108. Cô Ba Tý

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Con dơi nửa con chim nửa con chuột

Nửa là ngày, nửa là đêm

Con cú nửa sáng nửa tối

Con gà gáy gọi mặt trời về khâu đêm vào ngày...

Những câu kệ đạo mẫu đã nghe như kể về từ thuở bé, ngẩn ngơ đến thế nào chẳng hiểu được, chỉ có thể ví như lời tráng ca hoang dã sâu thẳm ý nghĩa của các dân tộc ở Tây Nguyên. Chuyện đồng bóng, trẻ con chúng tôi xem như đùa cợt và tò mò, gần gũi mà lại xa vời, phải vậy mà không phải vậy, như mỗi khi được ra Kẻ Chợ.

Dạo ấy, tôi chưa ra học trường Yên Phụ, tôi chưa đến tuổi lên mười. Mỗi lần ra thành phố lại thấy một cái lạ chưa biết. Huống chi, mỗi lần đi với một người khác nhau cho đến khi tôi biết đi một mình. Dì Năm đi bán lụa, có hẹn với thầy Lâm thì dì cho đi xem tuồng Tàu ở Hàng Buồm, hay lên Bách Thú vắng vẻ tránh nhỡ gặp ai quen. Ở Bách Thú có con khỉ độc biết khinh người, trông thấy người thì khỉ nhăn nhó gãi đít. Được xem ông hổ, đứng trước mặt hổ mà không sợ mảy may, hổ chỉ gầm gừ đi đi lại lại bên trong chấn song sắt. Chỉ sợ khi ngắm cái cửa cánh gỗ quay ở hiệu Mêtôbôn, thấy người ra vào bước không nhanh thì cánh cửa hất văng đi. Lại sang vườn hoa có những con cóc bằng đồng ngồi phun nước trong bể như trẻ con đái...

Chỉ với u tôi đi bán giấy thì rộng cẳng hơn, vào chợ Đồng Xuân ăn nem Sà Goòng rồi xuống nhà cô Ba Tý, đã mấy lần mà vẫn không chán.

Nhà cô Ba Tý ở phố Hàng Bạc. Tàu đỗ dưới Bờ Hồ hay trên cửa chợ Đồng Xuân, chỉ mấy quãng hè thì tới. Người ta gọi là cô Bé Tý. Những người lấy Tây, sau lưng gọi mỉa mai là con me Tây, trước mặt thì bằng cô - cũng vẫn là mỉa mai ý rằng mày cưới xin ở đâu, tao không biết thằng ngủ với mày là thằng nào, thì tao chỉ gọi mày là cô, suốt đời mày là bà cô ông mãnh thôi. Người vùng tôi không gọi cô là Bé Tý mà là cô Ba Tý. Cũng có thể đúng, vì cô không bé tý chút nào, cô người thấp đậm, mắt híp, đánh phấn trắng phốp cả hai mu bàn tay, cái mặt phèn phẹt, giá cắm hàng ria vào thì cô ấy thành đàn ông được.

Hai bên vỉa hè các nhà đều mở cửa hàng. Nhà cô Ba Tý ở góc ngã tư giữa phố thì khác. Trong vườn, chắn hai khúc tường cao, lúc nào cũng có người vào xem. Vợ chồng người lùn canh cổng, chồng và vợ cao chưa ngang người tôi, mà mặt già bằng u tôi, như là người giả. Chồng diện bộ quần áo chúc bâu trắng, hai bàn tay kẽ ngón cóc cáy như ghẻ ruồi. Người vợ lũn chũn hơn, cái váy chồi nâu cũng như của u tôi. Hai người đi ra đi vào, không nhìn ai, nhưng chắc là biết ai cũng đương nhìn mình.

Người xúm xít ra vườn. Có cái chuồng lưới sắt nuôi gà, những con trống con mái, con trắng con tía, cũng như gà ta, mà lại không giống gà ta. Con thì ba chân, con bốn chân, những cái chân kẹ lủng liểng móng sắt treo bên ống chân to, trông đến ghê mắt. Chuồng đằng kia nhốt con lợn hai đuôi tõe ra, hủn hoẳn ve vảy.

Khắp bờ tường treo một dãy lồng quả vả nuôi chim gáy. Mỗi lúc có đông người, bác lùn lại làm hiệu giơ tay, thì trong cả chục chiếc lồng, lũ chim rướn cổ gáy cúc cu....cúc cu... như những cái đồng hồ quả lắc, đến giờ cùng đánh chuông thánh thót.

Những trò chơi ấy kéo người đến xem. Nhưng tò mò hơn cả là, ai cũng muốn lên gác. Tôi cũng thế. Chắc nhiều cái còn lạ hơn. Cô Ba Tý ở trên gác, thỉnh thoảng xuống nhà dưới. Cô đi thong thả. Ai chào "lạy cô ạ", cô thưởng cho đồng chinh nửa xu, trẻ con bâu lại nhao nhao chào.

Gọi là ba, cô người thứ ba trong nhà hay ngày trước cô lấy quan ba Tây nên gọi nịnh theo chức quan. Nhà gác, giữa thờ ba tòa thánh mẫu, cô hay ngồi đồng. Cái mặt người đồng bóng lúc nào cũng bự rự, thờ ơ nhìn đi đâu, kể cả lúc đương nói chuyện với người ta. Tôi cũng đã nhòm trộm, có hai con thanh xà, bạch xà há mồm thì lưỡi quấn hai bên cột nhấp nhoáng giấy trang kim.

Ở làng tôi những người đồng bóng, người điên, người dở hơi, cũng tương tự. Người này không ai giống ai, nhưng đều hay chơi với trẻ con và cũng cái mặt lừ lừ đi chỗ đông cũng bằng chỗ không người, chẳng để mắt đến ai, như đương theo đuổi điều gì.

Bà tôi bảo những người ấy mình cao số nặng, giời đầy thế. Cô Ba Xây, lúc nào cũng đứng dang hai tay quay quay. Đuôi con mắt chăm chú đuổi theo hai cánh tay, không biết lũ trẻ con đã vây quanh. Cánh tay cứ lia vun vút sắp đâm vào chúng tôi. Chúng tôi luống cuống giạt ra rồi chạy tan tác. Sợ không đứa nào dám trêu cái chong chóng câm ấy nữa. Cô đồng Bãi thì bỏm bẻm nhai trầu đỏ xạm vết sẹo xiên lình hai bên hốc má. Gọi là cô đồng, nhưng cô là đàn ông, chỉ có hai tay đi ve vảy như đàn bà. Mỗi lần vào nhà tôi, cô xuống bếp lục nồi cơm nguội. Khi về, bà tôi còn xúc cho một bát gạo. Cô đùm gạo vào cái vạt con. Chúng tôi đuổi theo, hất túm gạo lên, cô cũng mặc, cái vạt áo nâu dài lủng lẳng trước đầu gối. Đến cô đồng Đáo thì lạ hơn mà cũng quen hơn vì đồng Đáo chỉ bằng tôi hay hơn tôi một đôi tuổi. Mọi khi nó vẫn đánh quay, đánh bi ngoài cửa đình. Nghe người ta kể Đáo phải một trận ốm, rồi thành cô đồng. Không biết đồng cô thế nào, chỉ thấy biếng đi chơi không như mọi khi. Đáo mặc áo cánh nâu bịt tà. Đáo nhai trầu, mắt lúng liếng nhớn nhác, thấy trẻ con trêu thì chỉ chực chạy. Nhiều đứa táo tợn hò nhau đuổi theo đòi vật ra xem thằng Đáo đã thật hóa ra đồng cô chưa.

Nhưng Đáo vẫn chơi với tôi, hiền lành. Tôi có cảm tưởng Đáo không phải là trẻ con - nó có trẻ con đâu nữa, đêm nào nhà nó cũng gõ tiu gõ cảnh cheng cheng lên đồng, các bà các cô kéo đến lễ đông lắm. Tôi xem ngồi đồng cũng hay hay như trẻ con đùa nghịch. Buổi sáng, đến rủ Đáo đi chơi, Đáo đi ngay. Chúng tôi nằm bãi cỏ bãi Cơm Thi bên kia sông. Đáo bắt chân chữ ngũ, hát véo von.

Không biết Đáo nhặt những câu hát ở đâu, chẳng hiểu nghĩa thế nào, Đáo dạy tôi hát theo, Đáo bảo:

- Mày đi làm cung văn được đấy!

Mạch chỉ huyền chung tú

Được xứng tình diễm thú mừng thay

Đáo ngọ ngoạy năm đầu ngón tay, múa dẻo.

Khen ai khéo họa dư đồ

Trước sông nhị thủy, sau hồ Hoàn Gươm

Hí Hí... tùng hí hí...

