng ngồng trước bức tường vài phút trước khi áp lòng bàn tay lên mặt đá nhấp nhô lởm chởm, nghe ấm nóng và tự dưng thấy trống rỗng như thể tôi không thuộc về thế giới này, như thể tôi đang đặt tay lên một tàn tích vụn vỡ đau thương của một tình yêu bị quên lãng.

"ngày trước cứ nặng nề buồn bực, nhưng giờ thì không còn nữa, anh ạ."

"mấy lúc em hay ngồi bên cửa sổ chép mấy bài hát mà miên thích, gửi về cho miên khi ở xa, em làm thế suốt từ tháng giêng năm này đến giữa tháng ba năm sau thì tình chết. những tưởng em sẽ ngồi mãi ở bên cửa sổ rồi nối ngày qua đi, nhưng một mùa hè biến mất nhanh quá. mà chuyện gì cũng có thể thay đổi, em đâu thể buồn mãi khi ở gia lai, phải không anh?"

.

chuyến bay từ gia lai vào thành phố hồ chí minh bị dời vào rạng sáng mười bảy, ba giờ sáng. tôi nhắn bảo mẫn tích là tôi sẽ ra trễ hơn một tí, em thông cảm cho anh.

nhưng mẫn tích gọi lại hỏi tôi rằng, anh đang ở đâu? gia lai, tôi nói em. tôi đã ngờ ngờ liệu rằng đổi lại, mẫn tích sẽ bay đến gặp tôi hay không.

"hay thôi em ra gặp anh nhé? một tí thôi, em nói anh nghe cái này."

giọng mẫn tích nghe chừng gấp gáp lắm. tôi bảo, "ừ, nếu có gì gấp thì em cứ sang", nhưng nếu anh hưởng không cản thì tôi đã bắt xe chạy về xuôi sài gòn. chuyện gì thế, chuyện gì mà mẫn tích nằng nặc một hai muốn gặp tôi để nói cho ra lẽ thế?

điện thoại đã tắt ngúm đen ngòm màn hình.

tôi ngồi im lặng giữa đêm, hít ra thở vào những nỗi niềm cứ trào dâng mình tôi hiểu. gió thốc vào mũi, vào mắt, đau rát căng tràn. cái radio cũ mà chị quyên hay bật để đêm tối bớt trống trải đang phát những bài hát cũ mèm từ sau giải phóng, tôi chẳng nghe lọt tai, đờ đẫn vò nát nhàu tấm vé máy bay.

từ rất lâu rồi, tôi đã quên việc phải ghi nhớ, như thể đối với tôi ghi nhớ là một kẻ lạ mặt và tôi gần như là một người không còn kí ức. đồng thời tôi cũng chả còn mấy nỗi buồn nữa. nhưng thú thật thì dạo gần đây có gì đó chảy âm ỉ trong mạch máu, rầm rì dưới làn da và trực chờ trào ra khỏi đuôi mắt, tôi đã biết nó là gì.

là nỗi nhớ.

tôi nhớ mẫn tích lắm.

việc mẫn tích bắt vội chuyến xe về gia lai đồng nghĩa với việc tôi kệ luôn tờ vé đã im lặng nằm dưới bình trà gốm sứ xanh. từ sáng tôi đã chờ canh điện thoại để mẫn tích có gọi đến hay nhắn gì thì tôi đã có mặt để biết ngay. khoảng tầm mười giờ hơn, mẫn tích nhắn em sẽ đến vào giữa trưa ở bến đức long, tôi sẽ đến đón em.

rằng mà là thì, kể cả tôi có nhìn thấy em cả trăm lần ở cả trăm thế giới, tôi vẫn sẽ ngùng ngại và rung động như lần đầu tiên.

khi bàn chân thiên thần lần nữa đặt xuống yên bình thứ hai trong tôi, đã nghe được những giấc mơ như chuồn chuồn lướt nước trong vài tháng xa em gần hơn bao giờ hết, tôi nghe lại được những xúc cảm râm ran trong dạ dày khi được chạm tay lên nốt ruồi và hàng mi phủ bóng.

"nguyễn tuân đi xa mãi nhỉ?"

mẫn tích ôm ba lô bé xíu đứng trước cái xe máy cà tàng tôi mượn của anh hưởng. nỗi lo sợ chiếc xe số cũ kĩ chịu không nổi sức nặng của hai thanh niên mà chết máy giữa đường biến mất tiêu, vì em nhỏ bé thiên thần đứng đây như hạt vừng trong bát cơm. "nguyễn tuân gì, em?"

"anh chứ ai, nguyễn tuân, 'nguyễn tuân' của em."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro