9.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

9.

Tôi từng tự hỏi rất nhiều về Lê Khải.

Tựa như, tại sao năm ấy y lại trở về? Trước đó, y cũng từng lập được đại công quét sạch giặc Châm ra khỏi lãnh thổ, cũng từng được Tiên vương vô cùng yêu mến truyền triệu về kinh, vậy nhưng y chưa một lần quay lại. Thế thì tại sao, giữa lúc cuộc chiến tranh đoạt ngôi vị Trữ quân đang căng thẳng vô cùng kia, y lại trở về?

Y không biết việc mình dùng hai vạn binh ít ỏi đánh tan tác sáu vạn giặc Lương, lập được chiến công hiển hách vang danh sách sử ngàn đời, đã biến y trở thành mối đe dọa lớn nhất với ngôi vị Trữ quân tử tôn quý tột bậc, cái gai ung nhọt lớn nhất trong mắt Đại công tử Kha và Nhị công tử Kiện?

Tại sao y không khiêm tốn giữ mình, ẩn dật giấu tài để cho hai phe giao tranh đấu đá mà lại sảng khoái nhận châu báu ngọc ngà, nhận phong hiệu cao quý mà Tiên vương ban cho? Tại sao lại kiên quyết gửi tấu cầu xin cho Khuynh Trầm Phu nhân được tấn phong trở thành Thượng phu nhân theo lệ của Thần Nguyệt Vương hậu quá cố, vượt lên hẳn mẹ ruột của hai người anh trưởng thứ, một động thái khoe khoang, khích địch quá lộ liễu?

Chẳng nhẽ y không biết đứng ở nơi cao nhất, rực rỡ nhất cũng giống như đứng ở đầu chiến tuyến. Là nơi nguy hiểm cùng cực, phải hứng trọn tất cả đạn giáp, mũi giáo ném về phía mình?

Hay như tại sao năm ấy, Thái hậu là Khuynh Trầm Phu nhân bấy giờ đã sắp xếp vô cùng môn đăng hộ đối cho y con gái lớn của Thượng thư bộ Lễ, Liễu Nhan Y làm Chính phi mà y lại cương quyết không vâng mệnh, tha thiết muốn cưới về tiểu thư nhà Thụy Sơn Đại tướng quân, Chu Đỗ Nghê dù mới chỉ qua đôi lần gặp gỡ?

Khiến Thái hậu lúc ấy khổ sở trăm bề, hết phải cúi mình tạ lỗi với nhà bên Liễu Thượng thư lại phải sang cầu thân bên nhà Thụy Sơn Đại tướng quân, để y có thể ngang ngược cưới về một lúc cả hai người Thứ phi. Để lễ thành thân của y không những huyên náo cả kinh thành mà còn xáo động cả lục cung, dậy sóng cả tiền triều, khiến cuộc chiến tranh đoạt ngôi Trữ quân vốn đã tàn khốc nay lại càng trở nên ác liệt?

Y rõ ràng rất hiểu, Thụy Sơn Đại tướng quân là người bên phe Đại công tử. Việc y cưới Chu thị, trong mắt Lê Kha, trong mắt Lê Kiện, trong mắt tất cả mọi người chẳng khác nào y đã giơ cao cờ, gia nhập ủng hộ Lê Kha lên ngôi Trữ quân. Lẽ ra trong hoàn cảnh đó, y phải cố gắng tránh xa tranh chấp phe phái hai bên chứ không phải cố tình lún sâu vào. Lẽ ra y không nên chỉ toàn tâm toàn ý yêu thương, chiều chuộng Chu Đỗ Nghê mà bỏ quên vị Thứ phi Liễu Nhan Y còn lại, bỏ quên tất cả những người con gái Nhị công tử cố tình gửi đến. Lẽ ra y không nên dứt khoát từ chối ý muốn kết thân của Lê Kiện.

Nhưng y vẫn làm.

Và tôi thì không thể nào hiểu được.

Tôi không hiểu bởi tôi chỉ nhìn thấy cái trước mắt.

Y làm vậy vì y đã nhìn thấy cái sau này.

Quả thật, nếu năm ấy Lê Khải không trở về kinh thành, nếu y khiêm tốn giữ mình ở nơi biên ải xa xôi thì có lẽ y sẽ tránh được một trận chiến tranh giành ngôi báu máu me tanh nồng.

Nhưng sau đó thì sao? Sau đó sẽ thế nào? Chẳng nhẽ y có thể mãi mãi là một Nhưỡng Nam quân tự do tự tại nơi biên ải?

Câu trả lời rất rõ ràng. Không bao giờ.

Ai chiến thắng sau cuộc tranh đoạt ngôi vị đẫm máu sẽ đăng cơ trở thành Đại Vương đời kế tiếp. Và dù kẻ đó là ai, Lê Kha hay Lê Kiện, thì hắn cũng sẽ không bao giờ buông tha cho Lê Khải.

Việc Lê Khải lập được đại công vang danh sử sách, người người yêu mến là một chuyện. Việc y là con ruột của Tiên vương mà lại nắm giữ trong tay nghìn binh vạn tướng mới chính là cái gai ung nhọt đối với kẻ đó.

Vì thế Lê Khải chỉ có hai lựa chọn. Một, y sẽ trở thành trung thần ái quốc ngàn đời, trao trả binh quyền cho Tân vương, nhận lấy tước vị cao quý rồi chết tức tưởi trong phủ của mình bởi rượu độc hoặc sống cả đời vô quyền vô thế vô dụng. Hai, y sẽ trở thành tội đồ ô danh thiên cổ vì dám trái lệnh chuyển nhượng binh tướng cho Tân vương. Y sẽ bị kết tội mưu phản đại nghịch, chém đầu làm gương bởi quần thần trong triều. Những sai phạm y chưa bao giờ mắc phải, những tội lỗi y chưa bao giờ gây ra sẽ được ban chiếu khắp toàn dân. Và cuối cùng, y sẽ phải dấy quân lên kinh thành diệt trừ Tân vương, đăng cơ đế vị để bảo toàn mạng sống hoặc thất bại thảm hại và vùi thây trong ngục tối.

Đó là những lựa chọn ít ỏi của Lê Khải. Những lựa chọn duy nhất dành cho y nếu năm ấy y quyết định ở lại biên ải, tránh xa mau me nơi quan trường.

Nhưng năm ấy, Lê Khải đã không chọn ở lại.

Bởi y, một đứa trẻ từng vượt tuyết dầm sương để tìm nhận Kính Võ Đại tướng làm thầy, chưa bao giờ có ý định chết ở nơi biên ải. Y, một thiếu niên ngay từ năm mười bốn tuổi đã quét sạch man tộc Châm ra khỏi Đại Lê, sẽ không bao giờ hài lòng với chỉ đôi ba dòng sách sử về mình. Y, một vị tướng từng liều mạng quất ngựa rầm rập dù biết dưới chân là trăm ngòi pháo nổ, càng không bao giờ chấp nhận một kết cục tầm thường như rượu độc, mưu phản, quyền cấm hay ngục tối.

Tham vọng của y. Cao tựa trời xanh, sâu tựa bể.

Giấc mộng của y. Bá nghiệp thiên hạ, mộng thiên thu.

Vì thế, y ngạo nghễ trở về kinh thành, đối diện với cuồng phong mưa gió.

Ngạo nghễ nhận ngọc ngà châu báu, nhận ban thưởng xa hoa. Ngạo nghễ viết tấu xin cho mẹ lên tước vị Thượng phu nhân. Ngạo nghễ phô diễn tài nghệ ở cuộc săn bắn khiến Tiên vương tấm tắc ngợi khen.

Bởi, ở hoàng cung chất chứa lang sói hổ dữ này, ai mà chưa từng giả vờ ẩn mình, giấu tài, nhẫn nại quan sát kẻ thù? Tựa như Nhị công tử Lê Kiện. Gã cũng từng là một thiếu niên ốm yếu gầy gò, ngày ngày chỉ làm bạn với thuốc thang, ngâm thơ, thưởng trà khiến người người xung quanh ngán ngẩm. Đâu có ai ngờ, chính vị công tử văn nhã yếu ớt ngày đó lại có thể âm thầm xây dựng cả một bè phái khổng lồ từ trong ra ngoài kinh thành Thiên Đô, đánh úp lật ngửa ván cờ làm Đại công tử bàng hoàng trở tay không kịp, suýt chút nữa còn đại bại nếu không nhờ Thụy Sơn Đại tướng quân xuất binh kịp thời

Trước mặt những con cáo già lão làng như thế, mọi sự giả vờ giấu tài quả thật chỉ như trò mèo vặt vãnh mua vui.

Nhưng nếu là một lớp mặt nạ kiêu ngạo, đắc ý thì lại khác.

Lê Khải rất hiểu, chỉ cần vài câu chữ ngạo mạn, chỉ cần mấy lần khoa trương võ nghệ, chỉ cần một lớp vỏ bọc thèm khát hư vinh do chính y giăng ra thì những con cáo già lão làng ấy sẽ khó mà nghi ngờ rồi cứ thế không thèm để y vào con mắt.

Làm sao chúng có thể không coi thường y khi trong tay chúng lúc nào cũng là một vò mưu kế còn y chỉ có trong tay một thanh kiếm sắt? Làm sao chúng có thể không coi thường y khi chúng đã quá giỏi trong việc điều khiển ván cờ chính trị, tháo túng những con tốt thí còn y chỉ là một tên nhãi con vắt mũi chưa sạch, chơi đùa với cái danh tướng quân, cả đời ngoài đánh giặc ra thì chưa dùng đầu óc bao giờ?

Hữu dũng vô mưu. Tay chân thô kệch. Hống hách ngạo mạn. Nếu có gì hơn thì chỉ là đang nắm giữ binh quyền. Một người như thế đáng để chúng phải bỏ công ra đề phòng, cảnh giác?

Vì thế, chúng đánh giá thấp Lê Khải. Và vì thế, trong ván cờ này chúng mắc bẫy.

.

Kinh thành Thiên Đô từ trước đến giờ vốn chỉ có hai phe phái của Lê Kha và Lê Kiện tranh đấu ác liệt, tạo nên thế cân bằng giữa triều đình và hậu cung. Nhưng kể từ khi có sự xuất hiện của Lê Khải thì bỗng chốc một thế lực mới đã ra đời. Đi kèm theo đó là sự đe dọa khổng lồ đối với thế cân bằng vốn có. Đó là sự đe dọa với cả hậu cung và tiền triều. Và nó cần phải được loại trừ. Mà muốn như vậy thì trong ba phe phái, phải có một bên bị tiêu diệt.

Lê Kha và Lê Kiện tuy khắc nhau như nước với lửa nhưng vì e sợ binh quyền trong tay Lê Khải, chưa chắc không thể hợp tác nhằm xoá sạch cái ung nhọt này. Chưa kể thế lực của Lê Khải tuy khổng lồ về binh tướng nhưng đồng minh trong triều và hậu cung thì quả thật bất lợi hơn hẳn.

Dù vậy, Lê Khải đương nhiên sẽ không ngồi đợi hai người anh của mình hợp tác với nhau. Bởi Chu Đỗ Nghê, vị tiểu thư xinh đẹp nhà Thụy Sơn Đại tướng quân sẽ là quân cờ đắc lực của y trong ván cờ này. Là người con gái mà cả kinh thành Thiên Đô đều biết y đã si mê khờ dại ngay từ cái nhìn đầu tiên. Là người con gái khiến y, đứa con trai vốn rất mực hiếu thảo vâng lời lần đầu tiên dám ngang ngược cãi lời lại mẹ ruột, làm Tiên vương thất vọng, không hài lòng. Là người con gái khiến y vốn đã chẳng có bao nhiêu đồng minh trong triều nay lại càng ít ỏi hơn vì đã đặc tội với Liễu Thượng thư.

Đúng vậy, Chu Đỗ Nghê là điểm yếu lớn nhất của đời y, là sự trầm mê ngu muội không lối thoát. Là cơ hội kết đồng minh ngàn vàng của Lê Kha. Là lưỡi dao tẩm độc đe dọa đến vị thế của Lê Kiện. Tất cả nhất định phải biết điều đó. Lê Kha nhất định phải ghi nhớ điều đó. Lê Kiện lại càng phải khắc sâu vào tâm khản.

.

Ban đầu, tôi cứ nghĩ Lê Khải bỏ sức dày công, cẩn thận bày trí Chu Đỗ Nghê vào ván cờ rồi vội vã thúc ngựa quay về biên giới là vì muốn hợp tác với Lê Kha, sẵn sàng dấy binh tiêu diệt quân bên Lê Kiện như tin đồn râm ran truyền lại. Nhưng tôi đã nhầm. Phe phái của Lê Kiện đã nhầm. Cả kinh thành Thiên Đô đã nhầm.

Lê Khải chơi trò chơi vương quyền này, ván cờ chính trị này, cán cân quyền lực này bằng máu và nước mắt. Trước đây là thế. Bây giờ là thế. Sau này lại càng là như vậy.

.

Tháng 3 năm Đức Bình thứ hai mươi tám, tại yến tiệc mừng xuân, cuộc chiến tranh đoạt ngôi vị Trữ quân cuối cùng cũng hạ màn. Nhị công tử Lê Kiện giết cha, hại anh, chiếm đoạt vương vị, tự xưng là Cảnh Thừa Đại Vương. Không những lấy máu quần thần gột rửa triều điện mà còn giết sạch các sử gia hòng sửa lại sự thật đáng hờn về bản thân. Khiến thây người chất đầy sàn gạch, sân ngọc nhuộm đỏ máu tanh. Khiến nghìn dân oán than, vạn dân lầm than.

Nhưỡng Nam quân ở phương Bắc hay tin, lòng đau bi phẫn, quyết định đem quân từ biên giới cùng binh sĩ của Thụy Sơn Đại tướng quân hợp lực tổng tấn công kinh thành, hòng bắt sống kẻ phản nghịch Lê Kiện, giết sạch bọn bè đảng hại nước hại dân.

Chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi, cả kinh thành Thiên Đô của Đại Lê dường như đã biến thành một nấm mồ chôn thây người thối rữa, xung quanh khắp nơi đâu đâu cũng chỉ nghe tiếng đao kiếm và chết chóc. Sử sách gọi sự kiện năm ấy là Huyết Yến Tiệc.

.

Thì ra, ngay từ đầu vị trí Thứ phi của Chu Đỗ Nghê mà Lê Khải dày công bố trí vốn không phải là cây cầu để y hợp tác với Lê Kha, mà lại chính là một miếng mồi béo bở được y treo lơ lửng ở đầu cần câu để chọc tức con quái vật Lê Kiện luôn ẩn nấp dưới bùn lầy.

Thì ra, y vội vã thúc ngựa trở về biên ải trong sự ngỡ ngàng của mọi người vốn không phải là vì nghe lệnh Lê Kha, âm thầm dấy bính dọn sạch bè đảng bên Nhị công tử, mà là một tin đồn y sắp đặt dành riêng cho phe phái bên Lê Kiện. Để Lê Kiện tưởng rằng Lê Kha cuối cùng đã hành động. Để gã vội vàng bố trí hoạn quan hạ độc Tiên vương, vu oan cho Lê Kha mưu phản giết vua đoạt vị. Để gã đứng lên diệt trừ Lê Kha và phe phái chống đối, đăng cơ làm Đại Vương, khiến Lê Khải không dám xuất quân, vương tội mưu phản.

Lê Kiện đã tính toán rất kĩ. Cũng đã sắp xếp mọi chuyện rất cẩn thận. Chỉ tiếc rằng dù y có thể đoán tới việc Lê Khải sẽ hao hết gần như toàn bộ số tử sĩ và thám tử bản thân dày công bồi dưỡng đặt ở kinh thành, lại không thể ngờ được sự bố trí ấy không phải dành cho Khuynh Trầm Phu nhân, không phải để bảo vệ Lê Kha, thậm chí không phải để giết chết gã mà lại chính là để cứu sống một con cờ. Thụy Sơn Đại tướng quân.

Con cờ duy nhất chứng kiến sự tàn bạo của Nhị công tử để lan truyền cho tất cả sự hèn hạ, lòng lang dạ sói mà gã đang cố chôn vùi. Con cờ duy nhất có thực lực, có tư bản, có lòng căm thù, có lửa hận rực cháy để lật đổ gã. Con cờ tham lam vội vàng góp quân hợp lực với Lê Khải vì nghĩ rằng nếu lật đổ được Lê Kiện thì khi Lê Khải lên làm vương, con gái lão sẽ trở thành quốc mẫu.

Thì ra, tất cả những gì Lê Khải dày công sắp đặt chính là để dẫn đến Huyết Yến Tiệc đẫm máu năm ấy. Để Lê Kiện phải gánh lấy cái danh xưng giết cha chém anh, tiếm ngôi phản nghịch. Để y có thể lẫm liệt uy phong mà nhận lấy danh xưng đế vương anh hùng.

Lê Khải đã luôn chơi trò chơi vương quyền này, ván cờ chính trị này, cán cân quyền lực này bằng máu và nước mắt.

Đẩy mã. Di xe. Ép vương.

Chiếu Tướng.

Cờ rơi. Máu đổ. Chặt đầu.

Chiếu Tướng.

Trước đây là thế. Bây giờ là thế. Sau này lại càng là như vậy.

Chiếu Tướng.

Nhật nguyệt đôi vầng soi trước mặt

Càn khôn một gánh nặng trên vai (**)

Ván cờ thiên hạ đã kết thúc

Quân tử như ngọc cạn chén đời

Nhị công tử Lê Kiện mưu đồ phản nghịch bất tuân lễ hiếu, trên thì giết cha chém anh, dưới thì quấy nhiễu lòng dân, khinh nhờn quốc pháp. May thay Nhưỡng Nam quân cùng trung thần ái quốc muôn nơi đều không quên ân huệ trời bể của Cảnh Bình Đại Vương, lòng đau thống khổ mà đồng tâm hợp sức diệt trừ tặc tử, yên định thiên hạ.

Chỉ buồn chăng ngôi Trữ quân đến giờ vẫn còn để trống mà Đại Lê lại chẳng thể thiếu vương một ngày. Nhưỡng Nam quân là con trai ruột của Cảnh Bình Đại Vương và Khuynh Trầm Phu nhân, thân phận cao quý mà thiên tư lại sáng suốt hơn người. Không những văn võ song toàn, anh dũng tài lược mà còn có công dẹp loạn cho nước nhà, thật xứng là người có thể cáng đáng trăm dân, trị vì thiên hạ. Nay trung thần trên dưới một lòng xin tôn Nhưỡng Nam quân lên kế vị ngôi rồng, lấy hiệu là Cảnh Hưng Đại Vương, đổi niên hiệu sang Chính Hưng, vì sự trường tồn và thịnh vượng muôn đời của Đại Lê.

- Hết Chương II -

__________________

(**) Câu thơ trích trong Cẩm Đình thi tuyển tập của Phan Thúc Trực.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#truyen