59. Những cửa ô

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1

Năm 1888, tháng mười, vua Đồng Khánh nhà Nguyễn cắt đất Hà Nội cho Pháp, gọi là nhượng địa. Từ 1802, Hà Nội đã không còn là thủ đô, nhưng mọi hoạt động vẫn như nền nếp ngày trước, nơi đô hội phồn thịnh nhất nước. Có nhiều đường cái quan qua thành phố. Đường Huế (bây giờ) vào kinh đô Phú Xuân. Bên kia sông Cái, xuống Hải Đông, ra Yên Tử, cửa ngõ biển đông bắc. Đường lên Sơn, Hưng, Tuyên, phên dậu mạn ngược thủ phủ trấn ở Hưng Hóa.

Mọi đường thập đạo đều qua các đầu ô, mỗi ô một cửa canh gác nghiêm ngặt, ngày nay còn lại di tích mỗi một tòa cổng chòi gác ô Quan Chưởng, trông mà tưởng tượng một vùng doanh trại đã cảm thấy uy nghi xưa. Mỗi ô trong thành phân định ranh giới một khu dân cư và đường phố. Kẻ Chợ buôn bán sầm uất, cửa ô lại có điếm canh và có cổng ngăn các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy... Bên ngoài các đầu ô đắp bờ tường và cổng chốt, như chốt Nghệ (Sơn Tây) cổng Tỉnh (Nam Định), cổng Rong (Hà Nội).

Từ Sơn Tâyxuống Hà Nội, qua các trường võ và võ miếu ở Giảng Võ. Hàng năm thi võ như thi văn, lấy đỗ các quan cử nhân võ, tiến sĩ võ, phó bảng võ... Thời tôi biết thì không còn thi văn, thi võ quan ta nữa, nhưng Hà Nội còn sinh thời cụ cử Tốn, người thi võ khoa sau cùng, đỗ cử nhân. Nay thì còn những cái tên Giảng Võ, Võ Miếu nhưng đã mò được ở đầm hồ vùng ấy, những cái thùng lùng, thiết lĩnh, dao bảy. Ra ngoài ô Kim Mã đã là Rặng Lau chi chít lau lách mờ mịt khói sương. Cũng chẳng lạ, ở đền Voi Phục ở trại Kho Than ngày nay còn những rặng nứa, ở đầu làng Nghĩa Đô có rừng Ông Cụ, làng "hái củi" vẫn tên là Trích Sài và "rừng" Gia Lâm bên kia sông. Không còn nữa, nhưng những cái tên vẫn thế, nói rằng xưa kia đồng rừng quanh ta.

Đền Voi Phục ở làng Thủ Lệ có tên nôm ấy vì hai bên cổng đắp hai con voi bằng vôi cát - đền Voi Phục có đôi voi đá thật phủ phục trước cổng đền thì ở đường Thụy Khuê. Người Pháp chểnh mảnh lịch sử và tín ngưỡng phong tục Việt Nam một cách cố ý, họ đã không cần phân biệt thế nào là đền chùa. Trước cổng đền Voi Phục ở Thủ Lệ bấy giờ cắm một cái cột xi măng đắp nổi dòng chữ "chùa Ban Ny" (Pagode Balny). Chỉ vì ở chỗ ấy, quan ba Ban Ny đã ăn một phát đạn, toi mạng. Thế là đổi văng mạng tên cái đền của người ta ra tên chùa kỷ niệm. Cái mả đặt chỗ quan ba Phờ răngxi Gacniê chết trận cùng ngày với Balny bị chặt đầu sáng sớm 21.12.1873 cũng gần đấy, cạnh cái nhà thờ họ đạo xôi đỗ gần cổng đài Truyền hình Việt Nam ngày nay.

Ngoài phủ lỵ Hoài Đức, bây giờ thuộc quận Cầu Giấy, có một khu đất xưa dân làng gọi là "mả ông Năm". Quan tư Hăngri Rivie chết trận ở đấy ngày 19.5.1883 - mười năm sau cái chết của Gacniê và Balny. Người Pháp cũng xây một cái mộ giả. Những cây bàng quanh mộ, con đường sỏi bao bọc phiến đá thành mộ cao như cái sập gụ, ở giữa tạc một mặt người bằng đồng, ngửa lên trời, trông ngang thấy cái mũi lõ nhọn nhấp nhô.

Năm hòa bình lập lại (1954), "mả ông Năm" đã bị hủy từ "tiêu thổ kháng chiến", nhưng vẫn còn phiến đá to ở trước cửa nhà bưu điện huyện. Bà hàng nước bày khay chén, cái đèn con và ống điếu cày lên đấy, thay mặt bàn. Bây giờ đi qua vẫn còn tảng đá sứt sẹo, có lẽ vì to và nặng quá, chưa ai khênh đi nung vôi được. Nhưng tảng đá cũng đã bị các tường nhà lấn xây quanh, không trông thấy tảng đá "mả ông Năm" nữa.

Từ Sơn Tây xuống, các làng đầu ô vừa làm ruộng, vừa làng nghề. Không phải ruộng chỉ trồng lúa, mà còn rau màu, luống hoa huệ - con người và đồng ruộng quanh Kẻ Chợ không thuần nông. Nhiều nghề biến đổi theo thời và có các nghề mới thêm ra. Làng Lai Xá nhiều thợ ảnh, vì ông Khánh Ký chủ hiệu ảnh to ở Hà Nội là người làng Lai. Ông đã sang học nghề chụp ảnh bên Tây về mở hiệu, kéo con cháu ra làm. Bây giờ đi qua Lai Xá, cái phố xép bên đường còn những ngôi nhà hai tầng xưa kia đã khang trang. Ở các tỉnh, hiệu ảnh của người Lai Xá hay có chữ Lai, cũng như cơm tám giò chả Ước Lễ hàng quán thường đặt tên: Tân Lễ, Tân Ước...

Vùng Canh, Diễn, Trôi, Gối trồng hoa huệ và các thứ rau nhập nội: xu hào, cải bắp, hoa lơ, cần tây, su su, đậu Hà Lan. Làng Thủ Lệ chuyên thầu giặt quần áo, khăn bàn, trải giường các khách sạn, nhà thương, công sở. Các làng Noi may quần áo nhà binh. Có lẽ những tay khéo may cắt đã truyền nghề từ ngày ấy cho nên bây giờ áo phông bay nhái của Cổ Nhuế đẹp hơn áo thật của Mỹ. Tranh Tết làng Canh đã mai một hẳn. Các làng Giấy, làng Cót không làm giấy nữa. Thôn Phú Mỹ có thể hát ả đào không ai còn nhớ, chỉ có dăm nhà ở Kẻ Cót còn làm tăm hương, ngày nắng phơi từng nắm chân hương trong cái nong trên bụi cúc tần ven sông Tô Lịch. Làng Phú Đô làm bún, nhưng không bún lá, bún cối bây giờ chỉ làm bún rối thứ bún tạp mà dòng bột cứ thả xuống loằng ngoằng rối loạn đỡ mất công nhất. Ai muốn hoài cổ xơi bún con, bún lá thì phải đặt thửa. Những làng nghề đã vào ca dao...

Con gái Kẻ Cót buôn dăm buôn xề... Trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa... các nghề giấy, nghề lĩnh chỉ còn trong câu chuyện kể lại. Cốm Vòng vẫn còn, nhưng bánh cốm không lót lá chuối mà bọc giấy bóng, vừa tan mùi cốm thơm vừa chóng thiu. Cũng như cốm rời, không thể gói giấy báo mà phải bọc lá sen mới giữ được mùi cốm và cốm mềm lâu. Chớ nhầm cả dốc phố Hàng Than làm nghề bánh cốm Nguyên Ninh. Bây giờ nhiều hiệu cứ mập mờ bánh cốm dốc hàng Than. Như bây giờ đi trong thành phố đếm ít nhất cũng năm bảy quán phở Thìn Bờ Hồ, hỏi đều nói là con cháu ông Thìn. Các cậu, các cô ấy có thể nói thật. Nhưng không phải ông Thìn Bờ Hồ nổi tiếng vì phở ngon. Bây giờ quán phở của con ông bà Thìn vẫn nguyên chỗ Hàng Dầu, khác đâu các quán phở trên Cầu Gỗ. Mà Thìn Bờ Hồ đã được tiếng trước nhất vì giữa những khi Mỹ ném bom trung tâm thành phố, khắp Hà Nội chỉ có mỗi quán ông Thìn bán đến quá nửa đêm. Ở đâu ai thèm phở đêm đều phải vượt còi báo động đến, ông Thìn vẫn điềm nhiên tay bốc bánh, miệng pha trò ví von vằn vèo.

Cũng ít người để ý có cốm Vòng, còn cốm Lủ. Cốm Vòng vẫn làm bằng hạt nếp non cánh đồng Mai Dịch. Năm trước, có bạn cho tôi một gói bỏng cốm, nói rằng cốm Lủ. Thế ra cốm Lủ vẫn còn. Cốm Lủ trẻ con ăn nhiều hay ngứa mép, không biết vì cốm bọc lá dáy hay vì cốm hạt thô. Cốm Lủ không bằng cốm Vòng, Cốm Lủ phơi trắng hạt để nấu chè và rang làm bỏng cốm.

Đấy là quang cảnh quanh phía tây bắc vào ô Cầu Giấy xuống Kẻ Chợ.

2

Đường phía nam đến Đuôi Cá rẽ đôi, tay phải sang ô Cầu Dền, tay trái lên ô Đồng Lầm. Ở ven hồ, những người làng Đồng Lầm gốc dưới Nam tới trú ngụ thành làng nhuộm vải nâu non. Đường cái quan từ kinh đô Huế ra chạy vào trong thành, nơi doanh trại, đồn ải của Pháp và các quan trấn thủ Hà Nội. Trạm công căn thì tạt vào Hà Mai qua băm sáu phố phường. Lính chạy ngựa về qua đấy và trạm Hà Trung nghỉ ở ngoài phường phố vui chơi đất Kẻ Chợ đã rồi mới vào thành.

Bây giờ qua chợ Mơ, không nhận ra quãng nào ở Vạn Thái ngày trước có nhà hát ả đào, bởi vì nhà cửa san sát lên tận chỗ còn có tên là Trại Găng. Trại Găng xưa vắng vẻ chỉ có một ngôi nhà hai tầng bỏ hoang giữa một vườn cỏ lưa thưa mấy cây găng tây lá lăn tăn như lá me - không phải bờ rào găng ta như ở làng quê. Nghe nói cái nhà ấy khi mới làm xong có người chết treo cổ lên xà nhà. Bị xúi quẩy, người ta không ở mà nhà thành buồng cho thuê chứa gái điếm, ngoài vườn găng thì nhốt ngựa nhà đòn đám ma.

Thành phố tựa sườn vào sông Cái. Nhưng con sông lớn quanh năm một mình quằn quại bên lở bên bồi, không giống các sông phía nam, sông Hương, sông Ba lặng im ven bờ lau lách rủ la đà mặt sóng. Đồng đất phía tây bắc thành phố như bán sơn địa, nhưng phía nam ruộng trằm và đầm hồ bát ngát. Những người bán cá rô, cá trê tát được, đơm được ở đầm Sét, đầm Mực, đầm Linh Đường cứ chiều chiều đội cả chũm, cả lờ lên chợ Hôm, nếu đến muộn gặp hôm đuổi chợ lại dạt cả về chợ Đuổi bán quàng quáng cho xong. Mùa lúa chín, làng mạc như lút thấp xuống dưới bóng nước ruộng lúa vàng. Vùng thấp nam Hà Nội nối với rốn nước chiêm trũng mênh mang Ứng Hòa, Phú Xuyên xuống Phủ Lý, Hà Nam.

Đi từ phía nam lên, không thấy thành phố. Hàng quán dọc đường cũng rải rác, như không phải đường vào nơi đô hội. Quán nước chè tươi, chồng bánh dầy nhân đậu mỡ, bánh mật, bánh bột lọc quán Gánh. Người qua lại nghỉ chân, ngồi ghé xuống cái bờ đất trên úp mảnh vầu đã lên nước nhẵn thín, gió đồng rào rạt lùa vào hốc vách đầu hồi, cả cái nhà lều như hú lên, trông ra thấy đàn bồ nông về đậu trắng dưới đồng sâu. Nửa đêm còn nghe tiếng quác quác rời rạc qua, những con giang, con sếu trú đông bay suốt ngày đêm từ phương bắc xuống. Cảm tưởng không phải đã vào tới ngã tư Trung Hiền rồi Kẻ Chợ đây kia, mà vẫn còn lặn lội giữa đồng chiêm trắng nước.

Đến những năm về sau, từ cầu Giẽ lên, mới lô nhô mấy cái lò nung bát Nguyễn Bá Chính, những cái bát chiết yêu để đong canh và bát ăn cơm người ta quen gọi là "bát ông Thiếu", khác bát đàn thô kệch và bát Móng Cái dễ vỡ. Quan Tổng đốc Hà Đông bấy giờ được phong hàm Thái tử Thiếu bảo vốn sính đồ thủ công, đến khi ông Nguyễn Bá Chính mở lò bát, cái tên quan cách vẫn được dân gian gọi gọn là "bát ông Thiếu".

Rồi nhà máy rượu Vạn Vân của ông Đoàn Vạn Vân - nhà rượu Phông Ten đã nới độc quyền nấu rượu ở Đông Dương. Nhà Vạn Vân, nhà Văn Điển mở nhà máy rượu, đóng thuế. Người ta đồn những nhà máy này chỉ đốt rơm cho ống khói khói um lên, làm như đương chạy điện mấy nồi "súp de". Kỳ tình họ đi mua rượu lậu trong các làng quanh đấy, ở Chuôn Tre, ở Cháy, ở Đồng Quan, ở làng Mai những nơi nấu rượu lậu có tiếng, rồi đem về đóng chai, dán nhãn hiệu. Mặc dù Tây đoan vẫn ráo riết lùng bắt rượu, phạt tiền phạt tù, nhưng làng nước vẫn nấu vẫn uống rượu chui mà bấy giờ gọi là rượu ngang.

Đường phía nam lên bằng phẳng âm thầm giữa các lũy tre và đầm nước, nhưng các làng làm ruộng đều có nghề phụ lúc nông nhàn. Nấu rượu, làm tương, thợ mộc, thợ xẻ, thợ tiện, đan quạt, nặn nồi...

Ở Nhị Khê, tên nôm là làng Dũi, từ xa xưa lẫy lừng danh nhân Nguyễn Trãi và thời cận đại, các nhà nho liệt sĩ Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến, làng Nhị Khê còn nổi tiếng nghề tiện. Mọi vật dụng bằng gỗ mít hàng ngày, từ quê ra tỉnh: đọi đèn, cây nến, mâm bồng, đế bát hương, mâm gỗ, bát điếu, đũa sơn, lồng oản, đấu đông gạo đều do tay người thợ tiện Nhị Khê. Nghề tiện làng Dũi còn được người làng đem đi khắp nước, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn... Ngoài Kẻ Chợ có cả một phố làm nghề tiện, gọi là phố Hàng Tiện. Ở cửa hàng, người thợ đứng bào đạp bàn xoay, được hàng thì bày bán ngay trước cửa gian nhà nông lòng, mọi người làm cũng ăn ngủ ngay đấy. Phố Hàng Tiện trên đầu phố Hàng Gai. Năm 1946, quân Pháp đánh vào khu phố, đã phá mất phố Hàng Tiện và một bên phố Hàng Gai bị san bằng. Phố Hàng Tiện bây giờ thành đường cái.

Đoàn tàu hỏa đêm xuôi về nam, rời ga Hàng Cỏ qua ô Đồng Lầm lướt ra giữa hai bên hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu, còi tàu chào Hà Nội rúc một hồi còi dài. Trông hai bên đường, tưởng như đã đương vào vùng chiêm chan chứa đồng nước.

3

Con đường thập đạo phong quang vào cửa Nam nhưng các làng quanh hồ Tây vào Kẻ Chợ chỉ là đường ven thành, đường tắt của những phường làm các nghề hàng ngày đi chợ nơi đô hội từ thời truyền thuyết người bán dầu ở Cáo... những con đường đất nho nhỏ vào chợ Cầu Đông, chợ tơ Hàng Đào.

Miếu thờ ông Dầu bà Dầu ở ngã ba chợ Bưởi. Vợ chồng Võ Phục ngụ phường Tây Quả (Xuân Tảo) ngày ngày quảy dầu thắp vào bán trong Kẻ Chợ. Tích xưa kể rằng đi đến ngã ba sông Thiên Phù, bị quân quan giữ lại rồi ném xuống sông, để ứng vào điềm đã bói ra là đổi mạng người để chữa bệnh mắt cho nhà vua. Thế là hiển thánh, người bản địa lập đền thờ ông Dầu bà Dầu, bây giờ trong làng Yên Thái vẫn còn dòng họ Vũ.

Thành Đại La cao ngất bên ngã ba sông. Sau này, nhà Nguyễn và người Pháp mới hạ tường thành thấp xuống làm đường trên (Hoàng Hoa Thám) và đường dưới (Thụy Khuê), như bây giờ.

Hết chợ Bưởi đến chợ Cầu Dài qua cống Đõ, lại ra tha ma và cánh đồng. Sông Tô Lịch thông đến hồ Tây qua cống Đõ. Ngày trước sông Tô Lịch có tên là sông Chảy Ngược bởi nhánh chỗ sông này. Nguyên vì đến mùa mưa, nước lên to chảy vào hồ. Tới mùa cạn, nước trong hồ lại đổ ra.

"Sông Tô Lịch phía đông thành là phân lưu của sông Nhị chảy theo phía bắc thành vào cửa cống thôn Hương Bài, chuyển sang phía tây đến xã Nghĩa Đô đông huyện Từ Liêm vào các tổng huyện Thanh Trì, quanh co gần sáu mươi dặm vào sông Nhuệ" (Đại Nam Nhất thống chí).

Chỗ "cống thôn Hương Bài" ấy là cửa Hà Khẩu thế kỷ trước. Về sau, cửa sông bị cát vùi, thuyền bè không vào bến được. Năm 1889, tòa thị chính thành phố lấp hẳn cửa sông, dòng sông còn lại trong thành hóa ra cái cống nước thải chảy ngầm dưới đường các phố Hàng Lược, Cửa Bắc, vườn sở Ươm Cây đầu làng Thụy. Đến đấy con sông ra lộ thiên chảy qua làng Thụy về vùng Bưởi như sách Đại Nam đã ghi. Nhánh sông Hồng này xưa kia trên bến dưới thuyền không thể tưởng tượng được bao nhiêu năm sau lại là cái cống nước lầy lội, hôi thối, tối đến, muỗi bay ra như rắc trấu vào các làng hai bên bờ.

Vùng Bưởi ra Kẻ Chợ là đường tắt nên không có cửa ô. Có cái cổng Rong cuối làng Thụy chỉ như cổng phường trong Kẻ Chợ. Chiều đến, tuần phiên kéo những cành rong rấp lối đi lại. Rồi thành phố mở dần ra vùng hoang vu này. Vườn Bách Thảo - vườn Bách Thú, với sở Ươm Cây, nơi cấy hoa và ươm cây giống trồng các đường phố, công sở và công viên. Lại mọc lên các nhà máy. Dưới làng Thụy: sở xe điện, nhà máy giặt, nhà máy thuộc da. Ở đường trên, nhà máy bia, bãi Quần Ngựa, trường nữ học công giáo La Cooc Đe, trường thần học bên Liễu Giai - mà thường gọi nhầm là nhà thờ Liễu Giai.

Thời kỳ này bắt đầu có đường xe điện Bưởi - Bờ Hồ dài sáu cây số. Các làng trên Kẻ Cáo, Kẻ Đàn, trong Kẻ Noi ra Kẻ Bưởi, nô nức lên tàu điện ra xem Kẻ Chợ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro