107. Cây và hoa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong làng, những ngôi chùa, ngôi đình, am miếu, văn chỉ và cả mỗi xóm, mỗi nhà cũng có cách thức chỗ ngồi đứng rành rõ hẳn hoi. Các nhà khá giả, các người chức việc cơ ngơi đều tụ hội ở giữa thôn sầm uất. Xung quanh làng, những chân ruộng cao ngoài lũy tre thành cổ xưa, ấy là các nhà đông nhân khẩu ở trong này con cái ra ở riêng. Những cái tên cũng biết đấy là xóm mới: xóm Nước, xóm Đồng, xóm Bãi... Người thiên hạ ngụ cư chỉ được ở đầu làng, rìa làng. Nhà cu mõ tha phương cầu thực đến hầu làng phải ở khuất ra một khoảng, cái rơm cái rác thì không được gần nhà ai - thằng mõ, bố đốp hèn hạ dưới cả chân bạch đinh.

Chẳng những phân biệt được cái nhà, cái cổng ngõ, mà đến cây cối cũng có ngôi thứ. Cây cao bóng cả được tiếng là thiêng, đã thành tục ngữ: thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề. Chẳng ai trồng cây đa, cây đề trong sân, trước cửa.

Cạnh sân đình là bên sông Tô Lịch có cây đa hai gốc cổ quái không biết là bao nhiêu tuổi tác, dễ từ khi dân chài dưới sông lên làm nhà trên bãi rồi trồng cây đánh dấu đất, đã cả nghìn năm nay, cái thuở sông Tô Lịch ra ngã ba sông Thiên Phù, trên bến Giang Tân tấp nập đò giang. Nghiễm nhiên cây đa đã nhìn thấy cả những đời trước. Cây đa thần, các bà lão đem chiếc bình vôi lành, bình vôi sứt đến treo trắng lốm đốm chòm rễ đa.

Cũng không nhà nào trồng cây gạo đầu cổng. Làng tôi có hai cây gạo cổ thụ, một bên bãi Cơm Thi, một cây dưới ngõ Noi. Hoa gạo đỏ ối mùa hạ, màu đỏ rờn rợn thế nào. Con quạ làm tổ trên cây, nghe tiếng quạ kêu, người ta nhổ nước bọt "phỉ phui" chửi một câu: cha tiên nhân mày. Con cú, con quạ, con diều hâu, con chim lợn, những quân đáng nguyền rủa chỉ ở quanh trên cây đa, cây gạo. Tiếng kêu ngày, tiếng kêu đêm đem đến điềm gở. Nhà táng đám ma khiêng từ cổng làng xuống đến gốc gạo ngõ Noi, ông chấp hiệu xốc áo giơ cao hai tay hướng trước nhà táng gõ một hồi sinh làm hiệu cho trai làng hạ đòn nghỉ tay. Chặng nghỉ có ý nghĩa, cái xác giờ còn nằm giữa mọi người, lát nữa đã ra tha ma trong đồng. Từ đấy tiếng khóc đưa ma càng thảm thiết, các vãi già đội cầu nam mô kể kệ liên hồi. Một lát sau, trầu nước xong, lần này tiếng sinh của ông chấp hiệu gõ dài hơn, dóng dả hơn, những người đô tùy nhấc lên vai đòn khiêng nhà táng chặng cuối đường. Đưa người chết về đường ma, người làng bảo cây gạo ấy có con ma to, cây gạo đã nhìn xuống biết các đám ma đã mấy mươi đời rồi.

Cây đa, cây gạo, cây si, cây sanh, cây đại không phải cây ăn quả, chẳng trồng trong vườn. Không cây nào chiếm chỗ những cây gốc đề đứng trước đình đền, chùa chiền và các ngã ba ngã năm, bên các cầu quán giữa đồng lấy bóng mát cho người đi đường nghỉ chân. Những cái cây có tuổi thọ gấp bao nhiêu đời người, cho nên phải trọng thị - sống lâu thế phải tại sao chứ, tại sao ấy không cắt nghĩa nổi, thế là những cái cây thành ra có hồn ma. Mùa hè lắm bệnh, cúng kỳ yên vảy cháo hoa vào bờ bụi gốc đa - khấn gọi những cô hồn, ma đói ma khát ẩn náu trong ấy rủ nhau ra mà húp cháo thí. Trẻ con bị nhọt đầu đanh, người lớn đau răng ngậm nước vỏ gạo, phải thắp hương vái lên cây rồi mới cầm dao đẽo. Chặp tối, trong gốc đa gốc gạo nghi ngút khói hương.

Cây trong sân vườn cũng không đứng ngồi lung tung, đâu có chỗ đấy cả. Cây cau thong dong trước sân trang điểm vẻ đẹp nếp nhà đầm ấm yên vui. Quả cau là đầu câu chuyện hoa cau thơm ngát suốt đêm. Cây ăn quả trong bờ rào vườn, cây ổi, cây nhãn, cây cam sành, cam đường, chanh yên. Cây bòng ven ao, bóng quả bòng trĩu xuống mát bóng nước. Cây bàng thì tống lên ven đe. Cũng không ai trồng cây chuối, bụi chuối trước nhà. Chuối mắn có lứa quả năm một, bán được tiền, nhưng cây chuối chỉ được một buồng một vụ rồi chặt bỏ. Ai cũng kỵ trồng những cây đời ngắn ngủi trước mặt nhà. Như cây xoan to cao thế, nhưng xoan chỉ vài năm đã được hạ xuống lấy gỗ làm nhà thì phải ở vườn sau. Cũng như cây mít, dẫu cho cây mít tuổi thọ cao đời cha trồng đời con lấy gỗ, nhưng đằng nào cũng có ngày ngả cây, xẻ ra làm cột nhà, làm cánh phản, đóng cỗ hậu sự, cũng không mấy ai trồng cây mít trước cửa.

Cây bị mọt, bị nắng táp, chết đứng, gió xô gẫy cành đều là điềm gở, là tai ương...

Trong cung vua phủ chúa, các dinh quan lớn và nhà phú hộ, phố phường phồn hoa Kẻ Chợ trồng hoa chơi hoa cũng khác nơi thôn ổ. Trong làng ít chơi hoa cắm, hoa lọ- không kể hoa cúng đặt lên cái đĩa hoa hồng ta, nhánh hoa sói, cúc vạn thọ cạnh bát nước mưa tinh khiết trên bàn thờ, người ta ưa hoa ở bụi hoa, hoa tự nhiên trong vườn.

Không ai ngắm hoa trong nhà cả tháng cả năm, phong tục cành đào tết cũng không phải lối chơi cổ. Bàn thờ, án thư, bàn nước, cành hoa không có chỗ. Tôi không tin có thật cái cành đào của vua Quang Trung báo tiệp đã cho ngựa hoả tốc đưa từ Thăng Long vào Phú Xuân.

Không chơi hoa, mà bày quả. Bàn thờ ngày tết, mâm ngũ quả đặt giữa, nải chuối xanh, quả bòng, quả phật thủ xung quanh mấy quả cam Canh, cam Cáo đều bày chẵn chục, chẵn đôi. Dưới gầm phản chồng đống hàng chục quả bưởi đường vàng xuộm mà người đi lễ thoạt vào đã thấy , thế mới ra nhà phong lưu. Bên trái bàn thờ, tựa vào vách dựng cao sát tường nhà những cây mía tím to như cây nứa ngộ. Mía ông vải, mía làm gậy chống để ông vải ngày giỗ chạp, tết nhất về với con cháu.

Trong lọ độc bình, nhà nho nhã chơi một cành hoa trà đỏ. Còn thì hoa trà nở trên cây ngoài vườn vẫn đẹp và bền hơn

Cửa đình, vườn chùa, hoa đơn nở, hoa cúc vạn thọ vàng xuộm. Ngoài sân, cây đào phai bát ngát hoa bên chum nước. Đàn chim sâu bay trong cây ra đụng hạt sương làm cánh đào rơi. Ở nhà cụ đồ có chậu lan địa, hoa nở tím thơm ngan ngát- điềm tốt lành năm mới. Cuối vườn, luống cải hoa vàng li ti như bướm bay.

Ngắm cây hoa vườn cũng là một thú chơi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro