Huấn Cao trong cảnh cho chữ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ trước tới nay, chữ thư pháp vốn là một thú vui tao nhã của người xưa, và để cho niềm vui ấy được trọn vẹn, người ta thường viết chữ ở nơi thư phòng trang trọng hoặc ở những nơi sơn thủy hữu tình. Thế nhưng hôm nay, Huấn Cao lại sáng tạo nghệ thuật, lại cho chữ viên quản ngục ở một không gian rất đặc biệt, đó là buồng giam tử tù- đó là một nơi gợi cho người đọc không khí chết chóc, đau khổ, bi thương, một nơi bẩn thỉu, chật hẹp, ẩm ướt và tăm tối "Tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián".

Trong không gian dơ bẩn và đầy bóng tối ấy, xuất hiện bó đuốc tẩm dầu đỏ rực, một chậu mực rất thơm và một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Tác giả đã sử dụng triệt để nghệ thuật đối lập: một bên là ánh sáng, một bên là bóng tối; một bên là sự dơ bẩn hỗn độn, bên kia là cái đẹp tinh khiết, trắng trong. Sự đối lập đó giúp nhà văn Nguyễn Tuân gửi đến chúng ta một thông điệp: "Ánh sáng có thể xua đi bóng tối; sự thanh khiết có thể át đi cái dơ bẩn, cái đẹp có thể chiến thắng cái xấu, cái ác, có thể chế ngự sự bạo tàn".

Việc chơi chữ thư pháp không chỉ cần không gian trang trọng hay sơn thủy hữu tình, mà con cần chú ý đến thời gian sáng tạo nghệ thuật. Thông thường, việc cho chữ phải diễn ra ban ngày, giữa thanh thiên bạch nhật thì nó mới đem lại cho chủ thể sáng tạo nghệ thuật cảm xúc thăng hoa. Thế nhưng ở đây, Huấn Cao lại cho chữ quản ngục vào giữa đêm khuya, lúc mà lính canh đều đã về nghỉ hết. Thời điểm đó quả thực rất đặc biệt, và đặc biệt hơn nữa vì người cho chữ chỉ vài giờ nữa thôi lại bị giải vào kinh để chịu án tử hình. Thời gian nghiệt ngã ấy có thể giết chết cảm hứng sáng tạo.

Thế nhưng, chính trong khoảng thời gian đặc biệt ấy, Huấn Cao lại vui vẻ, bình thản cho chữ viên quản ngục. Chứng tỏ, Huấn Cao là người có bản lĩnh phi thường, có phẩm chất của một người nghệ sĩ tài hoa.

Trong khoảnh khắc cho chữ đầy nghiệt ngã ấy, cùng chụm đầu lại trên tấm lụa trắng và dưới bó đuốc tẩm dầu đỏ rực, xuất hiện ở đó có viên quản ngục, thầy thơ lại và Huấn Cao. Xét trên bình diện quan hệ xã hội, họ là những con người ở hai bên chiến tuyến, thế nhưng, hôm nay, ba người họ cùng chụm đầu vào nhau, chăm chú trên tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ.

Điều đó chứng tỏ rằng, cái đẹp có sức mạnh xóa nhòa khoảng cách của con người; cái đẹp như một sợi dây nối kết tình cảm, không phân biệt địa vị, giai cấp; cái đẹp biến những con người vốn xa lạ trở thành tri âm tri kỉ.

Trong buồng giam ông Huấn, ngay khoảnh khắc nghiệt ngã này, Huấn Cao vẫn "cổ đeo gông, chân vướng xiềng", nhưng cũng chính lúc ấy, ông lại cho ra đời "những nét chữ vuông tươi tắn, nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người". Dù thể xác bị cầm tù, nhưng tâm hồn Huấn Cao vẫn rất ung dung, tự do, hiên ngang, lồng lộng. Trong khi đó, những người có quyền sinh, quyền sát thì lại trở nên khúm núm, run run. Trong phút chốc, vị thế của họ bị đảo lộn hoàn toàn, quyền lực không thể lên ngôi, mà cái đẹp, người làm chủ cái đẹp mới có quyền uy tuyệt đối.

Huấn Cao không chỉ cho chữ quản ngục để thỏa mãn tâm nguyện của người yêu cái đẹp, mà trong giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, Huấn Cao còn đưa ra những lời khuyên rất chân thành: "Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?... Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi". Trong lời khuyên ấy, tử tù đã khuyên quản ngục nên thay chốn ở vì đây là nơi xô bồ, nhơ nhớp. Thứ hai, tử tù khuyên quản ngục nên bỏ nghề này đi vì nghề này không phù hợp với người có tấm lòng biệt nhỡn liên tài. Nơi đây lại càng không thích hợp cho việc chơi chữ. Lời khuyên này cho thấy Huấn Cao có quan điểm thẩm mĩ rất rõ ràng và có thiên lương trong sáng. Để tạo niềm tin cho quản ngục và thầy thơ lại thay đổi, Huấn Cao đã khen mùi thơm bốc lên từ chậu mực. Đó là hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng cho những điều tốt đẹp màquản ngục đã giữ được khi làm nghề này.

Qua lời khuyên của Huấn Cao, ta đã thấy những thông điệp cuộc sống mà Nguyễn Tuân đã gửi gắm: "Cái đẹp có thể sản sinh ra từ mảnh đất chết- nơi tội ác ngự trị, nhưng cái đẹp nhất định không thể chung sống với cái ác, cái xấu xa, cái thấp hèn"; "Một con người không thể vừa biết yêu cái đẹp, vừa làm điều xấu xa, tàn ác".

Sau khi nghe Huấn Cao khuyên, viên quản ngục đã nghẹn ngào chắp tay, vái người tù một vái, nói một câu mà nước mắt rỉ vào kẽ miệng: "Kẻ mê muội này xin bãi lĩnh". Đó là thái độ xúc động mãnh liệt và biết ơn chân thành của quản ngục đối với tử tù. Qua thái độ này, nhà văn Nguyễn Tuân đã chứng minh được rằng: "Cái đẹp đã thực sự cảm hóa, thanh lọc cuộc đời và con người, cái đẹp hướng con người tới chân- thiện- mĩ".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro