64. Tiếng trống

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tối tháng mười vừa rồi trên hồ Bẩy Mẫu, nhà tạo mốt thời trang Kansai người Nhật Bản đã đạo diễn một đêm "Chào Việt Nam" thật lộng lẫy. Suốt cuộc vui, trong ánh điện bóng đêm bóng nước tiếng trống zanpa ufufichi nổi nhịp một điệu phập phồng rộn rã, như tiếng cả một cánh đồng ếch ộp nhảy trong mưa.

Tiếng trống đã ăn ở với con người từ hoang sơ trên trái đất châu Á, châu Phi, châu Mỹ - tiếng trống ở đất nước ta cũng từ thuở ấy. Trống Việt Nam, khắp chợ cùng quê, những kiểu trống và bao nhiêu tiếng trống khác nhau: trống cái, trống con, trống cơm, trống khẩu... mặt trống bịt da trâu, da bò, tang trống gỗ mít đẽo cong vát, dùi trống bằng gỗ duối, tiếng âm ngân ngư thầm thì trong quãng rỗng lòng thùng trống.

Trống to có hai loại: trống cái, trống đại. Ở đám rước, tang trống đại sơn son thiếp vàng đặt trên xe người kéo thong thả, sánh đôi với cái chiêng đồng vành to bằng chiếc nia cũng ngự xe lăn. Hai người cầm chiếc dùi lót khăn điều múa lên, lượn một vòng rồi nện xuống chiêng, xuống mặt trống: Tùng...bi li... Tùng...bi li... uy nghiêm, nhịp nhàng. Cũng đám rước ấy, trong phường bát âm, một bọn cả chục người đeo trống cà rùng trước bụng áo, tay cầm đôi dùi bằng chiếc đũa cả. Rinh rinh... tùng rinh... (trống cà rùng, gọi bắt chiếc tiếng trống). Ấy là chưa kể tung tăng khuấy nhộn khắp đám một anh chàng "đĩ đánh bồng" má đỏ môi hồng, yếm độn vú to bằng quả dừa, mắt liếc đong đưa, hai bàn tay khẽ vả vào mặt cái trống cơm dài ngoẵng buộc trước nút thắt lưng, nảy ra từng tiếng bung bùng bung ngẩn ngơ.

Những đám ma cũng có tiếng trống. Cà rùng, nhị, sinh tiền kèn già nam ai oán tiễn đưa. Tiếng xinh của ông chấp hiệu cho lệnh đô tùy khiêng nhà táng, hạ vai lên vai. Tiếng trống cái sai khiến cả đám ma, từ các vãi đội cầu vồng cầm phướn đến người nhà đương khóc lóc rũ rượi đều nghe hiệu trống, đám lên đường, đám tới chỗ nghỉ, đám sắp hạ huyệt...

Hàng ngày, trống báo công việc làng nước. Ngoài đình, trống cái một hồi, hai hồi, mấy tiếng biết đến ngày sóc, ngày vọng mà lên đèn nhang. Trống báo có quan về, việc mừng, việc buồn hay là trống hội làng, trống tế. Các làng Mường trên Hòa Bình ở đầu nhà trưởng thôn treo cái trống. Trong xóm nghe tiếng trống biết xóm nào đến phiên đi hầu nhà lang và trống của nhà lang thay câu nhắn mời tiệc lang anh, lang em...

Ở trường học, trống vào học, trống tan học, trống ra chơi. Bây giờ nhiều trường phổ thông vẫn giữ trống theo lệ xưa.

Hội làng tiếng trống lẫn tiếng kèn, tiếng sáo đám hát tuồng, hát chèo. Trống cầm trầu những đêm vui ở sân đình. Cắc... tùng... Cắc cắc... tùng tùng. Là khen, là chê đấy. Tiếng trống đập nghiêng ngả roi chầu của các quan viên làng chơi nghe hát ả đào, nhịp đàn nhịp phách với lời hát. Tom chát... tom tom chát... tiếng trống chầu nhắc nhở hay nhắc khéo, hay thưởng, hay phạt rượu, hay tỏ tình...

Tháng tám chơi trăng, trẻ con gõ trống bỏi tong tong, ròn rã. Thanh niên trai gái thì hát trống quân. Bên hát đố, hát thách, bên hát giải, vừa hát vừa gõ vào chiếc thùng sắt có sợi dây căng, tiếng thì thầm... thình... thùng thình... Thời cổ chưa có thùng sắt tây, các cụ hát trốn quân thì vỗ trống nào, ấy là trống cơm, trống bỏi.

Cả mùa hè và tháng bảy đầu thu, các nhà đều cúng cháo. Bài cúng cháo "Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt" nghe đã nao lòng, ông thầy đánh trống, gõ tiu gõ cảnh, các vãi cầm bát lấy đũa gảy cháo hoa loang ra những chiếc lá đa cắm bờ bụi xung quanh. Chút cháo lá đa cho vong linh cô hồn chết đường chết chợ về hưởng hạt ngọc thực.

Tiếng trống canh đêm trên tường đồn khắc khoải. Tiếng trống ngũ liên gõ lúc nào nghe cũng rợn. Gọi là năm tiếng, nhưng một nhịp liền liền ba tiếng một. Tùng... tùng... tùng... Nửa đêm, tiếng ngũ liên nổi xa xa cuối đồng. Trống điếm canh đầu làng nào báo trong xóm cháy nhà hay có cướp. Ban ngày trống ngũ liên sởn gai ốc là trống ngoài đình thúc thuế, trống bắt lính, trống mùa nước gọi phu canh đê.

Trống đám ma, trống ngũ liên, người nghe không kịp nhớ tiếng trống buồn, còn có những tiếng trống thật hiu hắt, buồn thiu, tiếng trống ở điếm canh. Trống thu không hết chiều vào đêm, rồi trống canh một sang canh năm, trống vào canh, sang canh, tàn canh. Từng tiếng văng vẳng, rời rạc rơi trong đêm. Từ bao nhiêu năm xưa, tiếng trống canh của lính thú, tiếng thu quân, tiếng thúc quân ngoài ải xa. "Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt. Khói Cam Toàn mờ mịt thức mây".

Cái trống và tiếng trống nghìn đời. Nhưng không còn biết thật rõ cách đánh trống đồng thế nào. Đến bây giờ thanh gỗ để đánh trống vẫn gọi là dùi trống, hai tiếng cổ "dùi trống" để lại một hình ảnh: cái dùi thúc xuống đâm mặt trống như giã gạo, có phải đấy là cách đánh trống đồng.

Tiếng trống, tiếng trống muôn thuở vào tâm hồn và kỷ niệm với thói quen của mọi người. Có tiếng trống ở biển Bắc thì có tiếng trống xôn xao ở biển Đông.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro