106. Tháng củ mật

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sao lại tháng, sao lại củ mật, củ mật thế nào - ba chữ "tháng củ mật" sinh ra từ bao giờ.

Một thời những nghe nói đến đã rợn gáy.

Tháng củ mật không có ba mươi ngày rõ ràng, tháng củ mật áng chừng vào một ngày áp Tết. Tháng củ mật, từ quê ra tỉnh, trộm cướp như ong, người người giữ nhà, giữ của, giữ mình. Đêm đến, trước cửa rắc chông chà, sắp sẵn tay thước, dao bảy, đinh ba, gạch củ đậu. Mỗi đầu xóm một điếm canh, bày ra cái giá cắm câu liêm, thùng lùng, cái tù và treo lủng lẳng cạnh mảnh nan tre ba góc cắm lên làm cờ hiệu điếm gác. Trai tráng đến tuổi mười tám, tuổi đóng thuế thân, bác khán thủ gọi ra làm tuần, cắt lượt ngồi canh, đi dẻo đêm ngoài lũy. Tiếng trống mõ, tiếng ốc từ chặp tối. Nghe xa xa ngũ liên nổi lên. Cuối cánh đồng, không biết nhà cháy hay kẻ cướp bật hồng, sáng rực. Cướp về đốt xóm Đồng rồi. Thế là các nhà đóng sập cổng. Bọn tuần đinh xanh nhác cất hết giáo mác, tù và bỏ điếm canh, lủi cả.

Đấy là những quang cảnh và lo sợ tháng củ mật. Trong khi suốt ngày không dứt đám cãi nhau, những nặc nô, khách nợ đi thúc nợ, những đám Tây đoan, lính đoan đi bắt rượu, bắt cái đỉnh đồng, mâm nồi, cả bàn thờ, người van lạy, người trốn chạy, cứ léo nhéo, inh ỏi sôi lên.

Những thương tâm lúc năm cùng tháng tận, câu chuyện tôi kể đây chỉ là một chuyện vặt ủng oẳng luẩn quẩn trong muôn vàn lung tung loạn xạ tháng củ mật.

Ở làng nội tôi.

Mùa này, ngoài đồng sâu dưới đìa, đã cạn kiệt, nổi lên lô nhô gò đống lầy lội. Những đàn cày, chuột cống thu mình rúc đi đâu. Những con ếch nhịn đói ngậm hơi ngồi suốt mùa đông sau cái mà đất. Những con chạch, con trê quanh năm ở giữa vùng lầy lội, bây giờ đất nẻ hanh hao, chui xuống sâu hơn vào bùn khô, đợi khi có mưa rào đầu mùa mới ngoi lên. Cả những con cua cũng lảng đi đâu, cua sợ rét cũng bằng sợ nắng. Thỉnh thoảng, một con rắn, không biết rắn mòng, rắn nước hiền lành hay con hổ lửa, mai gầm loằng ngoằng thoáng qua. Gió thổi hun hút xám ngắt.

Nhưng chỗ bờ đìa lại là đất kiếm ăn cho những người khốn khó đi tìm cái Tết giữa đồng sâu. Cả vùng bùn đất bị bới lên, các ngóc ngách đều moi tới như ruộng cày vỡ, người lớn trẻ con lội ỳ ọp. Con rắn mòng ngơ ngẩn lúc nãy đã bị tóm cổ.

Chú Nhót đeo áo tơi, đội nón mê lúi húi thúc lưỡi mai xắn bùn đến quá trưa. Gặp may, rớ được tổ chạch. Những con chạch đi đàn trườn bụng vàng ễnh, giống chạch chấu này ngạnh dài như ngạch cá trê. Chẳng mấy lúc đã bắt được giỏ đầy.

Bây giờ mới thấy rét buốt. Cái bụng móp càng thấm thía. Chú Nhót lên trên gò, vơ đám rác đốt sưởi. Khói muốn chết sặc, nhưng đỡ cóng, được ấm hơn, vì khấp khởi được cái ăn đã chắc trong tay. Nồi cá kho, nên thì con trắm con chép, không thì con chạch cũng được rồi. Mà xem ra mớ này nhiều có thể lên chợ bán bớt đi được.

Ông Ách đi qua. Tên ông ấy khác, người ta hay gọi là ông Ách. Ông còn một tên nữa, nhưng trẻ con chỉ dám réo lên với nhau đằng sau lưng ông Ách. Ngày trước ông ấy đăng lính sang Tây, chẳng biết ông Ách là quan hay là lính. Chỉ biết ông Ách không phải lý đương, lý hào, cũng không trương phiên khán thủ. Nhưng ra đến đường cái là phất phất cái roi mây buộc sợi dây da trên đầu, ông bảo bên Tây người ta gọi là cái "cặc bò". Cứ làm như chánh, phó lý không bằng.

Đương đi, ông Ách thấy khác mắt, đứng lại, nhòm nhòm, rồi nói bô bô. "Bên Tây người ta phải canh gác thế mới nghiêm". Không ai nói lại. Từ bao giờ, ông Ách có cái tên là chó Tây. Chó tây, chó lài nhông nháo, con chó thì mới thế. "Chó ta, chó Tây, êu êu!" Ông Ách ghét trẻ con. Chưa chắc đã vì ông biết chúng nó chửi ông chó Tây. Ông nói: "Ở Tây quí cái cây hơn thằng người. Đứa nào trèo cây, bị đét ba roi rồi phạt tiền. Tao đánh thằng trèo cây đấy". Nhưng ông Ách cũng chẳng tóm được đứa nào trèo cây. Những đứa bẻ trộm nhãn thoáng thấy ông từ xa, đã nhảy xuống chạy mất. Ông Ách chửi vung lên. Phải hôm rượu rồi, người nào đi gần, ông vụt. Thỉnh thoảng, ông Ách lên huyện, lên tỉnh hay đi đâu, ông hét: "Tao đi lĩnh bổng bên Tây gửi". Ông Ách có tiền Tây nuôi, thế thì ông làm chó Tây, phải rồi. Đứa nào cũng nói đích xác thế. Trẻ con cứ vừa sợ, vừa ngại, vừa thích. Rỡn với ông thì hãi cái roi cặc bò, nhưng mà cứ thích rỡn.

Chú Nhót đương co ro trước đám khói cỏ khô. Đứa nào? Tháng củ mật, kẻ trộm người thiên hạ đào tăng xê nằm đợi đêm vào làng khoắng, phải không. Phải át tăng xương. Nhưng mà... Thằng Nhót. Nhót trông thấy ông Ách cũng khó chịu như cái lúc ông Ách tưởng nó là kẻ trộm lúi húi đấy. Cái lão chó Tây, gặp chỉ xúi quẩy.

- À, đào lươn hả?

- Chạch.

- Nhiều không?

Ông Ách đã lôi giỏ chạch của chú Nhót để bên áo tơi.

- Cái này nướng chấm tương gừng nhắm được. Bán cho tao.

- Không.

- Tao trả tiền.

Rồi ông Ách nhấc cái giỏ chạch, quàng ngay vào đầu roi. Chú Nhót nhổm lên.

- Ấy, ấy...

- Tao ra điếm xem thế nào. Đêm qua chẳng nghe trống canh mõ gác gì cả.

- Ông giả tôi.

- Mày về bảo bà lão ấy đưa cho một hào.

- Không.

- Một hào mười xu đồng, ăn hai mươi chinh Khải Định.

- Tôi không biết.

- Ông quất cho một trận bây giờ. Cái đìa này là đất làng, mày đào bới đã hỏi ai, hỏi tao chưa?

Chú Nhót không dám đuổi theo. Có thể bị roi. Mà chắc đâu lão đã trả. Lão này chày bửa có tiếng. Mất toi giỏ chạch rồi. Nỗi bực dọc và cái đau mất của khiến chú Nhót lú lẫn, mụ mị, chỉ nhớ câu "Về bảo bà lão", chú Nhót bần thần về. Về đòi tiền, về đợi lão.

Nhà lão kia rồi! Lay một cái, đã bật chốt, dựng cổng tán lên. Không thấy bà lão Ách. Ba gian nhà vắng teo. Đốt cái nhà này bây giờ cũng không ai biết. Lão Ách nói lừa. Thế thì phải đốt nhà nó, đúng quá. Ừ, đốt cái nhà, cho lão Ách ra ở điếm, lão chết rét. Nhót vào bếp thổi đống rơm. Nhưng Nhót trông thấy một con gà choai. Con gà để ăn Tết. Có khi lão cũng mới thón được con gà của nhà ai. Mà con gà đứng trong cái nơm khoác khố tải như mặc áo bông. Ông đây cởi trần đóng khố mà gà của mày được mặc áo ấm tốt thế á?

Chú Nhót bước tới, thò tay vào nơm bóp cổ con gà. Hai chân gà quào mấy cái thì nhuôi ra. Con gà đương đói hay rét mà chóng ngoẻo thế. Chú Nhót chạy cung cúc, con gà lúc lắc trong mảnh áo tơi trước bụng.

Cả xóm vắng quạnh. Có lẽ hôm nay rét cóng cá, các đám đòi nợ đã chui vào trong nhà cãi nhau hay giạt đi đâu. Chú Nhót vùi con gà chết vào đống rạ cạnh bờ rào.

Ông Ách cầm cái roi lật đật tới.

- Mày bắt trộm con gà nhà ông?

- Không.

- Có thấy mụ điếc ở nhà không?

- Không biết.

- Mày đã vào nhà ông chưa?

- Chưa.

Ông Ách nghiến răng bật hai quai hàm. Ông Ách nhìn quanh cái lều. Mảnh sân đất không có người qua lại, rau sam mọc bên những đống cứt giun đùn. Bức vách sau mất hết dứng toang trống hốc. Ông đầu rau, cái niêu đất cũng không. Chẳng chỗ nào nhốt được con gà. Ông Ách gào lên:

- Mày ăn trộm hết của ông rồi!

- Tôi không biết. Ông trả tiền tôi giỏ chạch.

Ông Ách ngửa mặt, giơ cái roi, quát lên trời: "Ông giết con mẹ điếc! Ông giết con mẹ điếc!". Rồi ông Ách hầm hầm chạy ra. Chú Nhót toan đuổi theo nhưng nghĩ lại thôi. Thế là Tết này đã có nồi thịt gà kho. Hãy biết thế.

Tháng củ mật! Tháng củ mật! Đầu làng cuối chợ, những trộm vặt, ăn cắp lẫn nhau, xó xỉnh nào cũng ỏm tỏi cãi cọ, đòi nợ, chạy nợ. Chặp tối, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng tù và đầu đồng cuối đồng. Nửa đêm, trống ngũ liên thúc rùng rợn. Lại có đám cướp về làng nào. Giữa những khủng khiếp, hốt hoảng, năm hết cũng như hết đời, lổn nhổn vẩn vơ những chuyện chú Nhót, ông Ách ...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro