Chương 1 - Bà lão mù

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cửa tiệm bán đồ thủ công mỹ nghệ nằm trên một con ngõ lát gạch rêu phủ. Trong tiệm, một thiếu nữ ăn vận y hệt con trai, tóc giắt trâm ngà, mặt thanh mày sáng đang lúi húi tra sổ sách. Tay phải gẩy bàn tính thoăn thoắt, tay trái lật giở từng trang giấy, cô lẩm nhẩm vài ba con số, chốc chốc lại lấy bút đánh dấu thêm vài chỗ trong sổ. Tiếng xâu tiền va vào nhau loảng xoảng, tiếng chuông gió trước nhà lanh lảnh, hoà trộn với nhau trong cái đầm ấm của nắng sớm trước hiên, nghe thật vui tai.

Yên Thái là một trong những phường sầm uất bậc nhất xứ kinh kì. Từ sáng tới tối, người bán, kẻ mua tấp nập. Giấy lụa, giấy dó, giấy điều của cái phường này được các nhà quyền quý và hoàng tộc vô cùng ưa chuộng. Vậy mà trên cái đất nhộn nhịp "kẻ đi buôn - người làm thợ" ấy, tiệm đồ thoạt trông có vẻ nhỏ bé kia đã tồn tại ngót mấy chục năm.

Bên song cửa, một bà già đang ngồi trên chiếc trường kỉ, nhàn nhã lau chùi mấy cái lư đồng được kì công chạm trổ.

- Thi, mấy nay trở trời, chân bà lại nhức mỏi rồi. - Bà lão rên rỉ bằng cái giọng thều thào của người già.

- Vậy chiều nay cháu đi bốc thuốc cho bà. Ông chủ tiệm thuốc đầu ngõ vẫn nợ nhà ta tiền của hai bức hoành phi, còn chưa trả đấy. - Hoàng Thi đáp lời bà lão, mắt vẫn chưa rời khỏi bàn tính.

Bà lắc đầu, thở dài:

- Ta già cả rồi, trước sau gì cũng chết, bốc thuốc làm gì cho phí của.

Cô vẫn chăm chú đếm tiền, cất giọng bông đùa:

- Bà cứ hay nói điều gở thế nhỉ. Chả phải mấy tuần trăng trước, có ông thầy bói bảo bà bách niên giai lão đấy thôi.

- Cháu nghĩ rằng ta có thể tin cái lão lừa gạt đó hơn chính ta à?

Thi nhún vai, rồi cất chiếc bút lông lên giá. Bà cụ nhà cô thế mà lại tự tin quá thể. Ngoài mặt là thế, nhưng một cảm giác lo sợ nào đấy vẫn luôn đè nén tâm can cô. Bà nội tần tảo nuôi cô lớn, cửa tiệm này là tất cả vốn liếng của cuộc đời bà. Nếu một ngày cô không còn bà bên cạnh nữa, đời cô sẽ u ám và trơ trọi biết nhường nào. Suy nghĩ đó thoáng qua rồi trôi tuột đi trong khi cô sắp lại đống hàng bán của tiệm.

Những ngày tiết lập thu, trời xanh trong và heo may hiu hiu thổi. Cái mùa thanh tao, hoàn mĩ nhất trong năm dễ khiến lòng người dấy lên thứ xúc cảm nao nao khó tả. Rằm tháng bẩy sắp sửa tới, người ta đổ xô đến các hàng quán, lui tới trong những khu chợ, để chuẩn bị cho ngày xá tội vong nhân.

Bà lão với lấy chiếc chổi nhỏ làm bằng lông thỏ rừng treo trên giá, tỉ mần phủi bụi trên từng chiếc lư trước khi kì cọ chúng bằng khăn lụa.

- Dạo này ta hay nằm mơ thấy sao Kế Đô chiếu sáng phía Bắc trời Thăng Long, chẳng rõ là chuyện gì sắp đến nữa.

- Chắc bà lo nghĩ nhiều chuyện quá đấy. Biết đâu là bầy heo của tên thương lái nào đó bị trộm mất cũng nên. - Thi tặc lưỡi.

- Cái con bé này, ta chưa lẩm cẩm đến mức đấy đâu. - Bà càm ràm.

Thi ngồi xuống cạnh bà lão, vừa đấm lưng cho bà vừa phụng phịu:

- Cháu chỉ đùa một chút thôi mà. Nếu bà còn chưa yên lòng thì tối nay cháu sẽ mang viễn kính đi leo thành một chuyến.

Với cô, leo thành là chuyện chẳng khó gì mấy. Mỗi lần sao trăng xoay chuyển, cô lại đem chiếc viễn kính mà cha cô để lại, khoác áo choàng, rời nhà trong đêm. Cô tìm đường trèo lên mái ngói cao nhất của kinh thành, rồi ghi chép lại một cách tỉ mỉ vị trí của từng ngôi sao, từng đám mây trên bầu trời Thăng Long. Đó là việc mà cha cô thường hay làm trước khi ông qua đời.

- Chưa vội, chưa vội. - Bà lão vỗ nhẹ lên tay Thi. Bà lại chăm chú lau chùi mấy chiếc lư đồng đến mức chúng sáng choang khi có nắng chiếu vào, cứ như được làm từ thứ kim loại quý giá nào đấy.

"Két." Một người đàn ông đẩy cửa bước vào, nom cũng chỉ mới ngoài hai mươi, dáng người hơi gầy, lưng giắt quạt giấy, có vẻ là con trai của một gia đình giàu có nào đó trong vùng.

Thi bật dậy, chạy vội tới trước quầy, đon đả đón:

- Quan khách tới mua gì chăng?

Gã thư sinh rút chiếc quạt ra phe phẩy, cứ thế dạo một vòng quanh tiệm. Đôi mắt gã dừng lại trên những cái lư đồng cạnh khung cửa đang ánh lên vì nắng.

- Ta muốn mua mấy cái lư này, không biết cô bán thế nào? - Gã hất đầu hỏi Thi.

- Đồng làng Bưởi đấy! Đồ tốt đấy! Được giá thì tôi mới bán. Một đồng cũng không bớt.

Một giọng nói khàn đặc vang lên, bà lão đặt chiếc lư đồng vào đế gỗ, ngẩng mặt nhìn người khách. Tia nắng trưa chiếu qua cửa sổ rọi vào gương mặt nhăn nheo làm loé lên đôi mắt đùng đục, hai con ngươi của bà trắng bệch đương nhìn vào hư không. Chúng khiến gương mặt vốn phúc hậu của bà trở nên u ám và bí ẩn khác thường.

Bà lão ấy bị mù.

- Ta đang hỏi chủ tiệm, chứ không hỏi bà, bà già mù ạ. - Người đàn ông chắp tay sau lưng, lắc đầu nói.

Gương mặt bà lão từ từ giãn ra, bà cười vang, để lộ hai hàm răng móm mém:

- Cái tiệm này là do tôi dựng nên, tôi làm chủ. Còn con bé đằng kia là cháu nội tôi. Không tin thì quan khách có thể hỏi mấy nhà quanh đây xem thử. Còn nữa, tôi thích được người khác kêu bằng tên hơn, người ta thường gọi tôi là bà Kỷ.

Trông thấy sắc mặt người khách hơi tối lại, Hoàng Thi lanh lẹ thưa:

- Quan khách thông cảm, người già tính khí thất thường ấy mà. - Rồi cô lại khen lấy khen để. - Anh đúng thật có mắt nhìn lắm đấy. Cũng không giấu gì anh, lư đồng này là do người làng Bưởi của Kinh Bắc đúc rồi gửi lên đấy ạ. Cả mấy ngõ quanh đây chỉ tiệm tôi có bán. Tôi lấy rẻ cho anh mỗi lư là một quan sáu tiền thôi.

- Được, chỗ này có bao nhiêu ta lấy hết, mang ra xe ngựa giúp ta. Tiền đây. - Gã thư sinh ném xâu tiền lên trước quầy.

Thi niềm nở cảm ơn rồi nhanh chóng bỏ hàng vào trong hai cái bao, đem treo bên yên ngựa của gã. Xong việc, người đàn ông toan rời đi, thì cô đã gọi với lại:

- Quan khách xin dừng bước, tiệm chúng tôi có một món quà muốn tặng quan khách.

- Chà, mua hàng cũng được tặng quà sao? - Gã thư sinh ngạc nhiên. - Chả trách mấy nhà giàu quanh vùng cứ thích mua đồ ở chỗ cô.

- Cứ mua nhiều hơn bảy quan là đều được tặng quà ạ. - Thi nhanh nhẹn mang ra một bức thư pháp. - Bức này làm từ giấy lụa đặc biệt của phường Yên Thái đấy ạ.

- Núi cao gió lộng, chim dang cánh vờn mây trên ngọn trúc. - Người đàn ông đón lấy bức thư pháp, đọc thành tiếng - Câu này khá hay, chữ cũng đẹp đấy.

- Thực ra câu này còn thiếu một vế đối ạ. - Thi tươi cười giải thích.

- Thiếu? Vậy vế đối còn lại là gì?

- Sông sâu nước xiết, cá quẫy đuôi gợn sóng dưới chân bèo.

Giọng nói khàn đặc lại vang lên, bà Kỷ đã chuyển sang lau chùi mấy cái chân đèn bằng gốm. Có vẻ bà rất ưa công việc này.

- Bà am hiểu thơ văn đến vậy ư? - Vị khách trẻ nhướn mày.

- Cũng không hẳn, tôi chỉ là quen biết người viết ra câu ấy mà thôi. - Bà lão cười hiền, trong đôi mắt đục ánh lên sự minh mẫn đến lạ thường.

Người khách đi khỏi rồi, bà lão vẫn ngồi đăm chiêu, cứ lau mãi cái chân nến trên tay. Cách đây nhiều năm về trước, con trai bà chính là người đã viết nên hai câu đối đó. Lẽ ra, nó đã có thể làm một vị quan văn sáng sáng lên triều chấn hưng khoa cử, đêm đêm thắp đèn phóng tác văn chương, lúc về già thì sống an nhàn, có con chăm sóc, có "ngư, tiều, canh, mục" làm thú vui. Đáng tiếc, nó đã chọn con đường đẩy hiểm nguy, rồi cuối cùng lại mất sớm.

- Bà lại nhớ tới cha của cháu rồi à? - Hoàng Thi ngồi xếp mấy cái giỏ mây, bần thần hỏi.

Bà Kỷ ậm ừ không nói gì.

- Bà nói xem, nếu cha cháu còn sống, chắc ông ấy cũng tầm tuổi bác Phu bán xôi đầu ngõ nhỉ?

- Chắc thế. - Bà lão đáp gọn lỏn, bỏm bẻm nhai trầu.

Năm mà đứa con trai yêu quý của bà bị người ta hại chết, bà cũng ngoài sáu mươi. Người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh, có nỗi đau nào day dứt lâu hơn thế. Năm ấy, con bé Thi chỉ mới chừng lên hai lên ba, vậy mà đã hơn mười năm trôi qua rồi. Nhìn đứa cháu gái chưa tròn mười bảy đã sớm tháo vát hơn người, bà Kỷ không khỏi xót xa. Mẹ nó mất vì khó sinh, ngày con bé ra đời cũng là ngày giỗ của con dâu bà. Mấy năm sau, con trai bà cũng qua đời, để lại nó cho bà, con bé cứ thế mà lớn lên như cỏ dại.

Hoàng Thi cất chồng giỏ mây lên nóc tủ, với lấy cái khăn lụa khác, tới ngồi lau đồ gốm cùng bà lão.

- Lâu rồi chuông gió không khua đêm bà nhỉ?

- Ừ, khua ít cũng tốt, khua nhiều dễ khiến người quanh đây nảy sinh tò mò.

- Dạo gần đây cháu cứ thấy bất an thế nào ấy. Hôm qua cháu còn nằm mơ một mình cưỡi ngựa vượt đèo băng sông nữa. - Thi khẽ thở dài.

- Có lẽ ông trời đang muốn nói gì đó với cháu. - Bà lão rít lấy nước trầu, rồi nhả bã ra chiếc bát men bị mẻ góc. Ăn trầu mang lại cho con người ta một cảm giác say say như uống rượu.

- Răng bà yếu rồi, đừng nhai trầu nhiều nữa. - Cô phàn nàn.

- Cháu khỏi lo, ta còn khỏe chán, mấy tên thầy bói còn bảo ta sẽ bách niên giai lão đấy chứ.

Cô phì cười. Bà nội đúng thật là... nói ngược hay xuôi gì cũng được.

Chiều đến, tà dương nhuộm màu đỏ quạch lên những mái nhà. Kinh thành Thăng Long bỗng nhạt nhoà trong cơn mưa bất chợt. Mưa vuốt ve cành lá, nhảy nhót trên khóm hoa. Mưa rào rào trên ngói rêu, mưa lách tách trên tấm phên nứa. Gió đến cùng mưa khua những chiếc chuông gió treo trước tiệm kêu leng keng. Cả con ngõ dài trông buồn hẳn đi trong cơn mưa tầm tã.

Bà Kỷ chép miệng:

- Mưa thế này chắc sớm tối trời đấy.

- Vâng... - Thi thả hồn theo mấy hạt mưa ngoài cửa, nghĩ vẩn vơ.

- Nhớ thắp đèn sớm đấy. - Bà lão âu yếm giục.

- Cháu nhớ rồi. - Bỗng cô trầm giọng xuống. - Cháu đang nghĩ là có khi... mấy ngày tới chuông gió sẽ lại khua ban đêm bà ạ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro