Chương 2 - Thái uý

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm.

Cửa tiệm của bà Kỷ cài then im lìm dưới bóng trăng. Gió len qua những cành cây trĩu lá, tiếng gió vù vù dội vào tấm phên nứa kêu sột soạt. Trong tiệm, ánh đèn le lói. Hoàng Thi co gối, thu mình trong chiếc áo mỏng, cặm cụi cuộn lại số tranh vẽ được vị hoạ sư trong triều biếu tặng, coi như là trả công cho cô đã tiên đoán được một biến cố của gia đình ông. Bà Kỷ đương nằm ngủ trên chiếc chõng tre, tiếng thở đều đều vọng khắp gian nhà. Trời về khuya mỗi lúc một lạnh, Thi kéo thêm chăn đắp cho bà, bóng hai bà cháu đổ dài trên vách gỗ.

Chùm chuông gió trước tiệm đột ngột khua lên tiếng rất to, có ai đó đang gõ cửa. Trong bóng tối mập mờ của đêm sương, một vị khách bí ẩn đẩy cửa gỗ bước vào. Người đàn ông khoác áo màu mận chín, để lộ nghi thái đầy khác thường. Vừa nhìn qua, Thi đã biết là người của hoàng thất. Cô bước tới cúi đầu hành lễ:

- Lạy Thái uý, nay tiệm nhỏ này có phúc được Thái uý đến thăm.

- Ngươi biết ta là ai? - Trần Quang Khải khẽ chau đôi lông mày, trên nét mặt hiện ra vẻ băn khoăn.

- Vâng, tôi từng nhìn thấy người. - Cô bình tĩnh đáp. - Năm Bính Dần, Nậu Lạt Đinh nhà Nguyên sang thông hiếu, Chiêm Thành đến cống, đều là đích thân Thái Uý ra cổng thành đón vào.

- Ngươi mới thấy ta đôi lần, sao vừa gặp đã nhớ ra ngay? - Vị võ tướng ngờ vực hỏi.

Bằng giọng nhẹ nhàng nhưng không một thoáng dao động, Hoàng Thi kính cẩn thưa:

- Dạ bẩm, cả nhà tôi xưa nay được thánh thượng và vương hầu tôn thất tin cậy đều có lí do cả. Mời Thái uý vào ngồi.

Trần Quang Khải bước vào gian nhà, ngồi xuống chiếc trường kỉ. Thi cời bấc, thắp thêm đèn. Bấy giờ ông mới nhìn kĩ người thiếu nữ trước mặt. Dáng người tuy mảnh mai nhưng cứng cáp, tuổi còn nhỏ mà phong thái đã hơn người, đối đáp với bề trên khéo léo nhưng không hề run sợ, trái lại càng toát lên vẻ khí khái, cương trực.

- "Hổ phụ sinh hổ tử". Khẩu khí của ngươi rất giống cha ngươi.

- Thưa Thái uý, bà nội tôi cũng thường nói vậy. - Thi mỉm cười niềm nở. - Nếu được tài giỏi như cha thì là phúc phận của tôi, tiếc là tôi còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Trần Quang Khải gật gù:

- Cha ngươi là tâm phúc mà Thượng phụ Thái sư ngày trước [1] giữ lại bên cạnh Quan gia. Ông ấy còn thường xuyên được vời đến giảng thiên văn cho đám học trò ở Quốc học viện [2]. Lúc sống thì cống hiến cho thịnh hưng của Đại Việt, đến lúc chết vẫn giữ vững tấm lòng với Trần triều ta.

Năm xưa, vua Thái Tông thân hành thống lĩnh sáu quân đi đánh giặc Mông Cổ, quan giữ ấn lại cất vội ấn báu ở điện, chỉ mang ấn nội mật đi theo, giữa đường ấn đó lại mất. Lúc đó, quân Trần tạm thời rút lui, thực hiện kế thanh dã [3], để bọn Ngột Lương Hợp Thai tạm thời chiếm giữ kinh đô. Ngờ đâu, cha cô - Thị lang Lê Trường Thu, lúc ấy sắp sửa rời kinh đô, nằm mộng thấy nơi cất hai con ấn, liền liều chết đột nhập hoàng cung rồi trộm khỏi tay giặc Thát. Ông đã kịp nhờ người bí mật đem ấn ra khỏi cung, nhưng bản thân lại bị bọn Hợp Thai phát hiện, trúng tên độc của chúng mà chết. Sau này trên đường xa giá về kinh, Thái Tông được người ta dâng trả ấn, người ấy cũng thuật lại đầu đuôi câu chuyện.

Cũng kể từ đó, mỗi bước lớn khôn của Hoàng Thi đều có sự bảo hộ của tôn thất nhà Trần.

Cô bần thần ngồi xuống đối diện vị Tướng quốc Thái uý, ánh mắt nhìn ra ngoài cửa sổ xa xăm. Đêm nay trời vắng sao, chỉ còn ánh trăng vằng vặc treo nơi đầu ngọn cây cổ thụ. Thi trầm mặc ngồi yên như thế một lúc lâu mới nhẹ nhàng cất tiếng:

- Dạ thưa, những chuyện người nói tôi đều hiểu ạ. Nhờ ơn Quan gia nể tình trọng nghĩa, không quên chuyện xưa, nên mùa đại hạn năm trước tôi và bà mới được giúp đỡ để bình an tới bây giờ. Năm tôi lên bảy, Thân vệ Tướng quân đích thân tới dạy võ cho tôi, năm tôi lên tám, là Hưng Ninh Vương dạy tôi viết chữ, tôi cũng biết đấy là ý của Thái sư và Quan gia.

Cô vốn biết từ trước tới nay, mọi người vẫn coi cô như một đứa trẻ thơ. Cây non thì dễ uốn, các vị tôn thất và thánh thượng cứ ỷ vậy mà suốt ngày rao giảng việc cô phải kế tục cha để làm một bề tôi trung nghĩa, phải nuôi chí lớn góp công lao của mình cho Đại Việt. Cô đã từng vì thế mà nhiều lần bất đồng với Thân vệ Tướng quân. Còn Hưng Ninh Vương hiểu cô hơn, người không phản bác nhưng cô cũng biết rõ Vương không cho rằng suy nghĩ của cô là phải. Những lời nói của Thái uý vừa nãy lại một lần nữa dấy lên con sóng đã nguội trong lòng Thi. Dường như có cái gì đó đương nghẹn lại nơi cổ họng, giọng cô lạc đi:

- Tuy thế, tôi không chắc rằng tôi sẽ đi con đường của cha tôi. Ông ấy từ thuở thiếu niên đã tận trung với quốc gia và hoàng thất. Cha tôi có thể vì nghĩa lớn mà quên thân mình, quên mất mẹ gìa con côi. Nhưng tôi, - Cô quay đầu sang nhìn bà Kỷ vẫn ngủ an lành trên chõng. - Có những người cần tôi bên cạnh.

Vị Tướng quốc Thái uý lặng hẳn đi trước lời nói của người thiếu nữ. Trước lúc gặp mặt, ông đã nghĩ rằng con của Lê Trường Thu vẫn còn là đứa trẻ mười lăm mười sáu, làm sao đủ chính chắn để gánh vác chuyện triều chính quốc sự, thế mà Quan gia vẫn kiên quyết bảo ông đến tiệm hỏi ý kiến của con bé. Bây giờ thì ông tin rồi, người thiếu nữ trước mặt có cái vẻ thâm trầm như đã ngoài ba mươi. Có chăng là sự thiếu vắng tình thương của bậc phụ mẫu, cùng những biến cố thời ấu thơ đã biến một cô gái bé nhỏ phải học cách kiên cường, hiểu người, hiểu thời, để có thể bình an mà khôn lớn.

Nén dòng cảm xúc chực trào, Thi đổi chủ đề:

- Dạ thưa, hay thôi ta không nói chuyện này nữa. Chẳng hay Thái uý có việc gì cần nhờ tôi?

Trần Quang Khải bấy giờ mới lên tiếng:

- Vừa mới đây, Quan gia nhận được cấp báo rằng sứ thần do Hốt Tất Liệt đang sắp sửa đến nước ta, e rằng hắn sẽ đòi Quan gia sang chầu.

- Vậy Quan gia định thế nào ạ? - Thi bình tĩnh nhấc ấm trà, rót ra chén, đẩy đến trước mặt Thái uý.

- Tất nhiên là Quan gia không muốn đi! - Vị Thái uý nâng chén trà lên, nhấp một ngụm rồi nói. - Ngày trước, vua Cao Ly họ Vương chấp nhận yêu sách sang hầu của nhà Nguyên, cuối cùng mấy đời từ vua cha đến vua con đều chịu kiếp làm con tin.

Cô nghe vậy bèn cười mà đáp rằng:

- Thưa, việc Quan gia đã định, thì cứ thế mà làm, sao phải nhọc công Thái uý đến gặp tôi?

Trần Quang Khải xoay xoay chiếc chén gốm trong tay, ánh trăng ngoài bậu cửa rọi vào nước trà sóng sánh.

- Đúng là thế, nhưng vẫn còn thiếu một lý do. Sứ nhà Nguyên chắc chắn không chịu trở về nếu như chúng ta không đưa cho hắn một lý do thoả đáng.

- Thế nào mới thoả đáng được đây! - Thi bật cười - Chi bằng bảo Quan gia giả bệnh rồi từ chối lời dụ sang chầu cho xong chuyện.

- Giả bệnh? - Vị Thái uý se sẽ giật mình, chuyện long thể của thánh thượng đâu thể đem ra đùa giỡn được. - Cách này sẽ ổn thoả chứ?

- Thưa, phải ạ. Nhà Nguyên cũng không đến nỗi bỏ công bỏ sức cử thêm một đoàn sứ thần sang Đại Việt chỉ để bắt mạch thỉnh bệnh cho Quan gia đâu. Mà Hốt Tất Liệt có thâm hiểm đến thế đi chăng nữa, thì cứ bảo đó là bệnh theo mùa, hoặc tâm bệnh, rời khỏi Kinh đô là lăn ra ốm. Thái uý về nói với Quan gia viết một bức thư hồi âm, tỏ rõ lòng thành với nhà Nguyên, cũng như nói rằng mình nhiễm bệnh, thân thể ốm yếu, đi sứ sang bên ấy dài ngày ắt không hợp thuỷ thổ, lỡ như... - Thi nuốt nước bọt, ghé sát tai Thái uý nói. - Lỡ như có "nằm lại" dọc đường e là chỉ sinh ra lôi thôi chứ không có lợi lộc gì cho Nguyên triều cả.

Trần Quang Khải nghe vậy vừa ngờ ngợ vừa lo lắng. Nhưng việc Quan gia dặn đã xong, ông liền đứng dậy chào.

Thi biết ý, chắp tay đáp lễ.

- Tạ Thái uý đến thăm. Nếu Thái uý có gặp thầy tôi, cho tôi gửi lời hỏi thăm đến ngài ấy.

Quang Khải toan dời chân thì Thi đã kịp nói thêm:

- Còn một việc tôi nghĩ không biết có nên nói hay không, vì dù gì cũng là chuyện riêng nhà Thái uý.

- Ngươi cứ nói ta xem. - Thái uý quay trở vào, cười hiền từ.

Cô ngẩng đầu, cất giọng lễ phép nhưng hơi chút chần chừ vì sợ ông phật ý:

- Thưa, phiền người nhớ đối xử tốt với Phụng Dương công chúa. Trong gia đình, người chồng quan trọng nhất là phải đối xử công bằng, trước là với chính thê, sau là với thiếp thất của mình. Có như vậy thì gia quyến mới yên ổn.

- Ta hiểu. Dù gì Phụng Dương cũng là hoàng nữ, lại là chính thất của ta, tất nhiên ta không để nàng ấy chịu khổ.

- Dạ thưa, tôi nói vậy không phải vì công chúa là hoàng nữ của Quan gia, mà là vì công chúa là một người tốt, chu đáo, thông tuệ, lại một mực vẹn tròn đạo nghĩa. Tôi chắc chắn mai sau, công chúa sẽ giúp sức được rất nhiều cho Thái uý. - Thi nhẹ giọng, nói.

Quang Khải đưa mắt nhìn xa xăm ngoài cửa, lặng yên không đáp. Ánh trăng rọi tỏ khuôn mặt suy tư của vị võ tướng đương triều.

Thấy thế, Hoàng Thi cũng không làm khó ông thêm nữa, cô cúi đầu bái biệt:

- Đêm khuya gió buốt, Thái uý đi cẩn thận.

Trần Quang Khải bước ra khỏi cửa tiệm, vội vã rời đi, rồi khuất dần trong màn đêm mờ mịt. 

Trống canh ba vừa điểm. Con ngõ trước tiệm tối hơn, mùi đất đọng lại từ cơn mưa chiều dậy lên ẩm ướt và ngai ngái. Trên sân, bóng cây sầu đâu chập chờn trong gió lạnh. Thi nghe tiếng lá rào rào và loáng thoáng tiếng chó sủa từ mấy nhà chung quanh vẳng lại. Cuộc đối thoại ban nãy với Thái uý vẫn quẩn quanh trong tâm trí cô. Cạnh chiếc bàn con, đốm lửa lập loè trên đĩa đèn soi tỏ cái cái đòn gỗ ẩm ướt trong góc nhà, bức hoành phi treo trên cột đã phai màu chỉ còn mờ mờ ánh đỏ, và dăm ba món đồ thủ công mới đem từ dưới Kinh Bắc lên còn nguyên trong cái sọt để cạnh chõng tre. Cô chợt nghĩ tới sự chơ vơ của đời mình.

- Thái Uý về rồi sao? - Bà Kỷ thều thào.

- Vâng ạ. - Thi bình thản trả lời.

Cô biết bà nội đã sớm thức giấc. Dĩ nhiên bà đã đều nghe thấy hết cuộc đối thoại giữa Thái uý và cô. Bà Kỷ im lặng một lúc, dường như nghĩ ngợi điều chi, định nói rồi lại thôi. Bà khẽ trở mình, tiếng chõng tre kêu cót két.

- Nhớ thổi tắt đèn, cháu cũng ngủ sớm đi.

- Vâng. - Cô đáp.

Đêm đã khuya. Gió sông Nhị Hà thổi mát rượi. Đá rải ven sông sáng lên lấp lánh dưới ánh trăng. Đâu đó có tiếng bìm bịp kêu, tiếng mõ lóc cóc của dân vạn chài đi đánh cá. Trên sông, ông lái đò cất giọng ngâm thơ buồn não ruột:

Nguyệt quang tĩnh dạ cửu trùng,

Khải phong lay động mấy chùm phong linh. [4],[5]

___________

[1] Thượng phụ Thái Sư: ý chỉ Trần Thủ Độ

[2] Quốc học viện: Quốc Tử Giám thời bấy giờ

[3] thanh dã: kế sách "vườn không, nhà trống"

[4] khải phong: gió nam ôn hoà

[5] phong linh: chuông gió

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro