105. Cây xương rồng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một cây xương rồng cảnh châu Phi, Đoàn Giỏi cho tôi. Nó là cái cục chứ không phải cái cây, nó bằng quả quýt, xanh lét, gai tơ tua tủa, như con sâu róm cuộn khúc. Ở mặt bàn của Đoàn Giỏi còn mấy cục cây này nữa ngồi trong chiếc bát con làm cái chặn giấy. Tôi cũng đã trông thấy bên Đông Phi, ở Etiôpi, ở Tandania, trên sa mạc mênh mông những cây xương rồng tròn xoe, nhưng có cây cao bằng người đứng, như hàng trăm con voi phủ phục giữa biển cát xám trắng. Người ta đã nuôi nấng uốn hãm từ bé thế nào cây chỉ lớn bằng cái nấm tí hon. Làm cho xương rồng châu Phi có thể là cổ thụ, cũng có thể là cây nước Liliput.

Ở ta, cái cây cảnh cầu kỳ thế này chẳng hiếm. Sân trường tôi cạnh hồ Trúc Bạch có cây sung già thân ngả như gù lưng, trẻ con cứ việc bước lên, đứng ngồi mấy chục đứa cũng được. Vỏ cây trông thật dữ dằn mà thương tâm, như mặt người bị bệnh đậu mùa sứt sẹo chằng chịt. Nhựa sung được nhiều việc. Người ta đẽo lấy nhựa, đẽo bao nhiêu năm, bao nhiêu đời, để lại lỗ chỗ từng thớ, như băm ra. Tôi lại thấy cũng cây sung ở vườn cảnh Nghi Tàm, chỉ cao bằng gang tay. Mà gốc cũng sần sùi, cũng lá rụng, lá nở như cây cổ thụ. Lại thấy cây lộc vừng cổ thụ tí hon đứng giữa những hòn sỏi trong bát chiết yêu trên bàn phòng khách. Không thể ngỡ được cái cây cảnh bé tẹo này cũng ruột thịt với những cây lộc vừng to đùng rợp bóng một góc hồ Gươm. Thế mà cũng cây lộc vừng đấy, chẳng mảy may kém cạnh,

Cây gốc đại thụ được nắn, chiết ra cây cảnh, ở ta cũng khối. Ta cũng có ối, chẳng thiếu cây xương rồng, nhưng chưa thấy đâu có cây xương rồng cảnh như những cây cảnh châu Phi của Đoàn Giỏi đã cho tôi và những cây xương rồng cảnh đương có bán nhiều ở các hàng cây xanh trên chợ Bưởi. Giống xương rồng khỏe dễ trồng, chỉ phải cái hay trái tính như cây hoa giấy. Nhưng chăm bẵm tưới tắm chiều chuộng thì cây giấy lại chỉ um tùm tốt lá.

Bao giờ ta có xương rồng cảnh của ta?

Xương rồng ta làm bờ rào và mọc hoang ngoài tha ma. Xương rồng ông và xương rồng bà đều được có việc phên giậu ấy. Cái thứ cây bờ rào, mỗi cây mỗi khác. Bờ rào cây hồng bụt miền Trung. Bờ rào cây dâu, cây duối, cây ô rô khắp nơi. Ở đâu có nhà cửa thì có hàng rào. Hàng rào khoanh cái nhà lại thành cái tổ chim, cái nhà là cái tổ của người.

Cái bờ rào xương rồng chăm chỉ cặm cụi theo công việc của người. Ruộng nước ven đường cày cấy xong, cô thợ cấy đem đến một ôm xương rồng vừa chặt ở bờ rào trong làng. Từng nhánh một cắm xuống bờ ruộng be nước mỏng manh như sợi chỉ. Chỉ mai đã trổ gai ra ngay. Cho trẻ con sợ gai không xuống nghịch nước kéo vó tôm, bắt cá săn sắt giẫm nát lúa. Mà trẻ con ghét cây xương rồng còn quàng cho cây nhiều tội. Nhựa xương rồng trắng như nước vo gạo, gọi là mủ xương rồng, mủ bắn vào mắt thì mù mắt, gai xương rồng cứa vào da thì sưng vù sâu quảng ngay. Hoa xương rồng li ti vàng như bôi nghệ chảy ra nhựa độc vào tai thì làm điếc tai. Cây xương rồng không có quả, cây tuyệt tự, chẳng ai biết, coi như không có - chúng nó bảo thế.

Nhưng đấy là trẻ con rủa cây xương rồng. Người lớn thì thấy xương rồng được việc bờ rào. Ngày trước, vào làng, đầu ngõ bờ tường nào cũng lơ thơ rào xương rồng. Cây xương rồng ông mốc trắng trần trụi nhô lên. Cây xương rồng bà xanh mỡ tõe ra ba mảnh trổ gai xếp tầng tầng. Đến cuối làng thì gặp lũy tre kín mít. Bờ rào xương rồng để chống trộm. Lũy tre thì phòng cướp.

Bây giờ chẳng đâu còn lũy tre, rào xương rồng cũng biến mất, qua làng chỉ vấp mắt, vấp chân vào góc cạnh những cái lưng tường chìa ra. Đất ở chật chội, cái bờ rào phải nhường chỗ đứng cho cái tường nhà.

Cái gì nhiều thường hay bị rẻ rúng, đến lúc khan thì lại nhớ. Tôi vẫn nhớ cái rào xương rồng to nhất làng. Đấy là bờ rào xương rồng bà nhà chú Cát dựng đứng như bức tường. Nhà chú ấy chẳng có gì đáng cho kẻ trộm tạt vào khuân như chỉ làm bờ rào lấy lệ, bởi để vách áp đường cái, ai đi qua ghé tai hay nhòm khe cũng biết được trong nhà thì không nên cái nhà. Cái rào xương rồng bà nhà chú Cát mỗi năm mỗi xanh om, chỉ có con thằn lằn khéo ẩn náu vào đấy. Con chích bông bay qua bị vướng, cánh mắc giữa đám gai, thế là con chim chết treo. Bọn trẻ con chỉ đứng nhìn xa xa vòm hoa xương rồng phủ vàng trên đầu cây như hoa ngây chín. Hoa xương rồng ai ghé mũi ngửi có con bọ nẹt chui ra khoét trĩ mũi lên tận tai. Chúng nó bảo thế. Khiếp quá. Càng sợ, không dám đụng. Nhưng chúng tôi thích chơi quanh quẩn đấy. Chỗ ấy sạch nhất xóm. Cái giống xương rồng mà khó tính ghê. Ngọn dền cơm cũng không mọc được quanh chân bờ rào. Chỗ này phẳng phiu, nơi đánh đáo, chơi bi, đánh quay.

Lâu lâu, không thấy vợ chồng chú Cát về nhà. Cái cổng rong chốt buông cả ngày. Mãi sau mới biết chú Cát đã bán cho ông Ba Dương, dọn đi ở chỗ khác rồi. Một hôm, cũng biến mất cái bờ rào xương rồng. Thật khác mắt, giữa làng mà cứ chống chếnh như bên bãi Cơm Thi. Mấy hôm sau nhà chủ mới đắp lên một cái tường đất lừng lững như con trâu đứng. Ai mới đến, không đoán được trước kia ở đây có một bờ rào xương rồng còn dầy hơn cái tường đất.

Còn bụi xương rồng nữa. Đấy là bờ rào xương rồng ông được các vãi nhà đền trồng vòng quanh bờ giếng đất cuối xóm. Giếng đất chẳng khác mấy cái ao. Người ta phải làm dị dạng để người đi qua biết là giếng nước, đừng xuống rửa ráy mà phải tội. Khác cái ao vì có bệ thờ đầu bậc đá. Cái bệ bên cây duối, buộc một ông bình vôi. Nhác trông thấy cũng biết chỗ có ma. Trong giếng thả bèo tổ ong xanh mát, mặt nước chỉ hé một khoảng chắn cành giong lấy chỗ vục thùng. Nhưng trông mặt nước biết sao được nước ao khác nước giếng, cũng là làm phép cho yên tâm.

Thuở ấy, cả thành phố cũng ăn nước giếng đào trong nhà, dãy phố Bờ Sông thì quảy nước sông Cái đục đỏ về đánh phèn cho nước trong, thế là thành nước thổi nấu, nước uống. Cũng như ngày trước làng Đại Hoàng quê Nam Cao không có giếng, cả làng ăn nước ao. Nửa đêm mới ra tận đầu cầu ao kín nước. Bảo nửa đêm nước đã lắng, lấy nước giữa ao càng sạch.

Những cây xương rồng ông mọc đứng như cắm hàng que khít quanh bờ giếng. Con chuồn chuồn tương bay thấp báo mưa bão cũng không lọt qua được khe xương rồng ông lủa tủa lông gai trắng mờ như mạng nhện. Trẻ con mà mó phải xương rồng ông, không nhể ra được, có thể thành nhọt buốt không biết đến bao giờ mới khỏi.

Một buổi trưa nắng to. Cụ Trương đi bắt cua. Những đám ruộng ngoài lũy tre đã nên xóm mới, xóm đồng cả. Hay là bây giờ cua tránh vào ở hang hốc giếng đất. Nắng to thế này, con cua con cáy sợ nước nắng nóng.

Cụ lẩn thẩn ra giếng. Buổi chiều, có ngưòi trông thấy cái lưng áo thâm lập lờ mặt nước. Vớt lên thì ra là xác cụ Trương. Không ai nghi cụ ấy trẫm mình. Nhà chỉ có hai cụ già cả tháng chẳng nghe nói to, mà cũng không một điều tiếng với xóm giềng. Cụ ông mới mất. Đến lúc thấy cái túi trong búi cỏ, lăn lóc ra mấy con niềng niễng, con ốc vặn thì đoán cụ đi mò cua, mò hến. Chẳng may sảy chân. Cũng là ma đưa. Những cái giếng hay có ma run rủi người ta đi một mình cứ thơ thẩn xuống. Ngày trước, cái ao đền trong kia cũng có ma.

Từ hôm ấy chẳng ai dám ra giếng lấy nước. Rồi làng lấp cái giếng đất, bờ rào xương rồng ông vòng quanh lụi đi lúc nào không biết.

Cái cây cũng có số phận, cũng rủi may. Như ngày xưa phận người con gái như "hạt mưa sa". Cây húng quế, húng chó ta hái vào để xó chạn làm rau thơm ăn thịt vịt, tiết canh, nhưng cây húng chó ở Nam Mỹ, ở công viên thủ đô A đi Ababa, mọc thành những bồn cây hoa húng tim tím, người dạo chơi trong mùi thơm hoa húng một vùng.

Bây giờ làm nhà xây tường, bờ rào xương rồng chẳng thể mọc lại, chẳng ai cần đến cây xương rồng. Nhưng xương rồng vốn khỏe, xương rồng vẫn mọc ngay giữa Hà Nội mà chẳng ai để ý. Một cây xương rồng ông trước cổng nhà cạnh phố Huế, một cây ở đầu ngõ Trung Yên, cả hai đều cao to như cây bằng lăng đứng một mình, um tùm, lủa tủa lên. Thế đấy.

Ước sao có ai khéo làm những ông bà xương rồng to lớn kia hóa ra cây cảnh be bé như cây xương rồng châu Phi thì hay đấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro