10.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương III - Chuồn chuồn đập cánh, tháng ba qua

10.

Cuộc sống trong cung của tôi thật ra cũng không buồn chán lắm.

Đôi khi rảnh rang, công việc xong sớm, có thể cùng người ở phủ Nội Vụ ngồi cắn hạt dưa, uống ba chén nước. Đôi khi lại có thể tám chuyện trời đất, cắt giấy hình hoa.

Hoặc ngồi kể ngồi nghe những câu chuyện gió trăng về Vương thượng, về tần ngự, những con người chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy.

Giống như lần đó, người ở cùng cung Tường Phúc với tôi, là hàng xóm bên cạnh điện Phú Xuân, nhờ tôi tô vẽ cho một con diều. Trước đó tôi không hề quen biết cô ấy. Chỉ nghe thoáng qua cha cô ấy họ Phan, giữ chức quan khá to trong triều nơi Thái thường tự, rất được bề trên trọng dụng ưu ái. Còn cô ấy tên Yến Hòa, vào cung cùng tôi từ hồi tháng 8.

Ừm có lẽ tại vì Yến Hòa, trong tên có một chữ đọc trùng với tên tôi. Hoặc cũng có thể do cô ấy rất xinh đẹp hoạt bát, cười lên lanh lảnh rất đỗi trong veo vậy nên tôi đã có chút yếu lòng, tự nhiên quyết định vẽ diều hộ cô ấy mà không cần tiền công...

Anh hùng bốn phương quả nhiên chẳng mấy ai qua được ải mỹ nhân. Tôi đã như thế. Lê Khải lại càng là như vậy.

Bằng chứng là, chiều hôm ấy, sau khi bắt gặp Yến Hòa đang thả diều trong vườn Hạnh Lâm, Lê Khải đã mắt nhắm mắt mở, cắn răng cắn lưỡi, tấm tắc khen ngợi con diều xấu đau xấu hờn do tôi vẽ, chỉ vì y tưởng đó là đồ chơi của Yến Hòa.

Trước cái đẹp và tiền bạc, ai cũng có thể trở nên tầm thường. Tôi rất hiểu. Tôi không trách y.

Y đặc phong cho Yến Hòa thành Mỹ nhân, ban hiệu là Thuần, thưởng muôn ngàn yêu chiều. Tôi chúc mừng vỗ tay.

Người ta tưởng Vương thượng yêu thích Thuần Mỹ nhân vì con diều vẽ khéo, thi nhau chạy đến điện Phú Xuân, xin tôi vẽ mấy con để quyến rũ ông hoàng. Tôi cũng không còn cách nào khác, đành phải làm một bảng giá để giúp mọi người dễ mua bán, chọn lựa. Diều to là không phải đắn đo, mua một con hết ba quan tiền. Diều vừa là hết kiếp người thừa, mua một con chỉ với hai quan. Diều nhỏ là không hề đắt đỏ, mua một con số đỏ đuề huề. Nhanh tay, nhanh chân mại dô không hết hàng!

Tôi không trách Lê Khải. Mong y cũng đừng trách tôi.

Trước cái đẹp và tiền bạc, ai cũng có thể khom lưng cúi mình. Tôi và Ngọc Châu đương nhiên lại càng phải khom mình cúi lưng lượm tiền vô túi, tính toán xem mai nên ăn bữa cá rán hay tôm luộc.

.

Khoảng một tháng sau khi Yến Hòa được phong làm Mỹ nhân, Lê Khải bỗng nhiên mang từ phương Bắc trở về một công chúa ngoại tộc.

Nghe mọi người kể, cô công chúa này có cái tên rất lạ, gọi là Á Chân. Tóc nâu đỏ, mắt xanh thẫm, trên mũi, trên tai móc rất nhiều vòng vàng, dây bạc. Đặc biệt chỉ thích mặc quần mặc áo con trai, không bao giờ thấy mặc xiêm váy. Là em gái duy nhất của vua tộc người Châm.

Thật ra, tôi cũng không rõ lắm đầu đuôi sự việc. Chỉ nghe đồn khi Lê Khải đột ngột xuất ngựa đến phương Bắc vào tháng trước, ngoài mặt thì ban chiếu là vi hành, quan sát đời sống của nhân dân nhưng thực chất bên trong là để bàn bạc quân sự cùng Tiết Kính hầu, trực tiếp tổ chức một cuộc chinh phạt người Châm, mở mang bờ cõi.

Không rõ rốt cuộc thật hư ra sao chỉ biết cuối cùng vua của ngoại tộc đã phải sai sứ mang trăm con ngựa tốt, nghìn tấm lông cừu, hai rương dát vàng và em gái ruột sang cầu thân, thể hiện thiện chí thân thiết hai bên.

Có người nói Vương thượng đã chấp nhận ý cầu hòa của vua Châm vì vậy mới thản nhiên nhận lễ cống và rất mực dịu dàng với công chúa Á Chân.

Nhưng cũng có người nói, Vương thượng là đang kiên nhẫn chờ đợi một thời cơ vậy nên công chúa Á Chân trông thì có vẻ rất được yêu chiều nhưng cuối cùng cũng chỉ là một Tuyển nhân bậc thất giai, tầm thường thấp kém, rõ ràng thể hiện ý khinh thường của vương nhà Lê với vua ngoại tộc nhỏ bé.

Không rõ ai đúng ai sai chỉ biết rằng, sau khi công chúa Á Chân vào cung, sự quan tâm của Lê Khải dành cho Yến Hòa đã bớt đi một phần, dành cho những người khác lại càng ít hơn.

Không hiếm các tần ngự đã thể hiện sự coi thường thậm chí mắng nhiếc đối với Á Chân, nhưng thay vì tức giận, lần nào vị công chúa này cũng chống cằm chắm chú lắng nghe rồi cười khoái trá.

"Người đẹp, mắng xong rồi có thể cho ta sờ một cái không?"

"Mỹ nhân quả nhiên là mỹ nhân! Đến cau mày khó chịu cũng câu hồn đoạt phách như vậy! Thế này có bị mắng đến chết Á Chân ta cũng coi như sống không uổng một kiếp!"

"Khải cũng thật nhỏ mọn! Huynh ấy dám giấu ta một mỹ nhân khuynh quốc khuynh thành như nàng ở Đại Lê! Nếu biết trước sẽ gặp nàng ở đây, ta đã nhảy lên ngựa cùng Khải sang Đại Lê từ lâu rồi!"

...

Những lời này của công chúa đã khiến cho các tần ngự trong cung vốn vô cùng ghen ghét, đố kị lập tức chuyển sang bàng hoàng, bối rối, rồi thì xấu hổ ngượng ngùng, rồi lại bó tay bất lực và cuối cùng là sợ sệt trốn tránh...

Có lẽ đến Vương thượng cũng không có khả năng thần kì như thế này...

Khi biết chuyện Thái hậu vô cùng phẫn nộ, trách mắng Dung Chiêu nhân thân là người đang tạm thời nắm giữ quyền hành cai quản Đông Tây lục cung vậy mà lại tắc trách đến độ để cho một kẻ ngoại tộc làm rối loạn nội cung, bất an lòng người.

Dung Chiêu nhân trước đó vốn cũng từng bị công chúa Á Chân buông lời "lỗ mãng", tay chân hành xử "không đúng quy phép" nhưng vì sự ưu ái của Lê Khải, lại nghĩ Á Chân là một công chúa ngoại tộc, hành xử thô lỗ cũng là chuyện có thể thông cảm nên đều nể tình nhắm mắt bỏ qua.

Chẳng ngờ bẵng đi một thời gian mọi chuyện lại nghiêm trọng thành thế này, bèn vội vàng đích thân đến tận tẩm điện của Chân Tuyển nhân, nhẹ nhàng giảng giải phép tắc trong cung: Phận làm ngự tần vợ vua thì tất cả mọi điều đều phải hướng về Đại Vương. Tận tâm tận lòng thủy chung son sắt, không được tơ tưởng, thân thiết với nam nhân khác. Phải đối xử hòa nhã, quan tâm với các ngự tần trong cung như chị em, cùng nhau chăm sóc, hầu hạ vương, không được ghen ghét, đố kị, hãm hại nhau.

Những tưởng lời giảng giải của Dung Chiêu nhân đã vô cùng hợp tình hợp lý rồi, chẳng ngờ lời đáp của công chúa Á Chân lại còn thấu tình đạt lí hơn cả thế.

"Luật lệ trong cung không cho phép thân thiết với nam nhân khác nhưng có nghiêm cấm gần gũi với nữ nhân khác đâu!"

Thì ra, công chúa Á Chân không chỉ có sở thích mặc quần áo của đàn ông mà còn có sở thích chiếm luôn gái đẹp của đàn ông...

Từ đáy lòng, cuối ruột, tận cùng của dạ dày, điểm kết thúc của phổi, tôi chân thành, sâu sắc, tha thiết, ngưỡng mộ vị công chúa này!

.

Mùa xuân năm mười chín tuổi của tôi diễn ra vào một ngày mưa bay.

Có lẽ vì đây là lần đầu tiên tôi đón Tết ở trong cung. Lần đầu tiên không được ăn bánh chưng rán vàng ươm do anh ba làm. Lần đầu tiên không được cùng anh hai mài mực tàu đen viết câu đối đỏ. Lần đầu tiên không được cùng đại ca đốt pháo chơi đèn thức đến sớm mai. Nên có đôi chút bâng khuâng, nhẹ hẫng.

Dù thế, tôi và Ngọc Châu vẫn cố gắng sắm sửa thịnh soạn nhất có thể để chuẩn bị đón Tết.

Sáng sớm thức dậy, chúng tôi vội vã cắt giấy hình hoa rồi nhẹ "khoác" lên cho điện Phú Xuân một chiếc áo yếm hồng đào.

Trưa đến thì tất bật chuẩn bị gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, lá dong để theo người ở phủ Nội Vụ đi làm bánh chưng.

Chiều về, thì cùng mọi người ngồi xuống bên những mâm cơm cỗ nhỏ, cùng uống canh măng, ăn thịt gà luộc. Cùng lặng lẽ cạn chén một nỗi nhớ nhà nhẹ tênh, tưởng chừng đã nhòa vào năm tháng.

Để rồi, khi ngày mai tỉnh dậy, lại có thể mỉm cười như nước mắt chưa từng rơi.

.

Thật ra Tết ở trong cung cũng không khác mấy so với ngày bình thường, chỉ là có chút bận rộn hơn.

Dù vậy, năm nay, dường như lại càng đặc biệt hối hả.

Bởi vì. Một lần nữa. Phượng Tước Đài đã xuất hiện.

Người con gái mang trong mình dòng máu phượng cao quý. Người con gái sinh ra là để ở bên cạnh đế vương.

Một lần nữa đã xuất hiện ở triều đại Chính Hưng.

Con chim lửa bằng giấy, không rõ bay đến từ đâu nhẹ nhàng sà xuống bên gót chân người con gái. Miệng con chim ngậm một miếng gỗ đào ánh nâu. Với nét chữ mực son uyển chuyển như rồng bay phụng múa.

Phượng Tước Dạ Đài. Vạn Thế Vĩnh Xương.

Trân tặng người con gái cao quý nhất thế gian này.

Khoảnh khắc ấy cả kinh thành Đại Lê như chực vỡ òa. Pháo hoa chói sáng đỏ tươi rạch xé đôi nửa bầu trời. Tiếng hò reo chúc tụng vang lên như sấm nộ rền vang.

Tám năm trước, mới tám năm trước đây thôi triều đại Chính Hưng cũng từng chứng kiến khoảnh khắc này, khoảnh khắc Nguyên Trân Phu nhân cầm trên tay miếng gỗ đào Phượng Tước Dạ Đài. Khoảnh khắc nàng trở thành người con gái trân quý nhất trong lòng Vương thượng. Là phượng hoàng giữa muôn người.

Khi Phu nhân nhắm mắt ra đi, mang theo một phần trái tim của vị quân vương trẻ tuổi, thế gian này những tưởng sẽ không bao giờ có thể thấy lại màu mực son rực cháy giữa trời ấy nữa.

Vậy mà ngày xuân năm nay, một lần nữa con chim lửa đã tung cánh giữa trời. Nhẹ nhàng sà xuống bên chân người con gái ấy.

Phùng Dã Quỳ.

Đích nữ của Đô Ngự sử Phùng Tưởng Hiến đương triều, người đứng đầu điều hành đài Ngự sử - nơi chuyên việc thanh bạch can gián vua quan. Tiểu thư trâm anh của một trong tam đại thế tộc lớn nhất hoàng thành Thiên Đô - Phùng thị thế gia với lịch sử trải dài hai trăm năm thịnh vượng huy hoàng.

Người con gái với dung mạo tuyệt trần, luôn cài trên mái tóc đóa hoa dã quỳ xinh đẹp.

Một lần rơi xuống nước bỗng tỉnh dậy như trở thành người khác. Hết chỉ dân chúng cách cày xới ruộng nương hiệu quả lại giúp ngư dân đan lưới bắt cá. Hết biến nước bẩn thành nước sạch chỉ bằng mấy hòn than rồi lại giúp phụ nữ trong vùng nhuộm vải, dệt lụa ra màu đẹp mắt.

Ai cũng bảo tiểu thư Dã Quỳ chính là tài nữ, tiên tử được người trời phái xuống cho Đại Lê.

Là người với cốt cách thanh tao. Khí phách hào sảng. Tâm tư như ngọc.

Ấy chính là người con gái cao quý nhất thế gian này.

Kể cả khi hậu cung từng có một Nguyên Trân Phu nhân.

Kể cả khi hậu cung đã có muôn ngàn giai lệ.

Nàng vẫn sẽ là người con gái cao quý nhất thế gian này? Phải không?

Phùng Dã Quỳ.

Phượng Tước Đài.

____________________

(1) Vạn Thế Vĩnh Xương mang ý muôn đời phồn thịnh.

(2) Hoa dã quỳ thuộc giống hoa cúc. Mang ý nghĩa biểu tượng cho sự kiêu hãnh, không chịu khuất phục, cho tình yêu thủy chung, mãnh liệt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#truyen