Chúng tôi đùa giỡn giữa nơi thanh vắng. Cho nên, tôi chẳng lạ cái mặt người dở người, người đồng bóng, lầm lì như không biết có ai trước mặt. Lần ấy, đến phố Hàng Bạc, trông thấy cô Ba Tý đi đâu về. Nón chóp bạc sơn quang dầu vàng bóng. Cô ngồi chễm chệ trên cái xe nhà gọng đồng sáng chóe. Người kéo xe, bắp chân quấn xà cạp điều. Cô chít khăn nhung xanh, hai má chảy xị, con mắt híp lừ đừ. Ăn mặc sặc sỡ thế mà đã ra vẻ sắp hấm hứ đồng Bãi, đồng Đáo rồi.

Bà tôi ở nhà thường kể chuyện về cô Ba Tý đồng bóng, cô ấy nặng cân lắm, toàn ngồi giá mẫu. Bà lại kể ngọn nguồn cô Ba Tý giàu có, có vườn nuôi các loài như vườn Bách Thú. Ngoài Kẻ Chợ có cô Ba Tý và cô Tư Hồng, hai cô người nhà quê ra đánh đĩ lấy Tây, bòn rút được nhiều của lắm. Ông cố Hồng, cố đạo Tây có tên An Nam, ông cố Hồng mê cô Tư. Cô Tư sai ông cố đem áo thụng đen trả nhà thờ thì cô mới lấy. Đến khi cố Hồng bỏ đạo về bên đời lấy vợ, thì người gái nạ dòng kia khi thành tên Tư Hồng rồi lại cho rơi luôn ông cố giả cày, cô cướp của lão cố đạo dãy nhà tây hai tầng vừa sang tên làm của hồi môn ở phố Hàng Chĩnh, ở ngõ Hội Vũ. Cô Ba Tý đi khuân của Tây, Tàu khắp thiên hạ còn hơn thế. Làm gái đĩ bợm nặc nô thời này có ghê không.

U tôi bán giấy trên phố Hàng Đường. Hè phố qua trước chợ Đồng Xuân đông quá, tôi sợ lạc cứ nắm giải yếm u. lõng thõng chạy theo. Thế mà đôi lúc vẫn bị người đi ngược chiều chen bật ra. Chẳng mấy lúc đã tới đầu Hàng Bạc.

Hai u con mua bát nước gạo uống cho đỡ khát, ngồi ráo mồ hôi rồi mới vào xem nhà cô Ba Tý. U tôi cầm cái nón chuông phe phẩy bên cạnh cổng vào. Tôi ghé mắt trông cái chuồng khỉ bên gốc cây cau.

Người lùn chồng bảo tôi:

- Vào tận nơi mà xem chứ.

Thật lạ tai. Tôi vẫn ngỡ vợ chồng bác lùn như pho tượng cạnh cửa, như con tò he để chơi, những thứ ấy không biết nói, và cũng không nghe tiếng bác ấy nói bao giờ.

Cô Ba Tý ở trên xe nhà khệ nệ bước xuống. Nhìn thấy tôi, cô nói như reo lên:

- Ô thằng cu kia, lên gác cô ban lộc cho.

Tôi giật mình. Cô Ba Tý gọi tôi, bảo tôi thế a? Có khi tôi đã có lần thập thò ra xin đồng chinh cô thưởng cho mà nhớ cũng nên, hay là cô thích trẻ con gặp đứa nào cũng gọi thế.

Tôi đứng thừ ra. U tôi bảo:

- Ngồi đây cho khỏi mỏi chân rồi u đưa vào xem. Đừng đi một mình ngộ mẹ mìn cho ăn cháo lú thì không biết đường về đâu.

Mà tôi không dám, tôi cũng chẳng thiết lên gác. Tôi nói:

- U có lên gác thì con mới lên.

Cô Ba Tý đã ra đầu thềm, vẫy vẫy. Tay cầm mấy nắm bỏng rang màu vàng màu trắng.

U tôi giơ nón ra. Cô Ba Tý nói: "Thằng bé kia lên đây". U tôi chắp hai tay. "Tấu lạy cô..." - "Con trai mà nhát như cáy!". Rồi cô Ba Tý đặt vào nón u tôi những nắm bỏng.

U tôi vừa vái vừa bước lùi ra. U tôi đưa cho tôi một nắm bỏng trắng, u cười nói:

- Lộc thánh! Lộc thánh, không phải cháo lú đâu!

Một lần kia, u tôi đưa tôi lên gác xem điện thờ mẫu. Người đã quên lời doạ tôi và những nắm bỏng rang ngọt không phải là cháo lú hay vì thấy đám đông nườm nượp lên thì cũng theo. Đương có giá đồng rộn rã trên ấy.

Tiếng chập cheng, chập cheng lanh lảnh cung văn hát, tiếng phừn phựt như roi mây đập xuống chiếu, lại huỳnh huỵch như người vật nhau. Lên đến nơi, đèn điện sáng choang, hoa cả mắt. Dần dần nhận ra thì lạ quá, con mắt mình làm sao thế này. Trên mặt chiếu hoa, bên trái cái chân quỳ sập gụ, ba bốn các cung văn chít khăn áo the dài, có bác gảy cây đàn, lắc lư cái đầu, có bác cầm chũm chọe đập vào nhau cheng cheng.

Cứ nhô nhốp như cóc ngồi. Mắt bác nào cũng trợn lồi ra trước lên sập, miệng nghêu ngao.

Nghiêng ngả, chập chờn như điều binh khiển tướng:

Này quan lớn Hoàng Bơ à.

Này bà chúa Bắc Lệ tứ phủ chầu bà...

Cái kỳ lạ nhất là trên sập có một ông Tây ria đỏ gạch cua, mặc cái áo lụa hồng, chít khăn nhiễu tam giang. Ông Tây đang lổm nhổm bò quanh chiếc chiếu cạp điều. Quái chưa, trông ông Tây hao hao như ông Tây Cooc xoát vé xe điện, lại như ông Tây lùn có bàn cò quay ở chợ Hàng Da. Hai ông Tây không nhớ rõ ông nào, nhưng cả hai đều có bộ ria xồm xoàm và cái mũi lõ đỏ hắt như nhau.

Cô Ba Tý mắt phượng quắc lên, son phấn lộng lẫy, bộ áo xanh khăn xanh màu rừng núi Bắc Lệ, tay cô cầm thanh đao gỗ giơ cao. Cô cưỡi trên lưng ông Hoàng Bơ đương bò.

... Mắt phượng long lanh

A a bà chúa... mắt phượng long lanh...

Tiếng hát, tiếng chập cheng cứ cồn lên. Hai giá đồng cùng lên, ông Hoàng Bơ và bà chúa Bắc Lệ, vừa rít vừa hí, vừa chồm chồm.

Các con nhang đệ tử ngồi vòng trong vòng ngoài, chốc lại vái. "Tấu lạy cô, cô xinh quá, cô đẹp quá". Cô Ba Tý núng nính ngồi múa thanh đao gỗ trên lưng ông Hoàng Bơ: "Hé! Hé! Các con vạn sự như ý này!" Rồi ông Tây Hoàng Bơ ngóc đầu bò ra mép sập, hai cái túi áo tây ở trong thò ra như hai cái quạt nan, cô Ba Tý với tay tung lốc vào đám người quanh sập chỗ thì đồng ván, đồng hào, đồng săng căng, chỗ thì những miếng trầu.

Ông Tây Hoàng Bơ lại bò vào. Người ta xô nhau nhặt lộc, rồi lia lịa xì xụp vái. U tôi lập cập kéo tôi xuống nhà, đẩy tôi đi nhanh.

- Ra Bờ Hồ, u mua cho cốc kem te cớ. Cái phải gió này không phải lên đồng đâu, lạy thánh mớ bái...

Tôi chỉ được trông có một thoáng, nhưng vì lạ quá mà cứ băn khoăn. Về nhà, hôm sau, tôi kể chuyện với thằng Đáo. Nghe tôi nói, cái đầu Đáo đã đảo đồng, hai tròng mắt vằn đỏ. Đáo cũng lên đồng đến nơi. Đáo mơ màng:

- Biết rồi, biết rồi, bên Tây người ta cũng có đồng như bên ta.

Đáo đảo đầu lia lịa, Đáo lên đồng thật. Tôi sợ Đáo sắp cưỡi lên lưng tôi. Tôi cáu:

- Nó cưỡi nhau như cưỡi ngựa, bên Tây lên đồng thế a?

- Hí ! Hí !

Lắm cái lạ thật. Con dơi nửa con chim, nửa con chuột. Con cú nửa sáng nửa tối...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro