Huấn Cao qua lời đồn đại & ngày ở đề lao

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong phần đầu của tác phẩm "Chữ người tử tù", vẻ đẹp của một người anh hùng và của một người nghệ sĩ tài hoa được thể hiện qua những lời đồn đại. Ở đây, nhân vật Huấn Cao chưa xuất hiện trực tiếp mà hiện lên gián tiếp thông qua những lời đồn đại của nhân gian và thông qua lời bàn của thầy thơ lại. Đây là cách giới thiệu nhân vật rất độc đáo và có tác dụng thu hút sự chú ý của người đọc về phía nhân vật chính.

Khi nhận được công văn từ trên gửi xuống, viên quản ngục rất bất ngờ vì nhận ra người đứng đầu danh sách là Huấn Cao: "Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?". Lời đồn đại này có tác dụng khẳng định tài hoa của Huấn Cao trong nghệ thuật thư pháp- ông là một nho sĩ viết chữ đẹp- cái tài đó đã vượt giới hạn không gian, thời gian, được lòng người khắp nơi thừa nhận, được nhân dân truyền tụng và tôn vinh.

Không chỉ có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp, khắp vùng tỉnh Sơn còn đồn ông có tài "bẻ khóa và vượt ngục nữa". Điều này minh chứng Huấn Cao là người văn võ song toàn, có khí phách của một người anh hùng, có khả năng xoay chuyển tình thế. Khí phách ấy đã khiến cho những người không cùng giai cấp như quản ngục và thầy thơ lại cũng phải cúi đầu ngưỡng mộ và vô cùng sợ hãi.

Huấn Cao trong cảnh nhận tù lại càng hiện rõ lên vẻ đẹp và bản lĩnh của một anh hùng. Khi xuất hiện trực tiếp ở cửa trại giam, ta thấy Huấn Cao đeo chung một cái gông với năm người bạn đồng chí của mình- đó là một cái gông dài tám thước, và nặng đến bảy, tám tạ; nó cũ kĩ đến mức rệp từ gông bò ra cắn đỏ cả cổ người tử tù. Hình ảnh chiếc gông rất dài và rất nặng ấy là hình ảnh biểu tượng cho cường quyền đang đè nặng trên vai và thử thách bản lĩnh của Huấn Cao.

Tuy cùng đeo chung một chiếc gông, thế nhưng Huấn Cao lại là người đứng đầu, cho thấy, trong mọi hoàn cảnh, ông vẫn là một người thủ lĩnh vững vàng, lãnh đạo đồng chí, đồng đội, sẵn sàng đối mặt với mọi hoàn cảnh thử thách có thể là đòn roi dã man, đau đớn của những kẻ coi tù.

Trước sự chứng kiến của nhiều người, Huấn Cao vẫn ung dung bảo với các bạn đồng chí "Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi". Và rồi, ông đã thản nhiên đánh thuỳnh một cái, khiến một trận mưa rệp làm nền đá xanh lấm tấm những điểm nâu đen. Qua hành động này ta thấy, ở Huấn Cao có bản lĩnh phi thường, cứng cỏi, không bao giờ cúi đầu trước cường quyền. Hành động ấy của ông đã làm vang động cả chốn ngục tù.

Trước thái độ lên mặt và hành động đe dọa của bọn lính tráng: "Đứng dậy không ông phết cho mấy hèo bây giờ", Huấn Cao vẫn lạnh lùng, thản nhiên, đó là thái độ đáp trả của ông đối với bọn tiểu nhân. Trong mắt ông, đó là bọn tay sai đáng khinh nhất, đáng coi thường nhất.

Như vậy, Huấn Cao được hiện lên trong đoạn văn này là một người anh hùng có khí phách, có bản lĩnh.

Trong suốt nửa tháng bị giam cầm ở nhà tù tỉnh Sơn, Huấn Cao cùng những người bạn đồng chí đã nhận được sự biệt đãi. Cứ trước bữa cơm tù, quản ngục lại cho thầy thơ lại bưng rượu thịt đến cho Huấn Cao. Thông thường, trong hoàn cảnh đó, người ta thường sẽ sợ, riêng Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Chi tiết này chứng tỏ: ngay cả trong tù ngục, ông vẫn ung dung, tự do, tự tại, làm chủ hoàn cảnh. Đó là sự tự do của tâm hồn.

Một ngày, viên quản ngục mở cửa buồng giam, lễ phép nói: "Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm trước ít nhiều. Miễn là ngài giữ kín cho. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền lụy riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất". Thay vì tỏ ra biết ơn, thay vì bấu víu để tìm con đường sống, thì Huấn Cao lại tỏ thái độ khinh bỉ, mắng, đuổi viên quản ngục: "Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây". Thái độ khinh thường của Huấn Cao dành cho quản ngục xuất phát ở chỗ ông luôn xem bọn người này là sâu bọ, là tay sai, là bọn bán nước, hại dân.

Khi cố tình mắng và đuổi quản ngục, Huấn Cao có ý đợi một trận trả thù của ngục quan bị sỉ nhục. Đến cảnh chết chém ông còn chẳng sợ, nữa là những trò tiểu nhân thị oai này. Hành động trên của Huấn Cao có tác dụng khắc sâu vẻ đẹp của một người anh hùng hiên ngang, bất khuất, vật chất và cường quyền không bao giờ có thể làm lay chuyển ý chí của người anh hùng ấy.

Đối với một người anh hùng, một người nho sĩ tài hoa như Huấn Cao, chữ còn quý hơn cả vàng cả ngọc; vì vậy, sinh thời, ông không vì quyền lực hay tiền bạc mà ép mình viết câu đối bao giờ. Với Huấn Cao, chữ là tâm hồn, là khí phách, là nhân cách một đời của con người. Vì lẽ đó mà ông chỉ tặng chữ cho ba người bạn thân của mình. Qua đây ta thấy, Huấn Cao là người có thiên lương trong sáng.

Khi quản ngục nhận được công văn, báo Huấn Cao phải chịu án tử hình ở kinh vào sớm ngày mai, viên quản ngục đã rất hốt hoảng, vội vã cho tìm thầy thơ lại để kể rõ sự tình. Nghe xong chuyện, thầy thơ lại cảm động, nói: "Dạ bẩm, ngài cứ yên tâm, đã có tôi". Rồi sau đó, ngay lập tức hớt hơ hớt hải chạy xuống buồng giam ông Huấn, đấm cửa, kể cho ông Huấn nghe về sở nguyện của viên quan coi ngục, và ngập ngừng thông báo cái chết vào sớm hôm sau. Trong phút giây sinh tử của cuộc đời, trong khoảng thời gian nghiệt ngã ấy, ông Huấn có quyền nghĩ cho riêng mình; thế nhưng, chính lúc ấy, ông lại trầm ngâm suy nghĩ, mỉm cười và nói với thầy thơ lại: "Về bảo với chủ ngươi, tối nay lúc nào lính canh về trại nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ".

Câu nói đó chứng tỏ, Huấn Cao đã đồng ý cho chữ, ông đồng ý cho chữ vào phút giây đặc biệt như vậy, chứng tỏ ông muốn sáng tạo ra cái đẹp để lại cho đời, không màng đến sự sống chết của bản thân. Ông hiện lên là người có lòng dũng cảm phi thường và có cái tâm trong sáng, cao cả.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro