CON THƯƠNG CON GHÉT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Truyện ngắn Tết: CON DÂU HƯ
Thạch Thảo

1.
- Bao giờ ông mới sáng mắt được hả trời ơi? Bao nhiêu năm làm lụng tích góp, bố mẹ ông mang cúng hết cho nhà bác cả. Con gái ông sắp lớn rồi, cứ thế này đến lúc nó lấy chồng lấy đâu ra tiền mời cỗ đây? Ông không lo cho tôi thì thôi! Ông 40 tuổi rồi, ông có hiếu thì cũng phải nghĩ đến thân ông, đến thân hai đứa con gái chứ!

Cứ chiều đến đi qua cánh đồng thôn Trại Ngỗng, người ta sẽ nghe thấy những tiếng chì chiết. Thím Huyền đứng chắp tay, rồi chống nạnh nghiến răng với người đàn ông đang loay hoay nhặt lạc. Đó chính là chú Hai Điếc nổi tiếng hiền lành và đáng thương trong xóm. Chú Hai bị vợ mắng, chỉ ngước đầu lên cười hềnh hệch như không hiểu gì. Điệu cười của chú càng làm thím Huyền tức giận và bất lực. Thím thở dài, cấu chú một cái:

- Trời ơi là trời. Chồng tôi...

Có người đi qua không nhịn được mới quở một câu:

- Chú có nghe được nói được đâu mà thím cứ mắng thế tội nghiệp. Người ta tàn phế đã chạnh lòng rồi.

Thím Huyền bạnh quai hàm ra, nạt lại:

- Cho bà nói lại đó? Ai tàn phế? Bà bảo ổng tàn phế có tin tôi gàn cái mồm bà ta không?

Người đàn bà kia vẫn khự nự cãi lại:

- Tôi nói sai à? Con đàn bà ghê gớm như cô thì mẹ chồng nào ưa nổi?

- Mẹ chồng không ưa nhưng chồng tao ưa tao! Không phải chuyện trong chăn nhà mình thì đừng có gãi rận hộ. Biến!

Thím nói xong, lại quay vào mắng người chồng không nghe được:

- Bao giờ ông mới khôn ra cho tôi được nhờ. Chờ ông khôn ra, tôi già cả mất rồi, hai đứa con gái của ông đều bị người ta nuốt hết cả xương!

Trong cái thôn Trại Ngỗng này, ai chẳng biết đến danh thím Huyền, một người đàn bà chợ búa đúng nghĩa. Ngày xưa, thím Huyền xinh đẹp gần nhất thôn lại thông minh sáng dạ nên được nhiều người theo đuổi lắm. Ấy thế mà đến tuổi lấy chồng, thím khăng khăng một mực lấy cái thằng Hai Điếc ở cuối thôn, làm đám trai làng cứ tiếc hùi hụi.

Nhà Hai Điếc không giàu có. Bố chú Hai đi chiến trường miền Nam, để lại người vợ với hai người con trai ở quê nhà, từ đó biệt tăm không thấy trở về. Được cái hai anh con trai đều sáng sủa, khôi ngô sáng sủa, tai to mặt lớn là có số làm quan. Bà Mau góa chồng, chỉ có con cái làm chỗ dựacắn răng nhịn nhục để nuôi bác Cả đi học. Thời bấy giờ, đi học chữ nghĩa là một việc làm tốn tiền nhiều của, bà Mau chỉ cố được cho một thằng con trai. Bà cứ ôm con trai út của mình, nỉ non:

- Con theo mẹ đi làm, nuôi anh. Thời buổi khó khăn, sau này anh mày đỗ đạt, anh mày có cơm ăn, thì cũng không đến nỗi để mày phải ăn cháo, con ạ.

Chú Hai khi ấy mới có gần mười tuổi, đâu có biết gì. Thấy mẹ làm lụng vất vả, cũng theo mẹ ngược xuôi khắp các nông trường, thái chuối, chăm ngỗng thuê cho người ta, đẩy xe cát, xếp gạch, chở gạch... Chẳng có việc nào từ. Số chú lận đận, một lần đang xếp gạch thì ngã từ trên kiêu gạch xuống, máu mũi máu mồm trào ra. Đến lúc mang đi trạm xá, người ta chỉ sơ cứu qua loa, còn muốn kiểm tra kĩ phải mang lên bệnh viện lớn cơ. Bà Mau không có tiền, chậc lưỡi cho qua:

- Đứa trẻ nào ở cái quê này mà chẳng ngã mấy bận chứ. Lo gì!

Thế rồi, thính lực chú Hai dần mất đi, miệng cũng bắt đầu méo lại chỉ nói được ê ê a a mấy chữ. Chằng biết điếc rồi mới câm, hay câm rồi mới điếc. Bà Mau lại ngăn ngáu trong đêm:

- Ai bắt mày làm hùng hục như thế để giờ thành thế này! Trời ạ! Nhà đã nghèo, còn thêm mày bệnh tật, giờ biết làm thế nào!

Đêm ấy bà khóc mãi, chẳng biết khóc thương phận đứa con trai, hay khóc phận của chính mình.

Kể từ ngày bị câm điếc, tay chân chú Hai vẫn nhanh nhảu như cũ, làm việc gì cũng hiệu quả. Tay chú khéo, tan thúng mang bán kiếm thêm nhanh bằng mấy người lớn. Có điều tính cách thì khù khờ. Bà Mau ngày càng yếu đi, anh trai chỉ biết đọc sách, tiền học phí ngốn mất bao nhiêu là tiền, kinh tế trụ cột trong nhà dồn hết lên người chú. May mắn thay, bác Cả được ăn học từ nhỏ không phụ lòng mẹ, đỗ được đại học Sư phạm, sau 4 năm được làm giáo viên ở trên tỉnh. Ngày đó, con gái trong thôn để ý đến bác Cả lắm. Ngay cả mẹ ruột thím Huyền cũng đưa đẩy con gái sang bên lân la làm quen. Thím Huyền vừa nhìn bác Cả ađã bĩu môi:

- Mắt lấm lét, môi dỗi, kiểu mặt này đâu phải người đàn ông có thể dựa vào.

Rồi chẳng hiểu thế nào, thím lại phải lòng anh con trai thứ hai chăm chỉ làm lụng, thật thà tốt bụng. Bố mẹ nghe con gái muốn lấy người câm thì giãy nảy lên. Đấu tranh mãi, thím Huyền mới thuyết phục được họ đồng ý mình lấy chú Hai.

Bác Cả chẳng lâu sau cũng lấy một cô gái trên tỉnh, chuyển lên đó sống với gia đình vợ luôn. Ở dưới quê, vợ chồng thím Huyền chịu trách nhiệm ruộng vườn, chăm mẹ, hai nhà chỉ gặp mặt nhau vào những dịp lễ Tết. Bác Cả giàu lên, nhà chú Hai cũng không kém vì được cả nết vợ nết chồng chăm chỉ kiếm tiền.

"Sau này anh có cơm ăn cũng không để mày phải ăn cháo." Câu dỗ dành của người mẹ năm xưa chỉ như một câu chuyện cổ tích, ai vẫn sống cuộc đời của người nấy, chú Hai điếc mà tự trong cao, chẳng bao giờ lấy của anh trai lấy một đồng.

Thím Huyền thở dài, vác cái cuốc lên rồi huých chồng. Nắng đã tắt rồi, tranh thủ thế thôi, hai vợ chồng giờ phải về nhà nấu nướng, tối đến còn chuẩn bị hàng ngày mai mang đi bán trong phiên chợ. Năm nay hai con gái của thím đều lớn rồi, đứa cả đã mười tám, sắp học đại học. Bao nhiêu thứ phải lo liệu. Con bé có chí lớn, phận làm mẹ chỉ biết góp tiền góp gạo. Chỉ cần chăm chỉ một tí mà con cái đỡ khổ thì phải vất vả hơn nữa thím cũng chịu.

Khi về đến nhà, thím Huyền chú Hai chợt thấy một chiếc ô tô đỗ ở cổng. Trong nhà ríu rít tiếng cười nói.

- Nhà bác Cả về rồi đấy.

Thím nói với chú Hai bằng khẩu hình, chú ngay lập tức giúp vợ bỏ cuốc xuống rồi phăm phăm đi rửa tay. Thím Huyền thì chậm chạp vào sau. Giữa nhà, bà Mau đang ngồi ôm thằng con trai duy nhất của bác Cả năm nay lên mười, miệng không ngừng hôn hít:

- Ôi cháu trai bảo bối của bà về rồi. Đi đường xa như thế có vất vả không? Lại đây bà xem nào! Lớn thế này, đẹp trai thế này!

Hai vợ chồng bác Cả cười tít mắt. Bà Mau lấy chìa khóa ra, mở tủ rồi cầm theo mấy đồng tiền polime, cũng phải đến 500 ngàn chứ không ít. 500 ngàn thời ấy, phải tính bằng mấy yến thịt? Bà hỏi:

- Cháu trai yêu dấu của bà, nói cho bà biết cháu được học sinh gì? Bà thưởng?

Bác dâu Thư ngay lập tức đẩy vai con trai:

- Kìa con khoe bà đi. Cháu được học sinh tiên tiến ạ!

Bà Mau lại cười càng tít mắt, dúi cả xấp tiền cho thằng nhỏ:

- Đây. Thưởng cháu, thưởng cháu. Cháu trai của bà giỏi quá.

Bé Nam, con gái út của thím Huyền đang dè dặt bên ngoài, chợt nắm tay mẹ:

- Được học sinh tiên tiến là được thưởng hả mẹ, sao con không được bà thưởng?

Đây không phải là lần đầu tiên Nam tủi thân nhìn bà ôm anh trai. Trong nhà này, mẹ chồng chẳng thương con trai út bệnh tật. Mà thím Huyền lại sinh toàn con gái, cái Vân con gái đầu lòng đã đành, mười năm sau bấm bụng sinh một đứa lại là con gái. Vì lẽ đó mà bà càng không thương, từ bé giờ chẳng bao giờ chịu ôm hay dỗ dành mấy đứa cháu gái. Riêng thằng Vinh con bác cả lại nhận được hết cưng chiều.

Nam còn bé tí, nghĩ sao nói vậy, mới có bảy tám tuổi đã hiểu cái gì đâu. Nhưng người lớn thì để trong lòng câu nói của trẻ nhỏ. Vợ bác Cả giận tím mặt. Bà Mau ngay lập tức quắc mắt lên:

- Cô dạy con bé cái thói ghen tị đấy hả? Anh nó là con trai, ở trên tỉnh một năm mới về mấy lần, nên tôi mới xót. Ở trên đó trường tỉnh người ta cạnh tranh, đâu có giống cái trường làng mười đứa thì chín đứa học giỏi. Học cái gì không học, học cái thói ghen tị khoa trương. Con gái học nhiều có ích gì, tốt nhất cô nên dạy con gái phải sống cho khéo léo để sau này về nhà chồng sống cho được lòng người ta ấy ạ.

Vợ chồng bác Cả vẫn cười hì hì rồi xua tay khuyên nhủ như con bé Nam có lỗi thật:

- Thôi mà mẹ, cháu nó còn bé nên không khéo ăn khéo nói. Mẹ đừng nóng giận quá lại mệt. Cái Nam, con mau xin lỗi bà đi.

- Sao nó phải xin lỗi? - Thím Huyền đẩy con gái vào trong buồng, cãi lại. - Mẹ không thương được con gái con thì mẹ kệ nó đi, tiền của mẹ mẹ cho ai tụi con đâu có dám nói nhiều lời. Cháu nó còn nhỏ không hiểu, làm bà mà nói cháu nghiệt thế mẹ nghe được sao? Mẹ có cháu bảo bối, con bé cũng là của báu vợ chồng con. Cái Nam nó có lấy chồng thì cũng không phải lấy lòng lạy lục ai hết, mẹ đừng phí công dạy nó nhút nhát như thế.

- Mày! Mày hỗn láo! Thằng Hai đâu rồi, mày vào xem vợ mày đi!

Ở cái thôn này, người ta nghe mẹ chồng nàng dâu nhà chú Hai cãi nhau đã thành quen. Mỗi lần không cãi lại, bà Mau lại dọa bảo con trai bỏ vợ. Lâu thế rồi có bỏ được đâu, nên thím Huyền cũng chẳng sợ.

Chú Hai đang đi pha trà, thấy vợ con bị mắng bèn hoang mang xua tay:

- Ừm... Hừm...

Chú giậm chân sốt ruột, tay ôm vai vợ. Thím Huyền quay sang một bên, khóe mắt chợt ướt cả lên. Dù gì cũng là đàn bà con gái, cũng biết tủi thân tủi phận chứ.

- Thôi được rồi. Phiền phức chết đi được. Bao giờ thì mày mới biết dạy vợ mày cho đàng hoàng tử tế. - Bà Mau buồn bực nạt con trai rồi bảo. - Anh chị nó mới đi đường xa, cô vào trong làm món gì cho anh chị cho cháu ăn, ra chợ mua đồ mới cho tươi tắn. Còn cái Thư với thằng Cả, mới về nghỉ ngơi một tí đi, lúc nào em nó nấu cơm xong thì mẹ gọi.

Thím Huyền nhìn bàn tay phồng rộp do vừa cầm cuốc nặng của mình. Bên ngoài phòng khách, bác Tư đang bảo mẹ:

- Em Huyền cũng vừa mới đi làm về, con đi xe ô tô không mệt đâu mẹ. Hay là để con phụ em rửa rau nha.

- Thôi khỏi, nó sức dài vai rộng, nó làm được. Không cần phải lo cho nó. Con cứ ở đây, cho thằng Vinh ăn, trông nó xám cả mặt lại rồi đây này. Mấy đứa đi xa thế mà.

Thím Huyền mệt mỏi cắp cái rổ đi rửa rau. Chú Hai luộc mấy quả trứng, giấu riêng cho vợ và con gái, bóc vỏ áp vào má vợ xong cười hi hì, kế đến lại lăn vào bếp làm hết mọi chuyện. Cơn giận ban nãy cũng vì thế mà bay biến. Thôi làm thêm mấy chuyện cũng không sao, cho đỡ rắc rối. Mình đã mang tiếng láo lếu cãi mẹ chồng rồi, cãi thêm cũng được, nhưng chú Hai đứng giữa bị hàng xóm chê cười thì biết làm thế nào. Chi bằng nhịn một tí, chờ đến lúc nhà bác Cả lên trên tỉnh lại là xong.

Tuy vậy, cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Trong lúc thím Huyền nấu cơm, hai đứa nhỏ lại cãi nhau, ầm ĩ hết cả lên.

2.
Cái Nam khóc ré. Bình thường con bé hay cười, tính tình như con trai, có mấy khi khóc thế này. Thím Huyền vội bỏ hết công việc chạy ù ra, mẹ chồng đã lên chùa, nghe bảo là phải xin lấy lá bùa cầu bình an cho bác Cả. Trong sân, cái Nam và thằng Vinh đang đánh nhau. Thằng Vinh rất béo, đè con bé xuống dưới đất không ngừng thúc vào bụng nó. Còn cái Nam tay yếu chân mềm, chỉ biết đẩy anh ra. Cả một đám rau cải bị tụi nó quần nát hết cả. Đánh nhau thế này là lớn lắm.

Thím Huyền vội quát:

- Buông em ra thằng Vinh! Cháu làm gì thế hả?

Thằng nhóc không buông mà còn cắn con nhỏ thêm một cái nữa la toáng. Thím Huyền túm áo nó dậy, mà nó vẫn cứ vùng vằng không chịu tha cho cái Nam, miệng thì văng tục toàn những câu mất dạy. Thím Huyền tức quá mới dúi nó một cái:

- Cái thằng hỗn hào! Ai dạy mày đánh em thế hả?

- Nó cào con trước! - Thằng Vinh vẫn cãi hăng. - Mày nhớ mặt tao đấy, lần sau mày mà còn dám cào tao tao cho mày nát mặt.

Dám đe dọa em trước mặt người lớn thế này thì còn ra cái gì? Thím Huyền quắc mắt lại, đỡ cái Nam lên hỏi han cho phải chăng, con bé hu hu khóc:

- Anh xé mất vở bài tập của con đi gập máy bay. Con chỉ đòi lại thôi. Xong anh bảo con học làm gì cho tốn tiền của, con gái ở quê chỉ có đi gắp phân bò. Hu hu... Giờ vở bài tập bị xé rồi, con lấy gì nộp cho cô giáo bây giờ.

Chú Hai đi ra sau, đang tức giận nhặt từng trang vở chi chít chữ lên cho con gái. Thấy chú bạnh mặt ra, thằng Vinh mới thấy sợ hãi rụt cổ lại. Mặc dù chú Hai rất hiền, song khi tức giận lên cũng phải biết. Thím Huyền không nhịn nổi, rít lên:

- Mày mang tiếng là con thầy giáo mà học cái thói côn đồ thế hả? Ở cái nhà này mày muốn chơi cái gì thì chơi, con bé có dám tranh giành gì đâu mà giờ mày xé vở của nó!

- Chuyện gì mà ồn ào thế?

Bác Cả chẳng biết đi đâu rồi, chỉ còn bác dâu Tư hơi ngái ngủ từ trong phòng bước ra. Thấy bao nhiêu thứ hỗn độn trên mắt đất, với cả mặt con trai có vết cào, bèn xuýt xoa:

- Ôi trời. Ai đánh con vậy?

Thằng nhỏ mách lại luôn.

- Nó cào con đó mẹ.

- Cái Nam, sao con lại...

Bác Tư đang định quay sang trách thì thấy mặt cái Nam còn sưng hơn, tóc tai bị giật đến nỗi rối tung rối mù. Con bé ôm mẹ khóc rưng rức. Thím Huyền khoanh tay, ghê gớm chửi lại:

- Giờ còn biết nói dối nữa hả? Mắt chú thím đều thấy mày xé vở bài tập của em, mày dằn mặt em xuống đánh. Mày là con trai, là anh, cứ lần nào về quê cũng chòng ảnh nó. Đây, chị xem, nó đánh con em thế này, nó xé vở con bé thế kia. Anh em một nhà hay là kẻ thù mà đối xử với nhau như thế, không dạy được thì sau này để nó thành tướng cướp hay gì? Mày ra đây, mày có biết mở mồm nói câu xin lỗi hay không?

Bác Tư ngay lập tức đanh mặt lại:

- Thím làm gì mà nặng lời trù ẻo cháu thế. Trẻ con đánh nhau là chuyện thường tình, cái Nam cũng có làm sao đâu mà em làm lớn tiếng thế. Đây là mẹ không có nhà. Mẹ có nhà mà chị em ta chỉ vì chuyện nhỏ nhặt của lũ nhỏ cãi nhau, mẹ lại mệt, lại ốm ra. Mình là phụ nữ, có gì mình lịch sự nhẹ nhàng, đừng thô kệch như thế họ đánh giá.

- Chị có ngon chị nói lại coi!

Thím Huyền uất ức vặc lại:

- Giờ chị còn dám lôi mẹ ra để dọa tôi nữa hả? Con tôi xước xát hết cả như thế kia, các chị nhiều chữ nghĩa, có bao nhiêu cái sai đổ hết đầu tôi. Nhưng mà chị nghĩ xem, nếu không có chồng tôi nai lưng ra nuôi bác Cả ăn học tử tế đàng hoàng, chị có được làm vợ cử nhân như hôm nay để mà lên mặt với tôi không?

Bác Tư trợn mắt, chẳng thể ngờ được cô em dâu này ngay cả chuyện xưa cũng dám nhắc. Hơn nữa còn nói đúng chỗ hiểm của chị ta. Chị ta vốn là con gái ở trên tỉnh, bố mẹ đều có chữ nghĩa, hồi đó lấy bác Cả cũng vì vẻ đẹp trai và các mác cử nhân. Thế nhưng lấy nhau lâu rồi, chị ta mới biết ông chồng mình là người không có chí tiến thủ, chỉ muốn có công việc an nhàn. Gốc gác nhà chồng ở quê, phải xưng chị gọi em với mụ đàn con buôn cục súc khiến bác Tư cảm thấy phẩm giá của mình bị hạ thấp đi. Ấy thế mà người trong làng chẳng bao giờ hiểu, cứ rỉ tai nhau:

- Không biết vợ chồng bác Cả có nhớ cái ơn chú Hai không. Ngày xưa chú Hai còn bé tí đã phải làm lụng vất vả nuôi anh ăn học. Bác Cả từ cái bát nồi cơm đã chẳng phải đụng, nên mới có thời gian học hành đỗ đạt công danh thế này ấy chứ.

Nói vậy, thành ra chị ta có người chồng giỏi giang thế này là nhờ phước của người em chồng tàn tật và cô vợ thô kệch của nó hay sao?

Bác Tư càng nghĩ càng điếng cả người. Đúng lúc ấy bà Mau với bác Cả cũng đi làm về, đang hỏi han mọi chuyện là thế nào. Hai mẹ con bác Tư tố cáo trước, nước mắt cứ tuôn ra mãi chẳng dứt.

- Con cũng biết chú Hai khổ, song anh chị mấy lần cũng ngỏ ý muốn giúp chú mà chú đâu có nhận. Nếu chú chỉ cần nói một lời, tụi con có phải bán của bán nải cũng phải trả cái ơn ngày xưa cho bằng được. Nhưng mà... Đâu có phải vì cái ơn đó mà lúc nào cũng nhắm vào con, bắt con phải gọi dạ thưa vâng, rồi nhắm vào con trai con. Thế thì tôn ti trật tự đảo lộn hết cả lên hả mẹ.

Thím Huyền trong miệng của bác Tư bỗng trở thành ác nhân, ngay lập tức chửi:

- Bà nó chứ. Bàn thờ tổ tiên ở đây, chị có dám thề chị nói đúng không? Chị có tin tôi khâu miệng chị lại cho bớt nói điêu hay không?

- Đó mẹ! Mẹ xem. - Bác Tư yếu đuối bảo.

Bà Mau vung tay lên:

- Cái con này, tao ở đây mà mày dám láo thế hả?

Cái tát của bà chẳng in lên mặt thím Huyền mà rơi vào người chú Hai. Chú im lặng chị đòn thay cho vợ, hai người phụ nữ cũng rít lên:

- Mày tránh ra! Mày bênh nó hả?

- Ai bảo ông chắn cho tôi. Tôi cứ đứng đây đó. Có ông trời làm chứng, đứa nào điêu, hộc máu chết.

Bà Mau run tay chỉ:

- Tao mù mắt mới lấy cái loại mày cho con tao! Sao trên đời này lại có loại độc địa với người thân như mày.

- Nói điêu hại người thì sống làm cái gì! Con cũng không chửi con dâu của mẹ, con chỉ chửi đứa nào nói điêu.

- Còn lòa lợm nữa.

Nhất thời trong nhà ằm ĩ hết cả lên, bà Mau ôm vai con trai, bắt chú nhìn bà, rồi nói thật chậm:

- Mày! Bỏ! Nó! Đi!

Chú Hai không phải câm điếc bẩm sinh nên có thể hiểu được khẩu hình của mẹ. Ngay lập tức chú ôm đầu, lắc đầu nguầy nguậy.

- Giờ mày cũng cãi mẹ hay thế nào?

- Hừm... Hừm... hừm...

Chú Hai giậm chân thật mạnh, đầu tiên ôm vợ, rồi chỉnh lại quần áo trên người mình, rồi lại ôm con gái. Chú lắc lắc hai tay, chỉ vào đống bài tập của cái Nam ở dưới đất, chỉ vào vết thường trên người nó, ánh mắt vừa uất ức vừa tủi.

Thím Huyền cay xè cả hai mắt khi dịch ngôn ngữ của chồng:

- Con không bỏ vợ. Nó làm vợ con từng ấy năm, ngay cả quần áo trên người cũng do vợ vá. Có với nhau mấy mụn con, đứa bé cũng đã lên 7 rồi. Còn chuyện hôm nay, mẹ xem tang chứng còn kia kìa, con gái con bị đánh, mặt mũi bầm dập thế này. Mẹ còn trách vợ con nữa.

Thì ra ông ấy hiểu hết, chỉ không biết nói mà thôi.

- Thế giờ mày muốn thế nào?

Mẹ chồng gắt lên. Chú Hai nhìn quanh nhà một lượt, rồi cầm theo một cái roi, nhân lúc mọi người không để ý mà đánh vào mông thằng Vinh. Nó khóc ré lên, còn bác Tư thì la lên oai oái:

- Ôi trời ơi. Chú làm cái gì thế hả? Mẹ! Chú Hai điên rồi!

- Ngừng lại ngay cái thằng kia.

Bà Mau giữ con trai út lại, ngay cả thím Huyền cũng giữ chú. Chú xua tay làm kí hiệu, khăng khăng bắt thằng Vinh xin lỗi. Chị dâu là người lớn mà nói sai cho vợ tôi, chị cũng phải xin lỗi nốt. Đừng tưởng tôi câm điếc mà các người bắt nạt người nhà tôi. Cùng lắm con gái tôi cào thằng nhóc kia mấy cái, tôi tự chịu thay con bé là được.

Chú vùng vằng rồi tự cầm roi quất hai cái lên tay mình, đến nỗi lằn cả lên làn da đã chai sạn. Con bé Nam khóc lớn gọi bố, thím Huyền càng không chịu đựng nổi, kéo chồng sang một bên. Thím thừa nhận cái miệng mình độc địa, đến lúc này vẫn chẳng nói được một câu êm tai:

- Tại sao ông ngu thế hả? Ông... Ông hết thuốc chữa rồi. Tôi chăm mãi ông mới béo tốt thế này, mình có làm gì sai mà mình phải chịu đánh.

- Hỏng rồi hỏng rồi!

Bà Mau vuốt ngực thở dốc, vẫn không quên chỉ tay vào con trai mà mắng. Bác Cả từ ngoài sân chạy vào đỡ mẹ, xoa lưng cho bà.

- Mẹ bình tĩnh đã. Hai đứa nhỏ nó cãi nhau thôi, mấy chị em cũng đừng làm to kẻo người ta cười. Thím Huyền, thím đưa chú Hai về buồng đi, có gì nói sau.

Chẳng cần bác Cả phải dạy, thím Huyền đã biết phải đưa chồng vào trong phòng. Ở đây, mình có làm sao thì ai thương? Có bác Cả đấy thường tốt với em đấy, nhưng thay vì nói là thương, chẳng bằng nói bác áy náy với người em hi sinh cho mình từ nhỏ. Song sự áy náy ấy chẳng thấm là bao, vì xét cho cùng, bác cũng sợ vợ và yếu đuối.

Vợ chồng, bố con dìu nhau lên tầng, mãi chú Hai mới bình tĩnh lại được. Kể từ hôm ngã, cái đầu chú cũng bị ảnh hưởng, thi thoảng sốc mạnh là chú sẽ tự đấm lên đầu. Thím Huyền khóc mãi, "Ông có còn nhớ tôi là ai không? Ông cứ đấm như thế bị làm sao người ta bắt nạt mẹ con tôi đấy." Chẳng biết chú Hai có nghe được hay không mà ngoan hẳn, mềm oặt nằm trong lòng vợ ngủ.

Bữa tối hôm ấy chẳng ai thèm ăn, thím Huyền cũng chẳng dọn mời ai. Thi thoảng, từ dưới nhà vẫn vọng lên tiếng mắng mỏ.

- Người ta lo dâu lo con về là để tề gia nội trợ, để chăm lo cho gia đình. Kể từ ngày cái con rắn độc nó về, là nó chỉ biết hơn thua với chị em, kể xấu mẹ chồng. Giờ nó xúi chồng nó cãi lại cái con đẻ ra luôn rồi. Ngay cả đứa cháu nhỏ mà nó cũng không vừa mắt, cũng phải đay nghiến cho bằng được. Nhà tôi đúng là mục mả.

Cái Nam cứ đứng ở góc cửa nghe lén, thi thoảng lại thút thít:

- Sao bà lại mắng mẹ vậy ạ? Có phải do con làm sai không?

Thím Huyền chẳng biết giải thích với con ra làm sao.

- Bà già rồi khó tính, kệ bà. Bà mắng chán rồi thì thôi, con đi học bài đi. Mai mẹ bảo với cô để mua cho quyển bài tập mới.

Con bé Nam ngoan ngoãn vâng lời, đi về phòng học trong những tiếng mắng chửi vẫn không ngừng vọng lên từ phòng khách.

- Mày ra ngoài kia xem người ta nói gì về mày. Ở nhà làm như oai lắm, có dám chửi lại người ta không, về nhà làm hư cháu tao. Tao nói cho vợ chồng thằng Cả biết, từ nay về sau, tao không có vợ chồng thằng Hai nữa. Tao biến đi cho tụi nó khuất mắt!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bdnx